HỒ CHÍ MINH - BIÊN NIÊN TIỂU SỬ

TẬP 3 - Giai đoạn: 9/1945 - 12/1946

Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 3, ghi lại những sự kiện hoạt động cách mạng vô cùng sôi động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu tiên nước Việt Nam giành lại Độc lập 2-9-1945 đến ngày bắt đầu Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946.

Tuy thời gian chỉ có 16 tháng, nhưng đây là một giai đoạn lịch sử vô cùng sôi động và phong phú; mỗi ngày, mỗi giờ đã diễn ra biết bao sự kiện quan trọng, quan hệ đến sự tồn vong của chính quyền cách mạng và hướng đi của cuộc kháng chiến.

Cũng chính ở giai đoạn lịch sử đầy cam go thử thách lớn lao này mà thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện sinh động và trở thànhnhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người đã sáng suốt, chủ động lựa chọn những đối sách đúng đắn nhằm giải quyết kịp thời, có hiệu quả những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp trong tình thế vận nước như "nghìn cân treo sợi tóc"; bình tĩnh trước những biến cố phức tạp, linh hoạt chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua ghềnh thác, từng bước tiến lên.

Những hoạt động phong phú và sáng tạo đó của Người có thể khái quát ở những điểm sau đây:

- Xây dựng và củng cố Nhà nước cách mạng: tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, xây dựng và thông qua Hiến pháp, xác lập cơ sở pháp lý và những nguyên tắc dân chủ của chính quyền nhân dân; chủ toạ các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, ký hơn 200 Sắc lệnh về tổ chức bộ máy Nhà nước, các bộ và Uỷ ban hành chính các cấp, về tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân...

- Xây dựng và mở rộng khối đoàn kết toàn dân; thi hành chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc: tranh thủ các nhân sĩ, trí thức, quan lại cũ (kể cả Bảo Đại và hoàng tộc) để họ tin tưởng và hợp tác với chính quyền mới; chủ tọa Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số ở miền Bắc, thăm Nhà thờ Phát Diệm, thăm Chùa Bà Đá, viết thư thăm hỏi nhiều chức sắc tôn giáo... với mục đích đoàn kết Lương - Giáo, xây dựng thành công khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp chuẩn bị bước vào kháng chiến.

- Thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt để ứng phó với từng loại kẻ thù nhằm giữ vững độc lập và chủ quyền dân tộc như: tạm thời hoà hoãn với quân đội Tưởng Giới Thạch, thoả mãn một phần đòi hỏi của họ để rảnh tay đối phó với kẻ thù chính là bọn thực dân Pháp xâm lược, rồi lại tạm thời hoà hoãn với Pháp để quân Tưởng rút về nước.

Nổi bật trong những hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ này là việc ký kết Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 giữa Chính phủ Việt Nam với đại diện Pháp ở Hà Nội và chuyến đi thăm chính thức nước Pháp nhân dịp Hội nghị Phôngtennơblô nhóm họp, nhằm giương cao ngọn cờ độc lập và thiện chí hoà bình của nước Việt Nam mới. Để có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, Người đã ký với Pháp bảnTạm ước 14-9-1946.

- Vừa chỉ đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ vừa chỉ đạo việc chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc lâu dài: phát triển lực lượng vũ trang; xây dựng căn cứ địa Việt Bắc; công bố một số bài viết về chiến lược, chiến thuật quân sự dưới bút danh Q.Th. nhằm xác định tư tưởng, phương hướng của cuộc kháng chiến; cải tổ Chính phủ, lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến; viết bản chỉ thị "Công việc khẩn cấp bây giờ", đặt cơ sở cho việc hoạch định đường lối kháng chiến kiến quốc sau đó.

Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 3, tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc chỉ đạo đã được giới thiệu trong Lời giới thiệu ở đầu tập 1. Nguồn tư liệu chính dựa vào để biên soạn các sự kiện là biên bản các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, các Sắc lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một số sự kiện, thư từ, bài viết,... được nêu lên trong các hồi ký của những người cùng thời ở trong nước hoặc ngoài nước, là cộng sự hay đối lập với Người. Ngoài ra, một phần quan trọng các sự kiện của tập này được khai thác từ báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận chính thức của Mặt trận Việt Minh.

MỤC LỤC:

LỜI GIỚI THIỆU:

So với lần xuất bản thứ nhất (1995), lần xuất bản này đã bổ sung, sửa chữa và nâng tổng số sự kiện theo đơn vị ngày là trên 440 sự kiện với trên 1.300 đầu sự kiện, làm chỉ dẫn 71 tên người, làm mới 33 chú thích sự kiện (so với lần thứ nhất: 410 sự kiện ngày với gần 1.000 đầu sự kiện, 55 chỉ dẫn tên người, không có chú thích sự kiện). Khoảng 1/7 số sự kiện còn lại được xác minh lại và có bổ sung, chỉnh lý về nội dung, bổ sung nguồn sự kiện có độ tin cậy cao hơn, như từ bộ Hồ Chí Minh - Toàn tập, xuất bản lần thứ hai: tập 3, tập 4 (1995), bộVăn kiện Đảng Toàn tập: tập 7, tập 8 (2000). Phần chỉ dẫn tên người và chú thích sự kiện cuối sách cũng được xác minh và biên soạn lại theo các tư liệu mới nhất. Vì vậy, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 3, xuất bản lần thứ hai này không chỉ được bổ sung về số lượng sự kiện, nội dung mới mà còn được nâng cao về chất lượng khoa học.

Mặc dầu đã hết sức cố gắng, song vì những khó khăn về tư liệu, do sách báo thời kỳ kháng chiến chưa phản ánh hết, hoặc còn đang lưu giữ trong các kho tư liệu của nhiều cơ quan và gia đình mà chúng tôi chưa có điều kiện tiếp cận, khai thác, cho nên lần xuất bản này cũng khó tránh khỏi còn những sai sót. Chúng tôi rất mong nhận được những góp ý chân thành của các cán bộ lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu, cùng đông đảo bạn đọc gần xa để lần xuất bản sau được tốt hơn

* Năm 1945 - Tháng 9

NĂM 1945

Tháng 9, ngày 2

14 giờ, trong cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào, trên diễn đàn cao và trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập1, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Thay mặt Chính phủ lâm thời2 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người khẳng định: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và trịnh trọng tuyên bố với thế giới:

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Sau khi Chính phủ lâm thời làm lễ tuyên thệ và nhân dân thề một lòng ủng hộ Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, Người nói:

“Độc lập tự do là của quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ”.

19 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với đại biểu các tỉnh.

Cùng ngày, Người gửi thư cho toàn thể Hoa kiều ở Việt Nam. Bức thư có đoạn: "Tôi xin thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam và toàn dân Việt Nam đưa bàn tay nồng nhiệt hoan nghênh anh em Hoa kiều sinh sống trên đất nước ta, mong rằng anh em hai nước chúng ta thân mật, đoàn kết, có việc gì thì giải quyết với nhau theo nguyên tắc hợp pháp hợp lý với thái độ kính trọng nhường nhịn lẫn nhau, không được vì những việc tranh chấp nhỏ của cá nhân mà gây điều bất hạnh ngăn cách giữa hai dân tộc".

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 1994, tr. 101-109.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 1, 4, 6.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Sao Mới, 1990, tr. 198-200.

Tháng 9, ngày 3

Sáng, tại Bắc Bộ phủ (trụ sở tạm thời của Chính phủ), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Phiên họp được tiến hành giản đơn, không có nghi thức.

Người trình bày trước Hội đồng Chính phủ Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bao gồm sáu vấn đề:

1. Giải quyết nạn đói. Người đề nghị Chính phủ "phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại phát cho người nghèo".

2. Giải quyết nạn dốt. "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ".

3. Phải có một hiến pháp dân chủ. Người đề nghị Chính phủ "tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v".

4. Phải giáo dục nhân dân trừ bỏ những thói xấu do chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn để đầu độc và hủ hoá dân ta, Người đề nghị "mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH".

5. Đề nghị bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò và "tuyệt đối cấm hút thuốc phiện".

6. Đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương - Giáo đoàn kết.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thông báo Về việc tiếp chuyện đại biểu các đoàn thể. Trong thông báo, Người lưu ý:

“1. Gửi thơ nói trước, để tôi sắp thì giờ, rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi mất công.

2. Mỗi đoàn đại biểu, xin chớ quá 10 vị.

3. Mỗi lần tiếp chuyện, xin chớ quá 1 tiếng đồng hồ".

Buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Ácsimét Patti tại Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ, 12 phố Ngô Quyền, Hà Nội). Người thông báo: Hội đồng Chính phủ lâm thời đã họp vào buổi sáng, thông qua một chương trình công tác gồm sáu điểm.

Nhắc đến sự kiện ngày 2 tháng 9 quân Pháp đã gây rối ở Sài Gòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ để các nhà chức trách Đồng minh biết rằng, dù đảng nào hay nhóm nào gây ra cuộc rối loạn thì Việt Minh sẽ có trách nhiệm đảm bảo không để cho tình hình đó tái diễn.

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 121-123.

- Võ Nguyên Giáp: Những năm tháng không thể nào quên, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1975, tr. 40-44.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 8-10.

- Ácsimét L.A. Patti: Tại sao Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr. 262-264.

Tháng 9, ngày 4

Tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với ông Đặng Thai Mai. Người hỏi thăm chuyện gia đình, hỏi về ông nội, bà nội ông Đặng Thai Mai. Sau đó, Người kể chuyện về người chú ruột của ông Mai là Đặng Thúc Hứa (ông Hai Cày) khi hai người cùng sống và hoạt động ở Xiêm. Lúc sau Người nói: Bác bận lắm, chỉ gặp chú một lát thôi. Chú còn yếu lắm, phải lo mà chữa bệnh. Khoẻ rồi ra giúp nước.

- Đặng Thai Mai: Kỷ niệm về những lần gặp Bác Hồ, in trong cuốn Bác Hồ sống mãi với chúng ta (Hồi ký)**, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 25-26.

Tháng 9, ngày 5

8 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Cựu hoàng Bảo Đại (tức Vĩnh Thuỵ) vừa từ Huế ra trong khoảng 1 giờ.

Sau 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Phạm Khắc Hoè, người cùng ông Vĩnh Thuỵ đi từ Huế ra Hà Nội.

15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm ông Vĩnh Thuỵ, ở số nhà 51, Đại lộ Gămbétta (nay là số nhà 51, phố Trần Hưng Đạo), Hà Nội.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân3. Toàn văn như sau:

"Quốc dân đồng bào!

Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân Đồng minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa.

Hỡi đồng bào!

Hiện một số quân Pháp đã lọt vào nước ta. Đồng bào hãy sẵn sàng đợi lệnh Chính phủ để chiến đấu!

Chủ tịch Hồ Chí Minh”

- Phạm Khắc Hoè: Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nxb. Thuận Hoá, 1987, tr. 109-113.

- Báo Cứu quốc, số 36, ngày 5-9-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 11.

Tháng 9, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các phóng viên báo chí trong nước. Trả lời câu hỏi của các nhà báo về tiểu sử và hoạt động cách mạng của Chủ tịch, Người nói: “Từ khi ra đời, tôi đã thấy nước mình bị nô lệ. Không muốn sống cảnh nô lệ nữa, ngay từ thuở thiếu niên, tôi đã đấu tranh để giải phóng đất nước. Có lẽ đó là công lao duy nhất của tôi”.

19 giờ, Người tiếp đoàn đại biểu Uỷ ban Văn hoá lâm thời Bắc Bộ. Nói chuyện với các đại biểu về nhiệm vụ của văn hoá trong giai đoạn nước nhà mới giành được độc lập, Người nói: “Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hoá nhận thấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là: củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn gây dựng cho đất nước một nền văn hoá mới... Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng của quốc dân, đấu tranh cho nền độc lập và kiến thiết một nền văn hoá mới. Cái văn hoá mới này phải cần phải có tính cách khoa học, tính cách đại chúng, thì mới thuận với trào lưu tiến hoá của tư tưởng hiện đại”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Bộ Tổng tham mưu, Cục Chính trị và Phòng Quân nhu.

- Sự khiêm tốn của một vĩ nhân, Báo La République, số 9, ngày 2-12-1945.

- Tạp chí Tri Tân, số 205, ngày 20-9-1945, tr.3-4.

Tháng 9, ngày 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thông điệp cho Tưởng Giới Thạch. Toàn văn như sau:

“Kính gửi Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch,

Quân đội Trung Hoa tới Yên Bái bị một bọn cướp công kích, bọn cướp lấy danh hiệu của Việt Minh. Chính phủ lâm thời Dân chủ Cộng hoà Việt Nam đã tức khắc phái quân đến giúp đỡ quân Trung Hoa và tiễu trừ bọn cướp.

Xin kính chúc Tổng tư lệnh”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội. Sắc lệnh gồm bảy điều, quy định: Trong thời hạn hai tháng kể từ ngày ký Sắc lệnh này sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội. Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, một Uỷ ban dự thảo Hiến pháp bảy người sẽ được thành lập...

- Báo Cứu quốc, số 39, ngày 10-9-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 12.

- Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 30-31.

Tháng 9, ngày 10

Tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì bữa tiệc "chào mừng" tướng Tiêu Văn (một bộ hạ tin cậy của Trương Phát Khuê vừa từ Trung Quốc đến Việt Nam). Ácsimét Patti cũng được mời tới dự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng tiếng Trung Quốc nói đôi lời chào mừng ngắn gọn, sau đó giới thiệu ông Chu Văn Tấn phát biểu.

Tiêu Văn cảm ơn sự qúi mến khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau đó, Người mời Tiêu Văn sang phòng bên cạnh để nói chuyện riêng.

Sau khi Tiêu Văn ra về, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thêm với Ácsimét Patti, Người dự đoán không thể tránh khỏi một cuộc chiến tranh trong tương lai.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 23, về việc cử ông Vĩnh Thuỵ làm Cố vấn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

- Sắc lệnh số 29B, về việc lưu dụng và cho nghỉ việc một số quan chức cũ ngành toà án ở Hà Nội.

- Ácsimét L.A. Patti: Tại sao Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr. 291-294.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 9, trước ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Trưởng phái đoàn quân sự số 5 kiêm Uỷ viên Cộng hoà Pháp tại Đông Dương J. Xanhtơny.

- Báo Cứu quốc, số 40, ngày 11-9-1945.

Tháng 9, ngày 11

Bài Cách tổ chức các Uỷ ban nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ký bút danh Chiến Thắng) đăng trên báo Cứu quốc, số 40, giới thiệu về tính chất, cách tổ chức và nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân các cấp cùng các thành viên trong Uỷ ban.

Kết luận, bài báo viết: "Xem như trên, Uỷ ban nhân dân tổ chức và làm việc theo một tinh thần mới, một chế độ dân chủ mới, khác hẳn các cơ quan do bọn thống trị cũ đặt ra".

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 15.

Tháng 9, ngày 13

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai giảng Trường Quân chính Việt Nam (trước là Trường Quân chính kháng Nhật). Người nhận làm hiệu trưởng của Trường và căn dặn học viên "chớ quên rằng làm cách mạng là vì Tổ quốc, vì dân tộc", phải cố gắng rèn luyện, nắm chắc mục tiêu bảo vệ nền độc lập dân tộc, có tinh thần anh dũng hy sinh, xung phong, chịu kham khổ, nhẫn nại và phải chống thói quan liêu.

Sau 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu các tôn giáo (Gia tô giáo, đạo Phật, đạo Cao Đài). Người nói: “Dân tộc giải phóng thì tôn giáo mới được giải phóng. Lúc này chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc”.

13 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và dự Lễ kỷ niệm Lý Bát Đế 1) tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh.

Sau khi thắp hương làm lễ trước bàn thờ Lý Bát Đế, Người nói chuyện với bà con đến dự lễ:

“Chắc đồng bào ta cũng biết ở Nam Bộ, chúng ta đang đánh giặc ngoại xâm; ở Bắc Bộ, đồng bào nhiều tỉnh bị nạn lụt, hạn hán, thật là đói khổ. Vậy bổn phận của chúng ta là phải ủng hộ đồng bào Nam Bộ, giúp đỡ đồng bào Bắc Bộ. Như thế là đồng bào đã giúp Chính phủ giữ cho nền độc lập được vững vàng. Bây giờ, Chính phủ là Chính phủ của dân thì chắc các cụ cũng nên thể theo ý dân, và nên hết sức cần kiệm cho xứng đáng là dân con trong lúc Tổ quốc đang lâm nạn”.

14 giờ 30, Người rời Đình Bảng về Hà Nội.

16 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Nguyễn Tường Phượng (tạp chí Tri Tân), Người nói: Văn hoá với chính trị có quan hệ chặt chẽ với nhau. Có chính trị mới có văn hoá, xưa kia chính trị bị đàn áp, nền văn hoá của ta vì thế không nảy sinh được. Nay nước ta đã độc lập, tinh thần được giải phóng, cần có một nền văn hoá hợp với khoa học và hợp cả với nguyện vọng của dân.

Cùng ngày, Người còn tiếp đại biểu của nhóm Thanh niên cựu binh sĩ Hà Nội.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 31, quy định trong thời kỳ này những cuộc biểu tình phải khai trình trước 24 giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại.

- Sắc lệnh số 33A, về việc Ty Liêm phóng có thể bắt những hạng người nguy hiểm cho nền Dân chủ Cộng hoà Việt Nam để đưa đi an trí và các quy định cho việc này.

- Sắc lệnh số 33B, về việc Sở Liêm phóng, Sở Cảnh sát bắt người thì trong 24 giờ phải lập biên bản để hoặc thả ngay, hoặc tư sang Toà án Quân sự, hoặc ông Biện lý Tòa án Tư pháp, và phải nêu rõ lý do nếu thả bị can.

- Sắc lệnh số 33C, về việc lập Toà án Quân sự ở Bắc Bộ (Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình), ở Trung Bộ (Vinh, Huế, Quảng Ngãi), ở Nam Bộ (Sài Gòn, Mỹ Tho). Sắc lệnh quy định: Toà án Quân sự sẽ xử tất cả những ai có hành động phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Binh sĩ sẽ xử theo quân luật. Những quyết nghị của Toà án Quân sự sẽ đem thi hành ngay (không có quyền chống án) trừ trường hợp tử hình, cần có thời gian cho tội nhân xin ân giảm nếu họ muốn và phải được ghi vào bản án, nếu không bản án thành vô giá trị...

Sắc lệnh cũng quy định về các mức án và cách tổ chức một Toà án Quân sự.

- Sắc lệnh số 33Đ, quy định về việc phóng thích các tội nhân bị kết án trước ngày 19 -8-1945.

- Báo Cứu quốc, số 43, 45 và 47, ngày 14,17 và ngày 19-9-1945.

- Bác Hồ với Hà Bắc, Ty Văn hoá Hà Bắc xuất bản, 1972, tr. 17.

- Tạp chí Tri Tân, số 205, ngày 20-9-1945, tr.1.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 15

Nhân dịp Tết Trung Thu, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho thiếu nhi cả nước. Bức thư có đoạn: “Các em vui cười hớn hở, Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Một là vì Già Hồ rất yêu mến các em. Hai là vì Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là bầy nô lệ trẻ con. Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do và các em đã thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập... Trung thu này, Già Hồ không có gì gửi tặng các em. Chỉ gửi tặng các em một trăm cái hôn thân ái".

- Báo Cứu quốc, số 45, ngày 17-9-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 16.

Tháng 9, ngày 16

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Lư Hán.

Trong cuộc gặp, Lư Hán nêu lên nhiều vấn đề như: tỉ giá hối đoái giữa đồng đôla với đồng quan kim của Trung Quốc, vấn đề các đường giao thông nối liền với Hải Phòng và biên giới Việt - Trung phải được sửa chữa, vấn đề cung cấp lương thực cho quân đội chiếm đóng, vấn đề xung đột giữa người Việt Nam với quân đội Tưởng.

Cuối buổi tiếp, Lư Hán nói rõ sự có mặt của Trung Quốc ở Đông Dương là vấn đề "thuần tuý quân sự và nhằm đáp ứng lại yêu cầu của các cường quốc Đồng minh để giải giáp và hồi hương quân Nhật". Nhiệm vụ đó sẽ kết thúc khi hoàn thành công việc trên.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào toàn quốc nhân dịp “Tuần lễ VÀNG”4. Trong thư, Người nêu rõ ý nghĩa của “Tuần lễ VÀNG” và kêu gọi mọi người, nhất là các nhà giàu có, tích cực quyên góp vàng để phụng sự Tổ quốc, để xứng đáng với sự hy sinh phấn đấu của các chiến sĩ trên các mặt trận.

Trong ngày, Người lấy danh nghĩa "một người đồng chí già" viết thư gửi các đồng chí ở Nghệ An "để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm". Sau khi khẳng định những thắng lợi to lớn của cách mạng nước ta, Người nói rõ những khó khăn của việc xây dựng chế độ mới và những khuyết điểm của cán bộ địa phương như “chật hẹp và bao biện”, “lạm dụng hình phạt”, “kỷ luật không đủ nghiêm”, “lên mặt làm quan cách mạng”... đã làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể5... Bức thư có đoạn: "Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động.

Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay,

Chúng ta không sợ có khuyết điểm,

Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi,

Chúng ta phải lấy lòng “chí công vô tư”.

Chúng ta phải hiểu rõ và theo đúng chính sách của Chính phủ thì những khuyết điểm nói trên sẽ dễ sửa đổi và sự toàn dân đoàn kết sẽ càng vững vàng”.

- Ácsimét L.A. Patti: Tại sao Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr. 294-297.

- Báo Cứu quốc, số 45 và 46, ngày 17 và ngày 18-9-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 19-21.

Tháng 9, ngày 18

10 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp khoảng 30 nhà tư sản có tiếng ở Hà Nội. Người động viên các vị có tài sản lớn nên hăng hái đóng góp để cho “Tuần lễ VÀNG” ở Thủ đô có kết quả và để tỏ rõ cho thế giới biết người Việt Nam đồng lòng giúp nước.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Galơgơ (Gallagher), Trưởng đoàn phái bộ Mỹ tại Hà Nội.

- Báo Cứu quốc, số 47 và 48, ngày 19 và ngày 21-9-1945.

Tháng 9, ngày 19

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Chính phủ là công bộc của dân, ký bút danh Chiến Thắng, đăng trên báo Cứu quốc, số 46. Bài báo khẳng định: "Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh". Chính vì vậy, Uỷ ban nhân dân các cấp "là hình thức Chính phủ địa phương" phải chọn những người công tâm, trung thực, sốt sắng với quyền lợi của dân chúng, có năng lực làm việc, được nhân dân tín nhiệm, không lợi dụng chức vụ để hà hiếp, sách nhiễu dân và phải thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng.

Buổi tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Nguyễn Tường Tam, thủ lĩnh Đảng Đại Việt.

Nguyễn Tường Tam đề nghị hợp nhất Đại Việt của ông với Việt Minh, nhưng đề nghị đó không được chấp nhận.

- Báo Cứu quốc, số 46, ngày 19-9-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 22-23.

- Ácsimét L.A. Patti: Tại sao Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr. 335.

Tháng 9, ngày 20

Tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp mặt của các đại biểu các sĩ quan Bảo an binh cũ ủng hộ Chính phủ. Tại cuộc gặp, Người nói:

“Lòng người thì đồng mà hoàn cảnh không đồng, tỷ như có người muốn cúng vàng vào Quỹ Độc lập mà không có vàng, có người muốn xung vào quân đội mà yếu đuối quá. Có thể nói tấm lòng nhiệt thành ái quốc của các bạn ai cũng rõ, nhưng vì hoàn cảnh khác nhau, các bạn phải gắng giúp Chính phủ những cái có thể được. Hoặc lăn lộn trong bộ đội hoặc về tham gia giúp đỡ ở địa phương. Chính phủ lúc nào cũng chăm lo đến nhân tài của Tổ quốc”.

16 giờ, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo về việc gặp các ông Tiêu Văn, Hoàng Cường và một số nhân vật trọng yếu Trung Hoa. Người cho biết những đề nghị của phía Trung Hoa, thời hạn tước khí giới quân Nhật và những khó khăn giữa hai bên (Việt Nam – Trung Hoa) nên giải quyết ôn hoà với nhau.

Trong đêm Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa gửi thư cho thiếu nhi Việt Nam. Lời thư viết:

Các em,

... Tết Trung thu là của các em. Mà cũng là một cuộc biểu tình của các em để tỏ lòng yêu nước và để ủng hộ nền độc lập.

Các em phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng; đối với bầu bạn phải yêu kính. Các em phải thương yêu nước ta. Mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do”.

Cùng ngày, Người còn lấy danh nghĩa "một người bạn già" viết Thư gửi các vị phụ lão. Bức thư có đoạn:

“Con cháu ta, thanh niên sức khoẻ thì gánh việc nặng, chúng ta già cả, không làm được công việc nặng nề, thì khua gậy đi trước, để khuyến khích bọn thanh niên và san sẻ những kinh nghiệm của chúng ta cho họ. Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thành đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34 về việc lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để đệ trình Quốc hội, gồm bảy vị:

Hồ Chí Minh, Vĩnh Thuỵ, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu.

- Báo Cứu quốc, số 48 và 49, ngày 21 và ngày 22-9-1945.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 24-25.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 32.

Tháng 9, ngày 21

19 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ để xem xét vấn đề lao động (việc sử dụng và thải hồi công nhân); tài chính (lập ngân sách, bãi bỏ viên chức xấu và những điều bất công về lương bổng); thái độ của Pháp, Quốc dân Đảng Trung Hoa và Mỹ đối với Chính phủ; yêu sách của Nhật ở địa phương.

Về việc quân Đại Việt ở Vĩnh Yên xin hàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn nên thu xếp nhanh chóng và lấy lượng khoan hồng để đối xử với họ.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng E. Galơgơ, Trưởng đoàn phái bộ Mỹ. Cùng dự có L.A. Patti.

Người hỏi ý kiến người Mỹ về việc người Pháp đề nghị có cuộc gặp gỡ và cho biết vấn đề đó cũng đã được trao đổi với tướng Lư Hán.

Người cũng cho biết sẽ gặp gỡ nếu người Pháp đồng ý hội họp ở Trung Quốc và có một quan chức Mỹ tham gia như một quan sát viên.

17 giờ 15, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo việc gặp đại diện của tướng Lư Hán để dàn xếp một số việc xảy ra (quân đội của Quốc dân Đảng vô cớ tước vũ khí quân đội Việt Nam ở Sơn La và Yên Bái, đuổi nhân viên Việt Nam ở ga Yên Viên, v.v.). Về việc giao thiệp với Mỹ, Người cho biết Mỹ sẵn sàng thương lượng với ta.

Tại cuộc họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ nên ra thông cáo về việc Chính phủ sắp mở cửa lại Trường Đại học Việt Nam.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 36 về việc bãi bỏ trong toàn cõi Việt Nam các nghiệp đoàn Nông sản và Lâm sản, Kỹ nghệ, Khoáng sản, Thương mại (nội thương và ngoại thương), Vận tải, Ngân hàng. Tài sản còn lại của các nghiệp đoàn ấy sẽ sáp nhập vào các cơ quan kinh tế có liên quan đến ngành hoạt động của nghiệp đoàn.

- Ácsimét L.A. Patti: Tại sao Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr. 345.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- THE OSS AND HO CHI MINH - Unexpected Allies in the War against Japan, Dixee R. Bartholomew-Feis University Press of Kansas.

Tháng 9, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp tướng Lư Hán, tỏ ý bất bình về hành động xâm lược của Pháp ở miền Nam và đề nghị Trung Quốc không làm như vậy đối với miền Bắc.

- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh, Tiểu sử, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2006, tr. 359.

Tháng 9, ngày 24

19 giờ 30, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo cho biết người Mỹ muốn được chụp ảnh và xin tiểu sử các ông bộ trưởng; họ còn nói nên in nhiều ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh để tuyên truyền. Cuối cuộc họp, Người căn dặn cần giữ bí mật những điều bàn bạc trong Hội đồng Chính phủ.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 25

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư mời thiếu tá Mỹ A.Pátti (A.Patti) và ông Cáptơních (Capthenique), ông Cơnáp (Knapp) tới dự bữa cơm thân mật vào lúc 19 giờ 30, tại nhà số 8, phố Lê Thái Tổ (Hà Nội).

Trong bữa cơm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến tình hình "cuộc chiến tranh không tuyên bố" giữa Pháp và Việt Nam đã bắt đầu và "cuộc xung đột công khai" cũng không còn xa nữa.

Người còn nói với Pátti rằng nhân dân Việt Nam đang "triển khai kế hoạch hoạt động chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài chống người Pháp".

Người tỏ ý tiếc khi biết tin Đoàn OSS sắp rời khỏi Hà Nội và Người nhờ chuyển một bức thư tới Tổng thống Mỹ Tơruman thông báo về những việc làm sai trái của người Anh ở miền Nam Việt Nam như cấm các báo chí, cung cấp vũ khí và đạn dược cho người Pháp, tước vũ khí các lực lượng cảnh sát Việt Nam. Bức thư có đoạn:

"Các biện pháp này là một sự vi phạm rõ ràng đến những quyền tự nhiên của nhân dân Việt Nam, đe doạ trực tiếp nền an ninh trong nước, và là nhân tố làm mất ổn định và hoà bình ở Đông Nam Á.

Chính phủ lâm thời Cộng hoà Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Ngài can thiệp với các nhà chức trách Anh bãi bỏ các biện pháp nói trên".

16 giờ, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo việc Người đã gặp phóng viên Hãng Thông tấn Associated Press và nói cho họ biết Chính phủ Việt Nam vẫn tôn trọng những quyền lợi đặc biệt của người Pháp ở Việt Nam.

Khi bàn về việc cứu tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo, sáng hôm nay đã có cuộc họp giữa người Mỹ, người Pháp và người Việt Nam về việc chở gạo từ miền Nam ra miền Bắc. Người Pháp muốn độc quyền chở và phân phối gạo. Người cho biết sẽ nói với người Mỹ không để người Pháp một mình làm việc đó. Để cứu đói, Người sẽ kêu gọi quốc dân mỗi tuần nhịn ăn một bữa để lấy gạo giúp đồng bào. Mỗi tuần, mỗi người để ra một bơ gạo giúp đồng bào đói.

- Ácsimét L.A. Patti: Tại sao Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr. 350-352.

- Bản chụp bức thư, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 26

Qua Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ nhân vụ thực dân Pháp được quân đội Anh giúp sức đã nổ súng đánh chiếm trụ sở Uỷ ban nhân dân Nam Bộ tại Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), ngày 23-9-19456. Trong thư có đoạn:

“Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”.

Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.

Người còn căn dặn thêm: “Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước”.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích, ký bút danh Chiến Thắng, đăng trên báo Cứu Quốc, số 51, nhắc nhở cán bộ nếu không muốn bị lạc hậu, muốn theo kịp tình hình và thích hợp được với tình thế, thì "cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi..".. Bài báo kết luận: "Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được".

17 giờ, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo đã điện cho tướng Anh Grâyxi (Gracey) kháng nghị việc quân Pháp đánh Sài Gòn và nói rằng Người lấy tư cách là Chủ tịch Chính phủ và tư cách cá nhân, đã thảo một bài hiệu triệu đồng bào Nam Bộ với tinh thần “Thà chết tự do, không sống nô lệ”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 37, quy định các địa phương thuộc thẩm quyền xét xử của các Toà án Quân sự theo Sắc lệnh số 33C, ngày 13-9-1945.

- Sắc lệnh số 39, về việc lập Uỷ ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử gồm chín vị: Trần Huy Liệu, Vũ Đình Hoè, Cù Huy Cận, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Hữu Đang (đại biểu Văn hoá Cứu quốc), Nguyễn Văn Chúc (đại biểu Công nhân Cứu quốc), Nguyễn Hữu Tiêu (đại biểu Nông dân Cứu quốc), cô Tâm Kính (đại biểu Phụ nữ Cứu quốc) và Lê Văn Giạng (đại biểu của Thanh niên).

- Báo Cứu quốc, số 51 và 54, ngày 26 và ngày 29-9-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 26-28.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 27

Sáng, tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Đại hội Thanh niên Hà Nội nhằm thống nhất các tổ chức thanh niên Hà Nội và phát triển công cuộc vận động thanh niên để kịp đáp ứng với tình hình hiện tại.

Phát biểu tại Đại hội, Người thẳng thắn chỉ rõ khuyết điểm của các tổ chức thanh niên hiện nay là chưa đoàn kết, còn chia rẽ, chưa hợp thành được một mặt trận thống nhất, thiếu chủ động, việc gì cũng đợi mệnh lệnh của cấp trên. Người mong muốn tổ chức thanh niên của Hà Nội phải trở thành "một khối thanh niên khuôn mẫu cho thanh niên toàn xứ và toàn quốc".

16 giờ 30, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo việc đã gặp Tiêu Văn 2), tiếp phóng viên Hãng Thông tấnFrance Press và nhận tiếp ông Alétxăngđri (Alessandri) vào 14 giờ ngày 28 tháng 9.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 về việc bỏ hẳn loại thuế môn bài hạng chính tang 3) dưới 50 đồng, hạng từ 50 đồng trở lên miễn hẳn số bách phân phụ thu cho ngân sách Bắc, Trung, Nam Bộ và cho ngân sách hàng tỉnh.

- Báo Cứu quốc, số 53, ngày 28-9-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 29-30.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 28

Tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đại diện của Pháp là Alétxăngđri và Pinhông (Pignon). Dự buổi tiếp có Hoàng Minh Giám và Mítxôphơ (Missoffe). Người nói: Việt Nam và Pháp phải kết giao thân thiện với nhau. Người rất bất bình trước những sự việc diễn ra ở Sài Gòn và cho rằng đổ máu chỉ chấm dứt khi Việt Nam giành được độc lập. Đồng thời, Người khẳng định những quyền lợi kinh tế, văn hoá và quân sự của Pháp ở Việt Nam vẫn được bảo đảm.

Sau khi Alétxăngđri thông báo những điều kiện nếu phía Việt Nam muốn gặp G. Đácgiăngliơ 4), Chủ tịch Hồ Chí Minh hẹn sẽ trả lời vào ngày 1 tháng 10.

16giờ, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết về việc tiếp Alétxăngđri vừa diễn ra và thông báo việc Người sẽ gặp, nói chuyện với Lư Hán về một số từ ngữ ý nghĩa mơ hồ và có mấy đoạn có tính cách can thiệp vào nội trị của Việt Nam trong bản Tuyên bố của Lư Hán tại lễ đầu hàng của quân đội Nhật. Người nhắc nhở Bộ Cứu tế, Bộ Tuyên truyền động viên nhân dân thực hiện 10 ngày nhịn ăn một bữa.

Cũng tại cuộc họp này, bản Tuyên bố về chính sách ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, do Chủ tịch Hồ Chí Minh dự thảo, đã được Hội đồng thông qua.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước cùng "sẻ cơm nhường áo", ra sức cứu đói. Bức thư có đoạn:

“Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng.

Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước:

Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, p.95.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 31.

- J. Xanhtơni: Câu chuyện về một nền hoà bình bị bỏ lỡ, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 72.

Tháng 9, ngày 29

16 giờ 30, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo Người đã gặp và nói chuyện với tướng Galơgơ về việc Thiếu tá Mỹ P. Điuây (Peter Dewey) bị bắn chết ở Sài Gòn và cho biết đã gửi Tổng thống Mỹ H.Tơruman một bức thư bày tỏ lòng thương cảm của người Việt Nam đối với nạn nhân.

Người thông báo với Hội đồng Chính phủ, ngày 30 tháng 9, sẽ gặp Tiêu Văn để nói chuyện về Nguyễn Hải Thần theo yêu cầu của Tiêu Văn ngày 27 tháng 9.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 40 về việc lập thêm một Toà án Quân sự ở Nha Trang và được tổ chức theo quy tắc đã ấn định ở Sắc lệnh ngày 13-9-1945, đồng thời quy định các địa phương thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án Quân sự Nha Trang.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 30

Buổi tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cơm A. Pátti trước khi rời Hà Nội.

Dự bữa cơm tiễn này còn có các ông Võ Nguyên Giáp, Dương Đức Hiền, Nguyễn Mạnh Hà và Trần Huy Liệu.

A. Pátti nhớ lại:

"Ông Hồ chìa bàn tay mảnh khảnh đón tôi và nói: "Đây quả là một dịp không hay. Mong rằng ông chỉ xa chúng tôi một thời gian". Sau khi tôi đã thăm hỏi những người khác, ông Hồ và tôi dẫn cả đoàn tới bàn tiệc. Câu chuyện vẫn chung chung, vừa nói bằng tiếng Pháp và bằng tiếng Anh...

Sau bữa cơm, chúng tôi ngồi lại chung quanh bàn chừng mươi mười lăm phút. Trừ ông Hồ và ông Giáp, mọi người xin rút lui sau khi đã chúc tôi một cuộc hành trình thú vị và tỏ ý mong tôi sẽ sớm trở lại để thăm hoặc công tác ở Việt Nam".

Sau khi mọi người ra về, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trao đổi thêm một số vấn đề.

- Ácsimét L.A. Patti: Tại sao Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr. 366-367.

Trong tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho học sinh cả nước nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bức thư có đoạn:

“Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 32-33.

____________________

1) Xem Bác Hồ với Hà Bắc, ngày giỗ Lý Bát Đế (8 vị Vua họ Lý) là ngày 8 tháng 8 năm Ất Dậu (tức ngày 13-9-1945). Báo Cứu quốc, số 80, ngày 1-11-1945, đăng tin vào ngày 31-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đình Bảng dự Lễ kỷ niệm Lý Bát Đế.

2) Tại cuộc họp này, Tiêu Văn yêu cầu có một bản Tuyên cáo về sự hợp tác giữa Việt Minh và Việt Nam Cách mệnh đồng minh, có chữ ký của hai bên, và đòi bố trí cho Nguyễn Hải Thần và Trương Trung Phụng giữ địa vị cao trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

3) Chính tang: Phần thuế chính nộp cho ngân sách nhà nước để phân biệt với phụ thu.

4) Trong buổi gặp này Alétxăngđri đưa ra ba điều kiện đối với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nếu phía Việt Nam muốn gặp Đácgiăngliơ: một là, thả những lính dù Pháp bị ta bắt; hai là, báo chí và đài phát thanh không được gây phẫn kích đối với người Pháp; ba là, bảo vệ tính mạng và tài sản của Pháp kiều.

* Năm 1945 - Tháng 10

NĂM 1945

Tháng 10, ngày 1

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ bế giảng khoá IV Trường Quân chính Việt Nam. Phát biểu với các học viên, Người nhấn mạnh: thời gian huấn luyện tuy ngắn ngủi, chưa thể cung cấp cho mọi người những kiến thức đầy đủ, nhưng đó là những điều cơ bản giúp anh em ứng dụng ngay vào công tác trước mắt, định rõ một hướng đi cho khỏi lầm đường, điều quan trọng là phải "vừa làm vừa học, nghiên cứu không những trong sách vở mà ngay trong những công tác của mình".

Người căn dặn mọi người phải có những đức tính mà đã là cán bộ thì cần phải có:

1. Không tự kiêu, không có cái bệnh làm “quan cách mạng”.

2. Phải siêng năng, siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm.

3. Cầu tiến bộ luôn luôn, không lúc nào ngừng nghiên cứu, tự luyện, sửa chữa những khuyết điểm.

4. Trung thành với mục đích cách mạng: giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do.

17 giờ, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo: buổi sáng tướng Trung Hoa Hà Ứng Khâm và tướng Mỹ Mắc Clơrơ (R.B. Mac Clure) đã tới Hà Nội.

Cùng ngày, Người gửi báo Thiếu Sinh bức thư dưới đây:

“Gửi báo Thiếu Sinh,

Báo trẻ em đã ra đời. Báo đó là báo của trẻ em, vậy các em nên giúp cho báo: Gửi tin tức, tranh vẽ và viết bài cho báo.

Nên đọc cho trẻ em chưa biết chữ nghe. Nên làm cho báo phát triển.

Hồ Chí Minh”.

- Báo Cứu quốc, số 58, ngày 4-10-1945.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Thiếu Sinh, số 1, ngày 1-10-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 34-35.

Tháng 10, ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho công bố chính sách ngoại giao bốn điểm của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 41, bãi bỏ tất cả các công sở và các cơ quan trước đây thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương được thiết lập ở Hà Nội hoặc các nơi khác trên lãnh thổ Việt Nam; quy định bất động sản và động sản ở tất cả các công sở trên đều phải giữ nguyên vẹn và chuyển giao cùng với những nhân viên hiện tòng sự tại đây sang các bộ của Chính phủ lâm thời Việt Nam theo sự phân phối của Chính phủ.

- Báo Cứu quốc, số 57, ngày 3-10-1945.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 4

Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chống nạn thất học7 và Thiếu óc tổ chức - Một khuyết điểm lớn trong các Uỷ ban nhân dân (ký bút danh Quyết Thắng), đăng trên báo Cứu quốc, số 58.

Trong bài Chống nạn thất học, Người nêu rõ một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc lúc này là nâng cao dân trí: "Muốn giữ vững nền độc lập. Muốn làm cho dân mạnh nước giầu. Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ". Và Người kêu gọi: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ... Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng."…

Bài Thiếu óc tổ chức - Một khuyết điểm lớn trong các Uỷ ban nhân dân, nêu những thiếu sót chung trong phần lớn các Uỷ ban nhân dân, đó là "bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức", biểu hiện ở chỗ phân công công việc không rõ ràng, rành mạch, có kế hoạch nhưng sơ sài, việc sử dụng người không đúng chỗ, v.v..

Kết luận, bài báo viết: "Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa".

17 giờ 30, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo về việc đại tá Mỹ Nótlingơ (Nordlinger) đã đề nghị với Chính phủ Việt Nam lập một Uỷ ban gồm có Uỷ viên Hội Hồng thập tự Mỹ, một số người Pháp và người Việt Nam để lo tiếp tế gạo cho dân Bắc Bộ; việc Người đã nói chuyện với tướng Hà Ứng Khâm và việc thả dần tù binh Pháp nhưng cấm tù binh mang khí giới.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 42 quy định cách đánh thuế vào các tiền lãi thương mại, kỹ nghệ, canh nông, lương bổng...

- Báo Cứu quốc, số 58, ngày 4-10-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 36-39.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 5

Bài viết Tinh thần tự động trong Uỷ ban nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ký bút danh Chiến Thắng), đăng trên báo Cứu quốc, số 59, nhận xét về tình trạng nhiều Uỷ ban nhân dân chỉ biết thi hành một cách máy móc mệnh lệnh của cấp trên mà không biết vận dụng vào hoàn cảnh của địa phương, nhiều uỷ viên Uỷ ban không chịu nghĩ cách thực hiện nhiệm vụ được phân công sao cho có hiệu quả mà nhất nhất điều gì cũng chờ đợi ở "thượng cấp", như vậy là không có tinh thần tự động.

"Tự động là không phải tựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú". Nhưng "Tự động không phải là tự tiện..., không coi kỷ luật chính trị vào đâu, muốn làm gì là cứ tự ý làm bừa đi, chẳng bàn hỏi thảo luận với ai, không theo pháp luật Chính phủ ban hành, không dựa vào ý nguyện dân chúng".

Kết luận, Người nhắc nhở: "Các nhân viên trong các Uỷ ban nhân dân phải rèn cho có một tinh thần tự động mạnh mẽ, nhưng phải bỏ tính cái gì cũng tự tiện".

17 giờ 30, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo cuộc gặp gỡ với hai ông Hà Ứng Khâm, Mắc Clơrơ diễn ra rất vui vẻ và thân mật. Người cho biết đã nhận được thư của Lư Hán về việc ông ta cử những người Trung Hoa làm giám đốc các công sở và yêu cầu người Việt Nam hợp tác với họ. Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Người nhận lời sẽ gặp Lư Hán bàn về việc định rõ quyền hạn của những ông giám đốc Trung Hoa.

- Báo Cứu quốc, số 59, ngày 5-10-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 40-41.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 6

16 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức họp báo để nói về chính sách ngoại giao và nội trị của Chính phủ từ sau ngày 2-9-1945.

Về ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Trung Quốc, Mỹ và Pháp. Người nói: "Hai nước Trung Hoa và Việt Nam có liên lạc với nhau về kinh tế và chính trị, thì hai dân tộc không thể không có sự tương trợ, tương thân.

Với Mỹ - những phái bộ Mỹ đến Việt Nam đã tỏ rõ với Chính phủ lâm thời một cảm tình đặc biệt. Đó là thứ cảm tình giao tế quân nhân phái bộ Mỹ đối với mình... Các đại biểu phái bộ Mỹ vẫn chủ trương thuyết là quân nhân không có quyền nói chính trị.

Với Pháp - rất đơn giản, là Chính phủ buộc Pháp phải công nhận nền độc lập của nước ta. Được thế, về vấn đề khác cũng có thể giải quyết rất dễ dàng".

Về nội trị, Người nhấn mạnh: Chính phủ Dân chủ Cộng hoà lâm thời phải là công bộc của dân, phải làm sao cho dân tộc Việt Nam cóDanh với thế giới, tranh được Lợi với thế giới.

Cùng ngày, Chủ tịch gặp Pinhông tại Hà Nội.

- Báo Cứu quốc, số 61, ngày 8-10-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 42-44.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/ Julliard, Paris, 1988, p.98.

Tháng 10, ngày 7

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Triển lãm Văn hoá tại trụ sở cũ của Hội Khai trí Tiến Đức. Trước số sách báo ít ỏi của ta được xuất bản trong thời kỳ bị Pháp - Nhật đô hộ, Người nói: Văn hoá Việt Nam dưới sự áp bức của đế quốc vẫn cố thở, cố tìm cách phát triển...

Sang phòng triển lãm tranh của các họa sĩ có tên tuổi như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Người nhận xét: “Những bức tranh này tỏ rõ các nghệ sĩ của ta lâu nay đều đã cố gắng tìm một con đường đi. Nhưng tiếc một điều là không muốn đi ở dưới đất mà cứ muốn vụt lên trời; chất mơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt lại quá ít”.

Người còn nhắc nhở: “... Văn hoá là một cấu trúc thượng tầng. Nhưng cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hoá mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được. Ngày nay, trước khi đi đến sự kiến thiết nước nhà, chúng ta còn phải qua một thời kỳ tranh đấu cực kỳ khổ sở. Giới văn hoá cũng phải cùng các giới đồng bào đi qua chặng đường ấy. Mong rằng anh em văn hoá đã cố gắng, xin cố gắng mãi lên!”.

- Báo Cứu quốc, số 61, ngày 8-10-1945.

Tháng 10, ngày 8

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Lễ khai giảng Lớp huấn luyện đầu tiên đào tạo cán bộ phụ trách Bình dân học vụ các tỉnh Bắc Bộ tại Hà Nội. Tại buổi Lễ, Người nói: Trong lúc Chính phủ còn nghèo, Bình dân học vụ có sáng kiến dựa vào dân là rất tốt. Sau khi phân tích ba nhiệm vụ cách mạng có liên quan với nhau là chống nạn đói, nạn dốt và nạn ngoại xâm, Người chỉ rõ: Chống nạn thất học cũng quan trọng như chống ngoại xâm.

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khoan hồng mà không nhu nhược (ký bút danh Chiến Thắng) đăng trên báo Cứu quốc, số 61, nói rõ chính sách khoan hồng, chính đại của Chính phủ, "chỉ coi bọn thực dân Pháp là kẻ thù chính cần tiêu diệt, còn đối với dân chúng Pháp chịu thừa nhận quyền độc lập Việt Nam thì nó vẫn thân thiện và sẵn sàng bảo vệ cho sinh mạng và tài sản. Đối với quan lại cũ, trừ những bọn đại gian, đại ác, Chính phủ Cộng hoà ta cũng tỏ một độ lượng không để tâm moi ra những tội cũ... Thái độ đó của Chính phủ tỏ rõ một ý muốn duy nhất làm sao đem lại cho dân chúng được tự do độc lập hoàn toàn.."..

Bài báo phê phán một số Uỷ ban địa phương đã có những hành vi trái phép, trái với chính sách khoan hồng của Chính phủ như bắt bớ lung tung, tịch thu bừa bãi không phải vì quyền lợi của dân chúng mà chỉ vì tư thù, tư lợi, gây ảnh hưởng xấu tới Chính phủ. Tuy nhiên, tác giả cũng khẳng định: "Nói như vậy không phải là các Uỷ ban nhất thiết không bắt bớ ai, tuyệt đối không tịch thu tài sản của ai. Những bọn thực dân tàn bạo và bọn tay sai của chúng mưu mô xâm phạm chủ quyền Việt Nam, phá hoại nền độc lập của ta, các Uỷ ban cần thẳng tay phanh thây chẻ xác chúng ra để làm gương cho kẻ khác.

Phải khoan hồng nhưng không nhu nhược, như vậy mới thực là biết phụng sự quyền lợi quốc gia".

17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Người thông báo về việc quốc dân sẽ treo cờ Trung Hoa và đại biểu của Chính phủ sẽ gặp Lư Hán để chúc mừng ngày Quốc khánh của Trung Hoa Dân quốc (10-10); về việc gặp Lư Hán, Alétxăngđri và một đại tá Mỹ. Người cho biết, buổi trưa Người đã tiếp phóng viên Hãng Thông tấn France Press; còn việc chở gạo từ trong Nam ra Bắc, nếu người Mỹ cần người Việt Nam giúp thì người Việt Nam sẽ sẵn lòng giúp.

Khi Hội đồng thảo luận về việc Bộ Cứu tế sẽ đi thu gạo để giúp dân đói, Người nói sẽ cho đăng một bài báo về việc quyên gạo là tuyệt đối không bắt buộc.

- Báo Cứu quốc, số 61, ngày 8-10-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 45-46.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Vương Kiêm Toàn: Nhớ lại những lần được gặp Bác và nhận thư của Bác, in trong cuốn Bác Hồ sống mãi với chúng ta (Hồi ký)**, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 88-89.

Tháng 10, ngày 9

7 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ. Mở đầu cuộc họp, Người thông báo về việc chở gạo từ trong Nam ra đã đến Nam Định và việc đại biểu Công nhân Cứu quốc Hà Nội nhờ Người chuyển 1.000 đồng tới các chiến sĩ Nam Bộ. Khi bàn tới vấn đề kinh tế, Người cho biết vừa gặp ông Nótlingơ bàn về việc chuyển gạo từ Nam ra Bắc và việc Hội Hồng thập tự Mỹ sẽ chở gạo giúp Chính phủ. Tiếp đó, Hội đồng bàn về các vấn đề y tế, cứu tế, lao động và giáo dục.

Cùng ngày, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Công nhân thành Hoàng Diệu do ông Trần Danh Tuyên dẫn đầu đến yết kiến. Người đã trả lời các vấn đề về tổ chức trong công nhân, vấn đề đối nội, đối ngoại của Nhà nước ta trước sự tấn công của thù trong giặc ngoài. Về đối ngoại, Người chỉ rõ: Chúng ta phải hết sức khôn khéo, đứng trước bất kỳ kẻ thù nào, người cách mạng cũng phải hiểu rõ chúng là ai; mạnh yếu chỗ nào, tranh thủ và cô lập ai?...

Trước khi chia tay, Người căn dặn: “Trước mắt, các chú cần tổ chức Hội nghị Công nhân nhằm biểu dương lực lượng và động viên anh em chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 48, về việc tạm thời sử dụng đạo luật cũ đối với các công ty, các hãng kỹ nghệ, thương mại ngoại quốc ở Việt Nam trong khi chờ đợi đạo luật mới được ban hành, nhưng Chính phủ Việt Nam có quyền kiểm soát nếu cần.

- Sắc lệnh số 50, về việc cấm hẳn xuất cảng ra ngoại quốc thóc, gạo, ngô, đỗ hoặc các chế phẩm thuộc về ngũ cốc.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hoàng Quốc Việt: Con đường theo Bác, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1990, tr. 198-201.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 10

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các ông uỷ viên tuyên truyền Bắc Bộ, uỷ viên thị chính thành phố Hà Nội và đại biểu các đoàn thể cứu quốc đến dự Lễ kỷ niệm “Song thập” (10-10), ngày Quốc khánh của Trung Hoa dân quốc do tướng Lư Hán tổ chức tại nơi làm việc của ông ta (Phủ Toàn quyền Pháp trước đây).

Các đoàn đại biểu đứng giàn thành hàng trước cửa dinh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lư Hán và một số đại biểu đứng trên thềm.

Sau lời chúc mừng do đại diện cho các giới Việt Nam đọc, Lư Hán cảm ơn và nói:

"Cảm tình giữa hai dân tộc Hoa - Việt không sao tả hết, nhưng rút lại trong một câu là hai dân tộc hợp tác chặt chẽ trên các con đường tiến thủ".

Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Phòng khánh tiết dự tiệc.

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ. Trong phần đầu của cuộc họp, Người thông báo việc đi dự Lễ kỷ niệm “Song thập”. Sau đó, Hội đồng bàn dự án Sắc lệnh về quốc tịch và các vấn đề khác.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 43, về việc thiết lập một Quỹ tự trị cho Trường Đại học Việt Nam. Quỹ này gồm các khoản trợ cấp của Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các địa phương cùng động sản và bất động sản do tư nhân quyên góp. Quỹ thành lập một Hội đồng quản trị do ông Giám đốc Đại học vụ làm Chủ tịch, ông Đổng Lý - Văn phòng Bộ quốc gia Giáo dục, ông Phó Giám đốc Đại học vụ, các ông giám đốc các trường đại học và mỗi trường gồm một đại biểu là giáo sư, một đại biểu là sinh viên và ba vị thân hào trong nước điều hành.

- Sắc lệnh số 44, về việc lập một Hội đồng Cố vấn học chính để nghiên cứu và đệ trình Chính phủ chương trình giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và theo dõi việc thi hành chương trình ấy khi đã được duyệt y.

- Sắc lệnh số 45, về việc thiết lập một Ban đại học Văn khoa tại Hà Nội.

- Sắc lệnh số 46, quy định về cách tổ chức đoàn thể luật sư trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tạm giữ như cũ với một số sửa đổi và quy định tiêu chuẩn mới cho luật sư được liệt danh vào Toà thượng thẩm Hà Nội và Sài Gòn.

- Sắc lệnh số 47, về việc tạm thời sử dụng bộ luật cũ, trừ một số điểm thay đổi được ấn định trong Sắc luật này.

- Báo Cứu quốc, số 65, ngày 12-10-1945.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 11

8 giờ, tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ xuất phát của đoàn Tiễu trừ giặc đói.

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ. Người thông báo về việc vừa tiếp đại biểu Đoàn Công thương Cứu quốc, nghe những kiến nghị của các nhà công thương về thuế môn bài và về cuộc gặp Tiêu Văn vừa qua. Về việc người Trung Hoa kiểm duyệt thông tin và tuyên truyền ở Đài phát thanh, Người nhận lời sẽ gặp Lư Hán để thoả thuận về vấn đề này. Về vấn đề đê điều, Người đồng ý sẽ trực tiếp đến một địa điểm chữa đê và cùng đắp đê với dân một buổi.

- Báo Cứu quốc, số 65, ngày 12-10-1945.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 12

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sao cho được lòng dân, ký bút danh Chiến Thắng, đăng trên báo Cứu quốc, số 65, nêu lên tình trạng Uỷ ban nhân dân ở một vài nơi "tiếng phàn nàn oán thán nhiều hơn tiếng người khen. Dân chúng tín nhiệm ở Chính phủ trung ương nhiều hơn các Uỷ ban địa phương". Phân tích hiện tượng trên, bài báo cho rằng đó là do các ông chủ tịch, các ông uỷ viên mắc "cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền", đi đến chỗ lạm dụng chức vụ, hách dịch, làm nhiều điều quá tệ, nên không những không được dân yêu mà còn bị dân khinh, dân ghét.

Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, như bài báo đã viết, "việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh,... hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý... Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư".

17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ. Người báo cáo trước Hội đồng về việc gặp các ông Lư Hán và Galơgơ trao đổi nhiều vấn đề trong quan hệ Việt – Hoa 1) và Việt - Mỹ.

Sau khi ông Trần Huy Liệu báo cáo về vấn đề thông tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Bộ Tuyên truyền hoạt động tốt và có nhiều kết quả, nhưng cần phải có một kế hoạch để mọi nơi cứ theo đó mà làm, chẳng hạn tuyên truyền về độc lập, về trật tự, về Hoa - Việt thân thiện, về việc nên bảo hộ cho kiều dân ngoại quốc thuộc bất cứ quốc tịch nào".

Bàn về vấn đề đổi tiền Việt lấy tiền Quan Kim, Người cho biết đã nói chuyện với người Mỹ và nhờ họ giúp, nhưng họ trả lời đây là “một vấn đề ngoại giao”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 49, quy định các công văn, điện văn, công điện, trát, đơn từ, báo chí, chúc từ, v.v. kể từ ngày ký Sắc lệnh này phải có tiêu đề: VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ NĂM THỨ NHẤT.

- Sắc lệnh số 51B, về việc cho phép ông Giám đốc Ngân khố Trung ương Việt Nam lấy số tiền 1.335.772đ 34, quỹ của AFIC miền Bắc gửi ngân khố Trung ương, giao cho Bộ trưởng Bộ Cứu tế để mua trữ gạo.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 47-48.

- Báo Cứu quốc, số 65, ngày 12-10-1945.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Giới công thương Việt Nam, hoan nghênh giới công thương đã đoàn kết lại thành Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh8, đem vốn làm ích nước lợi dân. Người chỉ rõ: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”.

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ. Người thông báo về việc ông Nótlingơ đề nghị cử một Uỷ ban gồm có người Mỹ, người Việt Nam và người Pháp đi Hải Phòng nhận gạo. Về việc này, Người đã nói rõ: Chính phủ Việt Nam hoàn toàn tín nhiệm người Mỹ, không cần lập Uỷ ban. Nếu người Mỹ cần, Chính phủ Việt Nam sẽ cử một người Việt Nam để giúp Mỹ.

Người còn thông báo triển vọng việc thu xếp để ông Nguyễn Hải Thần tham gia Chính phủ.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà trí thức Hoàng Xuân Hãn tại Bắc Bộ phủ. Cuộc nói chuyện kéo dài hơn một tiếng đồng hồ mặc dầu ông Hoàng Xuân Hãn đã hai lần xin cáo biệt.

Mở đầu là những ý kiến về bộ máy chính quyền mới. Khi ông Hãn nêu ý kiến chính quyền còn có thái độ độc tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói có thể Uỷ ban địa phương làm bậy chứ Chính phủ không có ý chuyên quyền, "còn nói Chính phủ độc tài thì có đâu. Trong nội các có nhiều người không phải ở trong Mặt trận Việt Minh".

Về vấn đề đối xử với trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói Chính phủ không bài xích trí thức, nhưng có người làm sai thì Chính phủ phải nhận lỗi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn hỏi: "Trí thức theo cụ Nguyễn Hải Thần nhiều phải không?". Ông Hãn trả lời: "Nếu cụ Nguyễn Hải Thần chỉ kéo bè kéo đảng mà thôi thì chắc họ không theo".

Lúc tiễn ông Hãn ra về, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn và nói: "Hôm nay, ông cho tôi biết được nhiều điều".

Ông Hoàng Xuân Hãn, năm 1971, khi nhớ lại cuộc gặp gỡ này đã viết: "Tôi đứng dậy, từ giã, xuống lầu, cảm động vì đã có dịp tỏ nhiều lời tâm huyết, vì thấy vận mệnh của dân nước đè trên vai một vị thâm niên gầy ốm, nhưng tinh thần tinh anh, mặc tĩnh, thâm trầm và cử chỉ ôn tồn, gãy gọn và kiên quyết".

- Báo Cứu quốc, số 66, ngày 13-10-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 49.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hoàng Xuân Hãn: Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt, Tập san Sử Địa (Sài Gòn), số tháng 10-1971.

Tháng 10, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cảm ơn các giám mục và đồng bào Công giáo Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình về lời hứa của các vị trong bức thư gửi cho Người nói rằng: "Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một nước nhà tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại".

Thư của Người viết: "Câu nói nhiệt thành đó tỏ rằng các vị là những người chân chính yêu nước, đồng thời cũng là những chân chính tín đồ của đức Giêsu. Đức Giêsu hy sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào ta cả Lương cả Giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu".

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho Thống chế Tưởng Giới Thạch đề nghị Trung Hoa dân quốc yêu cầu Liên hiệp quốc cho phép Việt Nam tham gia Uỷ ban cố vấn Viễn Đông.

- Báo Cứu quốc, số 70, ngày 18-10-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 50.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Biên niên sự kiện Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Hà Nội, 2004, tr. 30.

Tháng 10, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời cho các cháu nhi đồng Phước Diên, Quảng Yên (nay thuộc Quảng Ninh) và Cẩm Giàng, Hải Dương. Người thay mặt cho tất cả "đồng bào lớn tuổi" cảm ơn các cháu, tuy còn nhỏ, đã biết góp sức nhỏ bé của mình vào công cuộc giữ gìn đất nước bằng việc "nhịn ăn quà để góp tiền vào Quỹ Độc lập". Người khen: "các cháu đã tỏ ra là những cháu chắt rất xứng đáng của tổ tiên Hồng - Lạc, và rất xứng đáng là "tiểu chủ ông" của nước nhà".

16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ. Người nhắc nhở Chính phủ nên tìm cách động viên tinh thần dân chúng, phải làm cho lòng yêu nước của nhân dân biến thành hành động trong sinh hoạt hàng ngày, phải tìm những khẩu hiệu rõ ràng, giản dị, dễ thực hành.

Bàn về công tác ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng người Mỹ có cảm tình với ta nhưng đó là tình cảm cá nhân, không có tính cách chính thức. Việc ngoại giao với Trung Hoa không được rõ rệt vì sự khác nhau trong lời nói và hành động giữa cấp trên và cấp dưới của họ. Người cho rằng: cần phải nhẫn nại, nhún nhường và phải tìm cách trực tiếp liên hệ với Chính phủ Trung ương của Trung Hoa.

Trong ngày, Người còn tiếp J. Xanhtơny và Capuýt (Caput), đảng viên Đảng Xã hội Pháp.

Cùng ngày, báo Quyết Thắng - cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt Minh Trung Bộ đăng ý kiến của Hoàng thân Lào Xuphanuvông, nói về hàng chục lần Hoàng thân tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh 2):

"Hồ Chủ tịch thật là một người sáng suốt. Trong khi ở Hà Nội, tôi được tiếp kiến Người 30 lần hết sức thân mật. Đến bữa ăn, chúng tôi cùng ăn với nhau vài bát cơm với một ít mắm ruốc. Nhiều lúc câu chuyện kéo dài 2-3 giờ. Tôi chỉ sợ cụ Hồ làm việc nhiều. Tôi sợ Cụ ốm"...

- Báo Cứu quốc, số 67, ngày 15-10-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 51.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Philippe Devillers: Histoire du Vietnam de 1940 à 1952, Seuil, Paris, 1952, p. 204.

- Báo Quyết Thắng - cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt Minh Trung Bộ, số 3, ngày 15-10-1945.

Tháng 10, ngày 16

17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ. Hội đồng đã thông qua Sắc lệnh về thể lệ Tổng tuyển cử, định ngày Tổng tuyển cử là chủ nhật 23-12-1945 và thông qua số lượng đại biểu cho từng địa phương.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 17

Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài viết của Người nhan đề Bỏ cách làm tiền ấy đi (ký bút danh Chiến Thắng), đăng trên báo Cứu quốc, số 69.

Trong bức thư gửi Uỷ ban nhân dân các cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: "Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Sau khi nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ "từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta". Người đã nghiêm khắc phê phán những "lỗi lầm rất nặng nề" mà nhiều cán bộ phạm phải như làm việc trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo... đã khiến dân oán thán kêu ca, làm mất lòng tin cậy của dân, làm hại đến uy tín của Chính phủ. Cuối thư, Người thẳng thắn cảnh tỉnh: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung".

Bài Bỏ cách làm tiền ấy đi đã phê phán việc làm của một ông Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã nọ đã "sốt sắng làm tiền cho dân" bằng cách bán các ngôi thứ trong làng như chánh phó lý, khán thủ, v.v.. Theo tác giả, đó là "một phương pháp cũ rích chả có ý nghĩa gì, có ảnh hưởng xấu vô cùng là khác", những cuộc "làm tiền" giúp quỹ này, quỹ khác "phải đem theo nó một ý nghĩa tuyên truyền nữa mới được. Sao cho người ta nhận thấy rằng đồng tiền của người ta bỏ ra là một viên gạch để góp vào việc xây đắp nền móng quốc gia".

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Điện văn cho Tổng thống Mỹ Tơruman qua cơ quan đại diện đặt ở Côn Minh (Trung Quốc), nêu rõ lập trường của Chính phủ Việt Nam: Về nguyên tắc, nhân dân Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc thành lập Uỷ ban tư vấn 3) đối với khu vực Viễn Đông của Liên hợp quốc; phản đối việc Pháp đại diện cho nhân dân Việt Nam tại Uỷ ban này, vì sự đại diện ấy thiếu cơ sở pháp lý và cơ sở thực tế; chỉ có Việt Nam là có đủ điều kiện cử đại diện vào Uỷ ban tư vấn này. Bức điện có đoạn: "Chúng tôi tin chắc rằng tại Uỷ ban này, Việt Nam có thể mang lại sự đóng góp có hiệu quả cho việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở Viễn Đông; trái lại, sự vắng mặt của Việt Nam sẽ gây ra tình trạng bất ổn định và đặc tính nhất thời cho những giải pháp đạt được bằng cách khác. Vì thế chúng tôi bày tỏ đề nghị tha thiết được tham gia vào Uỷ ban tư vấn của Viễn Đông".

17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ, thảo luận các vấn đề về cứu tế, tàn quân Pháp ở Tiên Yên, công chức ở Huế, viên chức Pháp xin giấy chứng nhận mức lương.

Tối, tại chùa Quán Sứ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự bữa cơm chay do Cố vấn Vĩnh Thuỵ chủ toạ.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 51, quy định thể lệ Tổng tuyển cử gồm 12 khoản, 70 điều, ấn định ngày bầu cử, đơn vị bầu cử... Trong đó, điều 1 của Sắc lệnh ấn định ngày 23-12-1945 sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử trong toàn quốc.

Cùng ngày tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp 79 cán bộ và uỷ viên vừa tốt nghiệp Lớp huấn luyện đào tạo cán bộ phụ trách Bình dân học vụ "Nhóm huấn luyện Hồ Chí Minh". Tại buổi tiếp, Người khen ngợi mọi người đã có nhiều cố gắng học tập và dặn dò thêm: "Khi về địa phương, các cô các chú cố gắng làm tròn nhiệm vụ được giao".

- Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17-10-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 52-58.

- United States - Vietnam relations 1945-1967, U.S. Government printing office, Washington, 1971, p.73.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Vương Kiêm Toàn: Nhớ lại những lần được gặp và nhận thư của Bác, in trong cuốn Bác Hồ sống mãi với chúng ta (Hồi ký)**, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 89.

Tháng 10, ngày 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào tỉnh Lao Cai 4), thông báo cho đồng bào biết cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thành công, Tuyên ngôn Việt Nam độc lập đã tuyên bố, vua Bảo Đại đã tự nguyện thoái vị, chính thể Dân chủ Cộng hoà đã thành lập. Người kêu gọi: "Từ đây đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến cùng kỳ để mưu tự do hạnh phúc cho dân tộc" và tin rằng "đồng bào Lao Cai sẽ nhiệt liệt hưởng ứng Lời kêu gọi của Chính phủ. Tất cả nhân dân Lao Cai, không phân biệt trai gái, già trẻ, giàu nghèo, lương giáo, không phân biệt Mán, Mường, Mèo, v.v., cùng nhau hăng hái đứng lên phấn đấu để củng cố nền độc lập của nước nhà và xây dựng nền hạnh phúc tự do cho dân chúng".

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề cổ động dân chúng. Người đề nghị:

- Để nâng cao tinh thần dân chúng, Chính phủ nên động viên dân mỗi gia đình nên tự viết một khẩu hiệu, ví dụ: “Quyết độc lập, ủng hộ chiến sĩ Nam Bộ”, dán ở trong nhà.

- Chính phủ nhắc nhở đồng bào cần kiệm, bớt xa xỉ và nhờ các báo viết bài cổ động.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 59-60.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, trước ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn tới Hội nghị liên Phi 5), bày tỏ sự cảm kích của nhân dân Việt Nam trước quyết định của Hội nghị ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống bọn thực dân Pháp giành nền độc lập dân tộc. Bức điện có đoạn: "Lời quyết nghị của Hội nghị liên Phi tỏ rõ tinh thần đoàn kết của các dân tộc nhược tiểu ở Đông Dương, Nam Dương quần đảo (Inđônêxia), Ấn Độ và các dân tộc Phi châu, trên con đường tranh đấu để giữ quyền độc lập và tự do, đã tốn biết bao xương máu mới giành lại được".

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 63.

Tháng 10, ngày 19

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ để nghe thông báo kết quả việc thảo luận với Trung Hoa về việc chở gạo từ Nam ra Bắc (Người Trung Hoa lấy 2/3 và ta lấy 1/3), về vấn đề chiến sự ở Nam Bộ, vấn đề người dân tộc thiểu số Rađê hợp tác với Chính phủ và vấn đề kinh tế (thuế, muối, giá hàng, chống đầu cơ, tiền Quan Kim).

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 20

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho những người Pháp ở Đông Dương. Trong thư, nhân danh "một người bạn chân thật của những người Pháp lương thiện", Người bày tỏ sự kính phục đối với dân tộc Pháp là những người đầu tiên truyền bá rộng rãi lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, đã cống hiến rất nhiều cho khoa học, văn hoá của nhân dân Pháp và văn minh của nhân loại. Người khẳng định nhân dân Việt Nam luôn mong muốn thân thiện hữu nghị với tất cả những người bạn Pháp lương thiện và kêu gọi những người Pháp ở Đông Dương hãy vì hoà bình mà chấm dứt sự đổ máu vô ích.

Sáng, tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ xuất phát của 500 đội viên tuyên truyền xung phong. Người khen ngợi tinh thần hăng hái của anh em và căn dặn những điều cần thiết mà tuyên truyền viên phải có:

1. Phải biết rõ mục đích tuyên truyền, phải đặt kế hoạch công tác;

2. Phải biết chịu kham khổ;

3. Phải biết nhẫn nại;

4. Chớ lên mặt “quan cách mạng”;

5. Chú ý cách diễn đạt ý tưởng. Phải hết sức phổ thông, cố đi sâu vào dân chúng. Tránh những danh từ khó hiểu. "Làm sao cho được 50 người hiểu rõ còn hơn là được 500 người chỉ hiểu lờ mờ".

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc “Ngày cứu quốc” của sinh viên tại Ấu trĩ viên (nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội). Người khen ngợi tinh thần sáng tạo của sinh viên và khuyên anh em luôn nêu cao tinh thần cần kiệm, thanh khiết, tuyên truyền tinh thần đoàn kết nhân dân.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 52, quy định về việc xá tội cho các tội phạm bị kết án trước ngày 19-8-1945, nếu có đơn xin xá miễn gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi mình ở và được Uỷ ban nhân dân Kỳ chuyển lên Bộ Tư pháp xét.

- Sắc lệnh số 53, quy định tạm thời những người thuộc quốc tịch Việt Nam.

- Báo Cứu quốc, số 72 và 74, ngày 20 và ngày 23-10-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 64-67.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 21

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Cố vấn Vĩnh Thuỵ, các Uỷ viên Bắc Bộ và quan chức cao cấp Trung Hoa đến dự ngày thụ lễ Đức Khổng Tử ở Quốc Tử Giám, do Hội Tư văn Hà Nội tổ chức.

- Báo Cứu quốc, số 73, ngày 22-10-1945.

Tháng 10, ngày 22

8 giờ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo về hai bức thư do Người thảo gửi Bộ Ngoại giao Mỹ và Hội Ngoại giao nhân dân Mỹ.

Trong thư gửi Bộ Ngoại giao Mỹ, Người nêu rõ những yêu cầu của Chính phủ Việt Nam:

+ Vấn đề liên quan tới Việt Nam phải được thảo luận tại cuộc họp đầu tiên của Uỷ ban tư vấn Viễn Đông.

+ Đại biểu Việt Nam phải được tới dự để phát biểu những quan điểm của Chính phủ Việt Nam.

+ Phái một Uỷ ban điều tra tới Nam Việt Nam.

+ Nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam phải được Liên hợp quốc9 công nhận.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cố vấn Vĩnh Thuỵ gửi cho Thống chế Tưởng Giới Thạch bức thư dưới đây:

Hà Nội, ngày 22-10-1945

Thưa Ngài Thống chế Tưởng Giới Thạch

Nhờ Bộ trưởng Chen chuyển giúp.

Thưa Ngài,

Chúng tôi rất hân hạnh được thông báo rằng: chúng tôi - Hồ Chí Minh, Chủ tịch lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ (trước đây là Hoàng đế Bảo Đại) mong được tới Trùng Khánh để tỏ lòng tôn kính đối với quý Ngài và thăm Bộ trưởng Chen. Nếu được Ngài chấp thuận, chúng tôi sẽ rất cảm kích và mong nhận được sự trả lời của Ngài.

Xin trân trọng kính chào Ngài.

Kính thư,

Hồ Chí Minh

Vĩnh Thuỵ”

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- United States-Vietnam relations 1945-1967, U.S.Government printing office, Washington, 1971, p.83.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 68-71.

- Bản chụp bức thư, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Hồ Chí Minh (bản Anh văn).

Tháng 10, trước ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời các nhà báo về thái độ hiện thời của Chính phủ Việt Nam đối với Trung Hoa và Pháp.

Với Trung Hoa, Người nhấn mạnh truyền thống hữu nghị lâu đời giữa hai nước về mọi phương diện văn hoá, chính trị, kinh tế. "Cái quan hệ ấy càng ngày càng thêm sâu xa, mà có thể càng ngày càng thêm mật thiết". Chính sách của Việt Nam đối với Trung Hoa, "lúc này tóm lại là phải thân thiện".

Đối với Pháp, Người tuyên bố: "Đối với bọn thực dân Pháp cố tâm dùng võ lực lập lại chủ quyền của chúng ở đây, chúng ta nhất định chống lại chúng kỳ cùng... Nhưng chúng ta không chống tất cả nước Pháp, tất cả dân chúng Pháp. Nếu có những người Pháp muốn qua đây điều đình một cách hoà bình thì điều kiện căn bản của cuộc điều đình ấy là người Pháp phải thừa nhận nền độc lập của Việt Nam".

- Báo Cứu quốc, số 74, ngày 23-10-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 72-74.

Tháng 10, ngày 23

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo tình hình và bàn về các vấn đề: địa tô, tài chính, giao thông, v.v.. Cuối cuộc họp, Người đề nghị “Mỗi buổi họp nên dành nửa giờ để báo cáo, còn thì bàn những vấn đề to”. Hội đồng tán thành đề nghị này.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 24

16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ để thảo luận và góp ý kiến sửa chữa Bản dự thảo Hiến pháp.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 25

15 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ, thảo luận về vấn đề kinh tế (canh nông, tiền tệ, thóc giống, trâu bò, gạo) và góp ý kiến bổ sung, sửa chữa Bản dự thảo Hiến pháp.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 26

Tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị đại biểu công nhân Bắc Bộ. Phát biểu tại Hội nghị, Người nhấn mạnh: công nhân phải tăng cường đoàn kết để giữ vững độc lập, công nhân lúc này phải tránh mọi đòi hỏi chưa đúng lúc, giữ gìn kỷ luật và bình tĩnh trong mọi tình huống. Công nhân hãy tin tưởng vào Chính phủ lâm thời và tuân theo Chính phủ.

17 giờ 15, Người dự họp Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo về tình hình quân Pháp đánh ra ngoại vi Sài Gòn về hướng Thủ Đức và Mỹ Tho, bàn về các vấn đề mở Trường huấn luyện lái máy bay, tổ chức phát động trong cả nước “Ngày kháng chiến” 6), việc rút tiền ở nhà băng và tiếp tế gạo.

- Bài phát biểu tại Hội nghị, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 27

9 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp báo với các phóng viên Hãng Thông tấn Mỹ, các phóng viên Trung Hoa (Trung ương Thông tấn xã, Trung ương nhật báo, Thanh niên nhật báo, Vân Nam nhật báo, Chính nghĩa báo), Hãng Thông tấn Pháp AFP và hơn 20 phóng viên Việt Nam. Người tuyên bố: “Buổi họp hôm nay là buổi họp báo giới quốc tế, đúng với câu: “Tứ hải nhất gia” 7). Nước Pháp hiện giờ coi là nước địch của Việt Nam nhưng người đại biểu Pháp ngồi đây vẫn là bạn thân của tôi”. Sau đó, Người trả lời vắn tắt về các vấn đề thời hạn công bố Hiến pháp Việt Nam, Quốc dân đại hội, thể lệ Tổng tuyển cử, thái độ của Chính phủ Việt Nam với Lào và Campuchia, vấn đề tài chính và các đảng phái trong Chính phủ Việt Nam. Người khẳng định phương châm của Chính phủ Việt Nam là: “Đoàn kết toàn dân – quyết tâm vì chính nghĩa, quyết giữ độc lập bằng mọi giá”.

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề khắc phục khó khăn về tài chính (in giấy bạc, lập ngân hàng...).

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Mỹ H. Tơruman, Nguyên soái Liên Xô J.Xtaline và Thủ tướng Anh M. Attlec...

- Báo Cứu quốc, số 77, ngày 29-10-1945.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho Thống chế Tưởng Giới Thạch, kịch liệt phản đối việc quân đội Anh tiếp tay cho quân đội Pháp thực hiện âm mưu tái chiếm Việt Nam và yêu cầu: “Thứ nhất, ban bố lệnh chấm dứt tàn sát một dân tộc đang bảo vệ các quyền chính đáng của mình theo các nguyên tắc ghi trong Hiến chương Đại Tây Dương10 và Hiến chương Xan Phranxixcô11. Thứ hai, công nhận nền độc lập hoàn toàn của nước Cộng hoà Việt Nam”.

- United States - Vietnam relations 1945-1967, U.S.Government printing office, Washington, 1971, p.91.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 75-76.

Tháng 10, ngày 29

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ quyết chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ nền độc lập của Việt Nam và để chiến thắng giặc ngoại xâm. Lời kêu gọi có đoạn:

"Đồng bào trong Nam, trong một tháng nay, đã tỏ rõ tinh thần vững chắc, hùng dũng, đáng làm gương cho lịch sử thế giới. Ngày nay, trước tình trạng khó khăn, toàn thể quốc dân Việt Nam hồi hộp theo cuộc chiến đấu ở Nam Bộ. Nhưng thời cuộc càng khó khăn chừng nào, tôi chắc rằng tinh thần anh chị em càng cương quyết hơn chừng ấy. Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không đội xâm lăng nào đánh tan được"..

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề chống nạn đói. Người đề nghị lập Hội Cứu đói gồm đại biểu Chính phủ, một vị sư, một vị cố đạo Thiên Chúa, những tư gia có sáng kiến và kêu gọi cả người Trung Hoa, Ấn Độ dùng đủ mọi phương pháp để tiết kiệm gạo.

- Báo Cứu quốc, số 77, ngày 29-10-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 77-78.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ. Lời kêu gọi viết:

"Trong cuộc chống xâm lăng này, các bạn đã là bức Vạn Lý Trường Thành vững chắc. Các bạn phải thống nhất mặt trận thanh niên, đoàn kết, nêu cao tinh thần tin tưởng ở sức mạnh của dân tộc. Những gương hy sinh anh dũng của các bạn đã sáng rọi khắp nước. Những chiến công oanh liệt của các bạn đã làm cho toàn thể đồng bào thêm kiên quyết.

Hỡi anh chị em thanh niên Nam Bộ!

Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của nước Việt Nam. Dẫu có phải hy sinh đến nửa số dân tộc, ta cũng quyết hy sinh. Cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam phải toàn thắng".

17 giờ 30, Người dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về những hoạt động quân sự của Pháp và Trung Hoa ở nước ta.

- Bản chụp bức thư, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 79.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 31

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề in Bản dự thảo Hiến pháp đã được Hội đồng xem xét, vấn đề khai giảng các trường đại học, vấn đề thiếu gạo.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ông S. L. Nordlinger trong phái đoàn cứu trợ nhân đạo Mỹ bức tranh thêu Chim Hạc 8).

- Bức tranh Chim Hạc này hiện trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội (do bà Jane Coyle, thân nhân của ông S. L. Nordlinger tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).

________________________________

1) Việc quân đội Trung Hoa đóng quân cả ở nhà thờ đạo, Lư Hán thoả thuận sẽ ra lệnh cho quân rút khỏi nhà thờ.

Việc người Trung Hoa cho phép một số người Pháp trở lại làm việc ở nhà máy điện. Lư Hán nói sẽ điều tra và cho rằng người Trung Hoa hay người Việt Nam trông coi cũng được, miễn là có điện và nước.

Việc người Trung Hoa kiểm soát Đài phát thanh, Lư Hán nói: họ có bổn phận kiểm soát, nhưng hứa sẽ dễ dãi đối với người Việt Nam dùng Đài phát thanh.

- Việc đổi tiền Việt và tiền Trung Hoa cần làm cho rõ ràng và nhất luật. Lư Hán hứa sẽ thương lượng cụ thể và sẽ ra lệnh cho quân đội đổi đúng giá.

- Việc xuất cảng vàng, Lư Hán hứa ra lệnh cấm xuất cảng vàng.

- Việc kiểm soát xe hơi, Lư Hán thoả thuận để cả người Trung Hoa và người Việt Nam kiểm soát.

2) Cuộc gặp mặt ngày 30-9-1945 do Uỷ ban nhân dân Trung Bộ tổ chức tại Thuận Hoá nhằm thiết chặt mối tình chiến đấu Việt - Lào. Tại cuộc gặp này còn có hai đại biểu Việt Minh, bà Vĩnh Thuỵ - cựu Nam phương Hoàng hậu, nhiều phụ nữ công nhân, Phật giáo, Văn hoá, báo Quyết thắng, Quyết chiến...

3) Có một số tài liệu dịch là Hội đồng tư vấn...

4) Lao Cai là tỉnh địa đầu biên giới, đồng bào Lao Cai vì đường sá xa xôi, việc thông tin liên lạc khó khăn, nên không biết rõ tình hình, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư này.

5) Hội nghị các nước châu Phi họp tại Măngsétxtơ (Anh).

6) Mang ý nghĩa ủng hộ cuộc kháng chiến Nam Bộ và phong trào giải phóng ở các thuộc địa khác.

7) Bốn biển một nhà.

8) Thực tế, ông S. L. Nordlinger là đại tá Mỹ, chỉ huy đội quân G5 chuyên hoạt động giải thoát tù nhân chiến tranh trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

* Năm 1945 - Tháng 11

NĂM 1945

Tháng 11, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Giêm Biếcnơ. Trong thư, Người đưa ra sáng kiến về ngoại giao nhân dân, mở đầu cho mối quan hệ hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ, trước hết trong lĩnh vực văn hoá, mặc dù giữa hai nước chưa có quan hệ ngoại giao chính thức. Người đề nghị “được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”.

- Bản chụp bức thư, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Hồ Chí Minh (bản Anh văn).

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 80-81.

Tháng 11, trước ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời các nhà báo về lời tuyên bố ngày 26-10-1945 của Tổng thống Mỹ Tơruman12. Mở đầu, Người nói: "Cứ xét 12 điểm chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ này, thì đều có ý nghĩa công minh chính trực cả, nhưng riêng năm điểm có quan hệ mật thiết với các dân tộc nhược tiểu trên thế giới"… thì nhân dân Việt Nam "rất hoan nghênh và chắc rằng nước Mỹ sẽ làm cho những lời tuyên bố ấy thực hiện ngay, nó đặt nền móng cho hoà bình và hạnh phúc của nhân loại và trước hết là cho các dân tộc nhỏ yếu".

Đó là:

"- Hoa Kỳ không nghĩ tới một sự mở mang bờ cõi nào vì những mục đích ích kỷ...

- Hoa Kỳ tin tưởng vào sự trở lại chủ quyền của hết thảy các dân tộc đã mất chủ quyền ấy bởi cường lực...

- Hoa Kỳ không ưng thuận một sự thay đổi lãnh thổ nào mà không được chính các dân tộc đương sự thoả thuận...

- Tất cả các dân tộc đương chuẩn bị tự trị được tự chọn lấy chính thể của họ...

- Không một chính phủ nào thành lập bằng sự áp bức, bằng vũ lực trên một dân tộc khác, lại sẽ được Hoa Kỳ thừa nhận cả".

- Báo Cứu quốc, số 81, ngày 2-11-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 82-83.

Tháng 11, ngày 3

16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề gạo cứu đói. Người được Hội đồng Chính phủ phân công thảo một kế hoạch để giúp ý kiến cho Hội Cứu đói.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 54, quy định các công chức thuộc các ngạch trong nước Việt Nam đương chức hay đã nghỉ việc trong hai điều kiện: đã làm việc được 30 năm hoặc đã đến tuổi 55, đều phải về hưu kể từ ngày 1 - 10 - 1945.

- Sắc lệnh số 55, quy định cách tổ chức Hội đồng kỷ luật các viên chức ở các cơ quan và địa phương.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 5

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội tổ chức tại Nhà hát thành phố để hưởng ứng "Ngày kháng chiến" 1). Đọc diễn văn trong buổi lễ, Người tố cáo âm mưu của thực dân Pháp muốn xâm chiếm nước ta một lần nữa, đồng thời khẳng định lập trường và ý chí quyết chiến để giữ vững nền độc lập của dân tộc. "Bọn thực dân Pháp phải biết rằng: dân Việt Nam không muốn đổ máu, dân Việt Nam yêu chuộng hoà bình. Nhưng nếu cần phải hy sinh mấy triệu chiến sĩ, nếu cần phải kháng chiến bao nhiêu năm để giữ gìn quyền độc lập của Việt Nam, để cho con cháu Việt Nam khỏi kiếp nô lệ, thì chúng ta vẫn kiên quyết hy sinh và kháng chiến".

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho kiều bào Việt Nam ở Pháp. Trong thư, Người biểu dương tinh thần đấu tranh, yêu nước của kiều bào, tố cáo những tội ác dã man của bọn thực dân Pháp xâm lược, vạch trần sự đồng lõa của nhà cầm quyền Anh ở Nam Bộ và khẳng định ý chí mạnh mẽ của một dân tộc thà chết tự do hơn sống nô lệ. Người mong rằng kiều bào hãy xứng đáng với anh em đang chiến đấu ở Nam Bộ để bảo vệ cho nền độc lập của nước nhà.

Cũng cùng ngày, bài Toàn dân kháng chiến (ký bút danh Q.T) của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc, số 83. Bài viết nêu rõ ý nghĩa, nội dung cụ thể của toàn dân kháng chiến và kết luận "Thực hiện được toàn dân kháng chiến, phần thắng thế nào cũng về ta".

17 giờ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về tình hình thu các thứ thuế buôn bán, thuế trước bạ, thuế trực thu và nghe báo cáo về dự án ngân sách năm 1946.

- Báo Cứu quốc, số 83 và 85, ngày 5 và ngày 7-11-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 86-92.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 6

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: hiến pháp, kiểm tra việc phân phối gạo và tăng gia sản xuất.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 7

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề hiến pháp, vấn đề nghỉ phép của viên chức, vấn đề người Pháp đang vận động người Trung Hoa để lập Sở Liên lạc Pháp - Hoa.

Trong ngày, Người tiếp đoàn đại biểu Công giáo Cứu quốc. Đoàn đã báo cáo với Người công việc của Đại hội đại biểu Công giáo Cứu quốc toàn quốc tổ chức tại Phát Diệm (Ninh Bình).

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56 về việc uỷ nhiệm cho Bộ Quốc dân kinh tế (Nha kỹ nghệ) kiểm soát việc sản xuất giấy, bìa trong toàn cõi Việt Nam; Bộ Tuyên truyền và cổ động được uỷ nhiệm kiểm soát giấy, bìa nội hoá và nhập cảng, cùng việc phân phối các sản phẩm đó đến các nơi tiêu thụ.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 8

Bài viết Hô hào nhân dân chống nạn đói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu quốc, số 86. Người lên án chính sách độc ác của bọn thực dân Pháp đã làm cho hơn hai triệu đồng bào Bắc Bộ chết đói và hô hào tất cả các tổ chức, các lực lượng trong nước phải ra sức chống nạn đói như chống giặc ngoại xâm. Kết luận, Người viết:

"Cuộc chống nạn đói cũng như cuộc chống ngoại xâm, ta nhất định thành công, vì đồng bào ta ai cũng sẵn lòng hăng hái. Nhưng các bạn phụ trách các địa phương phải biết cách tuyên truyền, biết cách giải thích cho ai nấy đều hiểu rõ, đều thực hành. Các bạn phải có sáng kiến để tìm ra cách làm được việc mà không mất lòng dân. Nhất là đối với chữ CẦN, chữ KIỆM, chữ HY SINH, chữ CÔNG BẰNG thì các bạn phải thực hành trước, phải làm gương cho dân chúng theo”.

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về đối sách của ta trong tình hình mới. Khi bàn đến thái độ người Pháp, Hội đồng nhận định họ đã có những cử chỉ khiêu khích. Có người nêu ý kiến: ta “thử hành động” xem thái độ của Pháp và quân đội Tưởng Giới Thạch thế nào? Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ý kiến: “Cần giữ trật tự, không nên hành động gì, vì nếu chúng ta không giữ trật tự, người Tàu sẽ thiết quân luật”.

Về vấn đề người Pháp sẽ kéo cờ ở trong thành nhân ngày 11 tháng 11 - ngày kỷ niệm kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất13, Người trả lời sẽ bàn với phía Trung Hoa, không để cho người Pháp làm việc này.

Trong cuộc họp, Người đã đề nghị cử ông Đinh Chương Dương làm Cố vấn Uỷ ban hành chính Trung Kỳ.

Về vấn đề Bộ Tư lệnh quân đội Tưởng Giới Thạch yêu cầu duyệt báo chí của ta, Người thông báo đã thương lượng với người Trung Hoa, nhưng chưa có kết quả.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 93-94.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp ông J. Xanhtơny.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 10

Tại buổi lễ “Ngày phụ nữ ủng hộ Nam Bộ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy chương Vàng cho bà Vương Thị Lai (tức Lợi Quyền, là người đi đầu trong việc quyên góp ủng hộ Chính phủ trong “Tuần lễ VÀNG”), và nói: “bà Vương Thị Lai là đại biểu của lòng hăng hái và hy sinh cho tất cả phụ nữ Việt Nam”.

Người còn gửi Ban tổ chức “Tuần lễ VÀNG” một tấm ảnh để chuyển tặng cho ông Nguyễn Sơn Hà (ở Hải Phòng), là người quyên góp nhiều thứ hai, sau bà Lai cho Quỹ Quốc phòng.

17 giờ 30, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo về cuộc gặp của Người với ông J.Xanhtơny hôm trước và thái độ của ông ta. Người cũng cho biết những đảng viên Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Pháp đã gặp anh em Việt Minh để trao đổi ý kiến. Người còn thông báo: Người Trung Hoa trước kia đỡ đầu cho Nguyễn Hải Thần nhưng đã chán nản về những hành động của ông ấy và báo tin Lư Hán có thể không trở lại Việt Nam nữa, mà có lẽ ông Trương Phát Khuê sẽ sang.

Tại cuộc họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị cử ông Lê Tùng Sơn làm Thứ trưởng Bộ Quân huấn.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 57, về việc nghiêm cấm sản xuất, tàng trữ, tiêu thụ, mua bán, bất cứ nhiều hay ít rượu được chế từ ngũ cốc bằng phương pháp cổ truyền hay khoa học; và định mức phạt khi phạm tội trên.

- Sắc lệnh số 58, về việc các công chức tất cả các ngạch có thể xin nghỉ gia hạn không lương ít nhất sáu tháng và liên tiếp xin gia hạn, cho đến khi tổng cộng nghỉ được ba năm. Quá hạn đó, nếu không xin ra làm việc, sẽ coi như thôi việc, hoặc có thể về hưu nếu đủ điều kiện hưởng hưu bổng. Việc cho phép nghỉ gia hạn không lương do Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, chủ quản đương sự xem xét. Những viên chức còn trong thời kỳ tập sự cũng được phép xin nghỉ gia hạn không lương theo thể lệ trên.

- Báo Cứu quốc, số 90, ngày 13-11-1945.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 12

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Tôn Trung Sơn (12-11-1866), báo Cứu quốc, số 69, đã đăng bài Hoa - Việt thân thiện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người tỏ rõ ý nguyện của nhân dân Việt Nam cũng như chính sách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đối với anh em Hoa kiều là đoàn kết, thân ái. Đồng thời, Người kêu gọi Hoa kiều, trên cơ sở truyền thống hữu nghị giữa hai dân tộc, hãy ra sức giúp đỡ và ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Cùng ngày, Người dự Lễ kỷ niệm ngày sinh của Tôn Trung Sơn do Hội Văn hoá Cứu quốc Việt Nam tổ chức tại Trường Đại học Việt Nam.

- Báo Cứu quốc, số 89 và 91, ngày 12 và ngày 14-11-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 95-96.

Tháng 11, trước ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn chúc mừng các ông: Gioócgiơ Biđôn - lãnh tụ Đảng Cộng hoà Bình dân, Lêông Blum - lãnh tụ Đảng Xã hội Pháp, Môrít Tôrê - lãnh tụ Đảng Cộng sản Pháp đã giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Nhân dịp này, một lần nữa Người khẳng định "nếu nước Pháp chịu thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, dân chúng Việt Nam sẽ hết sức hoà hảo với nước Pháp. Trái lại thế, dân chúng Việt Nam quyết rỏ đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho sự tự do".

- Báo Cứu quốc, số 90, ngày 13-11-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 97-98.

Tháng 11, ngày 13

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo về tình hình Nam Bộ, các vấn đề về Tổng tuyển cử, kiểm duyệt báo chí, đất trồng trọt và tổ chức thanh tra. Về vấn đề thanh tra, Người phát biểu:

“Các Bộ trưởng có thể chia nhau mỗi người đi thanh tra một khu gần Hà Nội, Bộ Nội vụ sẽ khảo cứu và lập một chương trình về việc này. Có nhiều việc thụt két 2) ở một vài công sở. Mỗi Bộ có trách nhiệm điều tra và đề nghị với Chính phủ nghiêm trị những người làm bậy”.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 14

Bài viết Nhân tài và kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu quốc, số 91. Người khẳng định công việc kiến quốc muốn thành công thì cần phải có nhân tài, và nhân tài nước ta dù chưa có nhiều nhưng nếu biết khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo sử dụng thì ngày càng có nhiều thêm. Người kêu gọi đồng bào những ai có tài năng và sáng kiến về Kiến thiết ngoại giao, Kiến thiết kinh tế, Kiến thiết quân sự, Kiến thiết giáo dục - những công việc "chúng ta cần nhất bây giờ"-, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà, hãy "gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay".

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Người đề nghị lập Bộ Canh nông và cử ông Cù Huy Cận làm Bộ trưởng. Khi bàn về vấn đề tập hợp nhân tài, Người đề nghị Hội đồng Chính phủ cử một Ban Cố vấn cho Chủ tịch gồm 10 người: bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, giám mục Lê Hữu Từ, các ông Bùi Bằng Đoàn, Ngô Tử Hạ, Lê Tạ, Bùi Kỷ và 4 người nữa sẽ cử sau.

- Báo Cứu quốc, số 91, ngày 14-11-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 99.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 15

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ tốt nghiệp khoá V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam. Trước buổi lễ, Người đã thăm trường, lớp, nhà bếp, chỗ tăng gia của trường. Nói chuyện tại buổi lễ, Người nhấn mạnh những công việc quan trọng trước mặt phải làm là: kháng chiến và cứu đói; Người căn dặn anh em phải hết sức nghe mệnh lệnh của Chính phủ, trong công việc phải làm cho dân yêu mến và siêng năng hăng hái, làm gương cho đồng bào.

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai giảng khoá đầu tiên Trường Đại học Việt Nam (nay là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, số 19 phố Lê Thánh Tông).

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Người thông báo việc một số địa chủ đã đến yết kiến và nói lại với Chính phủ các yêu cầu của họ. Người cũng cho biết Bộ Canh nông đã được thành lập và ông Cù Huy Cận đã thảo một thông cáo về việc này.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 59 về việc cho phép Uỷ ban nhân dân các cấp có quyền được thị thực các giấy tờ cho nhân dân nơi mình quản lý; quy định mức lệ phí được thu với các khế ước chuyển dịch bất động sản và các khế ước khác, số lệ phí này nộp vào quỹ công của Uỷ ban nhân dân nơi cấp thị thực.

- Báo Cứu quốc, số 92 và 93, ngày 15 và ngày 16-11-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 101-102.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 16

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề bầu cử và ứng cử, việc Việt Nam Quốc dân Đảng đã phát hành một tờ báo; vấn đề khuyến nông và tư pháp... Người đề nghị Chính phủ ra Thông cáo nói rõ ai cũng có quyền ứng cử, dù ở đảng phái nào hay không đảng phái.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 60 quy định về thủ tục được tiến hành trước toà tại Hà Nội, Hải Phòng, Nam Bộ, Đà Nẵng.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 17

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo tình hình và bàn về các vấn đề kế hoạch của Bộ Canh nông, việc dịch Dự thảo Hiến pháp ra tiếng Pháp để đăng báo La République; vấn đề tổ chức và quyền hạn của Uỷ ban nhân dân.

20 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Hội Hướng đạo Việt Nam tại khu Việt Nam học xá (Hà Nội).

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 95, ngày 19-11-1945.

- Báo Hướng đạo thẳng tiến, ngày 26-11-1945.

Tháng 11, ngày 19

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp các ông Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh để thoả thuận về vấn đề đoàn kết chống thực dân Pháp và giúp đỡ đồng bào Nam Bộ.

16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ để thảo luận về Sắc lệnh tổ chức Hội đồng nhân dân, Uỷ ban hành chính, và các vấn đề đê điều, tài chính, giấy bạc 500đ, bảo vệ di tích và lăng tẩm, khen thưởng những người hy sinh vì Tổ quốc. Người còn thông báo về việc 10 thương gia Việt Nam và Trung Hoa đã đi Việt Trì để lo việc tiếp tế cho quân đội Trung Hoa, về cuộc gặp của Người với các ông Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh ban sáng.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 20

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Hội Hướng đạo Nghệ Tĩnh.

10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: truy tặng danh hiệu cho 5 liệt sĩ hy sinh tại Cái Răng, lập Uỷ ban canh nông tại phủ, huyện, châu, xã; tuyên truyền thể lệ và quyền ứng cử, bầu cử; việc cung cấp gạo cho quân đội Trung Hoa và vấn đề Tổng hội viên chức đề nghị vay 500.000đ để mua gạo tiếp tế cho công chức. Người đề nghị ra một Sắc lệnh truy tặng danh hiệu cho 5 liệt sĩ nói trên.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 62 về việc bãi bỏ Sở thương binh, chiến binh, nạn nhân chiến tranh và trẻ mồ côi thuộc địa.

- Báo Hướng đạo thẳng tiến, ngày 26-11-1945.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 21

9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ, bàn về vấn đề tổ chức Ban Thanh tra và nghe các Bộ báo cáo.

13 giờ 45, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nghe đại diện các Bộ báo cáo tình hình. Sau khi nghe đại diện Bộ Giáo dục báo cáo, Người nói: “Ta đã làm được nhiều việc về giáo dục, làm hơn hẳn người Pháp”, và đề nghị ông Vũ Đình Hoè nên viết một bài nói về công việc đã làm đưa cho Bộ Tuyên truyền.

Khi Hội đồng thảo luận về báo cáo của Bộ Tuyên truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: cần phải có kế hoạch tuyên truyền đối với Pháp, đối với Trung Hoa, đối với các nước khác, đối với dân trong nước, và cho rằng ở các lớp tuyên truyền mỗi ngày chỉ học có hai giờ là quá ít. Khi Bộ Thanh niên báo cáo, Người nhận xét có quá nhiều tổ chức thanh niên, Bộ Thanh niên cần tập hợp tất cả lại thành một tổ chức và chỉ xuất bản một tờ báo thanh niên.

20 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự dạ hội của Hội Nhi đồng Cứu quốc tại Nhà hát thành phố, cùng đến dự còn có Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu và Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền.

Trong ngày, nhân dịp khai mạc Hội nghị Oasinhtơn về Viễn Đông mà không có mặt của đại biểu Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một lần nữa tuyên bố "bác bỏ mọi quyền của người Pháp phát biểu nhân danh nhân dân Việt Nam" và lên án cuộc xâm lược của Pháp đối với Việt Nam đã vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Xan Phranxixcô. Người kêu gọi các dân tộc tự do trên thế giới sẽ công nhận nền độc lập của nước Cộng hoà Việt Nam và đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột giết chóc ở Nam Việt Nam.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 61, về việc chuyển Sở Vô tuyến điện Việt Nam thuộc về Bộ Quốc phòng.

- Báo Cứu quốc, số 99, ngày 23-11-1945.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 109.

- United States-Vietnam relations 1945-1967, U.S. Government printing office, Washington, 1971, p. 92.

Tháng 11, ngày 22

14 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Khi bàn về vấn đề tiếp tế gạo cho các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ, Người nêu ý kiến cần chú ý không để cho quân đội Trung Hoa dân quốc đổ lỗi cho ta làm khó dễ cho sự tiếp tế của họ.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63 về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh và Uỷ ban chấp hành cấp Kỳ. Sắc lệnh gồm 4 chương, 17 tiết, 115 điều.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 23

Tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp 18 đại biểu của 5 dân tộc thiểu số Tuyên Quang. Người thân mật bắt tay từng người, hỏi thăm tình hình Việt Bắc và khen ngợi tinh thần yêu nước, ý chí đánh giặc, tinh thần sản xuất của đồng bào các dân tộc ít người. Người căn dặn đồng bào cần phấn đấu nhiều hơn, đoàn kết giữ gìn độc lập, chống xâm lăng và "nhờ anh chị em về nói lại với đồng bào trên ấy biết rằng đồng bào Kinh và Chính phủ rất thương mến đồng bào Mán, Thổ, coi như anh chị em trong một nhà, và khuyên anh chị em gắng sức để đi tới thái bình để cùng hưởng chung". Trước khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh chung với các đại biểu.

16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Khi bàn về chương trình kinh tế, Người nói:

“Ngoại giao và kinh tế có ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu mình có một chương trình kinh tế có lợi cho người ngoại quốc, họ có thể giúp mình”...

Tại cuộc họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo những công việc Bộ Ngoại giao đã làm:

Từ trước đến nay Chính phủ ta giao thiệp với người ngoại quốc đã gây được cảm tình của nhiều cá nhân.

Người Mỹ không ưa chính sách thuộc địa của Pháp, nhưng vì ngoại giao, người Mỹ không muốn làm mất lòng người Pháp. Việc ngoại giao với Pháp chưa có kết quả gì. Ta vẫn phải chuẩn bị.

Về ngoại giao với Trung Hoa, hàng ngày ta vẫn giao thiệp với họ ở đây. Họ tán thành việc ta gửi một phái bộ văn hoá sang Trung Hoa. Phái bộ chưa có tiền. Người Trung Hoa nói vì nội trị của ta chưa rõ nên họ chưa tỏ thái độ đối với ta.

Người thông báo với Hội đồng Chính phủ về cuộc gặp Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh ngày 19 tháng 11: Hai bên đã thoả thuận đoàn kết để chống Pháp nhưng báo Việt Nam 3) vẫn công kích Chính phủ lâm thời. Ngày mai sẽ có cuộc hội kiến nữa và mong có kết quả. Nếu họ muốn tham gia Chính phủ, ta sẽ vui lòng để họ tham gia Chính phủ.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Mỹ Tơruman và Tổng chỉ huy UNRRA 4). Người yêu cầu “các cường quốc trên thế giới và các tổ chức cứu trợ quốc tế” giúp đỡ ngay lập tức cho Việt Nam để qua được nạn đói.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 64, về việc lập ngay một Ban Thanh tra đặc biệt, có nhiệm vụ giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các Uỷ ban nhân dân, các cơ quan của Chính phủ và quy định quyền hạn của Ban Thanh tra này. Thiết lập ngay tại Hà Nội một toà án đặc biệt để xử những nhân viên của các Uỷ ban nhân dân hay các cơ quan của Chính phủ do Ban Thanh tra đặc biệt truy tố, cách tổ chức và quyền hạn của toà án này.

- Sắc lệnh số 65, về nhiệm vụ của Đông phương Bác Cổ học Viện là bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, cấm phá huỷ đình, chùa, đền, miếu, các cổ vật, thành, quách, lăng, mộ, chiếu sắc, văn bằng, v.v. có ích cho lịch sử. Chính phủ công nhận nguyên tắc những khoản trợ cấp hàng năm của toàn quốc, tỉnh và của mỗi người cho Đông Dương Bác Cổ học Viện.

- Báo Cứu quốc, số 101, ngày 26-11-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 103-104.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 24

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với đại diện Việt Nam Quốc dân Đảng ký bản cam kết Tinh thành đoàn kết 5). Trong đó, hai bên đảm bảo không công kích lẫn nhau bằng lời nói và bằng hành động, cùng kêu gọi đoàn kết, cùng kêu gọi ủng hộ Nam Bộ kháng chiến.

19 giờ 30, Người dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: đê điều, tổ chức Bộ Nội vụ và Tổng tuyển cử.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 66 về việc Chính phủ, Bộ Y tế hoặc quân đội có thể trưng dụng các y sĩ, dược sĩ ra giúp việc.

- Bản cam kết Tinh thành đoàn kết, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 518.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 25

Tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Đại hội Thanh niên Cứu quốc toàn xứ Bắc Bộ.

Nói chuyện với Đại hội, Người thông báo cho Đại hội về tình hình quốc tế, tình hình trong nước và đề ra một số nhiệm vụ cho thanh niên:

- Chuẩn bị luôn luôn: một mặt ủng hộ cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, một mặt chuẩn bị chiến đấu ở Trung và Bắc Bộ.

- Cứu đói: mang gạo từ chỗ có đến chỗ không có. Quyên gạo, khuyến nông, không để thừa một tấc đất hoang nào.

- Chuẩn bị Tổng tuyển cử: tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ bổn phận của mình trong cuộc Tổng tuyển cử.

Người phê bình các tổ chức thanh niên còn hẹp hòi, không thu hút nhiều giai tầng, chưa lôi kéo được đại đa số thanh niên, chưa giúp đỡ nữ thanh niên, chưa có kế hoạch, phương hướng... và đề nghị thanh niên hãy thực hiện khẩu hiệu: "Làm, phải cho thắng, nhất định không cho bại!".

- Báo Cứu quốc, số 101, ngày 26-11-1945.

- Báo La République, số 9, ngày 2-12-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 105-106.

Tháng 11, ngày 27

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thanh niên toàn quốc tích cực thực hiện chính sách đối với Hoa kiều 6). Sau khi nhắc lại truyền thống tốt đẹp trong quan hệ hợp tác giữa người Việt và Hoa kiều đã có từ trước đây, Người kêu gọi thanh niên phải đi đầu trong việc thực hiện chính sách “Hoa – Việt thân thiện”; đồng thời, phải ngăn ngừa những âm mưu ly gián hòng gây xích mích giữa người Việt Nam với Hoa kiều, phá hoại tình cảm giữa hai dân tộc.

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: tiếp tế gạo, lập Ban Thanh tra đặc biệt và công tác ngoại giao. Người nói: “Ta cầm quyền trong lúc khó khăn: có người Tàu, người Tây, người Nhật, lại thêm nạn đói, các Bộ thiếu liên lạc, Chính phủ thiếu kế hoạch chung. Vấn đề dùng người khó, tuy rằng ta rất rộng”. Người thông báo Việt Nam Quốc dân Đảng muốn giữ các Bộ: Nội vụ, Kinh tế, Tài chính, Giáo dục, Quốc phòng, Thanh niên, Kiều vụ và muốn người của đảng này giữ chức Đổng lý Nội các.

- Báo Cứu quốc, số 103, ngày 28-11-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 107-108.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 28

16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về chính sách ngoại giao. Hội đồng đã khẳng định:

1. Ngoại giao đối với Pháp: Nguyên tắc của Chính phủ là:

a- Nhất quyết đòi quyền độc lập.

b- Chỉ có thể nhượng bộ ít nhiều về kinh tế, văn hoá.

2. Ngoại giao đối với Trung Hoa:

Cùng một nguyên tắc là không nhượng bộ về vấn đề độc lập của Việt Nam.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 67 về việc cử một Uỷ ban tối cao tiếp tế và cứu tế gồm: Bộ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế, Bộ trưởng Bộ Cứu tế, Bộ trưởng Bộ Canh nông, để nghiên cứu và thi hành những biện pháp cần thiết nhằm tăng sức sản xuất của đồng ruộng, để tiếp tế và cứu tế cho nhân dân trong toàn cõi Việt Nam.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 29

17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: Tổng tuyển cử, giải quyết việc quân đội Trung Hoa dân quốc canh gác Đài phát thanh và giữ tại Ga Hà Nội chiếc máy bay của ông Vĩnh Thuỵ mới gửi ra; việc cử một phái viên của Chính phủ Việt Nam vào Nam Bộ.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 30

16 giờ 45, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn việc kỷ niệm ba tháng độc lập (2-9 – 2-12) và việc ứng cử vào Quốc hội. Người được phân công ứng cử tại Hà Nội.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 68 cho phép các nhà chức trách quân sự hoặc hành chính được phép trưng dụng động sản của tư nhân và trưng tập người vào việc bảo vệ, củng cố nền độc lập trên toàn cõi Việt Nam. Chính phủ sẽ bồi thường theo 12 điều khoản được quy định trong Sắc lệnh này.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Cuối tháng

Từ 9 giờ đến 14 giờ, tại Bộ Tư lệnh quân đội Trung Hoa ở Việt Nam (khu vực Bệnh viện Hữu Nghị hiện nay), Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp tướng Chu Phúc Thành để giải quyết một vụ rắc rối, nhằm giải quyết tình hình căng thẳng do quân đội Tưởng Giới Thạch gây ra 7).

- Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr. 310-311.

_________________________

1) Để biểu thị sự ủng hộ cuộc chiến đấu oanh liệt của đồng bào Nam Bộ chống Pháp xâm lược, cả nước tổ chức "Ngày kháng chiến" vào ngày 5-11-1945.

2) Tham ô.

3) Tờ báo của Việt Nam Quốc dân Đảng.

4) United Nations Relief and Rehabilitation Administration. (Cơ quan cứu trợ và khôi phục của Liên hợp quốc).

5) Trong buổi ký cam kết có Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Lê Tùng Sơn, Cù Huy Cận, Phan Trâm. Cả 5 người cùng với Hồ Chí Minh đều ký vào bản Tinh thành đoàn kết (Tinh thành: có lòng thành hết mực).

6) Khi quân Tưởng do Lư Hán chỉ huy vào tước vũ khí quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra, chúng sách nhiễu, cướp phá tài sản của nhân dân ta ở một số nơi và làm chỗ dựa cho bọn phản động Việt quốc, Việt cách làm bậy. Vì thế, thanh niên ta ở nhiều nơi đã có phản ứng. Trước tình thế không có lợi cho ta lúc bấy giờ, và thực hiện chính sách “mềm dẻo” để tập hợp lực lượng, Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi này.

7) Tướng Chu Phúc Thành vu cáo một cán bộ của ta đã đi chiếc xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gây ra vụ bắn chết một Pháp kiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch rõ sự vu cáo trắng trợn trên đây. Chu Phúc Thành chuyển sang trách cứ Chính quyền ta không đảm bảo được trật tự an ninh... Cuối cùng chúng vẫn giữ xe và người lái xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy cớ "để truy tìm hung thủ", Chủ tịch Hồ Chí Minh phải điện thoại về Bắc Bộ phủ để đưa xe khác đi đón Người!

* Năm 1945 - Tháng 12

NĂM 1945

Tháng 12, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các ông J. Xanhtơny, L.Pinhông và L.Capuýt 1) tại Hà Nội. Cùng dự có các ông Hoàng Minh Giám và Võ Nguyên Giáp. Người tỏ ý muốn có cuộc gặp gỡ với Đô đốc Đácgiăngliơ để bàn và thảo một kế hoạch đàm phán Việt - Pháp.

17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề tự do ngôn luận, bổ khuyết Sắc lệnh Tổng tuyển cử, Sắc lệnh về Bộ Canh nông. Người thông báo đã đề nghị với Việt Nam Quốc dân Đảng hoãn cuộc đàm phán về những yêu sách của đảng ấy đến cuộc Tổng tuyển cử.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 69, quy định các cơ quan canh nông, thú y, mục súc, ngư nghiệp, lâm chính và nông nghiệp tín dụng (hợp tác xã và nông phố ngân hàng) trong toàn cõi Việt Nam nay thuộc Bộ Canh nông.

- Sắc lệnh số 70, cử ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Lao động, làm Đặc phái viên của Chính phủ ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p. 110.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 71, bổ sung thêm một số điểm về thể lệ Tổng tuyển cử đã được ấn định theo Sắc lệnh số 51, ngày 17-10-1945.

- Sắc lệnh số 72, bổ sung thêm số đại biểu từng tỉnh và thành phố đã được quy định ở thể lệ Tổng tuyển cử tại Sắc lệnh số 51, ngày 17-10-1945.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 3

8 giờ 30, tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam. Phát biểu với hội nghị, Người nêu rõ: "Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói". Đồng thời, Người căn dặn các dân tộc thiểu số hiện nay cần ra sức Đoàn kết hơn trước chống xâm lăng; Tăng gia sản xuất; Cứu giúp đồng bào dưới xuôi về nạn đói, ủng hộ Chính phủ kháng chiến và cứu đói; Gây thân thiện giữa ta và Trung Hoa, nhất là các dân tộc ở các miền biên giới.

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ tiếp tục bàn về việc Tổng tuyển cử; vấn đề tìm người tài đức; vấn đề mua bán bất động sản của người Pháp; việc Ngân hàng Đông Dương Pháp chưa mở cửa để giải quyết vấn đề giấy bạc 500 đồng...

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào thiểu số, thông báo để đồng bào biết rằng ngày 3 tháng 12 năm nay (1945) “là một ngày rất vẻ vang cho nước Việt Nam, đó là ngày Đại hội của các dân tộc thiểu số lần thứ nhất. Hơn 20 dân tộc, họp lại một nhà, tay bắt mặt mừng, rất là thân ái. Đó là một cuộc Đại hội xưa nay chưa từng có, một cuộc thân thiện làm cho cả nước vui mừng”. Người đề nghị đồng bào dân tộc thiểu số “giúp đỡ cuộc kháng chiến, trồng trọt chăn nuôi, đoàn kết chặt chẽ, ủng hộ Chính phủ”... Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu lên những nhiệm vụ mà Chính phủ phải “gắng sức giúp các dân tộc thiểu số để mở mang nông nghiệp, nâng cao giáo dục...".

- Báo Cứu quốc, số 107, ngày 3-12-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 110-111.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bút tích Bức thư, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho chiến sĩ cùng đồng bào Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Người ca ngợi gương chiến đấu hy sinh của đồng bào, chiến sĩ; khẳng định nhân dân cả nước luôn luôn bên cạnh đồng bào Nam Bộ, Nam Trung Bộ và chỉ rõ cuộc kháng chiến tuy có khó khăn nhưng nhất định thắng lợi.

17 giờ, Người dự họp Hội đồng Chính phủ bàn việc chọn thêm một số thân sĩ để mời ra ứng cử; xem xét vấn đề lương cho công chức; quyết định tổ chức Bộ Thanh niên; bàn việc sửa chữa đường sắt Hải Phòng - Vân Nam; lập Ban Báo chí, định những nguyên tắc kiểm duyệt và bàn việc trợ cấp cho hai bà Thành Thái và Duy Tân (mỗi bà 500 đ Đông Dương hàng tháng).

- Bản chụp bức thư, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ba đại biểu Phụ lão Cứu quốc Hải Phòng. Theo yêu cầu của các đại biểu, Người nói chuyện về tình hình nước nhà, vấn đề cứu đói, công cuộc chống ngoại xâm và đường lối đối nội, đối ngoại của Chính phủ. Các đại biểu hứa với Người sẽ về giải thích cho quần chúng biết mọi công việc mà Chính phủ đang gắng sức làm để giành lại nền độc lập tự do cho nước nhà.

17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn thêm về việc chọn người ra ứng cử Quốc hội và việc Ngân hàng Đông Dương đã thoả thuận đổi giấy bạc 500 đ cho người Việt Nam (trước đó Pháp quyết định ngừng tiêu giấy bạc 500 đ).

- Báo Cứu quốc, số 125, ngày 24-12-1945.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 6

Tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ tuyên thệ ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của Hội Cựu binh sĩ Cứu quốc.

16 giờ 45, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: quản lý tiền thu của công nhân đường sắt Hải Phòng – Vân Nam; quy định quyền bầu cử, ứng cử cho những người Cao Miên có quốc tịch Việt Nam và một số ít người ngoại quốc (đã ở Việt Nam ít nhất 10 năm, biết nói tiếng Việt, đã nhập quốc tịch Việt Nam, có bất động sản, làm đơn xin).

Cùng ngày, báo Việt Nam (số 19) công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi hai ông Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh, kêu gọi sự đoàn kết và đưa ra những đề nghị cụ thể:

"a. Xin mời các đồng chí Quốc dân Đảng tham gia việc Tổng tuyển cử ở các nơi.

b. Xin cho chúng tôi biết những đồng chí ra ứng cử ấy muốn ứng cử ở nơi nào để cho tiện việc biên tên vào danh đơn ứng cử.

c. Các ông ấy được hoàn toàn tự do hoạt động ứng cử cũng như các đảng phái khác. Chúng tôi xin phụ trách bảo vệ và giúp đỡ các ông ấy.

d. Từ ngày nay cho đến ngày Quốc hội khai mạc, hai bên phải tôn thủ điều kiện đã cùng nhau ký tại ngày 24 tháng 11 2), tức là "không công kích nhau bằng lời nói và hành động".

- Báo Cứu quốc, số 111, ngày 7-12-1945.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 112-113.

Tháng 12, ngày 7

7 giờ, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo Việt Nam Quốc dân Đảng đòi giữ ba chức Bộ trưởng và chức Đổng lý Nội các. Người đề nghị giao cho Việt Nam Quốc dân Đảng các chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Vệ sinh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền. Phó Chủ tịch Chính phủ hoặc Tham mưu trưởng, hoặc Trưởng đoàn Cố vấn. Ý kiến của Người được Hội đồng tán thành.

Hội đồng quyết định cử Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Cùng ngày, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh Gửi nông gia Việt Nam, đăng trên báo Tấc đất 3), số 1. Người chỉ rõ: “Hiện nay chúng ta có hai việc quan trọng nhất: cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam”, và kêu gọi nông dân: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 73 quy định những điều kiện và cách thức đối với người ngoại quốc muốn nhập quốc tịch Việt Nam.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 114-115.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 8

19 giờ 45, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề điều đình với Việt Nam Quốc dân Đảng và quyết định nếu cuộc điều đình có kết quả thì Chính phủ sẽ hoãn cuộc Tổng tuyển cử để các ứng cử viên Quốc dân Đảng có thì giờ tham gia ứng cử.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 9

11 giờ, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch

Hồ Chí Minh báo cáo về vấn đề điều đình với Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội. Người cho biết họ không chịu chấp nhận những đề nghị của Chính phủ 4) và chiều nay, Người tiếp tục đàm phán với họ.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 10

16 giờ 45, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề Tổng tuyển cử, vấn đề điều đình với Việt Nam Quốc dân Đảng... Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Hội đồng tập trung bàn các vấn đề sau:

- Làm thế nào để các Uỷ ban làng tổ chức cuộc bầu cử cho đúng;

- Làm thế nào để các cử tri biết cách bỏ phiếu;

- Làm thế nào để cho cử tri đi bỏ phiếu thật đông.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 11

17 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ tiếp tục bàn về vấn đề Tổng tuyển cử và nghe báo cáo về vấn đề thương lượng với Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 12

Chiều, tại phòng Hội đồng thị chính Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp mặt của các vị ra ứng cử đại biểu Quốc hội ở Hà Nội. Cuộc họp do cụ Nguyễn Hữu Tiệp, người cao tuổi nhất, chủ trì. Các ứng cử viên thảo luận hai vấn đề chính:

1. Lập một ban liên lạc làm trung gian.

2. Lập một chương trình của Mặt trận liên hiệp quốc dân với nguyên tắc chung là: thống nhất, kháng chiến, độc lập hoàn toàn, tăng gia sản xuất, xây dựng kinh tế.

- Báo Cứu quốc, số 120, ngày 18-12-1945.

Tháng 12, ngày 13

10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề đổi giấy bạc 500đ, vấn đề đẩy mạnh cổ động và tuyên truyền phục vụ Tổng tuyển cử.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào ngoại thành Hà Nội. Toàn văn bức thư như sau:

Cùng toàn thể đồng bào nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội.

Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi, mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới.

Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa.

Tôi thành thực cảm tạ toàn thể đồng bào nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội.

HỒ CHÍ MINH”

10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn ra Sắc lệnh về nghề luật sư, Tổng tuyển cử và vấn đề công chức.

- Báo Cứu quốc, số 118, ngày 15 - 12 - 1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 116.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 16

Bài viết: "Hồ Chủ tịch khuyên răn bộ đội", đăng trên báo Chiến thắng, tờ báo của Việt Nam Vệ quốc đoàn, xuất bản tại Hà Nội (số 16 và 18 ngày 16 và ngày 18-12-1945) ghi lại những khuyết điểm mà bộ đội phải sửa ngay. Đó là:

1. Ham hình thức mà không chú ý đến những điều thiết thực: Thích ăn mặc chải chuốt, may quần áo bằng vải đắt tiền, đi ủng, đeo súng cho ra vẻ sĩ quan, vài ngày lại giết bò, tìm chỗ đóng (quân) cho đẹp...

2. Không bí mật: Phải làm sao cho mình biết địch mà địch không biết mình.

3. Cẩu thả: Ngày thường không chịu phòng bị cẩn thận; ngay cả chỉ huy cũng chỉ dặn dò, hỏi han cấp dưới qua loa.

4. Công tác chính trị đối với dân chúng rất kém; có đồng chí cố ý tỏ ra là quan, là lính cho dân sợ.

5. Hiểu nhầm chữ "tự do": Quân đội không thể vô chính phủ được, phải có kỷ luật.

6. Làm việc không có kế hoạch: Công việc gặp gì làm nấy, hời hợt, không thiết thực, không có kết quả...

Từ thực tế trên, Người yêu cầu mọi người phải sửa chữa những khuyết điểm ngay và phải chú ý:

1. Phải gắng sức học tập.

2. Kỷ luật nghiêm: Ai nấy đều phải tuân theo kỷ luật; Không thể trì hoãn, phải làm kiên quyết và mau mắn.

3. Chịu khó, chịu khổ: Muốn giữ vững tinh thần chiến đấu, muốn dẻo dai trong lúc tác chiến, ngay bây giờ bộ đội phải tập ăn uống kham khổ, chịu đựng sự thiếu thốn cho quen; tập đi bộ, tập mang nặng, làm việc tỉ mỉ... Chịu khó chịu khổ là phương thuốc bổ cho tinh thần và lực lượng của bộ đội. Phải tham gia sản xuất để có rau ăn, trứng rán...

- Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thông tin tư liệu, Nội san, số 7, tháng 1-2005, tr. 27-28, 33.

Tháng 12, ngày 17

10 giờ 30, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về việc Việt Nam Quốc dân Đảng yêu cầu tiếp tục cuộc điều đình và hoãn cuộc Tổng tuyển cử. Người đã yêu cầu Việt Nam Quốc dân Đảng viết rõ những đề nghị của họ.

Hội đồng Chính phủ đã quyết định tiếp tục cuộc điều đình với Việt Nam Quốc dân Đảng và hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6-1-1946 và gia hạn nộp đơn ứng cử đến hết ngày 27-12-1945.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 74 NV/CC, quy định những thể lệ lương bổng cho các nhân viên công chức mắc bệnh lao hay phong phải nghỉ việc dài hạn.

- Sắc lệnh số 75 NV/CC, về việc trưng tập tất cả viên chức tòng sự tại các công sở trong toàn cõi Việt Nam, trừ khi được lệnh cho nghỉ việc. Ai không tuân theo Sắc lệnh này bị truy tố và trừng phạt theo điều 12 nêu trong Sắc lệnh số 68, ngày 30-11-1945.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Trần Tu Hoà, đại diện của Bộ Tư lệnh quân đội Trung Hoa tại Việt Nam. Tướng Trần Tu Hoà thay mặt Bộ Tư lệnh quân đội Tưởng Giới Thạch ở Việt Nam trình bày về đề nghị: Bộ Tư lệnh quân đội Tưởng Giới Thạch ở Việt Nam sẽ đứng ra “điều đình”, thông qua hiệp thương giữa các đảng phái thành lập một Chính phủ liên hiệp lâm thời có đại biểu các tầng lớp tham gia để tổ chức cuộc Tổng tuyển cử và yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh lui thời gian tiến hành bầu cử lại hai tuần.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 76 về việc hoãn ngày Tổng tuyển cử trong toàn cõi Việt Nam đến ngày 6-1-1946 và gia hạn nộp đơn ứng cử đến hết ngày 27-12-1945.

- Hoàng Tranh: Những bài nghiên cứu về lịch sử quan hệ Trung - Việt, Nxb. Nhân dân Quảng Tây, 1992, tr.261 (bản Trung văn).

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 19

10 giờ 45, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề về tài chính (mua lại Nhà in Taupin, cho phép Nam Bộ phát hành ngân phiếu, phụ cấp đặc biệt cho người ít lương), vấn đề tư pháp, vấn đề người Trung Hoa yêu cầu Chính phủ mua gạo cho họ.

16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư (bằng chữ Hán) gửi tướng Trần Tu Hoà. Trong thư, Người thông báo quyết định của Chính phủ Việt Nam sẽ lui ngày Tổng tuyển cử trong toàn quốc lại hai tuần. Đồng thời, Người giải thích rõ thêm một số vấn đề như tổ chức và thành phần Mặt trận Việt Minh, Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Việt Minh, về tổ chức chính quyền ở địa phương, về việc triệu tập Quốc hội sau khi Tổng tuyển cử toàn quốc. Người còn gửi kèm theo bức thư một danh sách ứng cử viên tham gia Tổng tuyển cử của 11 tỉnh Bắc Kỳ.

Người nói rõ: "Về ngoại giao tranh thủ sự giúp đỡ của các nước Đồng minh, trước hết là Trung Quốc. Liên lạc và hỗ trợ các dân tộc bị áp bức". "Khẩu hiệu của Việt Minh là liên Hoa, kháng địch, độc lập".

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 117-119.

- Bản sao bức thư (tiếng Trung), lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 21

10 giờ 45, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề canh nông; nghe đề nghị của Việt Nam Quốc dân Đảng và quyết định sẽ đề nghị họ tham gia Chính phủ và ra ứng cử; vấn đề tư pháp: cử ra một tiểu ban để chọn nhân viên thẩm phán.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 77 về việc thành lập thành phố trực thuộc Chính phủ Trung ương hoặc Kỳ, thị xã thuộc Kỳ hoặc tỉnh. Cách tổ chức chính quyền nhân dân thị xã như cách tổ chức ở các xã đã được ấn định tại Sắc lệnh số 63, ngày 22-11-19455).

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các chiến sĩ miền Nam. Người thay mặt Chính phủ khen ngợi chiến sĩ ở các mặt trận miền Nam, đặc biệt là các chiến sĩ ở Nha Trang và ở Trà Vinh, đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. "Tổ quốc biết ơn các bạn, toàn thể đồng bào noi gương các bạn".

- Báo Cứu quốc, số 124, ngày 22-12-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 120.

Tháng 12, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp với đại diện các đảng phái (Việt Minh, Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội) bàn về việc thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời.

Người đã ký vào Văn kiện 14 điều thoả thuận về cơ cấu thành phần trong Chính phủ mới và nhiều vấn đề quan trọng khác. Văn kiện này còn kèm theo 4 điều phụ kiện về tổ chức bộ máy Chính phủ và nhân sự giữ cương vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ khi Chính phủ liên hiệp chính thức thành lập.

- Bản Văn kiện 14 điều thoả thuận Phụ kiện, chữ Hán, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 519-521.

Tháng 12, ngày 24

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho Việt Minh cùng với Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh thay mặt cho Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội cùng ký tên công nhận các thoả thuận sau:

1. Độc lập trên hết, đoàn kết trên hết. Trên tinh thần thân ái và chân thành, cùng nhau thoả thuận để giải quyết mọi vấn đề khó khăn trước mắt. Ai dùng vũ lực gây ra những cuộc nội loạn sẽ bị quốc dân ruồng bỏ.

2. Kể từ ngày 25-12-1945, đôi bên phải ủng hộ một cách thiết thực cuộc Tổng tuyển cử, Quốc hội và kháng chiến.

3. Bắt đầu từ ngày 25-12-1945, đôi bên đều đình chỉ hết thảy những việc công kích nhau bằng ngôn luận và hành động.

10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ thông báo về những thoả thuận đã đạt được với Việt Nam Quốc dân Đảng. Hội đồng còn bàn về các vấn đề tư pháp và giao thông.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 77B về việc Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân Nam Bộ xét ân giảm án cho tội nhân trong điều 3, Sắc lệnh ngày 13-9-1945, do Toà án Quân sự thiết lập.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 522.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 25

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Các vị linh mục và đồng bào Công giáo Việt Nam nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh. Bức thư có đoạn:

"Trong lịch sử Việt Nam ta, lần này là lần đầu mà đồng bào công giáo ta làm lễ Nôen một cách vui vẻ sung sướng trong nước Việt Nam độc lập tự do. Tôi chắc rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các vị Giám mục Việt Nam, đồng bào công giáo quyết một lòng với nhân dân toàn quốc để giữ vững nền tự do độc lập đó".

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 121-122.

Tháng 12, ngày 26

15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của các phóng viên báo hàng ngày và hàng tuần của Việt Nam (có hai đại biểu của báoTiếng gọi Phụ nữ cũng tham gia). Người nêu rõ ý nghĩa của vấn đề đoàn kết giữa Mặt trận Việt Minh, Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội trong Chính phủ lâm thời mở rộng.

- Báo Cứu quốc, số 128, ngày 28-12-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 124-126.

Tháng 12, ngày 27

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn các ông bà: Bùi Huy Đức, Hoàng Gia Luận, Hồ Đắc Điềm, Hoàng Thị Đắc, Trần Hữu Vy đã đi đầu, đóng góp nhiều nhất cho phong trào nhường cơm sẻ áo, cứu giúp đồng bào đói khổ. Thư Người viết:

“Ngoài sự tỏ rõ tấm lòng bác ái, sự giúp quyên của các ngài và các bà lại còn có ý nghĩa khác:

1. Là làm gương cho các nhà phú hộ khác, mong cho ai cũng đua nhau làm việc nghĩa.

2. Là tỏ rõ rằng các phú hộ tiên tiến Việt Nam ta đã thực hành câu: “Cứu một người hơn mười đám cháy”.

3. Là chứng tỏ rằng toàn quốc đồng bào ta, tầng lớp nào cũng sẵn lòng giúp Chính phủ; vì trách nhiệm của Chính phủ là phải giúp dân, các ngài, các bà giúp đồng bào tức là giúp Chính phủ".

- Báo Cứu quốc, số 127, ngày 27-12-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 123.

Tháng 12, ngày 28

10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn việc lập toà án ở huyện và tỉnh; vấn đề can thiệp để Chính phủ Xiêm (Thái Lan) thả chính trị phạm Việt Nam. Về vấn đề những quan lại bị Chính phủ Trần Trọng Kim “triệt hồi” và truy tố nhưng chưa đem xét xử, Hội đồng quyết định hoãn.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 77C về việc lập Toà án Quân sự tại Phan Thiết theo quy tắc đã ấn định tại Sắc lệnh số 33 C, ngày 13-9-1945. Các địa phương thuộc thẩm quyền các Toà án Quân sự Quảng Ngãi, Nha Trang, Phan Thiết sẽ do nghị định của Uỷ ban nhân dân Trung Bộ ấn định, có ý kiến của các ông Chánh Nhất và Chưởng lý Toà Thượng Thẩm Thuận Hoá.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 29

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho ông Hoàng Văn Đức - Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh để giao nhiệm vụ mời đại biểu của Đảng Dân chủđến Bộ Nội vụ bàn cách đối phó với các đảng đối lập đang âm mưu tung quân ngăn cản đồng bào Thủ đô vận động tuyên truyền cho bầu cử sắp tới. Toàn văn bức thư như sau:

"Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Số.... Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Anh Đức,

2 giờ rưỡi chiều nay, mời năm đại biểu cuả Dân chủ Đảng đến Bộ Nội vụ nói chuyện.

Chào thân ái

Ngày 29-12-1945

Hồ Chí Minh"

- Vũ Đình Hoè: Đến bây giờ mới thấy... Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, in trong cuốn Bác Hồ sống mãi với chúng ta (Hồi ký)**, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 72.

Tháng 12, ngày 31

Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ý nghĩa Tổng tuyển cửThế giới với Việt Nam (ký bút danh Q.Th), đăng trên báo Cứu quốc, số 130.

Bài Ý nghĩa Tổng tuyển cử nêu rõ: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”, và mong rằng toàn thể quốc dân sẽ hăng hái tham gia cuộc Tổng tuyển cử này.

Trong bài Thế giới với Việt Nam, tác giả trích dẫn ý kiến phát biểu của các nhà lãnh đạo, các chính khách, các Chính phủ Trung Hoa, Hoa Kỳ, Nga Xô viết, và những lời bình luận của báo chí thế giới bày tỏ sự ủng hộ đối với nền độc lập của Việt Nam. Bài báo kết luận: "Chúng ta cứ bền gan, vững chí xây đắp thực lực để kiên quyết chiến đấu, sức chiến đấu ấy sẽ làm cho hoàn cầu thừa nhận nền độc lập hoàn toàn của chúng ta".

10 giờ 45, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Hội đồng nghe và thông qua chương trình buổi lễ nhậm chức của Chính phủ liên hiệp lâm thời sẽ tổ chức tại Nhà hát thành phố ngày 1-1-1946 và bài Chúc quốc dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 78, về việc lập một Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, có nhiệm vụ nghiên cứu, dự thảo để đệ trình Chính phủ kế hoạch kiến thiết các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hoá và quy định cách tổ chức và hoạt động của Uỷ ban này.

- Sắc lệnh số 79, về việc chia Bình dân Ngân quỹ tổng cục thành hai quỹ: Quỹ Nông nghiệp tín dụng thuộc Bộ Canh nông và Quỹ Kinh tế tín dụng thuộc Bộ Quốc dân kinh tế. Hai cơ quan tín dụng này tổ chức theo nghị định của Bộ chủ quản.

- Sắc lệnh số 80, về việc cử các ông Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Chánh Nhất của Toà Thượng thẩm Hà Nội và ông Cù Huy Cận, Bộ trưởng Bộ Canh nông vào Ban Thanh tra đặc biệt thiết lập theo Sắc lệnh số 64, ngày 23-11-1945.

- Sắc lệnh số 81, về các khoản chi trong năm 1946 tạm theo các số dự chi ghi trong ngân sách năm 1945, các khoản chi tiêu mới được duyệt y. Các thuế khoá cũng tạm thu theo chế độ hiện hành.

- Báo Cứu quốc, số 130, ngày 31-12-1945.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 127-133.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trong tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi sau việc tàu bay địch tàn sát đồng bào Nam Bộ. Người kêu gọi đồng bào hãy tỏ cho người Pháp biết rằng:

“1. Chúng ta là một dân tộc yêu chuộng hoà bình, công lý, nhân đạo. Chúng ta phải khoan hồng và bảo vệ tính mệnh, tài sản cho họ.

2. Gặp hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải bình tĩnh, giữ trật tự, giữ kỷ luật.

3. Về cách đối đãi với người Pháp – cũng như về các việc khác – nhân dân phải tuyệt đối nghe theo mệnh lệnh của Chính phủ, không được tự ý làm bừa”.

Người đồng thời nhắc nhở tất cả người Pháp và người Việt đều phải đề phòng bọn khiêu khích, tránh sự hiểu lầm và xung đột giữa người Pháp và người Việt.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 136.

Trong tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi gửi đồng bào Bắc Bộ, nhắc nhở đồng bào phải biết theo mệnh lệnh của Chính phủ để "làm cho thế giới thấy rằng dân tộc ta xứng đáng độc lập, Chính phủ ta có đủ oai quyền". Người yêu cầu nhân dân Bắc Bộ đình chỉ việc bất hợp tác, giữ thái độ bình tĩnh giúp Chính phủ giữ gìn trật tự.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 135.

Trong tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các chiến sĩ Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ. Người ca ngợi tinh thần hy sinh cho dân tộc của các chiến sĩ Nam Bộ và Nam Trung Bộ trong ba tháng chiến đấu chống Pháp vừa qua và khẳng định: "Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối toàn dân đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta".

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 134.

Khoảng cuối năm

Trong buổi tiếp nhà báo Pháp Giăng Misen Hetơrích (Jean Michel Hetrich), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

“Nước Pháp thật là một xứ sở kỳ lạ. Nước Pháp đã sản sinh ra những tư tưởng tuyệt diệu, nhưng khi xuất cảng, chẳng bao giờ nước Pháp cho đưa ra những tư tưởng đó!”.

- Jean Michel Hetrich: L'indépendance ou la mort, Jean Gigneau, Paris, 1946, p. 250.

__________________________

1) L.Capuýt: Thư ký Phân bộ Bắc Kỳ thuộc Đảng Xã hội Pháp. Sau cuộc gặp gỡ này, ngày 8-12, L.Capuýt đã gửi thư cho Đácgiăngliơ nói rằng Chính phủ Hồ Chí Minh và Việt Minh là lực lượng duy nhất có đủ tư cách đại diện cho nhân dân Việt Nam, có khả năng nhất đi tới đàm phán Pháp – Việt và nước Pháp chỉ có lợi khi giúp Chính phủ cách mạng lâm thời chống các phe phái đối lập (và Trung Hoa Quốc dân Đảng là kẻ thù chung của cả hai bên). Sau này ông còn nhiều lần đề nghị các đại diện Pháp tại Đông Dương ủng hộ đường lối của Chính phủ Hồ Chí Minh.

2) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.4, tr.550.

3) Báo Tấc đất: Cơ quan cổ động sản xuất, Bộ Canh nông bảo trợ, là tờ báo được phát hành trong chiến dịch chống nạn đói (1945-1946) nhằm cổ động cho công tác tăng gia sản xuất.

4) Hai tổ chức này đòi được giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hoặc Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

5) Các thị trấn Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Bến Thuỷ, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn, Chợ Lớn đều đặt làm thành phố.

Thành phố Hà Nội được đặt trực tiếp dưới quyền Chính phủ Trung ương, còn các thành phố khác đều thuộc quyền các Kỳ.

Mỗi thành phố sẽ đặt ba cơ quan: Hội đồng nhân dân thành phố, Uỷ ban hành chính thành phố và Uỷ ban hành chính khu phố.

Riêng Đà Lạt chỉ có các Uỷ ban hành chính khu phố. Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính tỉnh Lâm Viên kiêm cả nhiệm vụ của thành phố.

Các tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính thành phố, Uỷ ban hành chính khu phố được quy định cụ thể trong 3 chương, 8 tiết với 56 điều của Sắc lệnh này.

* Năm 1946 - Tháng 01

NĂM 1946

Tháng 1, ngày 1

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ liên hiệp lâm thời14 ra mắt đồng bào tại Quảng trường Nhà hát thành phố Hà Nội. Người giới thiệu thành phần Chính phủ và cùng các thành viên Chính phủ làm lễ tuyên thệ 1):

Sau tiếng hô “xin thề”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn đoàn kết và chúc tất cả mọi người một năm mới vui vẻ.

Cùng ngày, Người ra Tuyên bố chính sách của Chính phủ liên hiệp lâm thời về đối nội, đối ngoại và kêu gọi toàn thể nhân dân ủng hộ để Chính phủ có thể đi đến thành công.

Cũng cùng ngày, Người còn gửi Thư chúc mừng năm mới đồng bào toàn quốc Thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, Xiêm.

- Báo Cứu quốc, số 131, ngày 2-1-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 137-142.

- Tuyên bố đối nội, đối ngoại của Chính phủ liên hiệp lâm thời, lưu tại Cục Lưu trữ Trong ương Đảng, phông Hồ Chí Minh.

- Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 38-39.

Tháng 1, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trân trọng cảm ơn các phú hào đã sốt sắng quyên góp giúp cho Quỹ Cứu tế, Quỹ Kháng chiến và Quỹ Độc lập. Người tiếc vì quá bận, không cảm ơn khắp được, nên "xin các đồng bào tha lỗi cho”.

- Báo Cứu quốc, số 131, ngày 2-1-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 143.

Tháng 1, ngày 3

9 giờ 45, tại trụ sở Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ liên hiệp để định ngày và giờ họp Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo về tình hình nội trị, quân sự và công việc chuẩn bị cho Tổng quyển cử ở các địa phương.

Sau khi đã nghe báo cáo về tình hình nội trị và quân sự, Người kết luận: “Chính phủ đã phải đối phó với hai sự khó khăn, trong Nam: hoạ ngoại xâm; ngoài Bắc: nạn đói. Nhờ sự ủng hộ của quốc dân, công việc đã có kết quả khả quan”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thông đạt yêu cầu các ông Bộ trưởng chỉ thị cho nhân viên các Sở phải giữ gìn tất cả các công văn, tài liệu và cấm không được huỷ những công văn, tài liệu ấy nếu không có lệnh trên cho phép.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 144.

Tháng 1, ngày 4

Trong mục Tin Tổng tuyển cử đăng Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đề ngày 1-4-1946 với nội dung sau:

"Kính gửi các vị ứng cử Quốc hội,

Muốn cho cuộc Tổng tuyển cử được náo nhiệt, chúng tôi mong ước các ngài đến ra mắt với Quốc dân tại những nơi sau đây:

Bãi Phúc Tân, 5 giờ chiều ngày 4-1-1946,

Khu Nghĩa Dũng, 7 giờ chiều ngày 4-1-1946,

Nhà hát lớn, 9 giờ sáng ngày 5-1-1946,

Bãi tập thể đường Hàng Đẫy, 5 giờ chiều ngày 5-1-1946.

Hồ Chí Minh"

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các ông Lăng Kỳ Hàn và Hồng Chi Hằng trong phái bộ Ngoại giao của Trung Hoa dân quốc tại Hà Nội. Lăng Kỳ Hàn thông báo Tưởng Giới Thạch đã nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giao nhiệm vụ cho Lăng Kỳ Hàn trả lời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn và cho đó là sự quan tâm của Trung Hoa đối với phong trào độc lập của Việt Nam. Người nêu rõ ở Việt Nam bất kỳ đảng phái nào cũng nhất trí đòi hỏi độc lập. Người khẳng định tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc đã có lịch sử lâu đời; nền độc lập của nhân dân Việt Nam, dù thông qua đàm phán hay thông qua chiến tranh, đều hy vọng nồng nhiệt vào sự giúp đỡ của Chính phủ Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc. Nếu các đảng phái vứt bỏ yêu cầu độc lập tất sẽ bị toàn dân lên án.

Sau buổi tiếp, Lăng Kỳ Hàn đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho Tưởng Giới Thạch.

16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển cho Lăng Kỳ Hàn bức thư gửi Tưởng Giới Thạch.

- Lăng Kỳ Hàn: Tại Hà Nội tiếp thụ Nhật Bản đầu hàng nội mạc, Thế giới trí thức xuất bản xã, Bắc Kinh, 1984, tr. 70 – 71 (bản Trung văn).

- Báo Quốc hội, ngày 5-1-1946.

Tháng 1, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Lời kêu gọi có đoạn:

"Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử15, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...

Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ; Kiên quyết chống bọn thực dân; Kiên quyết tranh quyền độc lập.

... Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng.

Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”.

15 giờ, tại khu Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh dự mít tinh của hơn hai vạn đồng bào Hà Nội ủng hộ cuộc bầu cử Quốc hội. Tại cuộc mít tinh, Người nói: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”.

Người cùng đồng bào hô to các khẩu hiệu:

- Ủng hộ Tổng tuyển cử;

- Hoan hô Quốc hội;

- Ủng hộ kháng chiến miền Nam;

- Ủng hộ Chính phủ lâm thời liên hiệp!

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chùa Bà Đá, Hà Nội. Người thăm hỏi, nói chuyện thân mật với các thượng toạ, tăng ni. Người tới trụ sở Hội Phật giáo Cứu quốc (chùa Quán Sứ, Hà Nội) để dự lễ "Mừng Liên hiệp quốc gia" 2). Phát biểu tại buổi lễ, Người nói: "... Đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy. Nói hy sinh phấn đấu thì dễ, nhưng làm thì khó. Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ". Sau buổi lễ, Người dự bữa cơm chay cùng các Phật tử.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Yên Thái (Bưởi) – làng có nghề làm giấy thủ công cổ truyền của Hà Nội. Người tới xem địa điểm chuẩn bị cho Tổng tuyển cử và nhắc nhở mọi người hãy phát triển mạnh nghề sản xuất giấy để phục vụ cách mạng.

Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ông Hoàng Hữu Nam, đề ngày 5-1-1946, Người căn dặn: "Về Chính phủ, chú phải tìm cách làm thế nào cho công tác chặt chẽ hơn. Mấy Bộ này một tuần khai hội một lần. Còn ngày thường, nếu cần gặp nhau thì được ngay: Nội vụ - Chú, Quốc phòng - Giáp, Ngoại giao - Giám, Tư pháp - Hoè, Giao thông - Khoa, Canh nông - Cù Huy Cận, Tài chính - Hiến".

- Báo Cứu quốc, số 134 và 136, ngày 5 và ngày 7-1-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 145-148.

- Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng quận Ba Đình: Bác Hồ với Ba Đình, Hà Nội, 1986, tr.11.

- Công Thành (chủ biên): Phan Bôi - Hoàng Hữu Nam, nhà trí thức cách mạng, người cộng sản tin cậy của Bác Hồ, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, 2002, tr. 37.

Tháng 1, ngày 6

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu đại biểu Quốc hội khoá I ở phòng bỏ phiếu đặt tại số 10 phố Hàng Vôi. Sau đó, Người đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thuỵ Khuê, làng Hồ Khẩu và Ô Đông Mác.

Trưa, Người đến thăm các cháu thiếu nhi đang đi cổ động cho Tổng tuyển cử ở phố Lò Đúc.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư giử Ban âm nhạc Vệ quốc quân:

“Thân gửi Ban âm nhạc Vệ quốc quân. Hôm nay, 6-1, ngày Tổng tuyển cử, anh em đã nô nức đi cổ động khắp Thủ đô từ sáng đến chiều làm cho ngày Tổng tuyển cử được tưng bừng vui vẻ và kết quả.

Bác thay mặt ứng cử viên của Thủ đô Hà Nội cám ơn và khen ngợi anh em.

Chào thân ái

BÁC HỒ”

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo P. M. Đétxanhgiơ (P.M. Dessinges), phóng viên báo La Résistance. Về mối quan hệ Việt – Pháp, Người nói: “Chúng tôi không có hận thù gì với nước Pháp và nhân dân Pháp. Chúng tôi khâm phục và không muốn phá vỡ những quan hệ đã gắn bó chặt chẽ hai dân tộc chúng ta. Nhưng chúng tôi yêu cầu nước Pháp phải đi trước một bước trung thực và cụ thể. Chúng tôi càng mong muốn điều này bởi lẽ chúng tôi thấy nhiều quốc gia khác đang tìm cách can dự vào những công việc riêng của chúng ta. Hai dân tộc chúng ta không được tạo cho những nước ấy cơ hội để lên mặt đạo đức với chúng ta. Chúng ta mong muốn và chúng ta phải cùng nhau dàn xếp. Nhưng các bạn cũng nên biết rằng, chúng tôi quyết tâm chiến đấu đến cùng nếu chúng tôi buộc phải chiến đấu”.

- Báo Cứu quốc, số 136, ngày 7-1-1946.

- Báo Quân đội nhân dân, số 10388, ngày 26-4-1990.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p. 123.

- Henri Azeau: Ho Chi Minh, Dernière chance, Flammarion, Paris, 1968, p.103.

Tháng 1, ngày 7

8 giờ, tại trụ sở Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Canh nông trong chuyến đi kinh lý tại Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An và bàn về việc động viên dân chúng tiếp viện cho Nam Bộ. Khi bàn về vấn đề chi viện cho Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cần phải thống nhất quân đội ngay để có thể tiếp viện cho Nam Bộ”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Lễ khai giảng Trường cán bộ tự vệ Hồ Chí Minh ở số 2, phố Quang Trung, Hà Nội. Trước 75 học viên của lớp cán bộ tự vệ đầu tiên, Người căn dặn: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hoá. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: quyết tâm, tín tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công".

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 149-150.

Tháng 1, ngày 8

10 giờ 40, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm trại giam Hoả Lò, Hà Nội. Người thăm khu nhà giam, nhà tắm, lớp học, buồng làm việc, trạm xá, nhà bếp... và nghe các phạm nhân phân trần rồi khuyên họ gắng sửa tội lỗi để xứng đáng là công dân của một nước độc lập. Người nhắc nhở Giám đốc trại giam xét lại các án tù, tha bớt những người nhẹ tội. Sau đó, Người thăm Sở Cảnh sát Trung ương (phố Hàng Trống) và căn dặn: “Ngoài việc giữ trật tự, còn phải tuyên truyền, phải đoàn kết và hợp tác với tự vệ và nhân dân thành phố”.

15 giờ, Người thăm Bộ Tuyên truyền (số nhà 71 phố Trần Hưng Đạo) và nhắc nhở cán bộ nên giữ thái độ khoan hồng với kiều dân Pháp để phân hoá họ với bọn Pháp thực dân; trong việc tuyên truyền phải tôn trọng sự thật, có vậy mới có nhiều người nghe.

Cùng ngày, bài thơ “Cảm ơn người tặng cam” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhà thơ Hằng Phương, đăng trện báo Tiếng gọi phụ nữ, số 11:

“Cảm ơn bà biếu gói cam,

Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai 3)”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

Sắc lệnh số 1 NV và 2 NV, về việc ân chuẩn và miễn tất cả phần tội còn lại cho hai phạm nhân người Hoa bị kết án trước tháng 9-1945.

- Báo Cứu quốc, số 137, ngày 9-1-1946.

- Báo Tiếng gọi phụ nữ, số 11, ngày 8-1-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 151.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 1, ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 3 ấn định Quốc dân Đại hội 4)sẽ họp tại Hà Nội vào ngày chủ nhật 3-3-1946.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 1, ngày 10

6 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo của Bộ Nội vụ và bàn về vấn đề tài chính, kinh tế.

Tại Trường Đại học Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp đầu tiên của Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc16. Người chỉ rõ: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” và căn dặn: “Tôi mong rằng các ngài cũng sẽ đem hết tài năng và tri thức giúp cho Chính phủ về mặt kiến thiết” để đạt được mục đích làm cho dân có ăn; có mặc; có chỗ ở và được học hành.

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi thăm tỉnh Hưng Yên, nhưng không báo trước cho địa phương.

12 giờ, tại thị xã Hưng Yên, sau khi thăm nhà một số bà con nghèo, Người tiếp chuyện các thân hào tới chào mừng và nói: “Chúng tôi xuống đây có hai việc: trước là để thăm đồng bào Hưng Yên, thứ hai là để thăm đê... Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ, mà là của tất cả mọi quốc dân..., cho nên mọi người đều phải sốt sắng giúp dập vào việc đắp đê. Vậy các thân hào phải hăng hái giúp đỡ những đồng bào khác đi đắp đê..., phải giúp cho họ ăn, phải góp tiền, thóc nuôi họ. Chỉ có cách đó là có thể ngăn ngừa được nạn đê vỡ. Nước sông cao bao nhiêu đi nữa, mà lòng nhiệt tâm của các bạn cao hơn thì không bao giờ có lụt nữa".

Khi bà con được tin tấp nập kéo đến mừng, Người nói:

“Tôi chỉ có một lời là chúng ta phải hết sức thương yêu nhau, đoàn kết chặt chẽ và làm việc để giúp đỡ đồng bào kháng chiến đánh Pháp và giúp đỡ đồng bào cứu đói. Đồng bào ta bất kỳ là già trẻ, trai gái, lương giáo ai cũng đồng tâm hiệp lực, nhớn giúp bé, trẻ giúp già, mạnh giúp yếu thì chắc chắn thế nào cũng giành được độc lập hoàn toàn, được tự do hạnh phúc. Chúng ta nỗ lực phấn đấu thì ngày thành công cũng không xa gì”.

Trước khi rời Hưng Yên, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Vệ quốc đoàn của tỉnh, thăm quãng đê vỡ Hưng Nhân cách thị xã 6 km. Người cùng lội nước, đi thăm hỏi từng người và căn dặn những người hậu cần phải làm sao cho từng hột gạo tới được “bao tử” của anh em đắp đê.

15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thị xã Thái Bình. Tại Uỷ ban hành chính tỉnh, Người nhắc lại nhiệm vụ thứ hai của chuyến công tác là xin thóc, tiền để nuôi các anh em đắp đê phòng lụt. Người thăm hỏi đồng bào, bắt tay các cụ già trước khi lên xe đi Nam Định.

Tại Nam Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các vị thân hào, thương gia của thành phố, cùng bàn kế hoạch cứu tế, nói chuyện thời sự và thăm hỏi tình hình phụ nữ, cố đạo, phật tử trong tỉnh.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 139, 140 và 141, ngày 11, 12 và 14-1-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 152-155.

Tháng 1, ngày 11

7 giờ, trước Uỷ ban hành chính thành phố Nam Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đồng bào về những nhiệm vụ kháng chiến, cứu đói. Sau đó, Người đến thăm và chia quà cho trẻ em ở Trại trẻ mồ côi Nam Định. Người thăm từng phòng ở, từ chỗ nuôi trẻ sơ sinh đến phòng của trẻ 9-10 tuổi và nói với bà Phước nuôi trẻ:

“Tôi ghé qua đây thăm bà và các cháu. Tôi thay mặt các cháu không cha, không mẹ đó cảm ơn bà đã trông nom cho chúng như một người mẹ. Chúng tội tình gì mà tội nghiệp quá”. Nói đến đây, Người rơm rớm nước mắt.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Nam Định qua Phủ Lý, thăm Phòng thông tin và nói chuyện với đồng bào ở đây.

- Báo Cứu quốc, số 141, ngày 14-1-1946.

Tháng 1, ngày 12

15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu Việt Nam học xá. Người đi thăm các phòng học, nơi sinh hoạt. Nói chuyện với sinh viên, Người khuyên anh em nên cần kiệm, ngăn nắp, giữ trật tự trong mọi hoàn cảnh, nên bỏ thói ăn mặc xa xỉ, phụ nữ bớt phấn son, rồi kết luận: “Số ấy chỉ có lợi cho nước ngoài. Nếu bớt ra có thể nuôi sống được một số đồng bào nghèo đói”. Về chính trị, Người phê bình những hành động thiếu suy nghĩ, thiếu tính mục đích của thanh niên. Người nhắc nhở không nên gây thù oán với kiều dân Pháp, “nên bảo vệ tài sản và tính mệnh cho họ... Họ sẽ là những tuyên truyền viên rất đắc lực chống lại những vu cáo của bọn thực dân”.

16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tinh của hơn 5 vạn đồng bào Hà Nội tổ chức tại Việt Nam học xá để chào mừng 6 vị đại biểu trúng cử ở Hà Nội. Người cảm ơn các đoàn thể, đồng bào đã ủng hộ Tổng tuyển cử, nói rõ ý nghĩa của Tổng tuyển cử và chính sách đối ngoại của Chính phủ.

Người hứa trước đồng bào: “Trước sự nguy hiểm khó khăn của nước nhà, chúng tôi đi trước. Với việc giữ vững nền độc lập, chúng tôi xin đi trước”.

- Báo Cứu quốc, số 141 và 142, ngày 14 và ngày 15-1-1946.

Tháng 1, trước ngày 14

7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi Phát Diệm thăm Giám mục Lê Hữu Từ và hơn 100 linh mục xứ đạo Ninh Bình. Mặc dù không được báo trước, nhưng dọc đường bà con giáo dân đã bày bàn thờ ra đón, có cả cờ ngũ hành và cờ đỏ sao vàng. Người đề nghị bà con đem “cất những đồ bái vọng ấy đi”. Khi gặp Giám mục Lê Hữu Từ, Người nói với mọi người: “Trước đây tôi đã được gặp Đức cha Từ. Nay tôi về đây với một tấm lòng sốt sắng và thân mật, vì Đức cha Từ là bạn của tôi và Ngài là một vị lãnh đạo sáng suốt của đồng bào Công giáo. Dù Công giáo hay không Công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo, đều phải nên nỗ lực tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà... Trong Công giáo có câu “Tam vị nhất thể”. Nhà Phật có câu: “Vạn chúng nhất tâm”, nên chúng ta phải hy sinh cho nhân loại và chúng sinh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cảm ơn lòng trung thành của Đức cha Từ và đồng bào giáo dân đối với Chính phủ.

11 giờ 30, Người dùng cơm cùng Giám mục Lê Hữu Từ và một nhà sư.

12 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm đồng bào Phát Diệm (Ninh Bình). Gặp gỡ đồng bào, Người nhắc lại nhiệm vụ cuả toàn dân lúc này là đoàn kết “chống ngoại xâm và trừ nạn đói”. Người cùng Giám mục Lê Hữu Từ chụp ảnh kỷ niệm rồi lên đường đi thăm Ninh Bình. Trên đường đi, Người ghé thăm Trường huấn luyện thanh niên ở làng An Phúc (huyện Gia Khánh). Tới thị xã Ninh Bình, Người hỏi thăm và động viên bà con đắp đê phòng lụt, tiếp một số thân hào và đoàn thể, nhắc nhở họ về công tác đê điều.

- Báo Cứu quốc, số 141 và 142, ngày 14 và ngày 15-1-1946.

Tháng 1, ngày 14

8 giờ 15, tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về tình hình trị an, bàn về việc bổ sung 22 người cho Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc theo đề nghị của Uỷ ban này. Người nêu ý kiến bổ sung nhiều người sẽ khó làm việc và đề nghị chỉ lấy thêm 10 người.

Cùng ngày, nhân dịp Liên hợp quốc đang họp ở Luân Đôn (Anh), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới ông Hăngri Xpát - Chủ tịch Hội đồng Liên hợp quốc và các ông A. Grưmưcô - đại diện Liên Xô, J. Biếcnơ - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Bác sĩ Cố Duy Quân - đại diện Trung Quốc, đề nghị đưa vấn đề Việt Nam ra trước Hội đồng Liên hợp quốc, yêu cầu công nhận nền độc lập của Việt Nam và kết nạp Việt Nam vào Hội đồng Liên hợp quốc.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 4 về việc cử thêm các vị: Đào Duy Anh, Lê Dung, Hoàng Văn Đức, Đặng Văn Hưởng, Trần Đăng Khoa, Đặng Xuân Khu, Nguyễn Thiệu Lâu, Nguyễn Cao Luyện, Bùi Công Trừng, Nghiêm Xuân Yêm vào Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, theo Sắc lệnh số 78, ngày 31-12-1945.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 144, ngày 17-1-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 156-157.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 1, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 5, về việc huỷ bỏ quyền quản lý và sử dụng đường sắt Hải Phòng – Vân Nam của Công ty Hoả xa Vân Nam. Sắc lệnh quy định: Toàn bộ tài sản thuộc đường này, nay thuộc quyền sở hữu và sử dụng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và giao cho Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính tổ chức, nhập với đường sắt Hà Nội – Sài Gòn, để cùng theo một chế độ.

- Sắc lệnh số 6, về việc định hình phạt với tội ăn trộm, ăn cắp, tự ý phá huỷ, cắt dây điện thoại và điện tín. Sắc lệnh quy định kẻ tòng phạm hoặc tàng trữ dây điện thoại, điện tín cũng chịu hình phạt như chính phạm.

- Sắc lệnh số 7, về việc bổ sung thêm một số điểm về chức năng và nhiệm vụ của Toà án Quân sự đã được quy định trong Sắc lệnh số 33C, ngày 13-9-1945.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Khoảng giữa tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo Pháp Ă.Blăngsê (André Blanchet), phóng viên báo Le Monde. Trả lời câu hỏi của nhà báo về quan hệ Việt – Pháp, Người nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng có nhiều điều nhân nhượng, nhất là về mặt kinh tế. Điều chúng tôi muốn có: các nhà giáo thì được, thầy tu thì không; là cộng tác viên, học trò thì được, là nô lệ thì không; giáo sư, nhà báo, bác sĩ, kỹ sư chúng tôi cần có nhiều nhưng không cần các viên quan cai trị nữa” và “chúng tôi muốn có một phái đoàn đi Pari để cảm ơn Chính phủ Pháp. Trong việc này, nước Pháp không mất gì, mà chỉ được”.

Tại Bắc Bộ phủ, Người tiếp các cụ phụ lão làng Nhật Tảo (nay thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Các cụ nhờ Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển giúp số tiền 300 đồng, do các cụ tiết kiệm được, để góp vào Quỹ ủng hộ đồng bào Nam Bộ.

- Henri Azeau: Ho Chi Minh, Dernière chance, Flammarion, Paris, 1968, p.105.

- Báo Dân quốc, số 114, ngày 19-1-1946.

Tháng 1, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Mác Ăngđrê (Max André) 5). Tại buổi gặp này, Người khẳng định nền độc lập của Việt Nam trong mối quan hệ Pháp – Việt, mong muốn có sự hợp tác bình đẳng với dân tộc Pháp và nước Việt Nam phải do Chính phủ Việt Nam lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực hành chính, kinh tế, tài chính, quân đội, ngoại giao...

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.123 – 124.

Tháng 1, ngày 17

7 giờ 35, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bưu điện Trung ương Bờ Hồ. Sau khi đi thăm các phòng làm việc, Người căn dặn cán bộ nên đi làm đúng giờ để làm gương cho anh em viên chức và động viên anh em gắng chịu đựng khó khăn cùng toàn dân vì lúc này là thời kỳ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.

Sau đó, Người đến thăm gian trưng bày thủ công của thiếu nhi Hà Nội tại Nhà Văn hoá Cứu quốc (góc phố Hàng Trống – Lê Thái Tổ).

8 giờ 30, tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn việc bầu cử lại ở một số địa phương, vấn đề khoan hồng đối với quan lại cũ, vấn đề bãi bỏ thuế nhà gạch ở thôn quê và việc động viên tinh thần dân chúng.

Chiều, Người dự họp với các giám đốc công sở, chủ tịch các uỷ ban ở Hà Nội. Người khuyên anh em nên cần, kiệm, liêm, chính giúp công cuộc kiến quốc và giải thích rất kỹ những khái niệm cần, kiệm, liêm, chính vì: “Đó là bốn đức tính của người viên chức cần có hiện thời”.

- Báo Cứu quốc, số 145 và 146 ngày 18 và ngày 19-1-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 158-159.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 1, trước ngày 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ Phái đoàn Chính phủ do Đồng chí Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp làm Trưởng đoàn vào công tác tại các tỉnh phía Nam để đẩy mạnh kháng chiến chống Pháp. Tại cuộc gặp gỡ trước khi Đoàn lên đường công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Nhờ chuyển lời thăm của Bác tới đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, hẹn khi có dịp Bác sẽ vô thăm".

- Tạp chí Lịch sử Đảng, số 12, 2005, tr. 65.

Tháng 1, ngày 18

Nhân dịp Liên hợp quốc họp ở Luân Đôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Mỹ H. Tơruman, chúc mừng Chính phủ Mỹ đã có nhiều cố gắng góp phần vào việc duy trì nền hoà bình và an ninh thế giới thể hiện qua diễn văn ngày 28-10-1945 của Tổng thống. Người lên án sự phản bội, hành động tái xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp và yêu cầu Tổng thống “can thiệp ngay lập tức và có giải pháp để nhân dân Việt Nam thoát ra khỏi cuộc chiến tranh đó”. Người nêu rõ: “Sự giúp đỡ to lớn của Cộng hoà Mỹ, của Trung Quốc và Liên hợp quốc về tài chính và kỹ thuật, Cộng hoà Việt Nam chúng tôi sẽ có đủ khả năng góp phần xây dựng nền hoà bình và thịnh vượng chung trên thế giới”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 8, về việc giải tán Tổ chức “Fondation Jules Brevie” và quy định những tài sản của Tổ chức này đều bị tịch thu và giao cho Bộ Cứu tế quản.

- Sắc lệnh số 9, về việc giải tán Hội Bảo trợ Phụ nữ và Nhi đồng Annam (Ligue pour la protection de la Femme et de l’ Enfant Annamites) và quy định những tài sản của Hội này giao cho Bộ Cứu tế quản.

- United States - Vietnam relations 1945 - 1967, U.S. Government printing office, Washington, 1971, p. 93.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 1, ngày 19

16 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các phóng viên Việt Nam và một số phóng viên Pháp. Trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ quyết tâm giành độc lập của dân tộc Việt Nam và khẳng định đó là một mong muốn chính đáng, “cũng như dân Pháp mong muốn độc lập khi bị Đức chiếm đóng”. Người cũng tỏ ý tin tưởng rằng “nước Pháp không thể nào trở lại thống trị nước Việt Nam một lần nữa, vì nước Pháp ngày nay không như xưa, cũng như nước Việt Nam bây giờ không phải là nước Việt Nam ngày trước”.

- Báo Cứu quốc, số 147, ngày 21-1-1946.

Tháng 1, ngày 20

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến. Trong thư có đoạn: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”17... “Năm mới, chúng ta thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”".

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 167.

Tháng 1, trước ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời các nhà báo nước ngoài, Người nói:

"Nhân dịp các bạn tân văn ký giả ngoại quốc hỏi đến, tôi xin đem câu trả lời của tôi công bố ra cho đồng bào trong nước và nhân sĩ các nước ngoài đều biết:

1) Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi.

2) Trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tin tưởng, tự do tổ chức. Nhưng vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái. Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào Dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài.

Rất mong nhân sĩ nước ngoài và đồng bào trong nước rõ cho.

HỒ CHÍ MINH"

- Báo Cứu quốc, số 147, ngày 21-1-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 161-162.

Tháng 1, ngày 21

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Tết, đăng trên báo Cứu quốc, số 147. Người kêu gọi đồng bào hãy chia vui Tết với những chiến sĩ ngoài mặt trận, gia quyến các chiến sĩ và những đồng bào nghèo để mọi người đều được hưởng niềm vui xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

8 giờ 30, tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về việc cải tổ Viện Canh nông, bổ sung Sắc lệnh về tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính, vấn đề tổ chức toà án các cấp.

Cùng ngày, Hồ Chí Minh có cuộc gặp Mác Ăngđrê, Người một lần nữa nhấn mạnh những ý kiến đã nêu ngày 16-1 để nước Pháp trịnh trọng công nhận Việt Nam độc lập.

Trả lời phỏng vấn của Ăngđrê Blăngsê, phóng viên báo Pháp Le Monde tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nền độc lập của chúng tôi phải được công nhận. Nếu nước Pháp tiến hành chiến tranh với chúng tôi, có nghĩa là họ không muốn công nhận nền độc lập của chúng tôi, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc làm ấy... Nếu nước Pháp công nhận nền độc lập của chúng tôi, tôi sẵn sàng tổ chức những cuộc biểu tình để cảm ơn nước Pháp...".

- Báo Cứu quốc, số 147, ngày 21-1-1946.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/ Julliard, Paris, 1988, p.124.

- Báo Le Monde, ngày 28-2-1946.

Tháng 1, ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp báo. Cùng dự có các thủ lĩnh của Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội và Cố vấn Vĩnh Thuỵ. Trong buổi họp báo, Người tuyên bố: “Nước Việt Nam mong muốn duy trì mối quan hệ hữu nghị với người Pháp”.

- Henri Azeau: Ho Chi Minh, Dernière chance, Flammarion, Paris, 1968, p. 90.

Tháng 1, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 10 về việc bổ sung thêm một vài điểm về tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính ở các xã, huyện, tỉnh và Kỳ, được ấn định trong Sắc lệnh số 63, ngày 22-11-1945.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 1, ngày 24

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 11 về việc chia khu đối với những thị xã lớn. Sắc lệnh quy định: sự chia khu do Uỷ ban hành chính Kỳ định; cách tổ chức chính quyền nhân dân ở khu sẽ theo Sắc lệnh số 77, ngày 21-12-1945 cho các thành phố. Ấn định tạm thời: Nam Định, Vinh, Bến Thuỷ, Huế, Đà Nẵng đều coi là thị xã.

- Sắc lệnh số 12 quy định: Nha Kinh tế Bắc, Trung, Nam Bộ; các Phòng thương mại; các Sở ngũ cốc; các cơ quan tiếp tế mọi ngành và những cơ quan phụ thuộc đều dưới quyền điều khiển trực tiếp của ông Bộ trưởng Bộ Kinh tế.

- Sắc lệnh số 13 ấn định cách tổ chức các toà án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, gồm 2 chương, 12 tiết với 113 điều.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 1, ngày 25

8 giờ 30, tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn việc chuẩn bị họp Quốc hội, vấn đề thưởng và phạt. Người đề nghị cần nêu ngay một số việc sẽ được thưởng, một số vụ phải phạt. Hội đồng cử một tiểu ban phụ trách gồm: Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần, Vũ Trọng Khánh, Trần Huy Liệu.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thông tư cho Uỷ ban Trung Bộ nêu những điều cần chú ý khi giải quyết các trường hợp quan lại cũ đã tham gia vào các vụ đàn áp phong trào cách mạng trước đây. Bản Thông tư chỉ rõ: “Các Uỷ ban địa phương cần phải tỏ rõ thái độ rộng lượng với các cựu công chức và quan lại ấy. Nếu không thấy nhân dân oán hờn thì cứ để họ sống yên ổn” vì “Chính phủ muốn để cho họ cơ hội được giác ngộ khiến họ tự ý tham gia vào phong trào kháng chiến kiến quốc một cách thành thực và mong chuộc lại những lỗi lầm xưa”.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Thông tư số 4, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 1, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quốc lệnh, quy định rõ 10 trường hợp được khen thưởng và 10 tội phải chịu hình phạt tử hình.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 163-164.

Tháng 1, ngày 28

8 giờ 30, tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Người đọc bản Quốc lệnh về vấn đề thưởng, phạt. Sau đó, Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề ngoại giao, tư pháp, trù bị Quốc hội, vấn đề sử dụng công chức cũ.

Cùng ngày, bài Tự phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc, số 153, kiểm điểm những thành tích và những khuyết điểm của bộ máy Nhà nước do Người đứng đầu. Người khẳng định: "Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi". Người mong đồng bào giúp Người sửa chữa những khuyết điểm đó bằng nhiều cách, "trước hết là bằng cách thi hành cho đúng và triệt để những mệnh lệnh của Chính phủ".

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 153, ngày 28-1-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 165-166.

Tháng 1, ngày 30

Tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu của thanh thiếu niên, nhi đồng Trung Bộ đến chúc Tết. Người căn dặn: "Năm mới phải có đời sống mới. Mới đây không phải là phá đình, phá chùa, không tôn giáo. Sống của dân là ăn, mặc, ở, học” và giải thích rất cụ thể bốn chữ: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 14, về việc lập tại Bộ Thanh niên một Nha Thể dục Trung ương, có nhiệm vụ cùng với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc. Bộ Thanh niên sẽ ấn định về tổ chức và ngân sách của Nha Thể dục.

- Sắc lệnh số 15, về việc bãi bỏ thuế thổ trạch ở thôn quê kể từ ngày 1-1-1946.

- Sắc lệnh số 16, về việc lập tại Hà Nội Phòng Canh nông Bắc Bộ Việt Nam.

- Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh – Tiểu ban nghiên cứu Lịch sử Đảng: Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 1, ngày 31

8 giờ 30, tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề tư pháp, tài chính, ngoại giao. Về vấn đề ngoại giao, Người nêu rõ lập trường của Chính phủ ta là kiên quyết giành độc lập. Khi Hội nghị bàn về đề nghị của Việt Nam Quốc dân Đảng đòi lập ngay Chính phủ chính thức theo như bản ký kết của các đảng hồi tháng 12-1945, Người nói: theo bản ký kết ấy, Chính phủ chính thức chỉ thành lập sau khi Quốc hội họp, phải có Quốc hội rồi mới có thể có Chính phủ chính thức được.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 17, về việc bãi bỏ Bình dân Ngân Quỹ tổng cục. Quy định các cơ quan và tài sản của Bình dân Ngân Quỹ tổng cục sẽ sáp nhập vào Nha Nông nghiệp tín dụng và Nha Kinh tế tín dụng theo cách tổ chức hiện thời và theo sự phân chia ấn định trong Sắc lệnh số 79, ngày 31-12-1945.

- Sắc lệnh số 18, về cách tổ chức việc lưu chuyển văn hoá phẩm được ấn định trong 6 chương và 19 điều.

- Sắc lệnh số 18B, về việc phát hành đồng bạc giấy Việt Nam từ vĩ tuyến 160N trở vào Nam. Sắc lệnh quy định Uỷ ban hành chính Trung Bộ tổ chức và điều khiển việc phát hành đồng bạc giấy. Kẻ nào làm giả hay có hành động phá hoại giá trị của đồng bạc giấy Việt Nam sẽ bị đưa ra Toà án Quân sự.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Cuối tháng

Báo Tiếng gọi phụ nữ - Cơ quan tuyên truyền và cổ động của Phụ nữ cứu quốc, số Xuân Bính Tuất, đăng bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi phụ nữ Việt Nam. Toàn văn bài thơ như sau:

"Năm mới Bính Tuất

Phụ nữ đồng bào

Phải gắng làm sao

Gây “Đời sống mới”

Việc thành là bởi

Chúng ta siêng mần

Vậy nên chữ cần

Ta thực hành trước

Lại phải kiệm ước

Bỏ thói xa hoa

Tiền của dư ra

Đem làm việc nghĩa

Thấy của bất nghĩa

Ta chớ tham thàn

Thế tức là liêm

Đã liêm thì khiết

Giữ mình làm việc

Quảng đại công bình

Vì nước quên mình

Thế tức là chính

Cần, kiệm, liêm, chính

Giữ được vẹn mười

Tức là những người

Sống “Đời sống mới”.

HỒ CHÍ MINH

- Báo Tiếng gọi phụ nữ - số Xuân Bính Tuất, năm 1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 172-173.

Cuối tháng

Nhân dịp Tết độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, báo Quốc gia - Cơ quan ngôn luận của một nhóm thân sĩ yêu nước xuất bản tại Hà Nội có xin thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã tặng báo bài thơ:

MỪNG BÁO QUỐC GIA

Tết này mới thật Tết dân ta,

Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia.

Độc lập đầy vơi ba cốc rượu,

Tự do vàng đỏ một rừng hoa.

Muôn nhà chào đón xuân dân chủ,

Cả nước vui chung phúc cộng hoà.

Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc,

Những người chiến sĩ ở phương xa.

Hà Nội - Tết Độc lập Bính Tuất, 1946

HỒ CHÍ MINH

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 171.

_________________

1) Thành phần Chính phủ liên hiệp lâm thời gồm có:


1. Chủ tịch kiêm Ngoại giao - Hồ Chí Minh

2. Phó Chủ tịch - Nguyễn Hải Thần

3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Võ Nguyên Giáp

4. Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền cổ động - Trần Huy Liệu

5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Chu Văn Tấn

6. Bộ trưởng Bộ Thanh niên - Dương Đức Hiền

7. Bộ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế - Nguyễn Tường Long

8. Thứ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế - Nguyễn Mạnh Hà

9. Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội - Nguyễn Văn Tố

10. Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Vũ Trọng Khánh

11. Bộ trưởng Bộ Y tế - Trương Đình Tri

12. Thứ trưởng Bộ Y tế - Hoàng Tích Trí

13. Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính - Đào Trọng Kim

14. Bộ trưởng Bộ Lao động - Lê Văn Hiến

15. Bộ trưởng Bộ Tài chính - Phạm Văn Đồng

16. Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục - Vũ Đình Hoè

17. Bộ trưởng Bộ Canh nông - Cù Huy Cận

18. Bộ trưởng không giữ bộ nào - Nguyễn Văn Xuân

2) Các Phật tử trong Hội Phật giáo Cứu quốc tổ chức tuần "Mừng Liên hiệp quốc gia" để hoan nghênh sự đoàn kết giữa các đảng phái và Mặt trận Việt Minh và để cầu nguyện cho nền độc lập của nước Việt Nam. Lễ khai mạc cử hành vào chiều 5-1-1945.

3) Khổ tận cam lai: Hết đắng cay sẽ đến ngọt bùi.

4) Quốc hội.

5) Mác Ăngđrê là một người lãnh đạo của phong trào Cộng hoà bình dân Pháp, nguyên Giám đốc Ngân hàng Pháp – Hoa tại Hà Nội.

* Năm 1946 - Tháng 02

NĂM 1946

Tháng 2, ngày 1 (30 tháng Chạp Ất Dậu)

Chiều, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được một bức thêu (bằng lụa đỏ, thêu bài thơ thất ngôn bát cú, nhan đề Kính tặng các bậc Anh hùng dân tộc) của nữ thi sĩ Ngân Giang.

Người làm hai câu thơ tặng lại:

“Gửi lời cảm tạ Ngân Giang,

Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi chúc Tết gia đình ông Từ Lâm, bán sách cũ ở Cửa Nam; một gia đình nghèo ở ngõ Hàng Đũa 1); một gia đình buôn bán ở phố Phúc Kiến 2); một gia đình công chức ở phố Hàng Lọng3) và thăm Cố vấn Vĩnh Thuỵ.

Gần giờ giao thừa, Người và một nhà báo Mỹ cải trang đến thăm đền Ngọc Sơn cùng bà con Hà Nội đón giao thừa.

- Báo Cứu quốc, số 155 và 156, ngày 5 và ngày 6-2-1946.

Tháng 2, ngày 2 (mồng Một Tết Bính Tuất)

Thư Chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc, số 155. Trong thư, Người chúc đồng bào cả nước:

"Trong năm Bính Tuất mới

Muôn việc đều tiến tới

Kiến quốc chóng thành công

Kháng chiến mau thắng lợi".

Người thay mặt Chính phủ và đồng bào cả nước "chúc các chiến sĩ năm mới mạnh khoẻ và thắng lợi".

Nhân dịp này, Người thay mặt nhân dân Việt Nam "chào mừng toàn thể anh em Trung Hoa ở đây và ở Trung Quốc, năm mới muôn sự tốt lành".

7 giờ 30, Người sang nơi làm việc. Trên đường đi, Người ghé thăm và chúc Tết Sở Cảnh sát Trung ương ở phố Hàng Trống.

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Nhà hát Thành phố chúc Tết đồng bào. Tại đây, Người đọc lời Chúc mừng năm mới.

Trước khi ra về, Người ra bao lơn Nhà hát vẫy chào đồng bào mít tinh trên Quảng trường.

Trưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc tại Bắc Bộ phủ cùng anh em Vệ quốc đoàn.

14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm thương, bệnh binh Pháp tại Bệnh viện Đồn Thuỷ (nay là Bệnh viện Quân y 108) và Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức).

16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấu trĩ viên chia kẹo và ăn Tết cùng các cháu nhi đồng rồi trở lại nơi làm việc.

19 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời cơ quan về nhà.

- Báo Cứu quốc, số 155 và 156, ngày 5 và ngày 6-2-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 169-170.

Tháng 2, ngày 3 (mồng Hai Tết Bính Tuất)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm “Phiên chợ mười ngày” tổ chức tại Chùa Láng (xã Yên Lăng, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Trong buổi gặp gỡ với đông đảo nhân dân mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về ý nghĩa của “Ngày Nam Bộ kháng chiến”, biểu dương nhân dân Hà Nội đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, sốt sắng tham gia phong trào ủng hộ đồng bào Nam Bộ chống Pháp. Người kêu gọi “Hãy đoàn kết muôn người như một, ra sức thực hiện khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng”, đẩy mạnh tăng gia sản xuất để chống đói và tiếp tế cho bộ đội” và chúc toàn thể nhân dân hưởng Tết độc lập đầu tiên vui vẻ, hạnh phúc và tiết kiệm.

- Báo Cứu quốc, số 156, ngày 6-2-1946.

Tháng 2, ngày 4

8 giờ 30, tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Người nêu ý kiến ở Trung Quốc có chi nhánh của Tổng hội Cứu tế quốc tế, Hội Cứu đói của ta nên viết thư cho chi nhánh ấy và cho Hội Hồng thập tự quốc tế. Người nhắc nhở cần chuẩn bị gấp cho kỳ họp đầu tiên của Quốc hội.

Hội nghị còn bàn về vấn đề in sách tuyên truyền để phát hành ở trong nước và một số nước ngoài.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 2, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 19, về việc giải tán Uỷ ban Trung ương Hội Tương trợ và Cứu tế xã hội Bắc Kỳ (Comité Central d’Aide Mutuelle et d’Assistance sociale du Tonkin) và các Chi hội ở các tỉnh. Tài sản của những Hội này giao cho Bộ Cứu tế quản.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 2, ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20, về việc bãi bỏ Sở Kiểm soát tài chính. Nhân viên và tài sản (động sản và bất động sản) của Sở nhập vào Bộ Tài chính.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 2, ngày 7

8 giờ, tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: ngoại giao, tư pháp, tài chính, cứu đói. Về ngoại giao, Người thông báo Hội nghị Liên hợp quốc có lẽ sẽ bàn về vấn đề “thác trị” nhưng chưa định nghĩa rõ ràng hai chữ ấy và nhắc nhở các thành viên của Hội đồng Chính phủ nên lưu ý và sẽ thảo luận về vấn đề này.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 2, ngày 8

17 giờ, tại một phòng nhỏ trong Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Pháp Raun Xalăng đến cảm ơn Người đã tới thăm binh sĩ Pháp điều trị tại bệnh viện Đồn Thuỷ và Phủ Doãn ngày 2-2 (mồng Một Tết) vừa qua. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với Xalăng:

"Tôi là người bạn trung thành của nước Pháp. Hôm đó là ngày Tết Nguyên Đán. Tôi vui mừng được có dịp bày tỏ tình cảm của tôi đối với nước Pháp. Ngài hãy tin ở tôi. Phần lớn người Đông Dương không bài Pháp. Nhưng rất tiếc, những sự kiện ở Nam Bộ và thái độ của Chính phủ Pháp đang khơi cái hố giữa các ngài và chúng tôi...".

Về đề nghị của tướng R. Xalăng "để quân đội Pháp vào lập lại trật tự" cho Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

"Tôi không thể làm như vậy. Nếu làm như vậy, tôi sẽ là kẻ phản quốc - Và Người nói tiếp - Pháp là một nước lớn. Chúng tôi yêu nước Pháp, nhưng không muốn làm nô lệ, chúng tôi muốn sống tự do. Chúng tôi muốn có quan hệ rất nhiều về kinh tế với Pháp. Chúng tôi muốn có những quan hệ rộng lớn nữa về văn hoá. Chúng tôi muốn có những cán bộ chuyên viên kỹ thuật người Pháp trên mọi lĩnh vực. Nhưng chúng tôi phải là chủ nhân trên đất nước chúng tôi...".

Trước khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với tướng R. Xalăng:

"Tôi biết tướng quân là một người nhân hậu. Buổi chiều nay, chúng ta đã là bạn. Ngày mai có thể chúng ta sẽ là thù. Tôi mong chúng ta vẫn mãi sẽ là bạn".

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, 1988, p.130-131.

- Lê Kim: Bác Hồ tiếp xúc với tình báo phương Tây, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 94-98.

Tháng 2, ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp L. Capuýt. Người nêu rõ lập trường của Việt Nam là kiên trì tránh mọi sự đụng độ với nước Pháp mới và kêu gọi Pháp hãy hiểu mong muốn của Người là để đất nước Việt Nam, đàn ông và đàn bà được làm những công dân tự do.4)

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, 1988, p.131.

Tháng 2, trước ngày 13

Tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phóng viên báo Pháp Paris - Saigon.

Người chủ động hỏi trước phóng viên Pháp về đời sống chính trị ở Pháp, về phong trào Cộng hoà bình dân và khuynh hướng Hội nghị lập hiến. Về quan hệ Việt – Pháp, Người cho rằng nếu giải quyết được vấn đề chính trị thì mọi việc đều có thể dàn xếp được và kết luận: “Dù rằng nước Pháp đã bị những vết thương sâu, nước Pháp vẫn có thể giúp đỡ chúng tôi, cũng như chúng tôi có thể giúp đỡ nước Pháp trong giới hạn sức lực của chúng tôi. Chúng tôi không thù ghét nước Pháp và dân tộc Pháp. Chúng tôi không hề muốn cắt đứt mối dây liên lạc giữa hai dân tộc. Nhưng chúng tôi muốn rằng nước Pháp có sáng kiến đi trước một bước thành thực”.

Trong buổi tiếp, Người nói bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng xen vào một câu tiếng Anh.

- Báo Cứu quốc, số 171, ngày 23-2-1946.

Tháng 2, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Lời cảm ơn tới nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc thiểu số, kiều bào ở Lào, Xiêm, Trung Quốc và các đoàn thể đã gửi điện, thư và quà chúc Tết Người. "Tiếc vì bận việc không thể cảm ơn từng người, tôi xin tất cả đồng bào nhận lời cảm ơn chung với lòng thân ái của tôi".

9 giờ, tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về Sắc lệnh tổ chức Toà án Quân sự và giao quyền tư pháp cho Uỷ ban hành chính tại các tỉnh chưa có toà án, và vấn đề cung cấp thuốc ký ninh (chữa sốt rét) cho quân đội.

Cùng ngày, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các cụ làng Xuân Tảo xin gặp Người để báo cáo kết quả cuộc vận động thực hiện đời sống mới và nhờ chuyển 600 đồng góp vào Quỹ Cứu quốc để ủng hộ các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận. Người tặng các cụ bức ảnh chân dung có ghi 4 chữ Hán “Xuân Tảo huệ tồn” 5).

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 21, ấn định về tổ chức của Toà án Quân sự thiết lập ở Bắc, Trung và Nam Bộ gồm 16 điều.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 163, ngày 14-2-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 174.

- Ban Thông tin Văn hoá huyện Từ Liêm: Những lần đón Bác, Nxb. Hà Nội, 1984, tr.45.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 2, ngày 15

19 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị liên tịch các đoàn thể bàn về tổ chức Chính phủ liên hiệp chính thức.

- Bản sao Biên bản Hội nghị Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Hồ Chí Minh.

Tháng 2, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh có cuộc gặp gỡ với J.Xanhtơny để thảo luận tiếp về những vấn đề chính trị để đi tới Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3. Hai bên đã đồng ý dùng chữ “Chính phủ tự quyết” thay cho chữ “tự do của Chính phủ” và “tự do trong Liên hiệp Pháp”18, lần đầu tiên hé ra khả năng có thể đi đến một thoả hiệp.

Kể từ đầu tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cộng sự đã nhiều lần gặp gỡ J. Xanhtơny để bàn về một thoả hiệp Pháp - Việt nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa hai bên đang có nguy cơ lan rộng. Tuy nhiên những cuộc đối thoại này nhiều lần bị gián đoạn do âm mưu muốn quay trở lại Đông Dương của Pháp.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến Tổng thống Mỹ H. Tơruman cảm ơn Tổng thống và nhân dân Mỹ "về sự quan tâm có lợi cho các dân tộc thuộc địa mà các đại diện của Ngài tại tổ chức Liên hợp quốc đã bày tỏ". Sau khi tố cáo thực dân Pháp, vì muốn lập lại ách thống trị của họ ở Việt Nam, đang tiến hành một cuộc chiến tranh "tàn sát và không thương xót", một cuộc chiến tranh "trái với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và trái với những cam kết của các nước Đồng minh trong chiến tranh thế giới", "một mối đe doạ trực tiếp đối với an ninh thế giới", Người nêu rõ: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi, sau quá nhiều năm chịu sự cướp bóc và tàn phá, mới chỉ đang bắt đầu công cuộc xây dựng. Cần phải có an ninh và quyền tự do”... “An ninh và tự do chỉ có thể được bảo đảm bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào, và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính là với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc, với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi... Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.138-139.

- United States - Vietnam relations 1945 - 1967, U.S. Government printing office, Washington, 1971, p. 95-97.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 175-177.

Tháng 2, ngày 18

8 giờ 45, tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn việc chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội, nghe báo cáo về tình hình quân sự ở miền Nam và bàn vấn đề sinh viên các trường đại học có nguyện vọng tham gia công tác quân sự, tuyên truyền.

Cùng ngày, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Lơcléc, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Viễn Đông để trao đổi về một cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Pháp.

Cũng cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công hàm tới Chính phủ các nước Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô và Anh. Người vạch rõ âm mưu tái xâm lược của thực dân Pháp đối với Việt Nam, mở đầu bằng sự kiện ngày 23-9-1945 Pháp tấn công Sài Gòn, và khẩn thiết yêu cầu: 1- "Thực hiện tất cả những bước đi thích hợp để bằng sự can thiệp khẩn cấp ngăn chặn cuộc đổ máu đang diễn ra ở Nam Việt Nam, và đi tới một giải pháp cấp bách và hợp lý cho vấn đề Đông Dương... Trong khi tin tưởng chờ đón một biện pháp tích cực của các Chính phủ Oasinhtơn, Mátxcơva, Luân Đôn và Trùng Khánh, chúng tôi đã xác định sẽ chiến đấu tới giọt máu cuối cùng chống lại việc tái lập chủ nghĩa đế quốc Pháp"; 2- "Đưa vấn đề Đông Dương ra trước tổ chức Liên hợp quốc, chúng tôi chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn, nền độc lập mà cho tới nay đã là một thực tế, và nó sẽ cho phép chúng tôi hợp tác với các quốc gia khác trong việc xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn và một nền hoà bình bền vững".

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 22, về việc sửa đổi điều 65 của Sắc lệnh số 63/SL, ngày 22-11-1945, về tổ chức các Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính.

- Sắc lệnh số 22B, giao quyền tư pháp cho Uỷ ban hành chính ở những nơi chưa đặt được toà án biệt lập.

- Sắc lệnh số 22C, về việc ấn định những ngày Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, kèm theo Sắc lệnh này, sẽ được coi là những ngày lễ chính thức.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- United States - Vietnam relations 1945 - 1967, U.S. Government printing office, Washington, 1971, p. 98-100.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 178-182.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 2, ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Thông tư về việc đình công:

“Xét rằng trước tình thế nghiêm trọng bây giờ, chúng ta cần phải tập trung toàn lực để chống ngoại xâm.

Xét rằng tổng đình công là một lợi khí chỉ nên dùng để đối phó quân địch, chứ không bao giờ nên dùng để chia rẽ nội bộ.

Tôi, Chủ tịch Chính phủ lâm thời, hạ mệnh lệnh cho toàn thể viên chức và dân chúng phải làm việc như thường, trừ khi có chỉ thị của Chính phủ.

Hà Nội, ngày 19-2-1946

Chủ tịch Chính phủ lâm thời

Hồ Chí Minh”

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Gương sáng suốt của đời sống mới, đăng trên báo Dân quốc, số 136, nêu gương những việc làm tốt của các cụ phụ lão làng Xuân Tảo, làng Đình Bảng (Bắc Ninh), xã Đông Hội (Gia Khánh, Ninh Bình) và họ Nguyễn Thượng ở Thượng Phúc (Thanh Oai, Hà Tây). Kết luận, bài báo viết:

"Ba việc đó, chẳng những đã tỏ lòng vàng ngọc của đồng bào các làng xã kể trên, đồng thời cũng là một gương sáng suốt trong sự thực hành Đời sống mới cho đồng bào cả nước noi theo".

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Thông báo của Chính phủ về việc Chính phủ liên hiệp sẽ thành lập và ra mắt quốc dân.

- Báo Cứu quốc, số 168, ngày 20-2-1946.

- Báo Dân quốc, số 136, ngày 19-2-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 183.

- Bản sao Thông báo, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 2, ngày 21

8 giờ 30, tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Người báo cáo về kết quả thương lượng giữa các đảng: trong số 10 bộ, mỗi đảng sẽ giữ hai bộ, còn Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng sẽ do hai người trung lập giữ và sẽ lập một Uỷ ban kháng chiến và một Đoàn Cố vấn.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 23, về việc thống nhất các Sở Cảnh sát với các Sở Liêm phóng toàn quốc thành một cơ quan, đặt tên là “Việt Nam công an vụ”, quy định cách tổ chức và nhiệm vụ của Việt Nam công an vụ.

- Sắc lệnh số 24 NV/CC, về việc cấp một tháng lương (lương chính và các khoản phụ cấp) cho các công chức chính ngạch 6), viên chức công nhật hay làm việc có hợp đồng, xin từ dịch 7) hoặc xin nghỉ giả hạn 8) không lương từ 6 tháng trở lên, tình nguyện dự vào công việc tăng gia sản xuất ở Cao Bằng.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 2, ngày 23

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và đề nghị ông Vĩnh Thuỵ cùng tham gia lãnh đạo Chính phủ mới.

Chiều, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn của các phóng viên về ba vấn đề liên quan đến Hiệp ước Hoa - Pháp và cuộc đàm phán Việt - Pháp.

Trả lời câu hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc trực tiếp đàm phán nào giữa đại biểu Pháp với Chính phủ như đài Sài Gòn tuyên bố chưa,Người nói:

"Người Pháp ở đây, tôi đã tiếp nhiều. Và như tôi đã nói là người thành thật muốn tiếp thì tôi tiếp, nhưng thành thật hay không, lại là một chuyện khác. Còn như nói về công khai đàm phán thì một bên có điều kiện gì để so sánh, mặc cả với bên kia, mới là đàm phán, chứ chỉ nói chuyện bông lông không thôi, gọi là đàm phán thế nào được. Cũng như người Pháp trong quân đội, người Pháp nhà báo, hay người Pháp thường, tôi đã gặp nhiều, trong câu chuyện họ hỏi tôi, tôi trả lời, không thể bảo đó là những cuộc đàm phán được... Nếu bao giờ có cuộc đàm phán, Chính phủ cũng không giấu dân vì nước mình chưa phải là một nước ngoại giao bí mật".

Buổi tối, Người lại gặp Vĩnh Thuỵ và nói rõ ông ta có thể làm Cố vấn cho Chính phủ sắp thành lập.

- Báo Cứu quốc, số 172, ngày 24-2-1946.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.143.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 185-186.

Tháng 2, ngày 24

Tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng bàn về tình hình và chủ trương của Đảng trong giai đoạn mới. Căn cứ vào quyết nghị của Hội nghị, Ban Thường vụ ra chỉ thị Tình hình và chủ trương, phân tích âm mưu của bọn đế quốc và vạch ra những nguyên tắc căn bản cho việc đàm phán với Pháp.

- Tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 2, ngày 25

8 giờ 30, tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về tình hình Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ, về Bản dự thảo nội quy Quốc hội và cử một Uỷ ban để xem xét việc bổ nhiệm các thẩm phán mới.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp J.Xanhtơny thảo luận về vấn đề đàm phán Việt - Pháp và nêu rõ lập trường của Việt Nam là “Độc lập và hợp tác”. Người và J.Xanhtơny đều nhất trí cần phải tạo ra một bầu không khí hoà dịu để cuộc đàm phán trong tương lai có kết quả.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 25, sửa đổi một số điểm trong Sắc lệnh đã ký ngày 20-10-1945 về quy định quốc tịch Việt Nam.

- Sắc lệnh số 26, quy định những hành vi phá hoại tài sản công như: cầu cống, đường giao thông, đê đập, dây điện thoại... bị coi là trọng tội, sẽ bị truy tố và phạt tù từ 2 đến 10 năm hoặc xử tử, không kể chính phạm hay tòng phạm.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 173, ngày 28-2-1946.

- Amiral d’Argenlieu: Chronique dIndochine 1945-1947, Albin Michel, Paris, 1985, p.180.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 2, ngày 27

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời hiệu triệu, kêu gọi đồng bào hãy cảnh giác với loại chiến tranh tâm lý mà thực dân Pháp đang tiến hành đồng thời với chiến tranh quân sự. Chúng phao tin đồn nhảm, giải truyền đơn, dán khẩu hiệu hòng gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Người nêu tấm gương của nhân dân Trung Quốc đã trường kỳ kháng chiến và toàn dân kháng chiến, nhờ đó mà giành được thắng lợi.

Kết luận, Người khẳng định: "Như thế, mà phải nhất định như thế, thì chúng ta mới được thắng lợi và giành được độc lập hoàn toàn".

- Báo Sự thật, số 21, ngày 27-2-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 187-188.

Tháng 2, ngày 28

8 giờ 30, tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề động viên nhân dân tạm tản ra khỏi Hà Nội để tránh bệnh truyền nhiễm, về việc bàn giao giữa Chính phủ cũ và mới, việc lập toà án ở Phú Thọ và tổ chức cảnh sát tư pháp tại Trung Bộ.

16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị liên tịch các đảng phái bàn về việc khai mạc Quốc hội 9).

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 27 quy định hành vi bắt cóc, tống tiền, ám sát bị truy tố và phạt tù từ 2 đến 10 năm, hoặc xử tử, không kể chính phạm hay tòng phạm.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản sao Biên bản Hội nghị liên tịch, lưu tại Cục lưu trữ Trung ương.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trong tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm ngôi đình làng Đình Bảng (Bắc Ninh), địa điểm dự bị để họp Quốc hội.

- Tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trong tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ, tặng đồng bào miền Nam danh hiệu vẻ vang: Thành đồng Tổ quốc.

- Bác Hồ với Hà Bắc, Ty Văn hoá Hà Bắc xuất bản, 1972, tr.18.

Trong tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Mỹ H. Truman, cảm ơn Tổng thống và nhân dân Mỹ ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống phát xít Nhật và đề nghị Mỹ với tư cách là người bảo vệ và những chiến sĩ của công bằng thế giới ủng hộ nền độc lập của Việt Nam.

- Truyện kể về Bác Hồ những chặng đường trường kỳ kháng chiến, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.123.

__________________________________________________

1) Ngõ Hàng Đũa, nay là ngõ Lương Sử C.

2) Phố Phúc Kiến, nay là phố Lãn Ông.

3) Phố Hàng Lọng, nay là phố Lê Duẩn.

4) Ngày hôm sau, L.Capuýt đã gặp tướng R.Xalăng và yêu cầu R.Xalăng chấp nhận và ủng hộ nguyện vọng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

5) "Xin Xuân Tảo nhận cho" (Cách nói lời kính trọng thường ghi đề tặng trên các tặng phẩm như ảnh, sách...).

6) Công chức trong biên chế.

7) Công chức xin thôi việc.

8) Công chức xin nghỉ phép dài hạn.

9) Hội nghị có đại biểu của Việt Minh, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Đảng Dân chủ, Việt Nam Quốc dân Đảng. Ông Huỳnh Thúc Kháng là đại biểu không đảng phái, tham dự với tư cách đại biểu dự thính.

* Năm 1946 - Tháng 3

NĂM 1946

Tháng 3, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp ông J.Xanhtơny để trao đổi về vấn đề quân Pháp ở miền Bắc, vấn đề Nam Bộ và vấn đề thành phần Chính phủ mới của Việt Nam.

- Amiral d’Argenlieu: Chronique dIndochine 1945-1947, Albin Michel, Paris, 1985, p.182.

Tháng 3, ngày 2

9 giờ, tại Nhà hát thành phố Hà Nội, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà19 đã long trọng khai mạc.

Đọc diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật ý nghĩa lịch sử của Quốc hội lần này, sau đó, thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời, Người đề nghị Quốc hội mở rộng số đại biểu thêm 70 người là đại diện của Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội vì "trong lúc toàn thể đồng bào đương tranh đấu thì những đồng chí cách mạng Việt Nam ở hải ngoại không có thì giờ tham gia vào cuộc Tổng tuyển cử của nhân dân ta" và để Quốc hội ta "tỏ cho thế giới, cho toàn dân biết là chúng ta đoàn kết nhất trí" (Quốc hội biểu quyết tán thành).

Sau khi nghe báo cáo công việc Chính phủ đã làm trong sáu tháng qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trao quyền lại cho Quốc hội để tổ chức Chính phủ mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh được Quốc hội nhất trí bầu làm Chủ tịch Chính phủ kháng chiến và giao nhiệm vụ đứng ra tổ chức Chính phủ mới.

10 giờ, đọc báo cáo trước Quốc hội về việc thành lập Chính phủ kháng chiến20, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ sở dĩ việc tổ chức Chính phủ mới được nhanh chóng như vậy là vì "Chính phủ này ra mắt gồm có các đại biểu các đảng phái và các anh em không đảng phái, trước đây đã thương lượng và thoả thuận với nhau". Tiếp đó, Người giới thiệu thành phần của Chính phủ kháng chiến 1), Tối cao Cố vấn đoàn và Kháng chiến uỷ viên hội.

Được Quốc hội thông qua, Chính phủ kháng chiến, Tối cao Cố vấn đoàn và Kháng chiến uỷ viên hội tuyên thệ nhậm chức: "Trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hoà Việt Nam, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ".

Trước khi kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu cảm ơn các đại biểu, "chúng ta cùng hứa với nhau rằng: Quốc hội họp lần này là Quốc hội kháng chiến, mà Chính phủ cử ra là Chính phủ kháng chiến. Tôi mong rằng Quốc hội họp lần sau sẽ là Quốc hội thắng lợi, mà Chính phủ cũng sẽ là Chính phủ thắng lợi".

- Báo Cứu quốc, số Đặc biệt, ngày 3-3-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 189-196.

- Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 68-80.

Tháng 3, ngày 4

8 giờ 45, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp đầu tiên của Chính phủ liên hiệp kháng chiến bàn về các vấn đề: Nguyên tắc họp của Hội đồng Chính phủ; Tuyên ngôn của Chính phủ liên hiệp kháng chiến; Chính sách đối với Pháp; Quyền hạn của Bộ Quốc phòng và Uỷ ban kháng chiến. Hội đồng Chính phủ quyết định Chính phủ chuẩn bị kháng chiến, đồng thời đàm phán với Pháp trên nguyên tắc Việt Nam độc lập và cử một tiểu ban nghiên cứu những điều kiện của ta trong đàm phán. Tiểu ban này gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến.

14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập họp bất thường Hội đồng Chính phủ thông báo về việc Người cùng với Nguyễn Tường Tam gặp các vị trong quân đội Quốc dân Đảng Trung Hoa và Mỹ để đảm bảo sự ủng hộ của họ nếu Chính phủ ta ký kết gì với Pháp. Người Trung Hoa đồng ý. Người Mỹ nói họ cũng đồng ý nếu Pháp bằng lòng, nhưng còn phải hỏi ý kiến Chính phủ Mỹ. Trong phiên họp này, Hội đồng quyết định sẽ gửi một công điện cho Chính phủ Trung Hoa và công bố trên báo thái độ của Việt Nam đối với Hiệp ước Pháp – Hoa, đối với nhân dân Trung Quốc và Hoa kiều. Sau đó, Hội đồng đã cử một số vị phụ trách ứng phó với công việc trong lúc tình hình khẩn trương theo những nguyên tắc mà Chính phủ đã định, gồm: Hồ Chí Minh, Nguyễn Tường Tam, Phan Anh, Võ Nguyên Giáp và Vũ Hồng Khanh. Việc đàm phán với đại diện của Pháp, Chính phủ cử Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp báo với các phóng viên Việt Nam bác bỏ những tin bịa đặt, đồn đại về cuộc đàm phán Việt – Pháp nhằm gây hoang mang, kích động quần chúng. Người cũng nhắc nhở dân chúng không nên nghe những tin đồn đó, mà phải luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và kháng chiến đến cùng.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi với ông J.Xanhtơny về vấn đề Nam Bộ và một số vấn đề khác trong quan hệ Việt – Pháp.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 177, ngày 5-3-1946.

- Amiral d’Argenlieu: Chronique dIndochine 1945-1947, Albin Michel, Paris, 1985, p.183.

Tháng 3, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh về làng Hậu Ái (nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây) dự Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng bàn về chủ trương thương lượng với Pháp.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thiệu Bách Xương (sĩ quan trong quân đội Tưởng Giới Thạch) một bản kiến nghị nhờ chuyển cho phía Pháp 2).

Bản kiến nghị nêu rõ: Nếu ký Hiệp định giữa Pháp và Việt Nam thì cần phải có đại biểu của Đồng minh chứng kiến và thông báo những yêu cầu của phía Việt Nam như sau:

1. Yêu cầu Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam là một nước tự do, có Chính phủ, Quốc hội, tài chính, quân đội riêng, tất cả trong phạm vi của Liên bang Đông Dương.

2. Chính phủ Pháp yêu cầu Chính phủ Việt Nam chấp nhận một đội quân Pháp (gồm một vạn năm nghìn lính Pháp và một vạn lính Việt Nam, số lính Việt Nam do Chính phủ Việt Nam cung cấp), tổng số quân đội là hai vạn năm nghìn người.

3. Số phận của Nam Kỳ do nhân dân Việt Nam bỏ phiếu quyết định.

4. Nhà đương cục Pháp nên chủ động ký một Hiệp định ngừng chiến tạm thời giữa Pháp và Việt Nam.

5. Mọi vấn đề (thứ yếu) khác sẽ được thảo luận và giải quyết trong cuộc đàm phán chính thức.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nhà thương lượng người Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc rất khuya với ông J. Xanhtơny. Người muốn Việt Nam độc lập và có quan hệ thân thiện với Liên hiệp Pháp. Hai người có bất đồng lớn về vấn đề Nam Bộ.

- Lịch sử Cảnh vệ công an nhân dân Việt Nam (1941-1954), Nxb. Công an nhân dân, 2002, tr.76.

- Lăng Kỳ Hàn: Tại Hà Nội tiếp thụ Nhật Bản đầu hàng nội mạc, tr.106 (bản Trung văn).

- Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.372.

- David Halberstam: Ho, Randan House/Alfred A.Knopf, New York, 1987, p.85.

Tháng 3, ngày 6

8 giờ 30, tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo về công tác ngoại giao với Pháp và vấn đề Dự thảo nội dung Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3. Hội đồng đã ký vào một biên bản đặc biệt tán thành ký Hiệp định đình chiến và mở cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp với điều kiện Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do và Chính phủ Việt Nam bằng lòng để quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Hoa. Hội đồng uỷ quyền cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh thay mặt Chính phủ ký Hiệp định trên với đại biểu Pháp.

12 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Hoàng Minh Giám gặp J.Xanhtơny và L.Pinhông tiếp tục tranh luận về những điều khoản của Hiệp định Việt-Pháp. Đến 13 giờ 30 những điều khoản của Hiệp định đã đạt được. Hai bên hẹn gặp lại nhau hồi 16 giờ 30 cùng ngày để ký kết chính thức.

16 giờ 30, tại số nhà 38 phố Lý Thái Tổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cùng với J.Xanhtơny đại diện Chính phủ Cộng hoà Pháp ký vào bản Hiệp định Việt - Pháp (Hiệp định Sơ bộ 6-3)21. Hiệp định khẳng định nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, quân đội, tài chính của mình; việc hợp nhất ba Kỳ do nhân dân Việt Nam trực tiếp giải quyết. Phát biểu với những người dự Lễ ký kết, Người nói: “Chúng tôi không thoả mãn vì chưa giành được hoàn toàn độc lập, nhưng chúng tôi sẽ giành được độc lập hoàn toàn.."..

18 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Người tuyên bố với một số đại diện các báo hàng ngày về Hiệp định Việt – Pháp vừa được ký.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 181 và 182, ngày 7 và ngày 8-3-1946.

- Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.376-379.

- Philippe Devillers: Histoire du Vietnam de 1940 à 1952, Seuil, Paris, 1952, p.220.

- J. Xanhtơny: Câu chuyện về một nền hoà bình bị bỏ lỡ, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2003, tr. 246-247.

Tháng 3, sau ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện đến Thủ tướng Anh báo tin: Ngày 6 tháng 3, một Hiệp định tạm thời đã được ký kết giữa Pháp và Việt Nam. Theo Hiệp định này, nước Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do có Chính phủ, quân đội, tài chính của mình và đề nghị Chính phủ Anh cũng công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do...

- Amiral d’Argenlieu: Chronique d'Indochine 1945-1947, Albin Michel, Paris, 1985, p.258.

Tháng 3, ngày 7

Sáng, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, Cố vấn Vĩnh Thuỵ tiếp ông uỷ viên Cộng hoà Pháp J.Xanhtơny, thay mặt Chính phủ Pháp, đến thăm 3). Người đề nghị địa điểm đàm phán Việt - Pháp sắp tới là Pari và tỏ ý muốn sớm được gặp ông Đácgiăngliơ tại Sài Gòn, trước khi sang Pháp.

15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Cố vấn Vĩnh Thuỵ đến thăm uỷ viên Cộng hoà Pháp J. Xanhtơny tại trụ sở của ông ta.

16 giờ, tại cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân Thủ đô trước Nhà hát thành phố, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Hiệp định Sơ bộ 6-3. Người nói:

“Nước ta đã độc lập thực sự từ Tháng Tám năm 1945. Nhưng tới nay, chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta. Cuộc điều đình với nước Pháp sẽ mở ra con đường làm cho quốc tế thừa nhận ta. Nó sẽ dẫn ta đến một vị trí ngày càng chắc chắn trên trường quốc tế. Đó là một thắng lợi về mặt chính trị... Đồng bào hãy nên bình tĩnh, đoàn kết, trọng kỷ luật.."..

Cuối cùng, Người im lặng giây lát rồi tuyên bố:

“Tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Giấy uỷ nhiệm cho hai ông Hoàng Quốc Việt và Huỳnh Văn Tiểng vào Nam Bộ với đoàn đại biểu Pháp để giải thích và thi hành Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3.

- Amiral d’Argenlieu: Chronique dIndochine 1945-1947, Albin Michel, Paris, 1985, p.197.

- Báo Cứu quốc, số 180 và 181, ngày 8 và ngày 9-3-1946.

- Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.385-388.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 197.

- J. Xanhtơny: Câu chuyện về một nền hoà bình bị bỏ lỡ, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2003, tr. 254.

Tháng 3, ngày 8

8 giờ 15, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo về việc quân đội Trung Hoa xung đột với quân đội Pháp ở Hải Phòng; việc cử ông Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ đáp máy bay vào Sài Gòn; việc yêu cầu quân đội Trung Hoa chậm rút ở Hà Nội và không cho lính Pháp mang khí giới ở trong thành ra; việc người Pháp chở vũ khí từ trong Nam ra. Sau đó, Hội đồng bàn tiếp các vấn đề thống nhất hành chính quân đội, việc tiếp phòng quân đội Trung Hoa và quân đội Pháp, đàm phán với Pháp ở Pari...

14 giờ, tại phòng Hội đồng Toà thị chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập gần 50 cán bộ chỉ huy tự vệ thành Hà Nội nhắc nhở về nhiệm vụ tuyên truyền để dân chúng hiểu và bình tĩnh đối phó với tình hình. Người căn dặn: dù có Hiệp định đình chiến nhưng không phải là đã hết chiến tranh, vì thế phải nhã nhặn với Pháp nhưng không phải là nhu nhược, thụ động, mà trái lại, phải chủ động chuẩn bị bồi dưỡng lực lượng. Sự chuẩn bị đó phải liên tục, nếu không phải kháng chiến thì để kiến quốc.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công hàm cho nhà cầm quyền Pháp ở Nam Kỳ về việc phái đoàn đại biểu Việt Nam vào Nam Kỳ để giám sát việc thi hành Hiệp định Sơ bộ 6-3. Đồng thời, Người gửi thư cho Đô đốc Đácgiăngliơ, thông báo về đoàn đại biểu của Việt Nam giám sát ngừng bắn đã lên đường vào Nam công tác và “hy vọng rằng quan hệ Pháp – Việt nhờ có tinh thần hiểu biết rộng rãi và chức vụ cao cả của Ngài mà ngày một cải thiện vì hạnh phúc tối thượng của hai dân tộc chúng ta”.

Nghiêm lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu quốc, số 181, "hạ lệnh cho toàn thể nhân dân và bộ đội phải giúp đỡ cho quân đội Trung Hoa, trong lúc quân đội Trung Hoa thoái triệt. Ai xâm phạm đến tính mạng, tài sản của quân đội Trung Hoa sẽ bị nghiêm trị”.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Công hàm và Bức thư bằng tiếng Pháp, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 181, ngày 9-3-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 198.

Tháng 3, ngày 9

Bản Tuyên cáo cùng dân chúng Pháp và Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tướng Lơcléc, đăng trên báo Cứu quốc, số 181. Sau khi nêu rõ lý do việc quân Pháp trở lại đóng từ vĩ tuyến 160N trở ra Bắc, Tuyên cáo kêu gọi “người Pháp và người Việt Nam hãy tuân lệnh những người lãnh đạo của hai nước, thi hành các mệnh lệnh một cách triệt để để cùng xây dựng kinh tế và kiến thiết”.

- Báo Cứu quốc, số 181, ngày 9-3-1946.

Tháng 3, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, chiến sĩ ở tiền tuyếnUỷ ban hành chính Nam Bộ, giải thích về việc ký kết Hiệp định Sơ bộ 6-3 và kêu gọi mọi người đoàn kết, tôn trọng Hiệp định.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 199-200.

Tháng 3, ngày 11

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề ngoại giao để công bố hai điều trong Hiệp định Sơ bộ 6-3 cho thế giới biết:

1. Pháp thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một nước tự do.

2. Cuộc đàm phán chính thức Việt – Pháp sẽ tiến hành sau khi Hiệp định Sơ bộ 6-3 được ký kết.

Hội đồng quyết định sẽ cử một phái đoàn đi Trung Hoa để tỏ rõ thiện chí của ta nhờ Trung Hoa giúp Việt Nam, v.v.. Sau đó, Hội đồng bàn về vấn đề nội chính và quân chính.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi sau khi ký Hiệp định Sơ bộ 6-3 gửi Chính phủ và nhân dân thế giới, cùng đồng bào toàn quốc. Lời kêu gọi nêu rõ thiện chí của Chính phủ, đồng thời tố cáo phía Pháp đã có những hành động vi phạm Hiệp định. Người kêu gọi đồng bào trong nước hãy bình tĩnh, sẵn sàng chờ lệnh Chính phủ và "thiết tha kêu gọi nhân dân và Chính phủ cả thế giới, nhất là nhân dân Pháp, hãy ủng hộ chính nghĩa làm sao cho bên phía Pháp thi hành đúng bản Hiệp định Sơ bộ, để đi đến kết quả hoà hảo cho hai dân tộc và bảo vệ nền hoà bình thế giới”.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 201-202.

Tháng 3, ngày 13

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo tình hình quan hệ với Pháp, bàn về việc thi hành Hiệp định Sơ bộ 6-3, vấn đề cử người đi Trung Hoa và đi Pháp (theo đề nghị của Chủ tịch và ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phải được 2/3 Hội đồng Chính phủ tán thành). Hội đồng quyết định Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ ra một bản tuyên bố nói rõ Pháp đã không theo đúng bản Hiệp định Sơ bộ 6-3 và phải chịu trách nhiệm nếu tình hình xấu xảy ra.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 3, ngày 15

Bài viết Phải đình chỉ ngay những cuộc đánh úp tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ (ký bút danh Q.T) của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc, số 187, lên án những luận điệu và hành động vi phạm Hiệp định sơ bộ của thực dân Pháp, kêu gọi binh lính Pháp hãy ngừng bắn vào đồng bào, bộ đội Việt Nam, đồng thời kêu gọi các chiến sĩ Việt Nam luôn luôn sẵn sàng và quyết tâm chiến đấu cho giang sơn Tổ quốc, nếu người Pháp định lừa bịp và không thành thực ký kết với ta theo nguyên tắc bình đẳng.

Kết luận, bài báo viết: "Tóm lại, muốn Việt - Pháp đi tới chỗ thoả thuận có lợi cho cả đôi bên, người Pháp phải thành thực từ lời nói cho chí hành động, theo đúng bản Hiệp định đã ký mà đình chỉ ngay những cuộc xung đột ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ".

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ thảo luận vấn đề quan hệ với Pháp. Hội đồng quyết định cần lập Hội đồng tham mưu Việt – Pháp để định rõ thời gian, địa điểm, số lượng và đường đi của quân đội Pháp để tránh những cuộc xung đột.

Tại Bắc Bộ phủ, họp mặt với các uỷ viên tuyên truyền các tỉnh Bắc Bộ, Người nêu rõ nhiệm vụ của các báo và các ban tuyên truyền hiện nay là "hướng dẫn lòng yêu nước và chí cương quyết cố giành độc lập hoàn toàn của đồng bào một cách ôn hoà, bình tĩnh, có lợi cho ngoại giao..., cần phải giải thích cho toàn dân hiểu rõ con đường đi của Chính phủ khi ký với Pháp bản Hiệp định Sơ bộ" và nhấn mạnh “Bình tĩnh không phải là nhu nhược, cũng không phải là nhượng bộ, nhưng để tỏ ra rằng dân chúng có kỷ luật, dân chúng cũng như một đội quân. Binh sĩ không biết trọng kỷ luật, tất nhiên đội quân không thành; dân chúng không có kỷ luật, việc làm khó thành công.

Muốn đi đúng thời cuộc, chúng ta nên đặt lý trí lên trên tình cảm. Và muốn nhận định thời cuộc, chúng ta không thể không đứng ở địa vị khách quan".

Cùng ngày, Người gặp J.Xanhtơny và tỏ ý lấy làm tiếc vì có sự căng thẳng hiện thời. Người đề nghị, để làm dịu tình hình cần nhanh chóng thông báo chính thức ngày lên đường của phái đoàn Việt Nam.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 28 về việc cử ông Tạ Quang Bửu làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 187 và 188, ngày 15 và ngày 16-3-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 203-205.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.155, 171.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 3, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân dân thi hành đúng bản Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp. Người nhắc nhở “trong lúc hai bên sắp đàm phán, thì cần gây nên một không khí thuận tiện cho sự đàm phán. Vậy tôi mong rằng quốc dân giữ lòng kiên quyết nhưng bình tĩnh, các báo thì bình luận một cách chính đáng, những lời lẽ nên cân nhắc... tuyệt đối phải bảo vệ tính mệnh, tài sản của người Pháp cũng như người Trung Hoa, để tỏ rằng dân ta là một dân tiên tiến, một dân có kỷ luật”... “Chúng ta phải làm đúng bản Hiệp định. Đối với họ tuyệt đối không được xung đột, đồng thời phải gây thiện cảm. Chúng ta phải tỏ cho họ biết rằng dân ta yêu tự do, độc lập, trọng hoà bình, tín nghĩa”.

Cùng ngày, báo Dân Thanh đăng NGHIÊM LỆNH của Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sau đây:

"Trong Hiệp định Sơ bộ, Chính phủ Pháp đã công nhận nước ta là một nước Cộng hoà tự do trong Liên bang Pháp quốc. Chính phủ ta nhận để quân đội Pháp đến thay thế cho quân đội Trung Quốc đóng lại những nơi do Chính phủ ta và đại biểu Pháp đã thoả thuận. Cuộc đàm phán chính thức sắp mở với Chính phủ Pháp. Muốn cuộc đàm phán thi hành cần phải giữ lấy một không khí ôn hoà giữa người Việt với người Pháp. Vì vậy, Chính phủ hạ nghiêm lệnh sau đây:

1. Tuyệt đối cấm chỉ mọi sự khiêu khích đối với những kiều dân và quân đội Pháp.

2. Ai làm tổn hại đến tính mạng và tay sai của kiều dân và quân nhân Pháp sẽ bị nghiêm trị.

Hà Nội, ngày 16-3-1946

Chủ tịch Hồ Chí Minh (đã ký)".

- Báo Cứu quốc, số 188, ngày 16-3-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 206-207.

- Báo Dân Thanh (94 Hàng Gai, Hà Nội), ngày 16-3-1946.

Tháng 3, ngày 18

8 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo tình hình quân đội Pháp lên Hà Nội vào ngày 18 tháng 3 4); việc liên lạc với bộ đội của các chính đảng ở địa phương để thống nhất quân đội, bàn về vấn đề tiền cho phái đoàn đi Trung Hoa và giải quyết việc biểu tình bất hợp pháp chiều ngày 16 tháng 3, v.v..

17 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Lơcléc dẫn đầu phái đoàn Pháp, đến chào Người. Tại buổi tiếp, Chủ tịch nghe Uỷ viên Cộng hoà Pháp tại Việt Nam J.Xanhtơny giới thiệu về tướng Lơcléc. Trong tiệc rượu, Người nói: ... “Trong cuộc bang giao giữa chúng ta, nếu Anh, Mỹ đã đi trước chúng ta vì đã hứa cho Ấn Độ và Phi Luật Tân (Philíppin) được độc lập, thì chúng tôi cũng có thể tự hào rằng Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 đã cùng ký kết theo một tinh thần đó. Thực vậy, việc mà nước Pháp mới đã thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tự do là một dấu đầu tiên để đưa nước chúng tôi tới độc lập hoàn toàn một cách chắc chắn (...). Tôi hết lòng hy vọng rằng toàn thể nước Pháp mới và nước Việt Nam mới sẽ nêu ra trước hoàn cầu một cái gương sáng: cái gương hai nước biết cùng nhau giải quyết được hết các vấn đề khó khăn gai góc ngay sau cuộc tổng đảo lộn của hoàn cầu, bằng cách liên hiệp với nhau và hiểu biết lẫn nhau... để mưu hạnh phúc cho cả hai dân tộc và để mưu hoà bình cho thế giới”.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Daniel Hemery: Ho Chi Minh de lIndochine au Vietnam, Decouvertes Gallimard, Paris, 1990, p.95.

- Báo Cứu quốc, số 192, ngày 20-3-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 208-209.

- Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.404-406.

- J. Xanhtơny: Câu chuyện về một nền hoà bình bị bỏ lỡ, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2003, tr. 258.

Tháng 3, ngày 19

8 giờ 30, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo Bỉ Hótsen (Houtschen). Người hỏi thăm về tình hình chính trị ở Bỉ và trả lời nhà báo về Hiệp định Sơ bộ Việt – Pháp, việc quân Pháp đến Hà Nội, việc cuộc đàm phán chính thức sắp tới ở Pari và tinh thần dân chúng miền Nam Việt Nam...

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 29, về việc trích hai triệu đồng (2.000.000đ.00) ở ngân sách toàn quốc để Bộ Ngoại giao chi tiêu về những công việc đặc biệt.

- Báo Cứu quốc, số 193, ngày 21-3-1946.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 3, ngày 20

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo tình hình quân Pháp tới Hà Nội không xảy ra điều gì đáng tiếc. Về tin quân đội Việt Minh và Việt Nam Quốc dân Đảng xung đột, Người nêu ý kiến: Quân uỷ và Bộ Quốc phòng phụ trách dàn xếp các công việc ấy, không bàn chi tiết ở Hội đồng, “miễn là dàn xếp sao cho đại sự thì thành tiểu sự và tiểu sự thì thành vô sự”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thông báo về việc Pháp muốn mời ta tham gia cuộc duyệt binh ngày 22 tháng 3 tại Hà Nội. Hội đồng quyết nghị Việt Nam sẽ tham gia nhưng sắp xếp để cuộc duyệt binh quy mô nhỏ chừng nào hay chừng ấy và nhất định không để quân Pháp đi qua các phố đông người Việt Nam ở.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được bức Công hàm của Đácgiăngliơ đề ngày 17-3-1946 do J.Xanhtơny trao lại. Người chấp thuận về thể thức cuộc gặp do Đácgiăngliơ đề nghị trong Công hàm 5).

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Đông, cảm ơn đồng bào đã gửi thư thăm Người. Thư có đoạn: “Tôi luôn nhớ đến những lúc tôi đau ốm, anh chị em săn sóc ân cần như ruột thịt. Vì vậy, người tôi tuy có xa cách nhưng lòng tôi vẫn luôn luôn gần gũi anh em. Tôi chắc rằng cái tình thân ái ấy không bao giờ phai lạt”.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Amiral d’Argenlieu: Chronique dIndochine 1945-1947, Albin Michel, Paris, 1985, p.223.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.172.

- Báo Cứu quốc, số 192, ngày 20-3-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 210.

Tháng 3, ngày 22

8 giờ, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về việc liên lạc giữa Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội, về việc tổ chức kỷ niệm ngày mất của cụ Phan Chu Trinh (ngày 24 tháng 3), và nghe báo cáo về việc duyệt binh, về các địa điểm cho quân Pháp đóng và về tình hình tài chính.

19 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tướng Lơcléc cùng các đại biểu quân đội Mỹ, Anh; quân đội và đoàn ngoại giao Trung Quốc dự tiệc chiêu đãi do tướng Lư Hán mời trước khi ông ta về nước. Người đã ký tên (bằng chữ Hán) vào tờ thực đơn.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 30, về việc bổ nhiệm chức Giám đốc Việt Nam công an vụ.

- Sắc lệnh số 31 NV/CC, cử ông Phạm Khắc Hoè giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ thay ông Hoàng Minh Giám.

- Sắc lệnh số 32, quy định sửa đổi Sắc lệnh số 17 ngày 31-1-1946, ấn định lại việc phân chia các ngân sách và mục đề ngoài ngân sách của Bình dân Ngân Quỹ tổng cục cho hai cơ quan Nông nghiệp tín dụng và Kinh tế tín dụng.

- Sắc lệnh số 33/QĐ, quy định cấp, bậc, quân phục, phù hiệu, cấp hiệu cho lục quân của toàn quốc, và sử dụng từ ngày Sắc lệnh này được ký.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 197, ngày 25-3-1946.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 41.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 3, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Giám mục Lê Hữu Từ, nhờ Giám mục giúp Chính phủ chọn cho một vị linh mục để cùng đi với các đại biểu của Chính phủ vào miền Nam Trung Bộ uý lạo đồng bào.

- Bức thư đăng trên Tập san của Thiên Chúa giáo Sài Gòn, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 211.

Tháng 3, ngày 24

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội kiến với Cao uỷ Pháp Đácgiăngliơ trên tuần dương hạm Êmin Béctanh, đậu tại vịnh Hạ Long, theo lời mời của Cao uỷ. Tham dự, về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Tường Tam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Minh Giám. Về phía Pháp có tướng Lơcléc, Raun Xalăng. Cuộc tiếp đón rất long trọng. Tại tiệc rượu trên tàu, sau khi Đácgiăngliơ tỏ ý hài lòng về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Pháp và Việt Nam được lập lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

“Vâng, thưa Ngài Cao uỷ, đúng là những quan hệ hữu nghị, nhưng quan hệ ấy phải trở thành quan hệ anh em”.

Trong cuộc hội đàm, hai bên thoả thuận:

1. Vào trung tuần tháng 4, một phái bộ đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ đi Pháp để tỏ tình thân thiện.

2. Một phái bộ Pháp (khoảng 10 người) sẽ sang Việt Nam, cùng phái bộ Việt Nam chuẩn bị những tài liệu cần thiết.

3. Hạ tuần tháng 5, phái bộ Việt Nam sẽ qua Pháp mở đàm phán chính thức tại Pari.

Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt hạm đội theo lời mời của viên Cao uỷ.

Trên máy bay trở về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với tướng Raun Xalăng: “Nếu Đô đốc muốn đem tàu bè ra để lung lạc tôi thì ông ta đã lầm to. Những tàu đó không thể nào đi ngược các dòng sông của chúng tôi”.

- Báo Cứu quốc, số 199, ngày 27-3-1946.

- Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr. 414-417.

- Amiral d’Argenlieu: Chronique dIndochine 1945-1947, Albin Michel, Paris, 1985, p.229-234.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.173.

Tháng 3, ngày 25

8 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Hội đồng nghe ông Nguyễn Tường Tam báo cáo cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đácgiăngliơ ở vịnh Hạ Long ngày 24 tháng 3 và thoả thuận về việc đoàn Việt Nam sang Pháp đàm phán. Sau đó, Hội đồng bàn về vấn đề tổ chức hành chính ở những nơi Pháp đóng quân tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ, về việc lập Kinh tế uỷ viên Hội ở Bộ Kinh tế.

Cùng ngày, Người tiếp các nhà báo và phát biểu ý kiến về cuộc tranh luận về vấn đề Việt Nam tại Quốc hội Pháp và gửi thư cảm ơn Đô đốc Đácgiăngliơ về cuộc đón tiếp trên tuần dương hạm Êmin Béctanh.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 34, quy định tổ chức của Bộ Quốc phòng gồm: một văn phòng (có bốn phòng sự vụ) và 10 cục chuyên môn (như chính trị, tình báo, quân nhu, quân giới, quân y...). Đồng thời quy định nhiệm vụ của văn phòng, phòng sự vụ, cục, v.v..

- Sắc lệnh số 35, về việc cử các ông: Nguyễn Ngọc Minh, giữ chức Chủ nhiệm Bộ Quốc phòng; Hoàng Đạo Thuý, giữ chức Chính trị Cục trưởng; Vũ Anh, giữ chức Chế tạo Cục trưởng; Vũ Văn Cẩn, giữ chức Quân y Cục trưởng,...

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 3, ngày 26

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi những người có quan hệ trong Bộ Tư lệnh quân đội Trung Hoa dân quốc tại Việt Nam.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 41.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Biên niên sự kiện Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Hà Nội, 2004, tr. 139.

Tháng 3, ngày 27

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về bộ máy tổ chức Bộ Xã hội, Bộ Ngoại giao; Sắc lệnh bảo đảm tự do cá nhân; Sắc lệnh tạm thời về chế độ báo chí; tình hình tài chính; việc Trung Hoa muốn mua và mượn đường sắt. Vì thấy mỗi bộ tổ chức mỗi khác, Người nêu ý kiến về bộ máy nên có một sơ đồ tổ chức chung cho các Bộ.

Cùng ngày, bài viết Sức khoẻ và thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu quốc, số 199, kêu gọi đồng bào tập thể dục vì: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ.

Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi một người yêu nước”. Người mong "đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập".

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 36, quy định tổ chức bộ máy hành chính của Bộ Xã hội gồm một Văn phòng Bộ và ba Nha chuyên môn (Y tế trung ương, Cứu tế trung ương và Lao động trung ương). Quy định mỗi Nha có một giám đốc điều khiển và nhiệm vụ của mỗi Nha.

- Sắc lệnh số 37 về việc cử các ông: Bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Nha Y tế Bắc Bộ, kiêm Giám đốc Nha Y tế trung ương; bác sĩ Đỗ Xuân Hợp, Chủ tịch cơ quan Cứu tế xã hội Bắc Bộ, kiêm Giám đốc Nha Cứu tế trung ương; và bổ nhiệm Giám đốc Nha Lao động trung ương và Chánh Văn phòng Bộ Xã hội.

- Sắc lệnh số 38, về việc thiết lập trong Bộ quốc gia Giáo dục một Nha Thanh niên và Thể dục gồm một Phòng Thanh niên và một Phòng Thể dục trung ương.

- Sắc lệnh số 39, về việc bổ nhiệm Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng.

Cũng trong ngày, Người căn dặn đồng chí Nguyễn Triệu phụ trách công tác bảo vệ tại Bắc Bộ phủ: Một là, tổ chức ngay một lực lượng gồm những anh em trung kiên vừa ở chiến khu về lập thành một tiểu đội, quần áo như dân thường. Khi nào Bác có việc, hoặc ra ngoại thành thì đi theo giúp đỡ. Hai là, cháu là người chỉ huy phải thuộc kỹ lưỡng đường đi lối lại, ngõ ngách ra vào để bố trí kế hoạch tác chiến và hành động lúc có sự cố và phải chủ động đề phòng mọi bất trắc từ bên ngoài cũng như từ trong Bắc Bộ phủ.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 199, ngày 27-3-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 212.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Nguyễn Triệu: Những ngày đầu ở Bắc Bộ phủ, in trong cuốn Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 36-37.

Tháng 3, ngày 29

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về vấn đề xin đăng ký thầu những công việc cho phép, vấn đề phản kháng quân Pháp chiếm đóng Sở Tài chính, vấn đề thuế, vấn đề bổ nhiệm nhân viên cao cấp Bộ Canh nông.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 40 về những quy định, luật lệ tạm thời cho phép bắt giam những công dân có hành vi phạm pháp để điều tra, nghiên cứu, truy tố và xét xử; quy định hình phạt và trách nhiệm các cơ quan địa phương. Sắc lệnh gồm 4 tiết với 24 điều.

- Sắc lệnh số 41 về những quy định tạm thời cho chế độ báo chí và xuất bản, gồm 3 mục với 14 điều.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ một số tài liệu thông qua ông S. L. Nótlingơ trong Đoàn cứu trợ nhân đạo Mỹ, nhân dịp kết thúc công việc ở Việt Nam trở về Mỹ.

- Thư của ông S. L. Nótlingơ gửi Hồ Chí Minh đề ngày 24-8-1968, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

_________________________________

1) Thành phần của Chính phủ kháng chiến gồm:

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh

2. Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần

3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Tường Tam

4. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng

5. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Chu Bá Phượng

6. Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến

7. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh

8. Bộ trưởng Bộ Xã hội,

kiêm Y tế, Cứu tế và Lao động Trương Đình Tri

9. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đặng Thai Mai

10. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hoè

11. Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Trần Đăng Khoa

12. Bộ trưởng Bộ Canh nông Bồ Xuân Luật

2) Bản kiến nghị đó được chuyển cho tướng R. Xalăng vào 21 giờ hôm đó.

3) Phía Pháp còn có các ông R. Xalăng và L. Pinhông.

4) Theo thoả ước Pháp – Tưởng, từ ngày 15 đến ngày 31-3-1946, 20 vạn quân Tưởng sẽ rút khỏi miền Bắc Đông Dương, thay vào đó là binh lính Pháp. Ngày 18-3 là ngày 200 xe nhà binh Pháp chở 1.200 binh lính Pháp từ Hải Phòng lên Hà Nội.

5) Đácgiăngliơ đề nghị gặp riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 24-3 tại tuần dương hạm Êmin Béctanh gần Hải Phòng với những nghi lễ trọng thể xứng đáng với cương vị Chủ tịch nước. Trong Công hàm, Đácgiăngliơ còn thông báo Chính phủ Pháp cũng mong muốn chính thức mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp để đặt quan hệ hữu nghị trên những cơ sở vững chắc giữa hai Chính phủ.

Đácgiăngliơ đề nghị J.Xanhtơny trao ngay Công hàm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng vì nhận thấy chưa có thời điểm thuận lợi nên J.Xanhtơny và Lơcléc để đến ngày 20 mới trao.

* Năm 1946 - Tháng 4

NĂM 1946

Tháng 4, ngày 1

8 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo và bàn về vấn đề đàm phán giữa hai bộ tham mưu Việt – Pháp; việc binh sĩ Việt Nam ở Thượng Hải yêu cầu về nước, việc phản đối Pháp và Mỹ đặt đường hàng không Niu Oóc – Hà Nội, Pari – Hà Nội mà không hỏi ý kiến Chính phủ ta.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 3

8 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về vấn đề Ngân hàng Đông Dương phát hành giấy bạc 100 đồng và đình chỉ việc đổi giấy bạc 500 đồng. Hội đồng quyết định nếu phát hành giấy bạc 500 đồng phải được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam. Hội đồng không tán thành việc ký khoản ước tạm thời về thư tín và hàng không giữa Trung Hoa và Việt Nam.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 42 quy định quyền bất khả xâm phạm đối với những người giữ chức Bộ trưởng hay Thứ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban hành chính, đại biểu Quốc hội, nếu không được phép của các cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Nhà nước. Trong trường hợp có đơn tố giác thì chuyển về cho các cơ quan có thẩm quyền cao nhất và sẽ đưa ra Toà Thượng thẩm nơi phát giác và Toà Thượng thẩm xử chung thẩm.

- Sắc lệnh số 43 về việc lập tại Hà Nội, Thuận Hoá, Sài Gòn, một “Hội đồng phân định thẩm quyền giữa Toà án Quân sự, Toà án đặc biệt và Toà án thường”.

- Sắc lệnh số 44 cử bà Đoàn Tâm Đan và các ông Nguyễn Quang Oánh, Trần Huy Liệu, Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hoè, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Nguyễn Huy Tưởng, Đỗ Đức Dục, Phạm Biểu Tâm vào Ban Trung ương vận động đời sống mới.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 4

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội đồng Chính phủ họp bất thường để thông báo việc Người gặp Đô đốc Đácgiăngliơ và sau hai lần sửa chữa, phía Pháp đã chịu thảo một thông báo gần đúng với ý của ta; việc đại diện Chính phủ Pháp J.Xanhtơny yêu cầu mở cuộc thương thuyết trù bị giữa Việt Nam và Pháp ở Đà Lạt.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 5

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo và bàn về việc thống nhất quân đội, đào tạo quân đội, tiếp tế quân nhu, việc ra Sắc lệnh cấm dùng giấy bạc của Ngân hàng Đông Dương phát hành sau ngày 6 tháng 3, việc tổ chức ngày Đại hội Thanh niên, v.v..

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 45, quy định các cuộc lạc quyên, xổ số lấy tiền hay lấy đồ vật đều cấm hẳn, trừ khi được Chính phủ Trung ương cho phép. Các quy định cụ thể được ghi trong các điều 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 trong Sắc lệnh này.

- Sắc lệnh số 46, về việc cấm lưu hành các loại giấy bạc phát hành sau ngày 6-3-1946, nếu không được Chính phủ thừa nhận. Các loại giấy bạc lưu hành trái phép sẽ bị tịch thu. Các loại giấy bạc bị cấm lưu hành sẽ được quy định trong nghị định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 47 về việc Bộ Ngoại giao ta tách ra làm Nội bộ và Ngoại bộ. Nội bộ gồm những cơ quan ở trụ sở của Bộ. Ngoại bộ gồm các sứ bộ và lãnh sứ bộ. Cách tổ chức và nhiệm vụ của các cơ quan Nội bộ được quy định trong các điều 2,3,4 của Sắc lệnh này. Chế độ Ngoại bộ sẽ do một Sắc lệnh riêng quy định.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 8

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe thư của ông J.Xanhtơny yêu cầu cho lập nhiều trụ sở để giải quyết các vấn đề liên quan tới Pháp; bàn việc thương thuyết với Pháp để bảo vệ tính mệnh, tài sản của người Việt Nam ở Lào và tình hình quân sự.

Cuối buổi họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc giấy mời của tỉnh Phú Thọ mời Chính phủ lên dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 9

8 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu các khu tự vệ thành Hà Nội. Người khen ngợi anh em tự vệ đã hăng hái tham gia nhiều công việc giúp đỡ nhân dân và Chính phủ, đồng thời nêu một số nhược điểm trong công tác của các đội tự vệ, nhắc nhở anh em cẩn thận trong việc dùng súng, kiên trì và không được chán nản, cần ôn hoà và có kỷ luật. Người nhấn mạnh câu: “Một sự nhịn là chín sự lành”, và nêu rõ ba nhiệm vụ của tự vệ lúc này là:

1. Củng cố và phát triển tổ chức.

2. Nghiên cứu chính trị để nhận rõ đường lối. "Hiểu rõ đường lối chính trị thì công tác đúng".

3. Quân sự hoá sinh hoạt đoàn thể tự vệ, nghĩa là hoạt động phải có quy củ.

14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đến Trường Thể dục ở đường Cột Cờ để viếng các binh sĩ và Trưởng quan Trung Quốc tử trận hay vì bệnh tật, tai nạn mà bỏ mình. Buổi lễ do tướng Lư Hán chủ trì. Vòng hoa của Người mang dòng chữ: “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Chính phủ kính hiếu”.

- Báo Cứu quốc, số 211, ngày 10-4-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 213.

Tháng 4, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thơ tặng các cháu nhi đồng toàn quốc:

“Bác mong các cháu cho ngoan,

Mai sau gìn giữ giang san Lạc – Hồng.

Sao cho nổi tiếng Tiên – Rồng,

Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 48, về việc thiết lập trong toàn cõi Việt Nam một Đảm phụ đặc biệt gọi là Đảm phụ Quốc phòng thu trong niên khoá 1946. Đảm phụ Quốc phòng thu của các công dân Việt Nam từ đúng 18 tuổi trở lên đến đúng 65 tuổi, bất phân nam nữ, trừ những trường hợp được miễn (như người nghèo khổ hoặc tàn tật không kế sinh nhai; các chiến sĩ tại ngũ trong quân đội Việt Nam; cha mẹ, vợ chồng các liệt sĩ hoặc tử sĩ, các thương binh).

- Báo Cứu quốc, số 239, ngày 14-5-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 214.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Điền chủ Nông gia Việt Nam, kêu gọi nên lập các Hợp tác xã nông nghiệp vì đó "là một tổ chức có lợi to cho nhà nông", "là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng", "giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân". Bức thư có đoạn:

“Việt Nam ta là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn.

Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã".

16 giờ, tại Việt Nam học xá, Người dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương.

- Báo Cứu quốc, số 229, ngày 1-5-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 215-216.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá thông tin Hà Nội, 1985, tr.12.

Tháng 4, ngày 13

20 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm lớp Bình dân học vụ tại khu 21 Trường Hoài Đức, phố Hàng Trống (Hà Nội). Người xem sách vở, ân cần hỏi thăm anh chị em giáo viên và học viên. Sau đó, Người gặp Trưởng khu 21, hỏi về tình hình Bình dân học vụ và khen ngợi giáo viên đã tận tâm dạy học không lương và nói: “Anh chị em giáo viên Bình dân học vụ là những người vô danh anh hùng, anh hùng không tên tuổi, không ai biết đến”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 50 về tổ chức các cơ quan Bộ và thuộc Bộ Giao thông công chính, được quy định cụ thể trong 23 điều của Sắc lệnh này.

- Báo Cứu quốc, số 217, ngày 17-4-1946.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 15

10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ để tiếp phái đoàn Quốc hội Việt Nam được cử sang Pari chào Quốc hội Pháp; nghe báo cáo về quân sự; về phái đoàn ta đi Trùng Khánh và vấn đề cho các hợp tác xã vay tiền để sản xuất nông nghiệp.

16 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Phái đoàn đi dự Hội nghị trù bị Việt - Pháp tại Đà Lạt22, dặn dò mọi việc trước khi Đoàn lên đường vào ngày 16-4-1946.

Người dặn phải chuẩn bị thận trọng về mọi mặt vì hội nghị này sẽ có ảnh hưởng lớn về sau.

Người nêu những nguyên tắc của Chính phủ đề ra:

1. Hết sức đoàn kết từ ý kiến đến hành động.

2. Hết sức cẩn thận.

3. Giữ bí mật.

4. Trước lúc tuyên ngôn gì với đại biểu Pháp, phải thảo luận trước.

5. Sau khi thảo luận với đại biểu Pháp một vấn đề gì, lúc về phải cùng nhau kiểm thảo lại để xem lẽ mình thắng hay bại ở chỗ nào.

6. Mỗi khi thảo luận nên chia làm ba nhóm: xung phong, hậu thuẫn và trù bị. "Phải có người đấm, người xoa".

7. Mình chỉ xướng ra những vấn đề quan trọng. Ngoài ra để đại biểu Pháp nêu vấn đề.

8. Khi gặp vấn đề gì hai bên chưa thoả thuận được với nhau thì để nó tách ra, chứ đừng nói để hỏi ý kiến Chính phủ, vì nếu làm như vậy thì sẽ thắt Chính phủ vào việc đàm phán này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: "Cần căn cứ vào Hiệp định sơ bộ để đi đến cộng tác thực thà với Pháp".

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Phạm Khắc Hoè: Những bài học tôi đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy bảo. Báo Đại đoàn kết, số Đặc biệt, tháng 5-1990.

- Hoàng Xuân Hãn: Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt, Tập san Sử Địa (Sài Gòn), tháng 10-1971.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Từ Đà Lạt đến Pari, Nxb. Hà Nội, 1996, tr. 46-47.

Tháng 4, ngày 16

5 giờ 30 sáng, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ông Huỳnh Thúc Kháng tiễn phái đoàn đi dự Hội nghị trù bị Đà Lạt. Sau đó, Người gặp phái đoàn Quốc hội Việt Nam do ông Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, chuẩn bị sang Pháp. Người căn dặn: “... phái đoàn có ba việc cần phải làm là đoàn kết, cẩn thận, làm cho người Pháp hiểu ta để gây tình hữu nghị giữa hai dân tộc”.

- Báo Sự thật, số 32, ngày 20-4-1946.

- Hoàng Xuân Hãn: Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt, Tập san Sử Địa (Sài Gòn), tháng 10-1971.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Từ Đà Lạt đến Pari, Nxb. Hà Nội, 1996, tr. 49.

Tháng 4, ngày 17

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về việc 600 quân Pháp từ Hải Phòng kéo lên Hà Nội đêm 15 tháng 4 mà không cho phía Việt Nam biết trước và việc lính Pháp gây rối ở Ga Hà Nội làm cho nhiều người bị thương. Sau đó Hội đồng bàn về vấn đề quản lý việc nấu rượu, vấn đề giấy bạc của Ngân hàng Đông Dương và vấn đề ngoại giao với Pháp.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 51-SL về thẩm quyền của các toà án Việt Nam đối với mọi người, bất cứ quốc tịch nào trên toàn cõi Việt Nam. Thẩm quyền của các toà án và sự phân công giữa các nhân viên của toà án được ấn định trong 3 chương, 43 điều trong Sắc lệnh này.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 19

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về Dự án Ngân sách lương thực của quân đội, vấn đề lập Nha Dân tộc thiểu số và vấn đề tài chính.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Plâycu23. Thư có đoạn:

“Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xêđăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 217-218.

Tháng 4, ngày 22

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ thông báo một số tin thu thập được qua các báo, trong đó báo Trung Hoa nói về việc nghiên cứu một Hiệp định Thương mại Hoa - Việt - Pháp, báo của ta đính chính lại là Hiệp định Thương mại Hoa - Việt và đề nghị Bộ Kinh tế sẽ chuẩn bị việc này, Bộ Canh nông sẽ lập ngay Nha Kiều vụ. Hội đồng còn nghe báo cáo về việc xung đột giữa quân đội Trung Hoa và quân đội Pháp chiều ngày 21 tháng 4, công việc của Phái bộ Đà Lạt đã làm và bàn về dự án Sắc lệnh tổ chức Quân sự Uỷ viên hội.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 52 quy định về việc những công dân Việt Nam muốn thành lập các hội hoặc đoàn thể mà mục đích không phải để chia lợi tức, không làm đồi bại phong tục, hại đến trật tự chung, hoặc đến sự an toàn của quốc gia. Sắc lệnh quy định thể thức xin lập hội (hoặc đoàn thể) trong 15 điều.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 24

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe thông báo về tin phía Pháp bắt ông Phạm Ngọc Thạch trong phái đoàn ta ở Hội nghị trù bị Đà Lạt, việc quân đội Pháp định đóng ở Điện Biên Phủ, việc quân đội Trung Hoa thoả thuận tỷ giá giữa tiền Quan Kim và tiền Đông Dương và thông qua danh sách các thẩm phán do Bộ Tư pháp đề cử.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 53-QP, về việc bổ nhiệm người giữ chức Chính trị Cục trưởng thay ông Hoàng Đạo Thuý đi giữ công vụ khác.

- Sắc lệnh số 54, về việc cho phép in các tem bưu điện có chân dung Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu, ngoài chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, có hai chữ Dân sinh và số phụ thu 3 đồng. Số phụ thu này sẽ nộp vào Quỹ “Cứu tế quốc gia”.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, trước ngày 25

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phóng viên Hãng Thông tấn Pháp AFP. Người kêu gọi người Pháp phải thi hành đúng Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3 và tuyên bố: “Nước Việt Nam, một quốc gia không thể nhận những quyết nghị của một Chính phủ chỉ huy như chế độ toàn quyền Đông Dương cũ”.

- Báo Cứu quốc, số 224, ngày 25-4-1946.

Tháng 4, ngày 25

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm thị xã Sơn Tây.

Cùng ngày, Người tiếp tướng Gioăng tới thăm.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá thông tin Hà Nội, 1985, tr.13.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 26

8 giờ 30, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo cho Hội đồng biết tướng Gioăng đi công cán ở Trung Hoa, ngày 25 tới Hà Nội, có đến thăm Người và Chính phủ Việt Nam. Sau đó, Hội đồng nghe báo cáo về tình hình phái đoàn ta ở Đà Lạt, tình hình nhân sự của Bộ Giáo dục, tình hình kinh tế, xã hội, ngoại giao, về tổ chức văn phòng các bộ.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 27

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp hai phái viên Hãng Vô tuyến điện Pari đến xin thu thanh ý kiến của Người và ba bài hát: Tiến quân ca, Diệt phát xít, Hồ Chí Minh muôn năm để gửi về Pháp. Người nói: “Tôi gửi lời chào thân ái dân tộc Pháp. Mặc dầu có những trở lực hiện thời, tôi tin rằng sự hợp tác dân tộc Pháp và Việt sẽ đi đến kết quả vì hai dân tộc cùng theo đuổi lý tưởng chung: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”.

- Báo Cứu quốc, số 227, ngày 29-4-1946.

Tháng 4, ngày 28

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ông Huỳnh Thúc Kháng, ông Lê Văn Hiến và một số vị khác về Thái Bình sự Lễ khánh thành đê Mỹ Lộc và Hưng Nhân.

- Báo Cứu quốc, số 228, ngày 30-4-1946.

Tháng 4, ngày 29

8 giờ 30, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo việc Hội giúp binh sĩ bị nạn ở Huế mời Người ra làm Hội trưởng danh dự và các Bộ trưởng làm Hội viên danh dự của Hội. Hội đồng tán thành. Người đề nghị Chính phủ thông tư cho các địa phương nên tỏ lòng biết ơn đối với các chiến sĩ. Sau đó, Hội đồng bàn vấn đề tha chính trị phạm, vấn đề gặt chiêm và chống phá rừng và đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi công nhân Việt Nam nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56, về việc bãi bỏ Đạo dụ số 69 ngày 31-10-1941 và quy định công nhân các công sở, tư sở, xí nghiệp trong toàn quốc đều được nghỉ việc ngày Quốc tế Lao động 1-5 và được hưởng lương như ngày làm việc. Những quy định cụ thể về cách trả lương những trường hợp không thể ngừng nghỉ ngày đó được ghi rõ trong các điều 3,4,5 của Sắc lệnh này.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, đầu tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm thị xã Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), thị xã Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang).

- Hồ Chí Minh với Hà Bắc, Ty Văn hoá Hà Bắc xuất bản, 1972, tr.18.

Tháng 5, đầu tháng

Hàng ngày, từ 6 giờ đến 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi đọc báo tại một phòng làm việc trong Bắc Bộ phủ để các hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Thị Kim vẽ ảnh chân dung và nặn tượng Người. Trong lúc làm việc, các nghệ sĩ đã trao đổi với Người về nghề nghiệp.

- Nguyễn Thị Kim kể, Lê Hoàng ghi: Người nặn tượng, in trong cuốn Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội, 1985, tr.61-65.

* Năm 1946 - Tháng 5

NĂM 1946

Tháng 5, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân ngày Quốc tế Lao động 1-524. Lời kêu gọi có đoạn:

“Ở nước ta lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em lao động ta, được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa.

Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo một số việc về y tế, nội vụ, tài chính và bàn tiếp về dự án Sắc lệnh tổ chức Quân uỷ hội.

- Báo Cứu quốc, số 229, ngày 1-5-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 219.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56B tạm hoãn thời hạn những việc đăng ký quyền cầm cố ở các phòng trước bạ và điền thổ trên toàn cõi Việt Nam, kể từ ngày 23-9-1945 đến ngày 31-12-1946.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, ngày 3

Bài viết Hồng quân với Liên Xô (ký bút danh Q.Th) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu quốc, số 230, giới thiệu về những chiến công oanh liệt của Hồng quân Liên Xô. Theo tác giả, sở dĩ Hồng quân Liên Xô thu được những chiến công như vậy, ngoài tinh thần chiến đấu dũng cảm còn do những nguyên nhân:

1. Hồng quân Liên Xô "biết phép chiến đấu".

2. Hồng quân Liên Xô "đã được hưởng thụ một nền văn hoá và giáo dục tốt đẹp".

3. Quân dân nhất trí.

4. Quân đội Liên Xô có những vị chỉ huy tối cao sáng suốt và đủ tài đức.

Bài báo kết luận: "Chúng ta đương tổ chức quân đội quốc gia, chúng ta phải rút kinh nghiệm quý báu trong lịch sử kiến thiết quân đội của Liên Xô".

8 giờ 30, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo về tình hình Phái đoàn Việt Nam ở Đà Lạt hàng ngày sẽ khai hội hồi 11 giờ, các điện của Đà Lạt sẽ tuỳ từng vấn đề để gửi cho các bộ. Hội đồng bàn về đường sắt, về quân sự và tài chính, chế độ công chức... và trình Chủ tịch dự thảo Sắc lệnh tổ chức các bộ.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 57, quy định mỗi bộ của Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng và Thứ trưởng có một văn phòng, các Nha có thể có một cơ quan thanh tra và một Ban Cố vấn. Những quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan trong bộ và nhân viên được ghi rõ trong 14 điều của Sắc lệnh này.

- Sắc lệnh số 58, quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ của các cơ quan thuộc Bộ Nội vụ.

- Sắc lệnh số 59, cử các vị Huỳnh Thúc Kháng (đại biểu Chính phủ), Bùi Bằng Đoàn (thanh tra hành chính), Vũ Trọng Khánh (thẩm phán) vào Hội đồng Phúc thẩm đặt tại Bộ Nội vụ (theo điều 10, Sắc lệnh số 40, ngày 29-3-1946 về việc bảo vệ tự do cá nhân).

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 221-223.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Anh chị em giáo viên Bình dân học vụ. Thư Người viết: "Anh chị em là đội tiên phong trong sự nghiệp chống nạn mù chữ. Anh chị em chịu cực khổ khó nhọc, hy sinh phấn đấu, để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hoá sơ bộ cho dân tộc.

Anh chị em làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh chị em là những người “vô danh anh hùng”. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em”.

Người mong rằng, lòng hăng hái và sự nỗ lực của các giáo viên bình dân học vụ sẽ sớm mang lại kết quả vẻ vang: đồng bào ai cũng biết đọc, biết viết. “Cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng”.

- Báo Cứu quốc, số 231, ngày 4-5-1946.

- Bút tích bức thư, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 220.

Tháng 5, ngày 6

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về Phái đoàn Việt Nam ở Đà Lạt đã đạt được thoả thuận: hai Chính phủ cử ra một ban để nghiên cứu nhằm xây dựng một không khí tốt đẹp, xoá bỏ sự thù địch. Sau đó, Hội đồng Chính phủ nghe thông báo tình hình quân sự giữa Việt Nam và Pháp, một số công việc thuộc nội vụ như báo chí, quảng cáo và thảo luận một số việc về kinh tế như đổi giấy bạc, khai thác mỏ...

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 60, về việc Uỷ ban kháng chiến toàn quốc được Quốc hội công nhận ngày 2-3-1946 nay đổi thành Quân sự uỷ viên Hội. Những quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, chức năng của Quân sự uỷ viên Hội được ghi rõ trong các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 của Sắc lệnh này.

- Sắc lệnh số 61, về tổ chức của Bộ Quốc dân kinh tế gồm: một văn phòng, các phòng sự vụ, một Ban Thanh tra, một Ban Cố vấn kinh tế và năm Nha chuyên môn.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, ngày 8

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe thông báo và bàn về vấn đề tài chính, trong đó có việc Lư Hán đã gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh hai quyển sổ quyên góp cho Trung Hoa. Người đã quyên 50.000đ quốc tệ và mỗi Bộ trưởng quyên 10.000đ quốc tệ. Hội đồng cũng nghe báo cáo về Phái đoàn Việt Nam ở Đà Lạt và việc Hội nghị Đà Lạt sẽ bế mạc ngày 11 tháng 5, về tình hình người Trung Hoa nhập cảng hàng hoá, về tình hình hộ đê...

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 62 và 63 ấn định tổ chức của Bộ Canh nông gồm: một văn phòng, các phòng sự vụ và bốn nha chuyên môn và cử một số cán bộ thuộc bộ này.

- Sắc lệnh số 64, quy định nhiệm vụ của Nha Lao động Trung ương được thành lập trong Bộ Xã hội (theo Sắc lệnh số 36, ngày 27-3-1946).

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, ngày 9

9 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp gần 50 đại biểu thuộc đủ các lứa tuổi, các giới của các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang, Hà Giang. Các đại biểu đã biếu Người khoai, ngô, mật ong, vải... của địa phương. Người nâng cốc chúc các đại biểu mạnh khoẻ, sống lâu, hô hào con cháu đoàn kết giúp Chính phủ và động viên chị em phụ nữ, hỏi thăm tình hình xoá nạn mù chữ, khuyên đồng bào nên gắng sức học tập cho biết chữ và đoàn kết chặt chẽ. Người nhắc các đại biểu lần sau không nên mang cho nhiều quà, vừa tốn công vừa tốn của.

Người tự tay tặng mỗi đại biểu một tấm huy hiệu có in hình của Người và chụp ảnh kỷ niệm với các đại biểu.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Đội tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu gói chè của đồng bào Hà Giang mới biếu Người.

- Báo Cứu quốc, số 236, ngày 10-5-1946.

Tháng 5, trước ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Liên đoàn Công giáo và Nhà Dục anh 1) Công giáo tỉnh Thái Bình. Sau khi cảm ơn đồng bào Thái Bình đã tặng nhiều nông sản địa phương nhân dịp Người thăm Thái Bình ngày 28 tháng 4, Người viết:

“Trong các vật kỷ niệm, cái khung ảnh bằng lụa do Nhà Dục anh Công giáo thêu, và Liên đoàn Công giáo biếu tôi, làm cho tôi đặc biệt cảm động... Tôi cảm ơn và xin chúc toàn thể đồng bào Công giáo luôn luôn mạnh khoẻ, để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Chúa Trời”.

- Báo Cứu quốc, số 236, ngày 10-5-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 224-225.

Tháng 5, ngày 10

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo và bàn về các vấn đề tổ chức các bộ, việc tiếp tế gạo, một số vụ Việt Nam Quốc dân Đảng từ Đồng Mỏ (Lạng Sơn) kéo xuống uy hiếp Bắc Giang.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 65, tạm thời hoãn thu thuế trực thu cho các tỉnh từ Khánh Hoà vào Nam cho đến khi có lệnh mới.

- Sắc lệnh số 66, cử một số cán bộ cho Bộ Ngoại giao.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, ngày 13

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo tình hình quân đội Pháp khủng bố ở miền Nam Trung Bộ, và lời yêu cầu của chủ Hãng Xi măng ở Huế và Hãng Sifa ở Vinh muốn Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho họ sản xuất. Người nhắc Bộ Canh nông chú ý vấn đề nhân lực để kịp gặt lúa ở nông thôn.

10 giờ, Người cùng Hội đồng Chính phủ tiếp Phái đoàn Việt Nam đi dự hội nghị trù bị Việt - Pháp ở Đà Lạt về.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Hoan nghênh phái bộ Hội nghị trù bị. Tuy kết quả chưa đủ, nhưng phái bộ đã làm cho nước Pháp và ngoại quốc biết rõ rằng người nước ta biết tranh đấu, biết công tác và biết đoàn kết...."

Sau khi nghe phái đoàn báo cáo quá trình đàm phán, Người nói: "Phải tiếp tục tranh đấu tại Hội nghị Pari!".

Buổi tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị bộ trưởng mời cơm phái đoàn.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 67, cử một số cán bộ cho Bộ Quốc dân kinh tế.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hoàng Xuân Hãn: Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt, Tập san Sử Địa (Sài Gòn), tháng 10-1971.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, ngày 14

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe phái đoàn đi dự Hội nghị Đà Lạt thông báo cuộc đàm phán với Pháp về các vấn đề:

- Ngoại giao của nước Việt Nam;

- Liên bang Đông Dương;

- Liên hiệp Pháp quốc;

- Trưng cầu ý kiến dân chúng.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện đến Đô đốc Đácgiăngliơ đề nghị chuyển lời cảm ơn của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam tới Chính phủ Pháp đã đón tiếp niềm nở Phái đoàn Quốc hội Việt Nam và "ao ước rằng những cuộc thương thuyết sau này tại Pari cũng sẽ thân mật như thế để mưu sự thịnh vượng chung cho cả hai dân tộc".

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 68, bổ sung một số điểm vào các điều 43, 45 trong Sắc lệnh số 77, ngày 21-12-1945, về việc đặt Uỷ ban hành chính khu phố; cách tiến hành bầu cử, ứng cử và tổ chức Uỷ ban hành chính khu phố được nêu rõ trong điều 2, 3 của Sắc lệnh này.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 239, ngày 14-5-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 226.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, ngày 15

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ, tiếp tục nghe phái đoàn đi dự Hội nghị Đà Lạt thông báo công việc của Tiểu ban Kinh tế và Tiểu ban Văn hoá trong cuộc đàm phán với Pháp.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Khoảng giữa tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đoàn cán bộ miền Nam ra Bắc đang ở tại nhà ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Người hỏi thăm sức khoẻ của đoàn và tình hình Nam Bộ. Khi biết chiến trường Nam Bộ rất cần súng, Người nói: “Thế nào Trung ương và Chính phủ cũng có súng gửi về Nam. Nhưng nước ta còn nghèo, các cô các chú về, phải đánh Pháp cho giỏi, cướp lấy súng của nó dùng thì cái vốn đó mới nhiều”.

Người hỏi chuyện từng người và căn dặn đồng chí Nguyễn Thị Định 2) “Cô ở ngoài này học tập một thời gian rồi lại về tiếp tục kháng chiến với bà con. Người cách mạng phải học suốt đời, học lý luận, học quần chúng, học thực tế. Người không học thì như đi ban đêm không có đèn, không có gậy, dễ vấp té, có phải thế không?”.

- Nguyễn Thị Định: Không còn đường nào khác, Nxb. Văn học giải phóng, 1976, tr.46.

Tháng 5, ngày 16

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ tiếp tục nghe phái đoàn đi dự Hội nghị Đà Lạt thông báo công việc của Tiểu ban Quân sự.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 69 ấn định mức thuế điền thổ ở Bắc Bộ và thuế đồn điền như: ruộng, đất hạng nhất, 1 mẫu ta (3.600m2), nộp 12 đồng một năm; ruộng hạng 3, 1 mẫu ta, nộp 8 đồng một năm; đất hạng 5, một mẫu ta, nộp 0,10 đồng một năm; ruộng, đất đồn điền hạng nhất, 1 mẫu tây (10.000m2), nộp 20 đồng một năm.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, ngày 17

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn việc tổ chức Nha tiếp tế (thuộc Bộ Kinh tế), việc chuyên chở muối, vấn đề giấy bạc 500 đồng và tình hình quân sự ở một số địa phương.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Binh pháp Tôn Tử, ký bút danh Q.Th., đăng trên báo Cứu quốc, số 242. Người phân tích “nguyên lý thứ nhất” trong 10 nguyên lý cơ bản của Binh pháp Tôn Tử là: “Phải biết xét đoán trước”, tức là trước trận đánh, người cầm quân phải biết mình, biết người, biết thiên thời địa lợi. Có như vậy mới nắm chắc được phần thắng trong lúc chiến tranh.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 242, ngày 17-5-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 227-229.

Tháng 5, ngày 18

18 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Chính phủ Pháp do Đô đốc Đácgiăngliơ dẫn đầu 3) đến chào. Trong buổi tiếp, khi nâng cốc chào mừng ông Cao uỷ, Người nói: “Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới lấy làm sung sướng được tiếp đón các vị đại diện của nước Pháp mới. Sau cuộc hội thương tại vịnh Hạ Long, Hội nghị trù bị tại Đà Lạt và cuộc giao hảo của phái bộ Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Pháp tại Pari, hôm nay, với việc ngài đến thăm Hà Nội, cuộc bang giao Pháp - Việt chắc chắn sẽ có bước phát triển mới".

19 giờ 45, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đáp lễ tại nơi ở của tướng Valuy, nơi nghỉ của Đô đốc Đácgiăngliơ.

- Báo Cứu quốc, số 244, ngày 20-5-1946.

- Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1976.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Từ Đà Lạt đến Paris, Nxb. Hà Nội, 1996, tr. 34.

Tháng 5, ngày 19

Sáng, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần lượt tiếp các vị trong Thường vụ và trong Chính phủ, các đoàn đại biểu tới chúc thọ Người.

Nhớ lại kỷ niệm ngày sinh nhật của Người năm 1946, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể:

"Tiếng trống ếch rộn ràng trước cửa Bắc Bộ phủ. Các cháu đã tới. Bác Hồ ra đón các cháu vào. Hơn một chục em bé gái, trai thay mặt cho toàn thể thiếu nhi nội ngoại thành đến chúc thọ Bác. Trong các em, có em hằng ngày vẫn phải đi bán báo, có em là trẻ mồ côi ở Trường trẻ mồ côi Hàng Bột. Các em đua nhau gắn huy hiệu Măng mọc thẳng lên áo Bác, tặng Bác những chữ "i", "t" tượng trưng cho phong trào Bình dân học vụ, những tập sách nhỏ in Điều lệ và bài hát của Hội Nhi đồng cứu quốc.

Quà của Bác Hồ cho các cháu bé năm đó là một cây bách tán. Bác trỏ cái cây nhỏ lá rất xanh, trồng trong chậu, nói:

- Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau cái cây này sẽ mọc một trăm cái tán. Các cháu về chăm cho cây lớn, cây tốt thế là các cháu yêu Bác lắm đấy!

Các em vui mừng hát một bài cảm ơn Bác. Khi các em vừa khênh chậu cây bách tán đi ra thì một đoàn hơn năm chục anh, chị bước vào phòng... Đây là những người thay mặt cho miền Nam đang chiến đấu tới chúc thọ Bác.

Sau khi nghe lời chúc mừng của các anh, các chị, Bác nói:

- Tôi xin cảm ơn các anh, các chị Nam Bộ đã đến chúc thọ tôi. Thật ra, các báo ở đây đã làm to cái ngày sinh của tôi, chứ tuổi năm mươi sáu chưa có gì đáng được chúc thọ, cũng hãy còn như là thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật lấy làm xấu hổ vì trong Nam chưa được thái bình.

Hai giọt lệ chảy trên gò má Bác...

Lát sau, Ban vận động Trung ương Đời sống mới vừa được thành lập tháng trước... đến chúc thọ Bác. Nhân được gặp Bác, các đại biểu đề nghị Bác nêu ra cho cuộc vận động một khẩu hiệu. Bác nói:

- Các chú muốn có một khẩu hiệu ư? "Cần kiệm liêm chính", "Chí công vô tư". Khẩu hiệu đó!

Một đại biểu thưa với Bác khẩu hiệu này đã quá quen thuộc, xin Bác một khẩu hiệu mới cho hợp với cuộc vận động Đời sống mới.

Bác cười rồi nói:

- Hàng ngày ta phải ăn cơm, uống nước, phải thở khí trời mà sống. Những việc đó, ngày xưa ông cha ta phải làm, bây giờ chúng ta phải làm, con cháu ta sau này cũng phải làm. Vậy ăn cơm, uống nước và thở khí trời để đem lại cuộc sống cho con người thì đó là những việc không khi nào trở thành cũ cả. "Cần kiệm liêm chính", "Chí công vô tư" đối với Đời sống mới cũng như vậy".

Cũng trong buổi sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phóng viên Hãng Thông tấn Pháp AFP tại Hà Nội. Về tình hình Hội nghị trù bị Đà Lạt, Người nói:

“Một cách trung thực, thành thực, và đôi khi tàn bạo, đại biểu của hai nước đã nói rõ lập trường của mình, đó là một phương pháp hay, vì như vậy, bây giờ chúng ta hiểu nhau hơn trước. Về một vài điểm, hai bên đã thoả thuận. Vẫn còn có những sự bất đồng ý kiến. Nhưng cuộc Hội nghị này chỉ là một cuộc Hội nghị trù bị. Nhiệm vụ của cuộc Hội nghị Ba Lê 4) là chuẩn y sự thoả hiệp thực hiện ở Đà Lạt và dung hoà các quan điểm xung đột nhau. Các cuộc xung đột ý kiến không đến nỗi không giải quyết được. Hai dân tộc phải thoả thuận với nhau để thực hiện một cuộc hợp tác thân thiện. Chúng ta đã đặt một nền tảng chắc chắn cho các cuộc đàm phán sau này".

- Báo Cứu quốc, số 244 và 245, ngày 20 và 21-5-1946.

- Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1976.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Từ Đà Lạt đến Paris, Nxb. Hà Nội, 1996, tr. 35-37.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 233.

Tháng 5, ngày 20

8 giờ 30, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo trước Hội đồng: trong mấy ngày qua, Người gặp và nói chuyện với Đô đốc Đácgiăngliơ, nhưng phần nhiều chỉ nói về chính trị chung chung và chỉ quyết định được một việc là phái đoàn của ta sẽ lên đường ngày 31 tháng 5 đi Pari dự cuộc đàm phán chính thức. Tiếp đó, Hội đồng bàn vấn đề thưởng, phạt trong việc hộ đê; nghe báo cáo về tình hình gia đình ông Vĩnh Thuỵ và quyết định cần có mọi biện pháp đảm bảo an toàn và thực hiện các ý muốn của Cố vấn.

Trong ngày, sau khi đọc xong cuốn Phương pháp và cách thức dạy học vỡ lòng chữ quốc ngữ, do Nha Bình dân học vụ xuất bản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết vào trang đầu cuốn sách:

“Anh chị em giáo viên bình dân học vụ cố gắng đọc kỹ sách này, rồi tận tâm dạy bảo đồng bào thất học, làm cho nạn mù chữ chóng hết.

Thế là làm tròn một nhiệm vụ thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc.

Ngày 20 tháng 5 năm 1946

Hồ Chí Minh”.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 234.

Tháng 5, ngày 22

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ thảo luận các vấn đề: dự án Sắc lệnh tổ chức các cơ quan y tế; giải quyết xung đột giữa các đảng phái ở các tỉnh; kiểm soát xuất nhập cảng; việc Trung Hoa xin xuất 2000 tấn gạo; vấn đề Pháp định mở nhà Thông tin ở Hà Nội. Hội đồng Chính phủ quyết định lập một Uỷ ban nghiên cứu đặc biệt các vấn đề sẽ đàm phán ở Pari, gồm sáu người: Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ông Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Tường Tam, Phan Anh, Võ Nguyên Giáp, Vũ Hồng Khanh.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 70 về việc lập tại Bắc Bộ một Uỷ ban hộ đê Trung ương có nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch chống nạn lụt và kiểm soát việc bảo vệ đê điều. Uỷ ban sẽ do Chủ tịch Uỷ ban hành chính Bắc Bộ hoặc người đại diện chủ toạ và gồm những nhà chuyên môn hoặc đủ kinh nghiệm do Chủ tịch Uỷ ban hành chính Bắc Bộ cử ra. Sắc lệnh còn ấn định những thể lệ đặc biệt để thưởng người có công và phạt người phạm tội được ghi rõ trong các điều 2, 3, 4, 5.

- Sắc lệnh số 71 ghi rõ Quân đội của nước Việt Nam là một Quân đội quốc gia. Quân đội quốc gia về ngành Lục quân chỉnh đốn theo bản quy tắc kèm theo Sắc lệnh này gồm 2 tiết, 6 chương với 62 điều.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cám ơn Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức tôn giáo, các cơ quan đoàn thể và đồng bào cả nước cùng bè bạn nước ngoài đã chúc mừng nhân ngày sinh của Người. Bức thư có đoạn:

“Nhân dịp này, tôi xin hứa với đồng bào rằng từ đây về sau, cũng như từ đây về trước, tôi sẽ ra sức phấn đấu để giữ quyền tự chủ của nước nhà, quyền tự do của dân tộc, quyền dân chủ của đồng bào.

Tôi xin hứa với bạn hữu các nước rằng tôi sẽ dùng tinh thần lực lượng nhỏ mọn của tôi để giúp vào xây đắp mối tình thân thiện giữa các dân tộc”.

- Báo Cứu quốc, số 249, ngày 25-5-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 238.

Tháng 5, ngày 24

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo về công việc của Đoàn Quốc hội ở Pháp, việc dàn xếp tình hình ở Bắc Giang và Vĩnh Yên, việc bộ đội của Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội đã hợp nhất với bộ đội Chính phủ, việc Việt kiều ở Thượng Hải về nước.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu về Binh pháp Tôn tử, dưới nhan đề Muốn biết người phải thế nào? (ký bút danh Q.Th.), đăng trên báo Cứu quốc, số 248. Bài báo phân tích tầm quan trọng của việc dùng gián điệp trong chiến tranh.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 72 về việc bãi bỏ Sắc lệnh số 57 ký ngày 10-11-1945 (về việc cấm sản xuất, tàng trữ, đài tải, tiêu thụ và mua bán rượu ta).

- Sắc lệnh số 73 cử cán bộ cho Bộ Canh nông.

- Sắc lệnh số 74 cử cán bộ cho Bộ Giao thông công chính.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 248, ngày 24-5-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 235-237.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, ngày 26

6 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh, Chủ tịch Quân uỷ hội Võ Nguyên Giáp và nhiều cán bộ quân sự cấp cao rời Hà Nội đi dự Lễ khai giảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tại Sơn Tây. Tại buổi lễ, sau lời chúc mừng của Bộ trưởng Phan Anh và Giám đốc nhà trường Hoàng Đạo Thúy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với anh em học viên. Người nói: Anh em có nhiều giai cấp, tư tưởng khác nhau, trước hết phải đoàn kết, đoàn kết thực thà. Phải có kỷ luật về cả tinh thần lẫn vật chất. Phải noi gương anh dũng của anh em binh sĩ hồi khởi nghĩa để làm gương cho các lớp về sau. Các anh em cần làm được như lời Tôn Trung Sơn đã nói: “Những người thanh niên tốt muốn làm việc to chứ không muốn làm quan lớn”.

Sau khi trao tặng nhà trường lá cờ “Trung với nước, hiếu với dân”, Người căn dặn: “Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, là mục đích của anh em, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta”.

Trước khi về Hà Nội, Người thăm hỏi các đại biểu Phụ lão cứu quốc Sơn Tây, nhận quà biếu của các cụ và Cô nhi viện. Tại Uỷ ban hành chính Sơn Tây, Người nói chuyện với thanh niên và đồng bào.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Đại hội thanh niên Hà Nội.

- Báo Cứu quốc, số 250, ngày 27-5-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 239.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá thông tin Hà Nội, 1985, tr.13.

Tháng 5, ngày 27

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Hội đồng quyết định Cụ Huỳnh Thúc Kháng tạm thay Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người đi vắng và bàn vấn đề kiều bào ở Thượng Hải về nước, kiều bào ở Lào, vấn đề giảm thuế cho những tỉnh khó khăn và thu thuế hàng hoá của Pháp.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, ngày 29

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ, quyết nghị Chính phủ ký những Sắc lệnh về việc cử phái đoàn Việt Nam đi Pháp; cử người phụ trách Bộ Quốc phòng trong lúc ông Phan Anh và ông Tạ Quang Bửu vắng mặt; thiết quân luật và giới nghiêm; tuyên dương các binh sĩ có công; tổ chức Bộ Tài chính;... Hội đồng còn nghe báo cáo về tình hình mâu thuẫn giữa các đảng phái ở địa phương.

Cũng tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu về cấp bậc mới của ông Vũ Đình Huỳnh - thành viên của Đoàn Việt Nam sắp đi Pháp. Người nói: "Anh Vũ Đình Huỳnh, Thư ký riêng của tôi, aide camp particulier (nguyên văn tiếng Pháp của Bác). Trước đây ta phong cho Huỳnh chức đại uý, đi đường gặp quan tư của Pháp phải chào, nay tôi nhân danh Chính phủ phong cho anh Huỳnh chức đại tá, colonel, như thế anh Huỳnh chỉ phải chào có một Xalăng thôi".

Cùng ngày, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam25 (gọi tắt là Hội Liên Việt) tiến hành đại hội thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đại hội bầu làm Hội trưởng danh dự.

Cũng cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tướng R. Xalăng đến Trường Trung học Anbe Xarô là nơi trú quân của Sư đoàn thiết giáp số 2 của Pháp tại Hà Nội. Đứng trước các sĩ quan chỉ huy và binh lính tập trung tại sân trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

"Tôi đi Pháp, tới đất nước tươi đẹp, Tổ quốc của các bạn. Tôi sẽ nói với các bà mẹ, các chị, các em và những người yêu của các bạn rằng các bạn đều khoẻ mạnh, đều là những người lính xứng đáng với danh dự của nước Pháp".

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 75 quy định tổ chức Bộ Tài chính gồm: Văn phòng Bộ, các phòng sự vụ, các nha chuyên môn, các cơ quan phụ thuộc, Nha Thanh tra tài chính và Ban Cố vấn chuyên môn. Cách tổ chức cụ thể của văn phòng các ban... được ghi rõ trong các điều 2, 3, 4, 5, 6, 7 của Sắc lệnh.

- Sắc lệnh số 76 sửa đổi điều 2 Sắc lệnh số 77 ngày 21-12-1945 về cách tổ chức chính quyền nhân dân ở thị xã, thành phố.

- Sắc lệnh số 77 ấn định quyền hạn của Chủ tịch Chính phủ Dân chủ Cộng hoà được phép ban hành lệnh thiết quân luật khi tình thế nghiêm trọng. Quy định cụ thể được ấn định trong các điều 2, 3, 4, 5 của Sắc lệnh.

- Sắc lệnh số 78 ấn định biểu thuế điền thổ từ ngày 1-1-1946, cho toàn hạt Trung Bộ cả người Việt Nam và người nước ngoài.

- Sắc lệnh số 79 về việc trong năm 1946 giảm 15% thuế biểu thuế điền thổ ấn định trong Sắc lệnh số 78 ngày 29-5-1946, cho nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

- Sắc lệnh số 80 bổ nhiệm Chánh văn phòng Bộ Canh nông.

- Sắc lệnh số 81 ấn định danh sách đoàn Việt Nam

đi Pari.

- Sắc lệnh số 82 về việc uỷ nhiệm các ông: Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay Chủ tịch Chính phủ đi vắng, ký những công văn thường hàng ngày và chủ toạ họp Hội đồng Chính phủ; Cù Huy Cận thay ông Hoàng Minh Giám, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đi vắng; trong khi Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đi vắng, các ông Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Quân sự Uỷ viên Hội và Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Quân sự Uỷ viên Hội, tạm thay.

- Sắc lệnh số 82B về việc bổ nhiệm Cục trưởng Giao thông công chính.

- Sắc lệnh số 83 về việc bổ nhiệm một số cán bộ Bộ Nội vụ.

- Sắc lệnh số 84 quy định bắt đầu từ 1-1-1948, tại tất cả các thành phố, các tỉnh lỵ kể cả ngoại ô trong toàn cõi Việt Nam, cấm sử dụng các xe kéo (xe tay) bất cứ của tư nhân hay cho thuê.

Ngoài các thành phố, tỉnh lỵ, lệnh trên đây sẽ thi hành kể từ ngày 1-1-1949.

- Sắc lệnh số 84B về việc tuyên dương công trạng, hoặc có thể thưởng “Huy chương Quân công” cho các chiến sĩ và những người ngoài quân đội bị tử thương, tử trận hoặc lập được chiến công anh dũng trong khi chiến đấu giành độc lập cho nước Việt Nam.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hoàng Quốc Việt: Con đường theo Bác, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1990, tr. 208.

- Lê Kim: Bác Hồ tiếp xúc với tình báo phương Tây, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 101.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Vũ Đình Huỳnh: Tháng Tám cờ bay, in trong Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 130.

Tháng 5, ngày 30

7 giờ 30, trời mưa to, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự cuộc mít tinh của đồng bào tổ chức tại Việt Nam học xá để tiễn Người sang Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Tại cuộc mít tinh, Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích là làm cho ích quốc lợi dân. Vậy nên lần này, tôi xin hứa với đồng bào rằng: Tôi cùng anh em đại biểu sẽ gắng làm cho khỏi phụ lòng tin cậy của quốc dân". Người căn dặn đồng bào ra sức giúp cho cuộc đàm phán có kết quả bằng cách:

“1- Đoàn kết chặt chẽ, tránh mọi sự chia rẽ;

2- Ra sức cần kiệm, cho khỏi nạn đói khó;

3- Ra sức gìn giữ trật tự, tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ;

4- Đối với các kiều dân hữu bang, phải tử tế ôn hoà”.

Với ngoại kiều ở Việt Nam, Người khuyên nên “tương kính thương thân, thành thật hợp tác, êm ấm thuận hoà, thực hiện chữ “Tứ hải giai huynh đệ” 5).

11 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các phóng viên ở Hà Nội. Người căn dặn các nhà báo phải làm tròn nhiệm vụ tranh đấu cho nước nhà, hướng dẫn dư luận đồng bào và giữ thái độ của các cơ quan ngôn luận là ôn hoà, đúng đắn.

12 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn vấn đề cử người thay ông Nguyễn Tường Tam, Trưởng Phái đoàn Việt Nam đi Pari.

Chiều, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các ông Nguyễn Văn Tố và Bùi Bằng Đoàn, thay mặt Quốc hội, đến chúc Người sức khoẻ trước khi lên đường sang Pháp để giành quyền tự chủ hoàn toàn cho nước nhà.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 85 về việc cử ông Đặng Việt Châu giữ chức Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ.

- Sắc lệnh số 86 về việc cử ông Phạm Văn Đồng làm Đoàn trưởng Phái đoàn Việt Nam sang Pari thay ông Nguyễn Tường Tam vì mắc bệnh không đi được.

- Sắc lệnh số 87 về việc cử ông Đào Thiện Thi, kỹ sư Nông học, giữ chức Tổng thanh tra các Nha của Bộ Canh nông.

- Sắc lệnh số 88, hạn chế việc giết thịt gia súc ở Bắc Bộ.

- Sắc lệnh số 89 về việc Chính phủ Việt Nam tạm thời giành quyền tìm kiếm mỏ.

- Sắc lệnh số 90 ấn định những khu mỏ thuộc quyền sở hữu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

- Báo Cứu quốc, số 254, ngày 31-5-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 240-241.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lư­u tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Cuối tháng

Tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các ông Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng và các đại biểu trong Bộ Tổng uỷ viên Hướng đạo đến báo cáo về công việc của Hội và đề nghị Người làm Hội trưởng danh dự Hội Hướng đạo Việt Nam26.

- Báo Hướng đạo thẳng tiến, số 3, ngày 10-6-1946.

Khoảng cuối tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm thơ hoạ lại bài thơ của Nguyễn Hải Thần 6) tặng Người trước khi sang Pháp. Toàn văn bài thơ như sau:

“Gặp gỡ đường đời anh với tôi,

Đường đời gai góc phải chia hai.

Đã sinh tai mắt, sinh đầu óc.

Há bỏ thân yêu, bỏ giống nòi.

Trách kẻ đưa thân vào miệng cọp,

Tôi đành ghé đít cưỡi đầu voi.

Tàn cờ mới biết tay cao thấp,

Há phải như ai, cá thấy mồi!”.

- Báo Lao động, số Tết Mậu Thìn (1988).

Tháng 5, ngày 31

Sáng sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư Gửi đồng bào Nam Bộ. Người khuyên đồng bào Nam Bộ hãy bình tĩnh và hứa với đồng bào rằng "Hồ Chí Minh không phải là người bán nước", đồng thời khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”.

Người còn viết thư trả lời Hội trưởng Hội Hướng đạo Việt Nam, đồng ý nhận làm Hội trưởng danh dự của Hội và chúc anh em trong Hội luôn luôn sẵn sàng "Phụng sự Tổ quốc".

6 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phái đoàn Việt Nam đến sân bay Gia Lâm. Người cùng với ông Phạm Văn Đồng, tướng Valuy và tướng Xalăng duyệt đội quân danh dự của Việt Nam và Pháp, khen ngợi đội quân danh dự của quân đội Pháp và mong rằng hai quân đội Việt, Pháp thân thiện với nhau.

Trước lúc lên máy bay, Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm tay Cụ Huỳnh Thúc Kháng và nói: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi)”. Sau đó, Người nói với các thành viên trong đoàn công tác sang Pháp trước những đại biểu đưa tiễn: “Anh em chúng ta mang trọng trách quốc gia, trước mặt quốc dân đồng bào, chúng ta phải thề dù gặp gian lao thế nào, chúng ta cũng phải nhất tâm đoàn kết để làm tròn nhiệm vụ đối với Tổ quốc”. Tất cả đồng thanh hô: “Xin thề!”.

7 giờ 45, hai chiếc máy bay Dakota kiểu Mỹ từ từ cất cánh. Một chiếc chở Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các ông Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện và hai thư ký riêng của Người là Vũ Đình Huỳnh, Đỗ Đình Thiện. Phía Pháp có tướng Xalăng, Đarây, đại uý Cácchiê, v.v.. Một chiếc chở phái bộ đi dự Hội nghị Phôngtennơblô27.

Trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện cho Đô đốc Đácgiăngliơ. Toàn văn bức điện như sau: “Tôi xin cảm ơn Ngài đã săn sóc về việc khởi hành sang Pháp của tôi và tôi thành thực cảm ơn Ngài đã viết thư chúc tôi trong lúc tôi lên đường. Tôi sẽ hy vọng và quả quyết rằng cuộc đàm phán chính thức ở Ba Lê sẽ được tốt đẹp và nhờ đó hai dân tộc Pháp-Nam sẽ cộng tác một cách chặt chẽ".

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu về Binh pháp Tôn Tử dưới nhan đề Phương pháp dùng gián điệp (ký bút danh Q.Th.), đăng trên báo Cứu quốc, số 254. Tác giả đã phân tích về hai vấn đề: Đối với gián điệp phải thế nàoDùng gián điệp phải thế nàotrong phép dụng binh của Tôn Tử, từ đó rút ra kết luận: "Vậy người làm tướng phải biết dùng người có mưu trí làm gián điệp cho mình. Đó là bí quyết trong phép dụng binh. Vì có căn cứ vào báo cáo xác thực của người gián điệp mới đủ tài liệu bày mưu, tính kế và định đường lối tiến thoái được. Đặt được kế hoạch xác đáng tức là biết mình, biết người, đánh trăm trận được trăm trận".

Cùng ngày, Người tới Miến Điện (nay là Myanma).

- Báo Cứu quốc, số 254 và 255, ngày 31-5 và 1-6-1946.

- Báo Le Monde, ngày 6-6-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 242-247, 249.

- Báo Hướng đạo thẳng tiến, số 3, ngày 10-6-1946.

- Võ Nguyên Giáp: Những năm tháng không thể nào quên, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr. 280-281.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 10-11.

_______________________________________

1) Nhà nuôi trẻ mồ côi.

2) Đầu năm 1946, tại Đại hội Phụ nữ tỉnh Bến Tre, đồng chí Nguyễn Thị Định được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành tỉnh Hội; khoảng tháng 5-1946, đồng chí được cử ra Bắc để báo cáo tình hình miền Nam sau Hiệp định Sơ bộ 6-3 và xin chi viện cho Nam Bộ.

3) Đoàn đại biểu Chính phủ Pháp còn có tướng Valuy, đại tá Crơpanh (Crepin), thiếu uý La Mơnăngđie (La Menandière). Phía Việt Nam có Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng và các ông Nguyễn Văn Tố, Vũ Hồng Khanh, Võ Nguyên Giáp.

4) Ba Lê: Pari (BT).

5) Bốn biển đều là anh em.

6) Toàn văn bài thơ của Nguyễn Hải Thần như sau:

"Gặp gỡ đường đời anh với tôi,

Hai vai gánh nặng cả hai vai.

Tuy riêng Nam Bắc, riêng bờ cõi,

Cùng một ông cha, một giống nòi.

Nhỡ bước đành cam thua nửa ngựa,

Thà hơn miệng thế nói mười voi.

Mấy lời trân trọng ông ghi nhớ,

Nước ngược, buông câu khéo mất mồi!”.

* Năm 1946 - Tháng 6

NĂM 1946

Tháng 6, ngày 1

Sáng sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Pêgu (Rănggun) đi Cancútta (Ấn Độ).

11 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Cancútta. Đại biểu Toàn quyền Anh và Lãnh sự Pháp ra sân bay đón, đưa Người và Đoàn về nghỉ tại Khách sạn Phương Đông.

Chiều, Người tới đáp lễ Toàn quyền Anh, tiếp các phóng viên báo Anh, báo Ấn Độ và các Việt kiều tới thăm.

Tối, Người dự tiệc do Tổng lãnh sự Pháp ở Cancútta chiêu đãi.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 12-13.

Tháng 6, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện về cho Chính phủ. Toàn văn bức điện như sau: “Chúng tôi đã tới Cancútta được bình yên cả, sau một đêm ngủ ở Pêgu (Rănggun). Hôm tới, chúng tôi sẽ lại lên đường. Chúng tôi nhờ Chính phủ cảm ơn đồng bào ta và các bạn người Pháp đã tiễn chúng tôi ở Gia Lâm. Tôi gửi những cái hôn cho các cháu”.

11 giờ, Người đến thăm chính thức Thống đốc xứ Bănggan (Bengale).

Tối, Người thăm câu lạc bộ của kiều dân Pháp.

- Báo Cứu quốc, số 257, ngày 4-6-1946.

- Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.458.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 12-13.

Tháng 6, ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sanđécnago 1) (Changdernagor) theo lời mời của Tỉnh trưởng tỉnh này.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn một tờ báo lớn ở Cancútta về Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp. Người nói: “Thực là một sự mỉa mai nếu lại đặt cho Đông Dương một viên toàn quyền, song tôi hy vọng rằng cuộc đàm phán chính thức ở Pari sẽ có kết quả tốt... Việt Nam không có tham vọng gì về đất đai của hai nước láng giềng. Hiện giờ, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và hai nước đó chưa có, nhưng rồi thế nào cũng phải có”. Về cuộc xung đột Pháp - Xiêm, Người nói: “Việc đó thuộc thẩm quyền của Pháp” và khẳng định Việt Nam rất có cảm tình với Ấn Độ.

Chiều, Người mở tiệc chiêu đãi lãnh sự và các vị quan chức Pháp ở Cancútta và Sanđécnago.

Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh Gửi Trại nhà nghèo tỉnh Quảng Ngãi in trên báo Quyết Thắng, cơ quan của Việt Minh Trung Bộ, xuất bản tại Thuận Hoá (Huế), số 47, ngày 3-6-1946 với nội dung sau:

"Tôi vừa tiếp được bức ảnh thêu và phong thư.

Trước hết, tôi cám ơn tấm lòng thân ái của anh em đối với tôi. Hai là tôi phải khen rằng anh em thêu rất khéo. Bức thêu đó đã chứng tỏ rằng: Thủ công nghệ của nước ta mai sau chẳng những có thể tranh đua mà lại có thể tranh giải nhất của thủ công mỹ nghệ trong thế giới. Ba là tôi mong anh em sẽ cho tôi biết cách tổ chức và đời sống của anh em trong trại. Bốn là tôi ao ước rằng: nhờ sự cần kiệm của anh em, Trại nhà nghèo sẽ mau tiến bộ thành Trại nhà khá, rồi dần dần thành Trại nhà giàu làm kiểu mẫu cho anh em khác.

Chúc anh em gắng sức và mạnh khoẻ

Thân ái

Ký tên

Hồ Chí Minh"

- Báo Cứu quốc, số 258 và 259, ngày 5 và 6-6-1946.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 14.

- Tạp chí Lịch sử Đảng, số 12-2005, tr. 66.

Tháng 6, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Cancútta tới Agra (Agra) và về nghỉ ở khách sạn.

16 giờ, Người đến thăm Nhà thờ đạo Hồi và những thắng cảnh nổi tiếng của thành phố: lâu đài Đêli Két (Delhi Cate) được xây dựng từ thế kỷ 17, lăng Hoàng hậu Tai Mahan.

Tối, Người dự tiệc chiêu đãi do các quan chức địa phương mời.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.469.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 15.

Tháng 6, ngày 5

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Agra đến Carasi (Karachi, nay thuộc Pakixtan). Tổng đốc người Anh ra sân bay đón và mời Người về nghỉ tại Phủ Tổng đốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện về cho Chính phủ: “Đến Carasi 12 giờ ngày 5 tháng 6. Tôi vẫn khoẻ. Tướng Xalăng và tôi là thượng khách của Chính phủ ở đây. Tôi lại khởi hành buổi sáng thứ ba.

Hồ Chí Minh”.

Chiều, Người thăm khu trung tâm thành phố.

Tối, Người dự tiệc chiêu đãi do Thống đốc Carasi mời.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.469.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 15-16.

Tháng 6, ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Habanha (Habangna, Irắc). Người nghỉ lại ăn cơm trưa rồi lên đường đi tiếp.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.469.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 16-17.

Tháng 6, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Cairô (Cairo), Thủ đô Ai Cập. Đại diện Sứ quán Pháp ra sân bay đón và mời Người về nghỉ tại Sứ quán.

Người gửi điện về cho Chính phủ: "Ngày 7 tháng 6, đến Lơke 2). Tất cả đều như thường. Cho chúng tôi biết ngày khởi hành của hai đại biểu và tin tức trong nước. Gửi cho phái đoàn ngoại giao. Chuyển lời chào thân ái của tôi tới các vị Uỷ viên Pháp, tướng Lơcléc và Valuy".

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đặt kế hoạch tác chiến, ký tên Q.Th., đăng trên báo Cứu quốc, số 260. Tác giả lược dịch phương pháp dùng binh của Tôn Tử và bổ sung thêm cho phù hợp với điều kiện chiến tranh mới, từ việc đặt ra kế hoạch cho đến đường lối chiến lược, chiến thuật. Về chiến lược, chiến thuật, tác giả đã chỉ ra 12 điểm chủ yếu và bí quyết của các nhà quân sự. “Nhưng trong việc quân, những việc bất trắc thực là thiên biến vạn hoá và thường xảy ra luôn luôn. Phải biết tuỳ cơ ứng biến, không thể bắt chước mà bảo được. Chiến thuật cốt yếu để được thắng lợi là phải áp dụng thuật giả trá và tuyệt đối giữ bí mật”.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 17.

- Báo Cứu quốc, số 260, ngày 7-6-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 250-253.

Tháng 6, ngày 8

Tại khách sạn nhỏ của Pháp tại Cairô, trước lúc dùng bữa sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với tướng R. Xalăng: “Tôi vừa mới quay lưng đi, người ta đã nặn ra cái Chính phủ Nam Kỳ. Tôi vừa được biết tin này qua báo chí và đài phát thanh ở Cairô. Tôi được biết, vào lúc 9 giờ sáng ngày 1 tháng 8 ông Xêđin (Cao uỷ Pháp ở Nam Bộ) đã đọc một bức thư của Đô đốc Đácgiăngliơ, chế tạo ra cái Chính phủ này, có bác sĩ Thỉnh làm Chủ tịch và đại tá Xuân làm Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. Tại sao không báo cho tôi biết tin này trước khi tôi lên đường? Thật là một âm mưu phi pháp. Tướng quân này, các ông đừng biến Nam Bộ thành một thứ Andát Loren 3) mới, nếu không chúng ta sẽ đi tới cuộc chiến tranh trăm năm đấy. Ông hãy làm ơn đưa tôi quay trở lại Hà Nội".

Tướng R. Xalăng đề nghị Chủ tịch cứ đi Pháp, vì ở đó "người ta" đang chờ Người để "thanh toán các vấn đề". Một lát sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tiếp với R. Xalăng: Thôi được, tôi tin ông vì ông là một sĩ quan. Tôi biết ông coi trọng chúng tôi và ở Pháp tôi cũng nhiều bạn.

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Viện Khảo cổ Ai Cập, xem “Thành phố ma” 4) và Kim tự tháp.

Chiều, Người dự tiệc chiêu đãi do Sứ quán Pháp mời. Cùng dự có Đô đốc Amanrích (Amalrich), Giáo sư Giughê (Jouguet), tướng Raun Xalăng, Nhà bác học Briôtông (Brioton)...

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Lê Kim: Bác Hồ tiếp xúc với tình báo phương Tây, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 111-112.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 17-20.

Tháng 6, ngày 9

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được điện của Chính phủ Pháp từ Pari, đề nghị Người đến Can (Cannes) nghỉ tạm, chờ Chính phủ mới của Pháp thành lập sẽ đón Người về Pari.

Người đi thăm Kim tự tháp Xêkhera (Sekherat).

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 21-22.

Tháng 6, ngày 10

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được điện của Chính phủ Pháp cải chính bức điện ngày 9-6, đề nghị Người đến Biarít (Biarritz 5), Pháp) chờ Pháp lập Chính phủ mới.

Trong thời gian chờ đợi ở Cairô, Người cùng một số anh em trong đoàn đi thăm thành phố, xem các hiệu sách. Có lần khi vào nghỉ ở một hàng giải khát, một người đến xin được chụp ảnh Người.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 22.

Tháng 6, ngày 11

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Cairô đi Angiêri.

Người điện về cho Chính phủ: “11 giờ, rời Cairô. Tất cả đều như thường. Từ khi rời Hà Nội không được biết tin tức gì cả. Đánh điện cho biết ngay 6).

Chào thân ái

Hồ Chí Minh”.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Bixcra (Biskra, Angiêri). Tỉnh trưởng người Pháp ra đón Người. Tại đây, Người thăm vườn cây chà là của một quý tộc địa phương.

Cùng ngày, Người đến Biarít.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.470.

- Báo Cứu quốc, số 269, ngày 18-6-1946.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 22-23.

Tháng 6, ngày 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ tại Khách sạn Pale (Palais). Người điện về cho Chính phủ ta:

“Thứ tư ngày 11 chúng tôi tới Biarít, gặp Mạnh Hà, Trần Ngọc Danh, Bửu Hội và nhiều đại biểu của các đoàn thể kiều bào. Chúng tôi ở đây vài ngày để đợi Chính phủ Pháp thành lập. Nhắc những vị đại biểu còn thiếu đi ngay và cho chúng tôi biết ngày đi. Cho biết tin trong nước."

Trong ngày, Người tiếp J.Xanhtơny, đại diện Ngoại trưởng Pháp và ông Quận trưởng Bayon đến chào.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.470.

- Báo Cứu quốc, số 266, 268 và 269 ngày 14, 17 và 18-6-1946.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 23.

Tháng 6, ngày 13

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dạo trên bãi biển khoảng 1 giờ, sau đó tiếp đại biểu Việt kiều từ nhiều nơi ở Pháp đến Biarít chào mừng Người. Nhiều người quyên tiền nhờ Chủ tịch chuyển giúp về nước.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn Việt kiều đã quyên góp ủng hộ đất nước và nhận điện của nhiều Việt kiều các nước Pháp, Anh, Mỹ, Tân Đảo... gửi tới chúc mừng.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.470.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 24.

Tháng 6, ngày 14

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dạo trên bãi biển, sau đó tiếp kiều bào, nhân sĩ đến thăm.

Tổng Công hội Pháp gửi điện chúc mừng Người và khẳng định tinh thần đoàn kết của những người lao động Pháp đối với nhân dân Việt Nam. Người nhận được thư chúc mừng của ông Giuýtxtanh Gôđa (Justin Godart), Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chối trả lời phỏng vấn của Hãng Thông tấn Pháp AFP vì Chính phủ mới của Pháp chưa thành lập. Người chỉ nói qua về những nguyên tắc cụ thể để có thể đem lại kết quả cho cuộc đàm phán, về ảnh hưởng của văn hoá Pháp trên thế giới, và kết luận: “Dùng văn minh mà chinh phục người ta thì bền vững hơn dùng súng đại bác”.

Cùng ngày, hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Noi gương anh em Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu (ký bút danh Q.T.) và Phương pháp tác chiến (ký bút danh Q.Th.) đăng trên báo Cứu quốc, số 266.

Trong bài Noi gương anh em Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu, Người biểu dương những việc làm tốt của Tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu về các mặt sinh hoạt, học tập, công tác và khen ngợi: "Anh em Tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu đáng làm gương cho không những tự vệ các địa phương mà cho cả các hạng thanh niên".

Bài Phương pháp tác chiến giới thiệu cách đánh trong Binh pháp Tôn Tử: phải đánh thật nhanh để thắng nhanh... nhưng đánh thật nhanh không phải là hấp tấp vội vàng mà quên cả cơ mưu, phải vừa nhanh vừa có mưu cơ mới quyết định được thắng lợi... “Cho nên người làm tướng có mưu trí bao giờ cũng lo lắng đến lợi, đến hại. Lo đến lợi mới có đủ tin tưởng làm trọn được nhiệm vụ. Lo đến hại mới tìm mưu kế để giải trừ được gian nguy”.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 14-15.

- Võ Nguyên Giáp: Những chặng đư­ờng lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.470.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 254-255.

Tháng 6, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được tin Đô đốc Đácgiăngliơ từ Sài Gòn trở về Pari.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao l­ưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 25.

Tháng 6, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm vùng ngoại ô Biarít, đến gần biên giới Pháp - Tây Ban Nha, thăm động Luốcđơ (Lourdes) và một vài nơi khác.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao l­ưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 25.

Tháng 6, ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng J.Xanhtơny, tướng Raun Xalăng, Pơti (Petit) đại biểu Quốc hội kiêm Thị trưởng Biarít đi thăm phong cảnh miền núi Pirênê và thị trấn Xanh - Giăng đơ Luyz (Saint-Jean de Luz), dự ngày hội của dân làng Xarơ (Sare), xem đánh cầu Pơlốt (Pelote). Sau cuộc múa hát, đánh cầu do nhân dân địa phương tổ chức để chào mừng, Người dự tiệc rượu cùng các quan chức trong vùng, chụp ảnh với các em thiếu nhi.

Trả lời phỏng vấn của Hãng Thông tấn Pháp AFP, Người nói: “Tôi rất tin cậy ở kết quả của cuộc Hội nghị Pháp - Việt này. Hai nước Pháp - Việt xa nhau không phải vì văn hoá, lý tưởng, mà chỉ vì quyền lợi của một vài cá nhân. Mục đích của Pháp là tự do, bình đẳng, bác ái, nếu Pháp thi hành đúng thì chắc chắn sẽ mua được tình thân thiện của Việt Nam”.

Cùng ngày, Người nhận được điện chúc mừng của Hội hữu nghị Pháp - Việt 7).

- Báo Cứu quốc, số 269, 270 và 271, ngày 18, 19 và ngày 20-6-1946.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao l­ưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 26-27.

Tháng 6, ngày 18

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng J.Xanhtơny đặt vòng hoa trước Đài kỷ niệm chiến sĩ trận vong tại Biarít nhân kỷ niệm ngày tướng Sáclơ đờ Gôn (Charles de Gaulle) ra lời hiệu triệu kháng chiến.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao l­ưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 271, ngày 20-6-1946.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 27.

Tháng 6, ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại biểu Chính phủ Pháp, nhân viên trong Phái đoàn Việt Nam và hoạ sĩ Việt kiều Mai Trung Thứ đi thăm đồng bằng phía bắc Biarít. Đến Ôxơgo (Hossegor), Người xuống xe đi bộ thăm khu rừng ven đường chừng 30 phút.

Buổi trưa, Người nghỉ tại Len (Leen).

16 giờ, Người đi xem suối nước nóng ở xứ Đax, thăm thành phố rồi trở về Khách sạn Pale.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tại sao hợp tác xã chưa thấy xuất hiện ở thôn quê (ký bút danh Q.Th.), đăng trên báo Cứu quốc, số 270. Theo tác giả, có tình hình đó là do:

1. Những tri thức phổ thông chưa được phổ cập ở thôn quê. Khác với các nước, ở nước ta, những tri thức về hợp tác xã đối với chúng ta đến nay vẫn còn rất mới lạ. "Chúng ta chưa hiểu rõ lợi ích của hợp tác xã thế nào và cách thức tổ chức thế nào nên không dám bạo dạn đứng ra khởi xướng lập hợp tác xã".

2. Thiếu cán bộ hoạt động: Người hành nghề kinh doanh ít, lại không thạo tính toán, chỉ làm theo lối buông trôi, gặp chăng hay chớ.

Để phổ cập hợp tác xã thôn quê, cũng theo tác giả, những điều kiện cần thiết là:

1. Cổ động tuyên truyền: xuất bản sách báo nói về hợp tác xã phát cho dân quê; Chính phủ cử người xuống các địa phương giảng giải cho dân chúng hiểu rõ lợi ích và cách thức tổ chức hợp tác xã.

2. Mở lớp huấn luyện cán bộ chuyên về hợp tác xã.

3. Làm thí điểm. "Chỉ khi nào dân chúng thấy lợi ích của hợp tác xã đã hiển nhiên thì khi đó phong trào hợp tác xã mới có thể sôi nổi, bồng bột được".

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao l­ưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 27-28.

- Báo Cứu quốc, số 270 và 271, ngày 19 và 20-6-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 259-260.

Tháng 6, ngày 20

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm làng chài Hanđay (Handaye) gần Biarít, cùng anh em trong đoàn đi thuyền và câu cá.

Chiều, Người tiếp Bộ trưởng Quân giới Tilông (Tillon) và ba nghị sĩ Pháp đến Biarít chào mừng. Người mời họ ăn cơm chiều và nghỉ lại đến sáng hôm sau.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao l­ưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 28.

Tháng 6, ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bờ biển Biarít.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu về Binh pháp Tôn Tử với nhan đề: Vấn đề quân nhu và lương thực, ký tên Q.Th., đăng trên báo Cứu quốc, số 272. Trích dẫn và phân tích những câu nói của Tôn Tử về vấn đề cung cấp quân nhu và lương thực trong chiến tranh, tác giả rút ra kết luận: "Về quân sự, quân nhu và lương thực rất quan trọng. Có binh hùng, tướng giỏi, nhưng thiếu quân nhu, lương thực không thể thắng trận được. Nếu việc cung cấp lương thực, quần áo, thuốc men, súng ống, đạn dược cho quân đội ngoài mặt trận không làm được đầy đủ chu đáo, binh sĩ bị hãm vào vòng thiếu thốn, sẽ mất hết tinh thần chiến đấu... Cho nên, người làm tướng giỏi phải tìm hết mưu kế để cướp lấy lương thực của quân địch".

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 28-29.

- Báo Cứu quốc, số 272, ngày 21-6-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 261-263.

Tháng 6, ngày 22

12 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Khách sạn Pale đi Pari. Quan chức địa phương tổ chức tiễn Người trọng thể.

13 giờ, máy bay cất cánh tại sân bay Pácmơ Biarít (Parme Biarritz), trên cắm quốc kỳ hai nước Việt Nam và Pháp.

16 giờ 10 phút, máy bay hạ cánh xuống sân bay Lơ Buốcgiê (Le Bourget). Nhà ga sân bay được trải thảm nhung đỏ, treo cờ Việt Nam và Pháp. Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariúyt Mutê (Marius Moutet), Bộ trưởng Lễ tân đại diện Chính phủ Pháp, J. Đuymen (Jacques Dumaine), các tướng lĩnh đại diện các quân, binh chủng, đại biểu các đảng, đoàn thể, trên một nghìn Việt kiều và nhân dân Pari đã đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay. Sau lễ chào cờ, Người cùng đại diện Chính phủ Pháp đi duyệt đội danh dự. Trước khi lên ôtô, Người nói trước máy ghi âm của phóng viên Hãng Thông tấn Pháp AFP: “Tôi rất lấy làm bằng lòng được đặt chân lên đất của một nước đã chịu đau khổ nhiều vì lý tưởng và tự do. Cảm ơn Chính phủ và dân chúng Pháp tiếp đãi tôi một cách long trọng. Mong sau này hai dân tộc Pháp và Việt Nam cộng tác một cách bình đẳng, thật thà và thân thiện”.

Đoàn xe đưa Người về Khách sạn Roayan Môngxô (Royal Monceau) nằm trên đại lộ Ôsơ (Hoche), gần Phủ Tổng thống Pháp. Đi dẫn đường và hộ vệ có nhiều xe ô tô và xe mô tô của Cục Công an Pari và Bộ Nội vụ. Hai bên đường từ trường bay về khách sạn, cách mấy chục thước lại có một cảnh binh đứng canh, cấm xe cộ và người qua lại. Dân chúng đứng hai bên đường xem rất đông, nhiều lúc họ vỗ tay và hoan hô tỏ tình thân thiện.

Tại khách sạn cũng có lính danh dự đứng chào và canh gác. Trước khách sạn có treo một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn.

17 giờ, Người tiếp nhà báo Raymông Bácbê (Raymond Barbé) đến chào.

20 giờ, Người tiếp A.Mácty (A.Marty), đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đến chào.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chí Minh 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 29-31.

Tháng 6, ngày 23

6 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dạo trong khu rừng Bulônhơ (Boulogne).

12 giờ, Người tiếp tướng Gioăng (Juin), Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp đến chào.

13 giờ, Người ăn trưa với Phái đoàn Việt Nam và ba đại biểu lính chiến Việt Nam.

16 giờ, Người tiếp một số trí thức Việt Nam tại Pháp, phần nhiều là thầy thuốc, kỹ sư và một vài hoạ sĩ, ai cũng náo nức muốn về để giúp Tổ quốc.

17 giờ 15, tại Khách sạn Roayan Môngxô, Người mở tiệc trà đón hơn 50 thiếu nhi Việt Nam ở Pari cùng cha mẹ các cháu đến chào. Người trao lá cờ của nhi đồng Hoàng Diệu (Hà Nội) cho em Trương Hồng Quân, 12 tuổi, đại diện nhi đồng Việt Nam tại Pari. Người cùng các em trò chuyện và chụp ảnh kỷ niệm.

20 giờ 30, Người dùng cơm tại quán Lơ Tôngcanh (Le Tonkin) số 63 Ke đờ la Tuốcnen (Quai de la Tournelle), Pari.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chối mọi cuộc phỏng vấn của giới báo chí.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 32-33.

Tháng 6, ngày 24

6 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dạo trong rừng Bulônhơ.

8 giờ, Người tiếp khoảng 100 đại biểu kiều bào Nam Bộ đến chào mừng và nghe thông báo tình hình nước nhà.

9 giờ 30, Người gặp đại biểu trí thức Nam Bộ tại Pháp.

13 giờ, Người tiếp Bộ trưởng Mariúyt Mutê và J.Xanhtơny cùng một số nhân viên cao cấp trong Chính phủ Pháp.

15 giờ 30, Người tiếp phóng viên Medoa (Maisoi).

16 giờ, Người tiếp đại tá Tuytănggiơ (Tutenges) đến thăm.

17 giờ, Người tiếp ông Trần Đức Thảo, Việt kiều tại Pháp.

18 giờ, Người tiếp Đô đốc Đácgiăngliơ đến chào.

19 giờ, Người tiếp Ban lãnh đạo Hội hữu nghị Pháp - Việt đến chào 8).

Cùng ngày, Người còn tiếp Luật sư Giôê Noman (Joé Nordman), Chủ tịch Công đoàn báo chí Pháp và nhận được nhiều thư, điện chúc mừng của kiều bào ở khắp nơi gửi đến.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 32-34.

Tháng 6, ngày 25

6 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đến thăm và đặt vòng hoa tại mộ ông Khánh Ký trong nghĩa trang Tioa Paridiêng (Thiois Parisien).

10 giờ, Người gặp ông Trần Đức Thảo.

11 giờ, Người gặp ông Hoàng Kim Phượng, Việt kiều người Thanh Hoá.

13 giờ 30, Người tiếp hơn 100 đại biểu chiến binh, công binh Việt kiều.

15 giờ 15, Người làm việc với Phái đoàn Việt Nam tham dự cuộc đàm phán.

16 giờ, Người tiếp phóng viên báo L'Humanité Dimanche đến chụp ảnh.

17 giờ 10, tại Khách sạn Roayan Môngxô, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp 84 đại biểu các báo Pháp và báo nước ngoài. Người nói: “Từ khi tới Pháp, ở Biarít thăm Baxcơ và cho tới khi đến Pari, tôi được Chính phủ đón tiếp long trọng, nhân dân Pháp và các nhà báo chào mừng nồng nhiệt. Tôi rất cảm ơn. Hôm nay, tôi chưa thể tuyên bố gì, để đợi Chính phủ Pháp tiếp chính thức”. Sau đó, Người mời các phóng viên dự tiệc trà. Trước khi tiệc tan ( hồi 18 giờ), Người cầm những bông hoa trên bàn tiệc tặng mỗi nữ phóng viên một bông, còn lại một bông, Người tặng cho nam phóng viên nhiều tuổi nhất.

18 giờ 30, Người tiếp và mời cơm các lãnh tụ Đảng Cộng hoà bình dân (M.R.P) gồm các ông Mác Ăngđrê (Max André), Môrixơ Suman (Maurice Schuman) - Chủ tịch Đảng, Phrăngxixcơ Gay (Francisque Gay) - Bộ trưởng, Étmông Misơlê (Edmond Michelet) - Bộ trưởng, Côlanh (Colin), Goócte (Gortais), Đơbây (Debay), Amôri (Amaury), và Ternoa (Terrenoir). Phía Việt Nam có các ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Mạnh Hà.

21 giờ 15, tiệc tan, nhưng Tổng thư ký M.R.P và ông Anbe, Tổng biên tập một tờ báo, còn nán lại trò chuyện với Người đến 22 giờ.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 34-35.

Tháng 6, ngày 26

7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm “đột kích” anh em trong Phái đoàn Việt Nam ở Khách sạn Xanhtơ Annơ (Sainte Anne) và Khách sạn Luvrơ (Louvre).

10 giờ 20, Người tiếp các đại biểu Liên đoàn ái hữu người Việt Nam ở Liông (Lyon), Pari, Boócđô (Bordeaux), Tuludơ (Toulouse) và các tỉnh khác đến chào và thông báo với Người về tình hình kiều bào ta ở Pháp.

13 giờ, Người mời cơm ông bà P.Cốt (P.Cot).

17 giờ, Người tiếp Luật sư Mác Clanhvin Blôngcua (Max Clainville Bloncourt) đến thăm.

20 giờ, Người tiếp và mời cơm các yếu nhân Đảng Xã hội Pháp (S.F.I.O): bà Mácty Cápgra (Marty Capgras); ông Bộ trưởng Ăngđrê Philíp (André Philip), ông Bộ trưởng Mariúyt Mutê (Marius Moutet), nghị sĩ Sáclơ Luyxi (Charles Lussy), và các uỷ viên Trung ương Ru (Roux), Xtiblơ (Stible), v.v.. Có bốn đại biểu trong Phái đoàn Việt Nam cùng dự.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 35-36.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

Tháng 6, ngày 27

6 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dạo trong rừng Bulônhơ và thăm lâu đài Selô (Chaillot). Phóng viên báo Point de vue xin được chụp ảnh.

13 giờ, Người đến dự cơm trưa với gia đình ông J.Xanhtơny. Một số chuyên gia kinh tế người Pháp chuyên nghiên cứu về Việt Nam cùng dự.

20 giờ, Người tiếp đại biểu Đảng Cộng sản Pháp: bà Braoong (Braun), Phó Chủ tịch Quốc hội; nghị sĩ P.Vayăng Cutuyriê (P. Vaillant Couturier); ông bà M.Casanh (M.Cachin); ông M.Tôrê, Phó Chủ tịch Chính phủ; J.Đuyclô (J.Duclos), Phó Chủ tịch Quốc hội; các uỷ viên Trung ương A.Mácty (A.Marty); Lêông Môve (Léon Mauvais); Bộ trưởng Xây dựng Ph.Bi-u (F.Billoux); Bộ trưởng Quân khí C.Tilông (C.Tillon)... Cùng tiếp khách có các ông Hoàng Minh Giám và Phạm Huy Thông.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariúyt Mutê, phản kháng việc quân đội Pháp chiếm đóng Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 36-37.

- Bản đánh máy bức thư (tiếng Pháp), lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, phông PTT, HS.1514.

Tháng 6, ngày 28

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dạo trong vườn Xanh Clu (Saint Clou).

12 giờ, Người tiếp tướng Gioăng và tướng Đơvedơ (Devèze) đến thăm.

20 giờ, Người tiếp Đoàn đại biểu Phụ nữ quốc tế 9) đến thăm. Các đại biểu đã thông báo với Người: trong cuộc họp cùng ngày, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới đã công nhận Hội Phụ nữ Việt Nam là hội viên. Người nói với các đại biểu vài nét về những thành tích, những hy sinh, nỗ lực của phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến đấu giành chính quyền cũng như bảo vệ và xây dựng đời sống mới.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 38-39.

Tháng 6, ngày 29

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dạo trong rừng Vanhxen (Vincennes).

12 giờ, Người đi dự cơm trưa tại gia đình Đô đốc Đácgiăngliơ. Cùng dự có các ông Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Mạnh Hà và một số người bạn Pháp.

20 giờ, Người tiếp Thư ký Liên đoàn thể dục, thể thao và lao động Henri Grexanh (Hanri Gressin) và đại biểu các tổ chức thanh niên Pháp như Thanh niên Công giáo, Thanh niên dân chủ, Thanh niên cộng hoà, Thanh niên hướng đạo và đoàn đại biểu Hội Thanh niên thế giới gồm có người Mỹ, Anh, Đan Mạch... Các đại biểu hỏi thăm tình hình thanh niên Việt Nam. Với mỗi câu hỏi, Người đều trả lời hai lần, một lần bằng tiếng Anh và một lần bằng tiếng Pháp. Các đại biểu đề nghị được gọi Người là BÁC HỒ và thông báo: Hội Thanh niên thế giới đã công nhận thanh niên Việt Nam gia nhập Hội.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 40-41.

Tháng 6, ngày 30

6 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dạo trong Vườn hoa Môngxô ở gần khách sạn.

12 giờ, Người mời cơm một số đại biểu dự Hội nghị Phôngtennơblô.

15 giờ 30, Người đi xem Viện Bảo tàng Nhân chủng (Museé de l’homme).

19 giờ, Người tới nhà ông Ty (Việt kiều) ăn cơm, rồi tới thăm nhà ông Lưu Đĩnh.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 42.

Cuối tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp một số nhà tư bản đại diện cho các xí nghiệp công nghiệp, thương mại của Pháp ở Đông Dương. Người nói đến tình trạng thiếu kỹ sư và chuyên gia các ngành mà Việt Nam rất cần và mong muốn cuộc đàm phán tại Phôngtennơblô sẽ đạt kết quả tốt đẹp.

- Henri Azeau: Ho Chi Minh, Dernière chance, Flammarion, Paris, 1968, p.126.

______________________________________

1) Sanđécnago là thuộc địa của Pháp trước đây, cách Cancútta khoảng 60 km.

2) Lơke: tức Cairô, Thủ đô Ai Cập (BT).

3) Vùng đất của Pháp tiếp giáp với Đức, bị chia cắt sau chiến tranh Pháp - Phổ năm 1871, mãi đến 1919 mới được hợp nhất lại với Pháp.

4) Tên gọi một nghĩa trang gần thành phố, có nhà cửa, đường sá, nhưng suốt ngày vắng lặng, chiều mọi người mới đến cúng vái.

5) Biarritz: Thủ phủ của Pirênê Átlăngtích (Pyrénée Atlantique) ở miền Nam nước Pháp, gần biên giới Pháp - Tây Ban Nha.

6) Báo Cứu quốc, số 269, ngày 18-6-1946, đưa tin: ngày 15-6, phía Pháp mới trao lại cho Chính phủ Việt Nam bức điện của Hồ Chủ tịch đánh ngày 5-6 mà họ đã nhận được ngày 10-6. Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần đánh điện, nhưng Hồ Chí Minh không nhận được.

7) Nội dung bức điện có đoạn: “Hội hữu nghị Pháp - Việt gửi Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Cộng hoà Việt Nam những lời chào thân ái và kính cẩn, và mong ước sắp được đón tiếp ở kinh thành Pari nhà ái quốc đã thực hiện được cuộc chiến đấu chống Nhật xâm lược và cộng tác vào cuộc chiến thắng của nền dân chủ”.

8) Đoàn gồm Chủ tịch Hội Giuýtxtanh Gôđa, Tổng thư ký Phrăngxix Giuốcđanh (Francis Jourdain); giáo sư, đại biểu Quốc hội Pôn Rivê (Paul Rivet); Giáo sư Paiê (Paillet); tướng Pơti; Hội trưởng Liên đoàn nhà báo Pháp Bâyê (Bayet); đại biểu phụ nữ Pháp, bà Côtông (Cotton); đại diện báo L Humanité Dimanche, P.Blốc.

9) Đoàn gồm: Ricôn (Ricole), Thư ký Trung ương Hội Phụ nữ Pháp; Bácgiônê (Barjonet), Uỷ viên Trung ương Hội; Xpotix (Sportice), đại biểu Quốc hội Angiêri; Giắckiê (Jacquier), Luật sư Hanđô (Handoo), đại biểu người Ấn Độ trong Liên hợp quốc; đại biểu Mỹ I.Uylis (Irène Willish) và đại biểu Mỹ da đen Maxơn (Mason); đại biểu Quốc hội Nga Alếchxanđrôvxkaia và đại biểu Tây Ban Nha Đôlorex (Dolorèz)...

* Năm 1946 - Tháng 7

NĂM 1946

Tháng 7, ngày 1

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một số chị em Việt kiều. Khi được biết họ chuẩn bị may tặng Người một bộ quần áo, vì thấy bao giờ Người cũng chỉ mặc một bộ quần áo vải vàng, Người không đồng ý. Hoạ sĩ Vũ Cao Đàm đến xin được vẽ và nặn tượng Người.

13 giờ, Người tiếp các nhà văn, nhà thơ Pháp: bà E.Tơriôlê (E.Triolet) và các ông L.Aragông (L.Aragon), Giăng Risa Blốc (Jean Richard Bloch), Lêông Mútxinác (Léon Moussinac), P.Emmanuen (Pierre Emmanuel)... Cùng dự có các ông Phạm Văn Đồng, Dương Bạch Mai, Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 43-44.

Tháng 7, ngày 2

Ngày đầu tiên trong Chương trình chính thức đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh của Chính phủ Pháp, vào hồi 11 giờ 50, Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariuýt Mutê cùng các quan chức cao cấp trong Chính phủ Pháp tới Khách sạn Roayan Môngxô đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp Thủ tướng Gioócgiơ Biđôn (Georges Bidault) tại Dinh Thủ tướng, 14 phố Xanh Đôminic (Saint Dominique). Lễ đón tại khách sạn diễn ra rất long trọng, có lính bồng gươm trần đứng hai bên làm hàng rào danh dự. Từ khách sạn đến Dinh Thủ tướng, xe của Người đi giữa đội môtô bảo vệ, dẫn đầu là xe của Cảnh sát trưởng Pari. Hai bên hè đường, nhiều quãng dân chúng tụ tập rất đông vẫy tay chào.

Đến Dinh Thủ tướng, nghi lễ đón tiếp càng trọng thể hơn. Quốc ca hai nước Việt và Pháp nổi lên hùng tráng để đón chào. Sau khi duyệt binh xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh theo sự hướng dẫn của Bộ trưởng Mutê vào phòng khách gặp Thủ tướng Biđôn. Thủ tướng Biđôn xuống tận chân cầu thang đón tiếp. Hai vị quốc trưởng chào mừng, chúc tụng lẫn nhau, rồi vào phòng khách gặp gỡ riêng. Cuộc tiếp xúc diễn ra chừng mươi phút, sau đó hai người từ biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra về, nghi lễ vẫn như lúc đi cho tới khách sạn.

13 giờ 30, ông J. Xanhtơny tới khách sạn đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự tiệc chiêu đãi do Thủ tướng Pháp mời. Nghi lễ vẫn long trọng như buổi sáng. Trước khi vào phòng tiệc, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cuộc tiếp xúc riêng với Thủ tướng Pháp trong ít phút. Tới dự buổi tiệc có đủ mặt tân cựu Thủ tướng và các vị Bộ trưởng. Trong buổi tiệc, sau diễn văn chào mừng của Thủ tướng Biđôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc đáp từ cảm ơn Chính phủ và nhân dân Pháp đã đón tiếp Người rất ân cần, nồng nhiệt. Khi nói đến hội nghị giữa hai nước sắp tới, Người tin tưởng hội nghị có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, song "sự thành thật và lòng tin cẩn lẫn nhau sẽ san phẳng được hết thảy những trở ngại". Người nhắc lại một nguyên tắc đạo đức mà triết lý phương Đông và phương Tây đều tán dương: "Điều mà mình không muốn thì đừng làm với người khác"1).

Sau bữa tiệc, Thủ tướng Biđôn tiễn Người ra tận cửa Dinh Thủ tướng và chụp một bức ảnh chung.

15 giờ 50, Người tiếp Thủ tướng Pháp Gioócgiơ Biđôn đến đáp lễ tại Khách sạn R. Môngxô. Hai bên nói chuyện chừng mươi phút. Sau khi Thủ tướng ra về, một số quan chức Pháp còn ở lại uống trà và đàm đạo.

Cùng ngày, sau khi trao đổi với đại diện Chính phủ Pháp về binh sĩ Việt Nam ở Pháp muốn trở về Tổ quốc, được sự nhất trí của hai bên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các binh sĩ Việt Nam ở Pháp thông báo chín điều đã thoả thuận với Chính phủ Pháp và khuyên anh em: phải giữ kỷ luật tử tế; phải đoàn kết, phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; về đến nhà phải giúp ích Tổ quốc, phải ủng hộ Chính phủ; phải ăn ở cho xứng đáng với một người công dân của nước Cộng hoà Dân chủ Việt Nam.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 44-48.

- Võ Nguyên Giáp: Những chặng đư­ờng lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.477.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 264-268.

Tháng 7, ngày 3

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tướng Giăngtilom (Gentilhomme), tướng Rơve (Revers) tới đặt vòng hoa trước mộ chiến sĩ vô danh tại Khải hoàn môn và ký tên vào Sổ Vàng của khu lưu niệm.

11 giờ, Người đi đặt vòng hoa trước mộ binh sĩ Đông Dương chết trong Chiến tranh thế giới thứ nhất tại nghĩa trang Nôgiăng xuya Mácnơ (Nogent sur Marne), ngoại ô Pari. Đón người tại đây có Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariuýt Mutê. Vòng hoa của Người mang dòng chữ: “Hồ Chí Minh ai điếu các chiến sĩ Việt Nam”. Người nói với kiều bào có mặt tại đó, đại ý: Người Việt Nam phải đoàn kết làm cho nước nhà hoàn toàn vinh quang, sánh vai với các nước trên thế giới, xây dựng hạnh phúc cho Tổ quốc, cho nhân loại để khỏi phụ lòng những người đã vì nước thiệt mạng. Người chết đã vậy, còn các kiều bào ở Pháp nên xử sự thế nào để người Pháp hiểu biết và quý mến mình.

13 giờ 15, Người cùng ông J.Xanhtơny đi dự tiệc chiêu đãi do Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariuýt Mutê tổ chức tại Khách sạn Grisông (Grichon), cùng dự còn có Bộ trưởng Varen (Varenne) - cựu Toàn quyền Đông Dương. Sau buổi tiệc, Người cùng J.Xanhtơny tham quan Cung điện Vécxây.

20 giờ 30, Người dự buổi dạ hội do Chính phủ Pháp tổ chức tại rạp Ôpêra, nhà hát lớn nhất và nổi tiếng nhất của Pari và nước Pháp. Cùng dự có Thủ tướng Gioócgiơ Biđôn và phu nhân.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 48-51.

Tháng 7, ngày 4

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nữ phóng viên báo Les Etoiles và một số phóng viên các báo khác.

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ông J.Xanhtơny viếng mộ liệt sĩ bị phát xít Đức bắn trên đồi Valêriêng (Valérien). Người xúc động nói: “Trông thấy nghĩa sĩ Pháp vì độc lập và tự do mà bị người Đức tàn sát, lại nghĩ đến nghĩa sĩ Việt cũng vì độc lập, tự do mà cũng bị người khác tàn sát, khiến cho người ta thêm nỗi cảm động, ngậm ngùi. Quyền độc lập, tự do ở nước nào cũng vậy, đều do xương máu của các nghĩa sĩ và sự đoàn kết của toàn quốc dân mà xây nên. Vậy nên, những người chân chính yêu chuộng độc lập, tự do của nước mình, thì cũng phải kính trọng độc lập, tự do của dân tộc khác”.

11 giờ, Người đến thăm Khách sạn Anhvaliđơ (Hotel des Invalides), nơi dùng làm Bảo tàng Quân đội. Lão tướng Rốt (Rotz), Giám đốc Bảo tàng cùng đội quân danh dự ra đón chào, hướng dẫn Người xuống thăm mộ danh tướng Pháp Napôlêông Bônapáctơ (Napoléon Bonaparte).

12 giờ 30, Người về đến Khách sạn Roayan Môngxô.

13 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ông J.Xanhtơny đi dự tiệc chiêu đãi do Đô đốc Đácgiăngliơ mời tại Khách sạn Rítz (Ritz). Cùng dự có cả những nhân vật từng là quan chức cao cấp ở Đông Dương như hai cựu Toàn quyền Đông Dương A.Varen và A.Xarô.

17 giờ, Người dự cuộc đón tiếp chính thức do Hội đồng thành phố Pari tổ chức tại Toà Thị chính. Đô đốc Đácgiăngliơ chủ toạ buổi lễ. Cùng dự có các ông Mariuýt Mutê, A.Varen, J.Xanhtơny và nhân dân Pari. Đáp lại

lời chào mừng của ông Thị trưởng Pari Vécnhon (Vergnolles), Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn nhân dân Pari và ông Thị trưởng đã dành cho Người sự đón tiếp trọng thể và thân mật. Người nói đại ý: Người bao giờ cũng yêu mến Thủ đô nước Pháp, nơi thâu góp những tinh hoa trí thức và văn hoá mà hiện nay vẫn đang có sức hấp dẫn đối với Việt Nam. Người kính trọng nhân dân Pari, những người luôn luôn phấn đấu cho những tư tưởng độ lượng bao dung và cấp tiến. Dân tộc Việt Nam cũng đang ra sức phấn đấu để bảo vệ và thực hiện những lý tưởng nhân dân Pari hằng theo đuổi...

Trước khi ra về, Người viết lưu niệm vào cuốn Sổ Vàng của thành phố.

20 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi Thủ tướng Gioócgiơ Biđôn, các bộ trưởng, các vị giữ trọng trách trong Quốc hội Pháp và các tướng lĩnh. Chủ khách thân mật chuyện trò. Tới tận nửa đêm, tiệc mới tan.

Cùng ngày, Người gửi điện chúc mừng Philíppin tuyên bố Độc lập 2). Điện mừng có đoạn:

"Nhiều dân tộc khác không may mắn bằng Phi Luật Tân 3) còn đang tranh đấu chống đế quốc để giành quyền độc lập. Nhưng hết thảy các dân tộc cũng đã trải qua những nỗi đau đớn chung, rồi đây sẽ liên hợp với nhau để tiến tới một nền hoà bình lâu bền và một nền dân chủ chân chính.

Nước Việt Nam quốc gia tự do, mong mỏi sự hợp tác đó sẽ thành công rực rỡ."

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Diễn văn của Hồ Chí Minh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (bản đánh máy tiếng Pháp).

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 51-56.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 269.

Tháng 7, ngày 5

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên Camben (Campbell), đại diện báo New York Times.

9 giờ 30, Người tiếp Đoàn nghị sĩ Angiêri đến chào mừng và tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam.

10 giờ 30, Người tiếp ông bà thân sinh ra thiếu tá Mỹ Điuây đã chết tại Đông Dương.

12 giờ 15, Người dự bữa cơm trưa do ông bà Rôxenphen (Rosenfeld) 4) mời. Cùng dự có cựu Thủ tướng Lêông Blum (Léon Blum) và nghị sĩ Quốc hội Luyxi (Lussy).

17 giờ, Người tiếp nhà báo Bácbê Raymông đến thăm.

18 giờ, Người tiếp đoàn đại biểu nhóm nghị sĩ trong Liên đoàn dân chủ Angiêri đến thăm và trao đổi về vấn đề Liên hiệp Pháp.

20 giờ, Người tiếp các đại biểu Tổng Liên đoàn lao động Pháp và Tổng thư ký Liên đoàn lao động thế giới. Các đại biểu thông báo Liên đoàn lao động thế giới đã công nhận Công đoàn Việt Nam là hội viên.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 57-60.

Tháng 7, ngày 6

Hội nghị Pháp - Việt khai mạc tại Phôngtennơblô, Chủ tịch Hồ Chí Minh là thượng khách của Chính phủ Pháp nên không tham dự Hội nghị.

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp số anh em tuỳ tùng để thảo chương trình làm việc trong tuần lễ tới (tiếp đón, chiêu đãi, tham quan).

11 giờ, Người tiếp tướng Giăngtilom đến chào mừng.

13 giờ, Người mời cơm sáu đại biểu Công giáo Việt Nam ở Pari, một nhà khảo cổ Việt kiều tại Brúcxen (Bruxelles, Bỉ). Ông bà Nguyễn Mạnh Hà cũng có mặt trong buổi tiếp.

19 giờ 30, cơm chiều xong, Người cùng ba anh em tuỳ tùng đi xem phim tại rạp “Abbé Grégoire”. Bộ phim nhan đề: “Người đàn ông đội mũ tròn”.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 60-63.

Tháng 7, ngày 7

13 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và mời cơm tướng Raun Xalăng cùng em trai và con trai. Người nói về nạn đói, nạn dốt ở Việt Nam, đồng thời cũng nói về lòng hăng hái, hy sinh của nhân dân ta trong việc tiễu trừ hai nạn đó và những tệ nạn xã hội khác như rượu chè, thuốc phiện, thói xa hoa lãng phí.

21 giờ, Người dự Hội pháo hoa của nhân dân thành phố Vécxây tổ chức chào mừng Người.

23 giờ 30, Người về đến khách sạn.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 64-65.

Tháng 7, ngày 8

6 giờ 40, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm vườn Lúcxămbua, nhưng chưa đến giờ mở cửa. Người tranh thủ đến thăm Phái đoàn đàm phán Việt Nam ở Khách sạn Xanhtơ Annơ.

13 giờ, Người mời cơm thân mật ông bà Maran (Maranne), cựu Chủ tịch quận Xen; ông Côxtơ (Cost), nghị sĩ Quốc hội; vợ chồng nhà văn Lêô Pônđét và ông bà Nguyễn Mạnh Hà.

16 giờ, Người dự tiệc trà do ông bà Đô đốc Mítxốp (Missoffe) mời.

21 giờ, Người mời cơm Phái đoàn đàm phán Pháp và Việt Nam.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 65-66.

Tháng 7, ngày 9

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Tơrivơ (Trive), Giám đốc Nhà máy Xi măng và Nhà máy Điện, nước ở

Bắc Bộ.

9 giờ, Người tiếp ông bà Xaravan (Saravanne), nghị sĩ người Ấn Độ trong Quốc hội Pháp đến thăm.

15 giờ, Người tiếp tướng Lơbri (Lebry) đến thăm.

19 giờ, Người dự tiệc trà do ông bà J.Xanhtơny mời. Cùng dự có hai đoàn đại biểu Việt - Pháp.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 66.

Tháng 7, ngày 10

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo Clôđơ Bécna 5) (Claude Bernard) đến chào.

9 giờ 30, Người tiếp phóng viên Mỹ Rốt (Roth) đến phỏng vấn.

13 giờ, Người mời cơm ông bà J.Xanhtơny, bà thân sinh ra ông J.Xanhtơny và A.Xarô - nguyên Toàn quyền Đông Dương.

15 giờ, Người tiếp Luật sư Báptixtơ (Baptiste) đến thăm.

20 giờ 30, Người tiếp và mời cơm 12 nhà tư bản, trong đó có các ông Tumiarơ (Thoumyre), Tơrivơ và một số chuyên gia Pháp về kinh tế Việt Nam. Hai bên nói chuyện về phương thức hợp tác Pháp - Việt trong tương lai.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 66-67.

Tháng 7, ngày 11

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phóng viên báo Le Monde và một số Việt kiều.

9 giờ, Người tiếp đại biểu Công đoàn các nhà giáo Pháp, cùng trao đổi về nền văn hoá Việt Nam và văn hoá Pháp, hai bên đều mong muốn Việt Nam mau chóng độc lập và hợp tác bình đẳng, thân thiện.

13 giờ, Người tiếp và mời cơm tướng Gioăng.

18 giờ, Người dự buổi đón tiếp do Hội hữu nghị Pháp - Việt 6) tổ chức tại dinh Tơrôcađêrô. Sau lời chào mừng của ông Giuýtxtanh Gôđa, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt và Nhà bác học - bà J.Quyri, Người đã phát biểu:

“Tôi không tìm cách giấu nỗi cảm động của tôi trong lúc này. Tôi thật sự sung sướng quá chừng, nhận được dấu hiệu cụ thể của tình thân thiện của nước Pháp. Nỗi sung sướng này không gì mạnh bằng, có lẽ trừ nỗi vui sướng khi tôi được chào mừng một ngày gần đây, sự thực hiện chính thức tinh thần thân thiện giữa hai dân tộc chúng ta (...). Các ngài cũng nhận thấy rằng lòng mong ước mạnh nhất của tôi, sự quan tâm nhất của nước Cộng hoà Việt Nam, nguyện vọng tha thiết của dân tộc Việt Nam là thực hiện được tình thân thiện Pháp-Việt. (...) Nước Pháp của cuộc Đại cách mạng 1789, nước Pháp của cuộc kháng Đức, của cuộc giải phóng, đã tượng trưng hơn bao giờ hết lý tưởng tự do, dân chủ. Và nước Việt Nam chiến đấu giành độc lập chỉ là theo những lý tưởng dân chủ mà dân tộc Pháp là người tiên phong".

Cùng dự buổi gặp mặt, phía Pháp có đại biểu Chính phủ như Bộ trưởng Gay, Bộ trưởng Tôrê, Bộ trưởng Tilông, các đại biểu trí thức như Ph.Giuốcđanh, Aragông, bà V.Vayăng Cutuyariê, ông bà Quyri (Curie)..., ngoài ra còn có đại biểu giới báo chí, các nghị sĩ thuộc địa trong Quốc hội Pháp. Phía Việt Nam có Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng cùng các thành viên trong đoàn đàm phán tại Hội nghị Phôngtennơblô.

19 giờ 30, Người đến dùng cơm tại nhà một kiều bào.

20 giờ 45, Người đến thăm ông Mariuýt Mutê.

22 giờ 30, Người đến gặp và trao đổi với Thủ tướng Gioócgiơ Biđôn tại Ke Đoócxay (Quai d’Orsay), đến 24 giờ mới về.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 67-69.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 270-271.

- Bài diễn văn của Hồ Chủ tịch, bản đánh máy tiếng Pháp, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 7, ngày 12

9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các trí thức Việt kiều đến chào, trong đó có các ông Trần Hữu Tước, Trần Bá Huy... Các bác sĩ, dược sĩ Việt kiều bày tỏ ý định mở xưởng bào chế thuốc để giúp anh em trong nước sang du học tại Pháp. Người khen ngợi và căn dặn, đại ý: Bây giờ Chính phủ còn nghèo, các cán bộ cao cấp còn làm việc không hưởng lương nên không giúp gì được về tài chính. Vậy dù to hay nhỏ cũng nên lập xưởng nhưng phải tính toán chu đáo. Sau đó, Người cùng anh em chụp ảnh kỷ niệm.

13 giờ, Người ăn cơm trưa với ông bà Giuýtxtanh Gôđa.

18 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu các báo Pháp và báo nước ngoài. Người tuyên bố lập trường của Việt Nam tại Hội nghị Phôngtennơblô là:

1- Việt Nam đòi quyền độc lập. Độc lập nhưng không phải là tuyệt giao với Pháp, mà ở trong Liên hiệp Pháp, vì như thế lợi cho cả hai nước. Về mặt kinh tế và văn hoá, Việt Nam vui lòng cộng tác với Pháp.

2- Việt Nam tán thành Liên bang Đông Dương, với Cao Miên 7) và Ai Lao 8) nhưng quyết không chịu có Chính phủ Liên bang.

3- Nam Bộ là một bộ phận của nước Việt Nam. Không ai có quyền chia rẽ, không lực lượng nào có thể chia rẽ.

4- Việt Nam sẽ bảo hộ tài sản của người Pháp. Nhưng người Pháp phải tuân theo luật lao động của Việt Nam và Việt Nam giữ quyền mua lại những sản nghiệp có quan hệ đến quốc phòng.

5- Nếu cần đến cố vấn thì Việt Nam sẽ dùng người Pháp trước.

6- Việt Nam có quyền phái đại sứ và lãnh sự đi các nước.

Người khẳng định lại một lần nữa quan điểm của Chính phủ Việt Nam về vấn đề Nam Kỳ: "Nam Kỳ là đất Việt Nam. Đó là thịt của thịt Việt Nam, máu của máu Việt Nam" và nói tiếp: "Tôi tin nước Pháp mới. Tôi có gặp nhiều người Pháp hữu trách, họ đều hiểu chúng tôi. Về phần chúng tôi, chúng tôi rất thực thà. Chúng tôi mong rằng người khác cũng thật thà với chúng tôi. Chúng tôi quyết không chịu hạ thấp chúng tôi. Mà chúng tôi cũng không hạ thấp nước Pháp. Chúng tôi không muốn đẩy người Pháp ra khỏi Việt Nam. Nhưng chúng tôi nói với họ: Các người hãy phái đến nước chúng tôi những kỹ sư, những nhà khoa học, những vị giáo sư, phái đến những người họ biết yêu chuộng chúng tôi. Nhưng chớ phái qua những người muốn bóp cổ chúng tôi.

Việt Nam cần nước Pháp. Nước Pháp cũng cần Việt Nam. Chỉ có lòng tin cậy lẫn nhau và sự cộng tác thật thà bình đẳng, thì mới đi đến kết quả thân thiện giữa hai nước".

Trong cuộc họp báo này, Người đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo.

Một nhà báo hỏi: Nếu Nam Kỳ từ chối không sáp nhập vào Việt Nam, Chủ tịch sẽ làm như thế nào? Người nói:

"Nam Kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi, tại sao Nam Kỳ lại không muốn ở trong đất nước Việt Nam? Người Baxcơ (Basques), người Brơtôn (Breton) không nói tiếng Pháp mà vẫn là người Pháp. Người Nam Kỳ nói tiếng Việt Nam, tại sao lại còn nghĩ đến sự cản trở việc thống nhất nước Việt Nam?".

20 giờ, Người mời cơm các ông Lêông Blum, Rôxenphen, Luyxi.

Cùng ngày, Người gửi thư cho Chính phủ Pháp phản kháng việc quân đội Pháp chiếm đóng Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội và chiếm đóng Tây Nguyên.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 69-71.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 272-273.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.196-199.

Tháng 7, ngày 13

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp kiều bào đến thăm.

13 giờ, Người dự cơm trưa do Đô đốc Bácgiô (Barjot) mời.

15 giờ 15, Người tiếp và trả lời phỏng vấn của bà Rôxenphen, đại diện báo Phụ nữ. Người nêu lên truyền thống anh hùng, đảm đang của phụ nữ Việt Nam và quyền lợi cho họ: bình đẳng như nam giới, có quyền ứng cử và bầu cử vào cơ quan chính quyền.

16 giờ 30, Người tiếp phóng viên tuần báo Grégvire.

20 giờ, Người dùng cơm với gia đình ông Bộ trưởng Quốc phòng E.Misơlê (Michelet).

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 72-73.

Tháng 7, ngày 14

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ Quốc khánh lần thứ 157 của Pháp.

Trưa, Người viết thư cảm ơn Thủ tướng Pháp. Trong thư có đoạn: “Trong lúc mà nhân dân Pháp và nhân dân Việt Nam đương tìm cách để thực hành sự cộng tác thật thà và thân thiện, ngày 14 tháng 7 lại càng có ý nghĩa đặc biệt đằm thắm cho hai nước chúng ta”.

21 giờ, Người đến Nhà thờ Xacrê Cơ (Sacré Coeur), (công trình kiến trúc rất nổi tiếng của Pháp xây dựng từ năm 1876 trên đồi Môngmáctơrơ), để cùng dân chúng ngắm kinh thành Pari trong đêm pháo hoa mừng ngày Quốc khánh.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 73-74.

Tháng 7, ngày 15

6 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạo chơi trong rừng Bulônhơ.

12 giờ, Người về thăm quê của Lêô Pônđét, cách Pari 30 km, theo lời mời của gia đình nhà văn. Khi qua quê hương ông J.Đagherơ (J.Daguèrre), người phát minh ra máy chụp ảnh, đại biểu dân làng ra đón và cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lời làm Hội trưởng danh dự của Hội kỷ niệm ông J.Đagherơ.

15 giờ, Người từ biệt gia đình nhà văn Lêô Pônđét về Pari.

17 giờ, Người tiếp và trả lời phỏng vấn của một số phóng viên.

21 giờ, Người cùng ông Phạm Văn Đồng và một số đại biểu trong Phái đoàn Việt Nam dự mít tinh do kiều bào ta tổ chức tại Cung Muytuyalitê (Palais des Mutualités). Có khoảng hơn 2000 người tới dự. Người tặng Việt kiều lá cờ Việt Nam và một bài thơ, khuyên kiều bào đoàn kết, ủng hộ Tổ quốc và Chính phủ.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 74-77.

Tháng 7, ngày 16

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Luật sư M.C. Blôngcua.

10 giờ, Người đi xem triển lãm nhà ở của người Mỹ tại Cung điện lớn (Grand Palais).

11 giờ, Người xem triển lãm tranh và đồ thêu, thăm lại ngôi nhà số 7 ngõ Côngpoăng.

16 giờ, Người tiếp và trả lời phỏng vấn của bà Xôniê Côranhtơ (Saunier Corinthe), đại biểu tuần báo l'Action.

20 giờ, Người mở tiệc chiêu đãi các vị chánh, phó công an cục trưởng, chánh, phó cảnh sát trưởng và đại biểu binh lính, cảnh sát, công chức để cảm ơn họ đã bảo vệ và giúp đỡ Người từ khi đến Pháp.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 77-78.

Tháng 7, ngày 17

10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng J.Xanhtơny, Mítxốp, ông bà Hentơrích, anh em tuỳ tùng, những người hộ vệ và hai thiếu nhi Việt kiều đi thăm vùng Noócmăngđi (Nordmandie).

16 giờ, đoàn nghỉ tại Khách sạn Noócmăngđi, thăm bãi biển Puốcvin (Pourville), Cuaxơnen (Coursenelles) và bãi biển Avrăngsơ (Avranches), nơi quân Đồng minh đổ bộ năm 1944.

Tối, đoàn đến làng Enhơvin (Aignervilles) và nghỉ tại nhà ông J.Xanhtơny.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 78-80.

Tháng 7, ngày 18

7 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các thầy giáo và hơn 20 học sinh của làng Enhơvin đến chào mừng. Sau đó, Người đi xem bãi biển Grigơvin (Grigueville).

10 giờ, Người đến thị trấn Xanh Lô, nơi bị chiến tranh tàn phá tới 95%, cách Grigơvin 35 km. Sau đó, đoàn thăm Vilơbôcagiơ (Villersbocage), Tiery Háccua (Thiery Harcourt), Phalăngđơ (Falandes)... đều là những nơi trước kia phồn thịnh nhưng nay tan hoang vì bom đạn.

12 giờ, Người đến Lơ Panh ô Navrơ (Le Pin au Navre), thăm Nông trường nuôi ngựa giống của Chính phủ.

16 giờ, Người rời Nông trường, về tới Pari lúc 18 giờ.

19 giờ, Người đi ăn cơm khách do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Môrít Tôrê mời.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 80-82.

Tháng 7, ngày 19

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và cùng ăn sáng với nữ văn sĩ Ximon Tiery (Simonne Thiery).

10 giờ, Người tiếp và trả lời phỏng vấn của ông Rôxenphen về Hội nghị Phôngtennơblô.

17 giờ, Người tiếp bác sĩ Bubiêng (Bơutbien) đến thăm.

20 giờ, Người cùng ba đại biểu trong phái đoàn dự tiệc trà do Bộ trưởng Quân khí Tilông mời.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 82.

Tháng 7, ngày 20

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Rămbê (Rember), phóng viên báo Franc - Tireur.

10 giờ 30, Người tới thăm gia đình Nhà bác học J.Quyri (Joliot Curie).

11 giờ 30, Người đến thăm ông Ph. Giuốcđanh - Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp-Việt.

13 giờ, Người mời cơm ông bà Đuymen-Bộ trưởng Lễ tân, ông bà Pơti.

17 giờ, Người tiếp nhà tư bản Côblăng (Coblentz).

20 giờ, Người tiếp Đoàn đại biểu phụ nữ các giới đến thăm, có các bà Đô đốc Bácgiô, bà Giáo sư Lănggiơvanh (Langgervin), bà Gôđa (vợ ông Chánh hội trưởng Hội hữu nghị Pháp-Việt), bà Phó Chủ tịch Quốc hội Braun, bà Giáo sư Giôliô Quyri, bà Xanhtơni, bà vợ Bộ trưởng Tilông...

Cùng ngày, Người gửi điện về Chính phủ Việt Nam: “Uỷ ban Chính trị họp, vấn đề ngoại giao là đầu đề của bản thuyết trình của ông Banhđê (Bindet). Thái độ của Pháp tiến bộ hơn ở Hội nghị Đà Lạt. Vấn đề ngoại giao đã giao cho một tiểu ban xét rồi sẽ đem ra thảo luận tại Uỷ ban Chính trị hôm thứ ba, 23. Đã nhận được điện văn và các điện văn trước. Ở đây mấy hôm nay không có tin tức gì ở bên nước nhà” 9).

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 83-84.

- Báo Cứu quốc, số 308, ngày 2-8-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 274.

Tháng 7, ngày 21

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu ban biên tập báo Le Canard Enchainé.

10 giờ, Người tiếp đại biểu thanh niên tham dự Đại hội Thanh niên thế giới tổ chức tại Pari và nói chuyện về thanh niên Việt Nam.

13 giờ, Người tiếp và mời cơm ông Lôrăngti (Laurentie), Chánh văn phòng Bộ nước Pháp hải ngoại.

15 giờ, Người tiếp nhà văn Liên Xô Ilia Êrenbua (Ilia Erhenbourg) đến thăm.

15 giờ 15, Người cùng đại biểu quân sự các nước Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc dự ngày Hội Quân giới Pháp tại sân bay Vilacublay (Villacoublay) theo lời mời của Bộ trưởng Hàng không Pháp Tilông.

20 giờ, Người mời cơm Đô đốc Lơmonniê (Lemonnier), tướng Rơve (Revers), Đô đốc Bácgiô, Valanh (Valin)...

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 84-86.

Tháng 7, ngày 22

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một số chị em Việt kiều đến thăm.

10 giờ, Người tiếp một cố đạo người Âu sắp sang Việt Nam để theo dõi tình hình giáo dục của Nhà chung.

12 giờ, Người tiếp nhà báo Đanien Ghêranh (Daniel Guérin).

15 giờ, Người tiếp Rôxenphen.

17 giờ, Người nhận một máy vô tuyến truyền hình do ông Luydê (Luizet), Trưởng Ty Công an gửi đến.

20 giờ, Người tiếp nhân viên cao cấp sứ quán Trung Hoa đến chào.

22 giờ, Người cùng nhân viên trong đoàn xem phim ở rạp Montparnasse chiếu bộ phim "Ngày hội thể thao ở Mátxcơva".

Cùng ngày, Người gửi thư cho Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariuýt Mutê, thông báo sẽ về nước vào thượng tuần tháng 8 - 1946. Người tỏ ý tiếc rằng: “Nếu nước Pháp không thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, đó sẽ là một thiệt hại cho nước Pháp và cho cả nước Việt Nam nữa. Song đối với nước Pháp, sự thiệt thòi sẽ là vĩnh viễn, còn đối với Việt Nam, thất bại đau đớn của sự hợp tác mà Việt Nam mong muốn sẽ buộc chúng tôi chỉ còn biết trông vào sức của mình mà thôi, để tìm cách thoả mãn những nguyện vọng của nhân dân mình...”.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 86-87.

- Viện quan hệ quốc tế Bộ Ngoại giao: Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1990, tr.108.

Tháng 7, ngày 23

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và cùng ăn sáng với nhà báo Pháp Đuyxa (Dussart).

10 giờ, Người tiếp Giáo sư Pôn Muýt (Paul Mus).

13 giờ, Người mời cơm J.Xanhtơny và đoàn tuỳ tùng.

15 giờ, Người đi xem "Nhà trưng bày người bằng sáp" 10).

20 giờ, Người cùng Bộ trưởng Mariuýt Mutê dự bữa cơm chiều do J.Xanhtơny mời.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 88.

Tháng 7, ngày 24

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Luật sư Phan Nhuận, đến thăm.

9 giờ, Người đi thăm ông Bộ trưởng Pie Cốt (Pierre Cot).

10 giờ, Người đến thăm Chủ tịch Quốc hội Pháp

V. Ôriôn vừa mổ mắt.

11 giờ, Người thăm Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp

J. Đuyclô.

13 giờ, Người mời nhà tư bản Côblăng và một đại diện báo đối lập để giải thích rõ thiện chí của Việt Nam.

15 giờ, Người làm việc với Phái đoàn Việt Nam.

18 giờ, Người đến thăm ông bà Brắccơ (Braque), đảng viên Đảng Xã hội Pháp, và ông Báptixtơ.

Cùng ngày, nhiều báo Pháp đã đăng trả lời phỏng vấn của Hồ Chí Minh về mối quan hệ chính trị, kinh tế, quân sự và văn hoá giữa Việt Nam và Pháp. Người nói: “Nước Pháp thừa nhận Việt Nam độc lập, và cùng chúng tôi gây mối quan hệ mới trên cái nền tin cậy và tự do, thì nước Pháp sẽ thấy danh dự của mình, tinh thần của mình và áp lực của mình ở Việt Nam thêm nhiều lắm. Mà như thế thì vững vàng, chắc chắn hơn là lấy chiến tranh hoặc sức mạnh hoặc tham mưu, để ép chúng tôi ký điều ước này, điều ước nọ”.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 88-91.

- Báo Cứu quốc, số 427, ngày 6-10-1946.

Tháng 7, ngày 25

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp bác sĩ Blăngtơrơ (Blantreux), đến chào.

10 giờ, Người tiếp ông Brắccơ.

13 giờ, Người đi ăn cơm khách do ông Rôxenphen mời.

16 giờ, Người đến gặp ông Lêông Blum.

20 giờ, Người tiếp và mời cơm ông Tumiarơ (Thoumyre), Tổng thư ký Hội Kinh tế Pháp - Đông Dương.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 91-92.

Tháng 7, ngày 26

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Phôngtennơblô. Quan chức thành phố và đại biểu của hai phái đoàn ra đón Người.

13 giờ, Người đến Khách sạn Aigle Noir, dùng cơm với một số đại biểu của hai phái đoàn.

15 giờ, Người thăm nơi ở và nơi làm việc của hai Phái đoàn đàm phán Việt Nam và Pháp. Sau đó, Người cùng Phái đoàn Việt Nam ra bãi cỏ ngồi chơi, chụp ảnh, kể chuyện.

19 giờ 40, Người lên đường về Pari.

Cùng ngày, báo La Liberté đăng bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn phóng viên báo này. Người nêu nhiệm vụ cấp bách của cách mạng Việt Nam là diệt giặc đói và giặc dốt; mong muốn xây dựng mối quan hệ Việt - Pháp thật thà bình đẳng, bởi vì, “Nước Pháp cần đến chúng tôi. Chúng tôi cũng cần đến nước Pháp. Vấn đề chính là nước Pháp làm thế nào mua được tấm lòng của 20 triệu dân Việt Nam tự do. Muốn như vậy thì không nên tìm cách “lừa gạt” chúng tôi, không nên sinh chuyện lôi thôi vô ích”.

Cũng cùng ngày, báo Cứu quốc, số 302 đưa tin: Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa gửi điện về cho Chính phủ, báo tin đã nhận được 1,5 triệu phrăng của đồng bào ta ở Numêa (Nouméa) (thuộc Tân Đảo) gửi về giúp Tổ quốc.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 92-95.

- Báo Cứu quốc, số 302, ngày 26-7-1946.

Tháng 7, ngày 27

7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm anh em lính thợ Việt Nam ở Tốccơvilơ (Tocqueville) và Đigalơ (Digalle). Người đến mà không báo trước. Sau khi đi thăm phòng ăn, phòng ngủ, Người nói chuyện với mọi người, khuyên anh em phải thương yêu, đùm bọc, đoàn kết và luôn luôn hướng về Tổ quốc.

10 giờ, Người tiếp các ông Bécna (Becnard), Rôbe Đănggiê (Robert Danger), Phêluýt (Félut) đại diện các báo Le Canard Enchainé France Soir.

12 giờ, Người gặp Thủ tướng Gioócgiơ Biđôn tại Ke Đoócxay.

15 giờ, Người tiếp một số Việt kiều đến thăm.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb. Hà Nội, 1995, tr. 100-101.

Tháng 7, ngày 28

10 giờ 30, nhận lời mời của ông bà Raymông Ôbrắc (Raymond Aubrac), cựu Uỷ viên Cộng hoà ở Mácxây, nghị sĩ Quốc hội Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về ở tại gia đình ông bà ở 190 đường Pari, Xoadi xu Môngmôrăngxi (Soisy sous Montmorency), quận Xen ê Oarơ (Seine et Oire) 11) cách Pari 10 km.

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 7, ngày 29

Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ ở nhà. Người đọc sách báo, nói chuyện với ông bà chủ nhà và các cháu nhỏ trong gia đình.

16 giờ, Người nhận lời mời của Chính phủ Pháp, dự khai mạc Hội nghị Hoà bình của 21 nước Đồng minh, họp tại Điện Luýchxămbua (trụ sở của Thượng nghị viện).

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân chủ nhật, ngày 20-5-1990.

Tháng 7, ngày 30

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dạo trong rừng Môngmôrăngxi.

12 giờ 30, Người tới dự bữa cơm cùng gia đình đại tá Bécna. Cùng dự có ông Piát (Piat), chủ bút báo Le Combat. Ông Bécna đã biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh cuốn sách quý viết về Đông Dương.

15 giờ 15, Người về Khách sạn Roayan Môngxô nghỉ.

16 giờ, Người tiếp ông bà Raymông Guyô (Raymond Guyot), đến thăm tại Khách sạn.

17 giờ, Người đến thăm Bộ trưởng Mariuýt Mutê.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 7, ngày 31

11 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đô đốc Muydơliê (Muselier).

16 giờ, Người tới thăm bà Ăngđrê Viôlít (André Violis) 12).

17 giờ, Người tới thăm Giáo sư Lănggiơvanh, một nhà khoa học nổi tiếng.

19 giờ, Người dự tiệc do Mác Ăngđrê mời tổ chức tại nhà.

Cùng ngày, Người còn tiếp phóng viên báo Le Combat, dự sinh nhật của ông Raymông Ôbrắc và tặng ông bức hoạ “Mẹ con” của nghệ sĩ Vũ Cao Đàm tặng Người.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 434, ngày 13-12-1946.

- Báo Nhân dân chủ nhật, số 8, ngày 18-2-1990.

Khoảng tháng 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần gặp gỡ Phera Ápba (Ferhat Abbas), nghị sĩ Angiêri, tại quán cơm Risơliơ, phố Risơliơ (Richelieu).

- Thông báo tin tức, ngày 2-8-1946 (nguồn riêng của Chính phủ Pháp).

- Henri Azeau: Ho Chi Minh, Dernière chance, Flammarion, Paris, 1968, p.189.

_________________________

1) Nguyên văn tiếng Hán: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân".

2) Ngày 4 tháng 7 năm 1946, Philíppin đã tuyên bố độc lập sau khi được Hoa Kỳ trao trả chủ quyền quốc gia.

3) Phi Luật Tân: Philíppin (BT).

4) Rosenfeld là nhà báo nổi tiếng, chỉ đạo 20 tờ báo ở các tỉnh của Pháp. Vợ ông là luật sư, cả hai người đều nhiệt tình ủng hộ phong trào đòi độc lập của Việt Nam.

5) Clôđơ Bécna nguyên là đại tá quân đội Pháp ở Việt Nam từ lâu, lúc đó đã gần 80 tuổi nhưng vẫn mạnh khoẻ. Ông là người hiểu rõ Việt Nam và rất ủng hộ phong trào độc lập của Việt Nam.

6)Hội hữu nghị Pháp-Việt do những người Pháp có danh tiếng đứng ra tổ chức để ủng hộ Việt Nam độc lập. Các hội viên không chia đảng phái, tôn giáo, giai cấp. Ai đồng tình với Việt Nam là được vào Hội.

7) Cao Miên: Campuchia (BT).

8) Ai Lao: Lào (BT).

9) Tính đến ngày 20-7-1946, Chính phủ Việt Nam đã gửi sang cho Phái đoàn ta ở Pháp 52 bức điện, nhưng ta chỉ nhận được 10 bức.

10) Ở đây người ta lấy sáp nặn thành tượng những người có danh tiếng. Tượng to bằng người thật, áo quần cũng thật, xem giống như hệt.

11) Một quận cũ của Pháp, có thị trấn là Phôngtennơblô.

12) Nhà báo nổi tiếng, đã sang Việt Nam điều tra về tội ác của thực dân Pháp. Sau khi về nước bà đã viết cuốn Đông Dương kêu cứu.

* Năm 1946 - Tháng 8

NĂM 1946

Tháng 8, ngày 1

9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà văn Lui Cuxtếch (Louis Custex).

11 giờ 30, Người tiếp đại tá công binh Phataxâyny (Fattaceiny), người phụ trách lính thợ Việt Nam tại Pháp.

20 giờ, Người tiếp và mời cơm ông Ph. Bi-u.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh

háng 8, ngày 2

9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo chuyên nghiên cứu về kinh tế Phlơri (Fleury) đến phỏng vấn tại Xoadi.

10 giờ 30, Người tiếp và trả lời phỏng vấn của ông Vương - nhà báo Trung Hoa.

11 giờ 30, Người tiếp nhà văn Clôđơ Móocgăng (Claude Morgan) - chủ bút báo Lettres Francaises.

12 giờ 30, Người tiếp nghị sĩ Đảng Xã hội Ăngbry (Anbry) đến thăm.

15 giờ, Người thăm cựu Thủ tướng E.Êriô (E.Herriot), người của Đảng Cấp tiến xã hội chủ nghĩa.

16 giờ, Người thăm tướng Lơcléc tại Khách sạn Continental, Bộ Quốc phòng.

17 giờ, Người tiếp Luật sư, nghị sĩ Quốc hội Pháp Lamin Grây (Lamine Grey), người da đen xứ Xênêgan (Sénégal).

18 giờ, Người thăm Tổng bộ Đảng Xã hội Pháp. Tổng thư ký Đanien Maye (Daniel Mayer) đã đón tiếp Người.

20 giờ, Người đi xem hát tại Rạp Grăng Ghinhôn (Grand Guignol).

23 giờ 30, Người về nhà ở Xoadi.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh

Tháng 8, ngày 3

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đuyxa (Dussart).

11 giờ 30, Người đến thăm ông Buyrê Xtibiô (Buré Stibio), chủ bút báo Lordre 1).

15 giờ 30, Người thăm Giáo sư Baxtít (Bastid), cựu đảng viên Đảng Xã hội Pháp.

17 giờ, Người tới thăm Giáo sư Rivê (Rivet) ở Tơrôcađêrô.

20 giờ, Người thăm ông Buxkê (Bousquet), đại biểu trong Phái đoàn Pháp tại Hội nghị Phôngtennơblô.

Cùng ngày, Người tiếp các ông Phạm Văn Đồng, Dương Bạch Mai, Lôrăngti và Đaxchiê đến thăm.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh

- Báo Cứu quốc, số 436, ngày 15-12-1946.

Tháng 8, ngày 4

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu kiều bào và các cháu thiếu nhi đến thăm.

10 giờ, Người tiếp tướng Moóclie sắp sang thăm Việt Nam thay tướng Valuy.

16 giờ 30, Người đến thăm gia đình ông Lêông Blum ở Giôny ăng Giôxa (Jony en Jossas), ngoại ô Pari.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh

- Báo Cứu quốc, số 436, ngày 15-12-1946.

Tháng 8, ngày 5

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu Việt kiều đến thăm.

16 giờ, Người tới thăm ông Vanhxăng Ôriôn.

17 giờ 30, Người đến thăm Giáo sư Êmin Can (Emile Cahn), Chủ tịch Hội Nhân quyền Pháp.

18 giờ 30, Người đến thăm ông Luyxi, đảng viên Đảng Xã hội, nghị sĩ Quốc hội Pháp.

Cùng ngày, Người gặp Thủ tướng Gioócgiơ Biđôn để hội đàm nhằm giải quyết sự bế tắc của Hội nghị Phôngtennơblô.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh

- Báo Cứu quốc, số 311, ngày 5-8-1946.

Tháng 8, ngày 6

16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của Sácbonniê (Charbonnier), phóng viên báo L'ordre.

21 giờ 30, Người đến thăm đại sứ và ngoại trưởng Trung Hoa dân quốc.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 7

11 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Nhóm văn hoá mácxít Pháp.

13 giờ, Người tiếp và mời cơm cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Đaxchiê đơ la Vinhơri.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 8

10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bộ trưởng Mariuýt Mutê, tướng Pelê (Pellet) làm việc trong Bộ nước Pháp hải ngoại.

13 giờ, Người tiếp và mời cơm nhà báo Cuatađơ (Courtade).

16 giờ, Người lại đi gặp ông Mariuýt Mutê.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 9

11 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Viện Bảo tàng Ghimê (Guimet) theo lời mời của ông Xtécnơ, Giám đốc Viện.

12 giờ, Người đến thăm Tổng thư ký Đảng Cộng hoà bình dân Môrixơ Suman (Maurice Schuman) tại trụ sở.

16 giờ, Người tiếp ông Giăng Bêđen (Jean Bédel), phóng viên báo Libération.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 10

18 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến trụ sở Đảng Cộng sản Pháp thăm Môrixơ Tôrê và Giắc Đuyclô...

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh

- Báo Cứu quốc, số 439, ngày 18-12-1946.

Tháng 8, ngày 11

14 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lâu đài Săngtili (Chantilly).

16 giờ, Người tiếp J.Xanhtơny.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh

Tháng 8, ngày 12

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và nói chuyện với Phái đoàn Việt Nam và Việt kiều.

14 giờ, Người thăm trại trẻ tại làng Noadi Lơ Grăng (Noisy Le Grand).

Cùng ngày, Người trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Le Combat về vụ xung đột ở Bắc Ninh 2). Người nói: “Về việc này tôi khó nói vì tôi chưa nhận được những tin tức đích xác, rõ ràng. Ý kiến của tôi là mặc dầu trách nhiệm về bên nào, vụ xung đột ấy cũng rất đáng tiếc. Tôi rất buồn nghe thấy nói có nhiều người Pháp và người Việt Nam chết trong vụ đó”.

Về Hội nghị Phôngtennơblô, Người khẳng định: “Hội nghị chỉ có thể gián đoạn chứ không thể tan vỡ được. Tôi sẽ không khởi hành trước khi chúng ta có thể đi tới một sự thoả thuận”.

Trả lời phỏng vấn của Giăng Bêđen, phóng viên báo Libération, Người nói: “Tôi không đặt điều kiện cho việc nối lại cuộc Hội nghị ở Phôngtennơblô”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Mariuýt Mutê. Thư viết:

“Thưa Ngài Bộ trưởng và các bạn thân mến,

1. Điều trước tiên là chúng ta cần làm dịu đầu óc những người Pháp và những người Việt Nam.

2. Để đạt được mục đích đó, chúng ta cần làm cho cả hai bên hiểu rõ những cái mà họ có thể giành được.

3. Những vấn đề mà người Pháp cũng như người Việt Nam tha thiết nhất, đó là vấn đề độc lập dân tộc và vấn đề Nam Bộ.

Vì thế, rất thẳng thắn và trung thực, tôi xin phép Ngài được đưa ra đề nghị kèm theo đây.

Còn về vấn đề tiếng Pháp, chúng tôi đồng ý rằng trên bình diện Liên bang Đông Dương, tiếng Pháp sẽ là tiếng nói chính thức. Nhưng ở Việt Nam thì tiếng Pháp không thể bị áp đặt là một ngôn ngữ bắt buộc.

Về những vấn đề khác, tôi sẽ vui lòng thảo luận trực tiếp với Ngài trên cơ sở bản ghi nhớ tôi đã gửi đến Ngài.

Tôi chắc chắn rằng, với thiện ý chung và sự tin cậy lẫn nhau, chúng ta sẽ rất nhanh chóng đi đến một sự thoả thuận có lợi cho cả hai dân tộc chúng ta.".

- ĐH. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, bản sao lư­u tại Viện Hồ Chí Minh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Henri Azeau: Ho Chi Minh, Dernière chance, Flammarion, Paris, 1968, p.192.

- Bản sao bức thư, có bút tích của Hồ Chí Minh, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 275-276.

Tháng 8, ngày 13

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp ông Hoè.

10 giờ 30, Người đi thăm bà Xtécnơ (Stern).

16 giờ, Người tiếp ông Sáclơ Rôngsắc (Charles Ronsac), phóng viên báo Franc-Tireur. Trả lời phỏng vấn của nhà báo, Người tuyên bố: "Tôi không muốn trở về Hà Nội tay không. Tôi muốn khi trở về nước sẽ đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể với sự cộng tác chắc chắn mà chúng tôi mong đợi ở nước Pháp.

Nước Việt Nam không chịu trách nhiệm về các cuộc xung đột đã xảy ra. Cần phải tạo nên bầu không khí thuận lợi cần thiết cho cuộc cộng tác Việt-Pháp. Muốn thế cần phải làm yên lòng người Việt Nam cũng như người Pháp. Về phần chúng tôi, chúng tôi quyết định bảo đảm cho nước Pháp những quyền lợi tinh thần, văn hoá và vật chất, nhưng trái lại, nước Pháp phải bảo đảm nền độc lập của chúng tôi.".

17 giờ, Người tiếp một nghị sĩ người da đen tên là Êphôni (Efoni).

18 giờ, Người tiếp và mời cơm A.Mácty.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng chí Môrítx Tôrê. Bức thư có đoạn:

Đồng chí thân mến,

Ngài mai, thứ tư, Hội đồng Chính phủ sẽ thảo luận vấn đề Đông Dương.

Số phận Việt Nam tuỳ thuộc nhiều vào cuộc thảo luận đó.

Vì thế, tôi yêu cầu đồng chí mời tất cả các đồng chí Bộ trưởng của chúng ta 3) đến dự phiên họp của Hội đồng.

Hôm qua, tôi đã gặp ông Bộ trưởng Thuộc địa và đã nói với ông ta rằng, trước hết chúng ta phải giải quyết hai vấn đề chính là Độc lập và Nam Bộ.

Ông ấy đã đề nghị tôi đưa ra một công thức khả dĩ có thể thông qua từ “Độc lập” một cách dễ dàng.

Xin đính theo đây bức thư và đề nghị mà tôi đã gửi cho Bộ trưởng Thuộc địa ngày hôm qua”.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Báo Franc-Tireur, ngày 15-8-1946.

- Báo Cứu quốc, số 322, ngày 17-8-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 277-279.

- Bản sao bức thư, có bút tích của Hồ Chủ tịch, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 14

13 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và mời cơm nghị sĩ Quốc hội Pháp Săngbơrông (Chanberron) và Thị trưởng vùng Xoadi.

16 giờ, Người tiếp J.Xanhtơny.

17 giờ, Người tiếp tướng Pelê.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 15

9 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tham quan Xitê Giácđanh (Cité Jardin), thăm các khu nhà mới xây cho dân chúng thuê với giá rẻ ở quận Xen ê Oarơ...

13 giờ 30, Người dùng cơm với gia đình ông Bôlanh (Bollin).

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện về nước chỉ thị sửa đổi Chương trình kỷ niệm ngày 19-8, để phần duyệt binh và tiếp khách nước ngoài đến ngày chào mừng Độc lập 2-9.

9 giờ 45, Người tiếp Bộ trưởng Y tế Pháp Rơnê Áctô (René Arthaud).

13 giờ, Người tiếp và mời cơm tướng Pelê cùng phu nhân.

15 giờ 30, Người đến bệnh viện thăm bà Ôba (Aubar).

17 giờ 30, Người tiếp Rơnê Đuyxa (René Dussart), phóng viên tờ Lettres Françaises, người đã từng sang Việt Nam.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 323, ngày 18-8-1946.

Tháng 8, ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng ngày Độc lập của Inđônêxia. Bức điện có đoạn: "Chúng tôi rất mong rằng vì hai dân tộc chúng ta cùng chịu đựng một thống khổ, cùng chiến đấu để giành độc lập, có thể cộng tác với nhau chặt chẽ hơn bao giờ hết để thực hiện hoà bình và dân chủ ở miền Đông Nam châu Á".

7 giờ 15, Người đi Compienhơ (Compiègne) đặt vòng hoa tại Đài liệt sĩ nhân kỷ niệm ngày Kháng chiến của Pháp.

10 giờ 30, Người trở về nhà.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh

- Báo Cứu quốc, số 322, ngày 17-8-1946

Tháng 8, ngày 18

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm ông Đờ Pirây (De Pirey).

11 giờ, Người làm việc với ông Phạm Văn Đồng.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

Tháng 8, ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được điện của Chính phủ ta chúc sức khoẻ và bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Người.

13 giờ, Người tiếp và mời cơm ông Lôrăngti.

16 giờ, Người tiếp ông J.Xanhtơny.

17 giờ, Người tiếp ông Ghêriph (Guériff), phóng viên báo Le Monde.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Báo Cứu quốc, số 324, ngày 21-8-1946.

Tháng 8, ngày 20

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp các ông Hoè, Lương, Nhân.

10 giờ, Người tiếp các nhà tư bản Pháp: Côblăng, Ghênô (Guéneau) - những người có cổ phần trong Công ty than Hòn Gai.

10 giờ 30, Người gặp Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariuýt Mutê. Người nhấn mạnh việc cần phải tổ chức nhanh chóng cuộc trưng cầu dân ý, phải có một cơ quan hỗn hợp Việt - Pháp chuẩn bị cho cuộc tổ chức và kiểm soát khi bỏ phiếu. Người nhắc lại lập trường của Việt Nam: nước Pháp phải công nhận nước Việt Nam độc lập và Việt Nam đảm bảo cho nước Pháp những quyền lợi kinh tế và văn hoá.

11 giờ 30, Người gặp Tơrivơ - Giám đốc Nước và điện Đông Dương.

20 giờ, Người đi xem phim tại rạp Ôbécvilliê (Aubervilliers) trên đường Săng Êlidê (Champs Elysée).

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 325, ngày 22-8-1946.

Tháng 8, ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công hàm cho Chính phủ Pháp nêu vấn đề hai bên Pháp - Việt cần trở lại tiếp tục cuộc đàm phán chính thức ở Hội nghị Phôngtennơblô 4).

13 giờ, Người đi ăn cơm khách do Bộ trưởng Mariuýt Mutê mời.

15 giờ, Người đến thăm một trường quay điện ảnh.

17 giờ, Người tiếp phóng viên báo Librération, J.Bêđen (J.Bédel).

18 giờ, Người thăm ông A.Varen.

19 giờ, Người đi thăm ông J.Xanhtơny.

20 giờ 30, Người về nhà ở Xoadi.

- Báo Cứu quốc, số 326 và 327, ngày 23 và 24-8-1946.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh

Tháng 8, ngày 22

16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bộ trưởng Quốc phòng Ê. Misơlê.

17 giờ, Người tiếp ông Labruke (Labrouquère). Sau đó, Người sửa chữa bài diễn văn sẽ đọc nhân dịp Quốc khánh Việt Nam 2-9 tổ chức tại Pháp.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh

Tháng 8, ngày 23

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các ông Wang và Liou.

13 giờ, Người tiếp và mời cơm ông G.Mutê (Gustave Moutet).

15 giờ, Người tiếp các đại biểu của phong trào yêu nước châu Phi thuộc Pháp và ông Métxali Hátgi, thủ lĩnh Đảng Quốc dân Angiêri.

17 giờ, Người tiếp cụ Ph.Giuốcđanh (F.Jourdain) và cô Gila (Gilard) - thư ký Hội hữu nghị Pháp - Việt.

19 giờ, Người tiếp ông Pinhông 5), cố vấn của ông Đácgiăngliơ.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh

Tháng 8, ngày 24

10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Le Combat.

11 giờ 30, Người tiếp ba đại biểu của Hội Liên hiệp Thanh niên Cộng hoà Pháp.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh

Tháng 8, ngày 25

10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp bác sĩ Radơta (Raseta), chiến sĩ kiên cường chống chủ nghĩa thực dân của Mađagaxca đến thăm.

13 giờ, Người mời cơm ông bà Rôxenphen (Rosenfeld), phóng viên báo Le Populaire.

22 giờ đến 24 giờ, Người tiếp bà Útman (Woodman), đại biểu lao động và một phóng viên người Anh.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 26

10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Pơtitugơnanh (Petithuguenin), nhà tư bản kiêm chủ đồn điền ở Đông Dương, đến thăm.

11 giờ 30, Người tiếp Cố vấn văn hoá Bâye (Bayer) sắp sang Việt Nam làm Uỷ viên Văn hoá.

17 giờ, Người đi thăm ông R.Suman (R.Schuman), Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh

Tháng 8, ngày 27

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm ông Đơprơ (Depreux), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp.

17 giờ, Người làm việc với ông Hoàng Minh Giám.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh

Tháng 8, ngày 28

13 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cơm ông bà Kedê (Kaiser) trong Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp.

15 giờ 30, Người đến thăm ông Tengiăng (Teltgen), Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

16 giờ, Người đến thăm ông T.Prêgiăng (T.Prégent), Bộ trưởng Bộ Canh nông Pháp.

17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm ông J.Môs (J.Moch), Bộ trưởng Bộ Giao thông và Thương mại Pháp.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh

Tháng 8, ngày 29

9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Lôrăngti (Laurentie).

11 giờ, Người đến thăm ông Nagiơlăng (Nagelen), Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp.

11 giờ 45, Người đến thăm ông Ph.Gay, Bộ trưởng trong Chính phủ Pháp.

13 giờ, Người đến thăm và dùng cơm tại nhà ông Bécna, chủ bút báo Le Canard Enchainé.

16 giờ 30, Người đến thăm ông Ph.Bi-u (F.Billoux), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Pháp.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh

Tháng 8, ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện về nước nhắc nhở đồng bào đoàn kết, hết sức tránh va chạm với người Pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc nói chuyện giữa Phái đoàn ta và Phái đoàn Pháp.

13 giờ, Người mời cơm đại tá Bôna (Bonard).

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Henri Azeau: Ho Chi Minh, Dernière chance, Flammarion, Paris, 1968, p.206.

Tháng 8, ngày 31

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện ông Nêru, chúc mừng Chính phủ lâm thời Ấn Độ. Bức điện viết: "Tôi rất sung sướng được tin Chính phủ Ấn Độ tự do đầu tiên đã thành lập.

Thay mặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tôi gửi lời mừng và chúc ông những sự tốt lành nhất. (...) Tôi yêu cầu ông chuyển đạt cho nhân dân nước Ấn Độ mới những cảm tình nồng nàn và lòng đoàn kết cảm thông của nhân dân Việt Nam".

13 giờ, Người mời cơm các ông M.Businê (Bouchinet) và Xerơn (Serreules), thư ký Hội nghị 21 nước Đồng minh.

15 giờ 30, Người mở tiệc trà mời đại biểu Đoàn Thanh niên Pháp.

20 giờ, Người mời cơm M.Gulơvíc (M.Gullevic) và Blốc (Bloch). Sau đó, Người nghe ngâm thơ kháng chiến và xem một đoạn phim về hoạt động của Người tại Pháp.

- Báo Cứu quốc, số 333, ngày 31-8-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 281.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

______________________________________________

1) Báo này thường viết bài công kích Việt Nam. Sau cuộc gặp gỡ này, thái độ của Buyrê Xtibiô đã thay đổi, có nhiều bài đăng sát thực hơn ủng hộ Việt Nam.

2) Ngày 3-8-1946 xảy ra vụ xung đột giữa quân đội Pháp và dân quân ở Bắc Ninh, mọi việc đang dàn xếp thì ngày 4-8, bốn máy bay của Pháp đã ném bom xuống Bắc Ninh, làm chết và bị thương nhiều người.

3) Những Bộ trưởng là đảng viên cộng sản trong Chính phủ Pháp.

4) Bức Công hàm trả lời của Chính phủ Pháp có đoạn: “... Những sự khác nhau quá sâu xa giữa hai quan điểm về những vấn đề cơ bản làm cho Hội nghị không họp được, vì có họp cũng không đi đến kết quả nào”.

5) Trong buổi gặp này, Pinhông trình bày quan điểm chính thức của Chính phủ Pháp là hạn chế quyền lợi của Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, Việt Nam phụ thuộc vào Pháp.

* Năm 1946 - Tháng 9

NĂM 1946

Tháng 9, ngày 1

17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp kiến ông Hisinien, phóng viên báo Trung Hoa ở Hội nghị 21 nước Đồng minh, đến thăm.

18 giờ, Người tiếp ông bà M. Tơrivơ (M.Trives) cùng con gái đến thăm.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 2

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự Lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Hội liên hiệp Việt kiều và Hội hữu nghị Pháp - Việt tổ chức ở nhà Pleyel tại Pari, có hơn 3000 người dự. Cùng dự có Trưởng đoàn đàm phán Phạm Văn Đồng, ông Phan Nhiên, đại biểu Hội Việt kiều, ông Lunet, đại biểu Tổng Công hội Pháp, ông Pranics Jourdain, ông Bayet, bà Andree Violis... đại biểu Hội Pháp-Việt, đại diện cho Bộ trưởng Hải ngoại và nhiều đại biểu Cônggô, Mađagátxca...

Người bày tỏ tình cảm nhớ thương Tổ quốc, đồng bào, đặc biệt là đồng bào Nam Bộ, Người khuyên nhủ Việt kiều sống trên đất Pháp cần tranh thủ sự cảm tình, sự giúp đỡ của nhân dân Pháp đối với nước Việt Nam.

Trong diễn văn, Người đánh giá cao vai trò của mối quan hệ Việt - Pháp và hy vọng nước Pháp thành thật đáp lại thiện chí của Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất của Việt Nam, tạo điều kiện cho Việt Nam được đóng góp vào sự vĩ đại của Liên hiệp Pháp, vào việc thiết lập và duy trì hoà bình và dân chủ trên thế giới, bên cạnh Liên hợp quốc.

Sau buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên Hãng Thông tấn Pháp AFP và nhiều báo khác về hiện tình cuộc đàm phán Việt - Pháp. Trong đó, Người nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn rằng ngày giờ và cách thức trưng cầu dân ý ở Nam Bộ sẽ được quyết định mau chóng... Tôi có hy vọng to. Tôi luôn luôn lạc quan. Tôi tin vào nước Pháp mới. Chúng ta có thể nghe nhau, vì chúng ta cần giúp lẫn nhau. Vì quyền lợi của hai dân tộc, mà chúng ta nên có sự thoả thuận, càng mau càng tốt, để chúng ta cùng nhau cộng tác một cách thiết thực. Tôi muốn gấp về nước, để đem lại cho nhân dân Việt Nam tấm lòng thân thiện của nước Pháp".

Cùng ngày, Người nhận được thư của Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariuýt Mutê, trong đó ông đánh giá cao sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp.

- Bản sao bài diễn văn, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 336 và 338, ngày 5 và ngày 8-9-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 282-286.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thông tin tư liệu, số 9, tháng 9 năm 2005, tr. 9-10.

Tháng 9, ngày 3

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Misen Moranh (Michel Morin), phóng viên báo Le Populaire.

13 giờ, Người mời cơm ông M. Côpô (M. Copeau), đại biểu Phong trào thống nhất Cộng hoà Pháp trong Quốc hội, và ông A. Bácgiê (A. Barget), đại biểu của Hội hữu nghị Pháp - Việt.

18 giờ, Người đi thăm ông Bộ trưởng Mariuýt Mutê.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 4

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Laxuy, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp.

13 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và mời cơm các ông: Vanrimông (Valrimont), nghị sĩ Cộng sản trong Quốc hội; Phơrăngxi (Frenci); Luynê (Lunet), đại biểu Tổng liên đoàn Lao động Pháp.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

Tháng 9, ngày 5

13 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và mời cơm ông Bécna và Phêluýt, chủ bút báo Le Canard Enchainé và báo France Soir.

15 giờ 30, Người tiếp ông J.Xanhtơny.

17 giờ, Người tiếp một số nhà báo Ấn Độ và bác sĩ Xanilơ Gôsơ (Saniles Ghosh) đến thăm.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 6

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông M.Pive (M.Pivert) và ông Capuyt (Caput), đại biểu phái tả trong Đảng Xã hội Pháp đến thăm.

11 giờ 30, Người tiếp ông Pátmo (Padmore), đại biểu của phong trào yêu nước của các nước châu Phi nói tiếng Anh và đại biểu tổ chức Liên Phi.

13 giờ, Người tiếp và dùng cơm với ông bà thiếu tá Rôvanen (Rovanel) và ông Molaray (Mollaray), đại diện Văn phòng của ông Ph.Bi-u.

17 giờ, Người tiếp bà Giăngxông (Jeanson), con gái ông Pelê tới thăm.

19 giờ, Người mở tiệc chiêu đãi hai phái đoàn đàm phán Pháp, Việt.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời Công hàm của Chính phủ Pháp (trao ngày 6-9-1946). Người bày tỏ hy vọng sẽ nhanh chóng đi tới những thoả thuận không chính thức ngoài hội nghị, định ra những điều kiện mà hai bên đều có thể chấp nhận được và phá tan tình thế có thể sẽ xảy ra xung đột đang bao trùm Đông Dương, nhất là ở miền Nam Việt Nam.

10 giờ, Người tiếp ông Luythi (Luthy), nhà báo Thuỵ Điển.

13 giờ, Người tiếp và mời cơm ông Negrơ (Negre), Giám đốc Hãng Thông tấn Pháp AFP và ông Noócgiăng (Norgen), người sắp sang Việt Nam.

16 giờ, Người tiếp ông Mác Ăngđrê tới thăm.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 340, ngày 9-9-1946.

Tháng 9, ngày 8

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp trung uý Mỹ Uyslơ (Wechsler) và chị Kim Vy (Việt kiều).

16 giờ, Người mở tiệc trà và nói chuyện với đại biểu Việt kiều các giới đến thăm.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 9

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn tuỳ tùng lại dọn về ở Khách sạn Roayan Môngxô.

11 giờ 30, Người đến thăm tướng Gioăng.

17 giờ 30, Người đến thăm Giáo sư Rivê (Rivet).

21 giờ, Người đi xem phim.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 10

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Ph.Giuốcđanh (F.Jourdain).

10 giờ, Người tiếp bà Sáctơrét (Chartrette), phóng viên báo Tribune des Nations.

11 giờ, Người tiếp và ký vào ảnh chân dung tặng bà Giăngxông (Jeanson).

14 giờ, Người tiếp ông Mácxen Phuốcniê (Marcel Fournier), Giám đốc báo Franc-Tireur.

17 giờ, Người tiếp ông J.Xanhtơny.

18 giờ, Người tiếp ông Lâusvinh (Lochwing), phóng viên Hãng Thông tấn Mỹ UP, đến thăm.

19 giờ, Người tiếp Rôbớt Uynxơn (Robert Wilson), phóng viên Hãng Thông tấn AP, đến thăm.

21 giờ, Người tiếp chuyện ba Việt kiều đến 23 giờ.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 11

9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp trung uý Mỹ Uyslơ.

10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh được trung uý Uyslơ đưa tới phòng ghi âm Lời tuyên bố với nhân dân Mỹ. Người nói: “Giữa chúng tôi (Việt Nam - Pháp) không có mâu thuẫn thực sự. Những bất đồng của chúng tôi chỉ như những bất đồng nhỏ của một gia đình mà thôi”. Về vấn đề Nam Bộ, Người yêu cầu phía Pháp:

1- Chấm dứt mọi tuyên truyền thiếu thiện chí ở Nam Kỳ.

2- Thả hết tù chính trị Việt Nam ở Nam Kỳ.

Người tỏ ý hy vọng trong vòng 5 đến 6 tháng tới sẽ có thể nối lại đàm phán trong bầu không khí hữu nghị.

11 giờ, Người tiếp bà Repơ (Repper) và bà Bấttơphin (Butterfield), nghị sĩ Quốc hội Mỹ.

11 giờ 45, Người đến thăm Đại sứ quán Mỹ tại Pari.

13 giờ, Người tới dự tiệc chiêu đãi do Bộ trưởng Mariuýt Mutê tổ chức.

16 giờ, Người dự tiệc trà với Uỷ ban lãnh đạo Đảng Xã hội Pháp.

18 giờ, đại diện Đại sứ quán Mỹ đến chào đáp lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khách sạn.

20 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc do ông Đavít Xenxăngben (Davit Selsenben), Giám đốc Trạm phát thanh của Mỹ mời.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 344, ngày 13-9-1946.

Tháng 9, ngày 12

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà Bộ trưởng Mariuýt Mutê cùng ăn sáng.

10 giờ, Người tiếp gia đình ông Raymông Ôbrắc đến chơi.

11 giờ, Người tiếp Uỷ ban lãnh đạo Đảng Cộng hoà tự do (P.R.L).

13 giờ, Người mời cơm bà Ăngđrê Viôlít và ông bà J.Quyri.

17 giờ, Người mời những người đã giúp Phái đoàn Việt Nam trong thời gian ở Pháp dự tiệc trà.

18 giờ 30, Người tiếp ông bà Côblăng.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho kiều bào Việt Nam ở Pháp, cám ơn kiều bào đã bày tỏ thái độ ủng hộ Chính phủ và Người, đã quyên tiền và thuốc men giúp Tổ quốc. Bức thư có đoạn:

"Lòng thân ái đó rất là quý, chúng tôi rất cảm động và cám ơn. Nay tôi và Phái bộ sắp trở về nước, chúng tôi gửi lời chào và khuyên tất cả anh chị em kiều bào:

1- Phải triệt để đoàn kết,

2- Ra sức tuyên truyền và ủng hộ bằng mọi phương diện cho Tổ quốc,

3- Thực hành khẩu hiệu ĐỜI SỐNG MỚI: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH,

4- Mỗi người cần thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho cuộc xây dựng nước Việt Nam mới.".

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 287.

Tháng 9, ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các phóng viên báo Pháp tại Khách sạn Roayan Môngxô. Người tỏ ý thất vọng vì mục đích chính của phái đoàn đàm phán là độc lập cho Việt Nam và vấn đề Nam Bộ đều chưa được giải quyết. Nhưng Người nhận thấy thái độ thân thiện thành thực của Chính phủ và dân chúng Pháp đối với việc hàn gắn quan hệ hợp tác giữa hai dân tộc Pháp, Việt và hy vọng cuộc đàm phán sẽ được nối lại trong tương lai không xa và tin tưởng Hội nghị sẽ góp phần đem lại hoà bình cho thế giới.

12 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyên góp cho Hội Pháp - Mỹ số tiền 3000 phrăng.

Cùng ngày, bài viết Lục quân ngày nay với các thứ binh khí (ký bút danh Q.Th.) của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc, số 344. Tác giả phân tích tầm quan trọng của lục quân bao gồm bộ binh, kỵ binh, pháo binh, công binh trong chiến tranh và những loại vũ khí cần áp dụng cho các binh chủng đó để đạt hiệu xuất chiến đấu cao.

Cũng trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi kiều bào ta ở Pháp. Nguyên văn bức thư:

"VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Pari, ngày 13-9-1946

Đồng bào thân mến,

Đoàn đại biểu của chúng ta lên đường về nước trên tàu Paxtơ. Chúng tôi sẽ đi trong hai ngày tới, trên chiến hạm Đuymông Đuyếcvin:

Trong những ngày ở Pháp, Chính phủ và nhân dân Pháp đã tiếp đãi chúng tôi, những đại biểu của một dân tộc anh em, với sự trang nghiêm và tình cảm. Chúng tôi rất cám ơn.

Vì những lý do khó khăn, Hội nghị Phôngtennơblô cũng chưa đi tới kết quả như chúng ta mong muốn. Tuy vậy, một bước đi lớn đã đạt được: con đường đã được dọn sạch làm thuận lợi cho những cuộc thương thuyết sẽ tiến hành trong một vài tháng tới giữa Chính phủ ta và Chính phủ Pháp. Hơn nữa, nhân dân Pháp và toàn thế giới biết rõ hơn về đất nước chúng ta. Đấy là một tiến bộ lớn.

Đồng bào thân mến của tôi,

Đồng bào trông đợi nhiều ở nước Pháp mới. Nay, các đại biểu và Chủ tịch của đồng bào trở lại nước nhà không mang lại độc lập dân tộc, không có quyết định cuối cùng về vấn đề Nam Bộ. Đồng bào có thể vì thế mà thất vọng. Cần biết rằng tương lai của một đất nước không thể xây dựng trong một vài tháng.

Nhìn vào những hội nghị quốc tế khác kéo dài nhiều tháng trước khi đi đến kết quả.

Hãy tin vào lực lượng chúng ta và sự kiên quyết của chúng ta.

Hãy tin vào nước Pháp mới, người bảo vệ độc lập của các dân tộc và nền dân chủ.

Trong khi chờ đợi họp lại Hội nghị Phôngtennơblô đi tới kết quả vững chắc, đồng bào phải làm gì?

Toàn thể nhân dân ta phải ra sức làm việc.

Chúng ta phải ra sức tăng gia sản xuất.

Chúng ta phải ra sức bảo vệ hoà bình và trật tự.

Chúng ta phải ra sức tạo nên một không khí hữu nghị giữa người Pháp và chúng ta.

Chúng ta phải ra sức thực hiện "Đời sống mới".

Như thế, chúng ta sẽ họp mặt lại trong lần sau.

Chào thân ái và tạm biệt.

HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà".

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 344 và 346, ngày 13 và 15-9-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 288-292.

- Báo Nhân Dân cuối tuần, số 6 (523), ngày 1-7-1999. Nguyên văn bằng tiếng Pháp, Nguyễn Thành sưu tầm và dịch.

Tháng 9, ngày 14

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Vương, nhà báo Trung Hoa.

11 giờ, Người tới thăm Đại sứ quán Trung Hoa tại Pari.

17 giờ, Người đi gặp Bộ trưởng Mariuýt Mutê để thảo luận thêm về quan hệ giữa Việt Nam với Pháp trong tương lai.

18 giờ, Người đến gặp Thủ tướng Gioócgiơ Biđôn.

19 giờ 45, Người về đến khách sạn.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Henri Azeau: Ho Chi Minh, Dernière chance, Flammarion, Paris, 1968, p.212.

- Báo Cứu quốc, số 347, ngày 16-9-1946.

Tháng 9, ngày 15

0 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi gặp Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariuýt Mutê, thống nhất những điều đã thoả thuận giữa hai người, sau đó cùng ký vào bản Tạm ước28.

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp bà Ricon (Ricol), phóng viên báo Phụ nữ Pháp đến thăm.

11 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện với một số phóng viên các báo Tribune des Nations, L'Humanité, Cité des PopulairesThông tấn Pháp AFP.

13 giờ, Người mời cơm bảy đảng viên Đảng Xã hội Pháp.

16 giờ, Người nhận lại văn bản Tạm ước 14-9 do ông Métxme (Messer) mang lại. Buổi gặp này có ông Hoàng Minh Giám. Sau đó, Người đã gửi điện cho Chính phủ Việt Nam: "Bản thoả hiệp tạm thời (Modus vivendi) đã ký ngày 14-9 với Chính phủ Pháp. Bản sao sẽ gửi về bằng máy bay. Gửi lời chào thân ái Cụ Huỳnh, các nhân viên trong Chính phủ, Quốc hội và đồng bào toàn quốc.".

17 giờ 30, Người tới Đài phát thanh Pari, và qua Đài, Hồ Chí Minh nói lời tạm biệt với nhân dân Pháp trước khi rời nước Pháp. Người thành thực cảm ơn Chính phủ cùng nhân dân Pháp, và một lần nữa bày tỏ những tình cảm của mình với các bạn Pháp, hy vọng Hội nghị Việt-Pháp sẽ sớm được nối lại và sẽ đi tới sự thoả thuận mà hai bên mong muốn để tình thân thiện Việt-Pháp trong tương lai ngày càng bền chặt.

19 giờ 20, Người tiếp ông bà Xanhtơny đến chào từ biệt.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 384, ngày 17-9-1946.

- Văn kiện Đảng 1945-1954, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978, t.I, tr. 256-260.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 293-295.

Tháng 9, ngày 16

3 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đi nghỉ.

5 giờ, Người dậy để chuẩn bị ra ga xe lửa lên đường về nước.

6 giờ 30, Người tới Khách sạn Xanhtơ Annơ gặp ông Dương Bạch Mai.

8 giờ 05, chuyến xe lửa đặc biệt chở Hồ Chí Minh chuyển bánh rời Pari đi Mácxây. Ra tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh có các ông Bộ trưởng trong Chính phủ Pháp, các nghị sĩ Quốc hội và rất đông quan khách, có cả người nước ngoài, cùng với gần nghìn kiều bào ta tại Pháp. Người nói với Việt kiều về ý nghĩa của bản Tạm ước 14-9, và căn dặn đồng bào: Đoàn kết, kỷ luật, thi hành đúng mệnh lệnh của Chính phủ, tránh hành động khiêu khích, tranh thủ tình cảm của các bạn Pháp. Trước khi tàu chuyển bánh, Người còn ngó đầu qua cửa sổ vẫy chào như muốn nói với kiều bào: “Tôi đi nhưng ý nghĩ của tôi bao giờ cũng vẫn gần gũi đồng bào”.

21 giờ 15, Người đến Mácxây. Đông đảo nam nữ kiều bào đã đợi sẵn ở ga đón tiếp. Người bước xuống, nói chuyện với kiều bào chừng mươi phút. Đêm nay, Người và anh em trong đoàn ngủ đêm trên xe lửa đặc biệt có đủ phòng khách, phòng ngủ rất lịch sự và được cảnh sát canh phòng rất cẩn mật.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 348, ngày 17-9-1946.

- Henri Azeau: Ho Chi Minh, Dernière chance, Flammarion, Paris, 1968, p.212.

- Lê Kim: Bác Hồ tiếp xúc với nhà báo phương Tây, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 124.

Tháng 9, ngày 17

Sau bữa ăn sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các quan chức sở tại đến chào và trả lời phỏng vấn của phóng viên báo La Marseillaise.

8 giờ 20, Người đi đặt vòng hoa tại mộ chiến sĩ vô danh. Lúc về, Người tiếp đại biểu các báo địa phương, cảm ơn nhân dân Pháp đã đón tiếp Người và đùm bọc công nhân, binh lính Việt Nam tại Pháp.

9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trại Môngtêlima (Montélimar) và trại Magácki (Magarqui) gần Mácxây, nơi tập trung hơn 3.000 lính thợ Việt Nam và Đông Dương, giải thích cho anh em rõ tình hình khó khăn của Việt Nam về sách lược của Chính phủ ta đối với nước Pháp và yêu cầu mọi người hãy bình tĩnh trước thoả hiệp mang tính sách lược này 1). Người nói: "Hội nghị Phôngtennơblô tuy không thành, nhưng là một thắng lợi của Phái đoàn Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Không thành, nhưng Hội nghị Phôngtennơblô là một thắng lợi của nhân dân ta, thắng lợi của toàn thể nhân dân yêu chuộng hoà bình ở khắp thế giới.

Thay mặt Chính phủ và Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do toàn dân bầu cử, tôi khuyên kiều bào là công việc chính trị để cho những người chuyên môn giải quyết, kiều bào hãy cố gắng chăm lo học lấy một cái nghề tinh xảo để góp vào việc kiến thiết quốc gia. Đất nước chúng ta cần đến những người con có nghề nghiệp tinh xảo.

Tôi nhắc lại một ý mà kiều bào đã biết là nước ta như người có ruộng mà không có thóc, nước Pháp là người có thóc mang sang trồng ở ruộng ta, đến vụ gặt hái đem ra chia đôi, hai bên cùng có lợi, có phải như thế không? Kiều bào hiểu chưa?".

Người còn gửi Thư cho Việt kiều ở Pháp bày tỏ quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ nền độc lập thống nhất cho đất nước:

"Hỡi toàn quốc đồng bào,

Phái bộ ta đã lên tầu Pasteur về nước. Tôi cũng sẽ về trên chiếc tầu binh Đuymông Đuyếcvin (Dumont - d'Urville). Trong lúc chúng tôi ở Pháp, Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp chiêu đãi chúng tôi một cách thân thiện và long trọng xứng đáng với một nước hữu bang. Chúng tôi rất cám ơn. Vì điều kiện khó khăn mà Hội nghị Phôngtennơblô chưa có kết quả như chúng ta mong đợi. Tuy vậy đã có tiến bộ ít nhiều. Nó dọn đường cho cuộc hội nghị giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ ta trong tháng giêng sắp đến. Hơn nữa, nó làm cho nhân dân Pháp và thế giới biết rõ nước ta hơn trước. Đó là một sự tiến bộ lớn lao!

Hỡi đồng bào yêu quý!

Trước kia chúng ta trông mong nhiều ở nước Pháp mới. Ngày nay chúng tôi trở về nước chưa mang lại quyền Độc lập và chưa giải quyết vấn đề Nam Bộ vì thế có lẽ đồng bào lấy làm thất vọng.

Nhưng chúng ta phải biết rằng tương lai của một đất nước không thể xây dựng trong mấy tháng mà xong.

Trong các hội nghị thế giới họp tháng này qua tháng khác mà cũng chưa được bao nhiêu kết quả!

Ta phải tin vào lực lượng của ta và lòng kiên quyết của ta. Ta hãy tin vào nước Pháp mới, nó là tiên phong của nền độc lập và sự dân chủ của các dân tộc.

Trong khi chờ đợi Hội nghị Phôngtennơblô tiếp tục, ta cần phải làm những việc gì.

Toàn thể quốc dân chúng ta phải nỗ lực làm việc.

Chúng ta phải ra sức tăng gia sản xuất; chúng ta phải giữ gìn trật tự.

Chúng ta phải gây một không khí thân thiện giữa người Pháp và người Việt chúng ta.

Chúng ta phải thực hiện đời sống mới.

Như thế thì chúng ta sẽ thành công sau này!

Lời chào thân ái

Ký tên Hồ Chí Minh

Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà."

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi cùng xe với J. Xanhtơny đi tiễn Người từ Mácxây đi hải cảng Tulông (Toulon). Tại Tulông, Người dự tiệc với Phó thuỷ sư đô đốc Lambe (Lambert), tướng Oócly (Orly), Quận trưởng Va, Quận phó quận Tulông và ông J.Xanhtơny trên chiến hạm Đuymông Đuyếcvin, - con tàu sẽ đưa Người về nước.

- Nhật ký làm việc của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp, Đỗ Đình Thiện ghi, bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Báo Cứu quốc, số 350, ngày 19-9 và số 351, ngày 20-9-1946.

- Henri Azeau: Ho Chi Minh, Dernière chance, Flammarion, Paris, 1968, p.212.

- Lê Kim: Bác Hồ tiếp xúc với tình báo phương Tây, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 124-125.

- Tạp chí Xưa và Nay, số 263, tháng 7-2006, tr. 10-11.

Tháng 9, ngày 18

Sáng, tại Tulông, ông J. Xanhtơny chào từ biệt Hồ Chí Minh.

Từ quân cảng Tulông, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn tuỳ tùng cùng với một số trí thức Việt kiều tình nguyện về nước như bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Phạm Quang Lễ 1).... rời nước Pháp trên chiến hạm Đuymông Đuyếcvin, kết thúc chuyến đi thăm Pháp của Người kéo dài bốn tháng.

Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên chiến hạm. Ba mươi lăm năm trước, Người từ bến cảng Nhà Rồng rời Tổ quốc trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville) đi tìm đường cứu nước với thân phận một thuỷ thủ, một phụ bếp. Hôm nay, từ Pháp trở về, Người cũng đi đường biển, nhưng là vị nguyên thủ quốc gia của một nước độc lập.

- Lê Kim: Bác Hồ tiếp xúc với tình báo phương Tây, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 127-128.

- Trần Đương: Hai chuyến đi lịch sử của Bác Hồ, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 153-154.

Tháng 9, ngày 20

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Hình thức chiến tranh ngày nay, ký bút danh Q.Th., đăng trên báo Cứu quốc, số 351, phân tích về các loại hình chiến tranh đang được tiến hành, bao gồm chiến tranh quân sự, chiến tranh kinh tế, chiến tranh ngoại giao, chiến tranh tư tưởng. Kết luận, bài báo viết: “Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”.

- Báo Cứu quốc, số 351, ngày 20-9-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 296-298.

Tháng 9, ngày 22

Từ Cảng Xaít (Port Saïd), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho gia đình ông Raymông Ôbrắc, kể chuyện tình hình sinh hoạt của Người trên tàu. Bức thư có đoạn: "Tôi gửi đến các bạn những tình cảm thân thiết nhất của tôi. Tôi ôm chặt Giăng Pie, Catêrin và cô cháu bé nhỏ thân thiết nhất của tôi 2). Tôi gửi chiếc hôn yêu quý cho Ginét 3) và gửi lời chào các bạn của chúng ta: Bi-u, Đaxchiê và các bạn khác".

Cùng ngày, trên chiến hạm Đuymông Đuyếcvin, Hồ Chí Minh viết thư trả lời bà Sốtxi (Chossis) 4). Người bày tỏ sự cảm thông đối với những người mẹ, những người phụ nữ Pháp có con, có chồng, có anh em và những người thân, bạn bè hiện đang làm quân dịch ở Đông Dương và kêu gọi: “Hỡi các bà mẹ Pháp! Tôi kêu gọi tinh thần yêu nước cao quý và tình mẫu tử của các bà. Các bà hãy giúp chúng tôi ngăn chặn những sự hiểu lầm và mau chóng gây dựng mối tình hữu nghị và tinh thần hoà hợp giữa các con em chúng ta. Và các bà sẽ nhận được tấm lòng biết ơn của người con không chỉ của thanh niên Pháp, mà cả của thanh niên Việt Nam”.

- Bút tích tiếng Pháp, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 299-304.

Tháng 9, ngày 24

Từ chiến hạm Đuymông Đuyếcvin, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bốn bức điện:

1- “Gửi ngài Misơlê, Bộ trưởng phụ trách quân lực Pari.

Tôi đang ở trên chiến hạm Đuymông Đuyếcvin. Thuyền trưởng Ônây (O’neil) và đoàn thuỷ thủ đều rất đáng mến.

Xin gửi Ngài những lời cảm ơn chân thành và hữu nghị.

Nhờ Ngài chuyển lời chúc mừng của tôi đến phu nhân Misơlê và hôn các cháu.

H.C.M”

2- "Gửi tướng Gioăng, Tổng tham mưu trưởng. Pari.

Tôi rất mạnh khoẻ trên chiến hạm Đuymông Đuyếcvin. Thuyền trưởng Ônây và nhân viên trên tàu đều rất đáng mến.

Xin gửi Ngài những lời cảm ơn chân thành và hữu nghị.

Xin gửi lời chúc mừng tới Tướng quân phu nhân và hôn các cháu.

H.C.M”

3- “Gửi Chính phủ Việt Nam. Hà Nội.

Chúng tôi rời Cảng Xaít ngày 24 tháng 9. Mọi người đều khoẻ mạnh. Gửi lời chào thân ái tới Cụ Huỳnh, Cụ Tố, Chính phủ và toàn thể đồng bào.

H.C.M”

4- “Gửi Đô đốc Muydơlia (Muselir). Pari.

Chúng tôi rời Cảng Xaít hôm nay. Xin gửi Ngài những lời cảm ơn chân thành và hữu nghị.

H.C.M”

- Bản bút tích các bức điện bằng tiếng Pháp, lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 305-306.

Tháng 9, ngày 27

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu Binh pháp Tôn Tử với nhan đề Bàn về kế hư thực, ký tên Q.Th., đăng trên báo Cứu quốc, số 358.

Theo tác giả, "kế hư thực là một kế rất thần diệu trong tất cả các binh pháp" của Tôn Tử và phân tích chín nguyên tắc khi dùng "kế hư thực" của ông.

Cuối cùng, tác giả kết luận: “Thi hành đúng kế hư, thực, thắng lợi sẽ cầm chắc trong tay”.

- Báo Cứu quốc, số 358, ngày 27-9-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 313-315.

Tháng 9, trước ngày 28

Từ chiến hạm Đuymông Đuyếcvin, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi hai bức điện có nội dung như sau:

1- “Gửi Ngài Lơmonniê (Lemonnier),

Tổng chỉ huy lực lượng Hải quân. Pari.

Cuộc hành trình tuyệt diệu trên chiến hạm Đuymông Đuyếcvin. Thuyền trưởng Ônây và đoàn thuỷ thủ rất đáng mến.

Xin gửi Ngài những lời cảm ơn chân thành và hữu nghị.

H.C.M”

2- “Gửi Cụ Huỳnh và Chính phủ Việt Nam. Hà Nội.

Chúng tôi qua Hồng Hải. Mọi việc tốt đẹp. Nếu đã nhận được bản sao Tạm ước, yêu cầu giải thích cho đồng bào và bắt đầu ngay những việc cần thiết để thực hiện Tạm ước đó.

Gửi lời chào thân ái đến Chính phủ, Quốc hội và toàn thể đồng bào.

H.C.M”

- Bản bút tích bức điện bằng tiếng Pháp, lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

Tháng 9, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Cảng Gibuti (Djibouti), nơi tiếp giáp giữa Hồng Hải và Ấn Độ Dương, phía đông bắc châu Phi.

Người gửi điện về nước, nội dung bức điện như sau: “Chúng tôi ở lại Gibuti đến 30 tháng 9, sau đó ở Tơranhcômali, Xâylan 5) (Trincomali, Ceylan) từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 10. Yêu cầu cho biết tình hình chung trong nước.

Địa chỉ: Chiến hạm Đuymông Đuyếcvin.

H.C.M"

- Bản bút tích bức điện bằng tiếng Pháp, lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Báo Cứu quốc, số 365, ngày 4-10-1946.

Cuối tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bốn bức điện từ chiến hạm Đuymông Đuyếcvin. Nội dung các bức điện như sau:

1- “Gửi Ngài Thủ tướng Ấn Độ Păngđi Nêru (Pandit Nehru), Chính phủ Ấn Độ. Niu Đêli.

Tôi đã gặp tiến sĩ đáng kính Anây (Aney). Xin cảm ơn tình hữu nghị của Ngài. Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi gửi lời chào anh em tới Ngài, Chính phủ và nhân dân của dân tộc Ấn Độ vĩ đại”.

2- “Gửi tiến sĩ Anây,

Đại diện Chính phủ Ấn Độ tại Côlômbô.

Tôi gửi Ngài tấm ảnh của tôi và xin cảm ơn Ngài. Thư ký của tôi đã ghi sai tên họ của Ngài. Mong Ngài thứ lỗi. Gửi tới Ngài những lời chúc tốt đẹp nhất”.

3- “Điện mật.

Gửi Cao uỷ Pháp tại Sài Gòn.

Cảm ơn bức điện quý mến của Ngài. Tôi sẵn sàng gặp gỡ các Ngài, tuỳ theo sự sắp xếp của các Ngài”.

4- “Gửi Mahátma Găngđi (Mahatma Gandi).

Nhờ Chính phủ Ấn Độ tại Đêli chuyển giúp.

Xin gửi tới Ngài lời chúc mừng nồng nhiệt nhất nhân kỷ niệm lần thứ 77 ngày sinh của Ngài và chúc Ngài trường thọ hai lần 77 tuổi.

Chủ tịch nước Việt Nam

HỒ CHÍ MINH

Trên chiến hạm Đuymông Đuyếcvin"

- Bản bút tích các bức điện bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 307-309.

_____________________

1) Tức Tạm ước 14-9.

2) Phạm Quang Lễ: Sau này được Bác Hồ đặt tên là Trần Đại Nghĩa (BT).

3) Các con của ông Raymông Ôbrắc.

4) Người thân trong gia đình Ôbrắc.

5) Ngày 14-9-1946, bà Sốtxi, trong Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp, đã viết thư gửi Hồ Chí Minh, kèm theo tấm ảnh của bà (bức thư hiện lưu tại Bảo tàng Cách mạng).

6) Nay là Xrilanca.

* Năm 1946 - Tháng 10

NĂM 1946

Tháng 10, ngày 4

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu về Binh pháp Tôn Tử với nhan đề Phương pháp đánh giữ và tiến thoái, ký tên Q.Th., đăng trên báo Cứu quốc, số 365. Người phân tích những quan điểm của Tôn Tử trong cách tiến công và thoái lui, và rút ra kết luận: "Phương pháp dụng binh là phương pháp thiên biến vạn hoá. Tuỳ theo thời cơ, theo địa điểm, theo tình hình bên địch, người làm tướng lúc bày thế trận này, lúc bày thế trận khác", "muốn được thắng trận, phương pháp đánh giữ và tiến thoái phải luôn luôn biến đổi hợp với thời cơ, hợp với tình hình trên mặt trận. Nhanh như chớp, biến hoá như thần, đó là bí quyết của phép dụng binh”.

- Báo Cứu quốc, số 365, ngày 4-10-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 316, 318.

Tháng 10, đầu tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi hai bức điện từ chiến hạm Đuymông Đuyếcvin. Nội dung các bức điện như sau:

1- Gửi tướng Gioăng,

Thưa tướng quân, người bạn thân mến,

Chúng tôi vừa rời Cảng Xtơranhpôli ngày hôm nay. Còn chừng mươi ngày nữa là tôi sẽ về đến nước tôi.

Tôi vẫn rất khoẻ trên chiến hạm Đuymông Đuyếcvin. Tôi thành thật cảm ơn Ngài về điều đó.

Trung tá Tuytănggiơ (Tutenges), đã cùng tôi lượt đi, bây giờ lại cùng về với tôi, là một người can đảm. Nhân dịp này tôi phải báo cáo để Ngài quan tâm tới trung tá.

Ngay khi về nước, tôi sẽ làm hết sức mình để củng cố tình hữu nghị và hợp tác giữa hai dân tộc chúng ta.

Tôi gửi Ngài những tình cảm hữu nghị quý báu nhất và nhờ Ngài chuyển lời chúc mừng của tôi tới tướng quân phu nhân và hôn các cháu”.

2- “Gửi ông Hêtơrích thân mến 1),

Tôi vừa đọc lướt cuốn sách "Độc lập" của ông. Ngoài một vài điều cân nhắc, tôi phải nói rằng cuốn sách đó là khách quan và chân thật.

Khi nói về Việt Minh và sự hợp tác Pháp - Việt, ông viết:

“Dù muốn hay không, dù có những sai sót... Việt Minh đang đại diện cho tâm hồn hiện tại của Đông Dương, của Việt Nam. Ngọn gió độc lập đang thổi trên toàn châu Á...

“...Một nhân dân như nhân dân Việt Nam, nếu họ có phải học tất cả để có thể tự quản lý mình, họ cũng sẽ không bao giờ chịu rơi vào sự thác quản nữa...

“Và cuối cùng, lý tưởng của Việt Nam trước hết là sự thống nhất của Việt Nam, sự thống nhất của cả ba xứ Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ mà dân chúng ở đây đều cùng chung một nòi giống và nói chung một thứ tiếng...

"Chỉ có một cuộc trưng cầu ý kiến trung thực mới có thể giải quyết được vấn đề. Nếu việc thống nhất của Việt Nam được thực hiện, thì với sự thoả thuận, một sự thoả thuận thẳng thắn với họ, nền hoà bình ở Đông Dương sẽ có chỉ trong vài tuần lễ. Đó là sự hợp tác để tái thiết...

"Nếu bằng những thủ đoạn ít nhiều ranh mãnh, chúng ta định xoá bỏ và tách Nam Kỳ ra khỏi khối Việt Nam, chắc chắn chúng ta không bao giờ có được sự hợp tác của nhân dân Việt Nam. Điều đó có nghĩa rằng Hồ Chí Minh dù có cúi mình trước bạo lực, tình trạng mất ổn định vẫn sẽ xảy ra cho đến ngày mà những sự nổi dậy mới dẫn đến những hy sinh mới".

(Thưa tác giả thân mến, tôi phải nói với ông rằng, tôi phải nói với nhân dân Pháp và nhân dân Việt Nam rằng Hồ Chí Minh không bao giờ chịu cúi mình trước bạo lực vì Hồ Chí Minh là một phần không thể chia cắt của nhân dân ông ta, ông ta mong muốn những gì mà nhân dân mong muốn, ông ta hành động điều mà cả nhân dân ông hành động).

"Là những kẻ chiến thắng hay mãi mãi là những người bạn, nước Pháp chọn điều nào?".

Về điểm này, ông đã tiếp cận được chân lý. Và tôi tin chắc rằng chân lý sẽ chiến thắng.

Rất thân ái

HỒ CHÍ MINH"

- Bản bút tích bức điện bằng tiếng Pháp, lưu tại Bảo tàng Cách mạng.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 311-312.

Tháng 10, ngày 11

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Chiến tranh tư tưởng, ký tên Q.Th., đăng trên báo Cứu quốc, số 372.

Tác giả nêu rõ, trong chiến tranh ngày nay, chiến tranh tư tưởng so với các hình thức chiến tranh khác không kém phần quan trọng. Và mục đích của nó là làm ly gián quân địch, làm nhụt chí chiến đấu của bên địch.

Tổng kết những thủ đoạn về chiến tranh tư tưởng trong Binh pháp Tôn Tử, kết hợp với việc phân tích những kinh nghiệm trong chiến tranh hiện đại, tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền nhằm vào ba đối tượng: với nước địch, với các nước trung lập và với dân chúng nước mình.

- Với nước địch, thì "tuyên truyền cho dân chúng hoang mang, rối loạn, mất hẳn nhuệ khí, không tin tưởng ở sự thắng trận."

- Với các nước trung lập, "làm cho họ có thiện cảm với mình mà ác cảm với nước địch để nếu họ không về phe với mình đánh lại quân địch thì ít ra họ cũng đứng trung lập."

- Với dân chúng nước mình, "làm cho họ nổi lòng căm hờn quân địch, quyết tâm chiến đấu, tin tưởng ở thắng lợi và trên dưới một lòng thề không đội giời chung với quân địch."

Công việc tuyên truyền vận động ba đối tượng trên phải làm bằng rất nhiều cách, "không từ một thủ đoạn nào là không làm miễn là có lợi cho mình là được.".

- Báo Cứu quốc, số 372, ngày 11-10-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 319-321.

Tháng 10, ngày 18

Chiến hạm Đuymông Đuyếcvin đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh vào vịnh Cam Ranh. Trên hạm tàu Suffren, Đô đốc Đácgiăngliơ và tướng Moóclie đón chào Người. Nhiều nhà báo cũng được mời đến dự.

Sau nghi lễ, Người dự tiệc chiêu đãi, trao đổi với viên Cao uỷ về việc thi hành Tạm ước 14-9.

Người đề nghị các nhà báo hãy góp phần tuyên truyền cho việc thi hành các điều khoản đã được thoả thuận trong Tạm ước.

- Báo Cứu quốc, số 380, ngày 19-10-1946.

- Amiral d’Argenlieu: Chronique dIndochine 1945-1947, Albin Michel, Paris, 1985, p.335.

Tháng 10, ngày 20

16 giờ 17, chiến hạm Đuymông Đuyếcvin đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác cập Bến Ngự (Hải Phòng).

Tiếng đại bác chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh nổ vang trời cùng với tiếng hoan hô kéo dài khi Người xuất hiện trên boong tầu. Cùng lúc, còi Nhà hát thành phố cất lên báo tin vui Người đã đặt chân lên đất cảng. Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Chưa bao giờ bến cảng này lại có một hồi còi làm rung động trái tim của hàng chục vạn con người như chiều hôm ấy."

Tiếp đó, đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ từ Hà Nội xuống cùng đại biểu Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng lên tận tầu đón chào Người.

17 giờ 10, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời con tầu đã đưa Người từ Pháp về, qua cầu tầu vào trong cảng. Quân nhạc cử hành quốc ca hai nước Việt - Pháp. Lễ duyệt binh bắt đầu với sự tham gia của hàng quân danh dự Vệ quốc đoàn và đơn vị danh dự của Sư đoàn thuỷ quân lục chiến Pháp có quân kỳ, quân nhạc theo đúng nghi lễ trọng thể đón một vị nguyên thủ quốc gia.

Duyệt binh xong, Người bước tới máy phóng thanh cảm ơn các đại biểu và đồng bào ra đón, nhận bó hoa tươi thắm của vị đại biểu Uỷ ban hành chính thành phố Hải Phòng rồi tặng lại đại tá Lami đại diện cho phía Pháp. Sau đó, Người lên xe về trụ sở Uỷ ban hành chính thành phố Hải Phòng đang tạm đóng trong trường nữ học Minh Khai (quận Lê Chân) và nghỉ qua đêm tại đây.

Tối, Người dự tiệc chiêu đãi do Uỷ ban hành chính thành phố Hải Phòng tổ chức. Cùng dự có Hạm trưởng Chiến hạm Đuymông Đuyếcvin và một số người Pháp. Phát biểu trong bữa tiệc, Người nói đến lợi ích của hai dân tộc Việt-Pháp vì một nền hoà bình, thịnh vượng chung.

Cho đến tận khuya, nhân dân vẫn nô nức kéo đến chào mừng Người. Người ra gặp bà con, bày tỏ lòng cảm ơn nhân dân và nói rằng Người vừa ở Pháp về, sức khoẻ tốt, bình yên, khuyên mọi người về nghỉ sớm.

- Báo Cứu quốc, số 382, ngày 21-10-1946.

- Trần Đương: Hai chuyến đi lịch sử của Bác Hồ, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 173-174.

Tháng 10, ngày 21

5 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dậy sớm như thường lệ. Vừa lúc đó, một hồi còi rúc lên. Người hỏi còi gì và được ông Vũ Quốc Uy lúc đó là Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính thành phố trả lời rằng "đó là còi báo nhân dân xuống đường tập thể dục theo nếp sống mới". Người yêu cầu cho đi xem nhân dân tập thể dục, chỉ thấy lèo tèo có vài người tập, Người hỏi ông Uy:

- Những người tập thể dục của chú đâu?

Ông Uy lúng túng, chưa kịp trả lời, Người nói tiếp:

- Kéo còi cho nhân dân tập mà không có người tập, như thế là mắc bệnh hình thức. Vả lại, kéo còi sớm quá trong lúc mọi người còn ngủ lại làm phiền cho nhân dân. Những điều này chú nên tránh.

Người đi một vòng quanh thành phố, muốn tận mắt chứng kiến quang cảnh đồng bào và chiến sĩ Hải Phòng trong những ngày nước sôi lửa bỏng này.

8 giờ, Người tiếp đại biểu nhân dân Hải Phòng - Kiến An, các tỉnh miền duyên hải, đồng bằng và các đại biểu từ Hà Nội xuống. Một cụ phụ lão tặng Người bức trướng thêu bốn chữ NHẤT NGÔN HƯNG BANG 2). Một cụ khác tặng Người cây gậy làm bằng một trăm đốt xương của con trăn.

Trong buổi tiếp, Người ân cần căn dặn đại biểu Hải Phòng-Kiến An: "Các cụ đi trước làm gương, anh chị em đồng tâm hiệp lực thì chắc chắn thành phố Hải Phòng sẽ trở nên thành phố gương mẫu của nước ta." Người ghi vào cuốn Sổ vàng của Trường huấn luyện thanh niên Tô Hiệu (Hải Phòng) dòng chữ:

"Thanh niên đoàn kết

Gắng học tập

Gắng công tác

Tiến lên!

Tiến lên!"

Sau đó, Người còn tiếp chuyện riêng với ông Thuyết, người bạn thuỷ thủ cũ, lúc đó sống tại Hải Phòng; và yêu cầu cho gặp chủ bút tờ báoDân chủ (cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh và duyên hải, trụ sở đặt tại Hải Phòng). Người căn dặn chủ bút Bùi Huy Thục: "... Báo không nên viết những lời lẽ cứng rắn quá, không có lợi cho việc ngoại giao, mà nên viết mềm mỏng để tranh thủ thời gian hoà hoãn... Đừng hạ thấp mình, cũng đừng nên chọc tức kẻ thù. Báo chí phải dựa vào những cơ sở pháp lý để làm lợi khí đấu tranh...".

Trước khi rời Hải Phòng về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc nói chuyện với nhân dân toàn thành phố. Hàng chục vạn đồng bào Hải Phòng - Kiến An đứng chật bãi Sông Lấp, lắng nghe tiếng nói ấm áp của Người "... Lúc tôi ra đi, tất cả đồng bào đều áy náy, không biết tôi đi thì công việc và sức khoẻ của tôi ra sao! Trong bốn tháng hai mươi ngày, đồng bào nhớ tôi, và tôi cũng bốn tháng hai mươi ngày nhớ đồng bào. Bây giờ tôi về thì rất sung sướng được thấy Tổ quốc thân yêu, thấy đồng bào quý mến, tôi rất vui lòng..." Người biểu dương những cố gắng của mọi tầng lớp trong công tác chuẩn bị kháng chiến và căn dặn những việc làm cụ thể để hoàn thành được "nhiệm vụ bao trùm nhất hiện nay là kiên quyết giữ vững độc lập, tự do!".

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại biểu Trung ương đi đón Người lên chuyến xe lửa đặc biệt về Hà Nội.

Suốt dọc đường xe lửa từ Hải Phòng về Hà Nội, hàng vạn đồng bào mang cờ hoa, khẩu hiệu đứng đón chào Người. Qua khung cửa sổ tầu, Người vẫy tay chào, đáp lại tấm lòng của đồng bào đối với Người.

15 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến ga Hàng Cỏ (Hà Nội). Chưa bao giờ ga Hàng Cỏ tấp nập như vậy. Hàng nghìn hàng vạn nhân dân Hà Nội tập trung tại đây hân hoan vui đón Người về. Cờ, hoa, khẩu hiệu đỏ rợp trời.

Tầu dừng bánh, Người bước ra từ cửa số 3. Người ôm hôn Cụ Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng - đại diện Chính phủ ra đón, rồi hai người cùng với Chủ tịch Quân uỷ Hội Võ Nguyên Giáp và tướng Pháp Moóclie đi duyệt binh.

Trên thềm nhà ga, Người nói chuyện cùng đồng bào và bộ đội. Thoạt đầu, Người nói tiếng Việt về nhiệm vụ của đoàn đại biểu Chính phủ ta, về bản Tạm ước 14-9. Rồi quay về phía binh lính Pháp, Người nói bằng tiếng Pháp, đại ý: Tôi vừa sang Pháp để thương lượng với Chính phủ Pháp về vấn đề độc lập và tự do cho nhân dân Việt Nam. Vấn đề này sẽ còn tiếp tục bàn đến vào đầu năm sau. Ở Pháp, tôi đã tiếp xúc nhiều với nhân dân Pháp và bạn bè quốc tế. Nhân dân Pháp cũng vừa trải qua cuộc kháng chiến chống phát xít Đức để giải phóng đất nước mình và đã giành được độc lập, tự do. Nhân dân Pháp rất yêu chuộng hoà bình, quý trọng tự do, không muốn chiến tranh, cũng như nhân dân Việt Nam rất yêu hoà bình, tự do, không muốn chiến tranh, chỉ muốn tình hữu nghị tốt đẹp giữa các dân tộc... Chúng tôi mong các bạn sớm hoàn thành nhiệm vụ để được trở về Tổ quốc của mình. Tin chắc những người thân của các bạn cũng đang mong chờ các bạn. Có lẽ đó cũng là ước muốn của các bạn..."

Cuộc đón tiếp kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên xe về Bắc Bộ phủ. Dọc đường, xe của Người đi giữa những tiếng hò reo, giữa sắc cờ, hoa lộng lẫy của hàng vạn đồng bào Thủ đô đã trông chờ từng ngày từng giờ ngày trở về của Người.

- Báo Cứu quốc, số 383, ngày 22-10-1946.

- Hồi ký của Bùi Huy Thục, tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Trần Đương: Hai chuyến đi lịch sử của Bác Hồ, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 175-188.

Tháng 10, ngày 22

Buổi sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến phòng bá âm Đài Tiếng nói Việt Nam (lúc đó đặt tại số 4, phố Phạm Ngũ Lão), giải thích bản Tạm ước 14-9 với nhân dân cả nước.

15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của các nhà báo Việt Nam, Pháp và Trung Hoa về những cảm nghĩ của Người trong thời gian ở Pháp và khi về đến Tổ quốc. Trả lời câu hỏi: Ngoại giao và quốc sách Việt Nam từ đây về sau có gì biến đổi không?, Người tuyên bố: "Có thể trả lời là không biến đổi gì hết. Về nội chính, Chính phủ từ trước tới giờ vẫn chủ trương đoàn kết để xây dựng nước Việt Nam mới. Về ngoại giao, Chính phủ quyết đòi độc lập, quyết đòi thống nhất, nhưng quyết định ở trong khối Liên hiệp Pháp; đối với các hữu bang, từ trước đến giờ vẫn theo một con đường thân thiện. Trước thế thì nay vẫn thế, không thay đổi.".

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và dự Lễ bế giảng của Trường cán bộ tự vệ mang tên Hồ Chí Minh tại khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hoá hữu nghị).

Người tiếp đại uý Pháp L. Valoa (Louis Valloir) và các sĩ quan, thuỷ thủ Pháp của chiến hạm Đuymông Đuyếcvin. Người tặng L. Valoa bức tranh và mỗi thuỷ thủ một chiếc huy hiệu.

- Báo Cứu quốc, số 384 và 385, ngày 23 và 24-10-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 412-415.

Tháng 10, ngày 23

6 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nha Công an Bắc Bộ (phố Trần Hưng Đạo), thăm nhà riêng của ông Hoàng Mỹ, Phó giám đốc Nha, và thăm Ty Công an Quận Nhất (phố Hàng Trống).

Tại khu giam giữ phạm nhân của Ty Công an Quận Nhất, Người cặn dặn cán bộ: “Nên săn sóc những người bị giam và xét ngay, xét kỹ cho người ta khỏi oan uổng”. Người tặng ông Quận trưởng một huy hiệu in hình lá cờ đỏ sao vàng mà Người mang từ Pháp về.

Trong ngày, Người còn đi thăm Phòng Nam Bộ ở đường Gia Định (nay là phố Trần Nhật Duật, Hà Nội), thăm Trường trung cấp Huấn luyện công an và tặng ảnh chân dung của Người cho nhà trường.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời tuyên bố với quốc dân sau khi ở Pháp về. Sau khi nêu rõ mục đích, ý nghĩa và kết quả của chuyến đi Pháp, Người đề ra những nhiệm vụ cấp bách trước mắt và kêu gọi toàn dân đồng tâm nhất trí với Chính phủ, ra sức tổ chức, ra sức công tác, tăng cường đoàn kết, mở mang kinh tế, xây dựng nước nhà, thực hành đời sống mới, để "làm cho Chính phủ và nhân dân Pháp trông thấy, làm cho toàn thế giới trông thấy rằng: dân Việt Nam ta đã đủ tư cách độc lập, tự do, không thừa nhận ta tự do độc lập thì không được”. Người kêu gọi mọi người cần tỏ thái độ thân thiện với người Pháp: lịch sự đối với quân đội Pháp, ôn hoà đối với kiều dân Pháp, thật thà cộng tác với những người Pháp muốn thật thà cộng tác, "Để tỏ cho thế giới biết rằng ta là một dân tộc văn minh. Để cho số người Pháp ủng hộ ta càng thêm đông, sức ủng hộ càng thêm mạnh. Để cho những kẻ khiêu khích muốn chia rẽ, không có thể và không có cớ mà chia rẽ. Để cho công cuộc thống nhất và độc lập của chúng ta chóng thành công.".

Riêng với đồng bào Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ, Người tuyên bố: "Trung, Nam, Bắc đều là đất nước Việt Nam. Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em. Nước có Trung, Nam, Bắc, cũng như một nhà có ba anh em... Không ai có thể chia rẽ con một nhà, không ai có thể chia rẽ nước Pháp, thì cũng không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta". (...) “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc.”. Và Người căn dặn những việc mà đồng bào Nam Bộ phải làm ngay để “gây một không khí hoà bình và xây đắp con đường dân chủ để đi tới sự nghiệp Việt Nam thống nhất của chúng ta”.

- Báo Cứu quốc, số 384 và 385, ngày 23 và 24-10-1946.

- Báo Công an mới, số 1, 11-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 416-420.

Tháng 10, ngày 24

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc trà chiêu đãi đại biểu các cơ quan, các giới ở Thủ đô sau chuyến đi công tác dài ngày ở Pháp, Người nói: “Từ trước tới giờ, chúng ta đã đồng tâm hiệp lực chịu khó làm việc, nên chúng ta đã thu được ít nhiều thành công. Bây giờ chúng ta càng phải đồng tâm hiệp lực gánh vác việc nước, việc công hơn nữa”.

18 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì buổi nói chuyện của ông Lampuê (Lampoué), Giáo sư luật học người Pháp về đề tài Cá nhân và quốc gia, tại phòng kính nhà hát thành phố. Người chỉ vào hai quốc kỳ Pháp và Việt Nam và nói: “Đó là biểu hiện của một sự cộng tác khăng khít”. Cùng dự buổi nói chuyện có tướng Moóclie.

Cùng ngày, Người còn gửi thư cho các cháu thiếu nhi, bày tỏ tình cảm yêu thương, nhớ mong các cháu trong thời gian làm việc tại Pháp và vui mừng khi thấy rất nhiều cháu đã biết chữ. Người căn dặn các cháu phải siêng học, giữ sạch sẽ, giữ kỷ luật, làm theo đời sống mới và thương yêu, giúp đỡ cha mẹ, anh em.

- Báo Cứu quốc, số 385, 386, 387, ngày 24, 25 và 26-10-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 421-422.

Tháng 10, ngày 25

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Bàn về địa hình, ký tên Q.T., đăng trên báo Cứu quốc, số 386. Người dựa theo Binh pháp Tôn Tử nói về địa hình, kết hợp với tình hình thực tế, mà chia ra sáu loại địa hình thường gặp trong tác chiến, phân tích ưu điểm và nhược điểm của từng loại địa hình và đưa ra những chiến thuật chiến đấu trên các địa hình ấy.

Kết luận, Người viết: "Về quân sự đành rằng phải có binh mạnh, tướng giỏi, nhưng không nghiên cứu địa hình một cách tường tận, không thể xuất trận thành công được. Trên mặt trận, biết lợi dụng địa hình, đánh trận không hao tổn công sức mà được thắng lợi dễ dàng... Gặp địa hình nào phải tuỳ cơ ứng biến để có thể lợi dụng một cách có hiệu quả trong cuộc chiến đấu với quân địch.".

- Báo Cứu quốc, số 386, ngày 25-10-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 423-425.

Tháng 10, ngày 26

7 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nha Dân tộc thiểu số và Trường Nùng Trí Cao tại đường Nguyễn Du. Sau đó, Người thăm nơi ăn, ở, sinh hoạt của các đại biểu về dự họp Quốc hội.

7 giờ 45, Người thăm Đoàn báo chí Việt Nam họp mặt tại nhà Thuỷ Tạ Bờ Hồ, đến trụ sở Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội gặp gỡ và thăm bốn Uỷ viên Trung ương của tổ chức này.

Sau đó, Người đến thăm Trường trung học nữ Hai Bà Trưng, dự lễ chào cờ rồi đi thăm các lớp học. Người đặc biệt chú ý đến việc học ngoại ngữ của học sinh nhà trường.

Cùng ngày, Người tiếp đại biểu Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam.

19 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi các lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Quốc và tướng Moóclie tại Hà Nội. Cùng dự buổi chiêu đãi có các ông Huỳnh Thúc Kháng, Võ Nguyên Giáp, Phan Anh, Nguyễn Xiển, Nghiêm Kế Tổ, Trần Duy Hưng...

- Báo Cứu quốc, số 388 và 389, ngày 27 và 28-10-1946.

Tháng 10, ngày 27

10 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Trong hơn 1 giờ, Người đã giải đáp những thắc mắc của các đại biểu về tổ chức công đoàn thế giới, nhiệm vụ của công đoàn Việt Nam hiện nay và ký tên vào Sổ Vàng của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

11 giờ 30, tại một căn phòng trong Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón bà Nguyễn Thị Thanh - chị ruột của Người từ quê Nghệ An ra thăm.

Trước sự tủi mừng khôn xiết, bà Thanh hỏi Người về sức khoẻ, về nỗi nhớ quê hương, về bài hát ru "Non nước" thời thơ ấu. Người xúc động, lấy khăn chấm chấm đôi mắt và nói: "Chị có khoẻ không, em biết chị chờ lâu, nhưng vì em đang bận tiếp các đồng chí Nam Bộ ra.

Chị ơi, quê hương nghĩa nặng ơn sâu, mấy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình, những chiến sĩ cách mạng chân chính đều là những người con chí hiếu...".

Tiếp đó, Người hỏi về quê hương thay đổi ra sao, về Bác Khiêm (Anh ruột Người), và một số thân nhân, người cao tuổi ở quê nhà. Người còn hỏi về hai người đi cùng bà Thanh 3) và dặn họ gắng học tập, đoàn kết, toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng, đừng quan liêu hủ hoá.

Biết bà Thanh mang quà quê biếu, Người nói: "Cảm ơn chị và hai cháu, tương thì để thỉnh thoảng mời Cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng) cùng ăn cho vui, gà để nuôi cho nó đẻ trứng" và Người mời bà Thanh cùng hai cháu đến chiều ở lại ăn cơm với Người, có Cụ Huỳnh cùng dự.

Sau đó, xe của Văn phòng đưa bà Thanh về nghỉ tại nhà người quen trong Thành phố Hà Nội.

- Báo Cứu quốc, số 390, ngày 29-10-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 426.

- Hồ Quang Chính: Bác Hồ gặp chị và anh ruột (Hồi ký), Nxb. Nghệ An, 1997, tr. 11-20.

Tháng 10, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà29 tổ chức tại Hà Nội.

- Báo Cứu quốc, số 390, ngày 29-10-1946.

Tháng 10, ngày 31

Được Quốc hội uỷ quyền thành lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến xin nhận nhiệm vụ và hứa trước Quốc hội Chính phủ sắp tới do Người tổ chức ra "phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái", "phải là một Chính phủ liêm khiết", "phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà". "Anh em trong Chính phủ mới sẽ dựa vào sức của Quốc hội và quốc dân, dầu nguy hiểm mấy cũng đi vào mục đích mà quốc dân và Quốc hội trao cho".

Cũng tại phiên họp Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh xung phong trả lời các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Người nói:

Sáng hôm nay Chính phủ nhận được của Quốc hội 62 câu hỏi chất vấn, sau đó là 26 câu nữa. Chính phủ xin cảm ơn các đại biểu đã tỏ ra hết sức quan tâm đến công việc của Chính phủ. Có nhiều câu hỏi cùng một ý, Chính phủ chia ra hai loại để tiện trả lời: nội chính và ngoại giao. Theo xếp đặt thì tất cả những câu hỏi thuộc về quân sự, quốc phòng nhiều nhất; tài chính thứ nhì; tư pháp thứ ba, rồi đến các việc về nội vụ và các việc khác.

1- Về những câu hỏi chất vấn của mấy đại biểu Nam Bộ, Hà Nam, Ninh Bình, Kiến An, Quảng Bình hỏi: cụ nguyên Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam, nguyên Phó Chủ tịch Quân uỷ Hội Vũ Hồng Khanh và việc ông Chu Bá Phượng, Bộ trưởng Kinh tế, cụ Nguyễn và hai ông Khánh, Tam hiện không ở đây... Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Trong nước nhà ở vào giai đoạn khó khăn, Quốc hội giao cho trách nhiệm mà không gánh vác, những người ấy tự hỏi lương tâm đối với nhân dân, với Tổ quốc thế nào? Các đại biểu chất vấn chắc cũng nghĩ như thế nào rồi. Còn tin ông Chu Bá Phượng, một vài báo Pháp nói một vài tin, tin ấy đã qua rồi... Những người Quốc hội giao cho công việc mà không gánh vác, chúng ta ở đây vẫn gánh vác lấy được. Nếu những anh em ấy nghĩ lại, trở về, chúng ta vẫn hoan nghênh.

2- Về mấy đại biểu Hà Nam, Nam Định, Hải Dương... hỏi về ngoại giao và Bản Thoả hiệp tạm thời 4), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Chiều hôm trước, trong lúc báo cáo công việc của Chính phủ, ông Vũ Đình Hoè đã nói rõ chính sách ngoại giao của Chính phủ là thiện cảm với tất cả các nước dân chủ..."

- Báo Cứu quốc, số 394, ngày 3-11-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 427-428.

- Báo Dân Thanh (94 Hàng Gai, Hà Nội), ngày 31-10-1946.

Cuối tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho các ông: Gioócgiơ Biđôn, Mariuýt Mutê và Ph.Bi-u thông báo về cuộc gặp của Người với Đô đốc Đácgiăngliơ tại vịnh Cam Ranh vừa qua và thái độ phản ứng của Đácgiăngliơ đối với Tạm ước 14-9.

- Stein Tonnesson: 1946: Déclenchement de la guerre dIndochine, L’Harmattan, Paris 1987, p. 66.

___________________________________

1) Giăng Misen Hêtơrích (Jean Michel Hertrich), nhà báo Pháp, một trong những phóng viên có mặt rất sớm ở Sài Gòn trong những ngày Cách mạng Tháng Tám, sau đó ra Hà Nội. Có dịp quan sát tình hình ở miền Nam, ở Hà Nội, trực tiếp tiếp xúc với người Việt Nam đủ các tầng lớp giai cấp, ông đã viết cuốn "Độc lập hay là chết. Những điều mắt thấy ở Đông Dương" (L'indépendance ou la mort. Choses vues en Indochine)và xuất bản tại Pari tháng 7-1946 đúng vào dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn Việt Nam sang Pháp dự Hội nghị Phôngtennơblô.

2) Một câu nói (mà) làm rạng danh Tổ quốc.

3) Cả hai người đang học lớp mật mã ở Hà Nội. Đó là đồng chí Nguyễn Sinh Thọ, cháu gọi Người bằng ông và đồng chí Hồ Quang Chính - con nuôi cụ Hồ Tùng Mậu, tác giả tập Hồi ký "Bác Hồ gặp chị và anh ruột".

4) Bản thoả hiệp tạm thời: Tạm ước 14-9-1946

* Năm 1946 - Tháng 11

NĂM 1946

Tháng 11, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự họp Quốc hội.

Cùng ngày, nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 60 của Chủ tịch nước Trung Hoa dân quốc Tưởng Giới Thạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi điện mừng, "kính chúc Ngài vạn thọ vô cương" 1).

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 429.

Tháng 11, ngày 3

Sáng, sau khi Chính phủ mới30 được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Lời tuyên bố, khẳng định: “Tôi có thể tuyên bố trước Quốc hội rằng, Chính phủ này tỏ rõ cái tinh thần quốc dân liên hiệp, là một Chính phủ chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới.

Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia. Đặc biệt là đồng bào Nam Bộ không những ở tiền tuyến xung phong giữ gìn đất nước, mà lại còn hăng hái dự vào việc kiến thiết quốc gia.

Trong công việc của Chính phủ sẽ còn nhiều bước khó khăn, nhưng nhờ sức ủng hộ của Quốc hội và toàn thể quốc dân, Chính phủ sẽ cương quyết đi đến mục đích".

11 giờ 30, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Nguyễn Sinh Khiêm - anh ruột của Người từ quê Nghệ An ra thăm. Cùng đi với ông Khiêm có Nguyễn Sinh Thọ và Hồ Quang Chính 2).

Hai anh em ôm nhau mừng tủi, xúc động, hỏi nhau về sức khoẻ, về cuộc gặp gỡ của Người với bà Thanh tuần trước. Rồi Người vừa cười vừa đọc câu thơ:

"Chốc đã mấy chục năm trời,

Còn non, còn nước, con người hôm nay".

Ông Khiêm ứng đọc:

"Thoả lòng mong ước bấy nay

Non nước rợp bóng cờ bay đón Người".

Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi ông Khiêm về quê hương, về một số người thân, bầu bạn thời nhỏ. Còn ông Khiêm hỏi Người về: "Gia đình riêng của chú ra sao? Chú có ý định khi nào về thăm quê?...". Người trả lời ông Khiêm: "Cảm ơn anh, em chưa bao giờ nghĩ đến việc này... Mình không phải là người tu hành, nhưng vì việc nước phải quên việc nhà...

Về đến đây cũng là về đến nhà rồi, tình hình và công việc này chưa cho phép nghĩ tới, chắc việc đó còn lâu".

Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông Khiêm ở lại ăn cơm trưa với Người và Cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đại biểu dự Đại hội đồng Uỷ ban Mùa đông binh sĩ vừa khai mạc. Người vui mừng và khuyến khích mọi người nỗ lực trong việc ủng hộ áo rét cho bộ đội trong mùa đông tới.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 430-431.

- Hồ Quang Chính: Bác Hồ gặp chị và anh ruột, Hồi ký, Nxb. Nghệ An, 1997, tr. 23-33.

Tháng 11, ngày 4

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai giảng Trường Thương mại thực hành ở phố Hàng Đẫy (nay là phố Nguyễn Thái Học). Người căn dặn học sinh gắng thực hiện đời sống mới, siêng năng học tập để trở thành những cán bộ kinh tế giỏi của tương lai.

17 giờ, Người tiếp các ông Võ Nguyên Giáp, Hoàng Hữu Nam, tiếp tướng Moóclie và Nyô, Trưởng Phái bộ quân sự Pháp.

- Báo Cứu quốc, số 396, ngày 5-11-1946.

Tháng 11, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Chỉ thị Công việc khẩn cấp bây giờ. Người nêu rõ nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là Kháng chiến và kiến quốc, vừa “Phá hoại để ngăn địch”, vừa “Kiến thiết để đánh địch” trong các lĩnh vực quân sự, kinh tế, chính trị, giao thông.

Người giải thích vắn tắt khái niệm “Trường kỳ kháng chiến”, và yêu cầu "Ta phải hiểu và phải làm cho dân hiểu rằng: Cuộc kháng chiến sẽ rất gay go cực khổ (...). Vì vậy, ta phải có và phải làm cho dân ta có Tín tâmQuyết tâm".

19 giờ 30, Người thăm các lớp Bình dân học vụ ở Trường Hàng Than và phố Hàng Bún. Tại Trường Hàng Than, Người ân cần hỏi thăm học viên và ghi vào Sổ Vàng của Trường dòng chữ:

Thày siêng năng

Trò siêng học

Thế là tốt lắm.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 432-434.

- Báo Cứu quốc, số 398, ngày 7-11-1946

Tháng 11, ngày 6

6 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm trụ sở Đảng Dân chủ31 và Tự vệ thành Hoàng Diệu. Sau đó, Người cùng Cụ Tôn Đức Thắng đi thăm Phòng Nam Bộ 3).

14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp báo, Người tỏ ra hài lòng về tiến triển của kỳ họp Quốc hội và về bức thư của Đô đốc Đácgiăngliơ gửi cho Người báo tin đã trả lại tự do cho 85 chính trị phạm Việt Nam.

- Báo Cứu quốc, số 398, ngày 7-11-1946.

Tháng 11, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi. Bản Thông báo có đoạn: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến,

Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.

Cùng ngày, tại Nhà hát Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ Mùa đông binh sĩ do Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 203, cử ông Hoàng Hữu Nam làm Trưởng đoàn cùng các thành viên: đại tá Hoàng Văn Thái, thiếu tá Thanh Sơn, các ông Trần Công Tường, Phan Mỹ, Phan Phác, Nguyễn Văn Chi vào Uỷ ban liên kiểm Việt - Pháp để thi hành bản Tạm ước Việt - Pháp ngày 14-9-1946.

- Báo Cứu quốc, số 398, ngày 7-11-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 435.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 8

Bài viết Địa thế, ký tên Q.T., của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu quốc, số 399, giới thiệu vắn tắt chín loại địa thế trong Binh pháp Tôn Tử và chiến thuật cần áp dụng cho từng tình thế. Tác giả rút ra kết luận: "Ở vào mỗi địa thế, phương pháp dụng binh mỗi khác. Nếu không tuỳ từng địa thế để thay đổi phương pháp, đánh trận không thể thắng được. Có khi hãm vào chỗ đất chết mà được sống, có khi vào chỗ đất sống hẳn hoi mà bị chết. Cho nên ra trận, phải biết phân biệt địa thế. Có phân biệt được địa thế mới biết áp dụng phương pháp đánh trận một cách có hiệu quả".

14 giờ đến 17 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần lượt tiếp đại biểu của Liên đoàn giáo giới Việt Nam, Trung-Việt văn hoá hiệp hội, Uỷ ban vận động Đời sống mới, Tổng hội sinh viên và Lê Khanh, Giám mục địa phận Hưng Hoá. Tại buổi tiếp các đại biểu giáo giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Không riêng gì ở nước ta, mà ở các nước khác cũng vậy, hình như sự không đủ ăn là số phận chung của các giáo viên. Khi nào nền tài chính dồi dào, Chính phủ phải nghĩ ngay đến giáo viên là những người từ tầng dưới đến tầng trên, lãnh trách nhiệm đào tạo nhân tài cho Tổ quốc. Trong lúc này, về quyền lợi, Chính phủ chưa làm thoả mãn giáo viên, nhưng về nhiệm vụ, đòi anh chị em “cùng sống trong một nhà, chúng ta chẳng còn lạ gì nhau, chúng ta phải chịu khổ gánh vác với nhau công việc chung”.

Trong ngày, Người ký Sắc lệnh số 204 về việc cấp tiền đi đường và giấy tờ cần thiết cho các đại biểu Quốc hội khi đi dự họp và một khoản phụ cấp đặc biệt có ghi trong

Sắc lệnh.

- Báo Cứu quốc, số 399, 400 và 408, ngày 8, 9 và 17-11-1946.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự phiên họp bế mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Phát biểu trước Quốc hội, khi đánh giá về bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua, Người nhấn mạnh đây là "bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa. (....) Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”.

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Moóclie.

17 giờ, Người tiếp Đoàn đại biểu Đoàn Thanh niên Việt Nam.

20 giờ, Người dự buổi dạ hội của Nhi đồng Thủ đô Hà Nội chào mừng Quốc hội.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng Thống chế Xtalin nhân dịp kỷ niệm lần thứ 29 Cách mạng Tháng Mười32 và viết thư trả lời thư phản kháng của Thượng sứ Pháp Đácgiăngliơ 4). Thay mặt Chính phủ, Người khẳng định sự hợp hiến của Uỷ ban hành chính lâm thời Nam Bộ (thành lập từ tháng 8-1945) và sự có mặt của quân đội Việt Nam ở đó là hoàn toàn phù hợp với Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9. Người nhấn mạnh: “Hoạt động của Uỷ ban hành chính lâm thời Nam Bộ cũng như các cơ quan quân sự Việt Nam, chỉ là để đi đến sự thi hành triệt để các điều khoản về chính trị và quân sự của Khoản 9 trong bản Tạm ước nói về Nam Bộ và chỉ có thể giúp cho chính sách hợp tác thân thiện mà cả hai Chính phủ đều mong muốn có thể thực hiện dễ dàng”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 205 sáp nhập liên xã Hưng Đạo thuộc phủ Thanh Hà (Hải Dương) vào huyện Kim Thành cùng tỉnh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 440-442.

- Báo Cứu quốc, số 400, ngày 9-11-1946.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Chùa Thầy - một thắng cảnh của xã Quốc Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc tỉnh Hà Tây), nơi sớm có phong trào cách mạng. Hỏi chuyện và được biết năm nay nông dân được mùa, Người nhắc nhở: “Lúa tốt thì dân được no. Nhưng phải biết tiết kiệm. Trước đây dân ta mất nước nên bị mù chữ, bây giờ nước nhà độc lập, dân phải lo học hành và phải nhớ đoàn kết, đại đoàn kết, sản xuất tốt, công tác tốt và bảo vệ thắng cảnh”.

15 giờ 15, Hồ Chí Minh đến dự ngày "Thanh niên quốc tế" tổ chức tại Quảng trường Nhà hát Thành phố (Hà Nội). Người nói đại ý: Trong thanh niên còn có rất nhiều người yếu ớt, cán bộ học sinh của Trường thể dục phải làm cho toàn thể đồng bào cùng khoẻ, phải phổ thông hoá, đại chúng hoá, dân chủ hoá thể dục.

- Tỉnh uỷ Hà Sơn Bình: Bác Hồ với Hà Sơn Bình, 1990, tr. 127-128.

- Báo Cứu quốc, số 402, ngày 11-11-1946.

Tháng 11, ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Chính phủ Pháp kịch liệt phản kháng việc Pháp đơn phương tổ chức Phòng thuế quan và kiểm soát ngoại thương tại Hải Phòng 5), và yêu cầu Thủ tướng Pháp Gioócgiơ Biđôn chấm dứt các cuộc xung đột ở Bắc Bộ.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Jullliard, Paris, 1988, p. 246.

Tháng 11, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào cả nước. Người vui mừng thay mặt Chính phủ và Quân đội cảm ơn các tôn giáo, các báo chí, các đoàn thể, các thân hào và quốc dân đồng bào đã nhiệt thành ủng hộ và tích cực tham gia phong trào Mùa đông binh sĩ. Người khẳng định: “Chiếc áo trấn thủ mà đồng bào sẽ gửi cho anh em binh sĩ, trong mùa rét này, chẳng những sẽ giúp anh em giữ được sức mạnh để bảo vệ đất nước, mà lại còn khiến anh em luôn luôn nhớ đến tình thân ái nồng nàn của đồng bào ở hậu phương”.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhan đề Phương pháp chiến đấu và hành quân trên các địa hình, ký bút danh Q.T., đăng báo Cứu quốc, số 406, giới thiệu về phương pháp chiến đấu và hành quân ở vùng có nhiều núi non hiểm trở, vùng có nhiều sông ngòi, vùng đầm lầy hay đầm ao, vùng đồng bằng và nêu những địa điểm nguy hiểm cần phải tránh trong lúc tiến quân.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 206, sửa đổi một số điểm ở điều 2, 7, 8 trong Sắc lệnh số 118 về việc thu đảm phụ quốc phòng đối với ngành vận tải.

- Sắc lệnh số 207, tạm thời đổi mức thuế tối thiểu và thuế tổng nội đánh vào hàng hoá nhập vào Việt Nam.

- Báo Cứu quốc, số 406, ngày 15-11-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 443-445.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 16

14 giờ tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ và chụp ảnh kỷ niệm với các vị xung phong trong phong trào Mùa đông binh sĩ. Sau đó, Người đến dự Lễ khai mạc Xung phong Mùa đông binh sĩ tại Nhà hát Thành phố Hà Nội. Phát biểu trong buổi lễ, Người nói đại ý: Nước ta được giải phóng là nhờ có xương máu của toàn dân và xương máu của các chiến sĩ đã hy sinh nơi tiền tuyến. Trong lúc ở hậu phương chúng ta có gia đình ấm áp, thì ở tiền phương, các binh sĩ đang phải chịu rét mướt. Vậy nên toàn quốc đồng bào ai cũng có bổn phận góp phần vào cuộc vận động Mùa đông binh sĩ. Một nước mà toàn thể đồng bào đoàn kết như thế, không một sức mạnh nào có thể thắng được và nhất định chúng ta phải được độc lập và thống nhất. Bây giờ, tôi có hai chiếc áo rét. Một chiếc tôi mặc đã mấy năm nay và một chiếc của Uỷ ban vận động Mùa đông binh sĩ vừa may biếu tôi. Tôi xin gửi tặng cả hai chiếc tới các binh sĩ ngoài mặt trận.

Cùng buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc họp báo để trả lời những câu hỏi gửi trước của các phóng viên trong và ngoài nước vềKết quả của cuộc Tổng tuyển cử ở Pháp, tình hình và kết quả việc thi hành bản Tạm ước 14-9, quan hệ Việt-Hoa, quan hệ Việt-Ấn...

Kết thúc buổi họp báo, Người một lần nữa nhấn mạnh: "Tôi mong rằng những hiểu lầm giữa hai bên Việt-Pháp sẽ được tiêu tán đi, để cho cả hai bên sau đây sẽ cùng bước mau đến một sự hợp tác mà ai cũng muốn. Tôi yêu cầu các bạn Pháp tin ở chúng tôi; chúng tôi nhất quyết giữ lời hứa. Có người hỏi: Tại sao những giao tiếp cá nhân giữa người Pháp và người Việt bây giờ rất hiếm? Chúng tôi không bao giờ làm gì ngăn trở, gây khó khăn cho những cuộc gặp gỡ ấy. Trái lại, chúng tôi còn muốn khuyến khích những sự tiếp xúc đó nữa. Vì những cuộc đó dễ làm tan những mối hiểu lầm và làm nảy nở tình thân thiện. Tôi mong rằng sau đây những cuộc giao thiệp gặp gỡ nhau ấy sẽ có luôn. Cái đó chỉ do các bạn người Pháp thật tâm muốn là được".

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 208, bổ nhiệm giám đốc Nha Dân tộc thiểu số.

- Sắc lệnh số 209, bổ nhiệm cán bộ cho Bộ Quốc phòng.

- Sắc lệnh số 210, sửa đổi điều 2 của Sắc lệnh số 134 về quyền lợi của các uỷ viên Hội đồng nhân dân và uỷ viên Uỷ ban hành chính huyện, châu.

- Sắc lệnh số 211, cho phép ông Phó Đổng lý sự vụ Bộ Quốc dân kinh tế được từ chức.

- Báo Cứu quốc, số 408, ngày 17-11-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 446-449.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 17

6 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi thăm Bắc Ninh. Sau khi trò chuyện với bà con có mặt tại nơi đón tiếp, Người vào nhà thờ thăm linh mục Áctôra (Artoraz), địa phận Bắc Ninh, thăm Trại thanh niên Công giáo, Quân y Viện và Trung đoàn bộ Bắc Ninh.

11 giờ, Người tới Bắc Giang thăm Bệnh viện tỉnh, Trường cán bộ Chu Văn Tấn, Trường trung học Hoàng Hoa Thám và ăn cơm trưa tại Uỷ ban hành chính Bắc Giang.

12 giờ, Người nói chuyện với linh mục Mayo (Mayor) và hai vị linh mục khác. Người tỏ ý rất vui vì linh mục Mayo và Áctôra đã gây được hoà khí đoàn kết lương - giáo. Sau đó, Người tiếp các đại biểu Hoa kiều, hỏi han về tình hình buôn bán và khuyên bà con nên hiểu biết lẫn nhau để duy trì hoà khí, tinh thần đoàn kết vốn có giữa hai dân tộc Hoa - Việt.

14 giờ 30, Người rời Bắc Giang về Uỷ ban hành chính Bắc Ninh tiếp đại biểu Hoa kiều, Pháp kiều... Trên đường về, Người ghé thăm hai làng Phù Lưu và Đình Bảng, gặp và hỏi thăm các cụ già cao tuổi, trò chuyện cùng các cháu nhi đồng và nghe các cháu hát.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thông điệp cho Cao uỷ Pháp ở Sài Gòn, một lần nữa khẳng định: Nam Bộ là đất của Việt Nam. Hoạt động của Uỷ ban hành chính Nam Bộ là phù hợp với quy định của Tạm ước 14-9; phía Việt Nam mong muốn thực hiện một nền hoà bình, tránh dùng vũ lực...

- Báo Cứu quốc, số 408 và 409, ngày 17 và 18-11-1946.

Tháng 11, ngày 18

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Nam Trung Bộ (gồm các tỉnh Khánh Hoà, Bình Thuận, Phan Rang, Phan Thiết, Đắc Lắc, Buôn Mê Thuột), đến bày tỏ sự ủng hộ của đồng bào Nam Trung Bộ đối với Chính phủ và Cụ Hồ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Đờ La Sarie (De La Charière) và nhất trí với đề nghị của ông ta về việc tiến hành cuộc họp giữa các phái đoàn mà hai bên đã chấp nhận tại Hà Nội, nhằm làm dịu tình hình căng thẳng hiện thời 6).

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đặc phái viên của Trung Hoa ở Hương Cảng và Thượng Hải và các ông Cung Thuốc Lễ, Trưởng tế Thương hội Trung Hoa ở Bắc Bộ cùng ông Lâm Trạch Thân, đại biểu Hoa kiều ở Việt Nam.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.246.

- Báo Cứu quốc, số 410 và 411, ngày 19 và 20-11-1946.

Tháng 11, ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho nhi đồng Xã Ba, Lao Cai, cảm ơn các cháu đã gửi thư và quà cho Người. Trong thư, Người khuyên nhi đồng Xã Ba giữ gìn kỷ luật, ra sức giúp nhau học hành, “Làm sao cho đồng bào ở Xã Ba ai cũng biết chữ quốc ngữ, thì Bác sẽ vui lòng và khen các cháu ngoan”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm thương bệnh binh ở Bệnh viện Đồn Thuỷ (nay là Viện Quân y 108).

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 212 bổ nhiệm người giữ chức thứ trưởng Bộ Y tế.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 450.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 20

Bài Tìm người tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu quốc, số 411, Người viết:

"Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức.

E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.

Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.

... Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ".

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu đồng bào tỉnh Sơn La. Người hỏi thăm các đại biểu về đời sống, văn hoá của đồng bào Sơn La và khuyên họ cố gắng học hành cho trí óc mở mang, nâng cao đời sống.

Sau 16 giờ, Người nhận được thư của tướng Moóclie. Trong thư, ông ta phản đối vụ xung đột xảy ra ở Hải Phòng và có ý đổ lỗi cho phía Việt Nam.

Tối, Người gặp Đờ La Sarie, chấp nhận đề nghị họp ngay các phái bộ hỗn hợp về hải quan ngoại thương Pháp - Việt.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 213, thay cán bộ giữ chức cục trưởng Cục Giao thông công chính.

- Sắc lệnh số 214, cử ông Hoàng Văn Thái làm Cục trưởng Quân huấn, chỉ huy Đội tiếp phòng Việt Nam; ông Phan Phác làm Phó cục trưởng Quân huấn; ông Văn Tiến Dũng làm Phó cục trưởng Chính trị; ông Nguyễn Sơn làm Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng; ông Lê Thiết Hùng làm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam.

- Sắc lệnh số 215, giải tán Nha Y tế trung ương, Nha Cứu tế trung ương, Nha Lao động trung ương. Nhân viên các Nha đó do các bộ trưởng bộ chủ quản bổ dụng.

- Báo Cứu quốc, số 411 và 416, ngày 20 và 25-11-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 451.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.249-250.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 21

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các ông Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Huyên dự Lễ khai giảng Trường Quân y khoá I tại phố Yécxanh (Hà Nội). Người phát biểu ý kiến và căn dặn học sinh "Phải chăm lo học hành và gắng thực hành 5 điều: HĂNG HÁI, HY SINH, BÁC ÁI, ĐOÀN KẾT, KỶ LUẬT.

Cùng ngày, Người viết thư trả lời bức thư ngày 20-11-1946 của tướng Moóclie. Người quy trách nhiệm gây hấn tại Hải Phòng là thuộc quân đội Pháp và hy vọng Phái đoàn Việt - Pháp khởi hành sáng 21-11-1946 sẽ làm cho tình hình ở Hải Phòng ổn định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh cử ông Phạm Ngọc Thạch giữ chức Thứ trưởng Chủ tịch phủ.

- Báo Cứu quốc, số 413 và 414, ngày 22 và 23-11-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 452, 456.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn các cán bộ và công nhân đường sắt đã phục vụ chuyến tầu ngày 21-10-1946, đưa Người và đoàn công tác từ Hải Phòng về Hà Nội an toàn, nhanh chóng.

Cùng ngày, bài Bắc Cực: một địa điểm quan trọng cho chiến lược quân sự sau này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Q.T., đăng trên báo Cứu quốc, số 413.

Sau khi đánh giá tiềm năng và vị trí địa lý của Bắc Cực, điểm qua những mối quan hệ giữa các cường quốc Mỹ, Liên Xô, Canađa từ sau chiến tranh xung quanh vấn đề Bắc Cực, tác giả cho rằng Bắc Cực có thể trở thành nơi "phồn hoa, đô hội của thế giới" theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật, nhưng cũng sẽ trở thành "vị trí quân sự quan trọng nhất" khi theo dõi những hoạt động quân sự chuẩn bị chiến tranh ở khu vực này của Mỹ và Canađa. Tác giả đặt câu hỏi và tự trả lời: "Bắc Cực sẽ là nơi hoạt động của nhân loại hay là nơi phá hoại văn minh của nhân loại, chúng ta chưa thể đoán định được. (...) Dù sao mặc lòng, sau bao nhiêu năm đau khổ vì chiến tranh, nếu lại chuẩn bị chiến tranh nhất định dân chúng thế giới sẽ phản đối."

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 217, ban hành quy chế hành nghề luật sư.

- Sắc lệnh số 218, cho phép ông Đổng lý văn phòng Bộ Canh nông được từ chức.

- Báo Cứu quốc, số 413, ngày 22-11-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 453-455.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 23

Bức thư ngỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh Gửi đồng bào Việt Nam, người Pháp và người thế giới, đăng trên báo Cứu quốc, số 414. Sau khi phân tích trách nhiệm của người Pháp trong những cuộc xung đột Pháp - Việt ở Nam Bộ, Hải Phòng, Lạng Sơn sau Tạm ước 14-9, Người kêu gọi đồng bào cả nước sẵn sàng làm theo lệnh của Chính phủ, kêu gọi người Pháp chấm dứt những hành động khiêu khích, thành thật, bình đẳng cộng tác với Việt Nam. "Máu Việt Nam và máu Pháp đổ đã nhiều rồi. Không nên đổ nữa. Vì lý lẽ gì, vì lợi của ai, mà đem máu quý báu của thanh niên Pháp (một thanh niên đầy những tương lai vẻ vang) đổ trên non nước Việt Nam. Người Việt và người Pháp cùng tin tưởng vào đạo đức:

Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Độc lập.

Người Việt và người Pháp có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà, để gây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc.

Đó là ý nguyện rõ rệt của Việt Nam, mong người Pháp và toàn thế giới biết cho".

12 giờ, qua Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi về việc quân Pháp lại gây hấn ở Hải Phòng. Người kêu gọi các tướng lĩnh Pháp ở Việt Nam "phải lập tức đình chỉ việc đổ máu giữa người Pháp và người Việt", kêu gọi "toàn thể đồng bào phải trấn tĩnh, các bộ đội và tự vệ phải sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ tính mệnh, tài sản của ngoại kiều" và tuyên bố "Chính phủ luôn luôn đứng sát với toàn thể đồng bào để giữ gìn đất nước".

Cùng ngày, Người tiếp và mời cơm ông Đờ La Sarie,

để bàn về vấn đề lập các Uỷ ban đã quy định trong Tạm ước 14-9.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 457-459.

- Báo Cứu quốc, số 415, ngày 24-11-1946.

Tháng 11, ngày 24

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội. Trong diễn văn khai mạc, Người nêu rõ: Nền văn hoá mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hoá nước ngoài, tạo ra nền văn hoá Việt Nam, sao cho văn hoá mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập.

Người còn chỉ rõ: "Nhi đồng Việt Nam đang tiến bộ nhiều về văn hoá... Tôi xin thay mặt toàn thể thiếu nhi Việt Nam kêu gọi các nhà hoạt động văn hoá hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng", lãnh đạo quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm làng Phú Gia (xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Người đến trụ sở Uỷ ban hành chính hỏi về tình hình Bình dân học vụ, đời sống mới và hài lòng với những cố gắng của Phú Gia. Sau đó, Người trò chuyện với các cụ phụ lão và toàn thể nhân dân địa phương.

Cùng ngày, Lời kêu gọi về việc quân Pháp lại gây hấn ở Hải Phòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu Quốc, số 416, kêu gọi Đại tướng Valuy, Tổng chỉ huy quân đội Pháp kiêm Thượng sứ và các tướng lĩnh Pháp ở Việt Nam phải lập tức đình chỉ những hành động gây đổ máu giữa người Pháp và người Việt.

Đồng thời, Người cũng kêu gọi toàn thể đồng bào ta phải bình tĩnh, bộ đội và tự vệ phải sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của ngoại kiều.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 460.

- Báo Cứu quốc, số 416, ngày 25-11-1946.

Tháng 11, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại làng Hậu Ái (nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây).

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 220, ấn định tổ chức của Bộ Kinh tế và quyền hạn của Bộ đối với các cơ sở kinh tế các Kỳ, Nha chuyên môn trực thuộc.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, tr. 14.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Tây: Bác Hồ với Hà Tây.

Tháng 11, ngày 27

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào nông dân thành lập nghĩa thương 7). Người nêu lên bốn điều lợi của nghĩa thương là:

“1. Để dành thì mình khỏi lo đói;

2. Để dành không mất đi đâu mà lại có lãi;

3. Để dành đã ích riêng cho mình, lại ích chung cho đồng bào;

4. Chỉ để dành một năm mà cả đời khỏi lo đói”.

Chiều, Người tiếp 17 đại biểu thuộc các dân tộc thiểu số: Bình Lương, Châu Lạc Thuỷ, Chi Nê (Hoà Bình). Sau khi thăm hỏi tình hình đời sống của nhân dân địa phương, Người căn dặn đồng bào phải “sống cho đúng đặng là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.

Cùng ngày, Hồ Chí Minh gửi điện cho Thủ tướng Pháp Gioócgiơ Biđôn, yêu cầu chấm dứt ngay những cuộc đụng độ ở Bắc Kỳ 8).

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 221 cử cán bộ giữ chức Đổng lý sự vụ Bộ Cứu tế xã hội.

- Sắc lệnh số 223 ấn định hình phạt đối với tội đưa và nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, tài sản công cộng.

- Sắc lệnh số 224 đổi tên Nha, Sở, Ty Thông tin tuyên truyền thành Nha, Sở, Ty Thông tin.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 461.

- Báo Cứu quốc, số 419, ngày 28-11-1946.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.254.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 225, cử ông Hồ Đắc Di giữ chức Tổng Giám đốc Đại học vụ thay ông Nguyễn Văn Huyên; ông Nguỵ Như Kon Tum giữ chức Đổng lý sự vụ Bộ Quốc gia Giáo dục thay cho ông Nguyễn Văn Hiếu giữ chức vụ khác; ông Hoàng Thiếu Sơn giữ chức Chánh văn phòng Bộ Quốc gia Giáo dục; ông Nguyễn Văn Hiếu giữ chức Tổng Thanh tra trung ương thay ông Dương Quảng Hàm.

- Sắc lệnh số 226, quy định tổ chức Bộ Lao động và nhiệm vụ của Văn phòng và các Ban của Bộ.

- Bản chụp Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 29

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Vôxen (Vaucel), Thanh tra y tế của quân đội Pháp mới sang Việt Nam. Ông Vôxen đã chuyển tới Người lời thăm hỏi của Bộ trưởng Mariuýt Mutê.

- Báo Cứu quốc, số 421, ngày 30-11-1946.

Khoảng cuối tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được Thư quyết tâm viết bằng máu của các chiến sĩ Kiến An, Hải Phòng với nội dung: “Quyết hy sinh tới giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất Cảng”.

- Báo Dân chủ, ngày 25-11-1946.

- Hải Phòng - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1986, tr.156.

Khoảng cuối tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi gửi Liên hiệp quốc

Trong Lời kêu gọi, sau khi trình bày những việc làm cụ thể chứng tỏ thiện chí mong muốn hoà bình của nhân dân Việt Nam, tố cáo những ý đồ xấu xa và những hành động gây chiến của những người đại diện nước Pháp ở Đông Dương nhằm áp đặt lại chế độ bóc lột thực dân cũ, Người trịnh trọng tuyên bố với Liên hiệp quốc: "Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hoà bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước". Nhân dịp này, Người cũng tuyên bố những nguyên tắc chính trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Việt Nam: Tôn trọng nền độc lập của các nước láng giềng và mong muốn hợp tác với các nước có chủ quyền trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối; sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực với các nước dân chủ.

Cuối cùng, Người kêu gọi Liên hiệp quốc hãy góp phần vãn hồi hoà bình ở Việt Nam, "để cho Hiến chương Đại Tây Dương được tôn trọng và để khôi phục lại những quyền cơ bản của Việt Nam là được thừa nhận độc lập dân tộc và thống nhất lãnh thổ."

- Bút tích tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 467-471.

_______________________________

1) Sống lâu muôn tuổi.

2) Hai người này trước đây đã được bà Nguyễn Thị Thanh cùng cho vào Bắc Bộ phủ thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

3) Cơ quan trực thuộc Chính phủ được thành lập tháng 1 năm 1946, có nhiệm vụ giúp Chính phủ theo dõi phong trào kháng chiến, tổ chức chi viện sức người, sức của cho Nam Bộ.

4) Ngày 7-11-1946, Đácgiăngliơ gửi thư cho Chính phủ Việt Nam phản đối sự tồn tại của Uỷ ban hành chính lâm thời Nam Bộ và các hoạt động của các cơ quan quân sự của ta.

5) Theo Philippe Devillers, ngày 26 tướng Valuy mới gửi thư này từ Sài Gòn đi Pari và đến nơi là ngày 2-12-1946.

6) Theo Philippe Dellivers thì cuộc họp này đã không diễn ra.

7) Một loại quỹ do nông dân tự nguyện tham gia đóng góp bằng thóc, dùng giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn.

8) Theo Philippe Dellivers, bức điện không đề ngày tháng, Sài Gòn chuyển cho Pari ngày 27-11-1946. Ngày 28-11-1946, Gioócgiơ Biđôn đã nhận được.

* Năm 1946 - Tháng 12

NĂM 1946

Tháng 12, ngày 3

Chiều, mặc dù ốm mệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp ông J.Xanhtơny. Cùng dự có các ông Hoàng Minh Giám và Hoàng Hữu Nam. Người cho rằng Pháp phải chịu trách nhiệm về các vụ xung đột ở Hải Phòng và Lạng Sơn. Người đề nghị: các Uỷ ban hỗn hợp đã được tổ chức sẽ tiếp tục công việc trước đây; thành lập hai ban đặc biệt để giải quyết vấn đề về quân sự và thuế quan. Cuối cùng, Người đề nghị các lực lượng Pháp và Việt Nam trở về các vị trí chiếm đóng cũ trước khi xảy ra các vụ xung đột.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc tại làng Vạn Phúc, Hà Đông.

- J. Xanhtơny: Câu chuyện về một nền hoà bình bị bỏ lỡ, Nxb. Công an nhân dân, 2003, tr. 297-299.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.267.

- Tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 12, ngày 6

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề: Chiến đấu vì chính nghĩa, ký tên Q.T., đăng trên báo Cứu quốc, số 427. Người vạch rõ chiến lược, chiến thuật của quân và dân ta cần thực hiện. Đó là “chiến thuật phòng ngự, bảo tồn lực lượng để chờ thời cơ trừ diệt địch quân” và nhấn mạnh: “Thế thủ không phải cố chết để mà giữ, không phải chống địch ở ngoài cửa ngõ, mà phải dụ địch vào sâu để diệt. Chiến lược tiêu hao lực lượng của địch là chiến lược rất mầu nhiệm trong cuộc chiến tranh tự vệ”. Phân tích về điều kiện "nhân hoà", yếu tố quyết định để tiêu diệt quân địch, Người cho rằng “chỉ phe nào vì chính nghĩa mà chiến đấu, phe ấy mới có điều kiện nhân hoà”, chúng ta chiến đấu vì chính nghĩa, nên chúng ta có đủ điều kiện nhân hoà. Ngoài yếu tố đó, chúng ta còn có thêm lợi thế nữa, ấy là địa lợithiên thời.

Có chiến thuật đúng đắn, lại có đủ ba điều kiện nhân hoà, địa lợi và thiên thời, "cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thành công".

Cùng ngày, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam.

- Báo Cứu quốc, số 427, ngày 6-2-1946.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.269.

Tháng 12, ngày 7

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp, đăng trên báo Cứu quốc, số 428.

Sau khi nêu rõ thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tố cáo những hành động gây hấn của binh lính Pháp ở Việt Nam, phá hoại Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9, Người kêu gọi:

“Quốc hội và Chính phủ Pháp hãy nghĩ đến quyền lợi chung tối cao của hai dân tộc Pháp-Việt, hạ lệnh cho đương cục Pháp khôi phục tình trạng trước ngày 20-11-1956, để cùng Chính phủ Việt Nam thi hành Tạm ước, để xây đắp sự cộng tác Pháp - Việt thân thiện và lâu dài”.

17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông L.A.Môpha (L.A.Moffat), Giám đốc Cục châu Á Bộ Ngoại giao Mỹ, mới tới Hà Nội 1).

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch còn có cuộc tiếp nhà báo Bécna Đrăngbê (Bernard Dranber), phóng viên báo Paris - Saigon. Người nói:

"Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hoà bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp cũng không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách. Chúng tôi tha thiết với nền độc lập, nhưng nước Việt Nam độc lập ở khối Liên hiệp Pháp.

Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang chờ đợi chúng tôi. Nước Pháp có những phương tiện ghê gớm, và cuộc chiến đấu sẽ khốc hại, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do. Dù sao tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy.

Cả nước Pháp lẫn nước Việt Nam đều không thể phí sức gây một cuộc chiến tranh khốc hại, và nếu phải kiến thiết trên đống hoang tàn thì thật là điều tai hại".

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng ông Vanhxăng Ôriôn nhân dịp ông được tái cử làm Chủ tịch Quốc hội Pháp.

- Báo Cứu quốc, số 428, ngày 7-12-19746.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 465-466, 473.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.269, 270, 271, 275.

Tháng 12, trước ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn Công nhân cứu quốc làng Cổ Nhuế đã may và gửi biếu Người một bộ quần áo. Người đã gửi bộ quần áo đó tới Uỷ ban vận động Mùa đông binh sĩ để tặng lại các chiến sĩ ngoài mặt trận.

- Báo Cứu quốc, số 431, ngày 10-12-1946.

Khoảng đầu tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng quân dân Hải Phòng lá cờ thêu hai chữ: “Trung Dũng” vì những thành tích đã lập được trong những ngày đêm bảo vệ thành phố Cảng cuối tháng 11 2).

- Hải Phòng - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1986, tr. 172.

Đầu tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc chuẩn bị mọi mặt cho việc di chuyển cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước khi cần thiết.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1984, t.4, tr. 606.

Tháng 12, ngày 12

Được đại biểu các nhà báo Việt Nam hỏi ý kiến về lời tuyên bố mới đây của Lêông Blum về vấn đề Việt Nam 3), Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu:

"... Lời cụ nói rất có giá trị và ảnh hưởng (...) Lời của cụ Lêông Blum chẳng những đại biểu cho tâm lý nhân dân nước Pháp, mà cũng có thể nói đại biểu cho tâm lý nhân dân Việt Nam.

Việt Nam quyết lòng thật thà cộng tác với nhân dân Pháp như anh em, trên nền tảng độc lập, bình đẳng, quyết lòng tôn trọng lợi ích văn hoá và vật chất của nước Pháp ở đây.

Nhưng Việt Nam cũng quyết lòng không để cho ai chinh phục bằng âm mưu hoặc bằng vũ lực.

Vậy tôi rất tán thành chính sách thân thiện của cụ Blum và cảm ơn cụ Blum đã hiểu rõ tâm lý của nhân dân Việt Nam. Chính sách đó thay thế cho chính sách thực dân sớm ngày nào thì lợi ích cho hai dân tộc Việt-Pháp ngày ấy!".

Cùng ngày, trong văn kiện "Toàn dân kháng chiến" có mục "V. Khẩu hiệu tuyên truyền trong thời kỳ kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi:

"1. Những khẩu hiệu chính

1. Toàn dân đoàn kết!

Kháng chiến lâu dài!

2. Liên hiệp dân Pháp!

Đánh thực dân Pháp!

3. Bảo toàn lãnh thổ

Giữ vững chủ quyền!

4. Đánh đổ chính quyền thực dân bù nhìn

Củng cố Cộng hoà dân chủ! 4)

5. Việt Nam thống nhất độc lập!

Trung, Bắc, Nam nhất định thống nhất".

- Báo Cứu quốc, số 434, ngày 13-12-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 472.

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr. 154.

Tháng 12, ngày 13

Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: bài Chiến lược của quân ta và của quân Pháp và bài Động viên kinh tế, cùng ký bút danh Q.T., đăng trên báo Cứu quốc, số 434.

Trong bài Chiến lược của quân ta và của quân Pháp, tác giả dựa vào ý đồ cướp nước và phân tích hành động chiến tranh của thực dân phản động Pháp ở Nam Bộ và Hải Phòng, Lạng Sơn đã nhận định "Chiến lược của chúng 5) là chiến lược tiến công, đánh chớp nhoáng" nhằm giải quyết nhanh vấn đề chiếm đóng và tiêu diệt chủ lực của quân ta, buộc ta phải khuất phục. Nhưng chiến lược đó của chúng, vì tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh, nên chắc chắn sẽ thất bại. Còn phía quân ta, do tương quan lực lượng, xuất phát từ mục đích chiến đấu để tự vệ, vì vậy, "chiến lược của ta là chiến lược phòng ngự. Về phương pháp tác chiến, chúng ta áp dụng vận động chiến song song với du kích chiến".

Với chiến lược đó, ta phải kháng chiến lâu dài, mà "kháng chiến lâu dài cần phải chuẩn bị đầy đủ và tất nhiên phải qua nhiều giai đoạn khổ sở, gian lao". Song từ bài học nhờ trường kỳ kháng chiến mà quân đội Trung Hoa đã đánh thắng phát xít Nhật có lực lượng mạnh hơn, nhờ chiến tranh du kích mà quân đội Nam Tư đã đánh thắng phát xít Đức, Người khẳng định: "Chúng ta nhất định sẽ thắng trong cuộc chiến đấu tự vệ của chúng ta".

Bài Động viên kinh tế nêu rõ ý nghĩa và mục đích của việc động viên kinh tế đối với cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân ta. Theo tác giả, việc động viên kinh tế phải được tiến hành trên nhiều phương diện: lao động, giao thông, công nghệ, nông nghiệp, tài chính, tiết kiệm, có như vậy mới tập trung được hết thảy nhân lực, vật lực, tài lực vào công cuộc kháng chiến.

Kết luận, bài báo viết: "Cuộc kháng chiến lâu dài của chúng ta được thắng lợi là do nơi chúng ta động viên kinh tế được thành công, vì chúng ta có biết động viên kinh tế một cách khôn khéo, thực lực của chúng ta mới được đầy đủ và bền bỉ. Rất mong toàn thể quốc dân gắng gỏi trong công việc này".

- Báo Cứu quốc, số 434, ngày 13-12-1946.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 474-479.

Tháng 12, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp hai phóng viên của tờ Niu Oóc thời báo.

- Báo Cứu quốc, số 436, ngày 15-12-1946.

Tháng 12, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu ông J.Xanhtơny chuyển tới Thủ tướng Pháp Gioócgiơ Biđôn một Thông điệp 6) trong đó đề nghị một giải pháp làm hoà dịu tình hình như sau: phía Việt Nam đưa dân sơ tán trở về sinh hoạt bình thường trong các thành thị, chấm dứt các hoạt động đề kháng trong thành phố. Phía Pháp rút quân về những vị trí trước ngày 20-12, ngừng các hoạt động càn quét, đàn áp ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Hai bên cho phái bộ xúc tiến việc thi hành hiệp định tại Hà Nội và Sài Gòn bằng một hiệp ước chung.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.192.

Tháng 12, ngày 18

Tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (mở rộng), quyết định tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tiếp một bức điện 7) cho Thủ tướng Pháp Lêông Blum. Bức điện có đoạn:

“Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Ngài, chúng tôi sẽ chứng kiến chính sách của Đảng Xã hội Pháp và cá nhân Ngài được thực thi ở Việt Nam, một chính sách tôn trọng những hiệp định hợp tác trung thực và hữu nghị...”.

Người cũng nói rõ bức điện ngày 15-12 là “nhằm chuẩn bị một bầu không khí thuận lợi cho những cuộc đàm phán quyết định như đã dự kiến về sau”, và “tin chắc rằng việc cử một phái đoàn Quốc hội Pháp sang Việt Nam mang tinh thần hữu nghị của nhân dân Pháp tới nhân dân Việt Nam và để nắm bắt tình hình tại chỗ sẽ góp phần đáng kể vào việc tạo ra bầu không khí tin tưởng và hữu nghị đó...”.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.195.

- Báo Cứu quốc, số 440, ngày 19-12-1946.

Tháng 12, ngày 19

Sáng sớm, sau khi nhận được tối hậu thư 8) của Bộ chỉ huy quân đội Pháp, Hồ Chí Minh viết một bức thư gửi J.Xanhtơny, Uỷ viên Cộng hoà Pháp tại Đông Dương. Nội dung bức thư như sau: “Những ngày vừa qua tình hình trở nên căng thẳng hơn. Thực là rất đáng tiếc. Trong khi chờ đợi quyết định của Pari, tôi mong rằng ông sẽ cùng ông Giám tìm một giải pháp để cải thiện bầu không khí hiện tại” 9).

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ toạ Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc.

Trong ngày, tại gác hai ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương (làng Vạn Phúc), Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến33. Lời kêu gọi có đoạn:

Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

...

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”

Cả dân tộc nhất tề cầm vũ khí lao vào cuộc kháng chiến theo lệnh của Người.

- Những sự kiện lịch sử Đảng (1945-1954), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979, t. 2 tr. 99-100.

- Võ Nguyên Giáp: Những năm tháng không thể nào quên, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr. 420-425.

- Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.296.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 480-481.

_____________________________________

1) Theo Philippe Dellivers, phía Pháp không biết gì về cuộc tiếp xúc này. Cùng dự còn có ông Hoàng Minh Giám và Xulivan (Sullivan), lãnh sự Mỹ tại Việt Nam.

2) Lá cờ này được tặng lại cho Trung đoàn 41.

3) Trong một bài phát biểu tranh cử chức Thủ tướng Pháp, Lêông Blum đã tuyên bố giải pháp về vấn đề Việt Nam: "Muốn giữ những ảnh hưởng văn minh, chính trị và văn hoá Pháp, muốn giữ gìn lợi ích vật chất của người Pháp ở Việt Nam thì có một phương pháp và chỉ một phương pháp mà thôi. Phương pháp đó tức là hợp tác thật thà trên nền tảng độc lập, tức là lòng tin nhau và nghĩa thân thiện".

4) Chỉ có nơi Pháp lập chính quyền bù nhìn mới nêu khẩu hiệu này ra.

5) Tức quân Pháp.

6) Theo Philippe Dellivers, ngày 16 J.Xanhtơny mới điện vào Sài Gòn. Ngày 18 Valuy chuyển đi Pari kèm theo nhiều lời bình thiếu xây dựng và cay độc. Ngày 20, Pari mới tiến hành giải mã nội dung Thông điệp.

7) Theo Philippe Dellivers, Sài Gòn để đến đêm 19 rạng ngày 20 tháng 12 mới chuyển điện, vì vậy 16 giờ ngày 22-12 Pari mới nhận được bức điện này.

8) Đây là tối hậu thư thứ ba Pháp gửi cho ta trong hai ngày. Pháp yêu cầu đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến, tước vũ khí của tự vệ Hà Nội, trao việc duy trì trật tự an ninh của thành phố cho Pháp.

9) Thư này Hồ Chí Minh trao cho ông Hoàng Minh Giám để chuyển cho J.Xanhtơny ngay chiều hôm đó. Viên Cao uỷ khước từ và nói phải đợi đến ngày hôm sau mới nhận.

* Chú thích và bản chỉ dẫn tên người

CHÚ THÍCH

1. Tuyên ngôn Độc lập: Ngày 2-9-1945, tại Vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bảnTuyên ngôn Độc lập do Người khởi thảo, tuyên bố trước đồng bào cả nước và nhân dân thế giới việc thủ tiêu chế độ thực dân phong kiến ở Việt Nam và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trong văn kiện lịch sử này, sau khi tố cáo những tội ác tày trời của bọn thực dân và phong kiến tay sai trong gần một thế kỷ qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam và trịnh trọng tuyên bố với thế giới:

"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Tr.8.

Kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường bất khuất của dân tộc ta, Tuyên ngôn Độc lập là tác phẩm bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là bản anh hùng ca mở đầu một kỷ nguyên mới của dân tộc - Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Tr.1.

2. Chính phủ lâm thời: Tức Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam, được thành lập theo quyết định của Quốc dân đại hội Tân Trào họp trong các ngày 16, 17, 18-8-1945.

Nghị quyết của Quốc dân đại hội ghi rõ: "Để lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc giải phóng của chúng ta cho thắng lợi, Quốc dân đại hội quyết định thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam. Uỷ ban này cũng như Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam trước khi thành lập một Chính phủ chính thức. Uỷ ban này thay mặt quốc dân mà giao thiệp với các nước ngoài và duy trì mọi công việc trong nước".

Về tổ chức, Uỷ ban giải phóng có một Ban Thường trực gồm 5 uỷ viên, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Ngày 25-8-1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban giải phóng dân tộc được cải tổ thành Chính phủ lâm thời với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước, nhân sĩ tiến bộ. Nhiều uỷ viên Việt Minh trong Chính phủ tự nguyện nhường chỗ cho những người không phải Việt Minh. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá hành động cao cả đó như sau: "Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân" 1). Tr.1.

3. Sau khi giành được độc lập, Nhà nước Dân chủ Cộng hoà còn non trẻ chẳng những phải giải quyết những hậu quả về kinh tế, xã hội do bọn đế quốc phong kiến để lại, mà còn phải đối phó ngay với nạn ngoại xâm. Mượn tiếng Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, quân đội Anh đã che chở cho bọn thực dân Pháp trở lại chiếm đóng Nam Bộ. Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, quân đội Tưởng Giới Thạch kéo vào. Quân Tưởng đã đưa bọn Việt gian tay sai của chúng về nước, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng.

Trước tình hình đó, ngày 5 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi quốc dân hãy bình tĩnh, tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ, đoàn kết nhất trí, chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ nền độc lập và thống nhất của đất nước.

Trong hoàn cảnh hết sức phức tạp lúc bấy giờ, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp nhân dân ta xác định rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tr. 5.

4. "Tuần lễ Vàng": Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng gặp những khó khăn cực kỳ nghiêm trọng về tài chính. Để giải quyết những khó khăn đó, Chính phủ lâm thời đã chủ trương thành lập Quỹ Độc lập và sau đó tổ chức Tuần lễ Vàng. Tuần lễ Vàng được tiến hành trong cả nước từ ngày 17-9 đến ngày 24-9-1945, nhằm động viên nhân dân quyên góp vàng ủng hộ chính quyền cách mạng. Ngày 17-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi đồng bào cả nước, nêu rõ ý nghĩa to lớn của việc tổ chức Tuần lễ Vàng và kêu gọi mọi người tích cực tham gia.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lòng nồng nàn yêu nước, nhân dân ta ở khắp nơi đã tích cực đóng góp tiền của cho chính quyền cách mạng. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu đồng và 370 kilôgam vàng. Sự hưởng ứng nhiệt liệt và tự nguyện ấy của nhân dân đã góp phần giải quyết những khó khăn về tài chính của đất nước lúc bấy giờ. Tr. 13.

5. Đoàn thể mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói ở đây và trong các bài viết sau này như Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, Thư gửi các đồng chí Trung Bộ... tức là Đảng Cộng sản Đông Dương, vì lúc này Đảng Cộng sản Đông Dương đã tuyên bố "tự giải tán".

Sau Cách mạng Tháng Tám, từ đầu tháng 9-1945, 20 vạn quân Tưởng kéo vào miền Bắc nước ta. Tuy danh nghĩa là Đồng minh vào tước vũ khí quân đội Nhật, nhưng thực chất là âm mưu tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ, đưa bọn phản động vào và lập chính phủ bù nhìn làm tay sai cho chúng. Ở miền Nam, núp dưới bóng quân Anh, thực dân Pháp đã nổ súng đánh chiếm Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ. Cách mạng Việt Nam đứng trước tình thế hết sức hiểm nghèo.

Trong tình hình gay go phức tạp đó, Đảng ta đã chủ động đề ra những chủ trương và một số biện pháp nhằm hoà hoãn với quân Tưởng và tay sai, tranh thủ thời gian giải quyết những khó khăn cấp bách và tập trung lực lượng cho cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.

Ngày 11-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và ra Nghị quyết về việc tuyên bố "tự giải tán" Đảng Cộng sản Đông Dương. Thông cáo của Hội nghị chỉ rõ việc tuyên bố Đảng "tự giải tán" là "Để phá tan tất cả những điều hiểu lầm ở ngoài nước và ở trong nước có thể trở ngại cho tiền đồ giải phóng nước nhà". Những người muốn nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lênin "sẽ gia nhập Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương" (Văn kiện Đảng 1945-1954, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, 1978, t.I, tr. 19-20).

Đảng tuyên bố "tự giải tán" nhưng thực chất là Đảng rút vào hoạt động bí mật. Ngay trong Chỉ thị Kháng chiến, kiến quốc, Trung ương Đảng đã chỉ rõ: "Về Đảng, phải duy trì hệ thống tổ chức bí mật hay công khai của Đảng, tuyển thêm đảng viên... Các tổ chức Đảng phải sinh hoạt cho đều và không vì lẽ gì để cho nó rời rạc, loạc choạc. Tổ chức các chi bộ trong các cơ quan hành chính hay trong các hội hợp pháp, củng cố đảng đoàn trong đó; thành lập chi bộ trong quân đội; phối hợp hoạt động bí mật với hoạt động công khai, điều hoà hai sự hoạt động ấy, coi công tác bí mật vẫn là gốc... Không để cho các cơ quan bí mật trở thành xung đột hay đối lập với các cơ quan công khai". Ngày 5-12-1945, kế tục tờ báo Cờ giải phóng, tờ báo Sự thật - Cơ quan trung ương của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương (tức tờ báo của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc đó) ra đời.

Như vậy, bằng việc công khai thành lập Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác và tờ báo Sự thật cùng các chỉ thị, nghị quyết lúc đó, trên thực tế Đảng ta vẫn tiếp tục tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, giữ vững được mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Tháng 2-1951, căn cứ vào tình hình và sự lớn mạnh về mọi mặt của ta trong cuộc kháng chiến, Đại hội lần thứ II của Đảng đã quyết định Đảng ra hoạt động công khai và lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Tr. 14.

6. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp được quân đội Anh giúp sức đã nổ súng đánh chiếm trụ sở của Uỷ ban nhân dân Nam Bộ tại Sài Gòn.

Ngay chiều hôm đó, dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Nam Bộ (của Đảng Cộng sản Đông Dương) và Uỷ ban nhân dân Nam Bộ, nhân dân Sài Gòn đã tổng đình công, không hợp tác với giặc Pháp. Một vạn rưỡi tự vệ cùng nhân dân lập vật chướng ngại trên đường phố, đánh trả quyết liệt quân xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ chống thực dân Pháp xâm lược.

Việc quân Pháp đánh úp Nam Bộ đã làm cho nhân dân cả nước sôi sục căm thù. Các đội quân Nam tiến từ khắp các địa phương ở Bắc Bộ và Trung Bộ đã lên đường vào Nam đánh giặc, cứu nước.

Ngày 26-9-1945, qua Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước ta.

Từ đó, ngày 23-9 trở thành ngày truyền thống lịch sử - Ngày Nam Bộ kháng chiến. Tr. 23.

7. Ngày 6-9-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban Sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ để cấp tốc xoá nạn mù chữ trong nhân dân. Ngày

4-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Chống nạn thất học. Người kêu gọi: "Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo...".

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào học chữ quốc ngữ diễn ra sôi nổi khắp cả nước. Chỉ trong một năm (từ 19-8-1945 đến 19-8-1946) riêng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có hai triệu năm trăm nghìn người thoát nạn mù chữ. Tr. 32.

8. Việt Minh (hay Mặt trận Việt Minh): Tên gọi tắt của Việt Nam độc lập đồng minh, được thành lập tại Pác Bó (Cao Bằng) ngày 19-5-1941, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám (5-1941). Việt Minh gồm các thành viên là Đảng Cộng sản Đông Dương và các Hội Cứu quốc như: Hội Công nhân cứu quốc, Hội Nông dân Cứu quốc, Hội Thanh niên Cứu quốc, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Hội Quân nhân Cứu quốc, Hội Phụ lão Cứu quốc, Hội Phật giáo Cứu quốc, Hội Nhi đồng Cứu quốc...

Việt Minh là một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị, các dân tộc, các tôn giáo yêu nước để chống kẻ thù chính của dân tộc ta lúc bấy giờ là thực dân Pháp và phát xít Nhật. Mặt trận đã áp dụng chính sách mềm dẻo để tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ được, phân hoá kẻ thù, cô lập cao độ kẻ thù chính, nhằm tiêu diệt chúng, giành độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Mặt trận Việt Minh đã vận động toàn dân tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Để góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến mau đến thắng lợi, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc họp từ ngày 3 đến ngày 7-3-1951 đã thống nhất hai tổ chức Việt Nam độc lập đồng minhHội liên hiệp quốc dân Việt Nam thành Mặt trận Liên - Việt. Tr. 45.

9. Liên hợp quốc là một tổ chức quốc tế được thành lập tại Hội nghị Xan Phranxixcô (Mỹ), từ ngày 25-4 đến ngày 26-6-1945 trên cơ sở liên minh tự nguyện của các nước có chủ quyền, nhằm giữ gìn hoà bình và phát triển sự hợp tác giữa các nước. Đại diện của 51 nước đã tham gia Hội nghị này.

Theo Hiến chương của Liên hợp quốc, nhiệm vụ của Liên hợp quốc là giữ gìn hoà bình và an ninh bằng cách áp dụng những biện pháp chung nhằm ngăn ngừa và loại trừ những mối đe doạ với hoà bình và chống lại những hành động xâm lược; phát triển quan hệ thân thiện giữa các dân tộc và thực hiện sự hợp tác nhằm giải quyết những vấn đề quốc tế có tính chất kinh tế, xã hội, văn hoá, nhân đạo cũng như phát triển sự tôn trọng nhân quyền và quyền tự do căn bản của con người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, tiếng nói và tín ngưỡng. Liên hợp quốc thành lập theo nguyên tắc bình đẳng đối với tất cả mọi hội viên và không can thiệp vào công việc nội bộ của bất cứ nước nào.

Những cơ quan chủ yếu của Liên hợp quốc là: Đại hội đồng, Hội đồng bảo an, Hội đồng kinh tế và xã hội, Hội đồng quản thác, Toà án quốc tế và Ban thư ký. Trụ sở Liên hợp quốc đặt tại Niu Oóc (Mỹ).

Năm 1977, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập tổ chức quốc tế này. Việt Nam cùng các nước yêu chuộng hoà bình đã và đang đấu tranh để bảo vệ những nguyên tắc dân chủ của Liên hợp quốc. Tr. 57.

10. Hiến chương Đại Tây Dương: Bản tuyên bố được ký kết giữa Tổng thống Mỹ Rudơven và Thủ tướngAnh Sớcsin ngày 14-8-1941, trên một chiến hạm ở Đại Tây Dương. Hiến chương Đại Tây Dương quy định một số "nguyên tắc chung về chính sách dân tộc", trong đó nói rằng phải tiêu diệt chế độ phát xít Hítle; thừa nhận quyền tự chủ của các dân tộc, trước hết là quyền lựa chọn chế độ chính trị và xã hội mà họ muốn; tước vũ khí của bọn xâm lược, v.v.. Trên thực tế, các Chính phủ này đều đã phản bội những điều họ cam kết... Tr. 62.

11. Hiến chương Xan Phranxixcô: Bản Hiến chương được ký tại Hội nghị đại biểu của 51 nước, do Liên Xô, Mỹ, Anh và Trung Quốc (Chính phủ Tưởng Giới Thạch) triệu tập, họp tại Xan Phranxixcô ở Mỹ từ ngày 24-4 đến ngày 26-6-1945.

Hiến chương ghi rõ mục đích của Liên hợp quốc là giữ gìn hoà bình và an ninh quốc tế, ngăn ngừa và loại trừ những mối đe doạ đối với hoà bình, chấm dứt chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức, phát triển mối quan hệ thân thiện giữa các dân tộc và thực hiện sự hợp tác giữa các nước để giải quyết những vấn đề quốc tế; tôn trọng các quyền tự do căn bản của con người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, tiếng nói và tín ngưỡng. Tất cả các nước hội viên trong tổ chức này đều bình đẳng, không nước nào có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Nhưng những nguyên tắc được ký kết trên đều bị các nước đế quốc vi phạm hoặc không thi hành. Tr. 62.

12. Ngày 26-10-1945, nhân "Ngày hải quân Mỹ", Tổng thống Tơruman đã đọc một bài diễn văn nêu 12 điểm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, gồm:

1- Hoa Kỳ không nghĩ tới một sự mở mang bờ cõi nào vì những mục đích ích kỷ; 2- Hoa Kỳ tin tưởng vào sự trở lại chủ quyền của hết thảy các dân tộc đã mất chủ quyền ấy bởi cường lực; 3- Hoa Kỳ không ưng thuận một sự thay đổi lãnh thổ nào mà không được chính các dân tộc đương sự thoả thuận; 4- Tất cả các dân tộc đương chuẩn bị tự trị được chọn lấy chính thể của họ; 5- Các nước bại trận sẽ được giúp đỡ để thành lập những chính phủ hoà bình dân chủ; 6- Không một chính phủ nào thành lập bằng sự áp bức, bằng vũ lực trên một dân tộc khác, lại sẽ được Hoa Kỳ thừa nhận cả; 7- Hết thảy các nước đều được có quyền lợi ngang nhau trên những mặt bể, mặt sông khi những bể, những sông ấy đi qua nhiều nước; 8- Tất cả các nước được dự vào tổ chức Liên hợp quốc phải được bình đẳng trong việc thông thương; 9- Các nước ở Tây bán cầu sẽ được phép thảo luận về những vấn đề của họ không cần đến sự can thiệp của những nước khác; 10- Sự hợp tác kinh tế của hết thảy các nước sẽ rất cần thiết cho việc cải thiện những điều kiện sinh hoạt của thế giới; 11- Hoa Kỳ sẽ cố sức khuyến khích sự tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng trong khắp nơi trên toàn cầu; 12- Sự duy trì hoà bình bắt buộc tổ chức Liên hợp quốc phải dùng tới sức mạnh, nếu cần.

Nội dung những điểm nêu trên bộc lộ mâu thuẫn giữa các nước đế quốc trong việc phân chia lại bản đồ thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phản ánh tham vọng của đế quốc Mỹ muốn đóng vai trò sen đầm quốc tế và xác định địa vị bá chủ thế giới. Trong thực tế, Mỹ đã không thực hiện những lời cam kết của mình.

Ngay từ khi chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, Đảng ta đã nhận định việc quân Đồng minh tiến vào nước ta là không thể tránh khỏi, và nhấn mạnh tuyệt đối đừng có ảo tưởng rằng quân Trung Quốc và quân Anh-Mỹ sẽ mang lại tự do cho ta, tuy nhiên, "trong cuộc chiến đấu giải phóng cho ta, ta phải kiếm bạn đồng minh dẫu rằng tạm thời, bấp bênh, có điều kiện". Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945 chủ trương "chính sách chúng ta là phải tránh cái trường hợp: một mình đối phó với nhiều lực lượng Đồng minh (Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ) tràn vào nước ta", do đó, "Sự mâu thuẫn giữa hai phe Đồng minh Anh - Pháp và Mỹ - Trung Quốc về vấn đề Đông Dương là một điều ta cần lợi dụng".

Mềm dẻo, tận dụng những cơ hội ít nhiều có lợi cho chính quyền còn non trẻ, khai thác triệt để những mâu thuẫn của kẻ thù là nghệ thuật lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tr. 66.

13. Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) nổ ra do hậu quả của cuộc khủng hoảng của hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa thế giới và cuộc đấu tranh giữa các nước đế quốc lớn nhằm chia lại thế giới và phạm vi ảnh hưởng của chúng. Đây là cuộc chiến tranh giữa hai phe đế quốc ở châu Âu. Nó đã lôi cuốn vào vòng chiến 33 nước, với số dân 1.500 triệu người. Trong cuộc chiến tranh này, 10 triệu người chết, 20 triệu người bị thương và tàn phế. Khi cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn kết thúc (1917) thì đế quốc Mỹ nhảy vào vòng chiến và ra những điều kiện đình chiến theo kiểu Mỹ, với tham vọng làm bá chủ thế giới.

Tháng 11-1917, cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới thắng lợi ở nước Nga. Nhà nước Xôviết đã thông qua Sắc lệnh hoà bình và đề nghị các nước tham gia ký hiệp định đình chiến nhằm tránh cho nhân loại khỏi tai họa do chiến tranh kéo dài. Song đề nghị đó không được các nước đế quốc ủng hộ.

Mùa thu năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc với sự thất bại của Đức và các nước đồng minh của Đức, đã dẫn tới việc ký Hiệp ước đình chiến ở Cômpienhơ (Pháp). Sau đó, hệ thống Vécxây thành lập, một hệ thống mang tính chất đế quốc chủ nghĩa, thù địch với nước Nga Xôviết, duy trì và phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Đức để làm lực lượng xung kích chống Liên Xô. Tr. 71.

14. Chính phủ Liên hiệp lâm thời: Để hạn chế những hoạt động phá hoại của bọn phản cách mạng, cô lập chúng và tập trung mũi nhọn chống thực dân Pháp xâm lược, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời có sự tham gia của một số phần tử trong Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội (đa số bọn này là tay sai của Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch), với điều kiện: Chính phủ này phải tổ chức tốt cuộc Tổng tuyển cử, thống nhất các lực lượng vũ trang và sẽ từ chức khi triệu tập Quốc hội.

Ngày 1-1-1946, Chính phủ Liên hiệp lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã làm lễ ra mắt tại Nhà hát Thành phố, trước 30.000 nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố danh sách Chính phủ mới và đường lối đối nội, đối ngoại của Chính phủ.

Chính phủ Liên hiệp lâm thời tồn tại từ ngày 1-1 đến ngày 2-3-1946. Trong thời gian đó, dưới sự lãnh đạo khéo léo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã dàn xếp ổn thoả với quân đội Tưởng Giới Thạch; lãnh đạo và chi viện tích cực cuộc kháng chiến ở miền Nam; tổ chức thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử; phát hành giấy bạc Việt Nam, động viên toàn dân tăng gia sản xuất, đẩy lùi nạn đói. Tr.115.

15. Tổng tuyển cử: Theo quyết định của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6-1-1946, Chính phủ Liên hiệp lâm thời đã tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước bầu Quốc hội đầu tiên của nước ta.

Lần đầu tiên trong lịch sử, mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, đều được hưởng quyền bầu cử và ứng cử. Cuộc bầu cử được tiến hành sôi nổi trong cả nước. Hơn 90% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu.

Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Những đại biểu của Mặt trận Việt Minh ra ứng cử được nhân dân tín nhiệm tuyệt đối.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử ở Hà Nội và đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%.

Tổng tuyển cử thắng lợi là cuộc động viên chính trị rộng lớn, sâu sắc, biểu dương sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm bảo vệ và xây dựng chế độ mới, chế độ Dân chủ Cộng hoà. Nó đẩy lùi mọi âm mưu đen tối của các thế lực phản động định tiêu diệt cách mạng Việt Nam và tạo cơ sở pháp lý cho đấu tranh chính trị, ngoại giao của Chính phủ ta.

Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta có một Quốc hội dân chủ, tiến bộ. Tr.119.

16. Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc: Theo tinh thần bản Chỉ thị kháng chiến, kiến quốc, thì kiến quốc là một trong hai nhiệm vụ cơ bản mà Đảng và Chính phủ ta đặc biệt quan tâm sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đi đôi với việc tổ chức, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng và Chính phủ ta đã đề ra nhiều biện pháp quan trọng nhằm cải tạo xã hội, xây dựng xã hội mới.

Để giúp Chính phủ nghiên cứu và xây dựng một kế hoạch kiến thiết nước nhà, ngày 31-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc. Uỷ ban này gồm 41 thành viên đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ. Uỷ ban có nhiệm vụ nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết đất nước về mặt kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hoá và nghiên cứu những dự án kiến thiết khác.

Ngày 10-1-1946, Uỷ ban họp phiên đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nói chuyện với các thành viên của Uỷ ban trong cuộc họp này.Tr.126.

17. Cuộc vận động xây dựng đời sống mới: Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng tới công tác vận động nhân dân xây dựng đời sống mới và coi đó là biện pháp có hiệu quả nhằm xoá bỏ những tàn dư lạc hậu do chế độ cũ để lại. Đó cũng là biện pháp từng bước giáo dục các tầng lớp nhân dân nhận thức được tính ưu việt của chế độ mới và trách nhiệm của mình đối với xã hội, nhận thức được quyền làm chủ đất nước của nhân dân do cách mạng mang lại.

Ngày 3-4-1946, Uỷ ban Vận động đời sống mới trung ương được thành lập nhằm đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động xây dựng đời sống mới trong toàn quân và toàn dân ta. Tr.137.

18. Liên hiệp Pháp (Union Française): Do Pháp lập ra đầu năm 1946 nhằm tập hợp và duy trì ảnh hưởng của Pháp ở các nước thuộc địa cũ. Khối Liên hiệp Pháp bao gồm nước Pháp, đất thuộc Pháp ở hải ngoại, và các quốc gia liên kết với Pháp.

Để tỏ thiện chí, đầu năm 1946, ta đồng ý tham gia Khối Liên hiệp Pháp trên cơ sở Pháp công nhận nền độc lập và thống nhất của ta. Lập trường của Việt Nam trong vấn đề này là: với tư cách một nước trong khối, Việt Nam chịu ràng buộc theo quy ước chứ không phải theo hiến pháp; không cần phải có đại biểu trong Hội đồng liên bang nhưng phải có đặc sứ ở Pháp; Việt Nam có thể nhận cố vấn Pháp, nhưng không thể bị bắt buộc nhận họ ở tất cả các ngành hoạt động quốc gia; Việt Nam có quyền gửi thẳng sứ thần ra nước ngoài, cũng có thể nhờ Pháp thay mặt ngoại giao với một số nước nhất định, có quyền gia nhập Liên hiệp quốc, ký kết những hiệp ước liên minh với các nước miễn là không nhằm mục đích chống lại Pháp; về kinh tế, Việt Nam tiêu thụ hàng hoá của Pháp, cung cấp nguyên liệu cho Pháp, đồng thời Pháp phải cung cấp máy móc, dụng cụ, giúp đỡ phát triển kỹ nghệ cho Việt Nam, v.v..

Nước Pháp đã không chấp nhận Việt Nam tham gia Khối Liên hiệp Pháp. Đến năm 1958, tổ chức này cũng không còn tồn tại nữa. Tr.155.

19. Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: Sau khi thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước, Đảng và Chính phủ ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương nhanh chóng triệu tập cuộc họp Quốc hội để đối phó kịp thời với tình hình mới.

Sáng ngày 2-3-1946, Quốc hội khoá I đã họp kỳ thứ nhất tại Nhà hát thành phố Hà Nội.

Gần 300 đại biểu Quốc hội của cả nước đã về dự kỳ họp (các đại biểu Nam Bộ vì bận công việc kháng chiến chưa ra kịp).

Kỳ họp được tiến hành một cách khẩn trương và có kết quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời khai mạc và báo cáo công tác trong 6 tháng vừa qua của Chính phủ Liên hiệp lâm thời trước Quốc hội. Người nêu rõ ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, vạch rõ những khó khăn và đề ra những nhiệm vụ trước mắt của cách mạng nước ta và khẳng định: "Quốc hội và Chính phủ còn có những gánh nặng nề, phải bước qua nhiều sự khó khăn, nhưng tôi chắc rằng quốc dân sẽ nhất trí, dựa vào sức đoàn kết mà làm việc, và như thế thì dù khó khăn đến đâu, kháng chiến sẽ thắng lợi và kiến quốc sẽ thành công".

Để tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính là thực dân Pháp, và hạn chế những hành động phá hoại của bọn phản động tay sai của quân đội Tưởng Giới Thạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở rộng thành phần của Quốc hội khoá I. Người đề nghị Quốc hội cho phép 70 đại biểu của các đảng phái tay sai của Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch tham gia Quốc hội không qua bầu cử (gồm 20 người của Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội và 50 người của Việt Nam Quốc dân đảng).

Quốc hội đã hoàn toàn nhất trí với bản báo cáo và đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quốc hội đã trao cho Người thành lập Chính phủ mới,Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Quốc hội đã bầu ra Ban thường trực, Tiểu ban dự thảo Hiến pháp, Kháng chiến uỷ viên hội và Đoàn cố vấn tối cao.

Thành công của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và thắng lợi của Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội là thắng lợi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lãnh đạo nhân dân ta xây dựng và củng cố chính quyền, đưa đất nước ta vượt qua những thử thách to lớn ban đầu, chuẩn bị điều kiện để tiến lên giai đoạn mới. Tr.165.

20. Chính phủ kháng chiến, còn gọi là Chính phủ Liên hiệp chính thức, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, được thành lập ngày 2-3-1946 tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, theo sự giới thiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Quốc hội nhất trí thông qua.

Chính phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Nguyễn Hải Thần là Phó Chủ tịch gồm 10 Bộ (Ngoại giao, Nội vụ, Kinh tế, Tài chính, Quốc phòng, Xã hội, Giáo dục, Tư pháp, Giao thông công chính, Canh nông), do đại biểu các đảng phái và không đảng phái, những trí thức và những người có danh vọng phụ trách. Tr. 166.

21. Hiệp định Sơ bộ: Ngày 28-2-1946, Chính phủ Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh đã ký với Pháp một bản hiệp ước, đồng ý để quân Pháp vào thay thế quân Tưởng ở miền Bắc Đông Dương. Mặc dù vậy, bọn quân phiệt Tưởng đóng ở nước ta vẫn tiếp tục âm mưu phá hoại cách mạng Việt Nam, không chịu rút lui theo Hiệp ước Hoa-Pháp, hòng ép Chính phủ ta phải cải tổ để đưa bọn tay sai của chúng vào.

Để có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng đối phó với thực dân Pháp, đồng thời loại bớt cho cách mạng một kẻ thù nguy hiểm là bọn quân phiệt Tưởng Giới Thạch, ngày 3-3-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị Tình hình và chủ trương. Chỉ thị đã nhận định một cách chính xác những âm mưu của thực dân Pháp và quân Tưởng trong việc ký Hiệp ước Hoa-Pháp, nhất là âm mưu che giấu bộ mặt xâm lược của thực dân Pháp. Chỉ thị nhấn mạnh "...Nếu Pháp chủ trương cho Đông Dương tự trị theo bản tuyên ngôn 24-3-1945", nghĩa là khôi phục lại chế độ thuộc địa ở Đông Dương "Thì nhất định đánh, và có thể đánh lâu dài theo lối du kích". Nhưng "nếu Pháp công nhận Đông Dương tự chủ", nghĩa là công nhận quyền độc lập và hợp tác bình đẳng của ta "thì có thể hoà".

Chỉ thị còn chỉ rõ: "Vấn đề không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận định một cách khách quan những điều kiện lợi hại trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng".

Sau khi phân tích tình hình cách mạng và âm mưu của thực dân Pháp, Chỉ thị chỉ rõ: "Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta".

Ngày 5-3-1946, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng) đã nhất trí tán thành chủ trương Hoà để tiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng.

Thực hiện chủ trương đó, ngày 6-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định Sơ bộ.

Nội dung cơ bản của bản Hiệp định Sơ bộ là: Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Nước Việt Nam có Chính phủ, Nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Sự thống nhất đất nước sẽ do trưng cầu dân ý quyết định. Chính phủ ta đồng ý cho 15.000 quân Pháp được vào thay thế quân Tưởng rút về nước. Số quân đó phải đóng ở những nơi được quy định và phải rút khỏi Việt Nam trong 5 năm, mỗi năm rút một phần năm quân số. Quân đội hai bên ngừng bắn và ở nguyên vị trí đóng quân.

Trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó, việc ký kết Hiệp định Sơ bộ là một biện pháp đúng đắn và sáng tạo. Nhờ đó chúng ta đã đuổi nhanh quân Tưởng về nước, giành thêm thời gian hoà bình để xây dựng và củng cố lực lượng về mọi mặt, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Đồng bào Nam Bộ đã khéo lợi dụng điều kiện đó để xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến. Tr.171.

22. Hội nghị trù bị Đà Lạt: Trước sức đấu tranh kiên quyết của nhân dân và Chính phủ ta, thực dân Pháp buộc phải nhận họp hội nghị trù bị để chuẩn bị cho cuộc đàm phán chính thức ở Pari. Hội nghị đã họp từ ngày 17-4 đến ngày 12-5-1946, tại Đà Lạt.

Đoàn đại biểu Chính phủ ta do đồng chí Võ Nguyên Giáp dẫn đầu.

Đoàn đại biểu Chính phủ Pháp do Mác Ăngđrê cầm đầu.

Hội nghị trù bị Đà Lạt đã thảo luận những vấn đề về mối liên lạc ngoại giao của Việt Nam với nước ngoài; về chế độ tương lai của Đông Dương và những vấn đề về quan hệ kinh tế, văn hoá giữa Pháp và Việt Nam.

Do lập trường thực dân phản động và thái độ ngoan cố hiếu chiến của phái đoàn Pháp, Hội nghị đã bế tắc ngay từ đầu. Các vấn đề cụ thể thảo luận trong Hội nghị đều không đưa đến một sự thoả thuận nào. Thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn hòng lập lại nền thống trị cũ của chúng ở Việt Nam. Chúng khăng khăng đòi lập lại chế độ toàn quyền Pháp ở Đông Dương, tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam và tước bỏ quyền ngoại giao độc lập của ta.

Đoàn đại biểu ta đã tích cực đấu tranh vạch trần âm mưu của thực dân Pháp, đồng thời kiên quyết giữ vững lập trường hoà bình, độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc; thân thiện với nhân dân Pháp trên nguyên tắc bình đẳng, không xâm phạm chủ quyền của nhau. Thay mặt Đoàn đại biểu Chính phủ ta, đồng chí Võ Nguyên Giáp khẳng định: "Chúng tôi tuyên bố kết liễu chế độ các vị toàn quyền". Tr.199.

23. Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam. Để đập tan âm mưu chia rẽ dân tộc và lập các xứ "tự trị" của thực dân Pháp, theo chủ trương đoàn kết dân tộc của Đảng, ngày 19-4-1946, các dân tộc thiểu số ở miền Nam Việt Nam đã họp Đại hội tại Plâycu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Chính phủ đã gửi thư đến Đại hội. Người nêu cao tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc và vạch rõ những âm mưu thâm độc của thực dân Pháp hòng chia rẽ khối đoàn kết toàn dân của nhân dân ta. Người căn dặn đồng bào các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh đập tan những âm mưu thủ đoạn của thực dân Pháp, góp phần bảo vệ chính quyền, giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc. Người chỉ rõ: "Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta". Tr.202.

24. Ngày Quốc tế lao động. Ngày 1-5-1886, hơn 80.000 công nhân thành phố Sicagô (Mỹ) đấu tranh bãi công đòi bọn chủ tăng tiền lương, giảm giờ làm, cải thiện đời sống, v.v.. Giai cấp tư sản không chịu giải quyết yêu sách đó, lại tiến hành sa thải những người lãnh đạo bãi công. Cuộc đấu tranh bùng nổ gay gắt dẫn đến những vụ xung đột đẫm máu. Mặc dù bị đàn áp, tinh thần đấu tranh của công nhân Sicagô được công nhân thế giới khâm phục. Đại hội lần thứ nhất (1889) của Quốc tế thứ hai đã quyết định lấy ngày 1-5 hàng năm làm ngày đoàn kết và biểu dương lực lượng của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới - Ngày Quốc tế lao động. Tr.207.

25. Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Sau khi nhân dân ta giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập rồi Đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán (11-1945), Hồ Chí Minh đã chủ trương thành lập Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam - gọi tắt là Hội Liên Việt.

Như Cương lĩnh của Hội đã công bố, Hội có mục đích "Đoàn kết tất cả các đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường". Hội đã ra bản "Tuyên ngôn", nêu lên lý do ra đời của Hội, bốn nhiệm vụ khẩn cấp và trọng yếu của quốc dân Việt Nam và nêu rõ những nhiệm vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc trong giờ phút lịch sử tồn vong của đất nước..., xoá bỏ những sự chia rẽ vô lý, những mâu thuẫn giữa các xu thế chính trị, giai cấp, tôn giáo, dân tộc, nhường bước cho sự đại đoàn kết rộng rãi.

Ngày 29 tháng 5 năm 1946, Hội nghị thành lập Hội Liên hiệp quốc dân đã được tiến hành tại Hà Nội. Hội nghị đã bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng danh dự, Cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Hội trưởng, Cụ Tôn Đức Thắng làm Phó Hội trưởng.

Đến ngày 3 tháng 3 năm 1951, Đại hội toàn quốc của Việt Minh với Liên Việt họp tại Việt Bắc đã thống nhất hai tổ chức này thành một mặt trận duy nhất với tên là Mặt trận Liên Việt. Đại hội đã suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự và cử Cụ Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt. Tr. 228.

26. Hội Hướng đạo Việt Nam, hay còn gọi là "Hướng đạo sinh Việt Nam". "Hướng đạo sinh" là một tổ chức có tính chất quốc tế, thu hút tầng lớp thanh thiếu niên các nước nhằm rèn luyện, phát huy những tố chất của tuổi trẻ như tháo vát, sáng tạo, tinh thần khắc phục khó khăn... vì những mục tiêu tốt đẹp của thế hệ trẻ.

Phong trào xuất hiện đầu tiên ở Anh vào những năm đầu thế kỷ XX, người sáng lập là Baden Powell, sau dần dần phát triển ra nhiều nước ở châu Âu và châu Á, hình thành Tổng hội Hướng đạo sinh quốc tế.

Phong trào Hướng đạo sinh vào Việt Nam khoảng năm 1929-1930. Hội Hướng đạo Việt Nam đã ra đời với những sáng lập viên như Tạ Quang Bửu, Hoàng Đạo Thuý, v.v.. Thành viên của Hội bao gồm ấu sinh, thiếu sinhtráng sinh, phần lớn là con cái các gia đình trung lưu. Tôn chỉ và cũng là lời thề của Hội: Phụng sự Tổ quốc; Giúp ích mọi người... Khẩu hiệu của Hội: "Sẵn sàng".

Đảng Cộng sản Đông Dương trong quá trình vận động cách mạng đã chủ trương tranh thủ tổ chức quần chúng này. Năm 1941, đồng chí Trần Đăng Ninh đã được Trung ương giao nhiệm vụ liên hệ với Tạ Quang Bửu, Hoàng Đạo Thuý để giữ lực lượng này cho cách mạng.

Trừ một số rất ít, đại đa số Hướng đạo sinh Việt Nam đã tham gia cách mạng, tham gia Tổng khởi nghĩa và trở thành cán bộ của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Thể theo yêu cầu của Hội Hướng đạo Việt Nam, ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho ông Hội trưởng Hội Hướng đạo Việt Nam, nhận làm HỘI TRƯỞNG DANH DỰ của Hội. Tr. 233.

27. Hội nghị Phôngtennơblô: Hội nghị giải quyết vấn đề quan hệ Việt-Pháp, họp từ tháng 6 đến tháng 9-1946 tại Phôngtennơblô (Pháp). Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Đoàn đại biểu Chính phủ Pháp do Mắc Ăngđrê cầm đầu.

Hội nghị này nhằm giải quyết các mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp. Song do thái độ ngoan cố của bọn thực dân Pháp muốn duy trì chế độ thực dân ở Đông Dương, bắt nhân dân các nước Đông Dương trở lại làm nô lệ cho chúng lần nữa và chia cắt đất nước Việt Nam, cho nên các vấn đề về quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đưa ra hội nghị đã bế tắc và không đi đến kết quả.

Sau khi kịch liệt phản đối lập trường hết sức phản động của phía Pháp tại hội nghị, ngày 13-9-1946, Đoàn đại biểu ta đã lên đường về nước.

Hội nghị Phôngtennơblô bị bỏ dở, không đạt được mục đích là ký một hiệp ước chính thức giữa ta và Pháp. Nhưng hội nghị đã làm cho dư luận quốc tế chú ý đến Việt Nam và hiểu được nguyện vọng tha thiết của dân tộc Việt Nam là độc lập và thống nhất. Tr. 236.

28. Tạm ước 14-9: Sau khi Hội nghị Phôngtennơblô không đi đến kết quả, để kéo dài thêm thời gian hoà hoãn và để tỏ thiện chí của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đang có mặt ở Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, đã tranh thủ dàn xếp ký với Chính phủ Pháp bản Tạm ước. Sau này, thường gọi là Tạm ước 14-9, vì dưới các điều khoản ghi là: Làm tại Pari, ngày 14-9-1946. Tạm ước này bao gồm 11 điều khoản mà nội dung cơ bản là những thoả thuận tạm thời, có lợi cho cả phía Pháp và phía Việt Nam, như: vấn đề quyền lợi của Việt kiều tại Pháp và Pháp kiều tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam ưu tiên sử dụng chuyên gia người Pháp, cơ quan thuế trong Liên hiệp Pháp, đình chỉ mọi sự xung đột... Tạm ước có hiệu lực từ ngày 30-9-1946. Hai bên thoả thuận sẽ đàm phán lại, chậm nhất là vào tháng 1 năm 1947.

Nội dung của Tạm ước là sự thoả thuận tạm thời giữa ta và Pháp về một số vấn đề bức thiết có tính chất bộ phận: Chính phủ Pháp thi hành các quyền tự do, dân chủ và ngừng bắn ở Nam Bộ. Chính phủ ta nhân nhượng thêm cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế và văn hoá của Pháp ở Việt Nam.

Tạm ước 14-9 là một sách lược ngoại giao tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm làm cho nhân dân ta có thêm thời gian để chuẩn bị lực lượng tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược. Tr. 326.

29. Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, họp từ ngày 28-10 đến ngày 9-11-1946 tại Nhà hát Thành phố Hà Nội. Tham dự kỳ họp có hơn 300 đại biểu các tỉnh, thành.

Quốc hội đã nghe báo cáo công tác của Chính phủ, thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước ta và thành lập Chính phủ mới.

Đồng chí Tôn Đức Thắng, đại biểu Nam Bộ, được bầu làm Trưởng đoàn Đoàn Chủ tịch kỳ họp.

Theo đề nghị của đoàn đại biểu Nam Bộ, toàn thể Quốc hội đã nhất trí bày tỏ lòng tin tưởng tuyệt đối của nhân dân cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và suy tôn Người là Người công dân thứ nhất đã sáng suốt đưa nước nhà ra khỏi vòng nô lệ.

Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ báo cáo công tác của Chính phủ, nghe đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị Phôngtennơblô và việc ký kết Tạm ước 14-9.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời các câu hỏi của các đại biểu về chính sách ngoại giao của Chính phủ.

Quốc hội đã uỷ nhiệm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức một Chính phủ mới, một Chính phủ không có bọn phản động tham gia.

Quốc hội đã thảo luận một cách dân chủ bản dự thảo Hiến pháp do Uỷ ban dự thảo Hiến pháp trình bày.

Ngày 9-11-1946, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trong phiên họp bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu ý kiến nêu rõ ý nghĩa trọng đại của bản Hiến pháp lịch sử này. Tr. 357.

30. Thành lập Chính phủ. Do sách lược của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối phó với quân đội Tưởng Giới Thạch, chúng ta đã cho phép bọn tay sai của Tưởng tham gia Chính phủ liên hiệp lâm thời (tháng 1-1946) và Chính phủ liên hiệp chính thức (tháng 3-1946). Sau Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3, bọn phản động bỏ chạy theo quân đội Tưởng Giới Thạch sang Trung Quốc. Tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoáI nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Quốc hội đã uỷ nhiệm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập một Chính phủ mới - một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài, không phân đảng phái; một Chính phủ vì dân, kiên quyết phấn đấu cho độc lập và thống nhất của Tổ quốc; một Chính phủ mà trong đó không có các phần tử phản cách mạng tham gia.

Ngày 3-11-1946, sau khi thành lập Chính phủ mới theo đúng tinh thần mà Quốc hội đã đề ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời tuyên bố trước Quốc hội. Tr. 360.

31. Đảng Dân chủ Việt Nam: Tổ chức chính trị của giới trí thức, công chức và tư sản dân tộc Việt Nam.

Với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng được thành lập ngày 30-6-1944.

Tháng 7-1944, Đảng Dân chủ Việt Nam tự nguyện gia nhập Mặt trận Việt Minh và cùng với các Hội Cứu quốc tiến hành quá trình chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, Đảng Dân chủ Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc tăng cường và củng cố khối đoàn kết toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất, xây dựng và củng cố chính quyền, góp phần thực hiện đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam.

Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ Việt Nam (từ ngày 18 đến ngày 20-10-1988) - Đại hội cuối cùng, Đảng đã kết thúc 44 năm hoạt động và hoàn thành vai trò lịch sử. Tr. 363.

32. Cách mạng Tháng Mười: Cuộc cách mạng vô sản thắng lợi đầu tiên trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích Nga, đứng đầu là V.I. Lênin, ngày 7 tháng 11 (tức ngày 25 tháng Mười, theo lịch Nga) năm 1917, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã vùng dậy lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản, thành lập Chính phủ Xôviết do Lênin làm Chủ tịch. Giai cấp công nhân Nga đã đập tan bộ máy thống trị của các giai cấp bóc lột, lập nên Nhà nước kiểu mới - Chính quyền Xôviết, một hình thức của chuyên chính vô sản. Từ đó nước Nga Xôviết vững bước tiến lên xây dựng thành một nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh.

Cách mạng Tháng Mười thắng lợi đã mở đầu một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười đã thức tỉnh giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân bị áp bức, soi sáng con đường cho các dân tộc bị nô dịch đi tới cách mạng giải phóng và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tr. 366.

33. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân ta cần hoà bình để xây dựng nước nhà và củng cố lực lượng về mọi mặt, cho nên đã nhân nhượng với thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946. Nhưng thực dân Pháp vẫn cố tình cướp nước ta lần nữa.

Trước những hoạt động xâm lược trắng trợn của thực dân Pháp, đêm 19-12-1946, cuộc kháng chiến từ cục bộ đã lan ra khắp cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trong văn kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, nêu lên ý chí sắt đá, quyết kháng chiến đến cùng của dân tộc ta. Đồng thời, Người nêu lên những nét cơ bản về đường lối của cuộc kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện, và khẳng định cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi. Tr. 395.



BẢN CHỈ DẪN TÊN NGƯỜI

B

BẢO ĐẠI (Nguyễn Vĩnh Thuỵ) (1913-1997), sinh tại Huế, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn; lên ngôi năm 1925, thoái vị vào ngày 30-8-1945. Từ tháng 9-1945, được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm cố vấn của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 3-1946, được cử sang Trùng Khánh (Trung Quốc) thực hiện chính sách ngoại giao của Chính phủ ta với chính quyền Tưởng Giới Thạch. Nhân chuyến đi này, Bảo Đại ở lại Trung Quốc. Năm 1949, Bảo Đại được Pháp đưa về Việt Nam làm Quốc trưởng bù nhìn. Tháng 10-1955, bằng "trưng cầu dân ý", Mỹ đã phế truất Bảo Đại và đưa Ngô Đình Diệm lên thay. Sau đó, sang Pháp sống cuộc đời tha phương và mất tại Pari trong cảnh cô đơn.

BIĐÔN, G. (Georges Bidault) (1899-1983), Chủ tịch Hội đồng kháng chiến quốc gia Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nghị sĩ Quốc hội Pháp (1946-1962), Thủ tướng Chính phủ Pháp (1946-1949, 1950). Trưởng đoàn Pháp tại Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương năm 1954.

BÔLAÉ. E. (Emile Bollaert), Cao uỷ Pháp ở Đông Dương từ tháng 3-1947 đến tháng 9-1948. E. Bôlaéc đã gặp Bảo Đại ở Hạ Long (1947) để sắp đặt kế hoạch đưa Bảo Đại về Việt Nam làm "Quốc trưởng" chính phủ bù nhìn do thực dân Pháp lập ra sau đó.

BLUM, L. (Léon Blum) (1872-1950), đảng viên Xã hội phái hữu, nhiều năm làm chủ bút báo Le Populaire - Cơ quan Trung ương của Đảng Xã hội Pháp. Sau khi Mặt trận nhân dân giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 1936, Blum đứng đầu Chính phủ Pháp và đã thi hành chính sách làm suy yếu Mặt trận nhân dân, phá hoại việc thực hiện cương lĩnh của Mặt trận.

BÙI BẰNG ĐOÀN (1889-1955), nhân sĩ, quê Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Tây), đỗ cử nhân năm 1906. Năm 1911 làm Tri huyện, rồi Tuần phủ Ninh Bình. Năm 1933 làm Thượng thư Bộ Hình. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thành viên trong Ban Cố vấn Chính phủ, là đại biểu Quốc hội khoá I, được cử vào Ban Thường trực Quốc hội, rồi Trưởng ban Thường trực Quốc hội cho đến khi mất.

BÙI KỶ (1887-1960), nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, quê làng Châu Cầu, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Đậu cử nhân năm 1909, đậu phó bảng năm 1910, sau đó du học ở Pháp. Trở về nước, phục vụ trong ngành giáo dục, viết sách, làm báo. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làm Chủ tịch Hội Văn hoá kháng chiến Liên khu III. Hoà bình lập lại, làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung. Mất tại Hà Nội năm 1960. Ông đã để lại nhiều tác phẩm khảo cứu văn học và dịch thuật có giá trị với bút danh Ưu Thiên.

C

CHU PHÚC THÀNH, Tham mưu trưởng quân đội Tưởng Giới Thạch vào giải giáp quân đội Nhật ở Bắc Việt Nam.

D

DƯƠNG BẠCH MAI (1905-1964), nhà hoạt động chính trị, quê ở Bà Rịa, du học Pháp, sau về hoạt động ở Sài Gòn. Năm 1939, bị Pháp đầy đi Côn Đảo. Năm 1945, là một thành viên lãnh đạo giành chính quyền ở Sài Gòn. Năm 1946, là thành viên của phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị trù bị (Việt - Pháp) Đà Lạt. Ông mất tại Hà Nội.

Đ

ĐẶNG THAI MAI (1902-1984), nhà nghiên cứu văn học, quê ở Thanh Chương, Nghệ An. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông giữ nhiều chức vụ chính quyền: Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến tỉnh Thanh Hoá, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam.

ĐÁCGIĂNGLIƠ, G.T. (Georges Thierry d' Argenlieu) (1889-1964). Thời thanh niên làm lính thuỷ chiến đấu ở Marốc. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất tham gia đội tàu chống tàu ngầm. Năm 1920 đi tu, cho đến năm 1939, được gọi về làm thuyền trưởng hải quân. Năm 1940 bị bắt rồi vượt ngục trốn sang Anh, được Đờ Gôn bổ nhiệm làm uỷ viên Hội đồng kháng chiến Pháp, Đô đốc hải quân Pháp. Ông là Cao uỷ Pháp vùng Thái Bình Dương từ năm 1941 đến năm 1943, là Cao uỷ Pháp ở Đông Dương từ năm 1945 đến năm 1947.

Tác giả cuốn Hồi ký về Đông Dương (1945-1947), in năm 1985.

ĐINH CHƯƠNG DƯƠNG (1885-1971), chí sĩ quê ở Hậu Lộc, Thanh Hoá. Năm 1927, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1943, được gặp Bác Hồ ở Liễu Châu, Trung Quốc. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, khoá I.

ĐỖ ĐÌNH THIỆN (1903-1972), nhà tư sản yêu nước (giàu lên nhờ buôn bán tơ lụa), có đồn điền ở Chi Nê (Hoà Bình). Sinh ở xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Theo học ở Pháp những năm 1927-1931, bị Pháp bắt và trục xuất về nước vì hoạt động yêu nước. Ông là thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người đi Pháp năm 1946.

ĐỜGÔN, S. (Charles de Gaulle) (1890-1970). Tư lệnh sư đoàn. Năm 1940, sau khi Pêtanh ký hoà ước với Đức, ông đứng đầu Chính phủ kháng chiến Pháp chống phát xít Đức đóng ở Angiêri rồi Chính phủ Lâm thời Pháp ở Pari (1944-1946). Tự rút lui khỏi chính trường năm 1946. Sau sự kiện Angiêri, trở lại chính trường, làm Tổng thống Pháp (1959-1965).

E

ERIÔ, Ê. (Édouard Herriot) (1872-1957), nhà văn, nhà hoạt động chính trị Pháp, Thị trưởng Lyông (1905-1955), nhiều lần là Thủ tướng Pháp, Chủ tịch Nghị viện từ năm 1936 đến năm 1940, Chủ tịch Quốc hội Pháp từ năm 1947 đến năm 1954.

G

GALƠGƠ, E. (Philip E. Gallagher), Chuẩn tướng Mỹ, cố vấn quân đội Tưởng Giới Thạch vào giải giáp quân Nhật ở Việt Nam từ Bắc vĩ tuyến 16oN, Trưởng phái bộ Mỹ quân sự tại Hà Nội 1945-1946.

GĂNGĐI, M.K. (Mohandas Karamchand Gandhi) (1869-1948), Luật sư, triết gia, nhà văn, nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào giải phóng dân tộc Ấn Độ.

Trong cuộc đấu tranh chống thực dân Anh, giành độc lập dân tộc, Găngđi chủ trương không dùng bạo lực và không coi bạo lực là phương thức đấu tranh chính trị.

Những năm 1924-1934, 1940-1941, ông là Chủ tịch Đảng Quốc đại (Đảng Quốc dân đại hội) của Ấn Độ, có vai trò quan trọng trong việc biến Đảng này thành một tổ chức quần chúng. Học thuyết "phi bạo lực, bất hợp tác" của Găngđi trở thành tư tưởng chủ đạo của Đảng Quốc đại trong cuộc đấu tranh cho nền độc lập Ấn Độ. Tuy nhiên, năm 1946, ông cũng tuyên bố là không nhất thiết chỉ dùng phương pháp đấu tranh "phi bạo lực".

Găngđi có ảnh hưởng và uy tín lớn ở Ấn Độ, được nhân dân Ấn Độ suy tôn là Mahátma nghĩa là "Tâm hồn vĩ đại". Năm 1948, ông bị bọn phản động ám sát.

GIOĂNG, A. (Alphonse Juin) (1888-1967), chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Italia năm 1943-1944, Công sứ toàn quyền Pháp ở Marốc (1947-1951), phong Thống chế năm 1952.

GIÔLIÔ QUYRI, PH. (Joliot Curie Frédéric) (1900-1958), nhà vật lý học nổi tiếng thế giới, được giải thưởng Nôben năm 1935. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, Chủ tịch Hội đồng hoà bình thế giới, nhiều lần gặp Hồ Chí Minh ở Pháp.

GƠRÂYXY, D. (Douglas Gracey), tướng Anh, chỉ huy quân đội Anh vào giải giáp quân Nhật ở Việt Nam từ Nam vĩ tuyến 160.

H

HÀ ỨNG KHÂM (1890-1987), người tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Năm 1908, học quân sự ở Nhật. Năm 1924, là Thiếu tướng tổng giáo quan, Đoàn trưởng đoàn huấn luyện, Chủ nhiệm Ban huấn luyện Trường quân sự Hoàng Phố. Sau năm 1930 là Bộ trưởng Bộ Quân chính. Năm 1944, làm Tổng tư lệnh Lục quân. Ngày 9-9-1945, thay mặt Tưởng Giới Thạch tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật Bản. Năm 1949, là Viện trưởng Viện Hành chính Quốc dân đảng. Sau đó, chạy ra Đài Loan, giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn chiến lược của Chính phủ Quốc dân đảng Đài Loan.

HOÀNG ĐẠO THUÝ (1900-1994), nhà giáo dục, nhà văn hoá, nhà Hà Nội học, quê Thanh Trì, Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội năm 1920. Tổng uỷ viên Hướng đạo Đông Dương (1930-1945), đại biểu dự Đại hội Quốc dân Tân Trào (8-1945), Giám đốc Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khoá I (1946), khoá III (1947), Cục trưởng Cục Quân huấn (1-1948), Tổng thư ký Ban thi đua Trung ương (8-1948), Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc (6-1949), được phong quân hàm Đại tá năm 1958, là đại biểu Quốc hội khoá I, II.

HOÀNG HỮU NAM (tức Phan Bôi) (1911-1947), quê Điện Bàn, Quảng Nam. Ông học ở Hà Nội và tham gia cách mạng. Năm 1929, vào Sài Gòn rồi tham gia Đảng Cộng sản. Năm 1930-1936 bị Pháp bắt tù khổ sai ở Côn Đảo. Năm 1939, lại bị bắt đày ở Bắc Mê rồi đưa sang Mađagátxca. Năm 1943 về Việt Bắc. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông là Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Ông mất vì tai nạn ở Tuyên Quang.

HOÀNG MINH GIÁM (1904-1995), quê ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương. Dạy học ở Phnôm Pênh (Campuchia), Sài Gòn rồi trở ra Hà Nội vào những năm 1930, dạy học ở Trường tư thục Thăng Long, là giáo viên, Phó hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng.

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng: Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1947), Bộ trưởng Bộ Văn Hoá (1955-1976), Phó Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam.

Là nhân chứng trong nhiều cuộc gặp gỡ lịch sử giữa đại diện của Việt Nam và Pháp những năm 1945-1946.

HOÀNG QUỐC VIỆT (1905-1992) tên thật là Hạ Bá Cang, quê ở Đáp Cầu, Võ Giàng, Bắc Ninh. Tham gia cách mạng từ năm 1925 và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1928. Năm 1930, là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương do Hội nghị hợp nhất cử ra. Năm 1937, là Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ. Từ tháng 5-1941, là Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1945, là Uỷ viên Thường vụ Trung ương. Từ năm 1951 đến năm 1957 là Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam và là Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Năm 1960, là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 1976, được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ năm 1977 được bầu lại là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 1983, là Chủ tịch danh dự của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

HỒ TÙNG MẬU (1896-1951), tên thật là Hồ Bá Cự, quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tham gia hoạt động cách mạng từ lúc còn trẻ và đã nhiều năm hoạt động ở Thái Lan và Trung Quốc. Năm 1923 cùng Lê Hồng Sơn lập ra nhóm Tâm Tâm xã.

Là một trong những người đầu tiên tham gia tổ chức tiền thân của Đảng và đã tham dự các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng ở Quảng Châu, do Nguyễn Ái Quốc tổ chức.

Hồ Tùng Mậu còn là người tích cực liên hệ với Hội quốc tế Cứu tế đỏ và vận động Luật sư Lôdơbi đấu tranh về mặt pháp lý đòi chính quyền Anh ở Hồng Kông phải trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc khi Người bị chúng bắt giam trái phép tại Hồng Kông (1931). Cuối tháng 6-1931 bị nhà cầm quyền Anh bắt và trục xuất khỏi Hồng Công, sau đó, bị thực dân Pháp bắt đưa về nước tuyên án khổ sai chung thân giam tại nhà lao Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Mê Thuột, Trà Khê. Tháng 3-1945, vượt ngục hoạt động ở Trung Kỳ. Sau Cách mạng Tháng Tám, đã được Đảng và Nhà nước giao giữ nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến Liên khu IV (1946), Tổng thanh tra Chính phủ (1949). Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951) được bầu là Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Hồ Tùng Mậu đã hy sinh trên đường đi công tác tại Thanh Hoá ngày 23-7-1951. Được Đảng và Nhà nước ta truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

HỒNG CHI HẰNG, quan chức ngoại giao, trợ lý cho Lăng Kỳ Hàn. Tháng 5-1946, làm ở Tổng lãnh sự Quốc dân đảng Trung Quốc tại Hà Nội.

HUỲNH THÚC KHÁNG (1876-1947), quê Thạnh Bình, tổng Tiên Phước Thượng (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), tỉnh Quảng Nam. Đỗ giải nguyên năm 1900 và hoàng giáp năm 1904. Ông cùng các ông Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp tham gia phong trào Duy tân nên bị Pháp bắt và đầy đi Côn Đảo 13 năm (1908-1921). Năm 1926, được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, nhưng do bất đồng ý kiến với Khâm sứ Pháp nên ông từ chức và sáng lập báo Tiếng Dân ở Huế (1927-1943). Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông tham gia Chính phủ Liên hiệp kháng chiến với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp (1946), ông được trao quyền Chủ tịch nước. Ông là một sáng lập viên và là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt). Năm 1947, ông lâm bệnh mất tại Quảng Ngãi khi đang làm Đại diện Chính phủ ở miền Trung.

L

LĂNG KỲ HÀN, quan chức Bộ Ngoại giao Trung Hoa dân quốc, là thành viên trong Đoàn Cố vấn sang Hà Nội giúp Lư Hán. Tháng 10-1950, khi đang làm công sứ Đại sứ quán Trung Hoa dân quốc tại Pháp đã bỏ về với Chính phủ Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và được bầu vào Ban Thường vụ Hội nghị chính trị hiệp thương toàn quốc.

LÊ ĐÌNH THÁM (1897-1969), quê Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau khi học hết bậc thành chung ở Huế, ông ra Hà Nội học và tốt nghiệp Trường Y, rồi lại về làm việc tại bệnh viện thành phố Huế. Là một trong những người thành lập Hội Phật giáo ở Huế.

Năm 1948, ông được cử giữ chức Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ. Năm 1949, được điều động lên Việt Bắc, lần lượt giữ các chức vụ: Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam; Uỷ viên đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam.

LÊ HỮU TỪ, Giám mục địa phận Phát Diệm (Ninh Bình). Sau Cách mạng Tháng Tám, được cử vào Ban Cố vấn Chính phủ. Tháng 9-1948, trước âm mưu quân Pháp nhảy dù xuống Bùi Chu - Phát Diệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Bắc đã gửi điện thăm hỏi và thư cho Giám mục nhân Phái đoàn Chính phủ về công tác tại vùng này với mong muốn Giám mục với tư cách Cố vấn Chính phủ, góp phần hạn chế âm mưu của giặc Pháp. Tuy nhiên, tháng 9-1949, Pháp vẫn nhảy dù xuống Phát Diệm và đổ bộ lên Bùi Chu, chiếm đóng trung tâm công giáo lớn ở Bắc Bộ. Năm 1954, Giám mục Lê Hữu Từ di tản vào Nam cùng nhiều giáo dân.

LÊ VĂN HIẾN (1904-1997), người xã Phước Ninh, thành phố Đà Nẵng, xuất thân trong một gia đình lao động.

Học xong trung học, năm 1922 trúng tuyển vào làm nhân viên bưu điện Đà Nẵng. Năm 1927, ông cùng một số đồng chí thành lập Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên ở Hà Nội. Năm 1929 bị bắt, sau được tha, phải đổi vào làm việc ở Nha Trang (Khánh Hoà). Tại đây, ông vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1930, lại bị bắt, chịu án 5 năm tù khổ sai, giam ở ngục Kon Tum.

Năm 1935, mãn hạn tù ông về Đà Nẵng, được phân công làm công tác tài chính của Đảng. Tháng 5-1940 bị bắt lần nữa. Tháng 5-1945, tham gia chuẩn bị khởi nghĩa ở Đà Nẵng.

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), ông được giao nhiều trọng trách: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Đà Nẵng rồi Bộ trưởng Bộ Lao động (1945), Bộ trưởng Bộ Tài chính (1946-1959), Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao (1948), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (1958).

Từ năm 1962, ông được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Vương quốc Lào trong suốt 15 năm liên tục.

LƠCLÉC, P.M. (tức Philippe Marie de Hautecloque) (1902-1947). Đại tướng Pháp, tham gia phong trào kháng chiến Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1944, cùng với quân Đồng minh, Lơcléc đổ bộ lên Noócmăngđi và chỉ huy Sư đoàn cơ giới 2 giải phóng Pari. Năm 1945, là Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương (8-1945 - 6-1946), nhân danh nước Pháp ký văn bản đầu hàng của Nhật. Năm 1946, chỉ huy quân Pháp ra Bắc Bộ thay thế quân Tưởng Giới Thạch (sau Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946), chết năm 1947 vì tai nạn máy bay. Năm 1952, được truy phong Thống chế.

LƯ HÁN (1895-1974), người Thiệu Thông, tỉnh Vân Nam, tự là Vĩnh Hành, người dân tộc Di. Tốt nghiệp Vân Nam giảng võ đường (Trường võ bị Vân Nam), nguyên là Sư đoàn trưởng của Long Vân. Đã từng là Tổng tư lệnh Tập đoàn quân số 1, Tổng tư lệnh Phương diện quân số 1 của Quốc dân đảng, Tỉnh trưởng Vân Nam, kiêm Tổng tư lệnh Quân bảo an (Công an) tỉnh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân đảng. Tháng 12 năm 1949 đã dấy binh khởi nghĩa. Sau đó giữ nhiều chức vụ trong chính quyền Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa: Chủ tịch Uỷ ban quân chính tỉnh Vân Nam, Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính khu Tây Nam, Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng, Uỷ viên thường vụ Đại hội Nhân dân toàn quốc (Quốc hội), Phó chủ nhiệm Uỷ ban thể dục thể thao quốc gia...

M

MÁC CLƠRƠ, R.B. (Robert B. Mc Clure), tướng Mỹ, chỉ huy quân đội Mỹ ở Trung Quốc trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

MOÓCLIE, L. (L. Morlière), tướng Pháp, Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Việt Nam năm 1946, người chủ trương lợi dụng đàm phán để lấn dần từng bước, tiến tới tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta bằng vũ lực. Theo lệnh của Chính phủ Pháp, Moóclie đã nhiều lần gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta với những yêu sách ngang ngược hòng khuất phục nhân dân ta, buộc chúng ta phải đầu hàng.

MUTÊ, M. (Marius Moutet) (1902-1969), đảng viên Đảng Xã hội Pháp. Năm 1946 là Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại (Bộ Thuộc địa Pháp). Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp (từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1946), Mutê đã có nhiều cuộc tiếp xúc, là người ký Tạm ước 14-9-1946 với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

MUÝT, P. (Paul Mus) (1902-1967). Học ở Hà Nội, thành viên Trường Viễn Đông Bác Cổ từ năm 1926 đến đầu những năm 1940. Về Pháp, tham gia phong trào kháng chiến Pháp chống phát xít Đức. Năm 1945, là phái viên của Đờ Gôn đến Việt Nam. Từ năm 1945 đến năm 1947 là Cố vấn chính trị của tướng P.M.Lơcléc và nhận nhiệm vụ bên cạnh Đô đốc Đácgiăngliơ và Cao uỷ Pháp Bôlaéc ở Đông Dương. P. Muýt là đặc phái viên của Cao uỷ Pháp Bôlae trong cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Nguyên tháng 5-1947.

N

NÊRU, J. (Nehru Jawaharlal) (1889-1964), nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc Ấn Độ. Gia nhập Đảng Quốc đại (1912), là Tổng thư ký (1929) rồi trở thành Chủ tịch Đảng. Năm 1946, ông tham gia thành lập Chính phủ lâm thời Ấn Độ, giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Từ năm 1947, Ấn Độ tuyên bố độc lập, ông giữ chức Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Ông là người có nhiều đóng góp vào sự nghiệp hoà bình thế giới, là một trong những người đề xướng Năm nguyên tắc chung sống hoà bình, và là một trong những người sáng lập Phong trào không liên kết, là người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tác giả của nhiều tác phẩm nghiên cứu về phong trào dân tộc.

NGUYỄN HẢI THẦN (1878-1959), tên thật là Vũ Hải Thu, quê ở Đại Từ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Năm 1905 theo Phan Bội Châu sang Trung Quốc, đã theo học các trường võ bị Hoàng Phố, Hồ Nam, Thiều Quang, vốn là thành viên Việt Nam Quang phục hội sau là đảng viên Đại Việt, tham gia quân đội Quốc dân đảng Trung Hoa. Sau khi Phan Bội Châu bị bắt, đưa về nước, Nguyễn Hải Thần tự coi mình là người kế tục của Phan Bội Châu ở Quảng Châu.

Năm 1931, Nguyễn Hải Thần về Quảng Châu mở cửa hàng xem số tử vi. Sau đó được Tưởng tập hợp cùng Vũ Hồng Khanh và một số người có tư tưởng chống Cộng lập ra Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Năm 1945, Nguyễn Hải Thần theo đoàn quân của Tiêu Văn về Việt Nam.

Để thực hiện sách lược tạm hoà hoãn với quân Tưởng nhằm tập trung lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ, ngày 1-1-1946, Nguyễn Hải Thần được cử giữ chức Phó Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và sau đó được bổ sung vào Quốc hội không qua bầu cử và giữ chức Phó Chủ tịch Chính phủ liên hiệp chính thức.

Sau khi quân Tưởng rút về Trung Quốc, Nguyễn Hải Thần bỏ trốn theo quân Tưởng về Nam Kinh. Năm 1947, Nguyễn Hải Thần lại về Quảng Châu tiếp tục mở cửa hàng tử vi và sống ở Trung Quốc cho đến lúc chết (1959).

NGUYỄN LƯƠNG BẰNG (1904-1979), tức Sao Đỏ. Quê ở xã Thanh Tùng, Thanh Miện, Hải Dương. Khi lớn lên, làm công nhân tàu biển. Năm 1925, được gặp Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu (Trung Quốc) và bắt đầu hoạt động cách mạng, được Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cử về nước hoạt động. Năm 1928, từ Hải Phòng, được tổ chức phái đi công tác tại Hồng Kông, Quảng Châu, Thượng Hải. Ông gia nhập nhóm cộng sản đầu tiên của người Việt Nam ở Trung Quốc.

Năm 1931, ông bị mật thám Pháp bắt đưa về nước và bị kết án 20 năm tù khổ sai. Năm 1932, vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1933, lại bị thực dân Pháp bắt, bị kết án tù chung thân và đày đi Sơn La. Năm 1943, lại vượt ngục và trở về hoạt động cách mạng. Năm 1944, được Đảng chỉ định làm Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác tài chính và binh vận. Năm 1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, được bầu làm Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, được bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng toàn quốc. Sau Cách mạng Tháng Tám, liên tục là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ Đại hội lần thứ III đến Đại hội lần thứ IV, là Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Ông đã lần lượt giữ các chức vụ: Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Liên Xô; Tổng thanh tra của Chính phủ. Tại Quốc hội khoá III, kỳ họp thứ năm, ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sau khi nước nhà thống nhất, Quốc hội khoá VI đã bầu ông làm Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

NGUYỄN TƯỜNG TAM (1905-1963) tức Nhất Linh, quê gốc ở Quảng Nam. Nguyễn Tường Tam là người cầm đầu nhóm Tự lực văn đoàn, chủ nhiệm báo Phong hoáNgày nay. Năm 1940, đứng ra lập đảng Đại Việt thân Nhật. Do sách lược của Chính phủ ta tạm thời hoà hoãn với Tưởng, tháng 3-1946, được bổ sung vào Quốc hội không thông qua bầu cử và giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ đi dự Hội nghị Đà Lạt (5-1946) và thành viên trong đoàn đại biểu Chính phủ ta dự Hội nghị Phôngtennơblô. Nhưng Nguyễn Tường Tam đã bỏ nhiệm vụ. Sau đó theo Vũ Hồng Khanh đi Vân Nam (Trung Quốc) rồi tiếp tục làm tay sai cho thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ. Chết năm 1963 tại Đà Lạt.

NGUYỄN SINH KHIÊM (Nguyễn Tất Đạt) (1888-1950), quê ở Nam Đàn, Nghệ An, anh ruột Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông tham gia hoạt động chống Pháp trong tổ chức của Đội Quyên, Đội Phấn và bị Pháp bắt giam năm 1914, lĩnh án tù khổ sai 3 năm, sau tăng lên 9 năm. Năm 1920, thực dân Pháp chuyển ông về giam lỏng ở Huế. Ở đây, ông vẫn tiếp tục hoạt động yêu nước. Năm 1940, ông về quê, chính quyền thực dân lại bắt giam ông đến năm 1941 mới được tha. Cuối năm 1946, ông từ Nghệ An ra Hà Nội thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

NGUYỄN THỊ THANH (1884-1954), biệt danh Bạch Liên, là chị ruột của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà tham gia tích cực trong tổ chức chống Pháp của Đội Quyên, Đội Phấn. Cuối năm 1910, bị Pháp bắt và được tha đầu năm 1911. Do hoạt động yêu nước, năm 1918, lại bị Pháp bắt chịu án tù khổ sai 9 năm ở Quảng Ngãi. Năm 1922, bị đưa ra Huế an trí. Năm 1940, về ở xã Chung Cự, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Năm 1945, về ở xã Kim Liên, Nam Đàn. Cuối năm 1946, bà ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

NGUYỄN VĂN TỐ (1889-1947), quê ở Hà Đông (Hà Tây). Thuở nhỏ theo Hán học, sau chuyển sang Tây học, đỗ bằng Thành chung, làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội.

Trước năm 1945, làm Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ. Tháng 8-1945, ông được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ Lâm thời, là đại biểu Quốc hội khoá I, Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông được cử làm Phó Chủ tịch Uỷ ban tản cư di cư, rồi cùng Chính phủ rút lên Việt Bắc tiếp tục tham gia kháng chiến. Mùa đông năm 1947, quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, ông bị bắt và bị giặc sát hại.

NÓTLINGƠ, S. (Stéphen Nordlinger), đại tá Mỹ, chỉ huy đội quân G5 hoạt động giải thoát tù nhân chiến tranh trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai.

O

ÔBƠRẮC, R. (Raymon Aubrac), cựu Uỷ viên Cộng hoà ở Mácxây, nghị sĩ Quốc hội Pháp. Ông là một người bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

ÔRIÔN, V. (Vincent Auriol) (1884-1966), đảng viên Đảng Xã hội Pháp, nhà hoạt động chính trị, Bộ trưởng trong Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp (1936-1938). Năm 1943, tham gia phong trào "Nước Pháp chiến đấu" ở Luân Đôn (Anh). Từ tháng 1-1947 đến tháng 1-1954 là Tổng thống nước Pháp. Tháng 1-1947, ra sắc luật loại trừ các Bộ trưởng cộng sản khỏi Chính phủ, ủng hộ nước Pháp gia nhập khối NATO. Tháng 12-1958, ra khỏi Đảng Xã hội Pháp.

P

PÁTTI, A. (Archimedes Patti), sinh năm 1913 ở Niu Oóc, học ở Mỹ và Italia. Pátti tham gia trong quân đội Mỹ từ năm 1936 đến năm 1957, làm việc với cơ quan tình báo Anh từ năm 1942 đến năm 1944, là Trưởng phòng Đông Dương của Cơ quan Tình báo chiến lược OSS của Mỹ ở Hoa Nam từ tháng 10-1944 đến tháng 10-1945. Làm việc ở Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 1958 đến năm 1959 và sau đó làm ở Văn phòng Tư pháp của Tổng thống Mỹ từ năm 1959 đến năm 1971.

PHẠM NGỌC THẠCH (1909-1968), quê Quảng Nam, con nhà giáo yêu nước Phạm Ngọc Thọ.

Trước Cách mạng Tháng Tám, vừa làm nghề bác sĩ, vừa tham gia hoạt động cách mạng, một trong những sáng lập viên của tổ chức Thanh niên Tiền phong Nam Bộ, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (3-1945).

Sau cách mạng, ông được giữ nhiều chức vụ quan trọng: Bộ trưởng Bộ Y tế Chính phủ Lâm thời, Thứ trưởng Phủ Chủ tịch (1949); Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn (1950-1953), Bộ trưởng Bộ Y tế kiêm Viện trưởng Viện Chống lao trung ương (1958), Chủ tịch Uỷ ban Điều tra tội ác của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Ông còn là người có nhiều hoạt động trong lĩnh vực y học quốc tế.

Ông được Chính phủ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, là đại biểu Quốc hội khoá II và III.

Ngày 7-11-1968, ông đã hy sinh ở chiến trường miền Nam trong khi làm nhiệm vụ.

PHẠM VĂN ĐỒNG (1906-2000), quê xã Đức Tây, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tham gia phong trào học sinh sinh viên để tang chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh và bị đuổi học. Năm 1926, dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu. Năm 1927, về hoạt động ở Nam Kỳ và được cử vào Kỳ bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, bị bắt và bị kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo. Năm 1936, được trả lại tự do, ra hoạt động công khai tại Hà Nội. Năm 1940-1941, hoạt động tại miền Nam Trung Quốc, sau đó trở về nước tham gia tổ chức xây dựng căn cứ địa cách mạng Cao - Bắc - Lạng.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, được cử vào Chính phủ Lâm thời làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, được bầu vào Quốc hội liên tục từ khóa I đến khoá VII.

Từ năm 1947, được cử giữ nhiều trọng trách: Đại diện Chính phủ tại Nam Trung Bộ, Phó Thủ tướng Chính phủ (1949), rồi Thủ tướng Chính phủ (1955), sau đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến năm 1987. Ông là Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ ta tham gia các Hội nghị Phôngtennơblô (1946), Hội nghị Giơnevơ (1954), Hội nghị Băng Đung (1955) và nhiều Hội nghị quốc tế khác.

Ông là Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng (1947), Uỷ viên chính thức (1949). Từ năm 1951, ông liên tục được bầu là Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, cho đến năm 1986. Từ năm 1987 là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

PHAN ANH (1912-1990), người xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông là Chủ tịch Tổng hội sinh viên, tốt nghiệp khoa Luật Đại học Đông Dương, Luật sư và Giáo sư Trường tư thục Thăng Long (Hà Nội), thành viên tích cực của cuộc vận động truyền bá quốc ngữ và phong trào thanh niên.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, là Chủ tịch Uỷ ban kiến thiết quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ kháng chiến, Tổng thư ký Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đi dự Hội nghị Phôngtennơblô (Pháp). Trong kháng chiến chống Pháp, từng là Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Thương nghiệp, Bộ trưởng Ngoại thương. Ông được cử làm Uỷ viên đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa I và khoá II, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá IV. Là đại biểu Quốc hội từ khoá II tới khoá VIII. Luật sư Phan Anh còn là một trong những người sáng lập Hội Luật gia Việt Nam, Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Luật gia quốc tế, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Hoà bình thế giới.

PINHÔNG, L. (Léon Pignon), sinh năm 1908, cố vấn chính trị cho đại diện Chính phủ Pháp ở Đông Dương. Từ năm 1948 đến năm 1950, là Cao uỷ Pháp tại Đông Dương.

R

RIVÊ, P. (Paul Rivet) (1876-1958), nhà nhân chủng học, đảng viên Đảng Xã hội Pháp, là thành viên trong đoàn đàm phán Pháp ở Phôngtennơblô nhưng ủng hộ Việt Nam. Ông đã nhiều lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, là người tham gia thành lập Hội Pháp - Việt và là thành viên trong Ban lãnh đạo Hội.

T

TẠ QUANG BỬU (1910-1986), quê ở Nam Đàn, Nghệ An, thuở nhỏ học ở Quảng Nam, Huế, được cấp học bổng du học ở Pháp.

Sau khi tốt nghiệp Trường Điện cao cấp Pari (Pháp), Trường Đại học Oxford (Anh), năm 1940 trở về dạy học ở Huế. Là Uỷ viên trưởng Hướng đạo sinh Trung Kỳ, đóng góp nhiều công sức vào việc giáo dục lực lượng thanh niên yêu nước. Tháng 4-1945, tham gia thành lập Trường Quân sự Thanh niên tiền tuyến ở Huế – chuẩn bị cán bộ quân sự cho cách mạng.

Sau cách mạng, ông được giao nhiều chức vụ quan trọng: Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thành viên của Phái đoàn Việt Nam tại các Hội nghị Phôngtennơblô (1946) và Hội nghị Giơnevơ (1954). Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp... Ông là đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá VI, Phó Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô.

Giáo sư Tạ Quang Bửu là tác giả của nhiều công trình khoa học có giá trị.

TIÊU VĂN, người tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Năm 1943 là Trung tướng trong quân đội Tưởng Giới Thạch và Trưởng ban Ngoại sự xứ, chuyên trách phòng chỉ đạo Việt Nam (Việt Nam chỉ đạo thất). Vào Việt Nam tháng 9-1945, được giao phụ trách cơ quan của Hoa kiều vụ và Trưởng ban chính trị của quân đội Tưởng Giới Thạch. Khi Hồng quân tiến xuống Hoa Nam, Tiêu Văn đã chạy sang hàng ngũ Giải phóng quân Trung Hoa. Sau năm 1930, được cử làm tư vấn cho chính quyền Quảng Đông dưới sự chỉ đạo của Diệp Kiến Anh.

TÔN ĐỨC THẮNG (1888-1980), người xã Mỹ Hoà Hưng, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc tỉnh An Giang). Năm 1910, ông làm thợ trong xưởng Ba Son của Hải quân Pháp tại Sài Gòn. Năm 1912, ông tổ chức cuộc bãi công của công nhân nhà máy, bị lùng bắt, phải trốn sang Pháp, làm thợ máy trong Hải quân Pháp.

Năm 1919, ông tham gia cuộc binh biến của công nhân và thuỷ thủ Pháp tại Biển Đen nhằm chống lại cuộc chiến tranh can thiệp phản cách mạng của bọn đế quốc vào nước Cộng hoà Xô viết Nga.

Năm 1920, ông trở về nước, xây dựng công hội bí mật tại Sài Gòn – Chợ Lớn và lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son tháng 12-1925 thắng lợi. Năm 1926, ông tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1927, được cử vào Ban Chấp hành Kỳ Bộ Nam Kỳ của tổ chức cách mạng này. Cuối năm 1929, bị thực dân Pháp bắt trong vụ án đường Bácbiê, kết án 20 năm tù khổ sai, đầy ra Côn Đảo.

Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, được chính quyền cách mạng đón về, ông tham gia ngay vào cuộc chiến đấu của đồng bào Nam Bộ chống thực dân Pháp.

Từ năm 1955, ông là Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ năm 1960, ông là Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tạ thế, ông được cử làm Chủ tịch nước và giữ chức vụ đó cho tới khi qua đời. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều Huân chương cao quý khác.

TÔN TRUNG SƠN (1866-1925), còn có tên là Tôn Văn, Tôn Dật Tiên, người huyện Hương Sơn (Trung Sơn), Quảng Đông. Ông là nhà cách mạng dân chủ vĩ đại của Trung Quốc.

Sau khi tốt nghiệp Trường Y khoa Bắc Tế (Quảng Châu), năm 1894 ông thành lập Hưng Trung hội ở Đàn Hương Sơn (Hồ nô lu lu), nêu khẩu hiệu "Đánh đuổi Mãn Thanh, khôi phục Trung Hoa". Khởi nghĩa Quảng Châu thất bại, ông lưu vong ra nước ngoài. Năm 1905, ông thành lập Trung Quốc Đồng minh hội ở Nhật Bản, được bầu làm Tổng lý, đề xuất chủ nghĩa Tam dân (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc). Sau khi thành lập Đồng minh hội, Tôn Trung Sơn đã lãnh đạo nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang. Cách mạng Tân Hợi (1911) thắng lợi, nền thống trị chuyên chế phong kiến Trung Quốc bị lật đổ, nước Trung Hoa dân quốc thành lập, ông được bầu làm Lâm thời Đại Tổng thống, định ra "Lâm thời ước pháp". Nhưng sau đó, lực lượng phản động do Viên Thế Khải cầm đầu đã cướp thành quả cách mạng, khôi phục lại nền thống trị chuyên chế.

Năm 1914, tại Nhật Bản, ông lại tổ chức ra Trung Hoa cách mạng đảng. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga có ảnh hưởng rất lớn đối với ông. Ông đã từ bỏ tư tưởng cải lương, tiếp thu đề nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cải tổ lại Quốc dân đảng, cùng với Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập Mặt trận thống nhất cách mạng, xác lập ba chính sách lớn: liên Nga, liên Cộng, giúp đỡ nông công (1923), triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc của Quốc dân đảng (1-1924), xác định lại nội dung của chủ nghĩa Tam dân, đề ra cương lĩnh chính trị phản đế phản phong, chủ trương xoá bỏ các điều ước bất bình đẳng, triệu tập Quốc dân hội nghị. Sau đó, ông thành lập Trường quân sự Hoàng Phố nhằm đào tạo cán bộ chỉ huy chuẩn bị Bắc phạt. Để tranh thủ khả năng thống nhất đất nước, ông đã nhận lời mời của Đoàn Kỳ Thuỵ lên Bắc Kinh để đàm phán. Sau khi tới Bắc Kinh, biết rõ cánh quân phiệt phương Bắc không có ý định thực hiện chủ trương phản đế phản phong mà ông đã nêu trong "Tuyên ngôn Bắc thượng" trước khi đi. Ông lâm bệnh rồi mất tại Bắc Kinh ngày 12-3-1925.

TÔN TỬ, tên thật là Tôn Vũ, nhà lý luận quân sự lớn của Trung Quốc, sống vào cuối thế kỷ VI trước công nguyên, tướng nước Ngô dưới triều Vua Hạp Lư thời Xuân Thu (722-481 trước công nguyên), là tác giả Tôn Tử binh pháp, một trong những bộ binh thư sớm nhất trên thế giới. Nội dung bộ sách này rất phong phú, bàn đến các phương diện, các giai đoạn, các chiến lược, chiến thuật, v.v. của chiến tranh. Binh pháp Tôn Tử không chỉ có giá trị đối với chiến tranh thời cổ đại, mà còn rất giá trị đối với chiến tranh thời hiện đại, vì thế được thế giới đánh giá cao và dịch ra nhiều thứ tiếng. Hồ Chí Minh cũng nghiên cứu rất sâu sắc về binh pháp Tôn Tử và đã nhiều lần giới thiệu với nhân dân ta.

TÔRÊ, M. (Maurice Thorez) (1900-1964), nhà hoạt động chính trị Pháp và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tháng 3-1919, tham gia Đảng Xã hội Pháp và tích cực hoạt động đấu tranh để thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp (1924), Uỷ viên Bộ Chính trị và Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1925), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp (1930-1964), Uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (1928-1943).

TƠRUMAN, H. (Harry Truman) (1884-1972), đảng viên Đảng Dân chủ Mỹ, là Tổng thống thứ 33 của nước Mỹ (1945-1953), người hạ lệnh ném bom nguyên tử xuống Hirôsima và Nagadaki (Nhật Bản). H. Tơruman là một trong những người khởi xướng đường lối "Chiến tranh lạnh" sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

TRẦN HUY LIỆU (1901-1969), nhà báo, nhà sử học và nhà hoạt động chính trị. Quê Vân Cát, huyện Vụ Bản, Nam Định. Tham gia hoạt động yêu nước từ rất sớm, là một trong những yếu nhân của Việt Nam Quốc dân đảng ở Nam Kỳ, sau gia nhập Đảng Cộng sản. Tháng 8-1945, dự Đại hội Quốc dân Tân Trào và được cử làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Dân tộc giải phóng. Sau Cách mạng Tháng Tám, lần lượt giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước: Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền; Chủ tịch Hội Văn hoá cứu quốc, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Sử học, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội...

TRẦN TU HOÀ, chuyên viên nghiên cứu tại Sở Công binh của quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc, sang Việt Nam với chức vụ Thiếu tướng phụ trách vận chuyển quân giới.

TRƯƠNG PHÁT KHUÊ (1896-1980), tự là Hướng Hoa, người Thuỷ Hưng, tỉnh Quảng Đông, tốt nghiệp Học viện quân sự Hà Bắc, đã từng làm Quân đoàn trưởng Quảng Đông. Trong thời kỳ Quốc - Cộng hợp tác (1924 - 1927), là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 12 Quân cách mạng Quốc dân, rồi Quân đoàn trưởng. Là tư lệnh Quân đoàn 4, Trương đã làm cho quân đoàn này nổi tiếng là "Quân đoàn thép" trong thời kỳ chiến tranh Bắc phạt. Nhiều tướng lĩnh sau này của Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc như Diệp Kiến Anh, Diệp Đĩnh, Lâm Bưu... đã từng phục vụ trong Quân đoàn 4 của Trương. Những năm 40 của thế kỷ XX, Trương là Tư lệnh của Đệ tứ chiến khu của Quốc dân đảng, ráo riết hoạt động trong các tổ chức của người Việt Nam tại Trung Quốc như cánh Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần... nhằm chuẩn bị lực lượng đưa về Việt Nam khi "Hoa quân nhập Việt". Từ cuối năm 1943, trong quá trình chỉ đạo cải tổ Việt Nam Cách mạng đồng minh hội, Trương Phát Khuê thấy rõ ảnh hưởng và sức mạnh của Việt Minh do Hồ Chí Minh là lãnh tụ, nên đã "tranh thủ" Hồ Chí Minh bằng cách trả lại tự do và uỷ thác cho Người chuẩn bị kế hoạch triệu tập Đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng hải ngoại của Việt Nam Cách mạng đồng minh hội tại Bộ tư lệnh Đệ tứ chiến khu từ ngày 25 đến ngày 28-3-1944.

Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Nhật, Trương Phát Khuê nhậm chức Chủ nhiệm hành chính tỉnh Quảng Đông. Năm 1949, quyền Tổng thống Lý Tôn Nhân cử ông làm Tổng tư lệnh lục quân. Tháng 7 - 1949, ông từ chức về Hồng Kông cư trú.

TRƯỜNG CHINH (1907-1988), tên thật là Đặng Xuân Khu, nhà hoạt động cách mạng, nhà thơ (bút danh Sóng Hồng), nhà báo, quê Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1925, gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1927. Từ năm 1936 đến năm 1939, là Uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ, đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương trong Uỷ ban Mặt trận dân chủ Bắc Kỳ. Năm 1940, là quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941, là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương và năm 1951 được bầu lại làm Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam. Năm 1958, là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Tại Đại hội III (1960), Đại hội IV (1978), Đại hội V (1982) được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, là Uỷ viên Bộ Chính trị. Từ năm 1960 đến năm 1981 là Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Năm 1981 được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ tháng 7-1986 đến trước Đại hội VI của Đảng, lần thứ ba ông được bầu vào cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

TƯỞNG GIỚI THẠCH (1887-1975), người tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Từng học quân sự ở Nhật. Năm 1923, giữ chức Tham mưu trưởng Tổng hành dinh Chính phủ quân sự Quảng Đông. Được Tôn Trung Sơn cử đi khảo sát về quân sự ở Liên Xô, rồi về nước giữ chức Hiệu trưởng Trường quân sự Hoàng Phố (1924). Sau khi Tôn Trung Sơn mất, Tưởng Giới Thạch giữ chức Chủ tịch Ban Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân đảng, Tổng tư lệnh quân đội Chính phủ Quốc dân. Năm 1943, tái nhiệm chức Chủ tịch Chính phủ Quốc dân đảng. Năm 1948, làm Tổng thống. Tháng 1-1949, Tưởng Giới Thạch từ chức; cùng năm rút ra Đài Loan tiếp tục giữ chức Tổng tài Quốc dân đảng và Tổng thống Trung Hoa dân quốc ở Đài Loan.

V

VALUY, G. (Georges Valluy) (1899-1970), tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương (6-1946 – 2-1948), chỉ huy quân đội Khối Bắc Đại Tây Dương ở Trung Âu (1956-1960).

VIÔLÍT, A. (Andrée Viollis) (1879-1950), nhà văn, nhà báo Pháp, đã sang Việt Nam năm 1931 và là tác giả cuốn Đông Dương kêu cứu. Là người ủng hộ Việt Nam và nhiều lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc Người ở Pháp, năm 1946.

VÕ NGUYÊN GIÁP, sinh ngày 25-8-1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Sớm tham gia phong trào yêu nước và gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng. Thời kỳ 1936-1939, hoạt động công khai tại Hà Nội. Năm 1940, sang Trung Quốc, được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau đó cùng Người trở về tham gia xây dựng căn cứ địa ở Cao – Bắc – Lạng. Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tháng 12-1944, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng năm 1945 ở Tân Trào, được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông được cử giữ nhiều trọng trách trong bộ máy nhà nước: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Quân sự Uỷ viên Hội, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị trù bị Đà Lạt. Năm 1948 được phong quân hàm Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ông được giao nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy quân đội qua nhiều chiến dịch từ Việt Bắc Thu Đông 1947 đến Biên giới 1950, Điện Biên Phủ 1954, và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975.

Từ Đại hội II (1951) đến Đại hội IV (1976) liên tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Đại hội V (1982) được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông là đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá I đến khoá VII. Từ năm 1955 đến năm 1980 được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, (sau là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng liên tục cho đến năm 1992). Hiện là Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều huân chương cao quý khác.

VŨ ĐÌNH TỤNG (1895-1973), người huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Là một nhà trí thức Công giáo yêu nước, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), ông đã tích cực tham gia nhiều công tác cách mạng và được cử làm Giám đốc Nha Y tế Bắc Bộ.

Trong kháng chiến chống Pháp và sau ngày miền Bắc giải phóng, là Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh. Năm 1958, là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ông còn là Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban liên lạc toàn quốc những người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hoà bình.

VŨ HỒNG KHANH, tên thật là Vũ Văn Giản, người làng Thổ Tang, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1928, Vũ Hồng Khanh tham gia Việt Nam Quốc dân đảng. Sau vụ bạo động của Quốc dân đảng ở Yên Bái (đầu năm 1930) thất bại, chạy sang Trung Quốc lợi dụng danh nghĩa Quốc dân đảng để đầu cơ cách mạng. Năm 1945, theo chân quân đội Tưởng về nước. Cuối tháng 6-1946, lại theo chân quân đội Tưởng chạy sang Trung Quốc.

Năm 1949 khi cách mạng Trung Quốc thắng lợi, Vũ Hồng Khanh theo tàn quân của Bạch Sùng Hy chạy về Cao Bằng và ra làm cho Pháp. Năm 1954, Vũ Hồng Khanh chạy vào miền Nam. Năm 1979, Vũ Hồng Khanh được Chính phủ ta khoan hồng cho về quê Thổ Tang và mất tại đây năm 1993.

X

XANHTƠNY, J. (Jean Sainteny) (1907-1978), chính khách Pháp, nhân viên Nhà băng Đông Dương từ năm 1929-1931. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, phục vụ trong phong trào kháng chiến Pháp. Từ cuối 1945-1947, là đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội, nhiều lần tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối năm 1954, Xanhtơny là Tổng đại diện Cộng hoà Pháp tại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Năm 1969, thay mặt Chính phủ Pháp dự tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội.

XTALIN, I. V. (1879-1953), một trong những nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô. Năm 1898, gia nhập Đảng Công nhân dân chủ-xã hội Nga rồi trở thành đảng viên bônsêvích sau Đại hội lần thứ II của Đảng.

Thời kỳ chuẩn bị tiến hành cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, Xtalin là Uỷ viên trong Trung tâm quân sự cách mạng.

Thời kỳ nước ngoài vũ trang can thiệp và nội chiến, Xtalin là Uỷ viên Hội đồng Quân sự cách mạng. Năm 1922, là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (1941-1945) là Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng và là Uỷ viên nhân dân Bộ Quốc phòng Liên Xô, Tổng Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Liên Xô. Ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm lý luận.


1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr. 160.