TUYÊN GIÁO

Biểu tượng cao đẹp làm nên sức mạnh và sự trường tồn quốc gia, dân tộc

HT|16/3/2022|10:10

(Nguồn: Trang tin điện tử Đảng bộ Thành Phố Hồ Chí Minh - https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/bieu-tuong-cao-dep-lam-nen-suc-manh-va-su-truong-ton-quoc-gia-dan-toc-1491891708)

(Thanhuytphcm.vn) - “Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi. Mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ngọn đuốc hòa bình bao người đã ngã. Máu của người nhuộm mặn sóng biển đông… Tổ quốc linh thiêng Tổ quốc linh thiêng…” Mỗi khi điệp khúc hào hùng, bi tráng trong bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” do nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc từ bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai vang lên cũng là khi triệu triệu con tim người Việt Nam sục sôi, trào dâng niềm tự hào dân tộc, với tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, với ý chí kiên cường, quật khởi; với tinh thần vệ quốc vô song trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của dân tộc.

Trong dòng cảm xúc ấy, ai trong chúng ta cũng không khỏi bồi hồi, xúc động khi tưởng nhớ về sự hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam để bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ 34 năm về trước. Đó là vào ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã dùng lực lượng quân sự hùng mạnh với sự xuất hiện của tàu chiến và nhiều loại vũ khí hiện đại tấn công nhằm đánh chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đáp lời sông núi, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam trên 03 con tàu HQ604, HQ505, HQ605 dù chỉ với những vũ khí thô sơ, dù phải giáp mặt với đối phương hùng mạnh, nhưng với truyền thống yêu nước, với khát vọng hòa bình của những người con mang dòng máu Lạc Hồng, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, các anh đã gan dạ, kiên cường, dũng cảm xông lên chiến đấu với kẻ thù để gìn giữ từng tấc biển, tấc đảo quý giá của quê hương, đất nước.

Trong cuộc chiến không cân sức ấy, các anh đã vĩnh viễn nằm lại dưới làn mưa đạn, máu của các anh đã lẫn vào vị mặn của biển, xương thịt của các anh đã ngấm sâu nơi lòng đảo và đại dương. Các anh mãi mãi đi xa, nhưng tên tuổi các anh sẽ luôn được Tổ quốc khắc ghi, sự hy sinh của các anh mãi được đời đời ơn nhớ; tinh thần chiến đấu can trường của các anh luôn là tấm gương sáng rọi vào tâm tưởng của các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau. Hình ảnh các chiến sĩ siết chặt tay nhau, kết thành vòng tròn hiên ngang, sừng sững chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma mãi là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, mãi là động lực để làm nên sức mạnh và sự trường tồn quốc gia, dân tộc.

Theo thời gian, sự kiện Gạc Ma dần lùi về quá khứ, thế nhưng phải khẳng định rằng cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo và sự hy sinh quên mình của 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam năm ấy vẫn còn nguyên giá trị đối với toàn dân tộc ở cả hiện tại và tương lai. Tất cả họ đã mãi yên nghĩ dưới lòng đại dương, cho Tổ quốc được sống, cho Đất nước được vẹn nguyên, cho Nhân dân được hưởng giá trị của hai tiếng hòa bình. Đó như là chân lý không thể phủ nhận.

Tuy vậy, trong tình hình hiện nay, khi chính trị khu vực và quốc tế có những diễn biến phức tạp, khó lường, lợi ích ở biển Đông ngày càng được “ưu tiên” trong quá trình xác lập địa chính trị của các quốc gia, kéo theo là các tranh chấp, xung đột liên quan đến vấn đề biển, đảo đã và đang trở thành “điểm nóng” trong chính sách đối ngoại cộng đồng quốc tế, trong đó Việt Nam có thể là thành viên hoặc đối tác. Thực tế đó, có thể dẫn đến những cứ liệu, thông tin lịch sử về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, trong đó có diễn biến, tính chân thực sự kiện 14/3/1988 bị hiểu sai lệch, gây bất lợi cho chúng ta trong thực hiện chính sách đối với vùng biển, đảo thuộc chủ quyền quốc gia. Cùng với đó là quá trình thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, chống đối chính trị luôn không ngừng tung ra những luận điệu có tính xuyên tạc, phủ định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có vấn đề biển, đảo. Với chiêu bài “lật sử”, “xét lại”, sẽ xuất hiện và lan truyền những luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc, bóp méo, bôi đen lịch sử công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc, hòng làm “lu mờ”, “thay đổi” bản chất, tính chính nghĩa của sự kiện 14/3/1988 và sự hy cao cả của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.

Do đó, hơn ai hết, chúng ta – là người Việt Nam phải luôn ghi nhớ, luôn tôn trọng và không được phép lãng quên những giá trị lịch sử của dân tộc qua sự kiện này; mỗi chúng ta phải nhận thức sâu sắc, toàn diện về tính chính nghĩa cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và bản chất cao đẹp, sự hy sinh cao cả của 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo Gạc Ma; tích cực tìm hiểu, nghiên cứu, thông suốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong nhận thức và giải quyết vấn đề biển Đông. Đó là cơ sở để nhận diện và “đề kháng” trước những quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực chống phá cách mạng. Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân phải là những “dư luận viên” nòng cốt, tích cực góp phần cùng toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể bảo vệ, gìn giữ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“…Tổ quốc linh thiêng, Tổ quốc linh thiêng. Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa. Tôi lắng nghe, Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”…

Số lượt truy cập: