TUYÊN GIÁO

trách nhiệm cải tiến và sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên

(Nguồn: Trang tin điện tử Đảng bộ Thành Phố Hồ Chí Minh - https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/trach-nhiem-cai-tien-va-sang-tao-cua-moi-can-bo-dang-vien-1491890948)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Sáng tạo là một yêu cầu, đòi hỏi quan trọng được các văn kiện của Đảng đề cập nhiều lần, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Báo cáo chính trị của Đại hội XIII đã có gần 50 lần nhắc đến từ “sáng tạo”, trong đó có những từ, cụm từ đáng chú ý như “đổi mới sáng tạo”, “khởi nghiệp sáng tạo”, “phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm”, “phát huy sức sáng tạo”, “năng lực sáng tạo”… Có những từ, cụm từ hướng đến hệ thống, các cơ quan, tổ chức, nhưng cũng có những ý nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân.

Hiểu một cách thông thường, sáng tạo là ý tưởng mới, phù hợp với thời đại và không gian sinh ra nó và ý tưởng đó mang lại giá trị cụ thể nào đó; là say mê nghiên cứu, tìm tòi để tạo ra những giá trị mới về vật chất, tinh thần hoặc tìm ra cái mới, cách giải quyết mới mà không bị gò bó hay phụ thuộc vào những cái đã có; là trong quá trình làm việc luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi và học hỏi để tìm ra cái mới, cách giải quyết tốt nhất để đạt được hiệu quả cao nhất…; là hoạt động tạo ra các sản phẩm mà sản phẩm này phải đáp ứng được hai yêu cầu: có tính mới (về chất) và có giá trị so với sản phẩm cũ (có lợi hơn, tiến bộ hơn).

Từ những cách tiếp cận đó, chúng ta có thể hiểu sáng tạo là hoạt động tạo ra bất cứ cái gì có đồng thời tính mới và tính ích lợi (trong phạm vi nhất định), có nghĩa là ở bất cứ lĩnh vực nào của thế giới vật chất và tinh thần; luôn có sự khác biệt của đối tượng cho trước so với đối tượng cùng loại ra đời trước đó về mặt thời gian; thể hiện rõ tính ích lợi như tăng năng suất, tăng hiệu quả, tiết kiệm, giảm giá thành, thuận tiện khi sử dụng, thân thiện với môi trường…; phạm vi của tính ích lợi có thể mang đến cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng, cho nhân loại…; đồng thời, phạm vi áp dụng có thể chỉ đúng trong không gian, thời gian, hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Như vậy, khi đề cập sự sáng tạo, ta phải so sánh cái đó với cái trước nó, nó phải mới hơn và mang lại tính ích thiết thực.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) đang gõ cửa đến tất cả các ngành, lĩnh vực và gần như tất cả mọi người. Thêm vào đó, dịch bệnh diễn ra gần như suốt 2 năm qua đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của xã hội, đòi hỏi các tổ chức và cá nhân phải nhanh chóng đổi mới, cải tiến, sáng tạo, từ trong tư duy, nhận thức và hành động. Đặc biệt là cán bộ, đảng viên, những người có thể coi là tinh hoa của xã hội, của đất nước, của từng cơ quan, đơn vị, phải luôn thể hiện mình là những người mạnh mẽ cải tiến, đổi mới, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn của mình.

Sự cải tiến, sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên trước hết là trong hoạt động chức nghiệp của mình, tức là trong các hoạt động theo chức trách, nhiệm vụ, nghề nghiệp cụ thể của mình, sao cho đạt năng suất, hiệu quả cao hơn trước và từ đó phục vụ nhân dân tốt hơn nữa. Thí dụ, một công chức ở bộ phận cấp phép đăng ký kinh doanh thay vì rà trên văn bản giấy có thể dùng phần phềm đọc các file văn bản để xác định nhanh chóng cá nhân, tổ chức đề nghị cấp phép có đủ điều kiện để được cấp phép hay không, nếu thiếu thì thiếu những hồ sơ, yêu cầu gì. Một cán bộ thường xuyên tham mưu trên một lĩnh vực nhất định có thể tạo các thư mục văn bản để tra cứu trên máy tính bằng các từ khóa phù hợp, thay vì phải dò trong các văn bản in. Một nhân viên thường xuyên đánh máy nên soạn sẵn các văn bản mẫu có tiêu đề, tiêu ngữ và các thành phần cơ bản để khi soạn mới chỉ cần thay đổi một số chi tiết, đồng thời, sử dụng các công cụ soạn thảo để giảm bớt thao tác, ký tự khi đánh máy, trình bày văn bản…

Sự cải tiến, sáng tạo phải thể hiện trong tư duy lẫn hành động thực tiễn. Khi nhìn nhận, đánh giá vấn đề, sự việc cần bám sát các quy luật, nắm chắc các quy định có liên quan nhưng phải thể hiện rõ quan điểm linh hoạt, phát triển và không “đóng khung” vấn đề. Chẳng hạn, một cán bộ làm công tác tổ chức khi đánh giá về một cán bộ khác nếu chỉ hạn hẹp ở bằng cấp và các khuyết điểm trước đây của người đó mà không nhìn thấy xu hướng phát triển, không nhận ra những tiến bộ rõ nét, không mạnh dạn thử thách thì không thể tự cho mình làm đúng nguyên tắc, mà có khi chính đó làm thui chột cán bộ có năng lực, tạo sự lây lan đến một số trường hợp khác tương tự. Hay khi tham mưu công tác tuyên truyền mà không chú ý đến sự tác động, tính lan tỏa của các hình thức trên mạng internet, mạng xã hội hoặc có chú ý nhưng không tìm được cách thức phù hợp thì không thể nói là có sáng tạo. Hoặc giáo viên không biết sử dụng các phần mềm để soạn bài giảng, làm video clip hay nhập điểm, tính điểm mà vẫn “làm thủ công” thì dù có siêng năng, chăm chỉ cũng khó có hiệu quả như mong muốn và khi đó, rất khó nhắc đến sự sáng tạo…

Do đó, sự sáng tạo gắn liền với việc sử dụng các công cụ hiện đại, như các phần mềm, ứng dụng, máy tính, điện thoại thông minh, các biện pháp quản lý tiên tiến… Sự sáng tạo sẽ khó đạt kết quả mỹ mãn nếu chỉ có lý thuyết suông hoặc chỉ bằng ý tưởng mà sáng tạo phải thể hiện qua các hoạt động cụ thể, thiết thực với những định lượng rõ ràng, thuyết phục, gắn với yếu tố không gian, thời gian nhất định. Bởi vậy, sáng tạo còn liên quan mật thiết đến việc tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng để có thể sử dụng, vận hành tốt các ứng dụng, thiết bị, công cụ mới.

Sự sáng tạo gắn liền với tính hiệu quả và góp phần làm giảm “thất nghiệp trá hình” trong từng cơ quan, đơn vị. Tức là, ở từng bộ phận, nhờ mỗi người đều nỗ lực cải tiến, liên tục sáng tạo mà dù có giảm nhân sự thì vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ; khi đó đã làm giảm “sự thất nghiệp” tồn tại trong từng cá nhân (do chưa làm hết năng suất) và giảm “sự thất nghiệp” trong bộ phận đó (thông qua giảm con người cụ thể).

Đồng thời, sự sáng tạo là không có giới hạn và không có điểm dừng. Một ý tưởng, một giải pháp trước đây được coi là sáng tạo và đã phát huy hiệu quả rất tích cực nhưng có thể hiện tại không còn phù hợp và cần được thay thế. Bản thân chủ nhân của sáng tạo đó cũng cần mạnh dạn tiếp tục cải tiến cho phù hợp điều kiện cụ thể, thay vì cứ khư khư giải pháp cũ khi thực tiễn đã thay đổi, khiến tính phù hợp không còn bảo đảm nữa. Như vậy, sáng tạo phải gắn liền với nhu cầu và điều kiện thực tiễn chứ không phải theo ý chí chủ quan của người nào.

Ở những khía cạnh cụ thể, sự sáng tạo phải được thể hiện qua các cải tiến kỹ thuật, các sáng kiến để công nhận chiến sĩ thi đua, đó phải thực sự là những công trình có tính mới và tính hiệu quả, chứ không phải chỉ ý tưởng có vẻ mới hoặc sao chép cái được cho là mới của người khác. Đồng thời, sự đổi mới phải tiến hành ngay trong tổ chức và sinh hoạt của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị sao cho vừa bảo đảm nguyên tắc nhưng không máy móc, cứng nhắc mà luôn có sự linh hoạt theo tình hình cụ thể.

Và trên tinh thần đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương sự sáng tạo, cải tiến và nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc để lan tỏa, lôi cuốn những người khác cùng sáng tạo, cùng cải tiến, từ đó, làm từng đơn vị, cơ quan hoàn thành tốt hơn nữa chức trách, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là sau những tổn thất nặng nề của dịch bệnh.