HỒ CHÍ MINH - BIÊN NIÊN TIỂU SỬ 

TẬP 7 - Giai đoạn: 01/1958 - 12/1960

Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 8 ghi lại những hoạt động vô cùng phong phú, sôi nổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ba năm (1961-1963); đó là lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách trong những năm tháng đầu tiên thực thi hai nhiệm vụ chiến lược của Cách mạng Việt Nam vừa được vạch ra tại Đại hội lần thứ III của Đảng là: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai 1)... Trong đó, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc có vai trò quyết định đối với sự phát triển của cách mạng cả nước và sự nghiệp thống nhất nước nhà. Nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của Đại hội, Đảng và Nhà nước đã định ra Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) 2) với phương châm: Xây dựng miền Bắc, chiếu cố miền Nam 3).

Trên cương vị Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng hoạch định chiến lược, lãnh đạo những nhiệm vụ quốc kế dân sinh, đồng thời kịp thời nêu ra những quyết sách cho cách mạng miền Nam, tích cực góp phần củng cố phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta, trong thời gian ba năm đầu sau Đại hội lần thứ III của Đảng (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự và chủ trì các cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ để cụ thể hoá Nghị quyết của Đại hội, chỉ đạo xây dựng kế hoạch Nhà nước, nêu ra những biện pháp cụ thể trong từng thời kỳ... Người đã có nhiều phát biểu chỉ đạo  quan trọng trong các Hội nghị Trung ương, như Hội nghị Trung ương lần thứ ba "Bàn về kế hoạch Nhà nước năm 1961", Hội nghị Trung ương lần thứ tư "Về tăng cường lãnh đạo của Trung ương" (6-1961), Hội nghị Trung ương lần thứ năm "Về phát triển nông nghiệp trong Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất" (7-1961), Hội nghị Trung ương lần thứ bảy "Về phát triển công nghiệp" (4-1962), Hội nghị Trung ương lần thứ tám "Về phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất" (4-1963), v.v..

Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc - hậu phương vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều công sức đào tạo, chăm lo xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, chỉ rõ vai trò của nhân tố con người trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người nêu quan điểm: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có những con người xã hội chủ nghĩa". Người đề nghị Trung ương mở Lớp chỉnh huấn mùa xuân (1961) để bồi dưỡng và xây dựng tư tưởng, tác phong xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, đảng viên; phát động phong trào thi đua yêu nước, kịp thời động viên và nêu gương người tốt việc tốt, nhân các điển hình thi đua như các phong trào: Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải, Cờ Ba Nhất, Hai tốt,... Đối với thanh thiếu niên, Người cũng dành nhiều cuộc gặp gỡ, gửi tặng phẩm nhằm động viên thế hệ trẻ thi đua học giỏi, rèn luyện thành con người có ích cho Tổ quốc.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người chỉ ra những mặt tích cực và hạn chế của một số tổ chức Đảng, những khuyết điểm mà đảng viên cần tránh trong quá trình thực hiện vai trò "người đầy tớ của nhân dân". Người đã viết nhiều bài báo ký bút danh Chiến Sĩ, T.L (Trần Lực), đăng báo Nhân Dân... nói về công tác xây dựng Đảng như: "Đảng mạnh là do chi bộ mạnh, chi bộ mạnh là do đảng viên hăng hái tham gia và gương mẫu", hàng loạt bài dưới tiêu đề "Chi bộ tốt, chi bộ kém" nhằm biểu dương kịp thời những chi bộ, đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ, nêu gương sáng trước quần chúng, đồng thời thẳng thắn phê bình những khuyết điểm, sai trái mà những chi bộ, đảng viên yếu kém mắc phải. Trong thời kỳ này, Người đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động: "Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu" 4). Người chỉ rõ: Đây thực sự là một cuộc vận động cách mạng và lên án "Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội... Lãng phí thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân... còn Quan liêu là người cán bộ phụ trách nhưng xa rời thực tế, xa rời quần chúng... Vì vậy, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí" 5). Trong chỉ đạo thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện hàng trăm cuộc đi thăm cơ sở để nắm tình hình tại các địa phương, xí nghiệp, công - nông trường, hợp tác xã, bệnh viện, trường học; trại thương binh, đơn vị quân đội ở biên giới, hải đảo. Đây thực sự là những cuộc gặp gỡ chứa chan tình người, là những bài học quý báu về chỉ đạo sâu sát tình hình và là tấm gương mẫu mực về mối liên hệ máu thịt giữa lãnh tụ với quần chúng.

Một phần sự kiện của tập sách này ghi lại những hoạt động chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng miền Nam. Đó là việc hoạch định chiến lược đấu tranh của cách mạng miền Nam, trước hết là làm phá sản chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - nguỵ ở miền Nam Việt Nam. Người đã có nhiều cuộc gặp gỡ xúc động với đại biểu các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc. Người nói với Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu tại buổi tiếp Đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam lần đầu tiên ra thăm miền Bắc: "Hình ảnh của miền Nam yêu quý luôn luôn trong trái tim tôi". Tại kỳ họp thứ 6, khi được tin Quốc hội định tặng Người Huân chương Sao Vàng, Người đã cảm ơn và xin phép chưa nhận, mà đề nghị với Quốc hội: "Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy, toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng" 6).

Ngoài ra, bạn đọc còn có thể tìm thấy trong tập này những hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh như tiếp đón, gửi thư, điện chúc mừng các vị nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa, các nước anh em trong khu vực, các tổ chức quốc tế nhân ngày sinh nhật, Quốc khánh, các Hội nghị quốc tế; trả lời báo giới quốc tế... Trong các dịp đó, Người tranh thủ bày tỏ quan điểm, đường lối của Đảng ta về các vấn đề trong nước và quốc tế nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của thế giới cho cuộc đấu tranh vì sự độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, bày tỏ tình đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các nước trong cuộc đấu tranh vì hoà bình và sự tiến bộ của toàn nhân loại.

Từ đầu những năm 60 (thế kỷ XX) trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã bộc lộ những quan điểm khác nhau về một số vấn đề như nội dung thời đại, chiến tranh và hoà bình, hoạt động bè phái, sùng bái cá nhân; vấn đề đoàn kết giữa các nước trong phe xã hội chủ nghĩa; vấn đề Anbani, Nam Tư có phải là nước xã hội chủ nghĩa không...? Đây là những vấn đề rất nhạy cảm mà cách nhìn nhận, đánh giá giữa các đảng, đặc biệt giữa Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Anbani, Liên đoàn những người Cộng sản Nam Tư có nhiều điểm khác nhau. Trong bối cảnh ấy, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoạt động không mệt mỏi nhằm góp phần củng cố và phát triển sự đoàn kết, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, có lý có tình 7). Người đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng ta dự Đại hội lần thứ XXII Đảng Cộng sản Liên Xô (10-1961); đi thăm nhiều nước cộng hoà thuộc Liên Xô, thăm nhiều địa phương của Trung Quốc, tăng cường các cuộc tiếp xúc giao lưu với nhiều nhà lãnh đạo, chính khách thuộc nhiều quốc gia, ở các châu lục, vì mục đích hoà bình, đoàn kết quốc tế...

Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 8 tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc, phương pháp đã nêu ra trong Lời giới thiệu in ở đầu tập 1. Nguồn tư liệu chủ yếu để biên soạn cuốn sách này là các biên bản họp Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Lệnh của Chủ tịch nước, các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đưa vào bộ Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 10, tập 11 (xuất bản lần thứ hai), trong Văn kiện Đảng - Toàn tập (tập 21, 22, 23, 24), nhiều tập sách nghiên cứu, hồi ký, sách Bác Hồ với các địa phương, các ngành, đơn vị quân đội v.v. vừa được xuất bản trong thời gian gần đây ở trong nước và ngoài nước.

So với lần xuất bản thứ nhất (1996), lần xuất bản này đã sửa chữa và bổ sung gần 200 sự kiện, nâng tổng số sự kiện từ 1.300 lên khoảng 1.500 sự kiện, làm mới 37 chú thích; sửa chữa, bổ sung về chỉ dẫn tên người từ 55 lên 73 đề mục. Vì vậy, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 8 xuất bản lần thứ hai này không chỉ được bổ sung làm phong phú thêm về sự kiện mà còn được nâng cao về chất lượng khoa học.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song vì những khó khăn về điều kiện khai thác và xử lý tư liệu cho nên lần xuất bản này vẫn khó tránh khỏi còn những thiếu sót. Chúng tôi mong nhận được những ý kiến góp ý và chỉ giáo của bạn đọc.

 

Hà Nội, tháng 10 năm 2007


___________

 

1, 2, 3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng - Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.21, tr. 916, 931, 917.

4)  Gọi tắt là Cuộc vận động "Ba xây, ba chống".

5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.11, tr. 110-111.

6) Phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II (ngày 8-5-1963).

7) Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng - Toàn tập, Sđd, t. 21, tr.1035-1046.

MỤC LỤC:

* Năm 1958 - Từ tháng 01 đến tháng 4

Tháng 1, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Lời chúc mừng năm mới (1958) tới đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài và nhân dân các nước bè bạn trên thế giới, chúc mọi người một năm mới “vui vẻ, mạnh khoẻ, đoàn kết và tiến bộ”. Trong thư, Người nêu rõ đặc điểm tình hình thế giới và trong nước năm qua, đề ra những nhiệm vụ cách mạng của nước ta trong giai đoạn mới và kêu gọi đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài đoàn kết đấu tranh đòi đối phương thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ1, ra sức thi đua sản xuất và tiết kiệm, góp phần vào sự nghiệp xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và thống nhất Tổ quốc.

Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Người lần lượt tiếp các đoàn đại biểu của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, các chính đảng, các đoàn thể nhân dân, các vị đại sứ và đại biện lâm thời các nước đến chúc mừng nhân dịp năm mới.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh Tình hình kinh tế Mỹ, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1393, so sánh tình hình kinh tế Mỹ và Liên Xô trong năm 1957.

 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002. t. 9, tr. 1-4.

 - Báo Nhân dân, số 1393, ngày 1-1-1958 và số 1394, ngày 2-1-1958.

Tháng 1, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 83 ngày sinh của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Đức Vinhem Pích.

-  Báo Nhân dân, số 1397, ngày 5-1-1958.

Tháng 1, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

Phát biểu với các đại biểu về nhiệm vụ của Hội đồng, Người nhấn mạnh: Hội đồng nhân dân thành phố trước hết phải phản ánh được mọi nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và truyền đạt những chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ đến với nhân dân, biến những chủ trương chính sách đó thành hành động của nhân dân. Hội đồng nhân dân phải hết sức gần gũi, quan tâm đến đời sống nhân dân, thực hành Cần - Kiệm - Liêm - Chính, luôn luôn nghĩ rằng mình là người đầy tớ của nhân dân và ra sức phục vụ nhân dân.

Cùng ngày, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày Liên bang Miến Điện 1) tuyên bố độc lập, Người gửi điện mừng tới Tổng thống Liên bang Uvin Môn, chúc “nhân dân Diến Điện anh em đạt được nhiều thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng Liên bang Diến Điện phồn vinh và góp phần giữ gìn hòa bình ở châu Á và thế giới”.

-  Báo Nhân dân, số 1396, ngày 4-1-1958 và số 1397, ngày 5-1-1958.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, 1985, tr. 30.

Tháng 1, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi nông dân và cán bộ quyết tâm chống hạn, đẩy mạnh sản xuất vụ Đông - Xuân, thực hiện tốt kế hoạch năm 1958.

Trước tình hình hạn hán nghiêm trọng và còn có thể kéo dài, Người kêu gọi đồng bào nông dân không nên vì khó khăn mà nản lòng, không kiên tâm sản xuất; phải hiểu rằng sản xuất là căn bản để lợi nhà, ích nước và nhắc nhở cán bộ không được vì khó khăn mà bi quan, ngại khó, thiếu quyết tâm lãnh đạo chống hạn và sản xuất. Cuối cùng, Người nêu những yêu cầu cụ thể cho đồng bào và cán bộ các cấp, các ngành.

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Hưng Yên đang chống hạn.

Sau khi nghe cán bộ khu và tỉnh báo cáo tình hình, Người đến dự Hội nghị chống hạn của tỉnh với sự tham gia của hơn 1.600 cán bộ các cơ quan đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân của 157 xã, chín huyện và thị xã Hưng Yên. Người mời một cụ nông dân cao tuổi, một chiến sĩ thi đua nông nghiệp, một đại biểu bộ đội, một cha xứ và một nhà sư lên tham gia Chủ tịch đoàn. Nói chuyện với hội nghị, Người biểu dương những cố gắng của nhiều địa phương, khuyên nhân dân và cán bộ đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, phát huy truyền thống tốt đẹp của tỉnh trong kháng chiến cũng như trong chống hạn và căn dặn: "Trong việc chống hạn, phải tự lực cánh sinh, chớ hoàn toàn ỷ lại vào Chính phủ, chớ ỷ lại vào máy bơm nước, chớ ngồi không mà chờ trời". "Việc chống hạn là một chiến dịch, cho nên phải có thưởng, có phạt",...

Người trao cờ luân lưu thêu bốn chữ CHỐNG HẠN KHÁ NHẤT cho tỉnh Hưng Yên và năm Huân chương Lao động cùng một số huy hiệu của Người để tặng cho những đơn vị và cá nhân có thành tích trong phong trào chống hạn.

Trưa, khi đi thăm đồng bào đang vét ngòi Triều Dương, Người đã nắm bàn tay lấm bùn của một cụ 82 tuổi mà nói: “Tôi cảm ơn Cụ vì Cụ đã làm gương cho con cháu”, rồi quay sang cán bộ căn dặn: “Các cụ tham gia chống hạn để khuyến khích con cháu như thế là rất tốt, nhưng chớ để các cụ làm quá sức”.

Chiều, Người về thăm đồng bào một số xã ở huyện Tiên Lữ (nay thuộc huyện Phù Tiên), đi bộ ra tận cánh đồng để thăm hỏi và động viên bà con nông dân đang đào mương chống hạn.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002. t. 9, tr. 5-8.

-  Báo Nhân dân, số 1398, ngày 6-1-1958.

Tháng 1, ngày 6

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ngô Đình Nhu vu khống lố bịch và trắng trợn, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân số 1398. Tác giả vạch trần những lời tuyên bố của Ngô Đình Nhu với báo Dân tộc ở Miến Điện (trong chuyến ông ta sang thăm Miến Điện tháng 12-1957) chỉ là sự lặp lại luận điệu vu khống phá hoại và thái độ hằn học của tập đoàn Ngô Đình Diệm đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các nước láng giềng trung lập. Điều đó không xuyên tạc nổi lập trường trước sau như một của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là cố gắng đi đến thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình theo đúng tinh thần Hiệp định Giơnevơ.

-  Báo Nhân dân, số 1398, ngày 6-1-1958.

Tháng 1, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ thảo luận dự án kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân năm 1958 do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đệ trình.

Phát biểu về kế hoạch, Người nhấn mạnh cần phải tăng cường ý thức làm chủ nhà nước của nhân dân. “Tư tưởng có thông, công tác mới suốt. Làm chủ thì phải xây dựng. Muốn xây dựng phải cần kiệm. Đó là nhiệm vụ chung của toàn dân, toàn Đảng, Chính phủ phải đẩy mạnh thi đua trong sản xuất, tiết kiệm”.

19 giờ 15, tại Nhà khách Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh,... tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp Jannét Vécmét Tôrê sang thăm nước ta.

Cùng ngày, bài viết Rừng hoang hoá ra thành thị, ký bút danh Trần Lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng báo Nhân dân, số 1399, ca ngợi tinh thần lao động sáng tạo của các công trình sư, công nhân và thanh niên Trung Quốc đã biến khu “rừng thiêng nước độc” dưới chân núi Gôriasây thành một thành phố công nghiệp thịnh vượng. Tác giả kết luận: Sức lao động của con người có thể biến đổi điều kiện thiên nhiên; ý chí quyết tâm của con người nhất định sẽ thu được kết quả thắng lợi.

-  Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

-  Báo Nhân dân, số 1399, ngày 7-1-1958 và số 1400, ngày 8-1-1958.

Tháng 1, ngày 8

Sáng, tại căn nhà nhỏ trong vườn Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp tới thăm. Sau đó, Người tiếp tục điều khiển phiên họp của Hội đồng Chính phủ.

Sau khi nghe báo cáo thảo luận của Hội đồng, Người đề nghị: Trong khi kế hoạch chưa được chính thức thông qua, Chính phủ vẫn cho phép một số ngành, do cần tranh thủ thời gian, thực hiện theo dự án kế hoạch (Hội đồng Chính phủ đã quyết nghị đồng ý với đề nghị trên).

Phát biểu tổng kết phiên họp, Người lưu ý các Bộ:

1. Phải học tập kinh nghiệm làm kế hoạch của các nước bạn như Trung Quốc, Triều Tiên.

2. Kế hoạch khi đã được thông qua, phải trở thành pháp lệnh của Nhà nước, mọi người có nhiệm vụ chấp hành nghiêm chỉnh.

3. Chú ý công tác giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa, xây dựng tác phong cần kiệm, sâu sát thực tế.

4. Kiên quyết chống quan liêu chống lãng phí. Các bộ, các ngành mắc khuyết điểm nghiêm trọng về lãng phí phải kiểm điểm trước nhân dân, trước Quốc hội.

14 giờ 30, được tin Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Rumani Pêtơru Grôda vừa tạ thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ đến Đại sứ quán Rumani tại Hà Nội chia buồn.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn tới các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước nước Cộng hòa nhân dân Rumani về việc Chủ tịch Pêtơru Grôda từ trần.

-  Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

-  Báo Nhân dân, số 1401 ngày 9-1-1958.

-  Léo Figuères - Charles Fourniau: Ho Chi Minh - notre camarade, Éditions Sociales, Paris, 1970, p. 172.

Tháng 1, ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp đang ở thăm Việt Nam về tình hình thế giới và những vấn đề quan hệ đến lợi ích của hai Đảng.

- Báo Nhân dân, số 1402, ngày 10-1-1958.

Tháng 1, ngày 11

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ trình Quốc thư của Đại sứ nước Cộng hòa nhân dân Liên bang Nam Tư.

Trong lời đáp đọc tại buổi lễ, Người nhiệt liệt chào mừng những thành tích của nhân dân Nam Tư trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, cảm ơn sự đồng tình và ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Nam Tư và tin chắc rằng quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nam Tư ngày càng củng cố và phát triển.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Công đoàn Thái Lan nhân dịp Đoàn sang thăm Việt Nam.

Cùng ngày, bài viết của Người: Nông dân Trung Quốc chống hạn, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1403, giới thiệu những kinh nghiệm chống hạn của nông dân Trung Quốc. Bài báo kết luận: “Chúng ta đoàn kết nhất trí và quyết tâm, thì công việc chống hạn của ta nhất định cũng thắng lợi”.

-  Báo Nhân dân, số 1403, ngày 11-1-1958 và số 1404, ngày 12-1-1958.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 9, tr. 9-10.

Tháng 1, ngày 12

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị chống hạn, đẩy mạnh sản xuất của tỉnh Hà Đông 2).

Nói chuyện về quyết tâm chống hạn với 3.000 cán bộ từ tỉnh đến xã về dự, Người chỉ rõ các nguyên nhân tỉnh Hà Đông đến nay chống hạn còn kém. Trước hết là vì còn tư tưởng bi quan, sợ khó, ỷ lại vào máy bơm, một số người chỉ thấy lợi ích trước mắt, lợi ích của cá nhânkhông thấy lợi ích lâu dài, lợi ích của tập thể. Người góp một số ý kiến cụ thể với Hà Đông trong việc tổ chức chống hạn và tin tưởng rằng: "Làm tốt những việc nói trên, khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm và truyền thống sẵn có, giúp đỡ nhau đoàn kết thi đua thì chống hạn nhất định thắng lợi".

8 giờ 25, Người đến xã Đại Thanh, huyện Thường Tín 3) và cùng bà con nông dân tát nước chống hạn trên cánh đồng Quai Chảo.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nhân dân xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Người đi xem giếng chống hạn ở cánh đồng Cửa Miếu. Nói chuyện với cán bộ, nhân dân tại Hội nghị chống hạn của xã, Người nhấn mạnh: Muốn chống hạn được tốt, cần phải chống những tư tưởng lệch lạc, phải đoàn kết giúp đỡ nhau, trong thi đua, thưởng phạt phải phân minh. Người tặng Hội nghị một số huy hiệu của Người để làm giải thưởng thi đua.

Sau đó, Người thăm công trường xây dựng Đài phát thanh Mễ Trì.

-  Tỉnh ủy Hà Sơn Bình: Bác Hồ với Hà Sơn Bình, 1990, tr. 141-142.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 9, tr. 11-18.

-  Báo Nhân dân, số 1405, ngày 13-1-1958.

Tháng 1, ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi ông Nguyễn Sinh Thoán 4), chia buồn và tỏ lòng thương tiếc khi nhận được tin ông Nguyễn Sinh Xơơng mất.

Chiều, Chủ tịch dự lễ trình Quốc thư của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Trong lời đáp, Người nhắc đến truyền thống đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Trung trong kháng chiến chống thực dân, cảm ơn sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam và nhấn mạnh: "Việc Trung Quốc mở rộng quan hệ và hợp tác hữu nghị với nhiều nước trên thế giới trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình là một đóng góp tích cực cho việc bảo vệ hòa bình thế giới".

-  Bản gốc bức thư, lưu tại Bảo tàng Kim Liên (Nghệ An).

-  Báo Nhân dân, số 1406, ngày 14-1-1958.

-  Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr.185-186 (bản Trung văn).

Tháng 1, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nhân dân tỉnh Hà Nam đang chống hạn. Tại Hội nghị chống hạn của tỉnh, Người trao cờ luân lưu thêu bốn chữ CHỐNG HẠN KHÁ NHẤT cho huyện Bình Lục, sau đó, Người đi thăm đập Cát Tường xã Vân Tường (Bình Lục).

Trên đường về, vào thăm trại thương binh, Người khen ngợi anh em đã cố gắng tham gia cùng đồng bào chống hạn và căn dặn mọi người luôn nêu cao gương đoàn kết, giữ vững ý thức tổ chức kỷ luật.

Cùng ngày, Chủ tịch gửi điện mừng tới ông I.G.Môrê, nhân dịp ông được cử giữ chức Chủ tịch Chủ tịch đoàn Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Rumani.

-  Báo Nhân dân, số 1407, ngày 15-1-1958.

-  Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Nam Hà: Nam Hà làm theo lời Bác, 1975, tr. 43-45.

-  Tài liệu lưu trữ của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 1, ngày 15

7 giờ, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu báo chí Thái Lan do ông Chủ tịch Hội các nhà báo Thái Lan dẫn đầu sang thăm Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 1411, ngày 19-1-1958.

Tháng 1, ngày 16

19 giờ, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với Đoàn cán bộ Đài phát thanh Cộng hòa Dân chủ Đức, do bà Phó chủ bút Anna Brixky dẫn đầu, mang quà của thiếu nhi Đức tặng thiếu nhi Việt Nam. Thay mặt nhân dân Việt Nam, Người cám ơn tình cảm tốt đẹp của nhân dân và các tổ chức quần chúng ở Đức đã giúp đỡ Việt Nam trong những lúc khó khăn, và nhờ đoàn chuyển bức ảnh chân dung của Người tặng thiếu nhi Đức. Sau đó, Người chụp ảnh kỷ niệm chung với đoàn.

- Báo Nhân dân, số 1409, ngày 17-1-1958.

Tháng 1, ngày 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và nói chuyện về chủ nghĩa xã hội với các học viên Lớp nghiên cứu chính trị, khoá III, Trường đại học Nhân dân Việt Nam 5).

Điểm lại những thành tựu lịch sử của thế giới và của nước Nga trong 40 năm qua kể từ sau Cách mạng Tháng Mười2, Người khẳng định: thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội là phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người và nhấn mạnh: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải cải tạo xã hội cũ thành một xã hội mới, một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”. “Để cải tạo xã hội, một mặt phải cải tạo vật chất như tăng gia sản xuất, một mặt phải cải tạo tư tưởng. Nếu không có tư tưởng xã hội chủ nghĩa thì không làm việc xã hội chủ nghĩa được”.

Sau khi giải thích về tư tưởng xã hội chủ nghĩa, Người khuyên các học viên, nhất là những trí thức cũ, phải tranh thủ nghiên cứu, học tập những tư tưởng tốt, đấu tranh với cái xấu để tiến bộ, để trở thành những người trí thức của giai cấp công nhân, hết lòng hết sức phục vụ công nông, góp phần xứng đáng và vẻ vang vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cùng ngày, Chủ tịch gửi điện mừng tới ông Đamianốp nhân dịp ông được bầu lại làm Chủ tịch Chủ tịch đoàn Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Bungari.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 20-26.

-  Báo Nhân dân, số 1412, ngày 20-1-1958.

Tháng 1, ngày 19

Trên đường đi công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm công trình thủy lợi Máng số 7 của Hà Đông 6).

9 giờ, Người đến xem đoạn mương cống Hàm Rồng bên tuyến đường quốc lộ số 6 thuộc thôn Ngọc Giả (xã Ngọc Hòa, Chương Mỹ). Nói chuyện với cán bộ, dân công trên công trường, Người khen công trường có nhiều cố gắng và căn dặn phải hoàn thành tốt công trình để sớm đưa nước về chống hạn.

-  Tỉnh ủy Hà Sơn Bình: Bác Hồ với Hà Sơn Bình, 1990, tr. 139-140.

Bác Hồ với Hà Tây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây, 2006, tr. 60.

Tháng 1, ngày 20

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Phó Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ 7). Bức thư viết bằng chữ Hán, toàn văn (dịch ra tiếng Việt) như sau:

“Đồng chí Thiếu Kỳ thân mến,

Đồng chí đại sứ Hà Vỹ đã chuyển cho tôi thư giới thiệu của đồng chí. Năm kia, tôi đã quen biết đồng chí Hà ở Quảng Tây. Đương nhiên chúng tôi sẽ có sự giúp đỡ anh em cho đồng chí Hà để đồng chí ấy thực hiện tốt nhiệm vụ của mình ở Việt Nam. Mong đồng chí ấy thực hiện tốt nhiệm vụ của mình ở Việt Nam. Mong đồng chí đừng băn khoăn. Các đồng chí chuyên gia do Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cử sang giúp chúng tôi chống hạn đã bắt tay vào việc khoan đào giếng. Cảm ơn các đồng chí.

Tôi chúc đồng chí mạnh khỏe, và gửi lời chào cộng sản tới Mao Chủ tịch và các đồng chí trong Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tôi gửi lời hỏi thăm đồng chí Quang Mỹ 8) và các cháu.

Ngày 20 tháng 1 năm 1958.

Hồ Chí Minh”.

-  Ảnh chụp bút tích, in trong Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 71.

Tháng 1, ngày 22

18 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ ký Tuyên bố chung giữa Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp nhân dịp Đoàn sang thăm nước ta.

Cùng ngày, bài viết của Người: Ngô Đình Diệm sỉ nhục đồng bào thiểu số, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1414. Qua việc chính quyền Ngô Đình Diệm mang trưng bày đồng bào thiểu số tại Hội chợ Thị Nghè, cũng như việc chính quyền Mỹ mang trưng bày những người Mỹ da đen tại các hội chợ, tác giả rút ra kết luận: "Chỉ có dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, các dân tộc mới được bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, thương yêu và giúp đỡ nhau như anh em một nhà".

-  Báo Nhân dân, số 1414, ngày 22-1-1958 và số 1415, ngày 23-1-1958.

Tháng 1, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình Liên khu V.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 1, trước ngày 24

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu cho năm công dân Hà Nội đã nêu gương tốt về đức tính liêm khiết nhặt được của rơi đã mang nộp công an để trả cho người mất.

-  Báo Nhân dân, số 1416, ngày 24-1-1958.

Tháng 1, ngày 24

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cảm ơn Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã gửi thư báo cáo kết quả khoá họp thứ nhất của Hội đồng. Người hoan nghênh tinh thần đoàn kết, nhất trí, làm việc khẩn trương của Hội đồng và mong Hội đồng ra sức vận động đồng bào Thủ đô đoàn kết chặt chẽ, hăng hái thực hiện mọi chủ trương của Đảng và Chính phủ, các quyết nghị của Hội đồng nhân dân và trước mắt làm tốt năm công tác: chống hạn, quản lý thị trường, sản xuất và tiết kiệm, việc tổ chức Tết, giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục.

Trong ngày, Người dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình Tây Nguyên và Thừa Thiên.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 27-28.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 1, ngày 25

7 giờ, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn nghệ thuật Nam Tư đang ở thăm và biểu diễn tại Việt Nam.

-  Báo Nhân dân, số 1418, ngày 26-1-1958.

 Tháng 1, ngày 26

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nhân dân xã Hùng Sơn (nay là xã Uy Nỗ) huyện Đông Anh (ngoại thành Hà Nội) là nơi có phong trào chống hạn khá. Người đi xem các kiểu giếng đang đào, các dụng cụ dùng để tát nước chống hạn của bà con. Trước khi ra về, Người nhắc nhở cán bộ địa phương phải nêu cao quyết tâm, học hỏi kinh nghiệm tổ chức và lãnh đạo để chống hạn có kết quả.

Cùng ngày, Người đến thăm các đồng chí chuyên gia thủy lợi Trung Quốc giúp bà con nông dân Vĩnh Phúc đào giếng chống hạn.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ tám Quốc khánh nước Cộng hòa Ấn Độ, Người gửi điện mừng tới Tổng thống R. Praxát và Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao J.Nêru, chúc tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ ngày càng củng cố và phát triển.

Tối, Người dự chiêu đãi của Đại sứ T.N.Côn nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Ấn Độ.

Trong ngày, với bút danh Trần Lực, bài Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc của Người đăng báo Nhân dân, số 1418, giới thiệu về kinh nghiệm tổ chức Tết ở Trung Quốc vừa tiết kiệm, vừa vui vẻ, lành mạnh. Tác giả đề nghị đồng bào ta nên học tập làm theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội, 1985, tr. 30.

Bác Hồ với Vĩnh Phúc, Ty Văn hoá Vĩnh Phúc xuất bản, 1975, tr. 91-92.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 72.

-  Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 205.

-  Báo Nhân dân, số 1418, ngày 26-1-1958 và số 1419, ngày 27-1-1958.

Tháng 1, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Trường Công an Trung ương 9). Nói chuyện với cán bộ, học viên của trường, Người nêu rõ trách nhiệm của công an nói chung trong giai đoạn tiến lên chủ nghĩa xã hội và của mỗi cán bộ công an trong việc tu dưỡng tư tưởng, rèn luyện tác phong, gương mẫu học tập và nêu cao đạo đức cách mạng để làm trọn nhiệm vụ đối với nhân dân, với Đảng, với cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Cuối cùng, Người tặng cán bộ và học viên bài thơ:

Đoàn kết, cảnh giác,

Liêm, chính, kiệm, cần.

Hoàn thành nhiệm vụ,

Khắc phục khó khăn,

Dũng cảm trước địch,

Vì nước quên thân,

Trung thành với Đảng,

Tận tụy với dân".

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 29-33.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác an ninh trật tự, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 88-92.

- Báo Nhân dân, số 1424, ngày 1-2-1958.

Tháng 1, ngày 29

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phong trào vệ sinh yêu nước sôi nổi tại Trung Quốc, ký bút danh T., đăng báo Nhân dân, số 1421, đề cập đến hiệu quả của phong trào vệ sinh ở một số địa phương của Trung Quốc như: Thượng Hải, Giang Đông, Sơn Tây, Tứ Xuyên, Triết Giang, Giang Tô... Cuối bài viết, tác giả kết luận: “phong trào vệ sinh yêu nước nếu kết hợp chặt chẽ với các công tác trung tâm khác, nếu có lãnh đạo, có tổ chức và động viên được mọi người tham gia đông đảo thì nhất định sẽ có lợi rất lớn đối với sức khỏe của nhân dân và đối với sản xuất”.

- Báo Nhân dân, số 1421, ngày 29-1-1958.

Tháng 1, ngày 31

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận Quốc thư của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Rumani tại Việt Nam.

Trong lời phát biểu, Người bày tỏ lòng khâm phục đối với nhân dân Rumani từng đấu tranh gian khổ và anh dũng chống phát xít, giành lại được độc lập, dân chủ, tự do và cảm ơn Chính phủ, nhân dân Rumani đã tận tình ủng hộ công cuộc kháng chiến và sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà của nhân dân Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 1424, ngày 1-2-1958.

Tháng 1

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hội nghị Quân ủy Trung ương mở rộng.

Gặp gỡ các cán bộ chỉ huy Sư đoàn 316 - Sư đoàn được giao nhiệm vụ trở lại chiến trường Điện Biên Phủ tham gia xây dựng Tây Bắc thành một hậu phương vững chắc, Người ân cần thăm hỏi tình hình Sư đoàn, nhắc nhở cán bộ phải lường trước những khó khăn khi đơn vị làm nhiệm vụ mới, góp một số ý kiến về phương hướng triển khai công việc. Người còn chỉ thị cho Quân ủy Trung ương tìm cách giúp đỡ Sư đoàn giảm bớt khó khăn khi trở lại Điện Biên.

- Sư đoàn 316, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1986, t.2, tr. 18.

Tháng 1, cuối tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận Quốc thư của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam, Hà Vỹ 10).

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 71.

Tháng 2, ngày 1

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ trí thức đi cày ruộng có phải là lãng phí tài năng không?, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1424, giới thiệu về cuộc tranh luận của giới trí thức Trung Quốc chung quanh vấn đề trên.

- Báo Nhân dân, số 1424, ngày 1-2-1958.

Tháng 2, ngày 2

 Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự chiêu đãi của Đại sứ T.N.Côn, Trưởng đoàn Ấn Độ trong Ủy ban kiểm soát và giám sát Quốc tế, nhân dịp Người sắp sang thăm Ấn Độ.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 54/SL, đặt các loại Huân chương, Huy chương Quân giải phóng Việt Nam dành tặng thưởng cho các cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam có công trong việc xây dựng quân đội, tham gia chiến đấu thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám (1945) và các loại Huân chương, Huy chương Chiến thắng dành tặng thưởng cho những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam có công trong việc xây dựng quân đội, tham gia chiến đấu thời kỳ kháng chiến.

- Báo Nhân dân, số 1426, ngày 3-2-1958.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 2, ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các vị trưởng phái đoàn các nước Ấn Độ, Ba Lan, Canađa (trong Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ ở Việt Nam) đến chào từ biệt trước khi Ủy ban chuyển trụ sở từ Hà Nội vào Sài Gòn 11).

Người hoan nghênh những cố gắng của Ủy ban trong thời gian qua và nói rõ lập trường của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về vấn đề thi hành Hiệp định Giơnevơ.

Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Người tiếp Đoàn chiến sĩ thi đua của Hải Phòng. Người ân cần hỏi thăm anh chị em về hoàn cảnh gia đình, tình hình sản xuất và nhắc nhở các chiến sĩ thi đua phải vận động, lôi cuốn mọi người cùng làm tốt nhiệm vụ được giao.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi củ đậu nặng 8,5 kg (do ông Sắm ở xã An Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình tặng Người) đi trưng bày ở triển lãm quốc gia mong muốn để phổ biến kinh nghiệm trồng trọt cho nhân dân.

- Báo Nhân dân, số 1427, ngày 4-2-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 34.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng, Nxb. Hải Phòng, 1985, tr. 166.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 2, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ và Liên bang Miến Điện theo lời mời của Chính phủ hai nước.

16 giờ, Người rời sân bay Gia Lâm (Hà Nội) đi Ấn Độ.

Trước khi lên máy bay, phát biểu với đông đảo đồng bào và cán bộ ra tiễn, Người nêu rõ mục đích chuyến đi là: "Thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa Việt Nam, Ấn Độ và Miến Điện, đồng thời để tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc Á - Phi, do đó thêm lực lượng giữ gìn hòa bình thế giới".

Người dặn dò đồng bào những việc cần làm.

23 giờ, Người tới sân bay Cancútta. Ra sân bay đón Chủ tịch có bà Thủ hiến, các vị lãnh đạo xứ Bănggan và các nhân vật cao cấp của thành phố Cancútta. Đêm đã khuya mà dọc đường từ sân bay về Dinh Thủ hiến, rất đông nhân dân địa phương vẫn chờ đợi hai bên đường để chào đón Người.

24 giờ, Người về tới Dinh Thủ hiến.

Trong ngày, Chủ tịch gửi điện chúc mừng nhân ngày sinh lần thứ 77 của Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Liên Xô K.E.Vôrôsilốp.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 35.

-  L.T.: Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến, Báo Nhân dân, số 1447, ngày 26-2-1958.

- Báo Nhân dân, số 1429, ngày 6-2-1958.

- Báo Amrita Bajar Patrika, Cancútta, ngày 5-2-1958.

Tháng 2, ngày 5

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Cancútta đi Niu Đêli.

12 giờ, Người tới Niu Đêli - Thủ đô nước Cộng hòa Ấn Độ.

Tại sân bay Pa Lam, Tổng thống R. Praxát, Thủ tướng J. Nêru và con gái là bà Inđira Găngđi cùng nhiều vị lãnh đạo trong Chính phủ Ấn Độ ra tận cầu thang máy bay đón Người.

Đọc lời đáp tại lễ đón Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam được tổ chức rất trọng thể tại sân bay, Chủ tịch Hồ Chí Minh chân thành cảm ơn sự tiếp đón nồng nhiệt, chân tình của các bạn Ấn Độ và chuyển lời chào thắm thiết nhất của nhân dân Việt Nam tới các vị lãnh đạo cùng toàn thể nhân dân Ấn Độ. Người đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng trên trường quốc tế cũng như những cống hiến quý báu cho hòa bình châu Á và thế giới của nước Cộng hòa Ấn Độ và tin tưởng rằng cuộc đi thăm của Người chắc chắn sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp, thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác, tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước, giữa các nước Á - Phi, góp phần củng cố hòa bình ở châu Á và thế giới.

14 giờ 30, Người cùng Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam dùng cơm trưa với Thủ tướng J. Nêru và con gái là bà Inđira Găngđi.

16 giờ 15, Người tới đặt vòng hoa tại nơi tưởng niệm Thánh Găngđi và trồng một cây hoa đại mang từ Hà Nội sang để làm kỷ niệm.

17 giờ, Người đi thăm Tổng thống R. Praxát.

18 giờ, Người tiếp Thủ tướng J. Nêru tới thăm.

19 giờ, Người tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Mơnông.

20 giờ, Người và Đoàn ăn cơm tối cùng với hai ông Bộ trưởng Ấn Độ.

-  Báo Evening News, New Delhi, ngày 6-2-1958.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 36-37.

-  L.T.: Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến, Báo Nhân dân, số 1450, ngày 1-3-1958.

Tháng 2, ngày 6

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm chùa Qutab Minar ở Thủ đô Niu Đêli. Sau đó, Người đến thăm Viện nghiên cứu Vật lý học quốc gia Ấn Độ, Viện nghiên cứu Nông nghiệp Niu Đêli.

16 giờ, Chủ tịch dự tiệc trà chiêu đãi của "Ủy ban đón tiếp Hồ Chủ tịch" tổ chức tại Câu lạc bộ Hiến pháp.

Trong lời đáp, Người nói: "Tôi rất cảm ơn những lời khen ngợi thân ái của ông Chủ tịch. Song tôi không phải là anh hùng. Chính những người dân Việt Nam và Ấn Độ đã đoàn kết đấu tranh giành lại tự do, độc lập cho Tổ quốc mình, đó mới là những người anh hùng thật,... Ngày nay, do sự đấu tranh anh dũng của nhân dân, đêm tối áp bức đã bị đánh lui, mùa xuân tự do tươi sáng đã đến... Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để đấu tranh chống nghèo nàn và dốt nát, để xây dựng một cuộc sống mới, hạnh phúc, hữu nghị và hòa bình".

Người kết luận bằng khẩu hiệu: Năm nguyên tắc chung sống hòa bình3 muôn năm!

18 giờ, Chủ tịch tới dự cuộc mít tinh chào mừng của nhân dân Thủ đô Niu Đêli tổ chức ở “Thành Đỏ”. Tại cuộc mít tinh, Người đã từ chối ngồi lên chiếc “ngai vàng” dành riêng cho Người, với lý do: “Tôi muốn được bình đẳng với mọi người”.

Trong lời cảm ơn, Người nhiệt liệt chào mừng những thành tựu to lớn của nhân dân Ấn Độ trong công cuộc xây dựng đất nước và những thắng lợi vang dội của các nước Á - Phi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Người đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của những thắng lợi mà nhân dân Việt Nam đã giành được trải qua hơn 80 năm đấu tranh chống thực dân Pháp và tám, chín năm trường kỳ kháng chiến, nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam và lập trường của Việt Nam đối với công cuộc thống nhất đất nước.

20 giờ, Chủ tịch dự tiệc do Tổng thống R. Praxát chiêu đãi, tổ chức tại Phủ Tổng thống.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiệc, Người ca ngợi đất nước và nhân dân Ấn Độ vĩ đại, hoan nghênh những cống hiến to lớn của Ấn Độ trong cuộc đấu tranh giữ gìn và củng cố hòa bình. Về tình hình Việt Nam, Người nêu rõ: “Hiện nay, ở nước Việt Nam chúng tôi, do sự can thiệp của chủ nghĩa thực dân mà việc thống nhất đất nước chưa được thực hiện bằng Tổng tuyển cử tự do như Hiệp định Giơnevơ đã quy định. Đó là một sự xâm phạm đến tình cảm và chủ quyền của nhân dân Việt Nam.

Từ đã lâu, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được. Chúng tôi kiên quyết phấn đấu để thực hiện thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hòa bình”.

Cùng ngày, Người gửi điện chia buồn với Ban Chấp hành Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa, Chính phủ công nông cách mạng và nhân dân Hunggari về việc Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hunggari, Bộ trưởng Ngoại giao Hunggari Imrê Hoócvát từ trần.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 38- 46.

-  L.T.: Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến, Báo Nhân dân, số 1453, ngày 4-3-1958; số 1454, ngày 5-3-1958 và số 1455, ngày 6-3-1958.

-  Báo Nhân dân, số 1429, ngày 6-2-1958.

-  Báo Mail, Madras, ngày 7-2-1958.

Tháng 2, ngày 7

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự buổi đồng diễn thể dục của 3.000 em học sinh Ấn Độ, thuộc đoàn thể "Kỷ luật quốc dân", chào mừng Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam.

Sau buổi biểu diễn, Người thân mật dặn dò các em phải siêng năng học tập, giữ gìn trật tự, bảo vệ sức khỏe, nghe lời Bác Nêru và căn dặn thêm: "Đối với các cháu, Bác là Bác Hồ, chứ không phải là Cụ Chủ tịch".

10 giờ 30, Người đi xem tháp Qutab Minar, cao 76m, xây dựng từ năm 1199 và đã lên đến tầng cao nhất để ngắm toàn cảnh Thủ đô Niu Đêli.

12 giờ 30, Người dự bữa cơm do Thủ tướng Nêru mời tại Dinh Thủ tướng. Sau bữa cơm, trên đường trở về phủ Tổng thống, Người xuống xe, đi bộ. Nhân dân đi đường thấy thế vui mừng chạy theo hoan hô Người.

15 giờ, Người tiếp hơn 50 đại biểu các báo chí Ấn, Anh, Mỹ. Trả lời câu hỏi về Vấn đề thống nhất nước Việt Nam, Người nói: “Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng và trước sau như một là thống nhất nước Việt Nam trên cơ sở độc lập, dân chủ, bằng phương pháp hòa bình theo như Hiệp định Giơnevơ đã quy định. Chúng tôi sẵn sàng hiệp thương với các nhà cầm quyền miền Nam Việt Nam để bàn về vấn đề tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước nhằm thống nhất nước Việt Nam.

Miền Nam Việt Nam là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi. Nhân dân Việt Nam sẽ được thống nhất”.

Về Chính sách đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người nêu rõ: “Những mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất tốt đẹp. Những mối quan hệ giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Vương quốc Lào và Vương quốc Khơme đều là những quan hệ láng giềng tốt dựa trên cơ sở Năm nguyên tắc chung sống hòa bình... Những mối quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa rất tốt đẹp và là những mối quan hệ anh em dựa trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi".

17 giờ, Người đến chào từ biệt Tổng thống R.Praxát. Tổng thống tặng Người một cây bồ đề nhỏ và vui vẻ nhận lời mời của Người sẽ sang thăm Việt Nam.

18 giờ, Người đến thăm “Hội đồng nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Ấn Độ”. Đến dự cuộc gặp mặt có hơn 300 nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học và hoạt động chính trị. Phát biểu tại đây, Chủ tịch nêu rõ quan điểm, lập trường của Chính phủ Việt Nam là thiết tha mong muốn duy trì tình hữu nghị và thành thật hợp tác với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở bình đẳng và tương trợ để xây dựng hòa bình thế giới, kiên quyết đấu tranh thực hiện nguyện vọng tha thiết và ý chí sắt đá của toàn dân Việt Nam là thực hiện thống nhất đất nước bằng phương pháp hòa bình.

19 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J.Nêru ký bản Tuyên bố chung nhân dịp Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ.

19 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi từ biệt Tổng thống, Thủ tướng và các bạn Ấn Độ ở Đêli. Trong lời phát biểu, Người nhấn mạnh: "Nhiều vấn đề quan trọng, chúng tôi và các bạn Ấn Độ của chúng tôi đã cùng một quan điểm. Điều đó càng làm cho chúng tôi thêm tin tưởng vào việc phát triển hơn nữa những mối quan hệ thân thiện giữa hai nước chúng ta... Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng sự tăng cường và củng cố các mối quan hệ thân thiện giữa hai nước chúng ta sẽ tăng cường thêm tình đoàn kết giữa các nước Á - Phi và góp phần giữ gìn hòa bình ở Châu Á và thế giới".

22 giờ 30, Người rời Niu Đêli đi Nănggan (Thủ phủ bang Pengiáp) trên chuyến xe hỏa đặc biệt, tiếp tục cuộc hành trình hữu nghị.

Thủ tướng J.Nêru và con gái là bà Inđira Găngđi cùng nhiều vị trong Chính phủ, Quốc hội, Đoàn ngoại giao... đến sân ga tiễn Người.

Tàu sắp chuyển bánh, Người đứng vẫy tay và chỉ vào cửa toa xe nói: "Cửa này là cửa hòa bình".

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 47-56.

-  L.T: Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến, Báo Nhân dân, số 1456, ngày 7-3-1958; số 1457, ngày 8-3-1958; và số 1459, ngày 10-3-1958.

-  Báo Mail, Madras, ngày 8-2-1958.

Tháng 2, ngày 8

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Nănggan. Đón Người tại sân ga có ông Thủ hiến và các nhân vật cao cấp bang Pengiáp.

Người đi thăm công trình xây dựng đập Bacơra trong 3 giờ đồng hồ. Trả lời các nhà báo, Người nói: "Đập Bacơra là một trong những kỳ quan hiện đại của thế giới".

14 giờ 30, Người tới thăm một làng mới xây dựng theo "Kế hoạch cải tiến nông thôn".

16 giờ 30, Người đi tham quan đập Nănggan cách đập Bacơra hơn 10km về phía hạ lưu.

18 giờ, Người dự tiệc chiêu đãi của ông Thủ hiến.

24 giờ, Người lên xe đi Agơra, thành phố phía Nam Niu Đêli.

 

-  L.T.: Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến, Báo Nhân dân, số 1460, ngày 11-3-1958.

-  Báo Indian Nation, ngày 10-2-1958.

-  Báo Leader, ngày 11-2-1958.

Tháng 2, ngày 9

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Agơra.

Tại đây, Người đến thăm lăng Tagiơ Mahan nổi tiếng đẹp nhất ở Ấn Độ và thế giới, được mệnh danh "Bài thơ bằng đá gấm". Người trèo lên ngọn tháp của lăng cao chừng 35,5m để ngắm nhìn toàn cảnh khu lăng.

Phát biểu cảm tưởng với các nhân viên quản lý lăng, Người nói: “Tagiơ Mahan không chỉ thuộc riêng Ấn Độ mà của toàn nhân loại”. Trả lời các nhà báo khi được hỏi về ấn tượng sau khi xem lăng, Người đáp: "Ngày xưa nhân dân Ấn Độ đã xây dựng những cung điện lâu đài cực kỳ đồ sộ. Ngày nay, nhân dân Ấn Độ dùng tài năng và lực lượng của mình làm những nhà máy to, đắp những đập nước lớn, để làm cho nước nhà giàu mạnh, con cháu mình sung sướng. Điều đó chứng tỏ rằng nhân dân Ấn Độ có một quá khứ vẻ vang và một tương lai càng rực rỡ".

15 giờ, Người rời Agơra đi Bombay.

19 giờ, Người tới Bombay. Ông Thủ hiến, các nhân vật cao cấp và nhiều đoàn thể nhân dân ra đón Người tận sân bay. Sau nghi lễ đón tiếp trọng thể, Người về nghỉ tại Dinh Thủ hiến. Dọc đường, hàng chục vạn nhân dân nồng nhiệt đón chào Người.

19 giờ 30, Người dự tiệc do ông Thủ hiến chiêu đãi, sau đó, xem biểu diễn nghệ thuật.

-  L.T: Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến, Báo Nhân dân, số 1461, ngày 12-3-1958 và số 1462, ngày 13-3-1958.

-  Báo Free Press, Bombay, ngày 11-2-1958.

Tháng 2, ngày 10

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần lượt đi tham quan Viện nuôi cá, Nông trường nuôi trâu và Viện nghiên cứu nguyên tử.

18 giờ, Người tham dự cuộc mít tinh chào mừng Đoàn của nhân dân thành phố Bombay.

Trong lời cảm ơn, Chủ tịch bày tỏ niềm sung sướng được chứng kiến những biểu hiện của mối tình hữu nghị thắm thiết Việt - Ấn anh em trên quê hương của Thánh Găngđi. Người vui mừng nhận thấy trong công cuộc giữ gìn hòa bình thế giới, các nước Á - Phi giữ một vai trò quan trọng và Ấn Độ đã góp phần xứng đáng của mình. Người tin tưởng cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhất định thắng lợi mặc dù có sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Người nói: "Nhân dân Việt Nam luôn luôn biết ơn nhân dân Ấn Độ đã ủng hộ mình và luôn luôn ghi nhớ sự đồng tình và ủng hộ của Thánh Găngđi, của Thủ tướng Nêru đối với cuộc kháng chiến của chúng tôi".

Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng nhân dân Bombay hai bức tranh sơn mài vẽ Thánh Găngđi và Thủ tướng Nêru.

20 giờ 30, Người dự tiệc chiêu đãi chính thức của ông Thủ hiến. Sau đó, Người và các đại biểu xem biểu diễn nghệ thuật.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 57-58.

-  L.T: Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến, Báo Nhân dân, số 1462, ngày 13-3-1958.

-  Báo Leader, ngày 13-2-1958.

Tháng 2, ngày 11

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần lượt đi thăm quan: Công viên Camla Nêru (tên phu nhân Thủ tướng Nêru), Vườn Treo, Đại thương điếm khách, Bảo tàng Hoàng tử xứ Uên.

14 giờ, Người rời Bombay đi Bănggalo cách Bombay 840km.

17 giờ, Người tới sân bay Bănggalo. Sau lễ đón tiếp, Người về nghỉ tại Dinh Thủ hiến. Tới đây, Người đã tiếp nhiều đoàn thể nhân dân đến chào mừng, trong đó có Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Ấn Độ, Tổng Công đoàn và nhiều tổ chức lao động khác.

18 giờ, Người dự cuộc mít tinh của nhân dân Bănggalo chào mừng Đoàn tổ chức tại "Nhà gương" nổi tiếng.

20 giờ 30, Người dự tiệc chiêu đãi của ông Thủ hiến bang. Thay mặt nhân dân và Chính phủ Việt Nam, Người cám ơn ông Thủ hiến, ông Thị trưởng và nhân dân Bănggalo đã nồng nhiệt tiếp đoàn.

 - L.T.: Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến, Báo Nhân dân, số 1464, ngày 15-3-1958.

 - Báo Indian Express, Bombay, ngày 13-2-1958.

Tháng 2, ngày 12

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Nhà máy Chế tạo máy ở ngoại ô Bănggalo. Người nói với công nhân nhà máy: Tôi rất vui mừng về những cố gắng và những thành tích của anh em, vì nhân dân Việt Nam coi những tiến bộ của Ấn Độ cũng như tiến bộ của mình.

11 giờ, Người đến thăm Viện nghiên cứu Khoa học Ấn Độ.

13 giờ 30, Người ra sân bay để đi Cancútta.

Dọc đường, Người ghé thăm tượng Thánh Găngđi dựng trong một vườn hoa lớn. Người kính cẩn choàng vòng hoa lên tượng Thánh và trồng một cây hoa làm kỷ niệm.

Tại sân bay Bănggalo, sau khi duyệt đội danh dự và bắt tay từ giã ông Thủ hiến và các nhân vật cao cấp, Người nói lời biệt, trong đó có đoạn: "Mối quan hệ lâu đời giữa nhân dân hai nước chúng ta đang phát triển tốt đẹp trên nền tảng Năm nguyên tắc chung sống hòa bình. Chúng tôi tin rằng cuộc đi thăm của chúng tôi sẽ góp phần phát triển thêm nữa tình nghĩa anh em giữa nhân dân Ấn Độ và Việt Nam".

19 giờ, Chủ tịch tới sân bay Đumđum (Cancútta). Lễ đón tiếp diễn ra trọng thể và thân mật. Mặc dù trời đã tối, dọc đường từ sân bay về Dinh Thủ hiến dài 12km, nhưng nhân dân địa phương đứng hai bên đường đón chào Người rất đông.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 59.

-  L.T.: Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến, Báo Nhân dân, số 1466, ngày 17-3-1958 và số 1467, ngày 18-3-1958.

-  Báo Indian Express, Bombay, ngày 13-2-1958.

Tháng 2, ngày 13

Sáng, từ 9 giờ đến 11 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần lượt tới thăm Trường thuốc Nhiệt đới, Viện nghiên cứu Bôdơ, Viện Thống kê.

16 giờ, Người dự cuộc mít tinh chào mừng Đoàn của nhân dân Cancútta.

Trong lời phát biểu, Người bày tỏ những tình cảm chân thành đối với nhân dân của một xứ sở đã có những đóng góp xứng đáng trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ, có những người con đã anh dũng đấu tranh ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam... Người cảm ơn nhân dân và Chính phủ Ấn Độ đã góp phần lập lại hòa bình ở Việt Nam, cảm ơn những cố gắng của Ấn Độ trong cương vị Chủ tịch Ủy ban kiểm soát và giám sát Quốc tế việc thi hành Hiệp định Giơnevơ ở Việt Nam...

Giữa những tiếng vỗ tay nhiệt liệt, Chủ tịch tặng nhân dân Cancútta hai bức tranh sơn mài vẽ Thánh Găngđi và Thủ tướng J.Nêru.

Tiếp đó, Người đến thăm Hội Mahabođi, lên lầu trên lễ Phật, rồi xuống dự mít tinh chào mừng của các phật tử.

Người còn đi thăm nơi ở cũ của nhà Đại thi hào Ấn Độ R.Tago và tiếp các đại biểu báo chí.

20 giờ 30, Chủ tịch dự tiệc chiêu đãi từ biệt do bà Thủ hiến Bănggan tổ chức. Trong lời đáp từ, một lần nữa Người bày tỏ tình cảm của mình với nhân dân và đất nước Ấn Độ và thành tâm chúc các bạn Ấn Độ thu được nhiều kết quả to lớn hơn.

Trước khi vào tiệc chiêu đãi, Chủ tịch chào từ biệt nhân dân Ấn Độ qua Đài phát thanh Ấn Độ: “Chúng tôi rời đất nước các bạn, nhưng lòng rất quyến luyến các bạn. Chúng tôi thành thật cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của Tổng thống Praxát, Thủ tướng Nêru và các vị trong Chính phủ Ấn Độ. Chúng tôi cũng xin cảm ơn các vị Thủ hiến, Chủ tịch và Bộ trưởng các xứ, các vị Thị trưởng, các cấp cán bộ và nhân viên Chính phủ ở những nơi chúng tôi đã đi qua, cũng như các anh em nhân viên liên lạc và hàng không đã tận tình săn sóc chúng tôi.

Chào bà con, chào anh chị em thân mến của nước Cộng hòa Ấn Độ vĩ đại. Cuối cùng, Bác Hồ gửi các cháu nhi đồng Ấn Độ nhiều cái hôn”.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 60-63.

- L.T.: Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến, Báo Nhân dân, số 1468, ngày 19-3-1958.

Tháng 2, ngày 14

7 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi xe mui trần rời Phủ Thủ hiến ra sân bay.

8 giờ 15, Người rời Cancútta đi Rănggun (Miến Điện) sau khi dự lễ tiễn đưa vừa lưu luyến, vừa trọng thể tổ chức tại sân bay, kết thúc tốt đẹp chuyến sang thăm Ấn Độ.

13 giờ, Người tới Rănggun, mở đầu cuộc đi thăm hữu nghị chính thức Miến Điện.

Ra tận sân bay đón Người có Tổng thống, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Viện trưởng Pháp viện tối cao và Chủ tịch Quốc hội. Hơn 3.000 đại biểu các đoàn thể nhân dân cũng có mặt ở sân bay đón chào Người.

13 giờ 30, Người dự cơm thân mật với ông bà Tổng thống.

15 giờ 30, Người tới dự lễ chào mừng Đoàn của Thủ đô Rănggun được tổ chức rất trọng thể.

17 giờ, Người cùng Tổng thống Uvin Môn đến viếng Khu tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của Miến Điện.

17 giờ 30, Người tham quan Chùa vàng Sơwuveđagôn, một thắng cảnh nổi tiếng ở Miến Điện.

19 giờ 30, Người dự tiệc chiêu đãi chính thức do Tổng thống mời.

-  L.T.: Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến, Báo Nhân dân, số 1470, ngày 21-3-1958 và số 1471, ngày 22-3-1958.

 - Báo Indian Nation, ngày 16-2-1958.

Tháng 2, ngày 15

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Phó Thủ tướng Uba Xuê lên máy bay đi thăm bang San (Shan).

9 giờ 30, Người tới sân bay Hêho. Thủ hiến kiêm Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bang San cùng các cán bộ cao cấp ra đón tại sân bay, rồi đưa Người đến bến Yungguy, lên thuyền Chim phượng để đến hồ Inlê xem hội đua thuyền.

15 giờ, Người trở lại bến Yungguy, rồi vào thành phố Taoguy (Thủ phủ bang San) trong sự đón chào nồng nhiệt của hầu hết nhân dân thành phố.

Chiều tối, Người dự tiệc chiêu đãi do ông Thủ hiến tổ chức. Tiệc xong, Người xem biểu diễn võ thuật và văn nghệ.

 - L.T.: Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến, Báo Nhân dân, số 1473, ngày 24-3-1958.

Tháng 2, ngày 16

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Taoguy trở lại Rănggun.

13 giờ, Người ngồi tàu đi tham quan trên sông Hulê.

17 giờ, Người tiếp đại biểu các báo chí. Tại cuộc họp báo, sau phần giới thiệu một số hoạt động của Đoàn trong ba ngày vừa qua trên đất nước Miến Điện, bài nói của Người đề cập đến ba vấn đề:

1. Chính sách ngoại giao hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

2. Lập trường của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về vấn đề thống nhất nước Việt Nam.

3. Kết quả chuyến đi thăm hữu nghị Miến Điện của Đoàn.

19 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi Tổng thống và Thủ tướng. Tham dự còn có các vị trong Chính phủ, Quốc hội, Đoàn ngoại giao và nhiều nhân sĩ Miến Điện.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 64-68.

-  L.T.: Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến, Báo Nhân dân, số 1473, ngày 24-3-1958.

Tháng 2, ngày 17

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng U Nu ký Tuyên bố chung.

9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ nhận bằng Tiến sĩ luật học danh dự do Trường đại học Rănggun trao tặng.

Phát biểu trong buổi lễ, Người nhấn mạnh: "Các bậc tiền bối của các bạn đã đấu tranh anh dũng để giành độc lập cho Tổ quốc. Nay Chính phủ và nhân dân Miến Điện đang ra sức xây dựng nước nhà. Các bạn phải là những cán bộ tốt đem hết đức và tài của mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân".

11 giờ, Người tới thăm Quốc hội Miến Điện trong bộ quần áo Miến do ông bà Thủ tướng U Nu mới tặng.

12 giờ, Người lên máy bay về nước, kết thúc chuyến đi thăm hữu nghị chính thức hai nước Ấn Độ và Miến Điện.

Trước đó, trong không khí quyến luyến của lễ tiễn đưa long trọng và thân mật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời từ biệt bày tỏ tình cảm của Người đối với đất nước và các bạn Miến Điện. Một lần nữa, Người cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình và thân mật như anh em của Tổng thống, Thủ tướng, các vị trong Chính phủ, các nhà lãnh đạo địa phương và nhân dân Miến Điện đã dành cho Đoàn.

Từ trên máy bay về nước, Người đã gửi điện cảm ơn Tổng thống và Thủ tướng Miến Điện.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Hà Nội.

Nói chuyện với đông đảo đại biểu nhân dân Thủ đô ra đón tại sân bay Gia Lâm, Người nêu rõ: Đoàn đã hoàn thành tốt mục đích của chuyến đi thăm hai nước bạn Ấn Độ và Miến Điện. “Tình hữu nghị của nhân dân hai nước bạn đối với nhân dân ta thật là thắm thiết... Đi đến đâu bà con Ấn và Miến cũng chúc cho dân ta nhiều tiến bộ, nước ta mau thống nhất và gửi lời chào thân ái đến đồng bào...

Sang năm mới, chúng ta sẽ cố gắng mới, thi đua mới, thu nhiều thắng lợi mới, để trước là ích nước lợi nhà, làm nền tảng vững chắc cho công cuộc thống nhất Tổ quốc, sau là thoả lòng mong ước của anh em các nước bạn chúng ta”.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 69-71.

- L.T.: Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến, Báo Nhân dân, số 1473, ngày 24-3-1958 và số 1474, ngày 25-3-1958.

- Báo Nhân dân, số 1442, ngày 21-2-1958.

Tháng 2, ngày 17 (Đêm 30 tết)

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Tổng hội Liên hiệp Hoa kiều ở Hà Nội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 72.

Tháng 2, ngày 18 (mồng Một Tết Mậu Tuất)

Nhân ngày đầu Xuân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm và chúc Tết một số cơ quan, đơn vị bộ đội tại Hà Nội.

Tới một đơn vị quân đội, Người vào thăm phòng ngủ của các chiến sĩ, xem từng chiếc chiếu, tấm chăn và dặn dò cần có biện pháp chống rét cho tốt. Xuống nhà bếp, Người hỏi han các chiến sĩ nuôi quân tình hình chuẩn bị Tết cho đơn vị và căn dặn phải cố gắng lo cải thiện đời sống: "Hôm nay phải tươi hơn hôm qua một ít và cứ thế mà tiến mãi". Nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ trong đơn vị, Người nhắc nhở "cần cố gắng học tập chính trị hơn nữa, kỹ thuật hơn nữa và đoàn kết hơn nữa: đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ, đoàn kết giữa Bắc và Nam, đoàn kết giữa nhân dân và bộ đội,... phải cố gắng và tuỳ theo hoàn cảnh, khả năng của mình giúp dân chống hạn và sản xuất".

Tại Nhà máy cơ khí Hà Nội 12), sau khi đi thăm khu tập thể công nhân nhà máy, Người yêu cầu các chi bộ Đảng, Công đoàn và Đoàn thanh niên cần quan tâm cải thiện nhiều hơn nữa đời sống của công nhân, phối hợp chặt chẽ vận động công nhân thi đua thực hiện tốt Kế hoạch Nhà nước năm 1958.

Khi đi thăm Khu Việt Nam học xá 13), Người nói với các sinh viên: "Các cô các chú học để mà hành, học để phục vụ nhân dân không phải để làm quan. Các cô các chú phải trau dồi cả đức cả tài, không có đức thì vô dụng, không có tài thì làm gì cũng khó".

Cùng ngày, Người còn đi chúc Tết nhân dân xã Việt Hưng, quận 8 (huyện Gia Lâm), ngoại thành Hà Nội; gặp gỡ đầu Xuân với cán bộ miền Nam tập kết tại Câu lạc bộ Thống Nhất; thăm Hội quán Hoa kiều ở phố Hàng Buồm; gửi quà và thiếp chúc Tết anh chị em thương binh ở Trường Thương binh hỏng mắt.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 31.

- Báo Quân đội nhân dân, số 423, ngày 21-2-1958.

- Báo Nhân dân, số 1441, ngày 20-2-1958 và số 1442, ngày 21-2-1958.

Tháng 2, ngày 20

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu văn hoá Mông Cổ do Thứ trưởng Bộ Văn hoá Nam Gin dẫn đầu đến thăm và chúc Tết Người.

- Báo Nhân dân, số 1442, ngày 21-2-1958.

Tháng 2, trước ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lần nữa, gửi điện cảm ơn Tổng thống Ấn Độ R.Praxát, Thủ tướng Ấn Độ J.Nêru và Tổng thống Miến Điện Uvin Môn, Thủ tướng Miến Điện U Nu về sự đón tiếp thân mật, thắm thiết của các đơn vị trong chuyến Người sang thăm Ấn Độ và Miến Điện vừa qua.

- Báo Nhân dân, số 1442, ngày 21-2-1958.

Tháng 2, ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xem Hội chợ triển lãm hàng thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp toàn quốc Việt Nam.

Sau khi đi thăm các gian trưng bày, gặp gỡ và nói chuyện với công nhân viên phục vụ Hội chợ và đại diện các nhà sản xuất, Người căn dặn: Những người sản xuất phải cố gắng sản xuất nhanh, nhiều, tốt, rẻ nhưng trước nhất phải làm tốt và rẻ; phải thực thà sản xuất hàng tốt cho đồng bào dùng, không nên làm hàng trưng bày thì tốt hàng bán thì xấu, giá cả phải chăng, không lừa dối người mua; sản xuất phải thiết thực và đúng hướng; phải tổ chức thành tập đoàn, hợp tác xã thì mới có thể sản xuất được nhiều và tốt, không lãng phí tài năng và thời gian.

Cùng ngày, Chủ tịch dự lễ trình Quốc thư của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết tại Việt Nam. Trong lời đáp, Người cám ơn Chính phủ và nhân dân Liên Xô đã tận tình ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và nêu rõ: "Việt Nam và Liên Xô là hai nước anh em. Chính phủ và nhân dân Việt Nam rất vui mừng trước những thắng lợi to lớn của nhân dân Liên Xô trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản và hoàn toàn ủng hộ chính sách hòa bình của Chính phủ Liên Xô".

- Báo Nhân dân, số 1443, ngày 22-2-1958.

- Tài liệu lưu trữ của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 2, ngày 23

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu vực Đá Chông, huyện Bất Bạt (nay là huyện Ba Vì).

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ Sơn Tây đang nghiên cứu, học tập bản Tuyên bố của Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và Công nhân các nước xã hội chủ nghĩa và Tuyên ngôn hòa bình của Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và Công nhân 65 nước họp ở Mátxcơva tháng 11-1957.

Gần 500 cán bộ của tỉnh và thị xã Sơn Tây đã được nghe lời Người căn dặn: Các xã họp lại thành cả nước. Nước ta mạnh là do cán bộ và nhân dân các xã đồng tâm nhất trí, đoàn kết chặt chẽ. Muốn cho Đảng mạnh thì chi bộ phải vững chắc. Muốn chi bộ vững chắc thì mọi đảng viên phải có đạo đức cách mạng, phải làm đúng đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, phải gần gũi và đoàn kết với quần chúng.

Bác Hồ với Hà Tây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây, 2006, tr. 68.

-  Tỉnh uỷ Hà Sơn Bình: Bác Hồ với Hà Sơn Bình, 1990, tr. 142-143.

Tháng 2, ngày 24

Được tin ông Abun Calani Adát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ấn Độ từ trần, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn tới Tổng thống Ấn Độ R. Praxát, Thủ tướng J. Nêru và gia đình ông Bộ trưởng.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đoàn nghệ thuật nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ sang thăm và biểu diễn ở Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 1446, ngày 25-2-1958 và số 1447, ngày 26-2-1958.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 2, ngày 25

Tối, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ và nói chuyện thân mật với Đoàn nghệ thuật nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ. Thay mặt Chính phủ, Người trao tặng Đoàn Huân chương Lao động hạng Nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lá cờ thêu bốn chữ ĐOÀN KẾT HỮU NGHỊ.

Sau đó, Người mời mọi người tham dự buổi liên hoan tiễn Đoàn về nước.

- Báo Nhân dân, số 1447, ngày 26-2-1958.

Tháng 2, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn tới bà Thủ hiến miền Tây Bănggan (Ấn Độ) khi nhận được tin nhân dân vùng mỏ Sinaquyri bị tai nạn.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Phléc Phơn, cố vấn Bộ Kế hoạch Chính phủ Vương quốc Khơme, được sự ủy nhiệm của Hoàng gia, sang thăm Hội chợ triển lãm hàng thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp toàn quốc Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

- Báo Nhân dân, số 1447, ngày 26-2-1958.

- Báo Nhân dân, số 1449, ngày 28-2-1958.

Tháng 2, ngày 27

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn một số vấn đề về Hiến pháp mới.

Cùng ngày, bài viết của Người nhan đề Báo chí Pháp bình luận kinh tế miền Nam, ký bút danh T.L., đăng trên báo Nhân dân, số 1448, giới thiệu những ý kiến của tờ LeMonde bình luận về tình trạng kinh tế bấp bênh và đời sống khó khăn của đồng bào miền Nam Việt Nam.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 57/SL, tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho năm gia đình có đông con tòng quân 14).

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 1448, ngày 27-2-1958.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 2, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề tiền lương. Người lưu ý nên nghiên cứu lại phụ cấp khu vực (ngoại thành Hà Nội không nên coi như mỏ Tràng Kênh, than Lang Cẩn), thang lương của ngành y tế, giáo dục, văn hóa; phụ cấp con cái; vấn đề lương của công chức lưu dung không được kéo dài tình trạng bất hợp lý. Về vấn đề bán cung cấp cho Bộ, Thứ trưởng, Người cho rằng nếu có thể thì cấp tiền hoặc tăng lương chứ không nên định mức cung cấp. Người nhắc nhở trước khi đưa vấn đề lương ra thực hiện cần giáo dục ý thức cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội và mức tăng lương phải hợp lý "không nên đề ra cao quá, sau lại rút lại".

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Đài phát thanh AIR (Ấn Độ). Nói chuyện với cán bộ và nhân viên của Đài, Người bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu to lớn của nước bạn và khẳng định: “Chúng tôi rất tin tưởng vào tài năng và sức sáng tạo của 400 triệu nhân dân Ấn Độ vĩ đại đang xây dựng xứ sở và cùng các dân tộc anh em khác ra sức bảo vệ hòa bình thế giới”... “Tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Ấn Độ bền vững muôn năm!”.

- Tư liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

Tháng 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm triển lãm thành tựu nông nghiệp Trung Quốc tổ chức tại Hà Nội. Người dừng lại rất lâu trước những gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp máy móc nông nghiệp.

 - Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 72.

Tháng 2 cuối tháng - Tháng 3 cuối tháng

Ký bút danh T.L., dưới hình thức những lá thư gửi người em gái, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thiên ký sự dài nhan đề Tình nghĩa anh em Việt - Ấn -Miến, kể về chuyến thăm hữu nghị hai nước bạn Ấn Độ và Miến Điện trong 14 ngày với cuộc hành trình dài 10.540 cây số của Người.

Tác phẩm ghi lại đầy đủ và chi tiết từng ngày những hoạt động của Người, những cuộc đón tiếp đầy tình nghĩa của nhân dân hai nước, những cuộc tiếp xúc với các lãnh tụ, nhân sĩ các giới, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ sở văn hoá, những chuyến đi tham quan các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, đặc biệt là những biểu hiện tình cảm của các lãnh tụ Ấn - Miến và nhân dân hai nước đối với Người và nhân dân Việt Nam.

Kết thúc thiên ký sự, Người viết:

“Cuộc đi tham quan của Bác và đoàn đã kết thúc rất tốt đẹp. Nó đã thắt chặt thêm tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến. Nhân dân các nước bạn càng ra sức ủng hộ cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà của nhân dân ta. Nó phát triển và củng cố thêm tình đoàn kết giữa nhân dân các nước Á - Phi. Nó tăng cường lực lượng giữ hòa bình thế giới...

 Khi đi, Bác và đoàn mang tình anh em của nhân dân ta đến cho nhân dân các nước bạn. Lúc về, Bác và đoàn đưa tình anh em của nhân dân các nước bạn chuyển lại cho đồng bào ta”.

 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 5-132.

- Báo Nhân dân, từ số 1447, ngày 26-2-1958 đến số 1474, ngày 25-3-1958.

Tháng 3, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn vấn đề chấn chỉnh tổ chức, giảm nhẹ biên chế. Người cho rằng nên đặt vấn đề giảm bộ máy để xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có kế hoạch củng cố chi bộ, công đoàn, đoàn thanh niên và Bộ Chính trị phải có kế hoạch “làm phải khẩn trương nhưng không lụp chụp. Phải chú ý đến hoàn cảnh và đặc điểm của ta, phải xem trước, sau, khéo. Phải chú trọng đức, tài, không hẹp hòi”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp chuyện đoàn đại biểu các dân tộc khu tự trị Việt Bắc ở Phủ Chủ tịch.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cần công, kiệm học, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1450, giới thiệu về loại hình nhà trường mới vừa học vừa làm và phong trào lao động trí óc kết hợp với lao động chân tay trong phong trào tiến vọt ở Trung Quốc.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 314.

- Báo Nhân dân, số 1450, ngày 1-3-1958.

Tháng 3, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm tỉnh Thái Nguyên.

Người tới thăm trạm bơm nước xã Lữ Yên (Yên Thịnh, Phú Bình) nơi đang chạy thử máy bơm tự động chạy bằng sức nước do Trung Quốc giúp đỡ. Sau đó, Người về thăm bốn hợp tác xã nông nghiệp Cầu Thành (Hùng Sơn, Đại Từ) là hợp tác xã đầu tiên của tỉnh. Nhân dân bốn hợp tác xã nông nghiệp chung quanh, một số đồng bào hai xã Hùng Sơn, Độc Lập cùng một số cán bộ khu, tỉnh, huyện cũng tập trung ở hợp tác xã nông nghiệp Cầu Thành để đón Người. Nói chuyện với cán bộ và đồng bào, Người nêu rõ lợi ích của tổ đổi công, hợp tác xã và khuyên mọi người nên hăng hái tham gia: “Hợp tác xã, tổ đổi công chẳng những có lợi ngay cho mình mà còn lợi về sau cho con cháu mình. Đồng bào phải trông xa, thấy rộng, chớ thấy khó khăn mà ngại, chớ thấy lợi ích trước mắt mà quên lợi ích lâu dài” và căn dặn: “Muốn xây dựng tổ đổi công, hợp tác xã được tốt phải đoàn kết, phải làm cho mọi người tự nguyện tham gia, phải bàn bạc dân chủ và phải tính toán cho công bằng, hợp lý”.

Trước khi ra về, Người vào thăm một số gia đình trong hợp tác xã.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 133-134.

-  Báo Nhân dân, số 1453, ngày 4-3-1958.

Tháng 3, ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về việc điều chỉnh dự án Kế hoạch ba năm. Sau khi nghe các chuyên gia phát biểu ý kiến, Người yêu cầu chỉ tập trung xem xét những vấn đề chính, còn các vấn đề cụ thể giao cho Ủy ban Kế hoạch nghiên cứu lại để trình Bộ Chính trị thảo luận kỹ hơn.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 3, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về việc điều chỉnh dự án Kế hoạch ba năm. Sau khi nghe các chuyên gia phát biểu, Người yêu cầu các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Trân làm một bản tóm tắt ý kiến tiếp thu của ta để Bộ Chính trị làm việc với chuyên gia.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng Quốc vương và nhân dân Nêpan nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 7 của Vương quốc.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

-  Báo Nhân dân, số 1453, ngày 4-3-1958.

Tháng 3, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với bác sĩ Giôn Tắcman, nhà báo, Ủy viên Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Thụy Điển.

- Báo Nhân dân, số 1456, ngày 7-3-1958.

Tháng 3, ngày 6

Sáng, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn xiếc Tề tề cáp nhĩ (Trung Quốc) sang thăm và biểu diễn ở nước ta. Người ân cần thăm hỏi sức khỏe các nghệ sĩ và chúc Đoàn biểu diễn thành công.

- Báo Nhân dân, số 1456, ngày 7-3-1958.

Tháng 3, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho Tổng thống Pháp Rơnê Côty, yêu cầu hủy bỏ bản án tử hình chị Giamila Buhirét, nữ thanh niên yêu nước Angiêri.

- Báo Nhân dân, số 1460, ngày 11-3-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 135.

Tháng 3, ngày 10

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Sư đoàn 316 giữa lúc Sư đoàn đang hoàn thành những công việc cuối cùng cho cuộc hành quân trở lại Tây Bắc.

Sau khi làm việc với Bộ Tư lệnh, đi thăm nơi ăn, ở của một vài đơn vị, Người gặp mặt và nói chuyện thân mật với toàn thể cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn.

Về nhiệm vụ của quân đội, Người chỉ rõ: "Hiện nay quân đội ta có hai nhiệm vụ chính. Một là xây dựng quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu. Hai là tăng gia sản xuất cùng với toàn dân để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội".

Nhắc đến nhiệm vụ sắp tới của Sư đoàn, Người căn dặn: "Đánh đế quốc thì có một thứ giặc trước mắt, nhưng trong nông nghiệp thì có nhiều kẻ thù: nào trời không mưa thuận gió hòa, nào sâu bọ phá hoại. Đánh giặc trong nông nghiệp phức tạp hơn đánh giặc thực dân. Các chú phải chuẩn bị tinh thần đánh thắng cả trời".

Trước khi ra về, Chủ tịch tặng đơn vị 100 huy hiệu của Người để làm giải thưởng thi đua và chép tặng Bài thơ Người vừa ứng khẩu:

"Đá rắn, quyết tâm ta rắn hơn đá.

Núi cao, chí khí ta còn cao hơn.

Khó khăn ta quyết vượt cho kỳ được,

Gian khổ không làm lòng ta sờn.

Đảng phái ta lên mặt trận sản xuất,

Nhiệm vụ ấy ta quyết làm cho tròn.

Đội ơn đào tạo người, quân đội.

Quyết chí đền bù, nghĩa nước non".

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị bàn tiếp về kế hoạch Nhà nước ba năm. Người nhắc: Khi làm kế hoạch xong, cần có kế hoạch tuyên truyền và cử các đồng chí Trung ương đi các địa phương nói chuyện và động viên thực hiện kế hoạch Nhà nước.

- Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1975, tr. 318-320.

- Sư đoàn 316, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1986, t.2, tr. 22-24.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.143-144.

Tháng 3, ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Trường trung cấp Nông Lâm và nói chuyện với lớp huấn luyện cán bộ hợp tác xã nông nghiệp mở tại Trường.

Người phân tích mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời nhấn mạnh: “Muốn phát triển nông nghiệp thì trước hết phải xây dựng tốt phong trào đổi công ở khắp mọi nơi và trên cơ sở đó sẽ xây dựng hợp tác xã nông nghiệp từ thấp đến cao... Vận động nông dân vào tổ đổi công, hợp tác xã thì phải tuyên truyền giải thích, nhưng như thế chưa đủ, mà phải lấy kết quả thực tế để nông dân nhìn thấy tận mắt, nghe thấy tận tai thì việc tuyên truyền đó mới có kết quả tốt”.

Sau đó, Người giải đáp một số thắc mắc của các học viên về hai văn kiện của Hội nghị Mátxcơva.

- Báo Nhân dân, số 1463, ngày 14-3-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 136.

Tháng 3, ngày 14 và 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn tiếp về kế hoạch dài hạn. Kết luận cuộc họp, Người lưu ý: Việc học tập kinh nghiệp của các nước, không bảo thủ nhưng phải thận trọng; tránh tràn lan; phải chú ý việc tổ chức thực hiện phục vụ nông nghiệp; phải có trọng tâm, toàn diện, cân đối, thống nhất chỉ đạo trong kế hoạch xây dựng thành phố; sử dụng viện trợ phải dùng vào kỹ thuật là chính, tránh nhập những thứ phi sản xuất.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 3, ngày 17

Sáng và chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo về chuyến đi thăm Ấn Độ và Miến Điện của Đoàn đại biểu Chính phủ, thảo luận vấn đề sửa đổi chế độ tiền lương.

Phát biểu về vấn đề lương, Người đề nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ càng vì nó liên quan đến nhiều vấn đề khác. Đảng, Chính phủ phải luôn luôn cố gắng cải thiện đời sống của cán bộ công nhân viên. Kinh nghiệm của Liên Xô làm vấn đề này phải mất 18 năm, ta mới có ba năm càng phải tính toán cho thật chu đáo.

Tối, Chủ tịch đi thăm lớp bình dân học vụ ở phố Hàng Quạt và ở bãi Phúc Tân (Hà Nội). Người hỏi han tỉ mỉ việc học hành và đời sống của các giáo viên và học viên.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 1468, ngày 19-3-1958.

Tháng 3, ngày 18

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ, nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về những nhiệm vụ cụ thể và công tác trước mắt của Quân đội nhân dân; thảo luận báo cáo của Bộ Y tế về vấn đề quản lý thuốc và thông qua đề cương báo cáo của Chính phủ sẽ trình Quốc hội.

Cũng trong buổi sáng, Người đến thăm và nói chuyện với Hội nghị tổng kết công tác bình dân học vụ năm 1957 của Hà Nội.

Chủ tịch biểu dương những thành tích của ngành bình dân học vụ Hà Nội đã đạt được trong năm qua và mong cán bộ, nhân dân Hà Nội cố gắng xoá xong nạn mù chữ trong năm 1958 để xứng đáng là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tại Hội nghị, Người trao tặng huy hiệu của Người cho tám chiến sĩ thi đua toàn thành phố và gia đình ông Nguyễn Văn Ấp có năm người tham gia dạy học các lớp bình dân.

Tối, tại Phủ Chủ tịch, Người tiếp Đoàn đại biểu dự Đại hội thành lập Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam.

Sau khi nghe Pháp sư Thích Trí Độ, thay mặt Ban trị sự của Hội, báo cáo về kết quả Đại hội Phật giáo, sự đoàn kết nhất trí của các đại biểu trong Đại hội, Người khen ngợi thành công của Đại hội và mong các đại biểu phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước, tình đoàn kết, đức bác ái từ bi để làm tròn nhiệm vụ đối với Tổ quốc.

Chủ tịch biếu Đoàn cây bồ đề của Tổng thống R.Praxát tặng trong dịp Người sang thăm Ấn Độ.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 31.

-  Báo Nhân dân, số 1468, ngày 19-3-1958 và số 1469, ngày 20-3-1958.

Tháng 3, ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nói chuyện với Hội nghị, Người chỉ rõ nhiệm vụ của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay là ra sức động viên toàn dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng kinh tế miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và ra sức đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Người căn dặn: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, mọi người cần đoàn kết thực sự và giúp nhau cùng tiến bộ. Đoàn kết thực sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thật sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân”.

Trong ngày, Người gửi hơn 100 huy hiệu của Người tới bệnh viện Nam Ninh (Trung Quốc) để thưởng cho cán bộ, bác sĩ của bệnh viện theo đề nghị của Bộ Y tế Việt Nam.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 137-138.

-  Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 3, ngày 20

Đến thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu hai nhiệm vụ trước mắt của quân đội ta trong tình hình mới:

Một, phải xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu.

Hai, tích cực tham gia sản xuất để góp phần xây dựng kinh tế, xây dựng và củng cố hậu phương.

Để chỉ rõ những biện pháp thực hiện hai nhiệm vụ trên, Người đặc biệt yêu cầu các cán bộ quân đội phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải gương mẫu trong mọi việc, phải tăng cường đoàn kết trong cán bộ, giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa cán bộ với bộ đội Bắc - Nam, giữa bộ đội chiến đấu và bộ đội sản xuất, giữa quân và dân.

Cùng ngày, Chủ tịch gửi điện chúc mừng Tổng thống Tuynidi Buốcghiba nhân dịp kỷ niệm năm thứ hai ngày nước Cộng hòa Tuynidi tuyên bố độc lập.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về Kế hoạch Nhà nước năm 1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 139-142.

- Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: ­Hồ Chí Minh - Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 167.

- Báo Nhân dân, số 1479, ngày 30-3-1958.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 3, ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về Kế hoạch Nhà nước năm 1958. Sau khi nghe các ý kiến, Người phát biểu kết luận, nhấn mạnh mấy điểm:

- Về nông nghiệp, chỉ tiêu trong kế hoạch chỉ nên coi là tối thiểu. Trung ương phải kiên quyết đẩy mạnh việc sản xuất nông nghiệp, chú trọng nước, phân và nông cụ.

- Cần đẩy mạnh tổ đổi công trong năm 1958, làm cho tốt, không chỉ chú ý con số. Không nhất thiết cứ mỗi huyện phải có một hợp tác xã, có huyện hai, ba hợp tác xã, có huyện chưa nên làm. Cán bộ hợp tác xã nên dùng cán bộ địa phương.

- Về công nghiệp, chú trọng vấn đề kiểm tra. Trung ương phải nắm một số xí nghiệp gần để chỉ đạo riêng và phải củng cố chi bộ, công đoàn trong các xí nghiệp. Phải nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật của cán bộ lãnh đạo các xí nghiệp.

- Vấn đề thu mua, “phải chú trọng tuyên truyền, giáo dục, tổ chức chu đáo thì nông dân mới đồng tình, nếu không họ sẽ phản ứng kêu thiếu gạo. Về giá cả phải định cho phải chăng, không hạ giá”. Làm thí điểm cũng phải cân nhắc cẩn thận và chuẩn bị đầy đủ.

- Vấn đề huy động vốn của tư nhân, phải có kế hoạch tỉ mỉ.

- Vấn đề phân cấp quản lý, cần làm nhưng phải nghiên cứu kỹ kế hoạch.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 3, ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị thảo luận về công tác tuyên truyền cho Kế hoạch Nhà nước năm 1958. Sau khi nghe các ý kiến về công tác tuyên truyền cho Kế hoạch Nhà nước, Người đề nghị Bộ Chính trị giao cho đồng chí Trường Chinh cùng với các đồng chí khác nghiên cứu kế hoạch tuyên truyền. Việc tuyên truyền do Ban Tuyên huấn phụ trách, nhưng Ủy ban Kế hoạch và các ngành khác cũng phải giúp vào. Người yêu cầu "ở nông thôn và xí nghiệp phải làm cho chi bộ, công đoàn, thanh niên hiểu rõ nhiệm vụ kế hoạch" và phải làm cho công nhân, nông dân hiểu mới lôi kéo được tiểu tư sản. Người yêu cầu các ủy viên Trung ương, các Bộ trưởng, Thứ trưởng phải xuống địa phương để truyền đạt Kế hoạch Nhà nước và động viên quần chúng thực hiện. Các ngành văn hoá giáo dục phải tham gia vào công việc này. Trong tuyên truyền giáo dục, phải kết hợp với thực tiễn, tránh nói suông và phải có những cuốn sách nhỏ hợp với trình độ quần chúng để tuyên truyền.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trường học dân lập, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1471, giới thiệu những kinh nghiệm mở trường vừa học vừa làm ở Trung Quốc, phân tích nguyên nhân thành công và khuyên đồng bào ta cố gắng áp dụng.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

-  Báo Nhân dân, số 1471, ngày 22-3-1958.

Tháng 3, ngày 23

15 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Rumani do Thủ tướng Kivu Xtôika dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức nước ta.

Tối, tại Câu lạc bộ Quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tổ chức chiêu đãi Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Rumani.

- Báo Nhân dân, số 1473, ngày 24-3-1958.

Tháng 3, ngày 24

Nhân dịp Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ Tây Bắc, dặn dò những việc cần phải làm trong năm 1958 để xây dựng Tây Bắc ngày càng giàu có, đời sống nhân dân ngày càng no đủ.

Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, người dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Rumani.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 145-146.

-  Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 266.

- Ban Tuyên giáo khu Tây Bắc: Những bài viết và nói của Hồ Chủ tịch với các dân tộc Tây Bắc, 1970, tr. 34-35.

Tháng 3, ngày 25

Nhân dịp kỷ niệm lễ đăng quang và sinh nhật của Quốc vương Khơme Nôrôđôm Xuramarít, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương và Hoàng hậu. “Chúc tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta ngày càng củng cố và phát triển”.

 - Báo Nhân dân, số 1474, ngày 25-3-1958.

 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 147.

Tháng 3, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc chiêu đãi do Thủ tướng Rumani Kivu Xtôika tổ chức tại Câu lạc bộ Quốc tế (Hà Nội).

- Báo Nhân dân, số 1476, ngày 27-3-1958.

Tháng 3, ngày 27

Trưa, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Rumani trước khi Đoàn lên đường về nước.

- Báo Nhân dân, số 1477, ngày 28-3-1958.

Tháng 3, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về Hội nghị đại biểu của Đảng bàn việc ra Tạp chí Lý luận quốc tế, vấn đề khoa học xã hội và thảo luận "Dự thảo Hiến pháp".

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Sư đoàn 335 15) khen ngợi "toàn thể các cán bộ và chiến sĩ đã quyết tâm triệt để chấp hành nhiệm vụ mới, yên tâm và phấn khởi tham gia công cuộc củng cố và xây dựng khu Tây Bắc thành một hậu phương vững chắc của miền Bắc chúng ta".

Trong ngày, Người ký Quyết định số 58/QĐ, bác đơn xin ân xá tội tử hình của một phạm nhân đã can tội cầm đầu nhóm lưu manh cướp của, giết người.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 148.

- Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Hồ Chí Minh - Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 168.

- Bản gốc Quyết định, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 3, ngày 29

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng Chủ tịch K.E.Vôrôsilốp nhân dịp ông được bầu lại làm Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Liên Xô.

 - Báo Nhân dân, số 1479, ngày 30-3-1958.

Tháng 3, ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hợp tác xã nông nghiệp Lai Sơn, huyện Tam Dương16), tỉnh Vĩnh Phúc.

Nói chuyện với cán bộ, xã viên và bộ đội đóng quân trong xã, Người nêu rõ: Phương châm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp của ta là làm cho mọi người hiểu rõ lợi ích để họ tự nguyện tham gia, nhằm làm cho năng suất lao động cao hơn. Muốn vậy, phải thực hiện dân chủ, phải không ngừng cải tiến quản lý và kỹ thuật.

Người đã tặng huy hiệu của Người cho xã viên xuất sắc nhất của hợp tác xã.

Trên đường về, Người ghé thăm cánh đồng chiêm của thôn Lai Sơn.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tình trạng bi đát của nền giáo dục Mỹ, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1479, dẫn lại những chuyện đăng trên tờ Thời báo (Mỹ), số tháng 2 và 3 năm 1958, phản ánh tình trạng tồi tệ về trí dục, đức dục, thi cử trong các trường cao đẳng Mỹ, để nói về cái gọi là “văn minh” của Mỹ vẫn thường được các nhà cầm quyền Mỹ không ngớt khoe khoang.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 150-151.

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phú: Vĩnh Phú những lần đón Bác,1990, tr.26-37.

- Báo Nhân dân, số 1479, ngày 30-3-1958.

Tháng 3

Tại Chủ tịch phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp toàn thể các thành viên trong Đoàn xiếc Tề tề cáp nhĩ sang thăm và biểu diễn ở Việt Nam.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 73.

Tháng 4, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo kết quả Hội nghị văn nghệ sĩ lần thứ hai. Phát biểu sau khi nghe báo cáo, Người nhấn mạnh: Cần phải rút kinh nghiệm công tác giáo dục vì từ trước đến nay công tác này rất kém. Trong đấu tranh, đánh phải đúng và phải làm triệt để. Quần chúng ủng hộ ta. Phải củng cố công tác chi bộ ở cơ quan.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 4, ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 59/SL, chuẩn y cho bà Nguyễn Thị Nghiên, Ủy viên Ủy ban hành chính Liên khu IV được từ chức để nhận công tác khác.

 - Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 4, trước ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa nhân dân Hunggari nhân dịp kỷ niệm lần thứ 13 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Hunggari.

 - Báo Nhân dân, số 1484, ngày 4-4-1958.

Tháng 4, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về tổ chức Chính phủ, hệ thống tổ chức các cấp chính quyền, nhiệm vụ và quyền hạn của các Bộ và vấn đề phân cấp quản lý.

Phát biểu ý kiến, Người cho rằng “Vấn đề phân cấp quản lý, từ đường lối chính sách đến những con số lớn do Hội đồng Chính phủ quy định. Các Bộ căn cứ vào quy định của Hội đồng Chính phủ mà Thông tư hoặc ra Nghị định cho các cấp thi hành... Ngoài những việc do Hội đồng Chính phủ quy định, các Bộ không được quyền ra thêm một chủ trương gì mà không được Hội đồng Chính phủ phê chuẩn”.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc chiêu đãi của đại biện lâm thời nước Cộng hòa nhân dân Hunggari nhân dịp kỷ niệm lần thứ 13 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Hunggari.

 - Báo Nhân dân, số 1485, ngày 5-4-1958.

 - Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 4, ngày 5

7 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ tốt nghiệp khoá 10 của Trường Sĩ quan lục quân Việt Nam.

Nói chuyện với cán bộ và học viên về nhiệm vụ của quân đội hiện nay, Người căn dặn các sĩ quan sắp ra trường: “cần mạnh dạn áp dụng những điều đã học được, nhưng cần phải áp dụng một cách thiết thực, thích hợp với hoàn cảnh của ta;... cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật, thái độ khiêm tốn, là phải tăng cường đoàn kết”.

Trước khi ra về, Chủ tịch tặng Nhà trường 100 huy hiệu của Người để làm giải thưởng cho những học viên đạt thành tích trong khoá học vừa qua và chúc các học viên khi về đơn vị cố gắng làm đúng những điều Người căn dặn để luôn luôn tiến bộ và đạt nhiều thành tích.

Hồ Chí Minh - Những bài viết và nói về quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1987, t.2, tr. 346-347.

- Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1975, tr. 326-328.

- Báo Nhân dân, số 1486, ngày 6-4-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.152-153.

Tháng 4, ngày 6

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 2009 đồng đôla của Tổng thống Mỹ, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1486.

Dẫn lại câu chuyện "ngược đời" là Ngân hàng ruộng đất (Mỹ) đã "phụ cấp" cho Tổng thống Mỹ 2009 đôla vì ông ta "đã không cho cày cấy mấy thửa ruộng của mình", tác giả vạch rõ chủ trương của tư bản Mỹ là hạn chế sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá lương thực nhằm bảo đảm lợi nhuận tối đa của chúng.

Bài báo cũng đi sâu phân tích nguồn gốc của khủng hoảng kinh tế trong chế độ tư bản và các hậu quả do căn bệnh "sốt rét định kỳ" này mang lại cho xã hội Mỹ và thế giới tư bản chủ nghĩa.

- Báo Nhân dân, số 1486, ngày 6-4-1958.

 

Tháng 4, ngày 7

14 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ để cho ý kiến về vấn đề ngân sách năm 1957, bàn tổng dự toán năm 1958 và các biện pháp thực hiện tốt ngân sách năm 1958.

-  Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ thảo luận về dự án tổ chức chính quyền địa phương.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 60/SL, thành lập Tổng cục Quân huấn trực thuộc Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh. Sắc lệnh ghi rõ chức năng và nhiệm vụ của tổ chức này.

- Sắc lệnh số 61/SL, bổ nhiệm Thiếu tướng Tổng tham mưu phó Hoàng Văn Thái kiêm chức Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn và nguyên Tổng tham mưu phó Trần Văn Trà giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn.

-  Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 4, trước ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của tuần báo Thời mới (Liên Xô).

Nói về triển vọng của cuộc đấu tranh thống nhất nước Việt Nam bằng phương pháp hòa bình, Người khẳng định nước Việt Nam sẽ thống nhất, vì “ngay trong giới tư sản miền Nam Việt Nam hiện nay nhiều người cũng nhận thấy rằng đế quốc Mỹ thống trị ở miền Nam Việt Nam đã làm thiệt hại đến quyền lợi của họ. Bởi vậy, phong trào chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam đang ngày càng phát triển”.

Về Kế hoạch kinh tế ba năm, Người đặc biệt nhấn mạnh việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp và tuyên bố: “Tất cả mọi hoạt động của chúng tôi là nhằm dẫn đến nâng cao không ngừng đời sống của nhân dân, vì mục đích của chúng tôi là tiến dần lên chủ nghĩa xã hội một cách thắng lợi”.

- Báo Nhân dân, số 1491, ngày 11-4-1958.

Tháng 4, ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ thảo luận Dự thảo điều lệ chung về tổ chức và chế độ làm việc của Hội đồng Chính phủ và các cơ quan Trung ương, thông qua danh sách bổ sung những thành viên mới trong Chính phủ để trình Quốc hội.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ.

Trước khi kết thúc, Người lưu ý các Bộ cần sắp xếp hợp lý các hội nghị để cán bộ địa phương đỡ phải đi lại họp hành nhiều.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đại biểu dự Hội nghị tổng kết ba năm khôi phục và xây dựng công nghiệp quốc doanh và Hội nghị cán bộ công đoàn toàn quốc.

Nói chuyện với các đại biểu, Người nhấn mạnh nhiệm vụ chính của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là phát triển kinh tế. Vì vậy, người lãnh đạo là giai cấp công nhân phải vững vàng, phải đặc biệt nêu cao kỷ luật lao động, thi đua tăng gia sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ và phải thực hành tiết kiệm.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 1494, ngày 14-4-1958.

Tháng 4, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 62/SL, tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho ông Sulinốp Vasili Đimitơriêvích, Phó Tham tán về hợp tác kinh tế của Đại sứ quán Liên Xô ở Việt Nam, "đã có công giúp Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc khôi phục và phát triển kinh tế".

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 4, ngày 15

Sáng, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với Đoàn đại biểu các nhà hoạt động văn hoá Liên Xô đang ở thăm Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 1496, ngày 16-4-1958.

Tháng 4, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá I.4

Trong diễn văn khai mạc đọc trước Quốc hội, Người trình bày những chuyển biến quan trọng của tình hình thế giới và trong nước, những vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận và thông qua tại Quốc hội.

Kết thúc bài diễn văn, Người nói: "Tôi tin rằng trong khoá họp Quốc hội lần thứ tám này, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, Quốc hội sẽ tập hợp được những ý kiến dồi dào của các đại biểu, của nhân dân, sẽ quyết định một cách sáng suốt các công việc quan hệ tới quốc kế dân sinh mà Chính phủ sẽ trình để Quốc hội xem xét".

Cùng ngày, Người tới thăm Trường Chu Văn An và thân mật nói chuyện với học sinh đang tham gia lao động công ích ở vườn hoa Ba Đình.

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Xem báo Sài Gòn, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1496. Tác giả điểm tin các báo xuất bản ở Sài Gòn trong các ngày 7 và 8 tháng 4-1958 để độc giả thấy tình cảnh của nhân dân miền Nam: về đời sống thì chật vật điêu đứng, còn về chính trị thì bị chính quyền bưng bít, xuyên tạc.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ba văn nghệ sĩ 17) nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan “đã có những cống hiến trong việc tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Ba Lan và giới thiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên thế giới”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 154-158.

- Báo Nhân dân, số 1496, ngày 16-4-1958 và số 1498, ngày 18-4-1958.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 4, ngày 18

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ban Sửa đổi Hiến pháp báo cáo trước Quốc hội quá trình xây dựng bản Sơ thảo Hiến pháp sửa đổi.

Người hứa trước Quốc hội “sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ quan trọng mà Quốc hội đã trao cho và làm cho nước ta có một bản Hiến pháp xứng đáng với những thắng lợi và những tiến bộ vẻ vang của nhân dân ta”.

- Báo Nhân dân, số 1499, ngày 19-4-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.159-160.

Tháng 4, ngày 20

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc “Hội diễn văn nghệ mùa xuân” tổ chức tại rạp Hồng Hà (Hà Nội).

 - Báo Nhân dân, số 1502, ngày 22-4-1958.

 - Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr.32.

Tháng 4, ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng Chủ tịch I.Titô được bầu lại làm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Liên bang Nam Tư.

Cùng ngày, Người trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Hunggari về một số vấn đề có liên quan đến tình hình quốc tế và Hunggari.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

 - Sắc lệnh số 64/SL, bổ nhiệm ông Trần Văn Quang, nguyên Cục trưởng Cục tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu, giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng kiêm Cục trưởng Cục tác chiến.

 - Sắc lệnh số 65/SL, bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ, giữ chức quyền Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ thuộc Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh.

- Sắc lệnh số 66/SL, bổ nhiệm ông Vũ Nhất, cán bộ cấp Sư đoàn trưởng, giữ chức Phó Chính ủy Quân khu Tây Bắc.

- Sắc lệnh số 67/SL, bổ nhiệm ông Chu Huy Mân, nguyên Chính ủy Quân khu IV, giữ chức Chính ủy Quân khu Tây Bắc.

- Sắc lệnh số 68/SL, bổ nhiệm ông Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức thuộc Tổng cục Chính trị, giữ chức Chính ủy Quân khu IV.

- Sắc lệnh số 69/SL, bổ nhiệm ông Đàm Quang Trung, cán bộ cấp Sư đoàn trưởng, giữ chức Phó Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn.

 - Báo Nhân dân, số 1503, ngày 23-4-1958 và số 1514, ngày 5-5-1958.

 - Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 4, ngày 23

 Tối, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với các đại biểu về dự kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa I.

Người giới thiệu với các đại biểu một số kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc.

- Báo Nhân dân, số 1504, ngày 24- 4-1958.

Tháng 4, sau ngày 23 trước ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị, nghe báo cáo về ảnh hưởng của công hàm của ta5 đối với miền Nam. Phát biểu tại cuộc họp, Người lưu ý việc tiếp xúc hai miền phải tranh thủ chủ động, phải có kế hoạch tuyên truyền giáo dục cho quần chúng và phải nghiên cứu lại cho đầy đủ hơn về vấn đề này.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 4, ngày 25

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy điện Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ, nhân dịp nhà máy tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1-5). Người nêu rõ yêu cầu đối với công nhân trong giai đoạn cách mạng mới là phải có trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa cao, có ý thức tổ chức chặt chẽ, kỹ thuật thành thạo và trình độ văn hóa tốt, nhằm thực hiện bốn mục tiêu của sản xuất là nhiều, nhanh, tốt, rẻ, đáp ứng những đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà.

-  Báo Nhân dân, số 1507, ngày 27- 4-1958.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 32.

Tháng 4, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề đấu tranh với chính quyền miền Nam. Người nhấn mạnh: các kết quả thu được mới chỉ là bước đầu, cuộc đấu tranh này còn lâu dài, phức tạp, cần phải tuyên truyền trong nhân dân và tránh tư tưởng chủ quan.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 4, ngày 28

Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu chính quyền Niu Dilân sang thăm và đàm phán với Chính phủ ta về vấn đề hồi hương Việt kiều.

 - Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 267.

Tháng 4, ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị thảo luận đề án thống nhất thu mua thóc gạo ở Thái Bình do đồng chí Đỗ Mười trình bày. Người nhận định: Việc nghiên cứu mua thóc gạo ở Thái Bình có tác dụng tốt. Sau này nơi nào cũng nên lấy đó làm căn cứ để nghiên cứu thêm.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp trao tặng Kỷ niệm chương cho chiến sĩ thi đua Hoa Kiều Mai Định Cương.

 

-        Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 73.

 

----------

Chú thích

1) Nay gọi là Mianma.

2) Nay thuộc Hà Nội.

3) Nay thuộc Hà Nội.

4) Nguyễn Sinh Thoán là con ông Nguyễn Sinh Xơơng. Ông Xơơng là chú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

5) Nay là Trường đại học Bách Khoa Hà Nội.

6) Đây là lần thứ hai Người tới thăm công trình này, lần thứ nhất vào đầu năm 1957.

7) Tháng 1-1958, ông Hà Vỹ được Chính phủ Trung Quốc bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam. Khi sang nhận nhiệm vụ, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ đã viết thư giới thiệu ông Hà Vỹ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã viết thư trả lời.

8) Vợ ông Lưu Thiếu Kỳ.

9) Nay là Học viện An ninh nhân dân.

10) Sự kiện này có thể trước ngày 20-1-1958, vì ngày này Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng chí Lưu Thiếu Kỳ có nói tới việc Đại sứ Hà Vỹ chuyển thư của đồng chí Lưu Thiếu Kỳ cho Người.

11) Nay là Thành phố Hồ Chí Minh.

12) Nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên.

13) Nay là cơ sở của Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

14) Gồm các gia đình:

- Ông bà Nguyễn Thiện Kế ở Cần Thơ, Nam Bộ (ông Kế và sáu con tòng quân).

- Ông Nguyễn Hữu Đề ở Châu Thành, Sa Đéc (ông Đề và bốn con tòng quân).

- Ông Trương Quốc Xuyên ở Tây Ninh, Nam Bộ (cả hai vợ chồng, hai em, ba con và một cháu tòng quân).

 - Cụ Vũ Đình Lộc ở Yên Khê, Hà Tĩnh (sáu con tòng quân).

- Bà Nguyễn Thị Vời ở Tiên Lãng, Kiến An (năm con tòng quân).

15) Sư đoàn bộ đội miền Nam tập kết.

16) Nay là huyện Tam Đảo.

17) Văn sĩ Vôixếch Zukrốpxki, văn sĩ Mirôxláp Zulápxki và hoạ sĩ Alếchxanđơ Kốpđây.

* Năm 1958 - Từ tháng 5 đến tháng 8

Tháng 5, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5 (1958).

Sau khi đánh giá những chuyển biến to lớn trên thế giới trong năm qua và tình hình trong nước từ ngày hòa bình lập lại, Người kêu gọi toàn thể nhân dân, đặc biệt là công nhân và nông dân hãy hăng hái thi đua yêu nước, thực hiện khẩu hiệu làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ, nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức Kế hoạch Nhà nước năm 1958, bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa, bước đầu cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội. Vừa ra sức cải tiến quản lý kinh tế, tăng cường tinh thần trách nhiệm, kỷ luật lao động, chống lãng phí tham ô..., vừa nâng cao cảnh giác, đồng thời luôn luôn giương cao ngọn cờ hòa bình thống nhất, đoàn kết toàn dân, kiên quyết và bền bỉ đấu tranh chống lại trở lực chính đang ngăn cản sự nghiệp thống nhất nước nhà là đế quốc Mỹ.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 162-166.

Tháng 5, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về bản thông cáo của Ngô Đình Diệm ngày 26-4. Sau khi nghe phát biểu, Người kết luận:... “Âm mưu của Diệm là tranh dư luận, tranh dân, tranh dư luận thế giới. Vì vậy, ta phải nói trắng, đen rõ ràng. Do đó, lời nói phải sắc bén, gọn, chặt chẽ như một văn kiện chính trị, nhưng thái độ mềm mỏng. Ta phải chủ động bác luận điệu của chúng, chứ không đỡ đòn. Phải nêu trước mắt là cái gì? Hai bên cứ ngồi lại để bàn bạc các vấn đề.

Nói vắn tắt những điểm ta đã nêu ra, bác luận điệu của chúng, rồi đòi hiệp thương. Tranh thủ làm sớm. Hình thức có thể là Việt Nam thông tấn xã”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 70/SL, truy tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất cho cụ Lý Đình Thái (tức Thi Sơn), Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Hội trưởng Hội Việt - Trung hữu nghị, “vì đã có công trong việc đoàn kết toàn dân, phát triển Mặt trận Tổ quốc”.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 5, ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn vấn đề trao đổi 500 gia đình và việc hai bên gặp gỡ ở khu phi quân sự. Người cho rằng hai bên cần gặp nhau để bàn một số vấn đề ở khu phi quân sự và có Ủy ban Quốc tế tham gia và phía ta phải chuẩn bị tuyên truyền, chuẩn bị các mặt tổ chức, an ninh.

 - Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 5, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ, bàn việc tăng cường hiệu lực lãnh đạo của Hội đồng Chính phủ, tổ chức tuyên thệ nhậm chức cho các thành viên mới của Chính phủ và quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Nhất cho một số cán bộ cao cấp và trung cấp trong quân đội, truy tặng Huân chương chiến thắng hạng Nhất cho một số cán bộ quân đội đã hy sinh.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Người nói đại ý: Hiện nay chúng ta có hai nhiệm vụ quan trọng là tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Vì vậy, phải có bộ máy mới, thêm lực lượng mới nhằm thực hiện những nhiệm vụ sau đây:

1. Tăng cường đoàn kết hơn nữa, đoàn kết trong nội bộ các Bộ, đoàn kết giữa Bộ với nhân dân, đoàn kết giữa Bộ này với Bộ khác, có thế lực lượng ta mới mạnh.

2. Phải đẩy mạnh thi đua. Ta đã khuyến khích nhân dân thi đua thì trước hết ta phải thi đua. Thi đua là làm nhanh, làm nhiều, làm tốt, làm rẻ...

3. Như các vị vừa mới tuyên thệ, chúng ta phải hết sức phục vụ nhân dân, chí công vô tư; làm gương về mặt đức - tài. Đó là đạo đức cách mạng. Ta có thêm lực lượng mới trong Chính phủ thì phải có tác phong mới và lề lối làm việc mới, tránh quan liêu để công việc không bị bê trễ, cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ nhân dân giao phó. Nhân dân đã cố gắng, chúng ta cũng cố gắng, lại được các nước bạn giúp đỡ, nhất định chủ nghĩa xã hội sẽ được thực hiện và sự nghiệp thống nhất đất nước sẽ thành công.

 Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đại sứ T.N Côn - Trưởng phái đoàn Ấn Độ, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế - đến chào từ biệt để chuẩn bị đi nhận công tác khác. Người còn gửi điện mừng tới Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Tiệp Khắc nhân ngày Quốc khánh lần thứ 13 của Tiệp Khắc, “chúc nhân dân Tiệp Khắc anh em, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản và Chính phủ Tiệp Khắc sẽ thu được nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong cuộc đấu tranh cho hòa bình thế giới”.

Bài viết: Những lời dạy bảo thắm thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh L.X.H. khi về thăm Nhà máy điện Yên Phụ, Người khuyên cán bộ, công nhân nhà máy nên học kinh nghiệm của nhân dân Trung Quốc để làm tốt mọi công việc được giao.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 1516, ngày 7-5-1958 và số 1518, ngày 9-5-1958.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 207.

Tháng 5, ngày 6

Bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Angiêri anh dũng, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1515, viết về quá trình phát triển và trưởng thành của cuộc kháng chiến anh dũng chống Pháp của nhân dân Angiêri.

Bằng những dẫn chứng cụ thể, tác giả khẳng định: thực dân Pháp sẽ thua, nhân dân Angiêri nhất định thắng.

Cùng ngày, Người tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Nhất cho nhiều cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ.

- Báo Nhân dân, số 1515, ngày 6-5-1958 và số 1516, ngày 7-5-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.167-169.

Tháng 5, ngày 7

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu các dân tộc Khu tự trị Thái - Mèo và tỉnh Bắc Giang về thăm Thủ đô. Người gửi lời hỏi thăm đồng bào các dân tộc và khuyên bà con ra sức đoàn kết tương trợ, hăng hái vào tổ đổi công, đẩy mạnh sản xuất để đời sống ngày càng no ấm hơn.

Chiều, Chủ tịch dự Lễ bế mạc Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ hai6. Nói chuyện với Đại hội, Người nêu rõ những yêu cầu đối với thanh niên hiện nay là phải phấn đấu tu dưỡng để trở thành những người đủ đức - tài, phải chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, phải xây dựng động cơ học tập đúng đắn, biết yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, yêu khoa học và kỹ thuật.

Tối, tại Câu lạc bộ Ba Đình, Người dự buổi biểu diễn chia tay của Đoàn xiếc Tề tề cáp nhĩ. Sau đó, Người gặp gỡ các nghệ sĩ trong Đoàn. Thay mặt Chính phủ, Người trao tặng Đoàn Huân chương Lao động hạng Nhất và lá cờ thêu bốn chữ ĐOÀN KẾT HỮU NGHỊ, rồi cùng Đoàn dự tiệc trà liên hoan tiễn biệt.

Cùng ngày, hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Bài Đọc những lời Nava phân trần, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Quân đội nhân dân, số đặc biệt, chỉ ra nguyên nhân cơ bản khiến Nava “phải chịu chết cứng ở Điện Biên Phủ”, “có gan to thế sao lại thua”, ấy là vì “chiến tranh mà Nava chỉ huy là chiến tranh ăn cướp” chứ không phải như ông ta đã phân trần là bởi những cái “nhưng mà” như trong cuốn Đông Dương hấp hối của ông ta.

 - Bài Điện Biên Phủ, ký bút danh L.T., đăng trên báo Nhân dân, số 1516, nêu rõ ngoài việc đánh đuổi được bọn thực dân, “kinh nghiệm kháng chiến thắng lợi nói chung và Điện Biên Phủ nói riêng, có hai ý nghĩa to lớn:

Nó đã khuyến khích các nhân dân bị áp bức ở Á - Phi nổi dậy chống chủ nghĩa thực dân, giành giải phóng dân tộc.

Nó chứng tỏ rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ ta và nhân dân ta đoàn kết nhất trí thì khó khăn gì cũng khắc phục được, công việc to lớn mấy cũng làm được. Sự nghiệp cách mạng và kháng chiến như vậy, công cuộc xây dựng nước nhà tiến dần lên chủ nghĩa xã hội cũng như vậy”.

- Báo Nhân dân, số 1517, ngày 8-5-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.170-174.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 186-187 (bản Trung văn).

- Báo Nhân dân, số 1516, ngày 7-5-1958.

Tháng 5, ngày 10

Sáng sớm, Chủ tịch đi Hà Đông thăm Khu điều dưỡng của cán bộ miền Nam và Khu an dưỡng của các cụ miền Nam tập kết.

Người đến Khu điều dưỡng lúc nhiều người mới thức giấc, vào thăm chỗ ở, nhà ăn, nhà bếp, bệnh xá, nhà vệ sinh... sau đó gặp gỡ và nói chuyện với mọi người, Người bày tỏ sự thông cảm với nỗi nhớ quê hương của cán bộ, đồng bào tập kết và khuyên mọi người ra sức thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, cùng góp sức xây dựng miền Bắc vững mạnh làm nền tảng cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Tại Khu an dưỡng của hơn 100 cụ miền Nam, Chủ tịch ân cần thăm hỏi về tình hình sức khỏe, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt văn hóa của các cụ.

“Hội nghị Diên Hồng diệt dốt” của các bô lão huyện Thanh Trì (Hà Nội) vừa khai mạc thì Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm. Người khen ngợi các cụ không quản tuổi già vẫn hăng hái tham gia thi đua sản xuất, tiết kiệm, đẩy mạnh công tác diệt dốt và mong các cụ giải thích cho bà con nên loại trừ những tệ xấu như thách cưới, cờ bạc, v.v., “làm được như thế là ích nhà, ích làng, ích nước”.

Trên đường về Hà Nội, Chủ tịch ghé thăm Sân vận động Hàng Đẫy vừa lúc một số học sinh lớp 5 Trường Trưng Vương (Hà Nội) lao động xong. Gặp gỡ các cháu, Người khuyên các cháu cố gắng chăm chỉ học văn hóa và học lao động chân tay.

Tối, tại Nhà hát Nhân dân, Chủ tịch cùng với các đại biểu Quốc hội Hà Nội đến báo cáo với đồng bào Thủ đô về kết quả kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Người đã trả lời một số câu hỏi của cử tri Hà Nội quanh vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định số 72/QĐ, bác đơn xin ân xá tội tử hình của một phạm nhân can tội giết người, cướp của.

- Báo Nhân dân, số 1520, ngày 11-5-1958 và số 1521, ngày 12-5-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.175-181.

- Tỉnh ủy Hà Sơn Bình: Bác Hồ với Hà Sơn Bình, 1990, tr. 143-144.

- Bản gốc Quyết định, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 5, ngày 11

Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn nhà báo Miến Điện sang thăm nước ta.

- Báo Nhân dân, số 1522, ngày 13-5-1958.

Tháng 5, ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 73/SL, tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho ba gia đình 1) có nhiều người tòng quân.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 5, ngày 14

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bốn anh hùng Mỹ, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1523, khen ngợi hành động dũng cảm đấu tranh cho hòa bình của bốn công dân Mỹ đã dùng chiếc thuyền buồm nhỏ đi đến đảo Mácsan, là nơi Mỹ định thử bom nguyên tử, để phản đối việc làm nói trên của Chính phủ Mỹ.

   - Báo Nhân dân, số 1523, ngày 14-5-1958.

Tháng 5, giữa tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị, bàn một số vấn đề quốc tế và kinh tế. Khi nghe báo cáo về tình hình viện trợ, Người nhắc phải chuẩn bị tốt việc xin chuyên gia và nêu một số ý kiến về quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc trên các lĩnh vực cụ thể.

Biên bản Hội nghị Ban Bí thư, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 5, giữa tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề tăng cường công tác chi bộ cơ quan và một số chính sách đối với học sinh miền Nam.

Bàn về công tác tăng cường chi bộ ở cơ quan, Người cho rằng các cơ quan Đảng ủy ở Trung ương phải có người chuyên trách. Phải có kế hoạch chấn chỉnh từng nơi cho tốt và các lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho các bí thư chi bộ về công tác chi bộ.

Với học sinh miền Nam, Người nhắc nhở một mặt phải chiếu cố, một mặt phải giáo dục để các cháu hòa dần vào đời sống ở miền Bắc và lưu ý tránh xáo trộn việc học tập của các cháu cũng như phải tổ chức lao động cho hợp lý.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 5, ngày 15

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tình hình kinh tế miền Nam, ký bút danh L.T., đăng báo Nhân dân, số 1524, điểm các báo Tập san phòng thương mại Sài Gòn (ngày 2-5-1958) và Chấn hưng kinh tế (ngày 27-2-1958) viết về tình hình kinh tế miền Nam. Bài báo kết luận: “nền kinh tế dân chủ và độc lập” ở miền Nam chẳng qua chỉ là cái bánh vẽ, sự thật thì nó đã bị tư bản Mỹ lũng đoạn và các nhà công thương miền Nam cũng đang bị chúng tìm mọi cách bóp chết”.

Tối, Người đến dự Đại hội liên hoan các đại biểu chiến sĩ thi đua lao động chân tay và lao động trí óc toàn quốc lần thứ III. Nói chuyện với Đại hội, Người khen ngợi thành tích của các chiến sĩ thi đua, vui mừng khi thấy thành phần tham dự đại hội đã thể hiện rõ tinh thần đại đoàn kết của toàn dân và nhắc nhở mọi người không nên tự mãn, phải không ngừng học tập lẫn nhau, học tập kinh nghiệm của các nước anh em, để tiến bộ mãi. Người giới thiệu với các đại biểu một số kinh nghiệm của các nước bạn, đặc biệt là của Trung Quốc.

- Báo Nhân dân, số 1524, ngày 15-5-1958 và số 1525, ngày 16-5-1958.

- Tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển sang ở và làm việc tại nhà sàn trong khu vườn Phủ Chủ tịch.

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đế quốc Mỹ xúi quẩy, ký bút danh L.T., đăng báo Nhân dân, số 1526.

Đưa ra những bằng chứng chứng tỏ nền kinh tế Mỹ ngày càng khủng hoảng nghiêm trọng, thêm vào đó uy tín của nước Mỹ ngày càng sa sút thảm hại, đặc biệt biểu hiện trong chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Níchxơn tại các nước Trung Mỹ hiện nay đúng như câu tục ngữ nói: “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”.

- Báo Nhân dân, số 1526, ngày 17-5-1958.

Tháng 5, ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Chùa Hương Tích, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của cả nước. Ngồi thuyền theo Suối Yến vào chùa, người ghé thăm Chùa Thiên Trù, lên Động Tiên Sơn, sau đó vào thăm Chùa Chính (Động Hương Tích) rồi nghỉ trưa ở Đền Cửa Võng. Ra về, Người ca ngợi cảnh đẹp của Chùa Hương và căn dặn cán bộ, nhân dân địa phương phải trồng nhiều cây dọc hai bờ Suối Yến, bảo vệ và xây dựng thắng cảnh đẹp hơn để càng có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tới thăm.

- Tỉnh ủy Hà Sơn Bình: Bác Hồ với Hà Sơn Bình, 1990, tr. 144.

Tháng 5, ngày 21

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với ông bà bác sĩ Phrăngxi Lada (Pháp) tới chúc sức khỏe Người.

- Báo Nhân dân, số 1531, ngày 22-5-1958.

Tháng 5, ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định số 74/QĐ, bác đơn xin ân xá án tử hình của một phạm nhân can tội giết người, cướp của.

- Bản gốc Quyết định, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 5, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về Đề cương đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà. Sau khi nghe các ý kiến trình bày về nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, nhiệm vụ của mỗi miền và bàn về lực lượng của cách mạng ở miền Nam, Người nhắc nhở phải phân tích cơ sở quần chúng của Diệm là ai và cần phải nhận rõ lực lượng này, nếu không sẽ khinh địch.

Cùng ngày, Người tới thăm và nói chuyện với Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ III7. Người nhắc nhở các đại biểu cần vận động bà con nông dân tổ chức nhau lại để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Muốn sản xuất tốt phải chú ý các khâu liên hoàn “nhất nước, nhì phân, tam cần và tứ là cải tiến kỹ thuật”, và giới thiệu một số kinh nghiệm tốt của các nước Trung Quốc, Liên Xô.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự buổi khai mạc của lớp nghiên cứu lý luận về thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội của các vị trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng Dân chủ8, Đảng Xã hội9, Phó Thủ tướng Phan Kế Toại, các Bộ trưởng, Thứ trưởng, các vị trong Ban Thường trực Quốc hội, các nhân sĩ hiện đang công tác trong các ngành ở Trung ương.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định số 75/QĐ, bác đơn xin ân xá án tử hình của một phạm nhân can tội làm gián điệp.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.182-185.

- Báo Nhân dân, số 1533, ngày 24-5-1958 và số 1534, ngày 25-5-1958.

- Bản gốc Quyết định, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 5, ngày 26

Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu chiến sĩ thi đua nông nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam dự Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ III. Người tỏ ý mong muốn nông dân hai nước học tập cách làm và kinh nghiệm của nhau để cùng tiến bộ.

Cùng ngày, bài viết của Người: Đế quốc Mỹ lại xúi quẩy, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1535, vạch rõ sự thất bại trong chính sách đối ngoại của Mỹ ngay cả đối với các nước Đồng minh.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr.189 (bản Trung văn).

- Báo Nhân dân, số 1535, ngày 26-5-1958.

Tháng 5, ngày 31

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Luật số 109/SL/L11, quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Luật số 110/SL/L12, về tổ chức chính quyền địa phương.

- Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, số 23, tr. 276, 280.

Tháng 6, ngày 4

Nhân danh Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng Đại hội lần thứ VII của Đảng Cộng sản Bungari. Bức thư có đoạn: “Đảng Lao động Việt Nam và nhân dân Việt Nam nhiệt liệt chúc Đại hội lần thứ VII của Đảng Cộng sản Bungari thành công, nhiệt liệt chúc tình đoàn kết anh em theo tinh thần quốc tế vô sản giữa hai Đảng và hai nước chúng ta ngày càng bền vững”.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 186-187.

Tháng 6, ngày 10

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Báo chí Mỹ và phong trào chống Mỹ, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1550, giới thiệu về phong trào chống Mỹ đang phát triển ngày càng mạnh mẽ tại nhiều nước trên thế giới, cho dù Mỹ đã chi trên trăm triệu đôla vào việc tuyên truyền xuyên tạc mà vẫn không mang lại kết quả gì.

- Báo Nhân dân, số 1550, ngày 10-6-1958.

Tháng 6, ngày 14

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những người Mỹ biết điều, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1554.

Tác giả trích dẫn một số đoạn trong báo cáo của ông Menphin trình bày trước Thượng nghị viện Mỹ ngày 25-5-1958 để chứng tỏ: có những người Mỹ biết điều cũng đã lên tiếng tán thành chủ trương đúng đắn của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị chính quyền miền Nam cử đại biểu để hai miền Bắc - Nam bàn bạc những biện pháp nhằm đi đến thống nhất đất nước bằng phương pháp hòa bình.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.188-189.

- Báo Nhân dân, số 1554, ngày 14-6-1958.

Tháng 6, ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 76/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng bào và cán bộ huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đã xóa xong nạn mù chữ trước thời hạn quy định và sớm nhất trong các huyện miền Bắc.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 6, ngày 28

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị sản xuất toàn quân, Người nhắc nhở quân đội ta phải ra sức thi đua học tập làm tròn hai nhiệm vụ chính hiện nay là xây dựng quân đội và sản xuất để bảo vệ và tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

- Báo Quân đội nhân dân, số 460, từ ngày 1 đến ngày 3-7-1958.

Tháng 6, ngày 30

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Kinh nghiệm huyện Lai Pin, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1570, giới thiệu phong trào làm thủy lợi của huyện Lai Pin (tức Lai Tân, thuộc Quảng Tây, Trung Quốc) và rút ra những bài học kinh nghiệm để nhân dân ta vận dụng.

- Báo Nhân dân, số 1570, ngày 30-6-1958.

Tháng 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh có buổi hội kiến thân mật với Chủ tịch Mao Trạch Đông tại Tây Giao, Bắc Kinh.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư, Bắc Kinh, 1995, tr. 74.

Tháng 6

Trong thời gian ở Bắc Kinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm gia đình ông Từ Đặc Lập 2), tham quan Cố cung, Di Hòa Viên, công viên Trung Sơn, đi nghỉ ở Bắc Đới Hà.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư, Bắc Kinh, 1995, tr. 74-75.

Khoảng giữa năm

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm các đoàn nghệ thuật ở Khu văn công (Cầu Giấy, Hà Nội).

Sau đó, Người đến thăm Đoàn xiếc Việt Nam và trò chuyện vui vẻ với nghệ sĩ Trưởng đoàn Tạ Duy Hiển.

- Viện Sân khấu: Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu, Hà Nội, 1990, tr. 156.

Tháng 7, ngày 1

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mấy kinh nghiệm Trung Quốc mà chúng ta nên học, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1571.

Đây là bài đầu tiên trong loạt bài giới thiệu những kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc trên các lĩnh vực nông nghiệp, công thương nghiệp, giáo dục, văn hoá - xã hội, xây dựng đảng... đăng trên báo Nhân dân 3).

Trong bài kết thúc, Người viết: “Việt Nam ta là một thành viên trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải học những kinh nghiệm quý báu của các nước anh em, để tiến kịp các nước anh em. Cố nhiên, phải áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo, hợp với hoàn cảnh thực tế của nước ta, chứ không nên học một cách máy móc”.

- Báo Nhân dân, số 1571, ngày 1-7-1958 và số 1629, ngày 28-8-1958.

Tháng 7, trước ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và nói chuyện tại Hội nghị chính ủy cao cấp trong quân đội.

- Báo Nhân dân, số 1572, ngày 2-7-1958.

Tháng 7, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Ban Bí thư bàn về vấn đề tuyên dương và chọn anh hùng lao động. Phát biểu tại cuộc họp, Người nhắc nhở: khen thưởng là để các anh hùng chiến sĩ phát huy tác dụng làm đầu tàu. Vì vậy, phải nghiên cứu chế độ chính sách bồi dưỡng vật chất, giáo dục và đề bạt các anh hùng chiến sĩ thi đua thành cán bộ nòng cốt sau này.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vệ sinh yêu nước, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1572. Người đề nghị phát động một phong trào diệt ruồi, muỗi để tiêu diệt bệnh tật, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn trị bệnh” và đưa ra các biện pháp để làm tốt phong trào này.

Biên bản Hội nghị Ban Bí thư, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

-  Báo Nhân dân, số 1572, ngày 2-7-1958.

Tháng 7, ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đồng bào và cán bộ tỉnh Hưng Yên.

Nói chuyện trước 2500 cán bộ của Hưng Yên và gần 100 cán bộ của Thái Bình, Người khẳng định những thành tích địa phương đã đạt được, chỉ ra những khuyết điểm cần sửa chữa và căn dặn những công việc cụ thể cần làm để quyết giành vụ mùa thắng lợi.

Cùng ngày, Người về thăm xã Vạn Xuân là xã nhờ đào giếng mạch mà có đủ nước cấy vượt mức vụ chiêm.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề tổng kết cải cách ruộng đất.

Trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Làm thật nhiều thuỷ nông nhỏ mới thật sự chống được hạn, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1573, tác giả dẫn lại những kinh nghiệm làm công tác thủy lợi có hiệu quả của tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) và kết quả của công tác phát triển tiểu thủy nông và tăng gia sản xuất của một số tỉnh như Giang Tây, Thiên Tân, Quảng Đông.

- Báo Nhân dân, số 1575, ngày 5-7-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.192-196.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 1573, ngày 3-7-1958.

Tháng 7, ngày 4

Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng báo Nhân dân, số 1574:

- Bài So sánh, ký bút danh T.L., sau khi so sánh số học sinh và anh chị em lao động làm việc tốt được tặng huy hiệu của Người trong sáu tháng đầu năm 1958 với vụ trốn lậu thuế bị phát hiện trong cùng thời gian của bọn “vi phú bất nhân”4), tác giả kết luận bằng bốn câu thơ:

Ai xây mỹ tục thuần phong,

Ai là những kẻ đồng lòng xấu xa?

Trăm năm trong cõi người ta,

Ai là đáng kính, ai là đáng khinh?

- Bài Một n­ước, hai phân, ba cần, bốn cải tiến kỹ thuật, ký bút danh Trần Lực, chỉ rõ sự chăm chỉ, cần cù của nông dân Trung Quốc trong việc tưới nước, làm phân bón ruộng, nhờ đó, họ đã có một mùa lúa mạch bội thu, đồng thời tác giả cũng nêu một số kinh nghiệm làm mùa của nông dân tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), nêu rõ sự cần thiết phải cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp.

 - Báo Nhân dân, số 1574, ngày 4-7-1958.

Tháng 7, ngày 5

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh Đang nghèo thì làm theo cách nghèo, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1575, nêu lên ích lợi của việc “trồng cây gây rừng” ở Trung Quốc; kinh nghiệm của nông dân Trung Quốc: “nhằm tăng gia sản xuất, họ đã làm theo nguyên tắc “cùng biện pháp, thổ kỹ sư. Nghĩa là điều kiện đang “nghèo” thì tự lực cánh sinh, làm theo cách nghèo, làm nhỏ, thô sơ, miễn là dùng tốt; sau sẽ phát triển dần”...

- Báo Nhân dân, số 1575, ngày 5-7-1958.

Tháng 7, ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 77/SL, truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho cụ Sa Văn Minh, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính Khu tự trị Thái - Mèo, vì đã có công lao xứng đáng trong việc xây dựng Khu tự trị Thái - Mèo.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 7, ngày 7

7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ II10 tổ chức tại Câu lạc bộ Lao động (Hà Nội).

Trong lời chào mừng, sau khi khen ngợi những thành tích và biểu dương các anh hùng, chiến sĩ “là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng”, Người căn dặn các anh hùng, chiến sĩ thi đua cần nhận rõ: “Thành tích là thành tích chung của tập thể. Tách rời tập thể thì dù tài giỏi mấy một cá nhân cũng không làm được gì. Cho nên càng có thành tích, thì càng phải cố gắng, càng phải khiêm tốn”.

19 giờ, Người đến dự buổi chiêu đãi các anh hùng và chiến sĩ thi đua. Một lần nữa Người nhắc nhở các anh hùng, chiến sĩ cần ra sức thi đua sản xuất, noi gương thi đua của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em, khiêm tốn và hết sức giúp đỡ mọi người chung quanh cùng tiến bộ, v.v.. Người trao tặng mỗi anh hùng lao động và anh hùng quân đội một chiếc bút máy, mỗi chiến sĩ thi đua một gói quà.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 77B/SL, tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 26 chiến sĩ thi đua xuất sắc nhất trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và lao động trí óc.

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn cho đời sống đổi thay. Toàn dân, toàn Đảng ra tay cùng làm”, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1577, chỉ rõ sự tiến bộ của Trung Quốc qua các phong trào văn hóa, phong trào vệ sinh phòng bệnh... và khẳng định: Trung Quốc có được kết quả to lớn từ các phong trào này “là vì cố gắng của toàn Đảng kết hợp chặt chẽ với sự cố gắng của toàn dân, lực l­ượng Chính phủ kết hợp chặt chẽ với lực lượng của quần chúng”. Bài viết kết luận: “Muốn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì phải tăng gia sản xuất, trư­ớc hết là sản xuất lư­ơng thực. Và muốn tăng gia sản xuất thì phải:

Thi đua làm nhiều thuỷ nông,

Dùng nhiều phân bón, là công việc đầu

Ba là cuốc bẫm, cày sâu,

Bốn chọn giống tốt, năm lo cấy dày

Sáu là kỹ thuật đổi thay,

Toàn dân, toàn Đảng ra tay cùng làm”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.197-201.

- Báo Nhân dân, số 1578, ngày 8-7-1958.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

- Báo Nhân dân, số 1577, ngày 7-7-1958.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 208.

Tháng 7, ngày 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm tỉnh Sơn Tây 5).

Sáng sớm, Người tới làng Cổ Đô, xã Tân Lập, huyện Quảng Oai 6). Vừa tới nơi, Người ra ngay cánh đồng Miễu thăm đồng bào đang bắt sâu cứu mạ. Sau đó, Người đi xem xét hai kè Cổ Đô và Vũ Chu.

Trên đường về thị xã, Chủ tịch ghé thăm hơn 2000 cán bộ, bộ đội, nhân dân đang thực tập chống lụt ở hai quãng đê Cam Thượng và Viên Sơn. Người đặc biệt biểu dương các cụ phụ lão thị xã Sơn Tây, không quản ngại tuổi già, vẫn hăng hái tham gia thực tập cùng con cháu.

Tại thị xã Sơn Tây, Người đến nói chuyện về quyết tâm giành vụ mùa thắng lợi với hơn 600 cán bộ tỉnh và xã đang dự Hội nghị sản xuất của tỉnh. Đề cập đến vấn đề xây dựng tổ đổi công và hợp tác xã, Người căn dặn: “Vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm “quan” cách mạng, hay là để nói chính trị suông. Tất cả đảng viên và đoàn viên phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành các chính sách của Đảng và Chính phủ, phải vào tổ đổi công, vào hợp tác xã, để làm gương mẫu, làm đầu tàu lôi cuốn quần chúng... Phải vừa phát triển vừa củng cố, vừa củng cố vừa phát triển. Xây dựng được tổ nào phải vững chắc tổ ấy. Không phải dùng cách đánh trống ghi tên rồi báo cáo cho nhiều tổ đổi công nhưng tổ đổi công không thực sự đổi công”.

Người đã tặng huy hiệu của Người cho ba xã Cổ Đông, Tiên Phong, Ba Trại là những xã có phong trào đổi công khá nhất tỉnh.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 78/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho bảy đơn vị và 79 chiến sĩ thi đua đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong ba năm khôi phục và phát triển kinh tế văn hóa 7).

- Tỉnh ủy Hà Sơn Bình: Bác Hồ với Hà Sơn Bình, 1990, tr. 145.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,1996, t.9, tr. 202-204.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 7, ngày 9

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo Xyri, nước Cộng hòa Arập thống nhất8), Ápđun Raman Abucốt.

Trong buổi nói chuyện thân mật, Người đã nhận quà tặng của nhà báo (một bức chân dung Tổng thống Nátxe, một chiếc khăn quàng thêu) và nhờ ông chuyển lời chào hữu nghị tới Chính phủ và nhân dân nước Cộng hòa Arập thống nhất.

- Báo Nhân dân, số 1580, ngày 10-7-1958.

Tháng 7, trước ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Nhà nước ta gửi điện mừng nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ.

- Báo Nhân dân, số 1581, ngày 11-7-1958.

Tháng 7, ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm tỉnh Bắc Ninh.

Tại cuộc họp với cán bộ phụ trách các ngành, các giới và các đại biểu tham dự Hội nghị thi đua của tỉnh, sau khi nghe báo cáo về tình hình làm mùa và phong trào đổi công, Người phân tích một số khuyết điểm của cán bộ, nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong việc lãnh đạo và thi đua sản xuất nông nghiệp và yêu cầu cán bộ các cấp phải có sự chuyển hướng mạnh mẽ về tư tưởng và lề lối làm việc, chống mọi biểu hiện của tư tưởng bảo thủ, quan liêu, chủ quan, làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân.

Sau đó, Người gặp gỡ và nói chuyện với trên 2.000 cán bộ các cấp từ tỉnh đến xã, chiến sĩ thi đua, các đại diện tổ đổi công, hợp tác xã và bộ đội. Người kể chuyện về tấm gương huyện Lai Tân (Trung Quốc) từ một vùng đói nghèo, khan hiếm nước, nhờ sức phấn đấu của nhân dân và cán bộ mà trở thành một huyện no đủ, giàu có. Người đề ra cho cán bộ và nhân dân Bắc Ninh mười việc cần làm để giành thắng lợi vụ mùa.

Trước khi kết thúc, Người tặng huy hiệu của Người cho tổ đổi công Liên Hà và xã Hà Mãn là hai đơn vị khá nhất tỉnh.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tất cả các xí nghiệp đều làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1581, nhấn mạnh sự tiến bộ của ngành công nghiệp Trung Quốc trong cuộc chỉnh phong và khẳng định: “Tất cả các xí nghiệp Trung Quốc hiện nay đều làm đúng nhiều, nhanh, tốt, rẻ và đạt được kết quả đó là vì “giai cấp công nhân Trung Quốc đã thành một đội ngũ chiến đấu có giác ngộ cao, có tổ chức mạnh, có kỷ luật nghiêm, có trình độ văn hoá và kỹ thuật khá. Họ hiểu rằng đã là giai cấp lãnh đạo thì phải làm trọn nhiệm vụ lãnh đạo, nhiệm vụ chính trị của mình”...

- Báo Nhân dân, số 1582, ngày 12-7-1958.

- Bác Hồ với Hà Bắc, Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản, 1972, tr. 177-179.

- Báo Nhân dân, số 1581, ngày 11-7-1958.

Tháng 7, ngày 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị thảo luận, tổng kết về cải cách ruộng đất. Phát biểu ý kiến, Người cho rằng nhìn toàn bộ chính sách của Đảng từ trước tới nay là đúng, nhưng phải tìm ra vì đâu mà phạm sai lầm.

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Kết hợp xí nghiệp vừa và nhỏ của địa phương với xí nghiệp to của Nhà nước, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1582, nêu lên việc công nhân Trung Quốc đã tự nguyện, tự giác bỏ những phúc lợi không hợp lý; thực hiện kết hợp những xí nghiệp vừa và nhỏ của địa phương và của nhân dân với xí nghiệp to của Nhà nước, xây dựng các xưởng hạng nhỏ và hạng vừa với phần lớn những xưởng ấy nhằm phục vụ nông nghiệp một cách hiệu quả.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Bản thảo bài viết lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 209.

- Báo Nhân dân, số 1582, ngày 12-7-1958.

Tháng 7, ngày 14

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Anh hùng và chiến sĩ lao động, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1583, trên cơ sở nêu bật những thành tựu đạt được của ngành công nghiệp, nông nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là công nghiệp sản xuất thuốc nhuộm, than, bên cạnh việc khẳng định thành tích chung là của tập thể, tác giả đề cập đến sự đóng góp to lớn của một số anh hùng và chiến sĩ lao động tiêu biểu vào thành tựu đó trong phong trào chỉnh phong của Trung Quốc.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 209.

- Báo Nhân dân, số 1583, ngày 14-7-1958.

Tháng 7, ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về cuộc đảo chính ở Irắc và vấn đề tổng kết cải cách ruộng đất. Về tình hình cải cách ruộng đất, Người nói: “Đảng ta, chi bộ ta cơ bản là tốt, nhưng do đánh giá không đúng tình hình nên đã không biết dựa vào chi bộ để tiến hành cải cách ruộng đất, đi đến đả kích nội bộ Đảng. Đó là một sai lầm nghiêm trọng, nhưng Trung ương chậm biết. Đó là quan liêu nặng”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 7, ngày 20

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Phú Thọ.

Người khen ngợi đồng bào các dân tộc và cán bộ Phú Thọ đã có nhiều cố gắng trong sản xuất và chống hạn, trong phong trào thi đua yêu nước, nhưng vẫn còn những khuyết điểm cần sửa chữa ngay: phong trào sản xuất, phong trào đổi công phát triển chưa đều, nhiều đảng viên và đoàn viên chưa vào tổ đổi công và hợp tác xã nông nghiệp, v.v...

Người mong toàn thể cán bộ và đồng bào Phú Thọ kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm đó, ra sức thi đua sản xuất, bảo đảm vụ mùa thắng lợi.

Trước khi ra về, Người đã tặng huy hiệu cho đại biểu xã Văn Phú (huyện Hạc Trì) là xã làm được nhiều phân nhất trong tỉnh và trao cho Ủy ban hành chính tỉnh 10 huy hiệu để làm giải thưởng cho những đơn vị và cá nhân có thành tích khá nhất trong vụ mùa.

Sau đó, Chủ tịch tới thăm Nhà máy chè Phú Thọ. Người đi xem các bộ phận sản xuất của phân xưởng chè đen, chỗ ăn, chỗ ở của công nhân, gặp gỡ và nói chuyện thân mật với toàn thể cán bộ, công nhân và tặng nhà máy một số huy hiệu của Người làm giải thưởng thi đua.

Cùng ngày, Người gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo Nhà nước Ba Lan nhân ngày Quốc khánh lần thứ 14 của nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 205-208.

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phú: Vĩnh Phú những lần đón Bác, 1990, tr. 38-48.

- Báo Nhân dân, số 1591, ngày 21-7-1958 và số 1592, ngày 22-7-1958.

Tháng 7, ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nhận định về tình hình thế giới hiện nay. Phân tích tình hình, Người nêu rõ: Còn chủ nghĩa đế quốc thì còn khả năng chiến tranh và chúng còn tìm cách phá hoại phong trào giải phóng dân tộc. Hiện nay, tinh thần Băngđung ảnh hưởng mạnh, nhưng phải đề phòng đế quốc điên cuồng có thể làm liều, nhất là chúng đang bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Người cũng chỉ rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thủ công nghiệp, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1591, đề cập tới sự tiến bộ nhảy vọt của Trung Quốc phát triển các hợp tác xã thủ công nghiệp thành những công xưởng hợp tác. “Chuyển thành công xưởng hợp tác thì lực lượng được tập trung hơn, thiết bị được đầy đủ hơn, cải tiến kỹ thuật dễ dàng hơn..., tinh thần hăng hái của nhân viên và công nhân cũng do đó mà lên cao và “đó là một tiến bộ lớn của hợp tác xã thủ công nghiệp trong quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 209.

- Báo Nhân dân, số 1591, ngày 21-7-1958.

Tháng 7, ngày 22

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đáng khen, đáng trách và đáng khen, ký bút danh L.T., đăng báo Nhân dân, số 1592, nêu lại ba sự việc đã được đưa tin trên các báo Thủ đô (16-7-1958) và Thời mới (15-7-1958) để mọi người rút ra điều gì nên theo và nên tránh.

- Báo Nhân dân, số 1592, ngày 22-7-1958.

Tháng 7, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Ban Bí thư bàn về công tác báo chí, thông tin.

- Biên bản Hội nghị Ban Bí thư, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 7, ngày 24

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân đội và nhiệm vụ kinh tế, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1594, nêu bật những kinh nghiệm sản xuất và tiết kiệm của quân đội Trung Quốc và nhấn mạnh: “một là bất kỳ việc gì cũng cần tư tưởng chính trị đứng làm chủ chốt, hai là có nếu có chí tìm tòi học hỏi thì ai cũng có thể cải tiến kỹ thuật” trong việc phát triển kinh tế.

- Báo Nhân dân, số 1594, ngày 24-7-1958.

Tháng 7, ngày 26

Nhân ngày 27-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư thăm hỏi anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Người mong các anh em thương binh, bệnh binh, tuỳ khả năng của mình, hăng hái tham gia sản xuất trong các tổ đổi công và hợp tác xã. Người đề nghị đồng bào các nơi sẵn sàng giúp đỡ anh em và gia đình liệt sĩ trong sản xuất và nhắc nhở các cơ quan, đoàn thể “phải chấp hành một cách chu đáo các chính sách của Đảng và Chính phủ đối với anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Ban Bí thư bàn tiếp về công tác báo chí, thông tin. Người lưu ý báo chí phải nhằm đối tượng, ngắn gọn, dễ hiểu, nhằm vào công tác trọng tâm và giá phải giảm bớt. Cần giảm bớt bộ máy phát hành quá lớn. Đào tạo cán bộ ở trong nước là chính và giảm thời gian tham quan ở nước ngoài.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 209-210.

- Biên bản Hội nghị Ban Bí thư, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 7, ngày 28 và 29

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tư sản dân tộc, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1598 và 1599, khẳng định: giai cấp tư sản Trung Quốc là những nhà công thương nghiệp. Sau các lớp học tập, thảo luận, các cuộc phê bình và tự phê bình dân chủ và sâu sắc, họ quyết tâm cải tạo tiến bộ, quyết tâm thực hiện những chính sách của Đảng và Chính phủ, thực hiện công tư hợp doanh để cải tạo theo chủ nghĩa xã hội, điển hình là các nhà công thương ở ba thành thị lớn: Thượng Hải, Bắc KinhThiên Tân.

-  Báo Nhân dân, số 1598, ngày 28-7-1958 và số 1599, ngày 29-7-1958.

Tháng 7, ngày 30

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trí thức tư sản chỉnh phong, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1600, 1602, 1605, 1607, nêu quá trình và kết quả của phong trào chỉnh phong trong giới trí thức Trung Quốc.

- Báo Nhân dân, số 1600, ngày 30-7-1958, số 1602, ngày 1-8-1958, số 1605, ngày 4-8-1958, và số 1607, ngày 6-8-1958.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 210.

Tháng 7, cuối tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị chống lụt gồm các vị trong Ban chỉ huy chống lụt Trung ương và các ông chủ tịch khu và tỉnh.

Người nhắc nhở các khu, tỉnh không được chủ quan, phải thấy hết tầm quan trọng về chính trị và kinh tế của công tác phòng lụt, chống lụt; cần kết hợp tốt giữa sản xuất và phòng chống lũ lụt, phải biến quyết tâm của lãnh đạo thành quyết tâm của đảng viên, đoàn viên và đông đảo nhân dân, thi đua vượt khó giữ vững đê điều, giành vụ mùa thắng lợi.

- Báo Nhân dân, số 1604, ngày 3-8-1958.

Tháng 8, ngày 2

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm cụ Tôn Đức Thắng và Đoàn đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi thăm các nước anh em mới về đến Hà Nội.

- Báo Nhân dân, số 1604, ngày 3-8-1958.

Tháng 8, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi bà V.Ia.Vaxilêva.

Bức thư như sau:

“Hà Nội ngày 4-8-1958

Đồng chí V.Ia.Vaxilêva quý mến,

Tôi đã nhận được thư và đề cương cuốn sách mà đồng chí đã gửi cho tôi qua đồng chí Nguyễn Khánh Toàn. Xin chân thành cảm ơn đồng chí.

Tôi và các bạn Việt Nam nhiệt liệt tán thành nguyện vọng của đồng chí muốn sang thăm Việt Nam. Tôi tin rằng đồng chí sẽ đem lại những đóng góp to lớn vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.

Chúng tôi quyết định giao cho Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa thuộc Bộ Văn hóa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ viết thư mời đồng chí sang thăm Việt Nam.

Còn đề cương cuốn sách để kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì các cán bộ khoa học của Việt Nam sẽ nghiên cứu và trực tiếp trả lời cho đồng chí. Các nhà khoa học Việt Nam sẽ có vinh dự to lớn được cộng tác với các nhà khoa học Xôviết và nguyện sẽ làm hết sức mình vì sự nghiệp đó.

Chúc đồng chí sức khỏe!

Chào thân ái

Hồ Chí Minh”.

- A. Xôcôlốp: Quốc tế cộng sản và Việt Nam, M, 1998, tr. 161. (bản tiếng Nga).

Tháng 8, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định số 79/QĐ, bác đơn xin ân xá án tử hình của một phạm nhân can tội dùng súng lục và dao găm mưu giết người, cướp của.

- Bản gốc Quyết định, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 8, ngày 6

Sáng, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn báo chí Campuchia. Người thân mật nói chuyện với các vị trong Đoàn, thăm hỏi đời sống của nhân dân Campuchia và chúc tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia ngày càng chặt chẽ và phát triển.

Chiều, Người tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên tại Việt Nam trình Quốc thư.

- Báo Nhân dân, số 1608, ngày 7-8-1958 và số 1609, ngày 8-8-1958.

 

Tháng 8, ngày 7

Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1608:

- Bài “Y tế”: nói về ngành y tế của Trung Quốc tích cực thực hiện phong trào chỉnh phong.

- Bài “Thiết kế”: nêu lên một số kinh nghiệm thiết kế của Trung Quốc và sự tiến bộ nhảy vọt của ngành thiết kế ở Trung Quốc.

- Báo Nhân dân, số 1608, ngày 7-8-1958.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 210.

Tháng 8, ngày 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị tiếp tục thảo luận về tổng kết công tác cải cách ruộng đất. Phát biểu với hội nghị, Người nhận định: cương lĩnh đưa ra đúng nhưng không biết cụ thể hoá, Đảng có chủ quan, giáo điều, máy móc... Cải cách ruộng đất tuy có sai lầm nhưng cũng có thắng lợi và phải thấy được những thắng lợi này. Người tự phê bình đã “quan liêu, không sát quần chúng, không sát thực tế, chỉ xem báo cáo, tin vào người báo cáo”. Về bản tổng kết, Người nhắc nhở phải viết gọn, rõ ràng, nêu được những bài học kinh nghiệm, cách đặt vấn đề phải viết sao cho tăng thêm lòng tin tưởng phấn khởi trong Đảng, trong nhân dân, tăng cường khối đoàn kết.

Cùng ngày, bài viết của Người nhan đề Vũ khí hoá học (thuốc độc quân dụng), ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Quân đội nhân dân, số 471.

Bài báo nêu rõ tác hại của loại vũ khí giết người hàng loạt này đã được quân đội các nước đế quốc sử dụng từ Đại chiến thế giới lần thứ nhất đến nay và tin chắc: “Thuốc độc quân dụng là một thứ vũ khí rất nguy hiểm, nhưng không phải là không chống lại được”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Quân đội nhân dân, số 471, từ ngày 8 đến ngày 11-8-1958.

Tháng 8, ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Bộ Chính trị bàn về đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà. Người nói nhiệm vụ miền Nam là lâu dài gian khổ không phải là tiêu cực mà có ý nghĩa tích cực, chờ thời cơ.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 8, ngày 11

Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng báo Nhân dân, số 1612:

- Bài: “Mậu dịch” giới thiệu kinh nghiệm và kết quả công tác của mậu dịch quốc doanh Trung Quốc.

- Bài: “Các cơ quan” nêu lên kinh nghiệm của Trung Quốc thực hiện chỉnh phong. “Chỉnh phong đã giúp cho cán bộ các cơ quan chữa khỏi bệnh quan liêu và đưa họ đi sâu vào quần chúng”, “ngân sách các ngành giảm được gần một nửa, số người bớt được nhiều, mà năng suất lao động của các cơ quan đều tăng gấp bội”.

- Báo Nhân dân, số 1612, ngày 11-8-1958.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 210.

Tháng 8, ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đại hội sản xuất của tỉnh Nam Định họp tại xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, là nơi giành được năng suất cao trong vụ chiêm vừa qua.

Nói chuyện với gần 1.000 cán bộ và đại biểu nhân dân từ tỉnh đến xã, Người khen ngợi những cố gắng của nhân dân trong tỉnh và chỉ ra những thiếu sót cần khắc phục, đặc biệt cần chú trọng các khâu kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Người căn dặn các cán bộ tỉnh, huyện, xã phải nhớ kỹ những bài học của vụ chiêm vừa qua, tuyệt đối không được chủ quan, phải sửa đổi lề lối làm việc để lãnh đạo được sâu sát, kịp thời, chu đáo.

Người tặng huy hiệu cho hai nông dân xã Nam Hồng và Nghĩa Thắng, vì có thành tích trong sản xuất và vận động được nhiều bà con vào tổ đổi công.

Trước khi ra về, Người vào thăm một số gia đình trong xã Yên Tiến, tham quan cánh đồng xã Đông Hưng mọi năm chỉ cấy được vụ chiêm, nay nhờ làm tốt thuỷ lợi cấy thêm được vụ mùa.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo Nhà nước Triều Tiên nhân kỷ niệm lần thứ 13 ngày giải phóng Triều Tiên. Bức điện có đoạn: “Chúc nhân dân Triều Tiên anh em thu được nhiều thắng lợi hơn nữa trong việc thực hiện Kế hoạch năm năm lần thứ nhất và đấu tranh thống nhất nước nhà, góp phần giữ gìn hòa bình ở châu Á và thế giới”.

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Học trò và trường học, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1614, 1617, giới thiệu kinh nghiệm trí thức công nông hóa ở Trung Quốc với cách thực hiện “cần công, kiệm học”, nghĩa là vừa học vừa lao động chân tay, phấn đấu đạt kết quả: “tỉnh nào cũng có đại học, huyện nào cũng có trung học, xã nào cũng có tiểu học”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 211-215.

- Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Nam Hà: Nam Hà làm theo lời Bác, 1975, tr. 98-99.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 210.

- Báo Nhân dân, số 1614, ngày 13-8-1958 và số 1617, ngày 16-8-1958.

Tháng 8, ngày 15

Được tin nhà bác học Pháp Giôliô Quyri mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn tới Viện Hàn lâm nước Pháp và gia quyến nhà bác học.

Cùng ngày, bài viết của Người nhan đề Vũ khí hoá học: Hơi ngạt, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Quân đội nhân dân, số 473, giới thiệu về tác hại của loại vũ khí này và ích lợi của mặt nạ phòng độc. Tác giả khuyên các chiến sĩ phải kiên trì luyện tập để làm quen và sử dụng thành thạo mặt nạ phòng độc trong mọi tình huống, “có như vậy thì mới coi như hoàn toàn khắc phục được sự tấn công của vũ khí hơi ngạt”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 80/SL, tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Nhất cho 266 cán bộ quân đội và truy tặng Huân chương Chiến thắng hạng Nhất cho 18 cán bộ quân đội đã hy sinh.

- Sắc lệnh số 81/SL, bổ nhiệm Thiếu tướng Lê Hiến Mai giữ chức Chính ủy Bộ Tư lệnh Pháo binh.

- Báo Nhân dân, số 1617, ngày 16-8-1958.

- Báo Quân đội nhân dân, số 473, từ ngày 15 đến ngày 18-8-1958.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 216.

Tháng 8, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới “Đại hội nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình”11, nhiệt liệt hoan nghênh thành công của Đại hội hòa bình thế giới ở Xtốckhôm12 và những đóng góp của nhân dân Việt Nam vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình thế giới.

Trong thư, Người phân tích những mục tiêu của phong trào hòa bình thế giới hiện nay là bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh. Phong trào hòa bình phải gắn liền với phong trào độc lập dân tộc và đoàn kết tất cả các lực lượng đấu tranh cho hòa bình, nhưng cần lấy lực lượng các nước xã hội chủ nghĩa làm trụ cột. Người còn nêu rõ phong trào hòa bình Việt Nam cần kiên quyết chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam, đấu tranh đòi thi hành đầy đủ Hiệp nghị Giơnevơ, tham gia động viên thi đua xây dựng miền Bắc vững mạnh, ra sức ủng hộ phong trào độc lập dân tộc và hưởng ứng các phong trào hòa bình quốc tế, đoàn kết với nhân dân các nước Á - Phi và nhân dân toàn thế giới.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Quyết định số 82/QĐ, ân giảm cho một phạm nhân từ án tử hình xuống án tù chung thân.

- Quyết định số 83/QĐ, bác đơn xin ân xá tử hình của một phạm nhân can tội giết người, cướp của.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 217-219.

- Bản chụp gốc Quyết định, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 8, trước ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Tổng thống A. Xucácnô nhân ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Inđônêxia, “chúc nhân dân Inđônêxia thu được nhiều thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng một nước Inđônêxia giàu mạnh, góp phần vào công cuộc bảo vệ hòa bình ở Đông - Nam Á và thế giới, chúc tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước ngày càng củng cố và phát triển”.

- Báo Nhân dân, số 1618, ngày 17-8-1958.

Tháng 8, ngày 18

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Báo chữ to, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1619, nêu bật tầm quan trọng của báo chữ to và giới thiệu kinh nghiệm sử dụng báo chữ to có hiệu quả trong phong trào chỉnh phong của Trung Quốc.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 210.

- Báo Nhân dân, số 1619, ngày 18-8-1958.

Tháng 8, ngày 19

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Thiếu tướng Hải quân Tư lệnh hạm đội Ấn Độ Sacravơti và Thượng tá Năngđa, thuyền trưởng kỳ hạm Maixo. Sau buổi tiếp, Người chụp ảnh kỷ niệm với các vị khách.

Tối, tại Câu lạc bộ Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch dự lễ mừng sinh nhật lần thứ 70 của Cụ Tôn Đức Thắng. Sau khi đọc lời chúc mừng ca ngợi quá trình đấu tranh và tấm gương đạo đức của người chiến sĩ cách mạng dân tộc, chiến sĩ cách mạng thế giới Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt nhân dân và Chính phủ trao tặng Cụ Tôn Đức Thắng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.9, tr. 220-221.

- Báo Nhân dân, số 1621, ngày 20-8-1958.

Tháng 8, ngày 20

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Nhà nước ta gửi điện mừng nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Rumani.

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ trí thức tham gia lao động chân tay, đăng báo Nhân dân, số 1621. Qua một số kết quả nổi bật, bài viết giới thiệu kinh nghiệm thực tế của Trung Quốc trong vấn đề cán bộ trí thức tự nguyện tham gia lao động chân tay. Tác giả khẳng định: việc trực tiếp tham gia lao động chân tay ở nông thôn đã giúp cán bộ trí thức cải tạo, trở nên đã “hồng” lại “chuyên”. Đồng thời cán bộ trí thức lại giúp công dân tiến bộ nhảy vọt trong công việc phát triển văn hoá và cải tiến kỹ thuật.

- Báo Nhân dân, số 1624, ngày 23-8-1958.

- Báo Nhân dân, số 1621, ngày 20-8-1958.

Tháng 8, ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn tiếp về tổng kết cải cách ruộng đất. Phát biểu tại hội nghị, Người đề nghị phần tổng kết những bài học kinh nghiệm nên đưa vào những vấn đề chính để không loãng vấn đề.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chi bộ, đăng báo Nhân dân, số 1622, giới thiệu kinh nghiệm và thành tựu hoạt động trong phong trào chỉnh phong của một số chi bộ Đảng địa phương ở Trung Quốc.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 1622, ngày 21-8-1958.

Tháng 8, ngày 22

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề phong quân hàm. Người nhấn mạnh mục đích của đợt phong quân hàm lần này là để tạo đà phấn khởi, tăng cường đoàn kết, tránh suy tị và phải làm thế nào giảm bớt sự cách biệt giữa các sĩ quan, hạ sĩ quan, binh lính để giữ đoàn kết.

Chiều, khi Bộ Chính trị bàn vấn đề quản lý dân chủ ở xí nghiệp, Người chỉ rõ đây là vấn đề lâu dài và khó, phải làm khẩn trương nhưng không vội vã. Việc học tập kiện toàn quản lý xí nghiệp phải đi từng bước nhưng liên tục, phải đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn. Trung ương với địa phương phải kết hợp, Trung ương có đường lối chung và để cho địa phương có quyền phát huy sáng kiến của mình.

Về tài liệu học tập, Người đề nghị phải viết ngắn gọn, dễ hiểu, kết hợp học phải đi đôi với hành và giao vấn đề này cho Ban Bí thư phụ trách.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hơi độc làm chảy nước mắt và hơi độc làm hắt hơi, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Quân đội nhân dân, số 475, giới thiệu tính chất, tác hại của hai loại hơi độc trên và cách phòng tránh.

Cùng ngày, hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng báo Nhân dân, số 1623:

- Bài: Mỹ lại thất bại chua cay, ký bút danh T.L., viết về một “thất bại kiểu Mỹ” trong việc Mỹ phóng vệ tinh “Able” lên cung trăng ngày 17-8-1958.

- Bài: Trả lời bạn đọc, ký bút danh Trần Lực, giải đáp các câu hỏi của bạn đọc về một số vấn đề trong loạt bài viết đã đăng trên báo Nhân dân của tác giả dưới chủ đề chung: “Mấy kinh nghiệm Trung Quốc mà chúng ta nên học”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Quân đội nhân dân, số 475, từ ngày 22 đến ngày 25-8-1958.

- Báo Nhân dân, số 1623, ngày 22-8-1958.

Tháng 8, ngày 23

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Đảng Lê Hồng Phong (Hà Nội).

Phát biểu với cán bộ và học viên của trường, Người nói: “Học tập lý luận cốt là để áp dụng vào thực tế. Học đi đôi với hành, có học mới làm được việc”.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 32.

Tháng 8, ngày 24

15 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khánh thành sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) và xem cuộc diễu hành của 3.000 vận động viên, các bài đồng diễn thể dục của hơn 1.000 học sinh, sinh viên, vận động viên và trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Phnôm Pênh (Campuchia) với đội tuyển Hải Phòng.

 - Báo Nhân dân, số 1626, ngày 25-8-1958.

 - Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 32.

Tháng 8, ngày 28

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự buổi biểu diễn báo cáo kết quả học tập của học sinh các lớp hợp xướng, nhạc trưởng, sáng tác âm nhạc, múa do Vụ Nghệ thuật (Bộ Văn hoá) và Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) phối hợp tổ chức.

- Báo Nhân dân, số 1631, ngày 30-8-1958.

Tháng 8, ngày 29

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về kế hoạch mở rộng thành phố Hà Nội. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Người nêu rõ: “Mở rộng thành phố phải căn cứ vào thiên thời (mưa, gió, nắng...), địa lợi (địa chất, sông hồ...) và nhân hòa (lợi ích của nhân dân, của Chính phủ). Công tác quy hoạch thành phố phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mỹ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có ban phụ trách để chịu trách nhiệm, tránh lối làm đại khái, lãng phí.

Cùng ngày, bài viết của Người nhan đề Thuốc độc gây loét nát da thịt, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Quân đội nhân dân, số 477.

Sau khi giới thiệu tính chất, tác hại của loại chất độc này so với các loại thuốc độc quân dụng khác, Người viết: “Một bộ đội đã được rèn luyện thành thạo, vẫn có thừa khả năng vượt những khó khăn này mà không bị thiệt hại gì”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục lưu trữ Trung ương, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Quân đội nhân dân, số 477, từ ngày 29-8 đến ngày 1-9-1958.

Tháng 8, ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy cơ khí Hà Nội.

Người đi thăm các phân xưởng, các phòng thí nghiệm, ân cần hỏi han việc làm của công nhân, thân mật hỏi chuyện các chuyên gia Liên Xô.

Nói chuyện với toàn thể công nhân, cán bộ, Người khen nhà máy gần đây đã có nhiều cố gắng và phê bình công việc sản xuất ở đây chưa tốt, chưa hoàn thành được kế hoạch. Người nhắc nhở mọi người cần nhận rõ trách nhiệm làm chủ để ra sức sản xuất, quản lý tốt nhà máy, giữ vững kỷ luật lao động, đề cao tinh thần cảnh giác và chú ý học tập kinh nghiệm tiên tiến của các nước anh em.

Sau đó, Người đến thăm Khu tập thể của nhà máy. Người nhắc nhở với đồng chí thư ký công đoàn nhà máy phải quan tâm đến nơi ăn, chốn ở của công nhân hơn nữa.

Tối, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự buổi gặp mặt thân mật với các vị trong Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, các chính đảng, đoàn thể, cán bộ cao cấp, anh hùng chiến sĩ thi đua và nhân sĩ trí thức ở Hà Nội tổ chức tại Câu lạc bộ Ba Đình.

Trong ngày, Người tiếp đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số Liên khu 4 ra Thủ đô dự lễ Quốc khánh.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 33.

- Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 443-444.

- Báo Nhân dân, số 1632, ngày 31-8-1958 và số 1633, ngày 1-9-1958.

Tháng 8, ngày 31

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Hoan hô hay là hô hoán, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1632. Tác giả nêu lên những phản ứng quyết liệt của các thuộc địa trong cuộc “du thuyết” của Tổng thống Đờ Gôn tới các xứ này để tuyên truyền cổ động hòng tranh thủ sự ủng hộ đối với bản Dự thảo Hiến pháp do ông ta sửa đổi.

Trong ngày, Người đến thăm khu tập thể Hội phụ nữ thành phố Hà Nội. Sau khi đi thăm nhà bếp, Người vào Nhà trẻ chia kẹo cho các cháu và căn dặn các cô giữ trẻ “Các cháu là mầm non của Tổ quốc, là tương lai của xã hội, các cô phải trông nom, dạy dỗ các cháu chu đáo”.

- Báo Nhân dân, số 1632, ngày 31-8-1958.

- Bác Hồ với phụ nữ Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1985, tr. 87-91.

Tháng 8, cuối tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Nhất cho một số cán bộ cao cấp và trung cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

- Báo Nhân dân, số 1630, ngày 29-8-1958.

 

----------------

Chú thích

1) - Cụ Dương Đình Khiêm (Hà Nội): bản thân, hai con và ba cháu tòng quân.

- Cụ Lê Thị Lựu (Vinh, Nghệ An): bốn con tòng quân, đều là liệt sĩ.

- Cụ Phan Văn Ngoạn (Cao Lãnh, Sa Đéc): bản thân và sáu con tòng quân.

2) Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Uỷ viên thường trực Quốc hội, phụ trách Ban Văn giáo.

3) Đăng trên các số: 1571, 1572, 1573, 1574, 1575, 1577, 1581, 1582, 1583, 1591, 1594, 1598, 1599, 1600, 1602, 1605, 1607, 1608, 1612, 1614, 1617, 1619, 1621, 1622, 1623, 1629.

4) Làm giàu bằng những thủ đoạn bất chính, gian ác.

1) Nay thuộc Hà Nội.

6) Nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội.

7) Bộ Công nghiệp nhẹ: hai đơn vị và 13 cá nhân; Bộ Giao thông và Bưu điện: bốn đơn vị và 17 cá nhân; Bộ Thuỷ lợi: ba cá nhân; Bộ Kiến trúc: một đơn vị và hai cá nhân; Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng): ba cá nhân; Bộ Thương nghiệp: một cá nhân; Bộ Y tế: một cá nhân; Bộ Giáo dục: bốn cá nhân; Bộ Tài chính: một cá nhân; Bộ Công an: hai cá nhân; Ngành Nông, Lâm: 32 cá nhân.

8) Từ tháng 2-1958, Ai Cập và Xyri hợp nhất thành nước Cộng hoà Arập thống nhất. Tháng 1-1961, Xyri rút ra khỏi Cộng hoà Arập thống nhất.

* Năm 1958 - Từ tháng 9 đến tháng 12

Tháng 9, ngày 1

Chiều tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đặt vòng hoa và mặc niệm trước Đài liệt sĩ Ba Đình.

Tối, Người dự tiệc chiêu đãi nhân dịp Quốc khánh của Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cùng ngày, Người tới dự cuộc họp mặt với 500 Việt kiều ở Thái Lan đã về nước do Ban liên lạc Việt kiều Thái Lan tổ chức. Người thân mật nói chuyện với mọi người và chia quà cho các cháu.

- Báo Nhân dân, số 1635, ngày 4-9-1958 và số 1636, ngày 5-9-1958.

Tháng 9, ngày 2

6 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tinh, diễu binh và tuần hành chào mừng ngày Quốc khánh của hơn hai mươi vạn nhân dân tổ chức tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội).

Khi đơn vị cuối cùng của đoàn tuần hành đi khỏi và đồng bào ở Quảng trường ào lên sát lễ đài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn đồng bào và các khách quốc tế, chúc mọi người đoàn kết, vui vẻ, mạnh khỏe, ra sức thi đua sản xuất, tiết kiệm, xây dựng miền Bắc vững mạnh làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

- Báo Nhân dân, số 1635, ngày 4-9-1958.

Tháng 9, ngày 4

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu bóng đá Campuchia. Người thân mật thăm hỏi sức khỏe của các vận động viên, tình hình đời sống của nhân dân Campuchia, Việt kiều ở Campuchia và mong rằng mối quan hệ kinh tế, văn hóa giữa hai nước ngày càng phát triển.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Ban Bí thư bàn một số vấn đề về báo Nhân dân và công tác dân vận. Phát biểu sau khi nghe báo cáo của đại diện báo Nhân dân, Người nêu một số kinh nghiệm của Trung Quốc về công tác báo chí và phát hành. Theo Người, báo muốn phát hành được rộng rãi chủ yếu phải do nội dung, giá cả và cách tổ chức phát hành sao cho thích hợp. Về nội dung tuyên truyền trên báo Đảng trong giai đoạn hiện nay, Người nhấn mạnh: về cơ bản và lâu dài đều phải nhằm vào nhiệm vụ cải tạo tư tưởng, báo phải là vũ khí phê bình sắc bén của Đảng và cần phải phổ biến rộng rãi hơn sao cho mỗi chi bộ có một tờ báo.

Cùng ngày, Người tiếp Đoàn đại biểu cán bộ trường thiếu sinh quân Quế Lâm và bệnh viện Nam Ninh (Trung Quốc) đã giúp Việt Nam dạy học cho một số học sinh và chữa bệnh, điều dưỡng cho nhiều cán bộ trong thời kỳ kháng chiến và những năm đầu thời kỳ hòa bình xây dựng.

 - Báo Nhân dân, số 1637, ngày 6-9-1958.

 - Biên bản Hội nghị Ban Bí thư, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 211.

Tháng 9, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về công tác tổ chức của Đảng, Chính phủ và công tác thủy lợi. Người lưu ý Bộ Chính trị và Ban Bí thư phải nghiên cứu chấn chỉnh quan hệ công tác giữa Trung ương và Chính phủ vì còn nhiều lủng củng.

Về thủy lợi, Người lưu ý phải chuẩn bị tốt một kế hoạch lâu dài tu bổ đê điều tránh “nước đến chân mới nhảy” không nên lý luận suông, phải chú trọng ý kiến của quần chúng và phải có kế hoạch cho từng năm.

 - Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 9, ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ Triều Tiên nhân dịp kỷ niệm lần thứ 10 Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.

- Báo Nhân dân, số 1640, ngày 9-9-1958.

Tháng 9, ngày 7

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm công trình thủy nông Gia Thượng, xã Ngọc Thụy, quận 8 (huyện Gia Lâm), ngoại thành Hà Nội.

Cùng ngày, Người đến thăm Trường sĩ quan Hậu cần. Người nói với học viên, cán bộ: “Trường các chú là Trường hậu cần. Trước đây các chú cho hậu cần là không có tiền đồ, khó được huân chương, chỉ chiến đấu mới có huân chương. Như thế là không đúng... Các chú phải đoàn kết hơn nữa, tiết kiệm và phải chịu khó học tập, tăng gia”.

 - Báo Nhân dân, số 1639, ngày 8-9-1958.

 - Hồ Chí Minh - Những bài viết và nói về quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1987, t.2,tr. 352.

Tháng 9, ngày 8

7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu hòa bình Miến Điện và trao tặng mỗi vị trong Đoàn một cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Cộng hòa Ấn Độ và Liên bang Miến Điện có chữ ký của Người.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi huy hiệu của Người tặng cho:

- Ông Phạm Quang Chiểu vì đã nêu gương vận động bà con trong xóm tham gia phong trào diệt dốt.

- Thanh niên xã Thống Nhất (Lào Cai) đã có thành tích vận động nhân dân bỏ tập quán canh tác cũ, tích cực đào mương chống hạn, bảo đảm cấy hết diện tích lúa mùa và làm nhiều phân bón.

 - Báo Nhân dân, số 1640, ngày 9-9-1958.

 - Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

 - Báo Nhân dân, số 1657, ngày 26-9-1958.

 - Báo Nhân dân, số 1643, ngày 12-9-1958.

 - Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Ban Bí thư bàn về chính sách phân bón cho nông nghiệp và một số vấn đề khác. Người lưu ý phải có sự hướng dẫn vận động nông dân cách làm phân bón, kỹ thuật bón phân, dùng phân. Hợp tác xã cần bón thí điểm cho từng loại đất để hướng dẫn nông dân.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định số 86/QĐ giảm án tử hình xuống tù chung thân cho một phạm nhân can tội giết người.

 - Biên bản cuộc họp Ban Bí thư, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

 - Bản gốc Quyết định, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 9, ngày 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về quản lý gạo vụ mùa năm 1958 và về con số kiểm tra Kế hoạch Nhà nước năm 1959. Sau khi nghe báo cáo, Người bổ sung ý kiến cho rằng không nên cố định tỷ lệ mua thóc, phải vận động chính trị ở các trọng điểm lúa gạo, phải chuẩn bị hàng hóa để đổi lúa và thu mua phải nhanh gọn, dễ dàng. Kết luận, Người nhắc nhở: làm kế hoạch phải vững chắc, thiết thực, sớm chừng nào hay chừng đó, không được bảo thủ và phải sớm kiện toàn tổ chức ở từng cấp để đạt được kết quả tốt nhất.

Trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề: Thuốc độc gây tê liệt toàn thân, giết người chớp nhoáng, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Quân đội nhân dân, số 481, giới thiệu về một loại vũ khí hóa học “giết người trong chớp nhoáng” và các cách đề phòng.

Bài báo nhấn mạnh: “Một bộ đội được huấn luyện chu đáo sẽ không bị vũ khí khoa học tiêu diệt hay tiêu hao nặng”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Báo Quân đội nhân dân, số 481, từ ngày 12 đến ngày 15-9-1958.

Tháng 9, ngày 13

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Lớp học Chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc tổ chức tại Hà Nội.

Nói chuyện với các học viên, Người căn dặn:

“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Mong mọi người phải cố gắng làm trọn nhiệm vụ”.

Sau đó, Người đến thăm Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1958. Tại đây, Người ghi vào Sổ cảm tưởng dòng chữ: Cần cố gắng hơn để tiến bộ hơn. Mỹ thuật cũng phải ra sức phục vụ nhân dân.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp giáo sư người Miến Điện là U.Oong La và phu nhân. Người tặng mỗi vị khách một cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Cộng hòa Ấn Độ và Liên bang Miến Điện có chữ ký của Người.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 222.

- Báo Nhân dân, số 1645, ngày 14-9-1958.

Tháng 9, ngày 14

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề: Công xã nhân dân, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1645, giới thiệu về quá trình hình thành và những đặc điểm của Công xã nhân dân ở Trung Quốc.

- Báo Nhân dân, số 1645, ngày 14-9-1958.

Tháng 9, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng). Vừa đến nơi, Người đã gặp và nói chuyện với Ban Giám đốc, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng và các chuyên gia Liên Xô làm việc tại mỏ, nghe báo cáo về tình hình sinh hoạt, học tập, sản xuất của cán bộ và công nhân.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi huy hiệu của Người tặng:

- Cụ Đỗ Văn Khẩu và hai cháu của cụ là Đỗ Văn Mùi và Đỗ Văn Đoàn ở thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang 1) (Hưng Yên) đã nêu cao gương dũng cảm quên mình chống lụt cứu nhân dân 2).

- Anh Hồng Cư, bộ đội Phú Thọ một huy hiệu của Người vì đã hết lòng giúp đồng bào gặp hoạn nạn 3).

- Bác Hồ với Cao Bằng - Từ Pác Bó đến Cao Bằng, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Cao Bằng xuất bản, 1985, tr. 179.

- Báo Nhân dân, số 1649, ngày 18-9-1958.

- Báo Nhân dân, số 1656, ngày 25-9-1958.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 33.

Tháng 9, ngày 16

Sáng, trời mưa, Người vẫn đi thăm nơi ăn, ở, nhà gửi trẻ, công trường khai thác và các bộ phận sản xuất của mỏ.

Trên công trường khai thác, Người ân cần thăm hỏi tình hình mọi mặt của anh chị em công nhân và tỏ ra rất hài lòng khi thấy nhiều công nhân địa phương, nhất là phụ nữ, đã điều khiển được những máy móc hiện đại.

Sau khi đi thăm các nơi, Chủ tịch nói chuyện với gần 2000 cán bộ, công nhân và đồng bào địa phương. Người khen ngợi anh chị em công nhân có nhiều cố gắng, đạt được những thành tích bước đầu và phê bình một số công nhân làm việc chưa tốt, kỷ luật lao động lỏng lẻo, lãng phí của công.

Người nhắc các cán bộ lãnh đạo mỗi tuần dành một ngày xuống lao động với công nhân, các cán bộ khác thì nửa ngày làm chuyên môn nửa ngày lao động, “như thế là cán bộ và công nhân thực sự làm chủ xí nghiệp; như thế là giữa cán bộ và công nhân sẽ đoàn kết thành một khối, sản xuất sẽ tăng, xí nghiệp sẽ ngày càng tiến bộ”.

Trên đường về, Người vào thăm trại chăn nuôi bò và dê ở Cao Bằng. Đến Bắc Cạn, Người gặp gỡ và nói chuyện với hơn 700 cán bộ tỉnh, huyện, xã về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và nhắc nhở mọi người ra sức cố gắng giành vụ mùa thắng lợi.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề: Đánh tan phái hữu, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1647, giới thiệu tóm tắt những kinh nghiệm đấu tranh trên mặt trận tư tưởng và chính trị trong phong trào chỉnh phong ở Trung Quốc.

- Bác Hồ với Cao Bằng - Từ Pác Bó đến Cao Bằng, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Cao Bằng xuất bản, 1985, tr. 179.

- Báo Nhân dân, số 1649, ngày 18-9-1958.

- Báo Nhân dân, số 1647, ngày 16-9-1958.

Tháng 9, ngày 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Ban Bí thư nghe báo cáo về vấn đề thể dục, thể thao và bàn về tình hình Lào Cai. Người lưu ý công tác tuyên truyền phải làm nổi bật được tầm quan trọng của thể dục, thể thao đối với sản xuất và quốc phòng.

 - Biên bản Hội nghị Ban Bí thư, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 9, ngày 20

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Công trường thủy lợi Bắc - Hưng - Hải.

Nói chuyện với cán bộ và dân công, Người nhấn mạnh ý nghĩa của công trình thủy lợi này đối với việc chống hạn của ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Người cho rằng đây là “một chiến dịch chống giặc hạn, cho nên dân công phải được giáo dục, tổ chức, lãnh đạo tốt...; cán bộ lãnh đạo và cán bộ các ngành phải thông tư tưởng, phải có quyết tâm khắc phục khó khăn, phải đồng cam cộng khổ, biết khuyến khích và giúp đỡ nhân dân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất.

Người mong mọi người đoàn kết chặt chẽ. Đoàn kết giữa cán bộ với cán bộ, giữa cán bộ với dân công, giữa dân công với dân công, giữa cán bộ và dân công với đồng bào địa phương. “Đoàn kết là lực lượng”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 223-225.

- Bác Hồ với Hà Bắc, Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản, 1972, tr. 83-85.

- Báo Nhân dân, số 1653, ngày 22-9-1958.

Tháng 9, giữa tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu của Người cho bà Lương Thị Tư, dân tộc Tày, ở xóm Thượng, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, Thái Nguyên vì đã nêu gương sáng về đoàn kết, tương trợ đẩy mạnh sản xuất.

- Báo Nhân dân, số 1655, ngày 24-9-1958.

Tháng 9, ngày 21

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Con mắt, cái mồm của Tổng thống Mỹ, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1652.

Nhân lời tuyên bố vu khống của Tổng thống Mỹ ngày 11-9-1958, rằng “Trung Quốc là kẻ xâm lăng, đe dọa an ninh của Mỹ và của thế giới tự do”, rằng “vì Trung Quốc xúi giục mà Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp”, tác giả vạch rõ “con mắt” của Tổng thống Mỹ đã không nhìn thấy những sự thật lịch sử ở Trung Quốc và Việt Nam, cho nên “Con mắt của đế quốc Mỹ đã mù quáng. Cái mồm đế quốc Mỹ nói vu vơ”.

Tác giả tố cáo chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ và cảnh cáo: “Chính sách đó chỉ làm cho Mỹ ngày càng bị cô lập và nhất định sẽ thất bại”.

- Báo Nhân dân, số 1652, ngày 21-9-1958.

Tháng 9, ngày 22 và 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, công trường cầu Làng Giàng, mỏ apatít và công trường Nhà máy điện Lào Cai.

Sau khi nghe các cán bộ lãnh đạo của hai tỉnh báo cáo tình hình địa phương, Người căn dặn các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương phải nắm vững hơn nữa việc lãnh đạo sản xuất, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, phải ra sức phát triển tổ đổi công và làm cho nó hoạt động thật sự, cán bộ phải thường xuyên xuống xã cùng làm với nông dân, học nông dân để lãnh đạo nông dân, khắc phục bệnh quan liêu, giấy tờ, xa rời quần chúng, xa rời thực tế. “Phải lấy việc giáo dục làm đầu, phải đánh thông tư tưởng cho quần chúng. Dân hiểu, dân làm, thì việc khó đến đâu cũng làm được”.

Tại thị xã Lào Cai cũng như ở thị xã Yên Bái, nói chuyện với hàng nghìn cán bộ, công nhân viên chức, bộ đội và đại biểu các ngành, các giới, các dân tộc và các tôn giáo, Người nhấn mạnh nhiệm vụ sản xuất và tiết kiệm, giữ tốt trật tự an ninh, xây dựng thuần phong mỹ tục, tăng cường tình đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc, tôn giáo.

Tới thăm các công trường cầu Làng Giàng, Nhà máy điện Lào Cai và mỏ apatít, Người đều đi xem chỗ làm việc, nơi ăn, ở của công nhân, khuyên cán bộ và công nhân đoàn kết, giữ vững kỷ luật lao động, quý trọng của công, cố gắng học tập chính trị và kỹ thuật để có trình độ tham gia thật sự vào công việc quản lý xí nghiệp.

- Chúng ta có Bác Hồ, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1970, t.1, tr. 116.

- Báo Nhân dân, số 1658, ngày 27-9-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 226-228.

- Tài liệu lưu Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

Tháng 9, ngày 26

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị bàn về Kế hoạch sản xuất vụ đông - xuân năm 1958-1959.

Người đề ra những nhiệm vụ cho các địa phương cần phải làm để thực hiện tốt vụ chiêm năm 1958 và chỉ thị: trước tiên, cán bộ phải thật thông tư tưởng và có đầy đủ quyết tâm, vượt khó khăn, đi sát quần chúng, tuyên truyền giáo dục nhân dân để biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của nhân dân. Từ tỉnh đến huyện, cán bộ phải phân công xuống tận nơi theo dõi xem xét để phát huy những sáng tạo của quần chúng.

- Báo Nhân dân, số 1659, ngày 28-9-1958.

Tháng 9, ngày 27

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Thủ tướng Chính phủ lâm thời nước Cộng hòa Angiêri Phera Ápba nhân dịp Chính phủ lâm thời nước Cộng hòa Angiêri thành lập, “chúc các bạn thắng lợi lớn trong cuộc đấu tranh cho nền độc lập dân tộc”.

Tối, tại Câu lạc bộ Thiếu niên, Người vui Tết Trung thu với thiếu nhi Việt Nam và thiếu nhi các nước bạn.

- Báo Nhân dân, số 1659, ngày 28-9-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 229.

Tháng 9, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Tết Trung thu của các cháu thiếu niên miền Nam tổ chức tại Câu lạc bộ Thống Nhất, Hà Nội.

- Báo Nhân dân, số 1660, ngày 29-9-1958.

Tháng 9, ngày 29

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

- Báo Nhân dân, số 1662, ngày 1-10-1958.

Tháng 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm đền Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).

- Thành ủy Hà Nội - Ban Tuyên giáo: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội - Biên niên sự kiện (1945-1969), Nxb. Hà Nội, 2000, tr. 181.

Tháng 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lớp bình dân học vụ ở trường Trí Tri (Hàng Quạt). Người hỏi thăm việc học tập của học viên và cách giảng dạy của giáo viên để rút kinh nghiệm sao cho việc giảng dạy đạt hiệu quả tốt hơn. Người động viên mọi người cố gắng học tập tiến bộ và hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xây dựng Thủ đô.

- Thành ủy Hà Nội - Ban Tuyên giáo: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội - Biên niên sự kiện (1945-1969), Nxb. Hà Nội, 2000, tr. 181.

Tháng 9

Tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam (Việt Nam đấu tranh) được xuất bản tại Giacácta (Inđônêxia).

Mở đầu, tác giả đề cập: “Lần đầu tiên trong lịch sử, vấn đề dân tộc đã được giải quyết cặn kẽ, theo những nguyên tắc của chủ nghĩa mácxít lêninnít bởi giai cấp công nhân toàn thắng” và khẳng định: “Công việc giải phóng dân tộc của những nước bị áp bức đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của cách mạng chống đế quốc”.

Trên cơ sở phân tích các vấn đề cơ bản của cuộc cách mạng: Ba nguyên tắc, Mặt trận dân tộc, Khích động ở phương Đông, Đường lối đến thắng lợi, tác giả tóm lược các vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Cuối cùng, tác giả khẳng định: lý thuyết mácxít lêninnít về vấn đề dân tộc là đúng, "một cuộc cách mạng dân tộc nếu muốn thành công phải:

- Đặt cơ sở ở mặt trận dân tộc thật rộng rãi chống chủ nghĩa đế quốc;

- Giải quyết vấn đề ruộng đất;

- Tổ chức quân đội nhân dân;

- Tranh thủ sự ủng hộ và đồng tình của nhân dân và tầng lớp vô sản ở các nước khác;

- Lãnh đạo bởi Đảng của giai cấp công nhân.

"Trước hết lực lượng vô sản như tình nguyện quân, rồi đến lực lượng của khối người lao động ở khắp các nước trên thế giới, liên kết lại, như thế thắng lợi cuối cùng không còn là chuyện nghi ngờ nữa".

- Tư liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

- Sách in tại Inđônêxia.

Tháng 10, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu các dân tộc Khu tự trị Thái - Mèo nhân dịp Đoàn về thăm Thủ đô.

Cùng ngày, Người dự tiệc chiêu đãi của Đại sứ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc.

- Báo Nhân dân, số 1663, ngày 2-10-1958 và số 1665, ngày 4-10-1958.

Tháng 10, ngày 3

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo Angiêri Malếch Riđa tới chào Người trước khi về nước.

- Báo Nhân dân, số 1665, ngày 4-10-1958.

Tháng 10, trước ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Đức.

- Báo Nhân dân, số 1668, ngày 7-10-1958.

Tháng 10, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu của Người cho ông Lý Văn Mèo - Người Mán quần trắng, ở xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình (Yên Bái) và năm chiến sĩ quân đội thuộc đơn vị bảo vệ Hà Nội, Nông trường X, Bệnh viện K71 nhặt được của rơi đã nộp công an trả cho người mất.

- Báo Nhân dân, số 1670, ngày 9-10-1958.

Tháng 10, ngày 8

Sáng, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Hội Liên hiệp sinh viên Quốc tế trước khi Đoàn kết thúc chuyến thăm Việt Nam.

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cải tiến việc quản lý xí nghiệp, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1669, nêu rõ tầm quan trọng của việc cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp trong việc thúc đẩy sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước.

Cùng ngày, Người gửi tặng huy hiệu cho gia đình cụ Trần Văn Ngung (khu Dư Hàng - Hải Phòng), bà Chư (Quảng Oai, Sơn Tây) và anh Trần Quốc Bột (Phương Hưng, Hải Dương) có nhiều thành tích trong công tác bình dân học vụ và sản xuất ở địa phương.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 87/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng bào và cán bộ tỉnh Ninh Bình đã căn bản hoàn thành thanh toán nạn mù chữ đầu tiên trong các tỉnh miền Bắc.

- Báo Nhân dân, số 1669, ngày 8-10-1958 và số 1670, ngày 9-10-1958.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.230-233.

Tháng 10, ngày 9

Trong bài Nước Pháp có nội chiến to, ký bút danh T.L., đăng trên báo Nhân dân, số 1670, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên án cuộc chiến tranh tái chiếm thuộc địa Angiêri và chỉ rõ: “Ngày nay, đối với vấn đề Angiêri, thực dân Pháp chỉ có một lối ra: hoặc là đàm phán với Chính phủ nước Cộng hòa Angiêri để chấm dứt chiến tranh, hoặc là nhờ một Điện Biên Phủ mới ở Maghreb 4) giải quyết. Bằng cách này hoặc cách khác, chắc rằng nhân dân Pháp đều hoan nghênh”.

18 giờ 30, Người dự buổi gặp mặt thân mật giữa Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng và Ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Đoàn đại biểu Quốc hội Bungari đang ở thăm Việt Nam.

Cùng ngày, Người gửi điện mừng Tổng thống Xêcu Turê nhân ngày thành lập nước Cộng hòa Ghinê.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 88/SL, cho phép ông Nguyễn Năng Hách được từ chức Chủ tịch Uỷ ban hành chính Khu Tả Ngạn để nhận công tác khác.

- Báo Nhân dân, số 1670, ngày 9-10-1958 và số 1671, ngày 10-10-1958.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 10, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn việc thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước, thảo luận về tình hình lương thực, thực phẩm và chế độ cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân. Về vấn đề thành lập Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Người đề nghị phải “Có ban trù bị để trưng cầu ý kiến các nhà khoa học về chức năng cơ cấu, tổ chức của Ủy ban. Ban này sẽ do đồng chí Trường Chinh làm trưởng ban và đồng chí Tạ Quang Bửu làm thư ký”.

Về vấn đề về lương thực, Người nói: “Một số nơi nông dân phải bán lúa non. Vậy ngân hàng một mặt phải cho vay, một mặt ta phải cấm bán lúa non. Cần phải đơn giản thủ tục cho vay. Công tác thu mua của mậu dịch quốc doanh cần cải tiến, không nên để dân phải chờ lâu. Chính quyền địa phương phải kết hợp cùng làm. Thái độ của mậu dịch viên cũng làm nông dân bất bình, vì vậy phải chỉnh huấn cán bộ mậu dịch. Phải nghiêm cấm những hành động mua rẻ, cân hụt làm thiệt hại cho nhân dân. Giáo dục cho cán bộ mậu dịch phải đi đúng đường lối quần chúng. Bộ Chính trị và Chính phủ phải có chính sách giá cả phù hợp. Chính sách cho vay nên đơn giản, thuận tiện. Vấn đề chủ yếu là Nhà nước khỏi lỗ mà dân không thiệt”...

 - Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 10, ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị nữ thanh niên Thủ đô lần thứ nhất.

Người căn dặn: “Nữ thanh niên cần phải gương mẫu, làm đầu tàu, ra sức thi đua với nam giới. Trong vấn đề luyến ái nên chính đáng, trong sạch, chớ mơ mộng, ảnh hưởng không tốt đến công tác, học tập. Cần chống các tập quán cũ như tảo hôn, cưới xin xa xỉ”.

Cùng ngày, trong bài Phải thi đua chống hạn, diệt sâu để nắm chắc vụ mùa thắng lợi, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1672, Người vạch rõ một số nơi còn mắc khuyết điểm chủ quan, mê tín trong việc chống hạn, trừ sâu và căn dặn mọi người “chịu khó phấn đấu một tháng, thì sẽ no ấm sung sướng suốt năm”.

Trong ngày, Người đến thăm triển lãm những thành tích “phong trào nhảy vọt” xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc được tổ chức tại Hà Nội.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 33.

- Báo Nhân dân, số 1672, ngày 11-10-1958 và số 1673, ngày 12-10-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.235-236.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 212.

Tháng 10, ngày 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã nông nghiệp Đại Từ, xã Đại Kim, quận 75) (Hà Nội). Người vào thăm nhà một số xã viên, nghe Ban chi ủy xã và Ban quản trị hợp tác xã báo cáo tình hình vụ mùa và chuẩn bị làm vụ chiêm, sau đó gặp gỡ và nói chuyện với bà con xã viên.

Người động viên đồng bào cố gắng sản xuất cho tốt và hẹn: “Hợp tác xã phấn đấu đưa lúa chiêm lên hai tấn rưỡi một hécta thì Bác sẽ về ăn cơm chiêm với bà con”.

Trời mưa to, Người vẫn đi thăm lúa ở cánh đồng Cây Quýt.

Cùng ngày, bài viết của Người: Con cọp giấy đế quốc Mỹ, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1673. Tác giả đưa ra những căn cứ để nhận xét rằng: “đế quốc Mỹ chắc không dám tự đâm đầu vào cái hố diệt vong”, nhưng vẫn chủ trương thi hành chính sách “bên miệng hố chiến tranh”, ấy là vì tác giả mượn lời giải thích của nhà văn Mỹ nổi tiếng Ốptơn Xinkle - “Mỹ sống trên một nền kinh tế chiến tranh” và nếu thực sự có hòa bình thì “kinh tế Mỹ sẽ đổ nát như một lâu đài bằng giấy”.

Bài báo kết luận: “Nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới (gồm cả nhân dân Mỹ) đoàn kết phấn đấu, thì con hổ giấy đế quốc Mỹ sẽ bị xé toang”.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 33.

- Báo Nhân dân, số 1673, ngày 12-10-1958.

Tháng 10, ngày 13

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam tiếp và hội đàm với các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Bungari trong Đoàn đại biểu Quốc hội Bungari.

Tối, Người đến dự tiệc chiêu đãi theo lời mời của ông Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Bungari.

- Báo Nhân dân, số 1675, ngày 14-10-1958.

Tháng 10, ngày 15

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm công trường thanh niên trên đường Cổ Ngư 6) (Hà Nội) giữa lúc trên 900 học sinh các Trường phổ thông cấp III Trưng Vương, Nguyễn Trãi, Chu Văn An và trung học Trung Hoa đang tham gia lao động.

Sau khi đi xem các nơi làm việc, Người nói với học sinh:

“Các cháu tham gia lao động xây dựng Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... như thế là rất tốt. Bác chúc các cháu mạnh khỏe, tiến bộ, cố gắng lao động thật tốt để giành được vinh dự cho việc đặt tên đường này là đường Thanh Niên”.

Trong ngày, tại Phủ Chủ tịch, Người tiếp ông E. Uăngđi - Phó Chủ tịch Liên minh nhân dân Camơrun đến chào Người.

Cùng ngày, bài viết của Người: Chuyện mới lạ ở Trung Quốc, ký bút danh L.T., đăng báo Nhân dân, số 1676, kể về một “chuyện lạ”: công nhân Trung Quốc do hiểu rằng mình là chủ có trách nhiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng nước nhà, nên đã tự nguyện yêu cầu bỏ chế độ lĩnh thêm tiền tăng năng suất. Giới trí thức Trung Quốc cũng đã có hành động hưởng ứng.

- Báo Nhân dân, số 1676, ngày 15-10-1958 và số 1677, ngày 16-10-1958.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 34.

Tháng 10, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng ngày sinh lần thứ 50 của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Anbani - Ăngve Hốtgia.

- Báo Nhân dân, số 1684, ngày 23-10-1958.

Tháng 10, trước ngày 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một số công trường thủy lợi loại vừa ở Bắc Ninh và lần thứ hai đến Công trường thủy lợi lớn Bắc - Hưng - Hải.

Người đi bộ dọc theo con kênh đang đào thuộc hai huyện Gia Lương, Thuận Thành (Bắc Ninh), đến tận nơi thăm hỏi dân công đang lao động.

Tới cống sông Đình Dù, nơi tập trung đông đảo cán bộ và dân công hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, Người nói chuyện và khen ngợi những đơn vị, cá nhân có thành tích thi đua; cám ơn các cụ và đồng bào địa phương đã tận tình giúp đỡ nơi ăn, chốn ở, lại luôn luôn đến thăm hỏi động viên dân công và căn dặn mọi người phải tổ chức lao động cho tốt, phải thi đua và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Sau đó, Người thưởng huy hiệu cho các đơn vị và cá nhân có thành tích và gửi lại một số huy hiệu dành cho đợt sơ kết thi đua cuối tháng.

Tại công trường thủy lợi Bắc - Hưng - Hải, mặc dù trời mưa nặng hạt, đường lầy lội, Chủ tịch vẫn đến thăm anh chị em dân công đang đào kênh dẫn phía ngoài cống Xuân Quan. Nói chuyện với ngót ba vạn dân công, công nhân, cán bộ trên công trường qua loa phóng thanh, Người nhấn mạnh: “Việc xây dựng công trường đại thủy lợi Bắc - Hưng - Hải là một chiến dịch. Trong chiến dịch này, ta phải có tinh thần quyết chiến quyết thắng. Các đảng viên, đoàn viên, thanh niên, công nhân, cán bộ phải làm gương mẫu. Phải cố gắng làm thế nào đảm bảo có đủ nước cho vụ chiêm sắp tới được thắng lợi, đem lại no ấm cho đồng bào”.

- Báo Nhân dân, số 1679, ngày 18-10-1958.

Tháng 10, ngày 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Hội nghị phụ nữ lao động tích cực của Thủ đô.

Nói chuyện với các đại biểu, Người căn dặn: “Chị em phụ nữ cố gắng thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc. Phụ nữ công nhân cần tích cực tham gia quản lý thật tốt nhà máy, công trường. Phụ nữ nông dân cần hăng hái tham gia phong trào tổ đổi công, hợp tác... Các tầng lớp phụ nữ ở thành phố cần chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Chính phủ... Chị em phụ nữ phải hết sức chăm lo bảo vệ sức khỏe của con cái, vì thiếu nhi là tương lai của dân tộc”.

Cùng ngày, Người gửi tặng huy hiệu của Người cho các chị Lê Thị Khoa (xã Sông Lô, huyện Hạc Trì, Phú Thọ), Nguyễn Thị Hiếu (xã Nghi Thanh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), Trần Thị Ngọc (công nhân cảng Hải Phòng) và em Hoàng Văn Lùm (8 tuổi, xã Đông Phương, huyện Đông Quan, Thái Bình) về thành tích diệt giặc dốt và tinh thần tích cực bảo vệ của công.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 238.

- Báo Nhân dân, số 1680, ngày 19-10-1958.

Tháng 10, ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm đồng bào và cán bộ các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Trên đường đi, Người ghé thăm sư đoàn bộ đội miền Nam tập kết đóng ở Lương Sơn và tập đoàn sản xuất tiên tiến Chí Hòa thuộc Liên đoàn sản xuất của anh chị em miền Nam.

Tại Trường cán bộ hợp tác xã nông nghiệp của Tỉnh ở Bến Ngọc (Kỳ Sơn), Người gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, bộ đội, bà con các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Người khen ngợi những thành tích của Hòa Bình trong kháng chiến và từ ngày hòa bình lập lại, chỉ rõ những khuyết điểm trong sản xuất, trong cán bộ, trong nhân dân và nêu những nhiệm vụ cụ thể mọi người cần thực hiện để Hòa Bình “trực tiếp tham gia một cách thiết thực xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, thiết thực đấu tranh thống nhất nước nhà”.

Dọc đường về, Người nghỉ chân ăn cơm trưa bên một gốc cây lớn ở ven bờ suối Bãi Nai, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn).

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 239-243.

- Tỉnh ủy Hà Sơn Bình: Bác Hồ với Hà Sơn Bình, 1990, tr. 146-147.

Tháng 10, khoảng giữa tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi huy hiệu của Người tặng hai đồng chí Đinh Rếu và Đinh Rếp thuộc đơn vị Tây Nguyên và các thủy thủ tàu 512 đã nêu gương tốt trong việc giúp đỡ nhân dân.

- Báo Quân đội nhân dân, số 492, ngày 21-10-1958.

Tháng 10, ngày 20

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị kiểm điểm tình hình làm mùa và chuẩn bị sản xuất vụ đông - xuân.

Một lần nữa, Người căn dặn các đại biểu phải tin tưởng vào quần chúng, phải có quyết tâm vì “tư tưởng càng thông thì sản xuất càng nhiều, chưa có biện pháp thì sẽ tìm ra biện pháp” và nhấn mạnh: “Muốn nắm chắc việc tăng năng suất lúa, màu thì phải tích cực phát triển và củng cố phong trào đổi công hợp tác, để dựa trên cơ sở mà thực hiện cải tiến kỹ thuật canh tác”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 89/SL, tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho gia đình cụ Trần Thị Sáng ở xã Trạch Mỹ, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) có bốn con và một cháu tòng quân.

- Báo Nhân dân, số 1682, ngày 21-10-1958.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 10, ngày 21

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tên lửa bắn máy bay, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Quân đội nhân dân, số 492, giới thiệu sơ lược về hai tên lửa bắn máy bay “đất đối không” và “không đối không”. Bài báo nhấn mạnh: “Tên lửa là một vũ khí rất lợi hại, nhất là khi nó mang đầu đạn nguyên tử... Vì lợi ích của đông đảo nhân dân, chúng ta rất không muốn xảy ra những cuộc chiến tranh có vũ khí tên lửa và nguyên tử”.

- Báo Quân đội nhân dân, số 492, ngày 21-10-1958.

Tháng 10, ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu của Người cho các bà Nguyễn Thị Thảo (xã La Hiên, Võ Nhai, Thái Nguyên), Phạm Thị Miên (khu Hàng Đào, Hà Nội), Nguyễn Thị Thành (khu Bạch Mai, Hà Nội) về thành tích diệt giặc dốt và bà Toàn (chợ Thống Nhất, Hải Phòng), chị Võ Bích Hương (Cửa hàng bách hóa, 40 Tràng Tiền, Hà Nội) nhặt được của rơi đã trả lại cho những người mất. Người còn gửi huy hiệu tặng cụ Triệu Văn Bính, người Mán (Bảo Hà, Yên Bái), tổ công nhân bốc vác Phà Đen (Hà Nội) và hai công nhân mỏ Hồng Quảng đã dũng cảm cứu người và tài sản của Nhà nước.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 90/SL cho phép ông Trần Cung được từ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính Khu Tả Ngạn để nhận công tác khác.

- Báo Nhân dân, số 1685, ngày 24-10-1958 và số 1686, ngày 25-10-1958.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 10, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Ban Bí thư nghe Đoàn cán bộ Hà Nội, Hải Phòng báo cáo về chuyến đi tham quan Quảng Châu (Trung Quốc) và kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương. Người nhắc nhở “Hà Nội chú ý sửa lối nói thật to mà không chu đáo. Chú ý làm vài cái thật tốt, làm nhiều, nói đúng mức...” và chỉ thị phải củng cố các tổ chức quần chúng, chi bộ, lấy dân làm cơ sở đẩy mạnh mọi việc...

 - Biên bản cuộc họp Ban Bí thư, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 10, ngày 24

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về tình hình lãng phí ở Bộ Giao thông - Bưu điện. Sau khi nghe báo cáo, Người phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí chủ yếu là do lãnh đạo thiếu đoàn kết, thiếu tinh thần trách nhiệm với Đảng, với Nhà nước, với dân và góp ý kiến về biện pháp sửa chữa. Người yêu cầu phải chú ý kiểm tra vấn đề lãnh đạo trong các Bộ để đến phiên họp Hội đồng Chính phủ tháng 12 sẽ đưa vấn đề này ra bàn.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 10, ngày 25

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Từ sáu, bảy tuổi đến bảy, tám mươi tuổi, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1686, kể chuyện về Trung Quốc: Phong trào thi đua sản xuất ở nước này đã lôi cuốn toàn Đảng, toàn dân tham gia, kể từ người tuổi đã bảy, tám mươi đến các em nhỏ mới sáu, bảy tuổi, thậm chí cả những người thương binh hạng nặng. Khẩu hiệu của họ là: Cố gắng tham gia sản xuất vì chủ nghĩa xã hội.

- Báo Nhân dân, số 1686, ngày 25-10-1958.

Tháng 10, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Thái Bình. Sau khi gặp Ủy ban hành chính tỉnh và Tỉnh ủy, hỏi thăm các chuyên gia Trung Quốc đang làm việc tại Công trường nhà máy xay, Người tới dự Đại hội sản xuất đông - xuân của tỉnh.

Tại sân vận động thị xã, nói chuyện trước bốn vạn đại biểu nhân dân từ cấp xã, Người nêu rõ những việc cần thực hiện và những biện pháp cụ thể để Thái Bình giành vụ đông - xuân thắng lợi.

Tối, Người mở tiệc chiêu đãi Đoàn đại biểu Quân đội Anbani trước khi Đoàn về nước. Trong số quà tặng Đoàn có một củ sắn rất to của nông dân Thái Bình mới biếu Người.

- Báo Nhân dân, số 1688, ngày 27-10-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 244-247.

- Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Thái Bình: Thái Bình năm lần đón Bác, 1970, tr. 46-50.

Tháng 10, ngày 27

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn chuyên gia Y tế Bungari trước khi Đoàn về nước.

Cùng ngày, Người tiếp Đoàn đại biểu các dân tộc tỉnh Hải Ninh7) và khu Hồng Quảng (gồm tỉnh Quảng Yên và Khu Hồng Gai cũ)8) nhân dịp Đoàn về thăm Thủ đô. Nói chuyện thân mật với các đại biểu, Người căn dặn mọi người phải tăng cường đoàn kết, hăng hái thi đua sản xuất, tiết kiệm, cảnh giác với âm mưu chia rẽ phá hoại của bọn tay sai Mỹ - Diệm.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị tiếp tục thảo luận nhiệm vụ Kế hoạch Nhà nước ba năm phần xây dựng kinh tế. Phát biểu tại cuộc họp, Người lưu ý phải làm rõ mục đích phát triển kinh tế của ta khác với chủ nghĩa tư bản để quần chúng và cán bộ phấn khởi, kiên quyết thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế. Người nhắc nhở việc làm kế hoạch cũng phải xem xét thiên thời, địa lợi, nhân hòa...

- Báo Nhân dân, số 1689, ngày 28-10-1958.

- Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Quảng Ninh: Bác Hồ với công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh, 1971, tr. 10.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 10, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn vấn đề tài chính, giá cả và thương nghiệp quốc doanh. Người phát biểu nhấn mạnh tính phức tạp của thương nghiệp là hàng ngày động chạm đến quyền lợi của nhân dân và chỉ rõ: Công tác thương nghiệp tuy có thành tích nhưng khuyết điểm cũng nghiêm trọng. Không được xem nhẹ chính sách về giá cả và ổn định giá cả, phải đẩy mạnh việc chống tham ô, lãng phí, phải củng cố các chi bộ cơ sở. Người nhắc nhở công tác xây dựng kế hoạch tài chính phải dựa trên cơ sở nguồn vốn tự có trong ngân sách, không thể làm tùy tiện và phải chú ý thực hành tiết kiệm ở tất cả các ngành.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu của Người cho cụ Bùi Văn Ích (xã Đại Đồng, Yên Bình, Yên Bái), cụ Lồng In Hối và con là Lồng Xướng Thai (xã Cô Tô, đảo Cô Tô, Quảng Ninh), em Lý Thị Xua (xã Sín Chải, châu Tủa Chùa, Khu tự trị Thái - Mèo), anh Nguyễn Trung Kiên (công nhân ngành giao thông đường bộ Thái Nguyên), anh Lương Văn Ngoi (bản Hoài Pha, châu Điện Biên, Khu tự trị Thái - Mèo), Đội 68 của Nông trường quân đội Mộc Châu và ba nông trường viên, vì những thành tích trong sản xuất, công tác và học tập.

Cùng ngày, bài viết của Người: Vài khả năng mới của tàu ngầm, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Quân đội nhân dân, số 495, giới thiệu về sức mạnh và khả năng tác chiến của các loại tàu ngầm hiện nay.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Báo Nhân dân, số 1690, ngày 29-10-1958.

- Báo Quân đội nhân dân, số 495, ngày 28-10-1958.

Tháng 10, ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ văn hóa. Người nêu một số ý kiến về vấn đề khôi phục vốn cũ, mục tiêu phục vụ của văn hóa, các mối quan hệ hồng - chuyên, quần chúng với sáng tác, quan hệ giữa phổ biến và nâng cao mối quan hệ giữa người làm văn hóa với thực tế... để Hội nghị thảo luận.

Cùng ngày, Người tới thăm Trường mỹ nghệ Việt Nam. Căn dặn học sinh nhà trường, Người nói: “Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là phải vì tất cả mọi người trong xã hội mà làm việc mà phục vụ, bởi vì xã hội đã nuôi dạy mình. Thế là “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Phải toàn tâm, toàn ý phục vụ chủ nghĩa xã hội. Đó là bên sáng.

Bên tối là tư tưởng cá nhân chủ nghĩa với những biến chứng như quan liêu, lãng phí, tham ô, v.v... Hai bên bao giờ cũng xung đột nhau, một mất một còn. Phải trau dồi tư tưởng xã hội chủ nghĩa, gột rửa tư tưởng cá nhân chủ nghĩa đến khi nào bên sáng thắng hẳn bên tối”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 248-251.

- Báo Nhân dân, số 1692, ngày 31-10-1958.

Tháng 10, ngày 31

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đế quốc Mỹ lại thất bại lần nữa, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1692, điểm lại những thất bại của đế quốc Mỹ trong mười ba năm qua ở châu Á, châu Phi và hiện tại đang đứng trước một phong trào chống đế quốc đang diễn ra sôi nổi mạnh mẽ ở khu vực Nam Mỹ.

Bài báo kết luận: “Chủ nghĩa đế quốc nói chung, đế quốc Mỹ nói riêng, và bè lũ tay sai của chúng đang lăn xuống dốc, nhưng chúng chưa rơi đến đáy hố. Trước khi thất bại hoàn toàn, chúng còn có thể gây tai họa. Vì vậy, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới không chủ quan khinh địch; mà phải luôn luôn cảnh giác, tiếp tục đoàn kết đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng”.

- Báo Nhân dân, số 1692, ngày 31-10-1958.

Tháng 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu của Người cho sáu cán bộ và chiến sĩ thuộc các đơn vị K71, Cục hàng không dân dụng, Đơn vị bảo vệ Thủ đô, Nông trường Tây Bắc và Nông trường Điện Biên Phủ, vì đã nêu gương tốt trong việc giúp đỡ đồng bào, trả lại của rơi nhặt được.

- Báo Quân đội nhân dân, số 490, từ ngày 14 đến ngày 16-10-1958.

Tháng 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu của Người cho sáu cán bộ và chiến sĩ của hai nông trường Đ. và V. vì đã lập được nhiều thành tích trong “phong trào tiến nhanh” của đơn vị.

- Báo Quân đội nhân dân, số 491, từ ngày 17 đến ngày 20-11-1958.

Tháng 11, ngày 2

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhất nước nhì phân, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1694, nhắc nhở cán bộ và nhân dân các địa phương cần chú ý ngay vấn đề giữ nước để làm vụ chiêm - xuân sắp tới và đề ra một số biện pháp cụ thể.

- Báo Nhân dân, số 1694, ngày 2-11-1958.

Tháng 11, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu của Người cho bà Trần Thị Đậu, nhân viên Cửa hàng Ngũ Kim Hà Nội, đã nêu gương tiết kiệm của công.

- Báo Nhân dân, số 1698, ngày 6-11-1958.

Tháng 11, ngày 5

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với ông Hội trưởng Hội hữu nghị Xrilanca -Trung Quốc, nhân dịp ông sang thăm Việt Nam.

Cùng ngày, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 41 cuộc Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam, Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi điện chúc mừng tới các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô.

Bức điện có đoạn: “Những thành tựu to lớn của Liên Xô về mọi mặt: công nghiệp, nông nghiệp, khoa học, văn hóa, cải thiện không ngừng đời sống của nhân dân, chứng minh sự đúng đắn của học thuyết Mác - Lênin, của con đường mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra. Nó khuyến khích nhân dân lao động toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đấu tranh tự giải phóng, vững tin ở con đường duy nhất đúng của Cách mạng Tháng Mười”.

- Báo Nhân dân, số 1698, ngày 6-11-1958 và số 1699, ngày 7-11-1958.

Tháng 11, ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn kế hoạch kiến thiết cơ bản. Sau khi nghe trình bày, Người nhất trí với quyết tâm thực hiện kế hoạch và lưu ý: “Kế hoạch có phần còn chủ quan, chưa lường hết khó khăn”... Phải có kế hoạch vận động chính trị để bảo đảm kế hoạch này.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Chúc mừng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1698.

Bài viết điểm lại những thành tựu to lớn của nhân dân Liên Xô về các mặt kinh tế, quân sự, văn hóa xã hội, giáo dục... trong 41 năm qua kể từ sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã biến đổi đất nước Liên Xô “từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh vào hạng nhất trên thế giới”, nhấn mạnh ảnh hưởng sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười đối với tiến trình cách mạng vô sản thế giới và cách mạng Việt Nam.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Báo Nhân dân, số 1698, ngày 6-11-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.9, tr. 252-260.

Tháng 11, ngày 7

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc của Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 41 năm Cách mạng Tháng Mười.

- Báo Nhân dân, số 1700, ngày 8-11-1958.

Tháng 11, ngày 8

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp hai nghệ sĩ tạo hình Cộng hòa Dân chủ Đức sang Việt Nam xin họa chân dung Người.

19 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân viên Nhà máy điện Hà Nội về mục đích, ý nghĩa của chủ trương phát động công nhân nên tổ chức tham gia cải tiến quản lý xí nghiệp. Người nói: “Quản lý xí nghiệp nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Muốn tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm thì phải quản lý tốt. Muốn quản lý tốt thì cán bộ và công nhân phải thông suốt tư tưởng, phải có thái độ làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp”. Người căn dặn: “Lãnh đạo phát động quần chúng phải thiết thực, sâu rộng, tránh tình trạng chỉ chú ý hình thức, học tập phải kết hợp với sản xuất và thực hành tiết kiệm; phải khuyến khích và coi trọng ý kiến, sáng kiến của công nhân, cái gì cần sửa phải sửa ngay, cái gì cần phải có thời gian và kế hoạch nghiên cứu thì phải nói cho công nhân hiểu và quyết tâm làm đúng.

- Báo Nhân dân, số 1702, ngày 10-11-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 9, tr. 261.

-  Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 275.

Tháng 11, ngày 9

Nhân dịp kỷ niệm ngày Độc lập của Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Quốc vương Nôrôđôm Xuramarít và Hoàng hậu Cốtxamắc Nêarinrêát, “chúc tình hữu nghị sẵn có giữa hai dân tộc Việt Nam và Khơme ngày càng củng cố và phát triển”.

- Báo Nhân dân, số 1701, ngày 9-11-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 262.

Tháng 11, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu của Người cho anh Lìu Xín Phù, dân tộc Xạ Phang, xã Thống Nhất, tỉnh Lào Cai, đã mạnh dạn phá bỏ tục lệ mê tín của gia đình và địa phương để áp dụng những kỹ thuật trồng trọt mới, đạt được năng suất lúa cao.

- Báo Nhân dân, số 1704, ngày 12-11-1958.

Tháng 11, ngày 11

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp hai nhà văn Xênêgan Magiơmút Điốp và Sênbên Ôxman đến chào Người.

Cùng ngày, bài viết của Người: Mấy nhược điểm của tên lửa Rắn đuôi kêu của Mỹ, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Quân đội nhân dân, số 501. Dựa theo tài liệu của báo chí nước ngoài, bài báo chỉ ra những nhược điểm của loại tên lửa này.

- Báo Nhân dân, số 1704, ngày 12-11-1958.

- Báo Quân đội nhân dân, số 501, ngày 11-11-1958.

Tháng 11, từ ngày 13 đến ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự một số phiên họp của Hội nghị lần thứ 14 (mở rộng) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) bàn về tình hình, nhiệm vụ và Kế hoạch Nhà nước ba năm (1958-1960).

Người đọc lời khai mạc Hội nghị, biểu dương các đơn vị có thành tích hoàn thành kế hoạch Nhà nước trước thời hạn và nhắc nhở lãnh đạo các địa phương phải chú trọng công tác thủy lợi nhiều hơn nữa; các cấp, các ngành phải đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục chính trị, văn hóa, thi đua thực hành tiết kiệm.

Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 11, trước ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 69 ngày sinh của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ J. Nêru.

 - Báo Nhân dân, số 1706, ngày 14-11-1958.

Tháng 11, ngày 14

 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu của Người cho cán bộ Rạp chiếu bóng Tháng Tám và năm người khác ở Hà Nội nhặt được của rơi đem nộp chính quyền địa phương để trả lại người mất.

 - Báo Nhân dân, số 1707, ngày 15-11-1958.

Tháng 11, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về chính sách thu mua nông, lâm sản.

Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật Đoàn nghệ thuật Triều Tiên đến chào Người.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Báo Nhân dân, số 1709, ngày 17-11-1958.

Tháng 11, ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu của Người cho em Nguyễn Phi Long (học sinh lớp 4, Trường phổ thông cấp I xã Nam Yên, Nam Đàn, Nghệ An) và các ông Triệu Tiến Bê (dân tộc Mán, bản Na Bà, xã Phương Giao, Võ Nhai, Thái Nguyên), Nguyễn Văn Nghìn (xã Giới Phiên, Trấn Yên, Yên Bái), Dương Văn Phòng (xã Xuân Hòa, Hà Quảng, Cao Bằng) về thành tích diệt giặc dốt, sản xuất, làm phân và cải tiến công cụ.

- Báo Nhân dân, số 1711, ngày 19-11-1958.

Tháng 11, ngày 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: “Chiến tranh bằng điện trên không, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Quân đội nhân dân, số 504, giới thiệu về vai trò quan trọng của rađa trong chiến tranh, đồng thời cũng chỉ ra những nhược điểm của loại vũ khí hiện đại này mà đối phương có thể lợi dụng được.

- Báo Quân đội nhân dân, số 504, ngày 18-11-1958.

Tháng 11, ngày 20

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường cán bộ Công đoàn. Nói chuyện với cán bộ, học viên của Trường, Người chỉ rõ: “Muốn phát động quần chúng cho tốt thì trước hết cán bộ công đoàn phải gương mẫu, phải được phát động trước thì công nhân mới động... Phải tin vào sáng kiến và lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, nếu không thì phát mấy cũng không động”.

Cùng ngày, Người tiếp Đoàn bóng đá công an Triều Tiên đến chào từ biệt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 34.

-  Báo Nhân dân, số 1713, ngày 21-11-1958.

Tháng 11, ngày 21

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Kinh nghiệm hợp tác hóa nông nghiệp ở Bắc Triều Tiên9), ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1713, giới thiệu những biến đổi về kinh tế nông thôn ở Bắc Triều Tiên trong quá trình hợp tác hóa nông nghiệp và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học tập được. Bài báo có đoạn: “Hợp tác hóa nông nghiệp là bước cách mạng thứ hai, cho nên sử dụng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau để nhằm mục đích khuyến khích tinh thần hăng hái sản xuất của xã viên”.

Cùng ngày, Người đến viếng bác sĩ Hoàng Tích Trí - đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế, mới từ trần.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Hội phụ nữ Trung Quốc do đồng chí Trương Khiếm dẫn đầu sang thăm Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 1713, ngày 21-11-1958, số 1715, ngày 23-11-1958 và số 1716, ngày 24-11-1958.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 212.

Tháng 11, ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 91/SL, truy tặng bác sĩ Hoàng Tích Trí, đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế, Huân chương Độc lập hạng Nhất vì những đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển ngành y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, luôn luôn nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, trung thành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 11, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn vấn đề kiện toàn tổ chức Ban Bí thư và phân công lãnh đạo trong Bộ Chính trị. Người nêu rõ: “Bộ Chính trị là tổ chức giải quyết những vấn đề về đường lối chính sách. Ban Bí thư là tổ chức chỉ đạo thực hiện, còn Thường trực Ban Bí thư trực tiếp giải quyết công việc hàng ngày, tiếp hẹn với các ngành và địa phương”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm hợp tác xã Quán La, xã Xuân La, quận 5 (nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội). Người ra tận cánh đồng Ván gặp gỡ, trò chuyện với bà con nông dân đang thu hoạch vụ lúa mùa thắng lợi đầu tiên của Kế hoạch ba năm phát triển kinh tế và đang tích cực chuẩn bị làm vụ đông - xuân tới.

Người còn đến thăm Tiểu đoàn 75 đóng tại pháo đài xã Xuân Tảo 10) và tiếp Đoàn đại biểu các dân tộc khu Lao - Hà – Yên11)  nhân dịp Đoàn về thăm Thủ đô.

- Biên bản cuộc họp Ban Bí thư, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 34.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 9, tr. 263-264.

Tháng 11, trước ngày 24

Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định gửi 200.000 riên12) giúp những Việt kiều và người Campuchia bị thiệt hại trong vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu Rútxâykeo ở Phnômpênh (Campuchia).

- Báo Nhân dân, số 1716, ngày 24-11-1958.

Tháng 11, ngày 24

Bài Một kế hoạch phi thường, vĩ đại, ký bút danh T.L., của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng báo Nhân dân, số 1716, giới thiệu về kế hoạch bảy năm (1959 - 1965) của Liên Xô. Tác giả tin chắc những chỉ tiêu phấn đấu khổng lồ nêu ra trong kế hoạch sẽ làm cho nhân dân lao động thế giới vô cùng phấn khởi và giai cấp tư bản các nước vô cùng hoang mang.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 92/SL, bãi bỏ cấp hành chính Liên khu III, Liên khu IV và Khu Tả Ngạn kể từ ngày 1-12-1958.

- Báo Nhân dân, số 1716, ngày 24-11-1958.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 11, ngày 26

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu các dân tộc khu Lao - Hà - Yên về thăm Thủ đô.

Cùng ngày, Người gửi tặng huy hiệu của Người cho ông Đỗ Tạc (xã Tiên Phong, Ân Thi, Hưng Yên), anh Vương Chí Kiều (xã Liên Hiệp, Quốc Oai, Sơn Tây) và ba người ở xã Hùng Sơn (Đại Từ, Thái Nguyên) về thành tích cải tiến công cụ.

Trong ngày, bài 10...15...20..., ký bút danh T.L của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Nhân dân, số 1718, nêu những yếu tố cần thiết để bảo đảm thành công trong sản xuất nói chung, trong vụ đông - xuân năm nay nói riêng. Đó là: “Đặt mức 10 phần, phải có biện pháp 15 phần và phải cố gắng 20 phần”.

- Báo Nhân dân, số 1719, ngày 27-11-1958 và số 1723, ngày 1-12-1958.

- Báo Nhân dân, số 1718, ngày 26-11-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 263-264.

Tháng 11, ngày 28

Sáng, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Thủ tướng Kim Nhật Thành và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên sang thăm Việt Nam.

Chiều, Người tiếp Thủ tướng Kim Nhật Thành và Đoàn đến thăm.

16 giờ, Người dự buổi mít tinh chào mừng Đoàn của nhân dân Thủ đô Hà Nội tổ chức tại Quảng trường Ba Đình.

19 giờ, Người dự tiệc chiêu đãi Đoàn do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tổ chức tại nhà khách phố Ngô Quyền (Hà Nội).

Cùng ngày, Người gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ, Anbani nhân ngày Quốc khánh Anbani.

Người còn gửi điện chia buồn với nhân dân Bungari khi được tin Chủ tịch Chủ tịch đoàn Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Bungari, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Bungari Ghêóoghi Đamianốp từ trần.

- Báo Nhân dân, số 1721, ngày 29-11-1958.

Tháng 11, ngày 29

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên do Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Nhật Thành dẫn đầu.

- Báo Nhân dân, số 1722, ngày 30-11-1958.

Tháng 11, ngày 30

19 giờ, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi Thủ tướng Kim Nhật Thành và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.

- Báo Nhân dân, số 1723, ngày 1-12-1958.

Tháng 12, ngày 1

18 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ ký Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thay mặt Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Thủ tướng Kim Nhật Thành, thay mặt Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Tối, Chủ tịch dự tiệc do Thủ tướng Kim Nhật Thành chiêu đãi nhân dịp Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên sang thăm Việt Nam tổ chức tại Câu lạc bộ Quốc tế (Hà Nội). Sau đó, Người tới Nhà hát Thành phố xem Đoàn nghệ thuật Triều Tiên biểu diễn. Kết thúc buổi diễn, Người cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Kim Nhật Thành lên sân khấu tặng hoa cho các diễn viên.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 93/SL, chuẩn y cho các ông Trịnh Đình Cung và Bùi Công Bằng được từ chức Ủy viên Ủy ban hành chính Khu Tả Ngạn để đi nhận công tác khác.

- Sắc lệnh số 94/SL, chuẩn y cho ông Bùi Thủy được từ chức Ủy viên Ủy ban hành chính Khu Hồng Quảng để đi nhận công tác khác.

- Sắc lệnh số 95/SL, chuẩn y cho ông Hoàng Phương Thảo được từ chức Ủy viên Ủy ban hành chính Liên khu IV để đi nhận công tác khác.

- Báo Nhân dân, số 1724, ngày 2-12-1958 và số 1725, ngày 3-12-1958.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 12, trước ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi:

- Điện mừng Chủ tịch Chủ tịch đoàn nước Cộng hòa nhân dân Hunggari Ixvăng Đôbi được bầu lại giữ trọng trách cũ.

- Điện mừng Tổng thống Ấn Độ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 74 ngày sinh của Tổng thống.

- Báo Nhân dân, số 1725, ngày 3-12-1958.

Tháng 12, ngày 3

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử ở Pháp, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1725. Phân tích những số liệu cụ thể qua vòng bầu cử Quốc hội lần thứ hai ở Pháp và thái độ của cử tri Pháp, tác giả vạch rõ những chỗ lắt léo gian dối trong luật tuyển cử Đờ Gôn và khẳng định: “Nhân dân Pháp với truyền thống cách mạng chắc chắn không để phe phản động thống trị họ lâu ngày, họ sẽ đấu tranh, sẽ thắng lợi”.

- Báo Nhân dân, số 1725, ngày 3-12-1958.

Tháng 12, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng ông Đimitơrơ Ganép nhân dịp ông được cử giữ chức Chủ tịch Chủ tịch đoàn Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Bungari.

- Báo Nhân dân, số 1726, ngày 4-12-1958.

Tháng 12, ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 1413 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II).

Người nhấn mạnh: “Hiện nay, nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn dân ta là đẩy mạnh công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Muốn thực hiện được nhiệm vụ đó, trước hết là phải tiến hành cách mạng tư tưởng... Phải làm cho tư tưởng chính trị của nhân dân ta chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, có như thế chúng ta mới phát huy được hết thuận lợi, khắc phục được mọi khó khăn, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước ba năm và chuẩn bị tốt cho kế hoạch dài hạn về sau”.

Người căn dặn cụ thể các cán bộ phụ trách công tác nông thôn và công nghiệp một số điều cần nhớ và cần thực hiện để giành vụ đông - xuân thắng lợi, để làm tốt công tác cải tiến quản lý xí nghiệp.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 265-267.

Tháng 12, ngày 8

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xem Triển lãm nông khẩn Trung Quốc tổ chức tại Hà Nội.

Suốt gần hai tiếng đồng hồ, Người đi xem tất cả các gian trưng bày và đặc biệt chú ý đến những sáng kiến, kinh nghiệm của nông dân Trung Quốc trong phong trào tiến vọt.

Sau đó, tại phòng khách Triển lãm, Người nói chuyện thân mật với tất cả các cán bộ Trung Quốc sang Việt Nam phục vụ triển lãm và ghi vào Sổ cảm tưởng bốn câu thơ chữ Hán:

Toàn dân cảo dược tiến

 Mãn địa sáp hồng kỳ.

Nông nghiệp cộng sản hóa,

Tựu thị thái bình thì13).

Trong ngày, Người tiếp đoàn Đại biểu phụ nữ Trung Quốc trước khi Đoàn kết thúc chuyến thăm Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 1731, ngày 9-12-1958.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 189 - 190 (bản Trung văn).

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 213. 

Tháng 12, ngày 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn Đại biểu phụ nữ Trung Quốc trước khi Đoàn kết thúc chuyến thăm Việt Nam.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 213.

Tháng 12, ngày 9

Sáng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với Đoàn đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin (Liên Xô) đến chào Người.

14 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa I. Người thay mặt Đảng và Chính phủ chào mừng các đại biểu Quốc hội và thay mặt Ban sửa đổi Hiến pháp đọc báo cáo về công việc và kết quả cụ thể của Ban từ sau kỳ họp thứ 8 của Quốc hội và dự kiến kế hoạch công tác sắp tới. Người hứa trước Quốc hội “sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Quốc hội đã giao phó cho: dự thảo một bản Hiến pháp xứng đáng với sự tiến bộ của nhân dân ta, của Tổ quốc ta”.

- Báo Nhân dân, số 1732 ngày 10-12-1958 và số 1733, ngày 11-12-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 268-269.

Tháng 12, ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về công tác thủy lợi và ý kiến của đoàn chuyên gia Trung Quốc. Sau khi nghe báo cáo, Người đề nghị nên nhờ chuyên gia Trung Quốc giúp đỡ kinh nghiệm, việc trị thủy sông Hồng nên phối hợp với bạn (Trung Quốc); cần có kế hoạch chống úng cho vùng Hà Nam, Nam Định.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 12, ngày 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định số 96/QĐ, ân xá cho 15 phạm nhân, nhân dịp Quốc khánh 2-9.

- Bản gốc Quyết định, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 12, ngày 13

Chiều, Chủ tịch Hồ chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời nước Cộng hòa Angiêri.

Tối, tại Phủ Chủ tịch, Người tiếp các đại biểu Quốc hội về dự kỳ họp thứ 9.

Người đề nghị các đại biểu khi trở về địa phương cần nhanh chóng truyền đạt những nghị quyết của Quốc hội, không khí phấn khởi khẩn trương của kỳ họp để động viên toàn dân hăng hái thực hiện thắng lợi Kế hoạch Nhà nước ba năm và nhờ các đại biểu chuyển lời thăm hỏi và khen ngợi của Người tới đồng bào, cán bộ và chiến sĩ “Nếu toàn dân cố gắng, toàn Đảng cố gắng, Chính phủ cố gắng, ta sẽ có dịp ăn mừng những thắng lợi to lớn hơn nữa”.

- Báo Nhân dân, số 1736, ngày 14-12-1958.

- Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 277.

Tháng 12, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự họp Quốc hội.

- Báo Quân đội nhân dân, số 516, ngày 16-12-1958.

Tháng 12, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Công trường thủy lợi Thụy Phương ở ngoại thành Hà Nội. Người đi xem cống Liên Mạc và đến tận nơi thăm anh em bộ đội, dân công đang đào kênh dẫn nước vào sông Nhuệ. Người căn dặn mọi người phải thi đua với nhau, giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Rời công trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trung đoàn 254 bảo vệ Thủ đô và dân quân thôn Hoàng (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội) đang đắp mương trung thủy nông ở xứ Cầu Điều. Người yêu cầu các lực lượng vũ trang cần luyện tập quân sự cho tốt để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhưng cũng cần phải tham gia lao động giúp đỡ nhân dân làm thủy lợi để phát triển sản xuất thì nhân dân và bộ đội đều được ấm no.

Cùng ngày, Người đến thăm Hội nghị học tập kinh nghiệm khai khẩn nông nghiệp Trung Quốc do Tổng cục Hậu cần tổ chức. Người căn dặn các đại biểu cần ra sức học tập và áp dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm sản xuất của Trung Quốc phù hợp với hoàn cảnh nước ta. Người giao nhiệm vụ cho các nông trường quân đội, nông trường quốc doanh phải đi đầu trong sản xuất nông nghiệp và hứa sẽ tặng chiếc máy cày của hợp tác xã Xalibi (Tiệp Khắc) biếu Người.

 Người còn tới thăm công trường xây dựng Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.

 Cùng ngày, Người gửi tặng huy hiệu của Người cho các cụ Phạm Văn Dự (dân tộc Mường, bản Chòm Lún, xã Đô Lương, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) và Nguyễn Văn Phác (Tiền Phong, Quảng Oai, Hà Nội), các ông Nguyễn Văn Nhượng (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) và Đinh Hữu Đại (Thanh Sơn, Kim Bảng, Hà Nam), em Dương Văn Hùng (Vĩnh Tuy, Hà Nội) vì những thành tích trong sản xuất và cải tiến nông cụ.

- Báo Nhân dân, số 1740, ngày 18-12-1958.

- Thành ủy Hà Nội - Ban Tuyên giáo: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội - Biên niên sự kiện (1945-1969), Nxb. Hà Nội, 2000, tr. 188-189.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, Hà Nội, 1985, tr. 34-35.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân số 1742, ngày 20-12-1958.

Tháng 12, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ tiếp nhận “Lá cờ chiến đấu” của nhân dân Angiêri kháng chiến do Đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời nước Cộng hòa Angiêri trao tặng. Người cảm ơn Đoàn về món quà quý báu và chúc cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Angiêri mau chóng thành công.

- Báo Nhân dân, số 1739, ngày 17-12-1958.

Tháng 12, ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị sơ kết phong trào thi đua của các cơ sở thuộc Tổng cục Hậu cần.

Người khen ngợi cán bộ, chiến sĩ và công nhân các cơ sở hậu cần trong phong trào thi đua “Tiến nhanh vượt mức kế hoạch, vươn lên hàng đầu” đã phát huy truyền thống của quân đội, khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến, hoàn thành nhiệm vụ và biết áp dụng sáng tạo những kinh nghiệm quý báu của các nước anh em. Người căn dặn mọi người không được tự mãn, phải tiếp tục cố gắng tổ chức thi đua tốt hơn, xây dựng quân đội ta trở nên hùng mạnh về mọi mặt, xứng đáng là vai trò tiên phong trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các đại biểu Quốc hội Hà Nội đến báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9 của Quốc hội với Hội nghị đại biểu nhân dân Thủ đô. Người kêu gọi nhân dân Thủ đô đoàn kết nhất trí, ra sức thi đua sản xuất và tích kiệm, làm đầu tàu lôi kéo toàn dân xây dựng miền Bắc vững mạnh.

Cùng ngày, Người viết thư cảm ơn các cụ “phụ lão diệt dốt” xã Nam Liên (Nam Đàn, Nghệ An) đã gửi thư cho Người báo tin toàn xã đã thanh toán xong nạn mù chữ. Người mong các cụ “tiếp tục đôn đốc và giúp đỡ đồng bào trong xã cố gắng học thêm để nâng cao trình độ, đẩy mạnh phong trào tổ đổi công và hợp tác xã một cách khẩn trương và chắc chắn, thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, đoàn kết chặt chẽ xây dựng và phát triển thuần phong mỹ tục”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn bóng đá thanh niên Bắc Kinh sang thăm và thi đấu hữu nghị tại Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 1742, ngày 20-12-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 271.

- Bản chụp bức thư, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 214.

Tháng 12, ngày 20

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 97/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đoàn nghệ thuật Triều Tiên sang biểu diễn tại Việt Nam.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 12, ngày 21

Tối, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn nghệ thuật Triều Tiên. Thay mặt Chính phủ, Người trao tặng Đoàn Huân chương Lao động hạng Nhất và lá cờ thêu bốn chữ ĐOÀN KẾT HỮU NGHỊ.

- Báo Nhân dân, số 1744, ngày 22-12-1958.

Tháng 12, ngày 22

Sáng, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ phong quân hàm (đợt 2) cho cán bộ cao cấp trong quân đội.

Phát biểu tại buổi lễ, Người khẳng định những đóng góp của các vị trong sự nghiệp cách mạng, trong công cuộc xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc và căn dặn: “Dù ở cương vị nào, các đồng chí đều phải luôn luôn gương mẫu, luôn luôn xứng đáng là người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ toàn quân nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Bức thư có đoạn:

“Chúng ta phải ra sức xây dựng quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để gìn giữ hòa bình, bảo vệ Tổ quốc.

Toàn thể cán bộ và chiến sĩ ta phải giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội nhân dân, nâng cao chí khí chiến đấu và cảnh giác cách mạng, ra sức học tập quân sự và chính trị, tăng cường đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa quân đội và nhân dân, tích cực tham gia lao động sản xuất, giúp đỡ nhân dân trong mọi công tác. Phải trau dồi đạo đức cách mạng, tiết kiệm, cần cù, “khiêm tốn giản dị”.

Cùng ngày, trên báo Nhân dân, số 1744, dưới nhan đề Kinh nghiệm về hợp tác hóa nông nghiệp của Trung Quốc 14, ký bút danh Trần Lực, Người lược dịch bản báo cáo của Chủ tịch Mao Trạch Đông (tháng 7-1955) và Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với nhân dân Việt Nam.

- Báo Quân đội nhân dân, số 519, ngày 23-12-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.9, tr. 272-275.

- Báo Nhân dân, số 1744, ngày 22-12-1958, số 1745, ngày 23-12-1958, số 1746, ngày 24-12-1958 và số 1747, ngày 25-12-1958.

Tháng 12, ngày 24

Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau khi làm việc với Tỉnh ủy để nghe báo cáo tình hình mọi mặt trong tỉnh, Người đến thăm một đơn vị của quân khu Việt Bắc đóng ở Thành Trắng và thăm lớp bồi dưỡng chủ nhiệm, kế toán hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh.

- Bác Hồ với Vĩnh Phú, Ty Văn hóa Vĩnh Phú xuất bản, 1975, tr. 93, 135.

Tháng 12, ngày 25

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Công trường thủy lợi Bắc - Hưng - Hải lần thứ ba. Người lên tận nơi đổ bê tông móng cống Xuân Quan thăm hỏi mọi người. Người khen anh em công nhân có nhiều tiến bộ và nhắc nhở cần cố gắng hơn nữa, phát huy nhiều sáng kiến, bảo đảm chất lượng công trình, đồng thời đẩy mạnh việc chống lãng phí, tham ô.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội. Người giao trách nhiệm cho cán bộ và công nhân phải xây dựng nhà máy trở thành một nhà máy kiểu mẫu, mọi người phải cố gắng thực hiện những điều Người căn dặn để quyết tâm hoàn thành vượt mức Kế hoạch Nhà nước năm 1959, chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn sau này.

- Báo Nhân dân, số 1749, ngày 27-12-1958 và số 1750, ngày 28-12-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,1996, t.9, tr. 276-278.

Tháng 12, trước ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 65 của Chủ tịch Mao Trạch Đông.

- Bản thảo bức điện lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 1748, ngày 26-12-1958.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 9, tr. 281.

Tháng 12, ngày 26

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về công tác thủy lợi và kế hoạch thủy lợi ba năm tới. Người đề nghị Ban Bí thư xem xét lại một lần nữa Nghị quyết trước khi Bộ Chính trị thông qua và nhắc nhở “chú ý kiện toàn tổ chức để làm tốt, khỏi lãng phí”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 12, ngày 27

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ thông qua Kế hoạch Nhà nước năm 1959.

- Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 275.

Tháng 12, ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà và một số vấn đề đối ngoại.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 12, ngày 31

Gặp gỡ các thầy giáo và học sinh Trường phổ thông cấp III Chu Văn An nhân buổi hội trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Nhà trường xã hội chủ nghĩa là nhà trường:

- Học đi với lao động.

- Lý luận đi với thực hành.

- Cần cù đi với tiết kiệm”.

“Muốn xã hội chủ nghĩa, phải có: người xã hội chủ nghĩa. Muốn có người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Tư tưởng xã hội chủ nghĩa trái hẳn với cá nhân chủ nghĩa. Cái gì không phải xã hội chủ nghĩa là cá nhân chủ nghĩa”.

Cùng ngày, Người đi thăm Trường mẫu giáo Mầm Non ở 88 phố Thợ Nhuộm (nay là Trường Mầm Non A) và lớp vỡ lòng ở đình Thạch Khối, phố Hàng Than (Hà Nội).

Trong ngày, tại Phủ Chủ tịch, gặp mặt và nói chuyện với cán bộ các cơ quan trung ương và Hà Nội nhân dịp năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Năm 1959 là năm bản lề, nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, công việc sẽ rất nhiều. Ta có nhiều thuận lợi song cũng không ít khó khăn. Chúng ta phải ra sức hoàn thành vượt mức Kế hoạch Nhà nước năm 1959 với chí khí quyết chiến quyết thắng”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 9, tr. 294-296.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr.35.

- Báo Nhân dân, số 1754, ngày 1-1-1959.

Tháng 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Sở Công an Hà Nội.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 35.

Tháng 12

Tác phẩm Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Trần Lực, đăng trên Tạp chí Học tập, số 12 năm 1958.

Tác phẩm tập trung phân tích các vấn đề:

1. Vai trò của đạo đức cách mạng: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.

2. Nội dung cơ bản và những chuẩn mực của đạo đức cách mạng: “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là:

Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.

Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng.

Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.

Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”.

3. Đấu tranh loại trừ chủ nghĩa cá nhân, “kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội”.

Trong phần kết luận, tác giả nhấn mạnh:

“Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 9, tr. 282-293.

Tháng 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Đảng ủy Tổng cục Hậu cần một máy thu thanh để làm giải thưởng cho nông trường quân đội nào có thành tích khá nhất.

- Báo Quân đội nhân dân, số 519, ngày 23-12-1958.

Tháng 12

Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp bà Trương Tây, trưởng đoàn đại biểu phụ nữ Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Người đã tặng bà cuốn sách có chữ ký của Người.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, tr. 76.

Trong năm

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Lớp nghiên cứu khóa I và Lớp bổ túc khóa VI của Trường Công an Trung ương. Người chỉ rõ:

“Muốn có dân chủ thật sự, phải chuyên chính thật sự... Muốn chuyên chính thật sự, phải thật sự dân chủ với nhân dân. Dân có mến, yêu, tin công an thì mới giúp công an chuyên chính với địch”.

Về sự tu dưỡng của người công an, Người nhấn mạnh:

“Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó khăn hơn. Vì vậy phải nâng cao kỷ luật, tính tổ chức, chống ba phải, nể nang. Công tác phải đi sâu và thiết thực. Làm việc phải có điều tra, nghiên cứu, không được tự kiêu tự đại. Phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân... Phải đi đường lối quần chúng... Phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân và với các ngành khác thì công việc mới thắng lợi”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.9, tr. 279-280.

Trong năm

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm cống Chèm.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2003, tr. 133.

Trong năm

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, Người nói chuyện với cán bộ và nhân dân địa phương về Quyết tâm thi đua làm vụ mùa thắng lợi.

   - Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trong năm

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nông dân hăng hái vào tổ đổi công, hợp tác xã, phát triển sản xuất.

   - Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.     

 

____________

 

1) Nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên.

2) Đầu tháng 8, nước sông Hồng lên to, cống Công Luận chưa kịp đóng thì bị nhiều vật trôi về lèn chặt nên không đóng được. Suốt bảy tiếng đồng hồ, ba ông cháu cụ Khẩu đã thay nhau lặn xuống dòng nước chảy xiết, bất chấp mọi nguy hiểm, gỡ từng vật vướng vào cống và đã đóng được cống.

3) Cùng trên chuyến ô tô đi về Nam Định, anh Cư thấy một chị bị sốt nặng đã dìu chị vào nhà trọ, nhờ người trông nom rồi đi tìm y tế cấp cứu. Trong lúc mê man, người phụ nữ đã đánh rơi gói tiền, anh Cư đã nhặt giúp, cất đi và giao trả lại cho chị. (báo Quân đội nhân dân, số 473, mục Người tốt, việc tốt).

4) Maghreb là tên gọi vùng Bắc Phi gồm ba nước thuộc địa cũ của Pháp là Marốc, Angiêri và Tuynidi.

5) Nay là huyện Thanh Trì.

6) Nay là đường Thanh niên.

7, 8) Nay thuộc Quảng Ninh.

9) Phần tiếp theo của bài viết đăng trên báo Nhân dân, số 1715, ngày 23-11-1958 và số 1716, ngày 24-11-1958.

10) Nay là xã Xuân Đỉnh.

11) Lào Cai - Hà Giang - Yên Bái.

12) Tiền Campuchia.

13) Tạm dịch:

Toàn dân cùng tiến vọt

Cờ đỏ cắm khắp nơi.

Nông nghiệp cộng sản hóa,

Đó là thời thái bình.

14) Bài viết trên đăng liên tục trên báo Nhân dân các số 1744, ngày 22-12-1958, 1745 ngày 23-12-1958, 1746 ngày 24-12-1958 và số 1747 ngày 25-12-1958. 

* Năm 1959 - Từ tháng 1 đến tháng 4

Tháng 1, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thơ chúc mừng năm mới (1959) tới đồng bào cả nước:

Chúc mừng đồng bào năm mới,

Đoàn kết thi đua tiến tới,

Hoàn thành kế hoạch ba năm,

Thống nhất nước nhà thắng lợi.

Sáng, nhân dịp Tết dương lịch, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đoàn đại biểu của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, các chính đảng và đoàn thể nhân dân Hà Nội. Sau lời chúc của các đại biểu, Người cảm ơn các đại biểu và gửi cán bộ, nhân viên các cơ quan và đồng bào cả nước lời chúc mừng năm mới đoàn kết, mạnh khỏe, vui vẻ, cố gắng và tiến bộ.

Cùng ngày, Chủ tịch tiếp các vị đại sứ, đại biện lâm thời, lãnh sự và đại diện một số nước đang có mặt tại Hà Nội tới chúc Tết Người. Thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Người chúc Tết các vị khách nước ngoài và mong muốn rằng, sang năm mới, tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước bạn trên thế giới sẽ được đẩy mạnh, thắt chặt hơn.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 297.

- Báo Nhân dân, số 1755, ngày 2-1-1959.

- Báo Quân đội nhân dân, số 524, ngày 3-1-1959.

Tháng 1, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng kỷ niệm ngày sinh lần thứ 83 của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Đức Vinhem Pích.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà và đường lối cách mạng miền Nam.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 01/SL, bổ nhiệm ông Trần Mạnh Quỳ giữ chức Tổng thanh tra Quân đội, Phó Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ.

- Báo Nhân dân, số 1756, ngày 3-1-1959.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 1, ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị tiếp tục bàn về đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà và đường lối cách mạng miền Nam. Phát biểu tại Hội nghị, Người nhấn mạnh cần phải nói rõ nội dung vấn đề thống nhất và phải qua từng bước như thế nào và khẳng định: “Nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân mới hoàn thành ở miền Bắc, chưa hoàn thành ở miền Nam. Miền Bắc nhất định phải tiến lên chủ nghĩa xã hội, còn miền Nam, toàn Đảng, toàn dân phải cùng làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 1, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Bộ Chính trị bàn về đường lối cách mạng miền Nam. Phát biểu tại cuộc họp, sau khi chỉ ra đặc điểm khác nhau giữa miền Nam với các thuộc địa khác trên thế giới, phân tích thế của ta và của địch, Người kết luận: “...Một điều cần chú ý là không thể đem tình hình miền Nam tách rời tình hình nước ta và tình hình thế giới. Dù thế nào, ta cũng phải đưa miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa một cách vững vàng. Phải thấy đấu tranh ở miền Nam gay go, phức tạp nhưng đồng thời cũng phải thấy ta nhất định giải phóng được miền Nam. Trong cục bộ, ta phải thấy hết khó khăn nhưng về toàn diện phải thấy ta nhất định thắng, thuận lợi là căn bản”.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Ban Giám đốc nhà bảo tàng và các chuyên gia bảo tàng Liên Xô công tác tại đây hướng dẫn Người đi xem các phòng trưng bày.

Sau khi xem, nói chuyện với công nhân, bộ đội, cán bộ tham gia xây dựng Bảo tàng, Người nêu rõ: “Viện Bảo tàng Cách mạng cũng như một cuốn sử. Nó cho ta thấy rõ ông cha ta đã khó nhọc như thế nào...”.

Người tặng Bảo tàng một túi vải trong có một chiếc lược đồi mồi 1).

Sau đó, Người ghi vào cuốn Sổ vàng của Bảo tàng hàng chữ:

“...Viện Bảo tàng là một trường học tốt về lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam ta”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Bút tích lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

- Tạp chí Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, số 6-1993, tr.10.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 298.

Tháng 1, trước ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô N. Khơrútsốp nhân sự kiện Liên Xô phóng thành công tên lửa vũ trụ đầu tiên của trái đất.

- Báo Nhân dân, số 1759, ngày 6-1-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 299.

Tháng 1, ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị tiếp tục bàn về đường lối cách mạng miền Nam. Người nói: “Phải nhấn mạnh cách mạng miền Nam phải trường kỳ gian khổ nhưng nhất định thắng lợi”, phải chĩa mũi nhọn vào đế quốc Mỹ nhưng trước hết phải đánh vào Diệm. Người cho rằng có nhiều khả năng xảy ra nhưng ta nhất định thắng và lưu ý ta phải nắm được yêu cầu thống nhất của quần chúng mà lãnh đạo họ.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 1, trước ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Tình hữu nghị vô sản thắng lợi 2) gửi cho báo Tin tức (Liên Xô), số đặc biệt về nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ca ngợi tình hữu nghị chiến đấu giữa nhân dân Liên Xô và nhân dân Việt Nam.

Kết luận bài báo, Người viết:

“Trung thành với chủ nghĩa xã hội, với giai cấp vô sản thế giới, chúng tôi luôn luôn cố gắng đóng góp phần cống hiến nhỏ của mình vào sự nghiệp củng cố và tăng cường sự đoàn kết nhất trí không gì phá vỡ nổi của đại gia đình các nước xã hội chủ nghĩa chúng ta mà nhân dân Liên Xô là những người anh cả”.

 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 300-302.

Tháng 1, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị tiếp tục bàn về đường lối cách mạng miền Nam. Người nói: “Phải lấy chính trị, lực lượng quần chúng là chính. Phải đoàn kết toàn dân, trừ bọn phản dân. Đề án viết phải có lý, có tình. Cũng có thể nói: giải phóng miền Nam là nhiệm vụ thần thánh của nhân dân ta”.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 1, ngày 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Xưởng may 10 (thuộc Tổng cục Hậu cần, Quân đội nhân dân Việt Nam). Người căn dặn cán bộ, công nhân phải đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, cải tiến kỹ thuật, quản lý tốt xí nghiệp.

Trong ngày, Chủ tịch ký Quyết định số 02/QĐ bác đơn xin ân xá án tử hình của một phạm nhân người dân tộc can tội giết người, cướp của.

-  Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 280.

- Bản gốc Quyết định, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 1, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn việc chuẩn bị đổi đơn vị tiền tệ. Người đồng ý với những nguyên tắc chuyển đổi tiền tệ, nhưng nhắc nhở phải làm cho êm đẹp và phải chú ý đến ảnh hưởng đối với miền Nam, chú ý công tác quản lý, tổ chức đổi tiền và phải làm nhanh, gọn...

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Nông trường quân đội An Khánh giữa lúc nông trường đang tích cực chuẩn bị làm vụ chiêm.

Người căn dặn: “Nông trường quân đội cũng như nông trường quốc doanh phải đi đầu trong sản xuất nông nghiệp, phải thi đua làm gương mẫu trong nhân dân và chú ý giúp đỡ nhân dân. Nông trường phải làm thế nào cho mức thu hoạch chẳng những đủ chi phí cho nông trường mà còn có nhiều lãi nữa. Muốn thế, mọi người phải cố gắng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”. Người ghi vào Sổ Vàng của nông trường dòng chữ Cố gắng mãi, tiến bộ mãi.

Cùng ngày, Người còn tới thăm Hội nghị tổng kết công tác thủy lợi toàn miền Bắc và Lớp nghiên cứu chính trị Trường đại học Nhân dân.

Tại Hội nghị tổng kết công tác thủy lợi toàn miền Bắc, Người chỉ rõ khuyết điểm lớn nhất của cán bộ thủy lợi trong mấy năm qua là “thiếu chí khí làm chủ nước nhà, thiếu tinh thần trách nhiệm”, do đó đã làm thiệt hại tiền bạc của Nhà nước, công sức của nhân dân. Người yêu cầu: “Cán bộ phải đi đúng đường lối quần chúng, tất cả mọi việc đều lấy chính trị làm đầu. Cần thực hiện đúng phương châm của Đảng và Chính phủ: giữ nước là chính, thủy lợi hạng nhỏ là chính và nhân dân tự làm là chính”. “Cán bộ hãy cùng nhân dân “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa, quyết tâm đảm bảo có đủ nước cho vụ Đông - Xuân”.

Nói chuyện với các học viên Lớp nghiên cứu chính trị Trường đại học Nhân dân, Người nhắc nhở:

“Cán bộ trong khi học tập nghiên cứu như nghiên cứu về xã hội, con người và sự vật thì phải xem xét toàn diện, xem quá khứ, nhất là xem hiện tại để hiểu biết và suy đoán tương lai. Có thế mới nhận định tình hình, mới nhận xét sự việc xảy ra được đúng đắn”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 03/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đoàn triển lãm nông khẩn Trung Quốc công tác tại Việt Nam.

- Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1975, tr. 337.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.303-307.

- Bút tích lưu tại Phòng truyền thống Nông trường An Khánh.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 1, ngày 12

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn triển lãm nông khẩn Trung Quốc. Người ân cần hỏi thăm sức khỏe các thành viên trong Đoàn và tỏ ý vui mừng vì những đóng góp bổ ích về kinh nghiệm sản xuất mà Đoàn đã phổ biến trong dịp triển lãm tại Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 1766, ngày 13-1-1959.

Tháng 1, ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn nghệ thuật Bungari sang thăm và biểu diễn tại Việt Nam. Cuối buổi tiếp Người trao tặng Đoàn Bằng khen và Huân chương Lao động hạng Nhất của Chính phủ ta.

- Viện Sân khấu: Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu, Hà Nội, 1990, tr. 250.

Tháng 1, ngày 15

 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen Sư đoàn 316 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 1958.

Trong ngày, Chủ tịch ký lệnh tặng thưởng Sư đoàn Huân chương Chiến công hạng Nhì vì đã lập công lớn trong học tập, công tác, lao động sản xuất.

- Sư đoàn 316, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1986, t.2, tr. 36.

Tháng 1, ngày 16

Sáng, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu văn hóa Trung Quốc đến chào Người.

- Báo Nhân dân, số 1770, ngày 17-1-1959.

Tháng 1, ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên Hãng Thông tấn Mỹ UPI ở Tôkiô (Nhật Bản).

Trả lời câu hỏi: Theo ý kiến của Chủ tịch, trong năm 1959 việc thống nhất nước Việt Nam có thể có những thuận lợi gì? Người khẳng định: “Chúng tôi luôn luôn tin chắc rằng nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, thời gian càng đi tới, sự tin chắc ấy càng nhiều”. Về câu hỏi: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có định thành lập công xã nhân dânnhư ở nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không? Người nêu rõ: “Trước mắt, chúng tôi không định tổ chức “công xã nhân dân”. Chúng tôi có kế hoạch hợp tác hóa nông thôn, tăng gia sản xuất và cải thiện hơn nữa đời sống của nhân dân”...

Chiều, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức do Thủ tướng Ốttô Grốttơvôn dẫn đầu sang thăm Việt Nam. Sau khi ôm hôn Thủ tướng, Người quay sang hỏi thăm sức khỏe bà Giôhanna Grốttơvôn, phu nhân Thủ tướng, và tỏ ý vui mừng về cuộc gặp gỡ này.

Tối, Người dự tiệc chiêu đãi của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhân dịp Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Đức sang thăm chính thức Việt Nam.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 308-309.

- Giôhanna Grốttơvôn: Đôi mắt Bác Hồ. In trong Bác Hồ như chúng tôi đã biết, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1985, tr. 174.

- Báo Nhân dân, số 1771, ngày 18-1-1959.

Tháng 1, ngày 18

Chiều, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tinh của hơn bảy vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội chào mừng Đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức do Thủ tướng Ốttô Grốttơvôn dẫn đầu sang thăm Việt Nam.

Tối, Người mở tiệc chiêu đãi trọng thể Đoàn. Trong bữa tiệc, Người đã tặng bà Giôhanna Grốttơvôn một bông hồng và mời bà đến thăm nhà của Người.

- Báo Nhân dân, số 1772, ngày 19-1-1959.

- Giôhanna Grốttơvôn: Đôi mắt Bác Hồ. In trong Bác Hồ như chúng tôi đã biết, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1985, tr. 177.

Tháng 1, khoảng giữa tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 15 (khóa II)14 bàn về nhiệm vụ cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới.

Phát biểu trong Hội nghị, Người lưu ý các đại biểu về cách đặt vấn đề, cách đánh giá tình hình và phương pháp đấu tranh, Người nói “Ta phải đặt miền Nam Việt Nam trong cách mạng chung cả nước và cách mạng nước ta trong cách mạng thế giới... chú ý đẩy lùi địch từng bước, giành từng thắng lợi, đó là khả năng đang có nhiều hơn. Khi có cơ hội, ta đánh đổ luôn, còn lúc này không nên bỏ những thắng lợi nhỏ”.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1990, tr. 173-174.

- Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Hồ Chí Minh - Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 170.

Tháng 1, ngày 19

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ khai mạc Hội nghị các bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Người căn dặn thanh niên phải luôn gương mẫu trong mọi lĩnh vực, phải chuẩn bị đầy đủ những điều kiện để làm chủ nước nhà và mong tất cả thanh niên thực hiện tốt khẩu hiệu:

Việc gì khó có thanh niên,

Ở đâu khó có thanh niên.

Cũng trong buổi sáng, Người tiếp Đoàn kinh tế Liên Xô sang trao đổi với Chính phủ Việt Nam về việc Liên Xô giúp đỡ Việt Nam xây dựng một số xí nghiệp và Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

Sau đó, Người tiếp Đoàn đại biểu báo chí Inđônêxia sang thăm Việt Nam.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh thân mật tiếp bà Giôhanna Grốttơvôn và hai nữ đại biểu trong Đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức tại nhà sàn, nơi ở của Người.

 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.310-311.

 - Báo Nhân dân, số 1773, ngày 20-1-1959.

 - Giôhanna Grốttơvôn: Đôi mắt Bác Hồ. In trong Bác Hồ như chúng tôi đã biết, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1985, tr. 178.

Tháng 1, ngày 20

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam lên đường đi dự Đại hội lần thứ 21 Đảng Cộng sản Liên Xô.

- Báo Nhân dân, số 1774, ngày 21-1-1959.

Tháng 1, ngày 21

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 1959, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1774 3), tổng kết những thành tựu quan trọng của các nước xã hội chủ nghĩa trong năm 1958.

Dùng chính những số liệu thống kê của các báo Anh, Mỹ về chỉ số sản xuất trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, v.v.. tác giả khẳng định: hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đang ngày càng phát triển lớn mạnh, trong khi sản xuất ở các nước tư bản đang lâm vào khủng hoảng trì trệ, chính trị mất ổn định thường xuyên.

Về tình hình Việt Nam, dẫn ý kiến của ông Phôn, một giáo sư người Mỹ, tác giả cho thấy tình hình miền Nam Việt Nam đang trên đà sa sút về kinh tế, thối nát về chính trị và đầy rẫy những điều kỳ quái, Trong khi đó, miền Bắc đang trên đà phát triển toàn diện và đang tạo ra một không khí thi đua sôi nổi trong mọi hoạt động.

- Báo Nhân dân, số 1774, ngày 21-1-1959 và số 1775, ngày 22-1-1959.

Tháng 1, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam dự Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô đến đặt vòng hoa tại lăng V.I.Lênin và Xtalin.

Cùng ngày Người gửi điện mừng tới Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ Ragiăngđra Praxát nhân dịp Kỷ niệm lần thứ chín ngày thành lập nước Cộng hòa Ấn Độ, “Kính chúc nhân dân Ấn Độ anh em ngày càng giàu mạnh. Kính chúc tình hữu nghị giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Cộng hòa Ấn Độ ngày càng phát triển và củng cố.”

- Báo Nhân dân, số 1780, ngày 26-1-1959 và ngày 27-1-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 312.

Tháng 1, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 04/SL, tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho gia đình ông Tạ Quang Yên ở thành phố Nam Định, vì có sáu con tòng quân, trong đó có ba con là liệt sĩ.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 1, ngày 29

Chiều, tại phiên họp toàn thể của Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt đại biểu Đảng Lao động Việt Nam đọc Lời chào mừng Đại hội. Người đánh giá cao những thành công to lớn mà nhân dân Liên Xô đã đạt được và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam trong việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn những viết thương chiến tranh, đồng thời nêu rõ những nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Kết thúc Lời chào mừng, Người nói:

“Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng Đại hội lần này của Đảng Cộng sản Liên Xô sẽ mở ra những bước tiến mới của Liên Xô trên con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản, đồng thời những nghị quyết của Đại hội sẽ là một nguồn cổ vũ to lớn thúc đẩy phong trào đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới tiến lên mạnh mẽ hơn nữa”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 318-321.

- Báo Nhân dân, số 1783, ngày 30-1-1959.

Tháng 1, ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô.

Trước đó, Người đến thăm các cán bộ và nhân viên sứ quán ta tại Mátxcơva. Nói chuyện thân mật với anh chị em nhân viên sứ quán, Người thông báo tóm tắt về tình hình thi đua lao động ở trong nước, về cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, về Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô và nhắc nhở mọi người phải luôn học tập đoàn kết để cùng tiến bộ.

- Báo Nhân dân, số 1788, ngày 4-2-1959.

 Tháng 1, đầu tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và nói chuyện với ông Nguyễn Mậu Huyên (tức Hoàng Lanh) - Bí thư Thành ủy Huế. Đề cập tới vấn đề giao thông liên lạc, Người nói: “Phải giữ gìn bí mật và phải bảo đảm cho được giao thông liên lạc. Phải xem nó là mạch máu. Địch muốn tiêu diệt Đảng và đánh phá phong trào cách mạng thì chúng tìm đường dây liên lạc của ta. Vì vậy, giao thông liên lạc phải do đồng chí bí thư hoặc phó bí thư phụ trách, phải được chọn lọc thanh khiết, không cho vi trùng xâm nhập vào máu”.

- Đường Hồ Chí Minh qua Bình - Trị - Thiên, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1992, tr. 142.

Tháng 1

 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời tựa cho cuốn Hồ Chí Minh, những bài viết và nói chọn lọc theo đề nghị của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (Mátxcơva) nhân dịp ấn hành cuốn sách.

Trong Lời tựa, Người điểm lại lịch sử phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam trước và sau khi có Đảng Cộng sản. Từ những bài học lịch sử, tác giả rút ra những chân lý về con đường cứu nước và giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.“Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, ở một nước thuộc địa nhỏ, với sự lãnh đạo của giai cấp vô sản và đảng của nó, dựa vào quần chúng nhân dân rộng rãi trước hết là nông dân và đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân yêu nước trong mặt trận thống nhất, với sự đồng tình và ủng hộ của phong trào cách mạng thế giới, trước hết là của phe xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, nhân dân nước đó nhất định thắng lợi.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 313-316.

Tháng 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi công nhân và cán bộ mỏ Apatít Lào Cai, “Khen các cô, các chú đã làm đúng lời hứa, đã thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch 10%”. Người mong cán bộ và công nhân mỏ “tiếp tục cố gắng hơn nữa để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm nay”.

- Bút tích bức thư, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 317.

Tháng 1, cuối tháng

 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm triển lãm nghệ thuật tạo hình các nước xã hội chủ nghĩa ở Mátxcơva, thăm phòng tranh Việt Nam và đọc những lời khen ghi trong sổ ghi cảm tưởng.

- Báo Nhân dân, số 1786, ngày 1-2-1959.

Tháng 2, ngày 1

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Lômônôxốp. Gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ và sinh viên Việt Nam đang công tác và học tập ở Mátxcơva, Người thân mật kể lại những cảm tưởng của mình về Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô và căn dặn mọi người:

“Các cô, các chú là những người chủ xây dựng đất nước. Muốn làm chủ cho tốt thì phải học tốt, lao động tốt, sau này là công dân xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, tạo nên một thế giới xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, không có người bóc lột người, mọi người sung sướng, vẻ vang, tự do, bình đẳng, xứng đáng là thế giới của loài người. Các cô, các chú phải xứng đáng trong thế giới ấy”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 322-324.

- Báo Quân đội nhân dân, số 538, ngày 5-2-1959.

Tháng 2, ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị trong Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam đến thăm Nhà máy đóng giày “Công xã Pari” ở Mátxcơva.

Nói chuyện thân mật với anh chị em công nhân, Người khẳng định: “Chúng tôi tin chắc rằng nhân dân Liên Xô anh dũng không những sẽ hoàn thành mà còn hoàn thành vượt mức Kế hoạch bảy năm”.

- Báo Nhân dân, số 538, ngày 5-2-1959.

Tháng 2, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 78 ngày sinh Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Liên Xô K.E. Vôrôsilốp. Bức điện có đoạn: “Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Việt Nam và cá nhân tôi, tôi xin gửi tới đồng chí lời chúc mừng chân thành và thân ái nhất”.

- Báo Nhân dân, số1790, ngày 6-2-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 325.

Tháng 2, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài phát thanh Mátxcơva về kết quả Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô.

Đề cập đến vai trò của Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô trong việc củng cố sự đoàn kết thống nhất của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Người nêu rõ: “Đại hội lần thứ XXI của Đảng Cộng sản Liên Xô có tác dụng rất lớn đối với việc củng cố sự đoàn kết thống nhất của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đại hội đã nêu rõ con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản, tăng cường hơn nữa quan hệ anh em và tình đoàn kết nhất trí giữa các đảng cộng sản và công nhân. Đại hội cũng nhất trí lên án nghiêm khắc chủ nghĩa xét lại. Chắc chắn rằng sau Đại hội lần thứ XXI của Đảng Cộng sản Liên Xô, phong trào cộng sản và phong trào xã hội chủ nghĩa cũng như lực lượng hòa bình sẽ củng cố và phát triển hơn bao giờ hết”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 326-328.

Tháng 2, ngày 6 (ngày 29 tết)

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự bữa cơm tất niên do cán bộ Việt Nam đang công tác tại Mátxcơva tổ chức. Trong không khí phấn khởi, Người đã nghe anh chị em trình diễn các tiết mục thơ ca mừng thọ Bác Hồ và mừng Xuân mới.

Cùng ngày, bài phát biểu của Người về Kế hoạch bảy năm của Liên Xô được đăng trên báo Nước Nga Xô viết.

- Báo Nhân dân, số 1794, ngày 11-2-1959.

Tháng 2, đêm ngày 6 rạng ngày 7 (đêm ngày 29 rạng ngày 30 Tết Kỷ Hợi)

 Chủ tịch Hồ Chí Minh dự liên hoan đón Xuân Kỷ Hợi cùng các cháu thiếu nhi Việt Nam đang học ở Mátxcơva. Người vui chơi cùng các cháu và kể chuyện phong tục đón giao thừa ở nước ta.

Nhân dịp năm mới, Người chúc các cháu mạnh khỏe, chăm ngoan, kính yêu thầy, đoàn kết với bạn, cố gắng học tập để sau này phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

- Báo Nhân dân, số 1794, ngày 11-2-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 329.

Tháng 2, ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam 4) đến Bắc Kinh, trên đường từ Liên Xô về nước. Ra sân bay đón Người có nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

- Báo Nhân dân, số 1793, ngày 10-2-1959.

Tháng 2, ngày 10

Tối, tại Bắc Kinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội đàm với Chủ tịch Mao Trạch Đông, có Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và Thủ tướng Chu Ân Lai cùng dự.

- Báo Nhân dân, số 1795, ngày 12-2-1959.

Tháng 2, ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đồng chí chuyên gia Trung Quốc đang giúp Việt Nam xây dựng khu công nghiệp Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

-  Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 216.

Tháng 2, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh về tới Hà Nội.

Tại sân bay Gia Lâm, Người cảm ơn đồng bào, cán bộ, các quan chức ngoại giao ra đón Đoàn và tuyên bố: “Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô đã thành công rất vĩ đại”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị trong Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam tiếp và hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Angiêri.

- Báo Nhân dân, số 1798, ngày 15-2-1959.

-  Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 282.

Tháng 2, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn phi công Trung Quốc đưa Người từ Bắc Kinh về Hà Nội sau khi dự Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô ở Mátxcơva.

 - Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 216.

Tháng 2, ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về Đại hội lần thứ  XXI Đảng Cộng sản Liên Xô trước Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (mở rộng).

- Báo Nhân dân, số 1801, ngày 18-2-1959.

Tháng 2, ngày 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn các vấn đề:

- Quan hệ với các đảng anh em.

- Đoàn đại biểu của Đảng đi dự Đại hội Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan.

- Quan hệ với các Đảng Cộng sản ở một số nước tư bản.

- Chương trình công tác năm 1959.

Về thời gian tổ chức Đại hội của Đảng, Người đề nghị họp vào khoảng tháng 9, 10 năm sau và vấn đề giải quyết tại Đại hội chủ yếu là về vấn đề hiện tại và tương lai. Người còn lưu ý phải chú ý công tác chống hạn ở nông thôn, cải tiến quản lý xí nghiệp và xây dựng cơ bản ở thành phố.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 2, ngày 19

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn Việt kịch Trung Quốc sang thăm và biểu diễn ở Việt Nam.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu niên toàn miền Bắc. Người căn dặn các cán bộ phụ trách:

Việc giáo dục thiếu niên là nhiệm vụ của Đoàn thanh niên, của trường học, của gia đình và xã hội, cho nên cần phải có sự kết hợp chặt chẽ thì mới có kết quả tốt. Trong khi giáo dục thiếu niên, phải giữ được tính chất tự nhiên, vui vẻ, hoạt bát của trẻ em, không được làm cho các cháu thành “ông cụ non”.

Trẻ em hay bắt chước, cho nên các cô, các chú, các thầy giáo, cha mẹ đều “phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm”.

Tối, tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Người nói chuyện với nhân dân Thủ đô về thành công của Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 330-339.

- Báo Nhân dân, số 1803, ngày 20-2-1959 và số 1804, ngày 21-2-1959.

Tháng 2, ngày 20

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Công trường thủy lợi Bắc - Hưng - Hải.

Đến cống Xuân Quan, Người xem xét từng hạng mục công trình và nghe Ban chỉ huy công trình báo cáo về tình hình thi công.

Người đã nói chuyện với cán bộ, công nhân về Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm làng gốm và hợp tác xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Người căn dặn xã viên “phải cố gắng thi đua làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ, làm sao vừa hạ giá bát mà thu nhập của mỗi xã viên vẫn cao hơn người làm ăn riêng lẻ... Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

- Báo Nhân dân, số 1805, ngày 22-2-1959.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 36-37.

Tháng 2, ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng Tổng thống Gaman Ápđen Nátxe nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa Arập thống nhất.

- Báo Nhân dân, số 1807, ngày 24-2-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 344.

Tháng 2, ngày 24

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường xây dựng ba Nhà máy Cao su, Xà phòng, Thuốc lá ở Hà Nội. Phát biểu với cán bộ, công nhân, Người nói: “Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, muốn xứng đáng là giai cấp lãnh đạo thì phải gương mẫu trong công tác. Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, muốn nước nhà mau chóng thống nhất, muốn được tự do sung sướng, mọi người phải khắc phục khó khăn, thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”.

Cùng ngày, Người viết thư gửi công nhân, chiến sĩ, nhân viên và các bộ Xưởng may 10 Cục Quân nhu Tổng cục Hậu cần. Trong thư, Người tỏ ý vui mừng thấy cán bộ, công nhân viên của xưởng “có tiến bộ khá” về đoàn kết, thi đua, cải tiến kỹ thuật, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, quản lý xí nghiệp và gửi lời cám ơn anh chị em đã biếu bộ quần áo 5). Người viết: “Bác đã nhận rồi. Nay Bác gửi bộ áo ấy làm giải thưởng cho một đợt thi đua. Khi nào đợt thi đua kết thúc, do các cô các chú bình nghị, ai khá nhất thì được giải thưởng ấy”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 07/SL, tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho gia đình cụ Nguyễn Thị Thừa, xã Minh Đức, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An 6) có bốn con là liệt sĩ.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 342-343.

- Cục Quân nhu: Lời Bác Hồ về công tác quân nhu, Hà Nội, 1978, tr. 80.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 2, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên đường đi thăm chính thức nước Cộng hòa Inđônêxia.

Phát biểu trước cán bộ, đồng bào ra tiễn tại sân bay Gia Lâm, Người bày tỏ niềm phấn khởi được sang thăm Inđônêxia theo lời mời của Tổng thống A. Xucácnô và nói: “Chúng tôi sẽ thay mặt đồng bào ta mang tình hữu nghị thắm thiết đến với nhân dân Inđônêxia anh em. Chắc rằng lúc chúng tôi trở về sẽ đem theo món quà quí báu tức là tình hữu nghị của nhân dân Inđônêxia đối với nhân dân ta”.

Người mong rằng, trong lúc Người đi vắng, toàn Đảng, toàn Chính phủ, toàn thể đồng bào sẽ làm tốt công việc chống hạn và đẩy mạnh cải tiến quản lý các xí nghiệp.

Buổi chiều cùng ngày, Người dừng chân ở Thủ đô Rănggun (Miến Điện). Tổng thống Miến Điện Uvin Môn và nhiều quan chức cao cấp trong Chính phủ đã ra sân bay đón chào và mời Người về nghỉ tại Dinh Tổng thống.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự bữa cơm thân mật với Tổng thống Uvin Môn.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 345.

- Báo Nhân dân, số 1810, ngày 27-2-1959 và số 1811, ngày 28-2-1959.

Tháng 2, ngày 27

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam rời Rănggun. Ra sân bay tiễn Người có Tổng thống và nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Miến Điện.

16 giờ, Người đến Giacácta - Thủ đô nước Cộng hòa Inđônêxia. Tổng thống A. Xucácnô ra tận sân bay đón Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau diễn văn chào mừng của Tổng thống A. Xucácnô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời đáp từ tỏ ý vui mừng được tới thăm đất nước Inđônêxia. Thay mặt nhân dân Việt Nam, Người chuyển tới nhân dân Inđônêxia lời chào hữu nghị và tin tưởng rằng cuộc đi thăm lần này của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sẽ củng cố hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước.

Trên đường từ sân bay về Dinh Tổng thống, Chủ tịch đã được hàng vạn quần chúng Thủ đô vẫy hoa chào mừng.

Cùng ngày đã công bố Sắc lệnh số 15/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký cho phép Ngân hàng quốc gia Việt Nam được phát hành giấy bạc mới loại MƯỜI ĐỒNG, NĂM ĐỒNG, HAI ĐỒNG, MỘT ĐỒNG, NĂM HÀO, HAI HÀO, MỘT HÀO và các loại tiền NĂM XU, HAI XU, MỘT XU bằng kim khí hoặc bằng giấy.

Sắc lệnh ghi rõ tỷ lệ thu đổi cũ là một ngàn đồng tiền cũ bằng một đồng tiền ngân hàng mới.

- Báo Nhân dân, số 1812, ngày 1-3-1959.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 2, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chào mừng Quốc hội Inđônêxia.

Trong lời phát biểu, Người nhiệt liệt ca ngợi tình hữu nghị chiến đấu giữa nhân dân hai nước trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa thực dân và tin tưởng sự nghiệp thống nhất Tổ quốc của hai nước nhất định sẽ thành công.

Cùng ngày, Người tiếp đoàn đại biểu nông dân làng Paxa Rebu ngoại thành Thủ đô Giacácta. Sau khi chuyển lời chào mừng của nông dân Inđônêxia và hứa sẽ chuyển tới anh em nông dân Việt Nam lời chào của các bạn, Người tỏ ý tin chắc rằng, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống A. Xucácnô và Chính phủ, nông dân Inđônêxia sẽ làm việc nhiều hơn và đời sống sẽ sung sướng hơn.

Tối, Chủ tịch dự tiệc do Tổng thống A. Xucácnô chiêu đãi.

Đọc lời đáp trong bữa tiệc, Người nêu rõ:

“Hai dân tộc Việt Nam và Inđônêxia đều có những giai đoạn lịch sử giống nhau, đã từng kiên quyết chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, đã cùng một lúc đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ. Tuy nhiên, cho đến nay đất nước Việt Nam và Inđônêxia vẫn chưa được hoàn toàn tự do và độc lập một trăm phần trăm, bởi vì Inđônêxia chưa khôi phục được miền Tây Iriăng, còn miền Nam Việt Nam thì vẫn chưa thống nhất vào Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy cả hai nước đều còn phải tiếp tục đấu tranh chống bọn đế quốc”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 346-351.

Tháng 3, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Giacácta đi thăm Bôgô, một tỉnh ở về phía tây đảo Giava - Tổng thống A. Xucácnô cùng đi với Người.

Tại Bôgô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một số nơi nghỉ mát nổi tiếng của địa phương. Người dùng cơm trưa cùng gia đình Tổng thống A. Xucácnô tại biệt thự riêng của Tổng thống.

 - Báo Nhân dân, số 1814, ngày 3-3-1959.

Tháng 3, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp máy bay từ Bôgô đến thăm thành phố Băng Đung, thủ phủ bang Tây Giava.

Trong lễ đón tiếp do Thủ hiến bang tổ chức, Người đọc diễn văn chào mừng nhân dân thành phố Băng Đung lịch sử, thành phố của Hội nghị các nước Á - Phi, khẳng định “tinh thần Băng Đung đã phát triển mạnh mẽ khắp thế giới làm lay chuyển tận gốc chủ nghĩa thực dân”.

Gần trưa, Người cùng Tổng thống A. Xucácnô tới dự lễ khai mạc Học viện kỹ thuật Băng Đung.

Chiều, Người đến thăm và nói chuyện với các thầy giáo và sinh viên Trường Đại học Pátgiagiaran (Băng Đung). Tại đây, Người đã nhận bằng “Tiến sĩ danh dự luật học” do Hiệu trưởng trường trao tặng.

Sau khi cảm ơn tình cảm quý báu mà nhà trường đã dành cho, Người nói: “Tôi không có điều kiện học tập khi còn trẻ, nhưng đã học tập trong xã hội, trong cuộc sống và đã học tập để biết yêu nhân dân, yêu Tổ quốc, yêu hòa bình và ghét chủ nghĩa đế quốc, ghét áp bức và chủ nghĩa vị kỷ”. Với các nam nữ sinh viên nhà trường, Người nói: “con người ngày càng làm chủ được thiên nhiên, cũng như làm chủ được vận mệnh của xã hội và của bản thân mình. Thế hệ thanh niên là như mùa Xuân, như vì sao mới mọc... chúc các bạn học tập có nhiều kết quả”.

Tối, Người tiếp một Việt kiều đang sinh sống ở Băng Đung. Sau đó, Người cùng Tổng thống A. Xucácnô đến thăm nơi họp Hội nghị Á - Phi năm 1955.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 352-356.

- Báo Nhân dân, số 1815, ngày 4-3-1959.    

Tháng 3, ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Băng Đung đi thăm hai thành phố Gioóc Giacácta và Xôlô.

Tại Gioóc Giacácta, Chủ tịch được Tiểu vương đón tiếp, sau đó Người cùng Tiểu vương đi thăm hai ngọn tháp nổi tiếng - Bôrôbuđua và Menđút.

Gần trưa, Người tiếp giáo sư Puốcvôđiningrát - Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Inđônêxia và một số đại biểu đoàn thể thanh niên, phụ nữ đến chào mừng.

Chiều, Chủ tịch rời Gioóc Giacácta đi thăm Xôlô. Các cháu thiếu nhi Xôlô đã múa hát chào mừng Người.

Tiếp đó, Người có cuộc gặp gỡ các nhà báo.

Trả lời câu hỏi về tình hình thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “mặt trận hòa bình, dân chủ và độc lập dân tộc đang trở nên ngày càng hùng cường. Chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc ngày càng suy yếu và đang giãy chết. Chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc thật quá lỗi thời và quá ích kỷ”.

- Báo Nhân dân, số 1816, ngày 5-3-1959 và số 1817, ngày 6-3-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 357-361.

Tháng 3, ngày 4

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Xôlô đi thăm thành phố Xurabaiya, thủ phủ miền Đông Giava. Trước khi rời Xôlô ra sân bay, Người ghi cảm tưởng vào cuốn Sổ Vàng của thành phố và tặng nhân dân Xôlô lá cờ thêu dòng chữ: Tình hữu nghị giữa nhân dân Inđônêxia và nhân dân Việt Nam muôn năm bằng hai thứ tiếng Việt Nam và Inđônêxia.

Tại Xurabaiya, Người đến thăm Trại thương binh và người tàn tật, thăm một số thắng cảnh.

Tối, Người dự buổi biểu diễn văn nghệ đặc biệt do Thị trưởng Xurabaiya tổ chức chào mừng. Tiếp đó, Người còn dự buổi vũ hội hoá trang do nhân dân thành phố và các vùng lân cận tổ chức đón chào Người.

Cùng ngày, đã công bố Sắc lệnh số 16/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký về việc thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước thuộc Hội đồng Chính phủ.

- Báo Nhân dân, số 1817, ngày 6-3-1959.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 3, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự cuộc mít tinh của nhân dân Xurabaiya chào mừng Đoàn đại biểu Chính phủ ta.

Phát biểu tại cuộc mít tinh, Người nhấn mạnh: Vì lịch sử, hoàn cảnh và mục đích nhiều chỗ giống nhau, cho nên quan hệ anh em giữa Việt Nam và Inđônêxia ngày càng củng cố và phát triển trên cơ sở những nguyên tắc do Hội nghị Băng Đung năm 195515 đề ra. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Inđônêxia đã có những quan hệ về kinh tế, văn hoá, chính trị và tin tưởng rằng cuộc đi thăm hữu nghị của Đoàn sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa mối tình anh em giữa nhân dân hai nước.

Trưa, Chủ tịch tới thăm Bali. Sau khi dự lễ đón tiếp của nhân dân địa phương, Người cùng Tổng thống A. Xucácnô về nghỉ tại lâu đài Tampácxirinh.

Trong ngày, Người đã gặp các nhà báo và trả lời một số câu hỏi của các phóng viên.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 362-366.

- Báo Nhân dân, số 1818, ngày 7-3-1959.

Tháng 3, ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống A. Xucácnô đến thăm làng Ubút (cách Bali 50km), một căn cứ kháng chiến của du kích Inđônêxia trước đây. Sau đó Người về thành phố Đenpara - thủ phủ đảo Bali và dự cuộc mít tinh của nhân dân địa phương tổ chức chào mừng Người.

Nói chuyện tại cuộc mít tinh, Người kêu gọi thanh niên Inđônêxia hãy đoàn kết chặt chẽ để đánh đuổi bọn đế quốc và mong rằng thanh niên Inđônêxia sẽ thi đua với thanh niên Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước. Người đã tặng nhân dân đảo Bali một lá quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương Campuchia Nôrôđôm Xuranarít và Hoàng hậu Cốtxamắc Nêarirêát nhân ngày lễ đăng quang và ngày sinh của Quốc vương.

- Báo Nhân dân, số 1817, ngày 6-3-1959 và số 1819, ngày 8-3-1959.

Tháng 3, ngày 7

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống A. Xucácnô và các vị trong Đoàn đáp máy bay rời Bali trở về Thủ đô Giacácta.

Chiều, tại Dinh Tổng thống, Tổng thống A. Xucácnô thay mặt Chính phủ và nhân dân Inđônêxia tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Du kích.

Trong đáp từ đọc tại buổi lễ, sau lời cảm ơn Tổng thống và nhân dân Inđônêxia, Người nhấn mạnh:

“Nhân dân Việt Nam và nhân dân Inđônêxia đều có thể tự hào đã nêu cao ngọn cờ đấu tranh vũ trang ở Đông - Nam Á và đã đánh thắng bọn thực dân. Hai nước chúng ta đều đã chiến thắng, vì chúng ta đã tiến hành một cuộc đấu tranh vũ trang toàn dân và toàn diện, đã khéo áp dụng chiến thuật du kích. Hai dân tộc chúng ta đã làm cho thế giới thấy rằng với lực lượng đoàn kết của toàn dân, thì dù với vũ khí thô sơ, chúng ta cũng đánh thắng thực dân đế quốc”.

Cùng ngày, Người có cuộc gặp gỡ với các nhà báo và trả lời một số câu hỏi về tình hình quốc tế và vấn đề thống nhất nước Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 1820, ngày 9-3-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 357- 359; 367-368.

Tháng 3, ngày 8

Tại Giacácta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống A.Xucácnô ký Thông cáo chung khẳng định những thành công to lớn trong chuyến đi thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Inđônêxia của Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Báo Nhân dân, số 1821, ngày 10-3-1959.

Tháng 3, ngày 9

5 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Đoàn đại biểu Chính phủ rời Giacácta bằng máy bay.

10 giờ, Người tới Rănggun - thủ đô Miến Điện, Thủ tướng và nhiều quan chức cao cấp trong Chính phủ Miến Điện đã ra sân bay đón Người về nghỉ trưa.

Khoảng 14 giờ, Người lên máy bay đi Côn Minh - thủ phủ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ra sân bay Côn Minh đón Người có các vị lãnh đạo Đảng và chính quyền tỉnh Vân Nam.

Tối, Người dự tiệc chào mừng của Tỉnh ủy Vân Nam. Sau đó, xem buổi biểu diễn của Đoàn văn công Quân khu Vân Nam.

Trong ngày, đã công bố Sắc lệnh số 18/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng bào và cán bộ hai tỉnh, sáu xã và một tập đoàn sản xuất đã đạt được những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất vụ mùa năm 1958.

- Báo Nhân dân, số 1821, ngày 10-3-1959.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr.149 (bản Trung văn).

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 3, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm một số thắng cảnh, nhà máy và vườn trẻ của thành phố Côn Minh.

17 giờ 30, Người tới thăm Học viện Dân tộc Vân Nam. Đi xem các cơ sở của nhà trường xong, Người dự buổi biểu diễn văn nghệ của học sinh, sau đó dự buổi gặp mặt và nói chuyện thân mật với thầy trò nhà trường. Người nêu rõ: “Thời vua quan phong kiến trước đây, cũng như thời địa chủ, tư bản, đế quốc thống trị, chúng đã thi hành chính sách chia rẽ các dân tộc. Ở Việt Nam cũng thế, ở Trung Quốc cũng thế, ở các nước khác trên thế giới cũng thế... Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các dân tộc đều là anh em một nhà, không có chủ nghĩa dân tộc lớn, cũng không có chủ nghĩa dân tộc địa phương hẹp hòi”.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr.150 (bản Trung văn).

Tháng 3, ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ và nói chuyện với Việt kiều và thực tập sinh Việt Nam ở Côn Minh.

Chủ tịch căn dặn mọi người: “Người xã hội chủ nghĩa phải biết yêu đất nước mình, lại phải có tinh thần quốc tế. Cho nên, dù ở đâu cũng phải cố gắng học tập và lao động,...phải tuân thủ luật pháp của nước anh em vì đó là luật pháp xã hội chủ nghĩa”.

Người còn tới thăm căn nhà hiện mang biển số 69 đường Kim Bích và căn nhà số 98 đường Hoa Sơn Nam là những nơi Người từng ở hồi hoạt động cách mạng ở Côn Minh thời kỳ chiến tranh chống Nhật.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Côn Minh về nước.

Phát biểu trước đông đảo cán bộ và đồng bào Thủ đô ra đón Người tại sân bay Gia Lâm, Người tuyên bố: “Cuộc đi thăm của chúng tôi đến nước Cộng hòa Inđônêxia, đất nước xinh tươi “ba nghìn hòn đảo”, với hành trình trên một vạn hai nghìn cây số đường đi, đã kết thúc vô cùng tốt đẹp”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 369-370.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Sao Mới, 8-1990, tr. 264-265. (bản Tiếng việt).

Tháng 3, ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về chương trình công tác của Trung ương Đảng năm 1959.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 3, trước ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng nhân dịp Quốc khánh lần thứ 8 của Vương quốc Nêpan.

 - Báo Nhân dân, số 1825, ngày 14-3-1959.

Tháng 3, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị cán bộ Công đoàn.

Nói chuyện với Hội nghị, Người nêu rõ những nhiệm vụ của giai cấp công nhân, công đoàn hiện nay và những biện pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó. Người đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng con người toàn diện: “có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải có tinh thần làm chủ đất nước, chống tư tưởng làm thuê làm mướn ngày trước, vì bây giờ mình làm cho gia đình mình, cho con cháu mình.

Phải đặt lợi ích của giai cấp và dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, chống thói kèn cựa, suy bì, ích kỷ”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 19/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể đội bay Liên Xô 7), vì thành tích đã bảo đảm tốt trong chuyến đưa Chủ tịch và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đi thăm Inđônêxia.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.371-375.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 3, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Nam Định.

Nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Người khen Nam Định đã cố gắng chống hạn và phê bình Nam Định diện bị hạn vẫn còn rộng ảnh hưởng tới thu hoạch. Người yêu cầu phải tập trung lực lượng, tìm mọi cách chống hạn và trong lúc chống hạn, phòng hạn, phải có kế hoạch phòng úng. “Muốn làm tròn nhiệm vụ ấy phải chống tư tưởng bảo thủ, tư tưởng mệt mỏi, tư tưởng ỷ lại, tức là phải quyết tâm, quyết tâm và quyết tâm nữa, quyết tâm mãi làm cho đến thắng lợi”.

Gặp gỡ Đảng ủy Nhà máy dệt Nam Định, Người yêu cầu cần làm tốt những điều Người căn dặn về công tác cải tiến quản lý xí nghiệp, công tác phát triển Đảng và Đoàn.

Cùng ngày, Người về thăm và nói chuyện với đại biểu cán bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Về công tác phòng chống hạn của Ninh Bình, Người nhắc nhở cần biến quyết tâm của cán bộ thành quyết tâm của nhân dân, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các xóm, các xã, các huyện, các tỉnh; đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, hợp tác xã và tổ đổi công cũng phải gương mẫu, giúp đỡ những người còn làm ăn riêng lẻ.

- Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Nam Hà: Nam Hà làm theo lời Bác, Nam Hà, 1975, tr. 57-58.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 9, tr. 377-382.

- Lịch sử Đảng bộ thị xã Ninh Bình, Nxb. Ninh Bình, 1989, tr. 52.

Tháng 3, ngày 17

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ bế mạc Lớp nghiên cứu về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của các nhân sĩ, trí thức cao cấp do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Người khen ngợi học viên đã tích cực nghiên cứu, đạt kết quả tốt và căn dặn “cần phát huy thêm những thu hoạch bước đầu, nâng cao lập trường, tư tưởng để phấn đấu phục vụ nhân dân, mỗi người cần cố gắng để tiến bộ kịp với đà chuyển biến của tình hình mới, học và hành phải đi đôi”.

- Báo Nhân dân, số 1829, ngày 18-3-1959.

Tháng 3, ngày 19

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thay mặt Đảng và Chính phủ, Người chào mừng Hội nghị và mong rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tăng cường đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh công tác động viên nhân dân sản xuất hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đại sứ Rumani tại nước ta nhân dịp Đại sứ trình Quốc thư.

- Báo Nhân dân, số 1831, ngày 20-3-1959.

Tháng 3, ngày 20

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp lần thứ 24 của Ban sửa đổi Hiến pháp. Người cùng với các thành viên trong Ban duyệt lại lần cuối cùng Bản dự thảo và thông qua kế hoạch công bố Dự thảo Hiến pháp sửa đổi để toàn dân thảo luận.

 - Báo Nhân dân, số 1832, ngày 21-3-1959.

Tháng 3, trước ngày 22

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Nhà hát thành phố Hà Nội kiểm tra công tác chuẩn bị cho đêm biểu diễn chào mừng Tổng thống Ấn Độ R. Praxát sang thăm Việt Nam.

Người đến không báo trước, nên Ban Lãnh đạo Nhà hát cũng như Bộ trưởng Bộ Văn hoá không biết.

Sau khi đi thăm lối vào, phòng khách, công trình vệ sinh, sàn diễn, Người phê bình nhà hát giữ vệ sinh không tốt.

-  Viện Sân khấu: Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu, Hà Nội, 1990, tr. 52.

Tháng 3, ngày 22

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sân bay Gia Lâm (Hà Nội) đón Tổng thống Ấn Độ R. Praxát sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

17 giờ, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Tổng thống R. Praxát và Đoàn đại biểu Ấn Độ đến thăm. Sau đó, Người tới thăm đáp lễ Tổng thống.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi Tổng thống R.Praxát. Trong diễn văn chào mừng, Người ca ngợi những cống hiến to lớn của nhân dân Ấn Độ, của Tổng thống R.Praxát trong công cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới. Người thay mặt nhân dân Việt Nam cảm ơn sự đồng tình ủng hộ của nhân dân Ấn Độ đối với công cuộc giải phóng của Việt Nam. Kết thúc buổi chiêu đãi, Người cùng Tổng thống và các vị trong Đoàn đại biểu Ấn Độ xem Đoàn văn công nhân dân trung ương biểu diễn.

- Báo Nhân dân, số 1834, ngày 23-3-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 9, tr. 385.

Tháng 3, ngày 23

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống R.Praxát đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch.

Sau đó, Người hướng dẫn Tổng thống đến thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Người giới thiệu tỉ mỉ với Tổng thống về cách kéo pháo của bộ đội ta bằng tời gỗ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiều, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô chào mừng Tổng thống Ấn Độ. Người đã phát biểu ca ngợi truyền thống tốt đẹp trong quan hệ Việt - Ấn. Trước khi kết thúc cuộc mít tinh, Người bắt nhịp cho hơn 20 vạn đồng bào dự mít tinh hát bài “Kết đoàn”.

Chiều, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông S.K.Patin, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải và một số quan chức cao cấp trong Đoàn đại biểu Ấn Độ.

Tối, tại Nhà khách Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc do Thủ tướng Phạm Văn Đồng chiêu đãi Đoàn đại biểu Ấn Độ.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL, bãi bỏ cấp hành chính Khu Lào - Hà - Yên, sáp nhập tỉnh Hà Giang vào Khu tự trị Việt Bắc và tạm thời đặt hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ.

- Báo Nhân dân, số 1835, ngày 24-3-1959.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 3, ngày 24

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống R. Praxát tới thăm Nhà máy cơ khí Hà Nội. Tham quan một số phân xưởng sản xuất xong, Người cùng Tổng thống dự cuộc mít tinh chào mừng của công nhân nhà máy.

Sau đó, Người đến thăm xã Định Công (Thanh Trì, Hà Nội).

16 giờ, Chủ tịch cùng Tổng thống R. Praxát đến thăm Trường đại học Tổng hợp Hà Nội 8). Phát biểu trước hơn 5.000 cán bộ và sinh viên nhà trường, Người căn dặn: “Học phải đi đôi với hành, giáo dục phải đi đôi với lao động”.

Tiếp đó, Người hướng dẫn Tổng thống vào thăm chùa Quán Sứ và chùa Một Cột. Tại chùa Một Cột, Người đưa Tổng thống đến thăm cây bồ đề mà Tổng thống đã tặng Người trong chuyến thăm Ấn Độ trước đây.

19 giờ 30, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch dự tiệc do Tổng thống R. Praxát chiêu đãi. Đọc đáp từ trong buổi tiệc, một lần nữa Người ca ngợi những cống hiến to lớn của Tổng thống trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong công cuộc tăng cường tình hữu nghị giữa các nước Á - Phi và giữ gìn hòa bình thế giới, đã nêu cao tấm gương hy sinh phấn đấu và đạo đức cao quý cho tất cả mọi người yêu Tổ quốc, yêu hòa bình.

Sau bữa tiệc, Người cùng Tổng thống xem Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương biểu diễn.

- Báo Nhân dân, số 1836, ngày 25-3-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 385-386.

Tháng 3, ngày 25

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiễn Tổng thống Ấn Độ R. Praxát ra sân bay Gia Lâm lên đường về nước.

Trong lời tiễn, bày tỏ tình cảm lưu luyến khi phải chia tay Tổng thống, nhưng đồng thời cảm thấy vui mừng vì chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống đã làm cho nhân dân hai nước Ấn Độ và Việt Nam càng gần gũi nhau hơn, càng yêu mến nhau hơn, nhất là càng nhất trí với nhau trong sự mong muốn củng cố và phát triển hơn nữa tình hữu nghị giữa các dân tộc Á - Phi và quan hệ giữa hai nước.

Chủ tịch trân trọng nhờ Tổng thống chuyển đến Chính phủ và nhân dân Ấn Độ anh em mối tình đoàn kết hữu nghị thân thiết của toàn thể nhân dân Việt Nam, đến Phó Tổng thống và Thủ tướng Ấn Độ lời chúc mừng thân ái.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 9, tr. 387.

- Báo Nhân dân, số 1837, ngày 26-3-1959.

Tháng 3, ngày 27

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về nghiên cứu Nghị quyết của Đại hội lần thứ XXI của Đảng Cộng sản Liên Xô. Phát biểu tại Hội nghị, Người lưu ý thêm trong tuyên huấn cần phải kết hợp học tập với công tác, tăng cường nhiều hình thức trong tuyên truyền và phải làm kịp thời. Ngoài ra, Người còn nhắc nhở phải nắm chắc vấn đề chỉ đạo phát triển hợp tác hoá.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của báo Đảng và Thông tấn xã Hunggari về kết quả chuyến đi thăm Inđônêxia, về Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô...

Người đặc biệt nhấn mạnh đến những thay đổi lớn lao ở châu Á trong mười năm qua, vạch trần những âm mưu và thủ đoạn can thiệp của bọn đế quốc chống lại nhân dân châu Á, khẳng định những cố gắng và cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cuộc đấu tranh vĩ đại nhằm chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân.

Về tình hình Việt Nam, Người nêu rõ: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của nhân dân Việt Nam hiện nay là thống nhất đất nước. Công cuộc thống nhất nước Việt Nam có triển vọng tốt. Tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng nhân dân Việt Nam tin chắc rằng thắng lợi là thuộc về mình và đất nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 388-389.

Tháng 3, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Inđônêxia Aiđích nhân dịp ông sang thăm Việt Nam.

 - Báo Nhân dân, số 1841, ngày 29-3-1959.

Tháng 3, trước ngày 29

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Tổng thống Buốcghiba nhân dịp kỷ niệm lần thứ ba ngày Tuynidi Tuyên bố độc lập. “Chúc tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Tuynidi ngày càng phát triển”.

- Báo Nhân dân, số 1480, ngày 29-3-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 390.

Tháng 3, ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm tỉnh Quảng Ninh và một số đảo trong Vịnh Hạ Long.

8 giờ 20, Chủ tịch đến Trường huấn luyện Hải quân.

9 giờ, Người xuống tàu T.524 đi kiểm tra vùng đảo.

12 giờ, Người yêu cầu tàu leo tại chân một hòn đảo để lên bờ nghỉ ăn trưa. Người xẻ cơm nếp và thịt rang mang từ Hà Nội xuống cho các đồng chí làm nhiệm vụ dưới tàu.

13 giờ 45, Người đến Cửa Ông - Cẩm Phả, đi thăm và nói chuyện với cán bộ công nhân mỏ Đèo Nai (Cẩm Phả). Nói chuyện với cán bộ và công nhân trên công trường, Người nêu cụ thể một số khuyết điểm các cô, các chú “cần phải sửa chữa” và gửi tặng 10 giải thưởng cho ngành nào, cá nhân nào có nhiều thành tích hơn cả trong ba tháng thi đua đầu năm.

15 giờ, Người xuống tàu để trở về bến cảng Hòn Gai. Người hỏi: “Có đi tiếp đến đảo Tuần Châu được không”. Được báo cáo nếu đi Tuần Châu thì sẽ phải ăn tối muộn, Người nói: “Thế thì ta ăn tối trên tàu”.

18 giờ 30, Người gặp và nói chuyện với cán bộ và nhân dân đảo Tuần Châu, ghé thăm hai gia đình trên đảo.

19 giờ, Người rời đảo Tuần Châu bằng thuyền để ra tàu T.524.

20 giờ 30, Người gặp và nói chuyện với cán bộ Khu uỷ Hồng Quảng.

21 giờ 30, Người cho xe ô tô đón cán bộ, chiến sĩ tàu T.524 lên gặp Người. Rót nước và chia kẹo cho từng cán bộ, chiến sĩ, Người nhắc nhở các thủy thủ phải yêu biển, đã có tàu phải chịu khó học tập kỹ thuật để sử dụng tàu cho tốt, chiến đấu cho giỏi.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 391-395.

- Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr. 67- 68.

- Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Quảng Ninh: Bác Hồ với công nhân và nhân dân Quảng Ninh, Quảng Ninh, 1971, tr. 10.

Tháng 3, ngày 31

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cảng Hải quân Bãi Cháy và lên tàu T.554 đi thăm trận địa pháo của Đại đội 34 trên đảo Hòn Rồng.

Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, Người căn dặn phải cố gắng khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, an tâm với nhiệm vụ, tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, tăng gia sản xuất để cải thiện sinh hoạt, đời sống.

Biết bộ đội trên đảo thiếu nước ngọt và sách báo, Người bảo đồng chí cán bộ Tổng cục Hậu cần đi theo phải nghiên cứu, đảm bảo sao cho mỗi tuần anh em có thể tắm hai lần bằng nước ngọt và hứa sẽ gửi tặng cán bộ chiến sĩ trên đảo một chiếc máy thu thanh. Lúc nhận trứng, bí... của đơn vị tặng, Người nói “Bác rất quý quà này, vì các chú tự làm ra”.

Tiếp đó, Người đến thăm đảo Cát Hải, rồi đảo Cát Bà.

14 giờ 30, Người đến thăm ba gia đình ở phố đảo. Sau đó, Người gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ và nhân dân huyện đảo Cát Bà.

17 giờ 30, Người tới thăm Trường huấn luyện Hải quân. Sau khi đi thăm nơi làm việc, nhà nghỉ, nhà bếp, sân tập, Người nói chuyện với giáo viên, học viên nhà trường và căn dặn: “Phải học tập phấn đấu không ngừng để bản thân tiến bộ và xây dựng hải quân mau chóng trưởng thành”.

Tối, Người nói chuyện với các ngành quân, dân, chính, đảng Hải Phòng. Sau khi nêu ra những công tác chủ chốt cần đẩy mạnh, Người căn dặn: “Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi công tác... kết quả công tác của địa phương là cái thước đo sự lãnh đạo của Đảng”.

- Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr. 69.

- Báo Nhân dân, số 1847, ngày 5-4-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.396-402.

Khoảng tháng 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ thành lập Công an nhân dân vũ trang.

Nói chuyện tại buổi lễ, Người nêu rõ ý nghĩa và nhiệm vụ của tổ chức Công an nhân dân vũ trang, căn dặn cán bộ và chiến sĩ công an “phải dựa vào dân để hoạt động”, “phải luôn luôn giúp đỡ, tổ chức, giáo dục nhân dân, làm cho mọi người dân là người giúp việc của mình, làm thành mạng lưới công an nhân dân” thì mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ.

Để kết luận, Người tặng lực lượng công an nhân dân vũ trang mấy câu:

Đoàn kết, cảnh giác,

Liêm chính, kiệm cần,

Hoàn thành nhiệm vụ,

Khắc phục khó khăn,

Dũng cảm trước địch,

Vì nước quên thân,

Trung thành với Đảng,

Tận trung với dân.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 403- 405.

- Chiến sĩ biên phòng, Nxb. Bộ đội biên phòng, Hà Nội, 1984, tr. 665.

Tháng 4, ngày 1

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm cán bộ, giáo viên, học sinh Trường miền Nam số 7 tại Hải Phòng.

Sau khi thăm khu vực nhà bếp, nhà ở của học sinh, Người thân mật nói chuyện và căn dặn cán bộ, giáo viên, học sinh: thầy trò phải đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, học tập giỏi, lao động giỏi và luôn luôn tiến bộ.

Rời Hải Phòng, Người tới Hải Dương. Tại đây, Chủ tịch đã gặp các đại biểu Uỷ ban nhân dân các cấp và tỉnh ủy Hải Dương. Người khen ngợi thành tích của đồng bào và cán bộ Hải Dương trong sản xuất nông nghiệp, hợp tác đổi công và nhắc nhở:

- Phải tổ chức lao động cho tốt để nâng cao năng suất.

- Củng cố các tổ đổi công.

- Hết sức chú trọng công tác phòng chống lụt bão bảo vệ đê điều.

- Báo Nhân dân, số 1847, ngày 5-4-1959.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng, Nxb. Hải Phòng, 1985, tr. 167-168.

Tháng 4, ngày 2

Tối, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật diễn viên và cán bộ Đoàn Việt kịch Trung Quốc. Người đã trao tặng Đoàn huân chương và bức trướng thêu dòng chữ ĐOÀN KẾT - HỮU NGHỊ.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 21/SL, tặng thưởng Đoàn Việt kịch Trung Quốc đang biểu diễn tại Việt Nam Huân chương Lao động hạng Nhất.

- Báo Nhân dân, số 1845, ngày 3-4-1959.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu trữ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 4, ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn vận động viên điền kinh quân đội Tiệp Khắc đang công tác tại Việt Nam.

Chiều, Người đi thăm Triển lãm hậu cần và Triển lãm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật công binh. Tại Triển lãm hậu cần, Người nhắc Tổng cục Hậu cần phải cố gắng hoàn thành sớm việc nghiên cứu chuyển máy chạy xăng sang chạy madút, khen ngợi Cục Tài vụ “giảm được 81% giấy tờ là bớt được 81 ông quan”; căn dặn cán bộ quân y thực hiện đúng “lương y như từ mẫu”.

Thăm gian trưng bày của Cục Quân nhu, Người nói: “Không được để cơm thừa, để thừa hàng xe cơm là lãng phí lớn”...

Sau đó, Người ghi vào Sổ cảm tưởng: “Đó là một bước tiến đầu tiên trên con đường muôn dặm của cách mạng kỹ thuật, như một đoá hoa báo hiệu mùa Xuân. Nhưng nó đã chứng tỏ rằng trí tuệ và sáng kiến của quần chúng là vô cùng tận. Cấp lãnh đạo phải khéo khuyến khích, giúp đỡ, hướng dẫn, vun trồng thì trí tuệ và sáng kiến ấy sẽ không ngừng nở hoa, kết quả...”.

Tại Triển lãm của công binh, sau khi đi thăm các phòng trưng bày, nghe giới thiệu các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, Người ghi vào Sổ lưu niệm:

“Các chiến sĩ, cán bộ trong ngành công binh ta đã cố gắng khá, thi đua tìm tòi nghiên cứu, phát huy sáng kiến mới, mục đích là làm cho công việc nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Thế là trực tiếp góp phần vào công cuộc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm nền tảng vững mạnh đấu tranh thống nhất nước nhà”.

- Báo Nhân dân, số 1846, ngày 4-4-1959 và số 1847, ngày 5-4-1959.

- Đặc san Tạp chí Hậu cần, 1959.

- Lịch sử công binh Việt Nam (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991, tr. 150.

 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 9, tr. 427.

Tháng 4, trước ngày 4

Nhân dịp Quốc khánh lần thứ 14 của nước Cộng hòa nhân dân Hunggari, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Hunggari, nhiệt liệt chào mừng những thành tựu to lớn trong việc củng cố chính quyền nhân dân, cải tạo và phát triển kinh tế dưới sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng Xã hội Công nhân và Chính phủ Công nông Cách mạng Hunggari.

 - Báo Nhân dân, số 1846, ngày 4- 4-1959.

Tháng 4, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về dự thảo báo cáo về hợp tác hoá nông nghiệp. Phát biểu tại hội nghị, Người lưu ý việc phát triển hợp tác xã nhưng phải nhấn mạnh củng cố; về đánh giá nông dân, cần nêu bật bản chất giai cấp tích cực cách mạng của nông dân và các thành phần khác. Về vấn đề tổ chức, Người nhắc nhở trong nông thôn cần củng cố chi bộ, phát triển hợp tác phải đi bước nào chắc bước đó, tránh ồ ạt. Các vấn đề công nghiệp, thương nghiệp, hợp tác hoá...cần đẩy mạnh nhưng phải có kế hoạch ăn khớp với nhau...

Cùng ngày, Người đến dự Đại hội liên hoan chào mừng thắng lợi của phong trào diệt dốt của Thủ đô.

Nói chuyện với các đại biểu, Người căn dặn: “Hà Nội đã xoá xong nạn mù chữ. Nay phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hoá, không được để có người mù chữ trở lại”.

Người đã tặng huy hiệu của Người cho bảy chiến sĩ diệt dốt xuất sắc, bốn gia đình (trong đó có hai gia đình Hoa kiều) có thành tích trong phong trào diệt dốt.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 1850, ngày 8-4-1959.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 37.

Tháng 4, đầu tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị sơ kết quý I ngành xây dựng cơ bản tổ chức tại Việt Trì. Người nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của công tác xây dựng cơ bản trong công cuộc xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, phê phán những hiện tượng như chất lượng công trình chưa tốt, không hoàn thành kế hoạch, lãng phí sức người, sức của, tổ chức quản lý kém... và chỉ rõ: “Cán bộ xây dựng từ trên xuống dưới phải chịu trách nhiệm chính”. Người yêu cầu các cán bộ “phải kịp thời thay đổi tác phong và cách lãnh đạo” để bảo đảm hoàn thành kế hoạch quý II.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tinh của hơn 3.000 cán bộ, công nhân, bộ đội đang làm nhiệm vụ xây dựng cầu Việt Trì. Phát biểu tại cuộc mít tinh, Người biểu dương những cố gắng của anh chị em trên công trường và căn dặn mỗi người phải thi đua thực hiện khẩu hiệu: “Nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, kiên quyết chống “nhanh ẩu”, lãng phí vật liệu, mỗi người phải tự mình cố gắng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Cuối ngày, Người đến thăm khu ở và làm việc của chuyên gia Trung Quốc làm việc trên công trường cầu Việt Trì.

- Báo Nhân dân, số 1851, ngày 9-4-1959.

Bác Hồ với Vĩnh Phú, Ty Văn hoá Vĩnh Phú xuất bản, 1975, tr. 135.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 406- 407.

Tháng 4, ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn tiếp về vấn đề hợp tác hoá nông nghiệp và xây dựng sân bay quân sự.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 4, ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương Campuchia nhân dịp Tết Chol Chnam Kor Eksad của nhân dân Campuchia.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết sản xuất công nghiệp. Sau khi khen ngợi những cố gắng của ngành, Người chỉ ra những khuyết điểm mà nguyên nhân chủ yếu như công tác lãnh đạo tư tưởng, quản lý, kỹ thuật còn kém. Người căn dặn phải làm tốt công tác cải tiến quản lý xí nghiệp, nêu cao tự lực cánh sinh nhưng phải học tập các chuyên gia nước bạn...

- Báo Nhân dân, số 1856, ngày 14- 4-1959.

Tháng 4, ngày 12

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bác đến thăm Côn Minh, ký bút danh Thu Giang, đăng báo Nhân dân, số 1854, viết về chuyến đi thăm Côn Minh của Người trong tháng 3-1959, ghi nhận sự đổi thay của Côn Minh về mọi mặt: nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Côn Minh được nâng cao. Đây là lần thứ ba Người đến thăm Côn Minh sau khi Trung Quốc được giải phóng.

- Bản thảo lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 1854, ngày 12-4-1959.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 218.

Tháng 4, trước ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu cho ba thanh niên Hải Dương đạt nhiều thành tích trong sản xuất đông - xuân.

- Báo Nhân dân, số 1855, ngày 13-4-1959.

Tháng 4, ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề cải tạo công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa. Người nhắc phải lưu ý việc giáo dục, đả thông tư tưởng đối với các nhà tư sản cho kỹ, việc cải tạo phải vì tương lai của các nhà công thương, không gạt họ ra ngoài nhân dân và khi định thành phần phải tránh căng thẳng.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 4, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình dân tộc thiểu số và việc cải cách dân chủ kết hợp với củng cố, phát triển tổ đổi công và hợp tác xã miền núi. Phát biểu ý kiến, Người cho rằng đây là vấn đề cấp bách vì liên quan đến đời sống của đồng bào, nhưng phải được chuẩn bị cho kỹ lưỡng.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 4, ngày 16

7 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 16 (khoá II)16 mở rộng bàn về vấn đề hợp tác hoá nông nghiệp và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội.

Trong lời khai mạc Hội nghị, Người đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của việc hợp tác nông nghiệp trong công cuộc phát triển nông nghiệp, công nghiệp ở nước ta và yêu cầu: “Hội nghị Trung ương cần phải bàn bạc cho kỹ, cho sâu và cho tốt để định ra đường lối, phương châm và chính sách của công việc hợp tác hoá nông nghiệp. Các đồng chí phụ trách trung ương, các đồng chí địa phương, các đồng chí phụ trách các ngành phải chuẩn bị phát biểu ý kiến cho đầy đủ để thống nhất ý kiến, thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động”.

Cùng ngày, Người đến thăm Đại hội lần thứ 2 Hội nhà báo Việt Nam17 tổ chức tại Câu lạc bộ Đoàn kết (Hà Nội).

Lấy tư cách “một người có nhiều duyên nợ với báo chí”, Người nhận xét về những ưu điểm và khuyết điểm của “những người làm báo chí” Việt Nam, góp ý kiến về mục đích, trách nghiệm của báo chí và kể lại những kinh nghiệm trong cuộc đời làm báo của mình.

Trong ngày, Người gửi điện mừng nhân kỷ niệm ngày sinh của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô N. Khơrútsốp.

- Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 409-419.

- Báo Nhân dân, số 1859, ngày 17-4-1959.

Tháng 4, ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua và lao động xuất sắc năm 1958 của Thủ đô Hà Nội tổ chức tại Rạp hát Hồng Hà.

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Người nhiệt liệt biểu dương những thành tích của anh chị em đã đạt được trong năm qua và tin tưởng rằng các đại biểu sẽ nỗ lực hơn, gương mẫu hơn trong phong trào thi đua để giành thêm nhiều thắng lợi mới.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 16. Sau khi nghe các địa phương báo cáo về phong trào hợp tác hoá, Người căn dặn lãnh đạo các địa phương phải chú ý đến công tác đê điều thủy lợi, quan tâm đến xây dựng trường học, tạo điều kiện cho các cháu học tập. Người đặc biệt nhấn mạnh tới việc trồng cây gây rừng: “Nếu mỗi nhân khẩu trồng 5 cây, có làm được không?, bộ đội ở Hòn Gai mỗi người trồng 10 cây thông, phải trồng xoan... để trong 5 năm nữa có thể thay đổi nhà cho nhân dân. Các địa phương nên chú ý làm việc đó”.

- Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 1860, ngày 18-4-1959.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 37.

Tháng 4, ngày 18

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 16 nghe các địa phương báo cáo tình hình. Cuối buổi họp, Người lưu ý lãnh đạo các tỉnh cho biết những khó khăn chủ yếu của địa phương mình để Hội nghị có hướng giúp đỡ.

Trong ngày, Người tiếp Đoàn đại biểu quân sự Angiêri sang thăm Việt Nam đến chào Người.

- Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 1861, ngày 19-4-1959.

Tháng 4, ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 16 nghe các địa phương báo cáo. Kết thúc ngày họp, Người căn dặn vấn đề hợp tác hoá phải chú trọng chất lượng để sau này phát triển dễ hơn, phải chú ý đến vai trò của thanh niên lao động trong công tác này và các địa phương nên chú ý chăn nuôi, phòng bệnh cho gia súc, cây trồng; ở những công trình thủy nông nên trồng cây, nuôi cá... các xã phải có nghĩa trang liệt sĩ... Người còn phê bình một địa phương còn lẫn lộn giữa công tác của tỉnh ủy và chính quyền nên phải nghiên cứu lại hoạt động của mình.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Thủ tướng Phêrenxô Muynni và Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Công nông Cách mạng Hunggari sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

-  Báo Nhân dân, số 1862, ngày 20-4-1959.

Tháng 4, ngày 20

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 16. Sau khi nghe đại diện ngân hàng báo cáo về việc cho nông dân vay vốn, Người lưu ý phải xem lại thời gian cho nông dân vay, nếu thời hạn cho vay quá ngắn nông dân sẽ không dám vay.

Tối, Người dự chiêu đãi của Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhân dịp Đoàn đại biểu Chính phủ Hunggari sang thăm chính thức Việt Nam.

- Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 1863, ngày 21-4-1959.

Tháng 4, ngày 21

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tổ chức chiêu đãi nhân dịp Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Công nông Cách mạng Hunggari sang thăm chính thức nước ta.

- Báo Nhân dân, số 1864, ngày 22- 4-1959.

Tháng 4, trước ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương và nhân dân Lào nhân dịp Tết cổ truyền của nhân dân Lào.

 - Báo Nhân dân, số 1864, ngày 22- 4-1959.

Tháng 4, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn nghệ thuật balê Hunggari sang thăm và biểu diễn tại Việt Nam. Người khen ngợi những cố gắng của anh chị em trong đoàn đã để lại cho nhân dân Việt Nam mối thiện cảm sâu sắc và thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

 - Báo Nhân dân, số 1867, ngày 25- 4-1959.

Tháng 4, ngày 24

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng đồng chí Đào Đỗ, quê ở Bình Định, bộ đội Quân khu IV một huy hiệu của Người về tinh thần gương mẫu phục vụ quân đội.

- Báo Quân đội nhân dân, số 574, ngày 30- 4-1959.

Tháng 4, ngày 25

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị lần thứ 16 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng bàn về vấn đề hợp tác hoá ở miền núi.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội.

Thay mặt Trung ương Đảng và nhân danh một đảng viên Hà Nội, Người phát biểu ý kiến với Hội nghị, nêu rõ: Thủ đô Hà Nội phải trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa, muốn vậy thì “mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội”. “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu sẽ góp phần đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh đấu tranh giành thống nhất nước nhà”.

- Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 420-421.

Tháng 4, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô Hà Nội chào mừng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Công nông Cách mạng Huggari sang thăm Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 1869, ngày 27-4-1959.

Tháng 4, ngày 27

Chiều, tại Nhà khách Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Iôhanét Đích Man - Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức và Đoàn đại biểu Quốc hội Đức sang thăm chính thức Việt Nam.

Tối, tại Câu lạc bộ Quốc tế (Hà Nội), Người dự tiệc chiêu đãi Đoàn đại biểu Quốc hội Đức do Ban Thường trực Quốc hội tổ chức. Trong không khí thân mật, Chủ tịch vui vẻ kể lại chuyến viếng thăm của Người ở nước Cộng hòa Dân chủ Đức vừa qua.

 - Báo Nhân dân, số 1870, ngày 28-4-1959.

Tháng 4, ngày 28

Tại Hội nghị lần thứ 16 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng bàn về vấn đề hợp tác hóa ở miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu nhấn mạnh phải chú trọng vấn đề dân chủ, trình độ văn hoá ở các nơi để làm cho hợp lý và vấn đề chính là phải củng cố chính quyền và tổ chức đảng ở cơ sở cho mạnh. Người khen ngợi các cán bộ đang công tác ở miền núi và đề nghị Trung ương phải có chính sách ưu tiên đối với cán bộ Đảng, Đoàn, quân sự và các ngành đang công tác ở miền núi.

Cùng ngày, tại Câu lạc bộ Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ Đoàn nghệ thuật balê Huggari và trao tặng Đoàn Huân chương Lao động hạng Nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bức trướng thêu dòng chữ ĐOÀN KẾT - HỮU NGHỊ, mỗi thành viên trong Đoàn một huy hiệu của Người.

Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 1871, ngày 29-4-1959.

Tháng 4, ngày 29

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Công đoàn Liên Xô sang thăm hữu nghị nước ta.

Cùng ngày, Chủ tịch đã gửi bốn bức điện chúc mừng các vị lãnh đạo nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa: Ông Mao Trạch Đông được bầu làm Chủ tịch danh dự Hội nghị Chính trị hiệp thương Trung Quốc; Ông Lưu Thiếu Kỳ được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; Ông Đổng Tất Vũ được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; Bà Tống Khánh Linh được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Tối, Người mở tiệc chiêu đãi Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức trước khi Đoàn lên đường về nước.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho công nhân, dân công, bộ đội, cán bộ và các thành phần lao động khác đã tham gia xây dựng cống Xuân Quan và công trình phụ thuộc “vì đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, lao động dũng cảm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bảo đảm chất lượng thực hành tiết kiệm và hoàn thành vượt mức kế hoạch”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 422- 426.

- Báo Nhân dân, số 1874, ngày 3-5-1959.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 4, cuối tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng huy hiệu của Người cho một số đơn vị cá nhân có thành tích và sáng kiến trong sản xuất:

- Đội Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa mỏ đá Trái Hút (Yên Bái).

- Đội Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Bảo Hà (Yên Bái) thuộc công trường sửa chữa đoạn đường sắt Lào Cai - Việt Trì.

- Báo Nhân dân, số 1876, ngày 5-5-1959.

Tháng 4, ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị lần thứ 16 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khoá II) về cải cách dân chủ ở miền núi và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh.

Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị lần thứ 16 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khoá II) về cải cách dân chủ ở miền núi. Phát biểu kết thúc cuộc thảo luận, Người chỉ rõ: “Nói tiến lên xã hội chủ nghĩa là phải tiến cả, mọi vùng đều tiến, tuy mức độ, tốc độ có khác nhau; hình thức, chúng nào khác nhau. Vấn đề chính ở miền núi cũng là tiến lên đổi công hợp tác. Chỗ nào còn vấn đề cải cách dân chủ thì tuỳ từng nơi, từng chỗ, tuỳ còn nhiều hay ít mà làm..., cả miền xuôi và miền ngược, đổi công hợp tác vẫn là chính. Cố nhiên, nơi có phỉ thì phải trấn áp phỉ là chính, không máy móc”.

- Tài liệu đánh máy, lưu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

 

__________

1) Đó là chiếc lược của bà Nguyễn Thị Thành vợ ông Nguyễn Đình Viên (Tư Viên), nhân sĩ yêu nước ở Hà Tĩnh, năm 1917, bà Thành ra Côn Đảo thăm chồng được ông Viên tặng chiếc lược này. Tháng 10 - 1945, khi biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, bà Thành đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân cuộc họp của Phụ nữ cứu quốc. Chủ tịch đã nhận và nói: “Đây là kỷ vật vô giá mà chị đã tặng tôi” (chú thích của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam).

2) Bài viết được đăng lại trên báo Nhân dân, số 1770, ngày 17-1-1959.

3) Phần tiếp đăng trên báo Nhân dân, số 1775, ngày 22-1-1959.

4) Đoàn đi dự Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô từ ngày 20-1-1959.

5) Ngày 23-2, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được thư của cán bộ và công nhân Xưởng may 10. Bức thư có đoạn: “Hôm Bác đến, chúng cháu chủ ý nhìn kỹ thấy quần áo Bác mặc đã cũ, chúng cháu vô cùng cảm động. Vì vậy, chúng cháu không hẹn mà nên, mỗi người một ý bàn nhau biếu Bác 2 bộ quần áo. Tuy quần áo chúng cháu may chưa đẹp, nhưng đó là cả tấm lòng thành của chúng cháu”.

6) Nay là quận Kiến An, thành phố Hải Phòng.

7) Các máy bay IL 14- 1893, IL 14-1548, IL 14-1515.

8) Nay là Đại học Quốc gia Hà Nội.

* Năm 1959 - Từ tháng 5 đến tháng 8

Tháng 5, ngày 1

Tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự mít tinh và đọc Lời kêu gọi nhân ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 (1959).

Người thay mặt Đảng và Chính phủ thân ái chào mừng nhân dân lao động cả nước và thế giới.

Về tình hình trong nước, Người tố cáo chính quyền miền Nam theo lệnh đế quốc Mỹ đã phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, khủng bố cực kỳ dã man đồng bào miền Nam, và khẳng định: “Chính sách độc tài tàn bạo của Mỹ - Diệm nhất định không khuất phục được đồng bào miền Nam: đồng bào miền Nam càng đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu bền bỉ và kiên quyết”.

Tiếp đó, Người kêu gọi toàn dân Việt Nam thắt chặt hơn nữa tình hình đoàn kết nhất trí với các nước xã hội chủ nghĩa, phát triển hơn nữa tình hữu nghị với các nước Á - Phi và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; tăng cường đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất, ra sức thi đua yêu nước để hoàn thành Kế hoạch Nhà nước năm 1959.

Cùng ngày, bài viết Ngày 1-5-1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1873. Qua số liệu thống kê tình hình phát triển kinh tế giữa hai phe, tác giả kết luận:

“Phe đế quốc tư bản:

Tình hình u ám tiêu điều,

Càng nhiều mâu thuẫn, càng nhiều chông gai.

Còn phe xã hội chủ nghĩa đang ngày càng lớn mạnh, sẽ đưa lại cho nhân dân ta một đời sống ngày càng vui tươi”... Do đó, “Giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác-Lênin, đoàn kết chặt chẽ với các nước anh em trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa thì công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc ta nhất định thắng lợi, đấu tranh thống nhất nước nhà nhất định thành công.

Ngày 1 tháng 5 huy hoàng

Nhân dân lao động kết đoàn muôn năm”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 428-430.

- Báo Nhân dân, số 1873, ngày 1-5-1959.

Tháng 5, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu các dân tộc Tây Bắc về dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động ở Thủ đô, Người dặn dò các đại biểu cần động viên bà con tăng gia sản xuất để đời sống ngày càng no ấm hơn. Muốn sản xuất có kết quả, phải tổ chức tổ đổi công, nhưng phải làm thật tốt, phải hòa thuận đoàn kết, phải giúp đỡ nhau tận tình. Gia đình nào chưa vào thì cũng không được ép buộc, khinh rẻ, mỉa mai họ, phải để họ tự nguyện, khi nào thấy lợi, họ sẽ vào. Nơi nào có tổ đổi công rồi thì phải làm thật tốt để tiến dần lên hợp tác xã.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 431-432.

- Ban Tuyên giáo Khu Tây Bắc: Những bài viết và nói của Hồ Chủ tịch với các dân tộc Tây Bắc, 1970, tr. 36-37.

Tháng 5, ngày 3

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cần phải tiếp tục cố gắng chống hạn, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1874, biểu dương tinh thần cố gắng chống hạn của nhân dân các địa phương và kêu gọi bà con nông dân tiếp tục cố gắng, khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ để hoàn thành vụ chiêm thắng lợi.

Bài báo kết luận:

Muốn cho đời sống vui tươi

Lúa đủ nước uống thì người thừa ăn.

 - Báo Nhân dân, số 1874, ngày 3-5-1959.

Tháng 5, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về công tác tổ chức Đảng năm 1959. Phát biểu tại Hội nghị, Người lưu ý phải đẩy mạnh sửa đổi về tổ chức, đẩy mạnh đào tạo cán bộ cho 5, 10, 15 năm sau này và phải chú ý giúp cho sự phát triển của thanh niên.

Cùng ngày, Người dự họp Bộ Chính trị thảo luận việc giúp đỡ cách mạng Lào.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 5, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới khoá họp đặc biệt của Hội đồng hòa bình thế giới ở Xtốckhôm (Thụy Điển)18 nhân kỷ niệm 10 năm phong trào hòa bình thế giới.

Người chúc khoá họp thành công tốt đẹp, phong trào hòa bình thế giới ngày càng phát triển và giành được nhiều thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh cho chính sách chung sống hòa bình và hợp tác quốc tế.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 433.

Tháng 5, ngày 6

Tại Hội nghị lần thứ 16 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng bàn về việc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý hội nghị ngoài việc chú ý giáo dục công nhân, tiểu thương và trí thức phải chú ý đến vai trò của thanh niên, phụ nữ trong công tác này.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bộ trưởng Ngoại giao Pháp bức thông điệp, dưới hình thức thư ngỏ 1), ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1877, phản đối những luận điệu xuyên tạc của ông ta vu cáo Việt Nam, uy hiếp Lào, nhưng lại che đậy hành động Pháp xâm lược Angiêri.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 24/SL, tặng thưởng toàn thể nhân dân, bộ đội, cán bộ Khu tự trị Thái - Mèo Huân chương Lao động hạng Nhất, “vì những thành tích trong kháng chiến và tiến bộ trong hòa bình”.

- Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 1877, ngày 6-5-1959.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 5, trước ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào, cán bộ châu Điện Biên nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ.

 Bức thư có đoạn: “Tôi mong rằng toàn thể đồng bào các dân tộc, toàn thể bộ đội và cán bộ trong châu ta cùng đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, hăng hái thi đua hơn nữa đi vào con đường đổi công hợp tác, tăng gia sản xuất, phát triển văn hóa, chăm lo vệ sinh phòng bệnh, làm cho châu ta trở nên một địa phương gương mẫu trong khu”.

- Báo Nhân dân, số 1878, ngày 7-5-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 434.

Tháng 5, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm đồng bào, cán bộ các dân tộc Tây Bắc nhân kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nói chuyện với đồng bào và cán bộ tại buổi mít tinh ở Thuận Châu (Sơn La), Người khen ngợi tinh thần đoàn kết kháng chiến cũng như tinh thần đoàn kết sản xuất của tất cả đồng bào, bộ đội, cán bộ trong toàn Khu Tây Bắc. Chủ tịch chúc:

Người người mạnh khỏe,

Đoàn kết chặt chẽ,

Hăng hái thi đua,

Thành công vui vẻ.

và trao tặng lá cờ thêu dòng chữ ĐOÀN KẾT THI ĐUA THẮNG LỢI.

Gặp gỡ mọi người, Người vui vẻ hỏi thăm đồng bào “Xem triển lãm có đông không?”, hỏi các cô văn công hát bài “Con trâu sắt” rằng: “Yêu con trâu sắt hay yêu anh bộ đội lái con trâu sắt?”. Tặng hoa cho các em thiếu nhi, Người căn dặn:

Hoa thơm, nhiều ít cũng thơm

Tăng gia sản xuất thì cơm áo nhiều.

- Báo Nhân dân, số 1880, ngày 9-5-1959.

- Báo Quân đội nhân dân, số 579, ngày 12-5-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 435-438.

Tháng 5, ngày 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với nhân dân, bộ đội, cán bộ tại buổi mít tinh ở Yên Châu (Sơn La).

Người hoan nghênh đồng bào, bộ đội, cán bộ Yên Châu đoàn kết tốt, giúp đỡ nhau tăng gia sản xuất, học bình dân. Người khuyên bà con các dân tộc nên tích cực tham gia và xây dựng tổ đổi công thật tốt, chú ý làm thủy lợi để bảo đảm đủ nước cho sản xuất, phải bảo vệ rừng, “5 năm, 10 năm nữa rừng là vàng là bạc, là máy móc cả”. Người yêu cầu bộ đội và dân quân phải giữ gìn tốt trật tự an ninh, cán bộ phải đoàn kết, yên tâm công tác, các cháu thiếu nhi phải chăm chỉ học tập, lao động, giữ gìn vệ sinh và kỷ luật.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm Nông trường Mộc Châu. Người trao tặng Nông trường Huân chương Lao động hạng Ba và tự tay gắn Huân chương lên lá quân kỳ Quyết thắng của đơn vị, Người còn đề tặng Nông trường bốn câu:

Luôn luôn cố gắng

Khắc phục khó khăn

Tiến lên thật hăng

Làm tròn nhiệm vụ”.

                           BÁC HỒ

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Nhà nước ta gửi điện chúc mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 14 Quốc khánh nước Cộng hòa Tiệp Khắc.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 439-445.

- Báo Quân đội nhân dân, số 579, ngày 12-5-1959.

- Báo Nhân dân, số 1880, ngày 9-5-1959.

- Ảnh bút tích, lưu tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Sơn La.

Tháng 5, ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị thảo luận vấn đề lý luận về giai cấp tư sản trong thời kỳ quá độ.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 5, ngày 12

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu báo chí Trung Quốc.

Cùng ngày, Người tiếp đoàn các nhà báo của báo LUnità của Đảng Cộng sản Italia.

- Báo Nhân dân, số 1884, ngày 13-5-1959.

Tháng 5, ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy in Tiến Bộ. Người đi xem phân xưởng xếp chữ, phân xưởng in. Đến thăm nhà trẻ, Người căn dặn các cô giáo “Cần trông nom đến nhà giữ trẻ, chăm sóc chu đáo các cháu, vì các cháu có ngoan, khỏe mạnh thì bố mẹ các cháu mới yên tâm sản xuất tốt”.

Người còn viết thư gửi các cụ phụ lão xã Hồng Vân, huyện Ân Thi (Hưng Yên) cảm ơn “các cụ đã gửi thư cho tôi”. Người mong “các cụ sẽ tiếp tục đôn đốc và góp sức cùng đồng bào củng cố tốt tổ đổi công và hợp tác xã, làm nhiều tiểu thủy nông, cày sâu bừa kỹ, bón nhiều phân, thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, để nâng cao mức sống của nhân dân hơn nữa”.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, Hà Nội, 1985, tr.38.

- Báo Nhân dân, số 1885, ngày 14-5-1959.

- Bút tích lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 446.

Tháng 5, trước ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng chúc mừng khi Mao Chủ tịch được bầu làm Chủ tịch danh dự tại Đại hội lần thứ ba của nhân dân chính trị hiệp thương Trung Quốc.

- Bản thảo bức điện lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

-  Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 219.

Tháng 5, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị thảo luận dự thảo Nghị quyết của Trung ương về cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và vấn đề hợp tác hoá nông nghiệp. Phát biểu tại hội nghị, Người nhắc nhở: Người nào là tư sản phải đích đáng, không nên làm diện rộng và phải chú ý ảnh hưởng chính trị đối với miền Nam. Về vấn đề hợp tác hoá, Người nêu rõ Nghị quyết phải được phổ biến tới tận nơi nông dân vì vậy phải viết cho dễ hiểu.

Tối, Người dự họp Bộ Chính trị bàn việc giúp đỡ cách mạng Lào.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 5, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy dệt kim Đông Xuân (Hà Nội). Đến nhà trẻ của nhà máy, Người chia kẹo cho các cháu và căn dặn các cô giáo phải coi các cháu như con đẻ của mình.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 38.

Tháng 5, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ để bàn công tác đẩy mạnh hợp tác hoá nông nghiệp và những nội dung sẽ đệ trình trước kỳ họp thứ 10 của Quốc hội (khoá I).

Cùng ngày, Người đến thăm lớp chỉnh huấn khoá II của ngành Công an. Nói chuyện với các học viên, Người nhấn mạnh việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa và chỉ rõ: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ.

Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu, thiên hình vạn trạng”. “Nếu trong công tác, các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công. Muốn được như vậy, cũng phải trau dồi đạo đức cách mạng, cũng phải chống chủ nghĩa cá nhân”.

Cùng ngày, bài viết của Người: Lãnh tụ tự do”, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1887, vạch trần bản chất buôn dân bán nước của chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm thông qua mẩu chuyện “trò” Diệm được “thầy” Mỹ phong danh hiệu “Lãnh tụ tự do”.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 447-449.

-  Báo Nhân dân, số 1887, ngày 16-5-1959 và số 1890, ngày 19-5-1959.

Tháng 5, ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Sau khi thăm các cơ sở sản xuất, tại phân xưởng lắp ráp thành phẩm, Người nói chuyện với công nhân, cán bộ nhà máy về nhiệm vụ xây dựng Tổ quốc, cải tạo xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà. Người gợi ý Nhà máy Trần Hưng Đạo nên kết nghĩa, hợp tác với một nhà máy của Hunggari.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 38.

Tháng 5, trước ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu cho năm người có thành tích trong phong trào sản xuất nông nghiệp và bình dân học vụ 2).

- Báo Nhân dân, số 1890, ngày 19-5-1959.

Tháng 5, ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy rượu Hà Nội. Qua các phân xưởng sản xuất thấy công nhân phải làm những công việc nặng nhọc, Người nói với cán bộ nhà máy: “Các chú phải cải tiến để tăng năng suất, giảm bớt sức lao động”. Đến tổ nấu cơm rượu, Người hỏi: “Có cách nào thay thế việc nấu rượu bằng gạo mà vẫn bảo đảm chất lượng tốt được không?”.

Trong ngày, Người đi thăm núi Thầy (xã Sài Sơn, Quốc Oai) và vãn cảnh chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị Văn phòng Phủ Chủ tịch tặng Huy hiệu của Người cho em Hoàng Phúc Hải, học trò lớp 6 Trường tiểu học Trung Hoa Hà Nội đã không tham lam khi nhặt được của rơi.

-  Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr.38.

- Bác Hồ với Hà Tây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây, 2006, tr. 85.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Sao Mới, 8-1990, tr. 365-366.

Tháng 5, ngày 20

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong bài báo nhan đề Những nơi nào nhận thi đua với xã Hiệp An, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1891, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi các hợp tác xã cả nước thi đua với xã Hiệp An là xã đạt năng suất lúa cao, quản lý lao động và tổ chức sản xuất tốt.

Tác giả còn tặng bà con Hiệp An và toàn thể đồng bào nông dân bài hát “Tám điều cần thiết”:

1- Là nước phải đủ,

2- Là phân phải nhiều,

3- Bừa kỹ, cày sâu,

4- Phải chọn giống tốt,

5- Nên cấy dày cột,

6- Là phòng chuột, sâu,

7- Là nhắc nhủ nhau, việc cải tiến kỹ thuật,

8- Phải quản lý tốt từ đầu đến cuối mùa.

        Tám điều cố gắng thi đua,

Thì ta nắm chắc vụ mùa thắng to.

- Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 286.

- Báo Nhân dân, số 1891, ngày 20-5-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 450-451.

Tháng 5, ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự họp Quốc hội.

Tối, Người đến thăm và nói chuyện với lớp học về đường lối cách mạng Việt Nam của cán bộ pháo binh. Người khen ngợi những tiến bộ bước đầu của lớp học và nhắc nhở học viên không được chủ quan tự mãn, cần thường xuyên tu dưỡng rèn luyện đạo đức cộng sản và không ngừng đấu tranh chống tư tưởng cá nhân.

- Báo Quân đội nhân dân, số 584, ngày 23-5-1959.

Tháng 5, ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về chỉnh huấn cho cán bộ, đảng viên và vấn đề Quốc hội. Phát biểu tại Hội nghị, Người đề nghị cho cán bộ thanh niên tham gia chỉnh huấn, cán bộ ngành nào tham gia chỉnh huấn ở ngành đó và phải hướng dẫn cụ thể cho từng vùng nông thôn, thành thị. Người nhắc nhở việc học tập Nghị quyết 14, 15, 16 phải lấy Nghị quyết 16 làm trọng tâm và không được ảnh hưởng đến công việc chung. Người chỉ định đồng chí Trường - Chinh làm Trưởng ban lãnh đạo học tập, đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm phó ban, đồng chí Tố Hữu phụ trách công việc hằng ngày.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 5, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm “Triển lãm cải tiến kỹ thuật, sáng kiến của lao động Thủ đô”.

Người đặc biệt chú ý đến những phát minh sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được làm bằng các vật liệu trong nước và nhắc nhở công nhân cán bộ kỹ thuật phải luôn luôn khiêm tốn học tập chuyên gia các nước bạn để có nhiều thành tích hơn nữa.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 38.

Tháng 5, ngày 24

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự họp Bộ Chính trị bàn việc giúp đỡ cách mạng Lào.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 5, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 25/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đoàn nghệ sĩ dân gian Tiệp Khắc sang thăm và biểu diễn tại Việt Nam.

Cùng ngày, Người tiếp thân mật các nghệ sĩ trong Đoàn và trao tặng Đoàn Huân chương Lao động hạng Nhất.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

-  Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 287.

Tháng 5, ngày 27

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về Dự thảo luật Hôn nhân và Gia đình.

Cùng ngày, Người thăm Học viện Nông Lâm 3).

Ban Giám đốc đã giới thiệu với Người chiếc máy cấy bằng gỗ của Trường mới chế tạo.

-  Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 286.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 39.

Tháng 5, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Hợp tác xã nông nghiệp Tiền Phong (Vĩnh Linh) ba huy hiệu để làm giải thưởng cho xã viên có nhiều thành tích nhất trong vụ sản xuất đông - xuân.

Trong ngày, Người tặng thưởng huy hiệu của Người cho anh Ngô Văn Sâm, lái xe thuộc Đoàn Cửu Long, đạt kỷ lục cao nhất về chạy xe an toàn trong toàn quân.

- Báo Nhân dân, số 1900, ngày 29-5-1959.

- Báo Nhân dân, số 1906, ngày 4-6-1959.

Tháng 5, ngày 29

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về quy hoạch sông Hồng, kiện toàn Bộ Ngoại giao và một số vấn đề quốc tế khác.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Công đoàn Irắc sang thăm Việt Nam.

Trong ngày, bài viết của Người: Mấy việc kỳ quái ở Hội nghị Giơ – neo 4), ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1900, vạch rõ nguyên nhân vì sao Chính phủ Tây Đức và Chính phủ Pháp lại có thái độ “kỳ quái” trước đề nghị của Liên Xô về việc ký kết hòa ước rút hết quân đội nước ngoài ra khỏi Đức, biến Béclin thành một thành phố hòa bình.

-  Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 287.

- Báo Nhân dân, số 1900, ngày 29-5-1959.

Tháng 5, ngày 30

Bài viết của Người: Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1901, nêu rõ sự cần thiết ngay từ bây giờ nông dân phải lo việc trồng cây và đề ra định mức cây trồng cho mỗi người và mỗi gia đình.

Bài báo kết luận:

Muốn làm nhà cửa tốt,

Phải ra sức trồng cây.

Chúng ta chuẩn bị từ rày

Dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 26/SL, tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho bác sĩ Vũ Đình Tụng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương binh “đã nêu cao tinh thần yêu nước, phục vụ nhân dân trong việc lãnh đạo chấp hành các chủ trương và chính sách của Đảng và Chính phủ về công tác thương binh, liệt sĩ”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 452-453.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 6, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu phụ nữ Ba Lan sang thăm hữu nghị nước ta.

- Báo Nhân dân, số 1904, ngày 2-6-1959.

Tháng 6, ngày 2

 Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Văn phòng Phủ Chủ tịch gửi Công văn số 118/VPCT gửi Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình chỉ thị đăng lại bài “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở” đã đăng trên báo Nhân dân ngày 30-5-1959, để nhân dân học cách trồng cấy, tự làm nhà ở.

   - Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 6, ngày 4

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vài ý kiến về cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1906, bàn về những nguyên nhân khiến nhiều xí nghiệp làm kém kết quả cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp.

Kết luận, bài báo có đoạn: “Để đẩy tới cuộc vận động cho tốt, cho gọn, thì cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động và công nhân cần phải nghiên cứu kỹ và làm thật đúng những chỉ thị của Trung ương. Phải ra sức sửa chữa những khuyết điểm nói trên. Đồng thời phải học tập kinh nghiệm của những xí nghiệp đã làm tốt. Như vậy thì cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp tiến bước vừa tốt, vừa gọn”.

- Báo Nhân dân, số 1906, ngày 4-6-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 454-455.

Tháng 6, trước ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Tổng thống Inđônêxia A. Xucácnô.

   - Báo Nhân dân, số 1908, ngày 6-6-1959.

Tháng 6, ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Công trường đường Thanh Niên (Hà Nội).

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 39.

Tháng 6, ngày 7

Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1909:

- Bài Con tôm đỏ, con thỏ đen, đả kích tệ phân biệt chủng tộc và bài xích cộng sản ở nước Mỹ.

- Bài Tháng năm thắng lợi, giới thiệu những thắng lợi về kinh tế và ngoại giao của các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân chủ tiến bộ trong tháng 5 (1959) và coi đó là thắng lợi mới trong phong trào chống Mỹ, trong đó có sự đóng góp của nhân dân Việt Nam.

 - Báo Nhân dân, số 1909, ngày 7-6-1959.

Tháng 6, ngày 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Đảng bộ Khu Việt Bắc.

Phát biểu với Hội nghị, Người khen ngợi những thành tích của Đảng bộ và nhân dân Việt Bắc đã đạt được và đề cập tới những nhiệm vụ mới của Khu về hợp tác hoá nông nghiệp, hoàn thành cải cách dân chủ, công tác thuỷ lợi, văn hoá xã hội, việc chấp hành chính sách dân tộc. Người đặc biệt nhấn mạnh công tác củng cố và phát triển Đảng, sự tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Cùng ngày, Chủ tịch đến thăm công nhân, cán bộ Khu gang thép Thái Nguyên. Đứng trên một sườn đồi máy húc đang bạt dở, Người nói:

“Có một số các cô, các chú thắc mắc về “tiền đồ bạc đồ”. Muốn ăn quả phải trồng cây. Muốn uống nước phải đào giếng. Xây dựng xí nghiệp bây giờ là thế...Chủ nghĩa xã hội là gì? Là không có người bóc lột người, mọi người đều no ấm. Đó là tiền đồ của chúng ta, không có “tiền đồ bạc đồ” nào khác”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 456-457.

- Chúng ta có Bác Hồ, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1970, t.1, tr. 18-19.

Tháng 6, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị thống nhất Nghị quyết 15 trước khi đưa ra Hội nghị Trung ương Đảng. Phát biểu tại Hội nghị, Người nhắc nhở vấn đề đấu tranh chính trị là gay go, phức tạp, tránh khuynh hướng manh động, sai phương châm, ảnh hưởng đến kế hoạch và nhiệm vụ chung.

-  Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 6, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn cán bộ nghiên cứu Đông y, Đông dược Trung Quốc sang thăm và trao đổi kinh nghiệm với các bạn đồng nghiệp Việt Nam về y dược học dân tộc.

- Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 219.

Tháng 6, ngày 18

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người quyết tâm thì lúa được mùa, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1920, biểu dương thắng lợi to lớn của vụ chiêm - xuân ở miền Bắc, phân tích nguyên nhân đạt được kết quả đó và đề ra một số nhiệm vụ cần khẩn trương xúc tiến giành vụ mùa tốt hơn.

- Báo Nhân dân, số 1920, ngày 18-6-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 458-459.

Tháng 6, ngày 19

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh ÔTAN 5) sắp TAN chăng? ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1921, vạch ra những mâu thuẫn về kinh tế, quân sự giữa Pháp - Mỹ, Pháp - Tây Đức sẽ dẫn đến mâu thuẫn về chính trị và cuối cùng là “ÔTAN sắp TAN chăng”?

- Báo Nhân dân, số 1921, ngày 19-6-1959.

Tháng 6, ngày 20

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Công trường 5 thuộc khu vực núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội).

Chiều, Người đến thăm và nói chuyện với hơn 2000 đồng bào đang làm việc trên công trường đê Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Sau khi thăm hỏi đồng bào và xem xét tình hình đắp đê, Người nhắc nhở: “Các cô, các chú cần cố gắng đắp đê cho tốt. Đê có vững mới chống được lụt. Nếu xảy ra lụt thì dân sẽ chết đói”. Để khích lệ tinh thần nhân dân địa phương, Người nêu ra ý kiến tổ chức thi đua đắp đê theo 3 đợt, mỗi đợt 7 ngày, từ ngày 20-6 đến ngày 10-7-1959.

Bài viết Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chống mổ bò bừa bãi, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1922, phê phán hiện tượng các ngành, các cấp ở nhiều địa phương lợi dụng hội họp, giết trâu bò bừa bãi để ăn uống. Người coi đó là hành động phá hoại sản xuất mà các cấp lãnh đạo ở địa phương phải chịu trách nhiệm.

- Bác Hồ với Hà Tây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây, 2006, tr. 86-87.

- Báo Nhân dân, số 1922, ngày 20-6-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 460-461.

Tháng 6, ngày 21

Bài Điện Biên Phủ, ký bút danh T.L., của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng báo Nhân dân, số 1923.

Bài báo nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ, nguyên nhân thất bại của quân viễn chinh Pháp và khẳng định: “Khi một dân tộc đã đoàn kết chặt chẽ vùng dậy chiến đấu để giành lại quyền độc lập của mình, thì không có lực lượng phản động nào ngăn cản được họ, và họ nhất định thắng lợi”. Người kết luận bằng bốn câu thơ:

Cũng trong một cuộc Điện Biên,

Ta mừng thắng lợi, Pháp phiền xấu xa

Trăm năm trong cõi người ta

Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua.

- Báo Nhân dân, số 1923, ngày 21-6-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 462-463.

Tháng 6, ngày 22

Bài Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, ký bút danh T.L., của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng báo Nhân dân, số 1924. Nhân việc Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ra Nghị quyết trong năm 1959 sẽ chuyển 90% số hộ công thương nghiệp tư bản tư doanh vào công tư hợp doanh, tác giả giới thiệu những tâm sự của một đại tư sản Trung Quốc tên là Vương Nhị Nhân nói về sự chuyển biến của ông ta trong quá trình ở lại với cách mạng, tiếp thu đường lối cải tạo của Đảng và Chính phủ Trung Quốc.

- Báo Nhân dân, số 1924, ngày 22-6-1959.

Tháng 6, ngày 23

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về Hội nghị chỉnh huấn. Phát biểu tại Hội nghị, Người lưu ý phải làm cho cán bộ thấy rõ mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ ở hai miền. Về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Người không đồng ý coi giai cấp tư sản dân tộc là đối tượng của cách mạng, bởi họ đã đi cùng với giai cấp công nhân trong cách mạng dân tộc dân chủ và cho rằng “nên coi họ là đồng minh, cải tạo họ thành người lao động” và “khi cải tạo nên dùng phương pháp dân chủ, không phải chuyên chính với họ”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 6, ngày 24

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Thiếu tá Quân hạm trưởng Ph.Xuắc và các sĩ quan quân hạm Đêvarútchi thuộc hạm đội Inđônêxia.

13 giờ, Người đến sân bay Gia Lâm đón Tổng thống Inđônêxia A. Xucácnô sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

Tại sân bay, sau khi hướng dẫn Tổng thống A. Xucácnô duyệt đội danh dự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc diễn văn nhiệt liệt chào mừng Tổng thống, ca ngợi tình hữu nghị Việt Nam - Inđônêxia.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi Tổng thống và Đoàn đại biểu Chính phủ Inđônêxia.

Đọc diễn văn trong buổi tiệc, Người đặc biệt nhấn mạnh quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước và khẳng định lại sự ủng hộ hoàn toàn cuộc đấu tranh đòi thu hồi miền Tây Iriăng của nhân dân Inđônêxia.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 464-468.

- Báo Nhân dân, số 1927, ngày 25-6-1959.

Tháng 6, ngày 25

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống A. Xucácnô đến thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Người trực tiếp giới thiệu với Tổng thống và các vị trong đoàn những hình ảnh về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.

Kết thúc buổi đi thăm, Chủ tịch tặng Tổng thống A.Xucácnô Huy hiệu Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chiều, Chủ tịch cùng Tổng thống A. Xucácnô dự buổi họp mặt chào mừng của đại biểu thanh niên các dân tộc Việt Nam.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc chiêu đãi của Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức nhân dịp Đoàn đại biểu Chính phủ Inđônêxia sang thăm hữu nghị nước ta.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vài ý kiến về mấy cuộc trưng bày, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1927, hoan nghênh tinh thần dám nghĩ dám làm của những người trực tiếp sản xuất và kịch liệt phê bình những cán bộ quan liêu “chẳng những không khuyến khích mà còn kìm hãm sáng kiến của quần chúng”.

- Báo Nhân dân, số 1927, ngày 25-5-1959 và số 1928, ngày 26-6-1959.

- Những lần Bác Hồ đến thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Tư liệu của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Tháng 6, ngày 26

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống A. Xucácnô tới dự cuộc mít tinh chào mừng của sinh viên các trường đại học và một số trường trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông tổ chức tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

Nói chuyện với sinh viên, Người nhắc lại những điều “Bác Cácnô” đã căn dặn: “tương lai của loài người một phần lớn là ở trong các cháu thanh niên tức là các cháu là chủ nhân, là ông chủ, bà chủ tương lai của trái đất. Nhưng muốn cho xứng đáng với ông chủ, bà chủ thì phải làm thế nào? Không phải cứ ngồi khoanh tay sẽ là ông chủ, bà chủ, mà:

1. Phải đoàn kết chặt chẽ.

2. Cố gắng học tập cho tốt.

3. Phải lao động cho tốt.

4. Vượt mọi khó khăn để mà chiến thắng, để hưởng thụ tất cả những khoa học, những hiểu biết của thời đại thế kỷ thứ XX”.

Cuối cùng, Người thay mặt sinh viên Việt Nam gửi đến các bạn thanh niên và các bạn học sinh, sinh viên Inđônêxia “tất cả tình hữu nghị thắm thiết và ý chí thi đua xã hội chủ nghĩa của thanh niên và sinh viên Việt Nam”.

- Báo Nhân dân, số 1929, ngày 27-6-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 171-172.

Tháng 6, ngày 27

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi cùng Tổng thống A. Xucácnô tới thăm Nhà máy cơ khí Hà Nội.

Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Người dự lễ trao tặng Tổng thống A.Xucácnô Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Trong diễn văn chào mừng, Chủ tịch đánh giá cao bác sĩ A. Xucácnô, “người chiến sĩ gan góc, tiêu biểu cho ý chí quật cường và tinh thần nồng nàn yêu nước của nhân dân Inđônêxia”, “người đã xây dựng nền độc lập và nước Cộng hòa Inđônêxia” và là “vị lãnh tụ đầu tiên của một nước bạn sẽ mang Huân chương cao quý này của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống A. Xucácnô còn đến thăm trại hè “Bồ câu trắng” của thiếu niên Hà Nội.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 39.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 473-474.

Tháng 6, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự cuộc mít tinh của hơn 20 vạn nhân dân Thủ đô chào mừng Tổng thống A. Xucácnô tổ chức tại Quảng trường Ba Đình.

Nói chuyện tại cuộc mít tinh, Người ca ngợi tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Inđônêxia, căn dặn đồng bào thực hiện tốt mong muốn của Tổng thống và cũng là của Người là xây dựng “nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc do Tổng thống A. Xucácnô chiêu đãi và đã đọc đáp từ bằng một bài thơ mở đầu bằng những câu:

Lặng nghe lời nói như ru

Tình hữu nghị giữa hai dân tộc muôn thu vững bền!

Chúng ta vững bước tiến lên

Thống nhất và độc lập, chúng ta xây dựng cái nền vẻ vang....

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 478.

- Báo Nhân dân, số 1931, ngày 29-6-1959.  

Tháng 6, ngày 29

Tại sân bay Gia Lâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiễn Tổng thống A. Xucácnô lên đường về nước.

Trong lời tiễn, Người bày tỏ tình quyến luyến của nhân dân Việt Nam đối với Tổng thống trong bốn câu thơ:

Nhớ nhung trong lúc chia tay,

Tấm lòng lưu luyến cùng bay theo Người.

Người về Tổ quốc xa khơi,

Chúc Người thắng lợi, chúc Người bình an”.

“Riêng Paman 6) Hồ thì nhờ Bung 7) Cácnô chuyển cho tất cả anh em, chị em Inđônêxia lời chúc phúc chân thành nhất, và chuyển cho các cháu thanh niên và nhi đồng Inđônêxia nhiều cái hôn”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 27/SL, truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho ông Hoàng Đức Thạc (tức Lã), nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Tỉnh bộ Cao Bằng.

- Báo Nhân dân, số 1932, ngày 30-6-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 479-480.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 6, ngày 30

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sân bay Gia Lâm lên đường đi nghỉ ở Liên Xô.

Gần trưa, máy bay đưa Người đến Hán Khẩu (Trung Quốc).

20 giờ, vì trời mưa to, không tiếp tục đi máy bay được, Người đáp tàu hỏa đi Bắc Kinh.

Cùng ngày, Người gửi tặng huy hiệu cho các cụ phụ lão ở phố Dư Hàng (Hải Phòng) có thành tích tham gia công tác diệt dốt, xây dựng phong trào bình dân học vụ ở địa phương trong ba năm gần đây.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký: 8)

- Sắc lệnh số 30/SL cho phép ông Moritam tức Cao Văn Tây, nguyên quốc tịch Ấn Độ, được nhập quốc tịch Việt Nam.

- Sắc lệnh số 31/SL, cho phép bà Nguyễn Thị Văn, nguyên quốc tịch Trung Quốc, được nhập quốc tịch Việt Nam.

- Sắc lệnh số 32/SL, truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ông Phàn A Quân (tức Phàn Tả), nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Khu tự trị Thái- Mèo đã có nhiều công lao trong việc xây dựng Khu tự trị, nêu cao tinh thần trung thành đối với Đảng và Chính phủ, không khuất phục trước kẻ thù, đã anh dũng hy sinh.

-  Báo Nhân dân, số 1935, ngày 3-7-1959.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2011, ngày 18-9-1959.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 6

Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu y dược Trung Quốc.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 80.

Tháng 6, cuối tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu của Người cho Kho 260 thuộc Tổng cục Hậu cần là đơn vị đầu tiên trong toàn quân đã tranh thủ thời gian nghỉ để tăng gia sản xuất, tự túc hoàn toàn tiền thức ăn và đã tự nguyện không lĩnh tiền thức ăn bắt đầu từ ngày 1-6-1959.

- Báo Quân đội nhân dân, số 601, ngày 2-7-1959.

Tháng 7, ngày 1

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục cuộc hành trình bằng xe lửa.

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam), Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh Hà Nam đã đến chào Người. Dùng bữa trưa xong, Người tiếp tục lên đường.

14 giờ, Chủ tịch đến Bắc Kinh. Đón Người tại sân ga có các vị trong Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh. Người về nghỉ tại một biệt thự ở ngoại ô Bắc Kinh.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2011, ngày 18-9-1959.

Tháng 7, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bắc Kinh, tiếp tục hành trình đi thăm Liên Xô.

Máy bay chở Người đã dừng ở Irơcutxk, Nôvôxibia, Xvéclốp để tiếp dầu. Tại những nơi Người dừng chân, cán bộ lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương đã tới sân bay chào Người.

14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Mátxcơva. Chủ tịch K.E.Vôrôsilốp và nhiều vị trong Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã đón tiếp trọng thể Người.

17 giờ, Người đến thăm Chủ tịch K.E.Vôrôsilốp. Sau đó, Người về nghỉ tại biệt thự Lípky.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2011, ngày 18-9-1959.

Tháng 7, ngày 3

12 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô N. Khơrútsốp.

13 giờ, Người đến dự bữa cơm gia đình với Chủ tịch K.E.Vôrôsilốp. Cùng dự có các ông N.Khơrútsốp, A.Micaian, một số vị trong Bộ Chính trị, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao, Đại sứ Liên Xô ở Việt Nam và Đại sứ Việt Nam ở Liên Xô.

16 giờ, Người đi xem “Triển lãm thành tựu kinh tế - khoa học kỹ thuật” sáu tháng đầu năm thứ nhất (1959) của Kế hoạch bảy năm của Liên Xô.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2012, ngày 19-9-1959.

- Báo Nhân dân, số 1936, ngày 4-7-1959.

Tháng 7, ngày 4

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bốn bác sĩ Liên Xô đến thăm và khám sức khỏe. Kết luận của bác sĩ: Sức khỏe của Người khá hơn năm trước.

Cùng ngày, tại Hà Nội, bài viết của Người: Xem Viện Bảo tàng Việt Nam, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 1936, nêu lên ý nghĩa quan trọng của việc giáo dục tư tưởng đạo đức cũng như mở rộng hiểu biết của nhân dân thông qua hình thức tham quan Bảo tàng.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2012, ngày 19-9-1959.

- Báo Nhân dân, số 1936, ngày 4-7-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 481.

Tháng 7, ngày 5

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thuyền máy trên kênh đào Mátxcơva, tham quan thành phố.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2013, ngày 20-9-1959.

Tháng 7, ngày 6

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Mátxcơva đi Kiép, Thủ đô nước Cộng hòa Xô viết Ucraina.

Người đã đề nghị với các vị lãnh đạo Nhà nước Liên Xô và các địa phương không tổ chức đón tiếp theo nghi lễ ngoại giao mà chỉ có những buổi gặp gỡ như trong gia đình.

Cùng ngày, Người đến Kiép và nghỉ tại biệt thự Vanky ở ngoại ô thành phố.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2013, ngày 20-9-1959 và số 2014, ngày 21-9-1959.

Tháng 7, ngày 7

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Nông trang tập thể “Hữu nghị”. Người gặp gỡ và nói chuyện với một số bà con nông dân về tình hình nông thôn Việt Nam. Người vào thăm một gia đình nông dân. Chủ nhà đã biếu Người một giỏ quả dâu mới hái.

Sau đó, Chủ tịch tới thăm một nông trường quốc doanh cách Kiép 86km. Người đã tìm hiểu tình hình mọi mặt của nông trường.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2013, ngày 20-9-1959.

Tháng 7, ngày 8

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên máy bay tới thăm thành phố Krêmentrúc (cách Kiép 265km) và công trình thủy điện trên sông Đnhiép. Người gặp gỡ thăm hỏi anh chị em công nhân đang xây dựng trên công trường thủy điện và chúc họ chóng hoàn thành kế hoạch.

15 giờ, Người đi máy bay đến Dapôrôdiê, một thành phố nhỏ trước đây đã bị phát xít Đức tàn phá nặng nề nay đang được xây dựng lại.

16 giờ, Người đến thăm Nhà máy thủy điện Đnhieprôghex, một công trình nổi tiếng xây dựng từ năm 1926.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 38 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2015, ngày 22-9-1959.

- Báo Nhân dân, số 1943, ngày 11-7-1959.

Tháng 7, ngày 9

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm xí nghiệp gang thép ở ngoại ô Dapôrôdiê.

Tại xí nghiệp gang thép, Người được ban lãnh đạo đón tiếp nồng nhiệt và hướng dẫn đi tham quan các khu vực sản xuất. Chủ tịch đã tặng 20 huy hiệu của Người để xí nghiệp làm phần thưởng.

10 giờ, Người lên đường đi thăm thành phố Mêlitôpôn (cách Dapôrôdiê 110km). Dọc đường, Người ghé thăm một trại hè của nhi đồng trên bờ sông Đnhiép.

Sau khi xem các cháu múa hát chào mừng, Người kể chuyện “nhi đồng kháng chiến” ở Việt Nam cho các cháu nghe.

Chiều, Người đến Mêlitôpôn, đi thăm một số cơ sở trồng cây thí nghiệm của thành phố.

16 giờ, Chủ tịch lên máy bay đi thăm Xêvaxtôpôn (cách Mêlitôpôn 320km). Bí thư Tỉnh ủy Crưm, Đô đốc hạm đội Hắc Hải, cùng một cán bộ lãnh đạo đã ra sân bay đón Người.

Chủ tịch đã đến thăm và trồng cây “thiên tuế” làm lưu niệm tại vườn hoa trung tâm mang tên Hữu nghị và vẻ vang. Sau đó, Người lên một chiếc tàu nhỏ của Hải quân có treo cờ đỏ sao vàng, đi một vòng ngắm cảnh Xêvaxtôpôn.

21 giờ, Người lên bến Mikho. Xe hơi đưa Người nghỉ tại một biệt thự trên sườn núi.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2016, ngày 23-9-1959.

Tháng 7, ngày 10

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ ở nhà.

17 giờ, Người đi thăm thành phố nghỉ mát Ianta.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2017, ngày 24-9-1959.

Tháng 7, ngày 11

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tham quan khu vườn thực nghiệm Nikixki ở gần Ianta. Trên đường về, Người ghé thăm quảng trường của thành phố mang tên Lênin và chụp ảnh chung với mọi người.

17 giờ, tại nhà nghỉ, Người tiếp vợ chồng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sảng Liên Xô M.A.Xuxlốp và mời họ ở lại dùng cơm tối cùng Người.

Trong ngày, Người nhận được thư của đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, đại sứ Việt Nam tại Liên Xô, thông báo hành trình của Người từ Liên Xô ghé thăm Trung Quốc trên đường về nước.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2017, ngày 24-9-1959.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 7, ngày 12

3 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trèo lên đỉnh núi Aipiêtri cao 1250m để ngắm cảnh mặt trời mọc trên biển.

 16 giờ, Người tới thăm gia đình ông M.A.Xuxlốp ở một biệt thự trong rừng thông gần vườn Nikixki. Tại đây, Người gặp cả gia đình ông L.Brêgiơnhép - Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Mọi người cùng nhau đi dạo, chụp ảnh, ca hát và trò chuyện vui vẻ.

Lúc trở về, Người ghé thăm vườn hoa Mikho bên bờ biển và thăm nhà nghỉ “Cờ đỏ”.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2015, ngày 22-9-1959.

Tháng 7, ngày 13

Sáng sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình Thủ tướng Tiệp Khắc Xirôki và gia đình Thủ tướng Hunggari Phêrenxô Muynni đang nghỉ hè tại đây theo lời mời của Chính phủ Liên Xô.

Gặp lại hai đồng chí cũ, Người rất vui và sôi nổi trò chuyện.

8 giờ, Người lên viếng tượng đài Lênin đặt trên lưng chừng núi.

9 giờ, Người đến Nhà nghỉ “Cờ đỏ” gặp gỡ và trò chuyện với cán bộ đảng của các tỉnh, thành phố thuộc Liên Xô và của các nước anh em đến nghỉ.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi điện mừng nhân dịp Chính phủ mới của Inđônêxia được thành lập và điện mừng nhân kỷ niệm lần thứ nhất ngày thành lập nước Cộng hòa Irắc.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2017, ngày 24-9-1959.

- Báo Nhân dân, số 1946, ngày 14-7-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 483.

Tháng 7, ngày 14

Sáng, trên bãi biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và trò chuyện với Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản nước Cộng hòa Xô viết xã hội chủ nghĩa Léttôni - Canbécdin.

Ông Canbécdin đã mời Người đến thăm Léttôni.

14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Crưm. Tàu “Đô đốc Nakhimốp” đưa Người đi Xôtri. Người chuyện trò vui vẻ và chụp ảnh lưu niệm với các sĩ quan và thủy thủ trên tàu.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2018, ngày 25-9-1959.

Tháng 7, ngày 15

14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cảng Xôtri. Nhiều vị lãnh đạo địa phương đã lên tàu đón Người.

Ở Xôtri, Người nghỉ tại biệt thự “Bôdarốp Rusây”, nơi Chủ tịch K.E.Vôrôsilốp thường nghỉ lại mỗi khi qua đây.

Chiều, Chủ tịch đi thăm Nhà hát lớn của thành phố và xem xiếc.

Cùng ngày, Người nhận được thư của năm lưu học sinh Trung Quốc đang theo học tại Học viện công trình vận tải biển Ôđétxa bày tỏ tình cảm tốt đẹp đối với Người và niềm hạnh phúc được gặp Người ở Ôđétxa.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2018, ngày 25-9-1959.

- Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 186.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 7, ngày 16

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm bệnh viện điều trị bằng suối nước nóng Masétxta. Trên đường trở về, Người leo lên đỉnh núi Akhum cao 600m, đứng trên ngọn tháp canh trên núi để ngắm toàn cảnh thành phố Xôtri.

11 giờ, Người đến thăm nhà nghỉ của Công đoàn Ngũ Kim, ngôi nhà nghỉ đẹp nhất ở đây.

12 giờ, Người đến thăm “Trạm chọn giống cây nhiệt đới”. Theo đề nghị của ông Giám đốc Trạm, Người ghép hai cành vào “cây chanh hữu nghị” 9) để lưu niệm.

14 giờ, Người đến thăm gia đình Ủy viên Đoàn Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên Xô kiêm Bí thư Đảng Cộng sản Kadắcxtan - A. Bêliaép. Ông A. Bêliaép đã mời Người đến thăm Kadắcxtan.

Cùng ngày, Người đi thăm Xukhumi (cách Xôtri 240km) bằng ô tô. Dọc đường, Người ghé thăm thành phố Gagra cũng là một địa điểm nghỉ mát nổi tiếng, rồi lên tham quan hồ Rítda nằm trên đỉnh núi cao 960m cách Gagra 36km. Người được các cán bộ ở đây mời đi ngắm cảnh hồ bằng ca nô, sau đó dự bữa cơm khách theo phong tục địa phương: cừu thui và chả nướng ăn với bánh mỳ “u-ri”.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2018, ngày 25-9-1959 và số 2019, ngày 26-9-1959.

Tháng 7, ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ lại ở Rítda.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2019, ngày 26-9-1959.

Tháng 7, ngày 18

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Rítda tiếp tục hành trình đến Xukhumi. Trên đường đi, Người ghé thăm Nông trang tập thể “Đurípsa”. Thiếu nhi, thanh niên và các cụ già đều múa hát đón chào Người. Bữa cơm trưa ở nông trang cũng “cừu thui để cả con, chả nướng dài một thước”.

Chia tay với “Đurípsa”, Người được các cụ tặng hai chiếc cốc bằng sừng và đưa tiễn theo phong tục địa phương: khách ra đến ngoài sân, các cụ mời khách ăn uống thêm một lần nữa (mặc dù mới ăn xong ở trong nhà); khách ra đến ngoài cổng, các cụ lại đãi thêm một tiệc nữa.

15 giờ, Người đến Xukhumi, Thủ đô nước Cộng hòa Ápkhadia. Tại Công viên Lênin, Người trồng một cây cọ làm kỷ niệm.

Chiều, Chủ tịch đến thăm Vườn nuôi khỉ của Viện Y học.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2019, ngày 26-9-1959 và số 2020, ngày 27-9-1959.

Tháng 7, ngày 19

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi máy bay đến Tbilixi, Thủ đô nước Cộng hòa Grudia, cách Xukhumi 350km.

Trưa, Người đến thăm Nhà máy gang thép Ruxtavili. Sau khi tham quan các phân xưởng sản xuất, Người nghỉ ở Cung văn hóa của nhà máy và được Ban giám đốc tặng một chiếc sừng uống rượu.

16 giờ, Người đi thăm nông trường thí nghiệm và dự tiệc trái cây ở nông trường.

Tối, Người đi chơi núi Mtátxminda cao 600m ở phía tây thành phố cùng với một số quan chức địa phương.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2020, ngày 27-9-1959.

- Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 193-194.

Tháng 7, ngày 20

Sáng sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi ô tô lên thăm thành phố Gôri, quê hương của đồng chí Xtalin, cách Tbilixi 100km. Người vào thăm nơi ở của Xtalin thời niên thiếu, thăm Bảo tàng Xtalin, rồi đi tham quan một tòa thành cổ xây dựng từ thế kỷ XII ở ngoại ô Gôri.

12 giờ, Chủ tịch đến thăm nông trường trồng táo Kítnhixki và nghỉ trưa tại đây. Trước lúc trở về Tbilixi, Người được nông trường tặng hai bình rượu nho và cặp sừng uống rượu.

20 giờ, Người dạo chơi trong vườn cây “Văn hóa và nghỉ ngơi”, được các em nhi đồng ở đây tặng hoa và mời lên “tàu hoả mini” của các em đi chơi một vòng quanh vườn. Sau đó, Người đi xem buổi biểu diễn ca múa dân tộc.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2020, ngày 27-9-1959 và số 2021, ngày 28-9-1959.

Tháng 7, ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Chủ tịch K.E.Vôrôsilốp nhân dịp ông ghé qua Tbilixi. Sau đó, Người ra sân bay đi Erêvan - Thủ đô nước Cộng hòa Ácmênia.

Các vị lãnh đạo Đảng và Chính quyền Ácmênia đón tiếp Chủ tịch rất trọng thể.

Đi tham quan thành phố, Người ghé xem chợ Erêvan, thăm Nhà máy Rượu Cônhắc, Nhà máy Điện trên sông Radơdan và Thư viện thành phố.

21 giờ, Người xem buổi biểu diễn của văn công Ácmêni.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2021, ngày 28-9-1959 và số 2022, ngày 29-9-1959.

Tháng 7, trước ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Quốc vương Lào Xixavang Vông.

 - Báo Nhân dân, số 1954, ngày 22-7-1959.

Tháng 7, ngày 22

Sáng sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tham quan hồ trên đỉnh núi Sêvan. Trên đường đi, Người ghé thăm một trạm thủy điện và trại nhi đồng ở Ankavan.

Tại khu nghỉ Sêvan, Người gặp gỡ, trò chuyện và vui liên hoan với anh chị em công nhân, văn nghệ sĩ đang an dưỡng ở đây.

Tối, Người dự bữa cơm thân mật với các vị lãnh đạo Ácmêni và nhận một kỷ vật bằng đá quý của Ácmêni: một quả cầu nhỏ xíu đặt trên một cái tháp, trong quả cầu có một hạt gạo trên khắc dòng chữ: “Kính tặng đồng chí Hồ Chí Minh, để kỷ niệm những ngày Người ở Ácmênia”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số. Báo Nhân dân, số 2022, ngày 29-9-1959.

- Báo Nhân dân, số 1954, ngày 22-7-1959.

Tháng 7, ngày 23

Sáng sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Erêvan đi Bacu, thủ đô nước Cộng hòa Agiécbaigian. Tới nơi, Người được mời về nghỉ ở một biệt thự cách thành phố 45km.

10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xem khu khai thác dầu mỏ ở phía bắc thành phố Bacu.

Dùng cơm trưa xong, Người đi tham quan thành phố, ghé thăm công viên, sân vận động và Trường đại học Bách khoa Bacu.

Chiều, Người đi tắm biển.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2022, ngày 29-9-1959.

Tháng 7, ngày 24

Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp máy bay đi Askhabát, thủ đô nước Cộng hòa Tuốcmênia.

Người nghỉ ở khu biệt thự Phêruda và đến thăm một trại nhi đồng ở đây.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2022, ngày 29-9-1959.

- Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 203.

Tháng 7, ngày 25

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Tasken, thủ đô nước Cộng hòa Udơbêkixtan. Ra đón Người tại sân bay có bà Bí thư Xô viết tối cao Udơbêkixtan - Inkhaniba và bà Chủ tịch nước Cộng hòa Udơbêkixtan - Nađridinôva.

16 giờ, Người đi thăm Nhà máy dệt Xtalin.

17 giờ, Người đi thăm Đài vô tuyến truyền hình thành phố.

20 giờ, Người đi xem hát tuồng cổ ở rạp hát ngoài trời, trong công viên.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2023, ngày 30-9-1959.

- Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 205.

Tháng 7, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một số cơ sở sản xuất công nghiệp và Trường đại học ở Tasken.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nông trường quốc doanh, hợp tác xã nông nghiệp Pôlitôđen và ăn cơm trưa theo kiểu Triều Tiên với nhân dân địa phương.

Cùng ngày, Người gửi điện về thăm hỏi anh em thương binh, cựu binh và gia đình liệt sĩ.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2023, ngày 30-9-1959 và số 2026, ngày 3-10-1959.

- Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 205-206.

Tháng 7, ngày 27

Sáng sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên máy bay đi Stalinabát, thủ đô nước Cộng hòa Tadikixtan.

Tới Tadikixtan, Người đến thăm trụ sở Trung ương Đảng, Xô viết tối cao Tadikixtan và một số địa điểm khác của thủ đô.

17 giờ, Chủ tịch thăm một trại nhi đồng.

20 giờ, Người đi xem biểu diễn văn nghệ. Kết thúc buổi trình diễn, Người lên sân khấu tặng hoa cho các nghệ sĩ.

Trong ngày, Người gửi thư thăm hỏi anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ nhân ngày 27-7. Sau khi biểu dương sự đóng góp của các gia đình liệt sĩ, anh em thương binh, bệnh binh trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người nhắc “các cơ quan, đoàn thể chấp hành chu đáo chính sách của Đảng và Chính phủ đối với thương binh và liệt sĩ, để anh em thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ được ổn định hơn nữa trong công tác và trong đời sống”.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2026, ngày 3-10-1959.

- Báo Nhân dân, số 1959, ngày 27-7-1959.

Tháng 7, ngày 28

7 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ biệt Tadikixtan lên máy bay đi Phrungie, thủ đô nước Cộng hòa Kiếcghidia.

10 giờ 30, Người tới Phrungie. Sau khi đi tham quan thành phố, Người đến thăm Nông trường chăn nuôi quốc doanh Strennhicôva. Ban giám đốc nông trường tặng Người một bộ quần áo dân tộc Kiếcghidi.

Trên đường trở về thành phố, Chủ tịch ghé thăm Nhà triển lãm sản phẩm nông nghiệp của nước Cộng hòa Kiếcghidia.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2026, ngày 3-10-1959.

Tháng 7, ngày 29

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi máy bay đến Anma Ata, thăm nước Cộng hòa Kadắcxtan.

Tại Anma Ata, Người đến tham quan công viên “Văn hóa và nghỉ ngơi” Goorky và nghỉ tại một biệt thự ở ngoại ô.

Trong ngày, Người nhận được nhiều thư từ từ các nơi gửi đến chúc sức khỏe và mời Người đến thăm trường học, nhà máy, nông trường hoặc địa phương mình.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số. Báo Nhân dân, số 2026, ngày 3-10-1959.

- Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 208-209.

Tháng 7, ngày 30

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tham quan hồ Yxức, trên đỉnh núi Alatao, một thắng cảnh cách thủ đô 50km.

Trên đường về, Người ghé thăm Nông trường quốc doanh Yxức, chuyên trồng cây ăn quả ở vùng này.

Tối, Người đến xem một vở kịch Hunggari do Đoàn văn công Omskơ biểu diễn.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2026, ngày 3-10-1959 và số 2027, ngày 4-10-1959.

Tháng 7, ngày 31

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Viện Hàn lâm khoa học Kadắcxtan thành lập năm 1946, gồm 22 phân viện. Người đã nghe ông Viện trưởng báo cáo tình hình hoạt động của Viện.

Tối, Người dự bữa cơm thân mật do Chính phủ Kadắcxtan tổ chức. Các bạn đã tặng Người một bộ quần áo dân tộc Kadắcxtan.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2027, ngày 4-10-1959.

Tháng 8, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Liên Xô kết thúc một tháng đi thăm và nghỉ hè ở đất nước này. Trước khi lên máy bay, Người gửi điện bày tỏ lòng cảm ơn Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô.

Trên đường từ Anma Ata đến thăm Tân Cương (Trung Quốc), máy bay bay qua sa mạc, rồi núi Thiên Sơn. Xúc cảm trước cảnh đẹp của dãy Thiên Sơn hùng vĩ, Người làm một bài thơ chữ Hán:

Dao vọng Thiên San phong cảnh hảo

 Tử hà bạch tuyết, bão thanh san

 Triều dương sơ xuất xích như hỏa

 Vạn đạo hồng quang chiếu thế gian10).

10 giờ 15, chiếc máy bay riêng hạ cánh xuống sân bay Urumsi, Người bắt đầu chuyến đi thăm ba tỉnh Tân Cương, Cam Túc, Thiểm Tây của Trung Quốc. Các vị lãnh đạo tỉnh Tân Cương ra tận máy bay đón Người.

15 giờ, sau khi nghỉ trưa ở một biệt thự dành riêng cho Chủ tịch, Người đi thăm Trường đại học Nông nghiệp “Mồng 1 tháng 8”, Xưởng máy kéo “Tháng Mười” và Cục Địa chất.

Tối, Người đi xem biểu diễn ca múa dân tộc.

Cùng ngày, Người gửi điện chúc mừng đến Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ nhân ngày thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (1-8).

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2027, ngày 4-10-1959.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 151 (bản Trung văn).

- Báo Nhân dân, số 1966, ngày 3-8-1959.

Tháng 8, ngày 2

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm khu khai hoang Thạch Hà Tử.

Dọc đường, Người ghé vào nghỉ tại Công xã nhân dân “Nhảy vọt” của huyện Utupi. Vừa xuống xe, Người tới thăm ngay nhà gửi trẻ của đại đội sản xuất “Ánh Hồng”. Các cán bộ xã viên mời Người nếm hoa quả địa phương. Người mời lại thuốc lá và ân cần hỏi han tình hình sản xuất và đời sống xã viên.

Tại thị trấn Thạch Hà Tử mới được xây dựng, Chủ tịch gặp gỡ cán bộ phụ trách Ban quản lý Thạch Hà Tử, các chỉ huy Sư đoàn 6, 7, 8, thuộc “Binh đoàn sản xuất - xây dựng”.

14 giờ, Người xuống nông trường của Trung đoàn 23 thuộc Sư đoàn 8, đi thăm quan ruộng thí nghiệm, vườn dưa, ruộng bông và những cánh rừng mới trồng.

Người nghỉ qua đêm tại nhà khách của binh đoàn.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2028, ngày 5-10-1959.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 151 (bản Trung văn).

Tháng 8, ngày 3

Sáng sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm đội chăn nuôi của Công xã nhân dân “Gió Đông” ở Bạch Dương Câu, dưới chân núi Thiên Sơn.

Trời mưa, nhưng Người vẫn tới gặp gỡ và nói chuyện với các xã viên trong đội sản xuất. Trước khi chia tay, Người tặng quà cho bà con: chè bánh, đường viên và nho khô.

Cùng ngày, Lời kêu gọi nông dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng báo Nhân dân, số 1966, hô hào đồng bào nông dân: “Hãy đoàn kết chặt chẽ, hăng hái vào tổ đổi công và thi đua cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất, giành thắng lợi lớn hơn nữa cho vụ mùa năm nay và cho các vụ sau”.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 152 (bản Trung văn).

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 486-488.

Tháng 8, ngày 4

Sáng sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Urumsi, đáp máy bay đi thăm tỉnh Cam Túc.

Gần 12 giờ, Người đến sân bay Gia Cốc Quan cách Tửu Tuyền 30km.

14 giờ, từ Tửu Tuyền, Người đi xe lửa đặc biệt tới Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2029, ngày 6-10-1959.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 269 (bản Trung văn).

Tháng 8, ngày 5

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Lan Châu.

14 giờ, Người đi tham quan thành phố, thăm Nhà máy hóa chất, Nhà máy lọc dầu Lan Châu. Tại Nhà máy lọc dầu, Người trèo lên tháp xúc tác cao 73m để ngắm nhìn toàn cảnh Khu công nghiệp Tây Cố. Sau đó, dạo chơi công viên Ngũ Tuyền Sơn, một thắng cảnh nổi tiếng ở vùng này.

Tối, Chủ tịch đi thăm Trường cán bộ các dân tộc Tây Bắc Trung Quốc. Sau đó xem Đoàn kịch Lan Châu biểu diễn chào mừng.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2029, ngày 6-10-1959.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 269 (bản Trung văn).

Tháng 8, ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Phân viện Lan Châu của Viện Khoa học Trung Quốc và Công xã nhân dân Bãi Nhạn ở ngoại thành Lan Châu.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2031, ngày 8-10-1959.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 153 (bản Trung văn).

Tháng 8, ngày 7

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Tây An, một thành phố cổ của Trung Quốc, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây. Người giành thời gian buổi sáng đi xem những di tích lịch sử văn hóa của thành phố như Gác chuông Tây An, Bảo tàng Thiểm Tây.

14 giờ, Chủ tịch đến thăm Nhà máy chế tạo dụng cụ quang học, thăm bảo tàng thôn Bán Pha 11) nằm ở phía đông thành phố, một trong những làng cổ nhất Trung Quốc có cách đây khoảng 5000 năm.

17 giờ 30, Người đến thăm chùa Đại Từ Ân và tháp Đại Nhạn 12).

Lúc leo tháp Đại Nhạn, Người vừa leo vừa ngâm hai câu thơ của nhà thơ đời Đường - Vương Chi Hoán:

Dục cùng thiên lý mục,

Cánh thướng nhất tằng lâu13).

Tới đỉnh tháp, Người nói vui: “Hôm nay, Hồ Chí Minh đã lên được tháp Đại Nhạn của nhà Đường”.

20 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp mặt với cán bộ đảng, quân đội và chính quyền địa phương. Sau đó Người cùng vui liên hoan với học sinh Trường tiểu học thực nghiệm Tây An, Đoàn ca múa Tây An...

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2032, ngày 9-10-1959.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr.153-154 (bản Trung văn).

Tháng 8, ngày 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy tráng men Tây An. Người vui vẻ viết chữ lên sản phẩm của nhà máy để làm kỷ niệm. Công nhân đã tặng Người một chiếc bình tráng men tinh xảo, chiếc chậu rửa mặt và một cái đĩa to có in ảnh của Người.

9 giờ 30, Người thăm núi Ly San, hồ Thanh Hoa 14), trèo lên lăng Tần Thủy Hoàng cao hơn 50 trượng.

Chiều, trên đường về, Người ghé thăm chùa Hưng Giáo và đền thờ Đỗ Phủ, thuộc huyện Trường An.

Tối, Người tới thăm xã Dịch Tú, xem buổi biểu diễn của Đoàn ca múa Tây An.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2032, ngày 9-10-1959.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 154 (bản Trung văn).

Tháng 8, từ ngày 9 đến ngày 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tây An đi Cửu Giang đến Lô San, một quần thể những thắng cảnh và là nơi nghỉ mát nổi tiếng của Trung Quốc.

Tại đây, Người dành thời gian tìm hiểu thêm về các nhà thơ, các danh nhân Trung Quốc như Bạch Cư Dị, Lý Bạch, Chu Hy...

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2033, ngày 10-10-1959 và số 2034, ngày 11-10-1959.

Tháng 8, ngày 13

Từ Cửu Giang, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Bắc Kinh.

Ra sân bay đón Người có các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc cùng nhiều cán bộ ngoại giao Việt Nam công tác tại Bắc Kinh.

Sau lễ tiếp đón, Người về nghỉ tại một biệt thự riêng.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 14 ngày giải phóng nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2036, ngày 13-10-1959.

- Báo Nhân dân, số 1978, ngày 15-8-1959.

Tháng 8, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nhà trẻ Bắc Hải (Bắc Kinh).

Các cháu rất vui khi được Người đến thăm và cùng nhau múa hát chúc mừng Người.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2036, ngày 13-10-1959.

Tháng 8, ngày 16

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà vui chơi với các cháu thiếu niên, nhi đồng thành phố đến thăm Người.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2036, ngày 13-10-1959.

Tháng 8, trước ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 14 ngày tuyên bố độc lập của nước Cộng hòa Inđônêxia.

 - Báo Nhân dân, số 1980, ngày 17-8-1959.

Tháng 8, ngày 18

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh. Gặp gỡ và nói chuyện tại buổi họp mặt của gần 1000 lưu học sinh Việt Nam ở Trung Quốc, Người tóm tắt tình hình thế giới, tình hình trong nước thời gian vừa qua và kể chuyện về chuyến đi nghỉ hè của Người.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2036, ngày 13-10-1959.

Tháng 8, ngày 21

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và dự bữa cơm gia đình tại nhà riêng của Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ. Cùng dự có Thủ tướng Chu Ân Lai, các vị Bành Chân, Trần Nghị là những người bạn cũ đã cùng hoạt động với Người từ những năm còn ở Pháp, ở Nga.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2036, ngày 13-10-1959.

Tháng 8, ngày 24

Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ tại biệt thự.

Những ngày ở Bắc Kinh, trời mưa nhiều nắng ít. Tranh thủ những lúc thời tiết tốt, Người đã đi thăm Thiên Đàn, Di Hòa Viên, khu mộ Thập Tam Lăng, Viện Bảo tàng Quân đội.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2037, ngày 14-10-1959.

Tháng 8, ngày 25

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bắc Kinh lên đường về nước.

Ra sân bay tiễn Người có Thủ tướng Chu Ân Lai, Phó Thủ tướng Trần Nghị cùng nhiều vị Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Liên Xô và Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh cũng có mặt.

Trên đường về Hà Nội, máy bay dừng ở Vũ Hán, Chủ tịch nghỉ qua đêm ở đây.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2038, ngày 15-10-1959.

Tháng 8, ngày 26

Sáng, từ Vũ Hán, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên máy bay về Hà Nội, kết thúc cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số 15). Ra sân bay Gia Lâm đón Người có các vị trong Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cùng nhiều vị lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ.

- Ph.K.A.: Cuộc nghỉ hè hai vạn ba ngàn cây số, Báo Nhân dân, số 2038, ngày 15-10-1959.

Tháng 8, ngày 27

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận Quốc thư của đại sứ nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ.

- Báo Nhân dân, số 1991, ngày 28-8-1959.

Tháng 8, ngày 29

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kiểm tra tình hình chống úng của tỉnh Nam Định.

Trên đường đi, Người ghé thăm Trại chăn nuôi Kiều Thị ở huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông 16). Người căn dặn mọi người cố gắng đẩy mạnh chăn nuôi để có nhiều lợn xuất khẩu đổi lấy máy móc về xây dựng đất nước và nhắc nhở cán bộ phải quan tâm hơn đến việc ăn ở, sinh hoạt của các trại viên.

Tối, tại Câu lạc bộ Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc của Thủ tướng Chính phủ chiêu đãi các chuyên gia nước ngoài đang công tác tại Việt Nam nhân Quốc khánh 2-9.

- Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 288.

- Tỉnh ủy Hà Sơn Bình: Bác Hồ với Hà Sơn Bình, 1990, tr. 149.

- Báo Nhân dân, số 1993, ngày 30-8-1959.

Tháng 8, ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Mông Cổ tới thăm Người.

- Bản tin Việt Nam Thông tấn xã, ngày 30-8-1959.

Tháng 8, ngày 31

15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chủ tịch Xêđenban tiếp đón 150 em thiếu nhi Hà Nội đến chào mừng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Mông Cổ.

Tối, Người mở tiệc chiêu đãi Đoàn.

Sau bữa tiệc, Người mời các vị trong Đoàn cùng xem bộ phim Việt Nam Nước về Bắc - Hưng - Hải được tặng Huy chương Vàng tại Liên hoan quốc tế Mátxcơva.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 36/SL, phong quân hàm cấp tướng cho 16 sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam 17).

- Báo Nhân dân, số 1994, ngày 1-9-1959.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 8, cuối tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và nói chuyện với lớp học chính trị của giáo viên về những nội dung cơ bản của nhà trường xã hội chủ nghĩa: nhiệm vụ của nhà trường và của các thầy cô giáo, cách dạy học và nội dung giảng dạy nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo “những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc”. Để làm tròn trách nhiệm vẻ vang đó, Người căn dặn cán bộ và giáo viên phải tiến bộ kịp với thời đại, “phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội”. Phải nâng cao nhận thức chính trị để có lập trường vững vàng và cách xem xét đúng đắn đối với những vấn đề quốc tế cũng như trong nước, cần chống tư tưởng bàng quan, “chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng”, “có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 489-494.

 

___________

1) Bức thư đề: “THƯ KHÔNG DÁN. Gửi ông giống đực bộ trưởng ngoại giao giống cái Pháp”.

2) Danh sách những người được tặng huy hiệu:

- Ông Nguyễn Văn Chấn, 37 tuổi, xã Nghĩa Hương, Quốc Oai, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội),

- Ông Ma Đức Minh, dân tộc Tày, xã Đồng Thịnh, Định Hoá,
Thái Nguyên,

- Em Hẹn, 12 tuổi, học sinh xã Hà Thái, Hà Trung, Thanh Hoá,

- Em Đỗ Văn Mật, 13 tuổi, học sinh thị xã Bắc Giang, Bắc Giang,

- Em Vi Văn Khằm, 13 tuổi, dân tộc Puộc, xã Chiêng Vũ, Yên Châu, Khu tự trị Thái - Mèo (nay thuộc tỉnh Sơn La).

3) Nay là Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội.

4) Hội nghị Giơnevơ.

5) Nguyên tự: O.T.A.N, tức khối Bắc Đại Tây Dương, viết tắt của từ tiếng Pháp Organisation du traité de l’Atlantique Nord.

6) Paman, có nghĩa là “Bác”.

7) Bung, có nghĩa là “anh cả”.

8) Trong thời gian đi nghỉ, một số văn bản đã được Người ký sẵn.

9) Cây chanh hữu nghị” đã 35 tuổi và được 40 đoàn đại biểu các nước ghép cành đều có biển đeo ghi rõ ngày tháng và tên đoàn đến thăm.

10)   “Xa trông cảnh đẹp núi Thiên San

Ráng đỏ vây quanh, tuyết trắng ngàn

Sáng dậy mặt trời như lửa tía

Muôn hào quang đỏ chiếu nhân gian”.

                                (Bản dịch của Hồ Chí Minh).

11) Một bảo tàng lộ thiên, được xây dựng trên di chỉ thôn Bán Pha khai quật từ năm 1952.

12) Tương truyền rằng: Đường Tam Tạng sau khi lấy được Kinh ở Ấn Độ về đã dịch Kinh Phật ở chùa Đại Từ Ân. Để cất giữ Kinh Phật, người ta xây dựng một tháp năm tầng ở cạnh chùa (tháp Đại Nhạn). Đời vua Võ Tắc Thiên (701), tháp được xây thêm hai tầng nữa. Tháp cao 64m.

13) Đại ý: Muốn nhìn xa được ngàn dặm, hãy lên cao thêm một tầng lầu.

14) Tương truyền nơi xưa Dương Quý Phi tắm.

15) Trong chuyến đi thăm và nghỉ hè suốt gần hai tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến 10 nước Cộng hòa Xôviết và 19 thành phố ở Liên Xô, năm tỉnh và bảy thành phố của Trung Quốc, đã đi 23.000km với đủ các phương tiện: máy bay, tàu thủy, xe lửa, ô tô, đã gặp nhiều bạn cũ và thêm nhiều bạn mới, đã tiếp xúc với mấy chục dân tộc khác nhau, đã thăm nhiều nông trường, nhà máy, trường học, trại nhi đồng, nhà gửi trẻ...

16) Nay thuộc thành phố Hà Nội.

17) Danh sách cụ thể:

- Phong quân hàm cấp đại tướng cho ông Nguyễn Chí Thanh.

- Phong quân hàm cấp thượng tướng cho các ông Văn Tiến Dũng, Chu Văn Tấn.

- Phong quân hàm cấp trung tướng cho các ông: Nguyễn Văn Vịnh, Hoàng Văn Thái, Trần Văn Trà, Song Hào.

- Phong quân hàm cấp thiếu tướng cho các ông Trần Văn Quang, Lê Quang Đạo, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Bằng Giang, Trần Sâm, Nguyễn Trọng Vĩnh, Hoàng Minh Thảo, Lê Chưởng, Lê Quang Hòa.

* Năm 1959 - Từ tháng 9 đến tháng 12

Tháng 9, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ phong quân hàm cấp tướng và cấp đại tá cho một số cán bộ cao cấp trong quân đội. Nói chuyện tại buổi lễ, Người căn dặn:

“Để lãnh đạo quân đội tiến bộ không ngừng các đồng chí cần trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, gần gũi quần chúng và gương mẫu về mọi mặt. Dù ở cương vị nào, chúng ta cũng đều phải cố gắng để xứng đáng là người đầy tớ trung thành và tận tụy của nhân dân”.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đặt vòng hoa tại Đài liệt sĩ Ba Đình.

Tối, Người dự tiệc của Thủ tướng Chính phủ chiêu đãi Đoàn đại biểu Chính phủ Mông Cổ.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 495-496.

- Báo Quân đội nhân dân, số 628, ngày 4-9-1959.

- Báo Nhân dân, số 1996, ngày 2-9-1959.

Tháng 9, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự mít tinh kỷ niệm ngày Quốc khánh (2-9) của nhân dân Thủ đô.

Trong lời phát biểu của Người tại cuộc mít tinh có đoạn:

“Hôm nay là một ngày vui sướng của chúng ta, cũng là một ngày vui sướng của nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, của các nước bạn trong phong trào dân tộc giải phóng.

Trong 14 năm qua, phe ta ngày càng mạnh. Kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao, quốc phòng của nước ta ngày càng tiến bộ và sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Chúng ta quyết xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Chúng ta nhất định thắng lợi”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 497-498.

Tháng 9, ngày 3

Sáng, tại Câu lạc bộ Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số về Hà Nội dự Quốc khánh và thăm Thủ đô. Người thân mật nói chuyện với các đại biểu và căn dặn mọi người khi trở về địa phương cần ra sức thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm lo học tập văn hóa và cảnh giác chống âm mưu phá hoại của địch. Người nhờ các đại biểu chuyển lời hỏi thăm của Người tới bà con dân tộc ở các địa phương.

Cùng ngày, Người gửi điện tới Ban Thư ký thường trực Hội đồng đoàn kết nhân dân Á - Phi, ủng hộ Hội nghị chống việc Chính phủ Pháp định thử bom nguyên tử ở Xahara.

- Báo Nhân dân, số 1997, ngày 4-9-1959 và số 2000, ngày 7-9-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 499.

Tháng 9, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về việc cử đại biểu đi dự Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Dân chủ Đức, vấn đề quốc phòng và một số vấn đề quốc tế.

Người nhấn mạnh mục đích của việc cử đại biểu đi dự quốc khánh các nước anh em là nhằm thắt chặt thêm tình hữu nghị và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước bạn trong việc thực hiện Kế hoạch năm năm.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 37/SL, tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Nhất cho 29 cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam 1).

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 9, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ ký Tuyên bố chung về cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam với Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Mông Cổ.

Cùng ngày, Người dự cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô Hà Nội chào mừng Đoàn sang thăm và dự lễ Quốc khánh.

- Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 288.

- Báo Nhân dân, số 1999, ngày 6-9-1959.

Tháng 9, ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mông Cổ tại Việt Nam chiêu đãi nhân dịp Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Mông Cổ sang thăm Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 2000, ngày 7-9-1959.

Tháng 9, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Bungari.

- Báo Nhân dân, số 2002, ngày 9-9-1959.

Tháng 9, ngày 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu phụ nữ Angiêri và Tuynidi sang thăm Việt Nam.

- Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 289.

Tháng 9, ngày 9

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc do Đại sứ Bungari chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 ngày giải phóng nước Cộng hòa nhân dân Bungari.

- Báo Nhân dân, số 2003, ngày 10-9-1959.

Tháng 9, đầu tháng

Báo Nhân dân, số 2005, đăng trả lời điện phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh do báo Tin tức Mátxcơva thực hiện nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 14 của Việt Nam.

Sau khi trả lời những câu hỏi về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa của Việt Nam trong những năm qua, Người đã nói về đặc điểm nổi bật nhất trong mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Liên Xô “là tình thân ái vô sản”.

Sau cùng, Người cho biết cảm tưởng của mình sau chuyến đi thăm Liên Xô vừa qua.

- Báo Nhân dân, số 2005, ngày 12-9-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 500-501.

Tháng 9, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị tổng kết hợp tác hoá nông nghiệp toàn miền Bắc năm 1958 và sáu tháng đầu năm 1959. Phát biểu tại hội nghị, Người chỉ rõ: “Tổ chức hợp tác xã để làm gì? Trước hết là để nâng cao đời sống của nông dân. Muốn thế thì hợp tác xã phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm..., phải làm đúng đường lối, phương châm, chính sách của Trung ương Đảng, phải tổ chức tốt các tổ đổi công, thường xuyên có bình công chấm điểm để đưa dần lên hợp tác xã.., phải chú ý đến sản xuất của hợp tác xã để tăng thu cho xã viên...”. “Để đẩy mạnh phong trào nói chung, hợp tác hoá nói riêng, có việc Trung ương phải thôi thúc địa phương, có việc địa phương phải thôi thúc Trung ương để trên dưới phối hợp chặt chẽ, làm cho phong trào được tốt,... hết sức chú ý củng cố hợp tác xã đã có, phát triển cái nào cho chắc cái ấy, đừng có chạy theo con số”.

- Tài liệu đánh máy, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

Tháng 9, ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về quy hoạch sông Hồng và thủy điện. Phát biểu tại cuộc họp, Người góp ý kiến về mục tiêu phấn đấu, về tổ chức lãnh đạo thực hiện, việc phối hợp với Trung Quốc và yêu cầu các nước bạn giúp trong các vấn đề này.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 9, ngày 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về quy hoạch thủ đô Hà Nội. Phát biểu trong cuộc họp, Người nhấn mạnh vấn đề tổ chức thực hiện trong xây dựng phải có quy hoạch, đồng bộ, làm từng bước và chú ý cả nội và ngoại thành Hà Nội. Người chỉ rõ yêu cầu quy hoạch là thành phố phải có nhiều cây xanh, đường phải thẳng, có đường trung tâm buôn bán, hệ thống cống ngầm phải bảo đảm vệ sinh, hệ thống đường xe điện, xe lửa phải bố trí cho phù hợp...

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hội nghị tổng kết phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.

Phát biểu với Hội nghị, Người nhấn mạnh:

“Chúng ta tổ chức hợp tác xã trước hết là nhằm mục đích nâng cao đời sống của nông dân.

Muốn nâng cao đời sống thì phải tổ chức cho tốt, phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm...

Phải phát triển hợp tác xã một cách thật chắc chắn, không nên chạy theo số lượng.

Muốn củng cố và phát triển hợp tác xã tốt, phải chú ý đến việc sản xuất, làm sao cho hợp tác xã nói chung và xã viên nói riêng, không những tăng thu nhập về thóc lúa mà còn tăng về nhiều mặt sản xuất khác. Phải cần kiệm xây dựng hợp tác xã, tránh ăn tiêu lãng phí”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Báo Nhân dân, số 2006, ngày 13-9-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 502-503.

Tháng 9, khoảng từ ngày 13 đến ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về các vấn đề: tình hình Lào và công tác ở miền Nam Việt Nam. Người nhắc nhở phải cảnh giác và sáng suốt khi nhận định tình hình ở Mỹ và ở Lào. Người cho rằng Mỹ định xây dựng căn cứ quân sự tại Lào có biểu hiện chỗ mạnh nhưng cũng có chỗ yếu, vì vậy ta phải đề phòng, tránh khiêu khích.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 9, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc tổ chức tại Bắc Ninh. Nói chuyện với Hội nghị, Người phân tích về nhiệm vụ của công tác thủy lợi và nhấn mạnh:

“Làm thủy lợi phải là phong trào của toàn dân. Xã này với xã khác, huyện này với huyện khác, tỉnh này với tỉnh khác, đều có liên quan với nhau, phải cùng làm, phải thảo luận với nhau, phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, không nên chỉ nhìn thấy lợi ích của nơi mình mà để thiệt cho nơi khác”.

Cùng ngày, Người gửi điện chúc mừng Liên Xô lần đầu tiên phóng thành công tên lửa lên mặt trăng.

Trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc nghỉ hè 2 vạn 3 nghìn cây số, ký bút danh Ph.K.A, kể về chuyến đi thăm Liên Xô, Trung Quốc của Người năm 1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 504.

- Báo Nhân dân, số 2008, ngày 15-9-1959.

- Báo Nhân dân, số 2011, từ ngày 18-9 đến số 2038, ngày 15-10-1959.

-  Bản thảo bài viết lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 227.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 506-508.

Tháng 9, trước ngày 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi biếu ông Nguyễn Bá Tợp một năm báo Nhân dân 2).

- Báo Nhân dân, số 2011, ngày 18-9-1959.

Tháng 9, trước ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Thủ tướng Angiêri Phera Ápba nhân dịp kỷ niệm một năm ngày thành lập Chính phủ lâm thời nước Cộng hòa Angiêri.

- Báo Nhân dân, số 2012, ngày 19-9-1959.

Tháng 9, ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về cách mạng miền Nam. Phát biểu với Hội nghị, Người nhắc nhở:

- Phải giáo dục cho toàn dân hiểu rõ cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ, tránh chủ quan, nóng vội.

- Ở các vùng rừng núi phải đề cao cảnh giác, phải phát triển mạnh chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa cách mạng.

- Ở thành thị phải tiến hành đánh địch trên mọi mặt (kinh tế, chính trị, quân sự...), phát triển công tác dân vận, địch vận, có như vậy mới bảo vệ được miền Bắc.

- Phải củng cố tổ chức cơ sở đảng, công tác mặt trận phải làm cho tốt...

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 9, ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về Kế hoạch Nhà nước năm 1960. Người đề nghị Hội nghị trả lời về nguyên nhân của việc thực hiện kế hoạch chậm chạp và phương hướng giải quyết tiếp theo.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 9, trước ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và nói chuyện với lớp đào tạo cán bộ mẫu giáo.

Người căn dặn: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ... Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”... “Điều trước tiên là dạy các cháu về đạo đức. Anh chị em giáo viên và mẫu giáo cần luôn luôn gương mẫu về đạo đức để các cháu noi theo”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 509.

Tháng 9, trước ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 Quốc khánh nước Cộng hòa Rumani.

- Báo Nhân dân, số 1986, ngày 23-9-1959.

Tháng 9, ngày 23

15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn những người làm công tác điện ảnh Trung Quốc sang Việt Nam tham gia tổ chức “Tuần lễ phim Trung Quốc”.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Sao Mới, 1990, tr. 336-337.

Tháng 9, ngày 24

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề quan hệ với Lào, việc tăng cường quốc phòng và phòng không nhân dân. Phát biểu với Hội nghị, Người nhắc nhở nên đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước anh em.

Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 9, ngày 25

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn tiếp về công tác tăng cường quốc phòng và ngoại giao.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp bà Idaben Blum - Ủy viên Chủ tịch đoàn Hội đồng hòa bình thế giới, sang thăm Việt Nam.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 38/SL, tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Nhất cho năm cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam và truy tặng Huân chương Chiến thắng hạng Nhất cho năm cán bộ đã hy sinh trong kháng chiến 3).

- Sắc lệnh số 39/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho năm đơn vị 4) có nhiều thành tích trong phong trào thi đua thực hiện Kế hoạch Nhà nước năm 1958.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 289.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 9, ngày 26

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm Trung Quốc, dự các hoạt động chào mừng kỷ niệm 10 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Chiều, Người tới Bắc Kinh. Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc: Lưu Thiếu Kỳ, Tống Khánh Linh, Đổng Tất Vũ, Chu Ân Lai... đã ra sân bay đón Người.

- Báo Nhân dân, số 2020, ngày 27-9-1959.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 154 (bản Trung văn).

Tháng 9, ngày 27

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị trong Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam đi thăm nhà ga Bắc Kinh mới. Sau khi nghe thuyết minh về quá trình xây dựng nhà ga, Người khen ngợi sự tiến bộ đáng kể của đội ngũ xây dựng Trung Quốc.

Trên đường trở về nghỉ, Người cùng Đoàn đại biểu ghé thăm Quảng trường Thiên An Môn.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự buổi chiêu đãi do Phó Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tống Khánh Linh mời tại nhà riêng.

- Báo Nhân dân, số 2022, ngày 29-9-1959.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 154-155 (bản Trung văn).

Tháng 9, ngày 28

15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 10 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân (Bắc Kinh).

Tiếp sau bài phát biểu của Trưởng đoàn đại biểu Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên diễn đàn đọc lời chào mừng những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc trong 10 năm qua, bày tỏ lòng cảm ơn Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã tích cực ủng hộ nhân dân Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay và tin tưởng rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ ngày càng mật thiết hơn, gắn bó hơn.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Nhà nước ta gửi điện mừng nhân dịp Quốc khánh lần thứ 10 nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 510-512.

- Báo Nhân dân, số 2022, ngày 29-9-1959.

- Báo Nhân dân, số 2024, ngày 1-10-1959.

Tháng 10, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự buổi mít tinh của nhân dân thủ đô Bắc Kinh chào mừng Quốc khánh lần thứ 10 nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tổ chức tại Quảng trường Thiên An Môn.

Trên lầu thành Thiên An Môn, cùng với Chủ tịch Mao Trạch Đông và các vị lãnh đạo Trung Quốc, Người vẫy tay chào đội ngũ biểu diễn qua lễ đài.

Tối, Người tiếp và trò chuyện thân mật với Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và Chu Đức tới thăm.

Cùng ngày, tại Hà Nội, bài viết của Người nhan đề Chúc mừng Trung Quốc, cảm ơn Trung Quốc, học tập Trung Quốc, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 2024, nói lên sự vui mừng của nhân dân Việt Nam trước những thắng lợi to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Trung Quốc. Tác giả cho rằng những bài học rút ra từ những thành công của Trung Quốc chính là những kinh nghiệm quý báu để nhân dân Việt Nam học tập.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 86.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 156 (bản Trung văn).

- Báo Nhân dân, số 2024, ngày 1-10-1959.

Tháng 10, trước ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ nhất ngày nhân dân Ghinê tuyên bố độc lập.

- Báo Nhân dân, số 2025, ngày 2-10-1959.

Tháng 10, ngày 2

Tại Bắc Kinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành, nhân dịp hai Chủ tịch sang dự Quốc khánh lần thứ 10 nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

- Tư liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 3

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Đại hội thể dục, thể thao Trung Quốc lần thứ nhất tổ chức tại sân vận động Công nhân (Bắc Kinh).

Tối, Chủ tịch hội kiến với Chủ tịch Mao Trạch Đông. Sau đó, Người dự buổi biểu diễn văn nghệ chào mừng 10 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Cùng ngày, Người gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 10 Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Đức (7-10).

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 156 (bản Trung văn).

- Báo Nhân dân, số 2030, ngày 7-10-1959.

Tháng 10, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bắc Kinh về nước.

Cùng ngày, Người về tới Hà Nội.

Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Quốc khánh Trung Quốc ở Bắc Kinh (từ ngày 26-9 đến ngày 4-10), Người còn gặp gỡ những bạn Trung Quốc đã từng công tác với Người ở Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm, Quý Dương, Trùng Khánh; mời cơm thân mật bà Mari Clốt và bà Vanđếch Rôgiê nhân dịp hai bà có mặt ở Bắc Kinh.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, Trung Quốc, 1987, tr. 274-275 (bản Trung văn).

- Léo Figuères, Charles Fourniau: Ho Chi Minh - Notre Camarade, Editions Sociales Paris, 1970, p. 115.

Tháng 10, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của ông Sira Isi Bôn, cố vấn biên tập báo Axahi Ximbun (Nhật Bản) về một số vấn đề liên quan đến việc thi hành Hiệp định Giơnevơ ở Việt Nam và Lào, việc Chính phủ Nhật Bản đơn phương tiến hành đàm phán bồi thường chiến tranh với chính quyền miền Nam, khả năng hợp tác kinh tế giữa hai nước...

Chủ tịch đã vạch rõ chính âm mưu can thiệp của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và Lào là trở ngại của việc thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ. Về quan hệ Việt - Nhật, Người khẳng định: “Vấn đề cốt yếu trong quan hệ giữa hai nước không phải là việc đòi hỏi bồi thường, mà tình đoàn kết hợp tác giữa hai dân tộc Việt - Nhật đấu tranh chống chiến tranh và bảo vệ hòa bình là quý hơn hết” và nhấn mạnh: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mong muốn nhân dân hai nước luôn luôn có quan hệ tốt và ngày càng phát triển... Quan hệ buôn bán giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Nhật Bản, nếu được cải thiện, có nhiều triển vọng tốt đẹp, có lợi cho nhân dân cả hai nước chúng ta”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn phi công Trung Quốc đã đón và đưa Người đi dự kỷ niệm Quốc khánh 1-10 của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 513-516.

- Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan do Chủ tịch A. Davátxki dẫn đầu sang thăm hữu nghị nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đọc diễn văn chào mừng Đoàn, Người thay mặt nhân dân Việt Nam bày tỏ những tình cảm sâu sắc đối với nhân dân Ba Lan anh dũng đã đấu tranh oanh liệt chống bọn phát xít Hítle, đã vượt mọi khó khăn gian khổ xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội và tin chắc rằng chuyến sang thăm Việt Nam của Đoàn sẽ thắt chặt hơn nữa tình nghĩa anh em giữa nhân dân hai nước, góp phần tăng cường tình đoàn kết nhất trí giữa các nước trong phe xã hội chủ nghĩa.

Cùng ngày, Người mở tiệc chiêu đãi Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan.

Trong diễn văn của Người đọc tại buổi chiêu đãi có đoạn:

“Với tinh thần quốc tế cao cả, với tình thương yêu anh em, nhân dân Ba Lan cùng với nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và nhân dân các nước anh em khác, đã hết lòng giúp đỡ Việt Nam về mọi mặt, Nhân dịp này, một lần nữa, nhân dân Việt Nam tỏ lòng cảm ơn sâu sắc sự giúp đỡ vô tư ấy của Ba Lan. Với sự cố gắng của bản thân mình, cộng với sự giúp đỡ quý báu của nhân dân Ba Lan và nhân dân các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, nhân dân Việt Nam quyết vượt mọi khó khăn để xây dựng miền Bắc vững mạnh làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của mình”.

Cũng cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 40/SL, truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho ông Hồ Văn Du (xã Tiến Bộ, quận 8, Hà Nội) có năm con tòng quân, trong đó có ba con là liệt sĩ.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 517-522.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 10, ngày 7

10 giờ sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự hội đàm giữa Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Ba Lan.

Chiều, Người và các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng và Nhà nước tiếp các đồng chí Alécxăngđơ Davátxki, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Ba Lan và đồng chí Giêréc Étva, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan, tới thăm Trung ương Đảng.

 - Báo Nhân dân, số 2031, ngày 8-10-1959.

Tháng 10, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình. Nêu ý nghĩa của Bộ Luật, Người chỉ rõ đó là một cuộc cách mạng nhằm giải phóng phụ nữ, là một bộ phận của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người.

Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa.

Người khuyên “chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh” và mong Hội nghị cố gắng bàn làm cho tốt. “Nhất là phải thận trọng vì luật này quan hệ đến tương lai của gia đình, của xã hội, của giống nòi”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 523-524.

- Hồ Chí Minh với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội,1970, tr.33-35.

Tháng 10, ngày 11

7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự và nói chuyện tại cuộc mít tinh của mười hai vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội chào mừng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Ba Lan.

10 giờ, Người cùng Chủ tịch Ba Lan A. Davátxki đến thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

19 giờ, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Thông cáo chung về cuộc đi thăm chính thức nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Ba Lan.

Sau đó, tại Câu lạc bộ Quốc tế (Hà Nội), Người dự tiệc do Chủ tịch A. Davatxki chiêu đãi.

Phát biểu trong buổi tiệc, Người cảm ơn sự ủng hộ và những tình cảm thắm thiết của Chủ tịch, của nhân dân Ba Lan dành cho nhân dân Việt Nam và nhấn mạnh: “Mối tình thắm thiết ấy đã bắt nguồn từ lý tưởng chung, mục đích chung của hai nước chúng ta, lại bắt nguồn từ lịch sử đấu tranh anh dũng của hai dân tộc chúng ta”.

- Báo Nhân dân, số 2035, ngày 12-10-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 525-526.

Tháng 10, ngày 12

Tại sân bay Gia Lâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam tiễn Chủ tịch A. Davátxki và Đoàn đại biểu Chính phủ Ba Lan lên đường về nước.

Trong lời tiễn, Người gửi gắm tình thân thiện giữa nhân dân hai nước trong mấy vần thơ:

Hai nước Việt và Ba

Dù cách nhau rất xa

Nhưng hai nhân dân ta 

Như hai anh em một nhà.

Vì là tình nặng

Vì là nghĩa sâu

Tiễn nhau xin có một câu

Mối tình hữu nghị nghìn thâu vững bền”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 41/SL tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ông N.B. Vămpilốp, chuyên gia Liên Xô, đã có cống hiến lớn trong việc giúp Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xây dựng Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.527-528.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 10, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị lần thứ 17 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) bàn về vấn đề sửa đổi Hiến pháp, vấn đề tổ chức Đại hội Đảng, thông qua Nghị quyết tổng kết cải cách ruộng đất.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 42/SL, truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng chí Xakharốp Épghênhi Pêôrôvích, chánh kỹ sư địa chất Liên Xô.

- Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 290.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 10, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị lần thứ 17 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng bàn về tổ chức đại hội đảng các cấp, việc cử đại biểu dự Đại hội toàn quốc của Đảng và bàn về vấn đề thông qua nghị quyết về tổng kết cải cách ruộng đất. Phát biểu tại Hội nghị, Người lưu ý phải tuyên truyền nội dung và nhiệm vụ Đại hội để đảng viên nắm được, thảo luận được, nhất là đối với miền Nam phải làm ngay mới kịp. Người cũng cho ý kiến về tiêu chuẩn đại biểu dự khuyết của Đại hội.

Tối, Hội nghị tiếp tục thảo luận, Người phát biểu tán thành ý kiến của Trung ương là sẽ chỉ định một số ủy viên Trung ương Đảng về các địa phương công tác và tham gia đại hội với tư cách đại biểu địa phương. Về thành phần đại biểu dự Đại hội, Người cho rằng nên chú trọng đại biểu địa phương, không nhất thiết phải có cơ cấu cho đủ thành phần và nên có nhiều đại biểu công nhân, cán bộ khoa học - kỹ thuật nhằm tập trung trí tuệ. Về vấn đề thời gian tổ chức Đại hội, Người đề nghị phải chuẩn bị khẩn trương để cuối tháng 4 (1960) tổ chức xong Đại hội trù bị...

Trong ngày, Người gửi vòng hoa đến viếng một kỹ sư địa chất Liên Xô đã từ trần trong khi đang công tác tại Việt Nam.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 43/SL tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đoàn nghệ thuật nước Cộng hòa Inđônêxia.

- Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Báo Nhân dân, số 2040, ngày 17-10-1959.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 10, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị sản xuất đông - xuân tỉnh Ninh Bình.

Nói chuyện với hội nghị, Người lưu ý các đại biểu bài học kinh nghiệm làm vụ đông - xuân vừa qua là “phải đi đúng đường lối quần chúng”, đồng thời nhắc nhở những công việc trước mắt mà bà con nông dân Ninh Bình phải làm.

Người đã tóm tắt tám khâu liên hoàn cần thực hiện để đảm bảo vụ đông - xuân giành được thắng lợi vượt bậc trong mấy câu thơ:

Nước phải đủ, phân phải nhiều,

Cày sâu, giống tốt, cấy đều dảnh hơn,

Trừ sâu, diệt chuột chớ quên,

Cải tiến nông cụ, là nền nhà nông.

Ruộng nương quản lý ra công,

Tám điều đầy đủ, thóc bông đầy bồ.

Trước khi ra về, Người gửi hội nghị năm huy hiệu của Người để làm phần thưởng cho những đơn vị đạt nhiều thành tích trong vụ đông - xuân.

Tối, tại Câu lạc bộ Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ Đoàn nghệ thuật Inđônêxia trước khi Đoàn lên đường về nước. Thay mặt Chính phủ, Người nhiệt liệt khen ngợi những cố gắng của Đoàn và trao tặng Đoàn Huân chương Lao động hạng Nhất.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 529-531.

- Báo Nhân dân, số 2040, ngày 17-10-1959 và số 2044, ngày 21-10-1959.

Tháng 10, ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn chuyên gia nông khẩn Trung Quốc sang giúp Việt Nam kinh nghiệm xây dựng nông trường quốc doanh ở các vùng đất mới khai khẩn.

- Biên niên tiếp khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1950-1969. Tài liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 229.

Tháng 10, ngày 20

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị lần thứ 17 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau khi Hội nghị thông qua báo cáo về điều chỉnh một số nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch ba năm, Người lưu ý vấn đề nói, làm cho đúng mức, có chất lượng và chú ý củng cố chi bộ.

Tối, Người tiếp tục dự Hội nghị lần thứ 17 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận về Dự thảo Hiến pháp, phần Luật tuyển cử.

- Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 10, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu của Người cho anh Nguyễn Ngọc Vân, bộ đội Đại đội 12, đảng viên, chiến sĩ xuất sắc, đã vượt qua khó khăn về bệnh tật, nêu cao tinh thần phục vụ cách mạng vô điều kiện.

- Báo Quân đội nhân dân, số 655, ngày 5-11-1959.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 27

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh Sức người đoàn kết nhất định thắng lợi, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 2050, giới thiệu những kinh nghiệm chống hạn của nhân dân Trung Quốc.

- Báo Nhân dân, số 2050, ngày 27-10-1959.

Tháng 10, ngày 28

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỹ mà phong không thuần, tục không Mỹ, ký bút danh L.T., đăng báo Nhân dân, số 2051.

Trích dẫn lại những tin tức do các báo chí Mỹ đưa về những vụ giết người do đám “du côn trẻ tuổi” gây ra, bài báo phản ánh tình trạng số thanh thiếu niên phạm tội ở Mỹ ngày càng tăng “do kết quả của giáo dục và ảnh hưởng của xã hội”.

- Báo Nhân dân, số 2051, ngày 28-10-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 532-533.

Tháng 10, ngày 29

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về chương trình tiến hành chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc. Phát biểu tại cuộc họp, Người nêu ý kiến phải tạo điều kiện cho chi bộ thảo luận vì “Nếu không thảo luận thì không lợi về dân chủ, ta chỉ vì thời gian hạn chế mà không để chi bộ thảo luận ý kiến ở dưới không góp cho đề án, không lợi...”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 10, trước ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho hai chiến sĩ lái xe vì có thành tích trong phục vụ và tiết kiệm.

- Báo Nhân dân, số 2053, ngày 30-10-1959.

Tháng 10, ngày 31

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị rút kinh nghiệm công tác quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp toàn miền Bắc, họp tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Đông (Hà Nội).

Người nhấn mạnh mục đích của việc tổ chức hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, những biện pháp để làm tốt công tác quản lý hợp tác xã và căn dặn cán bộ cần tìm mọi cách để “thu nhập của hợp tác xã và xã viên ngày càng thêm tăng, giúp các xã viên hăng hái và vui vẻ lao động, nội bộ trong hợp tác xã ngày càng đoàn kết”.

Trên đường về, Người xuống thăm đồng bào xã Bình Minh đang gặt lúa trên cánh đồng Thượng. Tại đây, Người thăm hỏi về đời sống, động viên bà con xã viên phải sản xuất tốt và cố gắng thu hoạch lúa cho nhanh gọn, tránh rơi vãi, lãng phí.

Cùng ngày, bài Hoan hô thắng lợi vẻ vang của khoa học Liên Xô vĩ đại của Người, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 2054, ca ngợi thành công mới của Liên Xô trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ: Tên lửa số 3 đã phóng được vệ tinh có thể chụp ảnh vùng phía sau mặt trăng.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 537-539.

- Tỉnh ủy Hà Sơn Bình: Bác Hồ với Hà Sơn Bình, 1990, tr. 151.

- Bác Hồ với Hà Tây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây, 2006, tr. 90-94.

- Báo Nhân dân, số 2054, ngày 31-10-1959 và số 2056, ngày 2-11-1959.

Tháng 10

Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nhân viên trong tổ lái chuyên cơ đưa Người từ Bắc Kinh về nước.

Trong vườn Phủ Chủ tịch, Người đã giới thiệu và tặng ông Trương Văn Kiện, cán bộ Cục Cảnh vệ Trung ương của Trung Quốc, người đi theo chuyên cơ làm nhiệm vụ hộ tống, một trái bưởi hái từ cây do Người trồng.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 87.

Tháng 11, ngày 1

Chào mừng Đại hội những người sản xuất trẻ của Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết gửi Đại hội:

Bác thân ái chúc các cháu:

Mạnh khỏe, vui vẻ,

Đoàn kết chặt chẽ,

Luôn luôn thi đua.

Đưa cả tinh thần và lực lượng của tuổi trẻ.

Vươn lên hàng đầu

Trong mọi công việc xây dựng xã hội chủ nghĩa.

- Báo Nhân dân, số 2056, ngày 2-11-1959.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 39.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 536.

Tháng 11, trước ngày 3

Được tin Quốc vương Lào Xixavang Vông từ trần, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn đến Thái tử nhiếp chính Xixavang Vátthana.

- Báo Nhân dân, số 2057, ngày 3-11-1959.

Tháng 11, ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu văn hóa Liên bang Miến Điện do ông Thiri Pianchi Chít Thoung, Bộ trưởng Bộ Văn hóa làm trưởng đoàn.

- Báo Nhân dân, số 2058, ngày 4-11-1959.

Tháng 11, trước ngày 4

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100 của Catayama Xen, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản bức ảnh của Người chụp chung với Catayama Xen và Trương Thái Lôi (Trung Quốc) hồi cùng hoạt động cách mạng ở Liên Xô.

- Báo Nhân dân, số 2087, ngày 3-12-1959.

Tháng 11, ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Nhà nước ta gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 42 Cách mạng Tháng Mười thắng lợi.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định số 44/QĐ, bác đơn xin ân xá tử hình của một số phạm nhân can tội giết người, cướp của.

- Báo Nhân dân, số 2061, ngày 7-11-1959.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 11, ngày 7

Bài Vui vẻ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho báo Pravđa (Liên Xô), đăng báo Nhân dân, số 2061.

Bài viết nêu rõ ý nghĩa vĩ đại và ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười đối với sự phát triển lịch sử của Liên Xô và tiến trình của thế giới.

Kết luận, tác giả viết: “Để chúc mừng một cách xứng đáng Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, nhân dân Việt Nam một lần nữa tỏ lòng thắm thiết biết ơn sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Liên Xô và cố gắng học tập tinh thần thi đua bền bỉ của công nhân, nông dân và trí thức Liên Xô để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm nay và chuẩn bị đầy đủ để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm sau, để đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm nền tảng vững mạnh cho cuộc đấu tranh thắng lợi thống nhất nước nhà”.

Cùng ngày, Người dự tiệc do đại sứ Liên Xô tại Việt Nam chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 42 năm Cách mạng Tháng Mười.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 46/SL, tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho ông Trịnh An Thụ, phó đại diện của Cục Liên lạc kinh tế Bộ Ngoại thương nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam vì đã có công giúp Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khôi phục và phát triển kinh tế.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.540-545.

- Báo Nhân dân, số 2061, ngày 7-11-1959 và số 2062, ngày 8-11-1959.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 11, trước ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương Campuchia Nôrôđôm Xuramarít và Hoàng hậu, nhân dịp kỷ niệm Ngày độc lập của Campuchia.

- Báo Nhân dân, số 2063, ngày 9-11-1959.

Tháng 11, ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp lần thứ 26 của Ban Sửa đổi Hiến pháp để nghiên cứu, thảo luận những ý kiến đóng góp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi và duyệt lại Bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Người tiếp Đoàn nghệ thuật Liên Xô nhân dịp Đoàn sang thăm và biểu diễn ở Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 2063, ngày 9-11-1959, số 2064, ngày 10-11-1959 và số 2067, ngày 13-11-1959.

Tháng 11, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ tọa phiên họp lần thứ 26 của Ban Sửa đổi Hiến pháp.

Cùng ngày, bài viết của Người: Quần anh đại hội, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 2064, giới thiệu về Đại hội liên hoan các anh hùng và chiến sĩ thi đua nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tổ chức ngày 26-10-1959 tại Bắc Kinh.

- Báo Nhân dân, số 2064, ngày 10-11-1959 và số 2067, ngày 13-11-1959.

Tháng 11, ngày 12

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Trung ương (mở rộng) bàn về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trong thảo luận ở tổ, Người nêu ý nghĩa phải xem xét kỹ vấn đề cơ giới hóa, công nghiệp hóa, thủy lợi hóa, điện khí hóa, trong tính toán phải nhìn xa và thấy gần, nếu chỉ nhìn xa thì sẽ vấp, phải tiến từ gốc lên. Người nói: “Nông nghiệp là chính, chẳng những ở ta mà các nước khác cũng thế. Ta tiến lên phải từ gốc mà tiến lên. Nông nghiệp cơ giới hóa nhưng phải chú ý cải tiến kỹ thuật, không được quên. Công nghiệp nhẹ, nặng phải phục vụ nông nghiệp, không nên tách rời ba cái đó ra...”. Về vấn đề cải thiện dân sinh, Người nói: “Phải nêu rõ cải thiện dân sinh trên cơ sở nào. Nói cho rõ việc tăng năng suất lao động và cải thiện dân sinh”.

- Biên bản Hội nghị Trung ương Đảng, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 11, trước ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương mới của Lào Xixavang Vátthana nhân dịp Quốc vương làm lễ đăng quang.

- Báo Nhân dân, số 2067, ngày 13-11-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 547.

Tháng 11, trước ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 70 của Thủ tướng J. Nêru.

- Báo Nhân dân, số 2068, ngày 14-11-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 548.

Tháng 11, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị Trung ương (mở rộng). Trong phiên họp, Người phát biểu một số ý kiến về nội dung kinh tế của Kế hoạch năm năm. Theo Người, việc đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp trong năm năm cần xác định mức độ, nếu nói quá là không tưởng, nên chú ý dùng nông cụ cải tiến. Phải mở trường học để đào tạo cán bộ kỹ thuật...

Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 11, trước ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định gửi tặng đồng bào xã Vĩnh Kim - xã đã hoàn thành việc xây dựng hợp tác xã cấp cao ở Vĩnh Linh, chiếc máy cày do một hợp tác xã ở Tiệp Khắc tặng trong chuyến Người sang thăm nước Cộng hòa Tiệp Khắc.

- Báo Nhân dân, số 2069, ngày 15-11-1959.

Tháng 11, ngày 15

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cần kiệm, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 2069, nêu lên sự cần thiết phải thực hành Cần, Kiệm trong công cuộc xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Người chỉ rõ: “Cần để nâng cao không ngừng năng suất lao động. Kiệm để tích trữ thêm vốn, mở rộng sản xuất” và nhấn mạnh mối quan hệ giữa “CẦN” và “KIỆM”.

Kiệm mà không Cần thì cũng vô ích, Cần mà không Kiệm thì tay không lại hoàn tay không”.

Bài báo còn phê phán tư tưởng lười biếng, lên án những hành vi lãng phí trong sinh hoạt và sản xuất, tệ nạn ăn uống gây lãng phí tiền của và lao động của nhân dân.

- Báo Nhân dân, số 2069, ngày 15-11-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 549-550.

Tháng 11, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Ban Bí thư thảo luận về những công trình lớn trong quy hoạch của thành phố Hà Nội. Phát biểu với Hội nghị, Người căn dặn trong thiết kế phải đồng bộ (đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện...), tránh cản trở sự đi lại của nhân dân; phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi và phải thực hiện nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Người cũng lưu ý việc phải tranh thủ sự giúp đỡ của các nước anh em trong công việc trên.

Biên bản Hội nghị Ban Bí thư, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 11, trước ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen ngợi đơn vị công binh xây dựng cầu Xuân Mai (trên Quốc lộ 6) đã có tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành công trình đúng thời hạn và đạt chất lượng tốt.

Người nhắc nhở cán bộ và chiến sĩ đơn vị cần luôn luôn ra sức thi đua công tác và học tập, phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội.

- Báo Quân đội nhân dân, số 661, ngày 19-11-1959.

Tháng 11, ngày 19

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đế quốc Mỹ tiến gần miệng hố, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2073.

Trích dẫn những tư liệu của báo chí Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, tác giả tố cáo tội ác của quân đội Mỹ và tay sai ở nước ngoài, vạch trần bộ mặt thật của chính quyền Mỹ trong vấn đề viện trợ cho các nước và cho rằng chính những hành động của Mỹ và tay sai làm cho nhân dân thế giới, nhân dân Việt Nam đoàn kết đấu tranh chống lại, đưa đế quốc Mỹ đến miệng hố thất bại.

- Báo Nhân dân, số 2073, ngày 19-11-1959.

Tháng 11, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình Khu V và Nam Bộ. Phát biểu tại cuộc họp, Người nhấn mạnh nhiệm vụ và hình thức đấu tranh của cách mạng miền Nam lúc này. Đối với Khu V, Người nêu rõ phải xây dựng Khu V, đặc biệt là Tây Nguyên, thành căn cứ cách mạng cho miền Nam. Còn miền Tây Nam Bộ phải phát triển hình thức đấu tranh hợp pháp, nhất là ở các thành thị.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 11, trước ngày 24

Sau khi đọc báo Quân đội nhân dân, số 652 và số 655, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tòa soạn báo hai huy hiệu của Người để tặng thưởng cho:

- Thượng sĩ Hoàng Khánh Thiện, đơn vị hòm thư 2.446 (Thanh Hóa) về thành tích bền bỉ và sáng tạo trong lao động.

- Chính trị viên đại đội Nguyễn Xích Liên, đơn vị hòm thư 5.832 (Hà Đông) về thành tích gương mẫu trong sinh hoạt, quyết tâm đi sâu vào kỹ thuật, lãnh đạo đơn vị học tập tốt.

- Báo Quân đội nhân dân, số 663, ngày 24-11-1959.

Tháng 11, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (mở rộng) bàn về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Sau khi nghe thảo luận, Người phát biểu một số vấn đề về mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, và lưu ý trong báo cáo phải nói rõ hơn nữa vấn đề cải thiện đời sống nhân dân, phải trình bày thành một mục riêng vì “có cải thiện đời sống nhân dân thì đấu tranh thống nhất nước nhà mới thắng lợi”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 47/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đoàn Vật lý địa cầu Ba Lan công tác tại Việt Nam, vì đã có thành tích giúp đỡ Ủy ban Vật lý địa cầu Việt Nam.

- Sắc lệnh số 48/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho giáo sư Roman Teisseyre, Trưởng đoàn chuyên gia Vật lý địa cầu Ba Lan công tác tại Việt Nam, vì đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình hợp tác khoa học giữa Việt Nam và Ba Lan trong năm Vật lý địa cầu quốc tế (1957-1958).

- Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 11, trước ngày 27

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu của Người cho anh Vũ Đình Khàng, bộ đội miền Nam tập kết, công tác tại công trường xây dựng Nhà máy sứ Hải Dương, có sáng kiến cải tiến nông cụ làm lợi cho sản xuất. Người còn gửi huy hiệu tặng cho các anh Mẫn, Tiệp (xã Đại Đồng, Tứ Kỳ, Hải Dương) và em Vạn (học sinh lớp 2, xã Thái Vạn, Chí Linh, Hải Dương) đều nhặt được của rơi mang trả người mất.

- Báo Nhân dân, số 2081, ngày 27-11-1959.

Tháng 11, trước ngày 27

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới ông Habíp Buốcghiba nhân dịp ông được bầu lại làm Tổng thống nước Cộng hòa Tuynidi.

- Báo Nhân dân, số 2081, ngày 27-11-1959.

Tháng 11, ngày 27

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng tới các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Anbani nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Anbani.

- Báo Nhân dân, số 2083, ngày 29-11-1959.

Tháng 11, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng do Ban Tuyên giáo Trung ương triệu tập.

Nói chuyện với Hội nghị, Người điểm lại lịch sử phấn đấu anh dũng và những thắng lợi vẻ vang của Đảng trong suốt 30 năm lãnh đạo cách mạng. Sau khi khẳng định nhiệm vụ lịch sử của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay là “tiếp tục phấn đấu để xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”, Người phân tích những thuận lợi, khó khăn, nhất là những đòi hỏi về sự tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ của đảng viên trong thời kỳ lịch sử mới và nhấn mạnh: “Nếu mỗi cán bộ và đảng viên ta biết làm tròn nhiệm vụ của mình, bồi dưỡng và phát triển chủ nghĩa tập thể, tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân, ra sức học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật, thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, hoàn thành được nhiệm vụ một cách vẻ vang”.

Cùng ngày, trong bài Tết trồng cây19, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 2082, Người đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây” để thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng.

Bài báo nêu rõ ý nghĩa và lợi ích của việc trồng cây đối với đất nước, từng gia đình, từng người dân và kết luận: “Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 49/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đoàn nghệ thuật Liên Xô sang công tác tại Việt Nam.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 558-559.

- Báo Nhân dân, số 2082, ngày 28-11-1959.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 11, ngày 29

Tối, tại Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Đoàn nghệ thuật Liên Xô Huân chương Lao động hạng Nhất và một bức trướng, vì thành tích phục vụ của Đoàn trong thời gian sang thăm và biểu diễn ở Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 2084, ngày 30-11-1959.

Tháng 11, trước ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Xã hội Công nhân Hunggari.

- Báo Nhân dân, số 2084, ngày 30-11-1959.

Tháng 11, ngày 30

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề: Xaluy thành Xalô5) hay là mâu thuẫn giữa Mỹ và Pháp, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2084, nêu rõ mâu thuẫn giữa các nước đế quốc thực dân ngày càng tăng.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 50/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ông Đàm Văn Nghị (tức Lê Tòng) Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng đã có nhiều công lao trong kháng chiến.

- Báo Nhân dân, số 2084, ngày 30-11-1959.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Népdabátxắc (Hunggari) về những vấn đề liên quan đến tình hình nông nghiệp Việt Nam, việc hợp tác hóa và công nghiệp hòa bình thống nhất đất nước, v.v..

Trả lời câu hỏi về cách giải quyết vấn đề Lào hiện nay, Chủ tịch tuyên bố: “Biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề Lào và duy trì hòa bình ở vùng Đông-Nam Á là phải thi hành nghiêm chỉnh các Hiệp định Giơnevơ và Viêng Chăn và phải để Ủy ban Quốc tế hoạt động trở lại. Chúng tôi tán thành và triệt để ủng hộ đề nghị của Liên Xô triệu tập lại một cuộc hội nghị các nước đã ký Hiệp định Giơnevơ để giải quyết vấn đề Lào. Tôi tin chắc rằng việc làm dịu tình hình thế giới cũng sẽ mang lại cho nước Lào hòa bình, dân chủ và độc lập”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 560-564.

Tháng 12, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hội nghị mở rộng của Tỉnh ủy Hà Đông (cũ) 6).

Phát biểu với Hội nghị, Người góp một số ý kiến về việc chống hạn, việc củng cố các hợp tác xã đã có, vấn đề cần kiệm xây dựng hợp tác xã, công tác phát triển Đảng, vấn đề đoàn kết trong cán bộ, v.v. của Hà Đông và nhắc nhở các cán bộ từ tỉnh đến huyện, xã “đều phải học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật để làm trọn nhiệm vụ ngày càng nhiều và càng mới”.

Cùng ngày, Người về thăm hợp tác xã nông nghiệp của đồng bào Thiên Chúa giáo thôn Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Đông (Hà Nội).

Người thân mật nói chuyện với các xã viên về công việc sản xuất, căn dặn bà con đoàn kết thương yêu nhau, đoàn kết lương giáo, kính Chúa, yêu Tổ quốc.

Trước khi ra về, Người đến thăm trại chăn nuôi của Hợp tác xã và thăm một số gia đình xã viên.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 565-566.

- Tỉnh ủy Hà Sơn Bình: Bác Hồ với Hà Sơn Bình, 1990, tr. 151-152.

- Bác Hồ với Hà Tây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây, 2006, tr. 95-97.

Tháng 12, trước ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 75 ngày sinh Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ R. Praxát.

- Báo Nhân dân, số 2087, ngày 3-12-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 567.

Tháng 12, ngày 4

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải ra sức chống hạn, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 2088.

Phân tích nguyên nhân vụ mùa vừa qua giành được thắng lợi, mặc dù nhiều nơi bị thiên tai hạn hán, tác giả kết luận:

Dù cho hạn hán khắp nơi,

Người mà quyết chí, thì trời phải thua

Không mưa mà vẫn được mùa”.

Dự báo tình trạng hạn hán có thể xảy ra, tác giả nhắc nhở bà con nông dân, cán bộ, bộ đội, thanh niên phải quyết tâm tìm mọi cách chống hạn, bảo đảm vụ chiêm thắng lợi, lấy thành tích chào mừng 30 năm thành lập Đảng.

- Báo Nhân dân, số 2088, ngày 4-12-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 268-269.

Tháng 12, ngày 6

Dưới đầu đề: Thư không dán. Kính gửi ông Ike 7) Tổng thống Mỹ, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2090, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch trần những luận điệu lừa bịp dư luận về cái gọi là “Tự do, công lý và hòa bình” mà Tổng thống Mỹ thường rêu rao. Bằng những dẫn chứng cụ thể, bài báo tố cáo Mỹ một mặt luôn nói đến “hòa bình”, nhưng thực tế lại tăng cường chạy đua vũ trang và viện trợ vũ khí cho lực lượng của Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam để chúng bắn giết những người vô tội.

- Báo Nhân dân, số 2090, ngày 6-12-1959.

Tháng 12, ngày 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng nhân kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch nước Cộng hòa Tiệp Khắc Antônin Nôvốtni.

- Báo Nhân dân, số 2095, ngày 11-12-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 9, tr. 570.

Tháng 12, trước ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng tỉnh Ninh Bình 10 huy hiệu làm phần thưởng cho những địa phương có thành tích chống hạn.

- Báo Nhân dân, số 2093, ngày 9-12-1959.

Tháng 12, ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ thảo luận về Luật Hôn nhân và Gia đình.

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tiêu chuẩn của người đảng viên, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2093, đề cập đến vấn đề xây dựng Đảng và phẩm chất của đảng viên.

Về công tác xây dựng Đảng, Người nêu rõ: “Khi phát triển Đảng cần phải chọn lọc rất cẩn thận, phải xem trọng chất lượng quyết không nên làm một cách ồ ạt, không nên tham nhiều”.

Để làm tốt công tác phát triển đảng viên mới, Người nhấn mạnh cần phải dựa vào những tiêu chuẩn của Người đảng viên mà xét duyệt, lựa chọn, có được như thế mới xứng đáng là người đảng viên và kết luận: “Đảng viên tốt thì Đảng mới mạnh. Đảng mạnh thì mới làm trọn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang là: Lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững chắc để thực hiện thống nhất nước nhà, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 571-572.

- Báo Nhân dân, số 2093, ngày 9-12-1959.

Tháng 12, ngày 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bảo tàng Quân đội nhân khai mạc trưng bày kỷ niệm 15 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau khi xem các hiện vật nói lên quá trình ra đời, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng vũ trang, Người căn dặn cán bộ, nhân viên Bảo tàng cần phát huy “cuốn sử sống” để tuyên truyền giữ vững truyền thống tốt đẹp của quân đội.

- Hội Điện ảnh Việt Nam: Muôn vàn tình thương yêu, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1975, ảnh trang 8, M.V.

- Hồ sơ ảnh của Bảo tàng Quân đội.

Tháng 12, ngày 13

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm cán bộ và chuyên gia cùng phái đoàn viện trợ gia súc của Mông Cổ mang gia súc tặng nhân dân Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 2098, ngày 14-12-1959.

Tháng 12, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 51/SL, bãi bỏ Điều 5 và 6 Sắc lệnh số 53/SL (ngày 20-10-1945) và Sắc lệnh số 25/SL (ngày 25-2-1946), cho phép những phụ nữ Việt Nam lấy chồng có quốc tịch nước ngoài (trước ngày ban hành Sắc lệnh này) vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Người nào muốn theo quốc tịch của chồng thì trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày ban hành Sắc lệnh này phải xin bỏ quốc tịch Việt Nam và phải được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phép.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 12, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp lần thứ 27 của Ban Dự thảo Hiến pháp sửa đổi để thông qua lần cuối bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi và bàn việc chuẩn bị trình Dự thảo Hiến pháp sửa đổi trước kỳ họp Quốc hội sắp tới.

- Báo Nhân dân, số 2100, ngày 16-12-1959.

Tháng 12, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà (Hà Nội). Người căn dặn công nhân, cán bộ nhà máy phải triệt để thực hiện khẩu hiệu “Nhanh, nhiều, tốt, rẻ”.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 40.

Tháng 12, ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi cán bộ và giáo viên bổ túc văn hoá. Toàn văn bức thư như sau:

Gửi các đồng chí cán bộ và giáo viên bổ túc văn hoá.

Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải tăng gia sản xuất.

Muốn tăng gia sản xuất tốt thì phải có kỹ thuật cải tiến. Muốn sử dụng tốt kỹ thuật thì phải có văn hoá.

Vì vậy công việc bổ túc văn hoá là cực kỳ cần thiết.

Công tác bổ túc văn hoá đối với người dạy và người học đều có khó khăn hoặc ít hoặc nhiều. Nhưng với quyết tâm và tinh thần xã hội chủ nghĩa thì khó khăn gì cũng khắc phục được và bổ túc văn hoá nhất định sẽ thành công.

Chúc các bạn cố gắng thi đua và thu được nhiều thắng lợi.

Chào thân ái,

Ngày 17 tháng 12 năm 1959

Hồ Chí Minh”.

Cùng ngày, bài viết của Người: Tiếp tục nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho xã viên, một công tác quan trọng để củng cố hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, ký bút danh L.T., đăng báo Nhân dân, số 2101. Bài gồm hai phần:

Phần I: nói về những đặc điểm cơ bản và vai trò của giai cấp nông dân Việt Nam trong cách mạng dân tộc dân chủ trước đây và cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Phần II: đề cập tới những nội dung cụ thể trong việc giác ngộ tư tưởng xã hội chủ nghĩa cho nông dân, một nhiệm vụ cần thiết hiện nay.

- Bản chụp bút tích, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 577

- Báo Nhân dân, số 2101, ngày 17-12-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 573-576.

Tháng 12, ngày 18

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 8) của Quốc hội khóa I và tham gia Chủ tịch đoàn.

Thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ, Người đọc lời chào mừng. Tiếp đó, nhân danh Trưởng ban Sửa đổi Hiến pháp, Người trình bày về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, giới thiệu các điểm chính trong nội dung và những ý kiến đóng góp của nhân dân vào bản Dự thảo.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 52/SL, tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho các gia đình:

- Ông Đỗ Khắc Phân (xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) có năm con đi bộ đội, trong đó có ba con là liệt sĩ.

- Ông Tạ Văn Liêm (xã Hoa Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) có năm con nhập ngũ, trong đó có ba con là liệt sĩ.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) về việc mời gia đình luật sư F.H.Lôdơby sang thăm Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 2103, ngày 19-12-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 578-597.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

- Nguyễn Anh Phong: Tôi đã nhận ra một vĩ nhân. Báo Lao động, số Tết Canh Ngọ, 1990.

- Tài liệu viết tay lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 230.

Tháng 12, ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về ngày kỷ niệm thành lập Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề Hiến pháp và kế hoạch học tập lý luận ở Trường Đảng.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Gió Đông thổi bạt gió Tây, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2103, trích dẫn những nhận xét của tờ Tin tức kinh tế châu Âu (tờ báo của Liên Hợp quốc) để nói về những tiến bộ vượt bậc trong sản xuất công nghiệp của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu năm 1959 so với tốc độ phát triển ỳ ạch của các nước tư bản Tây Âu. Bài báo kết luận bằng hai câu thơ:

Gió Đông thổi bạt gió Tây,

Bên kia sụt xuống, bên này tiến lên!

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Báo Nhân dân, số 2103, ngày 19-12-1959.

Tháng 12, ngày 20

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai mạc Đại hội thể dục, thể thao toàn quân lần thứ nhất tại Sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội).

- Báo Nhân dân, số 2105, ngày 21-12-1959.

Tháng 12, ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 53/SL, cho phép ông Lê Quang Hải, nguyên quốc tịch Pháp, cán bộ Ban kiến thiết Nhà máy văn phòng phẩm Hà Nội, được nhập quốc tịch Việt Nam.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 12, trước ngày 22

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự buổi lễ biểu diễn vở chèo “Lưu Bình, Dương Lễ” do Đoàn chèo Tổng cục Chính trị trình diễn.

Vở chèo kết thúc, Người vào tận hậu trường thăm hỏi các diễn viên.

- Viện Sân khấu: Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu, Hà Nội, 1990, tr. 88.

Tháng 12, ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Người khen ngợi quân đội ta, trong 15 năm qua đã vượt mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ và đã lập được nhiều thành tích vẻ vang và căn dặn tất cả cán bộ và chiến sĩ của các lực lượng vũ trang nhân dân:

“- Phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, kỹ thuật và văn hóa, ra sức công tác và lao động; tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Phải trau dồi đạo đức cách mạng, đoàn kết, khiêm tốn, hết lòng vì Đảng, vì dân.

- Phải nâng cao chí khí chiến đấu, luôn luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”.

Cùng ngày, Người tới dự buổi chiêu đãi kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Phát biểu tại buổi chiêu đãi, Người biểu dương “Quân đội chúng ta anh hùng trong kháng chiến mà cũng anh hùng trong hòa bình” và nêu rõ sở dĩ có những thắng lợi và những thành công đó là nhờ sự lãnh đạo và giáo dục của Đảng, nhờ sự thương yêu giúp đỡ của nhân dân.Vì vậy, cán bộ và chiến sĩ “không được tự mãn, không được tự kiêu. Trái lại, cần phải khiêm tốn, cần phải đoàn kết, cần phải ra sức thi đua học tập, học tập về chính trị, học tập văn hóa, học tập kỹ thuật”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 598-601.

Tháng 12, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự phiên họp toàn thể của Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 1959 và những chủ trương công tác lớn năm 1960.

Cùng ngày, trong bài Cảnh giác, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2107. Người nhắc nhở các tầng lớp nhân dân, các cơ quan đơn vị hãy đề cao cảnh giác trước những hành động khiêu khích, do thám của bọn phản động Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ, cũng như bọn tay sai của chúng ở Lào.

- Báo Nhân dân, số 2107, ngày 23-12-1959 và số 2108, ngày 24-12-1959.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 9, tr. 602-603.

Tháng 12, ngày 25

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về Kế hoạch Nhà nước năm 1960.

Trong ngày, bài viết của Người: Người Mỹ cũng nói Diệm độc tài, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân dân, số 2109. Tác giả trích dẫn ý kiến của một số chính khách và học giả Mỹ nhận xét về chế độ Ngô Đình Diệm cũng độc tài chẳng khác gì những tên độc tài khác được Chính phủ Mỹ ủng hộ.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Báo Nhân dân, số 2109, ngày 25-12-1959.

Tháng 12, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về Kế hoạch Nhà nước năm 1960.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 12, ngày 27

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người cháu nuôi của Bác, ký bút danh K.V., đăng báo Nhân dân, số 2111, ghi lại những ngày tháng hoạt động của Người khi còn hoạt động ở Pắc Bó (Cao Bằng).

- Báo Nhân dân, số 2111, ngày 27-12-1959.

Tháng 12, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Sau khi nghe đại diện Thư ký đoàn đọc lá thư của một công nhân Sài Gòn gửi Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Người nói: “có thể nói đồng bào miền Nam thông qua bản Hiến pháp mới của chúng ta”.

Phát biểu ý kiến về Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình do Tiểu ban nghiên cứu trình bày, Người nói đại ý: Tôi tán thành nội dung bản Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình. Nó có tính chất xã hội chủ nghĩa rõ rệt.

- Báo Nhân dân, số 2113, ngày 29-12-1959.

Tháng 12, ngày 30

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc của Thủ tướng Chính phủ chiêu đãi các chuyên gia nước ngoài đang công tác tại Hà Nội nhân dịp Tết dương lịch.

- Báo Nhân dân, số 2115, ngày 31-12-1959.

Tháng 12, ngày 31

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa I.

Sau khi Quốc hội nhất trí thông qua Hiến pháp mới20 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người nhân danh Trưởng ban sửa đổi Hiến pháp cám ơn và hoan nghênh các tầng lớp nhân dân miền Nam, miền Bắc, kiều bào ở nước ngoài và các đại biểu Quốc hội đã góp ý kiến xây dựng bản Hiến pháp, cám ơn Quốc hội đã thông qua Hiến pháp; nêu rõ ý nghĩa bản Hiến pháp đối với trong và ngoài nước, kêu gọi toàn dân thực hiện tốt Hiến pháp mới.

Sau lễ bế mạc, Người ra dự và nói chuyện với trên hai vạn đồng bào Thủ đô họp mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Thành phố, hoan nghênh thành công của kỳ họp Quốc hội, hoan nghênh Hiến pháp mới.

Cũng trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với một số cán bộ của thành phố Hà Nội đến thăm lớp vỡ lòng ở đình Thạch Khối (Hàng Than, Hà Nội).

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi các đại biểu về dự họp Quốc hội.

- Báo Nhân dân, số 2116, ngày 1-1-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 604-605.

- Thành ủy Hà Nội - Ban Tuyên giáo: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội - Biên niên sự kiện (1945-1969), Nxb. Hà Nội, 2000, tr. 212-213.

Tháng 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua của Cục Không quân.

Người căn dặn: “Bộ đội không quân phải phấn đấu hơn nữa để Hội nghị thi đua lần sau đạt nhiều thành tích hơn, có nhiều chiến sĩ thi đua hơn và báo cáo Bác biết để Bác đến dự”.

- Lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr. 46.

Trong năm

Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) mười ngày.

-  Bảo tàng Hồ Chí Minh: Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2003, tr. 136.

Trong năm

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Lớp sỹ quan đầu tiên của Inđônêxia mang tên tân Tổng thống Xucácnô.

-  Tài liệu tiếng Pháp, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

Trong năm

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thái Bình. Nói chuyện với cán bộ và nhân dân địa phương, Người khẳng định: “Trong kháng chiến, đồng bào, bộ đội và cán bộ Thái Bình đã anh dũng đánh giặc. Hoà bình lập lại, đã cố gắng và có thành tích trong công việc khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa... Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi, đồng bào và cán bộ phải cố gắng để tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu”.

- Tài liệu đánh máy, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

_____________

1) Danh sách những cán bộ được tặng thưởng:

- Trần Lương, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

- Trần Hữu Dực, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.

- Đỗ Mười, nguyên Chính ủy Quân khu Tả Ngạn.

- Đinh Đức Thiện, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.

- Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Chính ủy Quân tình nguyện Campuchia.

- Nguyễn Chinh Giao, nguyên Chính ủy Quân tình nguyện khu Hạ Lào.

- Đào Việt Hưng, nguyên Phó Chính ủy Quân tình nguyện Thượng Lào.

- Nguyễn Văn Tri, nguyên Trưởng Ban căn cứ địa Nam Bộ.

- Ngô Minh Loan, nguyên Cục trưởng Cục bảo vệ.

- Võ Oanh, nguyên Sư đoàn trưởng.

- Trần Vĩ, nguyên Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội.

- Trịnh Huy Quang, nguyên Phó Giám đốc Trường Văn hóa, Bộ Tổng tư lệnh.

- Hoàng Xuân Tùy, nguyên Sư đoàn phó.

- Võ Quang Anh, nguyên Tư lệnh phó Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ.

- Phan Phúc Tường, nguyên Cục phó Cục Quân lực.

- Nguyễn Đăng, nguyên Tham mưu trưởng Phân Liên khu miền Đông Nam Bộ.

- Nguyễn Thế Hùng, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu điều tra Cục Bảo vệ.

- Nguyễn Hữu Mô, nguyên Trưởng phòng chính trị KhuVI.

- Trương Văn Giầu, nguyên Khu trưởng Khu IX.

- Phạm Trinh Cán, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tổng tham mưu.

- Dương Văn Hà, nguyên Tư lệnh phó Khu VII.

- Bùi San, nguyên Chính ủy Khu XV.

- Nguyễn Song Tùng, nguyên Chính ủy miền Đông Campuchia.

- Lý Ban, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chính trị.

- Trần Đại Nghĩa, Thiếu tướng Cục trưởng Cục Quân giới.

- Võ Thúc Đồng, nguyên Chính ủy Quân tình nguyện Trung Lào.

- Nguyễn Văn Dung, nguyên Tư lệnh phó Khu VII.

- Trần Quỳnh, nguyên Trưởng phòng chính trị Liên khu V.

- Phan Thêm, Cục phó Cục Quân lực.

2) Sau khi đọc bài “Mắt tuy mù nhưng vẫn chăm nghe đọc báo”, đăng báo Nhân dân, ngày 11-9, đăng tin ông Tợp (ở thôn Hào Xá, huyện Thanh Hà, Hải Dương) tuy bị mù nhưng vẫn dành tiền bán hàng nước của mình mua báo nhờ người đọc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi biếu một năm báo Nhân dân cho ông Tợp.

3) Danh sách các vị được truy tặng:

- Đàm Quang Viễn, Tư lệnh phó Ủy ban kháng chiến miền Nam Liên khu V.

- Nguyễn Hữu Thành, Sư đoàn trưởng Liên khu V.

- Vũ Trường Khê, Khu trưởng Khu IX.

- Hoàng Đình Rong, Khu trưởng Khu IX.

4) Gồm có các đơn vị: Xí nghiệp Thiếc Cao Bằng; Đoàn thăm dò địa chất apatít; Đội đặt đường Tổng cục Đường sắt; Đội đại tu đường sắt Tổng cục Đường sắt; Đoàn toa xe Hà Nội Tổng cục Đường sắt.

5) Tiếng Pháp: Saluy = kính chào, Salaud = tiếng chửi mắng rất hỗn xược. Từ “Xaluy thành Xalô” ý nói sự chuyển biến sang mâu thuẫn giữa Mỹ và Pháp.

6) Nay thuộc thành phố Hà Nội.

7) Tên gọi tắt Tổng thống Mỹ Aixenhao.

8) Họp từ ngày 18 đến ngày 31-12.

* Năm 1960 - Từ tháng 1 đến tháng 4

Tháng 1, ngày 1

Sáng, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đoàn đại biểu: Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, Quân đội và Đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội nhân dịp năm mới đến mừng Người thọ 70 tuổi.

Người cảm ơn tất cả các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, tổ chức đã dành cho Người những tình cảm quý báu, đồng thời nêu lên những nhiệm vụ quan trọng của năm 1960 mà trước hết là động viên nhân dân thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các vị đại sứ, đại biện lâm thời, tổng lãnh sự các nước ở Hà Nội và các trưởng đoàn chuyên gia nước ngoài đang công tác tại Việt Nam đến chúc mừng Người nhân dịp năm mới. Người cám ơn những lời chúc mừng nồng nhiệt của các vị trong đoàn ngoại giao và các chuyên gia đã có những đóng góp vào việc xây dựng đất nước Việt Nam.

Cùng ngày, Thơ mừng năm mới của Chủ tịch, đăng báo Nhân dân, số 2116. Toàn văn như sau:

Mừng nhà nước ta 15 Xuân xanh!

Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ!

Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua,

Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa

Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh,

Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ.

Cả nước một lòng, hăng hái tiến lên,

Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ!.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 01/SL, công bố bản Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được Quốc hội nhất trí biểu quyết tán thành ngày 31-12-1959.

- Báo Nhân dân, số 2116, ngày 1-1-1960 và số 2117, ngày 3-1-1960.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 1, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị kiểm điểm việc thực hiện Kế hoạch Nhà nước năm 1959. Phát biểu với Hội nghị, sau khi nói rằng có Bộ không nắm được tình hình, Người nhắc nhở các Bộ cần đi sát thực tế hơn nữa để có cơ sở định ra kế hoạch, chỉ tiêu thực hiện và nên cho cán bộ nông nghiệp ra nước ngoài học tập...

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 1, ngày 5

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và đọc Lời khai mạc Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng. Sau khi nêu “Từ ngày mới ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp”, Người tóm tắt quá trình đấu tranh anh dũng, hy sinh của Đảng trong 30 năm đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc và xây dựng đất nước nhằm “đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiến tiến” cũng như luôn chăm lo đến đời sống hàng ngày của nhân dân và khẳng định “Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta”, “vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.

Người chỉ rõ nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn mới và kêu gọi “toàn thể đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động, bất kỳ ở cương vị nào, làm công việc gì, đều phải trau dồi đạo đức cách mạng, tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân, cố gắng học tập chính trị, văn hóa và khoa học, kỹ thuật, làm tốt công tác kinh tế tài chính, gương mẫu trong mọi việc làm. Phải đoàn kết và học hỏi những anh em ngoài Đảng và ngoài Đoàn để cùng nhau tiến bộ”.

Kết thúc bài phát biểu, Người khẳng định:

Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao,

Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao

nhiêu tình.

Đảng ta là đạo đức, là văn minh

Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no

Công ơn Đảng thật là to.

Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử

bằng vàng.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ba bức trướng chúc mừng của Đảng Xã hội Việt Nam, Đảng Dân chủ Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 2121, ngày 7-1-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 2-6.

Tháng 1, ngày 6

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một địa điểm niêm yết danh sách cử tri và bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa 2 tại đình Phất Lộc, Hà Nội.

Chiều, Người đến thăm khu triển lãm về phong trào thi đua Thiên lý mã của nhân dân Triều Tiên tổ chức tại Hà Nội.

Sau đó, Người gặp Đoàn văn công Việt Nam vừa đi dự Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới họp tại Viên (Thủ đô nước Áo) và đi thăm một số nước Đông Âu, Ấn Độ, Miến Điện mới trở về.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các đại biểu phụ nữ theo đạo Thiên Chúa toàn miền Bắc về dự Hội nghị do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triệu tập. Người căn dặn mọi người phải luôn luôn tăng cường đoàn kết.

Trong ngày, Lời kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây (từ ngày 6-1 đến ngày 6-2-1960), nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng của Người đã đăng trên các báo 1).

Cùng ngày, báo Nhân dân, số 2121, đăng bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội 2) nhan đề Ba mươi năm hoạt động của Đảng. Sau khi “nhìn lại những đoạn đường đã qua, rút ra những kinh nghiệm quý báu và ấn định đúng đắn những nhiệm vụ cách mạng hiện nay và sắp tới để giành lấy những thắng lợi to lớn hơn nữa, vẻ vang hơn nữa”, Người đặc biệt nhấn mạnh vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thành lập, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và sự vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin vào tình hình thực tế của nước ta đã đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, của kháng chiến, trong xây dựng xã hội mới và coi đây là bài học quý báu của Đảng trong 30 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Để làm tròn nhiệm vụ nặng nề của Đảng trong giai đoạn mới, Người chỉ rõ Đảng phải tăng cường về mặt tư tưởng, kiện toàn về mặt tổ chức và phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực. Đối với mỗi đảng viên “phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, củng cố lập trường giai cấp vô sản, cố gắng nắm vững những quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam; phải luôn luôn nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể của giai cấp vô sản” và “phải cố gắng học tập văn hoá, học tập khoa học và kỹ thuật” vì đó là đòi hỏi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 40.

- Mục lục ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh, tr. 41.

- Báo Nhân dân, số 2120, ngày 6-1-1960 và số 2122, ngày 8-1-1960.

- Viện Sân khấu: Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu, Hà Nội, 1990, tr. 166.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.7-22.

Tháng 1, ngày 7

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm khu lao động An Dương, nơi thành phố Hà Nội chuẩn bị đón tiếp Việt kiều ở Thái Lan về nước. Người đi xem xét nơi ở của khu, nhắc nhở mọi người phải chú ý vấn đề vệ sinh. Người tỏ ý khen ngợi cán bộ, công nhân Thủ đô đã tích cực tham gia xây dựng tốt nơi đón tiếp và căn dặn cán bộ và nhân dân “phải coi trọng và làm tốt công tác đón tiếp Việt kiều”.

Sau đó, Người đi thăm lớp mẫu giáo và một số gia đình đồng bào trong khu.

- Báo Nhân dân, số 2122, ngày 8-1-1960.

Tháng 1, ngày 8

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Kiều bào ta ở Thái Lan luôn luôn hướng về Tổ quốc, ký bút danh V.K., đăng báo Nhân dân, số 2123, biểu dương những đóng góp to lớn của kiều bào trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc như giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng, trong đó có Người, trong những năm hoạt động bí mật và động viên con em mình tham gia các công tác cách mạng. Tác giả tin tưởng, kiều bào ta trước đây luôn hướng về Tổ quốc thì ngày nay sẽ cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân cả nước, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.

- Báo Nhân dân, số 2122, ngày 8-1-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 23-26.

Tháng 1, ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị tiếp tục bàn về Kế hoạch Nhà nước năm 1960. Phát biểu tại cuộc họp, Người biểu dương những cố gắng của công nhân, nông dân trong thực hiện Kế hoạch Nhà nước năm 1959 và nêu lên những yêu cầu về tổ chức, biện pháp thực hiện Kế hoạch Nhà nước năm 1960.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 1, ngày 10

9 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều vị đại diện của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Hà Nội xuống bến Sáu Kho (Hải Phòng) dự Lễ đón kiều bào ở Thái Lan về nước.

Tại lễ đón, Người thay mặt Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh kiều bào trở về Tổ quốc. Người cảm ơn nhân dân, Chính phủ Thái Lan, Hội Hồng thập tự Quốc tế, Hội Hồng thập tự Thái Lan, thuyền trưởng và thủy thủ tàu Anh Phúc đã giúp đỡ kiều bào.

Nói chuyện với kiều bào, Chủ tịch tin chắc rằng “đã bao năm, kiều bào ta ở đất khách quê người, luôn luôn hướng về Tổ quốc. Ngày nay, kiều bào đã sung sướng trở về xứ sở. Đảng và Chính phủ tin chắc rằng kiều bào sẽ vui vẻ cùng đồng bào cả miền Bắc đồng cam cộng khổ, vượt mọi khó khăn, hăng hái thi đua, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, vui tươi, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Người cũng nhắc nhở nhân dân, cán bộ các địa phương có kiều bào hồi hương “cần phải giúp đỡ đồng bào đúng như Đảng và Chính phủ đã chỉ thị”.

- Báo Nhân dân, số 2125, ngày 11-1-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 27-28.

Tháng 1, ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị thảo luận về Kế hoạch Nhà nước năm 1960. Phát biểu về vấn đề xây dựng nông thôn mới, Người nêu một số ‎ý kiến về kế hoạch xây dựng, tổ chức thực hiện, lực lượng tiến hành và một số vấn đề khác.

16 giờ 30, Người đến Công viên Bảy Mẫu 3) và trồng cây đa lưu niệm. Sau đó, Người đi thăm và nói chuyện với nhân dân và cán bộ cùng tham gia lao động về lợi ích của việc trồng cây, căn dặn phải trông nom, săn sóc, bảo vệ cây trồng và hứa sẽ gửi phần thưởng cho đơn vị nào thi đua khá nhất.

Cùng ngày, Người tới thăm Đoàn xiếc nhân dân Trung ương.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 2126, ngày 12-1-1960.

- Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội: Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 1980, tr. 120.

Tháng 1, ngày 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về Cương lĩnh Mặt trận miền Nam. Phát biểu tại cuộc họp, Người góp ý về cách dùng từ trong Cương lĩnh phải sao cho dễ hiểu, cách diễn phải thật khéo để có lợi cho ta.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 1, ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ, nghe Ủy ban Kế hoạch báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch Nhà nước năm 1959, thảo luận và quyết nghị về Dự án Kế hoạch Nhà nước năm 1960, bàn vấn đề kiện toàn bộ máy Nhà nước ở trung ương, việc chuẩn bị bầu cử Quốc hội, kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và một số vấn đề khác.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà khách thăm Phó Chủ tịch huyện Long Châu (Quảng Tây) Nông Kỳ Chấn 4) tới Hà Nội vào buổi sáng theo lời mời của Người. Gặp bạn cũ, Người rất vui, hỏi han cặn kẽ tình hình bà con quen biết ở Long Châu, tình hình sản xuất ở địa phương. Khi biết ông Chấn có nhiều con trai, Người nói vui: “Cho tôi xin một đứa để làm con nuôi”.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu nhân dân Hà Nội về thắng lợi của kỳ họp lần thứ 11 Quốc hội khóa I. Sau khi nói rõ ý nghĩa của Hiến pháp mới vừa được Quốc hội thông qua, Người nêu cụ thể những việc mà nhân dân Thủ đô phải làm tốt để hưởng ứng Hiến pháp và căn dặn các đại biểu phải phổ biến Hiến pháp một cách kỹ lưỡng, rộng khắp trong nhân dân, phải gương mẫu trong việc thi hành Hiến pháp và các luật lệ. Người nhấn mạnh: “Đồng bào Thủ đô phải thật gương mẫu trong mọi công tác. Thủ đô phải là thành phố gương mẫu cho cả nước”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 02/SL, công bố Luật Hôn nhân và Gia đình.

- Sắc lệnh số 03/SL, công bố Luật bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2128, ngày 14-1-1960.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 29-30.

Tháng 1, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục điều khiển phiên họp Hội đồng Chính phủ.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bắt đầu từ hai chữ, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân dân, số 2128, đề cập đến việc thực hành khẩu hiệu CẦN KIỆM như thế nào. Dẫn chứng một ví dụ để chứng tỏ nếu cách suy nghĩ không đúng sẽ dẫn đến việc làm sai, tác giả nhắc nhở nhiệm vụ của tất cả mọi người là phải học tập, rèn luyện nhiều hơn nữa để hiểu cho đúng khẩu hiệu CẦN KIỆM để xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2128, ngày 14-1-1960.

Tháng 1, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị lần thứ 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng) chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.

Trong ngày, Người còn đến thăm và nói chuyện với Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 14. Người căn dặn các lực lượng công an phải luôn nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, đoàn kết nội bộ, dựa vào dân và phải phát huy dân chủ nội bộ, kiện toàn tổ chức thành một lực lượng thật vững mạnh của nền chuyên chính vô sản.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc chiêu đãi do Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức để tiễn biệt đồng chí Nông Kỳ Chấn. Người đã tặng quà cho ông.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Con ma Đa-lét 5) và thầy cúng Ai-cơ 6), ký bút danh T.L, đăng báo Nhân dân, số 2129, tố cáo quá trình can thiệp của Mỹ vào chiến tranh Đông Dương, vạch trần thái độ lừa bịp của giới lãnh đạo Mỹ về vấn đề tự do, dân chủ, hạnh phúc, hòa bình cho các dân tộc.

- Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 37-38.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 146.

- Báo Nhân dân, số 2129, ngày 15-1-1960.

Tháng 1, ngày 16

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lấy CẦN làm gốc, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân dân, số 2130, giải thích một cách vắn tắt về chủ nghĩa xã hội, đồng thời phê phán những quan niệm sai lầm về chủ nghĩa xã hội của một số người. Tác giả kết luận: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải lấy CẦN làm gốc, CẦN là lao động: lao động cần cù và sáng tạo. Năng suất lao động ngày càng tăng là nguồn no ấm của chúng ta”.

- Báo Nhân dân, số 2130, ngày 16-1-1960.

Tháng 1, ngày 17

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm khu tập thể của công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội.

Trong ngày, bài viết của Người: Hoan hô Liên Xô vĩ đại, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2131, ca ngợi sự lớn mạnh mọi mặt của nhân dân Xôviết và hoan nghênh việc Liên Xô tuyên bố tài giảm binh bị. Kết thúc bài viết, tác giả khẳng định: “Vô luận thế nào, lực lượng gây chiến đen tối của bọn đế quốc sẽ bị ánh sáng rực rỡ của mặt trời hòa bình đánh tan”.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 41.

- Báo Nhân dân, số 2131, ngày 17-1-1960.

Tháng 1, ngày 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm tỉnh Kiến An 7). Người thăm một gia đình nông dân ở xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy; thăm cơ quan Tỉnh ủy và Tỉnh đội. Tại đây, Người nói chuyện với đồng bào và cán bộ trong tỉnh. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Người chúc Tết đồng bào, bộ đội, cán bộ và nêu lên những công việc phải làm để củng cố và nâng cao chất lượng các hợp tác xã nông nghiệp. Người đặc biệt nhấn mạnh việc đảng viên phải “thường thường ôn lại, tự liên hệ và giữ đúng những tiêu chuẩn của người đảng viên” và phải nâng cao chất lượng phát triển Đảng. Người căn dặn lãnh đạo từ tỉnh, huyện đến chi bộ phải làm đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách, nội bộ phải thật đoàn kết, ra sức phấn đấu để “xứng đáng là người đày tớ trung thành của nhân dân, người cán bộ tốt của Đảng và Chính phủ”.

Sau đó, Chủ tịch tặng huy hiệu của Người cho một số đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích sản xuất vụ mùa trong đó có Nông trường miền Nam, huyện Kiến Thụy và huyện An Lão.

Trên đường về, Người thăm Thành uỷ Hải Phòng và ghé thăm Trường học sinh miền Nam số 12 tại Hải Phòng.

Cùng ngày, bài Mừng Tết Nguyên Đán như thế nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng báo Nhân dân, số 2132, nêu những việc đáng chê, đáng khen trong việc ăn Tết, nhắc nhở cán bộ phải làm gương, hướng dẫn nhân dân ăn Tết vui vẻ, tiết kiệm. Bài báo kết luận:

Trăm năm trong cõi người ta,

Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan.

Mừng Xuân, Xuân cả thế gian,

Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”.

- Hồ Chủ tịch với Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng, Nxb. Hải Phòng, 1985, tr. 168-169.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 31-39.

- Báo Nhân dân, số 2132, ngày 18-1-1960 và số 2135, ngày 21-1-1960.

Tháng 1, giữa tháng

Được tin chị Nguyễn Thị Năm, ở xã Lê Lợi, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ sinh ba con gái, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho các cháu sáu thước lụa và chỉ thị cho chính quyền và đoàn thể phụ nữ địa phương phải hết sức giúp đỡ chị Năm nuôi dưỡng các cháu.

- Bác Hồ với Vĩnh Phú, Ty Văn hoá Vĩnh Phú xuất bản, 1975, tr. 105.

Tháng 1, ngày 19

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tết trồng câyđã thắng lợi bước đầu, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2133, nêu gương một số địa phương đã làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia “Tết trồng cây”, đồng thời, nhắc nhở mọi người phải “xem trọng chất lượng”, nghĩa là trồng cây nào chắc cây ấy, không nên tham trồng quá nhiều mà không ra sức bảo vệ và trông nom cây” và “thực hiện “Tết trồng cây” (cùng với kế hoạch trồng cây gây rừng của Nhà nước) một cách liên tục, bền bỉ và vững chắc”.

- Báo Nhân dân, số 2133, ngày 19-1-1960.

Tháng 1, ngày 20

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Con đường phía trước, ký bút danh C.K, đăng báo Nhân dân, số 2134, chỉ rõ con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu phải là con đường công nghiệp hoá và kết luận: “Chúng ta lấy sản xuất nông nghiệp làm chính... nhưng “công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thật sự của nhân dân ta”.

- Báo Nhân dân, số 2134, ngày 20-1-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 40-41.

Tháng 1, ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Trung ương mở rộng chuẩn bị văn kiện cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. Tại Hội nghị, Người phát biểu nêu rõ Cương lĩnh của Đảng nên viết ngắn gọn, tôn chỉ, mục đích nên dùng những từ ngữ đã quen thuộc. Về mặt tổ chức, Đảng phải gọn, cốt làm được việc, nên bỏ chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Đảng và giảm bớt các Bộ...Cuối cùng, Người đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác Đảng ở các chi bộ cơ sở và nhắc nhở phải coi chi bộ là tổ chức quyết định tới thành công hay thất bại của Đảng.

Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 1, trước ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị phổ biến Kế hoạch Nhà nước năm 1960. Người nhắc nhở các đại biểu phải cụ thể hoá kế hoạch của trên giao phù hợp với hoàn cảnh địa phương và phải cố gắng thực hiện cho kỳ được, đồng thời nêu ra một số nhiệm vụ cụ thể để các địa phương làm tốt vụ đông - xuân như công tác chống hạn, làm phân bón, cải tiến nông cụ, chăn nuôi và lưu ý các nơi không được coi nhẹ việc củng cố tổ đổi công, hợp tác xã.

Cuối cùng, Người căn dặn các địa phương cần làm tốt kế hoạch Nhà nước năm 1960 vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch 5 năm tới.

- Báo Nhân dân, số 2136, ngày 22-1-1960.

Tháng 1, ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng gửi điện mừng đến các vị lãnh đạo Nhà nước Liên Xô nhân dịp Liên Xô phóng thành công tên lửa nhiều tầng ở khu vực Thái Bình Dương.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác của Bộ Công nghiệp. Trong bài phát biểu, Người nêu rõ một số mặt yếu của Bộ Công nghiệp trong năm qua và cho rằng: “Nguyên nhân đẻ ra những khuyết điểm đó là do việc quản lý còn kém và các cán bộ phụ trách chưa quan tâm đúng mức”. Người gợi ý về phương hướng chung để phát triển sản xuất của các ngành công nghiệp nước ta và nhấn mạnh việc cần phải học tập kinh nghiệm của các chuyên gia, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong công nhân để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm...

Cùng ngày, bài viết của Người: Thế nào là công nghiệp hoá, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân dân, số 2136, đề cập đến ý nghĩa và tầm quan trọng của công nghiệp hoá ở nước ta. Sau khi nêu rõ những thủ đoạn của chủ nghĩa tư bản trong mưu đồ bắt nền công nghiệp của nhân dân các nước thuộc địa phải phụ thuộc vào chính quốc để dễ bề sai khiến và phân tích về vai trò, chức năng quan trọng của công nghiệp hoá, đặc biệt của công nghiệp nặng trong nền kinh tế quốc dân, tác giả chỉ ra rằng, con đường công nghiệp hoá ở nước ta phải phấn đấu gian khổ, trước mắt phải hoàn thành kế hoạch ba năm để làm cơ sở bước vào kế hoạch dài hạn đầu tiên của thời kỳ công nghiệp hoá nước nhà theo chủ nghĩa xã hội.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 42-43.

- Báo Nhân dân, số 2136, ngày 22-1-1960 và số 2137, ngày 23-1-1960.

Tháng 1, ngày 24

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ngô Đình Diệm và Tưởng Giới Thạch, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân dân, số 2138, đả kích cuộc gặp mặt giữa Ngô Đình Diệm và Tưởng Giới Thạch tại Đài Bắc, “mượn lời chúc tụng để mỉa mai lẫn nhau” khi “hai tên bán nước, gặp mặt một nhà”.

Bài viết vạch trần bộ mặt bán nước của ông Ngô và ông Tưởng, và kết thúc bằng hình ảnh: “Hai “Tổng thống” run cầm cập, ôm đầu nhau vừa khóc, vừa than:

Nghe thày Mỹ, thật quá phiền!

Không nghe, thì bị cúp tiền, khổ thân!

Cái nghề bán nước buôn dân

Thôi thì cũng liều nhắm mắt dời chân

Để xem tên lửa xoay vần đến đâu!.

- Báo Nhân dân, số 2138, ngày 24-1-1960.

Tháng 1, ngày 25

Chiều, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Hairích Rao, Phó Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Đức, cùng Đoàn đại biểu Chính phủ Đức đến chào Người nhân dịp Đoàn sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 2140, ngày 26-1-1960.

Tháng 1, trước ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng tới Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ R. Praxát cùng các vị đứng đầu Nhà nước Ấn Độ, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 10 ngày thành lập nước Cộng hòa Ấn Độ. Bức điện nêu rõ: “Từ ngày giành được độc lập đến nay, nhân dân Ấn Độ đã luôn luôn phấn đấu để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh và đã có nhiều cống hiến quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và củng cố hòa bình ở châu Á và thế giới. Nhân dân Việt Nam chân thành chúc nhân dân Ấn Độ anh em ngày càng đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa”.

- Báo Nhân dân, số 2140, ngày 26-1-1960.

Tháng 1, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đình Phất Lộc (ngõ Phất Lộc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để kiểm tra nơi niêm yết danh sách cử tri bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sân bay Gia Lâm (Hà Nội) đón gia đình luật sư F.H. Lôdơby về Nhà khách Chính phủ (58 Nguyễn Du - Hà Nội). Người thăm hỏi sức khỏe, đời sống của ông bà luật sư và cô con gái Patơrixia Lôdơby.

Buổi tối, Người cùng gia đình Luật sư F.H. Lôdơby xem các cháu thiếu nhi Hà Nội biểu diễn chào mừng.

- Danh mục ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Tài liệu lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 1, ngày 27

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm và chúc Tết, tặng quà năm gia đình cán bộ, nhân dân ở Hà Nội 8).

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mừng Xuân vĩ đại, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 2141. Tác giả nêu lên những thắng lợi lớn lao của nhân dân hai miền Nam - Bắc, sự phát triển mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc và của các nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời chỉ rõ sự sụp đổ không tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới. Về tình hình miền Nam, tác giả cho rằng mặc dù chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp trả thù dã man nhân dân miền Nam, nhưng ““bĩ cực thì thái lai”, mùa Xuân thống nhất và tự do nhất định sẽ đến”.

- Báo Nhân dân, số 2143, ngày 29-1-1960.

- Báo Nhân dân, số 2141, ngày 27-1-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 44-47.

Tháng 1, ngày 28 (mồng 1 tết năm Canh Tý)

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Đá Chông (Công trường 5) thăm và chúc tết anh em, cán bộ, chiến sĩ bảo vệ và công nhân làm việc trên công trường.

- Bác Hồ với Hà Tây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây, 2006, tr. 101.

Tháng 1, ngày 29

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Việt kiều ở Thái Lan mới về nước đến thăm và chúc Tết Người. Người thân mật nói chuyện với các đại biểu về tình hình trong nước, những khó khăn của ta trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội và nhắc nhở kiều bào cố gắng làm việc, học tập để góp phần vào công cuộc kiến thiết đất nước.

- Báo Nhân dân, số 2143, ngày 30-1-1960.

Tháng 1, ngày 30

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cái ănCái để”, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân dân, số 2143, viết về cuộc đấu tranh tư tưởng giữa vấn đề tích lũy và tiêu dùng, “Cái ăn” và “Cái để” ở nước ta. Sau khi phê phán một số phần tử phản động đã lớn tiếng xuyên tạc đường lối phát triển kinh tế của Nhà nước ta, cụ thể là vấn đề quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, phân tích rõ tích lũy và tiêu dùng đều vì lợi ích của nhân dân lao động, tác giả cho rằng: “Tích lũy xã hội chủ nghĩa là dấu hiệu chỉ rõ kinh tế xã hội chủ nghĩa tăng nhanh và đời sống nhân dân đang được nâng cao một cách vững chắc”, cho nên: “chúng ta không những không tìm cách giảm bớt mà lại phấn đấu để không ngừng tăng thêm tích lũy”.

- Báo Nhân dân, số 2143, ngày 30-1-1960.

Tháng 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 14.

Người nhắc nhở cán bộ và chiến sĩ công an phải ra sức sửa chữa những nhược điểm như nhận thức về tình hình chưa thật sâu sắc, về đường lối đánh địch chưa thật rõ ràng, nắm âm mưu địch chưa thật vững chắc, bộ máy tổ chức từ trên xuống dưới chưa thật luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, v.v. và giao nhiệm vụ cho ngành công an phải tăng cường cuộc đấu tranh chống phản cách mạng dưới mọi hình thức, giữ gìn thật tốt trật tự an ninh.

Người nói: “Các đại biểu ở đây đều là những cán bộ phụ trách. Chẳng những các chú phải thấu suốt chính sách của Đảng và đi đường lối quần chúng, mà các chú còn phải làm cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ công an đều thấu suốt chính sách của Đảng và đều đi đường lối quần chúng. Làm được như vậy là công an góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.”

- Viện Nghiên cứu khoa học công an: Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành công an nhân dân, Hà Nội, 1980, tr. 35-37.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 48-49.

Tháng 2, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ông bà luật sư F.H. Lôdơby và con gái đến thăm Nhà máy cơ khí Hà Nội và Trại thiếu nhi miền Nam ở Hà Nội.

Tại Nhà máy cơ khí Hà Nội, nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy, sau khi giới thiệu luật sư F.H. Lôdơby, ba mươi năm trước, đã đứng ra bào chữa giúp Người thoát khỏi Nhà tù Hương Cảng lúc Người hoạt động ở đây bị bọn phản động Anh - Pháp bắt, Người khen ngợi cán bộ, công nhân đã có nhiều cố gắng thực hiện kế hoạch Nhà nước và căn dặn anh em phải tăng cường học tập văn hoá, kỹ thuật, đẩy mạnh công tác quản lý, cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức cũng như nâng cao kỷ luật lao động và học tập kinh nghiệm chuyên gia nước bạn nhằm thực hiện tốt Kế hoạch Nhà nước năm 1960, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Trong ngày, Người hướng dẫn gia đình luật sư F.H. Lôdơby thăm nơi ở và làm việc của Người và giới thiệu với luật sư và gia đình tập ảnh ghi lại chuyến thăm của luật sư và gia đình tại Hà Nội.

Cùng ngày, bài viết Đánh giá phim Vườn Cam, ký bút danh V.K. của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng báo Nhân dân, số 2146, biểu dương những cố gắng của diễn viên và các nhà sản xuất phim đã kịp thời cho ra mắt khán giả một bộ phim phục vụ phong trào cải tạo nông nghiệp và hợp tác hoá. Tuy nhiên, tác giả cũng nêu nhận xét về những nhược điểm của bộ phim và kiến nghị với các nhà làm phim cần chú ý hơn nữa sản xuất phim, cả về nội dung và nghệ thuật (trước khi cho ra mắt khán giả).

- Báo Nhân dân, số 2148, ngày 4-2-1960 và 2146, ngày 2-2-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 50-52.

Tháng 2, ngày 3

7 giờ 30, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận Quốc thư do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan trình.

Trưa, Người tiếp Đoàn đại biểu Quốc hội Tiệp Khắc đến chào nhân chuyến đi thăm chính thức của Đoàn tại Việt Nam.

Trong ngày, Người tiếp luật sư F.H. Lôdơby và gia đình. Người đã giới thiệu và trao các tặng phẩm kỷ niệm của Việt Nam cho Luật sư F.H. Lôdơby và gia đình.

Cùng ngày, hai bài viết của Chủ tịch đăng trên báo Nhân dân, số 2147:

- Bài Mùa xuân quyết thắng, ký bút danh Trần Lực, nêu những công việc cần thực hiện ngay trong sản xuất nông nghiệp để giành vụ đông - xuân thắng lợi toàn diện, vượt bậc và vững chắc. Người nhắc nhở mọi người phải nhớ: “kế hoạch 10 phần, thì biện pháp phải 15 phần và quyết tâm phải 20 phần”.

- Bài Phải biết chi tiêu, ký bút danh C.K., nói về ý nghĩa của công tác chi tiêu và phân phối vốn trong sản xuất và nhấn mạnh: Tiết kiệm trong sản xuất cũng chính là yếu tố để tiết kiệm chi tiêu, giành thêm nhiều vốn cho công nghiệp hoá nước nhà.

- Danh mục ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2147, ngày 3-2-1960 và 2148, ngày 4-2-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 53-54.

Tháng 2, ngày 5

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chung quanh một phòng họp mới, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân dân, số 2149, đề cập đến vấn đề tiết kiệm và chống lãng phí trong xây dựng, sản xuất.

Thông qua câu chuyện về xây dựng một phòng họp mới, tác giả nhắc nhở những người có trách nhiệm phải rất thận trọng trong tính toán thiết kế và thi công để sản phẩm có chi phí hợp lý và tiết kiệm nhất. Bài báo kết luận: “Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiết kiệm là một chính sách lớn, một đạo đức lớn, một nếp làm việc và nếp sống không bao giờ được lơ là. Kẻ thù chính của nó là: tệ tham ô, lãng phí, bệnh phô trương, hình thức và lối làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm.

Vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội, chúng ta ra sức đánh bại những kẻ thù nguy hiểm ấy”.

- Báo Nhân dân, số 2149, ngày 5-2-1960.

Tháng 2, ngày 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn một số vấn đề về tổ chức cán bộ của Đảng trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng và bầu Quốc hội.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quỹ đen... Quỹ trắng, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân dân, số 2152, phê phán tình trạng gây quỹ bất hợp pháp của một số cơ quan ở địa phương và chỉ rõ “quỹ đen” chính là “cắt xén quỹ công... lu bù, ù xoẹ”; đồng thời đả phá những lời ngụy biện của một số người cố tình làm sai chính sách quản lý tài chính của Nhà nước. Tác giả kết luận: “Chúng ta sẵn sàng xiết chặt thêm trăm nghìn sợi dây ràng buộc để tiêu diệt hẳn lối làm lộn xộn đó. Phải chặt chẽ hơn nữa trong việc dùng tiền dành dụm của chúng ta, để tiến nhanh tới cuộc sống no ấm đầy đủ cho mọi người”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 2152, ngày 8-2-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 55-56.

Tháng 2, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lớp đào tạo diễn viên điện ảnh của Trường Điện ảnh Việt Nam 9) và nói chuyện với cán bộ, học sinh của Trường. Người nhắc nhở việc sử dụng ngôn ngữ cho đúng theo tiếng Việt.

- Hội Điện ảnh Việt Nam: Muôn vàn tình thương yêu, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1975, tr. 49.

Tháng 2, ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Hội nghị đại biểu những người tích cực trong phong trào văn hoá quần chúng. Sau khi nêu lên tầm quan trọng của văn hoá trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Người chỉ rõ: Văn hoá phải thiết thực phục vụ nhân dân, “Văn hoá phải gắn liền với lao động, sản xuất”, “phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức” và nhiệm vụ của người làm công tác văn hoá là “góp phần nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân”.

Cùng ngày, bài viết của Người: Không để một khe hở, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân dân, số 2155, biểu dương tinh thần tự giác của nhân dân ta đã phát huy ý thức làm chủ và đấu tranh chống bọn tham ô lãng phí, bảo vệ tài sản chung của tập thể, của Nhà nước, đồng thời chỉ ra một số biện pháp để ngăn chặn những hành động tiêu cực này.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 57-60.

- Báo Nhân dân, số 2155, ngày 11-2-1960 và số 2156, ngày 12-2-1960.

Tháng 2, ngày 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 04/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đoàn thăm dò mỏ khu Chợ Điền (Bắc Cạn) vì đã hoàn thành vượt mức và toàn diện Kế hoạch Nhà nước năm 1959.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 2, trước ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu cho ba thanh niên lao động có thành tích học tập, phấn đấu sản xuất và gương mẫu trong mọi công tác 10).

- Báo Nhân dân, số 2157, ngày 13-2-1960.

Tháng 2, ngày 13

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cái vòng trôn ốc, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân dân số 2157, chỉ rõ cách thức để thoát khỏi vòng luẩn quẩn trong sản xuất công nghiệp là không ngừng nâng cao năng suất lao động để tích lũy mở rộng sản xuất. Tác giả kết luận: “Lênin đã nói: Phân tích đến cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất cho sự thắng lợi của trật tự xã hội mới. Chúng ta cần suy nghĩ nhiều về lời dạy đó trong công việc hàng ngày của mình”.

- Báo Nhân dân, số 2157, ngày 13-2-1960.

Tháng 2, ngày 14

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tóm tắt tình hình thế giới trong mấy tuần qua, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2158. Tác giả tóm tắt tình hình thế giới trong thời gian qua cho thấy sự phát triển toàn diện của các nước xã hội chủ nghĩa, của phong trào giải phóng dân tộc và nêu lên một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trên thế giới là tuyên bố của Liên Xô về giải trừ quân bị, đồng thời tố cáo thái độ ngoan cố của các nước đế quốc vẫn chạy đua vũ trang trong khi đời sống của nhân dân các nước này rất khó khăn.

Những sự kiện trong nước như nhân dân vui mừng đón nhận Hiến pháp mới, toàn dân tham gia “Tết trồng cây” và ba vạn người lao động trở thành đảng viên trong dịp kỷ niệm Đảng 30 tuổi, được tác giả đánh giá là những thắng lợi lớn của nhân dân ta.

- Báo Nhân dân, số 2158, ngày 14-2-1960.

Tháng 2, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về Hội nghị Hiệp ước Vácxôvi họp ở Mátxcơva.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 2, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết phong trào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 1959.

Người nêu rõ vị trí quan trọng của nông - lâm - ngư nghiệp trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và nhấn mạnh: “Tiến lên chủ nghĩa xã hội phải đi bằng hai chân: công nghiệp và nông nghiệp. Công nghiệp của ta đã có tiến bộ, nếu nông nghiệp không tiến bộ hoặc cầm chừng thì như què, vì vậy phải cố gắng mà đưa nông nghiệp tiến lên”. Người còn góp ý kiến cụ thể về các biện pháp cần thực hiện để giành một vụ Đông - Xuân thắng lợi.

- Báo Nhân dân, số 2162, ngày 18-2-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 61-63.

Tháng 2, ngày 17

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Phải không ngừng cải tiến quản lý xí nghiệp, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 2161, nêu lên tầm quan trọng của công tác không ngừng cải tiến quản lý xí nghiệp đối với việc phát triển sản xuất và chỉ ra một số biện pháp yêu cầu các ngành cần chú ý thực hiện để làm tốt công tác này.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho:

- Chị Công Thị Hoàn, nữ thanh niên xã Phú Thượng (Từ Liêm, Hà Nội) có thành tích trong phong trào làm phân bón ruộng;

- Ba cán bộ ở Bộ Nông Lâm có thành tích cải tiến nông cụ;

- Tám chuyên gia nước ngoài công tác ở Bộ Y tế.

- Báo Nhân dân, số 2161, ngày 17-2-1960.

- Báo Nhân dân, số 2163, ngày 19-2-1960.

Tháng 2, ngày 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại lớp học cán bộ các nông trường quân đội. Sau khi thăm hỏi tình hình khai hoang sản xuất và đời sống của các nông trường, Người khen ngợi sự cố gắng của cán bộ, chiến sĩ và nhắc nhở phải chú ý cải tiến kỹ thuật sản xuất, cần kiệm để xây dựng nông trường và hết sức tránh tham ô lãng phí.

Nhân dịp này, Người ghé thăm thị trấn Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Cùng ngày, hai bài viết của Người đăng báo Nhân dân, số 2162:

- Bài Hơn hẳn, ký bút danh C.K.: khẳng định tính hơn hẳn của phương thức sản xuất chủ nghĩa so với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chính là vấn đề năng suất lao động. Theo tác giả, tính ưu việt của phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa trong tổ chức sản xuất, quản lý kinh tế, xã hội... là những tiền đề tạo điều kiện cho việc nâng cao năng suất lao động. Nhưng nếu có những điều kiện đó mà không biết khai thác để tạo ra năng suất lao động cao thì cũng không thể hiện được tính hơn hẳn của chủ nghĩa xã hội, “cho nên, trong hoạt động của mỗi hợp tác xã, mỗi xí nghiệp, công trường, nông trường quốc doanh, chúng ta hãy kiên quyết giảm bớt những cuộc bàn cãi suông xem chừng không bổ ích mấy. Hãy dồn sức vào giải quyết những vấn đề thiết thực hơn để không ngừng nâng cao năng suất lao động. “Năng suất cao - tích lũy cao - sản xuất cao - đời sống cao. Đó là con đường tiến lên không ngừng của chúng ta”.

- Bài: Quả bom nguyên tử Pháp, ký bút danh T.L., chỉ rõ việc Pháp thử bom nguyên tử là sự khiêu khích thế giới và phá hoại hòa bình. Hơn nữa, vì Pháp thử bom nguyên tử ở sa mạc Xa-ha-ra nên “khắp thế giới, ai cũng phản đối kịch liệt..., nhất là nhân dân Ả Rập và châu Phi”. Đó là “một tội ác lớn đối với nhân dân châu Phi, là một hành động đê hèn vô nhân đạo, là một chính sách ngu xuẩn điên rồ, v.v.. Cuối bài viết, tác giả đề nghị Tổng thống Đờ Gôn:

Thử ở trong nước Fa-lang-sa,

Chớ thử ở Xa-ha-ra,

Ngài đã phải đi xa,

Lại hại đến nhân dân người ta!.

- Biên niên ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2162, ngày 18-2-1960 và số 2169, ngày 25-2-1960.

Tháng 2 ngày 19

 Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được thư của Luật sư F.H.Lôdơby gửi từ Hồng Kông, thông báo với Người về tình hình sức khỏe sau chuyến thăm Việt Nam và cảm ơn sự đón tiếp chân tình của Người với gia đình Luật sư. Luật sư F.H.Lôdơby cũng thông báo đã gửi cho Người một số tài liệu và sẽ gửi một bộ quần áo giống như bộ quần áo Nguyễn Ái Quốc đã mặc trước khi rời Hồng Kông năm 1933.

- Bản chụp bức thư lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 2, ngày 20

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Hải Ninh (nay thuộc Quảng Ninh). Sau khi nêu lên những thành tích mà Hải Ninh đã đạt được, Người chỉ ra các biện pháp nhằm thúc đẩy nông nghiệp và căn dặn cán bộ, đồng bào Hải Ninh phải “Đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương - giáo, đoàn kết Việt - Trung”. Người đã dành một phần nói riêng về vấn đề Đảng, nhắc nhở đảng viên phải “tự liên hệ và giữ cho đúng những tiêu chuẩn của người đảng viên”, “Phát triển Đảng phải chọn lọc đảng viên mới một cách hết sức cẩn thận” và “phải giúp đỡ Đoàn thanh niên lao động phát triển”.

Tại Hải Ninh, Người đi thăm một hợp tác xã nông nghiệp ở xã Đoan Tĩnh (gồm toàn người Hán), thăm xưởng gốm Móng Cái và một số cơ sở sản xuất của tỉnh.

Cùng ngày, bài viết của Người: Tính toán theo kiểu mới, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân dân, số 2164, biểu dương một số gương lao động giỏi, biết hy sinh lợi ích riêng để phục vụ lợi ích chung cho tập thể, nhờ đó mà lôi kéo phong trào sản xuất đi lên. Tác giả viết: “Thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể dựa vào năng suất lao động của một số ít người mà phải dựa trên sự nâng cao năng suất chung... Cho nên, người lao động xã hội chủ nghĩa không nên tự mãn về thành tích riêng của mình, mà phải luôn luôn lo nghĩ đến sự tiến bộ chung”.

 

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 64-71.

- Bác Hồ với công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Quảng Ninh, 1971, tr. 11, 53-61.

- Báo Nhân dân, số 2164, ngày 20-2-1960.

Tháng 2, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm và nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Lạng Sơn. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Người khen ngợi đồng bào và cán bộ tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều thành tích trong kháng chiến, trong xây dựng khi hòa bình lập lại và nhắc nhở đồng bào và cán bộ phải hiểu thấu, phải nhớ kỹ, phải làm đúng 10 việc cụ thể mà Người căn dặn, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh.

Nhân dịp này Người gặp đại biểu thị trấn Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Tổng thống Gaman Ápđen Nátxe nhân ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Arập thống nhất.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 72-76.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2167, ngày 23-2-1960 và số 2170, ngày 26-2-1960.

Tháng 2, ngày 24

Bài viết Cần cù và sáng tạo, ký bút danh C.K. của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng báo Nhân dân, số 2168, nêu lên ý nghĩa của việc phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất lao động, đồng thời nhấn mạnh vai trò con người trong sản xuất là yếu tố quyết định đến năng suất lao động.

Tác giả kết luận: Muốn nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mỗi người phải “biết quý trọng từng giây từng phút trong lúc sản xuất; phải luôn luôn chăm lo học tập kỹ thuật, phải cần cù và sáng tạo”.

- Báo Nhân dân, số 2168, ngày 24-2-1960.

Tháng 2, ngày 25

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Trung ương Đảng thảo luận về Văn kiện của Đại hội lần thứ III của Đảng. Người phát biểu bổ sung ý kiến cho từng chương, mục của văn kiện sẽ trình Đại hội và nêu chi tiết về các vấn đề như chỉ tiêu kế hoạch, khoa học kỹ thuật, giáo dục văn hoá, thuỷ lợi... Kết luận, Người chỉ rõ các văn kiện phải toát lên được nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta là tất cả đều phục vụ sản xuất, học tập và đấu tranh thống nhất nước nhà.

- Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 2, ngày 27

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị để bàn về kế hoạch quân sự 5 năm tới.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thi đua biểu diễn kỹ thuật, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 2171, giới thiệu kinh nghiệm thi đua thao diễn kỹ thuật của Trung Quốc. Theo tác giả, thực tế đó cũng có ở Việt Nam và lãnh đạo các cấp nên kết hợp giữa kinh nghiệm của Trung Quốc và của ta gây thành một phong trào thi đua để thúc đẩy sản xuất, thực hành tiết kiệm, nhằm hoàn thành kế hoạch Nhà nước.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 2171, ngày 27-2-1960.

Tháng 2, ngày 29

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị tiếp tục bàn kế hoạch quân sự 5 năm tới. Phát biểu tại Hội nghị, Người nhận định về âm mưu của Mỹ trong việc đàn áp cách mạng miền Nam và chỉ rõ: “Ta có phòng ngự nhưng phải chủ động tiến công, không được coi thường địch, phải nắm chắc kế hoạch hành động của địch trước”. Dự đoán khả năng địch có thể tiến công từ biển, từ Lào, giới tuyến và trên không đối với miền Bắc cũng như các mặt kinh tế, chính trị, Người chỉ rõ vai trò hậu bị của dân quân, du kích rất quan trọng với ta và phải coi trọng quan hệ dân, quân. Các khu phải có kế hoạch chung nhưng phải chủ động tác chiến. Người cũng nêu ra khả năng địch đánh ra Khu IV, vậy ta có tiến vào Nam không? Người lưu ý “phải cân nhắc kỹ vấn đề này”.

Người còn nhắc nhở phải chuẩn bị hậu phương vững chắc về các mặt như giao thông, vận tải, lương thực...Người chỉ rõ phải thực hiện “toàn dân vi binh”... “làm dân có chí khí, không hoang mang trước mọi tình thế”,...“chú trọng tổ chức lực lượng cận vệ, nhẹ nhàng đối phó với mọi tình thế”.

Cùng ngày, bài viết của Người: Vì sao cần phải điều tra dân số, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2173, nêu rõ mục đích của cuộc điều tra dân số là để phục vụ cho việc kế hoạch hoá nền kinh tế, phân bố lao động trên phạm vi cả nước và kêu gọi: “toàn thể đồng bào phải tự nguyện, tự giác, tích cực tham gia giúp đỡ cán bộ làm tốt việc điều tra dân số, đồng thời phải cảnh giác chống lại những lời phản tuyên truyền bậy bạ của bọn phản động”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 2173, ngày 29-2-1960.

Tháng 3, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng huy hiệu cho:

- Cụ Đỗ Đăng Hoè ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) có thành tích trồng cây.

- Chị Nguyễn Thị Thành, công tác tại Trại chăn nuôi Hồng Quang, Hưng Yên, là người chăn nuôi giỏi.

- Đồng chí Nguyễn Ngọc Sang, nhân viên đánh máy của Ủy ban hành chính tỉnh Hải Dương nghiên cứu làm được một máy in rônêô đơn giản, dễ làm.

- Hai đồng chí Tô và Lục, công nhân Nhà máy cơ khí Gia Lâm Hà Nội có sáng kiến chế tạo máy cắt, dũa, hàn, đưa năng suất lên năm lần.

- Tài liệu lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2179, ngày 6-3-1960.

Tháng 3, ngày 3

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị thông qua dự thảo Điều lệ Đảng.

Chiều, Người tiếp tục dự họp Bộ Chính trị bàn thêm về việc tổ chức thảo luận đề án Đại hội ở các cấp và đại hội các cấp. Phát biểu tại cuộc họp, Người nhắc nhở việc thảo luận là để củng cố, giáo dục đảng viên, do đó phải có hướng dẫn cụ thể vào những điểm chính, tránh họp nhiều mà kết quả ít.

Cùng ngày, bài viết của Người nhan đề Nhiều, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân dân, số 2176, giải thích về phương châm sản xuất: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau khi phê phán tệ quan liêu, “phung phí sức lao động” đang tồn tại ở nhiều cơ quan, tác giả mong muốn phải chú trọng khâu tổ chức sản xuất để có nhiều người trực tiếp sản xuất, đồng thời phải phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để mỗi người sản xuất được nhiều của cải hơn.

Kết luận, tác giả viết: “Dũng cảm san bằng mọi trở ngại của nếp làm việc cũ và của những sự tính toán cá nhân, để tiến lên không ngừng, đạt năng suất ngày càng cao. Đó là biểu hiện cao nhất của ý thức làm chủ xã hội của giai cấp công nhân”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 2176, ngày 3-3-1960.

Tháng 3, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp của Bộ Chính trị bàn về kế hoạch Nhà nước năm 1960.

Cùng ngày, Người đi thăm Khoa Ngoại ngữ Trường đại học Sư phạm Hà Nội.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 41.

Tháng 3, ngày 5

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về tình hình Lào và âm mưu của Mỹ đối với cách mạng Lào.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thanh tra. Người nêu ý kiến: “Nạn lãng phí, tham ô là do bệnh quan liêu, mệnh lệnh trong công tác của các cấp lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước gây ra”, “Nếu không kiên quyết chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô, thì nó sẽ cản trở, phá hoại ta tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Vì vậy, “các cơ quan thanh tra nhà nước chẳng những kiểm tra chống lãng phí, tham ô mà còn phải chống quan liêu, mệnh lệnh để giúp các cơ quan nhà nước cải tiến công tác, giữ gìn kỷ luật, thực hành dân chủ, góp phần củng cố bộ máy Nhà nước”. Người căn dặn: Trong công tác xét khiếu tố, “nhiệm vụ các ban thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, cho kịp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy”. Đồng bào có oan ức, có thắc mắc mới khiếu nại. Ta giải quyết tốt các việc khiếu nại, đồng bào thấy Đảng và Chính phủ quan tâm, lo lắng đến họ, do đó “mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân với Đảng và Chính phủ được củng cố tốt hơn”. Các cấp lãnh đạo phải giúp đỡ và quan tâm đến công tác thanh tra.

Cùng ngày, hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng báo Nhân dân, số 2178:

- Bài Hai loại chế độ, hai cuộc đi thăm, hai cách đón tiếp, ký bút danh T.L.. Thông qua sự đón tiếp hai nguyên thủ Liên Xô và Mỹ ở nước ngoài, tác giả cho rằng sở dĩ N. Khơrútsốp được nhân dân các nước đón tiếp vì chính sách hòa bình của Liên Xô, còn Aixenhao bị phản đối do chính sách gây chiến tranh, đe dọa hòa bình của Mỹ.

- Bài Nhanh, ký bút danh C.K., nêu lên vai trò quan trọng của khẩu hiệu Nhanh trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, đồng thời cũng thể hiện tinh thần cách mạng không ngừng. Theo tác giả, muốn thực hiện tiến nhanh, tiến vững thì phải có tinh thần không ngừng cải tiến công tác và biết chủ động tính trước, lo xa mọi việc. Làm như vậy mới thật đúng là người làm chủ nước nhà.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu cho em Nguyễn Thị Nguyên, học sinh Trường phổ thông cấp I xã Tân Minh, huyện Thường Tín (Hà Nội) có thành tích tham gia làm nhiều phân bón và nhặt của rơi trả lại người đánh mất.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 79-82.

- Báo Nhân dân, số 2178, ngày 5-3-1960 và số 2179, ngày 6-3-1960.

- Bác Hồ với Hà Tây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây, 2006, tr. 244.

Tháng 3, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác thuỷ lợi năm 1959. Sau khi nêu lên những thành tích của ngành thủy lợi và tầm quan trọng của công tác thủy lợi trong sản xuất nông nghiệp, Người chỉ rõ: “Muốn làm tốt công tác thủy lợi, các cấp ủy, các cán bộ chuyên môn phải đi đúng đường lối quần chúng, liên hệ mật thiết với quần chúng, dựa vào lực lượng quần chúng. Quần chúng thông suốt về phương châm, phương pháp của Đảng và Chính phủ thì nhất định sẽ làm được và làm tốt”. Chủ tịch hứa sẽ tặng chiếc máy cày của Đoàn Thanh niên cộng sản Liên Xô biếu Người cho đơn vị nào làm tốt cả hai vụ chiêm và mùa.

Cùng ngày, Người dự họp Bộ Chính trị bàn tiếp về kế hoạch Nhà nước năm 1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 83-84.

- Báo Nhân dân, số 2182, ngày 9-3-1960.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 3, trước ngày 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương và Hoàng hậu Vương quốc Campuchia nhân dịp kỷ niệm ngày sinh và ngày lên ngôi của Quốc vương.

- Báo Nhân dân, số 2181, ngày 8-3-1960.

Tháng 3, ngày 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho phụ nữ toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày phụ nữ Quốc tế, nêu lên những cống hiến của phụ nữ trong kháng chiến, xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Người cũng nêu lên những công việc phụ nữ ta cần phải làm để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị Liên hoan phụ nữ lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua toàn thành phố Hà Nội lần thứ hai tổ chức tại Nhà hát Thành phố. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Người khen ngợi thành tích của phụ nữ Việt Nam và gửi lời chào mừng tới phụ nữ các nước đang tích cực đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới. Người cho rằng, số phụ nữ giữ cương vị lãnh đạo ở các ngành còn ít, đồng thời chỉ rõ phụ nữ muốn đảm nhiệm các chức trách quan trọng thì bản thân phải cố gắng học tập chính trị, học tập văn hoá, kỹ thuật, nâng cao tinh thần yêu nước, giác ngộ xã hội chủ nghĩa và hăng hái thi đua thực hiện “cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 05/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho kỹ sư trưởng Taraxốp Vátxili Nicôlaevích, trong cơ quan cố vấn về hợp tác kinh tế của Đại sứ quán Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết tại Việt Nam, về những đóng góp và lòng tận tụy trong việc giúp đỡ nhân dân Việt Nam khôi phục và phát triển kinh tế.

- Quyết định số 06/QĐ, bác đơn xin ân giảm án tử hình của một phạm nhân can tội giết người cướp của.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 85-89.

- Báo Nhân dân, số 2181, ngày 8-3-1960.

- Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội: Bác Hồ Chí Minh với nhân dân Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1980, tr. 127-129.

- Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1970, tr. 36-40.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 3, ngày 9

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Tốt, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân dân, số 2182, nêu rõ: “Nhiều, nhanh, phải đi đôi với tốt, rẻ. Nếu chỉ vì nhiều, nhanh mà không nghĩ đến tốt, rẻ, thì kết quả cuối cùng vẫn là không nhiều, không nhanh” và phê phán thói làm bừa, làm ẩu, làm cho nhanh để lấy thành tích mà không chú ý đến chất lượng.

- Báo Nhân dân, số 2182, ngày 9-3-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 90-91.

Tháng 3, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đồng chí Đào Chú, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và gia đình sang thăm Việt Nam.

- Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 232.

Tháng 3, ngày 11

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Đại hội chiến sĩ thi đua năm 1959 của Bộ Công nghiệp. Sau khi nêu lên những thành tích của phong trào thi đua trong công nghiệp năm 1959, Người yêu cầu ngành công nghiệp “phải cố gắng đẩy mạnh phong trào thi đua năm 1960 cho sôi nổi, vững chắc và liên tục” và căn dặn: “Thi đua phải bền bỉ, liên tục. Muốn vậy phải cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức, chứ không phải làm dốc sức, phải củng cố và phát triển những kết quả tốt của cuộc vận động cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp” và “các chiến sĩ thi đua, các cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải làm đầu tàu trong mọi mặt, phải dìu dắt người chậm tiến để cùng nhau tiến bộ”.

Cùng ngày, bài viết của Người nhan đề Rẻ, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân dân, số 2184, phân tích quan hệ gắn bó giữa bốn yếu tố: Nhiều, nhanh, tốt, rẻ của phương châm sản xuất xã hội chủ nghĩa. Tốt - rẻ là kết quả cuối cùng đánh giá trình độ tổ chức, năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất... Cho nên, từ người lãnh đạo đến công nhân trực tiếp sản xuất phải “thi đua cải tiến tổ chức, cải tiến kỹ thuật để rút ngắn thời gian...thì sẽ trở thành những người tướng giỏi về mặt này”.

- Báo Nhân dân, số 2184, ngày 11-3-1960 và số 2187, ngày 14-3-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 92-96.

Tháng 3, ngày 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề kiện toàn Chính phủ.

- Biên bản cuộc họp Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 3, trước ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho một số cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào làm phân bón ruộng đẩy mạnh sản xuất.

- Báo Nhân dân, số 2186, ngày 13-3-1960.

Tháng 3, ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm thị xã Thái Nguyên 11) và dự Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chính phủ tặng tỉnh Thái Nguyên và Huân chươn Lao động hạng Nhì tặng huyện Định Hóa.

Phát biểu tại buổi lễ, sau khi chuyển lời thăm hỏi và khen ngợi của Trung ương Đảng, Người căn dặn mọi người thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, ra sức xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa làm cơ sở vững mạnh cho việc đấu tranh thống nhất nước nhà. Người nhắc nhở: phải lo củng cố hợp tác xã cho chắc trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, phát triển các ngành nghề kể cả công nghiệp địa phương phù hợp với điều kiện cụ thể và động viên công nhân xây dựng khu gang thép, khắc phục khó khăn, học hỏi chuyên gia để hoàn thành nhiệm vụ. Người đặc biệt lưu ý tới công tác xây dựng Đảng và nâng cao vai trò của đảng viên trong sản xuất cũng như trong việc củng cố khối đoàn kết giữa các tầng lớp, giữa các dân tộc và tôn giáo, vì “Đoàn kết là sức mạnh, có sức mạnh đoàn kết thì làm việc gì cũng thành công”.

Sau buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm công trường xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên, Trường thiếu nhi vùng cao Việt Bắc, Trường trung học Lương Ngọc Quyến, Bệnh viện khu Việt Bắc, công nhân xây dựng Nhà máy điện Cao Ngạn và Hội nghị thanh niên xã hội chủ nghĩa toàn khu.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 97-102.

- Bản tin Việt Nam Thông tấn xã, ngày 14-3-1960.

- Nhớ ơn Người (Hồi ký), Nxb. Văn hoá dân tộc, 1990, tr. 185-189.

Tháng 3, ngày 14

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Học tập không mỏi, cải tiến không ngừng, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân dân, số 2187, nêu rõ vai trò của cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức lao động trong sản xuất và vị trí của việc học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ và tổ chức cuộc sống mới mà trước hết là tổ chức nền sản xuất mới.

- Báo Nhân dân, số 2187, ngày 14-3-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.103-104.

Tháng 3, ngày 15

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị cán bộ Khu tự trị Việt Bắc. Phát biểu tại Hội nghị, Người đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đoàn kết trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ, đoàn kết giữa các dân tộc và chỉ ra các biện pháp để thực hiện đoàn kết, trong đó chủ yếu nhất là đảng viên, đoàn viên phải phát triển đạo đức cách mạng, đạo đức xã hội chủ nghĩa, đánh lùi và đi đến tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân. Muốn vậy, Người cho rằng, phải tăng cường “tự phê bình một cách thật thà từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, chứ không phải nói là cán bộ phụ trách rồi thì sợ mất uy tín, rồi sợ mất thể diện cái này cái khác, không phê bình, không tự phê bình”, “cấp trên không tự phê bình một cách thật thà thì cấp dưới cũng không tự phê bình tốt”. Về thái độ phê bình, Người chỉ rõ: “phê bình một cách xây dựng” và “phải vì đoàn kết mà phê bình và tự phê bình rồi phê bình người, tự phê bình để đoàn kết hơn nữa”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình điều tra dân số và vấn đề hợp tác hóa nông nghiệp. Người phát biểu nêu lên một số yêu cầu về phương pháp tiến hành điều tra dân số, vấn đề cải tiến nông cụ và việc tổ chức thực hiện.

- Danh mục và nội dung những bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1958 đến năm 1969. Bản đánh máy do Cục Lưu trữ Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng cung cấp, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 3, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Quyết định số 07/QĐ, bác đơn xin ân giảm án tử hình của một phạm nhân can tội cầm đầu thổ phỉ và đảng phái phản động chống lại chính quyền dân chủ nhân dân.

- Bản gốc Quyết định, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 3, ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Đại hội thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa lần thứ nhất. Sau khi điểm lại quá trình rèn luyện và những đóng góp của thanh niên đối với cách mạng nước ta từ khi có Đảng, Người căn dặn thanh niên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cố gắng học hỏi nâng cao trình độ mọi mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của nước nhà.

- Báo Nhân dân, số 2191, ngày 18-3-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 105-108.

Tháng 3, ngày 20

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu cho đồng chí Khuất Hữu Chùy, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) vì có tinh thần cần kiệm xây dựng hợp tác xã.

- Bác Hồ với Hà Tây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây, 2006, tr. 244.

Tháng 3 ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn cố vấn kinh tế Liên Xô và Trung Quốc sang giúp Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) để trình Đại hội lần thứ III của Đảng.

- Danh mục ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 3, ngày 22

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc chiêu đãi của Thủ tướng Chính phủ nhân dịp Đoàn đại biểu Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô sang thăm Việt Nam. Người nói chuyện thân mật với các vị khách và trao đổi về tình hình phát triển của một số ngành khoa học ở Liên Xô.

- Báo Nhân dân, số 2196, ngày 23-3-1960.

Tháng 3, ngày 23

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Giải trừ quân bị, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2196. Bài báo nhiệt liệt hoan nghênh đề nghị của Liên Xô về vấn đề giải trừ quân bị, tố cáo âm mưu của Mỹ và phe đế quốc cố tình phá hoại, cản trở đề nghị này và vạch trần sự thật về lợi ích của Mỹ trong việc duy trì chiến tranh lạnh nhằm bảo vệ quyền lợi cho bọn trùm tư bản trong các ngành sản xuất vũ khí và bọn lái súng.

Kết luận, tác giả khẳng định: “dù muốn hay không muốn, chính sách giải trừ quân bị sẽ được thi hành, hòa bình sẽ được củng cố, vì nhân dân thế giới đều đấu tranh cho mục đích ấy”.

- Báo Nhân dân, số 2196, ngày 23-3-1960.

Tháng 3, ngày 25

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn thêm một số vấn đề của Đại hội Đảng và vấn đề giáo dục lý luận sáu năm. Phát biểu tại cuộc họp, Người đề nghị thời gian học lý luận nên rút xuống một năm vì hoàn cảnh nước ta còn nghèo; phải cải tiến phương pháp, nội dung giảng dạy cho thiết thực; phải học văn hoá trước rồi mới học chính trị (chính trị thường thức) và phải cân đối số lượng người học và công việc.

Cùng ngày, trong bài Thêm vài ý kiến về Tết trồng cây” ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 2198, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét về những ưu điểm, khuyết điểm cần sửa chữa của phong trào trồng cây và chỉ rõ: “Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục”... “là một việc quan trọng chuẩn bị cho công cuộc xây dựng nông thôn mới nay mai”, do đó phải rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phải có kế hoạch, có hướng dẫn, phải làm đúng khẩu hiệu: “Trồng cây nào, tốt cây ấy”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 2198, ngày 25-3-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 109-110.

Tháng 3, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về Kế hoạch 5 năm.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 3, ngày 27

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chúng ta làm chủ, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân dân, số 2200, đề cập vấn đề ý thức làm chủ của mỗi người.

Tác giả chỉ rõ: Trong xã hội cũ, giai cấp bóc lột nắm quyền làm chủ, nên tương lai nằm trong tay chúng, còn số phận người lao động quanh quẩn vẫn là “con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Ngày nay, trên miền Bắc nước ta, cuộc sống đã khác hẳn xưa. Mỗi người lao động đều có thể nghĩ đến ngày mai, nghĩ đến tương lai của mình và con cháu mình, tương lai của làng xóm quê hương. Đó là vì ngày nay chính chúng ta là người chủ. Là người chủ đang xây dựng cuộc sống mới, cho nên mỗi người phải có ý thức làm chủ, “không thể chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, lợi ích trước mắt, mà phải luôn luôn đặt lợi ích tập thể, lợi ích lâu dài lên trên hết. Kiên quyết xoá bỏ mọi hiện tượng trì trệ, lãng phí, đấu tranh không khoan nhượng chống những sai lầm có hại cho công cuộc xây dựng kinh tế”. Đó cũng chính là ý thức làm chủ của giai cấp công nhân.

- Báo Nhân dân, số 2200, ngày 27-3-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 111-112.

Tháng 3, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về Kế hoạch 5 năm.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 3, trước ngày 29

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Tổng thống Habíp Buốcghiba nhân dịp kỷ niệm lần thứ tư ngày tuyên bố độc lập của nước Cộng hòa Tuynidi.

- Báo Nhân dân, số 2202, ngày 29-3-1960.

Tháng 3, ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ phóng viên báo Pravđa tại Hà Nội chuyển tới bạn đọc Liên Xô lời khen ngợi bốn thủy thủ trẻ tuổi Liên Xô “có một nghị lực phi thường, có một tinh thần kiên cường, có lòng dũng cảm và lòng yêu nước cao cả” đã chiến thắng phong ba và đói khát trong 49 ngày trên biển Thái Bình Dương.

“Là một người cộng sản lão thành, tôi hết sức tự hào khen ngợi và gửi những cái hôn thân ái đến những anh hùng trẻ tuổi ấy, đại biểu xứng đáng cho thế hệ thanh niên xô viết đang xây dựng chủ nghĩa cộng sản”.

Cùng ngày, bài viết của Người: Chế độ nào, thanh niên ấy, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2203, ca ngợi tinh thần đoàn kết, chịu đựng gian khổ và đức tính quả cảm của bốn thủy thủ xô viết đã chiến thắng bão tố về với Tổ quốc”. Đó là tiêu biểu tinh thần đoàn kết và chí khí bất khuất của thế hệ thanh niên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa”. Bài báo còn nêu những hiện tượng tha hoá như giết người, hãm hiếp phụ nữ... xảy ra ngày càng nhiều trong lứa tuổi thanh niên ở Mỹ và kết luận: “Hai chế độ khác nhau đã giáo dục nên hai thế hệ thanh niên khác nhau”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 113-115.

- Báo Nhân dân, số 2203, ngày 30-3-1960.

Tháng 3, ngày 31

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Hội nghị cán bộ thể dục, thể thao toàn miền Bắc, họp tại Hà Nội, căn dặn: “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khoẻ. Muốn giữ sức khỏe thì nên thường xuyên tập thể dục, thể thao. Vì vậy, chúng ta nên phát triển phong trào thể dục, thể thao cho rộng khắp.

Cán bộ thể dục, thể thao thì phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác. Vì đó cũng là một công tác trong những công tác cách mạng khác”.

- Bản gốc bức thư, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 116.

Tháng 4, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ thảo luận về Luật nghĩa vụ quân sự, bàn một số vấn đề cụ thể của Kế hoạch Nhà nước năm 1960 và vấn đề ngân sách năm 1960 để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2211, ngày 7-4-1960.

Tháng 4, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ. Cuối phiên họp, Người nêu lên tình trạng tham ô lãng phí “nhắc đã lâu” nhưng “lâu nay không ai làm”. Tình trạng đó xuất phát từ việc quản lý, kỷ luật tài chính và tinh thần trách nhiệm kém, kiểm tra đôn đốc kém, “bốn cái đó mở cửa cho tham ô, lãng phí”. Người chỉ thị cho các Bộ phải khắc phục tình trạng trên bằng cách tiến hành một cuộc vận động kết hợp với phong trào thi đua sản xuất, kết hợp tuyên truyền giáo dục, kỷ luật, thưởng phạt và tăng cường công tác kiểm tra.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Đảng gửi điện mừng tới Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội Công nhân Hunggari nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Hunggari.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2207, ngày 3-4-1960 và số 2211, ngày 7-4-1960.

Tháng 4, ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn đồng bào Thủ đô Hà Nội đã đề nghị Người ra ứng cử ở Thủ đô trong cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khoá II và thông báo việc Người đã ứng cử ở khu Ba Đình (Hà Nội). Người mong đồng bào “hăng hái tham gia hoạt động, làm cho cuộc Tổng tuyển cử này đại thắng lợi”.

Cùng ngày, bài viết của Người: Một cách thảo luận dự thảo Điều lệ Đảng, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2207. Theo tác giả, cách tốt nhất là: “Trước khi thảo luận, mỗi một đồng chí phải nghiên cứu thật kỹ bản dự thảo Điều lệ Đảng. Khi thảo luận ở chi bộ thì mỗi đồng chí phải liên hệ đúng đắn Điều lệ Đảng với công tác của chi bộ và của mình để góp đầy đủ ý kiến với Đại hội Đảng. Phải thành khẩn tự phê bình tư tưởng và công tác của mình, sửa chữa những khuyết điểm để củng cố tốt chi bộ và để rèn luyện mình trở thành người đảng viên tốt”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ nước ta gửi điện mừng Quốc khánh lần thứ 15 nước Cộng hòa nhân dân Hunggari.

- Bản gốc bức thư, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 117-119.

- Báo Nhân dân, số 2207, ngày 3-4-1960 và số 2208, ngày 4-4-1960.

Tháng 4, ngày 4

 Được tin Quốc vương Nôrôđôm Xuramarít từ trần, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn tới Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Campuchia.

- Bản thảo lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2210, ngày 6-4-1960.

Tháng 4 ngày 6

 Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu thương mại Liên Xô đến chào Chủ tịch nhân dịp Đoàn sang Việt Nam đàm phán và ký kết Nghị định thư trao đổi hàng hoá năm 1960 giữa hai nước.

- Báo Nhân dân, số 2210, ngày 6-4-1960.

Tháng 4, ngày 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn việc xây dựng trụ sở Quốc hội. Phát biểu tại cuộc họp, Người góp ý thêm một số vấn đề về hướng nhà Quốc hội.

Cùng ngày, bài viết của Người: Kế hoạch năm 1960 của Trung Quốc, ký bút danh L.T., đăng báo Nhân dân, số 2212. Thông qua các chỉ tiêu về kinh tế và văn hoá, giáo dục, tác giả chỉ rõ sự phát triển về mọi mặt và nguyên nhân những thắng lợi của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong xây dựng đất nước.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 2212, ngày 8-4-1960.

Tháng 4, ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn tiếp về xây dựng trụ sở Quốc hội. Sau khi nghe Trưởng Đoàn chuyên gia Trung Quốc báo cáo về thiết kế, Người phát biểu cám ơn các chuyên gia và nêu một số ý kiến khi tiến hành xây dựng phải cần, kiệm, tránh lãng phí nguyên vật liệu, giúp đỡ lẫn nhau giữa chuyên gia và cán bộ Việt Nam.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 4, trước ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện đến Hội nghị đoàn kết nhân dân Á - Phi lần thứ hai21. “Chúc Hội nghị thu được nhiều thắng lợi trong việc thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết của nhân dân Á - Phi để đẩy mạnh phong trào dân tộc chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình ở châu Á, châu Phi và trên toàn thế giới”.

- Báo Nhân dân, số 2215, ngày 11-4-1960.

Tháng 4, ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự kỳ họp lần thứ 12 Quốc hội khoá I tổ chức tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội.

Cùng ngày, Người tiếp Đoàn đại biểu Nhật Bản do Thượng nghị sĩ Hôxây Yôsida, Uỷ viên Hội hữu nghị Nhật - Việt làm Trưởng đoàn, sang thăm và làm việc với các nhà báo Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 2216, ngày 12-4-1960.

Tháng 4, ngày 15

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 12 Quốc hội khoá I. Sau khi nêu lên “Quốc hội ta là Quốc hội dân chủ đầu tiên ở vùng Đông - Nam châu Á, cũng là Quốc hội đầu tiên của các nước thuộc địa cũ được độc lập tự do”, Người chỉ rõ những cống hiến của Quốc hội trong suốt 14 năm qua và khẳng định: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân, vì nước, đã làm tròn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân”. Người cảm ơn Quốc hội khoá I và tin chắc rằng “Quốc hội khoá II của chúng ta sẽ đưa hết tinh thần và lực lượng để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, để thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

19 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các vị đại biểu Quốc hội. Người đề nghị các vị đại biểu sau khi về đơn vị và địa phương cần phổ biến rộng rãi những nghị quyết của Quốc hội Kỳ họp thứ 12, vận động nhân dân tích cực phòng chống hạn, tích cực vận động nhân dân tham gia bầu cử Quốc hội khoá II.

Trong ngày, Người gửi thư cho đồng chí Đôlôrét Ibaruri - Chủ tịch Đảng Cộng sản Tây Ban Nha nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Tây Ban Nha, chúc tình hữu nghị giữa hai Đảng và nhân dân hai nước ngày càng tốt đẹp.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.122-125.

- Báo Nhân dân, số 2220, ngày 16-4-1960.

- Tài liệu có bút tích, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, phông Quốc hội.

- Bản thảo bức thư, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề cải tạo và phát triển thủ công nghiệp. Người nêu rõ mục đích của cải tạo, phát triển thủ công nghiệp và trách nhiệm của các cấp lãnh đạo.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 4, trước ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 44 ngày sinh của Tổng thống Liên bang Miến Điện Uvin Môn.

- Báo Nhân dân, số 2221, ngày 17-4-1960.

Tháng 4, ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị thảo luận vấn đề tiền lương năm 1960. Người phát biểu về thời gian tiến hành, những vấn đề cơ bản cần giải quyết và phương thức tiến hành.

Trong ngày, Người dự cuộc họp mặt giữa các đại biểu ứng cử Quốc hội khoá II do Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội giới thiệu với các ban bầu cử thuộc khu vực Hà Nội.

Cùng ngày, bài viết của Người: Thư không dán gửi Tổng thống Mỹ, ký bút danh L.T., đăng báo Nhân dân, số 2225, vạch trần luận điệu lừa bịp của chính quyền Mỹ đối với nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới về các vấn đề dân chủ, tự do... trong khi đó lại thi hành chính sách phân biệt chủng tộc tệ hại nhất, luôn luôn gào thét chống cộng và can thiệp vào nước khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Quyết định số 09/QĐ, bác đơn xin ân giảm án tử hình cho một phạm nhân can tội giết chết hai người.

- Quyết định số 10/QĐ, bác đơn xin ân giảm án tử hình cho một phạm nhân can tội giết người cướp của.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 2225, ngày 21-4-1960 và số 2226, ngày 22-4-1960.

- Bản gốc Quyết định, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 4, ngày 22

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề tiền lương năm 1960.

Chiều, Người dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề xây dựng thuỷ điện ở Quảng Cư, Lang Tiết, Thác Bà. Phát biểu tại cuộc họp, Người nhấn mạnh việc làm ngay thủy điện Thác Bà nếu chuyên gia Liên Xô bảo đảm được và phải giải quyết tốt công việc, đời sống cho dân như đường giao thông, trồng cây công nghiệp, nuôi cá, hồ du lịch...

Cùng ngày, báo Nhân dân, số 2226, đăng bài: Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho Tạp chí Các vấn đề Phương Đông (Liên Xô), nhân dịp kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của V.I.Lênin. Người nêu lên quá trình hoạt động thực tiễn và những chuyển biến tư tưởng của Người từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Lênin và khẳng định “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.126-128.

- Báo Nhân dân, số 2226, ngày 22-4-1960.

Tháng 4, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về công tác của Ủy ban Khoa học Nhà nước.

Cùng ngày, bài viết của Người: Lý Thừa Vãn khó mà cứu vãn, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2227, tố cáo hành động tàn bạo của Lý Thừa Vãn đàn áp phong trào của nhân dân Nam Triều Tiên chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, vạch rõ chính đế quốc Mỹ là kẻ bợ đỡ, cung cấp tiền bạc, vũ khí và nhào nặn chúng thành những tên độc tài như Lý Thừa Vãn. Song, như tác giả kết luận: “nhân dân đã đoàn kết vùng dậy, thì đế quốc Mỹ cũng khó mà cứu vãn Lý Thừa Vãn và những bù nhìn như Vãn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu của Người cho 11 cụ Việt kiều (tuổi từ 75 trở lên) ở Thái Lan về nước chuyến tàu thứ bảy 11) để chúc mừng tuổi thượng thọ của các cụ.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 2227, ngày 23-4-1960.

- Báo Nhân dân, số 2231, ngày 27-4-1960.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 4, ngày 24

18 giờ 30, tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ra mắt cử tri Thủ đô. Sau khi cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu Người và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khoá II, Người đã nêu lên tính chất dân chủ của Luật bầu cử, giá trị cao quý của lá phiếu cử tri và tin tưởng rằng những cử tri sáng suốt sẽ bầu ra được một Quốc hội có những đại biểu thật xứng đáng. Người nói: “Quốc hội khoá I là Quốc hội chiến đấu”, “Quốc hội khoá II phải là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Thay mặt các ứng cử viên, Người hứa với đồng bào: “Những người được cử vào Quốc hội khoá II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đày tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 129-132.

- Báo Nhân dân, số 2229, ngày 25-4-1960.

Tháng 4, ngày 25

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lênin và thi đua xã hội chủ nghĩa, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2229, nêu lên quan điểm, biện pháp mà Lênin vạch ra nhằm nâng cao tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của người lao động và vai trò của Lênin trong việc phát huy những sáng tạo của nhân dân Liên Xô thông qua phong trào thi đua lao động và tác dụng của phong trào này trong xây dựng đất nước của nhân dân Xô viết.

- Báo Nhân dân, số 2229, ngày 25-4-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 133-135.

Tháng 4, ngày 26

 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư trả lời chị Êcatêrina Iôxiđôpna 12) về những điều chị đã hỏi Người trong bức thư gửi Người nhân dịp ngày 8-3-1960. Bức thư có đoạn: “Tôi chưa có gia đình riêng, gia đình của tôi là đại gia đình các dân tộc Việt Nam”.

- Bản chụp bút tích, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.133-135.

Tháng 4, ngày 27

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ba chai rượu sâm banh, ký bút danh Tuyết Lan, đăng báo Nhân dân, số 2231. Dưới hình thức dịch lại lá thư của một công nhân tên là Giăng Pho ở Angiêri gửi cho, tác giả nói về tình cảm của một người bạn quốc tế của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ ở Pari và những năm sau này.

- Báo Nhân dân, số 2231, ngày 27-4-1960.

Tháng 4, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề lương và thảo luận về thiết kế nhà Quốc hội.

Cùng ngày, Người tới thăm và nói chuyện tại Hội nghị bàn về công tác vùng cao do Ủy ban dân tộc Trung ương triệu tập. Người căn dặn các đại biểu “phải làm tốt công tác vận động định canh định cư ở vùng cao, phải nắm nguyên tắc tự nguyện, không gò ép, không tham nhiều, không nóng vội, làm nơi nào phải tốt nơi đó”.

Về công tác vận động tuyên truyền cho việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá II sắp tới đối với đồng bào vùng cao, Người nhắc nhở cán bộ cần giải thích cặn kẽ cho đồng bào hiểu rõ ý nghĩa của cuộc bầu cử này.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 11/SL, công bố Luật nghĩa vụ quân sự.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2233, ngày 29-4-1960.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội Liên hiệp thanh niên dân chủ thế giới họp tại Buđapét (Hunggari), khen ngợi những cố gắng của Hội trong việc đoàn kết thống nhất thanh niên các nước vì nền hòa bình, dân chủ trên thế giới và “chúc Hội nghị thành công tốt đẹp”.

- Bản chụp bút tích, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

 

____________

1) Người kêu gọi mỗi người ít nhất một cây, chăm bón tốt. Đợt trồng cây này gọi là “Tết trồng cây” và là Tết trồng cây đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.

2) Tạp chí Những vấn đề hoà bình và chủ nghĩa xã hội, số tháng
2-1960.

3) Sau này là Công viên Thống Nhất và nay là Công viên Lênin.

4) Đầu những năm 40 thế kỷ XX, nhà Nông Kỳ Chấn là địa điểm liên lạc của các nhà cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường qua lại. Nông Kỳ Chấn khi đó là cán bộ nông hội, đã tích cực tổ chức quần chúng che chở các đồng chí Việt Nam, bản thân ông phụ trách một tổ giao thông, giúp các bạn Việt Nam đưa tin tức và tài liệu, tìm địa điểm để mở các lớp huấn luyện cán bộ bí mật.

5) Ph. Đalét: Ngoại trưởng Mỹ.

6) Aicơ (Ike): tức Aixenhao (Tổng thống Mỹ).

7) Nay là quận Kiến An, thành phố Hải Phòng.

8) - Trần Công Tốt, công nhân Nhà máy Đèn,

- Trương Từ Thức, công an chữa cháy Hà Nội,

- Bùi Xuân Bổng, gia đình công giáo,

- Trần Thị Hồng, nông dân xã Mê Linh, Tiến Hưng, Thái Bình.

9) Trường Điện ảnh Việt Nam bấy giờ ở ngôi nhà số 7 phố Trần Phú (Hà Nội), nay là Xưởng phim hoạt hình.

 

10) Nay là thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên).

11) Chuyến tàu thứ bảy cập bến ngày 23-4-1960.

12) Nhân dịp ngày 8-3-1960, nghĩ rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có gia đình riêng, chị Êcatêrina Iôxiđôpna (Liên Xô) đã gửi cho “vợ” Chủ tịch Hồ Chí Minh một bức thư. Người đã viết thư trên để trả lời. 

* Năm 1960 - Từ tháng 5 đến tháng 8

Tháng 5, ngày 1

6 giờ, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh và diễu hành của nhân dân Thủ đô Hà Nội chào mừng ngày Quốc tế Lao động 1-5.

- Báo Nhân dân, số 2236, ngày 3-5-1960.

Tháng 5, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về cách mạng miền Nam. Phát biểu tại cuộc họp, Người chỉ rõ: cần phải dự đoán các tình huống có thể xảy ra đối với phong trào cách mạng miền Nam, về khẩu hiệu đấu tranh, lực lượng tham gia đấu tranh... và vai trò của miền Bắc.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 5, ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung quốc khi được tin cụ Lâm Bá Cừ vừa từ trần.

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tổng Lý và Tổng Ngô, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2236, vạch trần bộ mặt thật của hai tổng thống bù nhìn Lý Thừa Vãn (Nam Triều Tiên) và Ngô Đình Diệm (Nam Việt Nam) đều do Mỹ “nặn” ra, đều là những tên độc tài, phát xít, nhưng lại thường tâng bốc nhau là “nhà ái quốc”. Tác giả cho rằng:

Lý đã nhào trước Ngô,

 Ngô sẽ nhào sau Lý.

- Bản thảo bức điện lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2236, ngày 3-5-1960.

Tháng 5, ngày 4

15 giờ, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời nước Cộng hòa Angiêri do Phó Thủ tướng Ben Caxem Cơrim dẫn đầu, đến chào Người.

- Báo Nhân dân, số 2238, ngày 5-5-1960.

Tháng 5, ngày 5

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cơm thân mật Đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời nước Cộng hòa Angiêri. Đoàn đã tặng Người một số quà kỷ niệm bằng hàng thủ công mỹ nghệ Angiêri.

- Báo Nhân dân, số 2239, ngày 6-5-1960.

Tháng 5, trước ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư thăm hỏi một bà mẹ người Tiệp Khắc, sinh một lần bốn cháu và gửi bốn chiếc áo sơ sinh cho các cháu1).

- Báo Nhân dân, số 2239, ngày 6-5-1960.

Tháng 5, ngày 6

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Anh em công nhân Trung Quốc và chị em nông dân Trung Quốc, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2239, phân tích những tiến bộ nhảy vọt và nguyên nhân thành công trên mặt trận kinh tế của Trung Quốc trong những năm gần đây. Tác giả cũng nêu những tấm gương lao động của công nhân, nông dân Trung Quốc và cho rằng đây là những tấm gương cho công nhân và phụ nữ Việt Nam học tập.

- Báo Nhân dân, số 2239, ngày 6-5-1960.

Tháng 5, ngày 8

7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khoá II tại phòng bỏ phiếu tổ 52, khu Trúc Bạch, thuộc đơn vị bầu cử số 1 khu Ba Đình, Hà Nội.

9 giờ, Người đến thăm phòng bỏ phiếu ở xã Nhật Tân 2) (Từ Liêm, Hà Nội) và căn dặn Bí thư chi bộ xã phải làm cho tốt, bảo đảm dân chủ, bí mật, thực hiện đúng thời gian đã định để hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị bầu cử.

- Báo Nhân dân, số 2242, ngày 9-5-1960.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 41.

- Thành ủy Hà Nội - Ban Tuyên giáo: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội - Biên niên sự kiện (1945-1969), Nxb. Hà Nội, 2000, tr. 226-227.

Tháng 5, trước ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ gửi điện mừng đến các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ Tiệp Khắc nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 Quốc khánh nước Cộng hòa Tiệp Khắc.

- Báo Nhân dân, số 2242, ngày 9-5-1960.

Tháng 5, ngày 9

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chuyện giả mà có thật, ký bút danh Trần Lam, đăng báo Nhân dân số 2242, kể về những hoạt động của Người trong thời gian ở Thái Lan, qua đó nói lên tình đoàn kết thân ái và sự giúp đỡ của kiều bào đối với phong trào cách mạng nước nhà.

- Báo Nhân dân, số 2242, ngày 9-5-1960.

Tháng 5, ngày 10

10 giờ 30, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Thủ tướng Chu Ân Lai, Phó Thủ tướng Trần Nghị và Đoàn đại biểu Chính phủ Trung Quốc sang thăm Việt Nam tới Hà Nội.

Tối, Người dự tiệc chiêu đãi Đoàn đại biểu Chính phủ Trung Quốc do Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức tại Phủ Thủ tướng.

Cùng ngày, Người gửi điện chúc mừng Chủ tịch L.Brêgiơnép, nhân dịp ông được bầu giữ chức Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô và điện mừng ông K.E.Vôrôsilốp nhân dịp ông được Nhà nước Liên Xô tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa, Huân chương Lênin và Huân chương vàng “Búa liềm”.

- Báo Nhân dân, số 2244, ngày 11-5-1960 và số 2245, ngày 12-5-1960.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 193-194 (bản Trung văn).

Tháng 5, ngày 12

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc do Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Chu Ân Lai làm trưởng đoàn. Hai bên đã trao đổi với nhau về những vấn đề quốc tế quan trọng và các vấn đề liên quan chung đến hai Đảng.

- Báo Nhân dân, số 2246, ngày 13-5-1960.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr.193-194 (bản Trung văn).

Tháng 5, ngày 13

6 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô Hà Nội chào mừng Thủ tướng Chu Ân Lai và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Trung Quốc.

Sau diễn văn chào mừng của Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng và lời đáp của Thủ tướng Chu Ân Lai, Người nói chuyện với đồng bào dự mít tinh về thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá II, về tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. “Nhân dịp này, Bác tiết lộ một bí mật, Thủ tướng Chu Ân Lai vốn là bạn cũ của Bác. Hai người quen biết nhau đến nay đã hơn 40 năm rồi”.

Buổi mít tinh kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Chu Ân Lai bước tới hai bên lễ đài vẫy tay cám ơn đồng bào.

Trưa, Chủ tịch tới dự tiệc do Thủ tướng Chu Ân Lai tổ chức tại Đại sứ quán Trung Quốc để mừng thọ Người 70 tuổi. Thủ tướng chúc Chủ tịch “thanh xuân thường tại, vạn thọ vô cương”. Phó Thủ tướng Trần Nghị cũng đọc bài thơ do ông sáng tác để chúc thọ Người.

16 giờ, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Chu Ân Lai, Phó Thủ tướng Trần Nghị tiếp Đoàn đại biểu Hội hữu nghị Việt - Trung đến chào mừng, sau đó là Đoàn đại biểu các cháu thiếu nhi Hoa Kiều và Việt Nam.

Tối, cũng tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi các vị khách quý Trung Quốc, sau đó mời mọi người xem một số tiết mục văn nghệ đặc sắc do các em Trường ca kịch dân tộc và Trường múa Việt Nam biểu diễn.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đế quốc Mỹ bị bắt quả tang, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân dân, số 2246, tố cáo những hành động khiêu khích của Mỹ như cho máy bay do thám lãnh thổ Liên Xô, tổ chức những hoạt động phá hoại... và nhắc nhở mọi người phải luôn luôn đề cao cảnh giác.

- Báo Nhân dân, số 2246, ngày 13-5-1960 và số 2247, ngày 14-5-1960.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 194-196 (bản Trung văn).

Tháng 5, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiễn Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về nước.

- Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 235.

Tháng 5, ngày 16

14 giờ 30, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Đại sứ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hà Vỹ để trao đổi về chuyến đi thăm Trung Quốc của Người trong thời gian tới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các cháu thiếu nhi Hà Nội con nai (do Nông trường Mộc Châu biếu Người) để nuôi trong Vườn Bách Thảo (Hà Nội).

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng tới các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ Liên Xô nhân dịp Liên Xô phóng thành công con tàu vũ trụ.

- Báo Nhân dân, số 2250, ngày 17-5-1960.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 43.

- Bản gốc bức điện, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, ngày 17

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đáp máy bay sang thăm không chính thức Nam Ninh (Trung Quốc). Cùng đi có Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vỹ.

11 giờ 50, Chủ tịch Khu tự trị Choang Quảng Tây Vi Quốc Thanh ra tận chân cầu thang máy bay đón Người.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định số 12/QĐ, bác đơn xin ân giảm án tử hình của một phạm nhân can tội giết người cướp của.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr.160 (bản Trung văn).

-  Bản gốc Quyết định, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 5, ngày 18

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp các cán bộ phụ trách lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh trao đổi và căn dặn một số công việc.

16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp một số cán bộ của Nam Ninh trao đổi về vấn đề công xã.

17 giờ 30, Người đi thuyền trên sông Ung thăm quang cảnh thành phố.

21 giờ, Người xem vở ca kịch Lưu Tam.

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Học tập công nhân Liên Xô, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2251, ca ngợi những thành tựu to lớn của nhân dân Liên Xô trên lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá, cải thiện đời sống... và khuyên công nhân Việt Nam phải học hỏi, thi đua với công nhân Liên Xô, thực hiện khẩu hiệu: “Học tập tiên tiến, đuổi kịp tiên tiến, vượt quá tiên tiến”, để hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước giao cho.

- Báo Nhân dân, số 2251, ngày 18-5-1960.

- Nhật ký công tác của đồng chí Vũ Kỳ.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 235.

Tháng 5, ngày 19

 9 giờ, các đồng chí lãnh đạo thành phố Nam Ninh tới chúc thọ lần thứ 70 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

17 giờ, đồng chí Vi Quốc Thanh và một số cán bộ đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển thư chúc thọ của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tới Người3). Ông Vi Quốc Thanh còn tặng Người một chiếc gậy rất đẹp4).

18 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đồng chí Chủ tịch Đảng Cộng sản Mã Lai5) và dự bữa cơm thân mật do đồng chí Vi Quốc Thanh tổ chức tại nhà riêng để chào mừng ngày sinh nhật của Người.

Lễ mừng thọ được tổ chức theo đúng ý của Người nên Người rất vui. Sau bữa cơm, Người đi xem các cháu thiếu nhi biểu diễn văn nghệ. Buổi biểu diễn kết thúc, Người bước lên sân khấu thân mật bắt tay và tặng kẹo cho các nghệ sĩ tí hon.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 160 (bản Trung văn).

- Báo Nhân dân, số 2254, ngày 21-5-1960.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, trước ngày 20

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định khen thưởng cho một số cá nhân và đơn vị xuất sắc trong phong trào làm phân bón6).

- Báo Nhân dân, số 2253, ngày 20-5-1960.

Tháng 5, ngày 20

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và nghe một số cán bộ ở Nam Ninh (Trung Quốc) giới thiệu về vấn đề cải tiến nông cụ ở Nam Ninh.

Từ 15 giờ đến 17 giờ, Người đi thăm Công xã Hòa Bình, thăm xưởng cơ khí của công xã.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vòng hoa tới viếng cụ Bùi Kỷ - Ủy viên Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa từ trần.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 161 (bản Trung văn).

- Tài liệu lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, trước ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ba huy hiệu cho ba người có thành tích trong phong trào chăn nuôi, dạy văn hoá và làm phân bón.

- Báo Nhân dân, số 2254, ngày 21-5-1960.

Tháng 5 ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Nam Ninh về Hà Nội.

- Tài liệu lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 5, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu các nhà khoa học Trung Quốc sang Việt Nam giúp nghiên cứu kỹ thuật làm mưa nhân tạo.

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cảm ơn đế quốc Mỹ, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2256. Tác giả “cảm ơn” đế quốc Mỹ, vì ngoài việc tự lộ rõ chân tướng qua vụ hoạt động gián điệp cho máy bay do thám Liên Xô, Mỹ còn “giúp nhân dân thế giới thêm cảnh giác, thêm hăng hái ủng hộ chính sách đúng đắn của Liên Xô”.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 146.

 - Báo Nhân dân, số 2256, ngày 23-5-1960.

Tháng 5, trước ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời cảm ơn chung tới các đoàn thể, các cơ quan, đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào và ngoại kiều, các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ các nước trên thế giới đã gửi điện, viết thư chúc mừng nhân dịp sinh nhật của Người.

- Báo Nhân dân, số 2261, ngày 28-5-1960.

Tháng 5, ngày 29

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề nhân sự của Chính phủ.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những bước tiến của các hợp tác xã thủ công nghiệp, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2262, nêu lên những thành công bước đầu của phong trào hợp tác xã thủ công ở miền Bắc và chỉ rõ những điều kiện rất quan trọng để củng cố và phát triển tốt hợp tác xã là:

- Cán bộ cần phải chí công vô tư,

- Lãnh đạo phải dân chủ,

- Quản lý phải chặt chẽ, toàn diện,

- Phân phối phải công bằng,

- Các hợp tác xã phải giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau.

- Báo Nhân dân, số 2262, ngày 29-5-1960.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 5, ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề lương thực. Sau khi nghe báo cáo về tình hình vụ chiêm, Người nêu rõ việc thu thuế không nên gò ép gây tình hình căng thẳng trong nhân dân (nhất là vụ chiêm này), phải căn cứ vào thực tế mà định ra chính sách cho phù hợp. Người cũng nêu một số ý kiến về chính sách với cán bộ, đảng viên và nhắc nhở phải giữ lời hứa với các bạn hàng quốc tế trong vấn đề xuất khẩu.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sang dự lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Khu tự trị Thái - Mèo.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 2266, ngày 2-6-1960.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 147.

Tháng 5, ngày 31

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng sinh nhật lần thứ 59 Tổng thống Inđônêxia A. Xucácnô.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Tổng thanh tra quân đội nước Cộng hòa Cuba V.C. Rôđơrighết, đang ở thăm Việt Nam, đến chào Người. Sau buổi nói chuyện thân mật, Người mời ông V.C. Rôđơrighết ở ăn cơm cùng với Người.

Tối, tại Phủ Chủ tịch, Người vui liên hoan với hơn 100 các cháu thiếu nhi nội, ngoại thành Hà Nội, các cháu thiếu nhi miền Nam, con kiều bào mới về nước, con các chuyên gia nước ngoài công tác tại Hà Nội... Người trò chuyện vui vẻ và cùng xem phim hoạt họa với các cháu.

Trong ngày, Người đến thăm Trường múa Việt Nam tại Khu văn công Cầu Giấy (Hà Nội).

- Tài liệu lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2265, ngày 4-6-1960.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 43.

Tháng 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng 96 con cá rô phi cho hợp tác xã Tiền Phong, thôn Yên Duyên (nay thuộc xã Yên Sở, huyện Thanh Trì, Hà Nội) và khuyên hợp tác xã nên nhân giống gây phong trào nuôi cá.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 43.

Tháng 5 

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Khu mỏ Cọc 6 (thuộc Xí nghiệp than Hồng Gai, Cẩm Phả) 10 huy hiệu của Người để làm phần thưởng cho những cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua của mỏ.

- Báo Nhân dân, số 2268, ngày 4-6-1960.

Tháng 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tham quan cuộc diễn tập hợp đồng binh chủng của Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 Quân Tiên Phong tại Sơn Tây.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Sở Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1985, tr. 43.

Tháng 5

Tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản tại Trung Quốc, do Nhà xuất bản Nhân dân văn học (Trung Quốc) ấn hành.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại Bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 146.

Tháng 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn bác sĩ đông y Trung Quốc sang thăm khám bệnh cho Người.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 146.

Tháng 6

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu thanh niên dân chủ Camơrun đến chào Người.

Chiều, Người tiếp Tiêu Tam - nhà thơ Trung Quốc, một người bạn cũ của Người7).

Vừa thăm hỏi, tâm sự với Tiêu Tam bằng tiếng phổ thông Trung Quốc, vừa thả bộ quanh ao cá trong Phủ Chủ tịch, Người ném nắm mồi cho đàn cá đang bơi theo và chỉ đàn cá đang đớp mồi rồi nói với nhà thơ: “Đây là tất cả của cải của tôi”... Sau đó, Người nói chuyện với Tiêu Tam về những năm tháng ở Pari và Mátxcơva... và mời cơm nhà thơ. Người đã tặng Tiêu Tam tập thơ Nhật ký trong tù có ghi dòng chữ bằng chữ Hán:

      Người anh em Tiêu Tam.

 Hồ Chí Minh.

      Tháng 6, năm 1960, tết Nhi đồng”.

Tối, Chủ tịch đến dự buổi họp mặt thân mật của các đại biểu Quốc hội mới trúng cử ở Thủ đô, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức. Thay mặt các đại biểu Quốc hội mới trúng cử, Người đọc thư cảm ơn các cử tri đã nhiệt tình tham gia bầu cử và bỏ phiếu tín nhiệm. Người kêu gọi toàn thể nhân dân trên đà phấn khởi, cố gắng thi đua hoàn thành kế hoạch Nhà nước.

Cùng ngày, Người tới dự liên hoan mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6) tại Câu lạc bộ Thiếu niên và Câu lạc bộ Thống nhất (Hà Nội). Người căn dặn các cháu phải chăm ngoan, học giỏi và đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Trong ngày, Người viết thư cảm ơn nhân dân Cu Ba đã ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước và gửi tới quân đội và nhân dân Cu Ba lời chào mừng thân ái nhất.

- Báo Nhân dân, số 2266, ngày 2-6-1960 và số 2267, ngày 3-6-1960.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1989, tr. 233-234 (bản Trung văn).

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 95.

Tháng 6, ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về dự thảo Luật tổ chức Quốc hội.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sau L... và M... bao giờ đến lượt N... ?, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2266, nói về số phận những tên độc tài tay sai Mỹ ở Nam Triều Tiên, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Việt Nam.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 2266, ngày 2-6-1960.

Tháng 6, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm công trường xây dựng khu nhà ở Kim Liên và nói chuyện với công nhân về vấn đề cần phải đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, xây dựng thủ đô xã hội chủ nghĩa. Người căn dặn anh chị em công nhân phải chú ý tiết kiệm nguyên vật liệu, bảo đảm kỹ thuật xây dựng, tăng năng suất lao động và hạ giá thành; mọi người cần đoàn kết chặt chẽ với nhau, học tập chuyên gia nước bạn, cùng phấn đấu thực hiện đúng kế hoạch Nhà nước đã đề ra.

- Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội: Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1980, tr. 134-135.

 

Tháng 6, ngày 6

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cần phải đẩy mạnh phong trào cải tiến nông cụ, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2270, nêu ý nghĩa quan trọng của việc cải tiến nông cụ trong sản xuất nông nghiệp, kêu gọi phải dấy lên thành một phong trào, nhắc nhở các cấp bộ Đảng phải quan tâm chỉ đạo và nêu một số biện pháp nhân rộng phong trào này để tăng năng suất lao động và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.

- Báo Nhân dân, số 2270, ngày 6-6-1960.

Tháng 6, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Đại hội sản xuất của tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Người nêu rõ tầm quan trọng của việc củng cố và phát triển hợp tác xã; căn dặn phải ra sức thực hiện khẩu hiệu: “Cần kiệm xây dựng hợp tác xã”; phải coi trọng đúng mức tổ đổi công; xã viên phải đoàn kết thương yêu nhau và nhắc nhở các hợp tác xã, tổ đổi công và xã viên phải làm tốt những công việc trước mắt: thủy lợi, phân bón, cải tiến nông cụ, chọn giống và gieo mạ cho kịp thời vụ.

Cùng ngày, Người về thăm Đại hội đoàn kết chống hạn của hai huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức tổ chức tại xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa. Nói chuyện với Đại hội, Người biểu dương tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau của nhân dân hai huyện và căn dặn mọi người phải quyết tâm chống hạn để sản xuất thắng lợi.

Sau đó, Người ra thăm và động viên đồng bào địa phương đang tích cực tát nước chống hạn trên cánh đồng thôn Thái Bình, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 140-145.

- Tỉnh uỷ Hà Sơn Bình: Bác Hồ với Hà Sơn Bình, 1990, tr. 153.

- Báo Nhân dân, số 2272, ngày 8-6-1960.    

Tháng 6, trước ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương Ápganixtan, nhân dịp kỷ niệm ngày độc lập của Ápganixtan.

- Báo Nhân dân, số 2273, ngày 9-6-1960.

Tháng 6, ngày 9

Sáng, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu hữu nghị Inđônêxia đến chào Người, nhân dịp Đoàn sang thăm Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 2274, ngày 10-6-1960.

Tháng 6, sau ngày 9, trước ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi huy hiệu của Người mừng thọ các cụ Việt kiều (tuổi từ 75 trở lên) ở Thái Lan về nước 8) chuyến tàu thứ mười và cho tám thanh niên có nhiều thành tích trong công tác thủy lợi.

- Báo Nhân dân, số 2278, ngày 14-6-1960.

Tháng 6, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe đồng chí Hoàng Quốc Việt báo cáo về Hội nghị Công đoàn thế giới.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 6, ngày 12

7 giờ 25, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến sân bay Gia Lâm đón Chủ tịch Hátgi Lêsi và Đoàn đại biểu Chính phủ Anbani sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

Trong diễn văn chào mừng Đoàn, Chủ tịch bày tỏ niềm vui sướng của nhân dân Việt Nam được đón các vị khách quý Anbani.

Tiếp đó, Người cùng Chủ tịch Hátgi Lêsi lên xe về Quảng trường Ba Đình dự cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô Hà Nội đón chào Đoàn đại biểu Anbani.

Phát biểu tại cuộc mít tinh, Người nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu của nhân dân Anbani trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và kêu gọi nhân dân Việt Nam hãy thi đua với nhân dân Anbani, quyết tâm hoàn thành kế hoạch Nhà nước.

Trong buổi sáng, Chủ tịch dự lễ trình Quốc thư của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Anbani tại Việt Nam. Sau đó, tại Phủ Chủ tịch, Người tiếp Chủ tịch Hátgi Lêsi và Đoàn đại biểu Anbani đến chào Người và đã đến đáp lễ tại nơi nghỉ của Đoàn.

15 giờ, Người dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam hội đàm với Chủ tịch Hátgi Lêsi và Đoàn đại biểu Anbani. Hai bên đã trao đổi một số vấn đề tình hình thế giới và những vấn đề có liên quan đến hai nước.

Tối, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi Chủ tịch Hátgi Lêsi và các vị cùng đi. Trong buổi tiệc, Người đọc diễn văn ca ngợi tình hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Anbani và bày tỏ niềm phấn khởi trước những thành tựu của nhân dân Anbani trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhân dịp này, Người cám ơn nhân dân Anbani anh em đã ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, và tin tưởng rằng sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân hai nước nhất định sẽ thắng lợi.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 146-150.

- Báo Nhân dân, số 2277, ngày 13-6-1960.

Tháng 6, trước ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thi đua cho Chi đoàn thanh niên lao động hai xã Minh Lăng (Thái Bình) và Đông Phong (Hòa Bình) có thành tích trong phong trào làm phân bón ruộng và đẩy mạnh sản xuất vụ mùa.

- Báo Nhân dân, số 2281, ngày 17-6-1960.

Tháng 6, ngày 13

15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam tiếp và hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Lao động Anbani. Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình hai Đảng và trao đổi về các vấn đề quốc tế mà hai Đảng cùng quan tâm.

Tối, Người dự tiệc do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chiêu đãi Đoàn đại biểu Đảng Lao động Anbani.

- Báo Nhân dân, số 2278, ngày 14-6-1960.

Tháng 6, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hội nghị bàn việc củng cố và phát triển phong trào hợp tác xã nông nghiệp do Ban Bí thư Trung ương Đảng triệu tập. Nói chuyện với Hội nghị, Người nhấn mạnh: Hiện nay, đẩy mạnh sản xuất vụ mùa là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với việc củng cố và phát triển phong trào hợp tác hoá nông nghiệp và chỉ rõ những biện pháp cần làm để đẩy mạnh sản xuất.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 151-152.

- Báo Nhân dân, số 2279, ngày 15-6-1960.

Tháng 6, ngày 16

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho hai “kiện tướng” làm thủy lợi của tỉnh Phú Thọ, đã có thành tích xuất sắc trong phong trào làm thủy lợi chống hạn, đẩy mạnh sản xuất vụ mùa 9).

- Báo Nhân dân, số 2281, ngày 17-6-1960.

Tháng 6, ngày 17

7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đi với Chủ tịch Hátgi Lêsi và Đoàn đại biểu Anbani đến thăm ba Nhà máy Cao su, Xà phòng, Thuốc lá (thuộc Khu công nghiệp Thượng Đình, Hà Nội).

Sau khi tham quan khu sản xuất, Người cùng các vị trong Đoàn dự cuộc mít tinh chào mừng của cán bộ, công nhân ba nhà máy. Nói chuyện với anh chị em công nhân, Người nhắc các cấp lãnh đạo nhà máy cần chú ý cải thiện đời sống và điều kiện làm việc cho công nhân, trong sản xuất phải cố gắng tận dụng hết công suất máy móc để tránh lãng phí...

9 giờ, Người cùng Chủ tịch Hátgi Lêsi và các vị khách Anbani đến thăm Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Lãnh đạo nhà trường đã hướng dẫn Đoàn đi thăm các phòng thí nghiệm, phòng triển lãm... rồi về dự cuộc mít tinh chào mừng của cán bộ, sinh viên nhà trường. Nói chuyện tại cuộc mít tinh, Người ca ngợi những thắng lợi của phe xã hội chủ nghĩa và căn dặn các sinh viên phải chăm chỉ học tập, “thầy trò phải cố gắng thực hiện trí thức lao động hoá”, phải thắng chủ nghĩa cá nhân...

Tối, tại Câu lạc bộ Quốc tế (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc chiêu đãi do Đại sứ Anbani tổ chức nhân dịp Chủ tịch Hátgi Lêsi và Đoàn đại biểu Anbani sang thăm Việt Nam. Sau diễn văn của Chủ tịch Hátgi Lêsi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời đáp, trong đó có đoạn: “Dưới ngọn cờ vẻ vang của chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta đồng tâm, nhất trí với các nước anh em đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống chiến tranh xâm lược, để bảo vệ chủ nghĩa xã hội, bảo vệ hòa bình”.

- Báo Nhân dân, 2282, ngày 18-6-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 153-154.

 

Tháng 6, ngày 18

Tại sân bay Gia Lâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiễn Chủ tịch Hátgi Lêsi và các vị khách Anbani về nước.

Sau nghi lễ tiễn trọng thể, Người đọc lời từ biệt nêu rõ tình cảm lưu luyến của nhân dân ta đối với các vị khách quý Anbani và tin tưởng rằng, sau chuyến đi thăm này của Chủ tịch Hátgi Lêsi và Đoàn đại biểu Anbani, tình đoàn kết gắn bó giữa nhân dân hai nước sẽ ngày càng bền chặt. Người nhờ Đoàn thay mặt nhân dân Việt Nam chuyển đến nhân dân Anbani anh em:

Mối tình hữu nghị sắt son,

 Sông có thể cạn, núi có thể mòn

 Tinh thần đoàn kết dài còn muôn thu!

- Báo Nhân dân, số 2283, ngày 19-6-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.155-156.

Tháng 6, ngày 20

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội. Người nêu lên những ưu, khuyết điểm trong công nghiệp, nông nghiệp, văn hoá, xã hội của Hà Nội và chỉ rõ nhiệm vụ của Đảng bộ thành phố Hà Nội là “Phải làm cho mỗi người thấy rõ: muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải lao động, phải hiểu rõ lao động là vẻ vang, do đó mà nâng cao năng suất lao động” và phải chú ý đến đời sống của người lao động trong cải tạo xã hội chủ nghĩa...

Sau đó, Người đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị sơ kết phong trào “Phấn đấu trở thành người lao động tiên tiến, tổ tiên tiến, đơn vị tiên tiến”. Người khẳng định: “Phong trào thi đua yêu nước, phong trào cải tiến quản lý xí nghiệp, phong trào “tiên tiến”, ba phong trào đó kết hợp chặt chẽ với nhau, cùng nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội” và chỉ ra các biện pháp để đẩy mạnh phong trào “tiên tiến”.

Cùng ngày, báo Nhân dân, số 2284, đăng bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng Đại hội lần thứ III Đảng Công nhân Rumani và bài viết của Người nhan đề Ô hô Tổng Ai, ký bút danh T.L., nêu lên những bằng chứng cụ thể về sự thất bại trên các lĩnh vực của đế quốc Mỹ và của bọn tay sai Mỹ trên trường quốc tế.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 157-163.

- Sở Văn hoá - Thông tin: Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1980, tr. 83-84.

- Báo Nhân dân, số 2284, ngày 20-6-1960 và số 2285, ngày 21-6-1960.

Tháng 6, trước ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng Thái tử Nôrôđôm Xihanúc nhân dịp Thái tử nhận chức Quốc trưởng nước Campuchia.

- Báo Nhân dân, số 2285, ngày 21-6-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 164.

Tháng 6, ngày 24

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ chuẩn bị các văn bản trình Quốc hội gồm: Báo cáo của Hội đồng Chính phủ, Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án nhân dân tối cao, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Phát biểu tại cuộc họp, Người nhấn mạnh rằng luật phải có sự phân công rành mạch giữa Công an, Viện kiểm sát và Tòa án.

Cùng ngày, trong bài Phải đẩy mạnh hơn nữa công việc vệ sinh, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2288, Người phê phán một số đơn vị trong ngành dịch vụ ăn uống và thực phẩm chưa coi trọng công tác vệ sinh và nhắc nhở các đơn vị, cơ quan phải chú ý hơn vấn đề này, phải có biện pháp phê bình đấu tranh kiên quyết để công tác vệ sinh được cải tiến, góp phần giữ gìn sức khoẻ của nhân dân.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 13/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đoạn toa xe Hà Nội thuộc Tổng cục đường sắt vì đã hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1959.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2288, ngày 24-6-1960 và số 2290, ngày 26-6-1960.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 6, ngày 25

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ chuẩn bị các văn bản luật trình Quốc hội. Cuối cuộc họp, Người nhắc lại vấn đề viết luật phải viết sao cho nhân dân hiểu và cố gắng dùng những từ của ta.

- Bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2290, ngày 26-6-1960.

Tháng 6, ngày 27

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị thảo luận về Kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 6, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị thảo luận về vấn đề lương thực. Người tán thành ý kiến với Ban Bí thư về định mức và nhắc nhở nếu thiếu phải tranh thủ sự giúp đỡ của các nước anh em.

Trong ngày, Người chỉ thị cho Văn phòng Phủ Chủ tịch gửi Công văn số 354/VPCP đến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, đề nghị đồng chí Ngô Duy Đông báo cáo về tình hình sản xuất của tỉnh.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

Tháng 6, trước ngày 29

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho sáu cụ Việt kiều (tuổi từ 75 trở lên) ở Thái Lan mới về nước chuyến tàu thứ 11, ngày 29-6-1960, để chúc mừng tuổi thượng thọ của các cụ.

- Báo Nhân dân, số 2293, ngày 29-6-1960.

Tháng 6, ngày 29

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và góp ý kiến với cuộc họp bàn về quy hoạch cải tạo và mở rộng Thủ đô Hà Nội.

- Sở Văn hoá - Thông tin: Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1980, tr. 138.

Tháng 6, ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị thảo luận tiếp về Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Phát biểu ý kiến, Người nêu một số yêu cầu:

Việc bố trí các xí nghiệp phải hợp lý vừa bảo đảm cho sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu tốt, vừa tận dụng được nguồn nhiên liệu sẵn có của địa phương và nước ta.

Phải có kế hoạch cụ thể cho hợp tác quốc tế: nhờ nước nào và giúp đỡ cái gì.

Cần cân nhắc kỹ vấn đề nhân lực, tiền lương, tài chính, văn hoá, xuất khẩu...

Cuối cùng, Người lưu ý cần cân nhắc kỹ các chỉ tiêu cho hợp lý và phương hướng thực hiện các chỉ tiêu này.

Cùng ngày, báo Nhân dân số 2294, đăng điện mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Quốc trưởng nước Cộng hòa Cônggô, nhân dịp nước Cộng hòa Cônggô tuyên bố độc lập.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá II.

- Báo Nhân dân, số 2294, ngày 30-6-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 165.

Tháng 6, cuối tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu của Người cho anh Phạm Ngươn, cán bộ Ty Thủy lợi Hải Dương, có tinh thần vượt khó khăn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

- Báo Nhân dân, số 2290, ngày 26-6-1960.

Tháng 7, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đại hội Đảng bộ các cơ quan dân, chính, đảng ở trung ương.

Nói chuyện với các đại biểu, Người nêu rõ ý nghĩa đợt học tập, thảo luận các văn kiện Đại hội Đảng đối với việc nâng cao tư tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật của mỗi đảng viên, mỗi chi bộ và yêu cầu các cán bộ, đảng viên cần nêu cao hơn nữa tinh thần phấn đấu cách mạng, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, cần nâng cao tinh thần làm chủ, tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà.

 

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 166-168.

Tháng 7, trước ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng ngày sinh lần thứ 60 của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Thôi Dũng Kiện.

- Báo Nhân dân, số 2296, ngày 2-7-1960.

Tháng 7, trước ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng Tổng thống nước Cộng hòa Gana En Cruma, nhân dịp nước Cộng hòa Gana tuyên bố thành lập chính thể Cộng hòa.

Cùng ngày, Người gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày sinh Quốc vương Nêpan.

- Báo Nhân dân, số 2297, ngày 3-7-1960.

Tháng 7, ngày 3

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ta ngày càng mạnh địch ngày càng yếu (Tóm tắt tình hình thế giới), ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2297, nêu rõ tình hình thế giới với một bên thì: “lực lượng của phe xã hội chủ nghĩa ngày càng mạnh. Khối đoàn kết, nhất trí ngày càng chặt chẽ giữa các đảng anh em...”. “Phong trào chống Mỹ đang cuồn cuộn lên khắp thế giới” với một bên thì: “Mỹ đã đi từ thất bại này đến thất bại khác... uy tín của Mỹ đã suy sụt nhiều. Cuối cùng, tác giả kết luận: “Phe ta ngày càng hùng mạnh, đế quốc Mỹ ngày càng suy đồi”.

- Báo Nhân dân, số 2297, ngày 3-7-1960.

Tháng 7, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), cảm ơn nhân dân các giới Trung Quốc đã gửi điện, gửi thư chúc thọ Người 70 tuổi.

17 giờ, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ trình Quốc thư của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ.

Trong lời đáp, Người nêu rõ lập trường của Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn kề vai sát cánh với nhân dân Mông Cổ anh em trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc và tin tưởng rằng quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng củng cố và phát triển.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 147.

- Báo Nhân dân, số 2299, ngày 5-7-1960.

Tháng 7, ngày 5

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Chúng ta hãy đón chờ những thành tựu mới nhất của nền khoa học Xô viết, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Quân đội nhân dân số 757, giới thiệu những tiến bộ về kỹ thuật phóng tên lửa của Liên Xô và cho rằng: “Mỗi lần thí nghiệm tên lửa, Liên Xô đều đem lại cho loài người những thành tựu mới về khoa học, mỗi ngày một tiến nhanh”. Bài báo kết luận: “Chắc chắn đây lại là một đảm bảo nữa cho hòa bình thế giới”.

- Báo Quân đội nhân dân, số 757, từ ngày 5 đến ngày 6-7-1960.

Tháng 7, ngày 6

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 66.000 cây số và 170.000 cây số, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân số 2300, nêu lên những tấm gương người tốt của anh em lái xe Trung Quốc trong phong trào thực hiện khẩu hiệu “An toàn, tiết kiệm” và kết luận: “Việc gì anh em Trung Quốc làm được, công nhân Việt Nam ta cố gắng thì chắc sẽ làm được”.

- Báo Nhân dân, số 2300, ngày 6-7-1960.

Tháng 7, ngày 7

7 giờ, tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Người đọc lời chào mừng và đề nghị Quốc hội gửi lời chào thân ái và nhiệt liệt biểu dương tinh thần đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam.

Cùng ngày, trong bài Angiêri và thực dân Pháp, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2301. Người khẳng định: Cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Angiêri đòi độc lập, chắc chắn sẽ giành được thắng lợi vì nó được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới kể cả nhân dân yêu chuộng hòa bình ở Pháp. Tác giả dẫn lời của tờ báo Khơme để kết luận rằng: “Chỉ có một trận Điện Biên Phủ của Angiêri thì mới làm cho bọn thực dân Pháp mở mắt ra và cút khỏi Angiêri”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14/SL, tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho một cố vấn kinh tế của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết vì đã có công giúp Chính phủ Việt Nam khôi phục và phát triển kinh tế.

- Báo Nhân dân, số 2301, ngày 7-7-1960 và số 2302, ngày 8-7-1960.

 - Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 7, ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ba đơn vị đã đạt nhiều thành tích trong công tác văn nghệ và mỹ thuật năm 1959 10).

- Bản sao Sắc lệnh, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 7, ngày 10

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quốc hội ta vĩ đại thật, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2304, nêu lên ý nghĩa trọng đại của sự ra đời Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những đóng góp to lớn, những quyết định lịch sử quan hệ đến vận mạng đất nước của Quốc hội khoá I trong công cuộc kháng chiến kiến quốc vừa qua, đồng thời khẳng định thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá II, nó chứng tỏ “tinh thần đoàn kết và quyết tâm thống nhất đất nước của nhân dân ta” và tin tưởng rằng các đại biểu Quốc hội “phải lấy việc làm thực tế mà hướng dẫn nhân dân ta xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Trong ngày, Người tới thăm và nói chuyện với đại biểu các dân tộc ít người trong Quốc hội khoá II về chính sách đoàn kết dân tộc của Chính phủ và nhiệm vụ của các đại biểu Quốc hội trong sự nghiệp cách mạng.

- Báo Nhân dân, số 2304, ngày 10-7-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 170-172.

Tháng 7, trước ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng nhân ngày Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ.

- Báo Nhân dân, số 2305, ngày 11-7-1960.

Tháng 7, ngày 11

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề: Hoan hô thắng lợi mới của Liên Xô, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2305, nêu lên những thắng lợi của Liên Xô trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ và bác bỏ những luận điệu vu cáo bịa đặt của một số báo chí phương Tây về chế độ Xôviết.

- Báo Nhân dân, số 2305, ngày 11-7-1960.

Tháng 7, ngày 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II.

Tối, tại Phủ Chủ tịch, trong buổi tiếp những thanh niên là đại biểu Quốc hội khóa II, Người căn dặn cần gương mẫu trong lao động, sản xuất, học tập và cả trong tính cách; cố gắng rèn luyện bản thân để trở thành người có chuyên môn khoa học giỏi và có bản lĩnh chính trị.

Cùng ngày, bài viết của Người nhan đề Hai cuộc phóng tên lửa, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Quân đội nhân dân, số 760, tường thuật về hai cuộc phóng tên lửa của Liên Xô và Mỹ nhằm so sánh trình độ chinh phục vũ trụ giữa hai nước này.

- Báo Nhân dân, số 2307, ngày 13-7-1960.

- Báo Quân đội nhân dân, số 760, từ ngày 12 đến ngày 13-7-1960.

Tháng 7, trước ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng ông Xambu được bầu lại giữ chức Chủ tịch Chủ tịch đoàn Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ.

- Báo Nhân dân, số 2307, ngày 13-7-1960.

Tháng 7, trước ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Chủ tịch Hội đồng chủ quyền nước Cộng hòa Irắc nhân dịp kỷ niệm lần thứ 2 Quốc khánh nước Cộng hòa Irắc.

- Báo Nhân dân, số 2308, ngày 14-7-1960.

Tháng 7, ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá II. Khi Đoàn thư ký thông báo ý kiến của các đại biểu nhất trí đề nghị Quốc hội tặng Huân chương cho Người, Người đã cảm ơn và xin khất để chờ đến ngày nước nhà thống nhất.

- Báo Nhân dân, số 2309, ngày 15-7-1960.

Tháng 7, ngày 15

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá II.

9 giờ 15, Người tham gia bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước và Ủy ban Thường trực Quốc hội. Người được Quốc hội nhất trí bầu lại chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được ba đại biểu nữ lên tặng hoa. Người đã tặng lại bó hoa cho đại biểu cao tuổi nhất của Quốc hội khoá II là ông Trần Quang Thông.

Chiều, nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu với Quốc hội danh sách các vị trong Hội đồng Quốc phòng.

Tại lễ bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu cảm ơn Quốc hội, cảm ơn đồng bào đã tin cậy và giao cho trọng trách lãnh đạo Nhà nước. Sau khi phân tích và nêu rõ tình hình thế giới đang có lợi cho cách mạng Việt Nam, Người nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất của nhân dân, Quốc hội và Chính phủ ta là: “Phải ra sức phấn đấu để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, và góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông - Nam Á và thế giới”. Người căn dặn: “Để xứng đáng với vinh dự to lớn là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của nhân dân, các đại biểu Quốc hội và cán bộ chính quyền cần phải:

Thực hành cần, kiêm, liêm, chính; chí công, vô tư.

Gương mẫu về mọi mặt: Đoàn kết, công tác, học tập, lao động.

Luôn luôn giữ vững tác phong khiêm tốn, chất phác và hòa mình với quần chúng thành một khối”.

Sau lễ bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn ngoại giao đến chúc mừng. Người cảm ơn và hứa sẽ cố gắng công tác cho xứng đáng với trách nhiệm mà nhân dân giao phó để củng cố và phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc, góp phần giữ gìn hòa bình thế giới.

Sau đó, Người nói chuyện thân mật với đồng bào Thủ đô dự mít tinh tại Quảng trường Nhà hát thành phố chào mừng các vị lãnh đạo Nhà nước. Người khuyên mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, thực hiện Kế hoạch Nhà nước và hứa với đồng bào: các đại biểu Quốc hội sẽ quyết làm những người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo Nhà nước Tiệp Khắc được bầu lại giữ các chức vụ cũ.

- Báo Nhân dân, số 2310, ngày 16-7-1960 và số 2311, ngày 17-7-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.176-177.

Tháng 7, ngày 16

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các đại biểu Quốc hội đến Trại thí nghiệm trồng lúa của Sở Nông Lâm Hà Nội ở thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, xem vận hành máy cấy do Bộ Nông nghiệp chế tạo. Người trực tiếp lội xuống ruộng cho máy chạy thử và khen ngợi lãnh đạo Bộ Nông nghiệp mạnh dạn áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Người nhắc nhở các đại biểu Quốc hội sau khi về địa phương cần đi sâu đi sát để đẩy mạnh hơn nữa phong trào cải tiến nông cụ thành phong trào rộng rãi của đông đảo bà con nông dân.

Cùng ngày, bài viết của Người nhan đề Mức độ chính xác ngày càng cao, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Quân đội nhân dân, số 762, nêu lên trình độ khoa học kỹ thuật của Liên Xô trong việc phóng tên lửa và kết luận: “Thời đại của chúng ta, quả là ngày nào cũng có những sự việc diệu kỳ đáng ghi nhớ”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu cho sáu cá nhân 11) đã có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất thực hành tiết kiệm.

- Báo Nhân dân, số 2311, ngày 17-7-1960.

- Báo Quân đội nhân dân, số 762, từ ngày 16 đến ngày 18-7-1960.

- Báo Nhân dân, số 2319, ngày 25-7-1960.

 

Tháng 7, ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi nghỉ tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.

9 giờ, Người tới Sầm Sơn và lên thẳng miếu Cô Tiên nghe trưởng đồn công an thị trấn Sầm Sơn báo cáo tình hình và nghỉ trưa tại đó.

13 giờ, Người làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, thăm hỏi tình hình đời sống nhân dân và cách làm kinh tế để khắc phục tình trạng đói nghèo ở Thanh Hóa.

Tối, Người nghỉ tại miếu Cô Tiên.

- Báo Thanh Hóa, số 3228, ngày 19-5-1993.

Tháng 7, trước ngày 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi huy hiệu của Người tặng các cụ kiều bào (từ 75 tuổi trở lên) ở Thái Lan mới về nước chuyến tàu thứ 12 ngày 9-7-1960 để chúc mừng tuổi thượng thọ của các cụ.

- Báo Nhân dân, số 2312, ngày 18-7-1960.

Tháng 7, ngày 18

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và nói chuyện với ngư dân xóm Vinh Sơn, xã Quảng Vinh huyện Quảng Xương12), thăm hỏi tình hình đời sống kinh tế của đồng bào.

Sau đó, Người tới thăm một gia đình ngư dân sống cạnh bãi biển Sầm Sơn và chụp ảnh chung với cháu bé trong gia đình.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nhà nghỉ của Tổng công đoàn và nói chuyện thân mật với nhân viên phục vụ ở đây. Sau đó, Người đi thăm Trại nuôi dưỡng thương binh, Trại an dưỡng của các cụ người miền Nam và lên núi thăm đơn vị bộ đội bảo vệ bờ biển13).

Tối, Người cùng với bộ đội và nhân dân xem phim rồi về nghỉ tại miếu Cô Tiên.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Nhà máy giúp đỡ nông thôn, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2312, nêu rõ việc liên kết giúp đỡ của các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp đối với sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng cả về mặt chính trị và kinh tế. Sau khi nêu lên cách thức giúp đỡ nông dân, chỉ rõ phải coi việc giúp đỡ đó không phải là việc ban ơn và phải thường xuyên, tác giả đề nghị nên vận động một phong trào rộng rãi trong nhà máy để giúp đỡ nông thôn và lưu ý rằng: “Về phía nông thôn thì tuyệt đối không nên có tâm lý ỷ lại, cái gì cũng chờ Chính phủ, hoặc các đoàn thể giúp”.

 - Báo Thanh Hóa, số 3228, ngày 19-5-1993.

 - Báo Nhân dân, số 2312, ngày 18-7-1960.

Tháng 7, ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và phát biểu tại Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ 6. Sau khi nêu lên vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch, Người nói rõ những biện pháp cần thực hiện để tiếp tục đẩy mạnh việc cải tiến quản lý xí nghiệp, phát huy sáng kiến của công nhân và nhấn mạnh các hình thức giúp đỡ nông dân, nông nghiệp để củng cố khối liên minh thực sự và toàn diện giữa công nhân và nông dân.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 178-182.

- Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Thanh Hóa: Thanh Hóa khắc sâu lời Bác, 1975, tr. 43-48.

Tháng 7, ngày 20

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 16/SL, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Viện sĩ Trưởng đoàn thám hiểm khoa học trong Ủy ban Vật lý địa cầu quốc tế của Ba Lan công tác tại Việt Nam vì những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện chương trình hợp tác khoa học giữa Việt Nam và Ba Lan.

- Bản gốc Sắc lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 7, ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ gửi điện tới các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Ba Lan chúc mừng Quốc khánh lần thứ 16 nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Đại hội Đảng toàn quân. Sau khi khen ngợi kết quả tốt đẹp của Đại hội, Người căn dặn các đại biểu nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, ý thức cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đối phó với những âm mưu, thủ đoạn mới của đế quốc Mỹ và kêu gọi toàn quân ra sức thi đua rèn luyện quân sự, giữ vững kỷ luật, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xứng đáng là một quân đội cách mạng.

Trước khi ra về, Người nhờ các đại biểu chuyển lời thăm hỏi của Trung ương Đảng và của Người tới cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị và đồng bào địa phương nơi đóng quân.

- Báo Nhân dân, số 2316, ngày 22-7-1960.

- Báo Quân đội nhân dân, số 765, ngày 23-7-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 183.

Tháng 7, ngày 24

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Tổng thống Ápđen Nátxe, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 8 ngày Cách mạng Ai Cập.

- Báo Nhân dân, số 2318, ngày 30-7-1960.

Tháng 7, ngày 25

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kiểm tra tình hình đê điều và công tác chuẩn bị phòng chống lũ lụt ở Bắc Ninh. Người đến xem xét các quãng đê quan trọng, các điếm canh đê và kè thuộc địa phận của địa phương phụ trách (đê xã Việt Thống và kè Thống Thượng, huyện Quế Võ).

Tối, tại thị xã Bắc Ninh, sau khi nghe Tỉnh ủy báo cáo tình hình chuẩn bị chống lụt, Người căn dặn cán bộ các ngành trong tỉnh phải tích cực động viên nhân dân tham gia, phải chuẩn bị chống giặc lụt như trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cần khắc phục tư tưởng chủ quan trong cán bộ, nhân dân, phải thường xuyên sẵn sàng đối phó kịp thời với bão lụt.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu cho đồng chí Đinh Công Hoan, Hiệu trưởng trường phổ thông cấp I xã Cộng Hòa, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) có thành tích trong phong trào trồng cây.

- Báo Nhân dân, số 2321, ngày 27-7-1960.

- Bác Hồ với Hà Tây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây, 2006, tr. 244.

Tháng 7, ngày 26

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Tên lửa sẽ là một phương tiện giao thông vận tải dân dụng, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Quân đội nhân dân, số 766, dự đoán khả năng sử dụng tên lửa trong kinh tế và đưa ra những thắng lợi của Liên Xô, thất bại của Mỹ trong lĩnh vực này.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Lệnh số 17/LCT, công bố Luật tổ chức Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Lệnh số 18/LCT, công bố Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Lệnh số 19/LCT, công bố Luật tổ chức Tòa án nhân dân.

- Lệnh số 20/LCT, công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

- Lệnh số 21/LCT, bổ nhiệm ông Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Bản gốc Lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

- Báo Quân đội nhân dân, số 766, ngày 26-7-1960.

Tháng 7, trước ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng:

- Một chiếc áo lụa cho linh mục Lâm Quang Học, xứ đạo Giáo Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định nhân dịp linh mục thọ 100 tuổi.

- Tám huy hiệu cho các cụ kiều bào (tuổi từ 75 trở lên) ở Thái Lan mới về nước để chúc mừng tuổi thượng thọ của các cụ.

- Báo Nhân dân, số 2322, ngày 28-7-1960.

Tháng 7, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi huy hiệu tặng cho 40 công nhân chín xí nghiệp ở Hải Phòng có thành tích trong lao động và cải tiến kỹ thuật.

- Báo Nhân dân, số 2342, ngày 17-8-1960.

Tháng 7, trước ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Tổng thống Habíp Buốcghiba, nhân dịp kỷ niệm lần thứ ba ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Tuynidi.

- Báo Nhân dân, số 2324, ngày 30-7-1960.

Tháng 7

Trên đường đi công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm Đoàn Phạm Minh Đức14) (Sư đoàn bộ binh 350) trong những ngày đầu khóa huấn luyện.

Người thân mật hỏi thăm tình hình mọi mặt của đơn vị và căn dặn mọi người phải “cố gắng tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống và giúp đỡ nhân dân”, đẩy mạnh phong trào thi đua “Ba nhất” trong đơn vị.

- Báo Quân đội nhân dân, số 770, ngày 4-7-1960.

Tháng 8, ngày 1

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc. Người khen ngợi những mặt tiến bộ của phụ nữ, trong đó có việc tham gia vào công tác chính quyền và căn dặn chị em cần phải học tập, rèn luyện nhiều hơn nữa để có đủ khả năng đảm trách và hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề hơn. Người phê phán tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn rơi rớt ở một số cán bộ, đảng viên và khuyên chị em phải bỏ hẳn tính tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình mà phấn đấu vươn lên. Người còn chỉ thị cho các cấp Đảng, chính quyền địa phương khi giao công tác cho phụ nữ phải căn cứ vào trình độ của từng người và cần phải tích cực giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn nữa.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 184-185.

- Báo Nhân dân, số 2327, ngày 2-8-1960.

Tháng 8, ngày 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trong Quốc hội khóa II đến dự Đại hội nhân dân Thủ đô và báo cáo về thắng lợi của Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II. Nói chuyện tại Đại hội, Người thay mặt nhân dân Thủ đô hoan nghênh kiều bào mới ở Thái Lan về nước và tặng hoa một cụ đại biểu kiều bào có mặt trong Đại hội. Sau đó, Người căn dặn đồng bào Thủ đô phải sửa chữa các nhược điểm trong cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp, trong cải tạo xã hội chủ nghĩa; cần phát triển nghề thủ công, cải tiến nông cụ, tổ chức tốt quản lý thị trường, tránh lãng phí gạo. Người nhấn mạnh tới công tác chống lụt, đẩy mạnh thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón một nhóm các cháu thiếu nhi ở sân sau Phủ Chủ tịch.

- Báo Nhân dân, số 2329, ngày 4-8-1960.

- Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội: Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Hà Nội, 1980, tr. 139.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 186-187.

- Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 350-352.

Tháng 8, trước ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thi đua luân lưu cho tỉnh Phú Thọ, vì những thành tích trong vụ sản xuất đông - xuân 1959-1960.

Trong ngày, Người gửi điện tới Hội nghị Quốc tế lần thứ 6 về chống bom nguyên tử, khinh khí và đòi giải trừ quân bị họp tại Tôkiô (Nhật Bản), chúc Hội nghị “thành công tốt đẹp và gửi đến nhân dân Nhật Bản lời chào anh em”.

- Báo Nhân dân, số 2331, ngày 6-8-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 188.

Tháng 8, ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề lương thực.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 22/LCT, truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho ông Phan Thao, nguyên Chi hội trưởng Chi hội văn nghệ Liên khu V, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên Việt Liên khu V, Chủ bút báo Thống Nhất, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam vì đã có nhiều công lao trong công tác báo chí từ thời kỳ hoạt động bí mật, trước khi khởi nghĩa, trong thời kỳ kháng chiến cho tới nay.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Bản gốc Lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 8, ngày 7

6 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi thăm và nghỉ ở Trung Quốc và Liên Xô.

11 giờ, Người tới Vũ Hán.

14 giờ, Người đi Bắc Đới Hà.

18 giờ, Người tới Bắc Đới Hà. Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ ra sân bay đón Người về nhà nghỉ.

 - Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 8

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đồng chí Dương Thượng Côn và bà Đặng Dĩnh Siêu.

10 giờ đến 12 giờ, Người tiếp Thủ tướng Chu Ân Lai tại nhà nghỉ và trao đổi một số vấn đề về quan hệ giữa hai nước.

16 giờ đến 19 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ tại nhà nghỉ.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra nghỉ ở biển.

8 giờ 30, Người đi thăm một số đồng chí lãnh đạo Trung Quốc.

10 giờ, Người gặp thân mật đồng chí Đặng Tiểu Bình và đồng chí Chu Ân Lai.

16 giờ, Người tiếp đồng chí Trần Canh.

22 giờ, Người tiếp đồng chí Dương Thượng Côn tại nhà nghỉ.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 10

6 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đi tắm biển với Chủ tịch Mao Trạch Đông sau đó về trao đổi một số công việc.

12 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón các cháu thiếu nhi Trung Quốc tới chào.

14 giờ, Người tiếp Thủ tướng Chu Ân Lai và đồng chí Vương Gia Tường.

15 giờ, Người ra sân bay về Bắc Kinh. Đồng chí Trần Nghị cùng đi với Người.

16 giờ, Người tới Bắc Kinh và nghỉ ở nhà nghỉ ngoại giao Điếu Ngư Đài.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 23/LCT, chấp nhận đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam của một công dân nguyên quốc tịch Trung Quốc.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản gốc Lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 8, ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm một số cơ sở nông nghiệp ở Bắc Kinh.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 12

10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sân bay đi Mátxcơva. Ra sân bay tiễn Người có đồng chí Chu Ân Lai và đồng chí Trần Nghị.

17 giờ 25, Người tới Mátxcơva, Liên Xô. Đồng chí Kusinhép và một số đồng chí lãnh đạo Liên xô đón Người tại sân bay.

Người nghỉ tại sân bay một tiếng và sau đó lên máy bay đi Crưm. Từ Crưm, Người đi ô tô đến Yanta.

24 giờ 30, Người tới Yanta và nghỉ ở lâu đài Alexanđơ 3.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 13

9 giờ 40, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô N. Khơrútsốp.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước gửi điện mừng ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2340, ngày 15-8-1960.

Tháng 8, ngày 14

16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi máy bay về Mátxcơva.

18 giờ, Người tới Mátxcơva và về nghỉ tại nhà nghỉ số 32, trên đồi Lênin, Mátxcơva.

 - Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 15

11 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô L. Bregiơnhép và đồng chí Xuxlốp.

16 giờ, Người đi thăm triển lãm của nước Cộng hòa nhân dân Hunggari tại Mátxcơva.

 17 giờ đến 22 giờ, Người làm việc với một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Liên Xô.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 16

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sứ quán nước ta tại Mátxcơva. Nói chuyện với cán bộ Sứ quán, Người thông báo một số tình hình trong nước và căn dặn mọi người phải cố gắng làm tốt công việc của mình để góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên Xô.

 - Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 8, trước ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Tổng thống nước Cộng hòa Inđônêxia A. Xucácnô, nhân dịp Quốc khánh lần thứ 15 nước Cộng hòa Inđônêxia.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 189.

Tháng 8, ngày 17

15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với đồng chí Võ Nguyên Giáp.

16 giờ đến 18 giờ, Người đi thăm thành phố Mátxcơva và chuẩn bị ra sân bay.

11 giờ 45, Người lên máy bay đi Bắc Kinh.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 18

Máy bay đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Irơcutxk, do thời tiết xấu nên nghỉ lại đây.

9 giờ, Người đến nhà nghỉ của Thành phố.

Chiều, Người đi thăm nhà máy thủy điện và đi chơi trên hồ Baican.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 19

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên máy bay đi Bắc Kinh.

11 giờ, Người tới Bắc Kinh. Thủ tướng Chu Ân Lai đón Người tại sân bay và đưa về nhà nghỉ.

14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ đi dự liên hoan ở Cung văn hóa Bắc Kinh.

18 giờ, Người đến thăm Đại sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh.

21 giờ, Người và các đồng chí trong đoàn đến gặp đồng chí Lưu Thiếu Kỳ.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Nhật ký công tác của đồng chí Vũ Kỳ.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 239.

Tháng 8, ngày 20

6 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sân bay Bắc Kinh về nước, cùng đi với Người có Thủ tướng Chu Ân Lai.

7 giờ, Người lên máy bay về nước. Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và Thủ tướng Chu Ân Lai tiễn Người tại sân bay.

11 giờ, máy bay chở Người đáp xuống nghỉ ở Vũ Hán.

15 giờ, Người về đến Hà Nội.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 22

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Rumani nhân dịp kỷ niệm lần thứ 16 ngày Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Rumani.

- Báo Nhân dân, số 2338, ngày 23-8-1960.

Tháng 8, ngày 24

17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ trình Quốc thư của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Hunggari tại Việt Nam.

Trong lời đáp tại buổi lễ, Người ca ngợi tình hữu nghị và sự hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Hunggari và tin tưởng rằng mối quan hệ thắm thiết ấy sẽ ngày càng củng cố và phát triển.

- Báo Nhân dân, số 2350, ngày 25-8-1960.

Tháng 8 ngày 25

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi huy hiệu tặng 10 cụ Việt kiều ở Thái Lan về nước chuyến thứ 15.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 8, ngày 30

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc của Thủ tướng Chính phủ chiêu đãi các chuyên gia nước ngoài đang công tác tại Việt Nam nhân dịp Quốc khánh nước ta.

- Báo Nhân dân, số 2357, ngày 1-9-1960.

Tháng 8, ngày 31

Nhân dịp đầu năm học 1960-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa, nêu rõ: “Văn hóa giáo dục là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà” và nhấn mạnh: “Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế. Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất”.

15 giờ 30, Người cùng các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quân đội đến đặt vòng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch.

Trong ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội tiếp các Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Ấn Độ, Inđônêxia nhân dịp các đoàn sang thăm và dự lễ Quốc khánh lần thứ 15 của Việt Nam.

Thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Người nhiệt liệt hoan nghênh các đoàn đại biểu đã nhiệt tình ủng hộ Việt Nam và mong rằng mối quan hệ tốt đẹp đó sẽ ngày càng gắn bó hơn. “Ở đây chúng ta là anh em, chị em một nhà. Chúng tôi mong các đồng chí xem ở đây như ở nhà”. Sau cùng, Người đọc tặng các đại biểu hai câu thơ:

Anh chị em đoàn kết một nhà

Ấy là tình nặng, ấy là nghĩa sâu”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội kiến với các thành viên Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc L‎ý Phú Xuân, Diệp Kiếm Anh, Liêu Thừa Chí sang dự Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam.

 Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự buổi họp mặt của Trung ương Đảng và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các đại biểu gia đình có công với cách mạng về Thủ đô dự lễ Quốc khánh.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 190-191.

- Báo Nhân dân, số 2357, ngày 1-9-1960 và số 2360, ngày 4-9-1960.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 147.

 

___________

1) Sau khi nhận được thư và quà của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình sản phụ rất cảm động đã gửi thư cảm ơn và kèm theo bức ảnh bốn cháu nhỏ đã mặc áo Người tặng sang tặng Người.

2) Nay là phường Nhật Tân, quận Tây Hồ.

3) Bức điện chúc thọ của Chủ tịch Mao Trạch Đông, Ủy viên trưởng Chu Đức và Thủ tướng Chu Ân Lai (viết ngày 18-5-1960). Bức điện gửi “Người sáng lập và lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc nhất của phong trào cộng sản quốc tế và người bạn thân thiết nhất của nhân dân Trung Quốc” có đoạn: “Mấy chục năm nay, với toàn bộ sức lực và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng phong phú, đồng chí đã chiến đấu dũng cảm kiên cường vì sự nghiệp giải phóng của nhân dân lao động Việt Nam, vì sự nghiệp hoà bình, thống nhất, độc lập của Việt Nam và đã giành được thắng lợi vĩ đại. Những cống hiến xuất sắc của đồng chí đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và với hoà bình thế giới, đã khiến đồng chí nhận được sự tôn kính không những của nhân dân Việt Nam mà cả của nhân dân Trung Quốc và các nước trên thế giới”.

4) Trong thời gian nghỉ ở Nam Ninh, từ ngày 18 đến ngày 20-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham quan, du lịch nhiều nơi: đi chơi thuyền trên sông Ung, thăm vườn trẻ, cửa hàng, sở doanh nghiệp, ngân hàng, sở nghiên cứu khoa học nông nghiệp... Chỗ nào Người cũng được mọi người đón tiếp nồng nhiệt, chân tình.

5) Malaixia.

6) Danh sách những cá nhân và đơn vị được khen thưởng:

- Cá nhân:

1. Anh Lê Văn Đay, phân đoàn trưởng phân đoàn Bắc Sơn, xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Hưng, Nam Định.

2. Chị Sắn Múi Mẩy (dân tộc Nhắng), đoàn viên xã Bản Vược, Bát Sát, Lào Cai.

3. Em Trần Roanh, 12 tuổi, thiếu niên tiền phong thôn Công Bình, Xã Bình Định, Kiến Xương, Thái Bình.

4. Cụ Đinh Văn Dân, xã viên Hợp tác xã Ngọc Lập, yên Lập, Phú Thọ.

- Đơn vị:

1. Chi đoàn thanh niên và nhân dân xã Đông Phong, huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình.

2. Chi đoàn thanh niên và nhân dân xã Minh Lăng, Thư Trì, Thái Bình.

7) Tiêu Tam là thành viên của Đoàn đại biểu các nhà văn Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Từ những năm 20 thế kỷ XX, Tiêu Tam là một trong năm thanh niên Trung Quốc được Người giới thiệu vào Đảng Cộng sản Pháp.

8) Chuyến tàu thứ 10 cập bến Hải Phòng ngày 9-6-1960.

9) - Ông Sự: Bí thư Đảng ủy xã Đông Phú, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ.

- Bà Nguyễn Thị Thái, xã viên Hợp tác xã Minh Tân, xã Hai Tùng, Hạ Hòa, Phú Thọ.

10) Các đơn vị được khen thưởng:

1- Đoàn Ca múa Trung ương.

2- Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị.

3- Hội Mỹ thuật Việt Nam.

11) Danh sách những cá nhân được tặng thưởng:

1- Lê Thị Hoa, công nhân Nhà máy cơ khí Gia Lâm, Hà Nội.

2- Đặng Văn Phúc, công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội.

3- Vũ Đình Chắt, chiến sĩ Đơn vị Quyết Thắng (quân đội).

4- Đinh Công Hoan, Hiệu trưởng Trường phổ thông cấp I, xã Cộng Hòa, Quốc Oai (nay thuộc Hà Nội).

5-Đinh Công Phả, xã viên Hợp tác xã thủ công nghiệp Dũng Tiến.

6- Nguyễn Đình Hiếu, học sinh cấp II, xã Thanh Tùng, Thanh Miện, Hải Dương.

12) Nay là xóm Vinh Sơn, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa.

13) Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 57.

14) Phạm Minh Đức - chiến sĩ Sư đoàn bộ binh 350 đã anh dũng hy sinh trong khi giúp dân chống lụt ở Hải Phòng (tháng 9-1955), được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân. 

* Năm 1960 - Từ tháng 9 đến tháng 12

Tháng 9, ngày 1

Sáng, tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ kỷ niệm lần thứ 15 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đọc diễn văn bế mạc, trong đó có đoạn: “Trong lúc chúc mừng ngày Quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm. Chúng ta gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và hứa với đồng bào rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh thì Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc - Nam sẽ sum họp một nhà”.

Ngay sau buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Lệnh số 24/LCT, công bố Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (số 4 - NQ/TVQH, ngày 29-8-1960) về việc đặc xá cho phạm nhân, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Lệnh số 25/LCT, công bố Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (số 6 - NQ/TVQH, ngày 29-8-1960) về việc tặng thưởng Huân chương và Huy chương nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cùng ngày, Người ủy nhiệm cho lãnh đạo thành phố Hải Phòng tiếp nhận chiếc tàu du lịch do Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Quảng Đông (Trung Quốc) Đào Chú và Chủ tịch tỉnh Trần Úc gửi tặng Người.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 192-193.

- Báo Nhân dân, số 2358, ngày 2-9-1960.

- Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 353.

- Bản gốc Lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 147.

Tháng 9, ngày 2

6 giờ, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ mít tinh và diễu hành kỷ niệm lần thứ 15 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau khi duyệt các đơn vị lực lượng vũ trang, các đoàn thể quần chúng diễu hành, Người kêu gọi: “Đồng bào hãy thi đua học tập, công tác, lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm”...

Sau buổi mít tinh, Người chụp ảnh kỷ niệm cùng các đoàn đại biểu các nước sang dự Quốc khánh nước ta.

- Báo Nhân dân, số 2359, ngày 3-9-1960.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 3

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đại biểu các dân tộc ít người về dự lễ kỷ niệm lần thứ 15 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Tối, Người cùng các Trưởng đoàn đại biểu các Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng tham dự dạ hội thanh niên tại vườn Bách Thảo do Đoàn Thanh niên Hà Nội tổ chức chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.

Người ân cần thăm hỏi các diễn viên, nhạc công, rồi bước lên sân khấu. Người đề nghị chuyển cho Người chiếc “đũa” chỉ huy của nhạc trưởng rồi nói:

“Trước khi các đại biểu ra về, chúng ta hãy cùng các vị hát bài Kết đoàn”.

Người giơ cao chiếc đũa bắt nhịp cho dàn đồng ca trên một ngàn thanh niên.

- Báo Nhân dân, số 2361, ngày 5-9-1960.

- Báo Quân đội nhân dân, số đặc biệt, ngày 19-5-1985, tr. 28.

Tháng 9, đầu tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và nói chuyện với các đồng chí trong Đoàn đại biểu Liên khu V ra Hà Nội chuẩn bị dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.

- Những lần gặp Bác, Nxb. Đà Nẵng, 1985, tr. 10.

Tháng 9, đầu tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đơn vị công an vũ trang nhân dân làm nhiệm vụ bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.

Khi thấy gian phòng để vũ khí mở cửa, Người phê bình:

- Các chú để súng trong nhà mà không đóng cửa là mất cảnh giác.

-  Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng: Chiến sĩ biên phòng, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng xuất bản, Hà Nội, 1984, tr. 667.

Tháng 9, ngày 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Chủ tịch đoàn và đọc diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam22. Sau lời chào mừng các đại biểu và tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc trong 30 năm qua, nêu bật những thắng lợi lịch sử của nhân dân ta từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Người chỉ rõ: “Lịch sử ba mươi năm đấu tranh của Đảng đã dạy chúng ta rằng:

“Thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp vô sản và của dân tộc; giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng và sự đoàn kết nhất trí giữa các Đảng Cộng sản, giữa các nước trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa, đó là cái bảo đảm chắc chắn nhất cho cách mạng thắng lợi.

Từ trước tới nay, Đảng ta đã làm đúng như thế. Từ nay về sau, Đảng ta nhất định sẽ làm đúng như thế”.

Người đề cập tới chiến lược chung của các Đảng Cộng sản và các nước xã hội chủ nghĩa nhằm ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ hòa bình, giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc và nhấn mạnh “... sự đoàn kết giữa lực lượng các nước xã hội chủ nghĩa và sự đoàn kết nhất trí giữa các Đảng Cộng sản và Công nhân tất cả các nước có ý nghĩa quan trọng bậc nhất”.

Về Đảng, Người khẳng định: “Từ trước tới nay, Đảng ta đã cố gắng liên hệ chặt chẽ chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tế cách mạng Việt Nam. Cán bộ và đảng viên ta nói chung đều có phẩm chất cách mạng tốt đẹp. Nhưng chúng ta còn nhiều khuyết điểm như: bệnh chủ quan, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa kinh nghiệm, tác phong quan liêu, chủ nghĩa cá nhân... Những khuyết điểm ấy ngăn trở sự tiến bộ của các đồng chí chúng ta”. Người chỉ ra các biện pháp sửa chữa các khuyết điểm đó nhằm tăng cường sức mạnh và sự đoàn kết của Đảng. Cuối cùng, Người kêu gọi toàn Đảng đoàn kết hơn nữa, động viên mạnh mẽ hơn nữa nhân dân cả nước đấu tranh thực hiện mục tiêu vĩ đại trước mắt là:

“Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”.

Khi các cháu thiếu nhi đến chào mừng Đại hội, Người thay mặt Đại hội căn dặn các cháu “đoàn kết hơn nữa, giữ gìn kỷ luật hơn nữa, cố gắng học tập, cố gắng lao động hơn nữa để sau này trở nên những người xã hội chủ nghĩa”.

19 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 194-203.

- Báo Nhân dân, số 2362, ngày 6-9 -1960 và số 2391, ngày 5-10-1960.

- Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 353.

Tháng 9, ngày 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, nghe báo cáo về sửa đổi Điều lệ Đảng và lời chúc mừng của các đoàn đại biểu các đảng anh em.

Tối, Người gặp gỡ và cảm ơn các đoàn đại biểu các đảng đã tham dự Đại hội.

- Báo Nhân dân, số 2363, ngày 7-9-1960.

- Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 353.

Tháng 9, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, nghe các đoàn đại biểu Đảng các địa phương tham luận về bản Báo cáo Chính trị, Báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng và Báo cáo bổ sung Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất...

- Báo Nhân dân, số 2364, ngày 8-9-1960.

Tháng 9, ngày 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, nghe 17 tham luận của các địa phương góp ý vào bản Báo cáo chính trị của Đảng.

Sau khi nghe bản tham luận về công tác thanh niên, Người đề nghị Đại hội khen ngợi thanh niên và mong “Thế hệ trẻ Việt Nam sẽ cố gắng hơn nữa để làm trọn nhiệm vụ của Đảng giao cho”.

Cùng ngày, Người cùng các vị lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận đến đặt vòng hoa viếng Chủ tịch Vinhem Pích (Wilhelm Pieck) tại Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Đức ở Việt Nam và gửi điện tới đồng chí Vante Unbơrích chia buồn về việc Chủ tịch Vinhem Pích từ trần. Bức điện có đoạn: “Đối với tôi, đồng chí Vinhem Pích là một đồng chí tiền bối, một trong những người anh em yêu mến trong đại gia đình những người cộng sản quốc tế. Tôi rất đau đớn và thương tiếc khi được tin đồng chí Vinhem Pích đã qua đời”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước gửi điện mừng đến những người đứng đầu Đảng và Nhà nước Bungari nhân dịp kỷ niệm lần thứ 16 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Bungari.

Trong ngày, Người gửi Cục Chuyên gia 100 huy hiệu của Người để tặng cho các chuyên gia nước ngoài đang công tác tại Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 2365, ngày 9-9-1960.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng nghe tham luận của các đảng anh em.

- Báo Nhân dân, số 2366, ngày 10-9-1960.

Tháng 9, ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự phiên họp bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. Người được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được bầu lại chức Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam.

Sau khi Đại hội thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ và đường lối của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới, Người đã đọc diễn văn bế mạc. Khẳng định thành công to lớn của Đại hội là đề ra được đường lối của thời kỳ qua độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đường lối đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, Người nêu rõ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng sẽ là nguồn ánh sáng mới, nguồn lực lượng mới để toàn Đảng, toàn dân hoàn thành nhiệm vụ lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới và kêu gọi các đảng viên, các chi bộ, các cấp ủy phát huy sự lãnh đạo của Đảng và tinh thần gương mẫu để thúc đẩy phong trào cách mạng sôi nổi tiến lên. Người kết luận: “Toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ thành một khối khổng lồ. Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên. Quyết không có lực lượng nào ngăn được chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Chiều, Chủ tịch dự lễ nhận Huân chương Xukhê Bato của Nhà nước Mông Cổ trao tặng nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Người.

Thay mặt Trung ương Đảng, Người cảm ơn các đoàn đại biểu chính phủ, các đảng anh em đến dự Quốc khánh và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam và đã góp phần cho thành công của Đại hội.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chiêu đãi các đoàn đại biểu các đảng anh em đến dự lễ Quốc khánh của nước ta.

- Báo Nhân dân, số 2367, ngày 11-9-1960 và số 2368, ngày 12-9-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 204-206.

Tháng 9, ngày 11

Trưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự tiệc từ biệt do Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Trung Quốc, gồm các ông Lý Phú Xuân, Diệp Kiếm Anh, Liêu Thừa Chí sang dự lễ Quốc khánh và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, tổ chức tại Đại sứ quán Trung Quốc.

Trong bữa tiệc, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh đã đọc bài thơ của ông viết tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cám ơn về sự quan tâm chu đáo của Đảng và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là của Chủ tịch, và đã chép tặng bốn bài thơ 1) của ông làm trong thời gian sang thăm Việt Nam để Người “chỉ giáo”.

Tối, tại sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tinh của trên ba vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam.

Phát biểu với đồng bào, Người cảm ơn nhân dân Thủ đô đã tổ chức mít tinh mừng thành công của Đại hội và nhiệt liệt hoan nghênh các đoàn đại biểu các đảng anh em đã sang dự Đại hội.

Cuối buổi mít tinh, Người bước tới máy phóng thanh cùng cả biển người hát bài Quốc tế ca.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 196-197 (bản Trung văn).

- Báo Nhân dân, số 2368, ngày 12-9-1960.

Tháng 9 ngày 12

Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc sang dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam khi Đoàn vào thăm nơi ở và làm việc của Người.

- Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 9 ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Điện thăm hỏi tới Chủ tịch N. Khơrútsốp nhân dịp Chủ tịch đi thăm và hội đàm với các nguyên thủ quốc gia một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

- Bản gốc bức điện, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

- Báo Nhân dân, số 2372, ngày 16-9-1960.

Tháng 9 ngày 14

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng ông Vante Unbơrich, nhân dịp ông được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Dân chủ Đức.

    - Báo Nhân dân, số 2371, ngày 15-9-1960.

Tháng 9, ngày 15

16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sân bay Gia Lâm đón Tổng thống Xêcu Turê và Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Ghinê sang thăm chính thức Việt Nam.

16 giờ 30, Người ra tận cầu thang máy bay đón Tổng thống Xêcu Turê. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch hướng dẫn Tổng thống Xêcu Turê đi duyệt đội danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam, đi chào các đại biểu ra đón.

Đọc lời chào mừng Tổng thống Xêcu Turê và các vị trong Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Ghinê, Chủ tịch nhắc lại truyền thống đoàn kết đấu tranh chống thực dân, giành độc lập tự do cho Tổ quốc của nhân dân hai nước đã có từ cách đây 40 năm. Đề cập tới tình hữu nghị giữa hai dân tộc, Người đọc hai câu thơ:

Bây giờ mới gặp nhau đây,

Mà lòng đã nhắc những ngày thanh niên.

Sau khi lễ đón tiếp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Xêcu Turê lên xe mui trần về Phủ Chủ tịch.

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật Tổng thống Xêcu Turê và Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Ghinê tới thăm Người.

18 giờ, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cơm thân mật Tổng thống Xêcu Turê và Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Ghinê. Trong bữa cơm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc sức khỏe Tổng thống và Đoàn đại biểu, chúc tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước ngày càng phát triển và củng cố.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.209-210.

- Báo Nhân dân, số 2372, ngày 16-9-1960.

Tháng 9, ngày 16

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đi với Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Ghinê đến đặt vòng hoa tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội).

9 giờ 15, tại Phủ Chủ tịch, Người dự cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam với Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Ghinê.

18 giờ, Chủ tịch cùng Tổng thống và Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Ghinê tiếp các cháu thiếu nhi Hà Nội đến tặng hoa và chúc sức khỏe Người và các vị khách quý Ghinê.

Tối, Người dự tiệc chiêu đãi trọng thể do Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức để chào mừng Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Ghinê.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 27/LCT, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba cho các đơn vị Tổng cục Đường sắt đã hoàn thành kế hoạch xây dựng đường sắt Đông Anh - Thái Nguyên trước thời hạn.

- Báo Nhân dân, số 2373, ngày 17-9-1960.

- Bản gốc Lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 9, ngày 17

6 giờ, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô chào mừng Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Ghinê.

Phát biểu tại cuộc mít tinh, Người bày tỏ sự vui mừng của nhân dân Việt Nam được đón tiếp các vị khách quý Ghinê và đề nghị Tổng thống Xêcu Turê cho phép những cháu thiếu nhi ngoan nhất của Việt Nam sẽ được mang tên Xêcu Turê theo phong tục của nhân dân Ghinê.

9 giờ 30, Người cùng Tổng thống Xêcu Turê đi thăm triển lãm “15 năm thành tựu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

19 giờ, tại Phủ Chủ tịch, Người ký Tuyên bố chung Việt Nam - Ghinê nhân chuyến đi thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Xêcu Turê. Sau đó, Chủ tịch mời Đoàn dự bữa cơm thân mật trước khi Đoàn lên đường về nước.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 26/LCT, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đoàn Văn hóa và hữu nghị Liên bang Miến Điện sang biểu diễn tại Việt Nam đã góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Miến Điện.

- Báo Nhân dân, số 2374, ngày18-9-1960.

- Bản gốc Lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 9, ngày 18

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Nhà nước tiễn Tổng thống Xêcu Turê và Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Ghinê ra sân bay Gia Lâm lên đường về nước.

Tại sân bay, sau khi hướng dẫn Tổng thống Xêcu Turê và các vị khách quý Ghinê đi chào các đại biểu ra tiễn, Người đọc lời từ biệt bày tỏ sự lưu luyến của nhân dân Việt Nam đối với các vị khách quý Ghinê và tin tưởng rằng: “Cuộc đi thăm của Tổng thống là một cống hiến to lớn cho việc phát triển tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta, sự nghiệp đoàn kết nhân dân các nước Á - Phi và việc bảo vệ hòa bình thế giới”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi thành tích học tập và lao động của bà Vương Khiết Trân, công nhân Hoa kiều ở Hải Phòng, tuy đã ngoài sáu mươi vẫn chịu khó học tập, từ một công nhân mù chữ đã đọc được Trung văn lại học thêm Việt văn nữa.

- Báo Nhân dân, số 2375, ngày 19-9-1960.

- Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1987, tr. 213 (bản Trung văn).

- Báo Nhân dân, số 2391, ngày 5-10-1960.

Tháng 9, ngày 19

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ tư.

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận chiếc xe hơi do Chính phủ Ba Lan tặng nhân dịp Người 70 tuổi.

- Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987, tr. 309.

- Báo Nhân dân, số 2379, ngày 23-9-1960.

Tháng 9, ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

Lệnh số 28/LCT, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng bào, cán bộ các tỉnh, huyện, xã và cá nhân đạt nhiều thành tích trong phong trào bổ túc văn hóa năm 19592).

- Lệnh số 29/LCT, tặng thưởng Huân chương Lao động cho các nông trường quốc doanh và tập đoàn sản xuất miền Nam đạt nhiều thành tích trong phong trào thi đua thực hiện Kế hoạch Nhà nước năm 1959 3).

- Lệnh số 30/LCT, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Thông tấn xã Việt Nam và Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam.

- Bản gốc Lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 9, trước ngày 24

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Thủ tướng Phera Ápba nhân kỷ niệm hai năm ngày thành lập nước Cộng hòa Angiêri.

- Báo Nhân dân, số 2380, ngày 24-9-1960.

Tháng 9, ngày 25

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm “Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1960”. Người đi xem các phòng trưng bày. Sau đó, Người sang thăm Trường Mỹ thuật và nói chuyện với cán bộ, công nhân viên và sinh viên của Trường.

Trong ngày, Người gửi huy hiệu tặng bảy cụ Việt kiều (từ 75 tuổi trở lên) ở Thái Lan về nước chuyến tàu thứ 17 ngày 23-9-1960 chúc mừng tuổi thượng thọ của các cụ.

- Báo Nhân dân, số 2384, ngày 28-9-1960.

- Báo Nhân dân, số 2387, ngày 1-10-1960.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 9, ngày 26

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mấy lời thành thật ngỏ cùng Tổng Ai, ký bút danh L.T, đăng báo Nhân dân, số 2382.

Bằng những dẫn chứng cụ thể, bài báo vạch trần sự lừa bịp của Tổng thống Mỹ vừa rêu rao hòa bình, công lý, vừa khiêu khích các nước xã hội chủ nghĩa và cung cấp tiền bạc, vũ khí, gây phản loạn ở nhiều nơi trên thế giới.

- Báo Nhân dân, số 2382, ngày 26-9-1960.

Tháng 9, trước ngày 27

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng gửi điện mừng tới các vị Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Dân chủ Đức.

- Báo Nhân dân, số 2383, ngày 27-9-1960.

Tháng 9, ngày 28

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Hoan hô đồng chí Khơrútsốp, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2384, hoan nghênh bài phát biểu của N. Khơrútsốp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc thủ tiêu vĩnh viễn chế độ thực dân, giải trừ quân bị triệt để nhằm loại trừ chiến tranh thế giới và việc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa phải được vào Liên Hợp Quốc.

- Báo Nhân dân, số 2384, ngày 28-9-1960.

 Tháng 9, ngày 29

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chúng ta hăng hái tiến lên!, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân dân, số 2385.

Bằng những số liệu cụ thể về thành tích của các tập thể, cá nhân tiên tiến đã đạt được trong thời gian qua, bài viết biểu dương khí thế lao động sản xuất của nhân dân ta từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng trên các mặt nông nghiệp, công nghiệp, quản lý, v.v..

Tác giả tin tưởng rằng: “Với niềm phấn khởi của toàn Đảng và toàn dân, chúng ta quyết hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch ba năm và chuẩn bị tốt để tiến sang kế hoạch năm năm mà Đại hội Đảng đã đề ra”.

- Báo Nhân dân, số 2385, ngày 29-9-1960.

Tháng 9, cuối tháng

Nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1-10), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho Nhân dân tám chữ Hán: “Việt - Trung hữu nghị, vạn cổ trường thanh” 4).

- Báo Nhân dân, số 2387, ngày 1-10-1960.

Tháng 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi Sở Công an Hà Nội đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ trị an, bảo đảm an toàn về mọi mặt, góp phần xây dựng không khí hào hứng, phấn khởi trong nhân dân, lập thành tích chào mừng kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng, lần thứ 15 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.

- Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội, Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1980, tr. 140.

Tháng 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng Quốc trưởng nước Cộng hòa Mali Môđibô Câyta, nhân dịp nước Cộng hòa Mali tuyên bố độc lập.

- Báo Nhân dân, số 2387, ngày 1-10 -1960.

Tháng 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư trả lời đồng chí Đào Chú, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, đồng chí Trần Úc, Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

- Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 241.

Tháng 10, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm lần thứ 11 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp Đại sứ Gôpala Mơnông, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế tại Việt Nam tới yết kiến.

Sau đó, Người cùng các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đi Hải Phòng cùng nhân dân đón 922 kiều bào ở Thái Lan về nước. Nói chuyện với kiều bào, Người hoan nghênh kiều bào trở về Tổ quốc xây dựng đất nước; cám ơn sự giúp đỡ của nhân dân Thái Lan, Hội hồng thập tự quốc tế, tàu Anh Túc và nhắc nhở cán bộ, nhân dân các địa phương có kiều bào đến, phải hết lòng hết sức giúp đỡ đồng bào nhanh chóng ổn định đời sống.

Tối, Chủ tịch đến Đại sứ quán Trung Quốc dự tiệc chiêu đãi nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Cùng ngày, bài viết của Người: Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2387, ca ngợi truyền thống yêu nước vẻ vang của phụ lão Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến trước đây cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay và tặng các cụ bốn câu thơ:

 "Càng già càng dẻo lại càng dai,

 Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai.

 Đôn đốc con em làm nhiệm vụ,

 Vuốt râu mừng xã hội tương lai".

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi:

 - Thư cho cán bộ nông trường, nêu rõ tầm quan trọng của nông nghiệp nói chung và nông trường quốc doanh nói riêng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và căn dặn những việc cần phải nắm vững để xây dựng nông trường quốc doanh thắng lợi.

- Điện mừng nhân dịp nước Cộng hòa Mali và Liên bang Nigiêria tuyên bố độc lập.

- Báo Nhân dân, số 2387, ngày 1-10 -1960, số 2388, ngày 2-10-1960 và số 2389, ngày 3-10 -1960.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng, Nxb. Hải Phòng, 1985, tr. 168.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 213-216.

Tháng 10, trước ngày 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 2 ngày thành lập nước Cộng hòa Ghinê.

- Báo Nhân dân, số 2388, ngày 2-10-1960.

Tháng 10, ngày 2

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai mạc Đại hội bơi lội thiếu niên toàn miền Bắc tổ chức tại bể bơi Ba Đình, Hà Nội.

- Báo Nhân dân, số 2389, ngày 3-10-1960.

Tháng 10, ngày 3

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm các lớp bổ túc văn hóa tại hai trường Trần Nhật Duật và Yên Thành (Hà Nội). Người thăm hỏi tình hình học tập của học sinh, nhắc nhở anh chị em giáo viên phải thường xuyên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy để nâng cao chất lượng bài giảng và căn dặn cán bộ lãnh đạo nhà trường phải năng đi sát các lớp học để giúp cho việc dạy và học ngày một tốt hơn.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một thắng lợi vẻ vang, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2389. Bài báo khen ngợi phong trào xóa nạn mù chữ của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng “là một thắng lợi vẻ vang, nó góp phần vào thắng lợi chung về Cách mạng văn hóa của nhân dân ta”. Qua các số liệu thống kê về số lượng học sinh, số trường học để nêu lên sự phát triển nhanh chóng về giáo dục của chế độ ta, tác giả khẳng định: "Về mặt văn hóa, thì dù ai mù quáng đến mấy cũng phải thấy rằng chế độ xã hội chủ nghĩa của ta đã thắng lợi vẻ vang".

Trong ngày, Người gửi huy hiệu tặng hai cụ Việt kiều (từ 75 tuổi trở lên) ở Thái Lan về nước chuyến tàu thứ 18.

-  Báo Nhân dân, số 2389, ngày 3-10-1960 và số 2391, ngày 5-10-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 217-218.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, trước ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Tổng thống Lêôpôn Xêđa Xengo nhân dịp nước Cộng hòa Xênêgan tuyên bố độc lập.

- Báo Nhân dân, số 2390, ngày 4-10-1960.

Tháng 10, ngày 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm và nghỉ ở một số tỉnh và thành phố Trung Quốc từ ngày 4-10 đến 14-10-1960.

7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi Nam Ninh bằng máy bay và sau đó đi Trạm Giang.

14 giờ, Người đi thăm nông trường thí nghiệm trồng cây nhiệt đới của Nam Ninh và thăm hồ Núi Lửa.

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trung thu sẽ sáng cả hai miền..., ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Quân đội nhân dân, số 796. Tác giả cho rằng “Trăng thu đẹp quá nhưng chưa sáng cả hai miền vì thiếu nhi miền Nam đang phải sống dưới ách thống trị tàn bạo của Mỹ - Diệm” và khẳng định: “Chúng nó không thể mãi mãi cướp đoạt ánh trăng thu của các bạn thiếu nhi miền Nam đâu. Nhân dân Việt Nam sẽ quật đổ chúng xuống, cho trăng thu sáng cả hai miền, cho thiếu nhi Nam - Bắc cùng ca một bài, cùng nhảy một điệu, cùng nối vai nhau hát “Kết đoàn”, múa rồng rắn, một đoàn múa khổng lồ dài suốt từ Bắc vào Nam”.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Quân đội nhân dân, số 796, từ ngày 4 đến ngày 5-10-1960.

Tháng 10, ngày 5

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Trạm Giang đi máy bay ra thăm đảo Hải Nam.

15 giờ, Người đi thăm đảo Quỳnh, lầu Hải Nam, công viên nhân dân Hải Khẩu, cảng Hải Khẩu...

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nói chuyện Trung thu với các em nhi đồng, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2391, ca ngợi Liên Xô đã đưa được Quốc huy lên mặt trăng, đồng thời khen ngợi những cố gắng của thiếu nhi Việt Nam trong xây dựng đất nước và mong rằng: “Các em sẽ cố gắng về mọi mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2391, ngày 5-l0-1960.

Tháng 10 ngày 6

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Nata cách Hải Khẩu 120km.

15 giờ, Người đến thăm Trạm nghiên cứu trồng cây nhiệt đới ở Nata.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, trước ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Đức, nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh lần thứ 11 của nước Cộng hòa Dân chủ Đức.

- Báo Nhân dân, số 2393, ngày 7-10-1960.

Tháng 10, ngày 7

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông trường quốc doanh Hồng Quang.

19 giờ 30, Người xem thiếu niên Hải Nam biểu diễn văn nghệ.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 8

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hải Khẩu đáp máy bay đi Dư Lâm (nam Hải Nam).

16 giờ 30, Người đi thăm Công xã dân tộc Lê ở ven biển.

19 giờ 30, Người xem văn công Hải quân Trung Quốc biểu diễn chào mừng.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Đại hội sinh viên Quốc tế lần thứ 6 tại Bátđa (Irắc).

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2400, ngày 14-10-1960.

Tháng 10 ngày 9

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc ra biển thăm hải quân - Hải quân Trung Quốc duyệt binh đón Người. Lúc trở về, Người thăm pháo đài bảo vệ bờ biển.

10 giờ, Người về nhà nghỉ.

9 giờ 30, Người xem văn công quân đội Trung Quốc biểu diễn.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được tin báo cáo về tình hình bão lũ ở Hà Tĩnh và Vĩnh Linh, Người cho ý kiến bớt chương trình đi thăm Quảng Châu để về nước sớm.

 - Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10 ngày 10

7 giờ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số đồng chí lãnh đạo Trung Quốc tới thăm nông trường Hương Long trồng cây nhiệt đới như cà phê, ca cao, hạt tiêu, sau đó thăm nông trường trồng cây cao su.

14 giờ, Người về nhà nghỉ.

 - Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, trước ngày 11

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thi đua luân lưu cho tỉnh Hải Dương về thành tích làm thủy lợi phục vụ sản xuất.

- Báo Nhân dân, số 2397, ngày 11-10-1960.

Tháng 10, ngày 11

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm một làng người dân tộc Lê ở ven biển Hải Nam. Người tới thăm một số gia đình người Lê ở đây.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ tại Dư Lâm vì có bão máy bay không tới đón được.

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng dừa ở Dư Lâm.

16 giờ, Người đi thăm cửa hàng bách hoá và cửa hàng bán hải sản.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10 ngày 13

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi máy bay về Quảng Châu (Trung Quốc).

2 giờ, Người tới Quảng Châu.

16 giờ, Người đến thăm núi Hoàng Hoa Cương, thăm mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái.

18 giờ 20, Người gặp và làm việc với đồng chí Trần Nghị.

20 giờ, Người xem một bộ phim Hồng Kông.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Nhật ký công tác của đồng chí Vũ Kỳ.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 243.

Tháng 10, ngày 14

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm đảo thể thao thuộc tỉnh Quảng Đông.

11 giờ, Người làm việc với đồng chí Trần Nghị.

12 giờ, theo lời mời của Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Đào Chú, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới nhà riêng đồng chí Đào Chú dự bữa cơm thân mật cùng gia đình đồng chí Đào Chú.

16 giờ, Người và các đồng chí cùng đi lên máy bay về Việt Nam, kết thúc chuyến thăm và nghỉ 10 ngày tại các tỉnh Quảng Tây, Hải Nam và Quảng Đông ở Trung Quốc.

 - Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 10, ngày 17

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi năm huy hiệu tặng các cụ kiều bào (từ 75 tuổi trở lên) ở Thái Lan mới về nước chuyến tàu thứ 19 ngày 14-10-1960.

- Báo Nhân dân, số 2406, ngày 20-10-1960.

Tháng 10, ngày 20

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lớp Đại học tại chức của công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội. Người hỏi thăm các cán bộ giảng dạy về chương trình học tập của học viên, góp một số ý kiến về việc tổ chức lớp học và nói chuyện với anh chị em học viên. Sau đó, Người gửi 10 huy hiệu để làm giải thưởng cho những anh chị em có thành tích trong phong trào học bổ túc văn hoá.

Cùng ngày, bài viết của Người: Cần đẩy mạnh giáo dục chủ nghĩa xã hội khắp nông thôn, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2406. Tác giả chỉ rõ: sau khi căn bản làm xong việc hợp tác hoá ở nông thôn, “cần phải đẩy mạnh việc giáo dục chủ nghĩa xã hội cho mọi cán bộ, đoàn viên thanh niên và xã viên hợp tác xã” vì ở nông thôn vẫn còn nhiều tư tưởng hạn chế do hậu quả của chế độ cũ để lại và cho rằng “Đó là cái “cẩm nang” để vượt qua mọi khó khăn và hoàn thành mọi kế hoạch”.

- Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội: Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 1980, tr. 142.

- Thành ủy Hà Nội - Ban Tuyên giáo: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội - Biên niên sự kiện (1945-1969), Nxb. Hà Nội, 2000, tr. 240-241.

- Báo Nhân dân, số 2406, ngày 20-10-1960.

Tháng 10, ngày 21

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe ông Hoàng Anh báo cáo về việc đi thăm Liên Xô và Trung Quốc.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 10, trước ngày 23

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới nhà vua Yêmen, nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh Yêmen. “Kính chúc nhân dân Yêmen thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống đế quốc để bảo vệ quyền độc lập của Tổ quốc, để xây dựng đất nước phồn vinh của mình và góp phần giữ gìn hòa bình ở Trung, Cận Đông và thế giới”.

- Báo Nhân dân, số 2409, ngày 23-10-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 224.

Tháng 10, ngày 23

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải thật sự tôn trọng quyền lợi của phụ nữ, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2409, phê phán tư tưởng phong kiến lạc hậu, các hành động thô bạo đối xử bất bình đẳng với phụ nữ, cũng như hiện tượng tảo hôn ở một số địa phương là thiếu văn minh, vi phạm pháp luật, đồng thời chỉ ra những biện pháp khắc phục tình trạng đó và lưu ý các cơ quan pháp luật cần xử lý kiên quyết những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật.

- Báo Nhân dân, số 2409, ngày 23-10-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 225-227.

Tháng 10, ngày 25

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỹ lại tự gỡ mặt nạ, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2411, lên án nhà cầm quyền Mỹ, đối nội thì phân biệt chủng tộc, đối ngoại thì can thiệp, lừa bịp các dân tộc khác và kết luận: “Chung quy dù thế nào, đế quốc Mỹ nhất định sẽ thất bại, các nước đang bị Mỹ lừa bịp và can thiệp nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng”.

- Báo Nhân dân, số 2411, ngày 25-10-1960.

Tháng 10, ngày 27

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một lời nói, một khối vàng, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2413. Bài viết giới thiệu nội dung cơ bản tuyên bố của Liên Xô tại Hội đồng Liên Hợp quốc, đánh giá cao đề nghị của Liên Xô về giải trừ quân bị triệt để trên thế giới, xoá bỏ tận gốc chủ nghĩa thực dân và cho rằng với đà phát triển của chủ nghĩa xã hội và các lực lượng hòa bình trên thế giới, đề nghị đó nhất định sẽ được thực hiện.

- Báo Nhân dân, số 2413, ngày 27-10-1960.

Tháng 10, ngày 28

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Lệnh số 31/LCT, truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho chuyên gia Triều Tiên Toàn Ân Huyền công tác tại Việt Nam.

- Lệnh số 32/LCT, tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và Huân chương Kháng chiến hạng Ba cho các gia đình có đông con tòng quân 5).

- Bản gốc Lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 10, ngày 29

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bọn đế quốc theo đà xuống dốc, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2415. Dẫn tin của các báo chí Mỹ, Pháp, tác giả nêu lên sự khủng hoảng và mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản thế giới trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế và chỉ rõ sự suy yếu của chủ nghĩa đế quốc.

- Báo Nhân dân, số 2415, ngày 29-10-1960.

Tháng 10, ngày 31

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Tổng Liên đoàn lao động Camơrun nhân chuyến sang thăm Việt Nam đã đến chào Người.

- Báo Nhân dân, số 2419, ngày 2-11-1960.

Tháng 10, cuối tháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Văn hóa quân đội ở Lạng Sơn. Tại đây, Người tới thăm và nói chuyện với lớp học bổ túc văn hóa cho các anh hùng, cán bộ nước bạn, các học viên chuẩn bị ra nước ngoài học kỹ thuật quân sự hiện đại.

- Bộ Tư lệnh phòng không: Nguồn sức mạnh, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1992, tr. 160.

Tháng 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hội nghị mừng công của Trung đoàn không quân đầu tiên của quân đội ta. Nói chuyện với Hội nghị, Người nêu rõ Đảng và Nhà nước có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dưỡng đầy đủ đối với đội ngũ không quân từ phi công lái máy bay đến những người phục vụ trên các lĩnh vực để mọi chuyến bay đều an toàn, thắng lợi. Vì vậy, không quân Việt Nam phải tỏ ra xứng đáng với sự quan tâm chăm sóc đó.

- Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Hồ Chí Minh - Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 176.

Tháng 10, cuối tháng

Chủ tịch Hồ Chi Minh đến dự phiên họp bế mạc Hội nghị bàn về công tác lương thực do Ban Bí thư Trung ương Đảng triệu tập. Phát biểu tại Hội nghị, Người nhấn mạnh: vô luận thế nào cũng phải giải quyết vấn đề lương thực cho tốt, do đó phải tổ chức sản xuất tốt, mua bán lương thực nhanh và phải thông suốt về tư tưởng đến chi bộ, đảng viên và nhân dân...

- Báo Nhân dân, số 2424, ngày 7-11-1960.

Tháng 10, cuối tháng

Chủ tịch Hồ Chi Minh gửi điện mừng tới Thủ tướng lâm thời nước Cộng hòa Angiêri Phera Ápba, nhân kỷ niệm sáu năm kháng chiến chống thực dân giành độc lập của nhân dân Angiêri.

- Báo Nhân dân, số 2418, ngày 1-11-1960.

Tháng 11, ngày 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi huy hiệu tặng 12 cụ Việt kiều (từ 75 tuổi trở lên) ở Thái Lan về nước chuyến tàu thứ 20.

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lần thứ tư Pháp bị Đức chiếm đóng, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2418. Bài báo nêu rõ trong khoảng thời gian 70 năm qua, quân đội Đức đã ba lần xâm lược nước Pháp, vậy mà vừa rồi Thủ tướng Pháp lại thỏa thuận cho một lực lượng quân đội Đức đến đóng và luyện tập ở hai căn cứ quân sự trên đất Pháp. Theo tác giả, đó là hành động của giới đại tư bản phản động Pháp vì lợi ích riêng của giai cấp mà hy sinh lợi ích chung của dân tộc, hòng dựa vào quân đội Tây Đức để đàn áp công nhân... và ủng hộ chúng trong cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Angiêri. Nhưng “một dân tộc có truyền thống cách mạng anh dũng như nhân dân Pháp sẽ không chịu để cho bọn phản động dễ dàng “cõng rắn cắn gà nhà”.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2418, ngày 1-11-1960.

Tháng 11, ngày 2

6 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta đáp máy bay lên đường sang Mátxcơva dự kỷ niệm lần thứ 43 Cách mạng Tháng Mười Nga và dự Hội nghị đại biểu của 81 Đảng Cộng sản và Công nhân thế giới họp ở Mátxcơva.

10 giờ 30, trên đường đi Bắc Kinh, máy bay chở Người đáp xuống nghỉ tại Vũ Hán.

11 giờ 30, Đoàn bay tiếp tới Bắc Kinh.

16 giờ 15, Người cùng các vị cùng đi tới Bắc Kinh. Thủ tướng Chu Ân Lai và các đồng chí Đặng Tiểu Bình, Trần Nghị, Chu Đức... cùng đông đảo nhân dân Bắc Kinh đón tiếp nồng nhiệt tại sân bay. Sau khi duyệt đội danh dự quân đội Trung Quốc, Người về nghỉ tại Điếu Ngư Đài.

18 giờ 30, Người hội đàm với Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ cùng nhiều vị lãnh đạo trong Chính phủ Trung Quốc. Sau đó, Người dự tiệc chiêu đãi của Chính phủ Trung Quốc.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng ngày sinh lần thứ 38 của Thái tử Nôrôđôm Xihanúc, Quốc trưởng Vương quốc Campuchia.

- Báo Nhân dân, số 2420, ngày 3-11-1960 và số 2429, ngày 12-11-1960.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 98.

Tháng 11, ngày 3

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc và sau đó ăn cơm cùng các đồng chí Đặng Tiểu Bình, Bành Chân tại nhà nghỉ.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Khu triển lãm Công nghiệp và Giao thông Trung Quốc.

Cùng ngày, Người gửi huy hiệu tặng cho bốn cụ Việt kiều (tuổi từ 75 trở lên) ở Thái Lan về nước chuyến thứ 21.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2421, ngày 4-11-1960.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 98.

Tháng 11, ngày 4

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn ra sân bay đi Mátxcơva. Ra tiễn Đoàn tại sân bay Bắc Kinh có Thủ tướng Chu Ân Lai cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ Trung Quốc. Do thời tiết xấu, phải chờ tại sân bay.

11 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta rời Bắc Kinh đi Mátxcơva.

14 giờ, Đoàn tới sân bay Irơcutxk và nghỉ tại đây.

20 giờ, máy bay chở Người đáp xuống sân bay Xvéclốp, không xuống sân bay Mátxcơva được vì thời tiết xấu. Sau đó, Người và Đoàn đi xe lửa về Mátxcơva.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2422, ngày 5-11-1960.

Tháng 11, ngày 5

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới ga Kirốp.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2424, ngày 7-11-1960.

Tháng 11, ngày 6

11 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ ta đến ga Mátxcơva. Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô N. Khơrútsốp và Chủ tịch đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô L. Bơrêgiơnép cùng nhiều cán bộ cao cấp Liên Xô ra ga xe lửa đón Người.

Sau khi duyệt đội danh dự Quân đội và Hải quân Liên Xô, Người về nghỉ tại Khu nghỉ Alếchxây Tônxtôi.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2424, ngày 7-11-1960.

Tháng 11, ngày 7

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Đoàn đại biểu Trung Quốc sang dự kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga.

10 giờ, tại Quảng trường Đỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ ta dự mít tinh trọng thể kỷ niệm lần thứ 43 Cách mạng Tháng Mười Nga.

16 giờ, Người dự chiêu đãi của Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô nhân kỷ niệm 43 năm ngày Cách mạng Tháng Mười.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2425, ngày 8-11-1960.

Tháng 11, ngày 8

8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Lê Duẩn đi gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp M.Tôrê.

14 giờ 30, Người đi thăm đồng chí J. Duclos.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 9

7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn Trung Quốc tại nhà nghỉ.

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và ăn cơm cùng các đồng chí Đặng Tiểu Bình và Bành Chân tại nhà nghỉ.

15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ ta đến đặt vòng hoa tại Lăng Lênin và Xtalin, thăm Quảng trường Đỏ.

Cùng ngày, Chủ tịch gửi điện chúc mừng tới Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc, nhân ngày Quốc khánh Vương quốc Campuchia.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2427, ngày 10-11-1960 và số 2428, ngày 11-11-1960.

Tháng 11, ngày 10

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Lê Duẩn tới gặp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Inđônêxia.

14 giờ 30 đến 20 giờ, Người và Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam dự khai mạc Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế họp tại Cung điện Kremli (Mátxcơva).

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 11

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phóng viên báo Pravđa (Sự thật) của Liên Xô chụp ảnh.

9 giờ 30 đến 14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta tiếp tục dự Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế.

16 giờ đến 19 giờ, Người tiếp tục dự Hội nghị.

20 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Thái Lan đến thăm.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 12

9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn ta tiếp tục dự Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế.

14 giờ, Người tiếp gia đình Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 13

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp đồng chí Lưu Thiếu Kỳ.

10 giờ 30, Người gặp con đỡ đầu Irasơca (2 tuổi) cùng bố mẹ cháu.

13 giờ, Người và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta đi tham quan Khu triển lãm “Nước Ucraina Xôviết” tổ chức ở Mátxcơva.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2432, ngày 15-11-1960.

Tháng 11, ngày 14

9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dự Hội nghị.

18 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu các Đảng Cộng sản Miến Điện và Mã Lai đến thăm và cùng ăn cơm.

21 giờ, Người để các bác sĩ Trung Quốc đến thăm và kiểm tra sức khỏe cho Người.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 15

9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục họp Hội nghị.

19 giờ, Người tiếp và cùng ăn cơm với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Xây Lan.

20 giờ, Người để các bác sĩ Trung Quốc đến kiểm tra sức khỏe.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 16

9 giờ đến 14 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục họp Hội nghị.

15 giờ 30 đến 18 giờ, Người tiếp tục họp Hội nghị.

18 giờ 30, Người tiếp chuyện một số đoàn.20 giờ, Người để các bác sĩ Trung Quốc đến kiểm tra sức khỏe.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 17

9 giờ 30 đến 15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục họp Hội nghị.

16 giờ, Người phát biểu ý kiến tại Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế. (Bài phát biểu dài 35 phút).

20 giờ đến 21 giờ, Người gặp và làm việc với một số đồng chí trong Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 18

9 giờ 30 đến 14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị.

15 giờ đến 19 giờ, Người tiếp tục họp Hội nghị.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương Marốc, nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh Vương quốc Marốc.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2444, ngày 27-1-1960.

Tháng 11, ngày 19

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị.

Chiều, Người nghỉ tại nhà nghỉ.

18 giờ, Người cùng Đoàn ta đi xem biểu diễn văn nghệ ở Nhà hát thiếu nhi Mátxcơva.

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của đại văn hào Nga L.N. Tônxtôi, đăng báo Văn học Xô viết, ngày 19-11-1960, kể chuyện Chủ tịch đã “trở thành người học trò của nhà văn Nga vĩ đại như thế nào” 6) và về việc Tônxtôi đã hướng cho Người bước vào con đường tranh đấu bằng vũ khí văn học trên diễn đàn báo chí.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Văn học Xô viết, ngày 19-11-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 228-229.

Tháng 11, ngày 20

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc tới gặp và tặng hoa Người.

12 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.

15 giờ 30, Người đi thăm công viên Goócki.

Tối, Người đi xem Ôpêra.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 21

9 giờ 30 đến 15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị.

17 giờ đến 18 giờ, tại Điện Kremli, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội đàm với Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô N. Khơrútsốp.

19 giờ, Người tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Braxin.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2440, ngày 23-11-1960.

Tháng 11, ngày 22

9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị.

Trong ngày, Người gửi điện mừng tới Tổng thống nước Cộng hòa Li Băng, nhân dịp kỷ niệm ngày Cộng hòa Li Băng tuyên bố độc lập.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2451, ngày 4-12-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 230.

Tháng 11, ngày 23

9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị.

17 giờ, Người tiếp và làm việc với đồng chí Dương Thượng Côn.

18 giờ 30 đến 22 giờ, Người đi xem ở Nhà hát lớn Mátxcơva.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 24

9 giờ 30 đến 18 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị.

19 giờ, Người xem phim tại nhà nghỉ.

21 giờ đến 22 giờ, Người tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản đến thăm.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 33/LCT, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đoàn ca múa nhạc dân gian Bungari sang thăm và biểu diễn tại Việt Nam để góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước 7).

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bản gốc Lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 11, ngày 25

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với đồng chí Lê Duẩn 8).

Tháng 11, ngày 26

Sáng, Người làm việc tại nhà nghỉ.

15 giờ đến 18 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo năm đảng khác đến làm việc với Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô N. Khơrútsốp.

21 giờ đến 23 giờ, Người làm việc với đồng chí Dương Thượng Côn 9).

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 27

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại nhà nghỉ.

Chiều, Người đi thăm một số nơi trong thành phố Mátxcơva.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 11, ngày 28

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại nhà nghỉ.

10 giờ đến 11 giờ, Người đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô và nói chuyện với cán bộ nhân viên Sứ quán.

19 giờ, Người tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Ấn Độ tới thăm.

Cùng ngày, Người cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Anbani, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 16 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Anbani.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2446, ngày 29-11-1960.

Tháng 11, ngày 29

8 giờ 30 đến 11 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp các đồng chí trong Đoàn đại biểu các Đảng Cộng sản Pháp, Italia, Braxin.

11 giờ 30, Người gặp đồng chí Dương Thượng Côn tại nhà nghỉ.

13 giờ 30 đến 14 giờ 30, Người vào điện Kremli gặp và trao đổi công việc với đồng chí Khơrútsốp.

21 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đồng chí Dương Thượng Côn.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Nhật ký công tác của đồng chí Vũ Kỳ.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 246.

Tháng 11, ngày 30

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường trung học số 405 ở Mátxcơva.

Sau khi đi xem các cơ sở vật chất của Trường, Người thăm hỏi tình hình giảng dạy, học tập của nhà trường và chụp ảnh kỷ niệm với các cháu học sinh.

- Báo Nhân dân, số 2458, ngày 11-12-1960.

Tháng 12, ngày 1

11 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục họp Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân thế giới thông qua bản Tuyên bố chung của Hội nghị. Thay mặt Đoàn Việt Nam, Người đã ký vào bản Tuyên bố chung và sau đó chụp ảnh chung với Hội nghị và các đoàn đại biểu.

13 giờ, Người về nhà nghỉ.

16 giờ đến 17 giờ, Người đi dạo phố ở Mátxcơva.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Hội nghị đoàn kết Á - Phi của Ấn Độ. Bức điện có đoạn: “Tôi xin gửi chào thân ái đến các vị đại biểu đang góp phần đấu tranh thủ tiêu chế độ thực dân, đòi giải trừ quân bị và chấm dứt chiến tranh lạnh để bảo vệ tự do, độc lập và hòa bình”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho chuyên gia vũ đạo Triều Tiên Kim Tế Hoàng công tác tại Việt Nam.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2449, ngày 2-12-1960.

- Báo Nhân dân, số 2450, ngày 3-12-1960.

- Bản gốc Lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 12, ngày 2

12 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta đi dự lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, dự chiêu đãi của Chủ tịch Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức tại Điện Kremli.

14 giờ đến 15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta dự lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, sau đó đến thăm và nói chuyện với sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở Mátxcơva, tại Nhà văn hóa của Trường đại học Tổng hợp Lômônôxốp.

Người thông báo với anh chị em về thành công to lớn của Hội nghị các Đảng Cộng sản và Công nhân. Thay mặt Đảng và Chính phủ Việt Nam, Người cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của các giáo sư, cán bộ, công nhân viên nhà trường. Người nêu một số nhận xét về ưu, khuyết điểm của anh chị em sinh viên và căn dặn mọi người phải cố gắng hơn nữa trong học tập, nghiên cứu để xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và của nhân dân.

20 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta lên đường về nước.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2454, ngày 7-12-1960.

Tháng 12, ngày 3

14 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị cùng đi về qua Bắc Kinh.

17 giờ, Người và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta đến gặp và hội đàm với Chủ tịch Mao Trạch Đông, sau đó dự tiệc do Chủ tịch Mao Trạch Đông chiêu đãi.

Trong ngày, Người gửi huy hiệu tặng ba cụ Việt kiều (từ 75 tuổi trở lên) ở Thái Lan về nước chuyến tàu thứ 22.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2451, ngày 4-12-1960 và số 2452, ngày 5-12-1960.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 99.

Tháng 12, ngày 4

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xem Triển lãm tranh sơn dầu của các họa sĩ Trung Quốc và tiếp các cháu thiếu niên Bắc Kinh đến chúc mừng Người.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Mao Trạch Đông và các vị lãnh đạo cao cấp của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa xem biểu diễn văn nghệ tại Bắc Kinh. Sau buổi biểu diễn, Người lên sân khấu bắt tay chúc mừng các diễn viên.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2452, ngày 5-12-1960.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc (sách ảnh), Nxb. Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1995, tr. 99.

Tháng 12, ngày 5

8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh. Người thông báo về kết quả của Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế vừa họp ở Mátxcơva.

11 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đồng chí Trần Nghị và sau đó cùng ăn cơm tại nhà nghỉ.

15 giờ 30 đến 18 giờ, Người đi kiểm tra sức khỏe ở Y viện Bắc Kinh theo đề nghị của các đồng chí Trung Quốc.

19 giờ, Người xem múa rối Trung Quốc.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Nhật ký công tác của đồng chí Vũ Kỳ.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 246.

Tháng 12, ngày 6

6 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Việt Nam rời Bắc Kinh về nước.

15 giờ 50, Người về tới Hà Nội.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2454, ngày 7-12-1960.

Tháng 12, ngày 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị, nghe đồng chí Nguyễn Chí Thanh báo cáo về việc Đoàn đại biểu ta do Người dẫn đầu đi dự Hội nghị các Đảng Cộng sản và Công nhân họp ở Mátxcơva tháng 11 năm 1960.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 35/LCT, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đoàn nghệ thuật Liên Xô sang biểu diễn ở Việt Nam để góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

- Bản gốc Lệnh, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Tháng 12, ngày 12

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng huy hiệu của Người cho bốn cụ kiều bào (từ 75 tuổi trở lên) ở Thái Lan mới về nước chuyến tàu thứ 23.

- Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Báo Nhân dân, số 2471, ngày 24-12-1960.

Tháng 12, ngày 13

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về Kế hoạch Nhà nước năm 1961. Phát biểu ý kiến, Người nêu lên yêu cầu về chỉ tiêu kế hoạch phải cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng, phải chú ý tới đời sống nhân dân; phải tiết kiệm, phải có kiểm tra đôn đốc, phải thống nhất giữa các ngành và phải chống tham ô, lãng phí.

 Cuối bài phát biểu, Người nói: “Ta muốn làm nhiều việc nhưng phải có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Hiện nay nhân hòa còn kém, phải làm sao giữa nông dân và Nhà nước cho ăn khớp. Trong kế hoạch mới nói con số, nói “vật” chứ chưa nói tới “người” thực hiện, phải làm sao cho mỗi người từ trên xuống dưới phải có trách nhiệm thực hiện kế hoạch. Mặt chính trị của kế hoạch chưa nổi bật... Phải giáo dục tinh thần làm chủ cho mỗi người, từ trên xuống, phải chú trọng tới chi bộ, công đoàn; hợp tác xã phải củng cố cho vững mạnh hơn nữa và chú ý cải tạo con người...”.

- Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa II.

Tháng 12, ngày 15

Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với Đoàn đại biểu công đoàn Liên Xô đến chào Người. Cùng tiếp có Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Hoàng Quốc Việt và Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 2469, ngày 22-12-1960.

Tháng 12, ngày 17

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đoàn kết, đấu tranh thắng lợi, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2464, giới thiệu vắn tắt những nội dung chính trong bản Tuyên bố chung của 81 Đảng Cộng sản và Công nhân họp ở Mátxcơva vừa qua và nói lên niềm vui mừng trước sự lớn mạnh không ngừng của phe xã hội chủ nghĩa, của phong trào giải phóng dân tộc và các lực lượng tiến bộ trên thế giới đang tấn công ngày càng mạnh mẽ vào chủ nghĩa thực dân và thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của chủ nghĩa đế quốc.

Bài báo kết luận: “Với sự đoàn kết nhất trí của phe xã hội chủ nghĩa, của giai cấp công nhân quốc tế, của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, chúng ta nhất định thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình thế giới, cho độc lập dân tộc, cho chủ nghĩa xã hội”.

- Báo Nhân dân số 2464, ngày 17-12-1960.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 231-236.

Tháng 12, ngày 18

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Xibêri cộng sản, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2465, ca ngợi sự phát triển vượt bậc của vùng Xibêri (Liên Xô) trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội và chỉ rõ nguyên nhân của những thắng lợi đó.

- Báo Nhân dân, số 2465, ngày 18-12-1960.

Tháng 12, ngày 21

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tiết kiệm, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2468, biểu dương ý thức tiết kiệm của một số thanh niên công nhân và nhắc nhở mọi người bất kỳ ở đâu và làm bất cứ việc gì đều cần phải tiết kiệm. Bài báo kết luận: “Thực hành tiết kiệm tức là trực tiếp góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Đồng bào ta nên luôn luôn ghi nhớ điều đó!”.

- Báo Nhân dân, số 2468, ngày 21-12-1960.

Tháng 12, ngày 22

Được tin Hội người mù Hà Nội đang tổ chức lớp học chữ nổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố chuyển đến tặng học viên nhà trường 25 bảng viết và dùi viết 10). Người còn gửi tặng riêng ông Trần Công Nhuận, thương binh hỏng mắt hạng 1/4 một huy hiệu của Người.

Tối, Người tới dự buổi chiêu đãi của Bộ Quốc phòng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 16 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Tư liệu của Hội người mù Việt Nam.

- Báo Nhân dân, số 2470, ngày 23-12-1960.

Tháng 12, ngày 24

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỹ đang lăn xuống dốc, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2471. Phân tích các số liệu từ phía Mỹ, tác giả chỉ rõ những mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa các nhóm tư bản Mỹ, giữa Mỹ và các nước Đồng minh Tây Âu, giữa Mỹ và các nước chư hầu, giữa tư bản Mỹ và giai cấp công nhân Mỹ. Mặt khác, các số liệu về kinh tế của Liên Xô lại nói lên sự phát triển vững chắc của nước này. Qua đó chứng tỏ “chủ nghĩa tư bản ngày càng suy sụp, chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng tiến lên”.

- Báo Nhân dân, số 2471, ngày 24-12-1960.

Tháng 12, ngày 26

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng sinh nhật lần thứ 67 của Chủ tịch Mao Trạch Đông.

- Bản thảo bức điện lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc - Biên niên sự kiện, Hà Nội, 2004, tr. 247.

Tháng 12, ngày 28

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Người nêu tóm tắt lý do, nội dung và thời gian họp Hội nghị Trung ương lần thứ ba (khóa III).

- Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khoá III.

Tháng 12, ngày 29    

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Môrixơ Tôrê, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Pháp.

Cùng ngày, báo Nhân dân, số 2476, đăng hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Bài Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Đảng Cộng sản Pháp, ký tên Hồ Chí Minh, nêu rõ quá trình thành lập Đảng Cộng sản Pháp và sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp trong 40 năm qua đối với cách mạng Việt Nam. Kết luận, Người viết: “Riêng về phần cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp mà tôi đã tìm thấy chân lý chủ nghĩa Mác - Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”.

 - Bài Nhân dân châu Phi đuổi cổ bọn thực dân, Tổng thống Đờ Gôn trưng cầu dân ý", ký bút danh T.L., tố cáo thực dân Pháp bày trò "trưng cầu dân ý" cốt buộc nhân dân Angiêri đầu hàng sau bao nhiêu năm đấu tranh. Theo tác giả, ''muốn lập lại hòa bình thì Chính phủ Pháp phải thật thà đàm phán với Chính phủ Angiêri về việc ngừng bắn và đảm bảo quyền tự quyết thật sự cho nhân dân Angiêri. Ngoài con đường đó, thì thực dân Pháp chỉ có một con đường nữa tức là chuẩn bị tinh thần để đón tiếp một Điện Biên Phủ mới".

- Báo Nhân dân, số 2476, ngày 29-12-1960.

Tháng 12, ngày 30

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự tiệc của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chiêu đãi các chuyên gia nước ngoài đang công tác tại Hà Nội, nhân dịp năm mới (1961).

- Báo Nhân dân, số 2478, ngày 31-12-1960.

Tháng 12, ngày 31

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bàn về Kế hoạch Nhà nước năm 1961.

Nhất trí với báo cáo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về phương hướng, nhiệm vụ, Kế hoạch Nhà nước năm 1961, Chủ tịch nhấn mạnh vấn đề con người trong việc thực hiện kế hoạch phải chuyển biến cả về tác phong và tư tưởng, phải củng cố cán bộ các ngành, các xí nghiệp, cơ quan và bồi dưỡng, giáo dục con người cho thiết thực. Về vấn đề kỷ luật, Người nói: “Lao động phải có kỷ luật, có năng suất và chất lượng, làm vượt mức có khen thưởng rõ ràng, không làm được phải có biện pháp kỷ luật”. Người lưu ý phải làm thông suốt tư tưởng cho nhân dân, nói thật cho nhân dân biết cả thuận lợi và khó khăn và làm cho dân thực hành khẩu hiệu “Cần kiệm xây dựng nước nhà”. Đảng viên và đoàn viên phải thấm nhuần tư tưởng thành tâm, thành ý phục vụ nhân dân, thấm nhuần tư tưởng đó thì sẽ tiêu diệt bớt lãng phí, quan liêu”...

- Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông Ban Chấp hành Trung ương, khóa III.

Trong năm

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm doanh trại một đơn vị Hải quân nhân dân Việt Nam.

Sau khi kiểm tra nơi ăn, nghỉ, trại chăn nuôi, vườn tăng gia của đơn vị, nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ, Người căn dặn phải quán triệt và ra sức thực hành khẩu hiệu Cần kiệm xây dựng quân đội.

- Nhớ mãi lời Bác, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1987, tr. 98.

Trong năm

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thiếp chúc mừng năm mới tới các cán bộ văn nghệ sĩ và nhân viên Bộ Văn hóa và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật.

- Tư liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

Cuối năm

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời Tuyên bố về tình hình miền Nam. Người chỉ rõ: bè lũ Ngô Đình Diệm được sự giúp sức của Mỹ đã liên tục gây tội ác tày trời đối với đồng bào miền Nam Việt Nam. “Chính do tội ác của Mỹ - Diệm mà đồng bào miền Nam ta suốt 9 năm nay bị cảnh lửa bỏng nước sôi, mà Tổ quốc ta bị tạm thời chia cắt”. Tuy nhiên, Người khẳng định: “dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng, cuộc đấu tranh chính nghĩa của đồng bào miền Nam, được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất định giành được thắng lợi cuối cùng”. Người tuyên bố: “Nhân dân Việt Nam kiên quyết đòi đế quốc Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Vấn đề miền Nam phải do nhân dân miền Nam tự giải quyết”.

- Tài liệu đánh máy, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

Trong năm

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại Hội nghị tuyên truyền ngày thành lập Đảng.

-        Tư liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

_____________

1)  Đó là các bài: Lại thăm Hà Nội, Quốc khánh lần thứ 15 của Việt Nam, chúc thọ Hồ Chủ tịch và Chơi Vịnh Hạ Long.

2) 1- Đồng bào và cán bộ tỉnh Ninh Bình.

2- Đồng bào và cán bộ tỉnh Hưng Yên.

3- Đồng bào và cán bộ tỉnh Cao Bằng.

4- Đồng bào và cán bộ tỉnh Hòa Bình.

5- Đồng bào và cán bộ huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

6- Đồng bào và cán bộ xã Trưng Trắc, Văn Lâm, Hưng Yên.

7- Đồng bào và cán bộ xã Đức Đông, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

8- Đồng bào và cán bộ xã Kiến Thiết, Thanh Ba, Phú Thọ.

9- Đồng bào và cán bộ xã Hợp Hải, Lầm Thao, Phú Thọ.

10- Ông Nguyễn Văn Bào, cán bộ Bình dân học vụ xã Vũ Hoa, Vũ Tiên, Thái Bình.

3) - Nông trường quốc doanh Đông Hiếu (Nghệ An): Huân chương Lao động hạng Nhì.

 - Nông trường quốc doanh Phúc Do (Thanh Hóa): Huân chương Lao động hạng Ba.

 - Đội lột sắn Liên đoàn Cửu Long (Hòa Bình): Huân chương Lao động hạng Ba.

 - Đội 2 Hà Trung, Liên đoàn Hà Trung (Thanh Hóa): Huân chương Lao động hạng Ba.

 - Khu B Nông trang Nam Bộ (Kiến An, Hải Phòng): Huân chương Lao động hạng Ba.

4) “Tình hữu nghị Việt - Trung muôn thuở xanh tươi.”

5) Danh sách các gia đình được tặng thưởng:

- Bà Nguyễn Thị Khối, ở Thường Tín, Hà Đông: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

6) Bài được đăng lại trên báo Nhân dân, số 2438, ngày 21-11-1960.

7) Trong thời gian Người đi công tác, một số văn kiện đã được Người ký trước.

8) 14 giờ, Ban tổ chức Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế mời một số Đảng tới gặp: Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Úc và Braxin.

9) Khi đó là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

10) Chữ ''brai'' là một hệ thống chữ nổi, bút là một loại ''dùi'' viết trên một tờ giấy (bảng viết) riêng.

* Chú thích và bản chỉ dẫn tên người

CHÚ THÍCH

1. Hiệp định Giơnevơ: Hiệp định được ký kết tại Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương, họp tại Giơnevơ (Thuỵ Sĩ) từ ngày 8-5 đến ngày 21-7-1954. Nội dung cơ bản của các văn kiện được ký kết tại Hội nghị (các hiệp định, tuyên bố chung của Hội nghị) như sau:

- Các nước tham gia Hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

- Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương; quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương. Mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước.

- Vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai miền; sau hai năm (7-1956) sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.

- Ở Lào, các lực lượng kháng chiến tập kết tại hai tỉnh Sầm Nưa và Phongxalì. Ở Campuchia, lực lượng kháng chiến phục viên tại chỗ.

Bản Tuyên bố chung ghi rõ: “Ở Việt Nam, đường ranh giới về quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không thể coi như một biên giới chính trị hoặc lãnh thổ”.

Về âm mưu thôn tính nước ta, ngay từ đầu, đế quốc Mỹ đã ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Năm 1955, chúng hất cẳng Pháp, xây dựng bộ máy chính quyền tay sai của chúng ở miền Nam, tiến hành đàn áp dã man những người kháng chiến và cự tuyệt tổng tuyển cử tự do trên cả nước. Trước tình hình đó, nhân dân cả nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã anh dũng tiến hành cuộc đấu tranh để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thực hiện thống nhất đất nước. Tr.1.

2. Cách mạng Tháng Mười: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích Nga đứng đầu là V.I. Lênin, ngày 7-11 (tức ngày 25 tháng Mười, theo lịch Nga) năm 1917, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã vùng dậy lật đổ Chính phủ của giai cấp tư sản, thành lập Chính phủ Xôviết do Lênin làm Chủ tịch. Giai cấp công nhân Nga đã đập tan bộ máy thống trị của các giai cấp bóc lột, lập nên nhà nước kiểu mới - Chính quyền Xôviết, một hình thức của chuyên chính vô sản. Từ đó nước Nga Xôviết vững bước tiến lên xây dựng thành một nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh.

Cách mạng Tháng Mười, cuộc cách mạng vô sản thắng lợi đầu tiên trên thế giới, đã mở đầu một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười đã thức tỉnh giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân bị áp bức, soi sáng con đường cho các dân tộc bị nô dịch đi tới cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tr.13.

3. Năm nguyên tắc chung sống hòa bình: Được đề ra lần đầu tiên trong Hiệp định giữa Ấn Độ và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về buôn bán và quan hệ của Tây Tạng (thuộc Trung Quốc) với Ấn Độ (4-1954) gồm:

- Tôn trọng lãnh thổ toàn vẹn và chủ quyền của nhau;

- Không tiến công nhau;

- Không can thiệp vào công việc của nhau;

- Bình đẳng và cùng có lợi;

- Cùng tồn tại hòa bình.

Tại Hội nghị Băngđung năm 1955, những nguyên tắc này được khẳng định lại. Tr.27.

4. Kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Họp từ ngày 16 đến ngày 29-4-1958, tại Hà Nội. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận và thông qua kế hoạch ba năm cải tạo và phát triển nền kinh tế quốc dân (1958-1960), quyết định thành lập một số cơ quan nhà nước như Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Công tố, Ủy ban Khoa học Nhà nước; nâng Ban Dân tộc thành Ủy ban Dân tộc; tách Bộ Thương nghiệp thành hai bộ: Nội thương và Ngoại thương; Bộ Thủy Lợi - Kiến trúc thành hai bộ: Thủy lợi và Kiến trúc. Quốc hội cũng đã thông qua hai đạo luật quan trọng là Luật Tổ chức chính quyền địa phương Luật Quy định chế độ phục vụ của sĩ quan quân đội. Tr.74.

5. Công hàm ngày 7 tháng 3 năm 1958 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi chính quyền miền Nam (đồng gửi các nước dự Hội nghị Giơnevơ năm 1954 và các nước tham gia Ủy ban Quốc tế).

Trước sự can thiệp trắng trợn và ngày càng sâu của đế quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam, tiếp theo công hàm ngày 18-7-1957, công hàm ngày 7-3-1958 nêu rõ: Đế quốc Mỹ đang dần biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự xâm lược của chúng ở Đông Nam Á. Toàn dân ta từ Bắc chí Nam đã thấy rõ nguy cơ của chính sách gây chiến và can thiệp của đế quốc Mỹ và đòi phải chấm dứt mọi sự can thiệp của Mỹ vào miền Nam. Nguyện vọng của toàn dân là hòa bình và thống nhất đất nước. Thể theo nguyện vọng đó, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn luôn sẵn sàng cùng với nhà cầm quyền miền Nam mở Hội nghị hiệp thương tổng tuyển cử, như Hiệp định Giơnevơ quy định. Để đi đến hiệp thương tổng tuyển cử, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị sớm có cuộc gặp gỡ giữa nhà đương cục có thẩm quyền ở hai miền để cùng nhau bàn bạc việc hai bên cùng giảm quân số và tìm những biện pháp trao đổi buôn bán với nhau. Công hàm ngày 7-3 của Chính phủ ta đã được nhân dân cả nước hưởng ứng nhiệt liệt và đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân khắp hai miền Bắc - Nam. Tr.78.

6. Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ hai: Họp từ ngày 5 đến ngày 7-5-1958, tại Hà Nội. Dự Đại hội có 243 đại biểu chính thức và 200 đại biểu dự thính thay mặt cho 4.000 sinh viên các trường đại học trên miền Bắc. Đại hội đã kiểm điểm phong trào sinh viên Việt Nam trong hai năm (1957-1958) về các mặt học tập, tư tưởng, sinh hoạt và các hoạt động đoàn kết với sinh viên miền Nam và sinh viên thế giới. Đại hội đã thông qua Điều lệ của Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam và phương hướng hoạt động của Hội. Trong buổi lễ bế mạc, Đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và nói chuyện. Tr.85.

7. Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ III: Họp từ ngày 21 đến ngày 23-5-1958, tại Hà Nội. Dự Đại hội có 586 đại biểu thay mặt cho hàng vạn chiến sĩ thi đua nông nghiệp và 12 triệu nông dân miền Bắc. Đại hội là sự thể hiện tiêu biểu cho phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp trên mặt trận nông nghiệp của nhân dân ta.

 Sáng ngày 23-5-1958, Đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và nói chuyện. Tr.93.

8. Đảng Dân chủ Việt Nam: Tổ chức chính trị của giới trí thức, công chức và tư sản dân tộc Việt Nam.

Với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng được thành lập ngày 30-6-1944. Tháng 7-1944, Đảng Dân chủ Việt Nam tự nguyện gia nhập Mặt trận Việt Minh và cùng với các Hội Cứu quốc tiến hành quá trình chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, Đảng Dân chủ Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc tăng cường và củng cố khối đoàn kết toàn dân trong mặt trận dân tộc thống nhất, xây dựng và củng cố chính quyền, góp phần thực hiện đường lối chính sách của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam.

Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ Việt Nam (từ ngày 18 đến ngày 20-10-1988) - Đại hội cuối cùng, Đảng đã kết thúc 44 năm hoạt động và hoàn thành vai trò lịch sử. Tr.93.

9. Đảng Xã hội Việt Nam: Thành lập ngày 22-7-1946, nhằm tập hợp giới trí thức Việt Nam yêu nước, sát cánh cùng toàn dân bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Đảng Xã hội Việt Nam đã tự nguyện gia nhập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam và có nhiều đóng góp trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước. Ngày 15-10-1988, tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội đã diễn ra lễ mít tinh trọng thể kết thúc 42 năm hoạt động của Đảng Xã hội Việt Nam. Tr.93.

10. Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ II: Họp từ ngày 7 đến ngày 8-7-1958 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 456 chiến sĩ thi đua và đại diện của 76 đơn vị thi đua tập thể trong cả nước. Đại hội đã biểu dương thành tích thi đua yêu nước của các anh hùng, chiến sĩ thi đua và của toàn dân ta trong ba năm khôi phục kinh tế (1955-1958). Đại hội đề ra những chủ trương mới nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất năm 1958, xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự và tham gia Đoàn Chủ tịch của Đại hội. Tr.103.

11. Đại hội nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình: Họp ngày 16-8-1958 tại Nhà hát Thành phố Hà Nội. Dự Đại hội có 700 đại biểu trong Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, đại biểu các đảng, các đoàn thể ở Trung ương và Hà Nội, đại biểu ủy ban Mặt trận Tổ quốc các khu, các anh hùng, chiến sĩ thi đua và đại biểu các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Các đại biểu đã nhất trí thông qua bản Nghị quyết của Đại hội và danh sách 63 đơn vị do Đại hội giới thiệu vào Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam. Bản Nghị quyết của Đại hội nêu rõ lập trường của nhân dân Việt Nam hưởng ứng phong trào hòa bình thế giới, ủng hộ phong trào độc lập dân tộc và đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân thế giới; kiên quyết đấu tranh chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam, đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam. Đại hội cũng bày tỏ sự hưởng ứng của nhân dân ta đối với Nghị quyết của Đại hội Xtốckhôm, đòi Mỹ, Anh rút quân khỏi Libăng và Gioócđani, cấm thử vũ khí nguyên tử, thực hiện giải trừ quân bị, làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng... Tr.73.

12. Đại hội hòa bình thế giới: Đây là Đại hội hoà bình thế giới lần thứ V mang tên Đại hội giảm quân bị và hợp tác quốc tế họp tại Xtốckhôm (Thụy Điển), họp từ ngày 16 đến ngày 22-7-1958. Dự Đại hội có 1800 đại biểu của hơn 100 nước trên thế giới tham dự, trong đó có Đoàn đại biểu nước ta. Tr.73.

13. Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II): Họp giữa tháng 11-1958. Trên cơ sở phân tích tình hình miền Bắc sau khi hoàn thành kế hoạch ba năm khôi phục kinh tế và hàn gắn vết thương chiến tranh, Hội nghị đã thông qua hai nghị quyết quan trọng: Nghị quyết về nhiệm vụ kế hoạch ba năm (1958-1960) ở miền Bắc và Nghị quyết về tổng kết cải cách ruộng đất.

Nghị quyết về kế hoạch ba năm (1958-1960) đã nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm ở miền Bắc là tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công, các thành phần kinh tế tư bản tư doanh; ra sức phát triển thành phần kinh tế quốc doanh, lực lượng lãnh đạo toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Trong khi tiến hành cải tạo, cần phát triển sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp; phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, từng bước nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, tăng cường củng cố quốc phòng.

Nghị quyết về tổng kết cải cách ruộng đất đã khẳng định thắng lợi của cải cách ruộng đất là to lớn và căn bản, vì đánh đổ giai cấp địa chủ và bọn Việt gian phản động, giải phóng nông dân khỏi ách phong kiến, củng cố vững chắc khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo. Tr.182.

 14. Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II): Họp vào tháng 1-1959. Hội nghị đã ra Nghị quyết về đường lối cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết khẳng định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam Việt Nam là đánh đổ đế quốc, phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam Việt Nam. Nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ. Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực. Nghị quyết đã đặc biệt nhấn mạnh vị trí, vai trò to lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Nghị quyết của Hội nghị là một dấu ấn lịch sử quan trọng, tạo nên bước chuyển biến mới đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Tr.209.

15. Hội nghị Băngđung: Họp từ ngày 18 đến ngày
24-4-1955 tại Băngđung (Inđônêxia). Dự Hội nghị, ngoài năm nước khởi xướng là Inđônêxia, Ấn Độ, Mianma, Xri Lanca và Pakixtan, còn có đoàn đại biểu các nước thuộc châu Á và châu Phi, trong đó có đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thông cáo chung của Hội nghị nêu rõ: chủ nghĩa thực dân, dưới mọi biểu hiện của nó, là một tai họa cần phải nhanh chóng tiêu diệt. Hội nghị hoàn toàn ủng hộ quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc, lên án chính sách phân biệt chủng tộc và yêu cầu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc kết nạp một số nước, trong đó có Việt Nam, làm thành viên của Liên hợp quốc. Thông cáo chung kêu gọi các nước hãy tiến hành ngày việc giải trừ quân bị, nghiêm cấm việc sản xuất vũ khí hạt nhân, thực hiện hòa bình, hợp tác thân thiện và giải quyết những vấn đề tranh chấp bằng thương lượng.

Hội nghị Băngđung thể hiện bước tiến mới của phong trào giải phóng dân tộc và phong trào đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ xã hội ở các nước Á - Phi. Tr.232.

16. Hội nghị lần thứ 16 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khoá II) mở rộng: Họp vào tháng 4-1959, bàn và thông qua Nghị quyết về vấn đề hợp tác hoá nông nghiệp và vấn đề cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Về vấn đề hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc, Nghị quyết khẳng định sự tất yếu phải từng bước đưa nông dân từ làm ăn riêng lẻ đi vào tổ đổi công, tiến lên hợp tác xã dựa trên ba nguyên tắc “tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ”. Nghị quyết nhấn mạnh mối quan hệ thúc đẩy lẫn nhau giữa phát triển nông nghiệp và phát triển công nghiệp.

Đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh, Nghị quyết nêu rõ: xuất phát từ những đặc điểm của giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam là nhỏ bé, số lượng ít, sống trong lòng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tán thành Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam..., Đảng chủ trương tiến hành cải tạo họ bằng phương pháp hòa bình, nhằm xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư bản tư doanh, cải tạo người tư sản thành người lao động, cải tạo quan hệ sản xuất, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước.

Đối với thợ thủ công, cần đưa họ vào các hợp tác xã thủ công nghiệp. Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa này. Tr.258.

17. Đại hội lần thứ II Hội nhà báo Việt Nam: Họp ngày 16-4-1959, tại Câu lạc bộ Đoàn kết (Hà Nội). Dự Đại hội có 222 đại biểu của các nhà báo, tạp chí, Đài phát thanh, thông tấn xã đã tới dự Đại hội. Các đại biểu đã thông qua Báo cáo về nhiệm vụ trước mắt của báo chí và kế hoạch công tác hai năm 1959-1960, Điều lệ sửa đổi và bầu Ban Chấp hành mới của Hội. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm và nói chuyện với Đại hội. Tr.258.

18. Khoá họp đặc biệt của Hội đồng hòa bình thế giới: Họp ở Xtốckhôm (Thụy Điển) từ ngày 8 đến ngày 13-5-1959, nhân kỷ niệm 10 năm phong trào hòa bình thế giới. Hơn 250 đại biểu thuộc 60 nước trên thế giới, trong đó có các Đoàn đại biểu của các nước châu Mỹ Latinh và Đoàn đại biểu Mỹ lần đầu tiên tới dự Đại hội. Trong phiên họp ngày 9-5, Đoàn đại biểu Việt Nam đã đọc bản tham luận về sự đóng góp của nhân dân Việt Nam vào sự nghiệp hòa bình trên thế giới.

Khóa họp đã thông qua Tuyên bố chung và Lời kêu gọi nhân dân thế giới đoàn kết, lấy ngày 1-9 là ngày Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ làm “Ngày đấu tranh chống nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mới”. Khóa họp cũng đã thông qua nhiều quyết nghị quan trọng như Quyết nghị đòi giải quyết nhanh chóng vấn đề nước Đức và bảo đảm việc phát triển hòa bình ở Đức; Quyết nghị về vấn đề độc lập dân tộc, kêu gọi tất cả những người yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý hãy ủng hộ nguyện vọng độc lập chính đáng của mọi dân tộc, tố cáo mọi hành vi can thiệp và đàn áp, mọi âm mưu nhằm duy trì chế độ thực dân; Quyết nghị đòi chấm dứt mọi cuộc thử vũ khí nguyên tử và thành lập những khu vực không có vũ khí nguyên tử, v.v..

Khóa họp cũng đã thông qua Bản kiến nghị về vấn đề Á - Phi, đề cập tới các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân ở các nước Á - Phi. Về vấn đề Việt Nam, Bản kiến nghị lên án đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam đã can thiệp và vi phạm các quyền dân tộc, dân chủ ở miền Nam Việt Nam. Hội đồng hòa bình thế giới đã đòi chấm dứt ngay các hành động khủng bố, đàn áp đang diễn ra ở miền Nam Việt Nam và hoàn toàn ủng hộ việc thi hành Hiệp định Giơ nevơ nhằm thống nhất nước Việt Nam. Tr.271.

19. Tết trồng cây: Ngày 28-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Trần Lực đã viết bài đăng trên báo Nhân dân với nhan đề “Tết trồng cây”. Người phân tích rõ ý nghĩa và lợi ích thiết thực của việc trồng cây đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân. Cuối năm 1959, Người kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây (từ ngày 6-1 đến ngày 6-2-1960), gọi là Tết trồng cây. Từ đó, hàng năm, mỗi khi mùa xuân đến, nhân dân ta lại tổ chức Tết trồng cây theo lời Người và đời đời nhớ ơn Người.

Tết trồng cây trở thành một phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những dịp vui Tết đón Xuân. Tr.373.

20. Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Ngày 23-1-1957, Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I đã quyết định thành lập Ban sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Sau hơn hai năm làm việc, ngày 18-12-1959, tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa I, thay mặt Ban sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo về bản Hiến pháp sửa đổi. Bản Hiến pháp sửa đổi đã được Quốc hội nhất trí thông qua ngày 31-12-1959. Ngày 1-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh công bố bản Hiến pháp đó.

Nội dung Hiến pháp gồm Lời nói đầu và 10 chương với 112 điều quy định rõ về chính thể dân chủ cộng hòa; về chế độ dân chủ nhân dân chuyển sang chế độ xã hội chủ nghĩa; về quyền và nghĩa vụ của công dân; về tổ chức các cơ quan quyền lực Nhà nước, từ trung ương đến cơ sở; về Quốc kỳ, Quốc huy và việc sửa đổi Hiến pháp. Tr.389.

21. Hội nghị đoàn kết nhân dân Á - Phi lần thứ hai: Họp từ ngày 11 đến ngày 15-4-1960 tại Cônacri (Ghinê). Hơn 70 đoàn đại biểu các tổ chức xã hội của 50 nước Á - Phi tới dự Hội nghị. Hội nghị đã nhận định: từ Hội nghị Băngđung và Lơke đến Hội nghị lần này đã có thêm nhiều nước Á - Phi giành được độc lập và gia nhập tổ chức đoàn kết nhân dân các nước Á - Phi. Hội nghị đã thông qua bản Tuyên bố chung và các quyết nghị quan trọng về sự đoàn kết và thống nhất của nhân dân các nước Á - Phi; về cuộc đấu tranh và thử vũ khí nguyên tử; về việc ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Angiêri; về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân Triều Tiên và nhân dân Việt Nam.

Nghị quyết về vấn đề Việt Nam đòi đế quốc Mỹ phải chấm dứt hành động can thiệp vào miền Nam Việt Nam, rút ngay phái đoàn quân sự Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ nhằm thống nhất nước Việt Nam trên cơ sở độc lập dân tộc. Đại hội đã bầu ra ban lãnh đạo của Hội đồng đoàn kết nhân dân Á - Phi gồm đại biểu một số nước, trong đó có Việt Nam. Tr.453.

22. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam: Họp từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960, tại Hà Nội. Dự Đại hội có 525 đại biểu chính thức và dự khuyết thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên trong toàn Đảng. Nhiều đoàn đại biểu các đảng anh em theo lời mời của Đảng ta đã tới dự Đại hội.

Đại hội đã kiểm điểm việc thực hiện đường lối cách mạng Việt Nam được đề ra tại Đại hội II (1951), kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và công tác lãnh đạo nhân dân thực hiện kế hoạch ba năm (1958-1960) cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đại hội đã vạch ra đường lối cách mạng trong giai đoạn mới - giai đoạn tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.

Đại hội cũng đề ra những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), những vấn đề tổ chức xây dựng Đảng và thông qua Điều lệ sửa đổi của Đảng. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết. Tại Đại hội này, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tr.525.

 


BẢN CHỈ DẪN TÊN NGƯỜI

A

AIĐÍCH, D.N. (Aiđích Đipa Nuxaitapa) (1923-1965). Chủ tịch Đảng Cộng sản Inđônêxia (1959-1965). Ông sinh ra trên đảo Bangga ở nam Xumatơra, tốt nghiệp Trường trung cấp Thương nghiệp. Năm 1939, bắt đầu tham gia phong trào dân tộc, gia nhập “Đoàn Thanh niên Phương Đông Giacácta” và là Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đoàn. Năm 1941-1942, ông là Ủy viên Ban Chấp hành của tổ chức thanh niên do Đảng Phong trào nhân dân Inđônêxia lãnh đạo; năm 1943, gia nhập Đảng Cộng sản Inđônêxia thời kỳ này đang phải hoạt động bí mật; cùng năm, tham gia tổ chức “Phong trào Inđônêxia độc lập”- một đoàn thể chống phát xít, từng là người lãnh đạo của đoàn thể này. Tháng 8-1945, sau khi Inđônêxia tuyên bố độc lập, ông đứng ra tổ chức Đoàn thanh niên Inđônêxia, làm Bí thư Ban Chấp hành Đoàn; năm 1947, là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Inđônêxia; năm 1947-1948, làm Bí thư Mặt trận dân chủ nhân dân Inđônêxia; năm 1948 được bầu vào Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Inđônêxia; năm 1951, được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng; năm 1954, là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, cùng năm được bầu vào Quốc hội. Từ năm 1959, ông là Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Inđônêxia; năm 1961, làm Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc; năm 1965, sau sự kiện “30-9”, Đảng Cộng sản Inđônêxia bị đàn áp khốc liệt, D.N. Aiđích bị sát hại.

B

BATO, X. (Xukhê Bato) (1893-1923). Anh hùng dân tộc, một trong những người sáng lập Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ.

Năm 1919, Xukhê Bato thành lập tổ chức cách mạng đầu tiên ở Uốcghe (nay là Ulan Bato). Năm 1921, Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc cách mạng nhân dân đã thành công ở Mông Cổ. Cùng với Sôibanxan, ông thành lập những đơn vị du kích, sau đó lãnh đạo quân đội cách mạng Mông Cổ chiến đấu chống bọn bạch vệ của tướng phỉ Ughêsơhô. Tháng 10-1921, ông dẫn đầu Đoàn đại biểu Mông Cổ sang thăm Mátxcơva và được Lênin tiếp kiến. Tháng 2-1923, ông bị kẻ thù ám sát, mất tại Ulan Bato.

BRÊGIƠNÉP, L.I. (Lêônít Ilích Brêgiơnép) (1906-1982). Năm 1927-1930, làm công nhân ở Uran. Năm 1931, vào học ở Học viện Luyện kim tại Nieppơrốtdácginxcơ. Năm 1939, là Bí thư Đảng bộ Đảng Cộng sản Ucơren miền Nieppơrôpêtrốpxcơ. Từ năm 1946, lần lượt được cử làm Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Ucơren miền Dapôrôgie và Nieppơrôpêtrốpxcơ. Đại hội lần thứ XIX, L. Brêgiơnép là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ năm 1954 đến năm 1956, là Bí thư thứ hai và Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cadắcxtan. Từ năm 1957 đến năm 1965, là Ủy viên Chủ tịch đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô. Từ năm 1965 đến năm 1982, là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô.

C

CÂYTA, M. (Môđibô Câyta) (1915-1977). Sinh ở Bamacô. Năm 1945, ông cùng một số trí thức khác lập ra chính đảng đầu tiên ở Mali mang tên là "Khối Xuđăng" và năm 1947, ông là Tổng thư ký của đảng này. Năm 1948, được bầu là nghị sĩ Viện dân biểu địa phương Xuđăng và năm 1956, ông lại được bầu làm đại biểu Xuđăng ở Quốc hội Pháp. Đầu năm 1959, M. Câyta tham gia việc thành lập Liên bang Mali và khi Liên bang Mali tuyên bố độc lập ngày 20-6-1960, ông được cử làm Tổng thống. Khi Xênêgan tách khỏi Liên bang Mali, ông là Tổng thống nước Cộng hòa Mali.

CHU ÂN LAI (1898-1976). Nhà hoạt động của Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc, nguyên Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (1956-1976).

Năm 1919, ông theo học ở Pháp. Tại đây, ông tham gia thành lập tổ chức mácxít, rồi gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Cùng năm này, ông gặp Nguyễn Ái Quốc. Năm 1924, ông về nước và được cử làm Chủ nhiệm chính trị Trường Quân sự Hoàng Phố. Năm 1927, là một trong những người lãnh đạo Cuộc khởi nghĩa Nam Xương. Sau đó, ông được cử làm Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1928, là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Ông là một trong những người lãnh đạo cuộc Vạn lý trường chinh (1934) và là người thay mặt Đảng Cộng sản Trung Quốc đàm phán với Quốc dân Đảng Trung Quốc, thực hiện Quốc - Cộng hợp tác trong kháng chiến chống phát xít Nhật (1937-1945).

Cách mạng Trung Quốc thành công, ông là Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Phó Chủ tịch Hội nghị Chính trị hiệp thương. Ông là Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Hội nghị Giơnevơ (1954) và Hội nghị Băngđung (1955). Đầu tháng 7- 1954, Thủ tướng Chu Ân Lai đã gặp gỡ và trao đổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình và phương án đấu tranh tại Hội nghị Giơnevơ.

CHU ĐỨC (1886-1976). Năm 1911, tham gia khởi nghĩa Vân Nam. Sau đó, là Thiếu tướng, Lữ trưởng của Quân đội Vân Nam. Năm 1922, sang Đức học và tham gia Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1925, học Trường đại học Phương Đông (Liên Xô) tại lớp huấn luyện quân sự bí mật. Năm 1926, về nước. Năm 1927, tham gia lãnh đạo Cuộc khởi nghĩa Nam Xương. Năm 1934, tham gia cuộc Vạn lý trường chinh. Thời kỳ chiến tranh chống Nhật, ông giữ chức Tổng chỉ huy và Tổng Tư lệnh Bát lộ quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Trung ương kiêm Phó Tổng Tư lệnh Chiến khu 2. Tháng 9-1949, được bầu làm Phó Chủ tịch Chính phủ nhân dân Trung ương. Tháng 10-1949, là Tổng tư lệnh Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc. Năm 1954, là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Năm 1955, được phong hàm Nguyên soái. Từ năm 1959, được bầu là Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc các khóa II, III, IV và được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba (khóa VI), được bầu vào Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương lần thứ năm (khóa VI), vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Đại hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ VII, VIII, IX, X.

 D

DAVÁTXKI, AILẾCHXĂNGĐƠ (A.Zawadzki) (1899-1964). Nhà hoạt động của Đảng và Nhà nước Ba Lan. Ông tham gia Liên đoàn những người yêu nước Ba Lan từ rất sớm và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Quân đội Ba Lan như: Phó Tư lệnh Quân đoàn thứ nhất, Tổng Tham mưu trưởng Quân du kích Ba Lan, Phó Tư lệnh Quân đội Ba Lan ở Liên Xô... Năm 1952, ông được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Ba Lan. Từ năm 1956, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan.

DIỆP KIẾM ANH (1897-1986) là người Quảng Đông. Năm 1920, sau khi tốt nghiệp Trường Quân sự Vân Nam, tham gia quân đội của Tôn Trung Sơn. Năm 1924, tham gia thành lập Trường Quân sự Hoàng Phố. Tháng 7 năm 1927, bí mật gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 12 năm 1927, ông cùng với Trương Thái Lôi, Diệp Đĩnh phát động Khởi nghĩa Quảng Châu, là Phó Tổng chỉ huy. Năm 1928, sang Liên Xô học. Năm 1930, về nước, tại Khu Xô viết Trung ương và lần lượt giữ các chức vụ: Ủy viên Ủy ban quân sự cách mạng Trung ương kiêm Tổng tham mưu trưởng, Hiệu trưởng Trường Hồng quân Công Nông... Tháng l0-1934, tham gia cuộc Vạn lý trường chinh, là Tham mưu trưởng Bộ Tổng chỉ huy. Từ năm 1937 đến năm 1949, lần lượt giữ các chức vụ: Ủy viên Cục Trường Giang, Thường vụ Cục Phương Nam, Tham mưu trưởng Ủy ban quân sự Trung ương, Tham mưu trưởng Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc.

Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập, Diệp Kiếm Anh từng giữ các chức: Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Bắc Kinh kiêm Thị trưởng, Ủy viên Chính phủ nhân dân Trung ương, Chủ tịch Chính phủ nhân dân Quảng Đông, Tư lệnh Quân khu Hoa Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Năm 1955, ông được phong quân hàm Nguyên soái.

 Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc các khóa VII, IX, X, XI, XII, ông đều được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rồi tham gia Bộ Chính trị.

Đ

ĐAMIANỐP, G.B. (1892-1958). Nhà hoạt động chính trị Bungari. Trong những năm 1914-1918, ông tham gia lãnh đạo phong trào công nhân cách mạng trong binh lính ngoài mặt trận, là một trong những người lãnh đạo phong trào chống phát xít. Từ năm 1944, ông phụ trách công tác quân sự của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Bungari. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị từ tháng 5-1945, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1946 đến năm 1950. Năm 1950, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Bungari.

ĐÍCHMAN, Đ. Sinh ngày 19-1-1893 tại Phiserudơ, quận Bơrêm, đã học qua nhiều trường đại học nổi tiếng của Đức. Năm 1918, gia nhập Đảng Nhân dân Đức và sau đó trở thành người lãnh đạo của Đảng này. Năm 1945, ông là một trong những người sáng lập ra Đảng Tự do Dân chủ Đức và giữ cương vị Phó Chủ tịch Đảng. Năm 1946, trúng cử vào Quốc hội xứ Xaxơ. Năm 1948, giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ xứ Xaxơ. Tháng 10-1949, nước Cộng hòa Dân chủ Đức thành lập, ông được giữ chức Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Tháng 4-1959, ông dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức sang thăm Việt Nam và đã có nhiều cuộc tiếp kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

G

GĂNGĐI, M.K. (Mohandas Karamchand Gandhi) (1869-1948). Nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào giải phóng dân tộc Ấn Độ, lãnh tụ của Đảng Quốc Đại. M.K. Găngđi là người khởi xướng phong trào đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ theo chủ trương ''kháng cự không bằng bạo lực", không dùng và không coi bạo lực là phương thức đấu tranh chính trị.

Những năm 1924-1934, 1940-1941, ông là Chủ tịch Đảng Quốc đại (Đảng Quốc dân đại hội) của Ấn Độ, có vai trò quan trọng trong việc biến Đảng này thành một tổ chức quần chúng. Học thuyết “phi bạo lực, bất hợp tác” của Găngđi trở thành tư tưởng chủ đạo của Đảng Quốc đại trong cuộc đấu tranh cho nền độc lập Ấn Độ. Tuy nhiên, năm 1946, ông cũng tuyên bố là không nhất thiết chỉ dùng phương pháp đấu tranh “phi bạo lực”.

Ông có ảnh hưởng và có uy tín lớn trong nhân dân Ấn Độ. Nhân dân gọi ông là Mahátma, nghĩa là người vĩ đại, cao cả, là ''Thánh Găngđi''.

Ông bị kẻ thù sát hại năm 1948.

GƠRÔDA, PÊTƠRU (Petru Groda) (1884-1958). Nhà hoạt động chính trị, xã hội Rumani. Năm 1933, ông sáng lập và lãnh đạo Tổ chức nông dân dân chủ Rumani. Năm 1944-1945, là Phó Chủ tịch. Từ năm 1945 đến năm 1947, là Chủ tịch Chính phủ liên hiệp các lực lượng dân chủ Rumani. Ông là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ năm 1947 đến năm 1952. Từ năm 1952 đến năm 1958, là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Rumani.

GRỐTTƠVÔN, ỐTTÔ (Otto Grotowohl) (1894-1964). Nhà hoạt động có tên tuổi của phong trào công nhân và Nhà nước Đức, nhà hoạt động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhà hoạt động chính trị, đảng viên phái tả trong Đảng Xã hội Dân chủ Đức. Năm 1945, ông là người đứng đầu Đảng Xã hội Dân chủ Đức (ở Đông Đức). Sau khi Đảng Xã hội Thống nhất Đức thành lập, ông cùng với Vinhem Pích là đồng Chủ tịch Đảng (4-1946). Từ năm 1948 đến năm 1949, là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng nhân dân Đức và Chủ tịch Hội đồng lập hiến. Từ tháng 10-1949, ông là Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Đức.

H

HOÀNG QUỐC VIỆT (1905-1992). Tên thật là Hạ Bá Cang, quê ở Đáp Cầu, Bắc Ninh. Tham gia cách mạng từ năm 1925, gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ năm 1928. Năm 1930, được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1931, bị Pháp bắt và kết án khổ sai, đưa đi đày ở Nhà tù Côn Đảo. Năm 1936, ra tù ông lại tiếp tục hoạt động. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (8-1937), ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941, làm Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951), ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, là Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tại Đại hội Đảng lần thứ III (9-1960), ông được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Năm 1961, là Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Năm 1977, là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

HOÀNG VĂN THÁI (1915-1986). Tên thật là Hoàng Văn Xiêm, quê Thái Bình. Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam; tham gia cách mạng từ hồi còn trẻ, vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1938; năm 1941 có thời gian là Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn; năm 1945, phụ trách Trường Quân chính kháng Nhật.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông lần lượt giữ các chức vụ: Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại đoàn trưởng Đại đoàn Độc lập, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Phó Bí thư Quân uỷ Miền, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Miền, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. Từ Đại hội III, IV, V, ông liên tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội nhiều khóa.

HỐTGIA, ĂNGVE (Enver Hodja) (1908-1985). Nhà hoạt động có tên tuổi của Đảng và Nhà nước Anbani. Ông là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Anbani (năm 1948, đổi tên là Đảng Lao động Anbani) và tham gia phong trào giải phóng dân tộc chống sự chiếm đóng của phát xít Italia, bị tòa án phát xít kết án vắng mặt tội tử hình. Đảng viên Đảng Cộng sản Anbani rồi Ủy viên Trung ương Đảng từ năm 1941.

Khi nước Cộng hòa nhân dân Anbani ra đời, ông liên tục được cử giữ những chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước: Bộ trưởng Ngoại giao (1946-1952), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1946-1954), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Anbani (1948) và Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Anbani từ năm 1948 đến năm 1985. Từ năm 1957, ông là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Anbani.

K

KIM NHẬT THÀNH (1912-1994). Nhà hoạt động chính trị, lãnh tụ của Đảng Cộng sản và Nhà nước nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Triều Tiên từ năm 1931. Năm 1934, ông tổ chức các đội du kích Triều Tiên tại Mãn Châu, sau đó là người chỉ huy Quân đội cách mạng Triều Tiên tham gia cuộc chiến tranh giải phóng đất nước khỏi ách chiếm đóng của phát xít Nhật.

Từ năm 1946, ông được bầu làm Bí thư thứ nhất Bộ Tổ chức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Triều Tiên và là Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời Bắc Triều Tiên, sau đó là Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Trong cuộc chiến tranh kháng Mỹ (1950-1953), ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân sự, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Triều Tiên.

KHƠRÚTSỐP, N.X. (Khơrútsốp, Nikita Xécgâyêvích) (1894-1971). Sinh ra ở Calinốpca thuộc tỉnh Cuốcxcơ và là công nhân mỏ vùng Đônbát. Năm 1918, ông gia nhập Đảng Cộng sản và tham gia Hồng quân chiến đấu ở mặt trận phía Nam. Sau nội chiến, đi học văn hóa và làm công tác đảng ở vùng Đônbát và Kiép.

 Từ năm 1931, ông là Bí thư Đảng khu Bauman, khu Cơrátxnaia Pơrétnia ở thành phố Mátxcơva. Từ năm 1932 đến năm 1934, ông là Bí thư thứ hai rồi Bí thư thứ nhất Thành ủy Mátxcơva. Năm 1934, được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1938, là Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Ucraina, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Năm 1939, là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô.

 Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, là Ủy viên Hội đồng Quân sự khu Kiép và mặt trận Tây Nam, mặt trận Xtalingrát. Năm 1943, ông được phong Trung tướng, Tổng Chỉ huy lực lượng du kích ở Ucraina. Năm 1947, ông là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Ucraina, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Ucraina, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1949, ông được bầu làm Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương thứ nhất Thành ủy Mátxcơva. Sau Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Liên Xô, là Ủy viên Chủ tịch Đoàn và Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 9-1953, ông được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ tháng 2-1958, ông là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Ủy viên Chủ tịch đoàn Xôviết tối cao Liên Xô cho đến năm 1964.

L

LÊ DUẨN (1907-1986). Nhà hoạt động xuất sắc của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, chiến sĩ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; quê làng Bích La Đông, xã Triều Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông đã tham gia phong trào đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu (1925) và các hoạt động yêu nước những năm 1926-1927; gia nhập Đảng Tân Việt (1928), hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội (1929), đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) và hoạt động tại Hà Nội. Tháng 4-1931, ông bị Pháp bắt, kết án 20 năm tù cầm cố, giam ở các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La; năm 1933, bị đày ra Côn Đảo; cuối năm 1936, được trả tự do, hoạt động cách mạng ở Quảng Trị. Cuối năm 1937, ông là Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ, Ủy viên Trung ương Đảng (1939); bị Pháp bắt lại (1940) và đày ra Côn Đảo; tháng 8-1945, trở về hoạt động ở Nam Bộ; đầu năm 1946, được điều ra Trung ương; cuối năm 1946, trở lại Nam Bộ; Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ (1947-1951); Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1951), Ủy viên Bộ Chính trị (liên tục từ tháng 2-1951). Sau năm 1954, ông trở lại Nam Bộ để lãnh đạo cách mạng, trực tiếp dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam (1956). Từ tháng 2-1957, ông được ủy nhiệm lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ năm 1960 là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Từ tháng 12-1976, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa IV, V), đại biểu Quốc hội (khóa II-VII).

Được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, giải thưởng Vì sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc của Ủy ban giải thưởng quốc tế Lênin và nhiều huân chương của Liên Xô, Lào, Campuchia, Ba Lan, Bugari, Cuba, Cộng hòa Dân chủ Đức, Hunggari, Mông Cổ, Tiệp Khắc.

LÊSI, H. (Lêsi Hátgi). Sinh năm 1913. Năm 1941, ông cùng những người yêu nước khác sang Nam Tư tổ chức đấu tranh chống lại sự chiếm đóng của phát xít Đức và Ý. Tháng 7-1943, được cử làm Ủy viên Ủy ban lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội giải phóng dân tộc Anbani. Tháng 9-1943, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban giải phóng dân tộc Anbani. Năm 1944, là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Ủy ban giải phóng dân tộc chống phát xít. Năm 1948, ông là Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Anbani và từ năm 1953, ông là Chủ tịch Chủ tịch đoàn Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Anbani.

LÔDƠBY, PH.H. (Loseby, Francis Henry) (1883-1967): Luật sư Lôdơby sinh tại Anh trong một gia đình có truyền thống về luật. Ông nội và bố đều là luật sư. Sau khi tốt nghiệp luật, ông làm luật sư trong quân đội Anh. Năm 1926, ông sang Hồng Kông làm việc trong Văn phòng luật sư Rớtxơ và Công ty RUSS & Công ty. Năm 1928, ông mua văn phòng này. Năm 1931, ông là cố vấn luật bào chữa thành công trong vụ án Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc) - một vụ án nổi tiếng ở Hồng Kông.

Đầu năm 1960, theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luật sư Lôdơby cùng phu nhân và con gái sang thăm Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa gia đình luật sư thăm nhiều nơi, tặng quà, ảnh kỷ niệm cho gia đình luật sư. Năm 1967, khi biết tin luật sư Lôdơby qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Hồng Kông đã gửi vòng hoa viếng và căn dặn trên băng tang của vòng hoa chỉ ghi “Hồ Chí Minh”. Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, bà Lôdơby và con gái đã gửi điện chia buồn.

LƯU THIẾU KỲ (1898-1969). Nhà hoạt động chính trị Trung Quốc, sinh ở tỉnh Hồ Nam, gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1921 và là một trong những đảng viên cộng sản Trung Quốc đầu tiên học tại Mátxcơva (1921-1922). Từ năm 1931, là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1936, là Bí thư Đảng bộ Hoa Bắc và Hoa Trung, Chính ủy Tân tứ quân thời kỳ 1941-1942. Từ sau năm 1949, được bầu làm Phó Chủ tịch Chính phủ. Từ năm 1954, là Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc. Từ năm 1956, là Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1959, được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ông bị xử trí oan sai trong cách mạng văn hóa (1968). Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 11, năm 1980, quyết định khôi phục tên tuổi của ông.

LÝ THỪA VÃN (1875-1965). Nguyên Tổng thống Đại Hàn dân quốc; thuở nhỏ theo Nho học, sau chuyển sang Tây học; năm 1895, dạy tiếng Anh tại “Bồi tài học đường” ở Xơun; du học ở Mỹ từ năm 1904 đến năm 1910. Năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng, ông từ Mỹ trở về Xơun, làm Nghị trưởng “Nghị viện dân chủ” và Chủ tịch Quốc hội trong khu vực do quân đội Mỹ chiếm đóng; tháng 8-1948, thành lập Chính phủ Đại Hàn dân quốc, là Tổng thống Đại Hàn dân quốc những năm 1948-1960.

M

MAO TRẠCH ĐÔNG (1893-1976). Nhà hoạt động chính trị Trung Quốc, quê ở tỉnh Hồ Nam. Năm 1921, ông tham gia Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau đó, phụ trách Bí thư Khu ủy Khu vực Hồ Nam. Năm 1923, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, làm Bí thư Trung ương Cục phụ trách công tác tổ chức. Năm 1930, ông làm Tổng Chính ủy Hồng quân Trung Quốc. Tháng 11-1931, là Chủ tịch Chính phủ Dân chủ công nông Trung Hoa. Tháng 1-1933, là Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Từ tháng l-1935, là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Tháng 2-1945, ông được bầu làm Chủ tịch Bộ Chính trị và Chủ tịch Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ năm 1949 đến năm 1954, ông là Chủ tịch Chính phủ nhân dân Trung ương và từ năm 1954 đến năm 1959, ông là Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

MICAIAN, A.I. (1895-1978). Nhà hoạt động chính trị Xôviết. Những năm 1926-1934 là Ủy viên nhân dân Thương mại và cung ứng; những năm 1934-1938, là Ủy viên nhân dân Công nghiệp thực phẩm; những năm 1938-1942, là Ủy viên nhân dân Ngoại thương; những năm 1942-1945, phụ trách Trường Hậu cần Hồng quân, những năm 1946-1964, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Năm 1964, được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô.

MUYNNI, Ph. sinh năm 1886. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, bị động viên tham chiến ở mặt trận phía Đông và bị Nga bắt làm tù binh. Sau đó, tham gia Cách mạng Tháng Mười cùng những người bônsêvích. Năm 1918, trở về Hunggari và là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Hunggari. Trong thời kỳ Cộng hòa Xôviết Hunggari nắm chính quyền, ông giữ chức Tổng Chỉ huy những đơn vị cận vệ ở Buđapét và Chính trị viên Bộ Tổng tư lệnh Hồng quân. Sau khi Chính quyền Xôviết Hunggari thất bại, ông sang Liên Xô. Năm 1936, tình nguyện sang chiến đấu chống phát xít ở Tây Ban Nha, bị bắt đưa sang Pháp, sau đó, được trả tự do và trở lại Liên Xô. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông tham gia chiến đấu trong Quân đội Liên Xô.

Năm 1945, trở về giải phóng Hunggari, giữ chức Cục trưởng Cục công an thành phố Buđapét. Năm 1949, hoạt động trong ngành ngoại giao, lần lượt giữ chức Công sứ Hunggari ở Phần Lan, Đại sứ ở Bungari, Đại sứ ở Liên Xô và Đại sứ ở Nam Tư.

Từ năm 1957, giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Hunggari, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội Công nhân Hunggari, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội Công nhân Hunggari. Năm 1958, được giữ chức Thủ tướng Chính phủ Công Nông Cách mạng nước Cộng hòa nhân dân Hunggari. Tháng 4-1959, dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Hunggari sang thăm Việt Nam và hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu.

N

NÊRU, J. (Nehru Jawaharlal) (1889-1964). Năm 1912, ông gia nhập Đảng Quốc đại Ấn Độ. Năm 1918, được bầu là Ủy viên Ủy ban toàn quốc của Đảng. Năm 1929, là Tổng thư ký Đảng Quốc đại. Trong các năm 1929-1930, 1936-1937, 1946, 1951-1954, ông giữ cương vị là Chủ tịch Đảng Quốc đại.

 Năm 1946, Nêru tham gia thành lập Chính phủ lâm thời Ấn Độ và được cử giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Từ năm 1947, sau khi Ấn Độ tuyên bố độc lập, ông là Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Ấn Độ và là một trong những người đóng góp tích cực vào phong trào củng cố hòa bình và hợp tác giữa các nước, đề xướng và theo đuổi năm nguyên tắc chung sống hòa bình, sáng lập tổ chức các nước không liên kết.

Ông là người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tác giả của nhiều tác phẩm nghiên cứu về phong trào dân tộc.

NÔVỐTNI, A. (Antônin Nôvốtni) (1904-1975). Nhà hoạt động chính trị Tiệp Khắc, đảng viên Đảng Cộng sản Tiệp Khắc từ năm 1928; năm 1946, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 11-1957, ông được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Tiệp Khắc.

NU, U. Nhà hoạt động chính trị Miến Điện (Mianma), sinh ngày 25-5-1907, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Rănggun và sớm tham gia phong trào yêu nước trong sinh viên. Ông là thành viên Đảng Tabin, một đảng đấu tranh đòi độc lập cho Miến Điện từ năm 1933, là Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 1943 đến năm 1945. Từ năm 1947 đến năm 1956 và từ tháng 2-1957, là Thủ tướng Liên bang Miến Điện. Ông là một trong những người sáng lập ra Phong trào Không liên kết.

P

PICH, VINHEM. (Wilhelm Pieck) (1876-1960). Lãnh tụ của Đảng và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức, chiến sĩ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Ông tham gia Đảng Xã hội Dân chủ Đức từ năm 19 tuổi. Năm 1918, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sau đó, được bầu vào Quốc hội Đức. Năm 1936, được bầu làm Chủ tịch Đảng Cộng sản Đức và là người tổ chức các hoạt động chống chủ nghĩa phát xít. Năm 1949, ông được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Đức và năm 1957, ông được bầu lại cương vị này.

PHIẾCLINHGƠRƠ, Z. Sinh năm 1891, tại Ôlômúc (Tiệp Khắc), ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1914. Sau khi nước Cộng hòa Tiệp Khắc được thành lập, ông giữ chức Công sứ toàn quyền của Tiệp Khắc tại Hà Lan, Rumani, Mỹ, Thụy Sĩ và Áo..., Đại sứ ở Liên Xô từ năm 1937. Ông là một trong những người lãnh đạo phong trào kháng chiến của Tiệp Khắc ở nước ngoài thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II. Năm 1945, được cử giữ chức Chủ tịch Chính phủ, sau đó, giữ chức Phó Chủ tịch Chính phủ Tiệp Khắc. Từ năm 1953, được bầu làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Tiệp Khắc, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc.

Tháng 2-1960, ông dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Tiệp Khắc đến thăm Việt Nam và đã được tiếp kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PRAXÁT, R. (Ragiăngđra Praxát) (1884-1963). Năm 1920, Praxát tham gia phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Ấn Độ. Năm 1946, ông được cử giữ chức Chủ tịch Quốc hội lập hiến. Năm 1947, là Chủ tịch Đảng Quốc đại Ấn Độ. Năm 1950, ông giữ chức Tổng thống Chính phủ lâm thời. Từ năm 1952 đến năm 1962, ông được bầu giữ chức Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ.

R

RAO, H. Sinh ngày 2-4-1899 ở Stútgát (Đức). Năm 1913, tham gia hoạt động trong phong trào công nhân và công đoàn ở Đức. Năm 1919, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đức.

Từ năm 1920 đến năm 1933, là Bí thư Cục Kinh tế nông nghiệp của Trung ương Đảng Cộng sản Đức, Ủy viên Ban Thư ký của Ủy ban Quốc tế tổ chức công nhân nông nghiệp. Từ năm 1928 đến năm 1933, là nghị sĩ Nghị viện Phổ với danh nghĩa là đại biểu của Đảng Cộng sản Đức. Từ năm 1933 đến năm 1935, bị phát xít Đức cầm tù. Sau đó, vượt ngục. Từ năm 1937 đến năm 1945, tham gia đội quân chống phát xít ở Tây Ban Nha và lại bị bắt cho đến khi chiến tranh kết thúc mới được trả tự do.

Từ năm 1945 đến năm 1948, là cán bộ đảng của Đảng Xã hội Thống nhất Đức đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế xứ Bơranđenbua. Năm 1948-1949, được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhà nước Đức. Năm 1960, là Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng phái đoàn Chính phủ Đức sang thăm Việt Nam, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật.

T

TAGO, R. (Rabinđranót Tago) (1861-1941). Nhà thơ lớn, nhà yêu nước nhiệt thành của nhân dân Ấn Độ. Ông sinh ra ở Cancútta trong một gia đình quý tộc thuộc đẳng cấp Bàlamôn. Ông thể hiện tài năng từ rất sớm. Năm 8 tuổi, ông đã nổi tiếng “thần đồng” về thơ văn. Là một người yêu nước, ông tích cực tham gia vào các cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược và thống trị của thực dân Anh. Năm 1901, Tago thành lập và trực tiếp phụ trách một trường đại học ở Xantinikêtan với mục đích thực hiện một nền giáo dục dân tộc theo tinh thần nhân đạo chủ nghĩa. Ông đã đi nhiều nơi trên đất Ấn Độ để tuyên truyền tư tưởng dân tộc chống bọn thực dân Anh. Năm 1936, ông tham gia Hội Nhà văn tiến bộ của Ấn Độ và là một trong những người lãnh đạo Hội công khai chống đối lại ách thống trị của thực dân Anh.

 Tago đã để lại cho nền văn học Ấn Độ một gia sản lớn các tác phẩm văn học, thơ ca, trong đó có tập thơ: “Dâng nổi tiếng (giải Nôben năm 1913). Những hoạt động và sáng tác của Tago có tác dụng rất lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc Ấn Độ, lãnh tụ Găngđi đã coi ông là: “Người thầy học vĩ đại, người lính gác vĩ đại”.

TITÔ BRÔDƠ, I. (1892-1980). Nhà hoạt động chính trị Nam Tư. Ông là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nam Tư. Từ năm 1936 và sau đó, là Chủ tịch Liên đoàn những người cộng sản Nam Tư. Ông là người tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Tư chống phát xít (1941-1945). Từ năm 1945, ông là người đứng đầu Chính phủ Nam Tư; năm 1953, là Tổng thống nước Cộng hòa Nam Tư, sau này, là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Nam Tư. Ông là một trong những người sáng lập ra phong trào Không liên kết.

TURÊ, X. (Sékou Touré) (1922-1986). Ông là người lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Ghinê, là một trong những người sáng lập Liên đoàn dân chủ châu Phi và là Phó Chủ tịch Liên đoàn (thành lập ở Bamacô năm 1946). Ông đã từng là Tổng Bí thư Đảng Dân chủ Ghinê. Năm 1955, là Thị trưởng thành phố Cônacơri và được bầu là nghị sĩ Ghinê trong Quốc hội Pháp (1956). Năm 1957, ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Chính phủ Ghinê và là nghị sĩ của Đại hội đồng Tây Phi thuộc Pháp. Ông là người thúc đẩy độc lập của Ghinê. Sau khi giành lại được độc lập (2-10-1958), ông là Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Ghinê và ít lâu sau là Tổng thống nước này.

U

UNBƠRÍCH, V. (Vante Unbrích) (1893-1973). Ông tham gia Đoàn Thanh niên công nhân ở Lépdích từ năm 15 tuổi. 19 tuổi, ông trở thành đảng viên Đảng Xã hội Dân chủ Đức. Năm 1923, là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đức và là người có công lớn trong việc thống nhất Đảng Cộng sản Đức và Đảng Xã hội Dân chủ Đức thành Đảng Xã hội Thống nhất Đức. Năm 1950, là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội Thống nhất Đức. Năm 1960, là Chủ tịch Hội đồng quốc gia nước Cộng hòa Dân chủ Đức cho tới khi mất.

V

VAXILIÊVA, V. (Vaxiliêva, Vêra Iacốplépna) (1900-1959). Nhà hoạt động có tên tuổi của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản. Những năm 1931-1938 là Trưởng phòng Đông Dương của Ban Phương Đông, kiêm giảng viên của Trường đại học Phương Đông và Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Quốc tế Cộng sản. Bà đã tham gia đào tạo nhiều sinh viên sau này là những nhà hoạt động cách mạng có tên tuổi ở Việt Nam. Bà là người bạn chân thành và tin cậy của Nguyễn Ái Quốc trong những năm Người công tác ở Liên Xô thời kỳ 1934-1938, đã giúp đỡ và bảo vệ Người trong những lúc khó khăn. Năm 1955, bà gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Mátxcơva khi Người đi thăm chính thức Liên Xô trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, bà nhận được thư mời thăm Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách cá nhân. Do bà lâm bệnh rồi qua đời, chuyến thăm chưa được thực hiện. Khi bà mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chia buồn sâu sắc tới đồng chí Ô. Kuuxơuen, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, nguyên Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản (1935-1943).

VÔRÔSILỐP, K.E. (Klimentơ Ephơrêmôvích Vôrôsilốp) (1881-1969). Nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô, Nguyên soái Liên Xô. Ông gia nhập Đảng Xã hội Dân chủ Nga từ năm 1903 và đứng về phía những người Bônsêvích. Trong những ngày Cách mạng Tháng Mười, Vôrôsilốp lãnh đạo khởi nghĩa ở vùng Đônbát. Trong những năm nội chiến, ông chỉ huy ở nhiều mặt trận, chiến đấu bảo vệ chính quyền Xôviết.

 Vôrôsilốp đã giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước Liên Xô: Ủy viên Bộ Chính trị (1926), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Ủy viên nhân dân phụ trách quân sự và Hải quân (1925), Ủy viên nhân dân Quốc phòng Liên Xô (1934-1940), Phó Chủ tịch Hội đồng Ủy viên nhân dân Liên Xô, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng Nhà nước (1941-1945), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (1946), Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô (1953-1960). Ông đã có nhiều cuộc gặp gỡ, đàm phán với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1957, Chủ tịch Vôrôsilốp dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô đã sang thăm chính thức Việt Nam.

X

XAMBU, G. (Giamxaranghin Xambu) (1895-1972): Nhà hoạt động chính trị Mông Cổ. Là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1952-1953) rồi Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ từ năm 1954.

XÊĐENBAN, J. (Jumhadin Xedenban) (1916-1991). Nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng và Nhà nước Mông Cổ, nguyên Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ.

Từ năm 1939, ông bắt đầu phụ trách công tác Đảng và tham gia Ban lãnh đạo Nhà nước Mông Cổ. Ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ và giữ chức vụ Tổng Bí thư từ năm 1940 đến năm 1984. Nguyên soái (1979).

Ông là người có nhiều cống hiến trong sự nghiệp cách mạng Mông Cổ và xây dựng tình hữu nghị đoàn kết giữa hai nước Việt Nam - Mông Cổ. Tháng 7-1984, Xêđenban được Đảng và Nhà nước ta trao tặng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của nước Việt Nam.

XIHANÚC, N. (Nôrôđôm Xihanúc). Nhà hoạt động chính trị Campuchia. Sinh năm 1922; những năm 1930-1940, học tại Phnôm Pênh và Sài Gòn (Việt Nam); tháng 4-1941, được bầu làm vua nước Campuchia; những năm 1946-1948, học tại Pháp. Năm 1955, thoái vị và được cử làm Thủ tướng; năm 1956, tham gia sáng lập Phong trào Không liên kết. Năm 1960, được bầu làm Quốc trưởng. Sau cuộc đảo chính tháng 3-1970, ra nước ngoài. Năm 1975, về nước làm Chủ tịch Nhà nước; năm 1976, từ chức. Năm 1991, làm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc tối cao, sau đó là Quốc trưởng. Từ năm 1993 đến năm 2004, được bầu làm Quốc vương Campuchia. Xihanúc đã nhiều lần sang thăm Việt Nam và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

XAVANGVÔNG, W. (Savangvông Watthana) (1907-1978). Vua Lào, sinh tại Luang Phrabang. Năm 1930, là Tổng Thư ký vương triều; năm 1946, gia nhập liên quân Pháp - Lào; lên ngôi vua ngày 1-11-1959; năm 1975, thoái vị và được cử làm Cố vấn tối cao Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

XUCÁCNÔ, A. (Ácmét Xucácnô) (1907-1970). Lãnh tụ phong trào độc lập của Inđônêxia, người sáng lập và là Chủ tịch Đảng Quốc dân Inđônêxia (1927); Chủ tịch Đảng Inđônêxia (1932); Tổng thống nước Cộng hòa Inđônêxia những năm 1945-1965. Là một trong những người đề xướng việc triệu tập Hội nghị Băngđung (1955).