HỒ CHÍ MINH - BIÊN NIÊN TIỂU SỬ

TẬP 2 - Giai đoạn: 1930 - 9/1945

Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 2, giới thiệu những sự kiện cơ bản về những hoạt động sôi động, phong phú trong cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, từ đầu năm 1930, khi thành lập Đảng đến tháng 9-1945, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời.

Với 400 sự kiện, tập sách phác hoạ theo trình tự thời gian những hoạt động của Người qua các thời kỳ:

- Thời kỳ thống nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam, thành lập chính đảng duy nhất của giai cấp vô sản và hoàn chỉnh dần đường lối cách mạng của nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng;

- Thời kỳ bị bắt giam và xét xử tại Toà án tối cao Hồng Kông;

- Thời kỳ ở Liên Xô: học tập tại Trường Quốc tế Lênin, tham gia Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản và làm việc tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa;

- Thời kỳ trở lại hoạt động tại Trung Quốc, chắp nối liên lạc để về nước hoạt động;

- Thời kỳ về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Trong thời kỳ này có hai giai đoạn Người sống ở nước ngoài, khi bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch giam giữ tại Quảng Tây và thời gian ngắn hoạt động ngoại giao tại Côn Minh.

Tập sách kết thúc bằng sự kiện trọng đại: Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Mười lăm năm ấy cũng là thời gian mà Người phải trải qua nhiều gian khổ và cả những đau khổ về thể chất lẫn tinh thần trong cuộc đấu tranh đầy gian truân và hy sinh to lớn của mình. Hai lần bị giam cầm trong xà lim và ngục tù của bọn đế quốc phản động, cả hai lần đều bị ốm nặng và có tin đã chết (!). Trong việc đấu tranh để xác lập và bảo vệ đường lối cách mạng đúng đắn chống mọi khuynh hướng “tả” và hữu trong Đảng ta và trong Quốc tế Cộng sản, Người đã bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì giữ vững quan điểm sáng tạo, đúng đắn của mình. Bằng dũng khí và trí tuệ, với sự tế nhị khéo léo, với ý thức tổ chức, kỷ luật, Người đã phấn đấu quyết liệt và bền bỉ để Đảng, do Người sáng lập, đi đúng đường lối mà Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định và ngày càng lớn mạnh. Vì vậy, mới mười lăm tuổi, Đảng đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập và đánh đổ chế độ quân chủ mười mấy thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hoà. Thật đúng là:

“Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao,

Mười lăm năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình!”

MỤC LỤC:

LỜI GIỚI THIỆU:

“Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao,

Mười lăm năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình!”

Nhưng cũng chính hoàn cảnh hoạt động bí mật cùng những năm tháng tù đày nói trên đã khiến cho việc sưu tầm tài liệu gốc về tiểu sử Nguyễn Ái Quốc thời kỳ này trở nên khó khăn. Tài liệu gốc cực kỳ hiếm hoi. Hơn nữa, việc lưu trữ quản lý những tài liệu gốc ở nước ta hiện nay còn khá phân tán và điều kiện tra cứu cũng rất hạn chế. Nhóm biên soạn mới chỉ được tiếp xúc một phần tư liệu về Nguyễn Ái Quốc tại Cục Lưu trữ Trung ương thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin Liên Xô (trước đây). Một phần không nhỏ tài liệu quý khác về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đang nằm tại nhiều cơ quan lưu trữ ở Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác... đến nay Nhóm biên soạn vẫn chưa có điều kiện tiếp xúc, khai thác.

Đã có một số hồi ký cách mạng của các đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng, hoặc những bài viết dựa theo lời kể của những người đã từng được Bác dìu dắt khi hoạt động cách mạng, có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Song, các hồi ký thường không đưa ra được ngày tháng cụ thể - điều hết sức quan trọng đối với biên niên tiểu sử - hơn nữa vì những lý do khác nhau, nhiều khi có những nhầm lẫn. Việc sử dụng các hồi ký vì thế cũng gặp không ít khó khăn.

Các sách chuyên khảo có giá trị khoa học của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cũng đã được khai thác ở mức độ cần thiết, lựa chọn hết sức thận trọng.

Việc sử dụng và khai thác nguồn tư liệu đã tuân thủ các nguyên tắc và quy định chung của bộ Biên niên tiểu sử được trình bày trong Lời giới thiệu chung. Khi vận dụng vào tập 2, Nhóm biên soạn đã bổ sung thêm một số chi tiết cụ thể:

1. Đối với các cuốn sách được tái bản nhiều lần có sửa chữa, thì sử dụng bản mới nhất. Đối với cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên, chúng tôi sử dụng bản tiếng Việt in năm 1994 và kết hợp sử dụng bản Trung văn Hồ Chí Minh truyện do Trương Niệm Thức dịch, xuất bản ở Thượng Hải tháng 6-1949. Về cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện của T. Lan thì sử dụng bản in năm 1994.

2. Khi sử dụng tài liệu theo sách của các nhà nghiên cứu nước ngoài, chúng tôi vừa ghi chú nơi lưu trữ tài liệu mà họ đã khai thác, vừa ghi rõ tác giả, tên sách.

3. Với một số sách, báo khác, dù độ tin cậy chưa cao, song cũng có một vài sự kiện đưa ra được những tư liệu mới, phù hợp với lôgíc hoạt động và cuộc đời của Nguyễn Ái Quốc, thì Nhóm biên soạn đã xử lý, xác minh, chọn lọc để đưa vào tập 2 này.

Trong việc xác minh thời gian và địa điểm hoạt động của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau khi Người về nước, chúng tôi đã sử dụng phương pháp khảo sát thực địa, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử có đối chiếu, so sánh để làm cho nguồn tư liệu được chính xác.

Lần xuất bản này đã bổ sung, sửa chữa nhiều sự kiện, đưa lên tổng số: 400 sự kiện, 21 chú thích 28 chỉ dẫn tên người. Chất lượng bản thảo cũng được nâng lên, khoảng trên 40% số sự kiện được sửa chữa, bổ sung về nội dung, làm cho nội dung sự kiện được phong phú, chính xác hơn. Tài liệu được bổ sung nhiều nhất là các thời kỳ Người hoạt động ở Trung Quốc, đặc biệt trong thời kỳ Người bị giam tại Sở Cảnh sát Hồng Kông, nhà tù Víchtôria và trong thời gian xét xử tại Tòa án tối cao Hồng Kông. Hầu hết các năm đều có sự kiện bổ sung, sửa chữa, trong đó năm 1931 được bổ sung nhiều nhất, đưa tổng số sự kiện trong năm lên gần 30 sự kiện so với 12 sự kiện của lần xuất bản đầu tiên. Các sự kiện mới được bổ sung đều có nguồn tin cậy.

Trong quá trình xây dựng bản thảo, Nhóm biên soạn đã nhận được sự cộng tác nhiều mặt của các PGS, TS. Nguyễn Đình Lễ; PGS, TS. Nguyễn Ngọc Cơ; sự giúp đỡ về tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, Cục Lưu trữ Nhà nước và sự phối hợp, cộng tác có hiệu quả của nhiều cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng thuộc Tỉnh uỷ các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Bắc Kạn...; của GS. Đinh Xuân Lâm, PGS. Hồ Song và các đồng chí Hoàng Tùng, Nguyễn Thành cùng nhiều học giả, nhà nghiên cứu khác đã đọc và góp nhiều ý kiến bổ ích cho lần xuất bản thứ nhất. Nhóm biên soạn trân trọng bày tỏ lòng biết ơn chân thành.

Tuy đã có nhiều cố gắng trong công tác biên soạn, song khó tránh khỏi những thiếu sót, chưa thể làm thoả mãn được yêu cầu cao của giới nghiên cứu, của đồng bào, đồng chí trong nước và bạn bè quốc tế.

Chúng tôi rất mong nhận được những góp ý chân thành của các cán bộ lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu, cùng đông đảo bạn đọc gần xa để những lần xuất bản sau được tốt hơn.

* Năm 1930

NĂM 1930

Tháng 1, một buổi chiều ngày đầu tháng

Nguyễn Ái Quốc đến Thượng Hải (Trung Quốc) hẹn gặp Nguyễn Lương Bằng. Người dẫn đồng chí Bằng đi dạo quanh mấy phố, hỏi han về tình hình công nhân, binh lính, về chỗ ở và tình hình hoạt động của đồng chí Bằng, đã bị lộ chưa. Người căn dặn đồng chí Bằng: "Tôi ở đây chỉ vài ngày... Hôm nay chỉ cốt gặp nhau thôi, hẹn hôm sau nói chuyện lâu. Đồng chí công tác cố gắng đấy, nhưng phải cẩn thận. Nó đang khủng bố riết".

- Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 152.

Tháng 1, buổi sáng hôm sau

Theo lời hẹn, Nguyễn Ái Quốc gặp Nguyễn Lương Bằng tại một căn buồng thuê vào hạng rẻ tiền trong một khách sạn ở Thượng Hải. Người mời đồng chí Bằng ở lại ăn cơm để có thời gian trò chuyện. Người dặn đồng chí Bằng: "Hoạt động trong binh lính phải rất thận trọng. Anh em hăng nhưng trong tay sẵn có vũ khí thì dễ manh động".

- Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 153.

Tháng 1, đầu tháng

Nguyễn Ái Quốc viết thư cho Nguyễn Lương Bằng, hẹn đến thư viện ở đường Nam Kinh. Cuối thư có câu: "Đến thư viện phải ăn mặc tươm tất, đi vào phải cho êm". Khi đến thư viện, đồng chí Bằng mới hiểu hết ý nghĩa dặn dò trong thư của Nguyễn Ái Quốc và được chỉ dẫn thêm: "Phong trào bây giờ lên khá cao, công việc của đồng chí thì nhiều, một mình làm không xuể. Phương tiện cũng ít ỏi. Muốn đẩy mạnh công tác, phải có sự giúp đỡ của Đảng anh em. Người cộng sản bất kỳ hoạt động ở nước nào cũng phải chịu sự lãnh đạo của Đảng ở đấy" 1).

- Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 153.

Tháng 1, đầu tháng

Nguyễn Ái Quốc liên lạc được với cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Hồng Kông và được sự giúp đỡ của các đồng chí Trung Quốc.

- Nhiêu Vệ Hoa: Nhớ lại việc tôi tham gia cách mạng. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 43.

Tháng 1, khoảng giữa tháng

Tại cơ quan bí mật của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc tiếp Nhiêu Vệ Hoa2).

Người thông báo về mục đích chuyến công tác là để thống nhất các tổ chức cộng sản của Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản.

- Nhiêu Vệ Hoa: Nhớ lại việc tôi tham gia cách mạng. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 43.

Tháng 1, cuối tháng

Tại nơi ở của mình, Nguyễn Ái Quốc tiếp Lý Phú Xuân và Thái Sướng đến thăm.

- Nhiêu Vệ Hoa: Nhớ lại việc tôi tham gia cách mạng. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 43.

Tháng 2, trước ngày 3

Tại nơi ở của mình, Nguyễn Ái Quốc tiếp Nhiêu Vệ Hoa và một nữ đồng chí3) của cơ quan Tỉnh uỷ Quảng Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhiêu Vệ Hoa đã chúc mừng việc triệu tập Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam.

- Nhiêu Vệ Hoa: Nhớ lại việc tôi tham gia cách mạng. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 43.

Tháng 2, từ ngày 3 đến ngày 7

Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam1.

Hội nghị được tiến hành từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930 (từ ngày 5 đến ngày 9 tháng Giêng năm Canh Ngọ). Buổi đầu tổ chức tại một căn phòng của một công nhân nghèo, sau đó chuyển qua một số địa điểm khác ở Cửu Long (Hồng Kông, Trung Quốc).

Đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, chi bộ của những người cộng sản Việt Nam ở nước ngoài, đã tham dự Hội nghị 4).

Hội nghị đã nhất trí với đề xuất của Nguyễn Ái Quốc về việc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua những văn kiện chính thức của Đảng - Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt...- do Người khởi thảo. Nội dung của các văn kiện này xác định cách mạng Việt Nam là “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"; "thâu hết sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng,v.v.) của tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho chính phủ công nông binh quản lý"; "Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông… trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến, v.v...) thì phải đánh đổ”, “không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thoả hiệp”, “phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp”. Các văn kiện này là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 1-7.

- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 68.

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t. 2, tr. 4-5.

Tháng 2, khoảng từ ngày 5 đến ngày 8

Nguyễn Ái Quốc “đãi” các đại biểu một bữa cơm nhân dịp Tết Nguyên đán, vừa tiết kiệm vừa linh đình, nhân sự kiện thành lập Đảng.

- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 35.

Tháng 2, ngày 13

Nguyễn Ái Quốc rời Hồng Kông.

- Bản chụp Báo cáo của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản, ngày 18-2-1930 (viết bằng tiếng Anh), lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 17.

Tháng 2, ngày 18

Nhân sự kiện lịch sử thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản2 và Đảng Cộng sản Việt Nam viết Lời kêu gọi gửi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột.

Mở đầu, Người viết:

“Nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản giải quyết vấn đề cách mạng ở nước ta, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và thấy có trách nhiệm phải gửi tới anh chị em và các đồng chí lời kêu gọi này”.

Sau khi tố cáo sự áp bức và bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp, Người kêu gọi: “Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng” để đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng, làm cho nước An Nam được độc lập, thành lập Chính phủ công - nông - binh,… đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân, thực hành giáo dục toàn dân, thực hiện nam nữ bình quyền.

Cùng ngày, Nguyễn Ái Quốc viết Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản (viết bằng tiếng Anh).

Báo cáo gồm các mục sau:

A/ Vài nét về hoạt động của Người trong năm 1928-1929 (những hoạt động với Việt kiều ở Xiêm).

B/ Công tác của Người ở Lào (tình hình Việt kiều).

C/ Đi về An Nam (hai lần cố gắng về nước song phải quay trở lại).

D/ Tới Trung Quốc (đến ngày 23-12-1929, triệu tập hai nhóm Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng, họp vào ngày 6-1-1930, tiến hành hợp nhất và thành lập Đảng; các đại biểu về nước ngày 8-2-1930).

E/ Công tác của Trung ương mới (tổ chức các tổ chức quần chúng,...).

F/ Những lực lượng của chúng ta: 5 tổ chức chính trị ở Đông Dương: Đảng Lập hiến, Đảng Tân Việt, Quốc dân Đảng, Hội An Nam Thanh niên Cách mạng, Đảng Cộng sản.

G/ Phong trào đình công.

H/ Khủng bố trắng.

I/ Kinh tế và chính trị nói chung.

J/ Những kiến nghị (về mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng bộ Xanhgapo, Đảng Cộng sản Trung Quốc).

K/ Một số vấn đề khác.

L/ Trong lời nhắn thêm, Người viết: "Tôi rời Hồng Kông vào ngày 13-2. Cho tới khi đó tôi không nhận được tin tức gì từ Pháp và hai đồng chí An Nam. Tôi rất lo lắng về họ" 5).

Sau báo cáo có kèm Lời kêu gọi gửi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh, anh chị em bị áp bức, bóc lột. Cuối cùng là mấy dòng tái bút với chữ ký tắt N.A.Q.

- Bản chụp bút tích tiếng Anh, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 11-18.

Tháng 2, ngày 27

Nguyễn Ái Quốc viết một số bức thư.

Trong Thư gửi đại diện Tổng Công hội thống nhất Pháp ở Quốc tế Công hội, Người yêu cầu đồng chí đại diện “hỏi Đảng bộ về việc gửi các báo và tạp chí của Đảng cho chúng tôi… Đồng thời gửi cho chúng tôi một tờ báo tư sản của nước các đồng chí để cãi với cảnh sát nếu chúng phát hiện chúng tôi nhận báo chí cộng sản”.

Cuối thư, Người thay mặt Đảng Cộng sản Đông Dương, ghi địa chỉ của mình: Ông Lý, Hương Cảng tiểu dạ báo, số nhà 53, phố Uynhêm, Hồng Kông.

Trong Thư gửi Văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Đức ở Quốc tế Cộng sản (viết bằng tiếng Pháp), Người đề nghị xin cho Người một giấy chứng nhận là phóng viên báo Thế giới (Die Welt) - một tờ báo không mang cái tên “có tính chất lật đổ”, với “Tên của tôi sẽ là L.M. Vương” để có một nghề nói với người khác trong hoàn cảnh sống không hợp pháp.

Cuối thư, Người ghi địa chỉ “để gửi giấy chứng nhận”: ông Tiết Nguyệt Lâm, Hoa Phong công ty, số nhà 136, đường Wan Chai, Hồng Kông.

Trong Thư gửi đại diện Đảng Cộng sản Pháp ở Quốc tế Cộng sản (viết bằng tiếng Pháp), Nguyễn Ái Quốc thông báo “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập”, yêu cầu “cho chúng tôi một tủ sách” và hướng dẫn cách gửi. Người đề nghị các đồng chí Pháp “cho chúng tôi biết tên những con tàu chạy đường Pháp - Viễn Đông trên đó có các đồng chí Pháp làm việc và cho chúng tôi biết tên các đồng chí đó để chúng tôi có thể bắt liên lạc với họ”, yêu cầu Trường đại học Phương Đông3 “không nhận các đại biểu hoặc học sinh An Nam nào không có sự giới thiệu của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Coi như bước đầu của sự hợp tác giữa hai Đảng, Người đề nghị “Đảng Cộng sản Pháp công bố một bức thư góp ý kiến với Đảng Cộng sản Việt Nam và ra lời kêu gọi lính Pháp ở Đông Dương”.

Trong thư có đoạn yêu cầu được làm rõ vị trí của Nguyễn Ái Quốc, thời hạn và vị trí mà Quốc tế Cộng sản giao cho Người hiện đã hết chưa: “Lúc này tôi chưa biết rõ vị trí của tôi. Tôi hiện là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp hay Đảng Cộng sản Việt Nam? Cho đến khi có lệnh mới, tôi vẫn phải chỉ đạo công việc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng với danh nghĩa gì? Tôi không tham gia Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vì tôi chưa trở về Đông Dương được, nhất là lúc này, chúng đã ban cho tôi một cái án tử hình vắng mặt. Sự uỷ nhiệm công tác của Quốc tế Cộng sản cho tôi đã hết hạn chưa?… Tôi đề nghị các đồng chí nhắc Ban Thường vụ Quốc tế Cộng sản cho quyết định về việc này”.

Cuối thư, Người đề nghị các đồng chí Pháp công bố trên báo LHumanité và tập san Inprekorr Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, và thông báo địa chỉ gửi thư: Gửi cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đề trên phong bì: Ông Vícto Lơbông, 123 - Đại lộ Cộng hoà, Pari, Pháp. Về sách báo thì gửi theo địa chỉ: Ông Lý, Hương Cảng tiểu dạ báo, số nhà 53, phố Uynhêm, Hồng Kông. Thư cũng đặt các vấn đề vị trí của Nguyễn Ái Quốc lúc này - đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, hay Việt Nam, danh nghĩa chỉ đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, thời hạn uỷ nhiệm của Quốc tế Cộng sản đối với Nguyễn Ái Quốc đã hết chưa...

Trong Thư gửi Văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Mỹ, Người đề nghị gửi báo và tạp chí của Đảng và một tờ báo tư sản “để cãi với cảnh sát nếu chúng phát hiện chúng tôi nhận báo Đảng".

Trong Thư gửi đồng chí Sôta 6). Liên đoàn chống đế quốc - Béclin, Nguyễn Ái Quốc báo tin: “Tôi đang ở Trung Quốc”, “Đảng đã được thành lập ở Đông Dương” và đề nghị đồng chí Sôta gửi cho Người Điều lệ, Cương lĩnh, tài liệu của Liên đoàn (chống đế quốc), đồng thời cũng thông báo sẽ gửi cho đồng chí những phong bì để đề nghị đồng chí chuyển cho báo Gudok (Tiếng còi), Pravda (Sự thật), Inprekorr(Thư tín quốc tế) theo các ký hiệu trên phong bì.

Cuối thư, Người “Gửi tới đồng chí và Anna những kỷ niệm cách mạng thân mến”, ký tên: Pôn.

Thư gửi Quốc tế Công hội đỏ (viết bằng tiếng Anh), ký tên Nguyễn Ái Quốc, có nội dung và địa chỉ giống bức thư thứ nhất.

Trong Thư gửi Văn phòng Đảng Cộng sản Mỹ ở Quốc tế Cộng sản (viết bằng tiếng Anh), Nguyễn Ái Quốc yêu cầu gửi sách báo, tài liệu của Đảng Cộng sản Mỹ tới Hồng Kông để sử dụng trong công tác tuyên truyền. Địa chỉ ở cuối thư cũng ghi như bức thư trên.

- Bản chụp bức thư, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 19-26.

Tháng 2, ngày 28

Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi Văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Anh ở Quốc tế Cộng sản (viết bằng tiếng Pháp).

Nguyễn Ái Quốc đề nghị gửi cho Người báo La Vie Ouvrière (Đời sống công nhân) và tạp chí của Quốc tế Công hội đỏ, đồng thời gửi cho Người bất kỳ một tờ báo tư sản nào để “chối cãi nếu cảnh sát thấy rằng chúng tôi nhận các báo chí “lật đổ””.

Cuối thư, Người viết: gửi "Lời chào cộng sản thân ái. Thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam (Đông Dương)”. Ký tên Nguyễn Ái Quốc và ghi địa chỉ như sau:

Ông Lý, Hương Cảng tiểu dạ báo, số nhà 53, phố Uynhêm, Hồng Kông.

Cùng ngày, Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi các đồng chí Liên Xô nói ý định giới thiệu về nước Nga cho những người Việt Nam chỉ biết tiếng Việt một quyển sách có tên "Những kỷ niệm về cuộc du lịch của tôi" một cách “sinh động, hấp dẫn, dễ đọc và có nhiều mẩu chuyện”. Người nêu Đề cương cuốn sách, gồm các phần: I. Trước cách mạng; II. Trong cuộc cách mạng; III. Ngày nay. Người yêu cầu cung cấp tài liệu theo địa chỉ "Gửi ông Vícto Lơbông, 123 - Đại lộ Cộng hoà, Pari, Pháp", với câu ghi: “Nhờ chuyển ngay tức khắc”.

- Bản chụp bức thư, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 30; 27-29.

- Bút tích tiếng Pháp, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 3, ngày 2

Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Phương Đông (Quốc tế Cộng sản) báo cáo về tình hình Mã Lai, Đông Dương; về việc gửi ba học sinh đi học; hỏi ý kiến của Ban Phương Đông về “đề nghị của tôi xin chuyển” và cho biết là “không đọc ra những con số, số kép hay số đơn, tiếng Pháp hay tiếng Anh” và “cho tôi biết lại mã chữ khoá”.

Cuối thư, Người đề nghị “có thể mua hối phiếu của công ty xe lửa tốc hành Mỹ đề tên T.V. Wang và gửi bưu điện cho tôi”, “giao các sốInprekorr cho người bạn tôi”, và nhắc lại việc liên hệ với công ty hàng hải Pháp để liên lạc về Đông Dương...

Cùng ngày, Người còn viết thư (bằng tiếng Pháp) báo cáo với Quốc tế Cộng sản về việc Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đã hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam; một Ban Chấp hành lâm thời đã được bầu và thông báo về tình hình cuộc bạo động Yên Bái nổ ra ngày 9-24.

Cùng ngày, Người còn viết thư gửi Lê Hồng Phong thông báo: Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đã hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đã cử Ban Chấp hành lâm thời để phụ trách công việc. Đảng bao gồm trên 500 đồng chí với hơn 40 chi bộ, hơn 3000 quần chúng...

- Bản chụp các bức thư, lưu tại Viện Hồ Chí Minh và Viện Lịch sử Đảng.

- Tạp chí Xưa và Nay, số 31, tháng 9-1996, tr. 33.

Tháng 3, ngày 5

Nguyễn Ái Quốc viết Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về phong trào cách mạng ở An Nam (bằng tiếng Anh).

Báo cáo trình bày những phong trào yêu nước từ khi đế quốc Pháp xâm lược Việt Nam cho đến khi thành lập Đảng. Trước năm 1905, phong trào là “một sự hỗn hợp giữa chủ nghĩa phản đế, chống công giáo và Cần vương". Từ năm 1905, thắng lợi của Nhật đối với Nga, ảnh hưởng của “nền văn học cải lương Trung Hoa”, đã đưa “tinh thần dân tộc An Nam lên cao độ”, tiếp đó là cuộc Đông du. Năm 1908, một cuộc bãi công của nông dân nổ ra trong toàn quốc - “cuộc bạo động của những anh em tóc ngắn” - bị khủng bố. Năm 1910, xảy ra “cuộc đầu độc" binh lính Pháp ở Hà Nội. Tiếp đó là các cuộc bạo động Thái Nguyên, khởi nghĩa Duy Tân, việc mưu sát Toàn quyền Méclanh, phong trào đòi thả Phan Bội Châu, sự ra đời, hoạt động và chia rẽ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Phong trào cách mạng phát triển rầm rộ và bị đế quốc thực dân Pháp khủng bố và “ngày nay các nhóm cộng sản đã thống nhất vào một đảng, hoạt động nhất định sẽ tốt hơn trước nhiều". Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo mạnh mẽ sự đàn áp dã man của chính quyền thuộc địa, ca ngợi tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân và chỉ ra một số thiếu sót của các tổ chức yêu nước, kể cả các tổ chức cộng sản.

Cuối tài liệu, Người khẳng định: “Chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng với kinh nghiệm và lòng hy sinh, với quần chúng ở bên cạnh, những người cộng sản nhất định sẽ chiến thắng”.

- Bản chụp bút tích tài liệu, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 31-38.

Tháng 4, ngày 5

Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi đồng chí ZAO 7) và các học sinh Việt Nam đang học ở Liên Xô.

Sau khi thông báo “trong nước bây giờ đã có Đảng thống nhất vững vàng, không còn những tệ chia lìa ấu trĩ như trước nữa”, Người báo tin sẽ có các đại biểu là công nhân sang Liên Xô dự Đại hội Quốc tế Lao động. Người yêu cầu đồng chí ZAO “phụ trách phần dịch cho các đại biểu đó” và gợi ý những việc phải làm để giúp các đại biểu hoàn thành nhiệm vụ.

Người còn căn dặn: “Tất cả anh em học sinh, nhất là người phụ trách, đối với đại biểu lao động phải tỏ tình rất thân mật. Chớ để người ta trông thấy sự phân biệt trí thức và vô sản"8). Người yêu cầu: “làm sao cho anh em đại biểu hiểu, hăng hái, và yêu mến Xô-Nga, lại có cảm tình với anh em lao động các nước". Và nhắc lại sau Đại hội phải gửi thư về báo cáo qua Ban Phương Đông.

- Bản chụp bút tích tài liệu, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 39-40.

Tháng 4, ngày 10

Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Quốc tế Cộng sản báo cáo tình hình về những ngày đầu đến Xiêm, về việc lập Hội Thân ái,... Phần lớn báo cáo nói về việc hợp nhất Đảng, xây dựng cương lĩnh, vấn đề chiến lược, chiến thuật theo đường lối của Quốc tế Cộng sản, về việc lập ra một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời gồm bảy người chính thức và bảy người dự khuyết...

- Hồ sơ lưu trữ Quốc tế Cộng sản, ký hiệu 495, 154, 612.

- Bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 4, cuối tháng

Nguyễn Ái Quốc đến Đông - Bắc nước Xiêm (ngày nay là Thái Lan). Người báo tin cho một số đồng chí ở đây biết các nhóm cộng sản ở Việt Nam đã thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây Người còn làm nhiệm vụ do Quốc tế Cộng sản giao.

- Lê Mạnh Trinh: Những ngày ở Quảng Châu, in trong cuốn Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 96.

Tháng 4, khoảng cuối tháng

Nguyễn Ái Quốc đến Malaixia làm nhiệm vụ do Quốc tế Cộng sản giao.

- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 72.

Khoảng tháng 4

Tại Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc gặp đồng chí Trần Phú từ Liên Xô trở lại Trung Quốc. Người thông báo cho đồng chí Trần Phú về việc hợp nhất Đảng tháng 2-1930 và đã báo cáo với Chi nhánh Ban Phương Đông ở Thượng Hải, các đồng chí đã nhất trí. Sau đó, phân công đồng chí Trần Phú về Bắc, còn đồng chí Ngô Đức Trì về Sài Gòn.

- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 49.

- Lời khai của Ngô Đức Trì. Tài liệu đánh máy của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng thành phố Hồ Chí Minh. Bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh, tr. 18-19.

Tháng 5, ngày 1

Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Xinhgapo.

- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 72.

Tháng 5, cuối tháng

Từ Xinhgapo, Nguyễn Ái Quốc trở lại Hồng Kông.

- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 72.

Khoảng tháng 7, tháng 8

Tại Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc tham dự một cuộc họp có mặt các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Đỗ Ngọc Du (Phiếm Chu), Lưu Quốc Long để góp ý về công tác vận động binh lính.

Người căn dặn: “Không nên chỉ hô hào thợ thuyền, dân cày chung chung. Không nên nói vô sản một cách cứng nhắc. Trước mắt chúng ta là phải đánh đổ thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Cho nên, phải khơi lòng yêu nước của mọi người. Đối với anh em binh lính, ta nên khêu gợi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, rồi chuyển sang khêu gợi lòng yêu nước, thương nòi. Như thế, mới đi vào lòng người ta được”.

Xem những số báo Kèn gọi lính, Nguyễn Ái Quốc nhắc nhở các đồng chí tại cuộc họp: Không nên dùng chữ khó hiểu, phải viết ngắn, gọn, rõ ràng. Sau đó, Người viết mấy bài cho báo với nội dung yêu nước, ghét thống trị Pháp dưới hình thức văn vần, văn xuôi rất ngắn gọn và dễ hiểu.

- Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 154-155.

Tháng 9, ngày 20

Nguyễn Ái Quốc viết tài liệu Phong trào cách mạng ở Đông Dương, nêu các sự kiện chi tiết về cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân chống đế quốc Pháp ngày càng trở nên quyết liệt. Người không chỉ tố cáo tội ác của đế quốc Pháp đàn áp dã man các cuộc đấu tranh mà còn âm mưu “chuẩn bị tấn công Liên Xô, tấn công cách mạng Trung Quốc và chuẩn bị một cuộc chiến tranh đế quốc trên Thái Bình Dương”. Người kêu gọi công nhân, nông dân toàn thế giới giúp đỡ công nhân, nông dân Đông Dương.

- Tài liệu đánh máy tiếng Nga, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 41-50.

Tháng 9, ngày 29

Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, báo cáo về những cuộc đấu tranh từ ngày 11 đến ngày 17-9 của nông dân Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An.

Người khẩn thiết yêu cầu “các đồng chí làm những việc có thể được để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu”.

Trong thư, Người cho biết: "Ba uỷ viên Trung ương từ Nam Kỳ đã tới đây - ngày 19-9, chờ các đồng chí từ Bắc Kỳ và Trung Kỳ tới" để dự Hội nghị Trung ương vào tháng sau.

Cuối thư, Người báo “đã viết thư sang Xiêm và Mã Lai khoảng một tháng trước đây, nhưng chưa nhận được trả lời”.

Ký tên: Vícto

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 51-52.

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr. 81-82.

Tháng 11, ngày 5

Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi Quốc tế Nông dân (bằng tiếng Pháp) báo cáo về phong trào nông dân từ tháng 5 đến tháng 10-1930 ở bảy tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Vĩnh Long, Sa Đéc, Bến Tre, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho và hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh: “Mặc dầu bị đàn áp dã man, phong trào vẫn tiếp tục phát triển”, "ở một số làng đỏ, Xôviết nông dân đã được thành lập”.

Cuối thư, Người yêu cầu “Quốc tế Nông dân có thể giúp đỡ gấp cho các nạn nhân bị khủng bố...”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 53-54.

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t. 2, tr. 223-224.

Tháng 12, ngày 31

Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Phương Đông báo tin “Một đại biểu Đảng Mã Lai đã đến đây hôm qua, 30-12-1930”, và cho biết “Hai đồng chí Việt Nam phụ trách liên lạc đã bị bắt ngày 11-12-1930, 11 đồng chí bị trục xuất khỏi Xiêm mới đến”, “hai đại biểu và một học sinh đã về đây ngày 31-12-1930, một người đã trở lại làm việc cũ”, “liên lạc của chúng ta đã bắt đầu tổ chức lại”...

Cuối thư, Người viết: “Tôi gửi cho các đồng chí một bài báo viết về Việt Nam”... và “rất nhiều bài khác nhưng không thấy một bài nào đăng ở Inprekorr...”

- Bản chụp bút tích bức thư, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Khoảng cuối năm

Tác phẩm Nhật ký chìm tàu của Nguyễn Ái Quốc xuất hiện ở Việt Nam, được bí mật truyền tay đọc trong đảng viên và quần chúng 9).

- Nguyễn Duy Trinh: Con đường cách mạng, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1970, tr. 73.

--------------------------

1) Sau đó ít ngày, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được gặp đồng chí Thái Sướng - một cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc; đồng chí Thái Sướng lại giới thiệu đồng chí Nguyễn Lương Bằng với một Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, phụ trách công tác vận động binh lính ngoại quốc của Đảng. Từ đó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và các đồng chí cùng hoạt động được các đồng chí Trung Quốc giúp đỡ tận tâm, như cung cấp cho bàn, dũa, giấy nến, bút thép, giúp việc ấn loát, phân phát báo Kèn gọi lính (do nhóm đồng chí Nguyễn Lương Bằng viết) vào các trại lính Việt Nam...(B.T).

2) Nhiêu Vệ Hoa, đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc này công tác ở cơ quan Tỉnh uỷ Quảng Đông, là người được cử tới giúp đỡ Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiêu Vệ Hoa và Nguyễn Ái Quốc đã quen biết nhau khi Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Quảng Châu những năm 20 của thế kỷ XX (B.T).

3) Bấy giờ ở Hồng Kông, chỉ những người có gia đình mới dễ thuê nhà. Nữ đồng chí này được bố trí đóng vai người nhà của Nguyễn Ái Quốc, giúp Người thuê nhà để sắp xếp chỗ ở cho các đại biểu Việt Nam từ trong nước ra (B.T).

4) Các đại biểu có mặt tại Hội nghị hợp nhất là: Nguyễn Ái Quốc, đại diện Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Đức Cảnh và Trịnh Đình Cửu (Đông Dương Cộng sản Đảng), Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu (An Nam Cộng sản Đảng), Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn (hai cán bộ hoạt động ở nước ngoài. Có tài liệu cho rằng hai đồng chí này chỉ giúp chuẩn bị Hội nghị chứ không dự Hội nghị - T.G). Đông Dương Cộng sản liên đoàn mới thành lập nên chưa kịp cử đại biểu dự Hội nghị này (B.T).

5) Ý nói về hai đồng chí Trần Phú, Ngô Đức Trì về nước đầu tháng 11-1929, qua đường Pháp: đến nay đã giữa tháng 2-1930 mà chưa có tin tức gì (B.T).

6) Các tài liệu trước đây đều ghi là Satô, nay theo bản chụp bút tích (nguyên văn Chota), nên sửa lại là Sôta (B.T).

7) Đồng chí Zao: đồng chí Bùi Công Trừng, thường được gọi là Giáo vì trước khi xuất dương có làm nghề dạy học (B.T).

8) Nguyên bản viết bằng tiếng Pháp (viết tắt): intellect và prolet (B.T).

9) Nhật ký chìm tàu: Tác phẩm được hoàn thành trên cơ sở vốn sống thực tiễn của Người trên đất nước Nga Xôviết, kết hợp với những tư liệu từ Liên Xô gửi đến, và trực tiếp trao đổi với một số cán bộ của phái đoàn M. Bôrôđin trong thời gian Người ở Quảng Châu.

Nhật ký chìm tàu kể chuyện ba thuỷ thủ: Pôn (người Âu), Zô (người Phi), và Râu (người Việt) sống sót sau vụ tàu buôn Pháp đắm, được tàu Liên Xô cứu, đưa về Liên Xô.

Trong thời gian ở Liên Xô, ba anh được đối xử tử tế, đi thăm nhiều nơi, được Đảng Cộng sản Liên Xô tạo điều kiện cho học tập văn hoá, chính trị và tìm cách để họ trở về Tổ quốc.

Nhật ký chìm tàu ngoài phần mở đầu và phần kết luận gồm 24 chương, khoảng 100 trang giấy rơm, khổ 22 x 18cm, viết chữ thường bằng bút sắt, in litô, giấy một mặt. Mỗi chương mở đầu bằng hai câu lục bát và phần kết cũng bằng hai câu lục bát:

... Không bột mà gột nên hồ,

Tay không xốc nổi cơ đồ, cừ không!

Cho đến nay, nguyên bản Nhật ký chìm tàu chưa tìm lại được (B.T).


* Năm 1931

NĂM 1931

Tháng 1, ngày 24

Nguyễn Ái Quốc viết tài liệu Phong trào cách mạng ở Đông Dương (bằng tiếng Anh), ký tên Vícto. Bài viết tổng kết tình hình năm 1930 bằng những số liệu cụ thể, trong đó Người thống kê, phân tích, phân loại các cuộc đấu tranh liên tiếp của các tầng lớp nông dân, công nhân, học sinh, phụ nữ... Đông Dương.

Người tố cáo những tội ác của đế quốc Pháp trong "Khủng bố trắng" như: bắt giết hàng loạt người, đốt phá, huỷ diệt nhiều làng mạc và cả những thủ đoạn gây hỏa hoạn, bỏ thuốc độc xuống giếng nước để khủng bố những địa phương có phong trào cách mạng.

Người kết luận:

“Tình hình Đông Dương là như thế.

Nhiệm vụ cấp thiết của giai cấp vô sản thế giới - đặc biệt là giai cấp vô sản Pháp - là chìa bàn tay hữu nghị anh em và giúp đỡ tới Đông Dương, để chứng tỏ tình đoàn kết thực sự và tích cực của họ, Đông Dương bị áp bức và cách mạng cần điều ấy!”.

- Bản chụp bút tích, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 55-60.

Tháng 1, ngày 27

Nguyễn Ái Quốc gửi thư báo cáo Quốc tế Cộng sản về việc đón nhận 11 đồng chí bị Chính phủ Xiêm trục xuất về Sơn Đầu (Trung Quốc), việc bồi dưỡng sức khoẻ, huấn luyện thêm về chính trị và giao công tác cho họ.

Người viết:

“Tôi là người chịu trách nhiệm ở đây, nên không thể để mặc họ chết đói hoặc chết rét...”.

- Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

Tháng 2, ngày 8

Nguyễn Ái Quốc viết Báo cáo gửi Ban Phương Đông về một số vấn đề.

- “Số 1. Tin tức đấu tranh ở Trung Kỳ” (10.000 nông dân, nam nữ và trẻ em, đã tổ chức những cuộc biểu tình kỷ niệm Quảng Châu bạo động).

- “Số 2. Ở Nhà máy xi măng Hải Phòng” (3.000 công nhân Nhà máy xi măng đã bãi công và đấu tranh).

- “Số 3. Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương gửi các Xứ uỷ” về củng cố các Xứ uỷ, Tỉnh uỷ và các Uỷ ban đặc biệt, bổ sung cán bộ, tuyên truyền về việc thay đổi tên Đảng, tổ chức Công hội...

- “Việc kết nạp hội viên mới vào Công hội”.

- Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 61- 63.

Tháng 2, ngày 12

Ký tên Vícto, Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi Ban Phương Đông dưới hình thức trao đổi giữa một khách hàng với một công ty. Trong thư có đoạn: “Tôi đã gửi cho ông ba lần mẫu hàng trong nước, qua người giao dịch Trung Quốc của ông, lần gửi cuối cùng vào ngày 8 tháng 2, tôi mong ông đã nhận được cả.

... Ông xem, 9 hay 10 người ở một nhà, chúng ta sẽ ăn Tết thật là vui vẻ. Các em và cháu tôi nhân cơ hội này sẽ đi Thượng Hải...

Ông đã tìm hiểu về việc “Công ty xe hoả tốc hành Mỹ” chưa? Tôi nghĩ đó là cách tốt nhất để gửi tiền cho hành khách.

Hôm nay, tôi gửi thêm cho ông những mẫu hàng khác của các thương cục Mã Lai và Nam Kỳ cũng qua người bạn Trung Quốc của ông. Nhờ ông chú ý khi mẫu hàng đến”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 64.

Tháng 2, ngày 16

Ký tên Vícto, Nguyễn Ái Quốc viết tiếp Thư gửi Ban Phương Đông, dưới hình thức trao đổi của một khách hàng với một công ty buôn bán. Trong thư có đoạn:

“Tôi mong ông đã nhận được tất cả thư của tôi cùng với những mẫu hàng mà tôi đã gửi qua nhân viên Trung Quốc của ông. Nay tôi gửi thêm những mẫu hàng khác qua người bạn Thượng Hải của tôi. Yêu cầu ông trả lời cho bạn tôi biết.

Tôi vừa nhận được hai tập sách rao hàng tiếng Anh của hãng “Inpơrétcơ và công ty”. Tôi còn phải nhận thêm ở bạn Thượng Hải của tôi nhiều tập sách ấy nữa (tiếng Pháp), để gửi cho các nhà buôn Đông Dương...”

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 65.

Tháng 2, ngày 19

Nguyễn Ái Quốc viết bài Nghệ Tĩnh đỏ (bằng tiếng Pháp), ký tên V. Bài viết có ba phần, đánh dấu I, II, III.

Phần I, giới thiệu sơ qua về tình hình địa lý, nhân văn, kinh tế và truyền thống cách mạng của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Kết thúc phần I, Người viết: "Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu “đỏ”"!

Phần II, trình bày những hình thức đấu tranh cách mạng của nhân dân Nghệ - Tĩnh những ngày cuối năm 1930 đầu năm 1931, đặc biệt là cuộc lễ “đỏ” tổ chức ở làng Lộc Đa, cách Vinh 2 km.

Phần III, vạch rõ những thủ đoạn nham hiểm của đế quốc Pháp trong việc bắt ép nhân dân tham gia các cuộc biểu tình phản cách mạng nhằm lừa bịp dư luận.

Cùng ngày, Người viết bài Khủng bố trắng ở Đông Dương, ký tên V., trình bày việc đế quốc Pháp bắt giam, xử án những người hoạt động cách mạng ở Thái Bình, Hà Nội, Nam Định và thái độ hiên ngang, dũng cảm của họ trước phiên toà.

- Tài liệu tiếng Pháp, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 70-72; 66-69.

Tháng 2, ngày 21

Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi Ban Phương Đông, ký tên K. Trong thư Người thông báo tin Lý Tự Trọng bắn chết tên mật thám Lơ Grăng và đã bị bắt. Người viết: “Đồng chí thanh niên chắc chắn sẽ bị chúng xử bắn” và yêu cầu Ban Phương Đông liên lạc với Đảng Cộng sản Pháp “tổ chức biểu tình đòi thả đồng chí ấy ra”.

Người còn đề nghị Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Công hội đỏ lên tiếng đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương.

Cuối thư, Người yêu cầu Ban Phương Đông “chuyển tôi về Thượng Hải” và “Hỏi Tổng liên đoàn Lao động thống nhất Pháp xem có đồng chí ở trên các tàu của Công ty hàng hải không” để liên lạc với Đảng Cộng sản Pháp và Tổng liên đoàn Lao động thống nhất Pháp.

- Bản chụp bức thư, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 3, ngày 5

Với bí danh Quac. E. Wan, Nguyễn Ái Quốc viết bài Uy quyền của đế quốc Pháp ở Đông Dương gửi Quốc tế Cộng sản, tố cáo sự khủng bố dã man của đế quốc Pháp đối với nhân dân Đông Dương, ca ngợi tinh thần đấu tranh của nhân dân và khẳng định: “tinh thần đó sẽ đưa cách mạng đến thành công”, “không có lưỡi lê, bom đạn và súng máy nào có thể dập tắt được tinh thần đó”.

- Bản chụp tài liệu, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 20

Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, ký tên Nguyễn Ái Quốc.

Trong thư, Người phê bình về cuộc Hội nghị Xứ uỷ Trung và Bắc trong “Cách khai hội”, “Cách thảo luận”, trong “Vấn đề công tác”, “Vấn đề tên Đảng”, “Lực lượng của Đảng”.

Người đề nghị Đảng phải sửa chữa những thiếu sót đó, phải có chương trình hành động cụ thể cho từng huyện và từng tỉnh, cho mỗi đồng chí trong mỗi tổ chức, và yêu cầu “Tất cả mọi đảng viên và tất cả các chi bộ phải thảo luận Chỉ thị của Quốc tế thứ ba và Nghị quyết của Trung ương”.

Thư có kèm theo một bảng thống kê số lượng đảng viên, chi bộ, thanh niên, công hội, nông hội, phụ nữ trong 13 tỉnh và huyện. Qua bảng thống kê này, Người chỉ ra “năm nơi có Nông hội rất yếu”, ở Trung (tức Trung Kỳ - B.T) chưa có chỗ nào tổ chức được công nhân nông nghiệp, ở Bắc (tức Bắc Kỳ - B.T) “chỉ có hai tỉnh là có Công hội”...

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 73-76.

Tháng 4, ngày 23

Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (đầu thư đề ngày 23-4-1931, cuối thư đề ngày 24-4-1931 và không ký tên người viết).

Trong thư, Người thông báo về những cán bộ được cử về nước theo đường dây liên lạc, nhắc nhở công tác bảo vệ Đảng, giữ gìn bí mật, duy trì chế độ báo cáo giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với Quốc tế Cộng sản và đề nghị Trung ương ghi nhận nhiệm vụ của mình đã được Ban Phương Đông xác định.

Kèm theo thư là một “miếng giấy nhỏ” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Quốc tế5.

- Ảnh bút tích tiếng Việt, lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 77-80.

Tháng 6, ngày 6

Sáng sớm, Nguyễn Ái Quốc - tên trong thẻ căn cước là Tống Văn Sơ, bị cảnh sát Hồng Kông, dưới sự chỉ đạo của thanh tra cảnh sát Carây (A.E. Carey) bất ngờ vây bắt tại ngôi nhà số 168, đường Tam Lung 1), Cửu Long mà không có lệnh bắt. Cùng bị bắt với Nguyễn Ái Quốc còn có Lý Phương Thuận (Lý Sâm). Cảnh sát thu được một số giấy tờ do Người ghi những địa danh mà cảnh sát Anh và mật thám Pháp không xác định được.

- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 37-38.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 67 - 68.

- Tự thuật của Lý Phương Thuận ngày 8-9-1969. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

Tháng 6, từ ngày 6 đến ngày 11

Nguyễn Ái Quốc bị giam trong nhà giam của Sở Cảnh sát Hồng Kông. Được một người Việt Nam báo tin Người bị bắt và nhờ giúp đỡ, F.H.Lôdơbi (Francis Henry Loseby) 2) một luật sư người Anh đến thăm Người. Khi Nguyễn Ái Quốc nói không có tiền để nhờ cãi, ông Lôdơbi đã hứa sẽ giúp “vì danh dự chứ không nhất thiết vì tiền”.

Người đã cung cấp những thông tin cần thiết cho luật sư và cùng luật sư thống nhất về phương hướng bào chữa.

- Trần Dân Tiên: Hồ Chí Minh truyện. Bản dịch tiếng Hán của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949, tr. 106.

- Lời kể của luật sư Lôdơbi, Trịnh Ngọc Thái ghi.

Tháng 6, ngày 11

Nguyễn Ái Quốc bị Thống đốc Hồng Kông ra lệnh bắt giam (Lệnh thứ nhất).

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 118.

Tháng 6, từ ngày 12 đến ngày 18

Nguyễn Ái Quốc bị đưa từ Nhà giam của Sở Cảnh sát Hồng Kông đến giam tại ngục Víchtôria.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia -Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 118.

Tháng 6, ngày 15

Nhiều tài liệu do Nguyễn Ái Quốc viết bị cảnh sát tìm thấy ở Văn phòng của Hile Nulen (Hilaire Noulens) - Thư ký Chi nhánh Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản khi ông này bị bắt ở Thượng Hải.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia -Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 279.

Tháng 6, ngày 24

Nguyễn Ái Quốc được luật sư người Anh F.H. Lôdơbi đến gặp tại ngục Víchtôria.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 263-271, 279.

Tháng 6, ngày 25

Nguyễn Ái Quốc bị Thống đốc Hồng Kông ra lệnh bắt giam (Lệnh thứ hai).

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 279.

Tháng 7, ngày 2

Nguyễn Ái Quốc bị Thống đốc Hồng Kông ra lệnh bắt giam (Lệnh thứ ba).

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 279.

Tháng 7, ngày 10

Nguyễn Ái Quốc bị Thư ký Trung Hoa vụ thẩm vấn lần thứ nhất.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 279.

Tháng 7, ngày 14

Nguyễn Ái Quốc bị Thư ký Trung Hoa vụ thẩm vấn lần thứ hai.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 279.

Tháng 7, ngày 20

Nguyễn Ái Quốc bị Thư ký Trung Hoa vụ thẩm vấn lần thứ ba.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 280.

Tháng 7, ngày 30

Nguyễn Ái Quốc bị Thống đốc Hồng Kông ra lệnh bắt giam (Lệnh thứ tư).

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 280.

Tháng 7, ngày 31

Nguyễn Ái Quốc bị Toà án tối cao Hồng Kông xét xử -Phiên toà thứ nhất. Tại toà, luật sư Ph. C. Gienkin (F.C. Jenkin) theo sự uỷ nhiệm của luật sư Lôdơbi (F.H. Loseby), thuộc "Văn phòng luật sư Rớtxơ" (Russ & Co) thay mặt Nguyễn Ái Quốc (Tống Văn Sơ) và Lý Phương Thuận (Lý Sâm) nêu rõ: Việc bắt Nguyễn Ái Quốc và Lý Phương Thuận ngày 6 tháng 6 mà không có lệnh bắt là bất hợp pháp và việc thẩm vấn họ sau 1 tháng (ngày 10 tháng 7) mới tiến hành là phạm luật. Nội dung thẩm vấn vượt ra ngoài những quy định của Luật là không hợp lệ 3). Thêm nữa, sự vắng mặt của Nguyễn Ái Quốc và Lý Phương Thuận tại phiên toà là vi phạm Luật Bảo thân (Habeas Corpus) 4).

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 118-119, 280.

Tháng 8, ngày 14

Nguyễn Ái Quốc bị Toà án tối cao Hồng Kông xét xử - Phiên toà thứ hai, nhưng bị can không có mặt tại phiên toà. Luật sư Gienkin yêu cầu cho hai bị can có mặt để có thêm thông tin cần thiết, nếu cần, nhưng bị viên công tố Alabaxtơ phản đối. Ông ta đọc Lệnh trục xuất nguyên đơn trong 10 năm và kèm theo là Lệnh của Thống đốc yêu cầu nguyên đơn “phải rời Nhượng địa bằng một tàu biển được chỉ định rời Hồng Kông ngày 18 tháng 8, tàu Angiê”.

Tiếp đó, viên công tố đọc lời khai có tuyên thệ của nguyên đơn, trong đó chỉ rõ sự vi phạm luật của việc bắt và thẩm vấn Nguyễn Ái Quốc. Theo luật, người thẩm vấn chỉ có quyền hỏi một số câu hỏi nhất định, được in sẵn, nhưng cuộc thẩm vấn ở đây mang đầy tính đối chất về qúa khứ nhằm ép Nguyễn Ái Quốc phạm các tội tuyên truyền cách mạng và có những hành động sai trái khác. Cuối lời khai có tuyên thệ, Nguyễn Ái Quốc tố cáo có nhân viên của chính quyền Đông Dương theo dõi Người ở trong tù, và nói thêm: “Nếu tôi bị trục xuất đến Đông Dương, tôi sẽ bị giết, dù có xét xử hay không xét xử”.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 130-131, 280.

Tháng 8, ngày 15

Nguyễn Ái Quốc bị Toà án tối cao Hồng Kông xét xử - Phiên toà thứ ba. Tại toà, công tố viên Alabaxtơ đọc lời khai có tuyên thệ của Tống Văn Sơ (tức Nguyễn Ái Quốc): “Tống Văn Sơ đã phủ nhận lời khai có tuyên thệ của ông do Trợ lý Thư ký Trung Hoa vụ đưa ra, bởi vì lời khai đó làm người ta hiểu rằng chỉ có duy nhất một cuộc thẩm vấn, trong khi đó ông bị thẩm vấn ba lần. Bị cáo cũng tố cáo rằng ông bị bắt ngày 6 tháng 6 chứ không phải ngày 12 tháng 6”. Tiếp theo, Alabaxtơ đọc các câu hỏi và các câu trả lời khi thẩm vấn Tống Văn Sơ do Thư ký Trung Hoa vụ biên soạn, đã cố tình làm lệch lời khai; trong đó có đoạn: “Tôi phủ nhận lời buộc tội đó. Tôi không phải là một người cộng sản, nhưng tôi là người theo chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc, theo tất cả những gì mà chúng tôi biết, có nghĩa là chiến đấu vì nhà vua và vì đất nước... Chúng tôi là một dân tộc đang chiến đấu và có khả năng tự đứng vững trên chính đôi chân của mình, nhưng cũng cần phải tìm sự viện trợ từ bên ngoài... Vì tổ chức của tôi và tôi trông cậy vào sự giúp đỡ của nước Anh nên tôi không hiểu vì sao tôi lại bị bắt.... Trong thẩm vấn, khi viên Thư ký Trung Hoa vụ đưa ảnh của Nguyễn Ái Quốc ra hỏi: đây có phải là ảnh của Tống Văn Sơ không, Người đã trả lời: “Tôi thừa nhận rằng bức ảnh trông giống tôi và có thể là tôi, nhưng tôi không bao giờ đội cái mũ như vậy. Tôi thừa nhận bức ảnh trong hộ chiếu là của tôi (hộ chiếu này mang tên Tống Văn Sơ)... Tôi thừa nhận là tôi đã thuê căn hộ trong ngôi nhà số 186 đường Tam Kung. Tôi muốn nói rằng bạn tôi tên là Vương đã thuê căn hộ đó.

Ông Vương đã rời Hồng Kông vào tháng 4 và tôi đã tiếp quản từ ông ấy và trả tiền thuê nhà. Người bạn tên là Vương này là nhà buôn và là một người bạn cũ của tôi. Tôi biết ông ấy đã từ rất lâu. Ông ấy không phải là nhà cách mạng.

Tôi thừa nhận rằng tôi đã từng ở Thượng Hải nhưng đã cách đây nhiều năm rồi. Gần đây tôi không liên lạc gì với Thượng Hải. Không có đảng bộ nào của Đảng An Nam ở Thượng Hải...

Tôi không muốn bị trục xuất. Tôi muốn được tự do...

Tôi tha thiết đề nghị cho tôi được tự do hai hoặc ba tuần nếu tôi bị trục xuất, cốt để cho tôi có thì giờ kiến nghị tới Ngài Bộ trưởng rằng tôi muốn được phép sang Anh quốc” 5).

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 133-136, 280.

Tháng 8, ngày 20

Nguyễn Ái Quốc bị Toà án tối cao Hồng Kông xét xử - Phiên toà thứ tư. Viên công tố Alabaxtơ tuyên bố thừa nhận lệnh trục xuất đối với Tống Văn Sơ lần thứ nhất là sai, do nội dung thẩm vấn sai; nhưng ngay sau đó lại tuyên bố lệnh trục xuất thứ hai vừa mới được ban hành vào chiều 15-8-1931, riêng với bị cáo nam và cho phép Lý Phương Thuận được rời ghế bị cáo.

Luật sư Ph. Gienkin phản đối vì: Nếu việc giam giữ là bất hợp pháp thì không thể biến thành hợp pháp bằng cách ban hành một lệnh trục xuất mới giữa hai phiên toà.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 142-143, 280.

Tháng 8, ngày 24

Nguyễn Ái Quốc bị Toà án tối cao Hồng Kông xét xử - Phiên tòa thứ năm.

Nguyễn Ái Quốc được luật sư Ph. Gienkin bảo vệ bằng cách vạch rõ sự giả dối và lừa bịp, đội lốt trục xuất để giao bị cáo cho nhà cầm quyền Pháp. Ông nói: “Cả hai lệnh trục xuất trên đây đều bất hợp pháp...

Giả sử lệnh thứ nhất đã được thực hiện, thì Hội đồng Thống đốc cũng không thể bắt giữ theo lệnh thứ hai vì nó hoàn toàn trái với luật hiện hành, quy định không được bắt giữ lại một người vừa mới được phóng thích theo Luật Bảo thân (Habeas Corpus) vì cùng một nguyên nhân, một vấn đề, hay một lý do”.

Sau đó, ông đọc lời khai mới có tuyên thệ của bị cáo Tống Văn Sơ trước toà: “Tôi 36 tuổi. Tôi sinh ở thành phố Đông Hưng thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Tôi đã gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng ở Việt Nam và Đông Dương nói chung, phong trào có mục đích cao nhất là lật đổ toàn bộ quyền lực của Chính phủ Pháp ở đó và thay thế bằng một chính phủ dân tộc dưới sự lãnh đạo của người bản xứ. Tôi đã tham gia tích cực vào phong trào này trong một thời gian trước ngày tôi bị bắt ở Hồng Kông ngày 6-6-1931.

Theo những người cầm quyền của Chính phủ Pháp thì tham gia vào một phong trào như vậy là phạm tội và kẻ phạm tội phải nhận án tử hình.

... Mục đích thực sự của Chính quyền Hồng Kông khi tiến hành các thủ tục trục xuất tôi là nhằm khẳng định việc giao tôi cho Pháp ở Đông Dương để Chính phủ Pháp xử lý tôi theo tội trạng đã nói trên.

Tiếp theo, luật sư Gienkin chất vấn: Hội đồng Hành pháp có họp được đông đủ vào thứ bảy ngày 15 tháng 8 hay không, và có cuộc họp vào ngày đó hay không, vì theo thông lệ chỉ họp vào thứ năm hàng tuần?

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 144-147, 280.

Tháng 8, ngày 25

Nguyễn Ái Quốc bị Toà án tối cao Hồng Kông xét xử - Phiên toà thứ sáu.

Nguyễn Ái Quốc được luật sư Ph. Gienkin bênh vực bằng cách yêu cầu viên công tố phải thừa nhận rằng: tài liệu đánh máy do Ban Thư ký Trung Hoa vụ đưa ra nói rằng nguyên đơn (tức Tống Văn Sơ - T.G) khi thẩm vấn đã khai có bí danh thứ ba là Nguyễn Ái Quốc, là tài liệu giả. Cuối cùng, Công tố viên Alabaxtơ phải thừa nhận trước toà rằng: Cuộc họp của Hội đồng Hành pháp được tiến hành vào thứ năm ngày 13 tháng 8, còn lệnh trục xuất (Nguyễn Ái Quốc) đề ngày thứ bảy 15 tháng 8 (!).

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia -Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 148-149, 281.

Tháng 8, trước ngày 28

Nguyễn Ái Quốc viết thư cho Thái tử Cường Để đang sống ở Nhật Bản nhờ Lý Phương Thuận (Lý Sâm) chuyển sau khi được trả tự do và rời khỏi Hồng Kông.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 281.

Tháng 9, ngày 2

Nguyễn Ái Quốc bị Toà án tối cao Hồng Kông xét xử - Phiên toà thứ bảy.

Công tố viên Phitroi thừa nhận việc bắt giam Tống Văn Sơ là bất hợp pháp, nhưng lệnh trục xuất thứ hai ngày 15 tháng 8 và việc giam giữ sau đó là hợp pháp.

Nguyễn Ái Quốc được luật sư Ph. Gienkin bênh vực bằng một lập luận: Không thể làm cho việc giam giữ bất hợp pháp được hợp pháp bằng việc ban hành một lệnh hợp pháp, ngay cả khi luật pháp cho phép. Ý kiến về điều này vẫn được bảo lưu.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 150-151, 281.

Tháng 9, ngày 11

Nguyễn Ái Quốc bị Toà án tối cao Hồng Kông xét xử - Phiên toà thứ tám.

Toà án đọc phán quyết: Trục xuất Tống Văn Sơ về Đông Dương theo lệnh trục xuất của Thống đốc Hồng Kông ngày 15 tháng 8. Bảo vệ cho quyền lợi của Nguyễn Ái Quốc, luật sư Ph. Gienkin phản đối lệnh trục xuất này: "Luật Bảo thân (Habeas Corpus) cấm bắt lại một người vì cùng một lý do hoặc cùng một sự việc, sau khi người đó đã được phóng thích theo Luật Bảo thân và ở đây nguyên đơn phải được xem như đã được trắng án vì lệnh trục xuất thứ nhất là bất hợp pháp. Việc bắt giữ một người đang bị giam giữ bất hợp pháp là một việc làm bất hợp pháp, dù cho lệnh bắt giữ là hợp pháp". Lệnh trục xuất có kèm theo lệnh chỉ định tàu biển đi về hướng Đông Dương thực chất là một thủ đoạn dẫn độ, là sai luật.

Luật sư Ph. Gienkin tuyên bố sẽ kháng án lên Hội đồng Cơ mật.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 152-154, 281.

Tháng 9, ngày 12

Nguyễn Ái Quốc bị Toà án tối cao Hồng Kông xét xử - Phiên toà thứ chín.

Tại toà, luật sư của Nguyễn Ái Quốc phát biểu chống lại phán quyết của Toà án thực chất là muốn giao Người cho nhà đương cục Pháp, là trái với Luật Dẫn độ. Luật sư yêu cầu cho Tống Văn Sơ được tự lựa chọn nơi đến, yêu cầu hưởng quyền tự do công dân mà ông đã bị tước đoạt từ ngày 6 tháng 6 và phải trả cho ông số tiền là trên 5000 đôla.

Sau khi Toà nghe bản kháng án tám điểm của luật sư Ph. Gienkin và nghe lời phản đối của ông công tố Alabaxtơ, Toà án chấp nhận cho phép Tống Văn Sơ kháng án lên Hội đồng Cơ mật với điều kiện phải nộp hồ sơ trong thời hạn ba tháng.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 155- 156, 281.

Tháng 9, ngày 13

Ngay sau Phiên toà thứ chín kết thúc một ngày, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Thống đốc Hồng Kông xin được đi Anh mà không yêu cầu điều kiện gì, miễn là được bảo đảm an toàn. Sau đó, Thống đốc Hồng Kông đã gửi điện cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh biết về yêu cầu này, hỏi ý kiến có đồng ý giải quyết như thế không, và nếu đồng ý thì có muốn đặt điều kiện đặc biệt nào không?

Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh trong thư trả lời, gợi ý: Chỉ cần phóng thích, cho ông ta tự thu xếp rời Nhượng địa trong thời hạn ấn định, và làm thế nào để tránh được sự phản đối của Pháp.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 167, 168.

Tháng 10, đầu tháng

Nguyễn Ái Quốc tiếp bà Xtenla Benxơn 6). - một nhà hoạt động văn học và sân khấu ở Hồng Kông, vào thăm Người trong nhà tù Hồng Kông.

Người nói chuyện với bà Xtenla Benxơn bằng tiếng Anh với một thái độ rất lịch thiệp. Với thiện cảm đặc biệt, bà Benxơn đã yêu cầu chồng mình - ông Tômát Xaothonơ, lúc đó là Phó thống đốc Hồng Kông - giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc.

- F. H. Lôdơbi: Băng ghi âm buổi toạ đàm tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tháng 2-1960, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 273.

Tháng 11, đầu tháng

Nguyễn Ái Quốc bị bệnh lao phổi ở dạng tái phát. Nhờ sự can thiệp của luật sư Lôdơbi, Người được chuyển từ ngục Víchtôria sang bệnh xá của nhà tù.

Những ngày nằm ở bệnh viện, Nguyễn Ái Quốc được mọi người kính trọng. Một lần, cô y tá Trung Quốc thường ngày chăm sóc Người, hỏi: "Cộng sản là thế nào? Chú làm cộng sản làm gì để bị bắt bớ khổ thân?". Nguyễn Ái Quốc đã giải thích tóm tắt cho cô hiểu và khêu gợi ở cô tinh thần dân tộc chống đế quốc.

- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1994, tr. 46.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 201, 281.

Tháng 12, ngày 1

Đơn kháng án của Nguyễn Ái Quốc gửi lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh được Toà án tối cao Hồng Kông chấp thuận.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 281.

Tháng 12, ngày 17

Nguyễn Ái Quốc nhận được thư kèm theo 300 yên và thuốc men của Thái tử Cường Để từ Nhật Bản gửi khi biết Người bị ốm nặng trong nhà ngục ở Hồng Kông.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr.170, 281.

_____________________________

1) Có tài liệu ghi là Tam Tung hoặc Tam Kung (chưa xác minh được). Bản thảo bút tích của T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện viết là Tam Tung (B.T).

2) F.H. Lôdơbi là luật gia dân chủ tiến bộ người Anh, lúc đó là Giám đốc Công ty luật sư RUSS (của người Anh) ở Hồng Kông (B.T).

3) Theo luật pháp Anh quốc, khi thẩm vấn chỉ được hỏi bảy câu hỏi: 1. Tên, 2. Tuổi, 3. Nơi sinh, 4. Người ta tố cáo rằng.... và chứng minh về sự vô tội của bị cáo, 5. Đã ở đây bao lâu, 6. Có người nào quen ở đây? Tên gì? Ở đâu? 7. Người làm chứng, địa chỉ của họ. Nhưng khi thẩm vấn, người thẩm vấn đã hỏi Nguyễn Ái Quốc có phải là cộng sản hay thành viên của Quốc tế thứ ba, hay người cách mạng không? Khi thẩm vấn Lý Phương Thuận lại hỏi: Có chồng hay chưa? (Trong khi Lý Phương Thuận mới 16 tuổi) (B.T).

4) Luật Bảo thân có nghĩa là “bị cáo phải có mặt” tại phiên toà nhằm giám sát các toà án cấp dưới, kiểm tra tính hợp pháp của việc giam giữ một người nào đó và bị cáo phải có mặt tại phiên toà (B.T).

5) Những nội dung trên đây được báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ngày 17-8-1931 đưa tin (B.T).

6) Bà Xtenla Benxơn là bạn thân của bà Lôdơbi. Bà đã cùng chồng vào thăm Nguyễn Ái Quốc trong nhà tù Hồng Kông (B.T).

* Năm 1932

NĂM 1932

Tháng 1, ngày 26

Đơn kháng án của Nguyễn Ái Quốc do Toà án tối cao Hồng Kông chuyển lên, Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh ở Luân Đôn đã nhận được.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 281.

Tháng 6, ngày 27

Đơn kháng án của Nguyễn Ái Quốc gửi lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh đã được các luật sư của Nguyễn Ái Quốc và luật sư của Bộ Thuộc địa cùng nhau thoả thuận giải quyết một số điều khoản như sau:

Nguyễn Ái Quốc sẽ rút đơn kháng án nếu chính quyền Hồng Kông cam kết:

1- Bỏ việc chỉ định "tàu biển" trong lệnh trục xuất.

2- Trong bất cứ trường hợp nào cũng không giao người kháng án cho Pháp hoặc đến một lãnh thổ do Pháp bảo hộ hoặc xuống một tàu biển của Pháp.

3- Chính quyền Hồng Kông sẽ hết sức cố gắng để bảo đảm rằng người kháng án sẽ đến được nơi muốn đến.

4- Chi 250 bảng Anh cho phí tổn của người kháng án.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 183-184.

Tháng 7, ngày 13

Nguyễn Ái Quốc biết tin về nội dung các thoả thuận trên do các luật sư đại diện cho Tống Văn Sơ ở Luân Đôn gửi điện thông báo cho các luật sư đại diện của Tống Văn Sơ ở Hồng Kông.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 188.

Tháng 7, ngày 21

Đơn kháng án của Nguyễn Ái Quốc và bản thoả thuận của luật sư cả bên nguyên và bên bị đã được Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh chấp thuận cho Nguyễn Ái Quốc rút đơn kháng án và chỉ thị cho Thống đốc Hồng Kông cùng các bên có liên quan phải thực hiện nghiêm chỉnh.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 190-191.

Tháng 8, trước ngày 15

Nguyễn Ái Quốc vẫn yêu cầu chính quyền Hồng Kông cho mình được sang Anh theo điều khoản thoả thuận vì phải sang Trung Quốc là một mối nguy hiểm cho mình. Vì vậy xin kéo dài thời gian phải ra đi sau hai tháng nữa để chờ chính quyền Anh trả lời.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 210.

Tháng 8, ngày 29

Nguyện vọng đi Anh của Nguyễn Ái Quốc không được Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh chấp nhận, nói rằng trong bản thoả thuận, Chính phủ Hoàng gia Anh không bị ràng buộc bởi yêu cầu này. Ông ta yêu cầu chính quyền Hồng Kông cần bảo đảm cho Nguyễn Ái Quốc đến một nơi mà không có nguy cơ bị Pháp bắt.

Các luật sư đại diện cho Tống Văn Sơ ở Luân Đôn đã phản ứng việc từ chối của Bộ Thuộc địa Anh, trước đã đồng ý nay lại không đồng ý, như vậy là vi phạm điều khoản đã thoả thuận.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 211-212.

Tháng 12, ngày 28

Nguyễn Ái Quốc được đưa ra khỏi bệnh viện và được tự do.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 282.

* Năm 1933

NĂM 1933

Tháng 1, ngày 12

Nguyễn Ái Quốc quyết định đi Anh, không chờ chính quyền Anh trả lời, nhưng đến Xinhgapo thì cảnh sát tại đây được nhà cầm quyền Hồng Kông báo trước, không cho Nguyễn Ái Quốc lên bờ, bắt quay trở lại Hồng Kông.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 282.

Tháng 1, ngày 15

Nguyễn Ái Quốc trên đường từ Xinhgapo trở lại

Hồng Kông.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 282.

Tháng 1, ngày 19

Nguyễn Ái Quốc cập bến Hồng Kông và bị cảnh sát Hồng Kông bắt lại.

Cùng ngày, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi luật sư Lôdơbi báo tin mình lại bị giam giữ và yêu cầu luật sư can thiệp. Thống đốc Hồng Kông chỉ thị cho cảnh sát ngay đêm 19 tháng 1 phải trả lại tự do cho Người.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 235, 282.

- E. Côbêlép: Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1985, t.1, tr. 256.

Tháng 1, ngày 22

17h 00 Nguyễn Ái Quốc cải trang như một thương gia giàu có, bí mật cùng người thư ký riêng của luật sư Lôdơbi rời khỏi Hồng Kông trên một chiếc xuồng không phải của chính quyền, đưa Người ra khơi để lên tàu Anhui như một hành khách đến muộn. Kế hoạch này được Thống đốc Hồng Kông giao cho một trợ lý giám thị cảnh sát thực hiện theo cam kết mà chính quyền Hồng Kông đã thoả thuận.

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 80-81.

- F.H. Lôdơbi: Băng ghi âm buổi toạ đàm tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tháng 2-1960, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 235, 282.

Tháng 1, ngày 25 (30 tháng Chạp năm Nhâm Thân)

Nguyễn Ái Quốc đến Hạ Môn.

- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 41.

Tháng 1, từ ngày 25 đến tháng 7

Nhận lời mời của một số người bạn, Nguyễn Ái Quốc lưu lại ở Hạ Môn qua Tết âm lịch để vừa tìm cách bắt liên lạc với tổ chức, vừa tránh sự theo dõi của mật thám.

- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr.41.

- Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 162.

Tháng 3, ngày 25

Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Pháp phát lệnh truy nã.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 282.

Khoảng tháng 7

Nguyễn Ái Quốc từ Hạ Môn đáp tàu thuỷ lên Thượng Hải.

Đến hôm trước, hôm sau xem báo được biết: “Hôm qua, những tàu biển cập bến tô giới Pháp đều bị các nhà chức trách lục soát rất kỹ”. Người tiếp tục đóng vai một thân sĩ, quần áo sang trọng, ở khách sạn, nhưng đêm đêm khoá phòng lại ăn khoai trừ bữa và tự giặt lấy quần áo.

- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 46.

Khoảng mùa thu đến cuối năm

Ở Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục tìm cách bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng và đồng chí của mình. Nhờ đọc báo, Người được biết một đoàn đại biểu từ châu Âu đến Viễn Đông tuyên truyền chống chiến tranh đế quốc đang có mặt ở đây, trong đoàn có Pôn Vayăng Cutuyariê. Người liền viết thư gửi cho Pôn, thuê một chiếc xe du lịch đến tự tay bỏ vào thùng thư trước nhà bà Tống Khánh Linh để nhờ bà chuyển giúp tới Pôn Vayăng Cutuyariê 1).

Vài hôm sau, Nguyễn Ái Quốc gặp Pôn Vayăng Cutuyariê. Người kể cho Pôn Vayăng Cutuyariê biết hoàn cảnh khó khăn của mình. Còn Vayăng Cutuyariê nói cho Nguyễn Ái Quốc rõ tình hình phong trào cách mạng Đông Dương và phong trào cách mạng thế giới thời gian qua. Mấy ngày sau cuộc gặp gỡ này, Nguyễn Ái Quốc đã chắp được liên lạc với đoàn thể. Sau này, Người có dịp kể lại nỗi vui mừng của Người lúc ấy:

“Ba năm lưu lạc linh đinh,

Nay đà trở lại trong đại gia đình công nông”.

- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 46-47.

- Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 162.

- Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr. 289-292.

------------------------------

1) Nhà bà Tống Khánh Linh lúc đó ở số 29 phố Môlie, Thượng Hải. Viết xong thư, Nguyễn Ái Quốc ăn mặc sang trọng, thuê một chiếc xe du lịch đến, tự tay bỏ vào thùng thư trước cổng nhà.

Sau này, một lần sang nghỉ ở Trung Quốc, Người kể lại với những người xung quanh câu chuyện năm xưa: nhờ sự giúp đỡ của bà Tống mà nối lại được liên hệ với tổ chức Đảng. Người vui vẻ nói: “Lúc đó, tiền lương trong túi sắp hết, nếu không có bà Tống Khánh Linh giúp đỡ thì thật không biết làm thế nào” (B.T).

* Năm 1934

NĂM 1934

Mùa xuân, trước tháng 6

Vào một ngày xuân, trong bộ quần áo dài Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc bước lên một chiếc tàu hàng Xôviết ở Thượng Hải để đi Liên Xô. Sau mấy ngày, tàu cập cảng Vlađivôxtốc (Liên Xô).

- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Sơ thảo tập 1 (1920-1954), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 211.

- X. Aphônhin, E. Cabêlép: Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị, Mátxcơva, 1980 (bản tiếng Nga), tr. 93.

Tháng 6

Nguyễn Ái Quốc đến Mátxcơva.

- Thư của Vêra Vaxiliêva, ngày 29-6-1935, gửi Ban Thư ký Phương Đông, tiếng Nga, bản phôtô bức thư, lưu tại Văn phòng Trung ương Đảng.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 239.

Tháng 9, khoảng cuối tháng

Nguyễn Ái Quốc được Ban Phương Đông gửi đến điều dưỡng tại nhà an dưỡng Ximêít ở vùng Crưm.

- Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr. 296-297.

Tháng 10

Với bí danh Lin, Nguyễn Ái Quốc chính thức được nhận vào học Trường Quốc tế Lênin6 năm học 1934-1935 (theo Quyết định số 45, ngày 2-10-1934 của Ban Giám đốc Trường Quốc tế Lênin do Phó giám đốc Liđốpxky và Chánh Văn phòng Makinhe thì Lin được Đảng Cộng sản Đông Dương gửi đến học).

Người được đăng ký trong danh sách sinh viên, số hiệu 375.

- Bản chụp tài liệu lưu trữ của Cục Lưu trữ Trung ương thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin (Liên Xô trước đây), lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Tạp chí Lịch sử Đảng, số 2 - 1988, tr. 46.

Tháng 10 đến tháng 12

Ở Trường Quốc tế Lênin, lúc đầu Nguyễn Ái Quốc sinh hoạt trong nhóm tiếng Trung Quốc. Vài ngày sau, thấy không thích hợp, Người được chuyển sang sinh hoạt ở những nhóm tiếng Pháp.

Người thường gặp gỡ nhóm học sinh Việt Nam học ở Trường đại học Cộng sản Phương Đông để giúp đỡ họ trong học tập lý luận cũng như trong sinh hoạt.

- Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr. 304.

* Năm 1935

NĂM 1935

Tháng 1, ngày 16

Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi Ban Phương Đông 1), ký tên Lin, nêu lên tình trạng thiếu lý luận cách mạng của đại đa số cán bộ Đảng Cộng sản ở Đông Dương, Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia... và những vấp váp, sai lầm, bế tắc của họ do “trình độ lý luận và chính trị rất thấp” gây nên.

Người yêu cầu Ban Phương Đông “phải giúp đỡ các đồng chí của chúng ta khắc phục những khó khăn ấy bằng cách tạo điều kiện cho các đồng chí tiếp thụ được những kiến thức sơ đẳng nhất mà mỗi chiến sĩ đều phải có” và nêu tên 30 loại sách, tài liệu cần xuất bản viết về các vấn đề sau đây: Tuyên ngôn Cộng sản, Đảng Cộng sản và tổ chức của Đảng, Lịch sử Quốc tế Cộng sản, Luận cương và Nghị quyết về vấn đề thuộc địa của Quốc tế Cộng sản... Theo Người, đó là “biện pháp duy nhất có hiệu quả” để nhanh chóng chấm dứt tình trạng lạc hậu về lý luận cách mạng nói trên. Kết luận, Người nhấn mạnh, đối với những đồng chí ở các nước thuộc địa như Đông Dương, mà ở đây Đảng hoạt động bất hợp pháp và trình độ văn hoá của những người lao động còn thấp, thì những quyển sách nhỏ này rất có ích.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 83-87.

- Bản chụp bức thư, lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

Tháng 6, ngày 29

Hoàn cảnh của Nguyễn Ái Quốc từ sau khi thoát khỏi nhà tù Hồng Kông được đề cập trong thư của Trưởng phòng Đông Dương Vêra Vaxiliêva gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, bày tỏ băn khoăn về việc Nguyễn Ái Quốc dễ dàng thoát khỏi nhà tù Hồng Kông, sự theo dõi sát sao của cảnh sát Pháp và việc tại sao Nguyễn Ái Quốc không được đi thực tế và tham gia vào công tác bí mật của Đảng. Bức thư có đoạn: "Tháng 6 - 1934, Nguyễn Ái Quốc đến Mátxcơva. Qua lời kể của đồng chí thì khó xác định được tại sao đồng chí lại dễ dàng ra khỏi nhà tù và thoát khỏi tay cảnh sát Pháp... Đồng chí nói rằng chuyến đi này được tiến hành nhờ sự giúp đỡ của Vayăng Cutuyariê (Vaillant Couturier) trong thời gian ở Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng tất cả những việc này cần phải được kiểm chứng một cách thận trọng. Khi đồng chí đến đây, chúng tôi đã chuyển đồng chí tới Trường Lênin tại Mátxcơva, nơi đồng chí đang nghiên cứu... Nhiều lần đồng chí đề xuất với tôi xem xét vấn đề và thảo luận việc thành lập mối liên lạc giữa các Đảng. Đồng chí kiên trì theo dõi những chuyến đi của học viên, họ đi đâu và với nhiệm vụ gì và rất đau khổ vì tại sao đồng chí không được tham gia vào việc này hay việc khác của công tác bí mật ".

- Thư của Vêra Vaxiliêva gửi Ban Thư ký Phương Đông (bản sao gửi Phòng Cán bộ IKKI), tiếng Nga, bản chụp, lưu tại Văn phòng Trung ương Đảng.

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, (Tư liệu và hình ảnh), Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr. 239.

Tháng 8, ngày 16 2)

Nguyễn Ái Quốc điền Bản khai đại biểu tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản7.

1. Quê quán: Đông Dương.

2. Họ, tên, bí danh trong Đảng hiện nay: Teng Man Huon.

3. Họ, tên, bí danh trong Đại hội: Lin.

4. Dân tộc: Đông Dương.

5. Tuổi: sinh năm 1900, 35 tuổi.

6. Thành phần xuất thân: Gia đình trí thức.

7. Trình độ học vấn: tự học.

8. Đã học trường Đảng chưa? Từ năm nào đến năm nào?: Đang học Trường Quốc tế Lênin.

9. Nghề nghiệp, đã làm bao nhiêu năm?: thuỷ thủ, làm thuê 10 năm.

10. Phương tiện sinh sống hiện nay: sinh viên Trường Quốc tế Lênin.

11. Đã tham gia những bộ phận nào của Quốc tế Cộng sản? Từ năm nào đến năm nào?

- Từ năm 1921 - 1930 tham gia Đảng Cộng sản Pháp.

- Từ năm 1930 đến nay là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.

12. Có tham gia các đảng phái nào khác? Từ năm nào đến năm nào?: không.

13. Những công tác Đảng đã và đang tham gia từ Đại hội VI Quốc tế Cộng sản?

- Từ năm 1928, tổ chức phong trào công nhân và nông dân ở Xiêm.

- Năm 1930 - 1931, tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương.

14. Có bị bắt vì hoạt động cách mạng không? Bao nhiêu năm bị tù đày?

- Năm 1931 bị bắt, bị tù 2 năm.

- Năm 1933 ra khỏi tù.

15. Đã tham gia những Đại hội, những Hội nghị quốc tế nào? (Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Thanh niên, Quốc tế Công đoàn...).

- Đã tham gia Đại hội V Quốc tế Cộng sản với tư cách đại biểu... và Đại hội quốc tế Công đoàn.

16. Từ nước mình hay nước ngoài đến (Liên Xô)?

- Từ nước ngoài (Trung Quốc).

17. Có là thành viên của nghị viện, cơ quan hành chính nào không?

- Không.

Ký tên: Lin.

- Bản khai đại biểu tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr. 310-312.

Tháng 8, sau ngày 20

Nguyễn Ái Quốc và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản dự bữa cơm thân mật do Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp M. Tôrê (M. Thorez) và Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Minh tổ chức ở ngoại ô Mátxcơva để chúc mừng Đảng Cộng sản Đông Dương đấu tranh oanh liệt, thắng lợi vẻ vang.

- Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr. 318.

Tháng 9, ngày 25

Nguyễn Ái Quốc cùng với Nguyễn Thị Minh Khai,

Tú Hưu 3) dự Đại hội lần thứ VI Quốc tế Thanh niên, khai mạc tại Trụ sở các công đoàn Liên Xô. Tại Đại hội, Nguyễn Ái Quốc đã trả lời nhà văn I. Êrenbua khi được hỏi cảm nghĩ về mùa xuân này: “Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc tôi”.

- Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr. 320.

-----------------------------

1) Thư viết bằng tiếng Pháp. Cuối thư ký tên Lin (bằng tiếng Nga) (B.T).

2) Ngày 16-8-1935 là ngày tháng ghi ở cuối Bản khai. Còn ở phần trên Bản khai ghi ngày 13-8-1935 (B.T).

3) Tú Hưu: đồng chí Hoàng Văn Nọn (B.T).

* Năm 1936

NĂM 1936

Mùa hè

Nguyễn Ái Quốc cùng với một số đồng chí trong Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản chuẩn bị cho các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Tú Hưu về nước qua đường Pháp - Hồng Kông - Việt Nam. Người dặn kỹ kinh nghiệm, mật hiệu liên lạc khi đến Hồng Kông... Người còn dặn mấy ý kiến chuyển tới đồng chí Duy (tức Lê Hồng Phong) ở Thượng Hải: Trung ương Đảng phải chuyển về trong nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào; không thoả hiệp với bọn tơrốtxkít; lập Mặt trận Dân tộc dân chủ rộng rãi chống phátxít, chống chiến tranh đế quốc...

- Tú Hưu: Đi họp Quốc tế Cộng sản, Nxb. Dân tộc, Việt Bắc, 1964.

- Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr. 325-327.

Mùa hè

Nguyễn Ái Quốc tích cực chuẩn bị kế hoạch xin về nước. Người dự định sang Béclin rồi sang Pháp, và từ Pháp đi tàu về Đông Dương... Nếu gặp khó khăn thì đến Thượng Hải, nơi Quốc tế Cộng sản đã lập lại các cơ sở liên lạc của mình, rồi tìm đường về Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc được Vụ Tổ chức cán bộ của Quốc tế Cộng sản mời đến làm tờ khai lý lịch, hộ chiếu, giấy đi đường...

Song, chuyến đi này phải huỷ bỏ vì tình hình thay đổi.

Trong khi chờ đợi một dịp khác, Nguyễn Ái Quốc vào làm việc tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa8 đặt trụ sở tại nhà số 25, đại lộ Tvécxkôi ở Mátxcơva.

- Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr. 322.

- Nguyễn Khánh Toàn: Gặp Bác Hồ ở Liên Xô, in trong cuốn Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 114.

Khoảng cuối năm

Sau khi nhận công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc (Lin) chuyển chỗ ở về phố Bansaia Brônnaia, nhà số 6a, phòng 417.

- Tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin (Liên Xô trước đây). Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

* Năm 1937

NĂM 1937

Tháng 1, sau ngày 17

Nguyễn Ái Quốc (Lin) là một trong 21 người được tuyển chọn vào lớp nghiên cứu sinh do Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa mở cho một số cán bộ, giảng viên, phiên dịch viên của Viện, nhằm đào tạo các giảng viên có trình độ cao cho các khoa kinh tế, lịch sử...

- Bản chụp tài liệu của Cục Lưu trữ Trung ương, thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin (Liên Xô trước đây), lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 1, sau ngày 17

Nguyễn Ái Quốc lập Kế hoạch cá nhân của nghiên cứu sinh 1) trong biên chế Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa (thuộc Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản) với một số chỉ tiêu, thời hạn:

1. Họ và tên nghiên cứu sinh: LIN.

2. Thời gian thực hiện kế hoạch này: từ 1-I-1937 đến 31-XII-1937.

3. Công trình nghiên cứu sinh phải hoàn thành, nộp trong thời hạn trên.

I - Kế hoạch học tập năm thứ nhất


1. Triết học hoàn thành:

31-XII

2. Lịch sử cổ đại và trung đại:

1-VII

3. Lịch sử cận đại:

1-I / 31-XII

4. Tiếng Nga:

31-XII

II - Công việc tại phòng (Đông Dương)


1. Tình cảnh của nông dân Đông Dương: 1-IV / 1-VI


2. Lập hồ sơ báo chí: Theo quá trình tích luỹ tư liệu.


Ngoài định mức


Dịch: a/ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản


b/ Lênin “Bệnh ấu trĩ tả khuynh”


4. Địa chỉ và điện thoại của nghiên cứu sinh:

Phố Bansaia Brônnaia, nhà số 6a, phòng 417.

- Bản chụp tài liệu của Cục Lưu trữ Trung ương, thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin (Liên Xô trước đây), lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Khoảng giữa năm

Nguyễn Ái Quốc (Lin) dự kỳ thi học kỳ I năm học 1937-1938 của lớp nghiên cứu sinh Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Các môn duy vật biện chứng, lịch sử cổ đại và lịch sử trung đại đạt trung bình, môn lịch sử hiện đại đạt điểm xuất sắc 2).

- Bản chụp tài liệu của Cục Lưu trữ Trung ương, thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin (Liên Xô trước đây), lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Mùa hè

Nguyễn Ái Quốc (Lin) là một trong hai nghiên cứu sinh không đăng ký đi nghỉ hè một tháng theo kế hoạch của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa dành cho các nghiên cứu sinh.

- Bản chụp tài liệu của Cục Lưu trữ Trung ương, thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin (Liên Xô trước đây), lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 12

Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi đồng chí Ăngđrê Mácty 3) thể hiện tình cảm thắm thiết, lòng tiếc thương vô hạn về việc đồng chí Pôn Vayăng Cutuyariê từ trần.

- Thư tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 88-89.

Khoảng cuối năm

Được sự giúp đỡ của các giáo sư, Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị tư liệu để bắt tay vào viết bản luận án với đề tài do Người tự chọn: Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam Á.

- Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr. 324.

----------------------------

1) Phần cuối kế hoạch này có chữ ký của Trưởng phòng Đông Dương Vaxiliêva và chữ ký của Trưởng ban khoa học đề ngày 10-11-1937, với lời phê duyệt: “Tôi chuẩn y hoàn toàn kế hoạch cá nhân này” (B.T).

2) Kết quả trên đây được trích từ “Phiếu cá nhân” của nghiên cứu sinh: LIN, kỳ I, năm thứ nhất, năm học 1937-1938 (B.T).

3)a A. Mácty, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản, Uỷ viên Ban Bí thư Quốc tế Cộng sản (nhiệm kỳ Đại hội VII), trực tiếp phụ trách Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản (B.T).

* Năm 1938

NĂM 1938

Tháng 6, ngày 6

Nguyễn Ái Quốc (Lin) viết Thư gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản. Toàn văn bức thư (viết bằng tiếng Pháp) như sau:

Đồng chí thân mến,

Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Kông. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi. Nhân dịp này, tôi viết thư gửi đồng chí để xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này.

Đồng chí hãy phân tôi đi đâu đó. Hoặc là giữ tôi ở lại đây. Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích. Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng.

Tôi sẽ rất biết ơn đồng chí, thưa đồng chí thân mến, cho phép tôi được hội kiến. Tôi tin rằng như vậy sẽ tốt hơn. Đã từ lâu rồi đồng chí không gặp tôi.

Đồng chí thân mến, xin đồng chí nhận lời chào cộng sản anh em của tôi.

6-6-1938

LIN

(Nguyễn Ái Quốc)

- Bản chụp thư tiếng Pháp, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 90.

Tháng 9, ngày 29

Nguyễn Ái Quốc rời khỏi biên chế của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa 1).

- Bản chụp tài liệu của Cục Lưu trữ Trung ương, thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin (Liên Xô trước đây), lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 10

Vào một buổi chiều se lạnh, Nguyễn Ái Quốc đáp xe lửa ở ga Iarôxlapxki rời Mátxcơva đi về phương Đông.

- Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr. 335.

Mùa đông

Nhờ mối liên hệ giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đến Văn phòng Lan Châu của Giải phóng quân Trung Quốc để từ đó đi Tây An.

Tại Lan Châu 2), Người được Ngũ Tu Quyền 3) - Chủ nhiệm Văn phòng tiếp đãi chu đáo. Theo sự sắp xếp của tổ chức, Người nhận quân phục và phù hiệu Bát lộ quân, quân hàm thiếu tá với bí danh Hồ Quang.

- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 57.

- Ngũ Tu Quyền: Chặng đường kinh lịch của tôi 1908-1949, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 134-135.

Mùa đông

Sau vài ngày ở Tây An, Người cùng mấy đồng chí Trung Quốc “hộ tống” mấy xe bò, xe ngựa, xe trâu chở vải rách (mua về để bện dép) đi Diên An 4).

Khoảng một tuần sau Người đến Diên An.

- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 58.

Mùa đông

Ở Diên An hai tuần, Nguyễn Ái Quốc trở lại Tây An. Lần này, Người đi cùng 5 chiếc xe hơi chở học sinh và cán bộ trung, cao cấp. Trên đường qua vùng “trắng”, bọn đặc vụ Quốc dân Đảng lục soát xe, dọa giữ xe, giữ người. Trước thái độ cứng rắn của quân cách mạng, quân “trắng” phải lùi.

- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 63.

Mùa đông

Rời Tây An, Nguyễn Ái Quốc tìm đường đi Quảng Tây. Cùng đi có đồng chí L. là cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Để được an toàn trên đường đi, Nguyễn Ái Quốc sắm vai lính hầu của quan trưởng L.

- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 63.

Cuối năm

Nguyễn Ái Quốc trong vai thiếu tá Bát lộ quân Hồ Quang cùng tướng Diệp Kiếm Anh đến Quế Lâm, ở trong trụ sở Văn phòng Bát lộ quân5) đặt tại thôn Lộ Mạc ở ngoại ô thành phố.

- Hồ Chí Minh: Truyện và ký, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1974, tr. 323.

- Tư liệu phỏng vấn của Nhà lưu niệm Bát biện Quế Lâm (Trung Quốc). Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 53.

Một ngày cuối năm

Nhận được chiếc máy chữ của Pháp sản xuất, do Lý Bội Quần, một đồng chí Trung Quốc mua hộ từ Hải Phòng về, Nguyễn Ái Quốc rất vui.

Buổi chiều, Người cảm ơn đồng chí Lý bằng một bữa khao ở Quế Lâm tửu quán.

Người dùng chiếc máy chữ này để đánh các bài báo gửi về Việt Nam và các báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản.

- Hồi ký của Lý Bội Quần. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 55.

Cuối năm đến đầu năm sau

Nguyễn Ái Quốc trong vai thiếu tá Hồ Quang - công tác tại Phòng Cứu vong 6) thuộc Văn phòng Bát lộ quân ở Quế Lâm, là Ủy viên y tế kiêm Ủy viên bích báo, tham gia lãnh đạo Phòng.

Người còn phụ trách biên tập tờ Sinh hoạt tiểu báo, tờ báo nội bộ của cơ quan.

- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 63-64.

- Tư liệu phỏng vấn của Nhà lưu niệm Bát biện Quế Lâm (Trung Quốc). Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 54-55.

Tháng 12

Nguyễn Ái Quốc viết bài Người Nhật Bản muốn khai hoá Trung Quốc như thế nào, ký tên P.C. Lin 7).

Dưới danh nghĩa một nhà báo Trung Quốc, bằng cách trích những đoạn trong một cuốn sách của một tác giả phương Tây 8) và một số tài liệu sưu tầm khác, Người đã công bố nhiều con số, nhiều việc làm mà phát xít Nhật đã gây ra ở trại tị nạn Nam Kinh từ giữa tháng 12-1937 đến giữa tháng 12-1938. Bài viết tập trung vào chủ đề “Người Nhật Bản và trại những người tị nạn ở Nam Kinh” với các vấn đề “Hãm hiếp, Những vụ tàn sát”. Qua đó, Người tố cáo những vụ tàn sát dã man, như hàng chục nghìn đàn bà, con gái Trung Quốc ở nhiều lứa tuổi (kể cả những em gái dưới 10 tuổi và cả những bà già 60 tuổi) bị giặc Nhật bắt cóc và hãm hiếp.

Theo Người, những vụ việc, những con số khách quan ấy tuy chưa phản ánh đầy đủ tội ác của phát xít Nhật, nhưng “cũng đã đủ cho người ta một ý niệm về những gì mà bọn Nhật đã và đang tiến hành ở Trung Quốc. Và cũng như những gì mà chúng nhất định sẽ tiến hành tại các nước khác ở châu Á, nếu một khi chúng đã thắng được nhân dân Trung Quốc”.

Tác giả kết luận: “Bọn phát xít dã man tưởng rằng chúng có thể dùng khủng bố để làm bại hoại tinh thần của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Nhưng chưa bao giờ nhân dân và quân đội Trung Quốc lại đoàn kết và kiên quyết như ngày nay để đánh tan giặc ngoại xâm! Những sự tàn bạo của bọn Nhật sẽ được đáp lại một cách đích đáng bằng chủ nghĩa anh hùng vô song của những người Trung Hoa đang chiến đấu cho nền độc lập và sinh mệnh của mình”.

- Báo Notre Voix, ngày 12-2-1939 và ngày 5-3-1939.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 91-98.

Khoảng cuối năm

Nguyễn Ái Quốc viết cuốn sách nói về Khu vực đặc biệt và một số bài báo phản ánh những biến cố chính trị và quân sự, sự tàn ác của bọn phát xít Nhật, tinh thần anh dũng của các chiến sĩ Trung Quốc, cuộc đấu tranh chống bọn tơrốtxkít.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 140.

___________________________

1) Ngày 30-9-1938, Phòng cán bộ của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa đã ra Quyết định số 60 (mật), nội dung như sau:

Sinh viên mang số hiệu 19 (Lin) từ ngày 29-9-1938 đã rời khỏi biên chế của Viện (về nước).

Trưởng phòng cán bộ Nin-Ka-Pê Nôvicốp

2) Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc (tây bắc Trung Quốc), điểm trọng yếu trên tuyến giao thông từ Urumsi (thủ phủ Tân Cương) vào nội địa Trung Quốc (B.T).

3) Ngũ Tu Quyền, cán bộ cao cấp Đảng Cộng sản Trung Quốc, là Chủ nhiệm Văn phòng Lan Châu của Giải phóng quân Trung Quốc những năm 30 của thế kỷ XX. Văn phòng này có nhiệm vụ liên hệ với phòng đại diện ngoại giao và phòng đại diện quân sự của Liên Xô ở Lan Châu, qua đó móc nối mối liên hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với Đảng Cộng sản Liên Xô, chuyển giao các văn kiện, thông tin và tư liệu của Đảng, tiếp đón cán bộ nhân viên qua lại giữa Liên Xô và Trung Quốc (B.T).

4) Diên An, thị trấn của tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), bấy giờ là căn cứ đầu não của 18 vạn quân cách mạng và khu giải phóng Hoa Bắc(B.T).

5) Văn phòng Bát lộ quân ở Quế Lâm có trụ sở đối ngoại là số nhà 138, đường Quế Bắc (nay là số 98, đường Trung Sơn Bắc); các bộ phận hậu cần, cơ yếu, giao thông, điện đài, v.v. đóng ở thôn Lộ Mạc. Thôn này nằm ven đường sắt, cách Quế Lâm khoảng sáu kilômét về phía bắc, chia làm hai bộ phận ở hai bên đường sắt. Nguyễn Ái Quốc ở bộ phận phía tây đường, cùng với phần lớn cán bộ của Văn phòng.

Người phụ trách Văn phòng lúc đó là Lý Khắc Nông (B.T).

6) Hà Khải Quân (Trung Quốc), người phụ trách Phòng Cứu vong lúc đó có một đoạn hồi ký như sau:

Tôi cùng công tác với đồng chí Hồ Chí Minh từ cuối năm 1938 đến xuân hè năm 1939 tại Phòng Cứu vong của Văn phòng Bát lộ quân ở Quế Lâm và cùng ở trong một nhà lớn phía tây đường sắt trong thôn Lộ Mạc. Hồi đó, Người mang tên Hồ Quang, tiếng nói pha giọng Quảng Đông. Phòng Cứu vong chúng tôi giống như câu lạc bộ nhưng không hoàn toàn là câu lạc bộ, bởi vì Phòng còn có nhiệm vụ giáo dục chính trị và văn hoá. Phòng có nhiều uỷ viên như uỷ viên kinh tế tài chính, uỷ viên y tế, uỷ viên văn thể, uỷ viên bích báo... Hồ Quang là Ủy viên y tế kiêm Ủy viên bích báo, vì vậy cũng là một thành viên lãnh đạo Phòng. Tôi còn nhớ Hồ Quang từng phụ trách kiểm tra vệ sinh, làm việc rất chu đáo, yêu cầu rất nghiêm khắc... Hồ Quang còn phụ trách biên tập tờ Sinh hoạt tiểu báo, một tờ báo nhỏ truyền tay nhau đọc trong nội bộ cơ quan chúng tôi. Bản thảo được chép lại bằng bút lông rồi đóng thành tập. Bìa báo do Hồ Quang trình bày, tên báo cũng do đồng chí ấy viết. Nội dung phần lớn là những sinh hoạt trong cơ quan, có biểu dương, có phê bình, khoảng 10 ngày ra một số. Ngoài công việc biên tập và chép lại, Hồ Quang còn viết rất nhiều bài, có lúc làm cả những bài thơ nho nhỏ theo thể thơ cổ của Trung Quốc (B.T).

7) Cuối năm 1938 và trong năm 1939, từ Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài báo gửi về nước, đăng trên tuần báo Notre Voix(Tiếng nói của chúng ta), một tờ báo công khai của Đảng ta, xuất bản tại Hà Nội những năm 1936-1939. Trong các bài báo ấy, Người thường ghi “Thư từ Trung Quốc”, ghi Quế Lâm, ngày... tháng... và ký tên “P.C.Lin”. Dưới danh nghĩa một nhà báo Trung Quốc, Người đã phân tích khoa học tình hình đang diễn ra ở Trung Quốc, tố cáo tội ác của phát xít Nhật, nêu cao chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Trung Quốc đang chiến đấu cho độc lập dân tộc. Những bài báo này của Người đã giới thiệu với nhân dân Việt Nam những vấn đề và kinh nghiệm của nhân dân Trung Quốc, giúp nhân dân ta nâng cao cảnh giác, đấu tranh cho hoà bình, chống chủ nghĩa phát xít và chống chiến tranh.

Với nội dung tương tự, báo Dân chúng, cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương xuất bản ở Sài Gòn, đăng liền trên ba số 46 (ngày 21-1-1939), 47 (ngày 24-1-1939) và 48 (ngày 28-1-1939) dưới đầu đề Những sự hung tàn của đế quốc Nhật. Đây là lần đầu tiên, báo Đảng trong thời kỳ vận động dân chủ đăng bài của Nguyễn Ái Quốc (B.T).

8) Đó là quyển Ý nghĩa của chiến tranh - Những sự tàn bạo của người Nhật Bản ở Trung Quốc (“What war means - the Japanese atrocities in China”) của H.J. Timpớclây, thông tín viên báo Người bảo vệ Mansextơ (B.T).

* Năm 1939

NĂM 1939

Đầu năm

Với bí danh Hồ Quang, Nguyễn Ái Quốc đến Trùng Khánh. Người ở tại Văn phòng Bát lộ quân Trùng Khánh 1) đặt tại thôn Hồng Nham.

Người thường đến thăm Chu Ân Lai, một đôi lần gặp cả Franklin Lien Ho 2) ở đó.

- King C. Chen: Vietnam and China 1938-1954, Princeton University, Press Princeton, New York, 1969, p. 34.

- Hoàng Tranh: Ghi chép phỏng vấn đồng chí Lưu Ngang. Dẫn trong Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 59-60.

Tháng 2, ngày 10

Từ Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc đi với Diệp Kiếm Anh đến lớp huấn luyện cán bộ du kích tại Nam Nhạc thuộc Hoành Dương, tỉnh Hồ Nam 3).

- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 63.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 55-56.

Tháng 4, ngày 9

Bài viết Thư từ Trung Quốc khởi đầu bằng dòng chữ “Quế Lâm, cuối tháng 2”, ký tên P.C. Lin của Nguyễn Ái Quốc, in trên báo Notre Voix9.

Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra sự thống nhất và hợp tác bước đầu của hai Đảng chính trị lớn ở Trung Quốc lúc bấy giờ là Đảng Cộng sản và Quốc dân Đảng trong Mặt trận dân tộc chống Nhật. Mặt khác, Nguyễn Ái Quốc cũng lên án khuynh hướng thất bại chủ nghĩa và đầu hàng Nhật, mà đại biểu của nó là Uông Vệ Tinh - cựu Chủ tịch Hội đồng chính trị quốc gia nước Trung Hoa.

Người giới thiệu kết quả của kỳ họp lần thứ ba của Hội đồng chính trị quốc gia Trung Quốc: “vạch ra và thảo luận 86 dự án và kiến nghị, trong đó có 19 dự án và kiến nghị thuộc những vấn đề về quân sự, 18 về kinh tế và tài chính, 17 về giáo dục nhân dân, 3 về ngoại giao, 28 về nội trị, 3 về những vấn đề khác”.

- Báo Notre Voix, ngày 9-4-1939.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 99-102.

Tháng 4, ngày 16

Bài viết Thư từ Trung Quốc khởi đầu bằng dòng chữ “Quế Lâm, đầu tháng 3”, ký tên P.C. Lin của Nguyễn Ái Quốc in trên báo Notre Voix.

Nguyễn Ái Quốc trích dẫn từ bản tin Những con số hùng hồn về những thiệt hại, tổn thất của bọn xâm lược Nhật Bản “trên mặt trận du kích” ở Trung Quốc. Trong phần kết, Người viết: “Nhưng nếu bọn Nhật muốn quân du kích đánh giặc như những “người văn minh” bằng cách dùng giáo mác và súng trường để chọi với xe tăng và đại bác thì chúng có thể cứ chờ đó. Chúng tôi không đến nỗi ngu ngốc như thế!”.

- Báo Notre Voix, ngày 16-4-1939.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 103-108.

Tháng 4, ngày 20

Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi một đồng chí ở Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, ký tên Lin, để bổ sung thêm một vài điều mà trong thư trước quên chưa nói. Đó là mối quan hệ với tờ Notre Voix, tờ báo có “những thông tin khá hay” về những tờ báo cánh tả, về Đảng Xã hội, về hoạt động của “đại biểu đảng viên xã hội người bản xứ ở Hội đồng thành phố Hà Nội”, về “sự đàn áp xảy ra ở khắp nơi, đặc biệt là ở Trung Kỳ, chống những... phần tử cánh tả, những công nhân và những nông dân hoạt động", về sự hoạt động của bọn phản động.

Qua đó, Người nhận định: “tôi có cảm tưởng rằng phong trào của mặt trận thống nhất ở xứ này không mạnh lắm. Trái lại, những phần tử cánh tả hoạt động khá mạnh”. Người cũng thông báo đã “góp phần nhỏ bé (...) vào cuộc đấu tranh chống Nhật Bản bằng cách thỉnh thoảng gửi những bài tuyên truyền cho các báo nước ngoài và công tác ở Bát lộ quân”.

Người ghi:

Địa chỉ: (Bằng máy bay).

Quế Lâm (Quảng Tây) Trung Quốc.

(Sau dòng địa chỉ bằng tiếng Pháp là dòng chữ Hán viết tay: Tân Hoa nhật báo, số nhà 35, đường Quế Tây, Quế Lâm, Quảng Tây, chuyển cho ông Lâm Tam Xuyên).

- Tài liệu tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 121-124.

Tháng 4, ngày 30

Bài viết Chủ nghĩa anh hùng của công nhân Trung Quốc trong chiến tranh chống Nhật, ký tên P.C. Lin, của Nguyễn Ái Quốc, in trên báoNotre Voix.

Nguyễn Ái Quốc giới thiệu những hoạt động đầu tiên của công nhân mỏ Hân Định 4) khi bọn Nhật đến khai thác “miếng mồi béo bở” này. “Công nhân mỏ biến thành du kích” và đó là “gánh nặng” đối với kẻ xâm chiếm. Vì vậy, Người mở đầu bài viết bằng một khẳng định: “Trong chiến tranh chống Nhật, công nhân Trung Quốc là những người yêu nước ưu tú nhất”. Nông dân cũng là lực lượng kháng Nhật mạnh mẽ. Cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc làm cho “Bọn Nhật ngày càng trở nên mệt mỏi”. Từ những cuộc đấu tranh riêng rẽ của nông dân, công nhân đã “hình thành nên một phong trào mạnh mẽ của du kích vùng mỏ... Như vậy là bùng nổ cuộc chiến tranh công khai thật sự giữa bọn Nhật và anh em công nhân ở Hân Định".

Cuộc chiến tranh chống Nhật của công nhân Trung Quốc được cả hai vợ chồng kỹ sư người Đức ủng hộ. Cuộc chiến đấu này không chỉ khẳng định phẩm chất “yêu nước ưu tú nhất” của công nhân Trung Quốc mà còn vì nền văn minh chung của nhân loại nữa.

- Báo Notre Voix, ngày 30-4-1939.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 109-115.

Tháng 5, ngày 21

Bài viết Thư từ Trung Quốc - Những khó khăn của quân đội Nhật khởi đầu với dòng chữ “Quế Lâm, ngày 15-4”, ký tên P. C. Lin của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Notre Voix.

Nguyễn Ái Quốc thuật lại (từ các nguồn thông báo chính thức) một số vụ binh biến (ở Đại Cô ngày 22 tháng Giêng, ở Hán Khẩu ngày 9 tháng 2,...) và tình hình từ chỗ cuồng tín “Hy sinh vì Nhật hoàng là vinh dự lớn nhất!”, “Hãy chiến thắng khi trở về hoặc là tự sát trên chiến trường!” đến tình trạng mất lòng tin, đến những vụ tự tử để khỏi phải ra mặt trận, những vụ nổi dậy của binh lính Nhật ở Hồng Kông, Louang... Kết thúc bức thư, Nguyễn Ái Quốc viết: “Sau khi đọc qua vài sự việc trên đây, chắc các bạn thừa hiểu vì sao bọn Nhật sau khi chiếm Hán Khẩu, Quảng Châu và Nam Dương thì không còn tiến được nữa”.

- Báo Notre Voix, ngày 21-5-1939.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 116-120.

Tháng 6, ngày 23

Bài viết Thư từ Trung Quốc - Về chủ nghĩa Tờrốtxki10 khởi đầu bằng dòng chữ “Quế Lâm, ngày 10-5-1939”, ký tên P.C. Lin, của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Notre Voix.

Nguyễn Ái Quốc chuyển đến người đọc năm nhận định về chủ nghĩa Tờrốtxki và bọn tờrốtxkít:

1. Đây là một vấn đề liên quan đến toàn quốc, toàn dân: một vấn đề chống lại Tổ quốc, chứ “không phải là sự tranh cãi trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

2. Bọn phát xít Nhật và bọn phát xít nước ngoài tuyên truyền xuyên tạc, làm cho người ta tưởng rằng những người cộng sản và bọn tờrốtxkít là cùng một cánh với nhau.

3. Bọn tờrốtxkít ở tất cả các nước là những bè lũ bất lương, những con chó săn của chủ nghĩa phátxít.

4. Ở tất cả các nước, bọn tờrốtxkít đều dùng những tên gọi hoa mỹ để che giấu những công việc kẻ cướp, bẩn thỉu của chúng.

5. Bọn tờrốtxkít không chỉ là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, mà còn là kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ. Đó là bọn phản bội và mật thám tồi tệ nhất.

Cuối thư, Người hẹn sẽ nói rõ hơn về hành động của bọn tờrốtxkít Trung Quốc trong một bức thư sau. Kèm theo một lời chào: “Mong sớm được gặp lại các bạn”.

- Báo Notre Voix, ngày 23-6-1939.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 125-127.

Tháng 6, ngày 20 đến tháng 9, ngày 20

Với bí danh Hồ Quang, Nguyễn Ái Quốc tham gia khoá 2 lớp huấn luyện cán bộ du kích Nam Nhạc 5) (Hồ Nam, Trung Quốc). Tại đây, Người còn phụ trách việc nghe đài lấy tin cho lớp huấn luyện 6).

- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 64.

- Ngô Khê Như: Hồi ức về lớp huấn luyện cán bộ du kích Nam Nhạc. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 56-57.

Tháng 7, ngày 7

Bài viết Thư từ Trung Quốc - Hoạt động của bọn tờrốtxkít Trung Quốc, ký tên P.C. Lin, của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Notre Voix.

Nguyễn Ái Quốc đã vạch mặt một số tên đại biểu tờrốtxkít và những hành động phản bội Tổ quốc của chúng - để nhận của Sở mật thám Nhật, mỗi tháng 30 đôla, “cùng những khoản tiền trả thêm cho cân xứng với những “công việc đã làm được có kết quả””. Đó là việc xuất bản những tạp chí và những tập trào phúng để truyền bá tư tưởng đầu hàng, bào chữa cho ý đồ xâm lược của Nhật ở Trung Quốc; tìm cách phá hoại phong trào kháng Nhật, bắt “những người cầm đầu giỏi nhất của cuộc bãi công”.

- Báo Notre Voix, ngày 7-7-1939.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 128-129.

Tháng 7, ngày 14

Bài viết Thư từ Trung Quốc - Tổng kết sau hai năm đấu tranh, ký tên P. C. Lin, của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Notre Voix.

Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ, tuy Nhật đã chiếm 12 tỉnh của Trung Quốc với số dân 200 triệu người, nhưng chúng đã thất bại trên các mặt trận chính trị, kinh tế, quân sự.

Về phía nhân dân Trung Quốc, tác giả trình bày cuộc kháng chiến anh dũng chống Nhật và khẳng định: “Chúng tôi có “thiên thời, địa lợi và nhân hoà” là ba yếu tố cần thiết cho chiến thắng”.

Kết thúc bài viết là một trích đoạn bài hát:

“Ai có tiền thì góp tiền.

Ai có sức thì góp sức.

Mỗi chúng ta là một chiến sĩ anh dũng.

Tiến lên! Quân thù sắp phải nhả ra thôi.

Hãy cống hiến tất cả! Hãy cống hiến tất cả!

Cho chiến thắng đang đến với chúng ta!”.

- Báo Notre Voix, ngày 14-7-1939.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 130-133.

Tháng 7, ngày 28

Nguyễn Ái Quốc viết bài Thư từ Trung Quốc - Hoạt động của bọn tờrốtxkít ở Trung Quốc, trong đó, Người trình bày thêm về những tội ác của bọn tờrốtxkít. Chúng khơi dậy chủ nghĩa địa phương trong dân chúng để chống lại Chính phủ kháng Nhật và tìm cách làm cho Hồng quân suy yếu, chúng phá hoại Mặt trận đoàn kết, âm mưu diệt trừ cộng sản, gây rối loạn ở hậu phương.

- Báo Notre Voix, ngày 28-7-1939 và ngày 11-8-1939.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 134-137.

Cuối tháng 7

Nguyễn Ái Quốc viết tám điểm xác định đường lối, chủ trương cho cách mạng Đông Dương, trong thời kỳ 1936-1939. Đó là “Những chỉ thị mà tôi nhớ và truyền đạt”. Tám điểm này được gửi kèm theo với báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản để xin ý kiến. Đó là:

1. Khẩu hiệu đấu tranh: “Lúc này, Đảng không nên đưa ra những đòi hỏi quá cao (độc lập dân tộc, nghị viện, v.v.). Như thế sẽ rơi vào cạm bẫy của phát xít Nhật”...

2. Phải ra sức tổ chức Mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi.

3. Phải có thái độ khéo léo, mềm dẻo, lôi kéo tư sản dân tộc về phía Mặt trận.

4. Không được thoả hiệp, nhượng bộ với bọn tờrốtxkít.

5. Liên hệ chặt chẽ với Mặt trận nhân dân Pháp.

6. Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất.

7. Kiên quyết chống tư tưởng bè phái, phải tổ chức học tập có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lênin.

8. Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị.

- Bản chụp bút tích, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 138-139.

Cuối tháng 7

Ký tên P. C. Lin, Nguyễn Ái Quốc viết Báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản về tình hình chính trị ở Đông Dương từ năm 1936 đến năm 1938.

Báo cáo mở đầu: “Các bạn thân mến, Tôi ra đi đã 9 tháng nay và đã tới nơi được 7 tháng. Nhưng tôi lấy làm khổ tâm mà báo cáo rằng tôi chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đúng là tôi đã rơi vào cơn lốc lớn đang làm biến đổi số mệnh của hàng trăm triệu con người và trên con đường di chuyển của nó, nó đã ngẫu nhiên làm đảo lộn tất cả kế hoạch của tôi. Tuy nhiên điều đó cũng không thể bào chữa cho sự bất lực của tôi...”.

Nguyễn Ái Quốc trình bày một số việc mà Người đã tiến hành trong thời gian 7 tháng qua (đối với cách mạng Đông Dương và đối với công tác tuyên truyền quốc tế). Người cũng gửi kèm theo báo cáo này bản sao tám điểm có tính chất phương hướng cho cách mạng Đông Dương trong tình hình mới để xin ý kiến. Nội dung báo cáo có những phần sau:

- Tình hình chính trị trong người bản xứ: một số đảng viên xã hội người bản xứ hoạt động trong các Hội đồng quản hạt của Pháp và đám tang Phan Thanh - một đám tang lớn chưa bao giờ thấy “như thế ở Hà Nội”.

- Tổ chức chính trị của Pháp ở Bắc Kỳ với các hoạt động của Chi nhánh Đảng Xã hội Bắc Đông Dương, Hội nhân quyền.

- Cuộc đấu tranh của công nhân: nhiều cuộc bãi công, biểu tình nổ ra trong khắp nước, có tổ chức, kỷ luật hơn và được sự ủng hộ tinh thần, vật chất của công nhân nhiều ngành.

- Hoạt động của báo chí, xuất bản sách báo cách mạng.

- Tình cảnh của tù chính trị với khoảng 1500 người ở trong các nhà lao, bị đàn áp, o ép.

- Sự ủng hộ lẫn nhau giữa cách mạng Đông Dương và Trung Quốc, cũng như sự cấu kết giữa bọn Pháp và Tưởng.

- Hoạt động của Nhật ở Đông Dương nhằm xâm chiếm xứ này.

- Báo cáo tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 140-161.

Tháng 9, sau ngày 20

Với bí danh Hồ Quang, Nguyễn Ái Quốc rời Hoành Dương, tỉnh Hồ Nam đi Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc).

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 48.

Tháng 10, đầu tháng

Nguyễn Ái Quốc đến Quế Lâm.

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 48.

Tháng 10

Nguyễn Ái Quốc rời Quế Lâm qua Liễu Châu, Nam Ninh đi Long Châu để bắt liên lạc với các đồng chí Việt Nam ở trong nước phái ra. Cùng đi có một đồng chí Trung Quốc, có công vụ qua Việt Nam đi Hồng Kông kết hợp làm nhiệm vụ hộ tống 7).

Tại Long Châu, Nguyễn Ái Quốc không gặp được người từ Việt Nam cử sang. Người lại quay về Quế Lâm.

- Hồ Chí Minh: Cách mạng Trung Quốc với cách mạng Việt Nam. Báo Nhân dân, ngày 1-7-1961.

- Hồi ký của Lý Bội Quần. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 58.

Tháng 10, cuối tháng

Nguyễn Ái Quốc đến Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). Người được bố trí ở tầng trên của Văn phòng Bát lộ quân tại Quý Dương 8).

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 48.

- Hoàng Tranh: Ghi chép cuộc phỏng vấn đồng chí Viên Siêu Tuấn. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 59-60.

Tháng 11, ngày 7

Nguyễn Ái Quốc rời Quý Dương 9).

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 48.

Tháng 11, ngày 18

Nguyễn Ái Quốc trở lại Quý Dương 10) nhưng vẫn không gặp được những người đi đón, nên lại tìm đường đi Côn Minh.

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 48.

Khoảng tháng 11

Nguyễn Ái Quốc từ Quý Dương đến Trùng Khánh. Tại đây, Người thường hay lui tới Văn phòng của Bát lộ quân đóng tại thôn Hồng Nham. Lần nào “Người cũng ở một gian buồng nhỏ tầng trên của Văn phòng, kề sát với buồng của đồng chí Tiền Chi Quang”.

- Tưởng Vĩnh Kính: Hồ Chí Minh ở Trung Quốc, Đài Bắc, 1972, tr. 59.

Khoảng cuối năm

Nguyễn Ái Quốc bí mật gặp ông Hồ Học Lãm, bấy giờ đã theo Bộ Tổng tham mưu quân Quốc dân Đảng rút về Trùng Khánh từ năm 1937.

Ông Lãm đã báo cho Người biết một số tình hình của Chính phủ Tưởng Giới Thạch, về hoạt động của Lê Thiết Hùng giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm lần quân Tưởng vây quét khu Xôviết.

Nguyễn Ái Quốc đã nhờ ông Lãm báo tin cho Lê Thiết Hùng tìm cách ra khỏi quân đội Tưởng, trở về Quế Lâm.

- Lê Thiết Hùng: Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác. Tạp chí Lịch sử quân sự, số tháng 10-1986[1]) Lưu Ngang, cán bộ Văn phòng Bát lộ quân Trùng Khánh thời kỳ này, cho biết:

------------------

1) Lưu Ngang, cán bộ Văn phòng Bát lộ quân Trùng Khánh thời kỳ này, cho biết:

Thời kỳ chiến tranh chống Nhật, vào khoảng các năm 1939-1940, tôi đã nhiều lần được gặp Hồ Chí Minh tại Văn phòng Bát lộ quân Trùng Khánh. Lúc bấy giờ Người mang bí danh Hồ Quang. Nhiều đồng chí chúng tôi không biết rằng Người là đồng chí của Đảng anh em. Người đến lần nào cũng ở một gian buồng nhỏ tầng trên của Văn phòng, kề vách với phòng ở của đồng chí Tiền Chi Quang. Đồng chí Hồ Quang ăn mặc rất giản dị, thường đi hài sảo, mặc áo vạt chéo kiểu đời Đường, trông như một thầy giáo nông thôn. Nói pha giọng Quảng Đông. Chúng tôi cứ tưởng là người Quảng Đông. Trán cao, lại tên là Hồ Quang, nên sau lưng đồng chí ấy, chúng tôi thường gọi là “Quang hói”. Người mang theo máy chữ bên mình, thường đánh máy chữ trong phòng. Có lúc Người cũng hỏi han chuyện trò với các đồng chí. Có lần tôi hỏi đồng chí đã có vợ chưa, có con cái gì không. Người bảo chưa lấy vợ. Bấy giờ, gần địa điểm làm việc của “Bát biện” Trùng Khánh có một cây cổ thụ, Hồ Quang rất thích nghỉ ngơi, đi bách bộ dưới bóng cây ấy. Vì Người đến với cương vị bí mật, thường là đồng chí Chu Ân Lai trực tiếp liên hệ với Người, nên chúng tôi ít được biết hoạt động của Người (B.T)

2) Franklin Lien Ho, từng là giáo sư Trường đại học Columbia, sau đó là Thứ trưởng Bộ Kinh tế của Chính phủ Trung Hoa dân quốc. Thời gian này ông nhiều lần đến nơi làm việc của Chu Ân Lai. Chi tiết này được ông khẳng định trong thư gửi King C. Chen, ngày 13-7-1967 (B.T).

3) Lớp huấn luyện cán bộ du kích tại Nam Nhạc là lớp huấn luyện do Quốc - Cộng hợp tác tổ chức trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật. Ngày 23-1-1938, Tưởng Giới Thạch triệu tập một cuộc hội nghị quân sự ở Hoành Sơn - Nam Nhạc, nêu chủ trương “Kháng chiến kỳ hai, coi trọng đánh du kích hơn đánh chính quy” và quyết định bắt chước cách làm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tổ chức tại Nam Nhạc một lớp huấn luyện, đào tạo cốt cán để mở rộng chiến tranh du kích vùng sau lưng địch. Vì vậy, Tưởng yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc cử cán bộ đến giảng dạy về chiến thuật du kích cho lớp huấn luyện. Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định cử Diệp Kiếm Anh dẫn đầu một số đồng chí đến tham gia lớp giảng dạy. Ngày 10-2-1939, Diệp Kiếm Anh lấy một số giáo quan và cán bộ ở Văn phòng Quế Lâm đến Nam Nhạc. Diệp Kiếm Anh giữ chức Phó trưởng ban giáo dục huấn luyện. Khoá thứ nhất khai giảng ngày 15-2-1939, kết thúc ngày 15-5-1939. Khoá thứ hai khai giảng ngày 20-6-1939 và kết thúc ngày 20-9-1939. Nguyễn Ái Quốc đã tham gia vào cả hai khoá huấn luyện với danh nghĩa công khai: Thiếu tá Hồ Quang, nhân viên điện đài (B.T).

4) Khu mỏ than của tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) (B.T).

5) Cùng với các giáo quan và cán bộ được Đảng Cộng sản Trung Quốc phái đến, đồng chí Hồ Quang ở trong khu vườn cam thuộc một trang trại của địa chủ ở phía tây thị trấn Nam Nhạc. Trong nơi đóng quân có đặt điện đài để nghe tin tức trong nước và thế giới và để liên lạc với Văn phòng Bát lộ quân ở Quế Lâm (B.T).

6) Ngô Khê Như, một giáo quan được Đảng Cộng sản Trung Quốc cử đến lớp huấn luyện du kích Nam Nhạc, trong một hồi ký về lớp huấn luyện ấy cho biết:

Qua tập “Bản tin khoá 2 lớp huấn luyện cán bộ du kích Tây Nam của ban Quân huấn Uỷ ban quân sự được ấn hành hồi đó, có thể đọc thấy những dòng sau về Hồ Quang:

Họ và tên: Hồ Quang

Chức vụ: Thiếu tá, giữ đài lấy tin

Tuổi: 38

Quê quán: Quảng Đông

Đơn vị: Tập đoàn quân 18

Tốt nghiệp trường nào: Đại học Lĩnh Nam

Đã từng làm công tác gì: Giáo viên trung học, Hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ (B.T).

7) Hồi ký của Lý Bội Quần viết:

“Vào khoảng tháng 10, tháng 11-1939, tôi lại nhận nhiệm vụ từ Quế Lâm qua Việt Nam đi Hồng Kông. Trước lúc lên đường, đồng chí Lý Khắc Nông gọi tôi lên, nói cho tôi rõ cương vị đích thực của đồng chí Hồ Quang và giao thêm cho tôi một nhiệm vụ nữa là tiện đường dẫn đồng chí Hồ Quang đến Long Châu, bắt liên lạc với người của tổ chức Đảng Việt Nam từ trong nước phái ra tìm đồng chí Hồ Quang. Thế là tôi hộ tống đồng chí Hồ Quang rời Quế Lâm, qua Liễu Châu, Nam Ninh đến Long Châu, suốt dọc đường hết sức cẩn thận. Sau khi đến Long Châu, chúng tôi ở lại một quán trọ nhỏ trên bờ sông. Nhưng chờ mãi ba ngày cũng không thấy có đồng chí đến chắp nối với Hồ Quang, Hồ Quang đành theo đường cũ quay lại Quế Lâm. Còn tôi thì từ Long Châu sang Việt Nam rồi đi Hồng Kông. Lần ấy không giúp đồng chí Hồ Quang chắp nối được với tổ chức, tôi cứ lấy làm tiếc mãi. Đến đầu thập kỷ 60, đọc được bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi mới biết rằng lần đó vì người ở Việt Nam cử sang Long Châu đã bị lừa lấy mất sạch tiền nên đã trở về Việt Nam ba hôm trước khi Hồ Quang và tôi từ Quế Lâm đến được Long Châu” (B.T).

8) Đồng chí Viên Siêu Tuấn, người phụ trách Văn phòng Bát lộ quân ở Quý Dương cho biết:

“Khoảng tháng 12-1938, tôi nhận nhiệm vụ rời Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm, đến Quý Dương, chuẩn bị thành lập Văn phòng Quý Dương. Đầu năm 1939, Văn phòng Bát lộ quân Quý Dương chính thức thành lập. Thu Đông năm đó, đồng chí Hồ Quang đến. Đồng chí trên đường từ Quế Lâm đi Trùng Khánh để gặp các đồng chí ở đoàn đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc, đi qua Quý Dương. Sau đó, đồng chí Hồ Quang còn nhiều lần qua lại Quý Dương, lần nào cũng ở tầng trên của nhà Văn phòng chúng tôi. Có lần ở năm ba hôm, có lần ở mươi hôm, nửa tháng. Đồng chí ấy mang theo máy chữ, thường đóng cửa phòng lại đánh máy. Quan hệ giữa đồng chí ấy với các đồng chí trong Văn phòng rất tốt. Đồng chí ấy thường dạy mọi người học ngoại ngữ. Bấy giờ chúng tôi rất gian khổ. Đồng chí Hồ Quang có lúc bỏ ra ít tiền mua thức ăn thêm cùng ăn với chúng tôi. Về sau, sau khi đồng chí Hồ Quang bắt được liên lạc với các đồng chí Việt Nam hoạt động tại Côn Minh, thì đồng chí Hồ Quang và các đồng chí Việt Nam khác càng có nhiều dịp vào ra Văn phòng Quý Dương. Đồng chí Hồ Quang thường nhờ Văn phòng giúp một số việc như chuyển khoản, sắp xếp nơi ăn chốn ở và giải quyết vấn đề giao thông cho các đồng chí Việt Nam qua lại...” (B.T).

9)) Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp có nhiệm vụ đi tìm đón đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Ngày 10-11, hai đồng chí đến Quý Châu, tìm vào Văn phòng của Bát lộ quân, gặp Viên Siêu Tuấn, đồng chí này cho biết: “Đồng chí Hồ Quang đã rời đây đi ba ngày rồi” (B.T).

10) Lúc này, Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp đã chia tay nhau được bảy ngày: Phùng Chí Kiên đi Côn Minh, Đặng Văn Cáp ở lại Quý Dương, nhưng vì hôm đó là ngày “hội sư” của Tưởng Giới Thạch với các tướng tá, nên tất cả các ngả đường, đặc biệt là đường từ bến ô tô đến Văn phòng Bát lộ quân đều bị giới nghiêm, không đến gặp được (B.T).

* Năm 1940

NĂM 1940

Tháng 2, cuối tháng

Trong bộ âu phục cổ cồn, thắt cờravát, Nguyễn Ái Quốc với biệt danh “ông Trần”, đến liên hệ với Trịnh Đông Hải (tức Vũ Anh) tại hiệu dầu cù là Vĩnh An Đường ở Côn Minh 1).

Người hỏi về tình hình trong nước, những hoạt động ở Côn Minh... và bắt liên lạc với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng 2).

- Vũ Anh: Từ Côn Minh về Pác Bó, in trong cuốn Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 138 - 139.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Sao Mới, tháng 8-1990, bản tiếng Việt, tr. 110.

Tháng 3, đầu tháng

Tại Côn Minh, theo sự bố trí của Ban Chỉ huy ở ngoài, Nguyễn Ái Quốc đến ở nhà ông Tống Minh Phương 3) trong một gian buồng nhỏ ở trên gác, số nhà 77 đường Kim Bích.

Về sau, theo sự gợi ý của Nguyễn Ái Quốc, hiệu may Tống Minh Phương chuyển thành hiệu cà phê Tân Nam.

- Vũ Anh: Từ Côn Minh về Pác Bó, in trong cuốn Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 140.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Sao Mới, tháng 8-1990, tr. 109.

Tháng 3, khoảng giữa tháng

Sau lần Quốc dân Đảng khám xét hiệu cà phê Tân Nam của ông bà Tống Minh Phương, Ban Chỉ huy ở ngoài bố trí Người chuyển đến gian gác Nhà xuất bản "Sinh hoạt đọc sách" ở số nhà 67, Hoa Sơn Nam, Côn Minh.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Sao Mới, tháng 8-1990, tr. 110.

Tháng 4

Nguyễn Ái Quốc đi thăm một số cơ sở cách mạng dọc đường xe lửa Vân Nam - Hồ Kiều. Người lấy giấy chứng nhận của tổ chức quần chúng “Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện hội”11. Đây là tổ chức được nhà đương cục Trung Quốc công nhận hoạt động hợp pháp. Lấy danh nghĩa kiểm tra công tác Hội, Người đến ga Nghi Lương, Khai Viễn, Chỉ Thôn (Xì Xuyên)... Phùng Chí Kiên cùng đi với Người.

- Hoàng Quang Bình: Ở Vân Nam, in trong cuốn Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 118-123.

- Vũ Anh: Từ Côn Minh về Pác Bó, in trong cuốn Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 142.

Tháng 4

Tại Chỉ Thôn (huyện Mông Tự, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đến cơ sở của Hoàng Quang Bình (lúc này làm nghề cắt tóc). Người cùng đồng chí Kiên nghỉ tại gác xép của nhà đồng chí Bình. Sau khi nghe báo cáo tình hình, Người cùng đồng chí Kiên mở lớp huấn luyện cho chi bộ ở đây. Người còn khuyên đồng chí Bình nên năng giặt sạch vải choàng để có nhiều công nhân đến cắt tóc.

- Hoàng Quang Bình: Ở Vân Nam, in trong cuốn Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 118-123.

- Vũ Anh: Từ Côn Minh về Pác Bó, in trong cuốn Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 142.

Tháng 4

Với bí danh “ông Trần”, Nguyễn Ái Quốc tham gia lễ cầu hồn cho hai chục Việt kiều ở Bích Sắc Trại bị bom Nhật giết hại. Tại ngôi đền do ông Tự Thanh trông coi, dành cho đồng bào ở Chỉ Thôn, “ông Trần” đã ứng khẩu đọc bài sớ:

Nam mô Phật tổ Như Lai

Chúng sinh nheo nhóc dưới trời Tây phương

Trăm tầng áp bức thảm thương

Thân gầy như củi, xác nhường thây ma

...

Thù nhà nợ nước đôi đường

Đã vì người chết càng thương giống nòi

Đừng tin vào số mệnh trời

Mà do quân Nhật giết người gây nên

Hồn ơi, hồn có linh thiêng

Hãy cùng người sống báo đền nước non

Người còn khóc thì nước phải còn.

- Lê Tùng Sơn: Bác Hồ với kiều bào, in trong cuốn Đầu nguồn, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 406-408.

Tháng 5, ngày 1

Theo sự gợi ý của Nguyễn Ái Quốc, tờ báo cách mạng lâu nay mang tên Truyền tin, ra số Kỷ niệm ngày 1-5, là số đầu tiên đổi tên thànhĐ.T. với lời “Kính chào độc giả”:

... “Đ.T. vẫn theo đuổi mục đích và tôn chỉ của Truyền tin mà phấn đấu. Hy vọng kiều bào sẽ giúp đỡ cho Đ.T. cũng như giúp đỡ cho Truyền tintrước, có tiền giúp tiền, có ý kiến giúp ý kiến, và ra sức cổ động cho Đ.T. được lan rộng.

Đế quốc chiến tranh đang kịch liệt và mở rộng. Cuộc vận động dân tộc giải phóng đứng trong bước gay go. Đ.T. có thể gánh vác một phần nhiệm vụ lớn của dân tộc, là nhờ sự giúp đỡ của kiều bào.

Còn hai chữ Đ.T. là ý nghĩa gì, kiều bào thử đoán xem”.

Trong mục Văn uyển có bài thơ nhạc Chinh phụ ngâm do Nguyễn Ái Quốc sáng tác, nói lên sự thông cảm với nỗi khổ của con người trong chiến tranh, đồng thời khéo léo khêu gợi chuyển chiến tranh đế quốc thành chiến tranh cách mạng:

Chuyển biến thành phản đế chiến tranh

Pháp thì khi đã giập binh 4)

Nước nhà trọn vẹn quang vinh muôn đời.

- Báo Đ.T., số 1, ngày 1-5-1940. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 5, đầu tháng

Sau một tháng ở Chỉ Thôn, Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cho những người ở lại: tiếp tục gây cơ sở, giữ gìn bí mật, đồng thời ủng hộ Trung Quốc kháng chiến. Người còn nói với các đồng chí ở cơ sở này: “Chúng tôi ở đây lâu, nay đi, đề nghị các đồng chí nhận xét và phê bình” và “Các đồng chí ở đây cần giúp đỡ các đồng chí qua lại hoạt động. Phải cần đến tiền. Tôi đưa một số tiền vào tiền ăn của chúng tôi...”. Sau đó, Người lên đường trở lại Côn Minh.

- Hoàng Quang Bình: Ở Vân Nam, in trong cuốn Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 123-125.

Tháng 5, đầu tháng

Tại Côn Minh, Nguyễn Ái Quốc quyết định cho rải truyền đơn dọc tuyến đường sắt từ Côn Minh đến biên giới Việt – Trung 5), vạch trần tội ác của giặc Pháp, giặc Nhật và kêu gọi quần chúng ủng hộ nhân dân Trung Quốc chống Nhật.

- Hoàng Quang Bình: Ở Vân Nam, in trong cuốn Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 125-132.

- Vũ Anh: Từ Côn Minh về Pác Bó, in trong cuốn Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 143.

Tháng 5, cuối tháng

Nguyễn Ái Quốc ở Côn Minh. Phùng Chí Kiên dẫn Đặng Văn Cáp 6) đến gặp Người.

Người thân mật hỏi đồng chí Cáp về những người quen cũ hồi ở Xiêm (nay là Thái Lan) cách đây đã hơn mười năm. Người cho biết định về nước bằng đường Côn Minh - Lào Cai qua huyện Khai Viễn nếu không có đường nào thuận lợi hơn. Người phái Bùi Thanh Bình về Hồ Kiều7) thăm dò đường sá và cử Hoàng Văn Lộc cùng về theo.

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 49-50.

Tháng 6, đầu tháng

Nguyễn Ái Quốc, mang bí danh đồng chí Vương, gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp 8) (vừa từ trong nước sang) tại công viên Thuý Hồ9).

Người nói chuyện với các đồng chí, hỏi thăm về các khó khăn khi đi đường, về Mặt trận Dân chủ trong nước gần đây, về chuyện làm báo... Trả lời câu hỏi (do Hoàng Văn Thụ dặn xin ý kiến Nguyễn Ái Quốc) về vấn đề “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông”, Người nói: “Vẫn rất cần, nhưng điều kiện tổ chức thì hiện nay chưa chín nên chưa đặt ra” và nói thêm: “Các đồng chí ra được thế này là tốt. Vài ngày nữa sẽ bố trí công tác cho các đồng chí”...

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 24.

- Vũ Anh: Từ Côn Minh về Pác Bó, in trong cuốn Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 143.

Tháng 6, đầu tháng

Nguyễn Ái Quốc với bí danh Hồ Quang, giới thiệu Phạm Văn Đồng (bí danh Lâm Bá Kiệt) và Võ Nguyên Giáp (bí danh Dương Hoài Nam) đi học Trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước khi hai đồng chí lên đường, Người căn dặn: Lên đấy “Cố gắng học thêm quân sự”. Người viết một giấy ký tên Hồ Quang giới thiệu hai đồng chí này đến Quý Dương, để từ đó đi Diên An.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 26.

- Vũ Anh: Từ Côn Minh về Pác Bó, in trong cuốn Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 143.

Tháng 6, sau ngày 20

Ở Côn Minh, sau khi nghe tin Pari bị quân Đức chiếm (20-6-1940), Nguyễn Ái Quốc triệu tập cuộc họp tại một ngôi nhà nhỏ là phòng họp và Toà soạn của báo Đ.T. Người phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.

Hội nghị tán thành nhận định trên. Khi có người băn khoăn vì không có vũ khí để cướp chính quyền, Người vạch rõ: “Khởi nghĩa thì phải có vũ khí. Đó là một trong những vấn đề rất quan trọng của cách mạng. Nhưng nếu bây giờ có vũ khí thì lấy ai mà vác vũ khí? Cho nên cứ tìm cách về nước đã, sau đó chúng ta sẽ vận động quần chúng. Khi quần chúng đã giác ngộ cao thì ta sẽ có vũ khí”.

- Vũ Anh: Những ngày gần Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 15.

Tháng 6, sau ngày 20

Nguyễn Ái Quốc điện cho Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp (đang chờ xe tại Quý Dương) không đi Diên An nữa, mà đợi tại Quế Lâm để tìm cách về nước, vì Chính phủ Pháp đã đầu hàng phát xít Đức chiếm đóng.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 28.

- Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

Tháng 6, cuối tháng

Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho Phùng Chí Kiên, Vũ Anh đến Quý Dương để cùng với Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp "đi Quế Lâm để tìm cách về nước".

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 29.

Tháng 6, cuối tháng

Nguyễn Ái Quốc cử Trần Văn Hinh (vừa ở Nam Kỳ sang) đi Diên An để xây dựng quan hệ mới, đón chuyển biến mới của tình hình thế giới.

- The Sixth Section (Information) of the Koumintang. (Vietnamese Communist and Vietnamese problems - Today and Yesterday) in Studies on Special Subjects 2 issues. Taipei, 1995, N0. 21, p. 12-13 (Dẫn theo King C. Chen: Vietnam and China (1938-1954), Princeton University, Press Princeton, New York, 1969, p. 41).

Tháng 6, cuối tháng

Nguyễn Ái Quốc lên đường đi Trùng Khánh 10) (bằng máy bay). Trước khi đi, Người dặn đi dặn lại Vũ Anh và các đồng chí ở Côn Minh lo chuẩn bị mọi mặt để khi Người trở lại có thể lên đường về nước ngay 11).

- Vũ Anh: Những ngày gần Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 15.

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr.48.

Tháng 7, ngày 12

Trong Báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc nêu những thông tin về địa lý, dân tộc, chế độ chính trị, tài nguyên của Việt Nam, chế độ thống trị của thực dân Pháp và về “Phong trào giải phóng” của nhân dân Việt Nam từ các cuộc khởi nghĩa Cần Vương đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Phân tích tình hình từ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương) ra đời, Người khẳng định: “ở Đông Dương chỉ có Đảng Cộng sản là một chính đảng chân chính, có tính chất toàn quốc và có quần chúng”. Người trình bày về “Tình hình Việt Nam sau khi chiến tranh châu Âu bùng nổ và “Tình hình sau khi Pháp đầu hàng Đức”, để từ đó xác định “Động cơ hành động của chúng tôi” - củng cố sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng căn cứ địa, mở rộng Mặt trận thống nhất các dân tộc bị áp bức... trong Quốc tế Cộng sản giúp đỡ.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 162-174.

Tháng 7, cuối tháng

Nguyễn Ái Quốc từ Trùng Khánh trở lại Côn Minh.

- Vũ Anh: Những ngày gần Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 15.

Tháng 9, ngày 14

Nguyễn Ái Quốc đề tặng Phương Sĩ Tân 12) bốn chữ Hán: "Hữu chí cánh thành" (Có chí thì nên). Ký tên Hồ Quang.

- Sách ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Đại bách khoa thư Trung Quốc (chữ Hán), Bắc Kinh, 1995, tr. 33.

Tháng 9, sau ngày 22

Nguyễn Ái Quốc đưa ra nhận định:

Đồng minh sẽ thắng.

Nhật, Pháp ở Đông Dương chóng chày sẽ bắn nhau.

Việt Nam sẽ giành được độc lập.

Chiến tranh du kích dần dần phát triển với những vũ khí thô sơ, gươm, giáo mác và một số ít khẩu súng cướp được của giặc...

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1994, tr. 85-86.

Tháng 9, cuối tháng

Nguyễn Ái Quốc cho người bắt liên lạc với ông Hồ Học Lãm. Sau khi tiếp xúc với Trương Bội Công, ông Lãm thông báo rằng thời cơ về nước đã tới.

Người cử cán bộ đi Liễu Châu gặp Trương Bội Công và đi Quế Lâm gặp Lý Tế Thâm.

- King C. Chen: Vietnam and China (1938-1954), Princeton University, Press Princeton, New York, 1969, p. 43.

Khoảng đầu tháng 10

Nguyễn Ái Quốc đến Quế Lâm. Người được bố trí ở một ngôi nhà nhỏ, vách đất, lợp lá, thuộc ngoại thành. Nhiều đồng chí của ta cũng đã tập trung ở đây.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 30-31.

- Vũ Anh: Những ngày gần Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 18.

Khoảng tháng 10

Trong một cuộc họp triệu tập tại một bãi cỏ ở vùng ngoại ô Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc nhận xét về những diễn biến tình hình vừa qua và chỉ dẫn về đối sách của ta: “Tình hình Quốc Cộng hợp tác hiện nay đang trải qua một bước rất gay go... Từ nay kỷ luật bí mật của Đảng phải được chấp hành triệt để. Sách vở, tài liệu phải hết sức cẩn thận. Mua sách, báo về chủ nghĩa cộng sản, đọc xong huỷ đi trước khi về nhà. Trong lúc giao dịch với bọn Quốc dân Đảng tuyệt đối không để lộ mình là cộng sản”.

“Trong việc giao dịch với Quốc dân Đảng không mong chi nhiều. Điều chủ yếu là làm sao cho chúng không cản trở công việc của ta. Phải hết sức bí mật. Về chuyện “Hoa quân nhập Việt” đừng chỉ nhìn mặt thuận lợi. Hiện nay chỉ có Hồng quân Liên Xô và Hồng quân Trung Hoa mới là những đội quân anh em, mới là đồng minh thực sự của ta. Còn quân đội Tưởng Giới Thạch dù có vào Việt Nam để đánh Nhật cũng chỉ là đồng minh tạm thời, về bản chất chúng vẫn là kẻ thù. Phải thấy hết tính chất phản động của nó, nếu không thấy thì nguy hiểm. Chúng nó không vào Việt Nam càng tốt cho ta hơn”.

Người cũng nhận định tình hình chung trên thế giới và Đông Dương càng có lợi cho ta, không nên ở Quế Lâm lâu, phải chuyển về biên giới tìm cách về nước ngay để hoạt động.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 31-32.

Khoảng tháng 10

Được tin hơn 40 thanh niên các dân tộc Cao Bằng, vì bị đế quốc Pháp khủng bố mạnh đã vượt biên giới sang Quảng Tây (Trung Quốc) 13), Nguyễn Ái Quốc nói với các đồng chí cùng hoạt động ở Quế Lâm: “Chúng ta sẽ tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó, đưa anh em trở về củng cố và mở rộng phong trào Cao Bằng và tổ chức đường liên lạc về nước”. Người còn nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.

Nguyễn Ái Quốc cử các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Cao Hồng Lĩnh và Vũ Anh đến Tĩnh Tây (thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) để tìm cách liên lạc với số thanh niên ấy.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 33.

- Vũ Anh: Những ngày gần Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 19.

Tháng 11

Một buổi tối tại Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc đến nơi ở của Hạ Diễn, lúc đó là Tổng Biên tập tờ Cứu vong nhật báo 14) trên đường Thái Bình, mang theo một bản thảo 15).

Hạ Diễn đề nghị Người sao một bản bỏ vào phong bì gửi bằng đường bưu điện đến cho toà báo, đề phòng khi bị bọn Quốc dân Đảng lục soát thì Hạ Diễn sẽ mang chiếc phong bì có dấu bưu cục ra đối phó.

- Hạ Diễn: Hồi ức về quãng đời làm báo - viết về Cứu vong nhật báo ở Quế Lâm, đăng nhiều kỳ trên Dương thành Vãn báo, từ ngày 6 đến ngày 11-7-1981.

- Hạ Diễn: Nhà báo đầu bạc kể chuyện năm xưa - viết tiếp về Cứu vong nhật báo, trong Tân văn nghiên cứu tư liệu, t.2, 1982. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 69.

Tháng 11, ngày 15

Bài “Ôông-Trôi-Co-mat”, đăng trên Cứu vong nhật báo, với bút danh Bình Sơn, có nghĩa là “Ông trời có mắt”. Người vạch rõ bọn thực dân Pháp đã xâm lược, bóc lột nước ta bây giờ lại để cho Đức đánh chiếm và cướp bóc nhân dân Pháp. Chúng còn coi khinh Trung Quốc, nhưng nhân dân Trung Quốc lại anh dũng đấu tranh chống Nhật. Hai dân tộc Trung Quốc và Việt Nam “có thể sát cánh chặt chẽ với nhau, đá cho đế quốc đang áp bức chúng ta cút đi, thế thì ông trời chẳng những có mắt mà còn có cả chân nữa!”.

- Cứu vong nhật báo (Trung Quốc), ngày 15-11-1940.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 175-176.

Tháng 11, ngày 24

Bài Chú ếch và con bò của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo.

Mượn câu chuyện ngụ ngôn của La Phôngten (La Fontaine) kể về một chú ếch vì không biết tự lượng sức mình cố phùng bụng lên cho to bằng con bò mà phải tan xác, bài báo viết: “Những người như kiểu chú ếch kia trên thế giới này quả không ít. Mútxôlini đánh Hy Lạp, giẫm phải đinh, là một ví dụ”.

Bình luận về việc Mútxôlini toan bắt chước kiểu “chiến tranh chớp nhoáng” của Hítle (Hitler) hòng nuốt chửng nước Hy Lạp, kết quả đã nhiều phen bại trận, bài báo kết thúc bằng một hình tượng chế giễu: “ảo tưởng thắng lợi của họ Mút cũng vỡ toang như chú ếch kia. Ông anh Hítle của y chắc hẳn cũng chửi thầm: "Cái thằng vô tích sự! Mày chỉ làm tăng nhuệ khí của kẻ thù, mất cả oai phong phe trục! Poucos Madona!"" 16).

- Cứu vong nhật báo (Trung Quốc), ngày 24-11-1940.

- Bản sao bài báo. Dẫn theo Hoàng Tranh: Những bài nghiên cứu về lịch sử quan hệ Trung - Việt, Nxb. Nhân dân Quảng Tây, 1992, tr. 176.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 177.

Tháng 11, ngày 27

Bài Trò đùa dai của Rudơven tiên sinh, đăng trên Cứu vong nhật báo, với bút danh Bình Sơn. Nội dung bài viết nhắc chuyện quân đội Pháp do La Phayét chỉ huy “giúp người Mỹ đánh người Anh”. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Chính phủ Mỹ cử tướng Pơsinh đem quân sang châu Âu giúp Anh, Pháp đánh Đức. Năm 1940, Tổng thống Rudơven lại cử tướng Pơsinh “là tử thù của người Đức, là đồng sự trong thắng lợi của tướng Pêtanh" sang làm đại sứ ở Pháp, “chắc không ngoài dụng ý chọc tức người Đức và làm bẽ mặt Pêtanh”.

- Cứu vong nhật báo (Trung Quốc), ngày 27-11-1940, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 178-179.

Tháng 11, ngày 29

Bài Hai chính phủ Vécxây của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo.

Bình luận về tin “Chính phủ Visi sắp rời về Vécxây", đăng trên báo ngày 23-11, bài báo so sánh sự kiện Pháp thua trận phải đầu hàng Đức trong chiến tranh Pháp - Đức xảy ra năm 1870 và rút ra kết luận: “cách nhau 70 năm, lịch sử nước Pháp đã in lầm mất một trang. Vì lẽ hai chính phủ Vécxây giống nhau như đúc, cùng đẻ ra trong thất bại của chiến tranh, đều do nguyên soái làm Tổng thống, đều do luật sư làm Thủ tướng, đều là những anh hùng bán nước!”. Bài báo kết thúc bằng một câu đối khá phổ biến trong nhân dân Pháp lúc bấy giờ:

“Tổng thống, hai tên nguyên soái, đều phường ăn hại.

Thủ tướng, một cặp luật sư, rặt lũ bỏ đi” 17).

- Cứu vong nhật báo (Trung Quốc), ngày 29-11-1940, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Dẫn theo Hoàng Tranh: Những bài nghiên cứu về lịch sử quan hệ Trung - Việt, Nxb. Nhân dân Quảng Tây, 1992, tr. 177.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 180-181.

Cuối tháng 11, đầu tháng 12

Sau khi đọc tin về khởi nghĩa Nam Kỳ12 trên báo Quế Lâm, trong một buổi họp, Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Tình hình chung thế giới và Đông Dương ngày càng có lợi cho ta, nhưng thời cơ chưa đến, chưa thể khởi nghĩa được. Song nay đã nổ ra rồi, thì cần tổ chức rút lui cho khéo để duy trì phong trào”.

Người viết ngay một bức điện gửi Đảng bộ Nam Kỳ (bức điện này sau không có cách nào chuyển được về nước).

Người chủ trương nên chuyển hoạt động về sát biên giới, và tìm cách về nước.

- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 65-67.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 32.

Cuối tháng 11, đầu tháng 12

Tại Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc nhận được thư báo cáo của nhóm công tác ở Tĩnh Tây (gồm Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Cao Hồng Lĩnh) và báo cáo của Phạm Văn Đồng về bức điện của Trương Bội Công gửi Văn phòng Đệ tứ chiến khu nhờ mời ông Hồ Học Lãm và ông Lâm Bá Kiệt 18), Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm Biện sự xứ Việt Minh tại Quế Lâm đưa hội viên về Tĩnh Tây (Quảng Tây) để tổ chức Đại hội hợp nhất “Việt Nam độc lập đồng minh hội”13 với “Việt Nam dân tộc giải phóng uỷ viên hội”14.

Cũng tại Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc chủ trương biến bức điện mời của Trương Bội Công thành “giấy đi đường” của một đoàn cán bộ về Tĩnh Tây.

Đoàn cán bộ gồm Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng... mua vé ôtô rời Quế Lâm đi Nam Ninh.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 32.

- Vũ Anh: Những ngày gần Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 21-22.

Tháng 12, đầu tháng

Từ Nam Ninh, Nguyễn Ái Quốc trong vai một nhà báo Trung Hoa, Phạm Văn Đồng trong vai phiên dịch cùng Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp... đi thuyền về Điền Đông. Trên thuyền, Người thường nói tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc để Phạm Văn Đồng dịch lại. Nhưng một hôm, có một đồng chí để rơi tàn thuốc cháy áo, Người buột miệng nhắc khẽ: “Cháy! Cháy!”.

Đến Điền Đông, Nguyễn Ái Quốc lưu lại đó, cử Phạm Văn Đồng cùng một số đồng chí về Tĩnh Tây trước để nắm tình hình và tìm Vũ Anh lên gặp Người.

Sáng hôm sau, Nguyễn Ái Quốc được các đồng chí Vũ Anh, Hoàng Sâm, từ Tĩnh Tây đến đón.

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 52-53.

- Vũ Anh: Những ngày gần Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 22.

Tháng 12, đầu tháng

Một buổi sáng, Nguyễn Ái Quốc đến Tĩnh Tây. Người được bố trí ở nhà một cơ sở vốn là một gia đình Trung Quốc nghèo. Người bảo Vũ Anh về nước tìm một địa điểm bí mật, có hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 34.

- Vũ Anh: Những ngày gần Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 22-23.

Tháng 12, đầu tháng

Tại Tĩnh Tây, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp bàn việc mở lớp huấn luyện để chuẩn bị về nước.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đư­ờng lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 34.

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 52.

Tháng 12, ngày 1

Bài Bịa đặt của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo.

Vạch trần mánh khoé bịa đặt của Nhật và một số nước phương Tây, mà “Bịa đặt là một tội ác”, bài báo viết: “Ấy vậy mà, từ khi Chiến tranh đế quốc lần thứ hai bùng nổ đến nay, thói bịa đặt đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách ngoại giao của một số nước, không những các phóng viên thời sự, các chuyên gia tuyên truyền của họ bịa đặt, thậm chí cả nhà cầm quyền của đường đường một nước lớn cũng bịa đặt". Nhưng “giải quán quân thế giới về bịa đặt, rốt cuộc giặc lùn 19) đã giành được”. Sau khi nêu lên những điều bịa đặt “lớn nhất” do nhà đương cục Nhật Bản dựng lên “trong hai tuần lễ vừa qua”, bài báo chỉ rõ: “Dù bịa đặt về phương diện nào thì cũng không ngoài mục đích gây chia rẽ. Kết luận của chúng ta là: Điều bịa đặt còn độc hại hơn cả hơi độc. Chúng ta phải đề cao cảnh giác, chỗ nào cũng phải đề phòng, đừng bị mê hoặc bởi những lời bịa đặt”.

- Cứu vong nhật báo (Trung Quốc), ngày 1-12-1940, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Dẫn theo Hoàng Tranh: Những bài nghiên cứu về lịch sử quan hệ Trung - Việt, Nxb. Nhân dân Quảng Tây, 1992, tr. 178-179.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 182-183.

Tháng 12, ngày 2

Bài Nhân dân Việt Nam và báo chí Trung Quốc của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo.

Bài báo kể qua các cuộc đấu tranh chống Pháp trong lịch sử cận đại Việt Nam và phê bình một số cơ quan thông tấn báo chí Trung Quốc (ám chỉ "Trung ương xã", cơ quan thông tấn của Quốc dân Đảng lúc bấy giờ) "dường như đã không bày tỏ sự đồng tình đối với cuộc đấu tranh gian khổ của nhân dân Việt Nam, trái lại còn đăng tải không có sự phê phán những lời xằng bậy của người Pháp (hoặc kẻ thù), nào là "Bạo động của dân bản xứ", nào là "Dân bản xứ Việt Nam nghe giặc lùn xúi giục, gây phiến loạn"".

Bài báo chỉ rõ: "Phong trào giải phóng của Việt Nam là đội quân đồng minh trong cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc. Về tinh thần cũng như về vật chất, chúng ta đều cần phải cổ vũ và giúp đỡ. Quốc phụ (chỉ Tôn Trung Sơn) từng dạy chúng ta: Giúp đỡ các dân tộc nhỏ yếu, cùng nhau phấn đấu giành lấy tự do độc lập. Cơ hội để thực hiện lời di huấn đó đã đến”.

- Cứu vong nhật báo (Trung Quốc), ngày 2-12-1940, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Dẫn theo Hoàng Tranh: Những bài nghiên cứu về lịch sử quan hệ Trung - Việt, Nxb. Nhân dân Quảng Tây, 1992, tr. 179-180.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 184-185.

Tháng 12, ngày 4

Bài Ca dao Việt Nam và cuộc kháng chiến của Trung Quốc của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo.

Dưới danh nghĩa một phóng viên Trung Quốc đưa tin nhân dân Việt Nam chi viện mọi mặt cuộc kháng chiến của Trung Quốc, tác giả bài báo viết: “đại đa số nhân dân Việt Nam đều hết sức đồng tình với cuộc kháng chiến của Trung Quốc. Họ cầu chúc chúng ta đánh thắng”. Việc giúp đỡ rất khảng khái, không sợ tù đày: “Có khi họ bí mật quyên góp, giấu giếm gửi cho các đoàn thể cứu quốc của kiều bào, vì vậy đã bị Chính phủ Pháp bắt giam hàng mấy chục vạn người”. Tuy vậy họ không chùn bước “Để đẩy mạnh tuyên truyền giúp Trung Quốc chống Nhật, đồng thời tránh sự can thiệp rắc rối của người Pháp", "Việt Nam độc lập đồng minh hội - một đoàn thể hoạt động rất hăng nhưng cũng rất bí mật - đã nghĩ ra được một cách rất tài tình: Họ đặt ra những bài hát theo những làn điệu quen thuộc và dạy cho trẻ con hát. Thế là tự nhiên các em bé Việt Nam trở thành những tuyên truyền viên rất đắc lực. Những bài hát đó chẳng mấy chốc đã truyền khắp cả nước”. Cuối cùng, bài báo đã chép lại một bài ca dao lưu hành ở Việt Nam, có nhan đề Cứu Trung Quốc là tự cứu mình. Nội dung như sau:

“Nhật Bản, phát xít ở phương Đông,

Dã man, cuồng bạo lại tàn hung.

Vào Trung Hoa, gây chiến xâm lược,

Nhân dân Trung Quốc khổ vô cùng.

Người thì bị giết, nhà bị đốt,

Núi đầy xương, đất đầy máu đỏ.

Tàu bay, bom đạn tránh làm sao?

Đói rét, ốm đau sống thật khó.

Họ đang đấu tranh rất gian khổ,

Giữ gìn dân chủ và hoà bình.

Họ đang cần có người viện trợ,

Họ đang cần được sự đồng tình.

Giặc Nhật tấn công cả thế giới,

Là kẻ thù chung toàn nhân loại.

Mau đứng lên giúp đỡ Trung Hoa.

Anh chị em Việt Nam ta hỡi!

Ra sức giúp cho người Trung Quốc,

Trung - Việt, khác nào môi với răng.

Nhớ rằng môi hở thì răng buốt,

Cứu Trung Quốc là tự cứu mình”.

- Cứu vong nhật báo (Trung Quốc), ngày 4-12-1940, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Dẫn theo Hoàng Tranh: Những bài nghiên cứu về lịch sử quan hệ Trung - Việt, Nxb. Nhân dân Quảng Tây, 1992, tr. 181-182.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 186-187.

Tháng 12, ngày 5

Bài Mắt cá giả ngọc trai của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo.

Việc quân Nhật cho tay chân đóng giả nhân dân Trung Quốc bỏ vùng bị chiếm “trở về trong lòng Tổ quốc”, để tung tin đồn nhảm, dò la tin tức, được tác giả bài báo gọi là “trò mắt cá giả ngọc trai”. Điều này cũng diễn ra tương tự ở Việt Nam, quân Nhật lập ra “đảng cách mệnh” Việt Nam giả để chia rẽ lực lượng nhân dân Việt Nam đấu tranh cho giải phóng dân tộc. Thế mà, một số tờ báo Trung Quốc lại đăng cái gọi là tuyên ngôn của "Đảng thống nhất cách mạng Việt Nam", tuyên truyền cho cái tổ chức Việt gian được đế quốc Nhật nuôi nấng này thành ra một “đảng cách mạng”. Bài báo chỉ rõ những điều xảo trá, lừa gạt của “Tuyên ngôn” này và kết luận: “Đối với nhân dân Việt Nam, đối với phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam, chúng ta phải giúp đỡ bằng mọi khả năng có thể. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải cẩn thận, phải vạch trần cái trò mắt cá giả ngọc trai đó”.

- Cứu vong nhật báo (Trung Quốc), ngày 5-12-1940, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Dẫn theo Hoàng Tranh: Những bài nghiên cứu về lịch sử quan hệ Trung - Việt, Nxb. Nhân dân Quảng Tây, 1992, tr. 182-183.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 188-189.

Tháng 12, ngày 16

Bài Ý đại lợi thực bất đại lợi 20) của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo.

Mở đầu bài viết, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: “Đánh bạc với chiến tranh là thủ đoạn quen dùng của giai cấp thống trị Ý”. Người đã vạch rõ sự tính toán hơn thiệt của Ý khi cùng Anh - Pháp - Nga đánh Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, rồi trong Chiến tranh thế giới thứ hai lại đứng về phía Đức chống Đồng minh. Song quân Ý đã thất bại nặng nề trong chiến tranh xâm lược và gặp “những chuyện bất lợi...". “Tất cả những sự việc đó cho chúng ta thấy rõ rằng giấc mộng của Mútxôlini muốn khôi phục lại Impiris Romano 21) đã thành bong bóng xà phòng, và cái ngày mà nhân dân Ý thoát khỏi gông xiềng phát xít đã sắp đến rồi”.

- Cứu vong nhật báo (Trung Quốc), ngày 16-12-1940, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Dẫn theo Hoàng Tranh: Những bài nghiên cứu về lịch sử quan hệ Trung - Việt, Nxb. Nhân dân Quảng Tây, 1992, tr. 183-184.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 190-191.

Tháng 12, ngày 18

Bài Việt Nam phục quốc quân” 22) hay là mại quốc quân” 23) của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo.

Mở đầu bài viết, tác giả vạch rõ âm mưu của Chính phủ Nhật “đối xử rất tốt với những thanh niên Việt Nam sang Nhật, và lợi dụng phong trào chống Pháp để hù doạ đế quốc Pháp”. Song, sau đó lại cấu kết với Pháp, trục xuất số thanh niên này, chỉ giữ lại một số người, trong đó có Trần Mỗ, tức Trần Văn An, trên thực tế là một tên bán rẻ dân tộc, lập ra tổ chức phục quốc quân để lừa bịp nhân dân, phục vụ ý đồ của Nhật. Bài báo phê bình sai lầm của một số tờ báo Trung Quốc coi Việt Nam phục quốc quân” là “đội tiên phong cách mạng dân tộc” và chỉ rõ: “chúng ta cần phân biệt rõ các đoàn thể chính trị và vũ trang của Việt Nam, không nên nhầm các tổ chức Việt gian thành “phong trào dân tộc”, càng không nên nhầm phong trào dân tộc chân chính của Việt Nam là “bọn thổ phỉ” hoặc "bị kẻ địch xúi giục"".

- Cứu vong nhật báo (Trung Quốc), ngày 18-12-1940, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Dẫn theo Hoàng Tranh: Những bài nghiên cứu về lịch sử quan hệ Trung - Việt, Nxb. Nhân dân Quảng Tây, 1992, tr. 184-186.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 192-194.

Tháng 12

Tại Tĩnh Tây, Nguyễn Ái Quốc gặp Lê Thiết Hùng. Hai người nói chuyện thân mật trên bãi cỏ.

Nghe Lê Thiết Hùng báo cáo về hoạt động của mình trong Bộ Tổng tham mưu Quốc dân Đảng Trung Quốc cùng ông Hồ Học Lãm, thu thập được một số tin tức về các kế hoạch tuyệt mật của Tưởng Giới Thạch, Người nói:

- Ông Hồ Học Lãm là một nhà chí sĩ giàu lòng yêu nước cùng thời với cụ Phan Sào Nam 24)...

Về nhiệm vụ mới của Lê Thiết Hùng, Người nói:

- Trong số anh em ta ở đây, đồng chí là bậc “phú hào” về khả năng quân sự. Đồng chí sẽ nhận một công tác quân sự.

- Lê Thiết Hùng: Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác. Tạp chí Lịch sử quân sự, số tháng 11-1986.

-----------------

1) Đồng chí Vũ Anh lúc đó mang bí danh Trịnh Đông Hải, làm công nhân lái xe cho hiệu dầu cù là Vĩnh An Đường, lấy lương nuôi các đồng chí hoạt động, đồng thời ngầm mượn cửa hiệu này làm trạm liên lạc cho cách mạng (B.T).

2) Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng lúc ấy có các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh... (B.T).

3) Nhà ông Tống Minh Phương ở 77, đường Kim Bích (Côn Minh, Trung Quốc). Gia đình Việt kiều này được giác ngộ và tham gia cách mạng từ những năm 30 của thế kỷ XX. Thời gian này, ông Tống Minh Phương làm nghề thợ may, hiệu may đặt ở tầng 1 của ngôi nhà(B.T).

4) Giập binh: quân đội tan rã (B.T).

5) Đồng chí Vũ Anh được giao nhiệm vụ này, đã xin nghỉ ba ngày để mang truyền đơn (in bằng kính) đi rải ở các ga lớn (B.T).

6) Lúc hoạt động ở Xiêm, đồng chí Đặng Văn Cáp mang bí danh Đặng Văn Linh. Đồng chí Cáp cùng đồng chí Kiên được cử đi đón Nguyễn Ái Quốc nhưng không gặp. Tháng 5-1940, đồng chí Trịnh Đông Hải (tức Vũ Anh), lợi dụng xe của chủ hiệu Vĩnh An Đường, lên Quý Dương đón đồng chí Cáp cùng đồng chí Hoàng Văn Lộc về Côn Minh (B.T).

7) Hồ Kiều tức Hà Khẩu là một thị trấn của tỉnh Vân Nam sát địa phận Lào Cai (B.T).

8) Thực hiện chủ trương của Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng đã bố trí để các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp vượt biên giới sang Trung Quốc bắt liên lạc với cơ sở đảng ở nước ngoài (B.T).

9) Thuý Hồ là một thắng cảnh nổi tiếng ở Vân Nam (B.T).

10) Cuối tháng 6-1940, đường giao thông Côn Minh - Lào Cai bị tắc, kế hoạch về nước bằng đường Lào Cai phải bỏ. Đồng chí Hoàng Văn Lộc được gọi về Côn Minh (B.T).

11) Một trong những mục đích của chuyến đi này là tìm gặp Chu Ân Lai để trao đổi ý kiến về thời cuộc (B.T).

12) Phương Sĩ Tân là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc được cử đi học ở Khu Xôviết, vốn là người cùng đơn vị với Hồ Quang (B.T).

13) Số này phần lớn là những thanh niên yêu nước. Lúc mới đến Quảng Tây, họ đã liên hệ với Trương Bội Công. Khoác áo “nhà cách mạng” từ thời Đông du, Công định lôi kéo họ vào lực lượng của mình để thực hiện âm mưu “Hoa quân nhập Việt” (B.T).

14) Cứu vong nhật báo: một tờ báo do đồng chí Trung Quốc lãnh đạo trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật, được sáng lập ở Thượng Hải tháng 8-1937, sau dời về Quảng Châu, ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán năm 1938; mùa thu năm 1938, dời về Quế Lâm, ra lại vào ngày 10-1-1939. Ngày 28-2-1941 (sau sự biến Hoãn Nam do bọn phản động Quốc dân Đảng gây ra) bị đình chỉ hoạt động. Ở Quế Lâm, toà báo đặt tại nhà số 12, đường Thái Bình (B.T).

15) Nguyễn Ái Quốc quen Hạ Diễn qua mối quan hệ với Văn phòng Bát lộ quân ở Quế Lâm. Năm 1957, Hạ Diễn dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Văn hoá Trung Quốc sang thăm Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại Phủ Chủ tịch. Trong buổi tiếp, nhắc lại chuyện cũ, Người nói với Hạ Diễn: “Bài ấy của tôi đồng chí đã trả nhuận bút năm đồng. Năm đồng hồi đó là khá đắt đấy”. Hai người cùng cười (Hồi ký của Hạ Diễn). (B.T).

16) Lạy Đức Thánh Mẫu (B.T).

17) Nguyên văn chữ Hán:

Lưỡng cá nguyên soái tộ tổng thống, đô thị phan thống.

Nhất song luật sư trưởng nội các, tận hệ vương bát (B.T).

18) Bí danh của đồng chí Phạm Văn Đồng. Chủ trương “hợp nhất” hai tổ chức “Việt Nam độc lập đồng minh hội” với “Việt Nam dân tộc giải phóng uỷ viên hội” của Trương Bội Công là chủ trương của các đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên. Trương Bội Công lúc đầu không đồng ý, nhưng sợ bị bỏ rơi, nên sau đã đồng ý chủ trương này và cho gửi bức điện nói trên.

Phía ta tranh thủ biến bức điện mời thành giấy đi đường để về nước (B.T).

19) Giặc lùn: chỉ quân phát xít Nhật (B.T).

20) Ý đại lợi là tên nước Italia đọc theo âm Hán Việt. Đầu đề bài báo là một lối chơi chữ của tác giả (B.T).

21) Đế quốc La Mã (B.T).

22) Phục quốc quân: đội quân khôi phục đất nước (B.T).

23) Mại quốc quân: đội quân bán nước (B.T).

24) Phan Sào Nam: Phan Bội Châu (B.T).

* Năm 1941

NĂM 1941

Tháng 1, ngày 1

Nguyễn Ái Quốc ở làng Tân Khư (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc).

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 53.

Tháng 1, khoảng ngày 5

Đồng chí Lôi (Hoàng Văn Thụ)1) được Thường vụ Trung ương cử sang Tĩnh Tây gặp Nguyễn Ái Quốc để báo cáo tình hình trong nước, những công tác đã thực hiện, việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương lần thứ tám và đề nghị Người nên về nước theo hướng Cao Bằng vì trình độ giác ngộ của nhân dân vùng biên giới này cao, cán bộ lãnh đạo ở đây khá vững vàng.

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 53.

- Vũ Anh: Những ngày gần Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 23.

Tháng 1, khoảng ngày 6

Nguyễn Ái Quốc cùng với Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp được Hoàng Sâm đưa đi dọc theo đường Long Lâm qua Nậm Bo xuống Nậm Quang, một làng ở sát biên giới Việt - Trung.

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 54.

Tháng 1, đầu tháng

Tại làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc tổ chức lớp học và trực tiếp huấn luyện chính trị cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam. Cộng sự của Người có Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...

Chương trình huấn luyện gồm ba phần chính, nhằm chuẩn bị thành lập mặt trận dân tộc rộng rãi ở nước ta:

- Tình hình thế giới và trong nước.

- Tổ chức đoàn thể quần chúng.

- Cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng.

(Các tài liệu huấn luyện do Người tổ chức biên soạn, sau in litô thành sách nhan đề Con đường giải phóng).

- Vũ Anh: Những ngày gần Bác, in trong cuốn Đầu nguồn, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr. 247-248.

- Lê Quảng Ba: Bác Hồ về nước, in trong cuốn Avoóc Hồ, Nxb. Văn hóa dân tộc, 1977, tr. 10-12.

- Bằng Giang: Lớp huấn luyện đầu tiên, in trong cuốn Bác Hồ ở Việt Bắc, Nxb. Việt Bắc, 1975, tr. 21-24.

Tháng 1, đầu tháng

Sau hôm khai giảng lớp chính trị, Nguyễn Ái Quốc cùng tất cả các học viên đi lấy củi giúp dân. Ngay từ những ngày đầu của lớp học, Người căn dặn học viên kỹ lưỡng về năm điều nên làm và năm điều nên tránh đối với dân:

Năm điều nên làm là:

1. Giúp dân những công việc thiết thực hàng ngày.

2. Tìm hiểu phong tục tập quán, nghiêm túc chấp hành điều kiêng.

3. Học tiếng địa phương, dạy hát, dạy chữ, gây tình cảm tốt với dân.

4. Tuỳ nơi, tuỳ lúc mà tuyên truyền cách mạng cho thích hợp.

5. Làm cho dân thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật; do đó dân càng tin và giúp ta.

Năm điều nên tránh là:

1. Tránh việc gì làm thiệt hại đến dân, làm bẩn, làm hỏng nhà cửa ruộng vườn của dân.

2. Tránh năn nỉ mua hoặc mượn thứ gì cho bằng được.

3. Tránh sai lời hứa.

4. Tránh phạm đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân.

5. Tránh lộ bí mật.

- Vũ Anh: Những ngày gần Bác, in trong cuốn Đầu nguồn, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr. 247-248.

- Lê Quảng Ba: Bác Hồ về nước, in trong cuốn Avoóc Hồ, Nxb. Văn hóa dân tộc, 1977, tr. 10-12.

- Bằng Giang: Lớp huấn luyện đầu tiên, in trong cuốn Bác Hồ ở Việt Bắc, Nxb. Việt Bắc, 1975, tr. 21-24.

Tháng 1, ngày 26 (29 Tết âm lịch, tháng Chạp (thiếu), năm Canh Thìn)

Kết thúc lớp huấn luyện chính trị gần một tháng, Nguyễn Ái Quốc cùng Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp và Hoàng Văn Lộc chuẩn bị về nước 2).

- Lê Quảng Ba: Bác Hồ về nước, in trong cuốn Avoóc Hồ, Nxb. Văn hoá dân tộc, 1977, tr. 10-12.

- Bằng Giang: Lớp huấn luyện đầu tiên, in trong cuốn Bác Hồ ở Việt Bắc, Nxb. Việt Bắc, 1975, tr. 21.

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 56.

Tháng 1, ngày 27 (mồng 1 tháng Giêng năm Tân Tỵ)

Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí trong cơ quan đi chúc Tết nhân dân hai làng Nậm Quang và Nậm Tấy (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc). Người mặc bộ quần áo Nùng mầu chàm, đầu vấn khăn, tay chống gậy. Người đi thăm hỏi từng gia đình. Theo phong tục người Nùng ở đây, Nguyễn Ái Quốc tặng mỗi nhà một tờ giấy hồng điều, trên đó Người viết dòng chữ Hán “Cung chúc tân niên” (Chúc mừng năm mới). Các cháu nhỏ nhận được tiền phong bao, mỗi gói một xu đồng.

- Lê Quảng Ba: Bác Hồ về nước, in trong cuốn Avoóc Hồ, Nxb. Văn hoá dân tộc, 1977, tr. 12.

- Vũ Anh: Những ngày gần Bác, in trong cuốn Đầu nguồn, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr. 249.

Tháng 1, ngày 28

Nguyễn Ái Quốc lên đường về nước. Khi bước tới cột mốc 108 nằm trên biên giới Việt - Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Người đứng lặng hồi lâu, xúc động.

- T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 69.

Tháng 2, ngày 8

Nguyễn Ái Quốc đến ở hang Cốc Bó 3) với bí danh Già Thu.

Thu xếp chỗ ở xong, Người phái Hoàng Văn Lộc đi Tĩnh Tây.

- Đặng Văn Cáp: Có Bác dẫn đường, in trong cuốn Đường ta sáng mãi, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1974, tr. 42.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 38.

- Lê Quảng Ba: Bác Hồ về nước, in trong cuốn Avoóc Hồ, Nxb. Văn hoá dân tộc, 1977, tr. 12-15.

Tháng 2, sau ngày 8

Nguyễn Ái Quốc sáng tác bài thơ: Pác Bó hùng vĩ

“Non xa xa, nước xa xa,

Nào phải thênh thang mới gọi là.

Đây suối Lênin, kia núi Mác.

Hai tay xây dựng một sơn hà”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 195.

Tháng 2, sau ngày 8

Dùng tảng đá bên bờ suối Lênin làm bàn viết, Nguyễn Ái Quốc dịch tiếp (đã dịch một phần khi ở Trung Quốc) cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Nga (tóm tắt) ra tiếng Việt, để làm tài liệu huấn luyện đảng viên. Bản dịch nhấn mạnh những nội dung chủ yếu sau:

- Trước Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, nhân dân Nga bị bọn địa chủ, tư sản bóc lột. Các dân tộc trong đế quốc Nga không bình đẳng; phụ nữ bị khinh rẻ, nông dân không có ruộng đất, nhà máy trong tay bọn tư sản.

- Đảng Cộng sản (b) Nga là đảng kiểu mới, do V.I. Lênin sáng lập. Đảng chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

- Cách mạng Tháng Mười do Đảng Cộng sản (b) Nga lãnh đạo thành công đã lật đổ ách thống trị của Nga hoàng và chính quyền tư sản, giải phóng nhân dân khỏi mọi ách áp bức bóc lột, đem lại cho họ cuộc sống tự do, bình đẳng.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 48.

Tháng 2, sau ngày 8

Nguyễn Ái Quốc sáng tác bài thơ: Tức cảnh Pác Bó

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,

Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 196.

Tháng 3

Sau khi xảy ra việc hai quần chúng cơ sở của cách mạng đi liên lạc cho đoàn thể bị tổng đoàn 4) bắt, Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí khác đã rời Pác Bó lên Lũng Lạn5), rồi qua Khuổi Nậm.

- Lê Quảng Ba: Bác Hồ về nước, in trong cuốn Avoóc Hồ, Nxb. Văn hoá dân tộc, 1977, tr. 12-15.

- Dương Đại Lâm: Ngày xuân, Bác về Pác Bó, in trong cuốn Uống nước nhớ nguồn, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1973, tr. 76-77.

Tháng 3 - tháng 4

Nguyễn Ái Quốc nhiều lần vượt qua biên giới sang Tĩnh Tây. Người thường ở trong nhà bố con ông Trương Đình Duy, Trương Kỳ Siêu ở Long Lâm. Người thường cải trang làm một thầy địa lý (phong thuỷ).

- Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), ngày 17-2-1963.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 78.

Cuối tháng 4

Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cho Vũ Anh triệu tập hội nghị cán bộ tỉnh Cao Bằng 6) để rút kinh nghiệm tổ chức thí điểm Mặt trận Việt Minh tại Cao Bằng.

- Lê Quảng Ba: Bác Hồ về nước, in trong cuốn Avoóc Hồ, Nxb. Văn hoá dân tộc, 1977, tr. 23.

Tháng 5, từ ngày 10 đến ngày 19

Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương 7).

Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết của cách mạng Đông Dương lúc bấy giờ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn.

Theo đề nghị của Người, Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới và cử đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng.

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 113.

- Hoàng Quốc Việt: Ánh sáng từ Pác Bó, in trong cuốn Đầu nguồn, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr. 170.

- Vũ Anh: Những ngày gần Bác, in trong cuốn Đầu nguồn, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr. 259.

- Lê Quảng Ba: Bác Hồ về nước, in trong cuốn Avoóc Hồ, Nxb. Văn hoá dân tộc, 1977, tr. 24.

Khoảng giữa năm

Tại Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc tổ chức lớp huấn luyện chính trị - quân sự ngắn hạn cho cán bộ địa phương. Người trực tiếp giảng bài, đồng chí Đức Thanh đi sát giúp đỡ học viên hằng ngày.

Trong buổi khai mạc lớp học, sau khi đồng chí Đức Thanh phổ biến chương trình lớp học, Nguyễn Ái Quốc giảng bài tình hình thế giới.

Người chỉ rõ: “Bọn phát xít đã tấn công Liên Xô, Tổ quốc của cách mạng thế giới, nhưng nhân dân Liên Xô nhất định sẽ chiến thắng. Việt Nam ta cũng đứng ở trong phe dân chủ mới, ủng hộ Liên Xô chống lại phe phát xít”.

Trong các buổi học sau, Nguyễn Ái Quốc giảng về tình hình trong nước và nhiệm vụ của cách mạng trước mắt, về năm bước công tác quần chúng. Trong những buổi huấn luyện quân sự, Người giảng về chiến thuật du kích, các hình thức đánh du kích.

Sau bốn ngày huấn luyện, các học viên tập vận dụng những điều đã học vào công tác vận động quần chúng. Nguyễn Ái Quốc đóng vai một quần chúng, các học viên làm người tuyên truyền cách mạng. Sau khi học tập, Người nhận xét chỗ sai, chỗ đúng của từng học viên.

Lớp học kết thúc, Nguyễn Ái Quốc phái ba đồng chí về Hà Quảng tiếp tục hoạt động, hai đồng chí lại sang bên kia biên giới nhận nhiệm vụ khác 8).

- Quang Trung: Đốm lửa chiến khu, in trong cuốn Pác Bó quê tôi, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1967, tr. 69-78.

Tháng 6, ngày 6

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ tám về tổ chức Việt Minh, Nguyễn Ái Quốc viết thư Kính cáo đồng bào 9)gửi các tầng lớp nhân dân cả nước.

Mở đầu bức thư, Người nêu lên tình cảnh khổ nhục của nhân dân ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Người ca ngợi những tấm gương oanh liệt của các bậc tiền bối trong cuộc đấu tranh giành quyền độc lập tự do. Tuy nhiên, việc lớn chưa thành vì “cơ hội chưa chín” và vì “dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”. Người chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”... Người chỉ rõ hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: “Toàn dân đoàn kết... Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng...”.

Cuối thư, Người kêu gọi: “... Hỡi các chiến sĩ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của bậc anh hùng đương sục sôi trong lòng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí!

Chúng ta hãy tiến lên! Toàn thể đồng bào tiến lên!

Đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật!

Việt Nam cách mạng thành công muôn năm!

Thế giới cách mạng thành công muôn năm!”.

- Bản chụp các bức thư in bằng chữ Việt và chữ Hán, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 197-198.

Tháng 6, khoảng cuối tháng

Nguyễn Ái Quốc yêu cầu các đồng chí Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) và Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng) chọn một số thanh niên Cao Bằng đi học lớp vô tuyến điện ở Liễu Châu (Trung Quốc) 10).

Mỗi học viên được nhận một tên mới, lý lịch mới và thống nhất gọi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là Hoàng Quốc Tuấn.

- Hồi ký của Hoàng Việt Huy, Phan Việt Bắc, Lưu Minh Đức, lưu tại Bảo tàng Thông tin.

- Băng ghi âm của Lưu Minh Đức, lưu tại Tổ Nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo, Tỉnh uỷ Cao Bằng.

Tháng 7

Nguyễn Ái Quốc viết bài Hoan nghênh thanh niên học quân sự theo thể lục bát gồm 44 câu.

Mở đầu, Người phân tích nguyên nhân nỗi khổ cực của đồng bào ta:

Nước ta mất đã lâu rồi,

Đồng bào cực khổ, suốt đời gian nan!

Suốt đời chịu kiếp lầm than,

Sưu cao thuế nặng, cơ hàn xót xa!

Vì ai tan cửa nát nhà,

Chồng lìa vợ, con lìa cha tơi bời?

Vì ai non nước rã rời

Giống nòi sỉ nhục chơi vơi thế này?

Vì giặc Nhật, vì giặc Tây!

...

Người chỉ rõ:

Muốn đánh Nhật, muốn đánh Tây,

Thanh niên ta phải ra đây học hành.

Một là học việc nhà binh.

Hai là học biết tình hình người ta.

Thanh niên là chủ nước nhà

Phải cho oanh liệt mới là thanh niên.

....

- Tư liệu của Vũ Anh, dẫn theo Tổng tập văn học Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980, t.36, tr. 547-548.

Tháng 8, ngày 1

Bài Khuyên đồng bào mua báo Việt Nam độc lập15 của Nguyễn Ái Quốc gồm 17 câu, đăng trên báo Việt Nam độc lập, số đầu tiên 11).

...

“Báo "Độc lập" hợp thời đệ nhất,

Làm cho ta mở mắt mở tai.

Cho ta biết đó biết đây,

Ở trong việc nước, ở ngoài thế gian:

Cho ta biết kết đoàn tổ chức.

Cho ta hay sức lực của ta.

Cho ta biết chuyện gần xa.

Cho ta biết nước non ta là gì...”

- Báo Việt Nam độc lập, số 101, ngày 1-8-1941.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 199.

Tháng 8, ngày 9

Nguyễn Ái Quốc viết bài Xã luận cho báo Việt Nam độc lập.

Sau khi phân tích: “Tây có hai cách làm cho ta ngu hèn, một là cách bưng mắt..., hai là cách lừa gạt”. Người chỉ rõ:

“Tây cốt làm cho ta ngu hèn. Báo Việt Nam độc lập cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do”.

- Hồ Chủ tịch với công tác báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, 1972, tr. 16.

Tháng 8, ngày 21

Hai bài thơ Việt Nam độc lập Dân cày, cùng bức tranh cổ động của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Việt Nam độc lập.

Bài Việt Nam độc lập gồm bốn câu in ngay dưới bức tranh cổ động 12):

"Việt Nam độc lập" thổi kèn loa.

Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già

Đoàn kết vững bền như khối sắt

Để cùng nhau cứu nước Nam ta!

Bài Dân cày gồm 18 câu, nội dung đề cập đến nỗi khổ cực của người nông dân:

“Thương ôi! những kẻ dân cày,

Chân bùn tay lấm suốt ngày gian lao”.

Và chỉ rõ, muốn phá bỏ nỗi bất bình đó, bà con nông dân phải tham gia Việt Minh, cùng toàn dân đánh Pháp, đuổi Nhật, để:

“Mai sau thực hiện chương trình 13):

Việt Nam nông dã tất canh kỳ điền".

- Báo Việt Nam độc lập, số 103, ngày 21-8-1941.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 200, 201.

Tháng 9, ngày 1

Bài ca Phụ nữ của Nguyễn Ái Quốc gồm 20 câu, đăng trên báo Việt Nam độc lập.

Sau khi nêu những tấm gương anh hùng của phụ nữ Việt Nam từ Bà Trưng, Bà Triệu đến Nguyễn Thị Minh Khai, Người kêu gọi chị em phụ nữ Việt Nam đoàn kết đấu tranh:

... “Chị em cả trẻ đến già,

Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh.

Đua nhau vào hội Việt Minh

Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên.

Làm cho thiên hạ biết tên

Làm cho rõ mặt cháu Tiên, con Rồng”.

- Báo Việt Nam độc lập, số 104, ngày 1-9-1941.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 202.

Tháng 9, ngày 21

Bài thơ Trẻ con của Nguyễn Ái Quốc gồm 20 câu, đăng trên báo Việt Nam độc lập.

Bài thơ miêu tả cuộc sống tôi đòi của thiếu nhi Việt Nam dưới ách giặc Nhật, giặc Tây:

... “Chẳng may vận nước gian nan,

Trẻ em cũng bị bực thân cực lòng”...

Và kêu gọi thiếu nhi Việt Nam:

“Vậy nên con trẻ nước ta

Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh!

Kẻ lớn cứu quốc đã đành,

Trẻ em cũng phải ra dành một vai.

Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây,

Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”.

- Báo Việt Nam độc lập, số 106, ngày 21-9-1941.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 203.

Tháng 10, khoảng đầu tháng

Tại Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc gặp Lê Thiết Hùng mới ở Trung Quốc về nước. Sau một thời gian ngắn, Người giao cho Lê Thiết Hùng và Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm cùng cộng tác mở lớp huấn luyện quân sự.

- Lê Thiết Hùng: Mãi mãi nhớ ơn Người, in trong cuốn Đầu nguồn, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr. 291-293.

Tháng 10, ngày 11

Bài thơ Công nhân của Nguyễn Ái Quốc gồm 20 câu, in trên báo Việt Nam độc lập.

Bài thơ nêu lên nỗi khổ cực của công nhân Việt Nam dưới ách thống trị và bóc lột của bọn Pháp, Nhật: bị đánh đập, bị phạt, bị bớt xén tiền lương; và kết thúc bằng lời kêu gọi:

“Thợ thuyền ta phải đứng ra,

Trước ta cứu nước, sau ta cứu mình.

Cùng nhau vào hội Việt Minh,

Ra tay tranh đấu hy sinh mới là.

Bao giờ khôi phục nước nhà,

Của ta ta giữ, công ta ta làm”.

- Báo Việt Nam độc lập, số 108, ngày 11-10-1941.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 204.

Tháng 10, từ giữa tháng đến cuối tháng

Một buổi trưa, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu các đồng chí Lê Thiết Hùng, Lê Quảng Ba báo cáo về việc thành lập đội vũ trang. Người chỉ định Lê Quảng Ba làm đội trưởng, Lê Thiết Hùng làm chính trị viên, Hoàng Sâm làm đội phó và căn dặn:

- Huấn luyện xong toàn đội đi hoạt động ngay.

Người nói thêm với Lê Thiết Hùng:

- Trước chú quen chỉ huy hàng ngàn người, bây giờ chú thử chỉ huy chục người xem khác nhau chỗ nào?

- Lê Thiết Hùng: Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác. Tạp chí Lịch sử quân sự, số tháng 11-1986, tr. 79.

- Lê Quảng Ba: Bác Hồ với đội vũ trang Cao Bằng, Tạp chí Lịch sử quân sự, số tháng 9-1987, tr. 80.

Khoảng cuối tháng 10

Nguyễn Ái Quốc viết diễn ca Mười chính sách của Việt Minh. Mở đầu, Người giới thiệu mục tiêu đấu tranh của Việt Minh:

...“Quyết làm cho nước non này,

Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền”.

Người vạch rõ vai trò to lớn của Mười chính sách của Việt Minh:

“Có mười chính sách bày ra,

Một là ích nước, hai là lợi dân”.

Tiếp đó là diễn ca nội dung các chính sách về ruộng đất, quyền tự do, về thuế khoá.

Cuối cùng, Người kêu gọi mọi người đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh.

“Khuyên ai xin nhớ chữ đồng,

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 205-206.

Tháng 11, ngày 1

Bài Ca binh lính của Nguyễn Ái Quốc gồm 22 câu, đăng trên báo Việt Nam độc lập. Bài ca mở đầu bằng lời tự vãn của người cầm súng giặc:

“Hai tay cầm khẩu súng dài,

Nhắm đi nhắm lại, bắn ai thế này?”...

Và chỉ nhớ là nhằm thẳng vào kẻ thù mà bắn, để cứu nước, cứu nhà, chứ không nên vì danh lợi chống lại cách mạng, chống lại nhân dân.

Và kết thúc là lời kêu gọi:

“Trong tay đã sẵn súng này,

Quyết quay đánh Nhật, đánh Tây mới đành.

Tiếng thơm sẽ tạc sử xanh:

“Việt binh cứu quốc” rạng danh muôn đời!”.

- Báo Việt Nam độc lập, số 110, ngày 1-11-1941.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 207.

Tháng 11, khoảng đầu tháng

Nguyễn Ái Quốc đến dự lễ thành lập đội vũ trang đầu tiên ở Cao Bằng.

Nói chuyện với đội, Người nhắc nhở phải đoàn kết, chấp hành kỷ luật tốt, khiêm tốn học hỏi, giúp nhau thực sự về chính trị, quân sự cũng như trong sinh hoạt; đối với dân phải như cá với nước.

Sau đó, Người trao cho các đồng chí Lê Thiết Hùng và Lê Quảng Ba một tờ giấy ghi mười điều kỷ luật của đội và những nguyên tắc hoạt động của đội.

- Lê Quảng Ba: Bác Hồ với đội vũ trang Cao Bằng. Tạp chí Lịch sử quân sự, số tháng 9-1987, tr. 80.

Tháng 11

Sau khi quyết định thành lập đội vũ trang đầu tiên của Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc biên soạn Mười điều kỷ luậtChiến thuật cơ bản của du kích cho các đội viên học tập và trực tiếp huấn luyện cho họ.

- Lê Quảng Ba: Bác Hồ về nước, in trong cuốn Đầu nguồn, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr. 214-215.

Tháng 12, ngày 6

Tại Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc dự lễ kết nạp Nông Thị Trưng vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Lễ kết nạp do chi bộ cơ quan tổ chức.

Là một trong hai người giới thiệu, Người phát biểu:

“Qua một thời gian khá dài, trong quá trình học tập và công tác, đồng chí Trưng đã tỏ ra có nhiều cố gắng, có đức tính hy sinh, kiên quyết cách mạng... Đồng chí đã xứng đáng là một đảng viên...”.

- Nông Thị Trưng: Những ngày sống gần Bác, Nxb. Dân tộc, Việt Bắc, 1966, tr. 41.

Tháng 12, ngày 21

Bài Thế giới đại chiến và phận sự dân ta của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 113.

Sau khi phân tích diễn biến của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai16, Người nêu câu hỏi: “Thế thì dân ta nên làm sao để tránh khỏi cái nạn ấy?” và Người tự trả lời: “Dân ta nên làm 2 việc:

1 là - Bất kỳ quân đội nào tới gần vùng mình, dân ta phải làm cách "nhà không vườn trống"... Bao giờ quân đội tới gần làng, trai tráng sẽ tránh đi, chớ để cho chúng bắt phu. Chỉ bao giờ Việt Minh có lệnh giúp cho quân đội nào thì dân ta sẽ giúp quân đội ấy.

2 là - Dân ta phải mau mau tổ chức lại. Nông dân phải vào "Nông dân Cứu quốc hội”. Thanh niên phải vào "Thanh niên Cứu quốc hội". Phụ nữ vào "Phụ nữ Cứu quốc hội". Trẻ con vào "Nhi đồng Cứu quốc hội". Công nhân vào "Công nhân Cứu quốc hội". Binh lính vào "Binh lính Cứu quốc hội". Các bậc phú hào văn sĩ vào "Việt Nam Cứu quốc hội"".

Cuối cùng, Người kêu gọi: “Hỡi đồng bào! Cơ hội giải phóng đến rồi, mau mau đoàn kết lại!!!”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 208-209.

Trong năm

Nguyễn Ái Quốc viết cuốn Cách đánh du kích 14).

Tác phẩm gồm 13 chương.

Nội dung mỗi chương nêu ngắn gọn, dễ hiểu để cán bộ, nhân dân nhận thức đúng và thực hiện được.

Chương I: Du kích là gì?”, nêu ra bốn điều cần nhớ để đánh du kích thắng lợi: phải có con đường chính trị đúng; phải dựa trên cơ sở quần chúng; phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật; phải có một lối đánh rất tài giỏi.

Chương II: Tổ chức đội du kích”, hướng dẫn cách tổ chức tiểu tổ du kích, chi đội, xác định tư cách đội viên du kích, và ban chỉ huy.

Chương III: Nguyên tắc của cách đánh du kích”, nhấn mạnh bốn điểm chính: giữ quyền chủ động; hết sức nhanh chóng; bao giờ cũng giữ thế công; phải có kế hoạch thích hợp và chu đáo. Đồng thời phải thực hiện bốn mưu mẹo lớn và thực hiện mấy động tác, như lừa địch, trinh thám, làm cho giặc khốn đốn...

Chương IV: Cách tiến công, tập kích, nêu rõ “du kích bao giờ cũng tiến công” - một là tập kích, hai là phục kích.

Chương V: Phục kích” là cách đánh cần thiết và có hiệu quả đối với du kích, làm quấy rối, làm suy yếu địch.

Chương VI: "Cách phòng ngự" và chỉ rõ phòng ngự nghĩa là chống giữ, song phòng ngự là thế công, chứ không phải bị động.

Chương VII: Cách đánh đuổi giặc” là nhằm truy đuổi địch để tiêu diệt chúng với sự giúp sức của quần chúng, song “không nên đuổi theo quá xa”.

Chương VIII: Cách rút lui” là điều quan trọng trong đánh du kích để bảo vệ lực lượng khi nó quá mạnh hoặc chờ phục kích đánh bại chúng rồi rút.

Chương IX: Phá hoại” là công việc trọng yếu để ngăn cản lực lượng địch tấn công. Vì vậy, phải tuân thủ các nguyên tắc của cách phá hoại và biết cách phá hoại cho có hiệu quả.

Chương X: Thông tin và liên lạc” bảo đảm cho đánh du kích được nhanh chóng, chắc chắn và chu đáo. Cần phải dựa vào nhân dân.

Chương XI: Hành quân” cần nhẹ nhàng, nhanh chóng, bí mật.

Chương XII: Đóng quân phải chọn chỗ thuận tiện để nghỉ ngơi và phòng thủ.

Chương XIII: Căn cứ địa” dùng làm nơi dừng chân làm cơ sở.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 467-504.

- Theo sách Việt Minh, xuất bản tháng 5-1944.

____________________________

1) Hoàng Văn Thụ được đồng chí Minh là người hoạt động ở vùng Cao Bằng dẫn đường (B.T).

2) Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp trở lại Tĩnh Tây. Còn các học viên toả về các địa phương thuộc hai châu Hà Quảng và Hoà An để hoạt động (B.T).

3) Hang Cốc Bó thuộc địa phận làng Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng (Cốc Bó, tiếng Nùng, nghĩa là “đầu nguồn”), địa thế hiểm trở. Hang ăn thông ra một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới, có thể rút lui an toàn khi bị lộ.

Phía dưới, cách cửa hang chừng 50m là con suối, nước trong, được Nguyễn Ái Quốc đặt tên là “Suối Lênin”. Một ngọn núi hùng vĩ bên bờ suối được Người gọi là “Núi Các Mác”. Cùng đến Cốc Bó với Nguyễn Ái Quốc còn có Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Lộc, Thế An, Đặng Văn Cáp (B.T).

4) Tổng đoàn là tổ chức nửa vũ trang, tay sai của thực dân Pháp ở địa phương (cấp tổng, đơn vị hành chính trên xã, dưới huyện) có nhiệm vụ theo dõi, truy lùng cách mạng (B.T).

5) Lũng Lạn cách hang Cốc Bó vài trăm mét (B.T).

6) Hội nghị được tổ chức vào cuối tháng 4-1941 tại Coọc Mu (Pác Bó), do đồng chí Hoàng Văn Thụ chủ trì. Dự Hội nghị có các cán bộ của ba huyện Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình là những huyện đã có phong trào quần chúng tương đối mạnh (B.T).

7) Hội nghị họp từ ngày 10 đến ngày 19-5 tại Pác Bó, Cao Bằng. Dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên cùng một số đại biểu của Xứ uỷ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và một số đại biểu hoạt động ở ngoài nước (B.T).

8) Ba đồng chí về Hà Quảng là Nam Tuấn, Ái Nam, Xuân Trường. Đồng chí Quý và đồng chí Quang Trung vượt biên giới sang Trung Quốc.

9) Thư này được lưu hành bằng hai thứ chữ Việt và Hán.

10) Theo Hoàng Quốc Việt, Phan Việt Bắc, ... 10 người được chọn là:

1- Nông Văn Chí (tên thật là Đơ), bí danh Phan Việt Bắc.

2- Nguyễn Văn Chí (tên thật là Liên), bí danh Đông Tùng.

3- Lưu Minh Đức (tên thật là Lưu Khải Hoàn).

4- Lý Đạt Thành (tên thật là Hoàng Văn Ròng), bí danh Hoàng Việt Huy.

5- Lý Quang Vinh (tên thật là Đoàn Văn Mưu), bí danh Dương Công Khởi.

6- Nguyễn Hữu Hào (tên thật là Nguyễn Văn Khanh), bí danh Vũ Lâm.

7- Đoàn Hồng Sơn (tên thật là Đoàn Văn Ngô).

8- Trần Quốc Quang, bí danh Hoàng Hoa.

9- Triệu Văn Minh, chưa rõ tên thật và bí danh.

10- Phạm Văn Quý, chưa rõ tên thật và bí danh (B.T).

11) Báo Việt Nam độc lập (gọi tắt là Việt lập), do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp phụ trách. Tờ báo có hai trang, khổ nhỏ, in đá. Mỗi tháng báo ra ba kỳ, mỗi kỳ hơn 400 số. Các bài viết ngắn gọn, dễ hiểu. Tờ báo đóng góp to lớn vào công việc tổ chức, hướng dẫn phong trào cách mạng của quần chúng.

Số đầu tiên báo Việt Nam độc lập (đánh số 101), ra ngày 1-8-1941. Nhiều thơ ca của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn 1941-1942 đã in lần đầu tiên trên báo này và ký nhiều tên khác nhau: Kim Oanh, Bé Con, Xung Phong....

Tính đến ngày 30-9-1945, Việt Nam độc lập ra được 129 số. Từ tháng 8-1942 đến tháng 5-1945, do đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách(B.T).

12) Bức tranh cổ động cho báo Việt Nam độc lập hoàn toàn do xếp chữ mà thành. Tác giả sử dụng ngay nét chữ trên báo Việt Nam độc lập để vẽ thành một người Việt Nam trẻ trung cường tráng. Người đó đầu đội nón (dấu của chữ ô), tay cầm cờ đỏ sao vàng, mồm thổi kèn (chữ Đ viết hoa được cách điệu thành cái kèn) cổ động đồng bào cùng nhau đứng lên cứu nước (B.T).

13) Tức là chương trình của Mặt trận Việt Minh. Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời, phất cao cờ đỏ sao vàng, kêu gọi toàn dân đánh Pháp, đuổi Nhật, cứu nước, cứu nhà, kêu gọi toàn thể nhân dân hãy phấn chấn tự cường, tự lực cánh sinh, vì “việc giải phóng của ta phải do ta làm lấy”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5-1941 đã giới thiệu những nội dung chủ yếu của Chương trình Việt Minh(B.T).

14) Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc về quân sự, được viết từ năm 1941. Tác phẩm được phổ biến trong các đoàn thể cách mạng trong thời kỳ 1941-1945. Tháng 5-1944, Cách đánh du kích được Tổng bộ Việt Minh xuất bản và phát hành rộng rãi, ngoài bìa sách ghi “Chiến thuật du kích”. Cuốn sách được dùng làm tài liệu huấn luyện tại các trường quân - chính ở Việt Bắc trong những ngày chuẩn bị cuộc Cách mạng Tháng Tám (B.T).

* Năm 1942

NĂM 1942

Tháng 1, ngày 1

- Bài thơ Chúc năm mới của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Việt Nam độc lập:

Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,

Năm cũ qua rồi, chúc năm mới:

Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!

Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!

Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!

Chúc Việt Minh ta càng tấn tới!

Chúc toàn quốc ta trong năm này,

Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!

Năm này là năm rất vẻ vang,

Cách mệnh thành công khắp thế giới.

Cùng trong số báo trên, qua bài Năm mới, công việc mới, Người nêu tình hình thế giới và nước ta trong năm qua (1941), dự đoán tình hình thế giới năm nay (1942) và khẳng định rằng: “Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại. Anh - Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua”. Đó là thời cơ nước ta giành được độc lập, tự do. Vì vậy, mọi người phải chuẩn bị và “mau đoàn kết lại!”.

- Báo Việt Nam độc lập, số 114, ngày 1-1-1942.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 210, 212.

Tháng 1

Nguyễn Ái Quốc với bí danh Thu Sơn trong bộ quần áo Nùng bạc màu, đầu đội mũ vải, lưng đeo túi vải, chân đi đôi hài bằng rơm, tay chống gậy, chuyển đến ở nhà đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) tại châu Nguyên Bình trong một số ngày.

- Dương Mạc Thạch: Đi đón cụ Thu Sơn, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 208.

- Bằng Giang: Dự hai lớp huấn luyện, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 98.

Khoảng đầu năm

Nguyễn Ái Quốc mở lớp chính trị tại hang Kéo Quảng 1) (xã Gia Bằng) thuộc châu Nguyên Bình (Cao Bằng) là châu “Việt minh hoàn toàn”.

Sau mỗi bài giảng, Nguyễn Ái Quốc thường giải đáp những thắc mắc do học viên nêu ra. Người nói: “...Đánh giặc phải có căn cứ địa... Sau này khởi nghĩa đánh đế quốc Pháp - Nhật, ta cũng phải lấy núi rừng làm căn cứ địa. Không có sức mạnh nào bằng sức mạnh đoàn kết toàn dân. Toàn dân đoàn kết, cả miền xuôi, miền núi đoàn kết, thì ta nhất định thắng”.

- Bằng Giang: Dự hai lớp huấn luyện, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 99.

Tháng 1, ngày 21

Bài 10 điều nên của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Việt Nam độc lập, Người yêu cầu mỗi một hội viên Việt Minh cần thực hiện:

1. Nên giữ bí mật cho Hội.

2. Nên hết sức trung thành với Hội.

3. Nên tuyên truyền mục đích của Hội.

4. Nên ra sức tìm hội viên mới.

5. Nên ra sức làm việc cho Hội.

6. Nên nộp hội phí cho đúng kỳ.

7. Nên giúp đỡ lẫn nhau.

8. Nên gắng sức học hành.

9. Nên đọc sách báo của Hội.

10. Nên ủng hộ báo của Hội.

- Báo Việt Nam độc lập, số 116, ngày 21-1-1942.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 213.

Tháng 2, ngày 1

Bài Ca đội tự vệ của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Việt Nam độc lập, kèm theo lời hướng dẫn “cách hát” của Người. Bài ca gồm hai đoạn:

I

II

Gươm dao ta

Sắp hàng ra

Đem mài đi

Xung phong lên!

Mài cho bén

Người ta đông.

Mài cho sắc

Chí ta bền

Nhật ta đâm

Việc giải phóng

Tây ta chặt.

Nhất định nên.

Cách hát:

- Chia người làm hai tổ: bốn câu trên, tổ A hát trước, hát giọng cao (nếu có phụ nữ thì phụ nữ là tổ A); tổ B hát giọng thấp theo sau. Những chữ BÉN, SẮC, ĐÔNG, BỀN, phải hát dài như BE-ÉN, SA-ẮC, ĐÔ-ÔNG, BÊ-ỀN.

- Hai câu sau cùng thì cả hai tổ đều hát với nhau, chữ CHẶT và chữ NÊN thì phải hát rất mạnh.

Ví dụ: Tổ A hát: Gươm dao ta

Tổ B hát: Gườm dào tà.

Cùng số báo trên còn đăng bài viết của Người nhan đề Nên học sử ta. Mở đầu bài viết, Người chỉ rõ:

“Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Bài viết còn khái quát trang sử vẻ vang của dân tộc đối với những chiến công và gương các anh hùng dân tộc. Phần kết của bài viết, Người nêu bài học: “Sử ta dạy cho ta bài học này:

Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do.

Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.

- Báo Việt Nam độc lập, số 117, ngày 1-2-1942.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 214-215, 216-217.

Tháng 2, khoảng ngày 10

Nguyễn Ái Quốc gặp cán bộ địa phương hỏi về tình hình kinh tế của nhân dân, về phong tục ngày Tết ở địa phương và dặn dò phải bố trí bảo vệ chu đáo cho dân làng ăn Tết.

- Dương Đại Lâm: Bác Hồ đến bản tôi, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 132.

Tháng 2, giữa tháng 2)

Nguyễn Ái Quốc “ăn Tết” ở Khuổi Nậm.

Người tiếp một số nam nữ thanh niên ở địa phương lên chơi, chúc Tết.

Người gửi lời chúc Tết người già và dân làng, và trao những đồng trinh có phong giấy hồng điều gửi mừng tuổi các cháu nhỏ. Người căn dặn: “Đồng chí Vũ Anh sẽ xuống làng chúc Tết các gia đình. Đại Lâm nhớ dẫn đi từng nhà, nếu thiếu nhà nào, Đại Lâm chịu trách nhiệm”.

- Dương Đại Lâm: Bác Hồ đến bản tôi, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 133.

Tháng 2, sau ngày 15

Nguyễn Ái Quốc tặng quà cho nữ đồng chí Nông Thị Trưng - cán bộ mới hoạt động thoát ly nhân Tết đầu tiên xa gia đình: một chiếc khăn mùi xoa có hoa đỏ và một chiếc còng gà luộc (theo phong tục Tày).

- Nông Thị Trưng: Chú Thu, in trong cuốn Avoóc Hồ, Nxb. Văn hoá dân tộc, 1977, tr. 57.

Tháng 2

Tác phẩm Lịch sử nước ta của Nguyễn Ái Quốc xuất bản lần đầu tiên 3).

Bản diễn ca lịch sử này gồm 208 câu lục bát, trình bày lịch sử nước ta từ thời vua Hùng dựng nước (năm Nhâm Ngọ 2879 trước Công nguyên) đến năm 1945, tập trung chủ yếu vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta, nêu bật truyền thống yêu nước, bất khuất và đoàn kết của dân tộc.

Mở đầu tác phẩm, Người viết:

“Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Kể năm hơn bốn ngàn năm,

Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà”.

Người rút ra một kết luận có tính nguyên tắc, một bài học rất lớn, bài học đoàn kết:

“Dân ta xin nhớ chữ đồng:

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!”.

Cuối tác phẩm là mục: “Những năm quan trọng”, ghi những sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc "Trước Tây lịch", "Sau Tây lịch", kết thúc bằng mốc lịch sử:

1945: Việt Nam độc lập.

- Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 221-230.

Khoảng tháng 2

Nguyễn Ái Quốc cho gọi các đồng chí Lê Quảng Ba, Đức Thanh và Thế An đến chỉ cho đọc một đoạn nói về chống khủng bố cá nhân trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Nga (do Người vừa dịch xong).

Đọc xong, Người bảo phải thảo luận, kiểm điểm xem việc Đức Thanh và Thế An giết tên mật thám Lều đúng hay sai, rồi cho phép ba đồng chí ra về.

Hôm sau, Người phê bình Lê Quảng Ba về việc cho các đồng chí Đức Thanh và Thế An giết tên Lều mà không báo cáo xin phép cấp trên.

- Lê Quảng Ba: Bác Hồ với đội vũ trang Cao Bằng, Tạp chí Lịch sử quân sự, số tháng 10-1987, tr. 85.

Tháng 3

Tại Lũng Hoài, Nguyễn Ái Quốc ở nhà một gia đình cơ sở 4). Mỗi khi gia đình sửa soạn nấu cháo ngô, Người thường đến ngồi bên cối giúp gia đình xay bột.

Ít ngày sau, Người đến hang Bó Thúng trong khu di tích thành nhà Mạc.

- Thúy Bạch: Trong vùng núi đá Lam Sơn, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr.192.

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 60.

Khoảng tháng 3

Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho Tỉnh uỷ Cao Bằng phải mở rộng căn cứ địa, nối liền Cao Bằng với căn cứ địa Bắc Sơn, Vũ Nhai; xây dựng một hành lang chính trị vững chắc từ Cao Bằng về miền xuôi để giữ vững liên lạc trong mọi tình huống. Người nói: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi”. Từ chỉ thị này, “phong trào Nam tiến” đã ra đời và nhanh chóng phát triển mạnh mẽ.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một mảnh đất tự do, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 78.

Tháng 4, ngày 1

Bài Ca sợi chỉ của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Việt Nam độc lập. Bài ca gồm 20 câu lục bát, nội dung kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết hợp lực trong Mặt trận Việt Minh.

...

"Hỡi ai con cháu Hồng Bàng,

Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau.

Yêu nhau xin nhớ lời nhau,

Việt Minh hội ấy mau mau phải vào".

- Báo Việt Nam độc lập, số 122, ngày 1-4-1942.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 231.

Tháng 4, ngày 21

Bài thơ Hòn đá 5) của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Việt Nam độc lập. Bằng thể thơ ba chữ, dùng hình ảnh chung sức vần hòn đá, Nguyễn Ái Quốc nhắc nhở mọi người phải bền sức, đồng lòng đánh đuổi Pháp, Nhật.

...

Đánh Nhật, Pháp.

Giành tự do,

Là việc khó,

Là việc to.

Nếu chúng ta

Biết đồng lòng

Thì việc đó

Quyết thành công.

- Báo Việt Nam độc lập, số 123, ngày 21-4-1942.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 232-233.

Tháng 5

Tại hang Kéo Quảng 6), sau khi nghe cán bộ báo cáo về bệnh đậu mùa đang hoành hành ở địa phương, Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu một bài thuốc chữa đậu mùa của người Trung Quốc và căn dặn cán bộ khi đi công tác nhớ phổ biến cho dân biết để chữa bệnh. Người nói: “Đây là một bệnh nguy hiểm không khác gì bọn Tây. Cần phải phòng ngừa ngay”.

- Trương Nam Hiến: Vào núi gặp lãnh tụ, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 217.

Tháng 6, ngày 24

Dọc lên vùng núi Lũng Dẻ, thuộc khu núi đá Lam Sơn, Nguyễn Ái Quốc tức cảnh đọc bài thơ chữ Hán: Thướng Sơn.

Lục nguyệt nhị thập tứ,

Thướng đáo thử sơn lai.

Cử đầu hồng nhật cận,

Đối ngạn nhất chi mai. 7)

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 63.

- Thơ chữ Hán, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1990, tr. 14.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 234-235.

Khoảng tháng 6

Ở một địa điểm gần Lũng Lừa, vào những buổi tối, Nguyễn Ái Quốc hướng dẫn cho các đồng chí cán bộ 8) học tập Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Nga.

- Trương Nam Hiến: Vào núi gặp lãnh tụ, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 224.

Khoảng tháng 6

Sau đợt công tác ở Hoà An, Nguyên Bình (Cao Bằng), Nguyễn Ái Quốc trở lại Pác Bó. Người cải trang thành một thầy lang, kiêm thầy cúng: mặc bộ quần áo chàm địa phương, chân đi giày vải, cuốn trên đầu một chiếc khăn to che lấp cả vầng trán cao, sau lưng đeo lủng lẳng một cái nón kiểu địa phương, tay chống gậy đi theo đồng chí liên lạc trong vai người đi đón thầy cúng, gánh sách cúng, hộp ấn gỗ, hộp bút lông, một cái thanh la nhỏ, mấy bó hương, một con gà nhỏ và một chai rượu. Người đã qua trạm gác của địch ở ngã ba Đôn Chương 9) (gần Nà Mạ) an toàn.

- Lê Quảng Ba: Bác về thăm lại Pác Bó, in trong cuốn Uống nước nhớ nguồn, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1973, tr. 153.

Khoảng tháng 6

Nguyễn Ái Quốc ở Nà Mạ một buổi. Người hỏi chuyện Kim Đồng, khuyên Kim Đồng cố gắng hơn nữa... Tối hôm đó, Kim Đồng hoàn thành nhiệm vụ đưa Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó.

- Theo tài liệu của Nhà lưu niệm Kim Đồng, Hà Quảng, Cao Bằng.

Tháng 7, ngày 1

Bài thơ Con cáo và tổ ong của Nguyễn Ái Quốc, gồm 14 câu, đăng trên báo Việt Nam độc lập. Bài thơ nói về chuyện con cáo định lấy tổ ong ăn, song bầy ong đã túm lại đốt, “Cáo già đau quá phải sa xuống rồi”. Trong đoạn kết bài thơ, Người kêu gọi:

"Bây giờ ta thử so bì,

Ong còn đoàn kết, huống chi là người!

Nhật, Tây áp bức giống nòi,

Ta nên đoàn kết để đòi tự do".

- Báo Việt Nam độc lập, số 130, ngày 1-7-1942.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 236.

Tháng 7, ngày 11

Bài thơ Tặng thống chế Pêtanh 10) của Nguyễn Ái Quốc gồm 8 câu thơ Đường luật, đăng trên báo Việt Nam độc lập, lên án Pêtanh phản bội đất nước, đầu hàng phát xít Đức:

... Bán nước lại còn khoe cứu nước,

Ô danh mà muốn được thơm danh.

- Báo Việt Nam độc lập, số 131, ngày 11-7-1942.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 237.

Tháng 7, cuối tháng

Trong thời gian chờ liên lạc để đi công tác Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã dạy cho một cán bộ 11) ở Pác Bó biết chữ trong vòng 20 ngày. Người nói: “Ta đi làm cách mạng thì phải làm cho đến thành công, sau đó còn phải bắt tay vào xây dựng đất nước. Muốn thế phải biết chữ, phải học văn hoá”.

- Dương Đại Lâm: Bác Hồ đến bản tôi, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 144.

Khoảng tháng 7

Nguyễn Ái Quốc chủ trương “Nam tiến” mở thêm đường liên lạc tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn và tuyến Cao Bằng - Bắc Cạn - Thái Nguyên để liên lạc thuận tiện với Thường vụ Trung ương Đảng và tạo điều kiện phát triển cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang.

- Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương: Những sự kiện lịch sử Đảng (1920-1945), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, t. 1, tr. 552-553.

Tháng 8, ngày 1

Bài thơ Nhóm lửa của Nguyễn Ái Quốc, gồm 26 câu, đăng trên báo Việt Nam độc lập. Bài thơ ví sự nghiệp cách mạng với việc nhóm lửa, phải trải qua “bước gian nan” để phát triển phong trào, bùng cháy khắp nơi. Lúc bấy giờ:

Lửa cách mạng sáng choang bờ cõi,

Chiếu lá cờ độc lập, tự do!

- Báo Việt Nam độc lập, số 133, ngày 1-8-1942.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 238-239.

Tháng 8, đầu tháng

Bài thơ Bài ca du kích của Nguyễn Ái Quốc, gồm 28 câu, kêu gọi các tầng lớp già, trẻ, lính, dân, đàn ông, đàn bà tham gia du kích, để cùng nhau đánh Tây, đánh Nhật:

Kẻ có súng dùng súng,

Kẻ có dao dùng dao;

Kẻ có cuốc dùng cuốc,

Người có cào dùng cào,

Thấy Tây cứ chém phứa,

Thấy Nhật cứ chặt nhào..

... Chúng nhất định thất bại

Mình sức càng dồi dào.

- Hồ Chí Minh: Thơ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr. 42-43.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 244-245.

Tháng 8, ngày 11

Bài thơ Tặng Toàn quyền Đờcu 12) của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Việt Nam độc lập:

Non nước Rồng Tiên rõ mịt mù,

Lợi quyền phó mặc bố thằng Cu.

Đối dân Nam Việt thì lên mặt,

Gặp bọn Phù Tang 13) chỉ đội khu 14)!

Về Pháp, không cơm e chết đói,

Ở đây, hút máu béo ni-nu.

Cũng như thống chế Pêtanh vậy,

Chú cứ cu cù được mãi ru!

- Báo Việt Nam độc lập, số 134, ngày 11-8-1942.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 240.

Tháng 8, ngày 13

Buổi tối, với tên mới Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc lên đường đi Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng Đồng minh17.

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 86.

- Trần Dân Tiên: Hồ Chí Minh truyện. Bản dịch tiếng Hán của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949, tr. 120.

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 21

Bài Chơi giăng của Nguyễn Ái Quốc, gồm 16 câu, đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 135 15).

Bài thơ gồm hai thiên bát cú Đường luật, viết dưới hình thức “nhân nguyệt vấn đáp”. Thiên 1 là lời “Người hỏi trăng" vì sao “non nước tơi bời”, “nhân dân cực khổ” và “Nam Việt bao giờ thì giải phóng”. Thiên 2 là lời đáp của trăng:

"... Nước nhà giành lại nhờ tài sắt,

Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng.

Tổ chức, tuyên truyền càng rộng rãi,

Tức là cách mệnh chóng thành công”.

- Báo Việt Nam độc lập, số 135, ngày 21-8-1942.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 241.

Tháng 8, từ ngày 19 đến ngày 24

Hồ Chí Minh đi bộ trên đất Quảng Tây (Trung Quốc), vùng gần biên giới Việt - Trung, ngày nghỉ, đêm đi. Cùng đi có Lê Quảng Ba.

- Trần Dân Tiên: Hồ Chí Minh truyện. Bản dịch tiếng Hán của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949, tr. 120.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 81.

Tháng 8, ngày 25

Hồ Chí Minh đến Ba Mông thuộc huyện Tĩnh Tây và trú chân ở nhà Từ Vĩ Tam 16), một nông dân nghèo kết nghĩa anh em. Vì chỉ còn hai ngày nữa đến Tết Trung nguyên (14-7 âm lịch) là tết lớn của địa phương, gia đình Từ Vĩ Tam tha thiết lưu giữ, Người nán lại ở đây hai ngày.

- Trả lời phỏng vấn của Từ Vĩ Tam, ngày 15-6-1981. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 82.

Tháng 8, ngày 26

Buổi tối, Hồ Chí Minh ăn Tết Trung nguyên với những người nông dân Trung Quốc quen biết tại nhà Từ Vĩ Tam 17). Bàn đến việc ai sẽ đưa đường cho Hồ Chí Minh đến Bình Mã18), Dương Đào19) đã hăng hái nhận trách nhiệm.

- Trả lời phỏng vấn của Từ Vĩ Tam, ngày 15-6-1981. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 82.

Tháng 8, ngày 27

Sáng sớm, Hồ Chí Minh lên đường đi Bình Mã, có Dương Đào cùng đi để dẫn đường (Lê Quảng Ba ở lại nhà Từ Vĩ Tam). Hai người đến phố Túc Vinh20) (huyện Thiên Bảo, Quảng Tây) thì bị quân tuần cảnh ở trụ sở của Quốc dân Đảng bắt giữ21).

- Báo cáo của Trương Phát Khuê ngày 23-1-1944. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 82-83.

- Cục Công an huyện Đức Bảo22), Quảng Tây: Báo cáo điều tra tình hình Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh bị bắt năm 1942 ở phố Túc Vinh huyện chúng tôi, ngày 10-5-1964. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 83.

Tháng 8, ngày 28

Từ Túc Vinh, Hồ Chí Minh cùng Dương Đào bị áp giải đến huyện Thiên Bảo.

- Cục Công an huyện Đức Bảo, Quảng Tây: Báo cáo điều tra tình hình Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh bị bắt năm 1942 ở phố Túc Vinh huyện chúng tôi, ngày 10-5-1964. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 83.

Tháng 8, ngày 29

Hồ Chí Minh bị giải từ Thiên Bảo đến huyện lỵ Tĩnh Tây23) và bị Quốc dân Đảng Trung Quốc giam trong nhà giam C.H.S.24) hơn hai tuần, ngày mang gông, đêm cùm chân.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 83.

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 86.

Tháng 8, ngày 30

Trong nhà giam C.H.S., Hồ Chí Minh được Vương Tích Cơ25) đến thăm, đem cơm. Qua Vương Tích Cơ, Người gửi được một lá thư (tiếng Việt) viết bằng bút chì cho Lê Quảng Ba để báo tin.

- Trả lời phỏng vấn của Vương Tích Cơ, ngày 24-6-1981. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 83-84.

Tháng 8, ngày 29 đến tháng 9, ngày 24

Hồ Chí Minh bị giam tại nhà lao huyện Tĩnh Tây. Người viết 22 bài thơ: Bài 1:

"Thân thể ở trong lao,

Tinh thần ở ngoài lao;

Muốn nên sự nghiệp lớn,

Tinh thần càng phải cao" a).

Bài 2: Khai quyển; bài 3: Tại Túc Vinh nhai bị khấu lưu (Bị bắt giữ ở phố Túc Vinh); bài 4: Nhập Tĩnh Tây huyện ngục (Vào nhà ngục huyện Tĩnh Tây); bài 5 - 6 - 7: Thế lộ nan (Đường đời hiểm trở, 3 bài); bài 8 - 9: Tảo (Buổi sớm, 2 bài); bài 10: Ngọ (Buổi trưa); bài 11: Vấn thoại(Lời hỏi); bài 12: Ngọ hậu (Quá trưa); bài 13: Vãn (Chiều hôm); bài 14: Tù lương (Cơm tù); bài 15: Nạn hữu xuy địch (Người bạn tù thổi sáo); bài 16 - 17: Cước áp (Cái cùm, 2 bài); bài 18 - 19 - 20: Học dịch kỳ (Học đánh cờ, 3 bài); bài 21: Vọng nguyệt (Ngắm trăng); bài 22:Phân thuỷ (Chia nước).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký18. Bản chụp bút tích, tr. 1-8. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr.265-289.

Tháng 9, ngày 25 (Tết Trung thu)

Tại nhà giam Tĩnh Tây, Hồ Chí Minh viết hai bài thơ: Bài 23 - 24: Trung thu (Trung thu).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 8. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 290.

Tháng 9, ngày 26 đến tháng 10, ngày 9

Hồ Chí Minh viết các bài thơ: Bài 25: Đổ (Đánh bạc); bài 26: Đổ phạm (Tù cờ bạc); bài 27: Nạn hữu Mạc mỗ (Bạn tù họ Mạc); bài 28: Nạn hữu nguyên chủ nhiệm L. (Bạn tù L. nguyên là chủ nhiệm).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 9-10. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 292-296.

Tháng 10, ngày 10

Hồ Chí Minh bị bọn Quốc dân Đảng Trung Quốc giải từ Tĩnh Tây sang Thiên Bảo26). Ngày này cũng chính là ngày Quốc khánh của Trung Hoa dân quốc. Nhân đó, Người viết bài thơ 29: Song thập nhật giải vãng Thiên Bảo (Tết Song thập bị giải đi Thiên Bảo).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 10. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 297.

Tháng 10, ngày 11 đến tháng 11, ngày 1

Hồ Chí Minh viết các bài thơ: Bài 30: Tẩu lộ (Đi đường); bài 31: Mộ (Chiều tối); bài 32: Dạ túc Long Tuyền27) (Đêm ngủ ở Long Tuyền); bài 33: Điền Đông (Điền Đông); bài 34: Sơ đáo Thiên Bảo ngục (Mới đến nhà lao Thiên Bảo); bài 35: Nạn hữu chi thê thám giam (Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng); bài 36: Các báo: Hoan nghênh Uyki28) đại hội (Các báo đăng tin: Hội họp lớn hoan nghênh Uyki); bài 37:Tự miễn (Tự khuyên mình); bài 38: Dã cảnh (Cảnh đồng nội); bài 39: Chúc than (Hàng cháo); bài 40: Quả Đức29) ngục (Nhà lao Quả Đức); bài 41: Long An Lưu sở trưởng (Sở trưởng Long An b) họ Lưu); bài 42 - 43: Tảo giải (Giải đi sớm, 2 bài).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 10-15. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 298-315.

Tháng 11, ngày 2

Hồ Chí Minh bị giải đến nhà ngục Đồng Chính. Người viết bài thơ 44: Đồng Chính (Thập nhất nguyệt nhị nhật) (Đồng Chínhc) (ngày 2 tháng 11)).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 16. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 316.

Tháng 11, từ ngày 3 đến ngày 10

Bị giam ở nhà ngục Đồng Chính, Hồ Chí Minh viết các bài thơ: Bài 45: Nạn hữu đích chỉ bị (Chiếc chăn giấy của người bạn tù); bài 46: Dạ lãnh (Đêm lạnh); bài 47: Bang (Dây trói); bài 48: Lạc liễu nhất chích nha (Rụng mất một chiếc răng); bài 49: Long An - Đồng Chính (Long An - Đồng Chính); bài 50: Nhai thượng (Trên đường phố); bài 51: Lộ thượng (Trên đường); bài 52: Trưng binh gia quyến (Gia quyến người bị bắt lính); bài 53: Giải trào (Pha trò).

Sau đó, từ khi bị giải đi Nam Ninh cho đến trước ngày 11-11, Người viết các bài thơ: Bài 54: Vãng Nam Ninh30) (Đi Nam Ninh); bài 55 - 56: Cảnh binh đảm trư đồng hành (Cảnh binh khiêng lợn cùng đi, 2 bài); bài 57: Điệt lạc (Hụt chân ngã); bài 58: Bán lộ tháp thuyền phó Ung31) (Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh); bài 59: Nam Ninh ngục (Nhà ngục Nam Ninh); bài 60: Nạp muộn (Buồn bực); bài 61: Thính kê minh(Nghe gà gáy); bài 62: Nhất cá đổ phạm ngạnh liễu (Một người tù cờ bạc "chết cứng"); bài 63: Hựu nhất cá... (Lại một người nữa...); bài 64:Cấm yên (Chỉ yên đích) (Cấm hút thuốc (thuốc lá)); bài 65: Dạ bán văn khốc phu (Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng); bài 66: Hoàng hôn (Hoàng hôn); bài 67: Công kim (Tiền công); bài 68: Thuỵ bất trước (Ngủ không được); bài 69: Ức hữu (Nhớ bạn); bài 70: Thế nạn hữu mẫn tả báo cáo(Viết hộ báo cáo cho các bạn tù); bài 71: Lại sang (Ghẻ lở); bài 72: Văn thung mễ thanh (Nghe tiếng giã gạo).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 16-25. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 317-350.

Tháng 11, ngày 11

Hồ Chí Minh viết các bài thơ 73-74-75: Song thập nhất, I-II-III (Ngày 11 tháng 1132), I-II-III).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 25-26. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 351-353.

Tháng 11, ngày 12

Tại nhà ngục Nam Ninh, Hồ Chí Minh viết các bài thơ: Bài 76: Cảnh báo33) (Thập nhất nguyệt thập nhị nhật) (Báo động (Ngày 12 tháng 11)); bài 77: Chiết tự (Chiết tự34)); bài 78: "Lữ quán" ("Quán trọ").

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 26. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 354-357.

Tháng 11, ngày 13

Trong nhà ngục Nam Ninh, Hồ Chí Minh viết bài thơ 79: Tảo tình (Nắng sớm)35).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 27. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 358.

Tháng 11, ngày 14

Tại nhà ngục Nam Ninh, Hồ Chí Minh viết bài thơ 80: “Việt hữu tao động. Ung báo, Xích đạo tấn 14-11 (“Việt Nam có bạo động”. Tin Xích đạo, trên báo Ung Ninh 14-11).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 28. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 359.

Tháng 11, từ ngày 15 đến ngày 17

Tại nhà ngục Nam Ninh, Hồ Chí Minh viết bài thơ 81: Anh phỏng Hoa đoàn (Đoàn đại biểu Anh sang thăm Trung Hoa).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 28. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 360.

Tháng 11, ngày 18

Hồ Chí Minh bị giải từ Nam Ninh đi Vũ Minh36). Người viết bài thơ 82: Giải vãng Vũ Minh 18-11 (Giải đi Vũ Minh 18-11).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 28. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 361-362.

Tháng 11, ngày 19 đến ngày 21

Hồ Chí Minh viết các bài thơ: Bài 83: Bào Hương cẩu nhục (Thịt chó ở Bào Hương37)); bài 84: Trúc lộ phu (Phu làm đường); bài 85: Ngục đinh thiết ngã chi sĩ đích38) (Lính ngục đánh cắp mất chiếc gậy của ta); bài 86: Công lý bi (Cột cây số).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 29. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 363-367.

Tháng 11, ngày 21

Bài thơ Trẻ chăn trâu, in trên báo Việt Nam độc lập, gồm 24 câu lục bát nói về cảnh khổ cực của trẻ em chăn trâu, do Nhật, Tây “Ra tay vơ vét, đọa đày chúng ta”. Người kêu gọi mọi người lớn, bé “Cùng nhau đánh đuổi Nhật, Tây”, các em vào Hội nhi đồng cứu quốc - một tổ chức của Mặt trận Việt Minh.

- Báo Việt Nam độc lập, số 144, ngày 21-11-1942.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 242-243.

Tháng 11, ngày 22

Tại nhà ngục Tân Dương39), Hồ Chí Minh viết bài thơ 87: Tân Dương ngục trung hài 22-11 (Cháu bé trong ngục Tân Dương 22-11).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 30. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 368-369.

Tháng 11, từ ngày 23 đến ngày 30

Trước khi bị giải từ nhà ngục Tân Dương đến nhà ngục Thiên Giang40), Hồ Chí Minh viết các bài thơ 88-89: Ký Ni Lỗ (Gửi Nêru, 2 bài); bài 90: Đăng quang phí (Tiền đèn); bài 91: Ngục trung sinh hoạt (Sinh hoạt trong tù); bài 92: Quách tiên sinh (Tiên sinh họ Quách); bài 93:Mạc ban trưởng (Trưởng ban họ Mạc).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 31-32. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 370-376.

Tháng 12, ngày 1

Hồ Chí Minh bị giải đến nhà ngục Thiên Giang. Tại đây, Người viết bài thơ 94: Thiên Giang ngục 1-12 (Nhà lao Thiên Giang 1-12).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 33. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 377.

Tháng 12, từ ngày 2 đến ngày 8

Từ nhà ngục Thiên Giang, Hồ Chí Minh bị giải đi Liễu Châu41). Chặng đường Thiên Giang - Lai Tân42), sau một đoạn đường bị giải đi bộ, từ Hợp Sơn đến Lai Tân, Người bị giải đi trên một toa xe lửa chở than.

Trong những ngày này, Người viết các bài thơ: Bài 95: Tháp hoả xa vãng Lai Tân (Đáp xe lửa đi Lai Tân); bài 96: Tha tưởng đào (Anh ấy muốn trốn); bài 97: Lai Tân (Lai Tân).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 33. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 378-380.

Tháng 12, ngày 9

Hồ Chí Minh bị giải đến Liễu Châu. Người viết bài thơ 98: Đáo Liễu Châu 9-12 (Đến Liễu Châu 9-12).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 34. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 381.

Tháng 12, từ ngày 10 đến cuối tháng

Tại Liễu Châu, sau một thời gian chờ đợi, Hồ Chí Minh bị giải đến một cơ quan chỉ huy của Quốc dân Đảng Trung Quốc và được biết phải đến Quế Lâm. Trong những ngày này, Người viết các bài thơ: bài 99: Cửu bất đệ giải (Giam lâu không được chuyển); bài 100: Dạ bán (Nửa đêm); bài 101: Liễu Châu ngục (Nhà ngục Liễu Châu); bài 102: Đáo trưởng quan bộ (Đến dinh trưởng quan); bài 103: Tứ cá nguyệt liễu (Bốn tháng rồi); bài 104: Bệnh trọng (Ốm nặng).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 34-35. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 382-389.

Trong năm

Sách Chiến thuật du kích19, quyển II do Nguyễn Ái Quốc biên soạn được Việt Minh xuất bản. Sách gồm hai phần: Mục đích của chiến thuật du kích; sự chiến đấu của đội du kích. Sách mô tả khái quát về những nguyên tắc chiến đấu, cách thức chiến đấu của du kích để đánh thắng địch.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 247-262

___________________________

1) Học viên hầu hết là cán bộ lãnh đạo của Tỉnh uỷ Cao Bằng, như: Hoàng Đức Thạc (tức Lã), Hoàng Sâm, Lê Quảng Ba, Bình Dương, Quảng Hưng, Lý Công (tức Nông Văn Quang), Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) và Bằng Giang. Để giữ bí mật, lớp học được tiến hành về ban đêm, không có đèn đóm, sách vở.

Nguyễn Ái Quốc trực tiếp soạn bài và giảng dạy (đồng chí Vũ Anh làm trợ lý giảng dạy). Nội dung học tập gồm ba vấn đề: Sơ lược về chủ nghĩa cộng sản; Điều lệ Đảng và Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Nga.

Ngoài ra còn có bài giảng về chiến thuật du kích. Lớp huấn luyện kéo dài khoảng một tuần lễ (B.T).

2) Tết Nguyên đán Nhâm Ngọ vào ngày 15-2-1942 (B.T).

3) Theo Hồi ký của các đồng chí cùng làm việc với đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở Pác Bó, Người viết cuốn Lịch sử nước ta vào khoảng nửa sau năm 1941. Tác phẩm này do Việt Minh tuyên truyền Bộ xuất bản lần thứ nhất tháng 2-1942 (B.T).

4) Nhà cụ Mã Sơn, bố đồng chí Lén, một đồng chí cốt cán lúc đó. Vùng này có dãy núi đá chạy dài, địa thế khá hiểm trở, có nhiều hang động có thể dùng làm nơi trú ẩn của cán bộ cách mạng. Sau khi tới đây, Nguyễn Ái Quốc đặt tên vùng này là Lam Sơn, gợi nhớ đến khu căn cứ của nghĩa quân Lê Lợi khi xưa (B.T).

5) Bài thơ này đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 123, ra ngày 21-4-1942, không có đầu đề (B.T).

6) Hang Kéo Quảng bấy giờ thuộc tổng Ngần, xã Gia Bằng, nay là xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, còn gọi là hang Các Mác (B.T).

7) Dịch thơ: Lên núi:

Hai mươi tư tháng sáu,

Lên ngọn núi này chơi.

Ngẩng đầu: mặt trời đỏ,

Bên suối một nhành mai.

(Bản dịch thơ của Tố Hữu) (B.T).

8) Các đồng chí Vũ Anh, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc, Vân Trình, Bình Dương (tức Khoa), Hồng My (tức Trương Nam Hiến), Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) (B.T).

9) Đôn Chương là địa danh thuộc huyện Hà Quảng, nằm ở phía bắc thị xã Cao Bằng, trên đường đi Pác Bó, cách Cao Bằng 45 km. Từ Đôn Chương đi lên hướng bắc là Nà Mạ, rồi mới đến Pác Bó (B.T).

10) Pêtanh (Pétain) (1856-1951), Thống chế Pháp (1918), trong Chiến tranh thế giới thứ nhất chỉ huy quân đội Pháp chống Đức ở mặt trận Đông Bắc. Từ năm 1940 đến năm 1944, đứng đầu chính phủ Visi (Vichy), đầu hàng và hợp tác với Đức. Năm 1945, bị toà án Pháp tuyên án tử hình về tội phản quốc, sau giảm xuống tù chung thân (B.T).

11) Đồng chí Dương Đại Phong (là anh đồng chí Dương Đại Lâm) (B.T).

12) Đờcu (Jean Decoux), Thuỷ sư đô đốc, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương từ ngày 30-8-1940. Theo chủ trương của chính phủ Pháp, do Pêtanh cầm đầu, Đờcu thi hành chính sách đầu hàng, dâng nước ta cho Nhật. Y bị Nhật tống giam trong cuộc đảo chính ngày 9-3-1945(B.T).

13) Phù Tang: nước Nhật (B.T).

14) Đội khu: đội đít, chỉ việc Toàn quyền Đờcu khuất phục, bợ đỡ quân phiệt Nhật (B.T).

15) Trước khi đi, Người đã viết sẵn nhiều bài, giao lại cho đồng chí Phạm Văn Đồng đăng dần trên báo Việt Nam độc lập (B.T).

16) Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, nhà Từ Vĩ Tam là nơi trú chân tin cậy của những người cách mạng Việt Nam thường qua lại vùng này, cũng như nhà bố con Trương Đình Duy, Trương Kỳ Siêu ở Long Lâm, nhà Nông Hữu Phong ở Cừ Dương, nhà Trương Quốc Thuỵ ở Mạch Ma, nhà bố con Lâm Bích Phong - Lâm Đại Phàm ở Vĩnh Lao... Theo Từ Vĩ Tam, khoảng hơn 4 giờ chiều, Hồ Chí Minh đến, lưng đeo một túi lưới, tay cầm gậy, mình mặc chiếc áo nâu chéo vạt, đã để râu, thoáng trông có vẻ như một thầy địa lý phong thuỷ ở nông thôn. Người cho biết sẽ đi bộ đến Bình Mã rồi đáp ô tô đi Trùng Khánh để gặp một yếu nhân Trung Quốc (B.T).

17) Ngoài Từ Vĩ Tam còn có Vương Tích Cơ, Hoàng Đạt Hán, Hoàng Đức Quyền và Dương Đào (B.T).

18) Bình Mã, tức trấn Bình Mã, huyện lỵ huyện Điền Đông (Quảng Tây) (B.T).

19) Dương Đào, còn có tên khác là Dương Thuần Cương, một thanh niên nông dân người dân tộc Choang, lúc này chưa đầy 20 tuổi. Khi dẫn đường cho Hồ Chí Minh từ Tĩnh Tây đi Bình Mã, Dương Đào bị bắt giữ cùng với Hồ Chí Minh ở Túc Vinh, sau đó cũng bị giải theo Người qua các nhà tù Quảng Tây. Trong Ngục trung nhật ký, Hồ Chí Minh dành riêng một bài nói về Dương Đào (B.T).

20) Túc Vinh, cách huyện lỵ Đức Bảo 20 km về phía đông (B.T).

21) Nguyên nhân bị bắt giữ, theo báo cáo của Trương Phát Khuê, Tư lệnh Đệ tứ chiến khu của Quốc dân Đảng lúc đó, là:

Khi kiểm tra căn cước, tuần cảnh phát hiện ra rằng ngoài Chứng minh thư của “Quốc tế phản xâm lược hiệp hội Việt Nam phân hội” ra, Hồ Chí Minh còn mang theo Thẻ hội viên đặc biệt của “Quốc tế tân văn xã”, và Giấy thông hành của quân dụng của Văn phòng tư lệnh Đệ tứ chiến khu cấp, v.v.. Tất cả giấy tờ đều cấp năm 1940, đã quá thời hạn sử dụng. Chúng nghi là gián điệp nên đã bắt giữ (B.T).

22) Huyện Đức Bảo, trước năm 1951, là hai huyện Thiên Bảo và Kính Đức. Đường từ Tĩnh Tây đến Điền Đông để đi Trùng Khánh phải qua đất Thiên Bảo. Huyện lỵ Đức Bảo đặt tại huyện lỵ Thiên Bảo cũ (B.T).

23) Chị gái của Từ Vĩ Tam trên đường đi từ Ba Mông đến Đỗ An tình cờ gặp Hồ Chí Minh và Dương Đào bị giải đi như vậy, liền quay về báo tin. Vương Tích Cơ được cử đi lên huyện lỵ ngay ngày hôm sau để nghe ngóng tin tức và tìm cách giúp đỡ. Huyện trưởng Tĩnh Tây với Hồ Chí Minh có biết nhau từ trước, từng gặp nhau ở Quế Lâm, nhưng y từ chối gặp Người, mà chỉ gửi điện báo lên cấp trên và không được trả lời (B.T).

24) Nhà giam C.H.S. trong tiếng Hán có tên là “Chuyên viên công thự câu lưu sở” (B.T).

25) Vương Tích Cơ là một nông dân ở Ba Mông, một trong những người kết nghĩa anh em với những người cách mạng Việt Nam. Vương có người quen làm cai ngục nên vào thăm dễ dàng. Vương còn dặn Hồ Chí Minh nếu cần gì, có thể nhắn ra qua người ấy (B.T).

a) Trong nguyên bản, bốn câu thơ này không có đầu đề, chép ở ngoài bìa tập Ngục trung nhật ký cùng hình vẽ hai tay bị xiềng, có lẽ được tác giả coi như một lời đề từ cho toàn tập (B.T).

26) Thiên Bảo, tên một huyện cũ ở Quảng Tây, ở giữa hai huyện Tĩnh Tây và Điền Đông. Năm 1951, huyện Thiên Bảo hợp nhất với huyện Kính Đức thành huyện Đức Bảo (B.T).

27) Long Tuyền, theo nhà sử học Hoàng Tranh (Trung Quốc) viết trong cuốn Hồ Chí Minh ngục trung thi chú giải (Quảng Tây Giáo dục xuất bản xã, tháng 10-1992), thì địa danh này chính tên là Long Xuyến, một thôn của xã Túc Vinh, huyện Đức Bảo. Để hài âm, nên tác giả bài thơ đã viết thành Long Tuyền. Thôn này nằm bên đường cái đi huyện Điền Đông, cách huyện lỵ Đức Bảo (lúc bấy giờ là huyện lỵ Thiên Bảo) 36 km, cách huyện lỵ Điền Đông 49 km. Ngày trước, đi bộ từ Thiên Bảo đến Điền Đông, khách bộ hành thường phải nghỉ qua đêm ở đây (B.T).

28) Uyki (Wendell Willkie), đại biểu Mỹ trong Đồng minh chống phát xít, đến thăm Trùng Khánh, nơi Chính phủ Quốc dân Đảng (Trung Quốc) đóng. Lúc Uyki đi qua Đệ tứ chiến khu, nhà đương cục đã tổ chức hội họp chiêu đãi. Bác Hồ bấy giờ cũng là thành viên của Phân hội Việt Nam Hiệp hội quốc tế chống xâm lược, cũng là đồng minh của Trung Quốc, cũng tới Trùng Khánh. Nhưng giới cầm quyền Trùng Khánh lại bắt giam Người (B.T).

29) Quả Đức, tên huyện. Từ năm 1951, huyện Quả Đức hợp nhất với huyện Bình Trị thành huyện Bình Quả. Huyện lỵ Quả Đức cách huyện lỵ Điền Đông 60 km, cách Nam Ninh 137 km (B.T).

b) Long An: tên một huyện ở lưu vực sông Hữu Giang (Quảng Tây). Huyện lỵ Long An cách huyện lỵ Bình Quả 37 km, cách Nam Ninh 100 km (B.T).

c) Đồng Chính: tên một huyện cũ của Quảng Tây. Huyện lỵ Đồng Chính cách huyện lỵ Long An 30 km và cách Nam Ninh 50 km. Năm 1951, huyện Đồng Chính hợp nhất với hai huyện Phù Nam và Tuy Lộc thành huyện Phù Tuy. Huyện lỵ Đồng Chính trước kia nay là thị trấn Trung Đông của huyện Phù Tuy (B.T).

30) Nam Ninh: tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Tây (B.T).

31) Ung, một biệt danh của Nam Ninh. Hai sông Tả giang và Hữu giang hội lưu tại phía tây Nam Ninh thành sông Úc giang. Đoạn Úc giang chảy ngang qua thành phố Nam Ninh gọi là Ung giang, cho nên Nam Ninh còn có tên là Ung châu, gọi tắt là Ung (B.T).

32) Ngày 11 tháng 11 (Song thập nhất): ngày kỷ niệm chấm dứt cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918 (B.T).

33) Báo động có máy bay giặc Nhật (B.T).

34) Chiết tự, một lối chơi chữ khá phổ biến ở Trung Quốc. Người ta phân giải hay tổ hợp các bộ thủ trong một chữ để thành chữ mới, có ý nghĩa khác với ý nghĩa ban đầu. Trình độ Hán học của Hồ Chí Minh rất cao, nên cũng rất thạo trò chơi chiết tự này (B.T).

35) Trong nguyên tác, bài thơ này không ghi ngày tháng cụ thể nhưng đặt giữa hai bài thơ được ghi rõ ngày tháng sáng tác là ngày 12-11 và ngày 14-11. Căn cứ vào nội dung và trình tự của các bài, có thể phỏng đoán rằng bài thơ Tảo tình (Nắng sớm) viết trong buổi sáng ngày 13, còn hai bài Chiết tự và "Lữ quán" thuộc ngày hôm trước 12-11. Nay tạm ghi như trên (B.T).

36) Vũ Minh, tên huyện. Huyện lỵ Vũ Minh cách Nam Ninh 43 km về phía bắc (B.T).

37) Bào Hương, tên một thôn trấn nằm bên đường cái từ huyện Vũ Minh đi huyện Tân Dương, nơi có món thịt chó khá nổi tiếng (B.T).

38) Sĩ - đích, phiên âm tiếng Anh “stick” có nghĩa là cái gậy (B.T).

39) Tân Dương, tên huyện (Quảng Tây). Đường đi bộ từ Nam Ninh đến Quế Lâm phải qua Tân Dương (B.T).

40) Thiên Giang, một thị trấn nhỏ của huyện Lai Tân (Quảng Tây), cách huyện lỵ Tân Dương 49 km về phía bắc, cách huyện lỵ Lai Tân 42 km(B.T).

41) Liễu Châu, một thành phố ở phía bắc của Quảng Tây, nơi đặt Bộ Tư lệnh Đệ tứ chiến khu (B.T).

42) Lai Tân, tên một huyện của Quảng Tây, cách Thiên Giang 49 km, cách Liễu Châu 80 km (B.T).

* Năm 1943

NĂM 1943

Tháng 1, đầu tháng

Hồ Chí Minh bị giải đến nhà ngục Quế Lâm, Người viết các bài thơ: bài 105: Đáo Quế Lâm (Đến Quế Lâm); bài 106: Nhập lung tiền (Tiền vào nhà giam).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 37. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 390-392.

Tháng 2, đầu tháng

Tại nhà ngục Quế Lâm, Hồ Chí Minh viết các bài thơ: Bài 107:?! và bài 108: ?.

Vì bị Biện công sảnh Quế Lâm của Uỷ ban quân sự1) tình nghi là chính trị phạm, nên Hồ Chí Minh lại bị giải từ Quế Lâm về Liễu Châu để giao cho Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu tra xét.

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 38. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 393-394.

- Điện báo của Lý Tế Thâm, Chủ nhiệm Biện công sảnh Quế Lâm của Uỷ ban quân sự gửi Ngô Thiết Thành ngày 29-11-1942. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984.

Cuối tháng 1, đầu tháng 2

Hồ Chí Minh bị giải đến Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu Quốc dân Đảng Trung Quốc (ở Liễu Châu) và bị giam tại nhà giam của Cục này. Ở đây, Người được đối xử tử tế hơn, theo chế độ “quản lý chính trị”: có đủ cơm ăn, không bị gông, không bị xích, buổi sáng và buổi chiều đều có mười lăm phút đi ra nhà vệ sinh có lính gác và thỉnh thoảng được đọc báo hoặc đọc sách2).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 38-39. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Trần Dân Tiên: Hồ Chí Minh truyện, Bản dịch tiếng Hán của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949, tr. 123.

Từ tháng 2 đến tháng 4

Tại nhà giam của Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu Quốc dân Đảng Trung Quốc, Hồ Chí Minh viết các bài thơ: Bài 109: Đáo Đệ tứ chiến khu Chính trị bộ (Đến Cục Chính trị Chiến khu IV3)); bài 110: Chính trị bộ cấm bế thất (Nhà giam của Cục Chính trị); bài 111: Mông ưu đãi(Được ưu đãi); bài 112: Triêu cảnh (Cảnh buổi sớm).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 38-39. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 395-399.

Tháng 4

Trong nhà giam của Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu, Hồ Chí Minh viết các bài thơ: Bài 113: Thanh minh (Tiết thanh minh); bài 114: Vãn cảnh (Cảnh chiều hôm); bài 115: Ngũ khoa trưởng, Hoàng khoa viên (Khoa trưởng họ Ngũ, khoa viên họ Hoàng); bài 116: Hạn chế (Bị hạn chế); bài 117: Dương Đào bệnh trọng (Dương Đào ốm nặng); bài 118: Bất miên dạ (Đêm không ngủ); bài 119: Cửu vũ (Mưa lâu); bài 120:Tích quang âm (Tiếc ngày giờ).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 40-42. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 400-409.

Tháng 5

Từ trong nhà giam của Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu, Hồ Chí Minh bí mật gửi được một lá thư về cho các đồng chí trong nước4) báo tin vắn tắt về tình hình của mình ở trong tù.

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 64.

Tháng 5 đến tháng 7

Trong nhà giam của Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu, Hồ Chí Minh viết các bài thơ: bài 121: Độc Tưởng công huấn từ (Đọc lời giáo huấn của ông Tưởng5)); bài 122: Lương Hoa Thịnh tướng quân thăng nhậm phó tư lệnh (Tướng quân Lương Hoa Thịnh6) thăng chức Phó tư lệnh); bài 123: Tặng tiểu Hầu (Hải) (Tặng chú Hầu (Hải)).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 42 - 43. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 410-413.

Tháng 5 đến tháng 8

Hồ Chí Minh chưa được tự do nhưng không còn phải chịu đói và bị ngược đãi nữa. Người được phép đọc sách báo và thỉnh thoảng gửi về Việt Nam những tờ báo trong đó Người lồng một vài tin tức. Đối với người Trung Quốc, Người có vẻ một học giả cao tuổi, lễ độ và trầm lặng. Người dịch cuốn Tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên và Trung Quốc đích mệnh vận (Vận mệnh của Trung Quốc) của Tưởng Giới Thạch ra tiếng Việt.

- Trần Dân Tiên: Hồ Chí Minh truyện. Bản dịch tiếng Hán của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949.

- King C. Chen: Vietnam and China 1938-1954, Princeton University, Press Princeton, New York, 1969, p. 60.

Khoảng từ giữa tháng 7 đến tháng 8

Trong lần đón Hồ Mộ La (13 tuổi), con gái của ông Hồ Học Lãm đến thăm tại Văn phòng Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu, Hồ Chí Minh tặng cô bé một món tiền dành dụm được đủ may một bộ đồng phục học sinh.

Người từ chối không nhận các thứ quà bà Lãm mang đến biếu Người.

- King C. Chen: Vietnam and China 1938-1954, Princeton University, Press Princeton, New York, 1969, p. 58-60.

- Mộ La: Đời đời nhớ ơn Bác, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số tháng 10-1969, tr. 127-128.

Tháng 8

Trong nhà giam Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu, Hồ Chí Minh viết các bài thơ: Bài 124-125: Thu cảm, I-II (Cảm thu, I-II); bài 126: Nhân đỗ ngã (Nhân lúc đói bụng); bài 127: Trần khoa viên lai thám (Khoa viên họ Trần tới thăm); bài 128: Hầu chủ nhiệm ân tặng nhất bộ thư (Chủ nhiệm họ Hầu7) tặng một bộ sách); bài 129: Mông thượng lệnh chuẩn xuất lung hoạt động (Được lệnh trên cho đi lại ngoài buồng giam); bài 130: Thu dạ (Đêm thu).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 44-45. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 414-421.

Tháng 9, đầu tháng

Trong nhà giam của Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu, Hồ Chí Minh viết các bài thơ: Bài 131: Tình thiên (Trời hửng); bài 132: Khán Thiên gia thi hữu cảm (Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”); bài 133: Tức cảnh (Tức cảnh).

Trong những ngày này, được phép đọc sách báo, Người đã có những trang bút ký “Mục đọc sách”, “Mục đọc báo” ghi chen vào những trang thơ8).

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 46-53. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 422-425.

Tháng 9, trước ngày 10

Trong nhà giam của Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu, Hồ Chí Minh nghĩ ra một lối ghi tốc ký chữ quốc ngữ.

- Trần Dân Tiên: Hồ Chí Minh truyện. Bản dịch tiếng Hán của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949.

Tháng 9, ngày 10

Hồ Chí Minh được trả lại tự do. Người viết bài thơ 134: Kết luận (Kết luận), khép lại tập Ngục trung nhật ký.

- Hồ Chí Minh: Ngục trung nhật ký. Bản chụp bút tích, tr. 53. Lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 426-427.

Tháng 9, sau ngày 10

Hồ Chí Minh được trả lại tự do nhưng vẫn bị quản chế. Sức khoẻ Người giảm sút: mắt bị mờ, chân đi không vững. Người vừa tự tập luyện để phục hồi sức khoẻ, vừa tìm cách liên hệ với những tổ chức chống phát xít Nhật và thực dân Pháp của người Việt Nam ở Liễu Châu, đồng thời tìm cách chắp nối liên lạc với Trung ương Đảng ở trong nước.

Cách rèn luyện của Người là ra sức tập leo núi, tập nhìn vào bóng tối... để cho chân được vững, mắt được sáng. Người tự nhủ “Một chiến sĩ bị bệnh tê thấp thì còn làm gì được”.

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 88-90.

Tháng 9, khoảng giữa tháng

Ở Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc), Hồ Chí Minh viết lên mép trắng của một tờ Quảng Tây nhật báo bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán:

Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân,

Giang tâm như kính tịnh vô trần;

Bồi hồi độc bộ Tây phong lĩnh,

Dao vọng Nam thiên ức cố nhân9).

Kèm mấy dòng chữ Hán với nội dung:

“Chúc chư huynh ở nhà mạnh khoẻ và cố gắng công tác. Ở bên này bình yên”.

Người gửi được tờ báo cùng với một bức thư về nước10).

- Võ Nguyên Giáp: Từ Pác Bó đến Tân Trào, in trong cuốn Uống nước nhớ nguồn, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1973, tr. 33.

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 65.

Tháng 10, khoảng cuối tháng

Hồ Chí Minh bắt đầu tham gia một số hoạt động của Việt Nam cách mạng đồng minh hội11)

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 98-99.

Tháng 11, khoảng giữa tháng

Theo yêu cầu của Trương Phát Khuê, Hồ Chí Minh nhận chức Phó chủ tịch Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Chủ tịch là Nguyễn Hải Thần).

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 98.

Tháng 11, ngày 23

Hồ Chí Minh rời khỏi Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu đến ở trong nhà Tổng bộ Việt Nam cách mạng đồng minh hội12) đặt tại đường Ngư Phong trong thành phố Liễu Châu.

- Trả lời phỏng vấn của Diệp Thuỵ Đình. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 99-100.

Khoảng tháng 11

Từ Liễu Châu, Hồ Chí Minh viết thư cho Từ Vĩ Tam, Vương Tích Cơ... (những người Trung Quốc kết nghĩa anh em với Người ở Ba Mông, Tĩnh Tây) báo tin Dương Đào đã chết. Người viết: “Dương Đào là người em thân thiết của chúng ta, chúng ta sẽ mãi mãi không quên chú ấy”13).

- Trả lời phỏng vấn của Vương Tích Cơ. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 98.

Mùa đông, một ngày chủ nhật

Sáng sớm, Hồ Chí Minh ra sông tắm.

Một lát sau, Trương Phát Khuê mặc áo lông đắt tiền, cưỡi con ngựa hồng cao lớn đi ngang qua, nhận ra người tắm dưới sông liền dừng ngựa lại chào.

Tướng Trương Phát Khuê nói: "Hồ tiên sinh là người An Nam. An Nam ở về nhiệt đới, sang đất Liễu Châu chúng tôi chịu đựng được cái rét mùa đông đã là không đơn giản. Thế mà nay Hồ tiên sinh còn bơi được dưới dòng nước lạnh giá này, thật là kỳ tài! Thật là kỳ tài!"

Người đáp lại rất tự nhiên: "Đâu dám! Đâu dám!".

- Vũ Trường Khuê: Cùng sinh hoạt với Bác Hồ. Báo Tân Việt Hoa, ngày 18-5-1961.

Khoảng tháng 12

Tại Liễu Châu, Hồ Chí Minh dự một bữa tiệc do Hầu Chí Minh, Chủ nhiệm Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu chiêu đãi. Trong bữa tiệc, Nguyễn Hải Thần đọc một vế thách đối: “Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, lưỡng vị đồng chí, chí giai minh”. Mọi người còn đang suy nghĩ thì Hồ Chí Minh ung dung đối lại:

“Nhĩ cách mệnh, ngã cách mệnh, đại gia cách mệnh, mệnh tất cách”14).

Mọi người vỗ tay tán thưởng. Hầu Chí Minh ca ngợi không ngớt: “Đối hay lắm!”. Nguyễn Hải Thần cũng cung kính nói: “Hồ tiên sinh tài trí mẫn tiệp. Bội phục! Bội phục!”.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 100-101.

Trong năm

Tại Liễu Châu, Hồ Chí Minh viết bài thơ Tặng cụ Đinh Chương Dương15).

“Quan san muôn dặm gặp nhau đây,

Mục đích chung là đuổi Nhật, Tây.

Dân bị hai tròng vào một cổ,

Ta liều trăm đắng với ngàn cay.

Già dù yếu sức mang mang nhẹ,

Trẻ cố ra công gánh gánh đầy.

Non nước của ta ta lấy lại,

Nghìn thu sự nghiệp nổi từ đây”.

- Hồ Chí Minh: Thơ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr. 46.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 441.

Tháng 12

Bài Libăng đăng trên báo Đồng minh16) số 18, tháng 12-1943, giới thiệu về cuộc đấu tranh của nhân dân Libăng chống thực dân Pháp để giành được độc lập, tự do thực sự. Qua cuộc đấu tranh của nhân dân Libăng và sự đàn áp của thực dân Pháp, tác giả bài viết rút ra hai kết luận:

1- Bọn thực dân, dù là phe phái nào đều “mang tâm lang sói”, đàn áp cuộc đấu tranh của nhân dân bị áp bức.

2- Nhân dân Việt Nam “đang chuẩn bị đánh Nhật, đuổi Pháp để giành lấy sự độc lập tự do”, nên “rất đồng tình và mong cho công cuộc cách mạng của dân tộc Libăng được thắng lợi”.

- Báo Đồng minh, số 18, tháng 12-1943.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 442-444.

Cuối năm

Hồ Chí Minh đến nói chuyện với lớp huấn luyện cán bộ đặc biệt của thanh niên Việt Nam do Đoàn huấn luyện cán bộ Đệ tứ chiến khu tổ chức tại Đại Kiều (Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc).

Cũng vào cuối năm, Hồ Chí Minh đến dự lễ khai mạc lớp huấn luyện cán bộ Việt Nam tại ngoại thành Liễu Châu. Người nói bằng tiếng Việt. Hai người Việt Nam là Lê Dũng Thịnh và Nguyễn Thị Anh dịch sang tiếng Trung. Một sĩ quan của Quốc dân Đảng là Thiếu tá Diệp Thuỵ Đình đã ghi lại bài nói này.

Trong bài nói, Người cảm ơn Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã ủng hộ chân thành, mạnh mẽ và lâu dài cho cách mạng Việt Nam: "mong mỏi" sống chết dựa vào nhau, đắng cay ngọt bùi cùng chia xẻ. Cuối bài nói, Người khẳng định: "Chúng ta nhất định sẽ thắng lợi. Ngày mà thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam không còn xa nữa!".

- Tăng Thiên Tiết: Những mẩu hồi ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 102.

- Tạp chí Vòng quanh Đông Nam Á, Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, Trung Quốc, số tháng 3-2000.

- Tạp chí Lịch sử Đảng, tháng 12-2001.

_________________________________

1) Được Lê Quảng Ba báo tin, Trung ương Đảng ta cử đồng chí Cáp đi Quảng Tây nghe ngóng thêm. Đồng chí Cáp nghe nhầm tưởng Hồ Chí Minh đã chết, về báo lại. Tổ chức lại cử người đi thăm dò tiếp, được biết Người còn sống và bị giải đi nơi khác. Hạ tuần tháng 10-1942, Trung ương Đảng ta nhân danh “Phân hội Việt Nam Hội Quốc tế chống xâm lược” gửi điện cho Tôn Khoa, Viện trưởng Viện Lập pháp của Quốc dân Đảng Trung Quốc tại Trùng Khánh yêu cầu thả Hồ Chí Minh. Tôn Khoa chuyển đến Ngô Thiết Thành, Chánh Văn phòng Trung ương Quốc dân Đảng. Ngô Thiết Thành điện cho chính quyền Quảng Tây yêu cầu “xét rõ và phóng thích”. Nhưng lúc này Hồ Chí Minh đang bị giải đi trên đường. Ngày 9-11-1942, Ngô Thiết Thành điện cho Trương Phát Khuê, Tư lệnh Đệ tứ chiến khu, yêu cầu xét tha Hồ Chí Minh. Nhưng lúc này Hồ Chí Minh vẫn chưa bị giải đến Liễu Châu.

Ngày 15-11-1942, Đảng ta lại nhân danh “Phân hội Việt Nam Hội Quốc tế chống xâm lược” gửi đến cơ quan Thông tấn xã Liên Xô TASS ở Trùng Khánh một bản tin điện yêu cầu can thiệp. Những bức điện tương tự cũng được đồng thời gửi đến các hãng UPI, Reuter, AFP.

Bị giải đến Quế Lâm và trong thời gian bị giam ở đó, Hồ Chí Minh trước sau chỉ nhận mình là cán bộ Việt Nam không có liên quan gì với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Biện công sảnh Quế Lâm chỉ có cách xử lý như trên (B.T).

2) Hồi ức của Bành Đức lúc đó là trung uý khoa viên tại Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu cho biết:

“Một buổi sáng mưa dầm đầu năm 1943, một nhân viên đặc công áp giải một ông già râu tóc lốm đốm bạc đến Cục Chính trị. Người đặc công ra lệnh cho ông già ngồi xổm dưới cây khuynh điệp ở bên phải cổng Văn phòng rồi vào Văn phòng trình giấy, đoạn quay ra canh giữ ông già. Sau đó ông già được giao cho trung đội cảnh vệ coi giữ. Ông già này là người thế nào? Không ai rõ. Trung đội cảnh vệ giam ông già vào trong một gian phòng nhỏ bốn phía tường gạch và có lưới dây thép gai bao quanh ở gần Cục Chính trị. Cửa phòng trông ra trung đội cảnh vệ có một dãy hàng rào bằng gỗ. Hằng ngày ông già ngồi tựa vào hàng rào, trầm tư hoặc xem sách. Sáng sáng, vệ binh mở khoá sắt, để cho ông già ra ngoài đi bách bộ một lúc”.

(Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 92, 93) (B.T).

3) Như nội dung nêu trong bài thơ, tính từ ngày bị bắt (cuối tháng 8-1942) đến khi làm bài thơ này (tháng 2-1943), Hồ Chí Minh đã trải qua 13 huyện, thị: Thiên Bảo (nay là Đức Bảo), Tĩnh Tây, Điền Đông, Quả Đức (nay là Bình Quả), Long An, Đồng Chính (nay thuộc Phù Tuy), Ung Ninh, Nam Ninh, Vũ Minh, Tân Dương, Lai Tân, Liễu Châu, Quế Lâm; và đã bị giam ở 18 nhà giam gồm 13 nhà tù, nhà giam của 13 huyện, thị kể trên và những nhà giam trên đường bị giải đi, như Túc Vinh, Thiên Giang, v.v.. (B.T).

4) Đến tháng 8-1943, các đồng chí trong nước mới nhận được lá thư này (B.T).

5) Tức Tưởng Giới Thạch (B.T).

6) Lương Hoa Thịnh lúc bấy giờ là Trung tướng, Chủ nhiệm Cục Chính trị, tháng 5-1943 được thăng chức Phó tư lệnh Đệ tứ chiến khu (B.T).

7) Hầu chủ nhiệm, tức Thiếu tướng Hầu Chí Minh. Sau khi Trung tướng Lương Hoa Thịnh, nguyên Chủ nhiệm Cục Chính trị được thăng chức Phó tư lệnh Đệ tứ chiến khu (tháng 5-1943), Hầu Chí Minh được giữ chức Chủ nhiệm Cục này. Ông là người có phần đóng góp vào việc trả lại tự do cho Hồ Chí Minh sau này (B.T).

8) Đó là những trang ghi chép bằng chữ Hán từ trang 47 đến hết trang 52 trong cuốn sổ chép Ngục trung nhật ký (B.T).

9) Dịch nghĩa:

Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,

Lòng sông gương sáng, bụi không mờ;

Bồi hồi dạo bước Tây phong lĩnh,

Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa.

10) Tờ báo và bức thư đến tay các đồng chí Phạm Văn Đồng, Vũ Anh... khoảng tháng 10. Thư báo tin Người đã được tha, nhưng bọn Quốc dân Đảng Trung Quốc vẫn giữ làm cố vấn, ở nhà cần có những văn kiện vận động mạnh mẽ hơn để chúng tha thật sự. Ngoài ra, Người còn dặn dò một số công tác cụ thể phải làm trước mắt (B.T).

11) Việt Nam cách mạng đồng minh hội là một tổ chức của người Việt Nam ở Trung Quốc thuộc nhiều đảng phái, được sự hiệp trợ của Đệ tứ chiến khu. Tháng 7-1942, đã có một uỷ ban trù bị gồm 28 đại biểu của các đoàn thể, do Nguyễn Hải Thần làm Chủ nhiệm. Đại hội thành lập, lúc đầu định vào ngày 10-8-1942, sau hoãn đến ngày 1-10-1942. Quốc dân Đảng Trung Quốc muốn nắm chặt tổ chức này, giao cho Chủ nhiệm Cục Chính trị Lương Hoa Thịnh làm đại diện chỉ đạo. Tháng 5-1943, Lương được điều đi, Chủ nhiệm mới của Cục Chính trị là Hầu Chí Minh thay. Đến tháng 12-1943, Tư lệnh Đệ tứ chiến khu Trương Phát Khuê kiêm chức đại diện, Hầu Chí Minh làm phó đại diện. Đại diện chỉ đạo có văn phòng giúp việc, do Tiêu Văn - Trưởng phòng ngoại vụ của Đệ tứ chiến khu - phụ trách.

Sau ngày thành lập, Đồng minh hội vẫn năm bè bảy mối, rời rạc bê bối. Trương Phát Khuê quyết định cải tổ Đồng minh hội để Hồ Chí Minh tham gia công tác lãnh đạo. Trước khi chính thức cải tổ, Trương yêu cầu Hồ Chí Minh hợp tác với Nguyễn Hải Thần với cương vị Phó chủ tịch Việt Nam cách mạng đồng minh hội (B.T).

12) Không dám trái ý Trương Phát Khuê, Nguyễn Hải Thần cử Diệp Thuỵ Đình và Trung Tú Nghị là uỷ viên quân sự đặc biệt của Việt Nam cách mạng đồng minh hội đến Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu đón Hồ Chí Minh ra “công tác” (B.T).

13) Ngày 10-9-1962, Từ Vĩ Tam nhận được một lá thư của một đồng chí lãnh đạo Việt Nam, chuyển lời thăm hỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gia đình liệt sĩ Dương Đào, người đã hiến thân cho cách mạng Việt Nam năm xưa.

Tháng 8-1963, Đảng và Chính phủ Việt Nam mời một đoàn gồm bảy cán bộ và quần chúng có công với cách mạng Việt Nam ở hai huyện Tĩnh Tây, Na Pha (Quảng Tây) sang thăm Việt Nam, mừng Quốc khánh. Trong đoàn có em trai Dương Đào là Dương Thắng Cương. Tiếp các vị khách Quảng Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại việc Dương Đào hy sinh ở Liễu Châu, thân thiết bắt tay hỏi chuyện Dương Thắng Cương và tỏ lòng thương tiếc người thanh niên đầy nhiệt huyết năm nào (B.T).

14) Với tư cách là Phó chủ tịch Việt Nam cách mạng đồng minh hội, từ ngày 23-11-1943, Hồ Chí Minh đến ở trong trụ sở của Hội này tại đường phố Ngư Phong (Liễu Châu). Tại đây, Người khá tự do tiếp xúc với các đại biểu của nhiều lực lượng cách mạng Việt Nam và Trung Quốc.

Trong bữa tiệc này, Chủ tịch “Việt Nam cách mạng đồng minh hội” Nguyễn Hải Thần vốn tự phụ về trình độ Hán học, lại có ý tự đắc vì được dịp trổ tài để nịnh nọt quan trên họ Hầu, nên đã buông ra vế đối có ý so sánh Hầu Chí Minh - Hồ Chí Minh... như trên (Dịch: Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, hai vị đồng chí, chí đều sáng). Chỗ hóc hiểm đến thú vị của vế đối này là hai chữ “chí” và “minh” vốn là tên của hai nhân vật chính trong bữa tiệc.

Cái tài tình của Hồ Chí Minh đã làm cho Hầu Chí Minh và Nguyễn Hải Thần phải thốt lên “Hay lắm!” “Bội phục!”... không chỉ ở chỗ Người nhanh nhạy đối đáp kịp thời, rất thích ứng với hoàn cảnh, mà còn ở chỗ vế đối của Người rất chỉnh cả ý lẫn ngôn từ, với tầm tư tưởng cao hơn, cách mạng hơn (Dịch: Anh cách mạng, tôi cách mạng, mọi người cách mạng, mạng phải cách) (B.T).

15) Đinh Chương Dương, người xã Lộc Liêm (nay là xã Hải Lộc), huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Là một nhà yêu nước, cụ xuất dương và hoạt động ở nước ngoài từ thời trẻ. Trong quá trình hoạt động, cụ nhiều lần bị địch bắt giam. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ về nước và được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá I. Sau năm 1954, vì già yếu, cụ về an dưỡng tại Hà Đông và mất năm 1972 (B.T).

16) Báo Đồng minh do Việt Nam cách mạng đồng minh hội phát hành ở Liễu Châu (Trung Quốc), số ra đầu tiên ngày 1-1-1943. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trụ sở báo chuyển về Hà Nội, đến tháng 6-1946 thì tự đóng cửa (B.T).

* Năm 1944

NĂM 1944

Đầu năm

- Bài Chào xuân, đăng trên báo Đồng minh, số Xuân Giáp Thân nhìn lại tình hình thế giới trong năm qua để đoán định triển vọng năm mới: Từ xuân năm ngoái, quân các nước Đồng minh đã đứng vào chủ động. Quân các nước Trục - Tâm đứng về bị động. Tình hình trên diễn ra ở khắp mặt trận, đặc biệt ở Mặt trận Đức - Nga. Quân Nga thắng khắp nơi, đặc biệt trong trận giải vây thành Xtalingrát “đuổi quân Đức chẳng những ra khỏi đất Nga, mà lại vào sâu gần 60 cây số trong nước Ba Lan”. Ở mặt trận Địa Trung Hải, châu Phi, Thái Bình Dương, quân Đồng minh cũng thắng trận.

“Đoán trước để xét sau, xem sự chuyển biến nói trên, thì chúng ta có thể nói rằng: Xuân này sẽ là một Xuân thắng lợi cho mặt trận phản xâm lược”. Muốn thế “chúng ta phải gắng sức công tác”.

Kết luận: “Rót cốc rượu Xuân, mừng cách mạng.

Viết bài chào Tết, chúc thành công!”.

- Cũng trong báo Đồng minh, số Xuân Giáp Thân, có bài Trả lời cho bọn De Gaulle, Nguyễn Ái Quốc trả lời ý định của “Pháp quốc giải phóng uỷ hội ở Alger, tuyên bố rằng sau cuộc chiến tranh này, nước Pháp sẽ sẵn lòng ban cho dân Việt Nam vài sự cải thiện”. Người chỉ rõ, Pháp đang bị Đức thống trị “xin Ngài lo cứu nước và dân tộc của Ngài đã”, còn nhân dân Việt Nam “quyết dùng súng, đạn, gươm, dao để đạp đổ ơn huệ ấy và giành lại độc lập tự do cho Việt Nam”.

- Báo Đồng minh, số Xuân Giáp Thân.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 445-449, 450.

Đầu năm (trước Tết âm lịch)

Hồ Chí Minh dự bữa tiệc rượu do Đàm Liên Phương, Quân đoàn trưởng Quân đoàn 84 Quốc dân Đảng đóng ở Liễu Châu, tổ chức tại Hương Viên, nhà riêng của ông ta. Cùng dự có Dương Đông Thuần (Trưởng ban Giáo dục Trường Cán bộ kiến thiết địa phương Quảng Tây), Sái Đình Khải (Tổng tư lệnh du kích vượt biên), Việt Quế, Nguyễn Hải Thần, Diệp Thuỵ Đình1), v.v..

Trong bữa tiệc, nhân Đàm Liên Phương nói nhiều đến quan niệm của ông ta về quốc thể và quốc sách của Việt Nam sau khi độc lập, Hồ Chí Minh nói đại ý:

“Bất kỳ ý kiến nào về các vấn đề quốc sách, quốc thể của Việt Nam sau độc lập, đều phải do sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam sau khi được độc lập quyết định, đều phải giải quyết thông qua việc bỏ phiếu rộng rãi của công dân”...

Ở châu Âu, Đồng minh trì hoãn chưa mở mặt trận thứ hai, nhưng Hồng quân Liên Xô dưới sự lãnh đạo của nguyên soái Xtalin, một mình đương đầu một phía, đã từ thế yếu chuyển sang thế mạnh. Tín hiệu tổng tiến công hướng tới Béclin chẳng bao lâu nữa sẽ phát. Ở châu Á, sau trận tập kích Trân Châu Cảng của Nhật ngày 2-12-1941, Mỹ mới thấy rõ bộ mặt của Nhật. Từ đó, Mỹ không thể không liên minh với Trung Quốc để đánh bại Nhật. Có thể dự đoán rằng, vấn đề Liên Xô đánh bại Đức chỉ khoảng nửa năm nữa có thể giải quyết được. Với sự hiệp đồng của các nước Đồng minh, trên dưới một năm nữa, Trung Quốc có thể đánh bại Nhật Bản. Chiến tranh thế giới như vậy có thể kết thúc. Việt Nam chắc chắn trong một thời gian không xa lắm sẽ hoàn toàn đánh bại thực dân Pháp mà giành được độc lập hoàn toàn. Đó là điều không một lực lượng nào có thể ngăn trở được. Hai nước Trung - Việt có quan hệ hết sức mật thiết. Trung Quốc là một lực lượng hoà bình to lớn, là bảo đảm chắc chắn cho Việt Nam chúng tôi hoà bình kiến quốc. Từ nay về sau chúng tôi sẽ được sự giúp đỡ huynh đệ của Trung Quốc sau chiến tranh, đó là điều chắc chắn...

- Diệp Thuỵ Đình: Đôi điều về hoạt động của Việt Nam cách mạng đồng minh hội ở Liễu Châu cuối thời kỳ kháng chiến. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 101.

Mùa xuân

Hồ Chí Minh đến dự lễ bế mạc lớp huấn luyện đặc biệt ở Đại Kiều và nói chuyện với lớp. Người nói:

Chính sách Nam tiến của Nhật đã thất bại, cuộc kháng chiến của Trung Quốc nhất định giành được thắng lợi, tình hình cách mạng Việt Nam rất tốt đẹp. Một nước Việt Nam mới độc lập và dân chủ sẽ xuất hiện ở phương Đông. Dù thực dân Pháp xảo quyệt, đế quốc Nhật hung tàn đến mấy cũng không ngăn nổi bước chân của chúng ta. Người động viên thanh niên nhận rõ yêu cầu của thời đại, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới.

- Diệp Thuỵ Đình: Đôi điều về hoạt động của Việt Nam cách mạng đồng minh hội ở Liễu Châu cuối thời kỳ kháng chiến. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 102.

Tháng 2, khoảng cuối tháng

Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc của Việt Nam cách mạng đồng minh hội.

Tại Hội nghị, Người đề nghị mở rộng thành phần Đại hội, trong đó có đại biểu của Việt Minh và các tổ chức thuộc Việt Minh ở trong nước tham dự. Từ đó, Người đề nghị đổi tên Đại hội đại biểu toàn quốc của Việt Nam cách mạng đồng minh hội thành Đại hội đại biểu các tổ chức cách mạng Việt Nam ở hải ngoại. Đề nghị của Hồ Chí Minh được Trương Phát Khuê tán thành và uỷ thác cho Người khởi thảo kế hoạch triệu tập Đại hội quan trọng nàya).

- Lê Tùng Sơn: Bác Hồ ở Trung Quốc. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số tháng 3-1977.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 102-103.

Tháng 3, từ ngày 25 đến ngày 28

Hồ Chí Minh tham dự Đại hội các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài họp tại Lễ đường Bộ Tư lệnh Chiến khu IV ở Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc). Tại Đại hội, Người đọc Báo cáo của Phân hội Việt Nam thuộc Hội Quốc tế chống xâm lược. Báo cáo gồm các phần:

I- Nguyên nhân tổ chức: Mở đầu báo cáo, Người viết: “Trong lịch sử 80 năm mất nước đau khổ và đen tối, chúng ta đã không ngừng làm rạng rỡ ngọn cờ nghĩa cứu nước vẻ vang”. Điều này được thể hiện qua các cuộc khởi nghĩa từ sau năm 1862 đến năm 1941. Để giành thắng lợi “chúng ta lại càng cần toàn dân nhất trí, càng cần sự giúp đỡ của bên ngoài”. Do đó, “Phân hội Việt Nam chính là một đoàn thể ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu đó của thời đại”.

II- Hệ thống tổ chức: Gồm có hai loại hội viên: “hội viên cá nhân” và “hội viên đoàn thể”. Việc tập hợp các cá nhân, tổ chức, đảng phái “xem chừng như rất phức tạp, rất mâu thuẫn, khó tránh khỏi va chạm và xung đột, nhưng trên thực tế thì rất đơn giản” vì đã xác định mục tiêu đấu tranh chung và tuân thủ một số quy định chung.

III- Cách lãnh đạo: Mọi người đều cùng nhau bàn bạc và “phân công nhau mà làm”, “tuân thủ những nguyên tắc” và “tuỳ cơ ứng biến”.

IV- Cách tuyên truyền: Bằng nhiều cách: tuyên truyền bằng miệng, tuyên truyền bằng văn tự và tuyên truyền bằng hành động. “Cương lĩnh tuyên truyền phải hết sức giản đơn, ai ai cũng hiểu được, nhớ được. Đoàn kết, đánh địch, cứu nước, chỉ sáu chữ ấy thôi là đủ rồi".

V- Cách huấn luyện: Theo “một chương trình học tập” đã định, biên soạn bài giảng, “phải hoàn toàn căn cứ vào yêu cầu của học viên”.

VI- Tài chính của hội: Do hội viên đóng góp theo nguyên tắc “có tiền góp tiền”, “có sức góp sức”.

VII- Công tác của hội: Trong thời gian qua có thành công và thất bại: thành công là do đoàn kết và hoạt động tích cực của cán bộ, hội viên; thất bại về hoạt động khó khăn, thiếu kinh nghiệm, giao thông liên lạc không thuận lợi, thiếu sự tuyên truyền đối ngoại.

VIII- Mấy vấn đề khó khăn: Ỷ lại vào đoàn thể, chưa giải quyết các thắc mắc của hội viên về “bao giờ thì đánh” (địch), bao giờ có sự giúp đỡ ở ngoài (Trung Quốc).

IX- Hy vọng của chúng tôi: Chấn chỉnh tổ chức, đoàn kết thực sự các lực lượng cách mạng, tranh thủ sự giúp đỡ ở ngoài giúp cho “sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ sớm thành công”.

Cũng tại Đại hội này, Hồ Chí Minh còn trình bày Báo cáo về tình hình các đảng phái trong nước. Người nói: Ở Việt Nam có nhiều đảng phái và đoàn thể chính trị không đảng phái. Các tổ chức này đều liên hiệp với nhau trong một mặt trận cứu quốc, tức Phân hội Việt Nam của Hội Quốc tế chống xâm lược. Trong những chính đảng đó, “nổi bật nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam”. Nhiệm vụ của các đảng là phải “mở rộng khối đoàn kết đến toàn dân để đạt tới mục đích: Bên trong có lực lượng của mình, bên ngoài tranh thủ được sự giúp đỡ của các nước Đồng minh, trước hết là của Trung Quốc, đặng hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc".

Người đặt vấn đề “Người Việt Nam có sợ cộng sản không?” và tự trả lời “Không” vì ở Việt Nam “không có một nhà băng nào là của người Việt Nam, không có một người Việt Nam nào là nhà tư bản lớn”; người có học thức cũng không sợ cộng sản vì “tư tưởng cộng sản truyền bá khắp thế giới. Đó là trào lưu tư tưởng của thời đại, sợ nó thì thật không đúng”.

Bây giờ, “cần nêu khẩu hiệu “Đoàn kết các đảng phái”, vì điều này đã trở thành hiện thực, mà cần phải mở rộng khối đoàn kết đến toàn dân để đạt tới mục đích... hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

Đại hội đã thông qua hai nghị quyết và bầu lại Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra mới. Hồ Chí Minh và Lê Tùng Sơn được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành.

- Tài liệu chữ Hán, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 451-461, 462-465.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Sao Mới, bản tiếng Việt, tháng 8-1990, tr. 185.

Tháng 3, ngay sau Đại hội

Hồ Chí Minh đến dự tiệc chiêu đãi của Trương Phát Khuê nhân kết thúc Đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng hải ngoại của Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Sau đó, Người giao cho Lê Tùng Sơn trích 5.000 đồng trong số 10.000 đồng (tiền Trung Quốc lúc đó) của hai người (Hồ Chí Minh và Lê Tùng Sơn) do Trương Phát Khuê tặng (mỗi đại biểu 5.000 đồng) đem gửi biếu các sĩ quan và binh lính Trung Quốc đang chiến đấu ngoài mặt trận.

- Lê Tùng Sơn: Bác Hồ ở Trung Quốc. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số tháng 3-1977.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Sao Mới, bản tiếng Việt, tháng 8-1990, tr.185-186.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 103.

Tháng 5

Quyển Chiến thuật du kích (Cách đánh du kích) do Nguyễn Ái Quốc biên soạn được Việt Minh xuất bản.

Sách gồm 13 chương: Du kích là gì; Tổ chức đội du kích; Nguyên tắc của cách đánh du kích; Cách tiến công, tập kích; Phục kích; Cách phòng ngự; Cách đánh đuổi giặc; Cách rút lui; Phá hoại; Thông tin và liên lạc; Hành quân; Đóng quân; Căn cứ địa.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 467-504.

Khoảng tháng 7

Hồ Chí Minh tới Nam Ninh nói chuyện thời sự cho một số học viên do Việt Minh gửi sang học Trường Quân chính Liễu Châu2). Người phân tích tình hình chiến tranh thế giới, những thuận lợi của phong trào giải phóng dân tộc đang tới và kêu gọi họ cố gắng học tập thành tài để về nước phục vụ cách mạng.

- Hoàng Mỹ Đức: Hai lần gặp Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 273-277.

Tháng 8, ngày 9

Hồ Chí Minh được Tướng Trương Phát Khuê trả lại tự do và cho phép trở về Việt Nam3) cùng với 18 thanh niên do Người chọn4).

Trước khi rời Liễu Châu, Người nói với Tướng Trương: “Tôi là một người cộng sản, nhưng điều mà tôi quan tâm hiện nay là độc lập và tự do của nước Việt Nam, chứ không phải là chủ nghĩa cộng sản. Tôi có một lời bảo đảm đặc biệt đối với ông rằng: chủ nghĩa cộng sản sẽ chưa được thực hiện ở Việt Nam trong vòng 50 năm tới”5).

Người cám ơn sự giúp đỡ của Tướng Tiêu Văn và nói: “Những gì mà tôi đã nói với ông (về Việt Nam và phong trào cách mạng Việt Nam) là sự thật 99%. Chỉ có 1% tôi chưa nói với ông mà thôi”6).

- Dẫn theo King C. Chen: Vietnam and China 1938-1954, Princeton University, Press Princeton, New York, 1969, p. 77, 82.

Tháng 8

Hồ Chí Minh về đến Long Châu, trú chân tại “Việt Nam dân tộc giải phóng đồng minh hội đệ nhất biện sự xứ” (Văn phòng 1, Hội đồng minh giải phóng dân tộc Việt Nam) đặt tại Đức Hưng Xa y điếm, số 82, đường Đông Quan ngoại thị trấn Long Châu. Người ở lại đây mấy hôm.

- Tài liệu chữ Hán, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

- Thư Hồ Đức Thành gửi Nông Kỳ Chấn, nguyên Phó chủ tịch huyện Long Châu, Quảng Tây. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 104-105.

Tháng 8

Tại Long Châu, Hồ Chí Minh gặp lại Tăng Thiên Tiết7) và được Tăng Thiên Tiết giúp đỡ ký giấy cho về Việt Nam.

- Tăng Thiên Tiết: Những mẩu hồi ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 105.

Tháng 9, đầu tháng

Hồ Chí Minh đến khu Hạ Đống8) (huyện Long Châu), tiếp giáp với Việt Nam, trú chân trong trường tiểu học của khu. Lúc này, Người và những người cùng đi đều đang mặc quân phục Quốc dân Đảng. Người đến xóm Nà Tạo tìm Nông Kỳ Chấn9), nhờ lo giúp quần áo để thay. Rời Hạ Đống, Người gửi lại một tấm chăn quân dụng và một số sách vở giấy tờ, nhờ Nông Kỳ Chấn giữ hộ.

- Nông Kỳ Chấn: Tình hình hoạt động của các đồng chí Việt Nam ở Long Châu. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 105.

Tháng 9, đầu tháng

Rời khu Hạ Đống, Hồ Chí Minh và những người cùng đi đến Thuỷ Khẩu Quan, giáp biên giới. Bị lính canh ải của Quốc dân Đảng Trung Quốc khám xét và làm khó dễ, Người gọi điện cho Phòng đốc sát quân cảnh Long Châu, nhờ Tăng Thiên Tiết can thiệp và đã được phép đi qua.

- Tăng Thiên Tiết: Những mẩu hồi ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984, tr. 106.

Tháng 9, cuối tháng

Hồ Chí Minh trở về Pác Bó (Cao Bằng). Sau khi nghe báo cáo về việc Liên uỷ Cao - Bắc - Lạng quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương, Người chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa để tránh những khó khăn tổn thất khi việc chuẩn bị ở các nơi chưa đầy đủ10).

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 474.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 122-124.

Tháng 10

Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào toàn quốc. Người phân tích tình hình và nhiệm vụ cấp bách của cách mạng Việt Nam và cho rằng: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”.

Muốn vậy cần phải có một “Toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra", "phải có một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 505-506.

Tháng 10, cuối tháng

Hồ Chí Minh đến Pác Bó kiểm tra Đại đội tự vệ vũ trang chiến đấu Hồng Phong11). Người nói: “Hiện nay, đế quốc Pháp và phát xít Nhật ở Đông Dương, khác gì hai con gà trống nhốt trong chuồng. Trước sau chúng cũng chọi nhau. Tất cả hai con bị thương nặng, có con què. Lúc đó ta bắt mới dễ! Làm cách mệnh phải biết dựa vào thời cơ, và phải nhìn chung phong trào mọi nơi mọi chốn, mới chắc thắng!... Việc lớn nhất hiện nay là phải củng cố lại phong trào cách mệnh các địa phương cho vững chắc, chống khủng bố. Chúng ta huấn luyện vài buổi nữa, rồi chia tay nhau đi các địa phương”.

- Dương Đại Long: Từ chân nương bên suối Lênin hôm ấy, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 112.

Tháng 12, khoảng đầu tháng

Hồ Chí Minh triệu tập Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh đến Pác Bó. Người nghe Vũ Anh báo cáo về tình hình phong trào cách mạng trong ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng và chủ trương phát động chiến tranh du kích của Liên tỉnh uỷ. Người chỉ định Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công tác thành lập lực lượng vũ trang tập trung.

Đêm ấy, ba người cùng ngủ trong một căn lều lạnh giá, không đèn đóm, mỗi người gối trên một khúc gỗ cứng, trò chuyện đến hai, ba giờ sáng.

Chiều hôm sau, Người gặp Võ Nguyên Giáp và Lê Quảng Ba, thông qua kế hoạch thành lập Đội. Người thêm hai chữ “Tuyên truyền” vào tên Đội Việt Nam giải phóng quân.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 129-135.

Tháng 12, đầu tháng

Hồ Chí Minh tiễn chân Võ Nguyên Giáp trở về tổng Hoàng Hoa Thám để xúc tiến thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Người căn dặn: “Nhớ bí mật: ta ở đông, địch tưởng ta ở tây. Lai vô ảnh, khứ vô tung”.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 126-127.

Tháng 12, khoảng giữa tháng

Nguyễn Ái Quốc gửi một bức thư nhỏ (được đặt trong bao thuốc lá) cho Võ Nguyên Giáp. Đó là Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nội dung chỉ thị gồm ba vấn đề chủ yếu:

1. Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. “Đội” có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên. Nguyên tắc tổ chức lực lượng là “sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực".

2. Đối với các đội vũ trang địa phương: tập trung huấn luyện các cán bộ địa phương rồi đưa về huấn luyện ở các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.

3. Về chiến thuật: “vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”.

Người khẳng định: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam".12)

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 507-508.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 131-132.

Khoảng cuối năm

Hồ Chí Minh ghi bài thơ Tặng cháu Nông Thị Trưng, trên trang đầu quyển vở Người biên dịch tác phẩm Phép dùng binh của ông Tôn Tử:

“Vở này ta tặng cháu yêu ta,

Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là.

Mong cháu ra công mà học tập,

Mai sau cháu giúp nước non nhà”.

- Hồ Chí Minh: Thơ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr. 47.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 509.

_______________________________

1) Diệp Thuỵ Đình: nguyên là phó quan lớp huấn luyện đặc biệt, kiêm tổ trưởng quản lý của Đệ tứ chiến khu, lúc đó được mời làm Uỷ viên quân sự đặc biệt của Việt Nam cách mạng đồng minh hội (B.T).

a) Tại Hội nghị trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc của Việt Nam cách mạng đồng minh hội do Trương Phát Khuê triệu tập, Hồ Chí Minh nêu rõ: Thành phần Đại hội, ngoài Ban Chấp hành Việt Nam cách mạng đồng minh hội, đại biểu Quốc dân Đảng (Việt Nam) và Đảng Đại Việt ra, nên có đại biểu của Việt Minh và các tổ chức khác ở trong nước như Hội Phật giáo, Hội truyền bá chữ quốc ngữ, Hội Ánh sáng...

Nhưng khi thảo luận, một số người không đồng ý cho các tổ chức thuộc Việt Minh cử đại biểu tham dự. Về thời gian đại hội, Hội nghị trù bị cũng không nhất trí được.

Hồ Chí Minh bàn với các thành viên Việt Minh nêu ý kiến đổi tên Đại hội đại biểu toàn quốc thành Đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng hải ngoại. Ý kiến này được giao cho Lê Tùng Sơn báo cáo với Trương Phát Khuê. Trương Phát Khuê đồng ý và uỷ thác cho Hồ Chí Minh khởi thảo kế hoạch triệu tập Đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở hải ngoại.

Kế hoạch được thảo rất nhanh, trong đó Hồ Chí Minh đề nghị thành phần đại hội gồm: các uỷ viên chấp hành của Việt Nam cách mạng đồng minh hội, đại biểu “lớp huấn luyện đặc biệt” ở Đại Kiều, đại biểu người Việt trong biệt động quân Nam Ninh, đại biểu “Hội giải phóng” ở Vân Nam, đại biểu Việt Nam phục quốc quân, đại biểu Đảng Đại Việt và đại biểu Phân hội Việt Nam Hiệp hội quốc tế chống xâm lược, v.v.. Kế hoạch cũng đề ra cách bầu lại Ban Chấp hành Việt Nam cách mạng đồng minh hội và một số điểm về việc quá độ từ Đại hội đại biểu hải ngoại đến Đại hội đại biểu toàn quốc. Trong một buổi tiệc trà do Trương Phát Khuê mời các đại biểu Hội nghị trù bị tham dự, kế hoạch do Hồ Chí Minh thảo ra được Trương giới thiệu và khẳng định trước mọi người. Phái phản đối cũng đành phải nghe theo.

Cuối tháng 3-1944, Đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng Hải ngoại được tổ chức tại Bộ Tư lệnh Đệ tứ chiến khu. Tham gia đại hội này có Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Trương Trung Phụng, Trần Báo, Nông Kính Du, Bồ Xuân Luật, Trần Đình Xuyên, Lê Tùng Sơn, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Thanh Đồng, Hồ Đức Thành, Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng. Họ thay mặt cho Ban Chấp hành của Việt Nam cách mạng đồng minh hội (7 đại biểu), Hội giải phóng Việt Nam ở Côn Minh (1 đại biểu), Liên đoàn giải phóng Việt Nam ở Long Châu (1 đại biểu), Đảng Đại Việt (1 đại biểu), các thành viên Phân hội đặc biệt ở Nam Ninh (1 đại biểu) và Phân hội Việt Nam Hiệp hội quốc tế chống xâm lược (1 đại biểu). Đã nổ ra những cuộc tranh luận giữa các đại biểu quốc gia và đại biểu cộng sản. Về Việt Nam cách mạng đồng minh hội, Trần Dân Tiên viết: “Trong nhà tù Quốc dân Đảng Trung Quốc, Cụ Hồ được biết ở Liễu Châu có tổ chức Việt Nam cách mạng đồng minh hội... Cụ được biết rằng mình bị cầm tù lâu hơn nữa vì người ta nghi Cụ sang Trung Quốc để phá tổ chức đó.

Cách mạng đồng minh hội có hai lãnh tụ: Trương Bội Công và Nguyễn Hải Thần, cả hai đều đã ở Trung Quốc 40 năm nay. Trương Bội Công là quan năm, làm việc trong quân đội Quốc dân Đảng. Trước kia, Trương tránh liên lạc với những người đồng hương và không tham gia một phong trào cách mạng nào. Nguyễn Hải Thần gần 70 tuổi đã quên hết tiếng Việt Nam, sang Trung Quốc năm 1905 với cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan đã rời bỏ Nguyễn Hải Thần từ những ngày đầu. Từ đấy, Nguyễn Hải Thần làm nghề xem số tử vi để kiếm ăn. Nhờ nghề này, Nguyễn Hải Thần quen biết nhiều quan lại Trung Quốc. Cũng như Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần không hoạt động gì. Nhưng sau khi cụ Phan mất, Nguyễn Hải Thần tự nhận là người kế thừa của Cụ. Trương và Nguyễn tranh nhau làm lãnh tụ. Còn một “lãnh tụ” thứ ba: Trần Báo, một thanh niên phiêu lưu, lai lịch không rõ ràng. Trương Bội Công và Trần Báo ăn cánh với nhau. Cho nên họ mạnh hơn Nguyễn Hải Thần. Tổ chức này trông vào sự giúp đỡ của Quốc dân Đảng mà sống”.

Trần Dân Tiên còn cho biết thêm: “Chính trong nhà giam này (nhà giam quân sự của Liễu Châu), Cụ Hồ biết Nguyễn Tường Tam và những người bạn của ông ta. Nguyễn Tường Tam vốn là một nhà viết tiểu thuyết. Lúc Nhật vào Đông Dương, Tam và bạn hữu tổ chức ra một đảng gọi là “Đảng Đại Việt”, với khuynh hướng triệt để thân Nhật. Người Pháp ở Đông Dương sau khi được người Nhật vuốt ve, quay lại đối phó với các đảng viên “Đại Việt”. Nhật bèn bí mật đưa Tam sang Trung Quốc, âm mưu lật đổ Trương Bội Công, người lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Tam và bè bạn bị bỏ tù, sau đó cũng bị giam như Cụ Hồ, ở cùng một chỗ.

Còn có những người khác muốn tranh quyền lãnh đạo Việt Nam cách mạng đồng minh hội, đó là Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ. Hai người này là lãnh tụ “Quốc dân Đảng”. Nhưng Đảng Quốc dân này, là đảng tổ chức ở Côn Minh, chứ không phải Quốc dân Đảng anh dũng đã tổ chức cuộc bạo động Yên Bái. Vì không tranh được quyền lãnh đạo ấy nên các vị này bèn rời Liễu Châu trở về Vân Nam.

Chẳng bao lâu sau khi Cụ Hồ gặp Nguyễn Tường Tam, Việt Nam cách mạng đồng minh hội họp Đại hội đại biểu ở Liễu Châu. Tất cả các chính đảng Việt Nam ở Trung Quốc và Việt Nam đều được mời. Nguyễn Tường Tam đại diện “Đảng Đại Việt”, Cụ Hồ đại diện Việt Minh. Bốn năm đảng khác ở Trung Quốc đều cử đại diện đến dự. Tổng cộng có khoảng hai chục đại biểu. Trương Bội Công giữ chức Chủ tịch, chủ trì lễ khai mạc Đại hội, Nguyễn Hải Thần từ chối dự Đại hội.

Trước khi Đại hội bế mạc, Cụ Hồ được bầu làm Uỷ viên dự khuyết của Ban Chấp hành. Nguyễn Hải Thần được bầu làm Uỷ viên Ban giám sát Trung ương, chứ không phải Uỷ viên Ban Chấp hành, điều này càng khiến ông ta tức giận. Nguyễn Tường Tam thì không được bầu, vì thế Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam kết thành một nhóm”.

(Đoạn trích dẫn thứ hai trên đây không có trong bản dịch tiếng Việt cuốn sách của Trần Dân Tiên mà có trong một bản dịch Trung văn, tiêu đề chữ Hán là Hồ Chí Minh truyện, người dịch là Trương Niệm Thức, do Bát Nguyệt xuất bản xã ấn hành tại Thượng Hải, tháng 6-1949. Chúng tôi dịch lại để bạn đọc tham khảo).

Thành phần đảng phái của các Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra của Việt Nam cách mạng đồng minh hội được bầu tháng 3-1944 như sau:

Vũ Hồng Khanh

Việt Nam Quốc dân Đảng

Nghiêm Kế Tổ

Việt Nam Quốc dân Đảng

Trương Trung Phụng

Việt Nam cách mạng đồng minh hội

Trần Báo

Việt Nam Quốc dân Đảng, đảng độc lập

Trương Bội Công

Quân nhân

Nguyễn Hải Thần

Nhà cách mạng già

Bồ Xuân Luật

Phục quốc

Trần Đình Xuyên

Phục quốc

Nông Kính Du

Phục quốc

Lê Tùng Sơn

Đảng Cộng sản Đông Dương

Hồ Chí Minh

Đảng Cộng sản Đông Dương

(Theo Báo cáo về Việt Nam của Hsing Shen-Chou tháng 4-1944, in trong Việt Nam văn kiện hội biên. Dẫn theo King C. Chen: Vietnam and China 1938-1954, Princeton University, Press Princeton, New York, 1969, p. 69) (B.T).

2) Đồng chí Hoàng Văn Thái, người lãnh đạo nhóm học sinh quân cách mạng Việt Nam trong trường bố trí cuộc họp mặt này (B.T).

3) Theo Tướng Trương Phát Khuê trong báo cáo ngày 9-8-1944 (Việt Nam văn kiện hội biên) và trong cuộc toạ đàm với King C. Chen thì Hồ Chí Minh được cấp một giấy phép đi đường, Giấy chứng minh thư do Tướng Trương ký, một bản đồ quân sự, tài liệu tuyên truyền, thuốc phòng bệnh và 76.000 đồng quan kim để đi đường và làm kinh phí huấn luyện (B.T).

4) 18 thanh niên đó là: Dương Văn Lộc, Vi Văn Tôn, Hoàng Quang Trao, Hoàng Kim Liên, Phạm Văn Minh, Hoàng Sĩ Vịnh, Nông Văn Mưu, Hoàng Gia Tiến, Trương Hữu Chi, Lê Nguyên, Hoàng Nhân, Nông Kim Thanh, Hoàng Thanh Thuỷ, Hà Hiền Minh, Lê Văn Tiến, Dương Văn Lễ, Đỗ Trọng Viên, Đỗ Lạc (B.T).

5) Hồi ký của Trương Phát Khuê, Tuần báo Liên hợp tạp chí, Hồng Kông, 1962 (B.T).

6) Liu San: When President Ho Chi Minh was in South China, Wen hui pao (Văn hối báo), Hồng Kông, ngày 7-9-1953 (B.T).

7) Tăng Thiên Tiết, nguyên Chủ nhiệm lớp huấn luyện đặc biệt của Đệ tứ chiến khu tại khu Đại Kiều (Liễu Châu), được chuyển đến Long Châu từ nửa đầu năm 1944, giữ chức Phó chủ nhiệm Sở chỉ huy Tĩnh Tây, kiêm Chủ nhiệm Phòng đốc sát quân cảnh Long Châu. Tăng Thiên Tiết đã cấp cho Hồ Chí Minh một giấy thông hành, đóng dấu Phòng đốc sát quân cảnh Long Châu (B.T).

8) Khu Hạ Đống là các xóm Nà Tạo, Na Thành, Bản Cát, nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ và một số đồng chí khác từng nương náu để hoạt động cách mạng khi cơ sở bí mật của Đảng Cộng sản Đông Dương ở huyện lỵ Long Châu bị lộ (B.T).

9) Nông Kỳ Chấn là cốt cán Nông hội do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, từng giúp đồng chí Hoàng Văn Thụ và một số đồng chí khác, sau ngày Trung Quốc giải phóng là Phó chủ tịch huyện Long Châu (B.T).

10) Liên tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng triệu tập Hội nghị cán bộ, đi đến quyết định khởi nghĩa nói trên. Ngày 20-9-1944, Hồ Chí Minh về nước, Người chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa vì chưa có thời cơ (B.T).

11) Châu Hồng Phong là tên bí mật của châu Hà Quảng (B.T).

12) Thực hiện chỉ thị của Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22-12-1944.

Đội gồm 34 đội viên, được thành lập tại khu rừng Sam Cao (còn gọi là Trần Hưng Đạo) thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân biên chế thành một trung đội (chia làm ba tiểu đội). Lực lượng rút từ các đội vũ trang các châu Hà Quảng, Hoà An, Nguyên Bình. Lúc đầu vũ khí chỉ có: 2 mútcơtông, 3 súng săn, 1 môde, giáo mác (Theo Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1984, tr, 108). Song theo Võ Nguyên Giáp trong Từ Pác Bó đến Tân Trào, vũ khí có hai khẩu súng thập, 17 súng trường vừa giáp năm, giáp ba, vừa khai hậu và súng Trung Quốc chế tạo, 14 súng kíp. Sau đó Đội còn nhận được vũ khí do Việt kiều ở Côn Minh gửi về, gồm 1 tiểu liên Mỹ Sub, Machinegun và 150 viên đạn, 6 quả bom lửa, 1 hộp bom nổ chậm. Đội được nhận thêm 500 đồng để chi phí quân nhu.

Thực hiện lời căn dặn của Người: “Trận đầu phải thắng”, Đội đã liên tiếp lập hai chiến công oanh liệt: hạ đồn Phai Khắt ngày 25-12-1944 và đồn Nà Ngần ngày 26-12-1944 (B.T).

* Năm 1945

NĂM 1945

Đầu năm1)

Hồ Chí Minh tiếp Sao (Shaw) - viên trung uý phi công Mỹ được Việt Minh cứu thoát 2).

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 90-92.

Tháng 2

Sách Phép dùng binh của ông Tôn Tử do Hồ Chí Minh biên dịch được Việt Minh xuất bản. Mở đầu sách, Người giới thiệu "Ông Tôn Tử là một người quân sự có tiếng nhất ở Trung Quốc. Ông sinh hơn 2.000 năm trước..." và chỉ rõ “Nguyên tắc của Tôn Tử chẳng những dùng về quân sự đúng, mà dùng về chính trị cũng rất hay”, cần thiết cho công tác quân sự và chính trị của cán bộ. Sách gồm 13 chương:

Chương I- Kế hoạch: nêu những điều cần chú ý để “xét rõ tình hình ta với địch”, phải tranh thủ lòng dân, “kế hoạch khéo, lúc thực hành lại cần phải biết tuỳ ứng biến”.

Chương II- Phép chiến tranh: chỉ cách sử dụng “Năm lời dặn của ông Tôn Tử” để giành thắng lợi nhanh, “dùng binh chóng là khôn”, phải biết “lấy lương thực của địch mà dùng”.

Chương III- Đánh bằng mưu: khẳng định: “dùng binh giỏi nhất, là đánh bằng mưu” cho nên “biết sức ta, biết sức địch thì trăm trận đều thắng. Biết sức ta, mà không biết sức địch thì 1 thắng 1 bại. Không biết ta, không biết địch thì trận nào cũng thua”.

Chương IV- Quân hình: nhằm giúp cho tướng thấy được kẻ địch. “Người tướng giỏi thì luôn luôn giữ đạo đức, và luôn luôn chuẩn bị. Cho nên họ có thể định sự thắng, bại”.

Chương V- Thế của binh: chỉ rõ cách sử dụng phối hợp giữa chính binh (đánh trực tiếp) với kỳ binh (đánh gián tiếp) để giành thắng lợi.

Chương VI- Chỗ mạnh và chỗ yếu: là “chủ động đánh vào chỗ yếu và tránh chỗ mạnh của địch, thì thắng".

Chương VII- Quân tranh: là cách khéo léo trong đánh địch mà ít hao tổn, như phép “trị tâm”, phép “trị lực”, phép “trị biến” (trấn tĩnh chờ địch xôn xao mới đánh, chờ địch mệt nhọc, đói khát mới đánh, không chủ quan coi thường địch).

Chương VIII- Chín sự biến: chỉ những điều cần tránh khi đóng quân, đánh địch.

Chương IX- Phép hành quân: nêu cách chọn địa hình, địa thế tốt, thuận lợi, tránh những chỗ nguy hiểm, bất lợi để giành thắng lợi, không rơi vào âm mưu, quỷ kế của chúng. “Cho nên binh không cần nhiều lắm nếu biết hợp sức đồng lòng và xét rõ tình hình của địch, thì cũng thắng được”.

Chương X- Địa hình: để “Biết sức ta, biết sức địch, là phải biết dùng thiên thời địa lợi, thì mới thắng”.

Chương XI- Chín thứ đất: phải biết sử dụng mới thắng được.

Chương XII- Phép đánh bằng lửa: giới thiệu cách đánh bằng hoả công để tiêu diệt địch, song “dùng lửa phải theo thiên thời và địa lý”.

Chương XIII- Dùng trinh thám: để “do thám cho rõ tình hình của địch”.

- Theo tài liệu gốc của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 511-546.

Tháng 2

Hồ Chí Minh lên đường đi Côn Minh. Trung uý phi công Mỹ Sao được phép đi theo Người để trở về Bộ Tổng tư lệnh không quân Mỹ ở đó.

Sau năm ngày đi đường trên đất Trung Quốc, hai người chia tay nhau. Hồ Chí Minh tiếp tục đi bộ, còn Sao đi ngựa theo một hướng khác.

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 91-92.

Tháng 2, cuối tháng

Với giấy phép đi lại do Tướng Trương Phát Khuê cấp, Hồ Chí Minh trong bộ quân phục Trung Quốc, có hai người3) cùng đi, lại đi dọc tuyến đường mà Người đã đi năm 19404).

Người dừng lại ở Nghi Lương khoảng một tuần lễ. Ở đây, Người giảng giải cho bà con Việt kiều về tình hình cách mạng Việt Nam và kêu gọi họ trở về tham gia đấu tranh.

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 90.

- Hoàng Quang Bình: Ở Vân Nam, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 134-138.

Tháng 3, đầu tháng

Tại Côn Minh, nhân danh Việt Nam - lực lượng đã giải thoát cho Trung uý Sao, Hồ Chí Minh tiếp xúc với AGAS. Phía Mỹ cảm ơn Người và gửi Người thuốc men, tiền bạc để tặng thưởng cho những người Việt Nam đã có công cứu Sao, nhưng Người chỉ nhận thuốc, không nhận tiền.

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 92.

- Trần Dân Tiên: Hồ Chí Minh truyện. Bản dịch tiếng Hán của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949, tr. 128-129.

- Charles Fenn: Ho Chi Minh, a biographical introduction. Studio Vista, London, 1973, p. 76.

Tháng 3, khoảng đầu tháng

Trong khi chờ đợi tiếp xúc với Tướng Sênôn (Chennault), Hồ Chí Minh tranh thủ thời gian đến Cơ quan thông tin chiến tranh Mỹ (AOWI) (American of War Information), đọc sách báo, thu thập những thông tin cần thiết, đặc biệt là những tin chiến sự thế giới. Tại đây, Người đã đọc nhiều tài liệu khác nhau, từ tờ Times đến Bách khoa toàn thư Mỹ.

- Charles Fenn: Ho Chi Minh, a biographical introduction. Studio Vista, London, 1973, p. 76.

Tháng 3, ngày 17

Buổi chiều, Hồ Chí Minh gặp Sáclơ Phen (Charles Fenn), Trung uý Mỹ trong OSS5). Hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp6).

- Charles Fenn: Ho Chi Minh, a biographical introduction. Studio Vista, London, 1973, p. 76.

Tháng 3, ngày 20

Hồ Chí Minh gặp Sáclơ Phen lần thứ hai7) tại quán cà phê Đông Dương ở phố Kim Bích. Hai bên thoả thuận về phương thức hợp tác. Phía Sáclơ Phen nhận cung cấp các phương tiện thông tin liên lạc, người sử dụng các phương tiện ấy và huấn luyện cho người Việt Nam sử dụng chúng. Phía Việt Minh đồng ý cung cấp địa bàn hoạt động.

Theo yêu cầu của Người, Sáclơ Phen nhận lời sẽ thu xếp cuộc gặp gỡ với Tướng Sênôn.

- Trần Dân Tiên: Hồ Chí Minh truyện. Bản dịch tiếng Hán của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949, tr. 130.

- Charles Fenn: Ho Chi Minh, a biographical introduction. Studio Vista, London, 1973, p. 77.

Tháng 3, ngày 23

Tại một căn phòng thuê của một cửa hiệu8) ở Côn Minh, Hồ Chí Minh tiếp Sáclơ Phen và Ph. Tam9).

- Charles Fenn: Ho Chi Minh, a biographical introduction. Studio Vista, London, 1973, p. 78.

Tháng 3, ngày 29

11 giờ, Hồ Chí Minh gặp Tướng Sênôn, Tư lệnh không đoàn số 14 của Mỹ ở Hoa Nam10), có Sáclơ Phen và Bécna (Bernard) cùng dự.

Tướng Sênôn cảm ơn Việt Minh đã cứu thoát phi công Mỹ và hỏi Việt Minh có sẵn lòng cứu giúp những phi công Đồng minh rơi ở Đông Dương không? Hồ Chí Minh trả lời rằng bổn phận của những người chống phát xít là làm tất cả những việc gì có thể làm được để giúp đỡ Đồng minh11). Sau đó, Hồ Chí Minh đề nghị với Tướng Sênôn: "Tôi muốn có một tấm ảnh của Ngài, kèm theo chữ ký".

Sênôn đã tặng Người một tấm ảnh của mình với dòng chữ: “Bạn chân thành của ông, Claire L. Chennault".

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 92.

- Trần Dân Tiên: Hồ Chí Minh truyện. Bản dịch tiếng Hán của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949, tr. 130.

- Charles Fenn: Ho Chi Minh, a biographical introduction. Studio Vista, London, 1973, p. 78-79.

- Tạp chí Lịch sử quân sự, số 164, tháng 8-2005, tr. 90.

Tháng 4

Sau khi tiếp xúc với Tướng Sênôn và OSS, Hồ Chí Minh đáp máy bay đi Bách Sắc12) (Quảng Tây) gặp Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Tại Bách Sắc, Người gặp lại Tướng Trương Phát Khuê13).

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 92.

- Trần Dân Tiên: Hồ Chí Minh truyện. Bản dịch tiếng Hán của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949, tr. 130.

- King C. Chen: Vietnam and China 1938-1954. Princeton University, Press Princeton, New York, 1969, p. 94.

Tháng 4, trước ngày 12

Tại Bách Sắc, Hồ Chí Minh tìm cách chấn chỉnh lại tổ chức Việt Nam cách mạng đồng minh hội.

Người dự định tổ chức một cuộc đại hội mới, có thêm năm đại biểu Việt Minh ở Đông Hưng tới, trong số này có Hoàng Quốc Việt, Đặng Việt Châu và Dương Đức Hiền.

Đại hội này không thành vì các đảng phái khác không dự.

- King C. Chen: Vietnam and China 1938-1954. Princeton University, Press Princeton, New York, 1969, p. 95.

Tháng 4, ngày 15

Hồ Chí Minh chọn 20 thanh niên14) mang theo giấy thông hành đến để hộ tống Ph.Tam và Mácxin vượt biên giới về Việt Nam.

- Charles Fenn: Ho Chi Minh, a biographical introduction. Studio Vista, London, 1973, p. 79.

Tháng 4, cuối tháng15)

Một buổi chiều tối, Hồ Chí Minh được bố trí gặp A. Pátti tại một quán trà trong làng Chiu-Chou Chieh, cách Tĩnh Tây khoảng 10 km. Cùng dự có Lê Tùng Sơn.

Người đã nói cho A. Pátti biết về tình hình nạn đói ở Việt Nam, về quan điểm của Pháp, Trung Quốc, Anh với vấn đề Việt Nam và Việt Minh sẵn sàng hợp tác với người Mỹ khi nào người Mỹ thấy thích hợp. Người còn thông báo về việc chuẩn bị cho một chính phủ Việt Nam dân chủ độc lập.

Khi được hỏi về những nơi đóng quân của Bộ Chỉ huy Việt Minh và những chi tiết về tổ chức này, Người trả lời: “Việt Minh không phải là một đơn vị mà là một bộ phận của nhân dân Việt Nam, là những tổ chức của công nhân, nông dân hoạt động tại các địa phương và có thể liên lạc được từ Sài Gòn đến Cao Bằng”.

Cuộc trao đổi kéo dài tới quá nửa đêm mới kết thúc.

- L. A. Patti: Why Vietnam? Trường đại học California xuất bản, Berkeley, Los Angeles, London, 1980, p. 583.

Tháng 4, cuối tháng

Hồ Chí Minh về nước.

- Charles Fenn: Ho Chi Minh, a biographical introduction. Studio Vista, London, 1973, p. 79.

Tháng 4, cuối tháng

Hồ Chí Minh viết cho Sáclơ Phen lá thư đầu tiên. Trong thư, Người phàn nàn là OSS đã gửi tới những người bây giờ đã hợp tác với người Pháp thân Visi (Vichy), những người chống Việt Nam hơn là chống Nhật. Và Người đặt câu hỏi: Vậy chính sách của Mỹ thực sự là gì vậy?

Cũng trong thư này, Người đề nghị cho gửi một số thanh niên sang để được huấn luyện sử dụng điện đài.

- Charles Fenn: Ho Chi Minh, a biographical introduction. Studio Vista, London, 1973, p. 80.

Tháng 4, cuối tháng

Hồ Chí Minh trong bộ quần áo chàm người Nùng, tay chống gậy, cùng một đồng chí trẻ16) đến chiếc lán ở hang Pác Tẻng (chân núi đá Lam Sơn) của gia đình Hoàng Đức Triều (An Định). Người được giới thiệu với gia đình là “đồng chí ông Ké”.

- Hoàng Đức Triều: Bác lại về Lam Sơn, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 258-261.

Tháng 4, cuối tháng

Hồ Chí Minh (bí danh ông Ké) thường họp với Hoàng Quốc Việt, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Đặng Viết Châu, Dương Đức Hiền... trong một ngôi nhà vắng chủ17) rộng rãi gần chân núi đá.

Có hôm họp trên những mỏm đá mọc ở đầu nguồn Pác Ngườm.

Có lần các đồng chí còn lấy mảnh vải ra đo và bàn về tỷ lệ chiều dài, chiều rộng của lá cờ đỏ sao vàng năm cánh.

- Hoàng Đức Triều: Bác lại về Lam Sơn, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr.262-263.

Tháng 5, một ngày đầu tháng

Hồ Chí Minh đàm đạo về thơ với Hoàng Đức Triều.

Nghe bài thơ Vịnh Cao Bằng của đồng chí, Người gật đầu:

- Được, bài thơ có cái tự hào và chí khí anh hùng! Nếu bớt được điển tích, lời văn trong sáng hơn nữa, sẽ có sức mạnh hơn.

Nghe bản dịch một bài thơ chữ Hán đề trên vách đá chùa Kỳ Sầm, Người hỏi về nguyên tác và nói:

- Quân Nùng vương thật là mất cảnh giác quá nhỉ! Làm việc quân mà mất cảnh giác, không thể thành công được. Bài thơ này nhiều điển tích phải giảng giải quá!...

- Hoàng Đức Triều: Bác lại về Lam Sơn, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 265-266.

Tháng 5, đầu tháng

Hồ Chí Minh gửi cho A. Pátti một bức thư cùng với hai tài liệu khác đề nghị chuyển cho phái đoàn Mỹ ở Hội nghị Liên hợp quốc20, kêu gọi ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Hai tài liệu này được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh và ký “Đảng quốc dân Đông Dương”.

Ít ngày sau, Người lại gửi một tài liệu thứ hai, kèm theo một mảnh giấy nhỏ viết bằng tiếng Anh hỏi A. Pátti xem các văn kiện trên đã gửi đi Xan Phranxítxcô chưa?

- L. A. Patti: Why Vietnam? Trường đại học California xuất bản, Berkeley, Los Angeles, London, 1980, p. 102.

Tháng 5, ngày 4

Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc hành trình rời Pác Bó về Tân Trào.

Sáng: tại Khuổi Nậm, Hồ Chí Minh tập hợp tiểu đội tự vệ cùng với hai người bạn Đồng minh18), nói rõ ý nghĩa quan trọng của chuyến đi19) rồi trực tiếp phân công từng người, dặn dò cách giữ bí mật và cố gắng tránh đụng độ với địch để bảo toàn lực lượng.

Khoảng 9 giờ sáng, đoàn lên đường20). Hồ Chí Minh mặc bộ quần áo Nùng đã cũ, đội nón chóp quai thao, khăn che gần kín mặt, đeo chiếc túi dết nhỏ có hai nút buộc dây, tay chống gậy.

Trưa: Người nghỉ ăn trưa tại nhà Nông Hiền Hữu21) ở bản Thua Phia, rồi tiếp tục cuộc hành trình22).

Chiều tối: Người đến Đào Ngạn, nghỉ ở nhà đồng chí Nông Văn Giáo (bí danh Phục Việt) xóm Bản Nưa. Tại đây, Người yêu cầu đồng chí Quất tìm liên lạc để sáng hôm sau dẫn đoàn đi Lam Sơn23).

- Hồi ký của Lưu Minh Đức. Tài liệu đánh máy, lưu tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Cao Bằng.

- Điều tra, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu của Ban quản lý di tích Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng.

Tháng 5, ngày 5

Hồ Chí Minh rời Bản Nưa đi Lam Sơn24). Tại Lam Sơn, Người nghỉ chân ở trạm giao thông của Liên tỉnh uỷ25) và đến tối ngủ lại nhà một cơ sở quần chúng26).

- Hồi ký của Lưu Minh Đức. Tài liệu đánh máy, lưu tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Cao Bằng.

- Điều tra, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu của Ban quản lý di tích Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng.

Tháng 5, từ ngày 6 đến ngày 8

Hồ Chí Minh làm việc tại Lam Sơn.

Người họp với các cán bộ Trung ương27) và cán bộ của Liên tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng28) bàn một số công việc chuẩn bị khởi nghĩa.

- Hồi ký của Lưu Minh Đức. Tài liệu đánh máy, lưu tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Cao Bằng.

- Điều tra, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu của Ban quản lý di tích Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng.

Tháng 5, ngày 9

Sáng, Hồ Chí Minh rời Lam Sơn29). Đi theo Người có tiểu đội cận vệ đặc biệt do Đặng Văn Cáp phụ trách.

Trưa, Hồ Chí Minh đến xã Bình Dương, ăn trưa ở Thin Tăng.

Chiều, Người tiếp tục đi, gần tối đến bản Khuổi Lẩy30) (thuộc xã Thịnh Vượng, châu Nguyên Bình, nay là xã Bình Dương, huyện Hoà An).

Cùng ngày, Người viết một lá thư gửi Sáclơ Phen và Bécna. Thư viết bằng loại bút sắt trên giấy làm bằng rơm của Trung Quốc. Toàn văn như sau:

Ông Bécna và ông Phen thân mến!

Tôi hết lòng cảm ơn các ông về sự giúp đỡ của các ông cho các bạn chúng tôi.

Tôi mong muốn là các bạn của chúng tôi sẽ học được vô tuyến điện và những thứ cần thiết khác cho cuộc đấu tranh chung chống Nhật của chúng ta.

Tôi hy vọng một ngày gần đây nhất sẽ hân hạnh được đón tiếp các ông tại khu căn cứ của chúng tôi. Nếu được thế thì thật là tuyệt.

Cho phép tôi gửi lời chào kính trọng tới tướng Sênôn.

9-5-1945

Chân thành gửi tới các ông lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thân mến

HỒ

- Bút tích tiếng Anh, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồi ký của Lưu Minh Đức. Tài liệu đánh máy, lưu tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Cao Bằng.

- Điều tra, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu của Ban quản lý di tích Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng.

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 68.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 547.

Tháng 5, ngày 10

Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ tiếp tục cuộc hành trình hướng tới Ngân Sơn31), Người yêu cầu Đặng Văn Cáp trở lại Lam Sơn32) tiếp tục công việc chế tạo và sửa chữa vũ khí chuẩn bị khởi nghĩa.

- Hồi ký của Lưu Minh Đức. Tài liệu đánh máy, lưu tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Cao Bằng.

- Điều tra, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu của Ban quản lý di tích Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng.

- Đặng Văn Cáp: Con đường dẫn tôi đến với Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 68.

Tháng 5, ngày 11

Hồ Chí Minh tiếp tục cuộc hành trình.

Buổi sáng, khi qua bản Sành, Nà Y (xã Cốc Đán) gặp đúng lúc trời mưa tầm tã.

Buổi chiều, Người đến bản Hoàng Phài (xã Thượng An, huyện Ngân Sơn). Theo sự bố trí của đồng chí Mỹ Đức33), Người nghỉ chân tại một gia đình cơ sở tin cậy. Người sang thăm lớp bình dân đang học ở ngôi nhà đối diện. Được biết lớp này thuộc xã Minh Khai, Người kể cho lớp nghe về tiểu sử của người phụ nữ chiến sĩ cách mạng vẻ vang ấy.

Người ăn cơm tối tại nhà cơ sở rồi dự buổi gặp gỡ thân mật với các cán bộ và quần chúng địa phương. Người nói chuyện về tình hình cách mạng trong nước và thế giới.

- Điều tra, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu của Ban quản lý di tích Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng.

- Hoàng Mỹ Đức: Hai lần gặp Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 280-281.

Tháng 5, ngày 12

Hồ Chí Minh rời bản Hoàng Phài tiếp tục cuộc hành trình34).

Gần tối, Người đến Khuổi Mản và nghỉ đêm ở nhà Đàm Ngọc Hải.

- Điều tra, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu của Ban quản lý di tích Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng.

Tháng 5, ngày 13

Hồ Chí Minh tiếp tục đi theo hướng Chợ Rã35).

Dọc đường, Người vui vẻ kể chuyện cho mọi người quên mệt, chỉ dẫn cho các cán bộ trẻ chữa chân đau vì đi bộ nhiều.

Gần tối, Người đến Chợ Rã.

- Điều tra, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu của Ban quản lý di tích Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng.

- Lời kể của đồng chí Ma Quế Chân, cán bộ hưu trí, một trong những người có mặt trong buổi đón đoàn tại Chợ Rã.

Tháng 5, ngày 14

Hồ Chí Minh cùng đoàn tiếp tục cuộc hành trình36).

Trưa, Người dừng chân, nghỉ ăn cơm ở Pò Cót.

Gần tối, Người đến Bản Chán37).

- Điều tra, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu của Ban quản lý di tích Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng.

Tháng 5, ngày 15

Hồ Chí Minh cùng với đoàn tiếp tục cuộc hành trình38).

Chiều tối, Người đến Bản Cải (dân tộc Tày) thuộc xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, và nghỉ đêm tại đây39).

- Điều tra, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu của Ban quản lý di tích Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng.

Tháng 5, ngày 16

Hồ Chí Minh tiếp tục cuộc hành trình40).

Chiều tối, Người tới bản Rủm Tó41)., xã Ngọc Bằng (nay là xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn).

- Điều tra, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu của Ban quản lý di tích Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng.

Tháng 5, giữa tháng

Hồ Chí Minh gửi “Bản sách đen” và một tập ảnh chụp người dân Việt Nam trong nạn đói ở Bắc Kỳ cho Pátti và yêu cầu ông ta chuyển cho Đại sứ quán Mỹ ở Trùng Khánh để gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ.

- L. A. Patti: Why Vietnam? Trường đại học California xuất bản, Berkeley, Los Angeles, London, 1980, p. 86.

Tháng 5, khoảng giữa tháng

Hồ Chí Minh yêu cầu Trung uý Giôn (John), báo vụ của cơ quan OSS, điện về Côn Minh đề nghị thả dù cho Người một quyển Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ21.

- Robert Shaplen: The Enigma of Ho Chi Minh, Wesley R. Fichel, Illinois, 1958.

Tháng 5, ngày 17

Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ tiếp tục cuộc hành trình. Buổi chiều, Người tới Nà Kiến (xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn), gặp Võ Nguyên Giáp lên đón.

- Võ Nguyên Giáp: Từ Pác Bó đến Tân Trào, in trong cuốn Uống nước nhớ nguồn, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1973, tr. 52.

- Điều tra, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu của Ban quản lý di tích Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng.

Tháng 5, ngày 20

Hồ Chí Minh đến địa phận tỉnh Tuyên Quang.

Người dừng chân ăn trưa ở Pá Hóp (xã Lĩnh Phú, huyện Chiêm Hoá), sau đó đi tiếp qua bản Pài, bản Pình (xã Trung Minh, huyện Yên Sơn).

Tối, Người nghỉ lại ở bản Coóc (nay thuộc xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn).

- Điều tra, khảo cứu tại chỗ, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu của Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 5, ngày 21

Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ đến Hồng Thái42) (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Người nghỉ chân ở đình Hồng Thái.

Sau đó Người vượt sông Đáy đi Tân Trào43).

Khoảng 16 giờ, Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ đến Tân Trào.

Theo sự bố trí, Võ Nguyên Giáp đưa Hồ Chí Minh cùng Đinh Đại Toàn và hai người mang điện đài44) đi theo đến nhà Nguyễn Tiến Sự, ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).

Sau bữa cơm chiều, Võ Nguyên Giáp giới thiệu những người khách đặc biệt với gia đình Nguyễn Tiến Sự45) và dặn: “Người ngồi cạnh ông già là đồng chí Đại Toàn. Việc cần liên hệ với các đồng chí ở đây thì cứ trao đổi với Đại Toàn”.

Hai người phụ trách điện đài được bố trí làm việc ở một địa điểm có tán cây rậm rạp trong vườn nhà ông Sự. Hồ Chí Minh nhắc anh em nguỵ trang ăngten của máy vô tuyến điện cho kín đáo.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 185.

- Lương Thị Khanh: Những ngày đầu Bác ở Tân Trào, in trong cuốn Tân Trào 1945-1985. Hội Văn hoá nghệ thuật Hà Tuyên, 1985, tr. 175-182.

- Điều tra, khảo cứu tại chỗ, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu của Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 5, sau ngày 24

Hồ Chí Minh và Nguyễn Tiến Sự lên rừng tìm địa điểm làm nơi ở mới. Lần nào đi Người cũng mang theo la bàn và tổ vô tuyến điện. Đến địa điểm thứ ba, ở lưng chừng đồi nứa Nà Lừa, nơi gần con suối nhỏ, Người chọn làm nơi dựng lán46).

- Điều tra, khảo cứu tại chỗ, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu của Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 5, cuối tháng

Hồ Chí Minh chuyển từ nhà ông Nguyễn Tiến Sự đến lán Nà Lừa47).

- Song Hào: Bác ở Tân Trào, in trong cuốn Uống nước nhớ nguồn, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1973. tr. 143.

- Điều tra, khảo cứu tại chỗ, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu của Viện Hồ Chí Minh.

- Lương Thị Khanh: Những ngày đầu Bác ở Tân Trào, in trong cuốn Bác Hồ ở Tân Trào, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.151.

Tháng 5, cuối tháng

Hồ Chí Minh chỉ thị khẩn trương mở trường đào tạo cán bộ48)

- Hoàng Văn Thái: Lên đường vũ trang, in trong cuốn Tân Trào 1945-1985. Hội Văn hoá nghệ thuật Hà Tuyên, 1985, tr. 62.

Tháng 5, khoảng cuối tháng

Hồ Chí Minh phái một giao thông trao tận tay Pátti tại Côn Minh một thông báo về việc quân Nhật xây dựng công sự ở vùng Cao Bằng và trên đường về Hà Nội.

Người còn gửi kèm theo một mẩu giấy trên đó Người viết một câu tiếng Anh hỏi Pátti đã chuyển hộ hai văn kiện chính trị của Người đi Xan Phranxítxcô chưa?49).

- L. A. Patti: Why Vietnam? Trường đại học California xuất bản, Berkeley, Los Angeles, London, 1980, p. 102.

Cuối tháng 5, đầu tháng 6

Hồ Chí Minh đến thăm cán bộ học viên Trường Quân chính kháng Nhật tại Tân Trào. Người ân cần hỏi thăm tình hình sinh hoạt, học tập của học viên, tình hình làm ăn của đồng bào.

Anh em chỉ biết Người là một ông cụ người Nùng, nói sõi tiếng Kinh.

- Lời kể của Võ Nguyên Giáp, in trong cuốn Lịch sử Trường Sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn, Trường Sĩ quan lục quân I, Bộ Quốc phòng xuất bản, 1985, tr. 27.

Tháng 6, trước ngày 4

Hồ Chí Minh nghe báo cáo về những nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ ngày 15 tháng 4 và chỉ thị: “Nay vùng giải phóng ở miền ngược đã bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, địa thế nối liền với nhau, nên lập thành một khu căn cứ lấy tên là Khu giải phóng. Thống nhất các lực lượng vũ trang lại là rất đúng, nên đặt tên là Quân giải phóng”.

Người còn bàn với Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng làm bản dự thảo về việc thành lập Khu giải phóng và quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu50) để thống nhất lãnh đạo và triển khai công tác.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 186.

Tháng 6, đầu tháng

Tại thôn Tân Lập (Tân Trào), Hồ Chí Minh đi thăm nơi ăn ở của đơn vị Giải phóng quân. Thấy nền nếp thiếu trật tự, Người gặp đồng chí chỉ huy để góp ý kiến. Đồng chí chỉ huy nói: “Phê bình chúng tôi! Chuyện ấy đã có cấp trên của chúng tôi”b). Người ôn tồn nói: “Tôi là người dân, tôi có quyền phê bình, góp ý với bộ đội chứ!... Bộ đội cách mạng là bộ đội của dân cơ mà!”.

- Song Hào: Bác ở Tân Trào, in trong cuốn Uống nước nhớ nguồn, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1973. tr. 143-144.

Tháng 6, trong tuần lễ đầu tháng

Hồ Chí Minh điện cho Pátti, báo tin Người đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 1.000 quân du kích được huấn luyện tốt, tập trung ở Chợ Chu, Định Hoá.

- L. A. Patti: Why Vietnam? Trường đại học California xuất bản, Berkeley, Los Angeles, London, 1980, p. 125.

Tháng 6, ngày 9

Hồ Chí Minh viết thư cho Sáclơ Phen. Toàn văn bức thư như sau:

Ông Phen thân mến!

Ông T.51) và người giúp việc của ông ta52) vẫn mạnh khoẻ. Chúng tôi đã trở nên bạn bè thân thiết như anh em một nhà. Tôi hy vọng ông sẽ đến thăm chúng tôi một ngày gần nhất.

Ông làm ơn đưa bức thư này tới người bạn của tôi tên là Tống Minh Phương ở quán cà phê Đông Dương. Mười hoặc mười hai ngày sau đó họ sẽ trao cho ông một gói quà trong đó có lá cờ của Đồng minh. Tôi rất cảm ơn ông nếu ông gửi những thứ đó cho tôi bằng cách nhanh nhất.

Xin gửi ông và ông Bécna cùng các bạn những lời tốt đẹp nhất.

Chúc ông sức khoẻ và may mắn.

9-6-1945

Thân mến

HỒ

- Bút tích tiếng Anh, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Charles Fenn: Ho Chi Minh, a biographical introduction. Studio Vista, London, 1973, p. 80.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 548.

Tháng 6, giữa tháng

Hồ Chí Minh, qua một trong những đầu mối tiếp xúc giữa Người với Pátti, được biết rằng có một toán người Mỹ, do một sĩ quan cấp cao đứng đầu, sẽ được thả dù xuống Tuyên Quang và yêu cầu phía Việt Nam chuẩn bị.

- L. A. Patti: Why Vietnam? Trường đại học California xuất bản, Berkeley, Los Angeles, London, 1980, p. 126.

Tháng 6, khoảng giữa tháng

Hồ Chí Minh đến xóm Lũng Cò (thuộc xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương) khảo sát địa hình và tìm hiểu tình hình mọi mặt, chọn địa điểm làm sân bay53) để đón quân Đồng minh.

- Lời kể của đồng chí Lê Giản. Tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Tuyên.

- Điều tra, khảo cứu tại chỗ, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu của Viện Hồ Chí Minh.

- Báo cáo của Thiếu tá E. Tômát (Thomas), Đội trưởng Đội “Con Nai” gửi Thủ trưởng chi nhánh nghiên cứu chiến lược, Sở nghiên cứu chiến lược (OSS) tại Trung Quốc. Bản dịch lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 6, ngày 14 (5 tháng 5 âm lịch)

Vì bận việc nên Hồ Chí Minh không nhận lời mời của gia đình ông Nguyễn Tiến Sự đến ăn Tết Đoan ngọ.

Thấy mẹ con bà Sự mang quà lên biếu, có người khác trong làng bắt cả gà sống lên theo, Người rất trân trọng tấm lòng của đồng bào nhưng từ chối và nói:

"Tôi có phải là thầy cúng đâu mà ông mang gà sống lên. Ông mang về nhà đi".

- Lương Thị Khanh: Những ngày đầu Bác ở Tân Trào, in trong cuốn Bác Hồ ở Tân Trào, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.151.

Tháng 6, khoảng cuối tháng

Hồ Chí Minh đến thăm lớp báo vụ được tổ chức trên bờ một con suối, gần lán làm việc của Người tại Nà Lừa.

- Hồi ký và băng ghi âm của Lưu Minh Đức, lưu tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Cao Bằng và tại Bảo tàng Thông tin.

- Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc: Thông tin các lực lượng vũ trang trước Cách mạng Tháng Tám (bản đánh máy), 1978, tr. 73.

Tháng 6, cuối tháng

Nhận được báo cáo do giao thông hoả tốc chuyển đến đề nghị chuyển nơi ở vào sâu trong núi hơn vì quân Nhật huy động lực lượng lớn sắp đánh vào Tân Trào, Hồng Thái, Hồ Chí Minh chỉ thị:

“Địch không thể vào tới đây nếu ta quyết tâm chiến đấu và biết tổ chức cách đánh chặn chúng lại, mặc dầu lực lượng ta rất nhỏ. Không chuyển vị trí”.

- Song Hào: Bác ở Tân Trào, in trong cuốn Uống nước nhớ nguồn, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1973, tr. 147.

Tháng 6, ngày 30

Qua vô tuyến điện, Hồ Chí Minh trả lời Pátti rằng Người đồng ý tiếp nhận một toán người Mỹ và yêu cầu cho biết bao giờ thì người Mỹ có thể đến.

- L. A. Patti: Why Vietnam? Trường đại học California xuất bản, Berkeley, Los Angeles, London, 1980, p. 126.

Khoảng tháng 6, tháng 7

Ở gần Khu giải phóng, Hồ Chí Minh được báo cáo về những bức thư54) dụ dỗ và doạ nạt của phát xít Nhật gửi cán bộ Việt Minh.

Người chỉ thị cho các cấp Việt Minh “chỉ trả lời bọn Nhật bằng tiếng súng chứ không phải bằng lời nói”55).

Các bức thư của địch đều được đốt ngay sau khi đọc.

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 95-98.

- Trần Dân Tiên: Hồ Chí Minh truyện. Bản dịch tiếng Hán của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1969, tr. 137-139.

Tháng 7, đầu tháng

Hồ Chí Minh chỉ thị cho một số anh em trong cơ quan tạm lánh đi một nơi khác vì có tin một toán thổ phỉ, đặc vụ Tưởng đang tiến vào đèo Gie, dò la căn cứ của ta.

Trước khi lên đường, Người kiểm tra việc gói buộc tài liệu, bố trí hành quân, chuẩn bị vũ khí... và dặn dò mọi người phải hết sức giữ bí mật, không được để lại dấu vết gì.

- Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân vũ trang: Những ngày được gần Bác. Cục chính trị Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang xuất bản, 1970, tr. 98.

Tháng 7, khoảng đầu tháng

Hồ Chí Minh đến Lũng Cò (xã Thanh La), ở trong nhà ông Ma Văn Yến khoảng mười ngày. Người chỉ đạo việc phục vụ những chuyến bay của Đồng minh.

Khi rời Lũng Cò trở về Nà Lừa, vì ốm mệt, Người phải ngồi cáng trùm chăn kín.

- Lời kể của đồng chí Lê Giản. Tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Tuyên.

- Điều tra, khảo cứu tại chỗ, phỏng vấn người đồng thời. Tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 7, giữa tháng

Khi nghe một chiến sĩ liên lạc của chi đội Quang Trung báo cáo là “4 giờ có máy bay Đồng minh tới”, Hồ Chí Minh hỏi lại:

- Đồng chí nói 4 giờ là 4 giờ nào?

Người lấy đồng hồ ra cho đồng chí liên lạc xem rồi nói:

- Báo cáo quân sự là phải chính xác, nếu không sẽ sai lầm nguy hiểm. Đồng chí cần nói rõ là 4 giờ chiều hay 4 giờ sáng mai?

- Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân vũ trang: Những ngày được gần Bác. Cục chính trị Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang xuất bản, 1970, tr. 102.

Tháng 7, ngày 17

Sau 20 giờ, Hồ Chí Minh có cuộc thảo luận dài với Thiếu tá E. Tômát56) và H. Pruyniê (H. Prunier) – sĩ quan OSS. Người khẳng định Mặt trận Việt Minh là tập hợp các đảng phái chính trị được tổ chức với mục đích duy nhất là đánh đổ tất cả các chính quyền nước ngoài và đấu tranh cho tự do và độc lập hoàn toàn của Đông Dương. Người cũng nhấn mạnh sự bất bình của nhân dân Việt Nam đối với người Pháp. Vì vậy, không thể để cho Trung uý Môngpho - một sĩ quan người Pháp cũng như những người Pháp khác vào hoạt động ở đây...

- Báo cáo của Thiếu tá E. Tômát, Đội trưởng Đội “Con Nai” gửi Thủ trưởng chi nhánh nghiên cứu chiến lược, Sở Nghiên cứu chiến lược (OSS) tại Trung Quốc. Bản dịch lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- L. A. Patti: Why Vietnam? Trường đại học California xuất bản, Berkeley, Los Angeles, London, 1980, p. 127.

- Báo Quân đội nhân dân, ngày 3-9-2000.

Tháng 7, ngày 19

Hồ Chí Minh có cuộc thảo luận dài với Thiếu tá E. Tômát về khu vực hoạt động của Đội “Con Nai”. Theo Người, “Con Nai” nên tập trung hoạt động trên tuyến đường Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng (đường thuộc địa số 3), sau khi “thông đồng bén giọt” có thể di chuyển tiếp và hoạt động trên đường Lạng Sơn - Hà Nội.

Người còn khẳng định, Việt Minh có thể nhận một số đội hoạt động của SO (Đội công tác chiến lược “Con Nai”)...

- Báo cáo của Thiếu tá E. Tômát, Đội trưởng Đội “Con Nai” gửi Thủ trưởng chi nhánh nghiên cứu chiến lược, Sở Nghiên cứu chiến lược (OSS) tại Trung Quốc. Bản dịch lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 7, khoảng ngoài 20

Hồ Chí Minh gửi thư cho Thiếu tá E.Tômát. Nguyên văn bức thư như sau:

Gửi Thiếu tá Tômát,

Ngài thân mến,

Tôi gửi Ngài một chai rượu để uống cho ấm người. Tôi tin rằng Ngài sẽ thích thú.

Nếu Ngài viết thư về Côn Minh, hãy chuyển qua người chiến sĩ này.

Kế hoạch của Ngài về sự đầu hàng của Nhật (tối hậu thư, tấn công...) thật tuyệt vời. Tôi tin rằng nó sẽ đem lại kết quả rất tốt.

Sẽ rất tốt nếu Ngài chuyển kế hoạch đó bằng điện tín cho Đại uý Holland.

Trong thời gian tôi đi vắng, nếu cần gì xin Ngài nói với ông Văn hoặc ông Lã.

Chào thân ái

C. M. Hoo”

- Báo Nhân dân cuối tuần, số ra ngày 27-8-1995.

Tháng 7, ngày 21

Hồ Chí Minh tiễn Ph. Tam trở lại Trung Quốc và nhờ Ph. Tam chuyển cho Sáclơ một bức thư. Toàn văn bức thư như sau:

Ông Phen thân mến!

Tôi muốn viết cho ông thư dài để cảm ơn tình cảm của ông đối với tôi. Tiếc thay không thể viết dài được vì sức khoẻ tôi hiện giờ chưa được tốt lắm (nhưng không đến nỗi nguy kịch, ông an tâm).

Điều tôi muốn nói với ông thì ông Tam sẽ nói thay tôi. Nếu ông gặp các ông Bécna, Vinca Reit và Cácten (của cơ quan thông tấn) và những người bạn khác của chúng ta, nhờ ông chuyển tới họ lời chúc mừng tốt đẹp nhất của tôi.

Ông Tam nói là ông sẽ đến đây. Chúng tôi luôn sẵn sàng nồng nhiệt đón ông.

Hãy đến nhanh ông nhé.

Tôi chúc ông mạnh khoẻ và may mắn.

21-7-1945

Thân mến

CM HỒ”

- Bản chụp bức thư, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Charles Fenn: Ho Chi Minh, a biographical introduction. Studio Vista, London, 1973, p. 82.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 549.

Tháng 7, ngày 25

Hồ Chí Minh một lần nữa yêu cầu E. Tômát, nhờ phía Mỹ báo cho người Pháp biết Người có thể nói chuyện với đại diện Pháp ở Côn Minh hoặc ở Bắc Kỳ57).

Người còn gửi Chính phủ Pháp một bản đề nghị gồm năm điểm.

1. Thực hiện phổ thông đầu phiếu để bầu ra một nghị viện quản lý đất nước do một toàn quyền người Pháp làm chủ tịch cho đến khi Việt Nam được hoàn toàn độc lập. Toàn quyền sẽ lập một nội các hay đoàn cố vấn được nghị viện chấp nhận. Quyền hạn chính xác của các quan chức nói trên sẽ được thảo luận sau.

2. Độc lập phải được ban bố cho đất nước trong vòng ít nhất là 5 năm nhưng không được quá 10 năm.

3. Các nguồn lợi thiên nhiên của đất nước phải được trả lại cho nhân dân trong nước với một sự đền bù thích đáng.

4. Mọi quyền tự do do Liên hợp quốc đề ra được bảo đảm thi hành cho người Đông Dương.

5. Cấm chỉ việc bán thuốc phiện.

- Báo cáo của Thiếu tá E. Tômát, Đội trưởng Đội “Con Nai” gửi Thủ trưởng chi nhánh nghiên cứu chiến lược, Sở nghiên cứu chiến lược (OSS) tại Trung Quốc. Bản dịch lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 7, cuối tháng

Tại lán Nà Lừa, Hồ Chí Minh ốm nặng. Người đã uống ký ninh và thuốc cảm, nhưng vẫn sốt cao và luôn mê sảng.

Một hôm, lên lán báo cáo công việc, thấy Người sốt, đồng chí Võ Nguyên Giáp xin ở lại lán với Người. Người mở mắt, khẽ gật đầu. Đêm ấy, tỉnh lại sau cơn sốt, Người nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Một lần khác, Người nói: “Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và phần tử trung kiên. Trong chiến tranh du kích, lúc phong trào lên, ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú trọng xây dựng căn cứ cho thật vững chắc, để đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.196.

Tháng 7, cuối tháng

Hồ Chí Minh uống thuốc của một cụ lang già người Tày. Thuốc là một thứ củ vừa đào trong rừng về, đem đốt cháy rồi hoà vào trong cháo loãng. Cơn sốt lui dần. Người lại gượng dậy và tiếp tục làm việc.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.197.

Tháng 8, từ ngày 1 đến ngày 6

Hồ Chí Minh tuyển lựa 200 du kích để Đội “Con Nai” huấn luyện sử dụng súng cácbin, M.A.S, tiểu liên Tômxơn, Badoca, cối và lựu đạn...

- Báo cáo của Thiếu tá E. Tômát, Đội trưởng Đội “Con Nai” gửi Thủ trưởng chi nhánh nghiên cứu chiến lược, Sở Nghiên cứu chiến lược (OSS) tại Trung Quốc. Bản dịch lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 6

Qua điện đài của nhóm Tômát, Hồ Chí Minh biết tin Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống Hirôsima.

- L. A. Patti: Why Vietnam? Trường đại học California xuất bản, Berkeley, Los Angeles, London, 1980, p. 134.

Tháng 8, sau ngày 6

Hồ Chí Minh chỉ thị viết nhiều thư hoả tốc, tung giao thông đặc biệt đi các hướng để thúc giục các đại biểu ở các địa phương về Tân Trào họp Hội nghị toàn quốc của Đảng.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.197.

Tháng 8, khoảng ngày 10

Tại lán Nà Lừa, Hồ Chí Minh bàn với một số đồng chí về công việc chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng. Khi Thường vụ chưa ấn định ngày, Người nói: “Nên họp ngay và cũng không nên kéo dài Hội nghị. Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội”.

- Nguyễn Lương Bằng: Gặp Bác ở Tân Trào, in trong cuốn Bác Hồ ở Tân Trào, Nxb. Chính trị quốc gia - Bảo tàng Tân Trào - ATK, Hà Nội, 2004, tr. 11.

Tháng 8, ngày 12

Buổi tối, Hồ Chí Minh mặc dù đang yếu mệt, vẫn chăm chú theo dõi diễn biến tình hình thế giới. Qua chiếc đài thu thanh đã cũ, chạy bằng pin, Người nhận được tin của Đài tiếng nói Hoa Kỳ, phát đi từ Xan Phranxítxcô (San Francisco) loan tin: Nhật Bản gửi công hàm cho Mỹ và các nước Đồng minh, đề nghị mở cuộc đàm phán lập lại hoà bình, chấp nhận “ngừng bắn” chứ không chấp nhận “đầu hàng” không điều kiện. Người nhận định: “Có hiện tượng nguy ngập tan rã trong quân đội Nhật”.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đư­ờng lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.197.

Tháng 8, ngày 13

Có tin Nhật đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật ở các nơi ngừng chiến đấu. 23 giờ, Uỷ ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng hạ lệnh khởi nghĩa. Hồ Chí Minh chỉ thị viết nhiều thư hoả tốc, tung giao thông đặc biệt đi các địa phương và chỉ thị. Mệnh lệnh khởi nghĩa phải:

Tập trung lực lượng đánh vào đô thị, đánh chặn quân Nhật rút lui; sau mỗi trận chiến đấu lập tức bổ sung và củng cố bộ đội, để lại một phần ba hoạt động trong địa phương, hai phần ba sẵn sàng đợi lệnh điều động đi nơi khác; củng cố các căn cứ bí mật, quân lương, quân giới... chuẩn bị kháng chiến một khi quân Pháp trở lại...

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.197.

Tháng 8, ngày 14

Theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Hội nghị toàn quốc của Đảng được triệu tập tại Tân Trào (Tuyên Quang). Hội nghị nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”. Hội nghị quyết định mục đích của cuộc chiến đấu là giành quyền độc lập hoàn toàn cho đất nước, thành lập chính quyền nhân dân, thi hành Mười chính sách của Việt Minh, định chính sách ngoại giao đối với Đồng minh. Hội nghị đề ra Nghị quyết chủ trương tập trung mọi lực lượng để giành chính quyền, tập trung "nhằm vào ba nguyên tắc:

a) Tập trung - tập trung lực lượng vào những việc chính.

b) Thống nhất - thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy.

c) Kịp thời - kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội".

Nghị quyết Hội nghị còn thảo luận và bàn bạc nhiều vấn đề khác như: vấn đề ngoại giao, tuyên truyền cổ động, nhiệm vụ quân sự, nhiệm vụ kinh tế, v.v..

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.7, tr.424,425.

Tháng 8, ngày 15

Sau khi nhận được tin Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện58), Hồ Chí Minh đề nghị Hội nghị toàn quốc của Đảng nên mau chóng kết thúc để các đại biểu khẩn trương quay ngay về các địa phương, kịp thời phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị thông qua quyết nghị gồm 11 vấn đề quan trọng như: tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, chủ trương của ta, vấn đề ngoại giao, nhiệm vụ quân sự, vấn đề cán bộ... Hội nghị còn quyết định thành lập Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc lãnh đạo Tổng khởi nghĩa và lập Bộ Tư lệnh giải phóng quân Việt Nam.

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.423-433.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.198.

Tháng 8, sau ngày 15

Hồ Chí Minh gửi Trung uý Giôn (John) một lá thư bằng tiếng Anh với nội dung:

Trung uý thân mến,

Nhờ ông gửi giúp về Bộ Tổng hành dinh của ông bức điện tín như sau:

Uỷ ban dân tộc giải phóng của Mặt trận Việt Minh yêu cầu nhà cầm quyền Hoa Kỳ thông báo cho Liên hợp quốc rằng: Chúng tôi đã đứng về phía Liên hợp quốc chống lại bọn Nhật. Nay bọn Nhật đã đầu hàng. Chúng tôi yêu cầu Liên hợp quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập. Nếu Liên hợp quốc nuốt lời hứa long trọng này và không thực hiện cho Đông Dương được hoàn toàn độc lập thì chúng tôi sẽ cương quyết chiến đấu cho đến khi giành được nền độc lập hoàn toàn.

Uỷ ban dân tộc giải phóng Mặt trận Việt Minh.

- Robert Shaplen: The Enigma of Ho Chi Minh, Wesley R. Fichel, Illinois, 1958, p. 54.

Tháng 8, ngày 16

Hồ Chí Minh dự Đại hội quốc dân tại Tân Trào59). Đại hội đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Đại hội đã bầu ra Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ban thường trực của Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam gồm năm người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền.

Người vẫn ốm, buổi chiều Người lại lên cơn sốt nên không thể đến dự buổi lễ xuất phát của Quân giải phóng60).

- Trần Dân Tiên: Hồ Chí Minh truyện. Bản dịch tiếng Hán của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1969, tr. 144.

- Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 164-165.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.198.

- Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương: Những sự kiện lịch sử Đảng (1920-1945), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, t.1, tr. 639-641.

Tháng 8, ngày 17

Trước đình Tân Trào, thay mặt Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ trong buổi lễ ra mắt quốc dân:

“Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Uỷ ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề!”.

- Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 165-166.

Tháng 8, ngày 18

Hồ Chí Minh viết Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa gửi quốc dân, đồng bào. Trong thư, Người chỉ rõ: “Bốn năm trước đây, tôi có thư kêu gọi đồng bào ta đoàn kết. Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được ĐỘC LẬP, TỰ DO.

...

Vừa đây Việt Minh lại triệu tập “Việt Nam quốc dân đại biểu Đại hội”, cử ra UỶ BAN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG VIỆT NAM để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước được độc lập.

...

Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam cũng như Chính phủ lâm thời của ta lúc này. Hãy đoàn kết chung quanh nó, làm cho chính sách và mệnh lệnh của nó được thi hành khắp nước.

Như vậy thì Tổ quốc ta nhất định mau được độc lập, dân tộc ta nhất định mau được tự do.

Hỡi đồng bào yêu quý!

Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.

Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ.

Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 553-554.

Tháng 8, ngày 18

Hồ Chí Minh gửi thông điệp cho Chính phủ Pháp61) nêu ra đề nghị năm điểm:

1- Chính phủ Pháp công nhận Chính phủ Việt Minh.

2- Việt Minh công nhận quyền của Pháp ở Việt Nam trong vòng từ 5 đến 10 năm, sau đó Chính phủ Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam.

3- Trong 5-10 năm đó, Việt Nam hưởng quyền tự trị đối nội.

4- Chính phủ Pháp hưởng quyền ưu đãi trong kỹ nghệ và thương mại ở Việt Nam.

5- Người Pháp có thể làm cố vấn về ngoại giao.

Đồng thời, qua người Mỹ, Người nhân danh Uỷ ban giải phóng dân tộc gửi thông điệp cho các nước Đồng minh.

- Báo cáo của Hsing Shenchou, ngày 10-10-1945, trong Việt Nam văn kiện hội biên. Dẫn theo King C. Chen: Vietnam and China 1938-1954, Princeton University, Press Princeton, New York, 1969, p. 107.

Tháng 8, khoảng ngày 18

Hồ Chí Minh gửi thư cho Sáclơ Phen. Toàn văn bức thư như sau:

Trung uý Phen thân mến!

Chiến tranh đã kết thúc. Đấy là điều tốt cho mọi người. Tôi cảm thấy áy náy khi những người bạn Mỹ phải rời chúng tôi quá nhanh. Việc ra đi của họ khỏi đất nước này có nghĩa là mối quan hệ giữa ông và chúng tôi sẽ khó khăn hơn.

Chiến tranh đã kết thúc thắng lợi. Nhưng chúng tôi, những nước nhỏ và phụ thuộc, không có phần đóng góp hoặc đóng góp rất ít vào thắng lợi của tự do, của dân chủ. Nếu muốn đóng góp một phần xứng đáng chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu. Tôi tin rằng ông và nhân dân Mỹ vĩ đại sẽ luôn luôn ủng hộ chúng tôi.

Tôi cũng tin rằng sớm hay muộn chúng tôi cũng sẽ đạt được mục đích của mình, bởi vì mục đích đó là chính nghĩa. Và đất nước chúng tôi sẽ độc lập. Tôi trông chờ ngày hạnh phúc được gặp ông và những người bạn Mỹ của chúng ta ở Đông Dương hay trên đất Mỹ.

Chúc ông may mắn và sức khoẻ.

Tháng 8-1945

C.M HỒ”

- Bản chụp bức thư đánh máy tiếng Anh, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Charles Fenn: Ho Chi Minh, a biographical introduction. Studio Vista, London, 1973, p. 83.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 550.

Tháng 8, khoảng ngày 18

Hồ Chí Minh gửi thư62) cho Ph. Tam.

Toàn văn bức thư như sau:

Ông Tam thân mến!

Chiến tranh đã kết thúc. Mọi thứ đều thay đổi. Nhưng tình bạn của chúng ta vẫn thế, không bao giờ thay đổi.

Nhưng ông biết đấy, chúng tôi không có phần đóng góp chiến thắng này. Để góp phần mình vào chiến công chung, chúng tôi còn phải chiến đấu gian khổ. Ông hãy tin rằng chúng tôi đã chiến đấu và sẽ chiến đấu cho tới khi chúng tôi đạt được cái mà chúng tôi mong muốn: Độc lập dân tộc.

Tôi thấy áy náy vì những người bạn Mỹ đã rời chúng tôi quá nhanh và do đó mối quan hệ giữa ông và chúng tôi trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên ông. Ông cũng đừng quên chúng tôi nhé! Ngày mai tươi sáng chúng ta sẽ gặp nhau, chúng ta trông chờ ngày đó!

Thưa ông, người bạn được giao nhiệm vụ mua những vòng xuyến cho ông bị ốm và anh ta đã trao công việc đó cho người khác. Nhưng người này lại nhận công tác xa Hà Nội, nên anh ta đã trao công việc đó cho người thứ ba. Người này không thực hiện đúng mà chỉ mua được một số cái mà ông muốn.

Tất cả giá 440 piastres63).

Tôi gửi lại ông những gì mà họ chuyển cho tôi và số tiền còn lại là 2.560 piastres.

Chúc ông sức khoẻ và may mắn. Và chúc ông sớm gặp người bạn đời tốt. Hãy tin ở tôi, tôi sẽ mãi mãi như xưa.

8-1945

Thân mến

C.M Hồ”

- Bản chụp bức thư, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Charles Fenn: Ho Chi Minh, a biographical introduction. Studio Vista, London, 1973, p. 83.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 551-552.

Tháng 8, khoảng trước ngày 20

Hồ Chí Minh họp với Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thái, Hoàng Hữu Kháng và nữ đồng chí Châu. Người nói: “Bây giờ ta có chính quyền, chắc các cô, các chú cũng muốn về Hà Nội. Nhưng chưa được đâu! Lênin đã nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Bởi vậy, một số các cô, các chú còn ở lại địa phương đây, giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tươi đẹp hơn, ấm no, văn minh hơn... Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa...”.

- Lê Giản: Những ngày sóng gió, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1985, tr. 103-106.

Tháng 8, ngày 22

Sáng, Hồ Chí Minh rời Tân Trào về Hà Nội. Người đi theo đường đèo Khế, Cù Vân (nay thuộc huyện Đại Từ, Bắc Thái). Người chưa khỏi bệnh, còn mệt nhiều, có lúc phải nằm cáng.

Khoảng 20 giờ, Người tới Đại Từ.

Khoảng 21 giờ, Người đi ô tô64) đến Thái Nguyên65).

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 100-101.

- Trường Chinh: Bài phát biểu ngày 11-4-1967 với Thành uỷ Hà Nội về Cách mạng Tháng Tám (Bản ghi của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Hà Nội).

- Tài liệu của Tổ Nghiên cứu lịch sử Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bắc Thái.

Tháng 8, ngày 23

Sáng, Hồ Chí Minh đi qua huyện Đa Phúc66) tỉnh Phúc Yên (nay là Sóc Sơn, Hà Nội). Trên đường về Hà Nội, Người trông rất yếu, tóc đốm bạc, râu ba chòm, mặc quần áo nâu, ngồi trên ghế sau một chiếc xe nhỏ, chiếc túi vải chàm đặt trên lòng.

Chiều, Người qua đò sông Hồng ở bến Phú Xá. Trong lúc tạm nghỉ ở đình Phú Xá (bấy giờ được dùng làm chỗ tập tự vệ), Người nghe đồng chí phụ trách công tác đội của Trung ương từ nội thành ra báo cáo về dư luận của đồng bào trước tin quân Đồng minh sẽ vào Đông Dương.

Tối, Người đến nghỉ trong nhà ông Công Ngọc Kha (tức Trần Lộc) ở làng Gạ (nay là làng Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm), là một cơ sở cách mạng tin cậy.

- Thái Bảo: Đưa Bác về Thủ đô, in trong cuốn Bác Hồ với phụ nữ Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1985, tr.18-22.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội, 1985, tr. 7.

Tháng 8, ngày 25

Sáng, tại làng Gạ, Hồ Chí Minh nghe các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh từ nội thành ra báo cáo tình hình.

Chiều, Người từ làng Gạ đi ô tô vào nội thành Hà Nội. Xe qua Nhật Tân, Yên Phụ, Hàng Đậu, Hàng Giấy, Hàng Đường, Hàng Ngang, vòng đến dừng ở số nhà 35, phố Hàng Cân. Cùng đi có đồng chí Trường Chinh đã đến làng Gạ đón Người từ buổi sáng.

Theo thang gác, Người lên tầng hai nhà số 48, phố Hàng Ngang.

- Trường Chinh: Bài phát biểu ngày 11-4-1967 với Thành uỷ Hà Nội về Cách mạng Tháng Tám (Bản ghi của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Hà Nội).

- Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương: Những sự kiện lịch sử Đảng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, t. 1, tr. 659-661.

Tháng 8, ngày 26

Buổi sáng, tại ngôi nhà số 48, phố Hàng Ngang (Hà Nội), Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng. Trong cuộc họp này, Người nhất trí với Thường vụ Trung ương Đảng về những chủ trương đối nội và đối ngoại trong tình hình mới, về việc sớm công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời. Người đề nghị mở rộng hơn nữa thành phần của Chính phủ lâm thời, chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ ra mắt nhân dân, ngày ra mắt của Chính phủ lâm thời cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hoà. Người nhấn mạnh những việc cần làm ngay trước khi quân đội Tưởng vào Đông Dương tước vũ khí của quân đội Nhật.

Buổi trưa, tại số nhà 48, phố Hàng Ngang, Hồ Chí Minh mời cơm Pátti67).

Người nói chuyện với Pátti đến gần 16 giờ.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 229-231.

- L. A. Patti: Why Vietnam? Trường đại học California xuất bản, Berkeley, Los Angeles, London, 1980, p. 200.

Tháng 8, ngày 27

Hồ Chí Minh triệu tập cuộc họp của Uỷ ban dân tộc giải phóng. Trong cuộc họp này, Người đề nghị thi hành chính sách đoàn kết rộng rãi, thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia bao gồm cả những đại biểu các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ không đảng phái, có danh vọng.

Đề nghị của Người được mọi người tán thành.

Nhiều uỷ viên Việt Minh tự nguyện xin rút lui để nhường chỗ cho những người khác thuộc các đảng phái khác.

Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Cùng ngày, Người tiếp các bộ trưởng mới tham gia Chính phủ68).

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 101.

Tháng 8, từ ngày 28

Từ nơi ở là ngôi nhà số 48, phố Hàng Ngang (Hà Nội), Hồ Chí Minh hằng ngày đến làm việc tại nhà số 12 phố Ngô Quyền - trụ sở của Chính phủ lâm thời.

Người dành phần lớn thời gian soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 101.

Tháng 8, ngày 29

Hồ Chí Minh gửi một tấm danh thiếp trên đó viết mấy lời ngắn gọn, mời A. Pátti đến gặp trước 12 giờ.

Vào lúc 10 giờ 30, Người tiếp A. Pátti tại số nhà 48, phố Hàng Ngang. Cùng tiếp có đồng chí Trường Chinh. Người nói với Pátti: muốn trao đổi với ông ta về một số kế hoạch hoạt động của Chính phủ lâm thời trong những ngày sắp tới, trong đó có việc tổ chức ngày lễ Độc lập 2-9, giới thiệu các thành viên Chính phủ và chương trình hoạt động của Chính phủ cho mọi người dân được biết. Người cho gọi người phiên dịch đến dịch cho Pátti nghe bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập. Pátti vô cùng ngạc nhiên khi thấy Cụ Hồ đã đưa vào đó một số câu trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ nhưng đã đảo trật tự và thay thế một số từ, đem lại cho nó một ý nghĩa mới.

Trong cuộc gặp hai người còn trao đổi về việc quân Tưởng vào Việt Nam, về "Chương trình quốc hữu hoá" của Chính phủ đối với một số ngành kinh tế quan trọng. Hồ Chí Minh mời Pátti dự lễ Độc lập 2-9. Pátti nhận lời nhưng cũng tỏ ý vì lý do tế nhị có thể sẽ không đến dự được.

- L. A. Patti: Why Vietnam? (Tại sao Việt Nam), Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr. 227-231.

Tháng 8, trước ngày 30

Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời gửi bức công điện cho Tổng thống Mỹ Tơruman, nhờ A. Pátti chuyển giúp về Mỹ.

Nguyên văn bức điện như sau:

"Để bảo đảm có kết quả cho vấn đề mà Uỷ ban Liên tịch các nước Đồng minh có nhiệm vụ phải giải quyết ở Việt Nam, yêu cầu để cho phái đoàn Mỹ được làm một thành viên của Uỷ ban nói trên và đặt quan hệ với Chính phủ chúng tôi... Chúng tôi yêu cầu cho Chính phủ chúng tôi, chính quyền duy nhất hợp pháp ở Việt Nam, và là người duy nhất đã chiến đấu chống Nhật (sic) (hoạt động quân sự do Mặt trận Việt Minh và sĩ quan Mỹ tiến hành) có quyền đại diện trong Uỷ ban đó.

Chính phủ lâm thời nước Cộng hoà Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh"69)

Bức điện được gửi nhằm hai mục đích:

1. Muốn có một nước thứ ba là Mỹ tham dự vô tư vào cuộc thương lượng giữa Pháp và Trung Quốc về Việt Nam, để tránh những nguy cơ có thể có cho nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam do hai nước đó tuỳ tiện nhân nhượng lẫn nhau. 2. Muốn các nước Đồng minh công nhận Chính phủ lâm thời của Hồ Chí Minh là đại diện duy nhất và hợp pháp của Việt Nam trong các vấn đề có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam.

Pátti cho biết ông không có nhiệm vụ chính trị và quyền đại diện ngoại giao, nhưng nhận sẽ chuyển bức điện cho Đại sứ Mỹ Hurley. Bức điện được chuyển đi ngày 30-8-1945, số điện 47.

- L. A. Patti: Why Vietnam? (Tại sao Việt Nam), Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr. 237-239; ghi chú trang 524.

Tháng 8, ngày 30

Hồ Chí Minh mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập.

Sau khi đọc bản thảo cho mọi người nghe và hỏi ý kiến, Người nói: trong đời, Người đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy.

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 105.

Tháng 8, ngày 31

Hồ Chí Minh bổ sung một số điểm vào bản thảo Tuyên ngôn Độc lập; hỏi cụ thể về tình hình chuẩn bị tổ chức cuộc mít tinh lớn ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) và nhắc nhở Ban tổ chức một số điểm cần chú ý.

- Tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 1

16 giờ 30, Hồ Chí Minh mời A.Pátti và Grélecki dự bữa cơm thân mật trước ngày lễ Độc lập của Việt Nam tại Bắc Bộ phủ. Cùng dự tiếp có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hoàng Minh Giám.

Với một giọng thân mật, Hồ Chí Minh tỏ lòng biết ơn đối với những người bạn Mỹ về sự ủng hộ vật chất và tinh thần mà phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam đã nhận được trong mấy năm gần đây, đặc biệt là cảm ơn sự giúp đỡ của Cơ quan phục vụ chiến lược (OSS). Người cũng nhắc đến Tướng Chennault, Đại tá Helliwell, Glass, các Thiếu tá Thomas và Holland cùng những người khác trong toán công tác của họ. Người tỏ ý mong rằng tinh thần "hợp tác hữu ái" đó sẽ tiếp tục phát triển trong các năm tới.

Trong cuộc trò chuyện, Người cũng biểu thị cho người Mỹ và các nước Đồng minh biết lòng tin tưởng và quyết tâm không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam để tự giải phóng mình thoát khỏi "mọi sự cai trị của bên ngoài, dù cho đó là của Pháp, Nhật, Trung Quốc hay bất kỳ ai". Người cũng nói cho người Mỹ hiểu: phong trào dân tộc của Việt Nam bao gồm một cách dân chủ tất cả các đảng phái cách mạng Việt Nam. Người công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là nhân tố lãnh đạo phong trào dân tộc đó, nhưng các đảng viên trước hết là những người yêu nước, sau đó mới là đảng viên của Đảng.

Người cũng nói về nạn đói cuối năm 1944 đầu năm 1945 và đề nghị Chính phủ Mỹ yêu cầu quân đội Tưởng vào Việt Nam phải mua bán chứ không được trưng thu các vật phẩm và lương thực trong thời gian họ ở đây để tránh gây ra tình hình người Việt Nam bắt buộc phải tiến hành chiến tranh đối với người Trung Quốc để bảo vệ cuộc sống và gia đình họ.

Pátti nhận lời sẽ chuyển yêu cầu đó của Chính phủ Hồ Chí Minh về Mỹ.

Buổi tiếp kiến kéo dài đến 19 giờ 30 trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thân tình.

- L. A. Patti: Why Vietnam? (Tại sao Việt Nam), Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr. 250-254.

Tháng 9, ngày 2

14 giờ.

Trong cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, trên diễn đàn cao và trang nghiêm, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trịnh trọng tuyên bố với thế giới:

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Sau khi Chính phủ lâm thời làm lễ tuyên thệ và nhân dân thề một lòng ủng hộ Chính phủ do Hồ Chí Minh lãnh đạo, Người nói:

“Độc lập tự do là của quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ”.

19 giờ, Hồ Chí Minh họp với đại biểu các tỉnh.

Cùng ngày, Người gửi thư cho toàn thể Hoa kiều ở Việt Nam.

Bức thư có đoạn: “Tôi xin thay mặt Chính phủ nhân dân lâm thời Việt Nam và toàn dân Việt Nam đưa bàn tay nồng nhiệt hoan nghênh anh em Hoa kiều sinh sống trên đất nước ta, mong rằng anh em hai nước chúng ta thân mật đoàn kết, có việc gì thì giải quyết với nhau theo nguyên tắc hợp pháp, hợp lý với thái độ kính trọng nhường nhịn lẫn nhau, không được vì những việc tranh chấp nhỏ của cá nhân mà gây điều bất hạnh ngăn cách giữa hai dân tộc”.

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr.107-109.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.6.

_______________________________

1) Có tài liệu nói là cuối năm, nói theo âm lịch (cuối năm Giáp Thân) (B.T).

2) Cuối năm 1944, một chiếc máy bay Mỹ lượn trên bầu trời Cao Bằng, bị hỏng máy. Viên trung uý phi công nhảy dù xuống một hòn núi gần tỉnh lỵ. Được tin, thực dân Pháp liền cho bao vây khu rừng, tháo máy và tìm viên phi công. Quân Nhật cũng đến ngay, chiếm lấy chiếc máy bay, buộc tội Pháp để viên phi công trốn thoát và buộc phải tìm giao nộp.

Trung uý Sao đã được Việt Minh cứu thoát, dẫn đường trốn trong một cái hang và hôm sau vượt qua những trạm gác nghiêm ngặt của Pháp. Sao đã vượt qua một quãng đường dài 60 km trong ngót một tháng trời để đến biên giới Việt - Trung (B.T).

3) Đồng chí Phùng Thế Tài làm công tác bảo vệ, và đồng chí Đinh Đại Toàn (tức Minh) phục vụ sinh hoạt (B.T).

4) Người muốn gặp lại các đồng chí ở Vân Nam, và nhất là có ý định gặp các cơ quan của Mỹ đóng ở Côn Minh nhằm tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của Đồng minh chống phát xít đối với cách mạng Việt Nam. Lúc bấy giờ tại Côn Minh, Mỹ có trụ sở của Không đoàn thứ 14 dưới sự chỉ huy của tướng Sênôn (Claire L.Chennault), Cơ quan phục vụ chiến lược OSS (The Office of Strategic Service) và Cơ quan cứu trợ không quân AGAS (Air Ground Aid Service) (B.T).

5) Viên trung uý này là người trực tiếp điều khiển nhóm tình báo Đồng minh đang hoạt động trên đất Việt Nam lúc đó (B.T).

6) Nhật ký của Sáclơ Phen ghi lại buổi gặp gỡ đó như sau:

“Hồ cùng đến với một thanh niên tên là Fam. Hồ không như tôi tưởng. Trước hết, ông chưa đến nỗi “già”, chòm râu không còn đen nữa (...) nhưng khuôn mặt khoẻ mạnh và đôi mắt lấp lánh. Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp. Tôi hỏi ông là ông muốn gì ở người Mỹ. Ông nói: Chỉ muốn họ công nhận tổ chức của ông. Tôi đã nghe phong phanh người này là cộng sản và tôi đã hỏi về điều đó. Hồ nói rằng người Pháp gọi tất cả những người Việt Nam mong muốn độc lập đều là cộng sản. Tôi đã kể cho ông nghe về công việc của chúng ta và hỏi ông có muốn giúp chúng ta không. Hồ nói là họ có thể giúp được, nhưng không có người sử dụng điện đài và dĩ nhiên không có thiết bị gì cả. Chúng tôi thảo luận về việc tiếp nhận một điện đài, một máy phát và người sử dụng máy móc đó (...). Chúng tôi đã thảo luận về người Pháp, Hồ nhấn mạnh rằng Việt Minh chỉ muốn chống Nhật. Giọng nói của ông rõ ràng và dứt khoát, gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ. Fam ghi chép. Chúng tôi thoả thuận còn phải gặp nhau nữa. Họ đã ghi tên của họ theo âm Trung Quốc latinh là Fam Fuc Pao và Ho Tchih Ming" (B.T).

7) Nhật ký của Sáclơ Phen ghi lại cuộc gặp gỡ này như sau:

“Cuộc gặp với những người Việt Nam diễn ra trong quán cà phê Đông Dương ở phố Kim Bích. Hình như ông chủ quán cà phê này là bạn của họ. Chúng tôi ngồi trên lầu và uống cà phê theo kiểu Pháp rất đặc và rất ngon. Gian phòng còn vắng nhưng Hồ nói là khách có thể vào. Chúng tôi thoả thuận: gọi người Trung Hoa là “bạn”, người Mỹ gọi là “anh em”, người Pháp gọi là “người trung lập”, người Nhật gọi là “bọn chiếm đóng”, người Việt Nam gọi là “người đồng hương”. Người của Hồ giống người Trung Quốc. Vì không có người Việt Nam sử dụng được vô tuyến điện nên tất nhiên phải chọn người Trung Quốc /..../. Tiếp đó, chúng tôi bàn về sự trợ giúp. Fam đã nhắc lại “tiếng nổ lớn” mà Hall đã nói với anh ta. Chúng tôi thoả thuận với nhau là sau này chúng tôi có thể cung cấp thêm vũ khí phát sáng, thuốc men và điện đài khác. Người sử dụng máy móc riêng của chúng tôi có thể huấn luyện lại một số người của ông Hồ để sử dụng được các thứ đó. Hồ cũng muốn được gặp Sênôn. Tôi thoả thuận sẽ thu xếp cuộc gặp đó nếu ông đồng ý không nói với Sênôn bất cứ điều gì về sự ủng hộ và những hứa hẹn giúp đỡ. Hồ đồng ý. Ông già mặc một chiếc quần bông kiểu Tàu và một chiếc áo xanh đã ngả vàng cài khuy đến tận cổ. Đôi dép của ông là dép da thường thấy ở Đông Dương. Bộ râu thưa đã bạc, lông mày màu nâu sáng đã chuyển sang màu xám ở phía trên, nhưng mái tóc hầu như vẫn còn đen tuy cũng đã bắt đầu ngả màu. Người thanh niên, Fam, mặc quần áo Tây, gò má cao, cằm bạnh. Cả hai người nói nhỏ nhẹ, thỉnh thoảng mỉm cười. Chúng tôi cảm thấy chúng tôi cư xử với nhau rất đẹp" (B.T).

8) Nhật ký của Sáclơ Phen miêu tả cửa hiệu này có “tầng dưới nham nhở với những ngọn đèn đỏ, trắng, vàng, với một chiếc thùng đang sôi sùng sục trên bếp lò ở phía sau" (B.T).

9) Ph. Tam là người Mỹ gốc Hoa sẽ cùng về nước với Hồ Chí Minh với trách nhiệm mà nhóm công tác của Sáclơ Phen giao cho. Bécna, người chỉ huy trực tiếp Ph. Tam dặn anh ta chỉ mang những thứ cần thiết nhất gồm một điện đài, một khẩu súng lục và những tư trang gọn nhẹ (B.T).

10) Trần Dân Tiên miêu tả Sênôn là một chiến tướng già dặn, vẻ mặt nghiêm nghị, nhưng lại rất hoà nhã, thậm chí có thể nói là nhân từ (B.T).

11) Nhật ký của Sáclơ Phen ghi về cuộc gặp gỡ này như sau:

“Bécna và tôi có bổn phận đón Hồ vào 10 giờ 30 phút ngày 29-3 cho cuộc gặp vào lúc 11 giờ (...), khi chúng tôi có mặt ở ngoài cơ quan của Sênôn thì chúng tôi được báo là tướng quân đang bận việc. Đúng lúc đó cô thư ký xuất hiện và quả quyết với chúng tôi là ngài còn bận chút xíu nữa thôi (...). Năm phút sau chúng tôi được dẫn vào phòng. Ở đó, Đôrên (Doreen) đã mang sẵn hai chiếc ghế, trong khi chính Sênôn ngồi trên chiếc ghế thứ ba (...). Một cảnh tượng kỳ dị: Sênôn trong bộ comlê trang nhã có đính huân chương, Bécna trong bộ soóc bằng vải kaki, còn tôi trong bộ quần áo bằng vải gabađin và chiếc mũ thuỷ quân lục chiến. Ông già mặc chiếc áo ngắn tay, dài tới đầu gối và đi xăngđan, Đôrên trong bộ quần áo kaki.

Sênôn nói với Hồ là ông ta rất biết ơn về việc cứu người phi công. Hồ nói ông sẽ rất vui lòng giúp đỡ người Mỹ, đặc biệt là Tướng Sênôn - người mà ông rất ngưỡng mộ. Họ chuyện trò về những con hổ biết bay (chỉ các huyền thoại về đơn vị không quân 14 được mệnh danh là phi hổ dưới quyền Sênôn). Sênôn rất hài lòng về việc ông già biết chuyện đó. Chúng tôi tiếp tục nói chuyện về việc cứu phi công sau này" (B.T).

12) Tại đây, Người được biết Việt Nam cách mạng đồng minh hội đã có nhiều biến đổi trong sáu tháng qua kể từ khi Người rời Liễu Châu: Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công, Nghiêm Kế Tổ, Vũ Hồng Khanh, Nông Kính Du và Trần Báo đã rời Đệ tứ chiến khu đi Vân Nam hoặc Quý Châu. “Lớp huấn luyện đặc biệt của người Việt Nam” chỉ có 140 người ở lại Bách Sắc. Trên thực tế, Việt Nam cách mạng đồng minh hội đã ngừng hoạt động, mặc dù Lê Tùng Sơn, Bồ Xuân Luật và Trương Trung Phụng còn có mặt. Nguyên nhân chính là do thất bại của quân Trung Quốc ở Quảng Tây và một phần là do chính sách của Tiêu Văn đối với các lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng. Nhưng có một điều không thay đổi, đó là các nhóm Việt Minh vẫn hoạt động tích cực ở vùng biên giới. Việt Nam cách mạng đồng minh hội không còn ở Liễu Châu vì Liễu Châu đã rơi vào tay Nhật từ ngày 11-11-1944. Bách Sắc là một thị trấn nhỏ nhưng quan trọng về chiến lược ở phía tây - nam tỉnh Quảng Tây (B.T).

13) Trả lời cuộc phỏng vấn của King C. Chen, Trương Phát Khuê khẳng định cuộc gặp gỡ này (B.T).

14) Con số này do Ph. Tam cung cấp cho Sáclơ Phen, Tam viết:

“Những người hộ tống đã tới vào ngày 15-4. Bốn giờ sáng hôm sau chúng tôi cải trang thành những người buôn lậu vùng biên giới, cho tất cả trang bị vào những chiếc làn mây. Chúng tôi sóng đôi cuốc bộ tới biên giới lúc 15 giờ, chờ tối vượt biên giới. Chuyến đi dài ngày này dễ bị cướp nên chúng tôi tháo súng ra khỏi bao và cầm sẵn trong tay (...)" (B.T).

15) Theo Ph. Devillers trong cuốn Paris - Sai Gon - Hanoi (Gallimard, Julliard, Paris, 1988) thì cuộc gặp mặt này diễn ra vào tối ngày 27-4-1945. Sau này, A. Pátti kể lại: “Con người mảnh khảnh, nhỏ bé và kỳ lạ ấy gặp tôi với nụ cười niềm nở. Ông Hồ không yêu cầu gì cả, ông chỉ trình bày cho tôi nghe giá trị tiềm tàng của tổ chức quân sự, chính trị của mình” (B.T).

16) Đồng chí Hoàng Văn Lộc (B.T).

17) Đó là nhà đồng chí Kê Minh. Bấy giờ theo chủ trương “vườn không nhà trống” sơ tán chống Nhật, các gia đình ở đây đều lên ở trên núi đá. Khu vực họp, được trung đội tự vệ vũ trang do Trung đội trưởng Lê Văn Nhưng (bí danh Phúc Hưng) chỉ huy canh gác bảo vệ(B.T).

18) Đó là hai sĩ quan Mỹ (trong đó có một người gốc Hoa) sang giúp ta về kỹ thuật vô tuyến điện đã nói trong sự kiện ngày 15-4-1945 (B.T).

19) Hành trình của Hồ Chí Minh từ Pác Bó đi Tân Trào chia làm hai chặng: Pác Bó - Lam Sơn, và Lam Sơn - Tân Trào (B.T).

20) Tuyến đường đi của đoàn khởi đầu từ Khuổi Nậm, dọc bờ suối Lênin, qua các bản Bó Bẩm, Pác Bó, Bản Hong, Bản Hoàng, Nà Mạ, Thua Phia (xã Xuân Hoà, nay là xã Nà Sao, Hà Quảng) (B.T).

21) Đồng chí Nông Hiền Hữu (bí danh Quất) lúc đó là Chủ nhiệm Việt Minh châu Hà Quảng. Cùng ăn cơm trưa với Hồ Chí Minh có hai người “Đồng minh”, đồng chí Quất và đồng chí Đinh Đại Toàn (người phụ trách sinh hoạt của Hồ Chí Minh ở Trung Quốc cùng về) (B.T).

22) Đoàn không qua ngã ba Đôn Chương mà thẳng xuống bản Giàng, sau đó ra đường cái hiện nay, đi Ngườm Lầm, rẽ vào Yên Luật (xã Xuân Hoà). Đến gần đền thờ Yên Luật, Hồ Chí Minh cùng đoàn nghỉ chân và tiểu đội trinh sát cho người đi thăm dò đoạn đường Kéo Tác để vượt đèo sang xã Đào Ngạn (huyện Hà Quảng) (B.T).

23) Đồng chí Quất đã tìm được đồng chí Cao Chung, lúc bấy giờ đang họp Ban Việt Minh xã tại Luống Nọi (xã Phù Ngọc) (B.T).

24) Rời Bản Nưa (xã Đào Ngạn), đoàn cán bộ đi qua Bó Hang - Lũng Mỏ, vượt đèo Phin Đen đi Luống Nọi (xã Phủ Ngọc), nghỉ uống nước tại nhà đồng chí Thế Hùng (khoảng 20 phút) để trinh sát đi thăm dò quãng đường phải vượt qua vì đường ôtô thường có giặc Nhật qua lại. Đến Vỏ Nuống (xã Nam Tuấn, huyện Hoà An), đoàn nghỉ chân uống nước ở nhà đồng chí Hồng Quân, sau đó vượt Phó Lài đi Phin Gào, vượt Bằng Giang, qua Pác Cám (xã Bình Long) theo đường mòn ven núi đến vùng núi đá Lam Sơn (xã Hồng Việt, huyện Hoà An) (B.T).

25) Lúc bấy giờ đặt ở nhà đồng chí Nụ, bản Nà Dương, xã Hồng Việt (B.T).

26) Nhà ông Lý Văn Thạc ở bản Bó Phía (B.T).

27) Các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Đặng Việt Châu, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Đặng Văn Cáp (B.T).

28) Đồng chí Bình Dương, đồng chí Lã (B.T).

29) Hành trình của đoàn bắt đầu từ Lam Sơn, đi Hào Lịch (xã Hoàng Tung). Đến bản Pác Phiêng, đoàn dừng chân mấy phút nhận quà tặng và lời chúc mừng của đại biểu nhân dân (dân tộc Tày) rồi qua Bó Lệnh (xã Hoàng Tung) ra ngã ba bản Tấn (B.T).

30) Người được bố trí ngủ đêm tại nhà ông Minh, một cơ sở tốt ở gần sông Khuổi Lẩy. Việc ăn, nghỉ của Người tại đây do đồng chí Lê Quang Kháng, phụ trách Ban Việt Minh khu Quang Trung bố trí (B.T).

31) Huyện Ngân Sơn thuộc tỉnh Bắc Kạn. Từ Khuổi Lẩy, đoàn đi men theo đường sông đến bản Tổng Lằn, rẽ lên quốc lộ 3 (Cao Bằng, Thái Nguyên) tại khu vực đèo Bele, đi khoảng 4 km trên quốc lộ rồi rẽ xuống bản Lũng Sao của người Dao Tiền (xã Thượng An, huyện Ngân Sơn), nghỉ đêm tại đấy (B.T).

32) Tại Lam Sơn, Đặng Văn Cáp được giao nhiệm vụ lập một “nhà chữa súng” đặt trong một hang đá nhỏ cạnh hang đá lớn là nơi sau này, năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp tổng kết chiến dịch Biên giới (B.T).

33) Đồng chí Hoàng Mỹ Đức, người đã được gặp Hồ Chí Minh ở Trung Quốc hơn một nửa năm trước đó (B.T).

34) Các đồng chí Gia Quốc Toàn và Đồng Quang Tuân phụ trách Ban Việt Minh được giao nhiệm vụ đưa đoàn đến Tân Trào. Theo đường mòn, đoàn đi qua xã Trung Hoà, xã Hà Hiệu, đến Khuổi Mản (B.T).

35) Đoàn qua bản Cốc Lót, cắt ngang quốc lộ ở Hà Hiệu (đường đi Tĩnh Túc), đi dọc theo một nhánh sông Năng, qua Nà Vài, Phiêng Dòn, Nà Thi, Bản Non (B.T).

36) Mờ sáng, đoàn rời châu lỵ. Ban đón tiếp ở Chợ Rã đã nắm cơm để đoàn mang theo vượt núi Cứu Quốc (Phia Bioc) là dãy núi cao có đỉnh trên 1500 m.

Đoàn đi Kéo Cảo (xã Thượng Giáo) cây cối xanh tươi. Ngắm nhìn rặng cây, Người khuyên cán bộ địa phương nên chăm sóc, bảo vệ cây.

Đoàn đi qua bản Pác Phai dưới chân núi Phia Bioc, qua Phia Khao, Kéo Càng Lô, Lũng Quốc, Nà Hai (B.T).

37) Bản Chán (xã Đồng Phúc, huyện Chợ Rã) là điểm cuối cùng trên đất Cao Bằng (B.T).

38) Đoàn đi qua địa phận xã Đồng Phúc (Ba Bể), đến xã Bằng Phúc, thuộc huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Thái), vượt đèo Kèo Khôm, tới xã Phương Viên (B.T).

39) Ở nhà ông Lý Cao, bấy giờ là Chủ nhiệm Cách mạng xã. Ông Cao được Nông Văn Lạc thông báo “chuẩn bị đón thượng cấp” (B.T).

40) Đoàn rời Bản Cải, đi châu lỵ Chợ Đồn, qua khỏi Chợ Đồn khoảng hơn 1 km, trên đường đi Bản Pịt thì nghe tiếng súng Nhật ở châu lỵ. Đoàn rẽ vào rừng Khuổi Luông, dừng lại nghe ngóng.

Hồ Chí Minh cùng một bộ phận rời đèo Khuổi Khuy tới xã Bằng Viễn, đi đường rừng vòng sau đồn cũ xuống Khuổi Tráng ra khe Nậm Cảng, tới bản Duồng. Lúc này đã xế chiều, đoàn nghỉ ăn cơm tại nhà ông Lý Quý.

Bộ phận kia sau khi nghe được tin báo quân Nhật đã đi xa, lại tiếp tục hành quân theo hướng cũ đã định, qua Chợ Đồn, đến ngã ba gặp trung đội tự vệ vũ trang do Vũ Yến chỉ huy ra đón.

Sau bữa cơm chiều ở bản Duồng, trời còn sáng, đoàn cán bộ đi tiếp khoảng 4 km đến bản Rủm Tó (B.T).

41) Người nghỉ đêm ở nhà ông Triệu Văn Cam, một cơ sở tin cậy (B.T).

42) Người đi qua Thành Coóc (xã Hùng Lợi), xuống làng Chạp (xã Trung Yên), làng Nha (xã Kim Quan Thượng), làng Đồn (xã Thanh La) vượt đèo Chắn, vào Hồng Thái (xã Tân Trào). Cùng đi có đồng chí Võ Nguyên Giáp. Các đồng chí phụ trách phân khu Nguyễn Huệ như Song Hào, Tạ Xuân Thu, Lê Trung Đình, tổ chức đón Người (B.T).

43) Các đồng chí Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Việt Minh xã Hồng Thái chở đò đưa Người và một số cán bộ cùng đi qua bến Vực sang bên kia sông Đáy. Còn số đông cán bộ đi trong đoàn thì lội qua sông ở quãng bến Dâu, cách bến Vực chừng 50 m (B.T).

44) Tức Ph. Tam và Mácxin (B.T).

45) Nguyễn Tiến Sự lúc này là Chủ nhiệm Việt Minh xã Tân Trào (B.T).

46) Lán Nà Lừa (thuộc thôn Tân Lập) cách nhà ông Nguyễn Tiến Sự khoảng 1 km (B.T).

47) Bà Lương Thị Khanh kể: “Hôm ra đi, cháu Khoái (con trai độc nhất của ông bà Nguyễn Tiến Sự) cứ níu áo theo sau. Cụ liền nói với tôi để cho cháu ra ở với Ông Cụ vài hôm cho vui. Tôi đồng ý, mà cũng không ngăn được, vì trẻ con được người già yêu thì nó cứ theo. Nhưng ở với Ông Cụ được hai tối, nhớ tôi, cháu lại về” (B.T).

48) Trường Quân chính kháng Nhật được mở tại Khuổi Kịch (đông bắc xã Tân Trào) do đồng chí Hoàng Văn Thái làm Hiệu trưởng kiêm Chính trị viên. Nhiều học viên của trường về sau là cán bộ cao cấp trong quân đội (B.T).

49) Ngay hôm nhận được thư, Pátti trả lời người giao thông rằng đã gửi hai văn kiện ấy đến các nhà chức trách hữu quan ở Trùng Khánh (B.T).

50) Theo chỉ thị của Người, Hội nghị này đã được triệu tập ngày 4-6-1945. Hội nghị quyết định xây dựng Khu giải phóng toàn quốc, Tân Trào được chọn làm Thủ đô Khu giải phóng (B.T).

b) Để bảo vệ lãnh tụ, việc Bác về Tân Trào vẫn được giữ bí mật hoàn toàn, ngay cả đối với đồng chí chỉ huy đơn vị Giải phóng quân này (B.T).

51) Ông T.: Ph. Tam, phụ trách điện đài, người của Đồng minh (B.T).

52) Tức Mácxin (B.T).

53) Trần Dân Tiên cho biết: “Người Mỹ muốn xây dựng một sân bay cho máy bay cỡ nhỏ có thể lên xuống được, thì đã tìm được địa điểm một cách dễ dàng. Họ dự tính một tuần lễ mới có thể xây dựng xong sân bay, nhưng chỉ trong hai ngày công việc đó đã hoàn thành”(B.T).

54) Cuối thư thường có những lời lẽ đại loại:

“Các anh hãy chọn lấy một trong hai con đường: hoặc là hợp tác thân thiện với Nhật, hoặc là bị Nhật tiêu diệt...” (B.T).

55) Có những trường hợp cán bộ du kích trả lời bằng một chữ “Cambronne”. Cambronne (1770-1842) là một vị tướng Pháp. Khi chỉ huy trận địa cuối cùng ở Oatéclô, bị quân địch vây hãm và bức hàng, ông trả lời bằng một câu đã đi vào lịch sử: “Thà chết không hàng”.

Từ đó "Cambronne" trở thành từ đồng nghĩa của mệnh đề “Thà chết không hàng” (B.T).

56) Chiều 17 tháng 7, Đội “Con Nai” gồm 5 người do Thiếu tá tình báo Mỹ E. Tômát phụ trách nhảy dù xuống Tân Trào (B.T).

57) Yêu cầu này đã được E. Tômát chuyển cho Bộ chỉ huy AGAS ở Côn Minh ngay (B.T).

58) Trưa ngày 15-8-1945, Đài phát thanh Tokyo đã truyền đi bản tuyên bố của Nhật hoàng Hirô Hitô chấp nhận Bản tuyên bố Pốtxđam của tứ cường, tức Bản tuyên bố của Liên Xô, Anh, Mỹ, Trung Quốc, đòi Nhật Bản đầu hàng không điều kiện (B.T).

59) Đại hội tiến hành ở đình Tân Trào trong hai ngày 16 và 17-8-1945. Tham dự có hơn 60 đại biểu Bắc, Trung, Nam và đại biểu kiều bào ở nước ngoài, đại biểu của các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo (B.T).

60) Theo Võ Nguyên Giáp: “Chiều 16-8, một đơn vị Giải phóng quân tập hợp dưới cờ làm lễ xuất phát tiến về Nam” (B.T).

61) Theo Robert Shaplen trong The Enigma of Ho Chi Minh, Wesley R. Fichel, Illinois, 1958, thông điệp đã đến tay Lêông Pinhông (Léon Pignon), và Giăng Xanhtơny (Jean Sainteny), lúc đó là đại diện của Pháp (B.T).

62) Thư đánh máy, ký tên C.M. Hoo bằng bút mực, không ghi ngày tháng năm (B.T).

63) Được để riêng một vài dòng và gạch dưới trong bản đánh máy.

Piastres: đơn vị tiền Đông Dương thời thuộc Pháp (B.T).

64) Trần Đăng Ninh đưa xe lên đón Người (B.T).

65) Uỷ ban nhân dân lâm thời tỉnh Thái Nguyên tuyên bố thành lập chiều ngày 20-8-1945 trong một cuộc mít tinh lớn của quần chúng tổ chức tại sân vận động thị xã ngay khi cuộc bao vây tiến công quân Nhật ở thị xã vừa giành được chiến thắng to lớn đầu tiên (B.T).

66) Theo sự bố trí của đồng chí Trần Đăng Ninh, nữ đồng chí Thái Bảo (lúc đó mang bí danh Thuận, Chủ tịch huyện Đa Phúc) có nhiệm vụ đi cùng xe với Bác, đưa Bác suốt địa phận huyện mình phụ trách. Hết địa phận Đa Phúc, có đồng chí Trần Độ đón Người (B.T).

67) L.A. Pátti, thiếu tá tình báo Mỹ, đã có quan hệ với Hồ Chí Minh trong thời gian Người hoạt động ở Trung Quốc. Ngày 22-8-1945, Pátti đáp máy bay của Đồng minh đến Hà Nội (B.T).

68) Thành phần của Chính phủ lâm thời được công bố ngày 28-8-1945 như sau:

Chủ tịch: Hồ Chí Minh (Việt Minh).

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Hồ Chí Minh (Việt Minh).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Võ Nguyên Giáp (Việt Minh).

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Phạm Văn Đồng (Việt Minh).

Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền: Trần Huy Liệu (Việt Minh).

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Chu Văn Tấn (Việt Minh).

Bộ trưởng Bộ Lao động: Lê Văn Hiến (Việt Minh).

Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Vũ Đình Hoè (Đảng Dân chủ).

Bộ trưởng Bộ Thanh niên: Dương Đức Hiền (Đảng Dân chủ).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Vũ Trọng Khánh (Đảng Dân chủ).

Bộ trưởng Bộ Kinh tế: Nguyễn Mạnh Hà (Công giáo).

Bộ trưởng Bộ Y tế: Phạm Ngọc Thạch (không đảng phái).

Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội: Nguyễn Văn Tố (không đảng phái).

Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính: Đào Trọng Kim (không đảng phái).

Bộ trưởng không bộ: Cù Huy Cận và Nguyễn Văn Xuân (B.T).

69) Bức điện này do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký thay (B.T).

* Chú thích và bản chỉ dẫn tên người

CHÚ THÍCH

1. Sự kiện thành lập Đảng:

Vào những năm 1928-1929, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta tiếp tục dâng lên khắp đất nước. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã được truyền bá mạnh mẽ trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Một trào lưu cách mạng mới xuất hiện, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của một chính đảng thực sự của giai cấp công nhân.

Những phần tử tiên tiến trong phong trào cách mạng đã nhận thức được tình hình đó và đã đứng ra thành lập những tổ chức cộng sản đầu tiên vào nửa cuối năm 1929 đầu năm 1930.

Ngày 17-6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Hà Nội. Đông Dương Cộng sản Đảng ra Chính cương, Tuyên ngôn, nêu rõ đường lối của Đảng là phải làm cách mạng dân chủ tư sản do giai cấp vô sản lãnh đạo, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hành công nông liên hiệp. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã thúc đẩy phong trào cộng sản ở trong nước tiến mạnh. Tháng 10-1929, kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Kỳ họp đại hội, tuyên bố giải tán Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Tháng 1-1930, những đảng viên ưu tú của Đảng Tân Việt ra tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn.

Trong vòng nửa năm, ba tổ chức cộng sản liên tiếp ra đời. Sự kiện đó chứng tỏ việc thành lập Đảng Cộng sản là yêu cầu phát triển của phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam năm 1929. Nhưng lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cũng như nguyên tắc tổ chức của chính đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin không cho phép tồn tại tình hình là trong một nước lại có ba tổ chức cộng sản. Như thế chỉ làm yếu sự thống nhất về tư tưởng, chính trị, tổ chức và hành động của giai cấp vô sản, làm giảm sức mạnh của phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Vì vậy, việc thành lập một đảng duy nhất của giai cấp công nhân theo chủ nghĩa Mác-Lênin là yêu cầu bức thiết của phong trào cách mạng ở Việt Nam lúc đó.

Nhận được tin có ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam, Quốc tế Cộng sản đã gửi thư kêu gọi các nhóm cộng sản này thống nhất lại.

Sau khi nắm được tình hình trên, chấp hành chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc, với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản, đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng đã cử đại biểu đến dự Hội nghị. Riêng Đông Dương Cộng sản liên đoàn, không kịp cử đại biểu đến dự được, sau Hội nghị này đã xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị hợp nhất có giá trị như một Đại hội thành lập Đảng. Hội nghị đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt là cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Hội nghị chấm dứt sự khủng hoảng trong phong trào yêu nước chống Pháp, chấm dứt tình trạng phân tán, chia rẽ của phong trào cộng sản Việt Nam, thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành một Đảng Cộng sản duy nhất làm cho sức mạnh của hạt nhân lãnh đạo tăng lên gấp bội. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là “một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam”. Tr. 5.

2. Quốc tế Cộng sản (Quốc tế thứ ba): tổ chức cách mạng quốc tế của giai cấp vô sản, trung tâm lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân thế giới, hoạt động từ năm 1919 đến năm 1943.

Do ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và sau khi Quốc tế thứ hai đã hoàn toàn phản bội chủ nghĩa Mác, cuộc đấu tranh của Lênin và những người cộng sản chân chính chống bọn cơ hội chủ nghĩa đã thúc đẩy sự ra đời của các Đảng Cộng sản và tổ chức cộng sản ở nhiều nước trên thế giới. Để giúp các tổ chức cộng sản này lãnh đạo phong trào cách mạng các nước đi theo con đường của chủ nghĩa Mác chân chính, tháng 1-1919, dưới sự lãnh đạo của Lênin, Hội nghị đại biểu của 8 Đảng Cộng sản và nhóm cộng sản đã kêu gọi tất cả các Đảng Cộng sản, các tổ chức xã hội chủ nghĩa phái tả tham gia Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế thứ ba).

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, tháng 3-1919, dưới sự lãnh đạo của Lênin, các Đảng Cộng sản và nhóm cộng sản của 30 nước đã tiến hành Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva.

Quốc tế Cộng sản đã có công lao trong việc tổ chức và lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân thế giới. Quốc tế Cộng sản đã rất chú trọng tới vấn đề giải phóng dân tộc. Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin được Đại hội II Quốc tế Cộng sản (1920) thông qua đã đặt nền tảng chính trị và tư tưởng cho việc giải quyết đúng đắn những vấn đề phức tạp của phong trào giải phóng dân tộc. Trên con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đọc Luận cương, hoàn toàn tin theo Lênin và Quốc tế thứ ba.

Tháng 5-1943, căn cứ vào hoàn cảnh mới và đặc điểm phát triển cách mạng mỗi nước, Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản với sự tán thành của đa số các Đảng Cộng sản, đã thông qua nghị quyết giải tán tổ chức quốc tế này. Tr. 7.

3. Trường đại học Phương Đông (tên gọi tắt của Trường đại học cộng sản của những người lao động Phương Đông): thành lập tại Mátxcơva (Liên Xô trước đây) năm 1921 theo quyết định của Quốc tế Cộng sản, để đào tạo cán bộ cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Tại đây, các học viên được trang bị những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, phương pháp tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng. Trong thời gian học tập, các học viên phải nắm vững các môn quan trọng như chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, kinh tế chính trị, lịch sử phong trào công nhân quốc tế, lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc, v.v..

Trong gần 20 năm tồn tại, Trường đại học Phương Đông đã đào tạo cho các nước phương Đông hàng ngàn cán bộ, trong đó có những người về sau trở thành cán bộ lãnh đạo có uy tín của các Đảng Cộng sản ở các nước.

Quan tâm sâu sắc tới phong trào giải phóng dân tộc và vấn đề đào tạo cán bộ cách mạng cho các nước thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã viết rất nhiều bài báo cổ vũ, giới thiệu Trường đại học Phương Đông. Từ năm 1925, sau khi về hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc), cùng với việc mở các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng, Người đã lựa chọn và cử nhiều cán bộ Việt Nam và một số nước ở châu Á, sang học tập tại Trường đại học Phương Đông. Người luôn luôn quan tâm theo dõi việc học tập và sự tiến bộ của các đồng chí này.

Trong số những cán bộ Việt Nam được đào tạo tại Trường đại học Phương Đông có nhiều đồng chí sau này đã trở thành những lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta như các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong... Tr. 10.

4. Cuộc bạo động Yên Bái:

Cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quốc dân Đảng tổ chức và thực hiện vào đầu năm 1930.

Việt Nam Quốc dân Đảng là một tổ chức cách mạng theo xu hướng quốc gia tư sản, thành lập ngày 25-12-1927.

Việt Nam Quốc dân Đảng không có một đường lối chính trị thật rõ rệt, thành phần kết nạp chủ yếu là tiểu tư sản, trí thức thành thị, học sinh, công chức, người làm nghề tự do, do đó hoạt động của Đảng bị hạn chế, không liên kết được với phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân. Đảng cũng chưa có tổ chức chặt chẽ trong toàn quốc; cơ sở vững nhất chủ yếu ở Bắc Kỳ. Do đường lối không rõ ràng, tổ chức không chặt chẽ, lại kết nạp đảng viên dễ dàng, để bọn mật thám chui vào nên đầu năm 1930, cơ sở đảng bị vỡ ở nhiều nơi, nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt. Trước tình hình đó, các lãnh tụ của Đảng là Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu quyết định khởi nghĩa, vì cho rằng: đằng nào Đảng cũng bị khủng bố và bị tiêu diệt, cho nên cứ bạo động, “không thành công cũng thành nhân”.

Kế hoạch bạo động được đưa ra, nhưng bị lộ nên phải làm sớm mấy ngày.

Theo kế hoạch này: lực lượng chính là binh sĩ Việt Nam trong quân đội Pháp. Du kích là phụ. Vũ khí cũng do binh sĩ khởi nghĩa chuyển cho. Bạo động nổ ra ở tất cả mọi nơi, rồi đưa tất cả lực lượng chiếm một thành phố lớn. Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy các tỉnh Sơn Tây, Phú Thọ, Yên Bái. Nguyễn Thái Học chỉ huy ba tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An.

Trước khi nổ ra bạo động, do người liên lạc bị Pháp bắt nên hai lãnh tụ không liên lạc được với nhau.

Khởi nghĩa bắt đầu nổ ra vào đêm 9 rạng sáng ngày 10-2-1930. Nghĩa quân chiếm các đồn Pháp ở Yên Bái. Một số bộ phận binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp phản chiến tham gia vào quân khởi nghĩa. Nghĩa quân chiếm được nhà dây thép, nhà ga, phát truyền đơn, hô hào quần chúng và binh lính hưởng ứng. Nhưng còn một bộ phận binh lính Việt Nam đã không tham gia khởi nghĩa. Ngay sáng hôm sau, thực dân Pháp đã phản công; cuộc bạo động bị thất bại. Trong vòng một tuần, phong trào khởi nghĩa bị dập tắt ở các nơi. Nguyễn Thái Học và các lãnh tụ khác bị bắt và bị xử tử. Việt Nam Quốc dân Đảng cũng bị tan rã.

Trong lúc Việt Nam Quốc dân Đảng chuẩn bị khởi nghĩa, Nguyễn Ái Quốc đang ở Xiêm (Thái Lan). Nghe tin đó, Người đã nhận xét: “Cuộc bạo động nổ ra lúc này là quá sớm, và khó thành công”. Người muốn gặp các lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng để “bàn lại kế hoạch” nhưng không thực hiện được. Trong lúc Nguyễn Ái Quốc vượt biên giới Thái Lan đến Trung Quốc, cuộc bạo động vẫn được chuẩn bị và đã nổ ra như trên. Tr. 14.

5. Đoàn Thanh niên Cộng sản quốc tế (Quốc tế Thanh niên Cộng sản): tổ chức quốc tế của thanh niên lao động cách mạng. Theo sáng kiến của Lênin, Đại hội lần thứ nhất của thanh niên xã hội chủ nghĩa được triệu tập ở Béclin (Đức) từ ngày 20 đến ngày 26-11-1919 (có 29 đại biểu của 13 nước tham dự) đã thông qua nghị quyết thành lập Quốc tế Thanh niên Cộng sản. Tổ chức này đã gia nhập Quốc tế Cộng sản với tư cách là một phân bộ.

Quốc tế Thanh niên Cộng sản có những bộ phận riêng của mình ở 56 nước. Các cơ quan lãnh đạo của Quốc tế Thanh niên Cộng sản là Đại hội quốc tế và Ban chấp hành. Quốc tế Thanh niên Cộng sản hoạt động dưới sự lãnh đạo về tư tưởng và tổ chức của Quốc tế Cộng sản. Nó đã có tác dụng quan trọng trong việc tuyên truyền, giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin trong thanh niên, đề ra mục tiêu, phương pháp cho thanh niên trong sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới.

Năm 1943, cùng với việc giải tán Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Thanh niên Cộng sản cũng tự giải tán. Tr. 29.

6. Trường Quốc tế Lênin: trường dành cho những người cộng sản nước ngoài, nhằm giúp đỡ các Đảng Cộng sản trong công tác đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt. Trường Quốc tế Lênin thành lập năm 1926, theo quyết định của Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, nhằm mục đích:

- Giúp đỡ các chi bộ của Quốc tế Cộng sản, nâng cao trình độ lý luận Mác - Lênin và kinh nghiệm chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô cũng như giai cấp vô sản nhiều nước châu Âu khác.

- Nghiên cứu kinh tế thế giới và các bộ phận của nó, đặc biệt về quan hệ các nước tư bản chủ nghĩa, thuộc địa và Liên Xô.

- Nghiên cứu những vấn đề chiến lược và sách lược của Quốc tế Cộng sản, những kinh nghiệm tổ chức và chính trị của các Đảng Cộng sản các nước và nhận xét, phê bình những công tác hiện thời của Quốc tế Cộng sản... Kết thúc các khoá học, học viên thường được đi thực tế ở nhiều vùng, nhiều nhà máy, xí nghiệp ở Liên Xô. Các giảng viên đa số là người Liên Xô.

Trong những năm 1934-1935, Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu tại Trường Quốc tế Lênin. Để bảo đảm bí mật, đồng chí có bí danh tại trường là Lin, bí số 375. Nguyễn Ái Quốc là đại biểu do Đảng Cộng sản Đông Dương gửi đến học, do đó, lúc đầu Người được xếp trong nhóm nghiên cứu nói tiếng Trung Quốc. Sau được chuyển sang nhóm nói tiếng Pháp cho phù hợp hơn.

Nhiều lãnh tụ khác của các nước xã hội chủ nghĩa sau này, đã từng là học viên của Trường Quốc tế Lênin. Tr. 56.

7. Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản: Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 25 tháng 7 đến ngày 20-8-1935 tại Mátxcơva. Hơn 500 đại biểu đại diện cho 65 Đảng Cộng sản trên thế giới về dự Đại hội.

Đại hội nhận định rằng nguy cơ phát xít và chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa phát xít đang đe doạ nghiêm trọng hoà bình và an ninh của các dân tộc. Đại hội chỉ rõ điều kiện chủ yếu để đấu tranh thắng lợi là thực hiện sự thống nhất và phát huy tính tích cực cách mạng của giai cấp công nhân, đồng thời phải mở rộng đoàn kết với nông dân và các tầng lớp khác, nhằm thành lập mặt trận rộng rãi ở các nước trên cơ sở mặt trận thống nhất của giai cấp công nhân. Do đó, Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản đã quyết định nhiệm vụ trước mắt của các Đảng Cộng sản là thành lập mặt trận nhân dân rộng rãi ở các nước, chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, bảo vệ hoà bình. Khẩu hiệu trung tâm của các Đảng Cộng sản lúc này là “đấu tranh cho hoà bình”.

Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương gồm các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn đã tham dự và đọc tham luận tại Đại hội. Đại hội cũng đã công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một bộ phận của Quốc tế Cộng sản.

Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đang công tác, học tập ở Liên Xô. Người đã tham dự Đại hội với tư cách là đại biểu của Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Người đã tích cực tham gia vào các công việc của Đại hội, đồng thời, mang hết sức mình giúp đoàn đại biểu Đảng ta hoàn thành nhiệm vụ ở Đại hội. Tr. 60.

8. Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa: Trước kia, những người cộng sản ở các nước Đông Dương và thuộc địa được cử sang học tập ở Liên Xô thường học trong một ban đặc biệt của Trường đại học cộng sản của những người lao động phương Đông, thành lập năm 1921 (tiếng Nga viết tắt là KYTB). Đến năm 1932, Ban này tách ra thành Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa (tiếng Nga viết tắt là NINKP, đọc là Ninkapê), trực thuộc Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản. Tr. 65.

9. Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta): tuần báo công khai bằng tiếng Pháp của Đảng Cộng sản Đông Dương, xuất bản tại Hà Nội trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939). Trong thời gian trở lại hoạt động ở Trung Quốc (1938), Nguyễn Ái Quốc đã theo dõi sát sao cuộc vận động thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Dưới danh nghĩa một nhà báo Trung Quốc, Người viết một số bài báo gửi đăng trên tờNotre Voix. Trên các bài báo đó, Người đều ghi: Quế Lâm, ngày... và ký tên P.C. Lin. Thông qua những bài báo này, Người truyền đạt cho Đảng ta những nội dung chính về đường lối, chủ trương của Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản và góp phần chỉ đạo cách mạng trong nước. Tr. 82.

10. Chủ nghĩa Tờrốtxki: một trường phái tư tưởng của những kẻ đi theo đường lối và quan điểm phản động của Tờrốtxki. Đó là khuynh hướng tư tưởng cơ hội chủ nghĩa “tả” khuynh, đối lập với chủ nghĩa Lênin. Trong phong trào công nhân Nga, Tờrốtxki là kẻ luôn luôn chống lại Lênin trên những vấn đề cơ bản của cách mạng như: vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản, tính tất yếu của liên minh công nông, thái độ của Đảng đối với cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa, khả năng thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong một nước...

Chủ nghĩa Tờrốtxki có ảnh hưởng đến một số phần tử cơ hội chủ nghĩa trong các Đảng Cộng sản ở các nước. Các Đảng Cộng sản đã tiến hành đấu tranh không khoan nhượng chống bọn tờrốtxkít trên các mặt tư tưởng và chính trị để thực hiện đúng đắn đường lối Mác - Lênin do Quốc tế Cộng sản đề ra.

Ở nước ta, bọn tờrốtxkít được chính quyền thực dân Pháp lợi dụng, đã ra sức khiêu khích và chống phá cách mạng. Nguyễn Ái Quốc đã vạch rõ thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với bọn chúng: “Đối với bọn tờrốtxkít, không thể có một thoả hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị...”. Tr. 86.

11. Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện hội (Hội những người Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc chống địch): một tổ chức quần chúng do Việt kiều yêu nước ở Côn Minh lập ra để thu hút các lực lượng yêu nước ủng hộ Trung Quốc kháng chiến chống phát xít Nhật, đồng thời phân hoá những phần tử phản động của Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh hội ở vùng này.

Tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương ở Côn Minh đã lãnh đạo Hội này tiến hành một số công tác tuyên truyền, liên lạc... lấy danh nghĩa công khai của Hội đã được chính quyền Quốc dân Đảng cho phép, để hoạt động cách mạng. Tr. 100.

12. Khởi nghĩa Nam Kỳ: Sống dưới hai tầng áp bức của Pháp và Nhật, nhân dân Việt Nam vô cùng cực khổ. Năm 1940, thực dân Pháp bắt binh lính người Việt đi đánh nhau với quân Thái Lan. Việc đó gây hoang mang và bất bình trong binh lính người Việt Nam và gia đình họ. Phong trào chống chiến tranh, phản đối việc điều ra mặt trận đã lan rộng và sôi nổi trong binh lính người Việt và nhân dân Nam Kỳ. Trước tình hình sôi sục đó, tháng 7-1940, Xứ uỷ Nam Kỳ quyết định khởi nghĩa trước khi xin chỉ thị của Trung ương.

Nhận định rằng cuộc khởi nghĩa đó chưa được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, chưa có đủ điều kiện khách quan và chủ quan, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 11-1940 đã quyết định đình chỉ cuộc khởi nghĩa và cử đồng chí Phan Đăng Lưu về truyền đạt quyết định của Trung ương. Nhưng lệnh khởi nghĩa đã được phát đi.

Đêm 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra rất anh dũng. Nhiều đồn bốt địch bị hạ, nhiều cầu, cống, đường sá... bị phá, chính quyền địch ở một số xã và quận hoang mang, tan rã. Chính quyền cách mạng những nơi đó được thành lập, đã thực hiện những quyết định dân chủ, bảo vệ trị an, xét xử bọn phản cách mạng... Lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện lần đầu tiên.

Nhưng sau đó, thực dân Pháp điều động lục quân Pháp và cả lính lê dương từ Bắc Kỳ vào tàn sát rất dã man nhân dân khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tuy thất bại, nhưng đã tỏ rõ lòng căm thù sâu sắc của nhân dân ta đối với bọn thực dân Pháp, tinh thần đấu tranh vô cùng anh dũng của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cùng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra trước đó ít lâu là những tiếng súng báo hiệu cuộc khởi nghĩa toàn quốc đang đến, nhân dân các dân tộc Đông Dương đã kiên quyết đứng lên dùng bạo lực cách mạng để giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của bọn thực dân và bè lũ tay sai. Tr. 117.

13. Việt Nam độc lập đồng minh hội: Một tổ chức quần chúng do ông Hồ Học Lãm, một chí sĩ yêu nước sống ở Trung Quốc, đứng ra vận động thành lập ở Nam Kinh đầu năm 1936, có đăng ký chính thức với Trung ương Quốc dân Đảng Trung Quốc nhằm tạo danh nghĩa hợp pháp cho hoạt động của những người yêu nước và cách mạng Việt Nam ở Nam Kinh; đồng thời cũng để tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ Trung Quốc đối với các dân tộc nhỏ yếu theo Di chúc của Tôn Trung Sơn. Tuy nhiên, Hội cũng mới chỉ có cái tên được đăng ký chứ chưa có hoạt động gì trong thực tế.

Cuối năm 1940, Nguyễn Ái Quốc về đến Quảng Tây, lực lượng cách mạng của ta tại đây ngày càng lớn mạnh. Thời gian này, ông Hồ Học Lãm cũng đã chuyển về Quế Lâm chữa bệnh. Để tạo danh nghĩa hoạt động, theo chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, cần tận dụng danh nghĩa hợp pháp của Việt Nam độc lập đồng minh hội (gọi tắt là Việt Minh) đã đăng ký ở Nam Kinh trước đây. Người cho lập ra Biện sự xứ hải ngoại (Văn phòng làm việc) của Việt Nam độc lập đồng minh hội ở Quế Lâm, do ông Hồ Học Lãm làm Chủ nhiệm và đồng chí Phạm Văn Đồng (bí danh Lâm Bá Kiệt) làm Phó chủ nhiệm, để quan hệ với Lý Tế Thâm. Từ đó, tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh hội gọi tắt là Việt Minh đã có những hoạt động nổi bật và được biết đến một cách rộng rãi ở hải ngoại.

Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước chủ toạ Hội nghị Trung ương lần thứ 8, thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, cũng gọi tắt là "Việt Minh", chỉ đạo xây dựng thí điểm các Hội Cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng, sau đó phát triển ra cả nước, tập hợp lực lượng đoàn kết của toàn dân tộc, dẫn đến thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Như vậy, tuy có sự trùng hợp về tên gọi nhưng giữa Việt Nam độc lập đồng minh hội do ông Hồ Học Lãm lập ra ở Nam Kinh và Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, về thực chất vẫn là hai tổ chức có vai trò lịch sử rất khác nhau. Tr. 118.

14. Việt Nam dân tộc giải phóng uỷ viên hội: Cuối năm 1940, chính quyền Quốc dân Đảng (Trung Quốc) âm mưu chuẩn bị thực hiện chủ trương “Hoa quân nhập Việt” (quân đội của Tưởng Giới Thạch sẽ thay mặt Đồng minh vào Việt Nam sau chiến tranh). Chúng giao cho Trương Bội Công, người Việt Nam sang Trung Quốc và làm việc cho Quốc dân Đảng nhiều năm, giả danh “cách mạng” đứng ra thành lập tổ chức Việt Nam dân tộc giải phóng uỷ viên hội. Tổ chức này, trên danh nghĩa kết nạp những người Việt Nam có tinh thần đấu tranh chống phát xít Nhật giải phóng đất nước, nhưng thực chất đó là một tổ chức làm tay sai cho Quốc dân Đảng Trung Quốc. Nhờ có sự đấu tranh kiên quyết và khôn khéo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương, Trương Bội Công và đồng bọn đã bị lột trần mặt nạ và bị cô lập, chỉ còn là một tổ chức trên danh nghĩa. Tr. 118.

15. Báo Việt Nam độc lập: Cơ quan tuyên truyền của Ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ở Pác Bó.

Mục đích của tờ báo là “cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng tự do” (Việt Nam độc lập, số 101 (tức số 1), ngày 1-8-1941). Các bài đăng trên báo Việt Nam độc lập luôn luôn chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chính của dân tộc là phát xít Nhật - Pháp và bọn tay sai, tố cáo những tội ác dã man của địch, kịp thời vạch trần những âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của chúng trên mọi lĩnh vực. Tờ báo đã cổ động mọi tầng lớp nhân dân tham gia các Hội cứu quốc như Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc... Báo cũng thường xuyên có các bài phân tích sâu sắc, nhạy bén về tình hình và nhiệm vụ cách mạng, giúp cho cán bộ và nhân dân hiểu đúng tình hình và hành động đúng với chủ trương của Đảng.

Trong thời gian hoạt động ở Cao Bằng, mặc dù bận nhiều công việc chung của cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành cho báo Việt Nam độc lập sự chỉ đạo trực tiếp và Người còn tham gia duyệt bài, viết bài, có khi cả việc trình bày, minh hoạ và in báo. Nhiều thơ ca của Người lần đầu tiên in trên báo này và thường không ký tên. Báo Việt Nam độc lập dưới sự chỉ đạo và tham gia của Chủ tịch

Hồ Chí Minh từ số 1, ngày 1-8-1941 đến tháng 8-1942, Người ra nước ngoài công tác là trên 30 số, 400 bản, mỗi tháng ra 3 số, mỗi số trên 2 trang, khổ nhỏ, in đá. Báo Việt Nam độc lập số 1 đánh số 101 và tiếp theo 102, 103 với ý nghĩa kế tục lịch sử của những tờ báo cách mạng ra đời từ trước đó.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra nước ngoài công tác, đồng chí Phạm Văn Đồng được phân công trực tiếp chỉ đạo tờ báo đến tháng 4-1945.

Lúc đầu, Việt Nam độc lập là của Ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng. Sau này, căn cứ địa cách mạng mở rộng ra hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Cạn, báo Việt Nam độc lập trở thành cơ quan của liên tỉnh bộ Việt Minh - Cao Bằng - Bắc Cạn, từ số 229 đến số 286 (tức là từ số 129 đến số 186), rồi liên tỉnh bộ Việt Minh ba tỉnh Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn, từ số 287 đến số 325 (tức là từ số 187 đến số 225). Sau Cách mạng Tháng Tám, báo Việt Nam độc lập tiếp tục xuất bản ở Cao - Bắc - Lạng, rồi Cao Bằng. Tr. 144.

16. Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945): Cuộc chiến tranh do bọn phát xít Đức, Italia, Nhật gây ra với âm mưu chia lại thị trường thế giới và tiêu diệt Liên Xô. Do tính chất của cuộc chiến tranh và âm mưu của các thế lực phát xít, cuộc chiến tranh nổ ra ở từng vùng có tính chất khác nhau. Từ tháng 5-1939 đến tháng 6-1941 diễn ra chiến tranh giữa nước Đức phát xít với các nước đế quốc; từ tháng 6-1941 đến tháng 8-1945, cuộc chiến tranh chủ yếu diễn ra trên mặt trận Xô - Đức và từ tháng 12-1941 đến tháng 9-1945, cuộc chiến tranh do phát xít Nhật gây ra ở châu Á Thái Bình Dương.

Với quy mô và sự ác liệt của nó, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai cuốn hút 76 nước tuyên bố trong tình trạng chiến tranh, động viên 110 triệu lượt người tham gia vào quân đội, phục vụ chiến tranh, trong đó 60 triệu người bị chết, 90 triệu người bị thương, tàn phế, gây thiệt hại vật chất lên tới 4000 tỷ USD.

Kết quả của cuộc chiến tranh là sự thắng lợi của lực lượng Đồng minh như Liên Xô, Mỹ, Anh, v.v., trong đó Liên Xô đóng vai trò quyết định. Các lực lượng phát xít đã bị tiêu diệt. Liên Xô không những đã giành được thắng lợi vẻ vang trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941-1945) mà còn trực tiếp giải phóng nhân dân nhiều nước châu Âu khỏi tai họa phát xít. Thắng lợi ấy đã tạo điều kiện cho nhiều nước châu Á hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ và tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tr. 152.

17. Đồng minh: Liên minh các nước chống chủ nghĩa phát xít trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), hình thành vào cuối năm 1941 đầu năm 1942.

Tháng 1-1942, tại Oasinhtơn (Mỹ), 26 nước Đồng minh trong đó có Liên Xô, Anh, Mỹ ký chung vào bản Tuyên ngôn chống phát xít xâm lược và bảo đảm trong cuộc chiến tranh này không có sự giảng hoà riêng rẽ. Nhưng mục đích của việc ký Tuyên ngôn đó rất khác nhau. Liên Xô ký Tuyên ngôn này nhằm tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, khôi phục chế độ dân chủ ở châu Âu; còn Mỹ và Anh ký Tuyên ngôn nhằm đánh bại thế lực của Đức và Nhật để xác lập quyền bá chủ thế giới. Về sau, các chính phủ Mỹ và Anh đã phản bội Đồng minh, phá hoại tất cả các điều khoản trong Tuyên ngôn. Tr. 173.

18. Nhật ký trong tù: Tháng 8-1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Cao Bằng sang Trung Quốc với danh nghĩa đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế chống xâm lược của Việt Nam để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Khi đến Túc Vinh (một thị trấn thuộc huyện Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam. Trong hơn một năm, Người bị giam trong khoảng 30 nhà tù của 13 huyện ở tỉnh Quảng Tây. Trong thời gian này, Người đã ghi Nhật ký trong tù, bằng chữ Hán.

Tập Nhật ký gồm 134 bài, có số thứ tự trước mỗi bài, được ghi vào một cuốn sổ tay, bìa màu xanh. Trang đầu có vẽ hình hai cánh tay bị xích kèm theo bài thơ không đề với bốn câu thơ:

Thân thể ở trong lao,

Tinh thần ở ngoài lao;

Muốn nên sự nghiệp lớn,

Tinh thần càng phải cao.

Số thứ tự và tên các bài thơ trong tập này là theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia xuất bản lần thứ hai, Hà Nội, tập 3, 1995 đánh số 1 từ bài không số. Vì vậy, số thứ tự các bài thơ trong tập sách này so với sách Hồ Chí Minh: Nhật ký trong tù, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1990, cao hơn 1 số. Tr.179.

19. Chiến thuật du kích: Tác phẩm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về quân sự. Hiện nay ngoài cuốn Chiến thuật du kích (quyển II) do Việt Minh xuất bản năm 1942 còn có cuốn Chiến thuật du kích do Việt Minh xuất bản tháng 5-1944.

Chiến thuật du kích được viết ngắn gọn, giản dị nhưng đầy đủ, phù hợp với việc huấn luyện quân sự và điều kiện hoạt động của thời kỳ này. Tr. 188.

20. Liên hợp quốc: một tổ chức quốc tế được thành lập tại Hội nghị của đại diện 51 nước họp tại Xan Phranxítxcô (Mỹ), từ ngày 25 tháng 4 đến ngày 26-6-1945 trên cơ sở liên minh tự nguyện của các nước có chủ quyền, nhằm giữ gìn hoà bình và phát triển sự hợp tác giữa các nước.

Theo Hiến chương của Liên hợp quốc, nhiệm vụ của Liên hợp quốc là giữ gìn hoà bình và an ninh bằng cách áp dụng những biện pháp chung nhằm ngăn ngừa và loại trừ những mối đe doạ với hoà bình và chống lại những hành động xâm lược, phát triển quan hệ thân thiện giữa các dân tộc và thực hiện sự hợp tác nhằm giải quyết những vấn đề quốc tế có tính chất kinh tế, xã hội, văn hoá, nhân đạo cũng như phát triển sự tôn trọng nhân quyền và quyền tự do căn bản của con người, không phân biệt chủng tộc, nam, nữ, tiếng nói và tín ngưỡng. Liên hợp quốc thành lập theo nguyên tắc bình đẳng đối với tất cả mọi thành viên và không can thiệp vào công việc nội bộ của bất cứ nước nào.

Những cơ quan chủ yếu của Liên hợp quốc là Đại hội đồng, Hội đồng bảo an, Hội đồng kinh tế và xã hội, Hội đồng bảo trợ, Toà án quốc tế và Ban thư ký.

Năm 1977, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập tổ chức quốc tế này. Việt Nam cùng các nước yêu chuộng hoà bình đã và đang đấu tranh để bảo vệ những nguyên tắc dân chủ của Liên hợp quốc. Tr. 241.

21. Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ: Trong cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ chống chủ nghĩa thực dân Anh (1775-1781), đã tổ chức các cuộc đại hội đại biểu để thảo luận những biện pháp chống bọn thực dân Anh. Đại hội lần thứ hai họp ở Philađenphia năm 1775 đã cử ra một uỷ ban do Giépphécxơn làm Chủ tịch để thảo ra một bản nghị quyết tuyên bố các xứ thuộc địa là những nước tự do độc lập, tách khỏi phạm vi, quyền lực của Anh hoàng. Bản dự án nghị quyết này được đại biểu 13 bang thông qua ngày 4-7-1776 và trở thành Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ.

Bản Tuyên ngôn Độc lập này thể hiện nguyện vọng của các dân tộc thuộc địa ở Bắc Mỹ đấu tranh để giành lại độc lập, tự do cho nhân dân Mỹ lúc bấy giờ.

Sau khi giành được độc lập, giai cấp tư sản Mỹ lên nắm chính quyền đã phản bội quyền lợi của nhân dân, thi hành chính sách phân biệt chủng tộc, áp bức bóc lột nhân dân trong nước, đồng thời xâm lược các nước khác. Chúng đã thực hiện những thủ đoạn tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, áp dụng chính sách thâm độc và nham hiểm của chủ nghĩa thực dân mới, thống trị về mặt kinh tế và lũng đoạn về chính trị nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới, chà đạp trắng trợn lên những nguyên tắc tự do, bình đẳng đã ghi trong Tuyên ngôn Độc lậpcủa nước Mỹ.

Vận dụng tinh thần, tư tưởng tự do, bình đẳng - tiêu biểu cho nguyện vọng độc lập, tự do của nhân dân Mỹ, khi soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích một câu trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, khẳng định quyền bình đẳng, tự do và độc lập của nhân dân Việt Nam.

Tr. 250.


BẢN CHỈ DẪN TÊN NGƯỜI

C

CHENNAULT, Claire Lee (Sênôn) (1890 - 1958): sinh tại Texas.

Năm 1920, vào không quân Mỹ với quân hàm trung uý. Nổi tiếng về kỹ thuật bay lão luyện và táo bạo, cầm đầu phi đội được mệnh danh là “Ba người trên một hình thang bay” trong thập kỷ 30 của thế kỷ XX. Năm 1937, bị buộc từ chức vì tai điếc, sang Trung Quốc làm cố vấn cho không lực Trung Hoa. Năm 1941, tổ chức một phi đoàn tình nguyện người Mỹ ở Trung Quốc - phi đoàn Phi hổ (Cọp bay), tham gia chống Nhật. Năm 1942, Mỹ tham chiến, Sênôn được gọi tái ngũ phục vụ không quân Mỹ với quân hàm chuẩn tướng, được chỉ huy không lực cơ động ở Trung Hoa, và năm 1943, được thăng thiếu tướng, là Tư lệnh phi đoàn 14 không quân Mỹ.

Sênôn rời Bộ tư lệnh không quân ngày 15-7-1945 và đến ngày 31 tháng 10 năm đó ra khỏi không quân. Trở lại Trung Quốc năm 1946, Sênôn tổ chức ngành hàng không dân dụng cho Tưởng Giới Thạch và tiếp tục điều khiển công ty ở Đài Loan cho đến tháng 1-1949, năm 1958 mất tại Niu Oócliân (New Orleans).

CƯỜNG ĐỂ (1882-1951): tên thật là Nguyễn Phúc Đản, cháu đích tôn của Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh (con Vua Gia Long), tước Kỳ ngoại hầu. Được Phan Bội Châu và Nguyễn Hàm đưa lên làm Hội trưởng Hội Duy tân, thành lập cuối năm 1904 tại Quảng Nam với tôn chỉ đấu tranh chống Pháp. Tháng 1-1907, sang Nhật học tại Trường võ bị Chấn Vũ, sau chuyển sang học tại Trường Đông Á Đồng văn. Tháng 2-1909, ông bị Nhật trục xuất. Tháng 12-1912, là Hội trưởng Việt Nam Quang phục hội do Phan Bội Châu thành lập tại Quảng Đông, Trung Quốc, kiêm Bộ trưởng Bộ Tổng vụ của Hội. Ông đã sang Đức năm 1913 và sang Anh năm 1914. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, ông từ Anh về Trung Quốc và ở đó đến năm 1919, sau đó lại sang Nhật. Từ năm 1923, ông được Nhật trực tiếp nuôi dưỡng. Cuối năm 1931, nhận được tin Nguyễn Ái Quốc bị giam và ốm tại Hồng Kông, Cường Để đã gửi thư và một số tiền giúp Nguyễn Ái Quốc chữa bệnh.

Tháng 12 - 1939, Cường Để thành lập tổ chức Việt Nam Phục quốc đồng minh hội (Hội phục quốc), đặt bản doanh tại Đài Loan. Ngày 11-1-1944, được Nhật và giáo phái Cao Đài hỗ trợ, ông phát đi bức thông điệp sẽ trở về Tổ quốc. Sau vụ Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, Cường Để bị Nhật bỏ rơi và sống lưu vong tại Nhật đến khi mất.

D

DIỆP KIẾM ANH (1897 - 1986): người Quảng Đông. Năm 1917, học tại Vân Nam giảng võ đường. Sau khi tốt nghiệp, đi theo Tôn Trung Sơn. Năm 1924, tham gia sáng lập Trường Sĩ quan lục quân Hoàng Phố.

Tháng 7-1927, bí mật tham gia Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 11-1927, cùng Trương Thái Lôi, Diệp Đĩnh lãnh đạo Quảng Châu khởi nghĩa, là Phó tổng chỉ huy Hồng quân công - nông. Từ năm 1928 đến năm 1930, học tập ở Liên Xô. Năm 1931, đến khu Xôviết Trung ương. Năm 1934, tham gia Vạn lý trường chinh.

Là Nguyên soái, từng giữ chức Phó chủ tịch Uỷ ban quân sự cách mạng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó chủ tịch và Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

Là người bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông từng dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự Trung Quốc sang thăm Việt Nam năm 1960.

E

ÊRENBUA, Ilia (1891-1967): nhà văn ưu tú, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Liên Xô, là đại biểu Xôviết tối cao Liên Xô khoá III và khoá IV. Trong thời kỳ cách mạng 1905-1907, I. Êrenbua tham gia tổ chức bí mật của Đảng Bônsơvích; năm 1908 bị bắt, bị chính quyền Nga hoàng kết án, buộc phải sang Pháp sống lưu vong. Từ năm 1915 đến năm 1917, làm phóng viên và viết ký sự về chiến tranh cho hai tờ báo Nga ở Mátxcơva và Pêtơrôgrát. Năm 1917, trở về nước Nga. Từ năm 1918 đến năm 1924, cho ra nhiều tập thơ và tiểu thuyết tỏ rõ thái độ phê phán và phủ định đối với xã hội châu Âu và chiến tranh đế quốc, đã được Lênin đánh giá tốt. Cuối những năm 20 và đầu những năm 30 của thế

kỷ XX, ông đã thâm nhập vào cuộc sống, miêu tả công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Xôviết. Những năm 1936-1939, I. Êrenbua sống và hoạt động ở Tây Ban Nha. Các tác phẩm nổi tiếng như Pari sụp đổ (Giải thưởng quốc gia năm 1942), Bão táp (Giải thưởng quốc gia năm 1948), v.v. là những bức tranh tổng hợp của nhiều nước trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Xôviết và khơi dậy lòng căm thù đối với chủ nghĩa phát xít. Êrenbua còn là một chiến sĩ hoà bình nổi tiếng thế giới được trao tặng giải thưởng Hoà bình quốc tế Lênin về công lao “củng cố hoà bình giữa các dân tộc”. Ông mất ở Mátxcơva năm 1967.

G

GIENKIN PH. C (Jenkin F.C.): Luật sư Ph. C. Gienkin tới Hồng Kông năm 1912. Ông bào chữa thành công nhiều vụ án nổi tiếng ở Hồng Kông.

Những năm 1930-1933, luật sư Ph. C. Gienkin được luật sư Ph. H. Lôdơbi uỷ nhiệm bào chữa cho Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc) lúc bị bắt giam ở Hồng Kông trước toà án Hồng Kông. Tại phiên toà thứ 9, luật sư Ph. C. Gienkin thay mặt Nguyễn Ái Quốc tuyên bố kháng án lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh. Ông sống giản dị và được nhiều đồng nghiệp, bầu bạn quý mến.

H

HÍTLE A. (Adolf Hitler) (1889-1945): nhà hoạt động chính trị người Đức gốc Áo, Quốc trưởng Đức trong thời kỳ nước Đức phát xít, tội phạm chiến tranh số một trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sinh ra ở Braonao (Áo), trong một gia đình nông dân và viên chức tiểu tư sản (cha làm viên chức hải quan). Mồ côi cha từ năm 14 tuổi. Sau khi mẹ chết (12-1908), Hítle sống lang thang ở Viên (Áo). Tháng 8-1914 đi lính, hai lần bị thương và được tặng thưởng “Chữ thập sắt”. Tháng 9-1919, gia nhập một nhóm chính trị ở Muynkhen (Muchen, cg. Muyních). Năm 1921, thành lập Đảng Công nhân quốc gia Xã hội Đức (tức Đức Quốc xã). Cuốn sách Cuộc chiến đấu của tôi (1924) tuyên truyền tư tưởng chiến tranh, âm mưu lập lại trật tự mới, bá chủ thế giới. Hítle chủ mưu đốt toà nhà Quốc hội nhằm vu cho những người cộng sản là thủ phạm, để lấy cớ tiến hành cuộc khủng bố Đảng Cộng sản Đức và người Do Thái, thiết lập nền thống trị độc tài của Đảng Quốc xã. Sau khi Hinđenbua (P. von Hindenburg) chết (1934), Hítle được cử làm Quốc trưởng. Từ đó, Hítle ráo riết chuẩn bị cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (9-1939 - 5-1945). Ngày 30-4-1945, quân đội Liên Xô đánh bại quân đội phát xít Đức, Hítle tự sát.

HOÀNG SÂM (1915 - 1968): Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, tên thật là Trần Văn Kỳ, quê ở huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Tham gia cách mạng từ năm 1927, năm 1942 là Tỉnh uỷ viên tỉnh Bắc Cạn. Năm 1944, khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập, được cử làm Trung đội trưởng và sau đó là Đại đội trưởng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là Uỷ viên Quân uỷ hội và được giao phụ trách Quân khu II. Những năm 1946-1950, là Khu trưởng Khu II, chỉ huy Mặt trận Tây Tiến. Từ năm 1951, là phái viên Bộ Quốc phòng trong các chiến dịch tại Đại đoàn 304, 312. Từ năm 1953, là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, Chỉ huy trưởng Mặt trận Trung Lào, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320. Năm 1955, làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hải Phòng. Trong kháng chiến chống Mỹ, là Tư lệnh quân khu Trị Thiên. Hy sinh năm 1968. Đại biểu Quốc hội khoá II, III. Được tặng Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều Huân chương cao quý khác, được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh (1999).

HOÀNG VĂN THÁI (1915-1986): tên thật là Hoàng Văn Xiêm, nhà hoạt động cách mạng và quân sự Việt Nam, Đại tướng (1980), quê ở Tân An, Tiền Hải, Thái Bình. Tham gia cách mạng từ năm 1936, đảng viên Đảng Cộng sản (1936); tháng 9-1940, bị thực dân Pháp bắt giam một thời gian. Năm 1941, học quân sự ở Trung Quốc; tháng 12-1944, tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, phụ trách công tác tham mưu, trinh sát. Tháng 3 đến tháng 7-1945, chỉ huy cánh quân cướp chính quyền ở Chợ Đồn, phụ trách Trường Quân chính kháng Nhật ở Tân Trào. Tháng 8-1945, tham gia cướp chính quyền ở Lục An Châu và đưa quân về phối hợp cướp chính quyền ở Tuyên Quang. Tháng 10-1945, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao tổ chức Bộ Tổng tham mưu. Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (1945-1953). Trong kháng chiến chống Pháp, làm Tham mưu trưởng các chiến dịch lớn như Biên giới (1950), Điện Biên Phủ (1954). Năm 1958, Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn; năm 1960, kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao của Chính phủ. Trong Kháng chiến chống Mỹ, đã trải qua các chức vụ như: Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân khu V; năm 1966, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam; những năm 1967-1973, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam; Phó Bí thư Quân uỷ miền Nam, chỉ đạo, chỉ huy nhiều chiến dịch lớn ở Nam Bộ. Năm 1974, Thứ trưởng Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất, Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương. Tác giả của một số tác phẩm chính trị và lịch sử quân sự có giá trị về lịch sử quân sự hiện đại. Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá II, IV, V; đại biểu Quốc hội khoá VII. Được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Hai, hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều huân chương cao quý khác.

HOÀNG VĂN THỤ (1906-1944): người dân tộc Tày, quê ở huyện Văn Uyên (nay là huyện Văn Lãng), tỉnh Lạng Sơn. Tham gia cách mạng từ năm 1926. Bỏ học, sang Trung Quốc, gia nhập đội quân Bắc phạt, được phong trung uý.

Năm 1932, làm ở Sở tu giới (sửa chữa vũ khí) Long Châu. Tại đây, bắt liên lạc được với Lê Hồng Phong rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1933.

Năm 1935, về nước, hoạt động tại Việt Bắc, làm Chủ bút báo Tranh đấu, cơ quan ngôn luận của Mặt trận phản đế Việt Bắc, viết báo Lao động, lãnh đạo phong trào Mặt trận dân chủ ở Bắc Kỳ.

Khi Xứ uỷ Bắc Kỳ lập lại, được bổ sung vào Xứ uỷ rồi vào Thường vụ, khi Lương Khánh Thiện bị bắt, được cử làm Bí thư Xứ uỷ (khoảng năm 1939).

Năm 1940, được cử vào Trung ương và tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (tháng 4-1940) được cử vào Ban Thường vụ Trung ương. Đầu năm 1941, được Trung ương cử ra chắp nối liên lạc với Quốc tế Cộng sản và bộ phận hải ngoại của Đảng. Tháng 1-1941, gặp Nguyễn Ái Quốc tại Tân Khư (Quảng Tây, Trung Quốc).

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8, phụ trách công tác binh vận, là một trong những người sáng lập ra báo Cờ giải phóng.

Tháng 8-1943, bị thực dân Pháp bắt, và bị xử bắn ngày 24-5-1944, tại Bạch Mai.

HOÀNG QUỐC VIỆT (1905-1992): tên thật là Hạ Bá Cang, quê ở Đáp Cầu, Võ Giàng, Bắc Ninh. Tham gia cách mạng từ năm 1925 và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1928. Năm 1930, là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương do Hội nghị hợp nhất cử ra. Năm 1937, là Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ. Từ tháng 5-1941, là Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1945, là Uỷ viên Thường vụ Trung ương. Từ năm 1951 đến năm 1957, là Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam và là Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Năm 1960, là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 1976, được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1977, được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 1983, là Chủ tịch danh dự của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

HỒ HỌC LÃM: tên thật là Hồ Xuân Lan, hiệu là Hinh Sơn (1883-1943), quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, là cháu Hồ Bá Ôn và là chú của Hồ Tùng Mậu. Ông Lãm có tinh thần yêu nước, xuất dương từ phong trào Đông Du, đã tốt nghiệp khoá II Học viện Quân sự Bảo Định, đã từng làm giáo viên Trường Quân sự Hoàng Phố, và làm việc trong quân đội Trung Quốc (Quốc dân Đảng). Ông là người sáng lập của Việt Nam độc lập đồng minh hội, tổ chức ở Nam Kinh năm 1936. Ông Lãm đã tiếp xúc với Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1930. Có công lớn trong việc giúp đỡ các nhà cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc. Ông mất năm 1943 tại Liễu Châu.

HỒ TÙNG MẬU (1896-1951): tên thật là Hồ Bá Cự, quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ lúc còn trẻ và đã nhiều năm hoạt động ở Thái Lan và Trung Quốc. Năm 1923, cùng Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái lập ra nhóm Tâm tâm xã.

Ông là một trong những người đầu tiên tham gia tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam - Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - và đã tham dự các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng ở Quảng Châu, do Nguyễn Ái Quốc tổ chức.

Ông còn là người tích cực liên hệ với Hội quốc tế Cứu tế đỏ và vận động luật sư Lôdơbi đấu tranh về mặt pháp lý đòi chính quyền Anh ở Hồng Kông phải trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc khi Người bị chúng bắt giam trái phép tại Hồng Kông (1931). Bị trục xuất khỏi tô giới Anh, ông bị thực dân Pháp bắt tháng 6-1931 đưa về nước, kết án tử hình, sau giảm xuống chung thân. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được Đảng và Nhà nước ta giao giữ nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến Liên khu V (1946), Tổng thanh tra Chính phủ (1947). Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), ông được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Hồ Tùng Mậu đã hy sinh trên đường đi công tác tại Thanh Hoá ngày 23-7-1951. Ông được Đảng và Nhà nước ta truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

L

LÊ QUẢNG BA (1914-1988): tên thật là Đàm Văn Mông, nhà hoạt động cách mạng và quân sự Việt Nam, Thiếu tướng, người dân tộc Tày, quê Cao Bằng. Tham gia cách mạng từ năm 1935. Đảng viên Đảng Cộng sản (1936), phụ trách đội quân du kích đầu tiên ở Cao Bằng (1941). Từ năm 1944 đến năm 1945, Uỷ viên quân sự liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng, phái viên Kỳ bộ Việt Minh ở Cao - Bắc - Lạng. Trong kháng chiến chống Pháp, lần lượt giữ các chức vụ: Khu trưởng Khu Hà Nội, Khu trưởng Chiến khu 12 và Chỉ huy trưởng Chiến dịch Thập vạn đại sơn. Từ tháng 12-1949, Tư lệnh Liên khu Việt Bắc. Tháng 5-1951, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 316, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ năm 1960, làm Trưởng Ban Dân tộc Trung ương và đảm nhiệm nhiều trọng trách khác, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khoá III, đại biểu Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI. Được tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác.

LÊ THIẾT HÙNG (1908-1986): tên thật là Lê Văn Nghiệm, Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam (1948), quê ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925). Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930. Năm 1940, sau khi tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc), về nước hoạt động ở căn cứ địa cách mạng Cao - Bắc - Lạng, tổ chức và làm chính trị viên Đội vũ trang đặc biệt, Giám đốc Trường Quân sự Cao Bằng. Tháng 8-1945, chỉ huy lực lượng vũ trang giành chính quyền ở Thất Khê - Na Sầm - Đồng Đăng. Sau Cách mạng Tháng Tám, làm Khu trưởng Khu IV, Tổng chỉ huy tiếp phòng quân (3-1945); Tổng thanh tra quân đội, chỉ huy mặt trận Bắc Cạn - Tuyên Quang; Hiệu trưởng Trường Bổ túc cán bộ Quân đội trung cấp (1947 - 1950); Cục trưởng Cục Quân huấn; Hiệu trưởng Trường Lục quân Việt Nam (1950-1954); Tư lệnh pháo binh Việt Nam (1954-1963); Đại sứ Việt Nam tại Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (từ năm 1963); Phó Trưởng Ban Đối ngoại của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (5-1970). Được tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác.

LÊ HỒNG PHONG (1902-1942): tên thật là Lê Huy Doãn, sinh ra trong một gia đình nông dân ở làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng (nay là xóm 10, xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Năm 1924, Lê Hồng Phong tham gia nhóm Tâm tâm xã, tham gia lớp huấn luyện Quảng Châu do Nguyễn Ái Quốc phụ trách và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sau khi tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố và Trường Hàng không Quảng Châu, được Chính phủ Quảng Châu và Nguyễn Ái Quốc giới thiệu đi học tại Liên Xô. Tại Liên Xô, Lê Hồng Phong đã học Trường Lý luận quân sự không quân Lêningrát, sau đó học Trường đào tạo phi công Bôrítxgơlépxcơ và từ cuối năm 1928 đến năm 1931 được chuyển đến học và tốt nghiệp Trường đại học Phương Đông (khoá 3 năm).

Cuối năm 1931, Lê Hồng Phong được về nước để tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng với nhiệm vụ trước mắt là khôi phục lại hệ thống tổ chức của Đảng, và đầu những năm 30 của thế kỷ XX, trên thực tế, đồng chí đã trở thành người đứng đầu Ban Chỉ huy ở ngoài.

Tháng 3-1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Ma Cao (Trung Quốc) bầu Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư của Đảng.

Lê Hồng Phong là Trưởng đoàn đại biểu Đảng ta tham dự Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva (1935) và được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.

Tháng 7-1936, Lê Hồng Phong triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng họp tại Thượng Hải (Trung Quốc) để bàn về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, mở đầu thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939). Đồng chí nhiều lần bị thực dân Pháp bắt và chế độ nhà tù hà khắc của chúng đã giết hại đồng chí ngày 5-9-1942 tại nhà tù Côn Đảo.

LÔDƠBI, Ph. H (Loseby, Francis Henry) (1883-1967): Luật sư Ph. H. Lôdơbi sinh tại Anh trong một gia đình có truyền thống về luật. Ông nội và bố đều là luật sư. Sau khi tốt nghiệp luật, Ph. H. Lôdơbi làm luật sư trong quân đội Anh. Năm 1926, ông sang Hồng Kông làm việc trong Văn phòng luật sư Rớtxơ và Co (RUSS & Co). Năm 1928, ông mua văn phòng này. Năm 1931, ông là cố vấn luật bào chữa thành công trong vụ án Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc) - một vụ án nổi tiếng ở Hồng Kông.

Đầu năm 1960, theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luật sư Ph. H. Lôdơbi cùng phu nhân và con gái đã sang thăm Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa gia đình luật sư thăm nhiều nơi, tặng quà, ảnh kỷ niệm cho gia đình luật sư. Năm 1967, biết tin luật sư Ph. H. Lôdơbi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua cơ quan Đại diện thương mại Việt Nam tại Hồng Kông đã gửi vòng hoa viếng và căn dặn trên băng tang của vòng hoa chỉ ghi "Hồ Chí Minh". Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, bà Lôdơbi và con gái đã gửi điện chia buồn.

LÝ TẾ THÂM: một lãnh tụ của Hội đồng cách mạng Quốc dân Đảng Trung Quốc. Sau tháng 10-1949, là Phó chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Chức vụ chính thức ở Quế Lâm là Chánh Văn phòng Quế Lâm của Hội đồng Quân sự Trung Quốc.

LÝ PHÚ XUÂN (1900-1975): người Trường Sa, Hồ Nam (Trung Quốc). Năm 1919, sang Pháp tham gia phong trào "Cần công kiệm học". Năm 1922, gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Là một trong những người lãnh đạo Tổng bộ tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở châu Âu. Năm 1925, về nước. Là đại diện của Đảng trong Quân đoàn 2 Bắc phạt, kiêm Chủ nhiệm Ban chính trị, quyền Bí thư Tỉnh uỷ Giang Tây. Sau làm Trưởng ban Tuyên truyền và quyền Bí thư tỉnh Quảng Đông.

Đầu năm 1930, khi biết tin Nguyễn Ái Quốc đến Hồng Kông tổ chức Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Lý Phú Xuân đã đến thăm Người và tỏ ý rất vui mừng đón nhận sự kiện quan trọng của cách mạng Việt Nam. Năm 1931, lên căn cứ địa cách mạng Trung ương, phụ trách Bí thư Tỉnh uỷ Giang Tây.

Trong thời kỳ chiến tranh kháng Nhật, làm Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Tài chính Kinh tế Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương. Trong thời kỳ chiến tranh giải phóng, làm Phó Chủ tịch Chính phủ nhân dân Đông Bắc, Phó chính uỷ quân khu Đông Bắc.

Sau ngày thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, đồng chí đảm nhận nhiều chức vụ: Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Tài chính Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Tổng lý Quốc vụ viện. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 (khoá VI) Đảng Cộng sản Trung Quốc, được bầu làm Uỷ viên Trung ương dự khuyết. Từ Đại hội VII đến Đại hội X, là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất (khoá VIII), là Uỷ viên Bộ Chính trị. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 (khoá VIII), là Bí thư Ban Bí thư Trung ương; Hội nghị Trung ương 11 (khoá VIII) đã bầu đồng chí làm Uỷ viên Thường trực Bộ Chính trị.

M

MÁCTY, Ăngđơrê (1886-1956): Nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Đảng Cộng sản Pháp, người đã tham gia tổ chức và lãnh đạo cuộc phản chiến của hải quân Pháp trên chiến hạm Phơrăngxơ (France), khi được điều đến Biển Đen tham gia cuộc chiến tranh can thiệp của 14 nước đế quốc nhằm chống lại cuộc Cách mạng Nga vào năm 1919; được mệnh danh là "Anh hùng Hắc Hải", được hải quân Liên Xô lấy tên ông đặt cho một chiến hạm của mình.

Ông gia nhập Đảng Cộng sản năm 1928, sau đó trở thành một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng của Đảng Cộng sản Pháp lúc bấy giờ.

Tại Đại hội VII (1935) của Quốc tế Cộng sản, ông được bầu vào Ban Chấp hành và Ban Bí thư Quốc tế Cộng sản.

Năm 1952, ông bị đưa ra khỏi Đảng Cộng sản Pháp. Ông qua đời năm 1956, trước khi được khôi phục lại đảng tịch.

N

NGUYỄN LƯƠNG BẰNG (1904-1979): tức Sao Đỏ. Quê ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Khi lớn lên, làm công nhân tàu biển. Năm 1925, được gặp Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu (Trung Quốc) và bắt đầu hoạt động cách mạng và được Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cử về nước hoạt động. Năm 1928, từ Hải Phòng, được tổ chức phái đi công tác tại Hồng Kông, Quảng Châu, Thượng Hải. Ông gia nhập nhóm cộng sản đầu tiên của người Việt Nam ở Trung Quốc.

Năm 1931, bị mật thám Pháp bắt đưa về nước và bị kết án 20 năm tù khổ sai. Năm 1932, vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1933, lại bị thực dân Pháp bắt, bị kết án tù chung thân và đày đi Sơn La. Năm 1943, lại vượt ngục và trở về hoạt động cách mạng. Năm 1944, đồng chí được Đảng chỉ định làm Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác tài chính và binh vận. Năm 1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, đồng chí được bầu làm Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội quốc dân Tân Trào, được bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng toàn quốc. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí liên tục là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và từ Đại hội III đến Đại hội IV, là Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Đồng chí lần lượt giữ các chức vụ: Tổng giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam tại Liên Xô; Tổng thanh tra của Chính phủ. Tại Quốc hội khoá III, kỳ họp thứ năm, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sau khi nước nhà thống nhất, Quốc hội khoá VI cử đồng chí làm Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

NGUYỄN THỊ MINH KHAI (1910 - 1941): còn có tên là Vịnh, con một viên chức xe lửa ở thành phố Vinh, Nghệ An. Năm 1927, Nguyễn Thị Minh Khai tham gia tổ chức Hội Hưng Nam (tiền thân của Tân Việt cách mạng Đảng). Đầu năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai được cử sang công tác tại Văn phòng chi nhánh Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản (trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc).

Tháng 7-1935, đồng chí là thành viên trong đoàn đại biểu do Đảng ta cử đi Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva. Tại Đại hội, với biệt danh Phan Lan, đồng chí đã đọc bản tham luận về vai trò của phụ nữ Đông Dương trong cuộc đấu tranh cách mạng.

Về nước, đồng chí được cử vào Xứ uỷ Nam Kỳ và trực tiếp làm Bí thư Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn.

Ngày 30-7-1940, Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt và giết hại vào ngày 26-8-1941.

NGUYỄN HẢI THẦN (1878-1959): tên thật là Vũ Hải Thu, quê ở Đại Từ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông cũ. Năm 1905, theo Phan Bội Châu sang Trung Quốc, đã theo học các Trường võ bị Hoàng Phố, Hồ Nam, Thiều Quang, vốn là thành viên Việt Nam Quang phục hội sau là đảng viên Đại Việt, tham gia quân đội Quốc dân Đảng, được cử làm liên trưởng (tương đương như đại đội trưởng) kiêm tri huyện. Sau khi Phan Bội Châu bị bắt, đưa về nước, Nguyễn Hải Thần tự coi mình là người kế tục của Phan Bội Châu ở Quảng Châu.

Năm 1931, Nguyễn Hải Thần về Quảng Châu mở cửa hàng xem số tử vi. Sau đó được Tưởng tập hợp cùng Vũ Hồng Khanh và một số người có tư tưởng chống Cộng lập ra Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Năm 1945, Nguyễn Hải Thần theo đoàn quân của Tiêu Văn về Việt Nam.

Để thực hiện sách lược tạm hoà hoãn với quân Tưởng nhằm tập trung lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ, ngày 1-1-1946, Nguyễn Hải Thần được cử giữ chức Phó chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và sau đó được bổ sung vào Quốc hội không qua bầu cử và giữ chức Phó chủ tịch Chính phủ liên hiệp chính thức.

Sau khi quân Tưởng rút về Trung Quốc, Nguyễn Hải Thần bỏ trốn theo quân Tưởng về Nam Kinh. Năm 1947, Nguyễn Hải Thần lại về Quảng Châu tiếp tục mở cửa hàng tử vi và sống ở Trung Quốc cho đến khi qua đời (1959).

NGUYỄN TƯỜNG TAM (1905-1963): tức Nhất Linh, quê gốc ở Quảng Nam. Nguyễn Tường Tam là người cầm đầu nhóm Tự lực văn đoàn, Chủ nhiệm báo Phong hoáNgày nay. Năm 1940, đứng ra lập đảng Đại Việt Dân chính thân Nhật. Do sách lược của Chính phủ ta tạm thời hoà hoãn với Tưởng, tháng 3-1946, Nguyễn Tường Tam được bổ sung vào Quốc hội không thông qua bầu cử và giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp quốc dân. Được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ đi dự Hội nghị Đà Lạt (16-4-1946) và thành viên trong đoàn đại biểu Chính phủ ta dự Hội nghị Phôngtennơblô. Nhưng Nguyễn Tường Tam đã bỏ nhiệm vụ. Sau đó theo Vũ Hồng Khanh đi Vân Nam (Trung Quốc) rồi tiếp tục làm tay sai cho thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ. Chết năm 1963 tại Sài Gòn.

P

PHẠM VĂN ĐỒNG (1906-2000): quê xã Đức Tây, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tham gia phong trào học sinh, sinh viên để tang chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh và bị đuổi học. Năm 1926, dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu. Năm 1927, về hoạt động ở Nam Kỳ và được cử vào kỳ bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, bị bắt và bị kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo. Năm 1936, được trả lại tự do, ra hoạt động công khai tại Hà Nội. Năm 1940-1941, hoạt động tại miền Nam Trung Quốc, sau đó trở về nước tham gia tổ chức xây dựng căn cứ địa cách mạng Cao - Bắc - Lạng.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, được cử vào Chính phủ lâm thời, làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, được bầu vào Quốc hội liên tục từ khoá I đến khoá VII.

Từ năm 1947, được cử giữ nhiều trọng trách: Đại diện Chính phủ tại Nam Trung Bộ, Phó Thủ tướng Chính phủ (1949), rồi Thủ tướng Chính phủ (1955), sau đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến năm 1987. Ông là Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ ta tham gia các Hội nghị Phôngtennơblô (1946), Hội nghị Giơnevơ (1954), Hội nghị Băngđung (1955) và nhiều Hội nghị quốc tế khác.

Ông là Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng (1947), Uỷ viên chính thức (1949). Từ năm 1951 đến năm 1986, ông liên tục được bầu là Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị. Từ năm 1987, là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

PHÙNG CHÍ KIÊN (1901-1941): tên thật là Nguyễn Vỹ, quê ở làng Mỹ Quang Thượng, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Năm 1926, sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, vào học Trường Quân sự Hoàng Phố, tham gia Quảng Châu Công xã (12-12-1927). Năm 1931, được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang Liên Xô học Trường đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Năm 1934, được Quốc tế Cộng sản cử về hoạt động tại Hồng Kông, tham gia Ban Chỉ huy ở ngoài.

Năm 1935, dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng tại Ma Cao (Trung Quốc), được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương. Năm 1936, về nước hoạt động, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Sài Gòn. Được ít lâu, Trung ương Đảng lại điều sang Trung Quốc thay Lê Hồng Phong về nước hoạt động, chỉ đạo công tác đảng ở ngoài nước. Ở Trung Quốc, đã được gặp Nguyễn Ái Quốc và cùng Người về nước hoạt động đầu năm 1941. Tháng 5-1941, tham dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Sau Hội nghị Trung ương, đồng chí được cử làm chỉ huy Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất. Hy sinh ngày 20-8-1941 trong lúc đang chỉ huy đơn vị chiến đấu tại Ngân Sơn, Bắc Cạn.

T

THÁI SƯỚNG (1900-1990): người Vĩnh Phong, huyện Tương, Hồ Nam (Trung Quốc). Tên thật là Hàm Hi (nữ). Năm 1919, sang Pháp tham gia phong trào "Cần công kiệm học". Năm 1923, vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1924, sang Liên Xô vào học Trường đại học Phương Đông. Năm 1925, về nước, liên tục đảm nhận nhiều chức vụ: Bí thư Uỷ ban Phụ nữ Khu uỷ Lưỡng Quảng (Quảng Đông - Quảng Tây), Trưởng ban phụ nữ tỉnh Giang Tây, Uỷ viên Uỷ ban Phụ nữ Trung ương Trung Quốc.

Năm 1930, biết tin Nguyễn Ái Quốc đến Hồng Kông chuẩn bị tổ chức Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Thái Sướng đã đến thăm Người và tỏ ý rất vui mừng đón nhận sự kiện quan trọng của cách mạng Việt Nam.

Năm 1931, là Trưởng ban tổ chức Tỉnh uỷ Giang Tây, Trưởng ban phụ nữ và Chủ tịch Uỷ ban Giám sát công nông của Chính phủ Xôviết tỉnh Giang Tây. Sau đó là Tỉnh uỷ viên Thiểm Cam Ninh, Bộ trưởng Bộ Phụ nữ liên khu Thiểm Cam Ninh. Năm 1941, đảm trách Bí thư Uỷ ban Phụ nữ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1945, trúng cử vào Ban Chấp hành Hội liên hiệp Phụ nữ dân chủ thế giới. Năm 1948, làm Phó Chủ tịch tổ chức này. Sau khi thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, một thời gian dài đảm nhiệm công tác lãnh đạo Hội liên hiệp Phụ nữ toàn quốc, là Chủ tịch Hội các khoá I, II, III. Sau năm 1975, được bầu làm Phó Uỷ viên trưởng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá IV và V. Năm 1978, được bầu làm Chủ tịch danh dự Hội liên hiệp Phụ nữ toàn quốc. Là đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá V.

Tại các Đại hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ VII, VIII, IX, X, XI, đều được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

THOREZ, Maurice (Tôrê, Môrixơ) (1900-1964): nhà hoạt động chính trị Pháp và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tháng 3-1919, tham gia Đảng Xã hội Pháp và tích cực hoạt động đấu tranh để thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp (1924), Uỷ viên Bộ Chính trị và Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1925), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp (1930-1964), Uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (1928-1943).

TÔN TỬ: là cách gọi suy tôn Tôn Vũ, nhà quân sự lớn sống ở cuối thế kỷ VI trước Công nguyên, tướng nước Ngô dưới triều vua Hạp Lư thời Xuân Thu (722-481 trước Công nguyên), tác giả Tôn Tử binh pháp, bộ binh thư sớm nhất trên thế giới, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được đánh giá cao.

TỐNG KHÁNH LINH (1894-1981): xuất thân trong một gia đình đại tư sản (họ Tống là một trong bốn đại gia tộc Tưởng, Tống, Khổng, Trần ở Trung Quốc). Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Wesley (Mỹ), là thư ký của Tôn Dật Tiên năm 1912, sau theo Tôn trốn sang Nhật và từ năm 1915 trở thành Tôn Trung Sơn phu nhân. Sau khi Tôn Trung Sơn mất, bà đã lãnh đạo cánh tả của Quốc dân Đảng, là nhà hoạt động xã hội, một nhà yêu nước và dân chủ nổi tiếng, đã giúp đỡ nhiều đảng viên cộng sản. Tác phẩm Phấn đấu cho nước Trung Hoa mới được giải thưởng Stalin năm 1952. Sau năm 1949, là Phó Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. 15 ngày trước khi qua đời, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà là một người bạn quen biết từ năm 1924 ở Quảng Châu, đã giúp Hồ Chí Minh nối được liên lạc với tổ chức vào năm 1938 ở Thượng Hải.

TRẦN PHÚ (1904 - 1931): Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, quê ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1925, tham gia Hội Phục Việt, tổ chức đầu tiên của Tân Việt cách mạng Đảng. Năm 1926, tham dự lớp huấn luyện cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc) do Nguyễn Ái Quốc tổ chức, sau đó được cử sang học tại Trường đại học Phương Đông Liên Xô.

Tháng 4-1930, Trần Phú về nước, được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khởi thảo Luận cương cách mạng tư sản dân quyền. Bản luận cương được Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (10-1930) thông qua. Tại Hội nghị này, Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Ngày 19-4-1931, Trần Phú bị thực dân Pháp bắt. Ở trong tù, do bị kẻ thù tra tấn hết sức dã man và bệnh nặng, sức yếu không qua khỏi, đồng chí đã hy sinh ngày 6-9-1931.

TRƯƠNG PHÁT KHUÊ (1896-1980): tự là Hướng Hoa, người Thuỷ Hưng, tỉnh Quảng Đông. Từ trẻ đã tham gia Đồng minh hội (tên đầy đủ là Trung Quốc cách mạng Đồng minh hội, thành lập năm 1905 tại Tôkyô, Nhật Bản; do ba tổ chức hợp thành: Trung Hưng hội, Hoa Hưng hội, Quang Phục hội, do Tôn Trung Sơn làm Hội trưởng). Tốt nghiệp Trường dự bị Sĩ quan lục quân 2. Đã từng làm Quân đoàn trưởng Quảng Đông. Sau năm 1925, nhậm chức Sư trưởng Sư 12 Quân đoàn 4 của Quân cách mạng quốc dân (tên gọi quân đội trong thời kỳ Quốc - Cộng hợp tác lần thứ nhất), rồi sau đó là Quân đoàn trưởng. Năm 1929, nhậm chức Tổng tư lệnh lộ quân thứ ba của Hội Đảng Cứu quốc Quân vùng Quế Lâm. Từ năm 1930, nhậm chức Chỉ huy trưởng lộ quân thứ nhất thuộc Phương diện quân thứ nhất của Quốc dân Đảng, Tổng chỉ huy tiền phương. Tiếp đó là Chủ nhiệm công tác bình định biên khu Tô Triết (Tô Châu và Triết Giang), Tổng tư lệnh tập đoàn quân thứ 8, Tổng tư lệnh Binh đoàn 2 Chiến khu

thứ 9, Tư lệnh Chiến khu 4 và 6 (Đệ tứ chiến khu và Đệ lục chiến khu). Từ cuối năm 1943, trong quá trình chỉ đạo cải tổ Việt Nam cách mạng đồng minh hội, Trung tướng - Tư lệnh Đệ tứ chiến khu Trương Phát Khuê thấy rõ sức mạnh của Việt Minh do Hồ Chí Minh là lãnh tụ, nên đã trả lại tự do cho Hồ Chí Minh và giao cho Người chuẩn bị kế hoạch triệu tập Hội nghị đại biểu các đoàn thể cách mạng hải ngoại của Việt Nam cách mạng đồng minh hội tại Bộ Tư lệnh Đệ tứ chiến khu từ ngày 25 đến ngày 28-3-1944. Tại Hội nghị này, Hồ Chí Minh được bầu vào Ban Chấp hành cách mạng Đồng minh hội.

Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến, Trương Phát Khuê nhậm chức Chủ nhiệm hành chính tỉnh Quảng Đông. Năm 1949, quyền Tổng thống Lý Tôn Nhân cử ông làm Tổng tư lệnh lục quân. Tháng 7 - 1949, ông từ chức về Hồng Kông cư trú.

TRƯỜNG CHINH (1907-1988): tên thật là Đặng Xuân Khu, nhà hoạt động cách mạng, nhà thơ (bút danh Sóng Hồng), nhà báo, quê ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1925, gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1927. Từ năm 1936 đến năm 1939, là Uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ, đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương trong Uỷ ban Mặt trận dân chủ Bắc Kỳ. Năm 1940, là quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941, là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương và năm 1951, được bầu lại là Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam. Năm 1958, là Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Tại Đại hội III (1960), Đại hội IV (1976), Đại hội V (1982), được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, là Uỷ viên Bộ Chính trị. Từ năm 1960 đến năm 1981, là Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Năm 1981, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ tháng 7-1986 đến trước Đại hội VI của Đảng, lần thứ ba ông được bầu vào cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

TƯỞNG GIỚI THẠCH (1887-1975): người tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Từng học quân sự ở Nhật. Năm 1923, giữ chức Tham mưu trưởng Tổng hành dinh Chính phủ quân sự Quảng Đông. Được Tôn Trung Sơn cử đi khảo sát về quân sự ở Liên Xô, rồi về nước giữ chức Hiệu trưởng Trường Quân sự Hoàng Phố (1924). Sau khi Tôn Trung Sơn mất, Tưởng Giới Thạch giữ chức Chủ tịch Ban Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân Đảng, Tổng tư lệnh quân đội Chính phủ Quốc dân. Năm 1943, tái nhiệm chức Chủ tịch Chính phủ Quốc dân Đảng. Năm 1948, làm Tổng thống. Tháng 1-1949, Tưởng Giới Thạch từ chức; cùng năm rút ra Đài Loan tiếp tục giữ chức Tổng tài Quốc dân Đảng và Tổng thống Trung Hoa dân quốc ở Đài Loan.

V

VAXILIÊVA, Vêra (1900-1959): sinh tại Vitépxkaia, đảng viên Đảng Cộng sản (b) Nga từ năm 1918. Tốt nghiệp Đại học "Giáo sư đỏ", chuyên ngành Lịch sử phương Đông. Nhiều năm đồng chí làm công tác trong bộ máy của Đảng. Từ năm 1931, là chuyên viên của Quốc tế Cộng sản về Đông Dương, đồng thời làm giáo viên, chủ nhiệm một khoa của Trường đại học Phương Đông. Tháng 5-1935, Vêra Vaxiliêva đã viết thư gửi Ban Thư ký Phương Đông thuộc Quốc tế Cộng sản trình bày về những nguyện vọng của Nguyễn Ái Quốc muốn thiết lập mối liên lạc với Đảng và đã chuyển Người tới Trường Lênin tại Mátxcơva làm công tác nghiên cứu. Từ năm 1936, Vêra Vaxiliêva làm Trưởng phòng nghiên cứu Đông Dương với nhiệm vụ chính là xây dựng các kế hoạch nghiên cứu của Phòng, sưu tập lịch sử của Đảng Cộng sản Đông Dương, kiêm công tác giảng dạy cho nghiên cứu sinh và sinh viên về công tác đảng. Vêra Vaxiliêva đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác của Quốc tế Cộng sản trong việc chỉ đạo và xây dựng Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí đã viết một số tác phẩm về Đông Dương; là một trong những người đã tham gia góp ý, soạn thảo Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1932.

Từ năm 1939 đến năm 1957, đồng chí công tác tại Viện Kinh tế thế giới, từ năm 1957 đến năm 1959 tại Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Năm 1955, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Liên Xô, Vêra Vaxiliêva đã đến gặp Người. Sau đó, đồng chí được Người mời sang thăm Việt Nam, nhưng do bị ốm nên chuyến thăm không thành.

VAYĂNG CUTUYARIÊ, Pôn (1892-1937): nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà hoạt động chính trị-xã hội nổi tiếng của Đảng Cộng sản Pháp, sinh tại Pari trong một gia đình quý tộc. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông bị đẩy ra mặt trận trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), nhờ đó ông nhận ra được bản chất tàn bạo của chiến tranh đế quốc và những nỗi đau khổ, chết chóc mà nhân dân lao động phải gánh chịu.

Chịu ảnh hưởng tư tưởng của Giăng Giôrét, Các Liếpnếch và Lênin, ông đã đến với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Ông gia nhập Đảng Xã hội Pháp; tại Đại hội Tua năm 1920, ông đã cùng với Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế thứ ba và trở thành một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp, nhiều năm được bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp, nghị sĩ Quốc hội, Chủ nhiệm báo L' Humanité từ năm 1928 đến năm 1937.

Vayăng Cutuyariê là một người đồng chí, người bạn thân thiết của Nguyễn Ái Quốc, chính ông đã giới thiệu Nguyễn Ái Quốc vào Đảng Xã hội Pháp, giúp Nguyễn làm quen với các nhân vật nổi tiếng của Đảng lúc bấy giờ: Mácxen Casanh, Giăng Lôngghê, G. Môngmútxô và nhiều người khác. Năm 1933, cũng chính Vayăng Cutuyariê đã tích cực giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc chắp nối được liên lạc với tổ chức sau khi thoát khỏi nhà ngục Hồng Kông để trở lại Liên Xô.

VÕ NGUYÊN GIÁP: sinh ngày 25-8-1911, tại làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình. Sớm tham gia phong trào yêu nước và gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng. Thời kỳ 1936-1939, hoạt động công khai tại Hà Nội. Năm 1940, sang Trung Quốc, được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau đó cùng Người trở về tham gia xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Cao - Bắc - Lạng. Võ Nguyên Giáp là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tháng 12-1944, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng năm 1945 ở Tân Trào, được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông được cử giữ nhiều trọng trách trong bộ máy nhà nước: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Quân sự uỷ viên hội, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị trù bị Đà Lạt. Năm 1948, được phong quân hàm Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ông được giao nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy quân đội qua nhiều chiến dịch từ Việt Bắc Thu Đông (1947) đến Biên giới (1950), Điện Biên Phủ (1954), và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975).

Từ Đại hội II (1951) đến Đại hội IV (1976), liên tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Đại hội V (1982), được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông là đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá I đến khoá VII. Từ năm 1955, được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ, sau này là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng liên tục cho đến năm 1991. Hiện là Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

VŨ HỒNG KHANH: tên thật là Vũ Văn Giản, người làng Thổ Tang, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1928, Vũ Hồng Khanh tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng. Sau vụ bạo động của Quốc dân Đảng ở Yên Bái (đầu năm 1930) thất bại, chạy sang Trung Quốc lợi dụng danh nghĩa Quốc dân Đảng để đầu cơ cách mạng. Năm 1945, theo chân quân đội Tưởng về nước. Cuối tháng 6-1946, theo chân quân đội Tưởng lại chạy sang Trung Quốc.

Năm 1949, khi cách mạng Trung Quốc thắng lợi, Vũ Hồng Khanh theo tàn quân của Bạch Sùng Hy chạy về Cao Bằng và ra làm cho Pháp. Năm 1954, Vũ Hồng Khanh chạy vào miền Nam. Năm 1979, Vũ Hồng Khanh được Chính phủ ta khoan hồng cho về quê Thổ Tang và mất tại đây năm 1993.

VƯƠNG MINH (1904-1974): tức Trần Thiệu Vũ, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, quê ở Kim Đại, tỉnh An Huy.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ hai (khoá VI) của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Vương Minh được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị. Từ Hội nghị Trung ương lần thứ ba (9-1930), sau khi thanh toán đường lối tả khuynh của Lý Lập Tam, ông được cử đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương.

Trong quá trình hoạt động, Vương Minh đã lẫn lộn "cách mạng dân chủ" và "cách mạng xã hội chủ nghĩa". Về mặt chính trị, chủ trương đấu tranh với tất cả các lực lượng không phải cách mạng, phủ nhận việc liên hiệp với các giai cấp tiến bộ, giải quyết không đúng mối quan hệ giữa các cấp ở Trung Quốc. Về quân sự, lúc đầu ông thực hiện chủ nghĩa "mạo hiểm", sau đó lại đổi thành chủ nghĩa "bảo thủ" và "tháo chạy". Về tổ chức, ông theo chủ nghĩa bè phái. Đường lối đó đã thống trị trong Đảng Cộng sản Trung Quốc bốn năm, gây ra những tổn thất to lớn cho Đảng và sự nghiệp cách mạng Trung Quốc.

Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Tuân Nghĩa (Quý Châu) tháng 1-1935 đã xác lập đường lối Mao Trạch Đông, xoá bỏ đường lối Vương Minh.