NGUỒN GỐC, QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH* 

TÌNH HÌNH QUỐC TẾ

Vào nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã phát triển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Chỉ chín nước đế quốc (1) đã chi phối toàn bộ tình hình thế giới. Phần lớn các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh đã trở thành thuộc địa hoặc phụ thuộc của chúng. Nhân dân các nước thuộc địa bị chủ nghĩa thực dân tước hết những giá trị văn hoá, tinh thần, quyền lợi kinh tế và địa vị xã hội… Mạng sống của người dân thuộc địa “không đáng một trinh” (2) . Cùng với mâu thuẫn cơ bản trong xã hội tư bản - mâu thuẫn giữa vô sản và tư sản, chủ nghĩa đế quốc làm phát sinh một mâu thuẫn mới - mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc thực dân. Mâu thuẫn này ngày càng gay gắt. Vì vậy, từ đầu thế kỷ XX phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa ngày càng phát triển, nhưng chưa ở đâu giành được thắng lợi.

Trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc, Lênin đã phát triển chủ nghĩa Mác thành chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự xuất hiện chủ nghĩa Lênin là một nhân tố đặc biệt quan trọng đối với việc ra đời và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ nghĩa đế quốc và sự tranh chấp thuộc địa giữa chúng là nguyên nhân gây ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918). Cuộc chiến tranh hao người tốn của ấy đã khơi sâu, làm gay gắt thêm mâu thuẫn giữa các nước tư bản chủ nghĩa, làm cho chủ nghĩa tư bản thế giới suy yếu, tạo điều kiện cho Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga giành được thắng lợi. Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, mở ra thời đại mới của lịch sử loài người - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đồng thời, Nhà nước Xôviết ra đời làm nảy sinh một mâu thuẫn mới mang tính thời đại - mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.

Những nhân tố quốc tế nêu trên đã tạo những tiền đề và điều kiện cơ bản thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam phát triển với xu hướng và tính chất mới.

TÌNH HÌNH VIỆT NAM

Giữa thế kỷ XIX (1858), Việt Nam từ một quốc gia phong kiến độc lập đã bị chủ nghĩa tư bản Pháp xâm lược, trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản Pháp đã làm nảy sinh trong xã hội Việt Nam hai giai cấp mới: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, bị mất độc lập tự do, nhân dân ta không ngừng nổi lên chống lại chúng.

Kể từ khi triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước Patơnốt (6-6-1884) chịu sự bảo hộ của đế quốc Pháp, trừ một số ít người cam tâm làm tay sai cho giặc, còn đại đa số nhân dân vẫn nung nấu ý chí căm thù và chờ thời cơ vùng lên tự giải phóng. Lớp lớp sĩ phu và đồng bào yêu nước đã liên tục đứng lên chiến đấu giành lại độc lập. Song, những kinh nghiệm lịch sử chống ngoại xâm không phát huy được tác dụng trước một kẻ thù mới - chủ nghĩa đế quốc. Các phong trào kháng chiến đều bị dìm trong máu, lửa. Sau thất bại của phong trào Cần Vương và các phong trào cứu nước theo hệ tư tưởng tư sản, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng đường lối. Cả dân tộc chìm đắm trong đêm dài nô lệ, tưởng chừng như không có đường ra.

Từ những bối cảnh quốc tế và trong nước nêu trên, Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và từng bước hình thành tư tưởng của mình, đáp ứng đòi hỏi bức thiết của dân tộc và thời đại.

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH* 

1. NHỮNG TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA DÂN TỘC, TRƯỚC HẾT LÀ CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC VIỆT NAM

Tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống cần cù lao động, anh dũng chiến đấu trong dựng nước và giữ nước, truyền thống đoàn kết, sống có tình, có nghĩa, nhân ái Việt Nam. Trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam thì chủ nghĩa yêu nước là dòng chủ lưu xuyên suốt lịch sử dân tộc.

Chủ nghĩa yêu nước đã trở thành động lực, sức mạnh truyền thống, đạo lý làm người, niềm tự hào và là nhân tố hàng đầu trong bảng giá trị tinh thần của con người Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (3) .

Chính sức mạnh truyền thống ấy đã thúc giục Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Đó là động lực chi phối mọi suy nghĩ, hành động của Người trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng. Đó cũng chính là cơ sở tư tưởng đã dẫn dắt Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Hồ Chí Minh viết: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba” (4) .

2. TINH HOA VĂN HÓA NHÂN LOẠI: PHƯƠNG ĐÔNG VÀ PHƯƠNG TÂY 

Cùng với chủ nghĩa yêu nước, Hồ Chí Minh còn chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Đông. Người cũng đã tiếp thu và kế thừa có phê phán tư tưởng dân chủ, nhân văn của văn hoá Phục hưng, thế kỷ Ánh sáng, của cách mạng tư sản phương Tây và cách mạng Trung Quốc.

Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh được theo học chữ Nho với các thầy vốn là những nhà Nho yêu nước. Đạo đức Nho giáo thấm vào tư tưởng tình cảm của Người không phải là những giáo điều “tam cương”, “ngũ thường” nhằm bảo vệ tôn ti trật tự phong kiến, mà tinh thần “nhân nghĩa”, đạo “tu thân”, sự ham học hỏi, đức “khiêm tốn”, tính “hoà nhã”, cách đối nhân xử thế “có lý, có tình”. Những mệnh đề “trung hiếu”, “nhân nghĩa”, “tứ hải giai huynh đệ”, “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, phương châm “khắc kỷ phục lễ”,... của các nhà hiền triết phương Đông được Hồ Chí Minh hết sức trân trọng. Trong khi tiếp thu, vận dụng những yếu tố tích cực của Nho giáo, Người cũng đồng thời phê phán loại bỏ những yếu tố thủ cựu, tiêu cực của nó.

Trước khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng dân chủ tư sản Pháp, Mỹ, đặc biệt là tư tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn (Trung Quốc)... Người đã vận dụng và phát triển các trào lưu tư tưởng học thuyết ấy lên một trình độ mới phù hợp với dân tộc và thời đại mới.

Như vậy, trong quá trình hình thành phát triển tư tưởng của mình, Hồ Chí Minh đã kế thừa có chọn lọc tinh hoa văn hoá phương Đông phương Tây, nâng lên một trình độ mới trên cơ sở phương pháp luận mácxít - lêninnít.

3. CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN

Từ khi rời Tổ quốc (1911) cho đến năm 1917, Hồ Chí Minh đã đến nhiều nước thuộc địa và nhiều nước tư bản đế quốc. Trong khoảng thời gian đó, Hồ Chí Minh được bổ sung thêm những nhận thức mới về những gì ẩn dấu đằng sau các từ Tự do, Bình đẳng, Bác ái mà vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên Người đã nghe. Khoảng cuối năm 1917, khi trở lại Pari, Hồ Chí Minh đã làm quen với nhiều nhà hoạt động chính trị, xã hội của nước Pháp và nhiều nước trên thế giới. Năm 1919, Hồ Chí Minh tham gia Đảng Xã hội Pháp (SFIO), một đảng tiến bộ lúc bấy giờ thuộc Quốc tế II.

Việc Hồ Chí Minh tiếp thu bản Luận cương của Lênin tháng 7-1920 và trở thành người cộng sản vào cuối năm đó đã tạo nên bước ngoặt căn bản trong tư tưởng của Người. Thế giới quan và phương pháp luận Mác - Lênin đã giúp Hồ Chí Minh nhìn nhận, đánh giá phân tích tổng kết các học thuyết, tư tưởng, đường lối các cuộc cách mạng một cách khoa học; cùng với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình để đề ra con dường cách mạng giải phóng dân tộc đứng đắn.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc lý luận cơ sở chủ yếu nhất của sự hình thành phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.

4. TÀI NĂNG VÀ HOẠT ĐỘNG THỰC TIỄN SÁNG TẠO CỦA HỒ CHÍ MINH

Lý luận tư tưởng bao giờ cũng là sản phẩm của con người, do con người sáng tạo ra trên cơ sở nhận thức các nhân tố khách quan.

Ngay từ khi còn trẻ, Hồ Chí Minh đã có hoài bão lớn, có bản lĩnh kiên định, giàu lòng nhân ái và sớm có chí cứu nước, tự tin vào mình.

Tư chất thông minh, tư duy độc lập, sáng tạo tính ham hiểu biết và nhạy bén với cái mới là những đức tính dễ thấy ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Phẩm chất đó được rèn luyện, phát huy trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nhờ vậy, giữa thực tiễn phong phú và sinh động, giữa nhiều học thuyết, quan điểm khác nhau, giữa biết bao tình huống phức tạp, Hồ Chí Minh đã tìm hiểu, phân tích tổng hợp, khái quát hình thành những luận điểm đúng đắn và sáng tạo, hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh. Cũng như môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh, khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh mới chỉ được bắt đầu nghiên cứu, tuy vậy, đến nay đã có tới mấy chục khái niệm về tư tưởng Hồ Chí Minh. Kế thừa thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học căn cứ vào các văn kiện của Đảng thì tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước lao kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.